Mẹ sinh năm 1906 tại thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, thị xã Đồng
Hới, Quảng Bình, trong một gia đình ngư dân nghèo, thuở nhỏ đã phải đi ở suốt
18 năm. Sau Cách mạng tháng 8, Mẹ mới lấy chồng, làm nghề chèo đò kiếm sống.
Năm 1964, sau Sự
kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ bắt đầu đem quân đánh phá miền Bắc. Miền đất Quảng Bình là
một trong những trọng điểm đánh phá của máy bay và hải quân Mỹ, với mục đích
nhằm ngăn chặn việc chi viện của miền Bắc cho lực lượng cách mạng miền Nam. Lúc
đó, mẹ đã 60 tuổi nhưng vẫn xung phong nhận công việc chèo đò chở cán bộ,
thương binh và vũ khí qua sông, giữ vững thông tin liên lạc giữa hai bờ. Kể từ
đó, trong suốt những năm 1964 - 1966, mẹ vẫn giữ vững nhiệm vụ của mình, đã
chèo hàng trăm lượt ngay cả những lúc máy bay Mỹ ném bom oanh tạc ác liệt. Mẹ
được những người cán bộ và bà con gọi với tên quen thuộc Mẹ Suốt. Tổng cộng ước
tính mỗi năm mẹ Suốt qua lại đến 1400 chuyến.
Trong Đại hội Anh
hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1966 tổ chức ở miền Bắc, mẹ Suốt được mời
tham dự. Ngày 1 tháng 1 năm 1967, mẹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng ngành
Giao thông vận tải trong chống Mỹ cứu nước.
Cuối năm 1968, khi
chiến tranh trở nên ác liệt hơn, mẹ ngừng công việc chèo đò, di chuyển lên vùng
cao hơn. Ngày 11 tháng 10 năm 1968, trong một lần đi ở bến đò Bảo Ninh mẹ
Nguyễn Thị Suốt hy sinh trong một trận bom bi oanh tạc Mỹ.
Mẹ Suốt đã
góp phần xứng đáng của mình trong chiến công chung của quân dân Quảng Bình.
Hình ảnh mẹ sống mãi trong lòng nhân dân Quảng Bình và nhân dân cả nước. Mẹ là
biểu tượng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tấm gương tiêu biểu của người
phụ nữ Việt Nam
anh hùng. Chiến công của mẹ gắn liền với bến đò ngang thuộc địa phận thôn Trung
Bính, xã Bảo Ninh qua Hải Đình, Đồng Hới. Cái tên "Bến đò Mẹ Suốt"
rất đỗi thân thương, gần gũi, rất đỗi tự hào.
Nguyễn
Thị Bắc (1908 – 1943)
Tục thường gọi là Cô Bắc, nữ chiến
sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Bái 1930. Cô sinh tại phố Thọ Xương, phủ Lạng
Thương (nay là tỉnh Bắc Giang). Cô con ông Nguyễn Văn Cao và bà Nguyễn Thị Lưu.
Ông Cao tham gia phong trào Đông kinh nghĩa thục, bị Pháp đày ra Côn Đảo. Năm
18 tuổi Cô cùng em ruột là Nguyễn Thị Giang, hay còn gọi là Cô Giang, tham gia
tổ chức yêu nước Việt Nam dân quốc của Nguyễn Khắc Nhu. Sau gia nhập Việt Nam
Quốc dân Đảng.
Trong khởi nghiã Yên Bái Cô Bắc được giao phụ trách công
tác tuyên truyền, binh vận và giao liên. Chính cô Bắc đã cùng một số phụ nữ
khác đưa bom từ làng Xuân Lũng (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) lên tàu lửa đi
Yên Bái để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa tháng 2-1930 cuả Việt nam Quốc dân
Ðảng. Sau khi cuôc khởi nghĩa Yên Bái do Đảng Trưởng
Nguyễn Thái Học lãnh đạo bị thất bại, Cô bị bắt cùng các đồng
chí, vẫn hiên ngang, bất khuất trước Hội đồng đề hình, ngày 28.3.1930 tại Yên
Bái. Nguyễn thị Bắc đã tỏ rõ là một người Anh thư có khí phách kiên cường, cô
đã mắng giặc Pháp trước hội đồng đề hình với câu nói nổi tiếng: ’’Các người hãy về ngay nước Pháp mà kéo đổ tượng Jeanne d’Arc đi
thôi!’’ (Jeanne d'Arc là một nữ anh hùng Pháp), khiến người Pháp phải kiêng
nể tinh thần bất khuất của người Phụ nữ Việt Nam. Bị kết án 5 năm cấm cố, năm
1936, cô được trả tự do. Cô đã cùng chồng là Phạm Quang Sáu, cũng là một yếu
nhân của Việt Nam Quốc dân đảng, mở cửa hàng lấy tên là Bôvô ở thị xã Bắc Ninh
để làm nơi liên lạc với các nhà yêu nước. Nguyễn Thị Bắc qua đời năm 1943.
Cô Giang
Nguyễn Thị Giang sinh năm kỷ Dậu (1909) tại thị xã Phủ Lạng Thương, thuộc tỉnh Bắc Giang, Bắc Việt. Nhà ba chị em gái, cha mẹ đặt tên theo tên tỉnh: chị là Bắc, rồi Giang, út là Tỉnh.
Trong khi Tỉnh còn măng sữa, cô Bắc và cô Giang đã lớn khôn, nhan sắc tuy không vẹn mười nhưng gọn gàng xinh xắn. Cô Bắc chín chắn, nói năng đanh thép, cô Giang có phần lanh lợi, tháo vát hơn, cả hai đều ngay thẳng và dạn dĩ.
Sau khi học xong lớp nhất, Cô Giang cùng chị là Cô Bắc (Nguyễn Thị Bắc) được nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu (tức Xứ Nhu) dìu dắt rồi kết nạp vào tổ chức Việt Nam Dân Quốc
Ngày 25 tháng 12 năm 1927, nhóm trí thức trẻ trong Nam Đồng thư xã đứng ra thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau đó, đảng này sáp nhập với Việt Nam Dân Quốc . Nhờ việc sáp nhập này, Chủ tịch Việt Nam Quốc Dân Đảng là Nguyễn Thái Học có dịp làm quen với Cô Giang. Hợp lòng nhau, vào một buổi chiều từ Phú Thọ về xuôi, hai người ghé vào Đền Hùng, sau khi hội đàm với các đồng chí của mình, cả hai vào đền thờ Tổ để cùng thề hẹn...
Theo một Ủy viên trong Việt Nam Quốc Dân Đảng là nhà văn Nhượng Tống, thì trong buổi ấy, Cô Giang đã cố xin Nguyễn Thái Học giao cho một khẩu súng lục, và hứa rằng “nếu Học chẳng may chết vì nước, thì Giang cũng xin lấy khí giới này mà chết theo chồng!. Đứng trong hàng ngũ Việt Nam Quốc Dân Đảng, Cô Giang được cử giữ chức Tổng thư ký của đảng. Sau, cô cùng chị là Cô Bắc được cử phụ trách việc truyên truyền, làm binh vận và liên lạc giữa các cơ sở đảng ởBắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Yên Bái... Và bất cứ ở nơi đâu, hai chị em cô đều hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
Cuộc khởi nghĩa đã nổ ra nhiều nơi (khi ấy Cô Giang được phân công chỉ huy mặt trận tỉnh Bắc Ninh), nhưng nhanh chóng bị thất bại. Lãnh tụ Nguyễn Thái Học cùng nhiều đồng chí nòng cốt của ông (trong số đó có cả Cô Bắc) đều bị đối phương bắt được. Nghe tin vị hôn phu của mình bị bắt (ngày 20 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt (Chí Linh, Hải Dương). Cô Giang đã nghĩ đến kế hoạch táo bạo là tấn công nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) để giải thoát cho Nguyễn Thái Học và các người khác.
Kế hoạch chưa kịp thực hiện, thì ngày 16 tháng 6 năm 1930, Cô Giang nghe tin nhà cầm quyền Pháp đã đưa Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của ông từ Hà Nội lên Yên Bái, để xử chém vào ngày hôm sau (17 tháng 6).
Tức thì, Cô Giang cải trang, giáu khẩu súng lục trong người rồi đi tàu hỏa lên đó. Xem xử xong, cô lặng lẽ trở về phòng trọ viết hai bức thư tuyệt mệnh trên trang giấy khổ nhỏ, bằng bút chì xanh. Lá thư thứ nhất cô gửi cho cha mẹ anh Nguyễn Thái Học, còn lá thứ hai cô gửi cho người chồng nơi chín suối. Viết xong thư, Cô Giang ra chợ mua mấy vuông vải trắng, thắt ngang đầu để tang chồng, rồi đáp tàu hỏa về Vĩnh Yên, quê Nguyễn Thái Học, ngay buổi chiều tối hôm đó.
Tờ mờ sáng ngày 18 tháng 6 năm 1930, cô về làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường (nay thuộc Vĩnh Phúc) để lạy tạ cha mẹ chồng (ông Nguyễn Văn Hách và bà Nguyễn Thị Quỳnh), tháo chiếc đồng hồ có khắc chữ "G" tặng cho Nguyễn Văn Lâm, em trai Nguyễn Thái Học và từ giã mọi người.
Trên đường đi cô ghé quán trà bên gốc cây đề, thuộc Xóm Mới, xã Đông Vệ giáp quốc lộ số 2, cách làng Thổ Tang ước chừng một cây số. Sau khi uống bát nước trà xanh, từ biệt bà chủ quán, cô đến đứng dưới gốc cây đề, mắt nhìn về hướng làng Thổ Tang và tự kết liễu đời mình bằng khẩu súng lục mà Nguyễn Thái Học tặng cô ở đền vua Hùng ngày nào.
Bà Thạch Thị Thanh (1909-1972)
Bà
Thạch Thị Thanh - Người phụ nữ Kh’mer, Người Mẹ, Người Bà. Bà là Ủy viên Ban
chấp hành Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Đảng
viên Đảng Nhân dân Cách Mạng Việt Nam năm 1961 (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Bà sinh năm 1909 trong một gia đình nông dân nghèo dân tộc Kh’mer ở huyện Cầu
Kè, Tỉnh Trà Vinh.
Lúc
nhỏ, Bà phải đi ở đợ cho địa chủ để kiếm sống. Cách mạng Tháng 8 thành công,
gia đình Bà được cấp ruộng đất, thoát cuộc sống nghèo đói, tối tăm. Mang nặng
công ơn đối với cách mạng, Bà luôn cùng bà con Việt - Kh’mer ở địa phương đấu
tranh chống kẻ thù để giải phóng xóm làng, phum sóc và động viên chồng con tham
gia công tác kháng chiến. Đặc biệt từ sau năm 1954, Bà là một trong những người
tiêu biểu ở địa phương tích cực đấu tranh chống Mỹ - Ngụy.
Từ năm
1954 đến 1960, trong lúc chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém đàn áp phong
trào yêu nước của nhân dân, giết hại những người kháng chiến cũ, gia đình Bà
vẫn một lòng với cách mạng, hết lòng nuôi dưỡng, che dấu cán bộ.
Từ
sau phong trào Đồng khởi 1960 đến 1972, Bà Thạch Thị Thanh liên tục tham gia
các công tác cách mạng: Ủy viên Ban cán bộ phụ nữ, Trưởng ban đấu tranh chính
trị của xã, Trưởng ban đấu tranh chính trị của huyện, Ủy viên Ban chấp hành
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Suốt
16 năm, từ 1954 đến 1972, Bà đã tổ chức và tham gia trên 400 cuộc đấu tranh
chính trị trực diện, trong đó có nhiều cuộc giằng co quyết liệt, chống địch tàn
phá chùa chiền, phum sóc, chống bắt lính, đôn quân, đòi cho sư sãi được yên ổn
tu hành và cho đồng bào được tự do đi lại làm ăn… Trong những năm từ 1961 đến
1971, địch tiến hành “Bình định” khốc liệt, Bà vẫn bám dân, bám đất, lãnh đạo
bà con kiên trì đấu tranh chống mọi hành động tàn bạo của địch, cùng các gia
đình có người thân bị bắt đi lính, kêu gọi hàng chục con em trở về với gia đình.
Quá
trình hoạt động, Bà đã 4 lần bị địch bắt giam, 3 lần bị giặc bắn bị thương, 1
lần bị bắt trấn nước suốt ngày, Bà không nao núng. Được thả, Bà lại tiếp tục
đấu tranh.
Bà còn
góp công to lớn trong cuộc xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang ở xã nhà.
Riêng Bà đã phát triển được 26 hội viên nông hội, 17 hội viên phụ nữ, xây dựng
được 3 tổ xung kích đấu tranh chính trị làm nòng cốt, duy trì 1 tổ đổi công gồm
30 tổ viên. Bà cũng đã nhiều lần dẫn du kích đánh đồn, vận động nhân dân giúp
đỡ bộ đội và đã tiễn 2 người con thân yêu lên đường kháng chiến.
Đầu
tháng 4/1972, khi phong trào tấn công và nổi dậy của quân dân ta bùng nổ, mặc
dù tuổi cao sức yếu, Bà vẫn tích cực cùng chính quyền cách mạng lãnh đạo đồng
bào bao vây đồn bót, phá thế kềm kẹp của địch. Ngày 12/07 trong khi địch ném
bom, bắn phá dữ dội để dọn đường xua quân, giải tỏa đồn R đang bị quân ta vây
chặt, Bà đã dũng cảm băng qua bom đạn ác liệt, chở xuồng đưa du kích qua sông
đánh địch. Xong nhiệm vụ, khi trên đường về, gặp lúc địch ném bom, Bà đã anh
dũng hy sinh.
Bà
Thạch Thị Thanh đã được Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Trà Vinh và Tây Nam Bộ
tặng nhiều Bằng khen, được Trung ương Hội LHPNGMN tặng danh hiệu “Mẹ tiên
tiến”, được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam công
nhận “Chiến sỹ thi đua đấu tranh chính trị toàn miền Nam” trong những năm từ
1963 – 1966 và được thưởng Huân chương Giải phóng hạng 2.
63
tuổi đời, 27 năm tham gia công tác cách mạng, Bà Thạch Thị Thanh đã nêu tấm
gương sáng về lòng trung thành với cách mạng, gắn bó mật thiết với nhân dân
cùng ý chí chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc.
Lê
Thị Xuyến (1909
– 1996)
Là một nhà cách mạng, một nhà hoạt động xã hội
Việt Nam.
Bà là chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1946-1956), bà cũng là một trong những nữ
Đại biểu Quốc hội đầu tiên của Việt Nam (1 năm 1946). Tại Quốc hội khóa
I, là đại biểu nữ duy nhất được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội.
Bà sinh ngày 9 tháng 12 năm 1909 tại làng Thạch Bộ, xã Đại
Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Học xong bậc sơ học yếu lược ở trường Mỹ
Hoà, trường nữ sinh Hội An, bà học tiếp tại Trường Đồng Khánh, Huế.
Năm 1928, bà tốt nghiệp bậc Thành Chung sau
đó lại đỗ bằng sư phạm và được giữ lại làm giáo viên của Trường Đồng Khánh.
Cùng năm đó bà kết hôn với nhà trí thức cách mạng nổi tiếng Phan Thanh, từ đó
bà tham gia hoạt động cùng chồng trong một số tổ chức như: Đảng Cộng sản Đông
Dương, Đảng Xã hội Pháp tại bắc đông dương, Hội Truyền bá Quốc ngữ,...
Ngày
20 tháng 10 năm 1946, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ra mắt tại Quảng trường Nhà
hát lớn Hà Nội, Lê Thị Xuyến được cử làm Hội trưởng lâm thời Hội Liên hiệp Phụ
nữ Việt Nam.
Ngày 20 tháng 7 năm 1947, bà vinh dự được đứng vào hàng
ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương. Do bà đã hoạt động từ năm 1928 nên bà không phải
qua giai đoạn dự bị và ngày này cũng là ngày bà là đảng viên chính thức.
Bà
liên tục là đại biểu Quốc hội Việt Nam các khoá II, III, IV, V.
Bà
mất 5 tháng 5 năm 1996 tại Hà Nội, thọ 87 tuổi.
Nguyễn Thị Nhỏ (1909-
1946)
Nguyễn
Thị Nhỏ, tức Sáu Nhỏ – còn gọi là Sáu Điếc, sinh năm 1909 trong một gia
đình tiểu thương tại làng Long Hồ – chợ Ngã Tư, nay là xã Long An – huyện Long
Hồ – tỉnh Vĩnh Long, con của ông Nguyễn Văn Vững và bà Tống Thị Tòng.
Sinh
trưởng trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, có nhiều anh em đều tham gia
hoạt động cách mạng, Nguyễn Thị Nhỏ sớm chịu ảnh hưởng giáo dục của gia đình,
lúc còn đi học. Tư tưởng yêu nước, lòng yêu quê hương, căm ghét bọn thống trị
bất công được dần hình thành trong chị qua sự giáo dục của cha, anh và nhất là
những câu chuyện truyền thống mà người mẹ thường kể cho anh em chị nghe.
Tháng
3/1926, phong trào học sinh - sinh viên và quần chúng lao động khắp Nam Kỳ
rầm rộ xuống đường để tang nhà ái quốc Phan Chu Trinh. Nguyễn Thị Nhỏ tham gia
ngay vào những cuộc xuống đường này với một lòng nhiệt thành sẵn có. Sau đó,
chị xin về dạy học ở Hương Điểm (Bến Tre) với ước mong truyền đạt cho lớp học trò
nhỏ gương những nhà yêu nước “con Lạc, cháu Hồng”. Được ít lâu, chị chuyển về
dạy ở “Sa Đéc học đường”. Tại Sa Đéc, chị chiếm được tình cảm của mọi người
bằng những hành động yêu nước. Năm 1927, chị được kết nạp vào Chi bộ Việt Nam
Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ở Sa Đéc. Chị được sinh hoạt chung với những
nhà cách mạng như Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Phát và thường xuyên liên lạc với
Châu Văn Liêm ở Chợ Mới (Long Xuyên). Đầu năm 1929, chị được cử đi học lớp huấn
luyện chính trị do Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội Nam Kỳ tổ
chức. Lớp do các ông Phạm Văn Đồng, Châu Văn Liêm, Nguyễn Kim Cương trực tiếp
phụ trách. Nhờ hăng say học tập và có trí thông minh, Nguyễn Thị Nhỏ tiếp thu
nhanh và nắm vững các nguyên lý cách mạng cơ bản, được các đồng chí lãnh đạo
Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội tỉnh Sa Đéc (tỉnh bộ do ông Nguyễn
Văn Phát làm Bí thư) rất tín nhiệm.
Giữa
năm 1929, chị cùng ông Nguyễn Văn Phát (lúc này, hai người vừa hứa hẹn kết
duyên vợ chồng) được điều lên công tác tại cơ quan Kỳ bộ đóng ở số nhà 14
- hẻm La-ca-đơ (Sài Gòn – Chợ Lớn). Lúc lên đường, chị hẹn với anh Phát
“đợi cách mạng thành công mới tổ chức đám cưới để lo làm tròn nhiệm vụ”. Ở Sài
Gòn, Nguyễn Thị Nhỏ và một số đồng chí chịu trách nhiệm cộng tác biên tập, in
và phát hành báo “Công – Nông – Binh”, tờ nội san “Bôn-sơ-vích” và tài liệu Đại
hội lần thứ nhất của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Công việc đang
tiến triển, địch đánh hơi và phát hiện ra cơ quan Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên
Cách mạng Đồng chí hội Nam Kỳ. Ngày 23/9/1929, bị tên Sường – tức Hồ Cao Cương
trong cơ quan Kỳ bộ – chỉ điểm, chị và các ông Nguyễn Văn Phát, Trần Ngọc Quế
bị mật thám Pháp bắt.
Thực
dân Pháp đưa chị giam ở Khám Lớn (Sài Gòn). Chúng dùng nhiều thủ đoạn tra tấn
dã man song chị nhất quyết không khai nửa lời. Chị và anh Phát một mực khai
nhận là vợ chồng, chủ ngôi nhà 14 đường La-ca-dơ và chị là người ở tỉnh lên Sài
Gòn làm công việc nội trợ gia đình. Những đòn tra tấn của bọn cai ngục làm tai
chị về sau thường sưng mủ, các đồng chí và bạn tù về sau hay gọi chị là Sáu
Điếc. Được 6 tháng, bọn mật thám buộc phải thả chị vì không có đủ chứng cớ. Anh
Phát, chúng còn tình nghi, tiếp tục bị giam giữ.
Tranh
thủ lúc được tha, chị liên lạc ngay với ông Châu Văn Liêm (tên lúc này là Việt)
là Bí thư Kỳ bộ thay ông Phạm Văn Đồng đã bị thực dân Pháp bắt. Được biết Việt
Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội đã giải tán, An Nam Cộng sản Đảng được
thành lập, chị càng phấn khởi lao ngay vào nhiệm vụ, được kết nạp vào An Nam
Cộng sản Đảng (tháng 10/1929). Lấy lý do đi thăm chồng, chị được tổ chức cử vào
Khám Lớn để liên lạc, truyền đạt chủ trương, quyết định của Đảng từ ngoài vào
nhà tù. Các ông Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng và một số cán bộ của Đảng trong
Khám Lớn bấy giờ nhận được quyết định kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng là nhờ
Nguyễn Thị Nhỏ đem quyết định từ ngoài vào.
Ngày
3/2/1930, ba tổ chức cộng sản ở 3 miền thống nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam ra
đời, Nguyễn Thị Nhỏ là một trong số lớp người đầu tiên ở Nam Kỳ đứng vào hàng
ngũ của Đảng.
Ngày
4/6/1930, Đảng tổ chức nhiều cuộc biểu tình, đưa nông dân ra đấu tranh trực
diện với địch đòi giảm sưu thuế, trong đó có cuộc biểu tình lớn tại Đức Hòa,
tỉnh Chợ Lớn. Ông Châu Văn Liêm, Bí thư Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn – Gia Định trực
tiếp lãnh đạo cuộc biểu tình này bị địch bắt và bị sát hại. Xứ ủy Nam kỳ cử Lê
Quang Sung và Nguyễn Thị Nhỏ về phụ trách Tỉnh ủy Chợ Lớn thay ông Châu Văn
Liêm để ổn định tình hình, lãnh đạo quần chúng chống địch khủng bố. Nhận nhiệm
vụ mới Đảng phân công, Nguyễn Thị Nhỏ trực tiếp đi xây dựng cơ sở Đảng ở vùng
Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn. Chị đã lập ra Chi bộ Đảng đầu tiên ở làng Thạnh Lợi (Đức
Hòa). Chị đi diễn thuyết kêu gọi quần chúng đứng lên làm cách mạng tại làng Tân
Phú, khu vực chợ Rạch Nhum v.v… Tại cuộc họp của Đảng tháng 11/1930 ở làng Long
Hiện, quận Bến Lức, tỉnh Chợ Lớn, ông Lê Quang Sung được bầu Bí thư Tỉnh ủy,
Nguyễn Thị Nhỏ được bầu Phó Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Chợ Lớn.
Lúc
này, địch đánh phá phong trào và truy lùng rất gắt gao các chiến sĩ cộng sản. Chị
Sáu Nhỏ phải luôn thay hình đổi dạng, ở và hoạt động nhiều nơi khác nhau. Chị
về lại Đức Hòa, nhận làm con nuôi trong một gia đình là cơ sở cách mạng, có lúc
cải dạng làm cô giáo để hoạt động. Chị có tài diễn thuyết và khéo léo, biết xây
dựng các cơ sở bí mật của Đảng. Vì vậy, mật thám Pháp rình rập nhiều nơi trong
tỉnh nhưng vẫn không tìm ra được manh mối của Tỉnh ủy Chợ Lớn. Trong khi đó,
chị vẫn hoạt động và liên lạc được với các đồng chí của mình.
Giữa
năm 1931, nhiều cơ sở Đảng bị địch phá vỡ trong toàn Nam bộ, nhiều đồng chí trong Xứ ủy
Nam Kỳ bị bắt. Nguyễn Thị Nhỏ có chân trong Xứ ủy lâm thời. Lúc đó, chị tròn 22
tuổi.
Tháng
11/1931, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn – Lê Quang Sung bị sa vào tay thực dân Pháp.
Cùng với các đồng chí còn lại trong Tỉnh ủy, Nguyễn Thị Nhỏ chịu trách nhiệm
chính trong việc lãnh đạo khôi phục và phát triển phong trào ở tỉnh Chợ Lớn,
địa bàn hoạt động có lúc sang cả tỉnh Tân An.
Cuối
năm 1931, trong một chuyến công tác vào thành phố Sài Gòn, chị Sáu Nhỏ bị địch
phục kích vây bắt. Lọt vào tay địch lần thứ hai, chị bị tra tấn man rợ hơn
trướcNhưng tất cả đều vô hiệu trước con người đã chai sạn, gai góc, không còn
biết sợ kẻ thù thực dân
Trong
Khám Lớn, Nguyễn Thị Nhỏ vẫn tự tin và bàn bạc với chị em bạn tù tìm cách hoạt
động. Chị và nhiều đồng chí cùng bị giam giữ thành lập một Ban trật tự trong
Khám Lớn để vận động tù nhân đấu tranh với địch, giành giật quyền lợi tối thiểu
cho sự sống của tù nhân, trong đó có cuộc đấu tranh ngày 20/11/1931.
Ngày 2
tháng 9 năm 1933, thực dân Pháp đưa 120 chiến sĩ cộng sản ra xử tại phiên tòa
“Đại hình đặc biệt” ở Sài Gòn. Nguyễn Thị Nhỏ và các đồng chí Ngô Gia Tự, Phạm
Văn Đồng, Nguyễn Chí Diễu, Phạm Hùng, Lê Văn Lương v.v… bị thực dân Pháp đưa ra
phiên tòa xét xử kéo dài từ ngày 2 - 9/5/1933. Vụ án này gây chấn động
chính trị mạnh trong toàn Nam Kỳ và lan rộng ra cả nước, gây làn sóng bất bình
trong nhân dân tiến bộ thế giới. Do sức ép dư luận trong nước và ở Pháp, với sự
can thiệp của luật sư tiến bộ người Pháp Kăng-xen-lơ-ri (Cancelleri), sau đó,
thực dân Pháp buộc phải hạ mức án của 8 án tù tử hình xuống còn khổ sai chung
thân, riêng Nguyễn Thị Nhỏ lãnh án 15 năm tù khổ sai. Ngày 16/5/1933, thực dân Pháp đưa tàu
Ác-măng-rút-sô với 33 lính áp tải, bí mật rời cảng Sài Gòn, đưa 89 tù nhân cộng
sản đi đày Côn Đảo, trong đó có Nguyễn Thị Nhỏ.
Nhờ sự
vận động tích cực của Lu-i Ma-ri Phe-rơ và tổ chức quốc tế Công hội Đỏ tiếp sức
can thiệp, tháng 7/1935, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương buộc phải ra lệnh đặc xá
Nguyễn Thị Nhỏ. Dù thả ra, nhưng
sự sống của chị bị suy sụp do những trận đòn đẫm máu của chúng tra tấn. Chị
được thả về quê ở Châu Thành - Vĩnh Long và bị chúng theo dõi, quản thúc
cho đến sau Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940. Từ đó đến năm 1946, chị vẫn sống ở quê.
Do sức khỏe quá suy yếu vì địch tra tấn, ngày 21/11/1946, Nguyễn Thị Nhỏ đã
vĩnh biệt chồng là anh Nguyễn Văn Phát - lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Nhân
dân tỉnh Vĩnh Long – và 5 con thơ.
Để ghi
nhớ công ơn của người phụ nữ gan dạ, kiên cường trong những ngày hoạt động ở
Tỉnh ủy Chợ Lớn, ngày 4/4/1985, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết
định đổi tên đường Nguyễn Công Trừng ở Quận 5 thành đường Nguyễn Thị Nhỏ, đúng
vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày quân và dân ta đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, xóa
sạch chủ nghĩa thực dân và đế quốc trên đất nước Việt Nam .
Trịnh Thị Miếng
Bà sinh năm 1912 tại Bà Điểm, xã Tân Thới
Nhất, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Tham gia hoạt động Cách mạng từ năm 1934.
Những năm 1936 – 1939 chị là liên lạc viên của Xứ ủy và của Trung ương Đảng. Bà
đã tham gia vận động, bố trí cơ sở nuôi chứa, bao bọc các đồng chí Trung ương
Đảng về hoạt động và họp hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2, 3, 4, 5, 6, 7 tại
vùng Bà Điểm, 18 Thôn Vườn Trầu – Gò Vấp – Hóc Môn.
Về công tác bảo vệ Đảng, trong năm 1939 – 1940,
Tỉnh ủy Gia Định giao cho bà Chín Miếng chịu trách nhiệm, lo bố trí địa điểm,
tổ chức bảo vệ cho các cuộc họp của Xứ ủy, thường có mặt các đồng chí Võ Văn
Kiệt, Nguyễn Thị Minh Khai, Tạ Uyên … và các cuộc họp của Tỉnh ủy Gia Định. Bà
Chín Miếng chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn từ Bà Điểm đến Hóc Môn. Cho đến
ngày khởi nghĩa 23-11-1940, các cuộc họp Xứ ủy, Tỉnh ủy đều được bảo vệ bí mật,
an toàn.
Năm 1937, bà là Quận ủy viên Quận Gò Vấp. Sách
báo tài liệu truyền thống phụ nữ Nam Bộ đều ghi nhận bà là liên lạc viên trung
kiên nhất của Đảng thời kỳ bí mật. Bà vừa là liên lạc, vừa tham gia vận động tổ
chức những cuộc đấu tranh của các tầng lớp phụ nữ Gia Định. Như năm 1938, phụ
nữ Gia Định tổ chức mít tinh ủng hộ ba đồng chí: Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch
Mai, Nguyễn Văn Nguyễn ra tranh cử Hội đồng Thành phố Sài Gòn. Bà Thử cầm cờ đi
đầu, bà Chín Miếng, bà Tư Giả, và Hai Sóc theo sát để hộ vệ. Cuộc mít tinh đã
góp phần cho ba đồng chí đắc cử vô “nghị trường”, đấu tranh công khai cho quyền
lợi dân chúng.
Cách mạng tháng Tám thành công, Tỉnh ủy giao cho
bà Chín Miếng và và Mười Lụa đảm nhận phong trào Phụ nữ tỉnh Gia Định, chuẩn bị
cùng toàn dân Gia Định bước vào cuộc trường chinh 9 năm gian lao vào anh dũng.
Năm 1946, bà là Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng đoàn,
Đoàn trưởng Phụ nữ Cứu quốc đầu tiên của Tỉnh Gia Định và là người phụ nữ đầu
tiên của quận Gò Vấp được bầu là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa khóa I năm 1946 và liên tiếp các khóa II, III khi bà tập kết ra miền Bắc.
Suốt cuộc đời theo Đảng làm cách mạng, giữ nhiều
trọng trách, được thưởng nhiều Huân chương, Huy chương, nhà Cách mạng lão thành
Trịnh Thị Miếng hết sức nhã nhặn, khiêm tốn. Trong bản lý lịch, ta thấy bà tự
nhận xét: “Lúc nhỏ nhà nghèo, không được đi học”, “Ngày vào Đảng không biết
chữ”. Tự nhận xét cuối đời: “Có tinh thần trách nhiệm. Đảng giao việc gì cũng
tích cực làm tròn. Khuyết điểm: Trình độ văn hóa và lý luận kém”. Thật là một
tấm gương soi sáng cho mọi tấm lòng của chúng ta. Quyển lịch sử truyền thống
phụ nữ quận Gò Vấp đã viết những dòng hết sức thân thương về bà: “Khi Cách mạng
tháng Tám vừa thành công, trụ sở cơ quan phụ nữ Cứu quốc quận Gò Vấp đóng ở
Trung Nhứt. Ban chấp hành do chị Trịnh Thị Miếng làm Đoàn trưởng. Chị em phụ nữ
còn gọi thân mật là chị Chín Miếng, chị Chín Trầu bởi chị ghiền ăn trầu xỉa
thuốc rê, đi đến đâu chị cũng xách giỏ trầu cau… Bản chất chị rất là phụ nữ Nam
bộ, cần cù, tận tụy công tác, trung thành với Đảng, hết dạ vì dân vì nước, sống
giản dị chan hòa với chị em, mọi người đều thương mến chị. Ngày 6-1-1946 nhân
dân toàn quốc đi bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong quận Gò Vấp chị Trịnh Thị Miếng đắc cử Quốc hội…Chị là ngọn cờ tiêu biểu
cổ vũ cho phong trào phụ nữ Gò Vấp, phụ nữ tỉnh Gia Định…”
Lâm
Thị Phấn (1918-2010)- Người đẹp Tây Đô
Cha
bà là Lâm Văn Phận, hiệu trưởng trường Taberd, nay là trường Châu Văn Liêm.
Theo nhiều tài liệu sử ghi lại, bà Lâm Thị Phấn nổi tiếng là người con gái tài
sắc vẹn toàn, được người dân vùng đất Tây Đô gọi bằng cái tên trìu mến
"Người đẹp Tây Đô".
Năm 17 tuổi, bà được gả
cho người anh con cô cậu ruột với công tử Bạc Liêu, đồng thời là cháu đích tôn
của bá hộ, người được mệnh danh là Vua lúa gạo Nam Kỳ bấy giờ. Chồng bà nổi
tiếng là một công tử giàu có, thường xuyên mải mê ăn chơi.
Việc gia đình công tử Bạc Liêu
nhắm tới Lâm Thị Phấn làm con dâu nhằm mục đích mong muốn một người đẹp và sắc
sảo như bà sẽ kìm bớt tính chơi bời của chồng và lo toan được việc nhà.
Mặc dù bà rất giỏi giang và
khéo léo quán xuyến mọi việc trong gia đình khi về làm dâu, nhưng tính ăn chơi
và chỉ biết hưởng thụ của chồng bà không thay đổi.
Kể từ khi cha chồng giao ngân
sách cho bà quản lý, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng bà Phấn ngày càng gia tăng do
chồng bà thường xuyên bòn rút tiền của gia đình để chơi bời.
Dù có với nhau hai đứa con trai
nhưng tình cảm giữa vợ chồng bà ngày càng xa cách. Để giữ trọn nghĩa vợ chồng
và đạo hiếu, bà phải cắn răng chịu đựng những trận đòn và lời đay nghiến của
chồng mỗi khi hai người xảy ra mâu thuẫn.
Sinh trưởng trong một gia
đình trí thức, bà Lâm Thị Phấn từ nhỏ đã mang trong mình tư tưởng tiên tiến của
phương Tây.Việc bà đồng ý kết hôn năm 17 tuổi chỉ để vừa lòng cha mẹ. Mặc dù
ông giáo Phận hiểu rõ con gái mình là người có chí hướng và tư tưởng tự do mà
phải sống trong một gia đình địa chủ cổ hủ như vậy rất khổ, nhưng ông không có
lựa chọn nào khác.Kể từ khi gánh vác những trọng trách quan trọng trong thu chi
của gia đình và đảm nhiệm công việc thu thuế, bà Phấn bắt đầu nhận ra những cơ
cực của người nông dân trong vùng, đặc biệt là phụ nữ.
Nỗi thống khổ của họ và
mâu thuẫn vợ chồng ngày càng gia tăng đã thôi thúc bà đấu tranh cho những người
cùng khổ.Bà quyết định thoát ly ra khỏi gia đình chồng và tham gia hoạt động
phong trào cho Hội Phụ nữ Cứu Quốc.
Năm 1950, bà được kết nạp
vào Đảng. Sau đó, bà trở thành nữ tình báo nổi tiếng trong suốt hai cuộc Cách
mạng chống Pháp và chống Mỹ của nước nhà.
Hoàng Ngân (1921-
1949)
Hoàng
Ngân, tên thật là Phạm Thị Vân (tức Sáu), sinh năm 1921 ở miền Bắc Việt Nam.
15 tuổi chị đã hoạt động trong tổ chức "Phụ nữ giải phóng" và gia
nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 17 tuổi. Khi bị địch bắt và giam giữ vì tham
gia hoạt động cách mạng, chị tổ chức đấu tranh bảo vệ các quyền của tù nhân,
giúp họ giữ vững ý chí đoàn kết trong đấu tranh. Chị đã sáng lập tờ báo
"Tiếng gọi phụ nữ", tiền thân của báo "Phụ nữ Việt Nam" hiện
nay. Chị là Bí thư của tổ chức "Phụ nữ cứu quốc đoàn", chính là Hội
Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
ngày nay.
Hoàng
Ngân là một con người nhân ái, bao dung và được mọi người kính trọng, quý mến.
Chị đã trở thành niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam.
Bà Lê Thị
Riêng (1925 -1968)
Bà Lê Thị Riêng sinh năm 1925 tại làng Vĩnh Mỹ, huyện Giá
Rai, tỉnh Bạc Liêu. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, mồ côi cha mẹ
sớm, được chứng kiến cảnh áp bức bốc lột của bọn địa chủ cường hào, ngay từ khi
còn nhỏ Bà đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1945 khi Cách mạng tháng tám bùng nổ,
Bà tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp thực hiện nguyện vọng giải phóng
dân tộc, giải phóng giới mình khỏi ách thống trị của thực dân phong kiến. Năm 1948
được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Năm 1954 sau khi hiệp định Geneve được ký kết, Bà tiếp tục
tham gia các phong trào cách mạng chống chế độ độc tài phát-xít của Mỹ-Diệm.
Năm 1960 Mật trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, Bà được bầu làm
Phó Hội trưởng Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng và Ủy
viên Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam. Bà còn là một
cây viết xã luận sắc xảo của báo Phụ nữ Giải phóng –một tờ báo của cơ quan Hội
Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Miền Nam Việt Nam – tiếng nói của phong trào phụ
nữ, một vai trò chủ chốt và hùng hậu nhất trong phong trào đấu tranh chính trị
trực diện với quân thù.
Bà Lê Thị Riêng là một người phụ nữ giàu lòng yêu nước,
đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ, là một cán bộ
cách mạng tài năng và đức độ.
Trong suốt 2 cuộc kháng chiến cứu nước Bà đã hoạt động liên
tục không biết mệt mỏi. Trong những năm khó khăn, Bà luôn luôn tỏ ra là một Cán
bộ rất mực trung kiên, xuất sắc của phong trào. Bà đã đóng góp nhiều công sức
xây dựng cơ sở cách mạng, gây dựng phong trào phụ nữ ở Miền Nam, được toàn thể
phụ nữ Miền Nam và nhân dân Miền Nam cảm mến tin yêu.
Trong một chuyến đi công tác hồi tháng 5/1967, Bà sa vào tay
bọn mật thám và bè lũ Mỹ - Thiệu –Kỳ. Bọn mật vụ Mỹ CIA và bọn công an ngụy đã
dùng cực hình tra tấn Bà rất dã man. Chúng đốt cháy tay Bà đến trơ xương, Bà
vẫn giữ vừng khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, đã biểu hiện khí phách hiên
ngang bất khuất. Tinh thần dũng cảm ngoan cường ấy đã làm cho bè lũ Mỹ và tay
sai vô cùng khiếp đảm.
Đêm mồng 2 Tết Mậu Thân (31/1/1968) bọn địch đã hèn hạ
ám hại Bà cùng một số người yêu nước khác trên đường Hồng Bàng (nay là đường
Hùng Vương –Tp.Hồ Chí Minh).Hành động ám hại Bà –Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp
Phụ nữ giải phóng Miền Nam Việt Nam một cách hèn hạ, đê tiện như trên nằm trong
âm mưu tàn sát những người yêu nước bị chúng giam giữ mà bọn Mỹ -Thiệu –Kỳ đã
tiến hành hàng loạt ở các đô thị Miền Nam.
Sự hy sinh rất anh hùng của Bà đã nêu một tấm gương sáng
chói về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bà đã hiến dâng trọn đời mình cho sự
nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng phụ nữ, những đức tính cần cù, giản dị,
khiêm tốn và phẩm chất cao quý của Bà đã được mọi người kính phục và học tập.
Bà đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam truy tặng
huy chương "Thành Đồng" hạng II và huân chương "Quyết
Thắng" hạng I.
Nguyễn Thị Diệu (1926 - 1955)
Nhà giáo liệt sĩ. Quê huyên Đức
Phổ (Quảng Ngãi). Nguyễn Thị Diệu từng học ở Sài
Gòn - đậu tú tài - sau Cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp quay trở lại, bà tham
gia kháng chiến ngay. Được bầu vào ban chấp hành Hội Phụ nữ cứu quốc Nam bộ.
Tuy xuất thân từ gia đình quan lại triều đình Huế cũ nhưng bà sống
giản dị, hòa mình với quần chúng. Năm 1950 bà xuống miền Tây hoạt động, học bơi
xuồng để một mình đi công tác tới các vùng nông thôn hẻo lánh. Năm 1952 bà phụ
trách công tác thuế nông nghiệp. Sau hiệp định Genève, bà về Sài Gòn dạy học
tại trường tư thục Đức Trí để hoạt động bí mật. Bọn tay sai Ngô Đình Diệm phát
hiện; bà bị bắt ngày 6-7-1955 giữa lúc đang đứng trên bục giảng. Chúng tra tấn
bà đến chết, lúc đó bà đang mang thai.TP. HCM có đường Nguyễn Thị Diệu
(được đặt tên từ 1985).
Phan Thị Mai - Nhất Chi Mai (1934
-1967)
Phan Thị
Mai, tự Nhất Chi, bút hiệu là Nhất Chi Mai, pháp danh Thích nữ Diệu Huỳnh, là một nữ Phật
tử đã tự thiêu ở Sài Gòn để phản đối Chiến tranh Việt Nam. Bà sinh năm 1934 tại
xã Thái Hiệp Thành, tỉnh Tây Ninh.
Cha bà là ông Phan Duy Mỹ, thân
mẫu là bà Nguyễn Thị Duyệt, ngụ tại nhà số 60/59 đường Yên Đổ, Sài Gòn. Bà tốt
nghiệp Trường Quốc gia Sư phạm năm 1956,
Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1964 và Trường Cao đẳng Phật học Vạn Hạnh
năm 1966.
Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, bà về làm giáo viên tiểu học ở trường Tân
Định (Sài Gòn). Bà đã tham gia nhóm "Thanh niên phụng sự xã hội" (một
hội đoàn thanh niên ở Sài Gòn lúc bấy giờ), và dạy dỗ nhiều trẻ em mồ côi.
Vào 7
giờ 20 sáng ngày 8 tháng 4 âm
lịch năm Đinh Mùi (16 tháng 5 năm 1967 dương lịch), tức ngày Phật Đản thứ 2511, bà đã tưới xăng lên người
mình và châm lửa tự thiêu trước sân chùa Tư Nghiêm (Sài Gòn, nay thuộc Quận 10, Thành
phố Hồ Chí Minh). Bà mất khi mới chỉ 33 tuổi. Trước khi tự thiêu, bà
đã để lại 10 bức di thư với nội dung kêu gọi hòa bình và chấm dứt chiến tranh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét