Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

13 thg 1, 2014

Mộ Hoàng Bì Tử - Chương 12- 16 (Thiên Hạ Bá Xướng)

Chương 12: Khu vực cấm

Yến Tử nói tôi và Tuyền béo là lũ ăn cơm chúa múa tối ngày, mới yên phận chưa được hai ba ngày đã lại nảy nói ra đòi đi thảo nguyên Khắc Luân Tả Kỳ chơi. Nhưng làm sao được, ý chúng tôi đã quyết, từ lúc nhận được thư là đứng ngồi không yên rồi, vả lại chọn ngày chi bằng gặp ngày, vừa khéo sáng sớm hôm sau, dưới hạ du sông Sát Can Cáp ở lâm trường, có chuyến tàu cuối cùng chở gỗ ra vùng bên ngoài, muốn đi thì chỉ có bắt chuyến tàu ấy mới được.
Vì là đi chơi chứ không phải làm việc nghiêm chỉnh, nên bọn tôi cũng ngại đến gặp ông bí thư xin nghỉ phép, bèn thoái thác chuyện này cho Yến Tử làm, điều kiện là bọn tôi hứa lúc ở thảo nguyên về sẽ mang cho cô nàng rất nhiều mon ngon mà cô chưa ăn bao giờ.
Tôi và Tuyền béo đều không phải thu dọn hành lý hành liếc gì, bởi căn bản cũng có quái gì đâu, hoàn toàn là một lũ giai cấp vô sản kiêm trai nghèo chưa vợ. Hai bọn tôi đội cái mũ da chó lên, rồi khoác cái túi chéo quân dụng rách rưới chạy ra khỏi làng, đi suốt một đêm đường núi, đến sáng sớm mới kịp ra chỗ đoàn xe lửa chuyên dụng vận chuyển gỗ ấy.
Công việc chuyển gỗ lên các toa xe đều do người trong làng làm giúp từ đêm trước, chúng tôi đến nơi thì xe lửa đã bắt đầu nổ máy, tu tu xình xịch phả khói trắng mù mịt rồi. Nhân lúc ông già coi trạm xe không để ý, tôi và Tuyền béo lập tức bò lên toa xe cuối cùng, lẳng lặng nằm bên trên những súc gỗ tròn bó chặt, im thin thít chờ tàu chạy.
Theo quy định, loại tàu chuyên dụng này chỉ dùng để chở vật liệu gỗ ra ga lớn bên ngoài, không cho phép bất cứ người nào quá giang trộm, nếu trước lúc tàu chạy mà bị ông già canh trạm phát hiện, hai thằng chúng tôi có mồm mép mấy thì thể nào cũng bị lôi xuống, không khéo còn bị chụp cho cái mũ chiếm dụng tài sản công mà bắt viết kiểm điểm cũng nên. Vì vậy chuyện này thực tế cũng khá là mạo hiểm, tôi và Tuyền béo chỉ đành nằm bẹp xuống tiềm phục như hai tên đặc vụ, nơm nớp lo sợ bị người ra phát hiện.
Tuy chúng tôi đã hết sức cẩn trọng, nhưng rốt cuộc vẫn bị lộ mục tiêu. Hai hôm trước vào núi bẫy hoàng bì tử, tôi đã hơi chảy nước mũi. Trong làng có vị bác sĩ chân đất được đặt cho biệt hiệu “thầy trộn thuốc”, cũng là một tay lang vườn khá mát, người và gia súc bệnh gì cũng trị tuốt. Ông ta kê cho tôi một một ít thuốc thảo được, uống vào cũng chưa thấy đỡ, lại cứ đúng vào lúc này không thể nào nhịn hắt hơi được, tôi vội vàng đưa tay bịt chặt miệng lại, nhưng vẫn bị ông già canh trạm phát hiện ra.
Ông già canh trạm nghe có động tĩnh, thấy hai thằng bọn tôi leo tàu đi trộm, liền lập tức thổi còi tuýt tuýt trợn mắt trừng trừng chạy tới, định lôi tôi và Tuyền béo xuồng. Nhưng đúng lúc ấy, cùng với một trận đung đưa, đoàn tàu đã rùng mình khởi động, đầu tàu bắt đầu tăng tốc, chậm rồi nhanh dần, cây cối hai bên đường chạy giật lùi về sau vun vút. Thấy ông già không thể đuổi kịp nữa, tôi và Tuyền béo lập tức không còn quan tâm xem bị ông lão phát hiện thì làm sao, toét miệng cười hì hì, cởi mũ da chó xuống, lại còn rất phong độ vẫy vẫy mũ làm động tác cáo biệt với ông, miệng hét lớn: “Tạm biệt nhé, ông Lây tông[16]…”
Chúng tôi chỉ đi xe lửa chở hàng cỡ nhỏ, tốc độ vận hành không thể so sánh với xe lửa chính quy được, hơn nữa lại còn vừa lắc vừa xóc rất dữ dội, ngồi trên toa xe chỉ thấy dưới chân không vững, bên tai gió thổi vù vù, bị quăng quật cho một phen nghiêng ngả, chẳng còn hơi đâu mà thưởng thức cảnh rừng nguyên thủy cây cao chọc trời hai bên đường.
Bọn tôi đành khép chặt áo, bịt chặt mũ, rúc vào dưới mấy cây gỗ để chắn gió, dù sao thì cũng đỡ hơn là đi đường núi ra bên ngoài, lộ trình quá đỗi xa xôi.
Dọc đường vất vả, vòng qua không ít chỗ quanh co ở đây tạm tôi không nhắc đến, chỉ biết là tôi và Tuyền béo phải vất vả như thế không chỉ một ngày, cuối cùng mới đặt chân lên được thảo nguyên Khắc Luân Tả Kỳ. Nếu coi bản đồ Trung Quốc như hình một con gà trống, vậy thì thảo nguyên này vừa khéo nằm trên gáy con gà trống ấy, nó là một bộ phận của đại thảo nguyên Hulunber, thuộc quản hạt của liên khu Hulunber, nằm sát bên liên khu Hưng An, diện tích rất rộng, có cả rừng, khu chăn nuôi, khu khẩn hoang làm nông nghiệp.
Thảo nguyên Khắc Luân Tả Kỳ bị lòng sông khô cạn của mấy con sông cổ ngăn cách, giao thông bất tiện, đất rộng người thưa, chúng tôi đến điểm tập trung thanh niên trí thức ở khu khẩn hoang làm nông nghiệp thuộc vùng ngoại vi hỏi thăm địa chỉ của Đinh Tư Điềm, sau đó quá giang lên một chiếc xe “lắc lắc” tiện đường đi vào thảo nguyên. Xe “lắc lắc” là loại công cụ giao thông đặc thù của thảo nguyên, bánh xe rất lớn làm bằng các loại gỗ tạp như gỗ hoa, gỗ du, đường kính phải hơn một mét, dân du mục đánh xe cứ phải hô lớn “lắc lắc lắc lắc...” để thúc bọn gia súc kéo xe.
Đây là lần đầu tiên bọn tôi đến đại thảo nguyên Mông Cổ, ở đấy rồi mới phát hiện ra nơi này khác rất nhiều so với những gì mình tưởng tượng, cái gọi là thảo nguyên ấy, là cỏ lưa tha lưa thưa cắm rễ trên các cồn cát, phân bố rất không đều, mọc thành từng đám từng đám. Mùa thu cỏ đang lên, mỗi bụi cỏ đều cao phải đến ngang hông, nhìn gần là những đám cỏ trông vừa thưa vừa dài, nhưng từ xa dõi mắt nhìn, thảo nguyên biến thành một biển sắc vàng xanh, liên miên bất tuyệt trải dài tít tắp.
Chúng tôi lắng nghe tiếng ca thê lương của những người dân du mục Mông Cổ, thân thể ngồi trên càng xe dập dềnh đung đưa theo nhịp lắc của thân xe. Thảo nguyên mùa thu đã lạnh thấu xương, mây trôi lững lờ, cỏ hoang mọc khắp, gió lạnh phả vào mặt, trên bầu không nhạn bay từng bầy, tiếng kêu u uẩn vang đi xa mãi. Nghe dân địa phương ở đây nói, mấy hôm trước trên thảo nguyên bắt đầu có tuyết rồi, nhưng tuyết vẫn chưa đổ hẳn xuống, chắc rằng mùa đông năm nay sẽ đến sớm, giống như ở trong núi chỗ bọn tôi, dân ở đây cũng phải bắt tay làm công tác chuẩn bị ứng phó với mùa đông trước.
Tuyền béo hồi xưa chưa đến vùng Đông Bắc, cảm thấy trong núi và trên thảo nguyên đều có tuyết sớm như vậy thật hết sức khó tin, làu bàu không hiểu tại sao khí hậu lại thất thường như thế? Mùa đông đến sớm, đại khái chứng tỏ là mùa xuân cũng không còn xa xôi nữa. Tôi bảo với Tuyền béo: “Người xưa nói đất Hồ tháng Mười đã có tuyết, đất Hồ chính là chỉ địa bàn của người Hồ ở vùng tái ngoại, tôi thấy chúng ta đã tiến vào đất Hồ rồi đó...”
Bọn tôi ngồi trên xe “lắc lắc” nói chuyện phiếm về trời cao đất xa, nói lung tung mãi rồi chủ đề câu chuyện quay về người chiến hữu sắp sửa trùng phùng Đinh Tư Điềm. Hình ảnh năm đó cô nàng thắt hai bím tóc đuôi sam, đội mũ bộ đội nhảy múa trên xe lửa, rồi dạy cho du khách các ca khúc cách mạng, đã từng một độ khiến tôi và Tuyền béo cứ ngỡ là tiên nữ trên trời, cảm thấy cô quả thực quá xinh đẹp quá tài hoa. Hồi ấy phỏng chừng cũng có một chút ý thức về mối tình đầu rồi, nhưng cũng bởi phong khí xã hội mà không trực tiếp nói ra, hoặc giả cũng hoàn toàn không nghĩ đến chuyện ấy. Rất lâu sau đó, cùng với năm tháng trôi đi, tôi mới hiểu được tình cảm ấy.
Giờ đây khi sắp trùng phùng, tôi cảm thấy nhịp tim mình bắt đầu hơi tăng tốc, liệu có thể khiến tình chiến hữu cách mạng thân thiết của chúng tôi tiến thêm một bước không nhỉ? Vậy thì tôi sẽ ở lại thảo nguyên không thèm về Đại Hưng An Lĩnh nữa. Nghĩ đoạn, tôi bèn thương lượng với Tuyền béo, nhờ cậu ta hỏi hộ Đinh Tư Điềm xem vị trí của tôi trong lòng cô ấy là như thế nào?
Tuyền béo lập tức lắc đầu: “Nhất ơi là Nhất, tôi bảo cậu đừng có mà thuần khiết như vậy có được không? Tôi vừa nãy còn đang tính nhờ cậu hỏi cô ấy xem trong lòng cô ấy tôi đây có bao nhiêu phân lượng nữa này. Sao cậu lại nhờ tôi trước như thế.”
Tôi thầm nhủ thằng nhãi này không ngờ cũng có lòng dạ xấu xa thế, liền bảo cậu ta: “Tiên sư cha bố nhà cậu, bình thường tôi đối xử với cậu thế nào? Cậu thử sờ vào cái lương tâm của cậu nói xem, đồng chí Lenin từng nói, quên đi quá khứ có nghĩa là phản bội đấy nhé.”
Tuyền béo trưng ra cái bộ mặt dày bì bì của cậu ra, đáp trả lại ngay: “Thường ngày cậu đương nhiên là đối xử với tôi rất tốt rồi, cứ như là anh em ruột thịt vậy, thế nên tôi nghĩ... đến giờ khắc quan trọng, cậu nhất định sẽ nghĩ cho tôi trước, có phải vậy không, nhỉ? Lẽ nào không phải thế ư?” Hai bọn tôi tranh cãi một hồi lâu, giằng co mãi không ngã ngũ được, cuối cùng đành phải thỏa hiệp, quyết định người này lần lượt thay người kia hỏi Đinh Tư Điềm một lần, xem xem đứa nào có hy vọng.
Vừa thương lượng xong chuyện này, cái xe “lắc lắc” liền dừng lại trước hai cái lều Mông Cổ trên thảo nguyên. Chỉ thấy Đinh Tư Điềm mặc áo dài Mông Cổ, đầu chít khăn vuông đang vắt sữa dê, nhìn cô mà suýt chút nữa tôi không nhận ra, cung cách ăn mặc thật thay đổi quá lớn, nếu không nhìn kỹ còn tưởng đấy là một cô gái người Mông nữa. Đinh Tư Điềm cũng không ngờ tôi và Tuyền béo lại đột nhiên đến thăm mình, ngẩn người ra một lúc lâu mới định thần lại được, lao tới ôm chặt lấy chúng tôi, xúc động nghẹn ngào không thốt được nên lời. Chiến hữu lâu ngày gặp lại, ai nấy đều có vô số điều muốn nói, nhưng chuyện xưa trong lòng trăm ngàn mối, lại chẳng biết nói từ đâu.
Nơi này thuộc về khu cực Bắc của thảo nguyên Khắc Luân Tả Kỳ, chỉ có ba bốn hộ dân du mục, tính cả thanh niên trí thức về đây tham gia lao động sản xuất thì tổng cộng không đến năm sáu chục người. Đinh Tư Điềm ở trong nhà một dân du mục tên là “lão Dương Bì”, bình thường ngoài ba người trong nhà lão Dương Bì ra, cô chẳng còn ai nói chuyện cùng cả, đột nhiên gặp lại chiến hữu từ thuở trước, không khỏi mừng quá rơi cả nước mắt.
Tôi an ủi Đinh Tư Điềm mấy câu, rồi kể qua loa chuyện tôi và Tuyền béo cũng không thể vào bộ đội, rồi liên khu Hưng An tham gia lao động cho cô nghe. Đinh Tư Điềm khẽ thở dài một tiếng, chừng như tiếc thay cho chúng tôi lắm, nhưng ngay sau đó cô lại phấn chấn tinh thần nói: “Giờ chúng ta cũng rất tốt mà, các bạn xem cảnh sắc thảo nguyên của chúng ta thật tráng lệ nhường nào, trời xanh làm chăn đất làm giường, cát vàng trộn cơm lại càng ngon, cuộc sống trên thảo nguyên là thích hợp để rèn luyện nhất. Các bạn đã đến rồi thì ở lại chơi mấy ngày đi, ngày mai mình dẫn hai bạn đi cưỡi ngựa.”
Dân du mục trên thảo nguyên cực kỳ coi trọng ngựa, tuyệt đối không để người ngoài cưỡi lên ngựa của mình. Nếu ngựa bị người khác cưỡi hoặc bị mất, đối với dân du mục đều là những điềm gở tày trời, vả lại ngựa ở đây không nhiều, vì vậy tôi nghĩ mình chẳng thể nào có cơ hội cưỡi ngựa được, nên cũng không ôm mộng hão huyền ấy lắm. Không ngờ Đinh Tư Điềm lại cho chúng tôi biết, lão Dương Bì không phải là người Mông, ông ta chạy nạn ra đây từ hồi trước giải phóng, song nửa đời người trên thảo nguyên rồi. Sau giải phóng, ông bèn quyết định ở đây làm dân du mục luôn, song chẳng mấy coi trọng những điều kỵ húy trên thảo nguyên, quen thân rồi thì cưỡi ngựa của ông, ông cũng không giận.
Tôi biết đằng sau thái độ lạc quan của Đinh Tư Điềm, quá nửa là sự bất lực với vận mệnh, cát vàng trộn cơm ăn làm sao mà ngon được? Có điều, tôi cũng không nên nhắc đến những chuyện mất hứng ấy, bèn để cô giới thiệu với nhà ông lão mục dân Dương Bì. Lão Dương Bì đã sống nửa đời trên thảo nguyên này, nhưng giọng quê khó đổi, vẫn còn khẩu âm Tây Bắc rất nặng. Ông bảo chúng tôi đến rất đúng lúc, đêm nay vừa khéo chuẩn bị giết bò mổ dê để chiêu đãi khách phương xa đến, chập tối là dân du mục và thanh niên trí thức ở xung quanh đều sẽ đến.
Tôi và Tuyền béo vừa nghe được tin ấy, liền sướng đến không ngậm mồm lại được. Dân du mục trên thảo nguyên thật là hiếu khách quá đi mất, hồi trước mới nghe nói thôi chứ chưa được tận mắt thấy, giờ thì bọn tôi phục thật rồi. Chúng tôi vừa mới đến liền giết trâu mổ dê ngay, thật là ngại quá đi mất! Thế này thì khó nghĩ quá, huống hồ bọn tôi lại đến tay không, sớm biết vậy thì đã mang một ít đặc sản làm quà. Tôi và Tuyền béo đều đã nghe tiếng món dê tùng xẻo rồi, hôm nay đành phải mặt dày mày dạn không khách sáo vậy nhôi. Không hiểu ở đây mấy giờ họ bắt đầu ăn cơm nhỉ?
Đinh Tư Điềm đứng bên cạnh cười khúc khích nói: “Các bạn đừng coi mình là người ngoài, hôm nay giết dê là vì năm nay vùng thảo nguyên này liên tiếp bị mấy lần thiên tai địch họa, nhưng dân du mục đều quên mình bảo vệ tài sản tập thể, không để gây ra tổn thất nhỏ nào, trên liên khu nói bọn mình là điển hình tiên tiến. Vì thảo nguyên Nội Mông này gần sát biên giới, theo chế độ quân quản, nên Ủy ban Cách mạng cấp trên mới phái cán bộ xuống chụp ảnh, đăng báo về điển hình gương mẫu. Người ta giết dê là để chiêu đãi cán bộ, các bạn chẳng qua là đến đúng dịp thôi, bằng không mình cũng chẳng có cách nào kiếm được thịt dê tươi mời các bạn ăn đâu.”
Giờ tôi mới hiểu là chuyện gì, sướng uổng cả công, thì ra tiệc trùng phùng là để chiêu đãi người khác. Lại nói khu du mục này là điển hình tiên tiến cái nỗi gì chứ? Có điều người ta đã muốn làm điển hình, chúng tôi cũng chẳng có tư cách gì để hỏi, dưới gầm trời này có tôi hay không có tôi chẳng quan trọng, có bữa thịt dê ăn thì cũng nên biết thế nào là đủ rồi.
Trời còn chưa tối, mấy hộ dân du mục gần đấy và các thanh niên trí thức đều lục tục kéo đến, cộng thêm cả bọn tôi và lão Dương Bì, tổng cộng mới có hơn hai chục người. Thanh niên trí thức chiếm một nửa. Tuy chúng tôi không quen những thanh niên trí thức còn lại, nhưng vừa nhắc đến thân phận thanh niên trí thức, thì đều là anh chị em cả, cảm giác cũng không khác anh em kết nghĩa thời xưa mấy. Vận mệnh giống nhau khiến giữa chúng tôi không còn khoảng cách, chỉ chốc lát đã như quen thân. Thảo nguyên buổi hoàng hôn ráng chiều rực rỡ, dõi mắt trải dài ra cả nghìn dặm xa, đây là thời điểm cảnh sắc đẹp nhất trong ngày. Một bạn thanh niên trí thức đi tìm vị cán bộ kia mượn máy ảnh, cả bọn tụ lại chụp cùng một tấm, rồi vui vẻ đợi đến bữa cơm tối.
Tôi và Đinh Tư Điềm giúp lão Dương Bì bắt con dê định thịt trong vòng quay ra. Tôi thấy hôm nay đã chơi vui hết cỡ, lại thấy núi non trùng trùng điệp điệp dưới ánh tà dương đỏ như máu, bèn nảy ra ý đi xa, liền nói với lão Dương Bì, ngày mai muốn mượn mấy con ngựa, để Tư Điềm dẫn chúng tôi cưỡi ngụa đi sâu vào thảo nguyên chơi.
Lão Dương Bì vừa nghe nói, lập tức biến sắc. Ông bảo tôi rằng, chỗ ấy không đi được, đi hết thảo nguyên là cao nguyên hoàng thổ Mông Cổ, cũng là khu vực nối tiếp với đại mạc. Sâu trong thảo nguyên còn có một nơi gọi là động Bách Nhãn rất nguy hiểm. Giờ đang đả phá “tứ cựu”[17], có một số chuyện vốn không dám nói, nhưng vì các cậu đều là bạn của cô Tư Điềm, nên mới dám nói thẳng với các cậu đấy thôi. Bên trong động Bách Nhãn có một con yêu long toàn thân đen kịt, dân du mục hay gia súc đến gần đấy đều bị long vương gia nuốt hết, nhất loạt đều chỉ có đi mà không có về. Nếu không phải năm nay mùa đông đến sớm, dân du mục sợ gia súc không đủ cỏ ăn, thì cũng tuyệt đối không đến đồng cỏ gần động Bách Nhãn thế này để chăn nuôi đâu. Cậu không thử đi mà hỏi xem, chẳng ai dám đi sâu vào thảo nguyên thêm nửa bước nữa đâu, chẳng may làm kinh động đến con yêu long kia thì sợ rằng cả Trường Sinh Thiên[18] cũng chẳng bảo hộ nổi chúng ta mất.
Thấy lão Dương Bì nói như thật, tôi không khỏi lấy làm tức cười, cũng không cần phải hoang đường quá mức đến thế chứ, trên thảo nguyên làm sao lại có rồng được? Mà lại còn là yêu long biết ăn thịt người và gia súc nữa, chuyện này đem đi dọa trẻ con may ra còn hiệu quả, Hồ Bát Nhất tôi đây mà lại tin sao?
Lão Dương Bì thấy tôi không tin, lại kể một chuyện của chính ông. Mấy chục năm trước, ông đi chăn dê cho “ba ngạn”[19] trên thảo nguyên đã nghe truyền thuyết về con yêu long ở phía Bắc đại mạc ấy rồi. Truyền thuyết cực kỳ tà dị, đến nỗi vùng thảo nguyên gần động Bách Nhãn trở thành một khu vục cấm được dân du mục địa phương mặc nhận. Gia súc lạc ở phía ấy không ai dám đi tìm, đằng nào thì dù người hay ngựa, cũng thảy đều một đi không về hết cả. Một bận, có một đám người từ khu Đông Bắc đến, khênh theo một cái rương cũ kỹ, thoạt nhìn trông như cái quan tài, không hiểu là bên trong đấy đựng gì, nhưng đám người này đã bắt một người em của lão Dương Bì, cầm súng ép người đấy phải dẫn đường đi động Bách Nhãn. Lão Dương Bì len lén đi theo sau, định tìm cách cứu người em ấy ra, nhưng theo đến gần động Bách Nhãn thì không dám đi vào trong nữa, đành trơ mắt ra nhìn em trai ruột của mình dẫn đám người ấy đi vào, từ đó trở đi không thấy trở ra nữa.
Lão Dương Bì thề thề thốt thốt, bảo rằng lần đó ông còn tận mắt trông thấy con hắc yêu long, sợ đến suýt nữa vãi đái cả ra quần, thực không dám tiến lại thêm bước nào nữa. Từ dạo ấy, đêm nào ông cũng mơ thấy ác mộng, cũng luôn hận mình là đồ hèn nhát nhu nhược, mắt thấy em trai ruột mình đi vào cõi chết mà không có dũng khí cứu ra.
Tôi nghe ông nói rành mạch rõ ràng, nhìn nét mặt không phải đang bịa tạc, đương nhiên cũng rất thương cho cảnh ngộ của anh em nhà ông, nhưng bảo trên đời này có rồng, làm sao mà tôi tin được. Nghĩ đoạn, tôi bèn lắc đầu nói với lão Dương Bì: “Cái con... rồng gì gì đấy mà bác trông thấy đó, sợ là đã hoa mắt nhìn nhầm thôi, tôi đoán có lẽ đây là một con trăn lớn màu đen cũng nên? Có những con trăn to như thùng nước ấy, đích thực là rất dễ bị tưởng lầm là rồng.”
Ánh mắt lão Dương Bì nhìn tôi bỗng nhiên trở nên nghiêm trọng, ông chỉ tay lên bầu trời: “Anh bạn trẻ, cậu nghĩ lão chừng này tuổi đầu rồi đều sống trên lưng chó chứ không phải lưng ngựa chắc? Làm gì mà cả rắn rồng cũng không phân biệt được? Có con trăn nào ở trên trời không? Tôi tận mắt trông thấy con... rồng... rồng thần ấy ở trên trời, ở trên trời đấy.”
Chú thích
[16] Leighton Stuart nhà truyền giáo người Mỹ, làm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc từ 1946 đến 1949. Ông này tuy không nổi tiếng ở bản quốc, nhưng ở Trung Quốc lại rất nhiều người biết đến nhờ bài viết “Tạm biệt nhé, ông Lây tông...” của Mao Trạch Đông.
[17] Tứ cựu gồm có: tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, tập quán cũ.
[18] Thần linh tối cao của người Mông Cổ.

Chương 13:

Thuận theo ngón tay chỉ của lão Dương Bì, tôi bất giác ngẩng đầu lên nhìn bầu không, tầng mây nặng nề trên đầu chúng tôi đùn đến tận chân trời. Trong đầu tôi không ngừng vang lên câu nói cuối cùng của ông ta, con “rồng” ấy ở trên trời.
Nói xong những lời ấy, lão Dương Bì cũng không nói thêm gì nữa, lẳng lặng sang một phía đi giết dê. Tôi bần thần nhìn lên bầu không ngẩn ra mất một lúc, trong lòng vẫn nửa tin nửa ngờ những lời ông nói. Lúc này trên thảo nguyên bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên, mọi người đều hò nhau giúp công giúp sức chuẩn bị cho bữa tiệc tối, tôi cũng không tiện hỏi gặng nữa, liền quay lại với đám thanh niên trí thức.
Việc giết súc sinh ở vùng dân du mục này có rất nhiều cấm kỵ, chẳng hạn giết mổ xong, tuyệt đối không được nói những lời kiểu như “tiếc quá” hay “thà không giết còn hơn”, vì một khi thốt lên những lời ấy, linh hồn bọn gia súc sẽ ở lại tác quái. Hơn nữa, bò hoặc ngựa dùng để cưỡi hay những gia súc giúp người làm việc, những con cái đang đẻ, đang cho sữa nhất loạt đều không được giết. Ngoài ra, vì thanh niên trí thức đều là người nơi khác đến, dân du mục rất ít khi cho chúng tôi giúp họ giết mổ gia súc, những chuyện lột da xẻ thịt cũng cố gắng không để cho thanh niên trí thức lại gần xem.
Vì vậy khi lũ bò ngựa đã về chuồng quây thì bọn thanh niên trí thức chẳng còn việc gì làm nữa, chỉ biết ngồi suông đợi cơm. Màn đêm cuối cùng cũng buông xuống, bầu trời như cái lồng phủ chụp tứ bề. Trên thảo nguyên một đống lửa lớn đốt lên trước một căn lều, những người dân du mục lần lượt bưng lên những khay lớn đựng đầy các món đậm đà bản sắc của người Mông, làm nguyên một bữa tiệc dê. Các món kiểu như dồi tiết dê, nầm dê, chúng tôi đều chưa được ăn lần nào, giờ ngửi thấy mùi hương ngòn ngọt đặc biệt lan tỏa khắp bầu trời đêm, đứa nào đứa nấy đều không ngừng nuốt nước bọt ừng ực.
Tôi và Tuyền béo buổi trưa đã không ăn cơm, thấy bao nhiêu món ngon, ngón tay không nhịn được cứ giật tưng tưng. Tuyền béo đang định thò tay bốc một miếng dê tùng xẻo ăn, liền bị lão Dương Bì lấy cái nõ điếu đập cho một cái rụt về, thì ra còn phải mời vị cán bộ ở xa về kia nói mấy câu với mọi người nữa.
Cán bộ nói chuyện thì cũng không ngoài nhai đi nhai lại mấy lời cũ rích hay nói trong các buổi mít tinh hội nghị. Tay cán bộ họ Nghê ấy khoảng hơn ba mươi tuổi, gương mặt gầy guộc thêm đôi kính cận dày cộp, mặt mũi trông cũng có dáng cán bộ ra phết, nhưng kỳ thực anh ra chẳng phải lãnh đạo lãnh điếc gì, mà chỉ là nhân viên văn thư, được cấp trên phái đến viết một bài báo cáo về khu chăn nuôi gương mẫu. Bản thân anh ta cũng không ngờ đến thảo nguyên lại được đãi ngộ cao thế này, mà đám dân du mục thì đã bao giờ gặp lãnh đạo đâu, cứ một mực gọi anh ta là “thủ trưởng”, thành thử cũng nửa sướng nửa lo vì được tiếp đãi trọng thể quá, một mực cứ đòi mọi người phải gọi mình là “lão Nghê”.
Người Mông Cổ quan niệm phương Tây là quý nhất, người cao tuổi là được tôn trọng nhất, vậy nên mời lão Nghê ngồi vào vị trí tôn quý nhất ở phía Tây, rồi một vị tuổi cao bưng chén sừng bò, hát lên mấy câu chúc mừng. Đinh Tư Điềm sống trên thảo nguyên hơn nửa năm, đã học được một ít tiếng Mông Cổ, bèn dịch cho chúng tôi nghe, đại ý rằng: rượu đây, là kết tinh của ngũ cốc, người Mông Cổ dâng rượu cho khách là dâng niềm hoan nghênh và kính trọng...
Tôi và Tuyền béo đều chẳng hứng thú gì với nội dung của bài ca chúc rượu ấy, chỉ trợn mắt lên nhìn chòng chọc vào cái đùi dê đang nướng chảy mỡ xèo xèo, trong lòng mong ngóng ông già kia mau hát cho xong, rồi lại đợi lão Nghê nói nhảm mấy câu cho qua chuyện, là chúng tôi có thể xơi được rồi.
Lão Nghê theo đứng tập tục địa phương, lấy ngón áp út danh chấm rượu, búng ba cái lên trời, xuống đất, vào đống lửa, rồi lại đưa môi nhấp một chút, sau đó mới bắt đầu nói. Trước tiên đọc mấy câu chỉ thị tối cao, rồi khen ngợi địa thế khu này đẹp, cuối cùng vẫn không quên nhắc đến những thanh niên trí thức ở đây, nói cái gì mà thanh niên trí thức đến thảo nguyên phải ra sức luyện rèn, đồng thời với việc thúc đẩy sản xuất, cùng nông dân và mục dân làm cách mạng, nhất định phải tăng cường học tập chính trị, thường xuyên tổ chức họp kiểm thảo đời sống, kịp thời tổng kết tư tưởng, kịp thời tiến hành phê bình và tự phê bình...
Lão Nghê ấy nói cọc cà cọc cạch như bánh xe bò được hai ba chục phút, có lẽ nói nhiều quá cả anh ta cũng thấy đói, bấy giờ mới khoát tay để mọi người bắt đầu nhập tiệc. Người Mông Cổ uống rượu như nước lã, tất cả đều dùng bát lớn, người nào tửu lượng kém thấy tình hình kiểu đó cũng sợ vãi cả ra. Lúc này, dân du mục người nào cũng muốn kính rượu thủ trưởng, lão Nghê uống kém, mới được nửa vòng đã bất tỉnh nhân sự, phải có người khiêng về lều.
Trong nhóm thanh niên trí thức cũng không có người uống giỏi, không dám theo đám dân du mục chơi hết bát này đến bát khác, bèn dứt khoát lấy một ít thức ăn, ra đốt một đống lửa nhỏ hơn ở bên cạnh ăn riêng. Dân du mục biết thanh niên trong nội địa tửu lượng kém, không ai đuổi theo ép chúng tôi đấu rượu, mà họ cũng thoải mái vì không có người ngoài quấy nhiễu. Dân du mục uống nhiều rồi là thích hát hò, ăn được chừng một nửa, không rõ tiếng đàn đầu ngựa của ai réo rắt vang lên, tiếng đàn như rủ rỉ thầm thì, lại hùng hậu thê lương, âm sắc khỏe khoắn vang mãi cả bầu không.
Mười một thanh niên trí thức chúng tôi ngồi quanh một đống lửa khác bên cạnh, trải nghiệm cuộc sống thảo nguyên, ngực sưởi lửa ấm, lưng chắn gió lạnh, nghe tiếng đán đầu ngựa ai nấy đều ngẩn người bần thần. Tôi định đứng dậy sang phía bên kia xem ai kéo đàn đầu ngựa mà hay thế, nhưng Đinh Tư Điềm ngăn lại, nói: “Không cần xem cũng biết, chắc chắn là tiếng đàn của ông lão Dương Bì rồi, tuy ông ấy là dân miền Tây Bắc đến đây, nhưng không chỉ hát được điệu Tần Xoang, điệu Tín Thiên Du[20], mà sống trên thảo nguyên mấy chục năm, tay đàn đầu ngựa của ông ấy cũng có thần vận lắm. Mình thấy nhất định là Tengri[21]đã đem hết những âm sắc đẹp nhất của thảo nguyên Khắc Luân Tả Kỳ tặng cho cây đàn đầu ngựa của ông lão Dương Bì ấy cả rồi.” Cô nói xong liền đứng dậy, nhảy một điệu theo tiếng nhạc.
Đinh Tư Điềm hồi trước là nòng cốt văn nghệ, nhảy múa hát ca không món gì là không xuất sắc, lúc nào cô cũng muốn được gia nhập đoàn văn công quân đội, nhưng vì gia đình có quan hệ với hải ngoại nên không được như nguyện. Giờ đây đến thảo nguyên, vũ điệu của người Mông Cổ vừa học đã giỏi ngay, lúc nhảy còn giống người Mông Cổ hơn cả người Mông Cổ nữa. Vũ điệu của người Mông Cổ rất đẹp, tiết tấu không nhanh, chủ yếu là dùng ngôn ngữ cơ thể để ca ngợi vẻ đẹp của thảo nguyên mênh mông, và thể hiện tư thái của hùng ưng bay lượn, tuấn mã tung vó lao đi.
Chúng tôi say mê ngắm Đinh Tư Điềm nhảy múa, hoàn toàn quên bẵng đi mất mình đang ở đâu, tiếng đàn đã ngưng lại mà thần hồn vẫn đắm chìm trong ấy, quên mất cả nhớ ra vỗ tay hoan hô. Thường có câu rằng “vạn sự không chẳng thành, rượu trong tay, một đời được mấy dịp trăng treo trên đầu”, trên thảo nguyên trời cao trăng sáng, trước đống lửa cháy phừng phừng, mọi người hoan ca hoan vũ, nâng chén uống cạn, cả đời này liệu có mấy lần cơ hội thế này đâu chứ? Thanh niên trí thức được phân đến các khu khác nhau, thường ngày rất hiếm có cơ hội gặp mặt nên rất trân trọng dịp tụ hội này, hết người này đến người kia lên biểu diễn tiết mục, không nhảy thì cũng hát.
Cuối cùng Đinh Tư Điềm kéo tôi và Tuyền béo ra, nói với cả bọn: “Mọi người hãy hoan nghênh Bát Nhất và Khải Tuyền đến từ liên khu Hưng An nào.” Mấy nam nữ thanh niên trí thức ngồi đó đều vỗ tay cổ vũ rần rần, tôi với Tuyền béo đưa mắt nhìn nhau, thế này thì hơi khó xử thật, chỗ chúng tôi tham gia lao động hình như cũng có nhảy cúng thần gì đấy, nhưng không ra điệu như trên thảo nguyên này, hát hò nhảy múa đều không nên, thế này không phải là làm mất mặt anh em chúng tôi sao?
Nhưng tôi xưa nay chưa bao giờ biết đánh trống thu quân là gì, huống hồ lại còn ở trước mặt Đinh Tư Điềm nữa, thoáng nghĩ ngợi giây lát, bèn nảy ra một kế. Tôi nháy mắt với Tuyền béo một cái, cậu ta lập tức hiểu ý, áp hai tay xuống ra hiệu mọi người hãy yên lặng, rồi nói với cả bọn: “Mọi người yên lặng một chút, chúng ta sẽ mời đồng chí Lenin ra nói chuyện mấy câu nhé.”
Nhóm thanh niên trí thức lập tức biết bọn tôi định diễn trò gì. Cái thời kỳ văn hóa khô khan này, đảo qua đảo lại cũng chỉ có mấy món vui chơi, người bình thường chẳng có bất cứ hoạt động văn hóa giải trí nào hết, nhưng bất kể là thời địa nào, thanh niên bao giờ cũng có cách riêng của mình. Bấy giờ một trong những trò vui phổ biến nhất, chính là mô phỏng theo kiểu nói chuyện của vĩ nhân trong phim ảnh, tiến hành gia công nghệ thuật với những kinh điển đã có sẵn. Nhưng riêng phần mô phỏng đã tương đối khó rồi, không phải ai cũng học theo được. Người nào chỉ cần bắt chước được mấy phần, giả bộ được một ít khí chất lãnh đạo người thường không thể so sánh, lại có nét độc đáo riêng, thì chắc chắn sẽ trở thành thần tượng trong mắt mọi người ngay.
Hồi đó bọn tôi từng xem trộm rất nhiều phim chiếu nội bộ trong quân khu, tôi băn khoăn không biết nên phỏng theo bộ nào. Phim của các nước đồng chí anh em như Việt Nam và Triều Tiên thì không hợp lắm, bi tráng nghiêm túc thì có thừa, nhưng lại thiếu tính kịch, ít có đoạn đối thoại nào kinh điển, rất khó thông qua biểu diễn làm người xem hào hứng, tinh thần dâng cao. Phim trong nước cũng không ổn, mọi người đều quen thuộc quá rồi, không có độ khó cho lắm. Cân nhắc giây lát, tôi và Tuyền béo đều đã có tính toán, vậy là bèn lấy đạo cụ tại chỗ, nhặt mấy cọng lông dê trên bãi cỏ dán lên mép làm râu, nhổ nước bọt vào tay quẹt lên đầu, chải lại tóc thành kiểu đầu bồng lên phía trước, cố gắng làm trán mình trông có vẻ gồ lên cao hết cỡ.
Chúng tôi đứng mặt đối mặt trước đống lửa cháy hừng hực, đám thanh niên trí thức ngồi xem đều kinh ngạc thốt lên: “Giống quá đi mất, đây chẳng phải là Lenin và Stalin đó sao?” Họ đã hiểu ra tôi và Tuyền béo định biểu diễn tiết mục gì, liền cười hì hì chăm chú quan sát từng cử động của hai thằng bọn tôi.
Tôi thấy vậy không được, không khí không đúng, liền quay đầu lại nói với đám thanh niên trí thức: “Đề nghị các bạn nghiêm túc cho, không được cười hì hì hà hà thế, màn biểu diễn này của chúng tôi, là thể hiện lại bầu không khí nặng nề trước khi cơn bão cách mạng cuồn cuộn ập đến, các bạn phải phối hợp cho một chút, bằng không diễn tệ quá là chúng tôi không xuống được đâu đấy.”
Sau đấy tôi và Tuyền béo đứng yên bất động, cố ngưng đọng lại một khoảnh khắc trong lịch sử của các bậc vĩ nhân tựa những bức tượng trên quảng trường Tháng Mười. Kỳ thực vào thời điểm quan trọng này, mình không thể bật tiếng lên được, bằng không thì đừng hòng dọa được khán giả. Đinh Tư Điềm lấy ra một cây khẩu cầm, tiếng nhạc trầm thấp tiết tấu chậm chạp cất lên, cùng sự phối hợp tích cực của cô, những người xung quanh đều lắng xuống, đám thanh niên trí thức im lặng như tờ, bầu không khí ồn ã của buổi ca múa vừa nãy bắt đầu thay bằng sự nặng nề của lịch sử, thời gian tựa hồ như quay lại với đêm trước hôm tấn công vào Cung điện Mùa Đông.
Tôi biết đã đến lúc rồi, liền chầm chậm quét ánh mắt về phía mọi người, sau đó nhìn chằm chằm vào Tuyền béo làm bộ thần tình u uẩn hỏi rằng: “Đồng chí Joseph[22], đã sẵn sàng phát động tấn công vào Cung điện Mùa Đông chưa?” Câu kinh điển này vừa thốt khỏi miệng, chính bản thân tôi cũng cảm thấy mình đã biến thành đồng chí Lenin trong phim, các khán thính giả bên dưới, hình như cũng biến thành những công nhân đang ngưỡng vọng Lenin trong phim.
Tuyền béo ưỡn cái bụng ra, bắt chước bộ tịch của vị thủ trưởng thứ hai, hiền hòa mà không thiếu phần uy nghiêm, khiêm nhường nhưng cũng lại quyết đoán, nói với tôi: “Vladimir Ilych kính mến, sáng sớm ngày mai, cánh cổng lớn ấy sẽ bị giai cấp công nhân anh dũng can trường mở toang ra, vì điều này, chúng ta sẽ không tiếc trả giá bằng cả máu của chính mình.”
Tôi nắm tay, căm phẫn sục sôi trào dâng cuồn cuộn: “Bóc lột, áp bức, thống trị, nô dịch, ám sát, bạo lực, đói khát, nghèo nàn nuốt chửng lấy chúng ta... mấy nghìn năm nay, máu của giai cấp công nhân đã chảy thành sông thành biển, lẽ nào máu của chúng ta vẫn chưa chảy đủ hay sao?”
Đoạn này cần phải nói nhanh, nhả chữ rõ ràng chuẩn xác, nhất thiết phải bắn từng chữ một ra như đạn pháo, khích động được tâm trạng phẫn nộ của khán giả với kẻ địch, thanh niên trong thời đại này đều có thế giới quan và giá trị quan giống nhau, đám thanh niên trí thức liên tưởng đến vận mệnh của mình, quả nhiên đã bị cảm nhiễm, ai nấy đều nghiêm sắc mặt. Tôi thấy đã đến lúc phải đẩy không khí lên độ cao trào, bèn nói: “Nếu thắng lợi cuối cùng vẫn cần đổ máu, vậy thì hãy để máu của Sa hoàng nhấn chìm Cung điện Mùa Đông...” Tới đây, tôi giơ cao tay phải lên, ra hiệu ngưng lại, thoáng dừng lời giây lát, rồi nắm chặt tay vung xuống, mạnh mẽ kêu lên rằng: “Bởi vì cái chết, không thuộc về giai cấp công nhân!”
Tuyền béo đứng bên cạnh chỉ đợi tôi thốt ra câu cuối cùng này, lập tức giơ cao nắm đấm, hô vang: “Đúng, cái chết không thuộc về giai cấp công nhân!” Những thanh niên trí thức xung quanh đều hô vang, “Cái chết không thuộc về giai cấp công nhân,” rồi cả bọn vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, một mực không cho đồng chí Lenin đi xuống, yêu cầu làm thêm một màn nữa.
Một màn biểu diễn hoàn mỹ, tính toán chuẩn xác đến không chút sơ hở, cộng với sự phối hợp của khán giả, nên càng thêm hoàn hảo. Tôi từng không chỉ một lần mô phỏng Lenin diễn thuyết, có lẽ tương lai cũng vẫn còn cơ hội chơi trò này, nhưng trong lòng tôi hiểu rất rõ, dù là không khí hay tình cảm nội tâm, sau này cũng không thể nào đạt được cảnh giới của lần này nữa. Bữa tiệc dưới bầu trời đêm của thảo nguyên Khắc Luân Tả Kỳ, thật khiến người ta cả đời không thể nào quên.
Lúc tôi bỏ bộ râu giả ra về chỗ ngồi, Đinh Tư Điềm ngạc nhiên nói: “Bát Nhất, bạn giỏi quá, không ngờ bạn còn có tài này nữa, vừa nãy mình còn tưởng bạn là đồng chí Lenin thật cơ đấy, diễn giống quá đi mất.” Tôi nghe cô nói thế, đương nhiên là đắc ý vô cùng, có điều cũng vẫn giữ được bản sắc khiêm tốn nhún nhường xưa nay, bèn xua xua tay, làm bộ ngượng ngùng nói theo kiểu văn vần vốn rất thịnh hành thời bấy giờ: “Có gì đâu, thế có đáng gì chứ, trên sông có ngọn núi, ẩn trong sương mờ mờ. Mình chính là ngọn núi ấy, thường thường không thấy, thi thoảng mới lộ khỏi màn sương.”
Tuyền béo cũng lấy làm ngưỡng mộ vì tôi được các thanh niên trí thức tán thưởng, cậu ta vội vàng nói với Đinh Tư Điềm: “Vừa nãy mình chỉ toàn diễn mồi cho cậu Nhất này, chẳng kịp hiển lộ phong thái gì hết, hay là để mình độc diễn một đoạn Lý Ngọc Hòa, cũng để các bạn thưởng thức tài năng tiềm ẩn của mình...” Trước sự thúc giục tích cực của Tuyền béo, các thanh niên trí thức lại bắt đầu vòng biểu diễn thứ hai.
Đêm hôm ấy cứ vậy mà trôi qua một nửa, trong không khí như thế, dù người không biết uống rượu thì ít nhiều cũng phải làm hai ba bát, rượu không say người mà người tự say, tôi uống đến mê mê man man, cũng không hiểu tan hội lúc nào, càng không biết ai đã vác mình về lều đi ngủ nữa.
Gió thổi cả đêm, tôi ngủ chẳng biết trời trăng, lúc tỉnh dậy đầu đau như muốn vỡ tung, nước mũi chảy dầm dề, xem ra vẫn chưa hết cảm. Tôi dụi dụi cặp mắt kèm nhèm nhìn xung quanh, thì ra tôi và Tuyền béo, thêm cả vị “thủ trưởng” lão Nghê kia đều được xếp chung một lều, quần áo giày vớ đều chưa cởi ra, chỉ thấy Tuyền béo gác một chân lên bụng lão Nghê ngáy khò khò, còn lão Nghê thì không ngừng nói lảm nhảm gì đấy. Cả hai vẫn chưa tỉnh, trong lều không còn ai khác, tôi đoán những dân du mục và thanh niên trí thức còn lại đều đã trở về luôn trong đêm rồi.
Tôi mất hết khái niệm về thời gian, cũng không biết đã mấy giờ, đầu đau như búa bổ, đang định nằm xuống ngủ nướng thêm một chút, nhưng chưa kịp nhắm mắt, bỗng phát giác âm thanh bên ngoài có gì đó không ổn, ầm ầm sầm sập như sấm động. Tiếng sấm ì ùng ấy như cơn thủy triều cuốn từ phía Đông đến căn lều chúng tôi ngủ. Tôi đang thắc mắc không hiểu bên ngoài xảy ra chuyện gì, thì thấy Đinh Tư Điềm chạy xộc vào, cuống cuồng kêu lên: “Mau chạy ra ngoài, lũ bò nổi điên rồi!”
Chú thích
[19] Tiếng Mông Cổ, chỉ người giàu có.
[20] Dân ca vùng Thiểm Bắc.
[21] Thần của người Mông Cổ.
[22] Tên của Stalin.


Chương 14: Ruồi trâu


Không cần phải nói kỹ hơn, gương mặt của Đinh Tư Điềm đã cho tôi biết, lũ bò bị kinh hoảng đang lao về phía này. Đàn bò trên thảo nguyên xưa nay rất hiền lành, nhưng một khi bị kinh hãi, cả đàn sẽ lao ầm ầm về một phía, còn hung mãnh hơn cả ngựa hoang thoát cương. Mấy trăm con bò nổi điên lên cùng xông tới thì không gì cản được, cả xe hơi cũng bị chúng giẫm cho nát bươm thành đống sắt vụn ấy chứ.
Tôi không kịp hỏi han xem tại sao đàn bò lại nổi điên, vội bật người, tung chân đá cho Tuyền béo tỉnh dậy, nhưng “thủ trưởng” lão Nghê đêm qua uống hơi quá, đá thế nào anh ta cũng không dậy nổi. Trong lúc khẩn cấp, tôi và Tuyền béo đành hè nhau khiêng anh ta lên, cũng may là mặc nguyên quần áo đi ngủ, đồ đạc cũng chỉ có bộ đang mặc trên người, hai bọn tôi vớ vội lấy cái túi rồi theo Đinh Tư Điềm chạy ra khỏi lều.
Bên ngoài trời đã sáng bảnh, chỉ thấy phía Đông bụi bay mù trời, tiếng vó nện xuống đất và tiếng kêu bi thảm của lũ bò hòa trộn làm một, váng trời dậy đất đổ dồn về phía chúng tôi. Mấy con chó chăn cừu trung thành xông tới đàn bò đang nổi cơn cuồng loạn sủa váng lên, định hợp lực với chủ nhân ngăn lũ bò điên ấy lại. Nhưng lúc này cả đàn bò đều đỏ hết cả mắt, đà lao điên dại không hề giảm đi, chỉ trong chớp mắt đã giẫm nát mấy con chó tội nghiệp.
Tôi sao có thể ngờ được tình thế lại diễn ra như vậy, mắt thấy đàn bò sắp xông thẳng tới chỗ mình, muốn vòng qua bên cạnh để né tránh đà lao của bọn chúng thì đã quá muộn, nhưng cứ thế này thì lập tức sẽ bị bọn chúng giẫm nát bấy. Mấy đứa tôi đều tái mặt, bần thần đi mất một thoáng, cả tiếng nói chuyện cũng bị nhấn chìm trong hỗn loạn. Đinh Tư Điềm kéo lấy cánh tay tôi, ra sức chạy về phía sau căn lều Mông Cổ.
Tôi hoàn toàn hiểu rõ cặp giò mình không thể nào chạy nhanh hơn đàn bò đang kinh hoảng, cũng không có cách nào hỏi Đinh Tư Điềm tại sao lại chạy ra phía đó. Tuy cũng lo lắng cô sợ quá mà thần trí hoảng loạn chạy lung tung, nhưng rốt cuộc tôi vẫn cùng Tuyền béo khiêng lão Nghê chạy theo, không cần ngoảnh đầu lại, chỉ nghe tiếng thôi cũng nhận ra được, đàn bò đang mỗi lúc một đến gần sau lưng. Căn lều chúng tôi vừa ngủ đã bị giẫm bẹp, trong vòng hơn chục bước chân nữa, nhất định chúng tôi cũng sẽ bị giẫm nát.
Đang lúc tuyệt vọng, tôi bỗng phát hiện chạy thêm mấy bước nữa là đến một cái rãnh sông cạn. Cái rãnh này bị phong hóa đã lâu, không hiểu đã cạn khô nước từ mấy trăm năm rồi, rãnh sông cũng ngày ngày bị đất cát, cỏ loang xâm thực, giờ chỉ sâu hơn một mét, rộng hơn nửa mét trông như thể một vết nứt trên thảm cỏ xanh ngắt. Đây cũng là một trong rất nhiều vành đai phòng hỏa hoạn thiên nhiên trên vùng thảo nguyên này. Bấy giờ tôi mới sực hiểu ra ý đồ của Đinh Tư Điềm, cô dẫn chúng tôi chạy về phía này, là muốn cả bọn nhảy vào trong rãnh sông, hòng tránh khỏi thế lao sầm sập của lũ bò điên kia.
Tôi và Tuyền béo khiêng “thủ trưởng” lão Nghê cùng với Đinh Tư Điềm dốc hết toàn bộ sức lực bình sinh guồng chân lao hết tốc lực, gần như lăn vào trong rãnh sông khô cạn ấy. Vừa mới lăn xuống, bên trên đã tối sầm lại, cát bụi, cỏ rác rơi xuống rào rào, tiếng vó giậm xuống đất nghe mà điếc cả tai, thần hồn run rẩy. Bọn tôi vội vàng bịt chặt hai lỗ tai lại, cũng không biết bao lâu sau, đàn bò kêu rống thảm thiết ấy mới xông hết qua cái rãnh.
“Thủ trưởng” lão Nghê cuối cùng cũng bị quăng quật cho tỉnh lại, ngồi trong cái rãnh cạn nhìn ba chúng tôi, hoang mang không biết vừa rồi rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Lúc này lão Dương Bì cùng con trai, con dâu cuống cuồng chạy đến, họ không lo đuổi theo đàn bò, vừa thấy lão Nghê không sao liền thở phào nhẹ nhõm, lần lượt kéo chúng tôi lên khỏi cái rãnh. Bấy giờ mọi người mới kể rõ ngọn ngành chuyện vừa xảy ra. Nguyên lai là hôm qua gần như tất cả mọi người đều say bét nhè, không hiểu lúc sắp ra về có ai ngã dúi dụi làm đổ cả hàng rào quây đàn bò. Đây là đàn bò lớn nhất vùng Khắc Luân Tả Kỳ này, cũng may là có mấy con chó chăn cừu trung thành, đã quây đàn bò lại để chúng không đi lạc. Lũ bò cứ thế gặm cỏ ở ngoài bãi, đến sáng cũng chưa có chuyện gì xảy ra.
Buổi sớm, lão Dương Bì vừa tỉnh giấc, phát hiện đàn bò đã ra khỏi rào quây, chuyện này cũng thường hay xảy ra nên ông ta cùng không kinh ngạc lắm, bèn gọi con trai và con dâu ra giúp lùa bò về. Họ vừa vòng ra phía sau đàn bò, thì bỗng nhiên có sự bất ngờ xảy ra, không hiểu ở đâu lại xuất hiện con ruồi trâu to tướng, đốt cho một con bò trong đàn một cú đau điếng.
Lũ bò thường hay ve vẩy đuôi, chủ yếu là để xua bọn ruồi trâu hoặc nhặng trong lùm cỏ. Ruồi trâu là một loài côn trùng, kỳ thực cũng phân ra làm hai loại ăn mặn và ăn chay, con đực chỉ hút nhựa từ cỏ cây, con cái lại chuyên hút máu của lũ gia súc, thân màu đen xám, đôi cánh trong suốt. So với bọn ruồi nhặng thông thường, ruồi trâu mới là nỗi khủng khiếp của trâu bò, con ruồi trâu này phỏng chừng tránh được cú quật của cái đuôi, bay lên cắn chặt vào vị trí mẫn cảm của con bò, khiến nó nhảy cẫng lên, làm cả đàn bò còn lại đều hoảng hồn, cuống cuồng nhao lên như con nhặng mất đầu, xông thẳng về phía mấy cái lều Mông Cổ. Cũng may Đinh Tư Điềm phát hiện lũ bò nổi điên, không chạy tháo mạng một mình mà mạo hiểm xông tới cứu ba người đang ngủ chúng tôi, bằng không giờ chắc cả người lẫn lều đều bị giẫm cho nát bét thành tương thịt rồi.
Đàn bò mà bị kinh hoảng thì không ai ngăn được, vì thanh thế quá hung mãnh, cả lũ ngựa cũng sợ đến nhũn cả bốn vó, không đám đuổi theo sau, chỉ đành để mặc cho chúng chạy như điên trên thảo nguyên, khi nào sức cùng lực kiệt rồi thì dừng lại. Lúc ấy, dân du mục mới có thể đuổi theo lùa bò trở về.
Lão Nghê nghe giải thích rõ ngọn ngành câu chuyện xong, sợ hết cả hồn, cứ nói rằng nếu không có mấy đứa thanh niên trí thức chúng tôi liều mạng giải cứu, sợ rằng anh ta đã chết mà cũng không hiểu mình đã chết như thế nào, kích động đến nỗi cứ bắt tay chúng tôi mãi. Có loại thủ trưởng nào mà tôi với Tuyền béo chưa gặp qua đâu chứ? Đương nhiên chúng tôi không coi cái tay cán bộ cỏn con này ra gì, nhưng cũng thấy con người anh ta hiền hòa dễ gần, vả lại cứu người là chuyện tất lẽ dĩ ngẫu phải làm, thế nên cũng không cậy công mà tinh tướng gì.
“Thủ trưởng” lão Nghê nói với cả đám chúng tôi: “Cả Mao chủ tịch cũng nói... ‘hoàn cầu bé nhỏ, có mấy con ruồi nhặng ngáng trở đường ta[23]’. Tôi thấy trên thảo nguyên có mấy con ruồi trâu làm loạn cũng chẳng phải chuyện gì lớn, chỉ là phải nhanh chóng đuổi theo bắt lũ bò chạy loạn về mới được, bận này tôi trở về là phải viết báo cáo về khu chăn nuôi gương mẫu của mọi người rồi, cấp trên còn định hiệu triệu tất cả các khu chăn nuôi, khu trồng rừng khác học theo mọi người ở đây, vì vậy chuyện này ngàn vạn làn không thể xảy ra điều gì sơ suất được.” Nói đoạn, anh ta nhìn sang lão Dương Bì đang đờ đẫn, hỏi tại sao còn không mau đuổi theo lũ bò ấy?
Gương mặt già nua đầy nếp nhăn của lão Dương Bì cắt không còn hột máu, bộ dạng như người mất hồn. Sau khi băng qua cái rãnh, đàn bò chia làm mấy hướng chạy tứ tán trong đấy có một nhóm chạy thẳng về phía động Bách Nhãn ở sâu trong thảo nguyên, chạy đi đâu còn được, chứ hễ nhắc đến cái nơi ấy, là trong lòng lão Dương Bì lại trào dâng lên một niềm sợ hãi. Đương nhiên, ông không thể nói rõ nguyên nhân này ra với lão Nghê được.
Tôi đứng cạnh thoáng nhìn đã hiểu ngay, cũng biết được nỗi khổ của lão Dương Bì. Tôi vốn chẳng tin ở trong thảo nguyên kia lại có yêu long yêu liếc gì, lập tức bước lên nói với lão Nghê, “Lũ bò chạy về phía Tây sẽ do tôi phụ trách lùa về, trong liên khu chẳng dễ gì mới có một khu chăn nuôi gương mẫu, chuyện này không biết có thể tạm thời không loan tin có được chăng, bằng không điển hình tiên tiến của lão Dương Bì sẽ thành ra điển hình lạc hậu mất.”
Lão Nghê gật đầu nói: “Thanh niên trí thức đi hướng ấy lùa đàn bò về cũng được, nhưng các cậu phải cẩn thận một chút, qua Mạc Bắc là đến đường biên giới rồi, nếu đàn bò chạy sang Ngoại Mông, muốn đòi về thì phiền phức lắm đấy, đó là sự kiện mang tính quốc tế, sẽ khiến tài sản quốc gia tổn thất to lớn. Trước mắt, tôi sẽ cố gắng hết sức mình, tạm thời che giấu sự kiện này, đợi mọi người quay trở lại, đếm rõ số lượng tổn thất rồi mới báo cáo lên cấp trên. Trong lúc đàn bò nổi điên chạy loạn đã giẫm chết không ít bê con rồi, tôi thấy chúng ta nhất thiết phải nghĩ cách gì để giảm tổn thất xuống mức thấp nhất mới được.”
Đinh Tư Điềm đã dắt ba con ngựa đi ra, thấy lão Nghê nói vậy bèn lên tiếng: “Anh lo nghĩ quá rồi, đàn bò không chạy vào hoang mạc đâu, cùng lắm là làm một vòng trên thảo nguyên thôi, vả lại dù chạy thế nào thì lũ bò cũng kết bầy kết đoàn, sói ở vùng Khắc Luân Tả Kỳ này không nhiều, vài con sói thảo nguyên không dám động đến cả đàn bò đông đảo đâu. Chắc là không có chuyện gì ngoài ý muốn nữa, chúng tôi nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ, lùa đàn bò về đây không thiếu con nào.”
Tôi thấy cô dắt ra ba con ngựa, bèn hỏi Đinh Tư Điềm: “Chẳng lẽ bạn cũng muốn đuổi theo đàn bò với chúng tôi? Nghe nói chỗ đó rất nguy hiểm, tốt nhất là bạn đừng đi thì hơn.” Đinh Tư Điềm quật cường nói: “Tuy các bạn được tiếng là dám lên trời hái trăng sao, dám xuống biển bắt cá kình, nhưng các bạn còn chưa cưỡi ngựa bao giờ, không biết cưỡi ngựa làm sao đi lùa bò về được? Với lại, mình là thanh niên trí thức đến khu chăn nuôi này tham gia lao động sản xuất, xảy ra chuyện ở đây mình cũng có một phần trách nhiệm, vì vậy mình đương nhiên phải đi rồi.” Nói đoạn, cô lại vác ra mấy bộ yên cương, tôi và Tuyền béo đều không biết cưỡi ngựa, đành phải thuận tình để Đinh Tư Điềm dẫn đầu.
Lúc này, lão Dương Bì cũng ngập ngừng bước tới. Vì khu chăn nuôi của ông, đến cả ba thanh niên trí thức cũng có thể mạo hiểm đến gần động Bách Nhãn, chuyện đã tới nước này rồi, giữ lại bộ xương già phỏng còn ích gì? Vả lại, nguyên nhân chủ yếu nhất là, ngộ nhỡ không tìm được bò về, mà mấy thanh niên trí thức chúng tôi lại gặp chuyện, thì ông càng không biết ăn nói thế nào. Cuối cùng ông già cũng hạ quyết tâm, để con trai và con dâu đi lùa lũ bò chạy theo mấy hướng khác, sau đó ở nhà chăm sóc cho “thủ trưởng” và tu bổ lại mấy hàng rào quây gia súc, còn ông thì cùng ba chúng tôi đi về hướng động Bách Nhãn tìm lũ bò kia về.
Chúng tôi không dám qua loa đại khái, liền vào một căn lều chưa bị lũ bò giẫm nát, tìm một số vật dụng cần thiết mang theo, sau đó cả bọn vội chia nhau xuất phát. Người mới cưỡi ngựa lần đầu đúng là cần một quá trình để làm quen, có điều tôi và Tuyền béo bẩm sinh vốn có năng lực thích ứng rất mạnh với những thứ kiểu này, thêm cả Đinh Tư Điềm và lão Dương Bì chỉ dẫn, mới đi được vài dặm, bọn tôi đã nắm được yếu lĩnh cơ bản rồi.
Cưỡi ngựa quan trọng nhất là không thể cậy khỏe, lúc ngựa chạy nhanh, đầu gối và phần bên trong đùi phải khép chặt vào hông ngựa, thân thể nghiêng về phía trước, giữ ở trạng thái như chạm mà lại như không chạm với yên ngựa, rồi nhấp nhô theo nhịp chạy của bốn vó, tuyệt đối không được để thân thể cứng đờ ra. Bốn chúng tôi giục ngựa chạy nhanh trên thảo nguyên, cảm giác tựa như cưỡi gió phi hành trên biển cỏ mênh mang, tôi và Tuyền béo đều lấy làm thích thú, thầm nhủ lần này đúng là đã ghiền quá đi mất. Chỉ riêng được một phen cưỡi ngựa thế này, cũng không uổng công vất vả đi lùa đàn bò về rồi.
Lũ bò nổi điên đã chạy thì không dừng lại, vả lại, vừa nãy tình hình hỗn loạn mất một lúc, nhất thời không thể đuổi kịp chúng nó được. Cũng may là dọc đường dấu vết rất rõ rệt, không phải lo bị mất dấu. Lão Dương Bì lo tôi và Tuyền béo ham vui quá đà, lại không đi giày cưỡi ngựa, chẳng may ngã xuống thì không phải chuyện đùa, nên chỉ cho bọn tôi phóng thỏa thích một đoạn, rồi từ từ giảm dần tốc độ xuống.
Tôi bèn tranh thủ cơ hội này hỏi lão Dương Bì, cái tên động Bách Nhãn thật kỳ quái, không biết tên ấy từ đâu ra? Lão Dương Bì bảo rằng ông cũng không rõ lắm, chỉ nghe nói là ở gần đấy có rất nhiều hang hố, cửa hang to bất bình thường, hình như đều là những nguồn nước cạn khô. Nơi ấy trên mặt đất đầy những hang hố kiểu như thế, có lẽ chính vì nhiều hang quá, nên mới gọi là “động Bách Nhãn”. Vì đã có quá nhiều người và gia súc mất tích ở đấy, nhiều năm nay không ai dám lại gần khu đó nữa, nên cũng không rõ có đúng là vậy thật không.
Lão Dương Bì thủy chung vẫn luôn hãi sợ con hắc long xuất hiện ở vùng phụ cận động Bách Nhãn, tôi đoán phỏng chừng sự kiện người em trai mất tích năm xưa, đã phủ lên tâm trí ông một bóng đen, khiến nút thắt trong lòng không thể tháo gỡ. Tôi không biết nên khuyên giải ông thế nào, đành an ủi rằng trên đời này chẳng có rồng riếc gì cả, đó chỉ là một tô tem do người xưa sáng tạo ra mà thôi.
Nói tới đây, tôi bỗng nhớ đến cuốn tàn thư Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật gia truyền, trong đó hình như có rất nhiều chương nhắc đến “rồng”. Cuốn sách rách rưới này là tài sản duy nhất còn lại của gia đình, xưa nay tôi vẫn luôn mang theo người, nhưng đến lúc bây giờ cũng chưa từng đọc kỹ lần nào. Vậy là tôi liền móc quyển sách ra, ngồi trên lưng ngựa lật qua lật lại mấy lượt, quả nhiên có một đoạn nói về “Tầm long quyết”, trong đó viết rằng: “Núi sông nhấp nhô trùng điệp, thế ấy gọi là ‘long’, địa thế kéo dài liên miên, ngưng kết cũng thành ‘long’.” Xem ra rồng (long) cũng là một hình ảnh tượng trưng cho thế núi, trong sách này không có đoạn nào nói rằng rồng là vật sống.
Tuyền béo xưa nay rất không thuận mắt với cuốn sách cũ kỹ ấy, thấy tôi lấy nó ra làm bằng, lập tức móc máy: “Sao cậu vẫn không vứt mẹ nó cái thứ sách dị đoan xằng bậy ấy đi nhỉ? Cái loại sách nói nhăng cuội này là độc hại lắm đấy nhé, cậu xem nhiều sẽ trúng độc đó, đồng chí của tôi ơi! Mà cậu lại còn lấy ra cho người khác đọc nữa chứ, định truyền cái thú vui thấp hèn ấy cho giai cấp nông dân và chiến hữu cách mạng phỏng?”
Tôi liền phản bác ngay: “Cậu thì biết cái đếch gì, nói lăng nói nhăng, thú vui thấp hèn không có tội, huống hồ xưa nay tôi luôn đọc nó bằng nhãn quang phê phán...” Đang nói dở dang, lão Dương Bì đột nhiên ghìm cương ngựa, bảo ba đứa thanh niên trí thức bọn tôi, đi hết trảng cỏ này là đến động Bách Nhãn rồi, ông dám thề với Trường Sinh Thiên là đã nhìn thấy con yêu long ở đó, tình cảnh khủng khiếp ấy có chết cũng không thể nào quên được.
Lúc ấy vầng hồng đang treo lơ lửng trên bầu không bao la, chúng tôi cưỡi trên lưng ngựa, tay khum lại che nắng dõi mắt nhìn về hướng Tây, trên thảo nguyên vắng lặng, cỏ vàng trải ngút tầm mắt, khung cảnh hoang lương xơ xác, tận cùng của biển cỏ mênh mông dập dềnh nổi sóng ấy, có một khoảng đồi nhấp nhô, thoạt trông tựa như mấy hòn đảo lẻ loi giữa biển. Nơi ấy chính là động Bách Nhãn mà lão Dương Bì mỗi lần nghe nói đến đều biến sắc, xem ra đàn bò đã chạy về hướng ấy. Chuyến này không tìm được bò về; mọi người cũng khó ăn khó nói, phỏng chừng dù là long đàm hổ huyệt, chúng tôi cũng phải xông pha xâm nhập một phen thôi vậy.
Lão Dương Bì có mang theo một thanh đao Mông Cổ, đó thực ra là thanh Khang Hy bảo đao, năm xưa được nhà vua ngự tứ ban cho một vị vương gia Mông Cổ. Về sau khi phong trào đả phá “tứ cựu” lên cao, hậu nhân của vị vương gia ấy đã nhờ lão Dương Bì len lén vứt thanh đao đi. Ông già này biết đó là một thanh bảo đao, khi ấy tinh thần giác ngộ cũng không dâng cao lắm, cảm thấy vứt đi thì tiếc quá, bèn giữ lại giấu trong nhà. Gia đình ông thuộc thành phần thấp, không ai chú ý đến, vì vậy thanh đao ấy vẫn còn giữ được đến giờ. Lão Dương Bì cảm thấy Khang Hy bảo đao có thể kỵ tà đuổi ma, bèn mang theo bên mình.
Có lẽ, đối với lão Dương Bì, ra đi chuyến này là không dự định sống trở về nữa, nên vẻ mặt ông vô cùng bi tráng. Bấy giờ, khi sắp đến gần động Bách Nhãn, ông già đột nhiên rút đao đánh “choang” một tiếng, miệng hát lên một khúc Tần xoang để tăng lòng can đảm cho đám thanh niên trí thức bọn tôi và cả cho chính mình, vừa hát ông vừa thúc ngựa tiến lên. Chỉ nghe cái giọng như chuông rè của ông vang vang rằng: “Triệu Tử Long a…” Câu hát Tần xoang thoát ra khỏi miệng, chí khí sục sôi, đồng thời cũng toát lên một sự bi phẫn khó tả thành lời.
Chúng tôi bị giọng hát rung động đất trời của ông lão Dương Bì làm sởn hết cả gai ốc, tuy cũng chưa từng nghe Tần xoang thật bao giờ, nhưng cả ba đều cảm thấy giọng chuông rè của ông đúng là giọng Tần xoang chính cống. Lúc này, đích thực cũng cần hát mấy câu về vị anh hùng gan dạ cùng mình Triệu Tử Long ấy để cổ vũ cho mọi người, tôi đang định vỗ tay hoan hô thì ông lại đột nhiên im bặt, hai mắt nhìn chằm chằm xuống vết chân của đàn bò dưới mặt đường. Thì ra sau khi chạy tới đây, lũ bò đột nhiên chuyển hướng, không lao thẳng về phía động Bách Nhãn nữa. Lão Dương Bì lập tức cả mừng, rối rít cảm tạ Trường Sinh Thiên không để mấy ông mấy bà bò này chạy vào động Bách Nhãn. Nhưng chúng tôi chẳng kịp mừng lâu, bốn người lần theo dấu tích đi được vài dặm nữa thì bỗng nhiên dấu chân của hơn trăm con bò lại không dưng biến mất. Bao nhiêu dấu chân bò hỗn loạn đều dừng lại ở cùng một chỗ, lẽ nào cả đàn bò ấy đều bốc hơi mất rồi sao? Mấy người chúng tôi đều trợn mắt há hốc mồm ra, hay là bị vòi rồng cuốn đi mất rồi? Nhưng bốn phía xung quanh hoàn toàn không hề có dấu vết của gió lốc, rốt cuộc là ở đây đã xảy ra chuyện gì?


Chú thích
[23] Câu đầu tiên trong bài tứ Cùng đồng chí Quách Mạt Nhược viết theo điệu Mãn Giang Hồng của Mao Trạch Đông.


Chương 15:


Đại thảo nguyên phủ một lớp cỏ vàng, tựa như mặt biển màu xanh vàng cuồn cuộn sóng nhấp nhô. Cỏ gần như cao bằng nhau, nhưng cồn đất bên dưới thì lại nhấp nhô không bằng phẳng, địa hình cao thấp đan xen. Ở đại đa số các khu vực trên thảo nguyên, độ chênh lệch giữa điểm cao và điểm thấp đều không lớn lắm, nhìn từ xa hoặc từ trên cao rất khó phân biệt. Trên thảo nguyên cũng có núi nham thạch hoặc núi sa thổ, vì nơi đây trời cao đất rộng nên nhìn từ xa chỉ thấy trời đất liền lạc, nhấp nhô liên miên, chỉ khi đến gần sát, mới có thể cảm nhận được độ dốc lớn thế nào.
Dấu tích của đàn bò chạy loạn biến mất trên một con dốc, chúng tôi vội vàng dẫn ngựa sục sạo kỹ càng, liền phát hiện vết chân tán loạn trên đám cỏ, xung quanh còn có dấu vết cỏ bị gặm, chứng tỏ rằng lũ bò sau khi chạy đến đây thì đã bình tĩnh lại, không còn kinh hoảng nữa, thậm chí còn dừng lại đây gặm cỏ.
Nhưng kỳ quái một điều là, cả một đàn bò lớn như thế lại không dưng biến mất. Cho dù lũ bò có gặp phải cả đàn sói tấn công, thì ít ra cũng phải có dấu vết như dấu chân hay gì đó chứ? Xét cho cùng thì bốn chúng tôi cũng đuổi theo sát ngay phía sau, trong khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy, lực lượng nào có thể khiến cả một đàn bò biến mất được chứ? Tôi ngồi trên lưng ngựa hỏi Đinh Tư Điềm: “Trên thảo nguyên này có vòi rồng không? Hay là cuồng phong cuốn cả đàn bò đi mất rồi?”
Đinh Tư Điềm đáp: “Nghe nói ở Ngoại Mông thi thoảng cũng có vòi rồng, còn trên thảo nguyên này thì cực kỳ hiếm gặp. Vả lại, vòi rồng có thể cuốn đi cả trăm con bò thì phải lớn đến chừng nào chứ? Nếu có vòi rồng thật, hôm nay trời trong thế này, nếu có thì chúng ta đã thấy từ tít đằng xa kia rồi, thêm một điều nữa là cỏ ở xung quanh đây làm gì có vết tích bị gió quật đâu?” Nói đoạn, cô liền quay sang hỏi lão Dương Bì, dù sao lão Dương Bì cũng từng sống trên thảo nguyên này mấy chục năm, kinh nghiệm phong phú hơn đám thanh niên trí thức chúng tôi nhiều lắm.
Lão Dương Bì không nói gì, ông nhảy xuống ngựa, sờ mó vết chân bò dưới đất, quan sát tỉ mỉ một lúc lâu, cuối cùng chán nản ngồi phịch xuống đất, nước mắt đầm đìa chảy vòng quanh gương mặt già nua. Xem ra hơn hai trăm con bò chắc chắn đã bị con “yêu long” trên thảo nguyên nuốt mất rồi. Lão Dương Bì vừa khóc vừa đấm ngực giậm chân: “Trường Sinh Thiên ơi hỡi, sao lại trừng phạt kẻ du mục mệnh khổ này như thế?” Mấy chục năm trước, người anh em ruột thịt của ông đến gần nơi này liền mất tích, giờ cả một đàn bò chạy đến đây cũng không thấy tăm hơi. Mà lũ bò này đều là tài sản của tập thể, nếu tối qua không uống say khướt, mà bỏ công đi gia cố lại hàng rào quây đàn bò, thì cũng đâu đến nông nỗi này, trách nhiệm thực sự quá lớn. Hơn nữa, cấp trên mà tra xuống thì cũng chẳng biết giải thích thế nào, nói rằng đàn bò đã bị rồng nuốt mất rồi, đến một cọng lông cũng chẳng còn, thử hỏi có ai tin đây?
Đinh Tư Điềm cũng lo cuống lên, nước mắt lã chã tuôn rơi. Nhìn bề ngoài cô có vẻ mạnh mẽ, nhưng thực ra nội tâm rất nhạy cảm, vô cùng mỏng manh, chẳng khác nào những cô gái bình thường khác. Đòn giáng lớn nhường này, cô thực không thể nào trụ vững nổi. Tôi và Tuyền béo thấy vậy mà cũng lấy làm lo lắng cho hai người. Tôi vội tung mình xuống ngựa, bước đến khuyên lão Dương Bì: “Cháu thấy việc đã đến nước này, không tìm được đàn bò về thì chúng ta không xong đâu. Giờ có lo mấy cũng vô dụng, chúng ta phải mau chóng tìm khắp xung quanh xem sao, dù phải lật tung cả cái thảo nguyên này lên cũng phải tìm cho bằng được bọn chúng.” Tôi chẳng tin vào mấy cái truyền thuyết yêu long nuốt người nuốt gia súc gì cả, mà kể cả có trường hợp là trên thảo nguyên này thực sự có một loài mãnh thú gì đấy ngoại hình giống như con rồng ẩn náu, thì nó cũng không thể một hơi nuốt chửng hết bao nhiêu là bò như thế được, dạ dày quái gì mà to thế? Mà kể cả là như thế, chẳng lẽ nuốt rồi không nhè xương ra chắc? Tìm được xương bò thì ít nhiều cũng có cái mà ăn nói. Cái thời buổi này, người ta chụp mũ cho nhau nhiều lắm, nếu chẳng may không tìm được lũ bò về, đám người ở trên chỉ cần tùy tiện chụp cho ông lão Dương Bì và Đinh Tư Điềm một cái mũ vậy là đủ chết cũng không đền hết tội rồi. Có những chuyện dù sợ mấy cũng không tránh đi được, gặp thời khắc quan trọng thì chỉ có thể nghiến răng mà chống đỡ đến cùng, có thời gian khóc lóc thì chi bằng mau mau đứng dậy mà đi tìm lũ bò về còn hơn.
Tuyền béo cũng khuyên rằng: “Tư Điềm đừng khóc, trong ấn tượng của mình, bạn đâu phải là cô gái chỉ biết khóc lóc nước mắt nước mũi chảy đầm đìa, không dám gánh vác điều gì. Nhớ năm xưa chúng ta chẳng phải đều là hồng vệ binh đảo khắp năm châu phong lôi khởi, lật tung bốn biển nước mây hờn, quét sạch mọi ngưu quỷ xà thần đó hay sao? Bạn cũng từng nói rằng tương lai muốn làm một chiến sĩ văn công giải phóng có trí tuệ và viễn kiến trác việt, có tư duy lý luận sâu sắc cùng tinh thần chiến đấu quật cường cơ mà, bạn đừng có bắt chước cái cậu Hồ Bát Nhất suốt ngày kêu gào rằng thú vui thấp kém là không có tội, đừng bao giờ quên, cái chết không thuộc về giai cấp công nhân.”
Đinh Tư Điềm nghe Tuyền béo nói thế cũng phải bật cười trong nước mắt, cô dụi dụi mấy giọt lệ nhòa trên mặt rồi gật đầu nói: “Đúng vậy, cái chết không thuộc về giai cấp công nhân.” Cô và lão Dương Bì, một già một trẻ được tôi và Tuyền béo khuyên giải, cuối cùng cũng nhận định được rõ tình hình, trên đời này người có thể cứu vãn vận mệnh của mình, chỉ có chính mình mà thôi, oán trời đất căn bản chẳng có ý nghĩa gì hết. Giờ không còn cách nào khác, muốn tìm bò về thì chỉ còn cách tự mình tiếp tục đi tìm, khóc lóc kêu gào ở đây cũng không thể khiến lũ bò tự tìm đường về được.
Thực ra, tôi vẫn còn một suy nghĩ chưa nói rõ ra với cả bọn. Hôm qua lão Dương Bì kể rằng mấy chục năm trước, em trai ông bị người ta ép phải dẫn đường đến động Bách Nhãn. Ông có nói đó là một nhóm thổ phỉ ở vùng núi, còn khiêng theo một cái rương rất lớn, từ lúc ấy tôi đã có cảm giác chuyện này hết sức ly kỳ rồi. Thời gian xảy ra việc này rất khớp với thời gian trong câu chuyện của thím Tư, nói không chừng đó lại chính là bọn phỉ Nê Hội, mang các thứ đào được trong núi đến thảo nguyên. Động cơ tại sao chúng lại chọn thảo nguyên thì tôi không đoán được, nhưng trong cái rương của Hoàng đại tiên kia thì mười phần có đến tám phần chính là vàng bạc châu báu rất có giá trị. Nếu không tìm được đàn bò, vạn nhất lại tìm được vàng bạc, có lẽ cũng có thể giúp Đinh Tư Điềm và lão Dương Bì lấy công chuộc tội.
Vì đã nghe quá nhiều truyền thuyết về mạch vàng ở vùng Hưng An Lĩnh, nên ý tưởng động Bách Nhãn chính là kho giấu vàng của bọn thổ phỉ đã bám rễ trong đầu tôi, hình thành nên ấn tượng chủ quan, mọi suy đoán tưởng tượng về sau, tất cả đều dựa trên tiền đề này. Tôi phỏng đoán rằng những người bị mất tích kia, rất có khả năng đều đã bị lũ thổ phỉ canh giữ kho tàng giết người diệt khẩu cả, rồi cuối cùng bọn Nê Hội ấy xuất hiện mâu thuẫn nội bộ, vì tranh đoạt vàng bạc và các báu vật trong mộ cổ, đánh nhau đến chết tiệt hết cả, chắc chắn là thế rồi. Thời ấy kiến thức tôi còn nông cạn, chuyện gì cũng không nghĩ sâu xa, lại còn rất vừa lòng với suy đoán ấy, cảm thấy mười phần thì chắc đến tám chín là như thế.
Ở mé bên cái dốc mọc đầy cỏ này là một khe núi, men theo đường mòn đi xuống chính là nơi đồi đất nhấp nhô mà mọi người nơi đây đều hãi sợ - động Bách Nhãn, chúng tôi tạm thời vẫn chưa nản lòng, lại nhảy lên lưng ngựa đi xung quanh tiếp tục sục tìm dấu vết.
Lúc này trời đã quá ngọ, chúng tôi cũng vừa mới lên lưng ngựa chưa được bao lâu, lũ ngựa bỗng đột nhiên tỏ ra cực kỳ bất an, không ngừng kêu lên “Hí hí, hí hí”, bầu không khí xung quanh phảng phất như tồn tại sự vật gì đó dị thường, mới khiến chúng nôn nao hoảng hốt như thế. Tôi lo con ngựa sẽ chồm lên hất văng mình xuống, liền vội vàng một tay ghì chặt cương, tay kia nắm chặt lấy vòng sắt trên yên ngựa, nhưng ngựa không chồm lên, mà chỉ đảo vòng vòng một chỗ. Tôi liếc thấy ba con ngựa kia cũng hệt như thế, vội kêu lên gọi lão Dương Bì: “Ông ơi, bọn ngựa này bị sao thế?”
Lão Dương Bì vội ghì cương ngựa, giữ chặt con ngựa đang kinh hoảng luống cuống lại, nói cho chúng tôi biết, lũ ngựa trên thảo nguyên này đều có linh tính, nhạy cảm hơn trực giác của con người nhiều lắm, nhất định là chúng đã cảm thấy gần đây có thứ gì đó rất đáng sợ, mà con người lại không cảm thấy được. Con ngựa lão Dương Bì đang cưỡi là một con ngựa trong quân đã giải ngũ, cao hơn ngựa Mông Cổ bình thường một cái đầu. Con ngựa này tuy già, nhưng tố chất tâm lý ổn định hơn ngựa thường rất nhiều, có nó dẫn đầu, ba con ngựa khác nhất thời cũng chưa đến nỗi rối loạn cả lên.
Tâm tình lũ ngựa đã dần ổn định trở lại, bọn tôi bèn thừa cơ đưa mắt nhìn khắp bốn bề, định quan sát thử xem trên thảo nguyên này rốt cuộc có gì lạ, nói không chừng lại liên quan đến hơn trăm con bò bị mất tích cũng nên. Nhất thời dây thần kinh của bốn người đều căng ra như dây cung kéo đầy. Để phòng bị bầy sói trên thảo nguyên, lão Dương Bì còn mang theo một khẩu súng săn kiểu cũ, ông già đã có cây bảo đao Khang Hy phòng thân, liền hỏi Tuyền béo: “Ê cậu béo, có biết bắn súng không thế?”
Tuyền béo bĩu môi khinh khỉnh nói: “Để ông nói trúng rồi đấy, hồi bé cháu đây cũng từng bắn thử vài phát thôi.” Sau đó cậu ta đón lấy khẩu súng săn trong tay lão Dương Bì xem thử, đoạn cười khổ nói: “Súng kiểu này thì cháu chưa bắn bao giờ, đây là súng săn ạ? Cháu thấy chắc chẳng mạnh hơn súng điểu[24] năm xưa của Nghĩa Hòa đoàn đánh quỷ Tây là mấy đâu.” Dân du mục cũng có súng săn loại mới, nhưng lão Dương Bì chỉ có mỗi một cây súng kiểu cũ kỹ này, vì lũ lang sói trên thảo nguyên Khắc Luân Tả Kỳ cũng không nhiều, thi thoảng mới nhìn thấy một con ở tít đằng xa, bắn một phát súng chẳng qua chỉ để dọa khiếp cho nó chạy đi. Nhưng loại súng đường kính nòng nhỏ xíu này thực ra lại có lịch sử rất huy hoàng. Nó xuất hiện đầu tiên là ở Thiên Tân, chuyên dùng để bắn vịt trời, cấu tạo giản tiện dễ sử dụng, năm đó quân Thái Bình Thiên Quốc phạt Bắc, đánh đến Thiên Tân, chỉ cần công hạ Thiên Tân, kinh thành của Đại Thanh sẽ không thể giữ được, vào thời điểm sống còn ấy, tri huyện Thiên Tân Tạ Tử Tranh đã tập hợp dân săn vịt trời lại thành một đội “hỏa thương”, sử dụng chiến thuật sắp hàng nổ súng phòng ngự, xưng là “quân Áp Bài”, cuối cùng chính nhờ vào đạo quân này mà đẩy lui được quân Thái Bình. Vì lẽ ấy, vào cuối thời Thanh, đầu Dân Quốc, dân gian đã phỏng theo kiểu súng này mà chế tạo một lượng lớn, đến thời Hồng quân trường chinh cũng vẫn còn người sử dụng. Nhưng dù lợi hại đến mấy thì nó cũng là vũ khí từ hơn nửa thế kỷ trước rồi giờ lẽ ra phải thành đồ cổ, mang vào bày trong viện bảo tàng mới đúng.
Nhưng giờ chẳng còn thời gian đâu mà tranh luận xem khẩu súng săn này có khả năng sát thương hay không, có khí giới phòng thân dù sao cũng hơn hai tay không, bốn người chúng tôi cố gắng đi sát vào nhau, trải tầm mắt ra theo hình nan quạt quan sát thảo nguyên. Bốn con ngựa vẫn đang khẽ hí lên “hi hí hi hí”, tôi tập trung tinh thần nhìn về phía trước, tầm nhìn trên thảo nguyên rất rộng, trời mênh mang, thảm cỏ trải dài tít tắp, mọi thứ đều thu trọn vào tầm mắt, nhưng ngoài những cơn gió phất qua bụi cỏ, xung quanh không còn gì khác, cũng không phát giác ra bất cứ động tĩnh nào dị thường.
Càng yên tĩnh lại càng không chắc chắn, cả một bò lớn đột nhiên biến mất trên thảo nguyên, hơn nữa còn biến mất một cách hoàn toàn triệt để như vậy, tôi lờ mờ cảm thấy dường như có một thứ sức mạnh thần bí, tuyệt đối không phải thứ sức người có thể đối kháng lại được đang lẩn khuất đâu đây. Nhìn lũ ngựa bất an như vậy, có lẽ luồng sức mạnh đáng sợ mà thần bí đó đang tiếp cận chúng tôi, nhưng chúng tôi thậm chí còn không biết nó ở hướng nào, phương nào nữa. Tôi không ngừng tự hỏi mình nên làm thế nào? Đánh hay chạy? Nghĩ đi nghĩ lại, trước mắt chỉ còn mỗi cách lấy tịnh chế động thôi vậy.
Trăm ngàn dòng suy nghĩ cuồn cuộn trong tâm trí đột nhiên bị một tiếng nhạn kêu bi thiết trên không trung làm ngắt đoạn, tôi nghe thấy tiếng nhạn kêu, liền bất giác cùng ba người còn lại ngẩng đầu nhìn lên. Chỉ thấy một đàn nhạn bay thành hình chữ “V” đang lướt qua phía trên đầu, mùa thu nhạn kết thành bầy di trú là cảnh hết sức thường gặp trên thảo nguyên, chúng tôi vốn cũng không để ý lắm, nhưng phía trước tuyến đường bay của bầy nhạn này vừa khéo lại có một quầng mây đen u ám. Đám mây này dày lạ thường, trông khá giống đám mây hình nấm hình thành khi nổ bom nguyên tử, có điều kích cỡ nhỏ hơn nhiều, màu sắc cũng khác, rất hay gặp trên thảo nguyên, không nhìn kỹ thì cũng không dễ gì để ý thấy. Đám mây buông rủ từ trên bầu không cao vút xuống, loại mây này gọi là “móc trời”, những mục dân có kinh nghiệm trông thấy nó, liền biết ngay là sắp có mưa tuyết đổ xuống.
Lúc chúng tôi ngẩng mặt lên nhìn, bầy nhạn vừa khéo cắt qua đám mây ấy, vì hình chữ “V” đó rất dài, nên ngoài rìa vẫn còn mấy con nhạn lớn chưa đến gần với đám mây. Cùng với tiếng nhạn kêu bi thảm vang lên trong mây, mấy con nhạn cuối cùng vội vàng tản ra bay ngược về phía sau bỏ chạy, chúng tôi thấy tình cảnh ấy, liền lập tức giật thót mình. “Mẹ ơi, trong mây có thứ gì đó!” Lão Dương Bì ôm đầu kinh hãi hét lên, “Trường Sinh Thiên ơi, con yêu long ấy núp ở trong đám mây!”
Trên cao dường như có một cơn gió mạnh thổi qua đám mây dày đặc trong chốc lát đã rách te tua, trời xanh ánh hồng hết sức rõ rệt, trong đám mây ấy là một vùng trống không, chẳng có gì hết. Lũ nhạn bay tán loạn bỏ trốn vẫn đang ở đằng xa kêu lên ai oán, những con vừa bay vào quầng mây khi nãy đều tựa như bốc hơi trong mây, chẳng còn dù chỉ một cọng lông.
Bọn tôi trợn tròn mắt há hốc miệng, nếu không phải tận mắt chứng kiến, liệu có ai tin nổi tình cảnh đáng sợ vừa xảy ra chứ? Lúc này, ánh dương trên cao dường như tối sầm lại trong một sát na, nhưng trong mắt chúng tôi, trên cao vẫn là trời xanh mây trắng, không có bất cứ thứ gì không nên có, nhưng ngay sau đó, lũ ngựa lại trở nên kinh hoảng. Chúng tôi muốn ghìm chúng lại, đều kéo mạnh cương về phía sau, bọn ngựa biết chủ nhân không phát lệnh tung vó bỏ chạy, chỉ đành bồn chồn quanh quẩn tại chỗ, nhưng có ghìm cương thế nào chúng cũng không chịu dừng lại.
Đang lúc không biết tiến thoái thế nào, tôi đột nhiên có cảm giác màng nhĩ căng phồng, trong lòng lập tức biết ngay có chuyện chẳng lành, thứ ở trên trời kia đã xông tới chỗ chúng tôi rồi. Lão Dương Bì cũng lập tức phản ứng, vung roi ngựa lên, quất một chập vào mông mấy con ngựa, cả bọn đều biết không chạy là không xong, liền vội vàng thúc ngựa: “Chạy mau, chạy mau!”
Bốn con ngựa cuối cùng cũng được giải thoát, mang theo chúng tôi xông ra phía sau con dốc. Cưỡi ngựa sợ nhất là xuống dốc, rất dễ bị trượt chân trước, nhưng lúc này chẳng ai nghĩ ngợi đến những việc ấy nữa, không cần người thúc giục, lũ ngựa con nào con nấy đều ra sức chạy thục mạng, bên tai chỉ nghe tiếng gió thổi vù vù vù vù.
Bọn ngựa chỉ chọn chỗ địa thế thấp trũng mà chạy, bốn vó tung bay giữa những đồi cỏ nhấp nhô chập chùng. Chúng tôi đều biết cảm giác của loài ngựa đối với nguy hiểm nhạy bén hơn con người nhiều, không cần phải hỏi lý do, cứ thế rạp người trên yên cương, để mặc cho chúng đưa mình chạy trốn là được. Dù đang cuống cuồng bỏ trốn, tôi cũng không quên ngoảnh đầu lại nhìn phía sau, chỉ thấy từng trận gió thu khiến thảo nguyên cuộn lên tầng tầng lớp lớp sóng cỏ, trời cao mây thoáng, sau lưng chúng tôi căn bản chẳng có thứ gì.
Chạy một mạch khoảng chừng hai ba dặm đường, bốn con ngựa bấy giờ mới thả bước chầm chậm lại, đồng thời cũng dần bình tĩnh lại khỏi cơn kinh hoảng, xem ra đã thoát hiểm rồi. Chúng tôi ghìm cương cho ngựa dừng lại, ngoảnh đầu nhìn xung quanh, không ai nói rõ được vừa nãy rốt cuộc đã gặp phải thứ gì? Nhưng lũ bò mất tích thì có lẽ giống như bầy nhạn hoang bay vào đám mây vừa nãy, đã bị một thứ vô hình vô ảnh nào đó nuốt mất rồi.
Tôi hỏi lão Dương Bì xem lần trước ông bảo từng gặp rồng trên thảo nguyên mấy chục năm trước, không biết tình cảnh có giống vừa nãy hay không? Nét mặt lão Dương Bì hoang mang ngỡ ngàng, bảo rằng tình hình lần trước hoàn toàn không phải thế này. Lần ấy đang buổi hoàng hôn, nhìn thấy trên bầu không có một con ác long hung dữ khủng khiếp, toàn thân đen kịt, cơ hồ như một bóng ma đáng sợ vô ngần, chứ không phải giữa thanh thiên bạch nhật bao nhiêu sinh linh bảo biến mất là biến mất luôn như vừa nãy, chuyện này đúng là hết sức kỳ quái.
Mấy người đều nhao nhao bàn luận vài câu, song đều vô kế khả thi, chẳng ai nói ra được một nguyên do hợp lẽ. Bố mẹ Đinh Tư Điềm đều là cán bộ quản lý trong viện bảo tàng, từ nhỏ cô đã được tiếp xúc rất nhiều, trong mấy người chúng tôi thì cô là người có kiến thức rộng nhất, nhưng đến cả cô cũng chưa từng nghe nói đến hiện tượng này bao giờ. Cô chỉ nói rằng, những hiện tượng tự nhiên khủng khiếp đáng sợ trên thế giới này rất nhiều, nhân loại chẳng qua chỉ nhìn thế giới qua con mắt của một sự vật nhỏ bé, làm sao có thể hiểu rõ được hết những điều thâm ảo kỳ bí bên trong. Nhưng bất luận là dùng nhãn quang của chủ nghĩa duy vật hay chủ nghĩa duy tâm, hoặc chủ nghĩa phê phán để nhìn hiện tượng này, thì lũ bò kia của chúng tôi, quá nửa là vĩnh viễn không thể nào tìm về lại được nữa rồi.
Đinh Tư Điềm đang cảm thán trước vận mệnh trớ trêu, tôi đột nhiên phát hiện khe núi chỗ không xa lắm cỏ hoang tiêu điều, tựa hồ như chốn ra vào của loài cô hồn dã quỷ, thầm nhủ lúc nãy chỉ lo bỏ chạy tháo mạng, không hiểu đã chạy đến đâu đây? Tôi vội vàng nhắc lão Dương Bì quan sát lại địa hình, xem rốt cuộc đây là đâu? Lão Dương Bì định thần lại, xoay đầu ngựa đảo một vòng xung quanh, thần sắc lập tức trở nên căng thẳng, ông già ngước nhìn về phía khe núi kia thở dài nói, chắc chắn là đời trước tạo nghiệt rồi, sao chúng ta chạy đi đâu không chạy, lại xông thẳng vào động Bách Nhãn thế này?


Chú thích
[24] Một loại súng trường.


Chương 16: Con Du Diên [25]


Bầu trời thảo nguyên phảng phất như tồn tại một bóng u linh vô hình vô ảnh, tuy bằng mắt thường chúng tôi không thể nhận ra nó, nhưng lũ chim nhạn và đàn bò bị bầu trời nuốt mất, cùng với mấy con ngựa kinh hoảng bất an, đều biểu thị rằng, ở đâu đó quanh đây, thực sự có một sự vật đáng sợ mà con người không thể nhận biết. Trong tình trạng chưa rõ ràng chân tướng này, chúng tôi bị buộc phải lựa chọn cách né tránh.
Mới đầu cũng không ai chú ý đến, con ngựa già từng phục vụ trong quân đội mà lão Dương Bì cưỡi lại dẫn chúng tôi chạy vào khu vực động Bách Nhãn được coi là ác mộng của dân du mục trên thảo nguyên này. Vùng đồi núi được gọi là động Bách Nhãn này, nằm ở nơi giáp ranh giữa thảo nguyên và hoang mạc, phía Đông là biển cỏ mênh mang, đi thêm về phía Tây là sa mạc Mông Cổ trải dài vô tận, ở giữa bị một vùng đồi núi trập trùng ngăn cách, hình thành nên dải thực vật hoang mạc hóa thảo nguyên điển hình.
Khe núi trước mắt chúng tôi cỏ dại mọc um tùm, cây cối đan xen, nếu nhìn từ trên cao xuống, nơi này có lẽ sẽ trông giống như một cái hố bẫy khổng lồ màu xanh đen vậy. Lúc bấy giờ thời tiết tuy nắng ráo, nhưng vì địa thế thấp trũng, gió không thổi vào được, chỉ thấy giữa đám cỏ mọc cao ngang thắt lưng vấn vít một màn sương mờ mịt, bên trong còn thoảng bốc lên mùi xú uế. Lão Dương Bì chỉ vào sâu trong khe núi, nói với chúng tôi, vị trí chính xác của động Bách Nhãn thực tế là ở trong rừng cây bụi dưới khe núi, năm đó người anh em của ông chính là bị lũ thổ phỉ ép phải bước lên con đường không có lối về này.
Tôi hỏi lão Dương Bì xem mấy chục năm trước ông đã tận mắt trông thấy con yêu long đó ở đâu? Có phải trên bầu không của khe núi này? Lão Dương Bì nói, lúc đó không thấy có nhiều sương mù thế này, trong khe núi là một khu rừng rậm, nhưng giờ không hiểu vì sao lại có khói sương bốc lên mờ mịt như vậy, sâu bên trong đám cỏ cây ấy, sương mù dày đặc đến độ cơ hồ không thể tan hết đi được, chỗ lần trước ông lão trông thấy rồng đã bị sương mù phủ kín mất cả rồi.
Chúng tôi ngồi trên lưng ngựa căng mắt nhìn về phía khu rừng, chỉ thấy càng vào sâu bên trong sương mù càng dày đặc hơn. Trong tình hình ấy, nếu trong ấy thực sự có che giấu điều gì đó, không mò vào sát bên thì căn bản không thể nào thấy được. Lão Dương Bì thúc giục chúng tôi, nhân lúc còn có thể đi được thì mau chóng rời khỏi đây, dừng lại chỗ quái quỷ này lâu quá, nếu thật xảy ra chuyện gì ngoài mong đợi, sợ rằng có muốn đi cũng không kịp nữa mất. Tình hình này chắc là không tìm được đàn bò rồi, trở về muốn đánh muốn phạt gì cũng đành nhận vậy thôi, dù sao cũng còn đỡ hơn là ở lại đây mà mất nốt cả tính mạng.
Tuy tôi và Tuyền béo đều không kìm nổi ý nghĩ muốn vào rừng xem rốt cuộc có thứ gì, nhưng nghĩ đến sự an toàn của Đinh Tư Điềm và lão Dương Bì, đành phải gạt ý đồ ấy sang một bên, lập tức quay đầu ngựa rời khỏi nơi này. Lão Dương Bì lại càng không muốn ở lại đây thêm một giây một phút nào nữa, ông tính chọn đi đường tắt qua một đồi cỏ, không ngờ dưới chân dốc lại có rất nhiều hang chuột, bình thường cửa hang đều bị cỏ hoang phủ kín, không thể nhìn ra được. Điều dân du mục sợ nhất, chính là chân ngựa bị lọt xuống hang chuột, như vậy rất dễ khiến con ngựa bị gãy chân.
Con ngựa màu mận mà Đinh Tư Điềm cưỡi vừa khéo lại giẫm đúng vào một cái hang chuột như thế, cửa hang toàn là đất cát và rễ cỏ, thể trọng của bản thân con ngựa đã không nhẹ rồi, lại đang xuống dốc, vừa giẫm lên hang chuột chân ngựa liền thụt ngay xuống đó. Con ngựa lập tức ngả sang một bên, chỉ nghe một tiếng hí thảm thiết, xương chân trước của nó đã gãy lìa ra rồi.
Cũng may là Đinh Tư Điềm nhẹ người, bị con ngựa mất trọng tâm hất một cú, chỉ lăn mấy vòng trên bụi cỏ chứ không bị thương. Mặc dù vậy, cô cũng tái hết cả mặt vì kinh hãi, thân hình nhỏ bé như cô, nếu chẳng may bị con ngựa ngã đè lên người thì ít nhất cũng bị thương nặng chứ chẳng chơi.
Chúng tôi thấy bạn mình ngã ngựa đều kinh hãi vô cùng, lập tức ghìm cương dừng bước, biết Đinh Tư Điềm chỉ ngã lấm lem mặt mũi mới yên tâm phần nào. Tôi vừa định tung mình xuống ngựa, lại liếc thấy trong cái hang chuột vừa bị con ngựa màu mận giẫm sụt đó, có một con chuột xám trắng chạy vọt ra. Cặp mắt nhỏ trên cái đầu hình tam giác của con chuột hoang lánh lên những tia nhìn sợ hãi, chắc là nó đang nhắm mắt ngủ khi trong hang, bỗng nhiên bị vó ngựa giẫm xuống làm cho kinh hoảng, lúc chạy ra cũng hoàn toàn chẳng để ý phương hướng gì, “vù” một tiếng lướt qua bên người Đinh Tư Điềm.
Đinh Tư Điềm ngã từ trên lưng ngựa xuống, vẫn chưa hết hoảng hồn, bỗng nhiên lại thấy một con chuột to tướng lông lá chạy vọt qua trước mắt, con chuột ấy to đùng ngã ngửa, phải gần bằng con mèo con rồi, mà lại gần sát sàn sạt, cơ hồ như lông chuột cọ cả lên má, làm cô sợ quá hét lên một tiếng, vội vàng rụt đầu né tránh.
Theo những gì tôi biết về cô, Đinh Tư Điềm không nhát gan, trong đám nữ thanh niên trí thức, cô có thể coi như là nhân vật xuất sắc nổi bật được rồi. Nhưng vừa nãy sự việc xảy ra quá bất ngờ, một tiếng thét của cô cũng coi như là xuất sắc lắm, cả con chuột hoang to đùng kia cũng sợ thót cả mình, toàn thân co rúm lại nhảy bật tung một cú lên rõ cao.


 Con chuột còn chưa kịp rơi xuống, đám cỏ sau lưng Đinh Tư Điềm bỗng lao xao một chập, từ bên trong thò ra một con “du diên đốm đen” dài đến mức chỉ thấy đầu không thấy đuôi, con du diên ấy hình dáng như con rết lớn, toàn thân màu vàng sậm ánh lên sắc xanh lục, chắc tại sống lâu quá nên khắp người toàn là những đốm đen lấm chấm những móc câu ở mép vô cùng sắc bén, một phát đớp trúng ngay con chuột đang ở trên không, lỗ nhỏ trên móc câu tức thì bơm chất độc vào trong cơ thể con mồi. Con chuột kia thậm chí còn không kịp giãy giụa đã mất mạng rồi.
Con du diên này có lẽ bình thường đều ẩn nấp trong lùm cỏ rình mồi, Đinh Tư Điềm ngã ngựa lăn xuống ngay bên cạnh, nó đang định chui ra cắn người, thì con chuột đen đủi kia đã lao ngay lên trước, thành thử lại cứu được mạng cho Đinh Tư Điềm, bằng không con du diên kia đã lẳng lặng mà tợp cho cô một cú rồi. Tất cả sự việc ấy chỉ diễn ra trong nháy mắt, đến bấy giờ tôi, Tuyền béo và lão Dương Bì mới kịp phản ứng, thoạt đầu nhìn con quái vật ấy có nhiều chân thế, còn ngỡ là một con rết lớn, nhưng nhìn kỹ lại, thấy nó ít chân hơn rết nhiều, chỉ có khoảng chục cặp chân là cùng, nhưng độ dài của chân thì kinh người, còn dài hơn cả chiều ngang cơ thể nó nữa. Đặc biệt là cặp chân cuối cùng, dài khủng khiếp, bấy giờ chúng tôi mới biết đấy là con du diên, vội đồng thanh hét lên thúc ngựa phóng tới cứu Đinh Tư Điềm.
Con du diên đã một hơi nuốt chửng luôn con chuột kia rồi. Con chuột ấy tuy to, nhưng đâu thể nào nhét đầy được cái dạ dày nó, hai cái râu rung rung lên, nó lại xoay đầu sang phía Đinh Tư Điềm chực cắn. Song Đinh Tư Điềm dẫu sao cũng từng làm Hồng vệ binh, cũng từng trải mấy năm đi khắp đất nước rèn luyện, lúc này đối mặt với nguy cơ, tuy rằng trong lòng hết sức hoảng loạn, song tay chân vẫn hoạt động được. Cô thấy con du diên há miệng giương càng lên chuẩn bị đớp mình, vội vàng chống tay xuống đất, lăn người ra ngoài né tránh.
Lúc này ba người chúng tôi đã kịp bổ tới tiếp ứng, con du diên bò hẳn ra khỏi lùm cỏ, toàn thân nó dài khoảng hơn một mét, nanh vuốt khua loạn lên. Nó cậy mình có chất độc, nên bò rất nhanh, đối mặt với người ngựa mà không hề sợ hãi, dán sát vào mặt cỏ phát ra những tiếng “soạt soạt soạt soạt...”, rồi lại nhao về phía Đinh Tư Điềm lần nữa.
Tuyền béo ngồi trên lưng ngựa giương súng định bắn, nhưng đúng vào giờ phút quan trọng này thì cái thứ vũ khí già rụng răng đó lại tịt ngòi, súng không nổ, nhưng ngựa thì đã vọt qua mất, mang theo một đám bụi vàng vọt xuống dưới dốc, Tuyền béo lúc ấy mới kịp ghìm cương ngựa lại. Tôi thấy con du diên kia hành động quá nhanh, bò vun vút trên mặt cỏ, bèn nghĩ để ngựa giẫm chết nó mới là thượng sách, vậy là liền giục ngựa phóng lên, rồi bất ngờ giật mạnh dây cương, ý đồ để móng ngựa chồm lên giẫm cho con du diên ấy nát bét bẹt ra.
Nhưng tôi quá nôn nóng cứu người mà quên mất mình đang ở trên dốc, con ngựa đương đà lao xuống bỗng dưng cất cả hai chân trước lên, hai chân sau tức thì mất trọng tâm, lúc vó ngựa đập xuống không thể giẫm trúng con du diên như mong muốn của tôi, mà ngược lại còn loạng choạng phóng thẳng xuống dốc. Tôi không kịp ghìm lại, vậy là cả nguời lẫn ngựa liền thuận đà cứ thế lao tiếp.
Tôi ngoảnh đầu lại nhìn, chỉ thấy lão Dương Bì kinh nghiệm dạn dày không thúc ngựa chạy nhanh trên dốc, ông già biết rõ trên dốc rất có thể còn những hang chuột khác, mà ở địa hình này, một đòn không trúng là không cứu được Đinh Tư Điềm, muốn giật ngựa quay lại thì cũng đã quá muộn. Vì vậy, ông chậm hơn tôi và Tuyền béo nửa bước, rút cây bảo đao Khang Hy ra khỏi vỏ, vầng tịch dương đỏ ối như lửa hắt lên ánh hào quang trên lưỡi đao sắc bén.
Nói thì chậm, lúc ấy sự việc diễn ra rất nhanh, mắt thấy con du diên sắp bổ nhào lên người Đinh Tư Điềm đến nơi, chỉ thấy thanh đao trong tay lão Dương Bì lóe lên một cái, lưỡi đao đã chém vào đôi chân con quái vật. Loài du diên này có một loại trên thân có đốm hoa lớn, con nào sống lâu, vỏ ngoài sẽ dần trở nên cứng rắn, chỉ có những cặp chân nhỏ xíu không ăn nhập gì với thân thể kia là hay gãy lìa ra, nhưng gãy rồi lại có thể mọc lại được. Một đao của lão Dương Bì chặt xuống, liền cắt xoạt luôn ba cái chân dài của con du diên đại tướng.
Con du diên đau đớn lăn lộn mấy vòng trên đám cỏ, cuối cùng cũng không cắn được Đinh Tư Điềm, nhưng ngay sau đó nó đã cuộn người, lướt đi như con gió trong lùm cỏ, rồi lao vọt lên không, nhằm thẳng về phía lão Dương Bì. Ông già thấy một đao vừa nãy không chặt được con quái nay ra làm hai đoạn, đối phương ngược lại còn ngóc đầu bật lại cũng lấy làm kinh hãi. Cũng may, tuy ông tuổi tác đã cao, nhưng cuộc sống du mục quanh năm khiến thân thể ông vẫn còn rất linh hoạt, vội vàng cúi rạp người sát trên lưng ngựa né tránh. Con du diên mang theo một trận gió tanh tưởi lướt vù qua trên lưng.
Loài du diên này tập tính rất đặc biệt, ban ngày không bao giờ gặp, đến sau buổi hoàng hôn mới bò ra, ngửi thấy mùi tanh là liền nhao tới. Trên thảo nguyên, thứ du diên có đốm hoa màu đen là độc tính mạnh nhất, cắn chết trâu bò dê ngựa cũng là chuyện thường. Chỉ thấy con du diên kia cắn trượt lão Dương Bì, rơi ra phía sau lưng ông, nhưng cũng không quay lại mà tiện đà bò thẳng lên người con ngựa màu mận vừa ngã gãy chân kia. Con ngựa đang không cọ quậy gì được, thấy con du diên to tướng bò lên người mình, cũng biết nếu để nó cắn phải thì phen này chết chắc, đang định lật người dùng trọng lượng cơ thể đè chết con trùng độc, nhưng chưa kịp hành động thì đã bị quai hàm của đối phương găm vào cơ thể, chỉ trong khoảnh khắc, hai mắt đã xanh lè, chết cứng đờ ra trên bãi cỏ.
Du diên tuy có chất độc giết được bò ngựa, nhưng vì da bò da ngựa quá dày nên bình thường chúng chỉ ăn các loài thú nhỏ, có những con du diên lớn đôi khi cũng ăn cả người. Dân du mục coi ngựa như mạng, lão Dương Bì thấy con ngựa màu mận ấy đã chết, đương nhiên vô cùng bi phẫn, không chỉ thương cho con ngựa, mà chủ yếu là lo lắng lần này đã để chết khá nhiều cả bò lẫn ngựa, lúc về không biết ăn nói với lãnh đạo tiểu khu thế nào. Nhưng liền ngay sau đó, ông lại phát hiện thấy con du diên to tướng màu xanh vàng lốm đốm đen cắn chết người xong lại tiếp tục bổ về phía Đinh Tư Điềm.
Trong lúc khẩn bách ấy, ông già cũng chẳng kịp đau buồn cho con ngựa nữa, vội vàng đưa tay cho Đinh Tư Điềm, kéo cô lên ngựa, hai người cùng cưỡi con ngựa già. Hai chân lão Dương Bì giậm mạnh xuống bàn đạp, con ngựa liền lập tức chở hai người nhảy chồm xuống dốc.
Tôi và Tuyền béo vừa quay đầu ngựa, chuẩn bị quành ngược về, bỗng thấy lão Dương Bì và Đinh Tư Điềm đã chạy đến bên cạnh mình, lùm cỏ sau lưng vang lên những tiếng loạt sà loạt soạt, con du diên dài hơn một mét kia đang đuổi sát phía sau. Tôi thấy con du diên có vẻ rất hung mãnh, trong chớp mắt đã độc chết cả con ngựa Mông Cổ, cũng không dám đánh liều phóng ngựa lên giẫm chết nó nữa, vội đánh tay ra hiệu, cùng Tuyền béo quay đầu ngựa. Cả bọn thúc ngựa phóng vào rừng, tính lợi dụng tốc độ để cắt đuôi con du diên đang theo sát không chịu buông tha kia.
Nhưng vừa vào rừng là tôi lập tức thấy hối hận, càng đi vào sâu trong khe núi cây cối càng rậm rạp um tùm, phóng ngựa trên thảo nguyên rộng rãi thoáng đãng, không có chướng ngại vật đúng là một chuyện rất thích thú, nhưng cưỡi ngựa ở chỗ có cây thì thật sự là hoa hết cả mắt. Ngựa vù vù giữa các tán cây, mắt thấy vô số cây cối hình thù quái dị lướt qua bên cạnh như bay, cảm giác như bất cứ lúc nào cũng có thể va chạm với các thân cây vậy.
Chạy chưa được bao xa, quần áo trên người tôi đã bị cành cây móc rách mất mấy miếng, cái mũ da chó cũng chẳng hiểu rơi ở đâu mất rồi. Đằng trước cây cối mọc lan tràn nghiêng ngả, che kín cả ánh mặt trời, cứ chạy thế này nữa sợ rằng bọn tôi không lạc nhau mới là lạ. Tôi vội vàng ghìm chặt cương ngựa, nhưng chỉ những con ngựa được huấn luyện rồi mới có thể bảo dừng là dừng ngay, con ngựa này của tôi cũng không nghe lời lắm, chẳng những không dừng mà ngược lại còn lao nhanh hơn, chèn cho Tuyền béo đang cưỡi ngựa chạy bên cạnh đi chệch cả đường.
Con ngựa của Tuyền béo lao về phía một gốc cây, thân cây này có một cành lớn mọc chìa ra rất thấp, vừa khéo chắn ngay phía trước mặt cậu ta. Tuyền béo thấy vậy, vội giở ra chiêu náu mình bên lưng ngựa, chiêu này cậu ta từng thấy dân du mục trên thảo nguyên biểu diễn, nhưng chưa thực hành bao giờ. Cậu ta rút chân khỏi bàn đạp, thân thể vụng về nghiêng nghiêng đi trên lưng ngựa, cuộn lại ngả xuống một bên hông ngựa, tuy rằng trông rất khó coi, nhưng vừa khéo cũng tránh được cành cây mọc chìa ra ấy.
Tuyền béo lấy làm đắc ý với biểu hiện của mình, chỉ sợ những người khác không thấy mình giở chiêu này, vội kêu lớn cho cả mấy chúng tôi chú ý sang phía ấy. Nhưng chiêu náu mình trên lưng ngựa này của cậu ta mới chỉ được đến mức vẽ hổ thành chó, mà lại còn chỉ vẽ được có một nửa, Tuyền béo ục à ục ịch, muốn lật người trở lại liền gặp khó khăn. Lúc này con ngựa của cậu ta sắp sửa chạy vào giữa hai thân cây, một thân ngựa phóng qua giữa hai cây ấy thì không vấn đề gì, nhưng bên cạnh lại cộng thêm Tuyền béo thì chắc chắn là không thể qua nổi. Tuyền béo thấy mình sắp đập vào thân cây, muốn tránh cũng không kịp, lại không thể khiến con ngựa dừng lại, bèn dứt khoát nhắm tịt mắt thả mình rơi xuống đất, lăn vào một đám cỏ dại. Còn con ngựa thì chẳng thèm quay đầu, chạy một mạch vào trong rừng.
Tôi mải xem Tuyền béo làm trò, cũng bị một cành cây to tướng thúc cho một cú bay khỏi lưng ngựa, may mà quần áo mặc trên người cũng dày dặn, xương sườn mới không gãy, với lại hai tay tôi cũng kịp ôm lấy cành cây treo mình lơ lửng trên không. Con ngựa bên dưới cũng nổi cơn chạy một mạch, lao vút vào màn sương mù dày đặc trong rừng sâu trong chốc lát đã biến mất tăm mất tích, chỉ để lại một tràng những tiếng vó ngựa gõ lên mặt đất.
Tôi ôm chặt cành cây đeo lơ lửng giữa không trung, trên không tới trời, dưới không chạm đất, mạng sườn vẫn còn ngâm ngẩm đau, vừa định buông tay rơi xuống thì bỗng nghe thấy trong lùm cỏ dưới chân vang lên mấy tiếng “xoạt xoạt xoạt”. Con du diên to tướng bị lão Dương Bì chặt mất ba cái chân kia đã chui ra, nhe nanh múa vuốt ngẩng cao đầu, nhảy bật lên nhằm vào chân tôi mà đớp. Tôi thấy tình thế bất ổn, vội vàng vận lực vào hông, lật người bò lên trên cành cây.
Lão Dương Bì thạo thuật cưỡi ngựa, tuy ông và Đinh Tư Điềm hai người một ngựa, mà đấy lại còn là con ngựa đã giải ngũ, nhưng chạy trong rừng vẫn nhanh hơn hai bọn tôi nhiều lắm. Sau khi vào rừng, hai người bọn họ đã bỏ lại tôi và Tuyền béo một quãng xa, Đinh Tư Điềm ngoảnh lại thấy tôi và Tuyền béo đều văng ra khỏi ngựa, liền lập tức thông báo với lão Dương Bì. Họ thúc ngựa quay lại, vừa kịp lúc trông thấy tôi né tránh đòn tấn công của con du diên.
Con du diên di chuyển giữa gốc cây ngọn cỏ nhanh như điện chớp, không đợi con ngựa lão Dương Bì tiến lên, nó đã vòng ra phía sau lưng họ, dựng đứng người lên nhe hai cái càng nhọn hoắt cắm vào mông con ngựa già. Tôi nằm bò trên cành cây nhìn thấy rõ mồn một, vội kêu lên kinh hãi, thầm nhủ tiếc thay cho con ngựa già rất hiểu ý người ấy, cuối cùng không ngờ lại chết thảm vì chất độc của con du diên gớm ghiếc.
Chú thích
25. Động vật có đốt, giống con rết, màu nâu đỏ.

Nguồn doc.178vn.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved