Chương 43: Tiền
thù lao
Nghĩ đến tình trạng của người bị thương, chúng tôi không nấn ná ở
Kelamer quá lâu, ba ngày sau, đoàn thám hiểm quốc tế của chúng tôi từ biệt
những người du mục bản địa lên đường quay về Bắc Kinh.
Vừa về tới thành phố, tôi
đã bảo Tuyền béo đi gọi Răng Vàng đến ngay, rồi cùng gặp mặt tại nhà Minh Thúc,
thu hết toàn bộ số đồ cổ đắt tiền. Đương nhiên việc này tôi không để Shirley
Dương biết, cô muốn đưa A Hương đi bệnh viện kiểm tra vết thương, tôi liền tìm
bừa lấy một lý do để chuồn trước.
Minh Thúc định chạy làng
mấy lần đều không thoát, đành đưa chúng tôi vào nhà với bộ mặt thảm thê như đưa
đám. Thành Bắc Kinh từng được nhắc tới với câu nói "Ngõ lớn ba ngàn sáu,
ngõ nhỏ chọi lông trâu", sau cải cách mở cửa, việc quy hoạch và cải tạo
thành phố dẫn đến sự giảm bớt về số lượng của các căn tứ hợp viện. Căn nhà của
Minh Thúc nằm ở mạn Phụ Thành Môn, có thể coi là một khu phố yên tĩnh giữa muôn
sự nhiễu nhương, tuy có hơi cũ nát, song từng tấm ngói, viên gạch đều toát lên
một vẻ đẹp cổ xưa tàn tạ, ít nhiều còn lưu giữ được bầu không khí "chum
cá, mái vòm, cây thạch lựu; cụ già, trẻ béo, chó to phì". Tôi càng trông
càng cảm thấy khu nhà này hết sức cầu kỳ, khó tránh khỏi nuối tiếc, ngay từ đầu
nếu bắt lão đem căn nhà này ra làm một phần thù lao, hẳn lão sẽ đồng ý ngay,
tiếc rằng chúng tôi chỉ đòi đồ cổ và tranh vẽ trong căn nhà.
Chẳng bao lâu, Tuyền béo và
Răng Vàng mỗi tên đã vác hai rương da to, hăm hăm hở hở chạy tới tụ tập. Răng
Vàng vừa nhìn thấy tôi đã nhe cái răng vàng chói ra nói :" Ối giời ơi! Anh
Nhất của tôi, anh nhớ người anh em quá phải không? Từ khi các anh đi Tây Tạng,
mí mắt tôi hôm nào cũng giật cục, cứ như trông ngóng Hồng quân Trung ương tới
Thiểm Bắc ấy, thôi thì cuối cùng cũng đợi được các anh về. Giờ tình hình ở Phan
Gia Viên không khá lắm, chẳng thể nào làm ăn được gì, độ các anh không ở đây,
người anh em chẳng biết tìm ai bàn bạc ..."
Tôi nói với Răng Vàng
:" Chuyến đi Côn Luân lần này anh em tôi suýt chết, không ngờ căn cứ địa
của ta ở đây cũng gặp khó khăn? Nhưng mà thôi, việc này để lúc nào rảnh hẵng
nói, giờ ta xông vào đánh thổ hào phân ruộng đất, lão Minh đã đem đồ cổ minh
khí trong nhà làm thù lao trả chúng ta. Cái ngón giám định giá trị và niên đại
đồ cổ,tôi và Tuyền béo còn nông cạn lắm, thế nên phải nhờ ông anh ra tay, để
anh em tiện đánh nhanh rút nhanh".
Răng Vàng nói :" Hai
vị chỉ việc đứng trông thôi, cứ yên tâm, người anh em không thạo mấy ngón đổ
đấu, nhưng nếu xét về nhãn lực giám định đồ sứ, đồ ngọc cổ ấy mà, không phải
nói phét, ba sáu phố phường, mười phương lăng chạ, chưa có tay nhà nghề nào bì
được với tôi đâu!".
Tuyền béo bấy giờ hí hửng
cười ngoác không ngậm nổi miệng, một tay túm chặt cổ Minh Thúc, nói :" Thu
dọn bình vàng lọ ngọc, phân ruộng phân đất bận ghê. Bác Minh này, chúng tôi
không khách khí với bác nữa, biết nhau cả rồi mà. Khi trước bác giơ súng nhằm
vào tôi, tôi không tiện nói gì. Giờ không phí lời nữa, phiền bác mở cửa mau
lên".
Minh Thúc đành phải mở cửa
căn phòng bày đồ cổ cho chúng tôi vào, bên trong mọi thứ vẫn như cũ, trên mấy
tủ gỗ đàn cổ phác bày la liệt những món đồ cổ, khiến người ta chẳng biết phải
bắt đầu xem từ đâu. Trong đây vẫn chẳng khác gì so với lần đầu tiên chúng tôi
đến, chỉ có điều thiếu mất con mèo sứ hoa mười ba ria vốn dĩ chẳng đáng bao
tiền, chúng tôi cũng chẳng thèm để mắt. Răng Vàng thì từ đầu chí cuối vẫn chỉ
đau đáu, thèm thuồng miếng ngọc hình chim phượng mà Minh Thúc luôn mang trong
người, món này rơi vào tay Tuyền béo từ lâu rồi, nhưng lúc này đều phải moi ra
hết, để tiện kê vào sổ tính tổng giá trị. Số vốn đi Mỹ làm ăn lần này của chúng
tôi, đều phải trông chờ cả vào đây thôi.
Răng Vàng chẳng nhìn lọt
mắt thứ gì khác, lần này coi như đã nắm được miếng phượng ngọc trong tay, liền
cảm khái tự đáy lòng :" Nếu bảo nghiền nát ngọc ra ăn là có thể trường
sinh bất lão thì rõ là không khoa học, nhưng mà mỹ ngọc có công hiệu dưỡng da,
dưỡng sinh là sự thực không thể bàn cãi. Lão Phật gia Từ Hy Thái hậu hàng ngày
kiên trì dùng ngọc dưỡng da, năm xưa ái phi của Tùy Dạng Đế là Chu Quý Nhi,
dùng ngọc nhuận tóc ở Côn Sơn, chẳng dùng dầu hoa lan mà tóc tai vẫn óng mượt,
nữ nhi trong thế gian chẳng ai có thể so bì, nhưng thứ ngọc mà bà ta dùng mới
chỉ là ngọc Côn Sơn thôi, còn thua xa miếng ngọc phượng ở đáy biển Đông này. Cổ
nhân có câu : Người quân tử không vô duyên vô cớ mà để ngọc rời mình. Anh Nhất
ạ, theo tôi thấy, miếng ngọc phượng này đừng có bán ra, cứ giữ lại bên mình mà
làm vật truyền đời anh ạ!".
Tôi đón lấy miếng ngọc quan
sát, tuy có nguồn gốc rõ ràng, là chân phẩm mà bà Dương quý phi đã từng dùng,
nhưng ngay đến tôi còn có thể nhận được ra, miếng ngọc mang phong cách
"Hán bát đao" 1 rõ rệt, chứng tỏ niên đại của miếng ngọc còn phải xưa
hơn thời Đường, đúng là một miếng mỹ ngọc hiếm có trên đời. Song suy cho cùng
miếng ngọc này cũng là đồ đàn bà, chúng tôi giữ nó thì có tác dụng gì? Chẳng
bằng đổ lấy tiền mặt cho xong, song nghĩ lại, sao không tặng cho Shirley Dương
nhỉ, đây không phải là hàng đổ đấu, chắc chắn cô nàng sẽ thích, thế rồi tôi gật
đầu đồng ý, bảo Tuyền béo lúc tính nợ, đừng có tính miếng ngọc phượng này vào.
Sau đó chúng tôi lại kiểm
tra từng món còn lại, không kiểm thì thôi, khi kiểm hàng mới hay thằng cha Minh
Thúc này đã chơi đểu. Cái món đồ cổ này, thời Minh Thanh đã có rất nhiều đồ
phỏng cổ tinh xảo, chính bởi vì nó có giá trị thu tàng, không đáng để phẩm
bình, để giám biệt thật giả, như vậy mới có không gian cho các người chơi thi
triển nhãn lực, tài lực, phách lực. Cái ngón giám biệt thật giả này, nhập môn
thì dễ, để tinh thông thì khó, xét từ một ý nghĩa nào đó, sự hấp dẫn của đồ cổ
cũng là ở chỗ thật giả khó lường. Những món trong căn phòng này của Minh Thúc,
có không ít món trông thì tưởng là thật, nhưng quan sát kỹ để giám biệt, tay sờ
mũi ngửi, là biết ngay giá trị không cao, phần lớn đều chỉ là bày biện lấp chỗ
trống.
Tuyền béo nổi giận, định bẻ
gãy xương sườn Minh Thúc làm mắc áo, lão vội xin tôi tha tội. Trước đây vì sĩ
diện nên mới bày biện những món này khắp phòng, những món lão khổ sở sưu tầm cả
đời ở Nam Dương thì phần lớn đã đem ra trả nợ cho hai thằng quý tử rồi, trên
thực tế lão đã gần khuynh gia bại sản, bằng không cũng đâu đến nỗi phải liều
cái mạng già đến Côn Luân. Tuy vậy, những thứ này cũng không phải toàn đồ giả,
cá biệt cũng có mấy món đáng tiền.
Tôi xua tay ra hiệu cho
Tuyền béo thôi đi, đấm lão một trận, lão cũng không nôn được vàng ra, cứ lọc
hàng lởm ra cái đã, xem xem còn lại những thứ gì. Đoạn liền cùng Răng Vàng và
Tuyền béo bắt tay vào việc, dốc hòm, lục tủ, thanh lọc hết toàn bộ số đồ trong
đó.
Tuyền béo tự cho rằng mình
có cái nhìn độc đáo, liền nhặt một chiếc bát sứ hình hoa sen đỏ sậm lên nói
:" Anh Răng Vàng, Nhất này! Hai người nhìn xem! Cái này chắc chắn là men
Dao Biến. Phía ngoài bát sắc men đỏ sậm như máu, bên trong lại toàn là những
men hoa hình sọc, tôi thấy tay Lý hói chuyên buôn bán đồ sứ ở Phan Gia Viên từng
cầm một món na ná thế này, hắn bảo màu này gọi là màu máu gà hoặc là màu đỏ chu
sa, các hình sọc bên trong gọi là tường ngấm mưa, trông giống như những vệt
nước mưa xuôi theo bờ tường chảy xuống. Nếu là loại sứ Quân Châu thì cũng đáng
khối tiền đấy".
Răng Vàng đón chiếc bát xem
xét :" Con mắt của anh Béo thật tinh tường, nhưng mà làm gì có nhiều sứ
Quân Châu đến thế. Tục ngữ có câu ' Chỉ một miếng sứ Quân Châu, có thể đổi lấy
muôn trâu ngàn vàng', bao năm làm ăn tôi cũng chưa thấy được món nào hoàn
chỉnh, 'sứ Quân Châu độc nhất, men Dao Biến vô song', không dưng mà lại có thể
thấy được đấy! Trong các màu men thì màu đỏ như son là nhất, màu xanh như cánh
trả, màu tím tựa như đen thì là thứ phẩm, còn cái men hoa hình sọc anh bảo là
Dao Biến kia thì gọi là hoa văn giun sục bùn, tức là trên bề mặt men xuất hiện
những vệt men ngoằn ngoèo, dài ngắn khác nhau, chạy theo hướng từ trên xuống
dưới, giống như giun bò trong bùn ấy, rất độc đáo. Đầu tiên phải nói rằng vật
đựng này không phải bát, mà là cái rửa bút, màu này là màu đỏ hoa hồng, là hàng
phỏng theo sứ Quân Châu sắc tím, phỏng theo màu tím nho sẫm mà đẹp, nói chung,
bất kể là từ hình thức, sắc men, phôi sứ hay độ tròn thì đều không phải hàng
thật, mà chỉ là hàng phỏng cổ cao cấp cuối thời Dân quốc mà thôi, chắc xuất xứ
là mạn Tô Châu, bán được một nghìn tệ đã là khá lắm rồi!".
Tôi nói :" Trong đống
đồ giả cũng có thứ phỏng tạo tinh xảo, tuy không đáng giá tiền bằng thứ đồ
thật, nhưng vẫn còn hơn là loại phế phẩm, có khi đem bán cho Tây, đổi được
ngoại hối cũng nên". Nói đoạn liền gói chiếc "bát" rửa bút lại.
Trong đống đồ cổ tùm lum,
thật giả lẫn lộn này, có một món lọt mắt tôi, đó là một chiếc cốc sứ tròn trĩnh
đều đặn, sắc men trắng muốt, hình dạng giống như chiếc cốc các lãnh đạo vẫn
dùng trong cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân, có điều kỹ nghệ chếc tác dường
như cầu kỳ hơn, cảm giác chất hơn, đương nhiên đặc trưng thời đại rõ rệt của nó
mới là điểm thu hút nhất: quai cốc được tạo hình búa và lưỡi liềm, trên nắp có
ký hiệu năm ngôi sao đỏ và nắm đấm, in dòng chữ " Vì sự nghiệp công nghiệp
hóa đất nước", chính diện thân cốc còn chép dòng ngữ lục của chủ tịch Mao
" Quán triệt con đường chung và nhiệm vụ chung vào tất cả mọi việc!".
Tôi hỏi Minh Thúc: "
Chiếc cốc này chắc không phải hàng giả chứ, nhưng không biết là của vị lãnh đạo
nào để lại? Bác lượm lại được từ đâu thế?"
Lão nói cái này đương nhiên
không phải hàng giả, hai năm trước lão được một người bạn ở Đại Lục tặng cho,
nghe nói là hàng độc, giá không thấp đâu, là sản vật điển hình của nước cộng
hòa, các chú lấy nó đi rồi, thì để lại cho anh vài món trong đống còn lại nhé.
Tuyền béo xem xong nói
:" Trước đây trong nhà tôi cũng có một bộ, ông già tôi được phát lúc đi
họp. Hồi ấy tôi còn nhớ, bị thằng Nhất dụ dỗ chuồn khỏi nhà lêu lổng, lấy ra
làm bia đạn, bẵn vỡ rồi. Cái cốc vỡ thế này mà cũng bán được giá à?"
Răng Vàng nói :" Thời
đó, thậm chí là cả hiện giờ, mấy cái cốc phát cho các nhà lãnh đạo dùng cũng
đều như nhau cả, song chiếc cốc này chắc chắn không giống thế. Các vị nhìn xem
chữ lạc khoản trên cái cốc này đi, chữ của Trương Tùng Đào nhé, lại còn là Hợp
tác xã công nghệ vẽ sứ số một thị trấn Cảnh Đức! Chiếc cốc này không thường
đâu, theo tôi biết, đây chắc chắn là hàng thửa riêng cho hội nghị Lư Sơn của
Trung ương, thời bấy giờ đây là một nhiệm vụ chính trị trọng đại, phải triệu
tập nhiều danh thủ chuyên vẽ sứ ở trấn Cảnh Đức đấy. Số lượng không nhiều, được
ông Tùng Đào đề khoản lại càng hiếm có, giá trị rất cao là khác, hàng độc đấy,
có khi hiện giờ giá chưa quá rõ rệt, nhưng để càng lâu, chiếc cốc này càng đáng
tiền".
Tôi nhấc chiếc cốc lên ngắm
đi ngắm lại, nếu để trong phòng uống nước, chẳng phải có cảm giác như một nhà
lãnh đạo hay sao? Tuy đây không phải là đồ cổ đúng nghĩa, song bản thân chiếc
cốc lại được chế tác rất tinh xảo, kiểu dáng độc đáo, số lượng vô cùng ít ỏi,
đáng quý hơn nữa là nó đã chứng kiến sự biến chuyển tang thương trong lịch sử
và được phủ lên một lớp ý nghĩa dày cộp, phù hợp với hai chữ "tinh"
và "ít" trong năm chữ "cũ, tinh, ít, đẹp, tốt" dùng để cân đo
giá trị của đồ cổ, nếu ghép được thành một bộ thì giá trị có thẻ vượt qua các
món minh khí thông thường. Xem ra trong những món đồ chơi của Minh Thúc cũng có
một số thứ hay hớm, tuy không được một mẻ lớn như chúng tôi dự tính, song cũng
coi như đã có một số thu hoạch bất ngờ.
Đại đa số các thứ bày biện
trong phòng Minh Thúc đều được lão "đánh trọn gói" từ tay của cánh
buôn bán đồ cổ, đem về bày cho ngập mắt. "Đánh trọn gói" tức là mua
một lô cổ vật cùng một lúc, đại đa số đều là hàng phỏng cổ cao cấp, được làm
vào khoảng những năm Dân quốc, tuy không đáng giá mấy, song cũng không đến nỗi
rẻ mạt như mấy thứ hàng giả, vả lại trong số những món đồ này vẫn có mấy thứ
hàng tốt, đáng đồng tiền. Thế rồi cả ba chúng tôi chấn chỉnh tinh thần, phân
loại rõ từng món đồ, qua con mắt giám định của Răng Vàng, nhất loạt những thứ
rẻ tiền đều được chất vào góc nhà.
Càng đi sâu vào thanh lọc,
đồ cổ trên giá gỗ càng ít đi, sắc mặt của Minh Thúc cũng càng khó coi. Bấy giờ
Tuyền béo thấy có chiếc ấm tử sa ở một chỗ không mấy bắt mắt, trông đen trùi
trũi, quê một cục, bèn thuận tay vứt vào trong góc nhà chất đầy các đồ thứ
phẩm. Răng Vàng lúc đó đang dùng mũi ngửi một pho tượng Phật nhỏ bằng đồng, đột
nhiên nhìn thấy chiếc ấm Tuyền béo vừa vứt ra, bỗng há hốc mồm, hai mắt chăm
chăm dõi theo hướng rơi của chiếc ấm, bỏ luôn cả pho tượng Phật bằng đồng cầm
trong tay, cũng chẳng rõ vì sao thân thủ của hắn lúc này lại nhanh lẹ đến thế,
ai ngờ trước lúc chiếc ấm chạm đất, hắn đã đỡ gọn. Trán Răng Vàng lấm tấm mồ
hôi, hắn nói :" Anh béo ơi là anh béo, lạy anh làm cụ đấy, vừa rồi tôi mà
không đá mắt nhìn, thì chắc cái ấm này bị anh đập vỡ rồi".
Tuyền béo đáp :" Hớt
hơ hớt hải làm cái gì, cái ấm quê bỏ cha bỏ mẹ, lại chẳng còn lớp tử sa trơn
bóng nữa, chẳng biết là móc từ cái rãnh mả nào lên, bố ai thèm bỏ tiền
mua!".
Tôi cũng cảm thấy chiếc ấm
chẳng có gì nổi bật, tạo hình cũng thường thường, chỉ có điều trông nó đen một
cách thái quá, mất đi cái vẻ nhẵn bóng khi qua tay nhiều người, đây cũng chính
là "lớp bám bóng" trên bề mặt các ấm cổ mà chúng tôi vẫn gọi nôm na,
căn bản không thể nom ra dược nó giá trị ở điểm nào. Song Răng Vàng rất hiếm
khi nhìn lầm, chẳng lẽ đây là món có giá trị thật?
Răng Vàng khẽ khàng sờ tay
lên mặt ấm, dùng mũi hít hai hơi, nói :" Đừng thấy cái ấm tử sa này không
bắt mắt mà coi thường nhé, đây là cổ vật thời Minh đấy, kiểu dáng này thuộc
loại ấm Cân nang, tất cả ccá ấm tử sa thời Minh mà thời nay chúng ta có thể
thấy, trên bề mặt đều không có lớp bám bóng trơn tru gì hết, bởi chín mươi chín
phần trăm đều là những minh khí được đổ ra từ mộ cổ. Ấm bị chôn xuống dưới đất
lâu năm, dù vốn dĩ trơn nhẵn song cũng sẽ bị đất xâm thực, hơn nữa công nghệ
thời ấy còn chưa được cải thiện, đất bùn chỉ được lọc qua loa, tạp chất hơi
nhiều, cho nên xét về cảm quan ban đầu, ấm thời Minh không đẹp bằng ấm thời Thanh,
song đây lại là Minh khí theo đúng nghĩa của nó đấy".
Tôi, Tuyền béo và Răng Vàng
bọc chiếc ấm lại một cách thỏa mãn, cuối cùng chọn ra được cả thảy hai mươi mấy
món đồ. Sắc trời bất giác đã tối, nhìn đồng hồ thì thấy chín giờ tối rồi, mọi
người vội kiểm hàng, dĩ nhiên quên cả cơm nước, Tuyền béo bảo lúc đến đây thấy
ở đầu ngõ có quán cơm, cả đám tạt vào đó đánh chén một bữa đã rồi hẵng về. Thế
rồi chúng tôi khuân đồ, sải bước chạy luôn, vốn không định kéo Minh Thúc cùng
đi, song hình như lão còn nuối tiếc mấy món đồ nên cũng vác mặt mo chạy theo.
--------------------------------
1 Kỹ pháp đẽo ngọc điển hình của
thời Hán (202-220 TCN).
Chương 44: Con
đường chung, nhiệm vụ chung
T ôi vừa đi vừa nói với Minh Thúc :" Không ngờ ngay từ đầu bác
đã chơi bọn tôi rồi, đống đồ cổ nhà bác chẳng được mấy món ra hồn. Lần này coi
như bọn tôi xui xẻo, chỉ thu mấy thứ này thôi, coi như giảm giá cho bác quá rồi
đấy, giờ coi như hai bên đều chẳng nợ nần gì nhau, đợi lát nữa ăn cơm xong ai
đi đường nấy thật nhé. Việc của A Hương giao cho Shirley Dương chắc chắn không
vấn đề gì cả, người ta vẫn nói con gái như quả bom nổ chậm, tôi thấy cô bé cũng
không có ý định về với bác đâu, cho nên sau này bác khỏi cần lo lắng cho cô bé
nữa!".
Minh Thúc nói :" Đấy
chú xem, lại khách sáo thế rồi, tuy ta còn chưa bàn xong việc cưới xin, nhưng
chuyến đi này có biết bao ngày sống chết bên nhau, chẳng lẽ vẫn chỉ là xã giao
thôi sao? Anh giờ lại không muốn đi Tây Tạng làm lạt ma nữa rồi, về sau anh em
ta dĩ nhiên còn năng qua lại, bữa này chú để anh mời, anh em ta vừa ăn vừa bàn
việc làm ăn sau này ..."
Tôi ngầm thấy bất ổn, lão
khọm già Hồng Kông này quyết đeo bám tôi đến cùng đây, giờ đã tới quán cơm đầu
ngõ rồi, tôi thoạt nhìn thì thấy hóa ra là quán mì trộn, vội đánh lảng đi, nói
với mọi người :" Bác Minh có hảo ý mời anh em ta dùng bữa tối nay, nhưng
tôi thấy muộn quá rồi, ta cũng đừng chặt chém bác ấy nữa, cứ vào đây cùng nhau
ăn bát mì trộn là được. Bác ở Bắc Kinh cũng lâu rồi nhỉ, bác đã ăn quen các món
ăn ở Bắc Kinh chưa?"
Vừa nhắc đến ăn, Tuyền béo
liền nổi cơn hứng khởi, chẳng đợi Minh Thúc kịp mở miệng trả lời, cậu ta đã
tranh nói :" Bắc Kinh, chín mươi chín món ăn vặt, ba trăm ba mươi món ăn
chính, có thể nói một cách không khiêm tốn cho lắm, tôi đây về căn bản đã ăn
tuốt tuồn tuột rồi. Song Tuyền béo đây vẫn ưa món thịt dê nhất, thịt dê nhúng
tái ở Đông Lai Thuận, thịt dê xào ở Bạch Khôi, thịt dê nướng ở Khảo Nhục Quý,
thịt dê xì dầu ở Nguyệt Thịnh Trai, mùi vị thịt dê "nhúng tái, xào, nướng,
tẩm xì dầu" đều có thể gọi là tuyệt đỉnh. Bác Minh đã muốn mời cơm, chúng
ta cũng không thể từ chối thịnh tình của bác ấy được, chẳng bằng đi Khảo Nhục
Quý đi, OK không? Mì trộn quả thật là ăn chẳng ra gì!".
Minh Thúc hiện giờ chắc là
nghèo thật rồi, vừa nghe Tuyền béo bảo muốn đi Khảo Nhục Quý, vội nói :"
Thịt nướng ta chẳng ăn suốt rồi đấy thôi, ăn đến phát ngán rồi. Mì xào lát
vuông, mì trộn và cả món Thủy thu phiến, là ba món đặc sản của Bắc Kinh, từ hồi
ở Nam Dương anh đã được nghe tên, song đến tận giờ vẫn chưa có cơ hội nếm thử,
ta vào ăn đi!".
Vừa nói, bốn người vừa bước
vào trong quán. Quán này không lớn, là loại quán mì phổ thông nhất, có thể thấy
khắp nơi trong thành Bắc Kinh, bên trong cũng chẳng lấy gì làm sạch sẽ cho lắm.
Tầm này vẫn lèo tèo vài thực khách, chúng tôi chọn lấy một bàn sạch sẽ ngồi
quây lại, gọi mấy chai bia và rượu Nhị Qua Đầu, chẳng lâu sau nhân viên phục vụ
đã bưng lên cho mỗi người một bát mì lớn. Tuyền béo không vừa ý cho lắm, cứ oán
trách Minh Thúc tiếc tiền.
Răng Vàng hôm nay rất hứng
khởi, vừa ăn mì vừa tán :" Mì xào lát vuông và Thủy thu phiến đều là món
ăn của người Bắc Kinh nghèo, song món mì trộn Bắc Kinh này thì nghèo ăn theo
kiểu của nghèo, giàu ăn theo kiểu của giàu, cái món mì này mà muốn cầu kỳ ấy,
thì phải nom cách ăn, tinh tế lắm đấy. Nhưng tinh hay không lại phải xem ở
những thứ rau dưa ăn kèm, rau dưa ăn kèm một là phải đủ, hai là phải tươi. Có
câu:đậu vỏ xanh, hương thung nhọn, rau hẹ luộc qua cắt thành đoạn; ngọn rau
cần, lát măng tây, tỏi răng chó phải tách làm đôi; chân giá đỗ, chớ để lại, dưa
chuột có gai cắt thành sợi; ăn thấy ngon, làm lần lượt, luộc đậu đũa trộn thêm
cà rốt; ớt với dầu mè đậm đủ vừa, chấm cùng mù tạt mới cay xè. Mì trộn Bắc Kinh
một bát tô, tám đĩa còn lại là rau dưa".
Minh Thúc nghe xong, luôn
miệng khen hay, nhìn Răng Vàng giơ ngón cái nói :" Hóa ra thằng em Răng
Vàng không những nhãn lực tốt, mà còn hiểu cả đạo ẩm thực nữa, buột miệng nói
ra lời nào lời nấy đều có bài bản, thật đúng là toàn tài! Nghe chú em nói vậy,
thiết nghĩ vua chúa cũng chỉ có thể ăn đến độ ấy là cùng, cái món mì trộn này
hay thật đấy!". Lão mượn lời nói tiếp với tôi :" Anh có một suy nghĩ
này rất hay, cái đầu buôn bán của anh, sự tinh khôn, am tường của chú Răng
Vàng, lại có cả sự thần dũng của chú Béo, cộng thêm bí thuật phân kim định
huyệt của chú Nhất nữa, dường như mỗi người chúng ta đều có một cái tài hết sức
độc đáo, anh em ta mà có thể tập hợp lại với nhau cùng phát triển, có thể nói
là nhóm bạn vàng đấy, chỉ cần ta bằng lòng làm, chắc chắn sẽ có cơ hội, dẫu là
núi vàng biển bạc, e cũng chẳng khó kiếm đâu. Con người ta chỉ sống có một lần,
cỏ cây cũng chỉ qua một thu, có ai không muốn sống giàu sang phú quý đâu kia
chứ, giờ mà không lao vào làm, còn đợi đến bao giờ?"
Răng Vàng nghe thấy những
lời có cánh của lão, không tránh khỏi xao lòng, bèn hỏi tôi rằng :" Anh
Nhất này, người anh em đây cũng có ý đó, nay quả thực không còn cách nào làm ăn
ở Phan Gia Viên nữa, hàng giả ngày một nhiều, hàng thật ngày một hiếm, chỉ
trông chờ vào việc buôn bán để kiếm bát cơm ấy mà, sớm muộn cũng chết đói. Tuy
tôi có nhãn lực, nhưng chỉ dựa vào đôi mắt thì liệu thu mua được mấy món đồ
xịn? Nghe nói ở vùng núi mạn Hồ Nam, Hồ Bắc có rất nhiều cổ mộ, chẳng thà ta
nhân cơ hội đánh vài lố lớn, từ giờ đến chết đỡ phải lo chuyện cơm áo".
Ý tôi đã quyết, song vẫn
phải nghe xem cách nghĩ của Tuyền béo thế nào, bèn hỏi :" Lời của bác Minh
và Răng Vàng cậu dều nghe rõ cả rồi chứ, toàn những lời gan ruột đấy, ý cậu sau
này thế nào, nói cho mọi người biết cái nhỉ?"
Tuyền béo dốc chai bia lên
nốc hai hụm, nói một cách khí khái :" Lẽ ra tôi cam tâm cúi đầu làm ngựa
chú nhi đồng, tức là tôi sinh ra là để phục vụ nhân dân, đi đến đâu cũng chỉ
làm thằng đàn em, cả đời này toàn làm tay chân cho thằng khác sai bảo, song anh
em đã nói đến thế, thì hôm nay tôi cũng xin có mấy lời tự đáy lòng thế này. Tôi
bảo anh Răng Vàng với bác Minh ạ, không phải tôi phê phán hai vị đâu, nhưng hai
vị khốn nạn bỏ mẹ, bản thân hai vị không hề ngốc, nhưng vấn đề là hai vị cũng
đừng có coi thằng khác đều ngu cả. Nếu chúng ta cùng nhau đi đổ đấu, thì riêng
hai vị ấy mà, một vị có tật hay lên hen, một vị thì già cả nhưng toàn chơi đểu,
mẹ kiếp, đào mồ bới đất, lăn lê bò toài ... mấy việc nặng nhọc ấy rồi lại chẳng
vào tay tôi với cậu Nhất? Tôi nói cho hai vị biết, thích đi đổ đấu hai vị bắt
tay nhau mà đi đổ, chẳng ai ngăn cản các vị, cái trò đổ đấu ấy anh em tôi chơi
chán rồi, nay mai thằng béo tôi đi Mỹ làm giàu thôi!".
Lời của Tuyền béo quá thẳng
thắn, quá bất ngờ, khiến Minh Thúc và Răng Vàng không nói được câu nào. Răng
Vàng thần người ra một lúc lâu, rồi mới hỏi tôi :" Anh Nhất, chuyện ...
chuyện này là thật sao? Hai anh quyết định đi Mỹ cùng Shirley Dương thật sao?
Nhưng nhưng nhưng ... nước Mỹ có gì hay ho cơ chứ, tuy văn minh vật chất của Mỹ
phát triển, song cũng chẳng có gì sất, không nói các nơi khác, tôi nói riêng
Bắc Kinh của ta thôi, trăng sáng ở Thiên Đàn, gió ở Trường Thành, sư tử đá ở
cầu Lư Câu, tùng bách ở Đàm Trích Tự, rồi nào Đông Đơn, Tây Đơn, Cổ Lâu, Di Hòa
Viên với năm đàn tám miếu, rồi nào Vương Phủ Tỉnh, Lưu Ly Xưởng, Phan Gia Viên,
dẫu Mỹ kia có to lớn hơn nữa, nhưng liệu có được những nơi này không? Vĩnh viễn
cũng không thể có được, vả lại sao anh nỡ lòng nào bỏ lại những người thân,
người bạn bè chí cốt lâu năm này được?"
Răng Vàng càng nói, tôi
nghe càng xúc động, lần này thì động lòng thật. Tuy Răng Vàng là một tay gian
thương, song hắn ta khác với Minh Thúc. Hắn, tôi và Tuyền béo có những trải
nghiệm giống nhau. Năm xưa những thanh niên trí thức đi lao động, bất kể có
quen biết nhau hay không, chỉ cần nhắc mình đã từng làm thanh niên trí thức, quan
hệ đôi bên vô hình trung đã được kéo lại gần nhau hơn, và có một cảm giác thân
thuộc, thông cảm cho nhau. Vừa nãy Tuyền béo đánh đồng Răng Vàng vào với Minh
Thúc, quả thực nói có hơi quá, tuy Răng Vàng mong dựa vào chúng tôi để phát
tài, song hắn quả thật cũng không nỡ chia tay chúng tôi. Tôi bèn nói :"
Anh Răng Vàng à, vẫn nói quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, tôi cũng không nỡ
xa Trung Quốc, không nỡ rời xa mảnh đất đã thấm đẫm máu và nước mắt của đồng
đội, càng không nỡ xa người thân và bè bạn. Song khi ở Tây Tạng, tôi mới phát
hiện ra rằng tôi và Tuyền béo ngoài việc đổ đấu ra thì chẳng biết làm gì khác,
cách tư duy của chúng tôi đã không theo kịp tiến bộ của xã hội, điều này chỉ có
thể nói là một sự bi đát. Hơn nữa, đi nhiều nơi, thấy nhiều món đồ thần bí
trong cổ mộ, tôi có một cảm nhận rằng, có những thứ cứ để chúng vĩnh viễn ở lại
trong lòng đất thì tốt hơn".
Từ xưa tới nay, đại đa số
Mô kim Hiệu úy sau khi giải nghệ, đều lựa chọn nương tựa cửa chùa, làm bạn với
đèn với Phật, sống nốt quãng đời còn lại. Bởi những việc kinh qua trong đời,
cho đến tận cùng họ đều sẽ có chung một cảm ngộ: đổi mạng lấy tiền không đáng.
Minh khí trong mộ đều là những vật chết chóc, chỉ vì thế nhân có lòng tham muốn
chiếm hữu nó, nên mới khiến nó có giá trị, đem mạng sống của mình đặt vào những
thứ đồ nằm sâu trong lòng đất thì quả thật không đáng, vàng bạc đá quý tuy quý
thật, song không thể quý bằng mạng sống của mình được.
Ngoài ra, điều quan trọng
nhất là, những món đồ đáng tiền đều là căn nguyên của mọi tội ác, minh khí
trong cổ mộ cơ hồ món nào cũng đều giá cao ngất ngưởng, nếu có thể khai quật
thành công một ngôi cổ mộ, liền được phát tài lớn. Bất kể động cơ thế nào, kiếm
tiền để mình tiêu cũng được, dùng để cứu giúp những người khó khăn, nghèo khổ
cũng được, nhưng những món minh khí kia dù sao cũng đã lưu truyền trong xã hội,
từ đó sẽ dẫn đến vô số sự đấu đá, chém giết lẫn nhau. Tất cả mọi tội nghiệt tạo
ra bởi minh khí, nếu xét về căn nguyên, e rằng sẽ đều quy kết cho Mô kim Hiệu
úy, những kẻ đã bới chúng lên.
Tôi nói với Răng Vàng
:" Cứ bảo đời người có lúc khổ lúc sướng, nhưng thử trông cuộc đời ảm đạm
của chúng ta xem, thật quá gập ghềnh khúc khuỷu, đắng cay đã trải, tội vạ cũng
từng, thế mà tận hôm nay cũng mới chỉ ngoi lên làm hộ cá thể, chẳng nên cơm nên
cháo gì, cứ như bị đào thải, sống ở bên rìa xã hội ấy. Tôi nghĩ chúng ta không
thể đặt hết mạng sống lẫn hy vọng về sau vào việc đổ đấu được, nếu như thế, con
đường phía trước chỉ ngày một hẹp lại. Chúng tôi quyết không cúi đầu trước số
phận, cho nên tôi và Tuyền béo phải đi Mỹ, làm lại từ đầu ở môi trường mới, học
những kiến thức mới, quán triệt con đường chung và nhiệm vụ chung vào tất cả
mọi việc, để tạo dựng nên một cuộc sống khác với hiện tại".
Tuyền béo lấy làm lạ hỏi
:" Con đường chung, nhiệm vụ chung cái gì? Tôi nhớ là chúng ta chưa từng
đặt ra kế hoạch này, cậu đừng có tự ý đưa ra nhé!".
Tôi nói :" Tôi nhìn
thấy cái cốc uống trà của hội nghị Lư Sơn nên mới nghĩ ra thôi, con đường chung
của chúng ta về sau là phát tài, nhiệm vụ chung của chúng ta chính là kiếm
tiền. Nghe nói khu người Hoa ở Mỹ có một nơi gọi là 'tiểu Đài Bắc', đợi sau này
anh em ta kiếm được nhiều tiền rồi, ta sẽ xây dựng ở bên Mỹ một khu 'tiểu Bắc
Kinh', cho bọn người Mỹ chết ngất luôn!".
Răng Vàng nước mắt nhạt
nhòa nói :" Vẫn chỉ có anh Nhất là người làm được đại sự, mục tiêu hoành
tráng này tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới, vậy chẳng thà đưa luôn người anh em
này cùng sang xây dựng tiểu Bắc Kinh? Anh em ta sau này đổi hết khẩu vị của bọn
Mỹ đi, cả ngày ăn bánh bao, uống Nhị Qua Đầu, đậu phụ thối chấm với ớt dầu..."
Tuyền béo tiếp lời :"
Hợp Đức Môn hút hai hơi thuốc, làng chài ca hát suốt đêm thâu. Từ lâu đã có ba
hình ảnh điển hình mang đậm dấu ấn Bắc Kinh, đó là : kinh kịch, kẹo hồ lô bọc
đường và tứ hợp viện. Tuyền béo tôi mà phát tài thì mẹ kiếp, tôi cắm đầy que
kẹo hồ lô lên tòa nhà cao tầng của đế quốc".
Nói đoạn cả ba cùng cười ha
hả, dường như giờ phút này đã đứng trên nóc nhà của tòa cao ốc bên Mỹ, thu gọn
vào tầm mắt tất cả cảnh đẹp của đường phố Manhattan.
Cười nói một thôi một hồi,
bầu không khí mới dịu lại, tôi hỏi Răng Vàng lời vừa rồi là nói đùa phải không,
hay chẳng lẽ muốn đi Mỹ cùng chúng tôi thật. Ông bố Răng vàng không khỏe, bố mẹ
tôi thì đều dưỡng lão ở trong khu an dưỡng dành cho cán bộ hưu trí, nhà Tuyền
béo lại chẳng còn ai, thế nên Răng Vàng không thể nói bỏ nhà bỏ cửa đi là đi
như chúng tôi được, vả lại đã đi là đi tới nước Mỹ xa cách ngàn trùng kia.
Răng Vàng trịnh trọng nói
:" Vừa nãy tôi khuyên hai anh đừng đi Mỹ, là vì không nỡ xa hai anh đấy ạ!
Hai anh cao chạy xa bay rồi, bỏ một mình tôi ở lại Phan Gia Viên thì còn thú vị
gì nữa? Tôi cũng nói thật, tôi coi như đã nhìn thấy thấu đáo rồi, công việc
buôn bán ở Phan Gia Viên dẫu có làm thêm mười năm nữa, cũng vẫn như hiện tại mà
thôi, trong lòng tôi từ lâu đã muốn ra nước ngoài đãi vàng rồi. Cổ vật mà ông
cha ta để lại đã có vô số món độc nhất vô nhị bị tuồn ra nước ngoài, nếu tôi đi
Mỹ mà có thể phát tài ấy, việc đầu tiên tôi làm là thu mua mấy món đồ thật, đây
là tâm nguyện cả đời của tôi; thứ đến là đón ông già nhà tôi qua đó, cho ông cụ
hưởng phúc bên Tây. Nhưng tôi đâu có họ hàng nào ở nước ngoài, thế nên muốn
xuất ngoại thì còn khó hơn lên trời, anh Nhất xem liệu có thể nói ngọt với
Shirley Dương mấy câu được không, cho tôi đi theo với. Nghe nói Hợp chủng Quốc
Hoa Kỳ không những nền văn minh vật chất phát triển cao độ, mà văn hóa cũng
phong phú vô cùng, ngay cả bọn có chút tài vặt sang bên đó cũng có đất dụng võ,
anh xem với cái tài của tôi liệu có ..."
Tôi nghĩ bụng đông người đi
cũng vui, tôi và Tuyền béo sang đó sống đỡ đơn điệu, song suy cho cùng Shirley
Dương cũng đâu phải đi buôn người, tạm thời đành phải nhận lời Răng Vàng, về sẽ
nói đỡ cho hắn xem sao.
Thế rồi tôi, Tuyền béo và
Răng Vàng bắt đầu lên kế hoạch, làm sao phải nhanh chóng bán được hết số hàng có
trong tay, cả ba cùng góp tiền vào tổng cộng liệu có được bao nhiêu, đến Mỹ rồi
thì đi đâu xem biểu diễn thoát y vũ... Ba người chuyện trò sôi nổi, vô hình
trung đẩy Minh Thúc ngồi dạt sang một bên, cơ hồ như lão không hề tồn tại. Tuy
nhiên bản thân lão không thể quên mất sự tồn tại của mình được, lão nói :"
Có lẫn không thế, các chú tưởng ở bên Mỹ dễ kiếm chác thế à? Mà nói đi cũng
phải nói lại, báu vật bị tuồn sang Mỹ quả thực không ít, nghe nói chiếc bình
Thanh hoa thuần hóa Thiên Uyên đời nhà Nguyên, món đồ sứ Trung Quốc đắt nhất
trên thế giới, hiện nằm trong tay một nhà sưu tập đồ cổ ở Los Angeles, lại còn
Đại Ngọc sơn thời Càn Long, giờ cũng ở nước Mỹ, món nào cũng có giá cắt cổ.
Chẳng thà tôi đi cùng các vị, ta cùng nghĩ cách đổi lấy chiếc bình đó lại, sau
này đủ vốn rồi, còn có thể tiếp tục công việc buôn bán xác cổ, buôn bán thứ ấy
mới là cách kiếm tiền nhanh nhất".
Tôi nói với lão :" Bác
muốn đi Mỹ là việc của bác, chúng tôi không có quyền ngăn cản. Nhưng niệm tình
chúng ta đã cùng cộng sự, đều đi lòng vòng dưới Quỷ môn quan ở Côn Luân rồi mới
về đây, tôi phải khuyên bác một câu thế này, bác có tuổi rồi, đến Mỹ rồi thì
buôn bán một chút đồ cổ, đủ cho bản thân dưỡng lão là được rồi, đừng có nghĩ
đến chuyện xây dựng lại sự nghiệp buôn bán bánh tông như xưa làm gì. Chuyến đi
Côn Luân lần này bác vẫn chưa rút ra được bài học gì sao? Cho dù có vận chuyển
được Băng xuyên thủy tinh thi về, ừ thì kiếm được tiền đấy, nhưng vợ mất đằng
vợ, con gái nuôi cũng chẳng sống cùng bác nữa, còn lại hai thằng phá gia chi
tử, vụ làm ăn này là lỗ hay lãi bản thân bác không biết tính sao? Tử thi có
được giá hơn nữa, cũng chẳng thể nào bằng người sống".
Nói xong những lời này, kể
như tôi đã tận tình tận nghĩa với Minh Thúc lắm rồi, thấy ăn uống đã no nê,
liền từ biệt lão, rồi cùng Tuyền béo, Răng Vàng khuân đồ về phủ.
Chương 45: Rửa
tay gác kiếm
uy quyết định sẽ đi Mỹ,
song cũng không thể nói đi là đi ngay được, trước khi xuất ngoại còn có rất
nhiều việc phải xử lý. Nhà Răng Vàng ở Bắc Kinh, thời gian này hắn và Tuyền béo
đi khắp nơi bán đồ cổ, tôi thì về Phúc Kiến thăm nhà, sau đó lại đi thăm nom
người nhà của mấy đồng đội đã hy sinh, đồng thời cũng cùng với Tuyền béo đi Nội
Mông, nơi chúng tôi từng tham gia lao động một chuyến, ngót nghét cũng phải mất
hơn hai tháng mới xong xuôi được tất cả công việc.
Khi quay về Bắc Kinh thì đã
là tháng rét nhất mùa đông, cách ngày chúng tôi xuất ngoại chỉ còn mấy hôm nữa,
mọi việc trước mắt đều đã chuẩn bị hoàn tất, liên tục ngày nào cũng bận bù khú
chia tay với người quen.
Hôm nay Shirley Dương cùng
tôi đi dạo phố, ngắm cảnh mùa đông ở Bắc Kinh, sau rồi tôi dẫn cô chơi công
viên Bắc Hải.
Gió Tây Bắc thổi suốt đêm
khiến mặt đất rất sạch ráo, mùa đông cuối năm 1983 này dường như đặc biệt lạnh,
không khí như đóng băng lại, hít thở cũng cảm tháy trong phổi như có bụi băng,
đau tức cả phế quản, đến sáng nay gió đã bớt nhiều, song bầu trời u ám, không
nhìn thấy mặt trời ở nơi nao, có lẽ trước khi trời tối, sẽ đổ một trận tuyết
lớn.
Công viên Bắc Hải nằm ở góc
Tây Bắc của Cố Cung, đã có hơn ngàn năm lịch sử, từng là vườn cấm địa của hoàng
gia, trải qua năm triều đại Liêu, Kim, Nguyên, Minh, Thanh.
Đi dạo ven hồ, ngắm nhìn
đảo Quỳnh tháp Trắng trong vẻ se sắt tiêu điều, tôi cảm thấy mùa đông nơi đây
chẳng có chỗ nào có thể du ngoạn, nhưng sắp rời xa đất nước đến nơi rồi, cũng
chẳng biết ngày tháng năm nào mới có thể quay lại Bắc Kinh, thành thử bỗng dưng
cảm thấy quyến luyến tường Hồng tháp Trắng nơi này, cũng chẳng quá bận tâm tới
khí trời giá lạnh.
Shirley Dương lại rất hứng
khởi, cô nàng đã đón A Hương sang Mỹ sắp xếp ổn thỏa trước rồi, giáo sư Trần
được chữa bệnh tâm thần ở Mỹ cũng đã hồi phục khá lên trông thấy. Lúc này trông
thấy trên mặt hồ đóng băng có rất nhiều người trượt băng, có mấy người trượt
băng lão luyện mùa đông năm nào cũng đến đây, họ lướt trên giày trượt, chốc
chốc lại trình diễn các động tác đẹp mắt, lúc thì như chuồn chuồn điểm nước,
lúc lại giống như én bỡn rặng cây, tôi và Shirley Dương liền đứng lại ngắm.
Shirley Dương bảo tôi :" Ở đây nhộn nhịp anh nhỉ, cái thú trượt băng trong
khu rừng cổ kính mùa đông, e là chỉ mỗi Bắc Kinh mới có!".
Tôi ứng tiếng đáp :"
Đương nhiên rồi, dẫu đi tứ hải ngũ hồ, cũng chẳng thú vị bằng trượt băng ở Bắc
Hải mà".
Shirley Dương hỏi tôi
:" Anh có vẻ lưu luyến Bắc Kinh nhỉ, hay là hối hận đi Mỹ cùng tôi rồi?
Tôi biết việc này hơi làm khó anh, song tôi thật sự rất lo anh sẽ lại đi đổ
đấu, nếu không trông anh cả ngày ở Mỹ, tôi sẽ chẳng thể nào yên tâm được".
Tôi nói :" Quân tử
nhất ngôn, tôi đã hạ quyết tâm đi Mỹ, đương nhiên sẽ không hối hận. Tuy nhiên
tôi quả thực không nỡ xa Trung Quốc, đợi sau khi tôi quán triệt con đường chung
và nhiệm vụ chung xong, tôi vẫn có thể đưa cô quay lại đây chơi". Vừa nói,
tôi vừa rút chiếc bùa Mô kim trong túi ra cho Shirley Dương xem :" Cô xem
cái này mà xem, tôi và Tuyền béo đều đã dỡ bùa xuống rồi, coi như là đã rửa tay
gác kiếm, đời này sẽ không làm nghề đổ đấu nữa, trừ phi là đã chán sống, sau
này chúng ta sẽ làm gì đó ổn định hơn".
Mô kim Hiệu úy đều phải đeo
bùa Mô kim, nó tương đương với thẻ công tác, xét từ góc độ nào đó, nó còn tượng
trưng cho vận may, một khi đeo chiếc bùa lên cổ thì bắt buộc vĩnh viễn không
được dỡ xuống, bởi vì một khi dỡ xuống, thì ngầm ám chỉ đến sự đứt gãy của vận
may, nếu sau đó đeo lên thì cũng sẽ không được sư tổ phù hộ cho nữa. Chỉ có khi
nào quyết định chấm dứt làm nghề này thì mới dỡ bùa, cũng giống như việc rửa
tay gác kiếm của hội lục lâm, rất hiếm người sau khi dỡ bùa lại tiếp tục quay
về nghiệp cũ. Liễu Trần trưởng lão năm xưa là một ngoại lệ, để hiệp trợ Gà Gô,
ông ngoại Shirley Dương, Liễu Trần trưởng lão sau khi dỡ bùa đã lại xuống núi,
để rồi cuối cùng chết trong hang chứa báu vật Tây Hạ ở thành Hắc Thủy".
Shirley Dương thấy tôi đã
dỡ bùa Mô kim xuống từ trước, tỏ ra cảm động vô cùng, nói với tôi :"Từ xưa
tới giờ đã có biết bao cổ mộ bị khoét sạch, những ngôi còn sót lại, quá bán đều
nằm ở những nơi có vị trí đặc thù, trong đó ẩn chứa quá nhiều hung hiểm, thế
nên tôi từ đầu chí cuối vẫn lo anh đi đổ đấu. Giờ thì cuối cùng anh cũng chịu
dỡ bùa Mô kim, thế là tốt quá rồi, sau khi đến Mỹ, tôi cũng không lo anh lại
giấu tôi lẻn đi đổ đấu nữa".
Tôi nói với Shirley Dương
:" Không quán triệt con đường chung và nhiệm vụ chung đến cùng, tôi sẽ
không quay lại. Tôi nghe nói ở Mỹ mặt nào cũng tốt, nhưng thói quen ăn uống và
tác phong sinh hoạt thì lại không dễ để người ta chấp nhận chút nào. Tôi nghe
nói người Mỹ ăn uống rất đơn điệu, làm cơm rất không tinh tế, hai lát bánh mì
cứng như đá, ở giữa lại kẹp hai lát cà chua và một lát thịt bò chín tái, thêm
nữa thì lại cắt vụn rau sống ra ăn thẳng, thế mà gọi là bữa cơm à? Bữa cơm tôi
ăn ở mặt trận Vân Nam còn ngon hơn, chắc chúng ta không phải ngày nào cũng ăn
cái thứ này chứ? Tôi thấy người Mỹ thực sự không hiểu, thậm chí không biết thế
nào là ẩm thực, chẳng trách nước Mỹ nhiều tiền như vậy, chắc là toàn do bóp mồm
bóp miệng mà ra".
Shirley Dương nói :"
Ai bắt anh cả ngày phải ăn hamburger, quán ăn Trung Quốc ở Mỹ đầy nhé, anh muốn
ăn thì ngày nào chúng ta cũng đến đó ăn. Mà tác phong sinh hoạt nghĩa là sao?"
Tôi nói :" Cái này mà
cô cũng không biết à? Cái câu 'I love you' gì đấy ở Trung Quốc có khi cả đời
chẳng nói được mấy lần, nhưng mà nghe nói đôi vợ chồng Mỹ sống với nhau, nếu
một ngày nói 'I love you' có một lần, thì có nghĩa là vợ chồng phản bội nhau,
lập tức ly dị hoặc ly thân, sáng trưa chiều đều phải nói một lần mới đủ, tốt
nhất là lúc thức dậy và lúc đi ngủ đều phải nói thêm hai lần, cho dù một lần
nói mười lần cũng chẳng ai chê là nói nhiều, có khi gọi điện thoại đường dài
chỉ để nói mỗi câu ấy, nói lải nhải mãi mà vẫn không chán, đúng thật là kỳ lạ!
Tôi nghĩ lời đồn này chắc là thật, bởi tôi còn nghe nói, có một anh lính người
Mỹ bị trọng thương trên chiến trường, lúc hấp hối sắp chết còn phải dặn dò đồng
đội chuyển đến người vợ câu nói này ..." Tôi giả vờ bộ dạng hấp hối, thở
nặng nhọc rồi nói :" Trung úy ... hãy hứa... giúp tôi chuyển lời với vợ
tôi ... rằng tôi ... tôi yêu cô ấy!". Nói đoạn tôi đã lăn ra cười nắc nẻ.
Shirley Dương cũng phì cười
vì tôi, song lại nói :" Anh thật là chẳng đứng đắn gì, việc ấy có gì mà
khiến anh cười cợt thế nhỉ, câu nói này không những có thể nói với người yêu và
bạn đời, còn có thể nói với bố mẹ và con cái. Yêu một người, thì phải cho người
ta biết người ta quan trọng với mình như thế nào, điều này rất bình thường, và
cũng rất cần thiết. Sau này anh cũng phải nói câu này mười lần mỗi ngày
đấy!".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét