Chương 1: Ả người giấy và anh bạn chuột
Nội tôi tên gọi là Hồ Quốc
Hoa. Tổ tiên nhà họ Hồ là địa chủ có tiếng trong vùng, vào thời huy hoàng nhất
đã từng mua hơn bốn mươi gian nhà liền kề nhau ở ba con ngõ trong thành, trong
họ cũng có người làm quan, có người đi buôn bán, cũng từng quyên tiền hỗ trợ
công việc tào vận và cung cấp thóc lúa cho triều đình Mãn Thanh.
Tục ngữ có câu:
"Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời" kể cũng đúng thật, trong
nhà dù có núi vàng núi bạc, thì cũng không trụ được khi có những đứa phá gia
chi tử chỉ biết ăn tàn phá hại.
Đến những năm Dân Quốc,
Hồ gia truyền tới đời ông tôi thì gia đạo suy vi, thoạt tiên là chia nhà, gai
sản chia cho ông cũng không ít, đủ để ăn no mặc ấm suốt đời, thế nhưng ông lại
không chịu học điều hay lẽ tốt, đương nhiên điều này có ảnh hưởng đến hoàn cảnh
xã hội lúc bấy giờ, trước thì say mê cờ bạc, sau lại nghiện Phúc Thọ cao 1,
cuối cùng cả gia tài bị ông đem tiêu cho sạch bách.
Thời trai trẻ hút hít ăn
chơi, không tệ nào ông không phạm, cuối cùng thì quẫn đến nỗi một cắc chẳng
còn. Người ta một khi đã lên cơn nghiện thì vò ruột bứt gan, sao mà nhịn nổi,
nhưng không có tiền thì ai cho ông hút? Trước kia lúc có tiền có của, từ thằng
chủ cho đến con hầu trong ổ hút hễ thấy ông là xoen xoét gọi "Hồ đại
gia", tiếp đã ân cần chu đáo lắm, nhưng đến khi không xu dính túi, thì
chúng coi ông là thằng ăn mày, chúng vừa chửi vừa mắng và đánh đuổi, hắt ông
như thể hắt hủi vậy.
Người ta nhược bằng túng
quẫn quá, thì mấy mớ quan niệm về đạo đức liêm sỉ cũng có sá gì, nội tôi cũng
nghĩ được một cách, đi lừa tiền ông cậu. Cậu của ông tôi biết ông là thằng
nghiện ngập phá gia chi tử, thường ngày thì một hào một cắc chẳng cho, nhưng
lần này ông phỉnh cậu, bảo rằng sắp lấy vợ, xin cậu gom cho ít tiền.
Ông cậu nghe nói vậy, xúc
động đến nỗi nhạt nhoà nước mắt, thằng cháu bất hiếu giờ này mới con như cũng
làm được một việc tử tế, nếu kiếm được một cô cháu dâu hiền đức trông coi nó
cẩn thận, dạy dỗ nó có khi về sau lại khá lên cũng không chừng.
Vậy là ông cậu đưa nội
tôi hai mươi đồng Đại Dương, dặn rằng lấy vợ thì sau phải sống cho đàng hoàng,
chớ dính vào Phúc thọ cao nữa, để mấy hôm nữa rảnh, ông sẽ đích thân tới nhà
xem mặt cháu dâu.
Ông nội Hồ Quốc Hoa của
tôi có rất nhiều trò ma mãnh, đễ đối phó với cậu, sau khi về nhà, ông liền vào
thôn tìm một tay thợ chuyên làm mấy thứ người giấy, ngựa giấy (chính là loại để
đốt cho người chết). Lão thợ này tay nghề rất cao, chỉ cần là thứ có thể tả được
là lão có thể làm ra giống hệt như thế.
Theo yêu cầu của ông nội,
lão hàng mã làm ra một cô gái bằng giấy phết hồ, sau đó dùng màu nước vẽ lên
lông mày, mắt, mũi, áo quần, đầu tóc, nhìn từ xa, thì ôi thôi, trông giống y
như người thật vậy.
Ông nội tôi cõng người
giấy về nhà, đặt vào giường trong, lại đắp chăn lên, trong bụng tự lấy làm yên
tâm lắm, đợi mấy hôm nữa ông cậu đến, thì cứ viện cớ vợ ốm, nằm liệt giường
không thể tiếp khách, để ông cậu đứng nhìn từ xa là được. Ngắm thấy đắc ý, ông
bất giác hát rống lên vài câu, rồi chuồn luôn vào thành hút thuốc.
Mấy hôm sau, ông cậu quả
nhiên đến thật, lại còn mua vải vóc bánh trái thăm cô cháu dâu, nội tôi mang
những lời nhẽ đã toan tính từ trước ra lần lữa thoái thác, than rằng vợ không
khoẻ, không tiếp khách được, rồi vén rèm để cậu đứng ngoài nhìn, sau đó lại lập
tức buông ngay.
Ông cậu không vừa lòng,
mới nhủ, cái thằng ranh con này lại đối phó với cậu mày như thế à? Không được!
Hôm nay dứt khoát phải gặp được cháu dâu mới thôi, có bệnh thì cho tiền mời
thầy lang đến chữa!
Ông nội sống chết níu ông
cậu lại không cho vào, nhưng càng níu kéo thì ông cậu càng sinh nghi, đôi bên
cứ thế co kéo, cuối cùng không ngăn được, ông cậu chạy xộc vào nhà trong, vừa
nhìn lên giường, suýt nữa thì chết khiếp, một bộ mặt đàn bà trắng bệch, còn
phết đỏ tròn hai má, đôi mắt trợn ngược, nhìn thẳng lên trần nhà, rõ ràng là
một ả người giấy.
Mùa xuân năm ấy đã xảy ra
rất nhiều chuyện, vụ ông Hồ Quốc Hoa mua người giấy gạt tiền bại lộ, ông cậu
giận quá hoá bệnh, không ngồi dậy nổi, chưa đến ba hôm thì rũ áo chầu trời.
Họ hàng bè bạn của Hồ
gia, ai cũng phòng nội tôi như phòng trộm, chớ cho vay tiền, ngay đến cơm thừa
cũng không cho ông lấy một miếng. Ông đành bán nốt đôi tủ gỗ đàn lấy hai đồng
bạc, chiếc tủ này là của hồi môn của cụ bà, ông vốn định giữ lại để tưởng niệm,
chưa nỡ đem đi cầm, nhưng khi cơn nghiện đã phát tác, thì cũng không còn nghĩ
ngợi được nhiều thế nữa rồi. Cầm hai đồng bạc ấy đi mua một dúm Phúc thọ cao,
chạy về nhà liện vội vã sà vào giường châm điếu thuốc hít mạnh hai hơi, cơ thể
bỗng dưng nhẹ bẫng, tựa hồ như đang chấp chới trên mây.
Lúc ấy, ông cảm thấy
sướng như lên tiên, dăm ba cái chuyện bị người ta khinh rẻ, ức hiếp, rồi bị
mắng bị chửi hàng ngày đều vặt vãnh cả. Hít thêm hai hơi tiếp, ông bỗng phát
hiện ra năm trên cái giường nát bươm của mình còn có một đống đen đúa xù xì,
nhìn lại cho kỹ, hoá ra góc giường có một con chuột cống to tướng đang chồm
hỗm. Con chuột này ý chừng phải sống lâu rồi, ria mép nó đã trắng cả, mình nó
phải xấp xỉ con mèo. Nó đang nẳm hít thứ khói bốc ra từ tẩu thuốc của Hồ Quốc
Hoa, dường như cũng biết đến lợi ích của thuộc phiện, lỗi mũi cứ khịt khịt tham
lam tận hưởng.
Nội tôi bỗng thấy hứng
thú lắm, quay ra bảo con chuột: "Mày cũng nghiện thuốc hả? Xem ra tao với
mày là người đồng đạo rồi." Nói đoạn ông lại hút một hơi, rồi phả thứ khói
nồng nặc ấy vào con chuột, con chuột dường như biết ông tôi không có ác ý, cũng
chẳng sợ ông, bèn nghển cổ đón lấy làn khói đặc đương phả vào mình. Quá trưa,
dường như đã thoả mãn được cơn nghiện, con chuột cũng lững thững bò đi.
Mấy ngày liền đều như
vậy, hôm nào con chuột cũng bò đến cùng hít thuốc với ông nội, ông tôi đi đâu
cũng bị người ta khinh miệt, chung quanh chẳng có lấy một tấm bạn tâm tình,
thấy con chuột quần mình như vậy đâm ra thích chí, có lần con chuột đến hơi
muộn, ông cũng gắng nhịn cơn nghiện mà chờ nó.
Thế nhưng niềm vui ngắn
ngủi chẳng tày gang, nhà ông nội bây giờ chỉ còn lại chiếc giường trơ và bốn
bức tường, chẳng còn đồng nào mà mua thuốc nữa, ông ủ rũ vì hết cách, than thở
với con chuột: "Chuột ơi chuột à, hôm nay là ngày cùng tháng kiệt rồi,
chẳng còn tiền mua Phúc thọ cao nữa đâu, e rằng chẳng được cùng mày ngửi lại
cái mùi nồng nàn ấy nữa." Nói dứt ông cứ sụt sịt không thôi.
Con chuột nghe những lời
ông nói, hai mắt long lanh chớp chớp như nghĩ ngợi gì, rồi bỗng quay ngoắt bỏ
đi. Đến khi trời tối, nó ngậm một đồng tiền bạc quay về nhà bên cạnh gối ông
nội, ông nội vừa mừng rỡ lại vừa kinh ngạc, liền chạy cả đêm vào thành mua lấy
một miếng Phúc thọ cao, về nhà là đốt ngay bên đèn, cùng con chuột hút một trận
đã đời no sướng.
Ngày hôm sau con chuột
lại ngậm ba đồng bạc tha về, ông nội mừng rơn khôn tả, nhớ lại một điển cố được
học từ thời còn trong trường tư thục trước đây, bèn nói với nó: "Kẻ biết
Quản Trọng, chính Bào Thúc Nha đó vậy, nay người biết ta bần hàn mà hậu đãi ta,
thật là tri kỉ của ta vậy, nếu chẳng chê bai, chúng ta hãy kết nghĩa kim lan
đi!" Từ đó ông với chuột xưng huynh gọi đệ, gọi là "anh chuột",
ăn uống cùng chia, thuốc hút chung hưởng, lại còn làm cho con chuột cái ổ bằng
bông, để nó cùng ngủ trên giường.
Người chuột nương tựa,
như đôi bạn tâm đầu ý hợp, con chuột hàng ngày đều đi tha bạc về, ít thì một
hai đồng, nhiều thì bốn năm đồng, từ đó ông nội chẳng còn gánh lo cơm áo nữa.
Bao năm về sau, mỗi khi nội tôi nhớ lại, vẫn nói rằng những chuỗi ngày ấy là
quãng thời gian vui sướng nhất đời ông.
Bẵng nửa năm trôi qua,
ông tôi ngày một giàu có nhưng trớ trêu thay chẳng phải có câu "Giàu sang
gặp thầy bạn vàng, sa cơ lỡ vận gặp toàn tiểu nhân" đó sao, cũng chỉ biết
trách cái số ông nội Hồ Quốc Hoa của tôi là số nghiệp số hạn, bị một thằng tiểu
nhân nhòm ngó.
Trong thôn có thằng vô
lại Vương Nhị, thằng này đâu bì được với ông tôi, ông nội chí ít cũng từng giàu
có, dù gì cũng từng là "Hồ đại thiếu gia" ngót nghét hai chục năm,
còn thằng Vương Nhị kia thì đâu có cái phúc ấy, tổ tiên tám đời nhà hắn kể cả
hắn bây giờ đều chưa từng mặc nổi cái quần nào lành lặn. Vương Nhị thấy ông tôi
gia nghiệp suy bại thì "cháy hàng xóm, vỗ tay reo mừng", thỉnh thoảng
lại vô duyên vô cớ bức hiếp làm nhục ông nội, bắt nạt Hồ đại thiếu gia năm xưa
mấy phen cho hả dạ.
Gần đây Vương Nghị lấy
làm lạ, ông tôi là một tên nghèo đói chẳng có công ăn việc làm, đồ đạc lại đều
đem đi cầm cố cả, ngay đến họ hàng thân thích cũng đã chết gần hết, chẳng hiểu
cớ gì mà vẫn hút thuốc được như thường? Tiền mua thuốc lấy đâu ra? Hắn bèn nghĩ
bụng: nói không chừng thằng ấy lại đi ăn trộm. Ta phải rình nó xem sao, đợi lúc
nó thó đồ nhà người ta, mình bắt quả tang rồi báo cho quan phủ, kiếm mấy đồng
Đại Dương tiền thưởng cũng tốt.
Thế nhưng rình một thời
gian, phát hiện ông nội ngoại trừ những khi thi thoảng vào thành mua đồ ăn và
thuốc hút, thì căn bản là không bước chân ra khỏi cửa, mà cũng chẳng qua lại
với bất kỳ người nào. Càng tò mò muốn biết tiền ở đâu ra, Vương Nhị lại càng
thấy bứt rứt không yên.
Một hôm, nhân lúc ông nội
ra ngoài mua đồ, Vương Nhị thừa cơ trèo tường nhảy vào nhà trong, lục lọi mọi
nơi gầm bàn hốc tủ hòng tìm ra xem ông tôi rốt cuộc có bí mật gì. Đột nhiên
nhìn thấy trên giường có một con chuột to xù đang ngủ, hắn bèn tiện tay vất
luôn vào trong siêu nước đang đun trên lò, sau đó đậy nắp lại, nghĩ bụng họ Hồ
kia về nhà uống nước, ta sẽ nấp bên ngoài xem có trò hay ho.
Chẳng đợi Vương Nhị chạy
ra, ông nội đã về đến nhà, vừa vặn dồn chặn hắn lại bên trong. Vừa thấy con
chuột bị luộc chín trong siêu nước, tức thời mắt ông liền đỏ sọc lên, vớ ngay
con dao thái rau, chém vào thằng vộ lại họ Vương kia mười mấy nhát. May mà nội
tôi là kẻ nghiện ngập, chân tay yếu ớt nên tuy Vương Nhị bị chém trúng mấy nhát
dao nhưng cũng không có vết thương nào chí mạng cả, Vương Nhị máu me bê bết
khắp người, chạy thục mạng tới đội bảo an cầu cứu, đội trưởng đội bảo an là họ
hàng với một tay quân phiệt địa phương, bấy giờ đang mởi tay quân phiệt này
nhắm rượu, tên đội trưởng biết tin liền nội giận đùng đùng, giữa ban ngày ban
mặt hành hùng giết ngừơi còn coi vương pháp ra gì nữa? Vội sai ngay mấy tên
thuộc hạ đi bắt trói nội tôi về.
Ông nội bị giải về đồn,
tên đội trưởng nạt giọng quát hỏi, cớ sao cầm dao hành hung đòi giết Vương Nhị.
Ông tôi nước mắt lưng
tròng, khóc nấc kể lại đầu đuôi sự tình, cuối cùng nói với giọng đầy ai oán:
"Nhớ khi xưa tôi khốn khổ khốn nạn, không có anh chuột tôi đã chẳng sống
được đến ngày hôm nay, nào ngờ chỉ sơ suất một chút đã để anh mất mạng, tuy
không phải do tôi giết nhưng anh chuột lai vì tôi mà chết. Tôi mà phụ người bạn
hiền dưới chín suối này thì tình nghĩa ở đâu? Một mình tôi làm một mình tôi
chịu, đã chém cái thằng không Vương Nhị vậy rồi, giờ muốn phạt muốn giết xin
nghe đại nhân phán xử, chỉ xin đại nhân cho tôi về nhà an táng anh chuột, rồi
tôi chết cũng nhắm mắt."
Không đợi tên đội trưởng
nói gì, tay quân phiệt bên cạnh đã cảm động xuýt xoa, nói với ông tôi: "Mẹ
kiếp! Không vong ơn chính là nhân, không phụ lòng tức là nghĩa, đối với con
chuột mà còn như vậy huống hồ đối với con người? Ta niệm tình cậu có nhân có
nghĩa, giờ lại không chốn nương thân, từ rày hãy theo ta tòng quân làm phó quan
đi."
Súng ống là chính quyền,
trong thời loạn lạc, lời của kẻ nắm giữ binh quyền chính là vương pháp. Tay quân phiệt ra lệnh cho bọn thủ hạ dùng roi quất Vương
Nhị một trận te tua để nội tôi bõ tức, sau đó cho ông về an táng con chuột. Ông
tôi trở về lấy hộp gỗ liệm xác bạn chuột, rồi đào một cái hố chôn đi, khóc tỉ
tê hồi lâu rồi mới dứt áo đi theo tên quân phiệt kia.
Tục ngữ nói hay thật:
"Đói thời khoai ráy cũng ngon, no thời xôi thịt bấy còn dửng dưng".
Con ngừơi ta một khi nghèo khổ điêu đứng, người khác dẫu chỉ cho bát cháo,
miếng cơm thì hắn cũng cảm tạ ơn đức vô cùng, huống hồ con chuột kia lại mang
về cho ông tôi biết bao nhiêu tiền của. Đương nhiên tiền ấy cũng chỉ là tiền ăn
cắp, thánh nhân dạy dẫu chết cũng chẳng uống nước trộm dòng, có điều đó là tiêu
chuẩn đạo đức của những bậc vãng thánh tiên hiền, cổ nhân còn hiếm người làm
được, huống hồ là hạng phàm phu tục tử như Hồ Quốc Hoa! Trước thường nghe hút
thuốc trong phòng, lâu ngày chuột ruồi nghiện cả, lời này tình chẳng hề sai
chút nào!
--------------------------------
Phúc thọ cao: vốn tên của
một vị thuốc, làm từ vỏ quả thẩu (tức "cù túc", gọi theo người Trung
Hoa, hay "nha phiến, a phiến" dịch theo từ "opium" trong
tiếng Anh), có tác dụng làm dịu cơn đau, dễ ngủ...(mọi chú thích đều của dịch
giả)
Chương 2: Thập Lục Tự
Âm Dương Phong Thủy Bí Thuật
Từ đó trở đi ông tôi đi làm
lính, lại rất được trọng dụng, khốn nỗi cái thời ấy thiên hạ đại loạn, quân
phiệt hỗn chiến, chỉ cần nắm trong tay một đội quân trăm người là đã có thể cát
cứ một vùng, nay ngươi diệt ta, mai kẻ khác lại xử ngươi, chẳng mấy thế lực có
thể giữ được lâu dài. Thế lực của đội quân mà ông nội đi theo vốn dĩ không lớn,
chưa quá một năm đã bị một đạo quân khác đánh cho tơi bời khói lửa trong trận
chiến tranh giành địa bàn, kẻ thì chết, người thì bỏ chạy, ngay cả tay quân
phiệt trước đã cất nhắc Hồ Quốc Hoa cũng trúng đao tử trận.
Sau cuộc binh bại, ông nội
chạy về quê cũ, lúc bấy giờ gian nhà rách nát ngày xưa đã sập từ đời nào, lại
vì chạy trốn quá vội nên trên người cũng không mang theo đồng xu nào, hai ngày
liên tục không được ăn, công với con nghiện hoành hành, ông chẳng còn cách nào
khác, đành phải bán khẩu súng cho bọn thổ phỉ, đổi lại chút thuốc hút đồ ăn để
giải quyết mối nguy trước mắt.
Ông tôi trầm từ tự nhủ, cứ
tiếp tục thế này cũng chẳng phải cách, một dùm lương thực với thuốc phiện này
cùng lắm cũng chỉ có thể gắng gỏi được dăm ba hôm, nhưng ăn trơn hít sạch rồi
thì sau đó thế nào? Khi ấy ông mới chợt ra cách đây chừng hơn trăm dặm có khu
Thập Tam Lý phố, chỗ ấy có rất nhiều mộ phần của các bậc đại quan hiển quý, bên
trong có vô số đồ tuỳ táng đáng tiền.
Ông Hồ Quốc Hoa lúc bấy giờ
đã từng đi lính, từng đánh trận, so với trước kia thì giờ đã to gan lớn mật hơn
nhiều. Trước trong quân đội, ông tôi từng được một tay binh sĩ già kể cho nghe
nhiều chuyện đào trộm mộ, trộm mộ trong dân gian vẫn thường gọi là "đổ
đấu" 1, có thể phát tài lớn, nhưng nếu bị bắt thì chỉ có nước bêu đầu, cho
nên ông không dám hành động vào ban ngày, đành đánh liều cầm đèn, vác cuốc đi
tới khu mồ hoang Thập Tam Lý trong một đêm trăng lông.
Trăng lông là gì? Tức chỉ
trời không mây, nhưng ánh trăng không sáng mà mông lung mờ ảo. Đương nhiên
người thời nay chúng ta đều biét, đầy là một hiện tượng tự nhiên, trăng như vậy
thường được gọi là trăng quầng, là điềm báo sắp có gió to, nhưng người nhà quê
thời ấy, nào ai biết vê khoa học. Ở một số vùng quê dân cứ gọi đó là trăng mọc
lông, có người còn nói đêm trăng u ám như vầy, cũng chính là lúc cô hồn dạ quỷ
thích ra ngoài lảng vảng nhất.
Vừa tới nơi, ông liền uống
ngay nửa cân rượu cho nóng người, lấy thêm can đảm. Đêm hôm ấy, trăng lạnh sao
thưa, gió âm se sắt, giữa nấm mồ hoang chập chờn những đốm ma trơi, phút chốc
lại có tiếng chim lạ kêu lên ken két, ngọn đèn trên tay lúc mờ lúc tỏ, tựa hồ
có thể phụt tắt bất cứ lúc nào.
Ông nội tôi lấy giờ tuy đã
uống rượu, nhưng vẫn đổ mồ hôi lạnh bởi cái chốn ma ám rợn mình, bận này toi
công, nửa cân rượu trắng uống vào coi như không, bao nhiêu rượu đều theo lỗ
chân lông chảy ra ngoài hết.
Cũng may đây là khu mộ
hoang, xung quanh không một bóng người, có gào hét ầm ỹ cũng chẳng sợ ai nghe
thấy, ông tôi bèn hát vài khúc sơn ca để tăng thềm dũng khí, nhưng ông chẳng
biết hát mấy bài, được dăm ba câu thì đã hết cả vốn, sau đành hát bừa mấy điệu
quen thuộc hàng ngàt như "sờ mười tám cái", "mong nhớ năm
canh".
Ông tôi đánh liều, run rẩy
bước tới giữa khu nghĩa địa. Nơi đó có một nắm mộ lẻ loi không bia, quái dị ở
chỗ cỗ quan tài không hề được chôn xuống đất, mà lại cắm thẳng đứng giữa mộ
phần, để lộ ra ngoài quá nửa. Cố quan tài trông còn rất mới, mười tám nước sơn đỏ
bóng loáng dưới ánh trăng lờ nhờ chốc chốc lại ánh ra những tia sáng kỳ dị.
Ông tôi lẩm bẩm tự nhủ, cái
quan tài sao lại đặt thế này cơ chứ? Mẹ tiên sư rõ quái đản, chỉ sợ không phải
tầm thường. Có điều đến cũng đã đến rồi, không mở ra xem thì chuyền này đi công
toi à? Hết tiền chết đói cũng là chết, không thuốc hút lên cơn cũng chết, chả
bằng để ma nó bóp chết luôn đi cho sưóng, ông đây cả đời toàn bị chúng nó hiếp
đáp rồi, tổ bà nó, hôm nay ông quyết liều một phen, đã làm làm đến cùng.
Nghĩ xong, ông nội liền
vung xẻng đào tung mớ đất chôn ngập nửa dưới quan tài lên, cả cỗ quan tài liền
lộ ra trước mắt. Vốn là tay nghiện ngập, thể lực lại yếu, đào có tí đất mà đã
mệt lử cả người. Ông không vội mở quan tài, ngồi bịch xuống đất moi ra ít thuốc
mang theo, đưa lên mũi hít một hơi.
Đại não bị thuốc phiện kích
thích, thần kinh cũng phấn khích hơn, ông nội tôi nghiến răng đứng phắt dậy,
đưa xẻng nạy bung nắp quan tài ra, thi hài bên trong không ngờ lại là một mỹ
nữ, mặt mũi sáng sủa như người sống, có điều phấn trát trên mặt quá dày, hai
bên má lại đỏ hằn hai khoảnh son tròn, trên nền phấn trắng càng nổi bật lên như
hai lá cao đỏ ối. Trên mình thi thể khoác mũ phượng dải mây, áo bào lục đỏ, ăn
vận như một cô dâu.
Xác chết này vừa được chôn
xuống , hay là đã chôn được một thời gian rôi? Khu mộ này từ lâu đã bị bỏ
hoang, mấy năm gần đây làm gì có ai lai vãng? Lẽ nào ả ta hoá thành cương thi?
Nhưng lúc ấy, ông tôi chẳng
còn nghĩ ngợi được gì nhiều, trong mắt chỉ còn rặt những đồ trang sức treo đầy
trên mình xác chết, trong ánh đèn lay lắt đống châu báu lại lóe lên những tia
sáng lấp lánh đến mê người, ngoài ra đồ tuỳ táng còn có những đồng bạc được
dùng giấy đỏ gói vào thành từng cọc, và vô số những lá vàng, thật nhiều không
đếm xuể.
Lần này giàu to rồi, ông
nội tôi hí hửng thò tay gỡ chiếc nhẫn lúc bảo thạch trên tay cỗ tử thi thì đột
nhiên cổ tay bị một người giữ lại, ông giật bắn mình, định thần nhìn lại, thò
thấy người nắm cổ tay mình hoá ra là một vị trưởng bối phong độ phi phàm.
THì ra lúc nội tôi tất tưởi
chạy tơi Thập Tam Lý phố, giữa đường đã gặp một ông thầy phong thuỷ họ Tôn, Tôn
tiên sinh là pháp sư có tiếng cả tỉnh, không những có thể coi số mệnh, xem
phong thuỷ, mà còn biết bấm tay tiên đoán, thông hiểu Ngũ hành độn giáp nữa.
Tôn tiên sinh thoạt thấy Hồ
Quốc Hoa, đã phát hiện ngay trên mặt ông tôi thấp thoáng có đám khí đen bao
phủ, bấm đốt ngón tay, rồi đùng đùng nổi giận, thằng ranh con này đinh đi đào
mả quật mồ làm trò tổn hại âm đức, nay gặp phải ta, ta quyết không thể để kệ
thế được, nghĩ đoạn tiên sinh bèn đi theo để ngăn cản.
Lúc bầy giờ Tôn tiên sinh
bất ngờ chộp lấy cánh tay Hồ Quốc Hoa, rồi quát lớn: "Thằng trộm kia! Mày
làm như vậy không sợ trời đánh thánh vật sao?"
Lời ấy vừa cất lên, ông nội
tôi ngỡ như bị vả vào mặt, vội quỳ sụp xuống, cầu xin Tôn tiên sinh tha mạng.
Tôn tiên sinh đỡ nội tôi
lên, rồi nói: "Tuy ngươi đạo đức băng hoại, nhưng chưa gây tội lớn, ngươi
phải biết rằng quay đầu là bến, muôn ta giúp ngươi không khó, có điều ngươi
phải bái ta làm thầy, rồi cai hẳn thuốc đi!"
Ông nội nghe bảo phải cai
thuốc, thoạt nghĩ thế chẳng bằng chết quách cái mạng mình đi cho xong, nhựng
đắn đo một hồi thì thấy phải chịu báo ứng thì còn khổ hơn nhiều, lại nhủ, thôi
thì còn nước còn tát, cứ cầu xin lão tạm tha cho đã, sau này đợi lúc lão lơi
là, ta lại tiếp tục đi hút hít có sao, lão phát hiện thế nào được? Tính toán
xong, ông nội liền dập đầu, vái Tôn tiên sinh tám lạy để hành lễ bái sư.
Tôn tiên sinh thấy ông nội
tôi biết sửa lỗi, lấy làm hài lòng gật đầu, sau đó nhìn ra cỗ quan tài vừa bị
nội tôi mở ra, thấy xác chết trong còn y như đang sống, cũng không khỏi giật
thót mình, nhủ thầm, xem ra nơi đây là đất dưỡng thi, cái xác của cô gái này để
lâu ắt sẽ ương thành đại hoạ, cần phải diệt trừ sớm mới phải. Thế rồi tiên sinh
dặn dò ông tôi phải làm thế này thế kia...
Hai người hợp sức khuân nắp
quan tài lên, gắng đẩy cho nắp ván đóng lại, lấy đinh dài đóng thật chặt, lại
còn dùng dâu mực vẩy lên khắp quan tài những dây mực đan xen ngang dọc, tựa
những ô cờ trong bàn cờ vây, từng dây mực chen nhau tạo thành một tấm lưới đen
ngòm, phủ kín lên cỗ quan tài quái dị.
Tiếp sau đó ông nội tôi
chất củi khô, đốt luôn cỗ quan tài sơn son thiếp bạc ấy, ngọn lửa bùng lên hừng
hực, từng luồng khói đen không ngừng bôc lên ngút trời, thối không ngửi nổi,
cuối cùng chỉ còn lại một đống tro tàn.
Ông tôi lúc ấy mới nhớ ra
trong quan tài còn bao nhiêu vàng bạc châu báu, liền giậm chân thở dài, tiếc
nuối vô cùng, nhưng đã quá muộn, đành dìu Tôn tiên sinh, theo về ở cùng sư phụ.
Về sau, Tôn tiên sinh dùng
phương pháp bí truyền trị cho ông tôi khỏi nghiện, lại còn truyền cho phép bói
chữ với xem phong thuỷ. Nội tôi liền bày một sạp nhỏ trong huyện thành, giúp
người ta xem tướng, bói chữ, kiếm ít tiền vặt, rồi lấy một cô gái dưới quê làm
vợ. Ông đội ơn cứu mạng của sư phụ, từ đó về sau an phận thủ thường, cuộc sống
ngày một tốt hơn.
Song một lần Tôn tiên sinh
bị cảm phong hàn, từ khi đổ bệnh đã mời không biết bao thầy lang, uống rất
nhiều thuốc mà bệnh tình mãi không thuyên giảm, được vài năm thì tiên sinh cưỡi
gió về trời.
Trước lúc lâm chung, Tôn
tiên sinh có gọi nội tôi đến, dặn rằng: "Ta và con có nghĩa thầy trò, ngặt
nỗi kẻ làm thầy ta đây chưa kịp truyền thụ cho con bản lĩnh gì thực thụ cả, nay
ta có cuốn cổ thư Thập lục tự âm dương phong thuỷ bí truyền ở đây, sách này tàn
khuyết, chỉ còn có nửa quyển, cũng chỉ chép mấy thuật coi phong thủy, tìm mộ
huyệt mà thôi, con hãy giữ bên mình làm kỷ niệm vậy." Tôn tiên sinh vừa
nói xong, hơi thở chưa kịp hắt ra, đã vội lìa chào nhân thế.
Ông nội tôi an táng ân sư
xong, những lúc rảnh rang lại nghiền ngẫm cuốn sách cũ của thầy để lại, ngày
rộng tháng dài, lâu dần cũng nắm được những lẽ ảo diệu bên trong bắt đầu đi
khắp huyện giúp người giàu tìm đất tốt để đặt mồ mả, dần dà có tiếng tăm, gia
nghiệp cũng ngày một hưng vượng.
Bà nội tôi sinh cho ông một
người con trai, đặt tên là Hồ Văn Tuyên, đến năm mười bảy tuổi, Hồ Văn Tuyen bố
tôi được gửi lên tỉnh theo học trường của giáo hội Anh Quốc, trai trẻ tính cách
sôi nổi, không chịu ràng buộc, đồng thời lại tiếp xúc với những luồng tử tưởng
cách mạng tiến bộ, sục sôi một bầu nhiệt huyết, đêm nào bố tôi cũng mơ được
tham gia bạo động cách mạng, cuối cùng thì quyết chí bỏ nhà ra đi, chạy đến
thánh địa cách mạng, Diên An.
Về sau bố tôi nhập ngũ đến
tận khi đất nước bước vào công cuộc xây dựng đổi mới. Rồi tới chiến dịch Hoài
Hà, bố tôi được thăng lên làm trung đoàn trưởng của một trung đoàn, sau chiến
dịch Độ Giang, ông theo quân đoàn xuống phương Nam, đồng thời cũng đưa gia đình
định cư luôn ở dưới này.
Sau nữa thì tôi ra đời, tôi
lại sinh đúng vào ngày thành lập Quân đội Nhân Dân Trung Hoa mông một tháng
Tám, bố liền đặt tên là Hồ Kiến Quân, kết quả là khi đi mẫu giáo, cả lớp có đến
bảy tám đứa tên Kiến Quân, thấy nhiều đứa trùng tên quá, bèn đổi thành tên tôi
gọi là "Hồ Bát Nhất" ( tức mồng 1 tháng 8).
Ông nội tôi, Hồ Quốc Hoa,
đùa bảo: "Tên đổi hay lắm! Đơn hoà (hồ), Bát van, Nhất đồng 2 đây!"
Năm tôi mười tám tuổi, gia
đình tôi bị đấu tố, xuất thân của bố mẹ tôi không mấy đẹp đẽ, cả hai người đều
bị đem đi cách ly tra xét, còn ông nội thì bị lôi đi diễu phố phê đấu mấy
chuyện giả thần giả quỷ. Ông là người có tuổi, lại chân yếu tay mềm, không chịu
nổi dày vò chì chiết nên chẳng quá dăm hôm đã về trời. Cả đời ông tôi coi phong
thuỷ cho người ta, giúp người ta chọn đất đặt mồ, vậy mà cuối đời lại bị đưa đi
hoả táng. Sự đời vẫn luôn vô thường như thế.
Nhà thôi cả thảy bị soát ba
đợt, tất cả những đồ đáng tiền đều bị tịch thu hết, ông nội tôi sinh thời thích
sưu tầm đồ cổ, mấy thứ này không bị đập cũng bị thu, chẳng món nào còn được
nguyên vẹn. Cuối cùng thì thứ duy nhất may mắn sót lại chính là cuốn sách cũ mà
ông bảo tôi đem gói trong túi vải dầu, cất lên nóc nhà xí.
Thành niên thời Cách mạng
Văn hoá có ba lựa chọn: một là nhập ngũ, đây là sự lựa chọn tốt nhất, vừa có
thể rèn luyện mình, sau này lại có thể đổi ngành được, phân về làm trong cơ
quan nhà nước. Thứ nữa là ở lại thành phố làm công nhân, như thế cũng hay, chí
ít có tiền lương dành dụm. Cuối cùng, xui xẻo nhất chính là những thành phần
không có nhiều mối quen biết, không có cửa sau, hoặc gia đình bị đấu tố như
tôi, những thanh niên này chỉ còn cách lên vùng núi hoặc về quê lao động mà thôi.
Bạn sẽ khuyên tôi nên lựa
chọn con đường thứ tư, là chẳng đi đâu hết, cứ ở im trong nhà, liệu có được
không? Như vậy cũng chẳng xong, thời buổi ấy không có cái khái niệm "ngồi
chơi xơi nước" đâu, mõi người đều là đinh vít của xã hội chủ nghĩa, đều có
tác dụng cả. Nếu như cứ ở trong nhà, thì Uỷ ban dân phố, trường học, Ban Thanh
niên Trí thức, họ nay đến, mai đến, ngày ngày đi lại như đèn kéo quân, động
viên đến cùng thì thôi. Nhưng có một số người cũng kiên trì đến phút chót, họ
không đi đâu hết, vậy thì làm gì được họ? Những người như thế rồi cũng được ở
lại thành phố, được bố trí công việc cho. Có nhiều việc là vậy đấy. chẳng thể
nói cho rõ được, càng sống càng hồ đồ, người ta chẳng bao giờ biết được quy tắc
là gì, còn quy tắc ngầm thì có phải ai cũng biết đâu.
Thời ấy tôi còn quá trẻ,
cũng chẳng biết lên núi hay về quê cụ thể là phải làm việc gì, dẫu sao với lí
lịch này, có muốn nhập ngũ cũng chẳng có nước, ở lại thành phố càng không ai lo
sắp xếp vịêc cho, nếu không đi tham gia lao động thì cũng chẳng biết đi đâu
nữa. Lúc ấy tôi nghĩ bụng đi thì đi, trời cao biển rộng trái tim hồng, đằng nào
cũng là xa nhà, đã thế phải đi càng xa càng tốt.
Phần lớn thanh niện chọn đi
Vân Nam, Tân Cương, tôi lại chọn đi đất Nội Mông, ngoài tôi ra còn có anh bạn
tên Vương Khải Tuyền, tay này trắng mà bự nên có biệt hiệu là "Tuyền
béo".
Nơi chúng tôi đến gọi là
trại Cương Cương, địa danh này từ trước tới nay tôi chưa từng nghe thấy. Khi
lên tàu đi xa, không ai đến tiễn chúng tôi, so với cảnh tượng náo nhiệt lúc
người ta đưa tiễn người đi nhập ngũ, tình cảnh của bọn thanh niên trí thức như
chúng tôi thê thảm mà bi tráng hơn nhiều. Tôi chỉ mang theo trên người duy nhất
cuốn Thập lục tự âm dương phong thuỷ bí thuật giấu trên nóc nhà xí công cộng,
tôi cũng chẳng biết đấy là sách gì nữa, chỉ biết đây là thứ duy nhất còn sót
lại của gia đình, cứ mang theo bên người, những lúc nhớ nhà lại đem ra xem cho
khuây khoả cũng tốt
----------------------------------------------------------------------------------------------
1 Đổ đấu: tức hình dung
việc trộm châu báu trong quan tài người chết nhuư đổ cái đấu ra lấy gạo lấy
thóc. 2 Đơn hoà, Bát vạn, Nhất đồng: Bát vạn, Nhất đồng là tên hai quân bài.
Đơn hoà là một trong những kiểu "ù" của trò mạt chược. Người Bắc Kinh
gọi "ù" là "hú", chữ ấy âm Hán Việt đọc là "hồ",
cùng âm với họ Hồ.
Chương 3: Ngôi
mộ trong núi
Tuy gọi là Nội Mông, nhưng
kỳ thực chỗ này cách Hắc Long Giang không xa, Tần tiếp giáp với biên giới Ngoại
Mông rồi. Cư dân nơi đây phần lớn là người Hán, chỉ có một số ít là người Mãn,
người Mông. Đội thanh niên chúng tôi tổng cộng sáu người, bốn nam hai nữ, vừa
đến nơi thì ai nấy đều trơ mắt ra, chung quanh chỉ có những dãy núi nhấp nhô
trải dài muôn dặm, những cánh rừng nguyên sinh ngút mắt bạt ngàn, rời khỏi thôn
tầm chục dặm thì chẳng còn thấy bất kỳ bóng người nào nữa.
Nơi đây vốn không thông
ra đường cái, thế nên đừng nhắc tới việc mắc điện, ở đây có thắp cây đèn dầu
cũng là đãi ngộ dành cho cán bộ, còn phòng ai có được chiếc đèn pin thì chẳng
khác gì dinh tổng thống, người sống trong thành phố hoàn toàn không thể nào ngờ
đến được. Lúc ấy, chúng tôi còn nghĩ khắp mọi miền tổ quốc nơi đâu cũng có nhà
cao tiệm lớn, đèn điện điện thoại sử dụng tha hồ nữa cơ.
Có điều lúc ấy cũng thấy
rất mới mẻ, bởi xưa nay nào đã thấy dãy núi nào sừng sững đến vậy đâu, huống hồ
còn lần đầu tiên được nếm bao món đặc sản miền rừng núi nữa. Núi non chung
quanh sản vật tương đối dồi dào, cá thì đầy dưới sông, chẳng lo không có thứ
ăn. Sau này khi về thành phố, nghe bọn bạn đi Thiểm Tây kể mới thấy chúng nó
cực khổ thế nào, cả mấy năm trời có ăn được bữa nào ra hồn đâu.
Công việc của mấy thanh
niên trí thức không nặng lắm, bởi nơi đây "gần núi nhiều củi đốt, kề sông
lắm cá ăn" nên việc đồng áng không vất vả quá. Có điều, buổi tối mùa hè,
chúng tôi phải lần lượt thay nhau đi trông hoa màu ngoài ruộng. Vì lo thú rừng
phá ruộng, cho nên mỗi tối phải có hai người ngủ ngoài đồng để canh chừng.
Đồng ruộng nơi đây không
phải là những dải xanh mướt, thẳng cánh cò bay như đồng bằng Hoa Bắc, mà thường
thì chỗ này một khoảnh, chỗ kia một khoảnh, tuỳ chỗ nào bằng phẳng là xới ruộng
chỗ đó luôn, cho nên buổi tối phải ra ngoài đi vòng vòng để canh gác. Đêm hôm
ấy đến lượt nhóm tôi và Tuyền béo, cậu ta ngủ trong lều, còn tôi ra ngoài lượn
một vòng, cũng thấy chẳng có gì, bèn về lều đánh một giấc cho xong.
Quãng về gần tới lều,
bỗng dưng tôi thấy có cái bóng trắng tròn tròn cách lều cỏ không xa, bèn dụi
mắt nhìn cho thật kỹ, chắc chắn không phải tại hoa mắt rồi, nhưng trời tối quá
nên rốt cuộc chẳng thể nào nhìn rõ được xem là thứ gì. Hồi ấy tôi không tin có
ma, đoán là có con gì, bèn nhặt lấy một cây gậy định xua nó đi.
Một đám trắng loá giữa
màn đêm tối mịt, lại còn khẽ dặt dờ đung đưa nữa, rốt cuộc là thứ gì đây?
"Thứ đó" cũng không giống động vật, nhưng nếu không phải là động vật
thì sao nó lại chuyển động được nhỉ?
Tối tuy không sợ ma quỷ,
nhưng khi đối mặt với thứ mình không biết là cái gì, thì nói cho cùng vẫn có
tâm lý dè dặt, không dám vung gậy đánh thẳng tới. Cây gậy tôi đang cầm trong
tay, thực ra là một cành cây tiện tay lượm được dưới đất mà thôi, tôi lấy cành
cây ấy chọc nhẹ vào đám trắng mờ ảo kia, cảm giác rất mềm... đột nhiênm trong
bóng tối mờ mịt tôi nghe thấy tiếng Tuyền béo gắt lên: "Này... làm gì thế,
Hồ Bát Nhất? Sao lại chọc gậy vào mông tôi thế?"
Một phen hú vía, hóa ra
là Tuyền béo, tại sáng ăn bẩn nên nửa đêm đau bụng, ngồi chồm hỗm ở đó mà đi
ngoài, trong đêm cái mông trắng hếu của hắn trông thật bắt mắt.
Sáng sớm hôm sau, Tuyền
béo cứ nằng nặc bắt đền tôi, một mực bảo tối qua tôi khiến hắn sợ phát khiếp,
làm não hắn chết đến hàng triệu tế bào. Tôi bảo rằng "Não cậu có nhiều tế
bào thế cớ à? Cả tớ lẫn cậu đều nghèo xơ nghèo xác, nhận chỉ thị tối cao của
nhà nước tới nông thôn tiếp nhận học tập những điều vô cùng cần thiết từ giai
cấp trung ương nghèo khổ, tớ lấy thứ gì đền cậu đây? Tớ đã nói với cậu từ trước
rồi, với tư cách là người chiến hữu cách mạng thân thiết của cậu, tớ khẳng định
toàn bộ tư trang của tớ chỉ còn lại mỗi chiếc quần đang mặc này thôi, chắc cậu
không bắt tớ phải tụt quần ra đền đấy chứ?"
Tuyền béo cười nắc nẻ,
nói: "Không cần phải thế, hôm trước tớ phát hiện trong khu rừng Đoàn Sơn
có một tổ ong cực lớn, bọn mình đi chọc nó xuống, lấy ít mật uống cho đã, phần
còn lại mang về đổi cho bố Yến Tử lấy thịt thỏ mà ăn."
Yến Tử là tên của một cô
gái, bố cô là thợ săn già có tiếng trong làng, tôi và Tuyền béo đều sống nhờ
trong nhà họ. Hai cha con cô thường vào rừng đi săn, dăm hôm lại mời chúng tôi
ăn thịt thú rừng, nhưng ăn mãi đồ ngon nhà người ta, lâu ngày bọn tôi cũng áy
náy, ngặt nỗi, hai thằng tôi thực sự quá nghèo, cũng chẳng có gì mà mời lại hai
cha con Yến Tử.
Tôi sợ lạc đường, bèn tìm
mượn con chó săn của Yến Tử, con chó này chỉ nhỡ nhỡ, được Yến Tử chăm nuôi từ
nhỏ. Cô đặt tên nó là Dẻ Vàng, tại nó chưa lớn nên cũng không nỡ đem theo đi
săn, giờ thấy chúng tôi bảo lên núi chơi một chốc, Yến Tử liền cho dắt theo
ngay.
Tính đường chim bay, rặng
Đoàn Sơn cách làng chúng tôi ở cũng không xa lắm, nhưng bởi không có đường đi
thẳng nên chúng tôi phải trèo đèo lội suối một hồi lâu mới tới. Khu rừng này
rất rộng lớn, người trong làng từng cảnh báo chúng tôi không nên vào đây, nghe
đồn trong rừng thường có gấu người xuất hiện. Chúng tôi cũng từng gặp một người
đàn ông chỉ có nửa khuôn mặt trong làng, nghe đâu hồi nhỏ anh ta vào rừng gặp
phải gấu người, may là bố Yến Tử chạy đến cứu kịp thời, nổ sung đuổi con gấu đi
mới cứu được. Nhưng anh ta vẫn bị con gấu liếm cho một phát vào mặt, trên cái
lưỡi nhơ nhám của con gấu mọc chi chít những gai thịt, chỉ cần liếm một cái là
xé phăng đi một mảng thịt lớn, đến giờ, nửa mặt trái của người đàn ông ấy đã
không còn tai mắt, cả mồm mũi cũng đều méo xệch, hơn bốn mươi tuổi đầu mà chẳng
lấy được vợ, người già trong làng mỗi khi nhắc đến chuyện của anh thì đều rơm
rớm nước mắt.
Chúng tôi tuy to gan,
nhưng cũng không dám maok hỉem chạy vào khu rừng già, cái tổ ong mà Tuyền béo
nói thực ra nằm lủng lẳng trên cành cây đại thụ gần con suối nhỏ ở bìa rừng,
cậu ta phát hiện trong lúc cùng dân làng đi lấy dầu thông.
Có điều mà tôi không ngờ
tổ ong này lại lớn thế, còn lớn hơn tất cả những cái tổ ong mà chúng tôi từng
chọc trước kia cộng lại nữa, nhìn từ xa, cái tổ tựa như một con nghé không chân
bị treo ngược trên cành cây lớn, bên trong xáo xác một lũ ong to tướng bay qua
bay lại, những tiếng vo vo khiến người ta rầy tai nhức óc.
Tôi thấy vậy chửi Tuyền
béo: "Mẹ kiếp, cậu chơi tớ à? Tổ ong của cậu đấy hả? Bom nguyên tử thì có!
Chọc để nó nổ thì có mà vỡ mặt!". Tuyền béo cười hề hề bảo: "Còn gì
nữa! Tổ ong thường thì tớ cần gì gọi cậu ra? Một mình tớ với tay một cái là xử
lý xong. Sao? Dám làm nữa không?"
Tôi nghe vậy liền nói:
"Nhằm nhò gì, đội ngũ chúng ta bất khả chiến bại, cả máy bay xe tăng của
đế quốc Mỹ ta còn chẳng sợ, lại sợ mấy con ong nhép này ư? Mẹ tiên sư, toàn lũ
hổ giấy cả thôi, hôm nay an hem mình dứt khoát phải xơi mật ong cho bằng được!"
Tuy nói như vậy, nhưng
cũng không thể làm bừa được, chỉ một chút sơ suất thôi chắc chắn sẽ bị bầy ong
vò vẽ kia đốt cho tới chết, loại ong này to như vậy, hẳn có độc, cần gì nhiều,
chỉ bị chích một hai phát thôi là đi đời nhà ma ngay. Cũng may bên cạnh lại có
dòng suối, hẳn là trời cũng muốn giúp chúng tôi đây. Đầu tiên tôi bẻ một chiếc
bánh ra làm đôi, cho Dẻ Vàng ăn rồi để nó chạy đi thật xa. Sau đó hai bọn tôi
chia nhau mặc hai bộ quân phục thùng thình lên người, đội mũ da chó quấn khăn
chít cổ, đeo thật chặt găng tay, trước mũ còn che một tấm vải the nhìn xuyên
qua được mượn của mấy chị em thanh niên trí thức, sau khi đã kiểm tra trên mình
không còn chỗ nào hở thịt, tôi mới bảo Tuyền béo tìm lấy hai cành lau rỗng
ruột, mỗi thằng cầm một cành, để đợi chốc nữa dùng hít thở khi nhảy xuống suối
tránh lũ ong.
Chuẩn bị xong đâu đấy,
chúng tôi như hai con gấu ục ịch tiến lại gần gốc cây, tôi cầm nắm cỏ Đông tử
và bao diêm trên tay chuẩn bị sẵn sang, Tuyền béo thì cầm cây sào, đếm:
"Một... hai... ba!". Vừa đếm đến ba, cái sào đã chọc mạnh vào chỗ nối
giữa cành cây và cái tổ, chỉ vài nhát, cái tổ ong khổng lồ đã rơi bịch xuống
đất, từ bên trong hàng vạn con ong vò vẽ to mẫm lao ra ồ ạt, chẳng mấy chốc đã
bâu thành đám mây đen kịt giăng trên không trung, phát ra những tiếng vo vo inh
ỏi trùm lên đầu chúng tôi.
Tôi đã chuẩn bị tương đối
kĩ, bất chấp sự tấn công cùa bầy ong, vẫn ngang nhiên đốt nắm cỏ Đông tử trên
tay, rồi đặt ngay cạnh miệng tổ, bị khói hun sặc sụa, những con ong to sụ bị
mất phương hướng lao ra nhốn nháo điên loạn, tôi và Tuyền bếo vội lấy đất bùn
đắp thành một gờ chống lửa chung quanh đống cỏ khô đang bốc cháy, để tránh lửa
lan ra cả khu rừng.
Lúc đó những con ong chuă
bị hun sặc đã xác định rõ mục tiêu, lao ầm ập vào chúng tôi bất chấp sống chết.
Tôi bấy giờ chỉ cảm thấy nhưu có hàng ngàn hạt mưa đá rơi lộp bộp trên đầu,
không dám dừng lại nửa bước, vội vã cùng Tuyền béo lao thẳng xuống dòng suối
bên cạnh. Suối không sâu lắm, chưa đến một mét, sau cú nhảy đánh ùm, chúng tôi
đã chạm xuống tận đáy nước, những con ong bám trên người lập tức bị nước suối
cuốn trôi đi. Tôi một tay giữ chặt lấy cái mũ da chó trên đầu để khỏi bị nước
cuốn, một tay móc lấy nhành lau rỗng ruột ra, đưa lên để thở.
Một lúc sau tôi mới dám
nhô đầu lên, thấy bầy ong con sặc nước, con sặc khói, tình hình đã không còn
nguy hiểm nữa. Thời tiết khi ấy tuy là giữa hè, nhưng sông suối trong rừng núi
lại vẫn rất lạnh, khắp người tôi run cầm cập, khó khăn lắm mới bò được lên bờ,
rồi nằm trên dải đá hít thở thật sâu, đón những vạt nắng ấm áp sưởi ấm thân
mình, cảm giác dễ chịu khôn tả.
Chẳng lâu sau Tuyền béo
cũng không thể chịu nổi bèn run rẩy bò lên, mới bò được một nửa, đột nhiên hắn
lêu á một tiếng, cánh tay vung phắt lên, chẳng hiểu vì sao trên tay đã bị cứa
rách một đường dài, máu chảy lênh láng.
Tôi vội chạy xuống đỡ
Tuyền béo, cậu ta vừa bóp chặt vết thương, vừa nói : "Cẩn thận đấy! Hình
như dưới suối có cái bát vỡ, cứa đau chết đi được."
Chung quanh vốn không
người ở, sao lại có cái bát vỡ ở đây, tôi bỗng nổi trí tò mò, liền cởi phăng
quần áo để mình trần lặn xuống suối mò tìm, ở chỗ Tuyền béo bị cứa chảy máu,
tôi mò được nửa cái bát sứ, nhìn kỹ kiểu dáng cùng với hoa văn xanh lam, cũng
có mấy phần giống với đồ sứ hoa xanh thời Bắc Tống khi trước nội tôi sưu tầm.
Nhưng tranh chữ, đồ cổ
của ông tôi, hồi đấu tố đều bị bọn Hồng vệ binh đập nát cả rồi, chẳng ngờ ở
chốn thâm cùng sơn cốc này lại có thể nhìn thấy những mảnh vụn của thứ đồ cổ
này, cảm giác cũng thân thiết ra phết, nhưng suy cho cùng chúng cũng chẳng có
giá trị gì với tôi cả, nghĩ đoạn tôi liền vung tay ném văng mảnh bát vào rừng.
Tuyền béo cũng cởi hết
quần áo, băng qua loa vết thương rồi lại nhảy xuống suối. Chúng tôi tắm xong,
liền đem quần áo giày tất phơi lên dải đá sỏi trên bờ, tôi huýt một tiếng sáo
dài gọi con Dẻ Vàng quay lại.
Chỉ thấy con Dẻ Vàng đằng
xa chạy về, miệng tha theo một con thỏ rừng béo mẫm. Chẳng hiểu con thỏ xấu số
kia thế nào mà lại để rơi vào mõm con chó săn còn đang trong thời gian tập sự
này nữa. Tôi vừa thấy thỏ rừng thì mừng rơn ôm lấy con chó lăn tròn trên mặt
đất mấy vòng, quả là một con chó săn cừ khôi, tôi liền bẻ một buồng đẫm mật
trên tổ thưởng cho nó.
Tuyền béo nói: "Sau
đợt này bọn mình tha hồ xin dân làng mấy nhóc cún về nuôi, mai mốt tha hồ ăn
thịt thỏ!"
Tôi đáp: "Cậu đừng
có mơ! Bao nhiêu thỏ rừng mới vừa cái miệng sói của cậu đây, thôi đừng ba hoa
nữa, tớ đói rồi, cậu xử lý con thỏ kia đi, tớ đi kiếm củi."
Tuyền béo ngồi bên bờ
suối làm sạch con thỏ từ trong ra ngoài, tôi ôm một mớ cánh thông khô về đốt
một đống lửa, quết một lớp mật ong dày lên mình con thỏ đã lột sạch da, rồi đem
nướng. Chẳng mấy chốc, mùi thịt thở nướng mật thơm phức đã lan toả trong lhong
khí, tôi cắt đầu con thỏ ra cho Dẻ Vàng, phần thịt còn lại thì xẻ làm đôi, tôi
và Tuyền béo mỗi người một nửa đánh chén một trận đã đời. Tôi lớn chừng này rồi
mà cũng chưa bao giờ được ăn thứ nào thơm ngon như thứ này, thiếu chút nữa là
nuốt luôn cả mấy ngón tay vào bụng, tuy không có muối dầu gia vị, nhưng phết
mật ong rừng lên thịt thỏ rồi lại dùng củi thông nướng chin cũng có một phong
vị rất riêng, người ở thành phố cả đời cũng không thể nào tưởng tượng ra trên
thế gian này lại có thứ đồ ăn ngon như thế.
Sau khi đánh một bữa no
nê, thấy trời không còn sớm, quần áo cũng gần khô cả, hai chúng tôi dùng cánh
cây to xuyên ngang tổ ong, người trước người sau vác về, vừa đi vừa hát vang
bài ca Cách mạng: "Trời bao la, đấy bao la... đâu bằng lòng quyết tâm của
nhân dân ta... Thân thay mẹ, thân thay cha... nào thân bằng tình nghĩa Đảng
ta.". Thật đúng là "roi quất ngựa chồn chuông reo múa, hát vang một
khúc tiến quân về.". Điểm không hài hoà duy nhất chính là tiếng sủa phấn
khích của con Dẻ Vàng xen trong tiếng hát hào hung của chúng tôi, điều này
khiến cho tôi có cảm giác mình giống hệt bọn giặc Nhật đổ bộ vào thôn làng
trong phim vậy.
Về tới thôn, thấy người
trong làng vơi đi quá bán, tôi liền hỏi Yến Tử: "Yến Tử! Bố em với mọi
người đi đâu cả vậy?"
Yến Tử vừa giúp chúng tôi
nhấc tổ ong xuống, vừa trả lời: "Sông Chakanha có lũ, cây gỗ trong lâm
trường đều bị ngập cả, buổi trưa người trong làng đều chạy tới giúp khuân gỗ,
đồng chí bí thư chi bộ bảo em nhắn các anh trông hoa màu cho cẩn thận, đừng có
gây vạ, bọn họ phải bảy tám hôm nữa mới về.
Tôi chúa ghét nghe ai bảo
mình không được gây hoạ, cứ làm như tôi sinh ra là để đi khắp nơi reo rắc tai
hoạ không bằng, nghe vậy tôi liền nói với Yến Tử :" ĐỒng chí bí thư uống
rượu say nói lẫn cả rồi! Bọn anh có gậy vạ gì đâu? Bọn anh đều là cháu ngoan
cảu Mao chủ tịch mà!"
Yến Tử cười bảo: "Có
thật là mấy anh không gây vạ gì không? Từ sau khi đám thanh niên trí thức mấy
anh về đây, gà mái cả làng này đều bị nạt cho không con nào đẻ trứng được nữa
rồi đấy."
Hai anh bạn cùng đoàn với
tôi cũng đã ra lâm trường, chỉ còn lại tôi, Tuyền béo và hai cô gái nữa, hai
chúng tôi chạy đi chơi nên không bị gọi đến lâm trường khuân gỗ, nghĩ cũng may
thật! Bọn tôi đổ mật ong vào bình, cả thảy cũng được hơn mười bình đầy, Yến Tử
bảo buồng ong thừa lại có thể nấu ăn, bữa tối sẽ nấu cho chúng tôi ăn món thịt
nai xào tổ ong.
Vừa nhắc đến ăn, Tuyền
béo lại sướng tít cả mắt, bảo rằng hôm nay bọn mình có khác nào ăn Tết, chiều
vừa ăn thịt thỏ nướng, tối lại được ăn thịt nai xào tổ ong, mình chảy cả nước
miếng ra rồi đây này. Yến Tử hỏi chúng tôi nướng thịt ở đâu. Tôi kể cho cô nghe
đàu đuôi câu chuyện. Yến Tử nghe xong thì htốt lên: "Ôi trời ạ, các anh
đừng có làm liều thế chứ! Nướng thịt thỏ ở rìa rừng, mùi thịt thơm như thế dụ
gấu người ra thì sao?"
Bọn tôi nghe Yến Tử nói
vậy mới sực nghĩ lại, đúng nguy hiểm thật, may mà không sao, có lẽ tại hôm nay
con gấu đang ngủ cho nên không đánh hơi thấy mùi thịt nướng. Tòi vừa giúp Yến
Tử gầy lò, vừa kể chuyện Tuyền béo bị mảnh bát vỡ ở suối cứa vào tay, chẳng
biết ở nơi rừng hoang núi hẻm ấy cớ gì lại có bát sứ hoa xanh thời Tống nữa.
Yến Tử nghe vậy, mới bảo
rằng: "Có gì lạ đâu, làng mình mỗi khi có ai lấy chồng, nhà nào nhà nấy có
đến mấy chiếc bình đựng làm của hồi môn, mà những thứ ấy đều vớt ở dưới suối
lên cả."
Tôi càng nghe càng thấy
lạ, dưới suối lại vớt được đồ cổ ư?
Thấy tôi ngơ ngác, Yến Tử
liền với tay vào gầm giường lôi ra hai chiếc bình sứ chỉ cho tôi xem:
"Không phải dưới suối tự mọc ra đâu, đều là từ trên thượng du xối xuống
đấy. Gần làng mình có mấy con sông đều bắt nguồn từ núi Tim Trâu ở khe Lạt Ma,
nghe người già kể núi ấy có mộ của bà thái hậu nước Kim hay nước Liêu nào ấy,
đồ tuỳ táng bên trong đều cũ rích cả rồi, có nhiều người muốn đi tìm cái mộ ấy
lắm, nhưng chẳng phải không tìm thấy thì cũng là vào rồi mà không biết lối ra.
Khu rừng trong khe Lạt Ma rậm rạp lắm, bố em còn kể từng thấy quanh khu ấy có
người rừng xuất hiện, có người cìn nói trong núi Tim Trâu có ma, bao năm nay
chẳng ai dám vào đấy đâu.
Trong lúc chúng tôi nói
chuyện, màn đêm đã buông xuống từ lúc nào không biết, Yến Tử làm cơm cũng đã
hòm hòm, Tuyền béo liền đi gọi hai cô bạn kia đến ăn cơm, nhưng vừa đi được một
lúc, cậu ta và cô tên là Vương Quyên đã hớt hơ hớt hải chạy về. Tôi vội hỏi xem
có chuyện gì, Vương Quyên thở hổn hển một hồi mới nói rõ, hoá ra cô bạn tên
Điền Hiểu Manh ở cùng Vương Quyên nhận được thư nhà, trong thư viết mẹ cô bị
hen suyễn phải nằm viện, bệnh tình xem ra khá trầm trọng. Điền Hiểu Manh nghe
người ta bảo trong khe Lạt Ma có quả Bồ Tát chữa bệnh hen rất hiệu nghiệm, bèn
một mình vào rừng tìm, đã đi từ sáng sớm mà mãi tới giờ vẫn chưa thấy về.
Tôi nghe mà gân xanh giật
lên bần bật bên hai thái dương, Điền Hiểu Manh này cũng liều mạng thật, chỗ đó
là rừng nguyên sinh, ngay cả thợ săn có kinh nghiệm trong làng còn chẳng dám
tuỳ tiện đi vào, làm sao mà cô ta đi một mình cơ chứ.
Vương Quyên khóc bảo tại
mình không ngăn Hiểu Manh được, rồi bảo mọi người mau chóng đi tìm, kẻo có
chuyện gì thì chẳng biết phải làm sao nữa.
Nhưng bấy giờ lực lượng
lao động trong làng đều đến lâm trường cả rồi, chỉ còn lại người già và trẻ
nhỏ, xem ra chỉ còn mỗi tôi và Tuyền béo là đi được, Yến Tử cũng dắt theo Dẻ
Vàng và súng săn đi cùng chúng tôi, Vương Quyên ở lại trông coi hoa màu.
Trong rừng núi có chó thì
chẳng sợ lạc đường, chúng tôi không dám trễ nải, vội đốt đuộc dắt theo Dẻ Vàng
phăm phăm vào rừng. Núi sâu rừng thẳng căn bản không có đường nào đi được, tôi
cũng thực chẳng thể hiểu nổi Điền Hiểu Manh, con gái sao dám một thân một mình
xông vào nơi thâm sơn cùng cốc này cơ chứ, Tuyền béo bảo, có lẽ tại cô lo lắng
quá nên không tỉnh táo, mẹ bệnh nặng ai mà chẳng lo cơ chứ.
Trời tối, lại phải nhờ Dẻ
Vàng ngửi mùi lần vết, nhưng nó chưa từng được huấn luyện bài bản bao giờ, nên
cứ mất dấu suốt, thành ra lại phải quay lại tìm lần nữa, vậy nên chúng tôi đi
rất chậm, đoạn đường ngày thường chỉ cần đi bốn năm tiếng, giờ ba chúng tôi
phải đi suốt cả một đêm. Phía Đông trời đã hửng sáng, ngọn gió sớm trong rừng
già thổi qua làm chúng tôi nổi hết da gà, không khí tươi mới của buổi sớm khiến
tinh thần người ta phấn chấn, Yến Tử chỉ tay về phía Tây nói: "Hai anh
trông! Ngọn núi lớn kia chính là núi Tim Trâu đấy."
Tôi với Tuyền béo liền
nhìn theo hướng tay cô chỉ, trong dãy núi bao trùm bởi biển rừng ngút ngát,
sừng sững một ngọn núi khổng lồ hình thù quái dị, cả ngọn núi hình dạng như một
quả tim trâu, chín dòng thác trắng muốt như chín con rồng ngọc cuồn cuộn chảy
từ trên cao xuống. những đồ sứ mà dân làng nhặt được hẳn là do những dòng thác
này cuốn ra, xem chừng lăng mộ của Thái hậu nước Liêu có lẽ chỉ ở trong núi,
chỉ là xưa nay chẳng có ai tìm được lối vào mà thôi.
Tôi trong thấy dãy núi
hùng vĩ ấy thì đột nhiên có một cảm giác rất lạ, thề có chủ tịch Mao, dãy núi
này hình như tôi đã thấy ở đâu đó. Ngẫm nghĩ một lúc, cuối cùng tôi cũng sực
nhớ ra đây chính là một đoạn chéo trong cuốn tàn thư ông nội để lại mà hằng
ngày khi rảnh rỗi tôi vẫn thường mở ra xem. Nơi có bố cục sơn thuỷ này chính là
phong thuỷ tốt nhất để làm huyệt mộ, trước nhìn sông, sau tựa núi, chín dòng
thác tuân trào như chín con rồng hút nước, chia ngọn núi thành hình hoa sen nở
rộ, đúng rồi, hình như bố cục này được gọi là "Cửu long trạo ngọc
liên" (Chín rồng trùm sen ngọc) thì phải.
Chín dòng thác trên núi,
nếu nhiều hơn hay ít hơn một, hoặc lưu lượng nước không đủ lớn, đều không thể
gọi là bố cục "Cửu long trảo ngọc liên" được. Số chín là đơn vị lớn
nhất, có hàm nghĩa "tối thượng, chí tôn", phát âm lại giống với chữ
"cửu" là "lâu bền", có ý "vĩnh cửu, trường tồn",
bởi thế tự cổ chí kim đều được coi là con số may mắn nhất. Ngoài ra, nếu lượng
nước không đủ lớn, thì cũng không thể gọi là "rồng" được, mà chỉ có
thể gọi là "rắn" thôi.
Loại huyệt báu phong thuỷ
này, còn có một tên khác, gọi là "Lạc thần liễn", trong sách có ghi,
bố cục như vậy thích hợp nhất là an táng đàn bà, nếu chôn đàn ông vào, thì gia
tộc nhà ấy kể như xúi quẩy muôn đời.
Lúc ấy, đầu tôi lởn vởn
một suy nghĩ, cuốn Thập lục tự âm dương phong thuỷ bí thuật của nội tôi nào
phải là sách phong kiến bậy bạ, nội dung sách chép toàn là vật thực việc thực,
trở về thế nào tôi cũng sẽ đọc lại cho kỹ càng mới được.
Có điều tôi không hề thấy
cái thứ thuật phong thuỷ này có giá trị gì cả, Trung Quốc tự xưa biết bao vị đế
vwong khanh tướng có ai chết mà lại chọn bừa lấy một mảnh đất đem chôn đâu? Vậy
sao triều đại vẫn đổi thay, dòng lịch sử hết hưng thịnh rồi suy vong, lẽ nào do
phần mộ tổ tiên mà quyết định được?
Yến Tử chỉ khe sâu phía
trước núi Tim Trâu bảo: "Đây chính là khe Lạt Ma nổi tiếng, nghe đồn trong
đó có người rừng, mà đêm đến lại còn có ma nữa."
Tuyền béo đưa mắt nhìn
khu rừng nguyên sinh rậm rạp âm u, nhíu mày nói: "Hiểu Manh đi vào khe này
thảo nào chẳng lạc, chúng ta chỉ có ba người một con chó, muốn tìm cô nàng chắc
cũng không dễ đâu."
Tôi thấy hai người có vẻ
nản lòng, bèn động viên: "Những người theo chủ nghĩa duy vật Cộng sản
không nên tin vào những điều ma quỷ, bất kể là ma hay người rừng gặp phải tớ
đây thì coi như vô phúc, tớ sẽ bắt sống mấy con, đem về Bắc Kinh tặng Mao chủ
tịch. nhất định người sẽ rất kinh ngạc cho mà xem!"
Tôi và Tuyền béo đều xuất
thân trong gia đình quân nhân, trong máu đã có sẵn phẩm chất gan lì chẳng sợ
trời sợ đất, cậu ta nghe tôi nói thế, liền lập tức phấn chấn tinh thần, cũng
xắn quần xắn áo tiến vào khe sâu.
Chỉ còn Yến Tử là lo lắng
chưa yên,Yến Tử dẫu sao cũng là người bản địa, từ bé đã nghe vô số câu chuyện
đáng sợ về khe Lạt Ma, tự nhiên trong tâm trí cô hình thành một nỗi sợ tiềm ẩn
âu cũng là điều sễ hiểu. Có điều bây giờ cứu người quan trọng, cô cũng đành gác
nỗi lo sợ ấy mà đi theo chúng tôi.
Ba chúng tôi ngồi ăn lót
dạ chút lương khô, kiểm tra lại đồ đạc chuẩn bị xuất phát, ba người có hai khẩu
sung, đều là của bố con Yến Tử, một là khẩu súng ba nòng, một khẩu là sung tự
chế của người Ngạc Luân Xuân, cả hai khẩu đều rất lạc hậu, toàn phải nhồi thuốc
rồi mới bắn được, bắn cự ly gần thì khả năng sát thương rất lớn, nhưng nếu bắn
mục tiêu ngoài ba mươi mét trở ra, thì độ chuẩn xác và sức đi của đạn đều không
mấy đảm bảo, dùng bắn hươu bắn thỏ thì còn tạm ổn.
Hồi tôi sáu tuổi đã được
bố dắt tới trường bắn chơi súng, các loại súng ngắn súng dài của Quân Giải
phóng tôi đều sử dụng thành thạo, nhưng loại súng săn nhồi thuốc này thì tôi
không chắc có thể điều khiển được, Tuyền béo cũng không khác tôi là mấy, sau
một hồi bàn bạc, tôi với Yến Tử mỗi người cầm một khẩu súng, Tuyền béo thì dắt
một con dao chặt củi. Sau khi đã chuẩn bị tương đối, ba người bắt đầu tiến vào
rừng cây rậm rạp trong khe Lạt Ma.
Trong khe Lạt Ma, so với
ma quỷ và người rừng trong truyền thuyết, gấu người vẫn là mối uy hiếp trực
tiếp và chân thực nhất, gấu người và gấu đen tuy cùng là gấu, song gấu người
thích đứng thẳng đi như người cho nên mới có tên như vậy. Loài gấu này thân
hình to lớn, da thịt săn chắc, thơ săn phải hợp nhau lại, còn mang theo một đàn
chó săn mới dám tấn công nó. Còn như chỉ có một thân một mình vác theo cây súng
rởm, gặp loại ác ôn này trong rừng sâu thì coi như đã lĩnh trọn án tử hình.
Chúng tôi đi mất nửa ngày
trong rừng, tiếng nước tuân rầm rầm ở chin dòng thác trên núi Tim Trâu nghe mỗi
lúc một rõ, nhác thấy đã đi đến tận đầu kia của khe Lạt Ma, xem ra cũng gần tới
chân núi Tim Trâu rồi.
Gấu người hay ma quỷ đều
chẳng gặp, càng chẳng thấy bóng dáng của Điền Hiểu Manh đâu, Tuyền béo đặt bàn
toạ phịch xuống đất, mệt nhọc nói: "Dừng thôi... thực sự... không thể đi
nổi nữa!"
Yền Tử liền bảo:
"Mọi người đành nghỉ một lúc đi vậy, con Dẻ Vàng hình như cũng không đánh
hơi được dấu vết gì của Hiểu Manh cả, ôi, thế này thì chẳng xong rồi, ngộ nhỡ
không tìm ra cô ấy, bí thư với bố em về sẽ mắng cho chết mất."
Nãy giờ tôi cũng mệt ra
trò, vớ lấy bình nước tu ừng ực mất ngụm, đoạn nói với hai người: "Điền
Hiểu Manh chắc không phải đã làm mồi cho gấu người đấy chứ? Hay là bị người
rừng bắt đem về làm áp trại phu nhân mất rồi?"
Chúng tôi đang nghỉ ngơi
nói chuyện phiếm, bỗng thấy Dẻ Vàng xông vào phía rừng cây rậm rạp xủa nhặng
lên, mà chó săn đều là những giống chó cực tốt, nếu không gặp chuyện gì nguy
hiểm, chúng tuyệt đối không bao giờ xủa nhặng lên như thế.
Tôi hỏi Yến Tử: "Con
chó làm sao thế? Có phải phát hiện ra thú rừng đúng không?"
Yến Tử mặt mũi tái nhợt:
"Mau... Trèo mau lên cây! Có... có gấu người!"
Tôi vừa nghe thấy hai
tiếng "gấu người" thì lập tức ba chân bốn cẳng trèo tót lên một cành
cây to, cúi đầu nhìn xuống, thấy Yến Tử còn đang gắng sức đây mông Tuyền béo
lên, cái cậu này vốn không biết leo trèo, chỉ biết gắng gượng ôm lấy thân cây
nhích dần lên từng tí một. Thấy thế tôi lại vội tụt xuống, cùng Yến Tử đẩy cậu
ta lên, nhọc nhằn lắm cuối cùng Tuyền béo mới leo lên được một chạc cây to gần
nhất. Cậu ta nằm sấp ôm chặt lấy cành cây, mồ hôi nhễ nhại, nói vọng xuống:
"Ôi khổ thân tôi... tổ sư cái cây... cao thế không biết!"
Tiếng sủa của Dẻ Vàng
càng lúc càng gấp, tôi với Yến Tử chưa kịp trèo lên cây, thì từ trong bụi rậm
một con gấu người khắp mình đen trũi đã xông ra, con gấu thấy có người, lập tức
phấn khích đứng thẳng hai chân, gầm lên như sấm.
Yến Tử đã theo cha đi săn
trong núi nhiều năm, rất nhiều kinh nghiệm, chẳng nghĩ ngợi nhiều, ngay tức
khắc giơ súng lên nhằm thẳng vào con gấu bắn luôn một phát, chỉ nghe
"đoàng" một tiếng, tia lửa bắn toé ra, viên đạn đã trúng ngay bụng
con gấu.
Khoảng cánh gần, vả lại
vung bụng gấu chính là chỗ mềm yếu nhất, phát súng vừa rồi đã khoét ngay trên
bụng con ác thú một cái lỗ lớn, máu tươi và phèo ruột đều xổ cả ra. Con gấu bị
thương, tức giận vô cùng, liền lấy tai nhét đống phèo ruột vào trong bụng, điên
cuồng lao về phía Yến Tử, súng săn của cô không thể bắn liên tiếp, phía sau lại
toàn cây cối gai góc muốn chạy cũng không chạy đi đâu được, chỉ đành nhắm mắt
chờ chết.
Cứu người là trên hết,
tôi chẳng đắn đo gì thêm, vội vàng giương súng ngắm vào đầu con gấu, nếu phát
súng này mà trượt thì coi như Yến Tử đi tong, nghĩ đến đây tay tôi hơi run rẩy,
vội lập tức nghiến răng bóp cò, một tiếng nổ "đùng" vang lên, lực
giật của cây súng Ngạc Luân Xuân khiến tôi ngồi phịch xuống đất, suýt lộn mấy
vòng, chẳng rõ do lực sát thương không đủ lớn hay tại tôi ngắm lệch, tuy viên
đạn đã trúng đầu con gấu nhưng chỉ khiến nó mù một mắt.
Phát súng ấy tuy không
chí mạng, nhưng đã cứư được Yến Tử, con gấu bị chột một mắt, khắp mặt máu me
đầm đìa, hốc mắt hẵng còn lủng lẳng nửa con ngươi, con ác thú càng trở nên điên
cuồng dữ tợn, bỏ mặc Yến Tử ở đó mà lao thẳng về phía tôi.
Lúc này, Dẻ Vàng từ phía
sau cắn mạnh vào chân con gấu, con gấu quay ngoắt lại định túm lấy Dẻ Vàng,
nhưng con chó rất cảnh giác, thấy đối thủ xoay mình, liền chạy tít ra xa, nhe
hàm răng nhọn hoắt lên thách thức con gấu.
Trong khoảnh khắc ấy, tôi
với Yến Tử vội tranh thủ chục giây quý báu, mỗi người leo ngay lên một cái cây.
Gấu người bị thương không
nhẹ, ruột lòi cả ra ngoài, máu chảy đầm đìa, lại mù mất một mắt, ở trong rừng
này ngay cả hổ cũng phải sợ nó vài phần, xưa nay đã bao giờ chịu thua thiệt đến
thế đâu, muốn xông ra tóm con Dẻ Vàng, nhưng gấu thì chạy làm sao nhanh bằng
chó săn được, muốn cắn xé chúng tôi, nhưng cả ba đều đã trèo lên cây hết cả. Nó
đảo mấy vòng quanh gốc cây, tuy ôm một bụng căm tức, nhưng nhất thời cũng không
biết phải làm thế nào, bèn ngẩng đầu gầm lên như sấm, âm thanh chấn động cả núi
rừng.
Tôi sấp mình trên cây,
thấy con gấu ở dưới bực bội đảo đi đảo lại, quên khuấy mất đang trong tình thế
nguy hiểm, chỉ thấy nực cười, bèn nói vọng sang phía Tuyền béo: "Ê! Béo!
Ông hai nhà cậu sao vẫn chưa đi thế? Cứ đảo như đảo trứng phía dưới làm gì? Cậu
khuyên ông cậu đi, đừng có nghĩ quẩn nhé!"
Tuyền béo chẳng sợ gấu mà
chủ yếu là sợ cao, nói theo thuật ngữ y học ngày nay tức là chứng sợ độ cao,
thế nên cậu ta cứ nằm sấp ôm chặt lấy cành cây run rẩy, nhưng thấy tôi đá đểu,
cũng chẳng chịu thua thiệt, liền chửi lại: "Hồ Bát Nhất! Cái đồ thất đức!
Nhìn cho rõ rồi hãy nó nhé! Dưới kia không phải ông hai tôi đâu, mà hình như là
vợ cậu hay sao ấy!"
Tôi cười lên ha ha, rồi
chỉ tay vào con gấu bên dưới nói: "Ối! Nhìn nhầm rồi! Hoá ra là bà dì của
cậu Béo, tở chẳng muốn làm dượng cậu đâu nhé!"
Tuyền béo tức khí đình
ngắt quả thông ném tôi, nhưng hay tay đều bận ôm khư khư lấy cành cây, sợ hế
rời tay ra là ngã xuống đất cho nên chẳng dám làm động tác gì mạnh, chỉ giương
mắt lên lườm mà thôi.
Tôi thấy bộ dạng Tuyền
béo thì lại càng buồn cười, nhưng nụ cười ấy ngay lập tức cứng đờ, con gấu điên
khùng bên dưới bắt đầu bất chấp tất cả, một mực trèo lên cái cây tôi đang náu
mình.
Tuy con gấu nặng nề,
nhưng rất khoẻ, lại bị thương, cái đau đã khiến nó hoàn toàn mất đi lý trí,
trong mắt nó giờ đây chỉ còn có ba người chúng tôi và một con chó, con mắt còn
lại của nó trợn lên đỏ ngầu, những chiếc gai thịt trên bàn tay nó bấu chắc vào
thân cây, cả thân thể to lớn mà nhún một cái đã lên được một mét. Tôi chửi thầm
trong bụng: "Tiên sư đứa nào bảo ông gấu chó không biết trèo cây ấy nhỉ?
Muốn chơi ông chắc!"
Xưa nay vào rừng, thơ săn
già vẫn thường dặn dò đám người trẻ: Thà đánh mãnh hổ, không chấp gấu điên. Bởi
loài gấu bị thương mà phát khùng lên thì sức phá hoại và sự tàn bạo thật không
ai có thể tưởng tượng ra được. Tôi sợ đến tái mặt, không còn bụng dạ bỡn cợt
với Tuyền béo nữa, trong đầu chỉ rặt một suy tính tìm kể thoát thân.
Lúc bấy giờ Yến Tử liền
nhắc tôi: " Mau... .Mau nhồi đạn! Bắn nốt con mắt còn lại của nó mau!"
Tôi lúc ấy mới sực nhớ ra
cây súng săn đeo sau lưng, vừa mắng mình vô tích sự, vừa trèo thêm một quãng
nữa lên phía ngọn cây, cởi bở dây lưng, thắt vào một cành cây to đủ chịu trọng
lượng cơ thể mình, sau đó một tay giữ chắc, cây súng để giữ trọng tâm, tay còn
lại nhồi cả nửa số thuốc đựng trong ống sừng trâu vào nòng súng.
Con gấu trèo rõ nhanh,
cách tôi mỗi lúc một gần, Yến Tử và Tuyền béo đều toát hết mồ hôi lạnh. Tôi cố
gắng dồn sự chú ý vào việc nhồi thuốc, cố không nghĩ đến con gấu hung dữ đang
tiến lại gần mình.
Sau việc nhồi súng là
công đoạn nạp đạn, phải dùng ống sắt nhồi thật chặt, tóc mai và lỗ mũi tôi ướt
sũng mồ hôi, loại súng săn này quả thật rắc rối, để vỡ nòng thì tôi cũng toi
đời luôn. Ở vùng rừng núi Đông Bắc này, đã có biết bao thợ săn vì không có nổi
đến một cây súng bắn nhanh mà để mất sinh mạng quý báu, lúc này giá mà tôi có
một khẩu súng trường bắn tự động kiểu 56, thì dẫu dăm ba con nữa đến đây cũng
chấp hết, bằng không thì súng lục cũng vẫn được.
Ngay sau khi tôi nạp đạn
và thay xong mồi lửa, móng vuốt sắc nhọn của con ác thú cũng đã vập sát chân,
tôi vội co chân lại, thuận thế xoay ngay nòng súng chĩa xuống dưới. nhằm đúng
đầu con gấu mà bóp cò. Lần này vì cho quá nhiều thuốc súng nên khói bay mịt mù,
làm mặt tôi đen kịt.
Đạn được nén trong lòng
súng bắn ra nhờ sức thuốc nổ, nhưng vì góc độ quá thấp nên bị lỏng, không thể
nào phát huy hết được uy lực vốn có của súng, vả lại do tôi bắn súng một tay,
phía sau không có điểm tựa, nên cự ly gần thế mà cuối cùng vẫn bị lệch, không
bắn trúng đầu mà chỉ làm con gấu tét một bên vai. Con gấu người ngã từ độ cao
mười mấy mét xuống đất đành rầm một cái, bên dưới toàn là lá khô cành mủn dày
đến mấy tấc, nên rơi từ trên cao xuống cũng không mảy may gì.
Con gấu lại bò dậy, lần
này nó không trèo lên nữa, mà rú lên ầm ỹ huých mạnh tảng người vâm chắc vào
thân cây như một cỗ xe tăng hạng nặng, làm lá thông quả thông rơi xuống lả tả
như mưa.
Cũng may tôi gài cánh tay
vào sợi dây lưng treo trên cành nên không đến nỗi bị rơi xuống dưới, chỉ hơi lo
cái cây không đủ to chắc, bị con gấu huých thêm vài phát nữa không chừng cũng
bật rễ luôn, thật không ngờ hôm nay lại phải chết trong chốn rừng thiêng nước
độc này. Phút lâm chung cũng không được mất thể diện, chí ít phải lấy lại chút
chí khí lẫm liệt của người chiến sĩ cách mạng vì đại nghĩa quên mình, phải
khiến cho Tuyền béo và Yến Tử thấy rằng họ Hồ ta đây không phải hạng tầm
thường. Nghĩ đoạn tôi liền cao giọng gọi Yến Tử và Tuyền béo: "Xem chừng
tớ phải đi gặp ông Các Mác rồi,xin lỗi các đồng chí, tớ đi trước motj bước đây,
tớ đến đó sẽ giữ chỗ cho, hai người có lời nào muốn nhắn gửi tới những người
thầy của chủ nghĩa cách mạng của chúng ta không, tôi sẽ chuyển giúp!"
Tuyền béo nằm trên một
cái cây cách tôi mười mấy mét, nói vọng lại: "Đồng chí Hồ Bát Nhất! Cậu cứ
yên tâm lên đường, sự nghiệp cách mạng có cậu cũng không tốt lên, thiếu cậu
cũng chẳng xấu đi, cậu cứ đến chỗ lão Mác học lý luận cách mạng cho tốt đi,
nghe nói họ ăn toàn thịt bò sốt khoai tây đấy, có quen được không?"
Tôi đáp lời: "Người
làm cách mạng có bao giờ kén cá chọn canh? Này đồng chí Béo! Cỗ xe cách mạng
còn chưa đổ thì các cậu vẫn phải tiếp tục đẩy về phía trước đấy nhé! Cờ đỏ tung
bay dân cầm mác, tước quyền bá chủ quân gian ác, hai phần ba dân nghèo trong
thiên hạ đang chờ các cậu đi giải phóng đấy, tớ đi ăn thịt bò sốt khoai tây
đây!"
Yến Tử khóc oà lên:
"Giờ là lúc nào rồi mà các anh vẫn còn đùa được chứ? Mau nghĩ cách gì đi!"
Đúng lúc chúng tôi bó tay
hết cách, con gấu bỗng dưng không huých cây nữa mà dừng lại, ngồi bệt xuống đất
thở phì phò. Hoá ra do chảy quá nhiều máu, lại không ngừng lồng lộn, nên tuy có
sức mạnh ghê người, con gấu cũng đến lúc cùng kiệt, cơn điên cũng xẹp đi không
ít, chờ cho chúng tôi mệt lả mới tiếp tục ra tay.
Dẻ Vàng cũng biết con gấu
ghê gớm, nên không dám bén mảng đến gần, chỉ ngồi chồm hỗm ở một chỗ thật xa,
nó hẳn cũng rất đói, nhưng bởi tuyệt đối trung thành với chủ nên quyết không bỏ
đi kiếm ăn một mình. Yến Tử xót chó, huýt một hồi sáo cho Dẻ Vàng tự đi kiếm
ăn, nó mới lầm lũi bỏ đi.
Ba người chúng tôi nằm
trên cây cùng bàn bạc đối sách, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thực sự chẳng còn cách
nào nữa cả, giờ mà xuống dưới liều mình, với mấy khẩu súng kiểu cổ lỗ sĩ này
khác nào tự tìm cái chết, người trong làng đều đã đi cả, nên chờ người đến cứu
là điều không thể. Để khỏi rơi xuống đất, mỗi người đành phải lấy thắt lưng
trói chặt thân mình vào cành cây, rồi chờ xem ai lỳ hơn ai.
Vậy là bế tắc, tình thế
giằng co thể này rất bất lợi đối với ba người chúng tôi, một phen sống mái kinh
hồn bạt vía với con gấu vừa rồi đã khiến sức lực chúng tôi gần nhu cạn kiệt,
trời cũng sắp tối, cả ba hơn hai ngày một đêm đều không được chợp mắt, giờ vừa
đói vừa buồn ngủ, chỉ e chưa đến sáng sớm đã lả đi mà rớt xuống đất.
Tình cảnh khiến tôi nhớ
đến một câu thơ của Mao chủ tịch: "Địch kia vây bủa trùng trùng, ta đây
đưng vững không lung không sờn". Có điều trong núi chẳng hề có có lọng
phấp phới, chỉ có mỗi con gấu người đang chồm hỗm chờ sẵn.
Đang nghĩ ngợi vẩn vơ,
bất giác cơn buồn ngủ thiu thiu ập đến, tôi nằm úp trên cây rồi thiếp đi. Cũng
chẳng biết ngủ được bao lâu, đến khi có cảm giác đói meo khó chịu, mình mẩy đau
nhức, tôi mới tỉnh giấc, chỉ thấy trên trời sao giăng kín chi chít, trăng tựa
móc câu, đêm chừng đã khuya. Khắp khu rừng im lặng như tờ, tôi mượn ánh trăng
quan sát, con gấu đã không còn dưới gốc cây nữa, nó bỏ đi từ lúc nào cũng chẳng
ai hay. Cây cối rậm rạp quá, tôi nhìn không rõ Yến Tử và Tuyền béo còn ở trên
cây không, liền cất giọng gọi vang: "Yến Tử! Béo ơi! Hai người còn ở trên
cây không?"
Tôi gọi liên tục mấy
lượt, tiếng gọi vọng vang khắp núi rừng, nhưng mãi chẳng thấy người nào trả
lời. Tôi tuy cũng bạo gan, nhưng thoáng nghĩ chỉ còn một mình lạc lõng trong
rừng sâu thì không khỏi dựng tóc gáy, thầm nhủ hai tên kia thật chẳng ra gì,
quên mất cả tôi, lúc đi cũng chẳng thèm gọi lấy một tiếng.
Tôi lại gọi thêm hai
tiếng, vẫn không thấy động tĩnh gì, liền lo lắng ngoảnh nhìn tứ phía, phát hiện
ra phía trước không xa có ánh đèn lấp loá, không ngờ nơi đây lại vẫn có người
cư trú. Hai đứa kia hẳn cũng thấy ánh đèn nên đã chạy đến đó tìm người rồi?
Đêm tối như mực chẳng thể
phân biệt đâu là Đông Tây Nam Bắc, chỉ nghe thấy tiếng nước chảy rầm rầm, tôi
đành ngẩng đầu tìm sao Bắc Đẩu, ánh đèn có lẽ hắt ra từ phía núi Tim Trâu, tôi
tụt xuống, khập khiễng đi về phía đó.
Tôi bắt đầu tưởng tượng
ra chủ nhân của ánh đèn ấy là một ông thợ săn già có chòm râu bạc trắng, rất
đỗi hiền từ lại nhiệt tình và mến khách, gặp thanh niên trí thức bị lạc trong
rừng như tôi đây, ông nhất định sẽ nhiệt tình khoản đãi, mời uống trà nóng, rồi
nướng đùi hươu cho ăn... càng nghĩ, bụng tôi càng đói cồn cào, phải lấy tay áo
lau nước miếng đầm đìa nơi khoé miệng.
Tôi vừa đi vừa nghĩ đến
bữa ăn, phút chốc đã tới trước một cửa hang khổng lồ, trong hang sâu ánh đèn
rực rõ, nhưng cũng thật lạ, vừa nãy còn thấy ánh đèn không xa sao bây giờ lại ở
sâu tít trong hang núi, lẽ nào tại tôi đói đâm hoa mắt chăng?
Tôi bị chiếc đùi hươu
thơm phức trong tưởng tượng dẫn dụ bước vào trong hang động, rào chân tiến vào
tận cùng cái hang vừa sâu vừa tối mò ấy, chợt phát hiện ra không gian trong
lòng núi rộng lớn vô cùng, cảnh vật trước mắt bỗng sáng bừng choáng ngợp. Bỗng
thấy phía trước có năm sáu cô gái trẻ măng cười cười nói nói sánh vai bước đi,
giờ rõ ràng đang mùa hạ, nhưng bọn họ lại toàn mặc áo da cừu lộng lẫy, kiểu
dáng cổ điển, không giống kiểu cách ăn mặc thời nay duy chỉ có một người tron
số đó mặc áo kaki màu lam đúng mùa, tóc tết hai bím, trên vai khoác chéo một
túi vải màu cánh bộ đội in chữ "Vì dân phục vụ", ơ, chẳng phải chính
là Điền Hiểu Manh đó sao?
Đúng rồi, chính xác là
Điển Hiểu Manh, cô này là thanh niên trí thức đến từ Tô Châu. Còn tôi với Tuyền
béo đều là dân Phúc Kiến, tuy cùng là dân miền Nam, nhưng thực ra cũng chẳng
thân nhau mấy. Cái chính là vì tôi với Tuyền béo nghịch quá, lại toàn gây họa,
thường thì đám con gái hiền lành chân chất chẳng có đứa nào dám gần bọn tôi cả.
Nhưng gặp được người quen
ở nơi hang động kì quái này, ít nhiều cũng cảm thấy vững dạ. Tôi vội chạy lên,
gọi: "Tiểu Điền! Sao lại ở đây? Có gì ăn được không?"
Hiểu Manh ngoảnh lại thấy
tôi, liền vẫy tay gọi, tỏ ý bảo tôi đến gần hơn nữa. Tôi bước lại nói với cô:
"Cậu ở đây vui chơi sướng nhỉ, bọn tôi vì tìm cậu mà suýt nữa làm mồi cho
gấu đấy. Mà đây là đâu vậy? Cậu có gì ăn không? Tôi đói móp cả bụng rồi đây
này."
Hiểu Manh đáp: "Thật
xin lỗi các cậu, đều tại mình không tốt, mình vào khe Lạt Ma hái thuốc nhưng
lại bị lạc đường, may gặp mấy chị tốt bụng đây giúp, lát nữa bọn họ còn diễn
kịch bóng da nữa đấy, cậu đến đúng lúc lắm, mình ở lại cùng xem một lát hẵng
về.". Nói đoạn liền giới thiệu với tôi mấy cô gái trẻ bên cạnh, những cô
gái này đều nói giọng địa phương, ai nấy đều hết sức nhã nhặn, còn mời tôi ăn
thịt hươu khô, rủ tôi cùng vào xem kịch nữa.
Tôi theo mấy cô gái đi
vào bên trong, chỉ thấy ngay giữa hang động rộng lớn là một toà thành lầu son
gác tía, đèn đuốc sáng trưng, khắp nơi đồ cổ, châu báu chất cao như núi.
Trước cổng thành chăng
một tấm vải trắng lớn, phía sau là mười mấy vị nhạc sư khua chiêng gõ trống,
phía sai đặt một chiếc bàn dài kiểu cổ, trên bàn là ấm nước chén trà, thứ mào
thứ nấy đều rất tinh xảo, ngoài ra còn một chiếc mâm mã não màu đỏ đựng đầy hoa
quả và các món điểm tâm nữa.
Trước bàn có đặt ba chiếc
ghế, mấy cô gái mặc áo lông vừa nãy lần lượt mời tôi và Hiểu Manh ngồi vào hai
ghế trái phải, còn ghế giữa để trống, dường như còn đợi một nhân vật quan trọng
khác nữa đến.
Điều Hiểu Manh thấy chỉ
có ba ghế, những người còn lại đều đứng hết ở phía sau, cảm thấy có chút không
phải cứ lần lữa chối từ. Tôi thì vừa mệt vừa đói, cũng chẳng muốn khách sáo làm
gì, dù sao sông núi của dân dân làm chủ, đã có chỗ ngồi như vậy, ai ngồi mà
chẳng như nhau, vậy là tôi cứ nghênh ngang ngồi xuống, bốc lấy thức ăn trước
mặt xơi tái luôn.
Nhưng chắc vì đói quá,
nên đồ ăn làm rất kỳ công phu, mà tôi lại thấy nhạt thếch chẳng mùi chẳng vị,
cứ như nhai phải sáp nến, ăn được mấy miếng, càng nghĩ càng thấy quái lạ.
Lúc bấy giờ có hai cô
thiếc nữ dìu một bà cụ lọm khọm tóc trắng như cước toát lên vẻ cao sang quý
phái từ trong cửa lớn bước ra, tiến lại ghế giữa.
Tôi và Điền Hiểu Manh đều
đứng dậy cúi chào chủ nhân, nom bộ dạng bà ta, tôi càng thấy quái dị, giờ thời
đại nào rồi mà vẫn còn loại quý bà như vầy chứ?
Bà già gật đầu chào lại
chúng tôi, rồi ngồi xuống ghế, chẳng nói chẳng rằng chăm chú đợi xem kịch.
Cô gái trẻ đứng chầu bên
cạnh vỗ tay một cái, các nghệ nhân, nhạc sư của gánh hát nghe thấy hiệu lệnh
liền ra sức biểu diễn. Kịch bóng da khởi nguồn từ thời Hán Đường, còn có tên
"kịch bóng đèn", là một loại nghệ thuật diễn xuất rất được dân chúng
yêu chuộng, người ta dùng da lừa hoặc bìa giấy cắt các nhân vật, động vật trong
truyện, các nghệ nhân sẽ vừa điều khiển, vừa diễn xướng và khua chiêng gõ trống
phía sau màn trắng, đến ngày nay, đã có tới hàng trăm nghìn tiết mục khác nhau.
Có điều trong thời kỳ
Cách mạng Văn hoá loại hình nghệ thuật này cũng không tránh khỏi oan khiên,
người ta phê phán thứ kịch này toàn tuyên truyền tán tụng vớ vẩn về những tài
tử giai nhân, đế vương khanh tướng, là thứ cỏ rác độc hại, nên không còn ai dám
diễn nữa. Tôi có nằm mơ cũng không thể ngờ rằng mình lại được xem thứ này ở
đây, trong cái thời buổi đời sống văn hoá là con số không này, thì kịch rối quả
thực là hấp dẫn, tôi cứ mải mê mà quên bẵng đi mọi việc khác.
Các tiết mục đều vô cùng
đặc sắc, đầu tiên là vở "Thái Tông mộng du cung Quảng Hàn", rồi đến
"Địch Thanh đêm chiếm ải Côn Luân".
Trên màn ánh đao bóng
kiếm, binh tướng tới lui, sắc màu sặc sỡ, lại cộng thêm tiếng trống kèn cổ
động, khiến người xem vỗ tay không ngớt. Tôi xem đến nỗi đầu óc quay cuồng, mồm
miệng khô khốc, bèn với tay vớ chén trà trên bàn uống lấy một ngụm, bất chợt
liếc nhìn bà già ngồi bên, chỉ thấy bà ta cũng đang cười híp cả mắt lại, vừa
xem vừa lấy đồ ăn trên bàn bỏ vào mồm, chỉ có điều bộ dạng nhai thức ăn của bà
ta quá ư cổ quái, hai má cứ phồng lên như con vượn già, rệu rạo từng miếng từng
miếng một.
Bà nội tôi về già cũng
không còn răng, nhưng chẳng bao giờ bà ăn kiểu như vậy, bà già này là người hay
là khỉ đây? Trong lúc hoang mang, tách trà trong tay tôi bỗng dưng rơi xuống
đất vỡ tan tành, cái tách rơi vỡ cũng chẳng có gì ghê gớm, kinh hơn nữa là cái
đầu của bà già cũng rơi ngay xuống theo, hai con mắt vẫn nhìn chăm chăm lên sân
khấu, miệng vẫn nhai tóp tép không mỏi.
Mấy cô thị nữ vội vã chạy
lại cung kính bưng chiếc đầu lên, lắp lại thân mình bà ta.
Tôi vô cùng sợ hãi, vội
kéo Điền Hiểu Manh chạy ra ngoài cửa động, lọ mọ trong đêm đen kịt, chúng tôi
lảo đảo ra cửa hang, bên tai ầm ầm những tiếng long trời lở đất, dưới chân rung
chuyển dữ dội, hang động đằng sau đã khép lại thành một bức tường đá khổng lồ,
chỉ muộn độ nửa phút, hai chúng tôi chắc hẳn đã bị kẹp chết trong vách núi ấy
rồi.
Bên ngoài sắc trời đã
sáng, tôi dắt Điền Hiểu Manh chạy tới bờ suối ở chân núi, thì bỗng nhiên bụng
đau quặn lên, mồ hôi vã ra đầy trán, phải ngồi xuống ôm bụng. Tôi nhớ nội tôi
từng kể rặng bọn ma quỷ thường biến đá, sỏi, giun, cóc thành sơn hào hải vị rồi
lừa người ta ăn, không viết vừa nãy tôi ăn phải cái quỷ gì, càng nghĩ lại càng muốn
oẹ, cuối cùng không nhịn nổi liền nôn thốc nôn tháo.
Trong cơn vật vã, tôi vẫn
thấy thấp thoáng có hai người từ xa bước lại, người con gái đi phía trước trông
hơi quen, thì ra là Yến Tử, thấy cô đến tôi mới thực sự yên tâm, trước mắt tôi
tối sầm lại, cứ thế lịm đi.
Tôi tỉnh giậy thì đã là
chuyện của ba ngày sau rồi, hôm ấy Yến Tử và Tuyền béo vẫn nằm trên cây đợi đến
khi trời sáng, còn con gấu người dưới gốc cây vì mất nhiều máu quá cũng đã
chết. Có điều tìm khắp nơi mà cũng không thấy tung tích của tôi, cuối cùng
không ngờ lại gặp tôi và Điền Hiểu Manh bên bờ suối.
Ba ngày nay tôi vẫn hôn
mê bất tỉnh, sốt cao hơn bốn mươi độ, Tuyền béo phải chạy cả trăm dặm đường núi
mới mời được bác sĩ trên huyện đến chữa cho. Cũng may tôi có sức khoẻ tốt nên
cuối cùng cũng tình lại được, nhưng Điền Hiểu Manh từ đầy chí cuối vẫn ngây ngô
vô thức, đành thông báo cho gia đình đưa cô về điều trị, về sau thế nào, thì
chúng tôi cũng chẳng ai biết rõ.
Tôi kể lại mọi chuyện cho
bố Yến Tử, ông bảo vùng này có một truyền thuyết, kể rằng sau khi bà Thái hậu
chết đi đã chôn theo rất nhiều nghệ nhân và gánh hát dân gian, ngày xưa cũng có
một số người tới núi Tim Trâu và gặp những việc tương tự như chúng tôi đã gặp.
Song trong ký ức tôi
những việc vừa rồi đều rất mơ hồ, có lúc bản thân tôi cũng chẳng dám chắc việc
ấy cps thực sự đã xảy ra hay không nữa.
Tôi chỉ làm thanh niên
trí thức có hơn nửa năm, nhưng những kỷ niệm còn đó thì sẽ suốt đời không bao
giờ phai nhạt, mùa xuân năm 1969 đến lượt tôi về nhà thăm gia đình, cuộc đời
tôi bắt đầu thay đổi từ đó.
Nguồn tusach.mobi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét