Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

28 thg 11, 2013

Công Nữ Ngọc Vạn - Ngô Viết Trọng - Chương 1-3

Chương 1:

 Gần tới tiết Trung Nguyên, cả thủ phủ Dinh Cát sinh hoạt rộn rịp hẳn lên. Từ khi chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) vào gây dựng cơ nghiệp ở xứ Đàng Trong, Dinh Cát là nơi chúa chọn làm thủ phủ lần thứ ba sau hai địa điểm khác là Ái Tử và Trà Bát. Dân chúng ở đây phần nhiều là con cháu các vị quan lại hoặc lính tráng theo chân chúa lần đầu tiên vào Nam. Phần còn lại là những người đã đến lâu đời, có thể từ khi nhà Trần mới nhận đất của nước Chiêm Thành dưới triều vua Trần Anh Tôn. Các sắc dân thiểu số cũng có nhiều nhưng họ chỉ ở vòng ngoài khá xa thủ phủ. Dinh Cát được thiết lập trên bờ sông Thạch Hãn nên việc giao lưu cũng khá thuận tiện. Thương thuyền ngoại quốc vẫn ra vào tấp nập, nhiều nhất là thuyền của người Hoa, người Nhật.
Đặc biệt lúc này ở các cửa hàng người Hoa có bày bán nhiều thứ lồng đèn màu sắc sặc sỡ, mang hình con cá, hình chiếc thuyền... và rất nhiều tranh vẽ về sự tích ngài Mục Kiền Liên trông rất thích mắt. Đó là những thứ rất thu hút trẻ con. Chúng kéo từng đàn từng lũ đi xem phố ngày này qua ngày khác mà không biết chán. Nhiều đứa đi xem về nằng nặc đòi cha mẹ chúng mua cho được mới nghe. Trong dân chúng nhiều nhà cũng làm lồng đèn, thuyền giấy, hoa giấy... Mọi người đều sẵn sàng chờ đón một cái tết Trung Nguyên, một lễ Vu Lan như ý. 

 Một hôm, phó tướng phò mã Nguyễn Hữu Vinh sau khi vào phủ chúa về, ông vui vẻ thưa với Mạc mẫu:

 - Thưa mẹ, con được chúa cho nghỉ phép một thời gian. Con định đến tiết Trung Nguyên này sẽ đưa cả nhà mình đi chùa Thiên Mụ và điện Hòn Chén một chuyến theo mong ước của mẹ. Vậy ý mẹ muốn tổ chức ra sao thì nói để con định liệu.

 Mạc mẫu nghe con nói lộ vẻ sung sướng:

 - Ừ, có thế chứ! Ít nhất đời mẹ cũng được chiêm bái ở cái chùa do chúa Tiên ta tạo dựng một lần chứ! Mẹ nghe nói chùa Thiên Mụ và điện Hòn Chén linh lắm, mẹ sẽ hết lòng cầu khấn ở hai nơi ấy, chuyến đi này vợ con hi vọng có tin lành lắm đó.

 Mạc mẫu vừa nói vừa cười vẻ mặt rạng rỡ hẳn lên. Thấy vẻ mặt vui tươi của mẹ, Hữu Vinh cũng cảm thấy sung sướng lây. Lâu nay Hữu Vinh chưa lần nào thấy mẹ vui đến thế. Hữu Vinh cưới vợ đã ba năm mà vẫn chưa có tin mừng đã làm bà rất lo lắng. Bà thường thúc giục vợ chồng Hữu Vinh phải đi đến các chùa lớn, đền thiêng để dâng hương cầu tự. Đã mấy lần chính bà dẫn đôi vợ chồng này đến dâng hương cầu nguyện ở những chùa gần thủ phủ nhưng không thấy kết quả. Thế là bà chỉ còn đặt hi vọng ở chùa Thiên Mụ và điện Hòn Chén. Cả hai nơi đều nổi tiếng về phong cảnh hữu tình và thiên hạ vẫn đồn đại là rất linh ứng. Ngặt nỗi đường sá quá xa mà Hữu Vinh lại không mấy khi rảnh rỗi. Giờ đây nghe con cho biết sắp được đi, bà không vui sao được!

 - Nhưng quá xa như vậy, con tính đi lại như thế nào? 

 Hữu Vinh thưa:

 - Từ Dinh Cát tới chùa Thiên Mụ đi đường bộ phải trải qua khoảng một trăm sáu chục dặm. Đường đi không được bằng phẳng lại phải qua nhiều khe suối, rừng cây nên dùng xe ngựa cũng không tiện. Do đó con nghĩ mình nên đi bằng thuyền vừa thơ mộng vừa đỡ mệt. Lộ trình chuyến đi sẽ xuất phát từ bến đò Dinh Cát, xuôi dòng Thạch Hãn để ra cửa Việt. Sau đó men theo bờ biển tiến về phía Nam. Khi đến cửa sông Kim Trà tức cửa Thuận An, ta cho thuyền vào sông rồi cứ ngược dòng mà tiến sẽ tới nơi thôi.

 - Con có định rủ thêm người nào cùng đi cho vui hay chỉ có gia đình mình?

 - Mẹ có muốn cho ai đi thêm không? Theo con, để cho hai em Đình Huy, Đình Vụ đi với mình là đủ. Tất cả là năm người. Thêm mấy người hầu và một tốp lính để chúng chèo thuyền. Thế là vừa phải không mẹ?

 Đình Huy và Đình Vụ là con của ông Trần Cửu Lang, người em trai của Mạc mẫu, đã quá cố. Đình Huy đã hai mươi tuổi, là một nho sinh nhưng vóc dạc cao lớn, tuấn tú khác thường. Còn Đình Vụ là một cậu bé đầu còn để vá, mới lên mười hai.

 Mạc mẫu lại cười:

 - Con tính vậy cũng phải. Nhưng mẹ muốn thêm một ý con xem có được không nhé! Cái thằng Đình Huy đã hai chục tuổi rồi mà không biết lo lắng gì đến chuyện lập gia đình. Mẹ thúc giục nhiều lần mà nó cứ làm lơ. Dòng bên mẹ mọn mảy chỉ còn anh em nó thôi nên mẹ cũng lo. Có thể nó còn đợi chọn được người vừa ý mà cũng có thể nó nhát gái. Vậy con hãy xem trong số bạn bè, quen biết nhà nào kha khá có con gái coi được mắt, mời người ta cùng đi chơi cho nó có dịp làm quen.

 Hữu Vinh cười:

 - Thế thì cần tìm đâu xa xôi cho mệt. Để con bảo vợ con về phủ xin với chúa cho mấy cô em gái cùng đi chơi, chú ấy sẽ tha hồ mà lựa. Tài năng như em Đình Huy cũng hiếm hoi lắm, làm phò mã cũng xứng đấy chứ!

 Mạc mẫu cười sung sướng:

 - Ừ, con biết lo giùm mẹ như thế thì tốt lắm. Mối ấy mà thành thì con tha hồ mà uống rượu. Đã thân lại càng thân. Con nói vợ con về xin với chúa và vương phi thử xem sao nhé!

***

 Công nữ Ngọc Liên về thăm gia đình gặp lúc chúa Sãi bận đi kinh lý ở các huyện phía Bắc chưa về. Buổi tối đó, Ngọc Liên cùng mẹ và mấy cô em gái vui vẻ ngồi quanh mâm cháo gà nói chuyện. Vương phi hỏi:

 - Mạc mẫu khỏe mạnh chứ? Con về thăm chơi hay có chuyện chi?

 Ngọc Liên nói:

 - Dạ, nhạc mẫu con vẫn khỏe. Vào dịp Vu Lan tới, gia đình con đi chơi ở chùa Thiên Mụ và điện Hòn Chén đấy mẹ ạ.

 Vương phi ngạc nhiên:

 - Trời đất! Đi chơi gì xa lắm vậy?

 Ngọc Liên cười:

 - Dạ, nhạc mẫu con muốn chúng con có dịp cầu xin trời phật thánh thần ban phước sớm có con nối dòng. Vậy chớ mấy cậu đi đâu vắng cả mẹ?

 Vương phi nói:

 - Theo cha con đi kinh lý các nơi, đi đâu cha con cũng dắt chúng theo cả. Ý cha con muốn cho chúng vừa đi cho biết đó biết đây vừa học việc mà!

 Ngọc Liên nói:

 - Mấy anh mấy cậu quen đi xa sớm, người thành ra lịch lãm, sau này đến sống chỗ nào cũng được. Lũ con gái tụi con cứ bó chân trong nhà thật thiệt thòi! Hay là mẹ cho ba chị em Ngọc Vạn đi chơi cùng chúng con một chuyến được không?

 Ngọc Khoa hớn hở nói theo:

 - Phải rồi mẹ, cho chúng con đi chơi với chị Ngọc Liên một chuyến nhé! "Đi cho biết đó biết đây, Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn" mà mẹ!

 Ngọc Vạn tiếp lời:

 - Phải đấy mẹ ạ. Mẹ biết không? Chùa Thiên Mụ là do ông nội mình cho xây dựng đó! Con cháu tới viếng cái chùa do chính ông bà mình tạo lập thì còn gì thú vị hơn nữa! Cho chúng con đi chơi một chuyến mẹ nhé!

 Vương phi cười mắng yêu Ngọc Vạn:

 - Con thì chuyện gì cũng biết hết. Con gái đi chơi xa đâu có tiện! 

 Rồi bà quay sang Ngọc Liên:

 - Thế chồng con định đưa gia đình đi bằng phương tiện gì?

 - Dạ, bằng đường thủy.

 Vương phi nói:

 - Đó, tụi con liệu chịu sóng chịu gió có nổi không? Đâu phải muốn đi là đi được!

 Ngọc Vạn nói:

 - Mẹ cứ lo xa! Sao tụi con lại chịu không nổi chứ? Ngày trước bao nhiêu gia đình từ Bắc, từ Thanh Hoa vô đây bằng thuyền còn được nữa huống chi ở đây mình chỉ đi biển một đoạn từ cửa Việt đến cửa Thuận An nào đáng kể gì? 

 Các công nữ cứ nằn nì mãi, sau cùng vương phi nói:

 - Thôi được, đợi cha về mẹ nói thử xem sao, cho đi hay không là tùy ý cha!

***

 Nghe chúa Sãi đã cho phép các công nữ cùng đi chơi với gia đình mình, Mạc mẫu mừng lắm. Bà lại bàn với Hữu Vinh:

 - Này con, chuyến đi chơi này nhằm tiết Trung Nguyên, lại có các công nữ đi theo nữa, con có nghĩ là nên làm sao cho có vẻ sang trọng một chút được không? Thỉnh thoảng mẹ vẫn thấy người ta kết thuyền hoa đẹp lắm, nếu mình làm được vậy thì hay biết mấy!

 Hữu Vinh nhìn mẹ cười:

 - Mẹ muốn mua chuộc lòng cô cháu dâu tương lai lắm nhỉ? Thuyền hoa thì chỉ đi trên sông thôi mà mình thì phải qua đường biển cả một quãng dài thuyền hoa làm sao mà chịu nổi? Nhưng cũng được, con sẽ thử gắng chiều ý mẹ xem sao.

 Mạc mẫu cười hớn hở:

 - Con định làm thế nào?

 Hữu Vinh thưa:

 - Mình không chơi thuyền hoa trên sông Thạch Hãn mà lại chơi trên sông Kim Trà. Con có người bạn là Lê Dư hiện làm cai đội đóng ở Hương Phố. Con sẽ nhờ ông ấy sửa soạn giúp mấy chiếc thuyền hoa để sẵn đó. Từ Dinh Cát ta sẽ đi bằng thuyền nhà, đến Hương Phố thì sẽ đổi qua thuyền hoa để đi chùa Thiên Mụ và điện Hòn Chén, như vậy mẹ có thích không? Một điều khá thuận lợi nữa là ở Hương Phố cũng có một cái chợ rất lớn, ta có thể ghé ở đó mua các loại chim cá rùa ếch còn sống để phóng sinh như mẹ vẫn làm hằng năm đó. Mẹ thích không?

 - Ừ, vậy mới đẹp mặt chứ! Như thế ta khỏi cần mua trước các thứ chim cá sống ở Dinh Cát, mua sớm quá sợ chúng có thể chết trước khi được phóng sinh khiến mình thêm mang tội lỗi. Làm sao nhắm đúng ngày rằm thì phóng sinh là tốt nhất.

 Hữu Vinh lại dặn mẹ:

 - Con sẽ gắng làm theo đúng ý mẹ. Nhưng mẹ đừng nói với ai chuyện con sẽ nhờ người ta làm thuyền hoa gì cả nhé, chỉ báo là mình sẽ ghé lại Hương Phố để mua thêm trái cây và chim cá sống để phóng sinh là đủ. Con muốn dành cho mọi người một sự ngạc nhiên hào hứng khi giữa lộ trình mình chuyển sang thuyền hoa!

 Mạc mẫu lại cười sung sướng:

 - Thế thì còn gì bằng! Con làm được như thế thì mẹ vui lắm.

                                       *

 Chùa Thiên Mụ là ngôi chùa lớn của hạt Thuận Hóa bấy giờ, nằm trên tả ngạn sông Kim Trà (sau này đổi tên là sông Hương). Chùa này không rõ ai đã lập ra có lẽ từ trước khi họ Mạc cướp ngôi nhà Lê. Ban đầu chỉ là một ngôi nhà tranh đơn sơ, cũng chẳng ai nhớ rõ tên chùa là gì. Tương truyền sau này nhân dịp đi kinh lý ngang qua đó, chúa Tiên bèn ghé vào viếng chùa lễ Phật. Gặp ngày trời nắng gắt quá, người hầu sửa soạn một chỗ nằm dưới một tàng cây gần chùa cho chúa nghỉ trưa luôn thể. Chúa đang nằm thiu thỉu bỗng thấy một bà già mặc áo đỏ tiên phong đạo cốt bước đến trước mặt ngài. Chúa lật đật ngồi dậy hỏi:

 - Bà ở đâu đến gặp ta có việc gì?

 Bà già áo đỏ nói:

 - Ta là người của nhà trời. Ta đến đây để chúc mừng chúa công dựng nên nghiệp lớn và cũng có vài điều khuyên ngài. Thứ nhất, muốn cơ nghiệp được bền vững lâu dài, ngài nên dời thủ phủ về gần đây vì vùng đất này vượng khí sung mãn. Thứ hai là ngài nên đặc biệt chú trọng rèn luyện và sử dụng tài năng của những trang nữ kiệt, họ có thể giúp ngài thoát qua những cơn nguy biến ngặt nghèo, họ rất hữu dụng trên tiền trình của ngài.

 Nghe đến đây thì chúa chợt tỉnh giấc. Chúa ngồi im lặng suy nghĩ. Lời bà già áo đỏ trong mộng nói quả đã chứng nghiệm: Chúa đã hai lần gặp nguy biến trầm trọng và đều hóa giải được nhờ những người đàn bà. Mặt khác, trước mắt chúa, các vùng đất như Kim Long, Phú Xuân trên bờ sông Kim Trà đều có vẻ khởi sắc hơn vùng Dinh Cát trên bờ sông Thạch Hãn. Thế là chúa cho lời bà người nhà trời nói đáng tin lắm. Từ đó, chúa có ý định dời thủ phủ về trên bờ sông Kim Trà. Mặt khác, chúa cho xây dựng lại ngôi chùa mà chúa được giấc mộng lành thành to lớn hơn nhiều và đặt tên là chùa Thiên Mụ (bà người nhà trời) để đánh dấu việc này. Chùa đã được tái thiết trải gần hai mươi năm, dân chúng nhiều nơi vẫn hay về đây chiêm bái Phật và nghe thuyết pháp. 

 Còn Điện Hòn Chén là một ngôi am dựng bên cái trũng trông như cái chén, trên một cồn đất nhỏ sát bờ sông Kim Trà. Đây là một nơi thờ cúng có vẻ kỳ bí, cũng là một thắng cảnh, tương truyền đó là nơi thờ Nữ Thần Rắn (Po Nagar) của người Chàm, sau này người Việt theo Tiên Thiên Thánh giáo tiếp tục thờ vị này với danh xưng Thánh Mẫu Thiên Y ana. Vị Thánh Mẫu này vẫn hay nhập đồng để ra thông điệp, chỉ bảo cho khách trần biết được chuyện cõi u minh mà làm lành tránh dữ. Vào những ngày rằm, mồng một, dân chúng các nơi cũng kéo về đây dâng lễ, cầu phước rất đông.

  Từ chùa Thiên Mụ ngược dòng Kim Trà lên điện Hòn Chén không bao xa, đi thuyền rất thuận tiện.

 Tổ chức cuộc đi chơi này khá vất vả và tốn kém. Đối với phó tướng Nguyễn Hữu Vinh, việc cầu tự không phải là chính vì vợ chồng ông đều còn quá trẻ và đầy lòng tự tin. Nhưng Hữu Vinh sốt sắng trong công việc này vì muốn làm vui lòng mẹ mình. 

 Gần cả tháng, Mạc mẫu và vợ chồng Hữu Vinh đều ăn chay niệm Phật. Sau đó, Hữu Vinh cho chuẩn bị ba chiếc thuyền lớn có mui, lo chu đáo thức ăn chỗ nghỉ cho mọi người và lựa sẵn hai chục người lính để vừa giữ an ninh vừa làm tay chèo. 

 Các công nữ Ngọc Vạn, Ngọc Khoa và Ngọc Đỉnh cũng bắt chước ăn chay. Họ vô cùng sung sướng để chuẩn bị một chuyến đi chơi xa.

 Đoàn thuyền sẽ khởi hành từ bến đò Dinh Cát vào chiều mười hai tháng bảy.


Chương 2:

 Đây là cuộc đi chơi xa đầu tiên trong đời của chị em Ngọc Vạn. Chúa Sãi đã cẩn thận cho bà vú Minh Nguyệt cùng theo để hầu hạ các công nữ. Vú Minh Nguyệt là người siêng năng, cần mẫn, làm việc gì cũng tận tụy. Vú đã sống với gia đình chúa Sãi trên hai mươi lăm năm nay. Cả bốn công nữ, kể cả Ngọc Liên là phó tướng phu nhân bây giờ, đều qua tay vú bồng bế nâng niu từ thuở bé. 

 Trong số bốn công nữ, vú vẫn dành riêng một tình yêu đặc biệt cho Ngọc Vạn. Ngọc Vạn chào đời lúc chúa Sãi còn đang giữ chức trấn thủ Quảng Nam. Vú Minh Nguyệt đã có một kỷ niệm sâu sắc với Ngọc Vạn ngay khi nàng còn đỏ hỏn. Thời đó những dinh cơ quan tướng đều còn xây dựng đơn sơ, vách phên đan bằng tre nứa, quét vôi, cột kèo bằng gỗ, có khi bằng tre, mái thì phần nhiều lợp tranh hay lá chung quân. Ngay chính dinh phủ chúa Nguyễn ban đầu cũng chỉ vách nứa mái tranh. 

 Nhằm vào buổi hạn hán, khu vực dinh trấn thủ đã xảy một vụ hỏa hoạn bất ngờ, lúc Ngọc Vạn mới có năm ngày tuổi... Khi vụ cháy xảy ra, vú Minh Nguyệt chính là người đang giữ nhiệm vụ chăm sóc Ngọc Vạn. Vú bồng cô bé cố chạy ra xa khu vực đang cháy, tới một bãi cỏ xanh dưới một tàng cây lớn. Vú trải tấm chăn lên cỏ rồi đặt Ngọc Vạn xuống. Cô bé nằm dưới bóng râm mát trong chốc lát đã ngủ ngon lành. Vú yên trí bèn bước ra cách vài bước để nhìn đám người đang chữa lửa làm việc. 

 Bỗng vú giật mình thấy một trong mấy người bị thương được khiêng ra là Thiếu Hóa - người em ruột của vú. Thiếu Hóa bị cây cháy ngã đè nhằm, đang lâm tình trạng nguy ngập. Vú quá hoảng hốt quên luôn cả nhiệm vụ chính, phóng mình tới lo việc cứu người em. Mãi tới khi có người hỏi đến tiểu thư Ngọc Vạn, vú mới giật mình ba chân bốn cẳng chạy về chỗ bà đặt tiểu thư nằm. Gần tới nơi, bà bỗng hét lên - Thôi rồi! - Một con trăn lớn nằm ngay chỗ mà vú đã đặt Ngọc Vạn, nó lại đang gồng mình nuốt một con gì còn mắc ở cổ họng.

 . Trời ơi! Tôi hại tiểu thư rồi!

 Vú Minh Nguyệt khóc ré lên, mặt tái mét, run bần bật, người muốn khuỵu xuống. Tiếng thét thất thanh của vú làm cho mọi người chú ý. Ai nấy đều hoảng hốt chạy lại. May thay! Tiểu thư Ngọc Vạn vẫn còn đang ngủ ngon lành ngay bên cạnh con trăn. Nó chỉ cần quảy mình một cái là cô bé khó an toàn. Vú Minh Nguyệt vẫn run bần bật không biết xử trí ra sao. Một người lính đã nhanh nhẹn chạy lại bồng tiểu thư lên đem lại trao cho bà. 

 Con trăn bị người ta bắt dễ dàng vì đang mắc kẹt con mồi trong cổ, không kháng cự hay bỏ chạy được. Thì ra một con thỏ ở đâu bị động vì vụ cháy đã chạy đến thế mạng cho Ngọc Vạn.

 Dĩ nhiên lần đó vú bị trách mắng nặng nề. Thoát chết vụ này, ai cũng cho rằng tiểu thư Ngọc Vạn có mạng lớn, có phần phước phi thường. 

 Ngọc Vạn còn có nhiều điểm đặc biệt khác với những trẻ con cùng lứa tuổi. Nàng rất ít khóc ít cười. Ai cho ăn gì ăn nấy, cho uống gì uống nấy, không đòi, không chê không hất như mọi trẻ em khác. Có ai bồng bế cũng được mà đặt xuống giường thì cũng nằm tự nhiên. Khi nằm một mình, Ngọc Vạn cứ lặng lẽ ngắm trần nhà, nhìn những con thằn lằn đuổi nhau bên vách, đến mỏi mắt lại quay ra ngủ. Bình thường thì dễ dãi vậy nhưng khi cô bé giận lẫy cũng ra chiều quyết liệt lắm. Một lần, lúc mới hơn nửa năm tuổi, Ngọc Vạn đang bú, vì mới mọc răng bị ngứa sao đó, cô bé đã cắn một cái làm phu nhân đau quá nạt lên một tiếng. Cô bé lập tức nhả vú, mắt liếc mẹ một cái rồi bò tránh ra xa. Thế mà bé không khóc một tiếng. Phu nhân thấy tội kéo lại cho bú tiếp nhưng bé lắc đầu nguầy nguậy. Ai dỗ gì bé cũng không chịu. Mọi người nghĩ bé giận lẫy cùng lắm cũng chỉ qua một giấc ngủ rồi thôi, không ngờ liên tiếp ba ngày sau bé vẫn nhất định không chịu bú. Hết người này đến người khác thay nhau dỗ dành. Đút cháo vào miệng bé cũng không nhai không nuốt, cứ ngậm trân trân một ít rồi thôi, có khi còn nhả ra lại. Chuyện đó đã làm cả nhà vừa lo cuống lên vừa buồn cười. Sang ngày thứ tư chính vú Minh Nguyệt đã dỗ được bé ăn cháo bình thường rồi trở lại bú mẹ như trước.

 Khi lên bốn tuổi, Ngọc Vạn được chính mẹ mình dạy học chữ lẫn nữ công. Ngọc Vạn ham học, thích chữ nghĩa hơn thêu thùa. Cô bé học hành tấn tới một cách lạ thường. Chúa Sãi thấy vậy mừng lắm, những khi rảnh rỗi chúa cũng thân hành dạy thêm cho Ngọc Vạn. Từ mười tuổi trở lên cô bắt đầu mê đọc về những nhân vật lịch sử. Nàng tỏ ra rất say sưa khi đọc các chuyện Bà Trưng, Bà Triệu, Ỷ Lan, Mạnh Lệ Quân, Võ Hậu... 

 Chúa Sãi thấy vậy một lần hỏi nàng:

 - Những nhân vật nữ đó con thích ai nhất?

 - Thưa cha, ngoài Bà Trưng, Bà Triệu, con thích Ỷ Lan, Mạnh Lệ Quân.

 Chúa Sãi sung sướng nói với vương phi:

 - Con ta sau này không phải tầm thường đâu! Nó có thể làm rạng danh cho nhà mình đấy. 

 Sau đó, chúa mời thầy giỏi vào cung dạy cho Ngọc Vạn.

 Lên mười lăm tuổi, Ngọc Vạn đã trở thành một thiếu nữ diễm lệ. Nàng vẫn rất ít nói ít cười, gương mặt nàng gần như lúc nào cũng nghiêm nghị, trầm ngâm. Hằng ngày nàng chỉ chuyên lo cắm cúi vào sách vở chứ không chú ý đến việc trang điểm như phần nhiều các cô gái mới lớn. Tuy vậy, sắc đẹp bẩm sinh của nàng vẫn mỗi ngày mỗi khởi sắc dị thường...

 Nhân một ngày giỗ của chúa Tiên, lúc con cháu tề tựu đông đúc, chúa Sãi nói:

 - Lúc lâm chung cha ta có dặn "Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, phía nam có các núi Hải Vân, thật là nơi trời dành cho người anh hùng dụng võ. Vậy con phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để xây dựng cơ nghiệp muôn đời". Ý cha ta là muốn con cháu khởi nghiệp lớn từ đây. Vậy, tất cả con cháu, mỗi người phải đem hết khả năng mình thực hiện ý nguyện của cha ông, để tạo sự nghiệp cho bản thân, đem lại niềm vinh quang cho dòng họ, để ông bà ở cõi bên kia cũng được thỏa lòng.

 Trong khi các công tử tranh nhau bàn tán xôn xao về kế hoạch giữ nước, bành trướng lãnh thổ như thế nào thì công nữ Ngọc Liên cười nói với ba người em gái:

 - Mấy việc đó để đàn ông lo, chị em mình cứ giữ phận bếp núc thêu thùa cho tốt là được rồi, phải không mấy dì?

 Trong bốn công nữ của chúa, công nữ lớn tuổi nhất là Ngọc Liên đã gả cho phó tướng Nguyễn Hữu Vinh. Ba công nữ kế tiếp là Ngọc Vạn lúc bấy giờ mới mười sáu tuổi, Ngọc Khoa mười ba và Ngọc Đỉnh mười hai. Hình như có chủ định sẵn, chúa Sãi nhìn các con gái cười và hỏi lại:

 - Các con có đồng ý với chị Ngọc Liên không? Theo cha thấy thì nhiều lúc người đàn bà cũng làm được những việc rất quan trọng mà có thể đàn ông làm không nổi. Giả sử như vụ Tiên Chúa ta mưu lừa được tướng Mạc Lập Bạo, nếu không có Ngô Thị Ngọc Lâm thì liệu việc có thành không? Ngay cả việc Tiên Chúa ta được vào trấn thủ Thuận Hóa, thoát ra ngoài tầm nanh vuốt chúa Trịnh cũng là nhờ một lời của Mụ Cô Bà Ngọc Bảo của các con. Ta vẫn hi vọng rằng các công nữ của ta còn có thể làm được những công việc to lớn hơn thế nữa đấy!

 Công nữ Ngọc Đỉnh, cô gái út của chúa, nhõng nhẽo thưa:

 - Phụ thân nói vậy chứ tụi con thì làm ra trò gì được! Đàn ông việc nước đàn bà việc nhà như chị Ngọc Liên nói vẫn là chuyện thường tình.

 Công nữ Ngọc Vạn nghe em nói như thế thì gắt:

 - Em con nít biết gì mà nói leo! Đàn bà đâu phải ai cũng như em nghĩ? Em không thấy bà Trưng bà Triệu đó sao? Chị rất hãnh diện cho em biết thời kỳ đất nước ta bị Tàu chiếm và đô hộ, người khởi nghĩa đuổi Tàu giành độc lập đầu tiên không phải là đàn ông mà là hai người đàn bà: Trưng Trắc và Trưng Nhị. Nối gót  hai bà lại có bà Triệu Thị Trinh nổi dậy chống giặc Ngô với câu nói bất khuất để đời: "Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối chứ không thèm bắt chước người đời, cúi đầu cong lưng chịu làm tôi tớ cho người ta!". Câu nói ấy chứng tỏ chúng ta đâu thua sút gì đàn ông? Ngoài ra, rất nhiều vị nữ lưu phương Bắc đã tạo được những việc động trời như một nàng Tây Thi làm sụp đổ nước Ngô bá chủ, một Võ Hậu suýt làm cho nhà Đại Đường tiêu vong... Đó là những chuyện đã xảy ra sử sách còn ghi rõ, đâu phải đàn bà chỉ biết nữ công hay bếp núc?

 Quay sang nhìn cha, Ngọc Vạn nói:

 - Chuyện nữ lưu anh hùng trong thiên hạ xưa nay quá nhiều khó mà kể ra hết trong một lúc được. Con chỉ muốn được phụ vương kể lại thành tích của hai vị nữ lưu có liên hệ đến việc dựng nghiệp của tiên vương ta cho chúng con cùng nghe, phụ vương có vui lòng không?

 Chúa Sãi nói:

 - Con nói đúng lắm. Con cháu cũng cần biết rõ công nghiệp cha ông đã gặp những khó khăn như thế nào...

 Năm Đinh Hợi, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê. Nội tổ ta (Nguyễn Kim) là một cựu thần nhà Lê, nhờ người Lào giúp đỡ, khởi binh chống nhà Mạc, phò nhà Lê. Công việc đang tiến triển tốt đẹp thì nội tổ ta bị một hàng tướng của nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết. Bấy giờ nội tổ ta tuy có hai người con trai là bác Uông và cha ta, nhưng cả hai đều còn nhỏ nên dượng ta là Trịnh Kiểm lên thay nắm binh quyền. Cờ đã vào tay, dượng Trịnh Kiểm bắt đầu nuôi môïng lớn. Thấy hai người em vợ tuy còn nhỏ nhưng đều tỏ ra thông minh, anh dũng, dượng Trịnh Kiểm không đươc yên lòng. Thế rồi một hôm trong lúc cha ta đến chơi nhà một người bạn chưa về, bác Uông ở nhà sau khi ăn cơm tối xong bỗng vật mình lăn lộn một chốc rồi chết. Cả nhà ta lo sợ nhốn nháo lên. Những người thân thích của gia đình ta đều cho rằng đây là một âm mưu đầu độc. Mấy ngày sau, ông Nguyễn Ư Dĩ, ông cậu ruột của cha ta, lén tìm đến nhà ông Nguyễn Bỉnh Khiêm để xin hỏi kế bảo toàn mạng sống cho cha ta. Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn là một nhà túc học, đỗ trạng nguyên thời Mạc, giỏi phép bấm độn, người thời bấy giờ vẫn quen gọi là Trạng Trình. Từ hàng vương giả tới dân chúng không ai không kính ngưỡng ông, ai cũng tin là ông biết được chuyện đã qua và chuyện sắp tới. Khi khách đến, gặp lúc Trạng Trình đang chăm chú xem một một hòn non bộ đặt trong một bể nước trước mặt nhà. Nguyễn Ư Dĩ vái chào, Trạng Trình chỉ gật đầu một cái rồi lại chăm chú vào hòn non bộ. Khách kiên nhẫn chờ đợi một lúc khá lâu mà Trạng Trình vẫn coi như không. Sau cùng, bất đắc dĩ khách phải liều trình bày sự việc. Không biết Trạng Trình có nghe gì không, chỉ thấy ông ta vẫn điềm nhiên quan sát hòn non bộ, rồi vẫn chẳng ngó ngàng đến khách, nói một câu: "Hoành Sơn Nhất Đái Vạn Đại Dung Thân". Ông Nguyễn Ư Dĩ hiểu ý bèn trở về ngầm bàn với cha ta và người cô của ta là Ngọc Bảo, vợ dượng Trịnh Kiểm. Thế rồi một hôm cô Ngọc Bảo nói với chồng:

 - Thuận Hóa là đất biên ải dân tình chưa thuần thục, hay bị người Chiêm quấy nhiễu, lại còn đang chịu nhiều ảnh hưởng của họ Mạc, nếu tướng công không chọn hạng trọng thần cho vào trấn giư, lỡ sơ sẩy để lọt vào tay giặc thì ta hai mặt thọ địch chịu sao nổi?

 Trịnh Kiểm nói:

 - Ta vẫn lo nghĩ về việc ấy lắm chứ, nhưng ta chưa biết chọn ai xứng đáng để giao phó nhiệm vụ quan trọng đó.

 - Hay là tướng công cho em Hoàng gánh vác nhiệm vụ ấy được không?

 Trịnh Kiểm suy nghĩ - một ý tưởng mới lóe lên: Cái chết của Nguyễn Uông đã làm ông mang tai tiếng không ít. Ông không muốn chịu mang tiếng thêm một vụ khác. Khốn nỗi Nguyễn Hoàng còn ở bên cạnh ông ngày nào thì  địa vị của ông còn bấp bênh ngày ấy. Theo ông nghĩ, Thuận Hóa là chốn ác địa xa xôi, cô lập, hay bị người Chàm quấy phá, vả lại đất đai nghèo nàn, khó làm gì nên chuyện đáng ngại về sau. Nếu Nguyễn Hoàng vào đó mà khỏi chết vì tay họ Mạc hay giặc Chiêm thì cũng chết già giữa chốn thiểm địa sỏi đá ấy. Đây là ý kiến của chính người chị ruột Nguyễn Hoàng thì ông còn ngại gì nữa? Nghĩ như thế xong, Trịnh Kiểm mừng rỡ tự nhủ: "Thế là ta đã có cách giải quyết một vấn đề gai góc mà ta đã suy nghĩ nát nước bấy lâu nay". Trịnh Kiểm liền làm ra vẻ tươi cười xuề xòa nói với vợ: 

 - Có thế mà ta nghĩ không ra! Phu nhân đã muốn thế sao ta lại chẳng nghe lời chứ?

 Thế là cha ta được lệnh vào trấn thủ Thuận Hóa.

 Nhưng lịch sử đã biến chuyển một cách kỳ diệu. Trịnh Kiểm đưa cha ta vào Thuận Hóa hoàn toàn không phải do hảo ý. Ông nghĩ rằng Thuận Hóa sẽ thành nơi buộc chân cha ta. Ai ngờ cha ta vào vùng đất xấu ấy lại như hùm gặp rừng cao, rồng về biển cả...

 Năm Mậu Ngọ, khi đoàn thuyền của cha ta đi qua Thanh Nghệ Tịnh thì rất nhiều người hưởng ứng đem cả gia đình đi theo. Trong đó có những danh thần như Nguyễn Ư Dĩ, Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống...

 Năm Canh Ngọ, dượng Trịnh Kiểm qua đời, trao quyền lại cho con là Trịnh Cối. Nhưng Trịnh Cối là người hay rượu chè bê bối, thưởng phạt bất minh nên tướng sĩ không phục. Người em của Cối là Trịnh Tùng biết rằng nếu cứ để quyền hành trong tay anh mình thì thế nào công nghiệp ông cha gây dựng cũng sẽ sụp đổ. Thế là Tùng cướp vua Lê đem về Nghệ An để chống lại Trịnh Cối. 

 Không bỏ lỡ cơ hội huynh đệ tương tàn này, nhà Mạc bèn cử đại binh thủy bộ rầm rộ chia làm hai mặt, một mặt do tướng Mạc Kính Điển chỉ huy đánh vào Thanh Hoa (về sau đổi thành Thanh Hóa), một mặt do tướng Lập Bạo đánh vào Thuận Hóa để dứt đường tiếp viện của cha ta.

 Trịnh Cối không đủ sức một phía chống quân Trịnh Tùng, một phía chống quân Mạc, núng thế phải đầu hàng và dâng Thanh Hoa cho nhà Mạc. Trong khi đó, Trịnh Tùng giữ vững được Nghệ An rồi phản công quân Mạc chiếm lại được Thanh Hoa.

  Năm Nhâm Thân, Lập Bạo đem quân theo đường biển vào đóng ở hai làng Hồ Xá và Lang Uyển (Quảng Trị). Cha ta thấy quân Mạc quá mạnh, lại do một danh tướng chỉ huy thì lấy làm lo lắng lắm. Người bèn họp những kẻ dưới quyền lại bàn bạc nhưng không ai nghĩ ra kế gì có thể thi hành được. 

 Một hôm trời đã quá khuya, cha ta vẫn ngồi bên ngọn đèn, có vẻ suy nghĩ rất căng. Người thiếp của cha ta bưng lên một tô chè đậu xanh đến bên cạnh mà người vẫn không hay biết, nàng cất giọng thanh tao:

 - Mời chúa công dùng một tô chè cho khỏe người. Chiều này không thấy chúa công ăn uống gì cả mà không đói à? Hình như chúa công có điều gì suy nghĩ căng thẳng lắm thì phải!

 Cha ta quay lại nhìn người đàn bà. Đó là nàng Ngô Thị Ngọc Lâm, một người thiếp trẻ đẹp mà người đang yêu quí. Người thở dài:

 - Cám ơn nàng, ta bận lo nghĩ  quá nên quên đói mất! Không biết mai mốt nàng có còn dịp để săn sóc cho ta như thế này nữa không đây? 

 Ngọc Lâm ngạc nhiên lo lắng hỏi:

 - Thiếp có lỗi gì mà chúa công nói như thế xin cho thiếp rõ được không?

 - Không phải, nàng đâu có lỗi gì. Nhưng ta, ta đang gặp khó khăn. Nếu chuyến này không thắng được Lập Bạo ta e giữ thân ta không nổi nữa làm sao mà giữ nàng!

 - Lập Bạo dữ tợn đến thế kia à, chúa công?

 Cha ta nhìn người thiếp trẻ đẹp như tiên dưới ánh đèn, một ý nghĩ bỗng lóe lên trong đầu ông:

 - Nàng là Điêu Thuyền của ta đấy ư? Ừ, tại sao ta không nghĩ đến kế này?

 Thế là người kéo nàng thiếp ngồi xuống bên cạnh mình...



 Mấy hôm sau, gần ngã ba Gia Độ, một vùng dân cư còn thưa thớt, trên bờ sông Thạch Hãn, gần trại của quân Mạc bỗng xuất hiện một quán rượu. Chủ quán rượu là một cô gái trẻ rất thanh lịch, xinh xắn, nụ cười luôn nở trên môi... Đặc biệt là rượu của cô rất ngon, không đâu sánh kịp. Khách hàng tìm đến nườm nượp và không ngớt lời khen ngợi. Không mấy chốc tiếng đồn về cô bán rượu đã tới tai vị chủ tướng anh hùng Lập Bạo. Ông tướng xa nhà lâu ngày trong người hừng hực thèm khát hương vị gia đình bèn thân hành đến quán mong khuây khoa chốc lát. Thấy bậc quí nhân vào quán, cô gái làm một mâm thức nhắm thật ngon với một bình rượu quí bưng ra. Cô hàng nói năng chào mời rất lịch thiệp, khuôn phép khiến ông tướng hài lòng lắm. Cái vẻ đoan trang, xinh đẹp, ăn nói dịu dàng của cô gái đã thật sự chinh phục được lòng cảm mến của ông tướng. Ông thân mật hỏi:

 - Cô em tên gì? Nhà cửa ở đâu mà đến mở quán rượu đây? 

 - Bẩm tướng quân, em tên Diệu Liễu, họ Ngô. Nhà em cũng khá gần đây thôi.

 - Có chồng con chi chưa?

 - Bẩm tướng quân, em là con đầu trong gia đình, cha mẹ nghèo, các em còn nhỏ cả nên em còn phải ở nhà để giúp đỡ cha mẹ, chưa dám nghĩ đến chuyện chồng con.

 - Nếu ta giúp em bỗng lộc để phụng dưỡng cha mẹ, nuôi nấng các em, em có bằng lòng không? 

 - Bẩm tướng quân, em đâu dám phiền ngài đến thế?

 - Phiền gì đâu? Em không hiểu ý ta à? Nếu em chịu theo làm bậu bạn, chia sẻ vui buồn cùng ta trong những lúc quân vụ bận rộn thì ta sẵn sàng lo trọn việc đó thay em. Em nghĩ thế nào?

 - Bẩm tướng quân, làm sao áo mặc qua đầu! Mọi việc phải do cha mẹ em quyết định, em không dám có ý kiến.

 - Hay là thế này - nói đến đây, vị tướng gọi người lính tùy tùng bảo đem đến một túi nhỏ, có lẽ đựng bạc, đặt xuống bàn - Đây là chút quà mọn ta tặng gia đình để phụ vào việc chi dụng. Em hãy trình với cha mẹ lòng thành cầu thân của ta nhé!

 Cô gái cau mặt, tay đẩy túi bạc trả lại, nói:

 - Không được đâu! Tướng quân là người có địa vị, có quyền hành, đứng trên phương diện quốc gia, dĩ nhiên tướng quân là thầy dạy đạo lý cho nhân dân. Nếu tướng quân thật tình thương em, xin tướng quân cho người mang sính lễ đến thưa chuyện với cha mẹ em đàng hoàng, có họ hàng chứng kiến, cho được danh chánh ngôn thuận mới phải chứ đâu phải lấy tiền bạc mà mua chác như thế này?

 Lập Bạo hơi ngượng, ông nói:

 - Ta xin lỗi, em nói phải đấy, chuyện đó không khó gì. Ta sẽ làm cho gia đình em vô cùng vinh dự bằng cách cho một đội binh hùng hậu lễ phục đàng hoàng mang sính lễ đến nhà cầu thân, em bằng lòng chứ!

 Lập Bạo nói xong, nhìn cô gái chờ đợi nụ cười và cặp mắt ngạc nhiên sung sướng lóe lên, nhưng ông chỉ thấy cô gái lắc đầu:

 - Thưa tướng quân, như thế cũng không nên đâu! Người dân quê vốn rất sợ lính tráng, thấy lính hùng hổ vào xóm chắc họ trốn hết thôi. Đám hỏi chỉ cần đi vài chục người là đủ. Được bà con xóm làng tấm tắc khen ngợi cái hình ảnh oai phong lẫm liệt của chàng rể, thế là vinh dự cho gia đình em rồi!

 Viên dũng tướng nghe những lời ngọt lịm của giai nhân, đã quên hết mọi sự cảnh giác đề phòng. Ông hỏi han tánh tình, sở thích, nhu cầu, ước vọng của cha mẹ nàng một cách ân cần. 

 Mấy hôm sau, tướng Lập Bạo cùng mấy chục lính tráng mang lễ vật hiên ngang đi vào một thôn vắng bên bờ sông Thạch Hãn, nơi mà cô gái cho biết có nhà ở của cha mẹ nàng. Nhưng đoàn người đi hỏi vợ đã sa vào ổ phục kích của một đội lính Thuận Hóa. Ông tướng can đảm Lập Bạo và toàn bộ những người cùng đi đều bị tiêu diệt sạch. 

 Thừa thắng, cha ta xua binh đánh cho quân Mạc thua tan tác. Một số bị giết, một số chạy trốn ra truông nhà Hồ ẩn náu làm giặc cỏ, còn bao nhiêu phải đầu hàng.

 Số quân Mạc chịu đầu hàng được cha ta đưa vào khẩn hoang lập được một số làng quanh vùng Cồn Tiên (Tây Bắc Quảng Trị)...

 Nghe cha kể xong, Ngọc Vạn hân hoan nói:

 - Nếu được đặt vào một vị trí thích hợp, con tin rằng con cũng sẽ giúp được một phần trong sự nghiệp của cha ông để không thẹn với những người đi trước!

 Mọi người nghe thế đều vỗ tay hoan nghênh ầm lên. Chúa Sãi nghe cũng lộ rõ nét vui mừng, chúa nhìn Ngọc Vạn gật gật đầu khoái chí. Công nữ Ngọc Khoa thấy vậy cũng nói:

 - Chị Ngọc Vạn góp phần xây dựng cho sự nghiệp của cha ông được thì con cũng góp phần được chứ!

 Chúa Sãi lại nhìn sang Ngọc Khoa cũng gật gật đầu cười:

 - Cũng được lắm! Cứ tin ở mình các con sẽ toại nguyện.

 Ngọc Liên nhìn cha cười nói:

 - Thế là chỉ có con và Ngọc Đỉnh vô dụng!

 Chúa Sãi lại cười:

 - Trâu đi cày, mèo bắt chuột, không ai vô dụng hết. Điều quan trọng là mỗi người phải gắng làm hết bổn phận của mình. Nhưng nếu may mắn có tài lớn, tài lạ thì ta phải cố gắng phát huy, không nên để nó mai một uổng đi! Các con phải biết điều đó.

 Từ đó về sau những khi rảnh rỗi chúa Sãi thường cho gọi Ngọc Vạn đến, cha con bàn luận việc chính trị cổ kim rất tương đắc. 



 Như có một thứ bùa ngải nào đó trợ sức, công nữ Ngọc Vạn ngày càng phát triển một vẻ đẹp huyền hoặc đã làm tê tái lòng bao nhiêu người thấy nàng. Đặc biệt trong vẻ đẹp huyền hoặc ấy lại còn chứa đựng cả vẻ nghiêm trang, lạnh lùng đầy bí ẩn. Rất hiếm khi Ngọc Vạn có một nụ cười. Nàng thông minh, kiến thức rộng rãi nhưng tánh khí có vẻ kiêu bạc, lãnh đạm khác hẳn những chị em gái của nàng đều có phong cách bình dân, bặt thiệp dễ hòa đồng với mọi người... Bởi thế, nhiều khi vương phi phải than thở: "Người dẫu đẹp mấy mà khó tánh đến như Ngọc Vạn, anh chàng nào gặp phải mày rồi cũng khổ!".

 Chương 3

 Ba chiếc thuyền của quan phó tướng Nguyễn Hữu Vinh đã được sắp đặt sẵn. Ông định giữa giờ Thân trời khá mát thì xuất hành. Trời sáng trăng, thuyền đi đêm thì càng tuyệt. Chị em Ngọc Vạn vì quá nôn nao háo hức nên đã chuẩn bị xong mọi việc sớm hơn nhiều. Giữa lúc ánh mặt trời còn gay gắt, các cô đã lăng xăng kẻ xách người túi cùng với vú Minh Nguyệt và đám người hầu lên xe ngựa ra bến đò Dinh Cát. Bến đò vẫn tấp nập thương thuyền ngoại quốc ra vào như mọi ngày. Thấy có hai cỗ xe ngựa chở những người khách sang trọng đến, lũ trẻ reo lên:

 - Xe quan lớn đến! Xe quan lớn đến!

 Mấy người đang túc trực ở thuyền nghe thế lật đật chạy ra đón tiếp:

 - Kính chào quí công nữ!

 Biết đó là người của vương phủ, người nhà của quan phó tướng vồn vã chào hỏi và bưng xách giùm đồ đạc lên thuyền. Vú Minh Nguyệt tươi cười hỏi:

 - Chúng tôi đến sớm quá phải không? 

 - Thưa, Mạc mẫu và vợ chồng phò mã chưa đến nhưng anh em công tử Đình Huy lại đến lâu rồi!

 Công nữ Ngọc Vạn nghe như vậy ngạc nhiên hỏi:

 - Các công tử nào thế?

 - Dạ thưa công nữ, đó là hai anh em họ Trần, cháu gọi Mạc mẫu bằng cô ruột. Hôm nay Mạc mẫu gọi họ cùng đi chơi cho vui.

 Ngọc Vạn đã từng nghe Mạc mẫu có hai người cháu gọi bằng cô, người cháu lớn khá nổi tiếng về văn chương. Nàng nhớ loáng thoáng hình như chàng trai này có tên trong số những thiếu niên mà phụ vương nàng từng nhắc đến như một ứng viên để ngài kén rể. Nàng tò mò muốn gặp một lần cho biết hư thật về tiếng đồn. Ở Thuận Hóa bấy giờ hạng vương tôn công tử khá nhiều nhưng rất ít ai nổi tiếng về mặt nào. Đình Huy là người ra sao? Chàng ta cũng đi chơi trong chuyến ấy sao chị Ngọc Liên lại không nói cho chị em nàng biết trước? Dầu sao thì hôm nay nàng cũng sẽ gặp chàng, coi như một danh sĩ, đó cũng là một điều thú vị. Công nữ vừa nghĩ đến đây thì bỗng nghe một giọng thanh niên nói:

 - Tiểu sinh xin kính chào quí công nữ!

 Trước mặt Ngọc Vạn là một thanh niên cao lớn rắn chắc, gương mặt trắng trẻo đẹp đẽ với cặp mắt nhung sáng ngời, linh hoạt khác thường. Chàng đấy ư? Theo như bọn người nhà Mạc mẫu nói thì ở đây chỉ có hai công tử họ Trần tới trước, vậy nếu không phải công tử họ Trần thì là ai? Ngọc Vạn cứ e mình nghĩ không đúng. Trong đầu nàng đinh ninh Trần công tử là một thư sinh mảnh khảnh trói gà không chặt, ai ngờ chàng lại hoàn toàn tương phản thế này! Ngọc Vạn nhỏ nhẹ đáp lễ:

 - Chào thầy! Chắc thầy đây là Trần công tử?

 - Không dám, tiểu sinh tên gọi là Trần Đình Huy.

 Ngọc Vạn nhìn chàng thanh niên với ánh mắt đầy thiện cảm:

 - Hân hạnh được biết công tử! Công tử khiêm nhường quá. Danh tiếng của công tử ở đất Thuận Hóa này thật đã nổi như cồn!

 - Công nữ quá khen làm tiểu sinh thêm thẹn! Thật ra tiểu sinh chỉ là hạng ếch ngồi đáy giếng đâu có gì đáng kể!

 Đình Huy vừa chỉnh lại tấm ván bắc từ bờ sông qua thuyền cho mấy công nữ bước lên vừa liếc nhìn cô gái. Chàng ngẫm nghĩ: "Đúng là trang quốc sắc có một không hai! Hân hạnh thay cho anh chàng nào được chọn làm phò mã!"

 - Chiếc thuyền này phó tướng dành cho quí công nữ. Xin cẩn thận khi bước lên kẻo trợt té! Mời quí công nữ vào trong nghỉ kẻo trời còn nắng quá.

 Các công nữ đều nhìn vào chiếc thuyền nhưng không cô nào vội bước lên. Ngọc Vạn hỏi Đình Huy:

 - Thế Mạc mẫu và vợ chồng phò mã đi chiếc nào?

 - Chiếc kia, thưa công nữ! Còn anh em tôi sẽ đi cùng thuyền với mấy chú lính. - Đình Huy vừa chỉ chiếc thuyền đậu kế cận vừa đáp.

 Mọi người cùng đứng nhìn cảnh sinh hoạt tấp nập của bến đò. Khách thương ngoại quốc cũng khá nhiều, có cả ít người da trắng lẫn da đen, ăn mặc rất lạ mắt. Chỗ này chuyển hàng lên, chỗ kia đưa hàng xuống, ngựa xe lui tới rộn rịp. Công nữ Ngọc Khoa nhìn quanh một hồi rồi nói:

 - Cảnh sinh hoạt ở bến đò nhộn nhịp quá. Đi buôn xa chắc vui lắm, em thấy người khách buôn nào cũng luôn tươi cười.

 Nghe câu nói ngộ nghĩnh của em, Ngọc Vạn nói:

 - Thương nhân có cái thú được đi đây đi đó, có nhiều cơ hội tới được nhưng xứ sở xa lạ, tìm được những món hàng hiếm quí, nhưng không phải lúc nào đời họ cũng vui sướng như thế đâu! Biết bao người vì ham làm giàu ở phương xa mà bỏ bê gia đình để xảy ra chuyện tệ hại, có lúc phải ôm vàng mà khóc... Lại nữa, không phải chuyến buôn nào cũng ôm lợi về cả đâu! Nào khi tàu đắm chìm hàng, nào khi gặp giặc giã cướp bóc, nào khi đau ốm dọc đường không người thân chăm sóc, nào khi xuân về tết đến nằm nơi quán trọ thèm khát cảnh ấm cúng gia đình, thương nhân cũng lắm lúc buồn khổ lắm chứ em.


 Đình Huy nghe công nữ Ngọc Vạn nói chuyện có vẻ hay hay, cũng định góp chuyện cho vui. Nhưng chàng chưa kịp mở lời thì Mạc mẫu và vợ chồng phò mã Hữu Vinh đến, bèn thôi. Thế là ai nấy chuẩn bị lên đường.

 Cuộc hành trình bắt đầu tương đối êm xuôi. Nhưng từ khi thuyền từ cửa Việt men theo duyên hải để vào tới cửa Thuận An thì khá mệt. Dù thuận buồm xuôi gió, chỉ đoạn đường biển giữa hai cửa sông ấy, thuyền cũng đi mất hơn hai ngày hai đêm. Đến trưa ngày mười bốn thì thuyền đến địa phận Hương Phố. Phó tướng Hữu Vinh cho biết thuyền sẽ ghé bến khá lâu để mọi người có thể lên chợ mua sắm thêm thức ăn, đồ đạc và một số sinh vật để thả (phóng sinh). Ai nấy đều hân hoan vì ngồi liền trên thuyền đã hơn hai ngày cũng khá chán.

 Hương Phố bấy giờ được coi như một thị trấn nhỏ. Dân cư vùng này khá đông đúc, đa số sống nghề nông. Gần bến đò có một ngôi chợ khá lớn. Đây là địa điểm mà dân chúng các thôn ấp dọc hai bên sông Kim Trà thường ngày tới lui mua bán. Thỉnh thoảng thuyền buôn nước ngoài cũng ghé lại nơi này để trao đổi hàng hóa. Thuyền thường đậu cả hai bên bờ trên một đoạn sông khá dài.

 Vừa bước chân ra khỏi thuyền, mọi người đều đứng sửng lại. Một tòa thuyền hoa trang trí lộng lẫy lồ lộ trước mắt họ. Tòa thuyền hoa được tạo bởi ba con thuyền lớn đặt song song, dùng dây thừng kết lại với nhau. Người ta lát ván ở mặt trên thuyền tạo thành một cái sàn hình chữ nhật khá rộng. Chung quanh sàn lại đóng một cái khung bằng gỗ. Bên trên khung căng mấy tấm vải lớn làm mui, trung tâm sàn dựng một cây gỗ cao chống giữa mui thuyền tạo thành một hình chóp có bốn mái hình tam giác. Phần dưới thì đóng một thành lan can để người trên thuyền có thể dựa vịn. Các góc cạnh trên mái đều được căng dây để treo hoa giấy nhiều màu sắc khác nhau. Khung thành cũng được căng dây để kết hoa cùng treo lồng đèn trang trí đẹp mắt vô cùng. Nhiều người địa phương, phần đông là trẻ con, đang đứng gần đó ngắm nhìn say sưa. Có hai người lính lui tới canh chừng không cho người nào lại gần thuyền quá. Trong khi mọi người đang đứng xem thì phò mã Nguyễn Hữu Vinh bước đến nói chuyện với hai người lính. Sau đó, ông trở lại nói với những người cùng đi:

 - Thôi, chúng ta ai muốn lên chợ thì đi, ai không thích đi thì dạo quanh bến đò, ai mệt thì trở vào thuyền nghỉ.

 Ai cũng muốn lên chợ một vòng cho biết. Công nữ Ngọc Khoa tuy quay bước đi nhưng mắt vẫn không rời khỏi tòa thuyền hoa, luyến tiếc hỏi:

 - Không biết đây là thuyền của ai nhỉ? Nếu chúng ta được đi chơi bằng thuyền này thì tuyệt biết mấy!

 Phó tướng Nguyễn Hữu Vinh cười:

 - Của ai cũng như của mình, còn đó. Chợ Hương Phố cũng đẹp lắm và gần đây thôi, chúng ta có thể đi bộ được. Giờ ta hãy đi xem chợ và mua sắm cho kịp rồi chốc nữa trở lại nhìn ngắm sau cũng không muộn.

 Nói rồi phó tướng đi trước và mọi người cùng theo. Họ vừa đi vừa trầm trồ bình phẩm về tòa thuyền lầu.

 Đến chợ, các công nữ rảo quanh xem hàng ra vẻ thích thú lắm. Đây là lần đầu trong đời các cô bước chân vào chợ nên cái gì đối với các cô cũng lạ mắt. Dân chúng đang mua bán biết đây là những người quyền quí từ Dinh Cát đến nên đều tò mò nhìn theo họ. Ngọc Khoa thấy vậy lo sợ, hỏi:

 - Chị Ngọc Vạn à, sao nhiều người cứ nhìn nhìn mình, em ngại quá. Có khi nào họ tấn công mình không chị?

 Ngọc Vạn cười:

 - Ai mà dám vuốt râu hùm chứ! Em cứ yên chí đi xem chợ cho đã con mắt. Chúng ta không dễ gì còn dịp khác để đi thế này đâu!

 Ngọc Đỉnh lại nói:

 - Cái gì ở đây cũng hay hay hấp dẫn cả nhưng không hiểu sao lại có cái mùi gì hơi khó chịu làm em buồn nôn chị ạ!

 Ngọc Vạn nói:

 - Chị cũng thấy vậy, nhưng không hiểu mùi gì.

 Đình Huy giải thích:

 - Đó là mùi cá ươn do nước nhớt dãi từ thân cá bị khô đi bốc hơi mà gây nên. Nó thường phát sinh từ hàng cá. Quí công nữ không mấy khi đến chợ nên thấy khó chịu chứ đối với dân chúng, mùi này họ quen lắm.

 Trong khi vợ chồng phò mã Hữu Vinh, các công nữ và anh em Đình Huy đi xem chợ thì Mạc mẫu dẫn những người hầu tìm lựa mua các con vật sống để đem về chờ phóng sinh.

 Khoảng nửa chiều thì đoàn du khách trở về thuyền. Phò mã Hữu Vinh vui vẻ nói với mọi người:

 - Bây giờ ai muốn đi chùa Thiên Mụ bằng chiếc thuyền hoa kia?

 Mọi người nhao nhao lên:

 - Ai lại không muốn chứ!

 Phò mã tươi cười nói tiếp:

 - Vậy, chúng ta có thể mang đồ đạc của mình sang thuyền hoa!

 Mọi người đều ngạc nhiên ngỡ là phò mã nói đùa. 

 - Thật đấy - phò mã quay sang mấy người hầu - các người hãy chuyển đồ đạc sang thuyền hoa đi!

 Khi ấy mọi người mới biết đó là thuyền hoa do phò mã cậy người lo sẵn. Ai nấy đều vui vẻ ra mặt. Sau đó phò mã tự mình lo sắp đặt cẩn thận chỗ nghỉ trên thuyền cho mọi người. Phò mã cũng phân chia đám lính và những người hầu ai lo việc nấy hẳn hòi. Ông quyết định cho thuyền khởi hành vào giờ Tuất.

 Lúc gần tối, phò mã cho thắp các lồng đèn lên một loạt. Cả chiếc thuyền hoa với bao nhiêu hoa giấy đủ màu, với ánh trăng rọi xuống, với ánh lửa lập lòe trong các lồng đèn cùng ánh nước sông phản chiếu lẫn nhau, tạo thành một khối ánh sáng đẹp tuyệt vời. Dân địa phương chen chúc nhau đến xem đông lắm. 

***

 Phò mã dùng cả thảy hai chục người lính thay nhau chèo. Ông còn cho bọn lính dùng riêng một chiếc thuyền khác để họ chở đồ đạc và làm chỗ nghỉ. Đêm ấy trăng sáng vằng vặc, trời cao sao thưa. Thuyền đi rất thong thả, không khí trên sông mát mẻ lạ thường. Các thứ hoa hai bên bờ về đêm tỏa hương ngan ngát. Khách trên thuyền cảm thấy ngây ngất dễ chịu tưởng chừng như đang lạc vào chốn đào nguyên. Cả một dòng sông Kim Trà về đêm hình như chứa toàn mùi hương. Có lẽ đó là lý do khiến về sau người ta đổi tên nó thành ra sông Hương chăng? Người trên thuyền mặc dầu đều thức ngủ xuyên đêm nhưng ai cũng rất tỉnh táo. Trăng quá sáng, lại thêm tiếng khua động của mái chèo, làm một số chim, thú hai bên bờ ngỡ trời sáng thật, thức dậy sinh hoạt xôn xao. Tiếng gà rừng gáy, tiếng sóc kêu, tiếng vượn hú hai bên bờ tạo một âm thanh chan hòa nghe thật vui tai... Thình lình Đình Vụ kêu lớn:

 - Anh Huy này, giống ông voi đang uống nước kia kìa!

 Mọi người đều nhìn theo tay chỉ của Vụ. Đó là một khối đá lớn đen thùi lùi nằm sát bờ có hình dạng như một con voi đang cúi đầu xuống nước thật. Ngọc Vạn nói:

 - Tảng đá lớn đó chứ voi gì mà voi!

 Mạc mẫu hoảng hốt xuýt xoa:

 - Các cháu đừng nói mấy tiếng đó, không nên, phải gọi là "mệ" mới được. Đây là giang sơn của các "bọ" các "mệ", các cháu phải biết nhập gia tùy tục đáo giang tùy khúc. Nếu không biết kiêng cữ tai vạ có thể đến liền. Cháu phải nhớ nghe không Vụ?

 Rồi Mạc mẫu lầm thầm khấn:

 - Lạy các "bọ" các "mệ", các cháu trẻ người non dạ lỡ lời xúc phạm xin các "bọ" các "mệ" bỏ qua cho.

 Đình Vụ nghe cô nói thì sợ im thin thít. Quan phó tướng lặng lẽ mỉm cười. Những người khác đều có vẻ ngạc nhiên vì những lời của Mạc mẫu. Không dằn được tính tò mò, Ngọc Vạn nói:

 - Xin phu nhân nói rõ cái gì là "mệ" cái gì là "bọ" cho chúng cháu biết với!

 Mạc mẫu ra vẻ bất đắc dĩ phải giải thích:

 - Những người đi rừng lúc nào cũng phải biết thân phận nhỏ nhoi của mình. Họ tuyệt đối tôn trọng luật rừng, cần cái gì cũng phải van vái xin được mới lấy, không bao giờ dám tham lam lấy cắp. Dù gặp của quí như trầm hương, quế chi, cũng chỉ lấy vừa phải, không được ham hố lấy nhiều. Nếu bất tuân, thần rừng sẽ phạt như lấy lại của bằng cách xui khiến bệnh hoạn, đôi khi nặng lắm thì hại đến tính mạng. Ngoài ra, người đi rừng phải tôn trọng những vị thay mặt thần rừng để cai quản muôn vật, đó là các vị mà ta gọi là "bọ" và "mệ". "Bọ" là cái ngài trông giống loài mèo nhưng to lớn và khỏe hơn mèo vạn lần. Ngài "bọ" có thể bắt bất cứ loại thú nào, có khi bắt cả người nữa, giống như mèo bắt chuột để ăn thịt vậy. Ngài "bọ" cũng có thể vật ngã một con trâu lớn hơn ngài nhiều và dùng vuốt móc yết hầu làm con trâu chết tức khắc. Người đời còn gọi các "bọ" là ông "hùm", ông "ba mươi" chứ không dám gọi tên thật. Còn "mệ" là cái ngài lớn hơn cả những con trâu lớn nhất, có sức mạnh vô cùng. Các "mệ" có thể dùng vòi vít trúc gốc những cây rất lớn trong rừng. Gặp cây gốc quá cứng, các "mệ" cùng nhau xuống suối dùng vòi hút lấy nước đem lên tưới gốc cho đất mềm ra rồi dùng vòi vít cành. Các "mệ"đã muốn vít thì cây lớn tới mức nào rồi cũng phải đổ. Xúc phạm đến các "bọ" các "mệ" để các "bọ" các "mệ" giận lên thì coi như rồi đời...

 Ngọc Vạn chăm chú nghe có vẻ lý thú. Đình Huy cũng gật gật cười cười. Đình Vụ thấy cô không còn làm nghiêm với mình nữa thì thưa:

 - Bây giờ thả rùa thả cá xuống nước được chưa cô?

 Phò mã Hữu Vinh thay mẹ trả lời:

 - Chưa được đâu. Mình phải đợi đến chùa Thiên Mụ thuyền cập gần bờ mới nên thả. Cá, rùa đều đã bị nhốt nhiều ngày rất yếu sức, nếu thả xuống nước sâu dễ bị đồng loại ở sẵn nơi đây tấn công, chúng sẽ không đủ sức chịu nổi.

 - Thế thả chim được chưa?

 - Cũng chưa nên. Đợi trời sáng hẳn đã. Thả bây giờ ra ngoài trời chúng có thể yếu sức chưa bay xa được, lại nhá nhem đậu nhằm những chỗ không an toàn, dễ bị loài chim dữ rất sáng mắt như chim cú, chim cắt hoặc chồn chuột làm hại chúng mất.

 Đình Huy nói đùa:

 - Bây giờ tất cả thú rừng ở vùng này hẳn ngạc nhiên khi thấy một khối sáng khổng lồ đang lù lù đi ngược giòng sông. Chắc chúng thắc mắc hỏi nhau cái khối gì mà đẹp đến thế nhỉ?

 Ngọc Vạn nói:

 - Có con sẽ nói đây là một ngôi sao trên trời rơi xuống!

 Phò mã Hữu Vinh nghe thế cũng cười đùa:

 - Nhưng một con thú thông minh nhất sẽ trả lời: "Cái khối ấy sở dĩ sáng đẹp như thế là nhờ trên đó hiện có một nàng tiên và một thiên thần!"

 Đình Vụ ngây thơ nói:

 - Phải rồi, đối với các giống thú thì người mình là tiên, là thiên thần hết thảy!

 Phò mã cười lớn:

 - Em chưa thể hiểu về chuyện tiên thần đâu! Em có biết nàng tiên và vị thiên thần trên thuyền hiện giờ là ai không? Phải đợi khi em lớn như anh Đình Huy rồi hãy bàn chuyện này phải không Đình Huy?

 Phò mã nói xong lại nhìn Đình Huy mà cười. Mạc mẫu nghe thấy như thế cũng hội ý cười thầm. Nhưng những người khác thì có vẻ ngơ ngác dường như không hiểu. 

 Thuyền đi thêm một lúc nữa thì trời chớm bình minh, cây cối hai bên bờ dần dần hiện rõ hình. Đình Vụ sung sướng không cần hỏi ai nữa, tự động lôi mấy lồng chim ra. Mọi người không ai kêu ai cũng đồng tình bắt chước Đình Vụ. Ngọc Vạn là người đầu tiên mở cửa lồng, thò tay bắt con chim sáo bên trong để đứng trên bàn tay mình rồi hất tung lên:

 - Mày yêu thiên nhiên thì hãy trở về với thiên nhiên!

 Con chim sáo bay vút lên trời phút chốc sau thì mất dạng.

 Mọi người đều lần lượt theo nhau làm như thế. Có vài con có lẽ khựng cánh bay không nổi phải đậu tạm nhiều chỗ. Chỉ một chốc, gần bốn chục con chim lớn nhỏ thuộc nhiều giống đã trở về với thiên nhiên sau một thời gian bị giam cầm...

 Cho đến nửa buổi sáng ngày rằm thì thuyền gần đến chùa Thiên Mụ. Lúc bấy giờ cả hai bờ đoạn sông ấy còn lau lách cây cỏ rậm rạp quá. Lại nhằm vào ngày lễ Vu Lan nên dân chúng về chùa dự lễ bằng thuyền cũng khá nhiều. Những chỗ thuyền có thể cập bờ để người lên bộ đã có thuyền dân choán hết. Thuyền hoa của phó tướng quá lớn, lại không muốn phiền dân nên ông phải cho tạm neo một nơi không có lối lên. Người trên thuyền sẽ được chiếc thuyền chở lính đưa lên bờ sau. Trong khi chờ đợi, ngoại trừ Mạc mẫu và vợ chồng quan phó tướng, mọi người bắt đầu lấy mấy giỏ cá ra thả. Thay vì có thể nghiêng thùng cho để trút cá xuống sông, ai cũng muốn tự tay bắt ra từng con để thả, để tìm cái cảm giác, cái hứng thú của kẻ phóng sinh. Quả thật đây là một trò giải trí đầy công đức. Nhiều con cá vừa được thả xuống nước liền quẫy đuôi một cái là lặn mất tiêu. Nhưng có con khi thả xuống còn đứng ngẩn ngơ một hồi lâu như luyến tiếc rồi mới từ từ bơi đi... 

 Chiếc thuyền chở lính cập bến để những người lính lên bờ trước. Họ chia nhau tuần hành canh chừng các hướng các nẻo. Tiếp đó, thuyền trở lại đón những người trong thuyền hoa. Mạc mẫu nói với mọi người:

 - Bây giờ ta và vợ chồng phò mã cần lên bờ trước để sắp xếp việc vào chùa. Các người cứ thong thả làm việc phóng sinh. Chốc nữa, ai muốn vào lễ Phật thì vào lễ, ai không vào thì cứ dạo quanh ngoạn cảnh chờ chúng ta. Nhưng nên nhớ, đây là vùng đất thiêng, phải giữ gìn cẩn thận từng lời ăn tiếng nói đấy!

 Mọi người đều vâng dạ rồi tiếp tục việc phóng sinh. Thả hết cá thì tới thả ếch. Những con ếch người ta đã dùng dây cột ngang eo, vừa mở dây ra để xuống ván thuyền là các chú phóng mất dạng liền.

 Sau cùng thì mọi người xúm lại thả giỏ rùa, lớn nhỏ cả thảy năm con. Giống rùa cử động, di chuyển chậm chạp, thường sống những nơi rậm rạp, ẩm ướt. Tuy thế, rùa cũng có thể bơi lặn dưới nước dễ dàng. Rùa có sức mạnh, chịu đựng dẻo dai, nhịn đói giỏi. Những khi gặp nguy, rùa chỉ biết tự vệ bằng cách rụt đầu vào trong cái mai cứng của mình và nằm yên như một cục đá. Bởi thế, các giống thú ăn thịt không làm gì rùa được. Nhưng nếu gặp phải con người, trừ trường hợp dưới nước, rùa thường bị bắt rất dễ dàng. Chỉ cần hất ngược cho rùa nằm ngửa ra là coi như xong, rùa sẽ nằm chỏng bốn chân chới với tại chỗ. Cái mai của rùa tuy cứng nhưng phần ngoài rìa của cái mai thường mềm và giòn, nhất là phần sau. Người ta có thể dùng một cái gì hơi cứng, như que củi nhọn chẳng hạn, là có thể đâm thủng rìa mai được. Khi bắt được rùa, người ta không cần trói chân trói cổ mà chỉ dùng một sợi dây xâu qua lỗ thủng đó là buộc giữ được rùa. Ta có thể cầm sợi dây đó để xách rùa lên hay buộc vào chỗ nào tùy ý. Muốn thả rùa, chỉ cần để nó nằm ngửa rồi mở sợi dây buộc phần sau mai rùa ra, lật lại cho nó nằm sấp tự nhiên nó sẽ tự tìm đường thoát thân. Nếu ta không lật, rùa sẽ cử động bốn chân quay mình một hồi rồi cũng tự lật được. Bốn con rùa được đem ra trước, sau khi được mở dây xong và lật sấp lại là vội vàng bò đi trong nháy mắt bất cứ về phía nào, ra khỏi ván thuyền là nó nhào xuống nước. Đến con cuối cùng, không hiểu sao sau khi mở dây và lật sấp lại, nó vẫn thu đầu đứng yên một chỗ. Công nữ Ngọc Vạn thấy vậy đưa tay rờ rẫm vào lưng rùa:

 - Chúng ta đã tha cho mi trở về với đầm hồ đồng ruộng sao mi không chịu đi?

 Con rùa vẫn đứng yên, cái đầu lúc này chỉ hơi thập thò. Ngọc Vạn tiếp tục vuốt ve con vật:

 - Hay mi bị bệnh chăng?

 Đình Huy nãy giờ vẫn đứng nhìn Ngọc Vạn thả rùa, thấy thế cảnh giác:

 - Công nữ coi chừng kẻo nó cắn! Tôi nghe nói nó cắn thì dữ dội lắm đó!

 Nhưng Đình Huy nói chưa hết lời thì Ngọc Vạn bất thần hét lên đau đớn. Ai nấy đều hoảng hốt xúm lại. Con rùa đang ngậm cứng ngón tay giữa ở bàn tay phải của Ngọc Vạn. Ngọc Khoa, Ngọc Đỉnh đều đứng trố mắt nhìn, mặt mày tái mét. Bà vú Minh Nguyệt cũng không biết xử trí như thế nào. Đình Huy bất giác quên cả kiêng dè, liền sấn tới gần Ngọc Vạn, một tay cầm lấy thân con rùa nâng lên, tay còn lại nắm bàn tay bị rùa cắn giúp nàng lôi ngón tay ra. Nhưng Ngọc Vạn không rút được ngón tay mà lại càng kêu rên thảm thiết. Bất đắc dĩ, Đình Huy phải bóp cổ con rùa để mong nó nhả. Nhưng con rùa vẫn ngậm cứng cái vật nó đã bắt được. Ngọc Vạn càng vặn mình vật vã vì quá đau đớn. Một anh lính già cầm một cái dao sắc chạy lại nói:

 - Xin lỗi công nữ, chỉ có cách này may ra cứu được ngón tay công nữ! Công tử hãy kéo dài cái cổ nó ra!

 - Ráng chịu đau! Công nữ hãy ráng chịu đau! - Đình Huy nói với Ngọc Vạn.

 Ngọc Vạn đau đớn quá càng hét lên và bất giác nàng ngã vào người Đình Huy. Đình Huy liền căng cổ con rùa ra thêm. Người lính nhanh nhẹn đưa dao cắt xoẹt một cái. Thế là chỉ còn cái đầu rùa dính tòn teng trên ngón tay Ngọc Vạn. Nàng rút tay lại vừa rên vừa thổi. Đình Huy bảo vú Minh Nguyệt kiếm cho chàng một con dao nhỏ. Chàng cầm bàn tay Ngọc Vạn, khéo léo xẻ từng chút cái cổ con rùa cho đến khi công nữ lấy được cái ngón tay rướm máu nhầy nhụa bọt nhớt ra... 

 Người lính già cắt đầu con rùa nhìn nàng công nữ vẫn còn xuýt xoa trong tay chàng trai đẹp đẽ rắn rỏi ấy, cố ghìm lại một nụ cười, nói hài hước:

 - Thế là ai nấy đều tạo được phước trong hôm nay, ai cũng phóng sinh, riêng tôi lại mang tội lớn một mình - tội sát sinh! Không biết rồi công nữ có thưởng công cho tôi không đây?

 Nhiều người hội ý cùng cười với người lính. Vú Minh Nguyệt cũng cười, nói:

 - Ông đừng lo, nếu công nữ có quên tôi nhắc cho!

 Công nữ Ngọc Vạn cũng hiểu những lời nói qua nói lại ý nhị đó, nàng nhẹ rút tay khỏi tay Đình Huy, quay sang nói lãng với vú Minh Nguyệt:

 - Vú kiếm thuốc cho con mau đi!

 Sau khi rửa thật sạch sẽ ngón tay cho công nữ, vú Minh Nguyệt bèn lấy thuốc rịt ngón tay ấy lại cho nàng. Nhưng ngón tay nàng cứ sưng dần lên làm nàng phải cầm nó vừa thổi vừa rên. Bận bịu vì chuyện đó nên rồi mọi người chỉ dạo quanh ngắm cảnh sơ lược bên ngoài chứ chẳng ai vào chùa cả.

 Mạc mẫu cùng vợ chồng quan phó tướng sau khi lễ Phật xin xăm xong, đợi sốt ruột không thấy ai trong toán Ngọc Vạn vào chùa bèn trở xuống thuyền. Khi nghe biết mọi sự việc xảy ra, Mạc mẫu cầm tay Ngọc Vạn xem xét:

 - Chắc nhức nhối lắm hả, công nữ ráng chịu khó đi. Phải về nhà mời thầy tới cho thuốc mới chóng đỡ được.

 Mạc mẫu quay lại nói với mọi người:

 - Ngày phóng sinh mà cũng phải sát sinh, đáng tiếc! Đây cũng là một cái điềm không hay. Thôi, chúng ta sửa soạn ra về!

 Ai nấy đều ngạc nhiên vì quyết định của Mạc mẫu. Phò mã hỏi:

 - Chúng ta không thể đi điện Hòn Chén nữa hả mẹ?

 - Thôi, không nên đi nữa. Người ta nói gặp mã thì đi, gặp qui thì về mà! Công nữ bị rùa cắn tức là chúng ta gặp qui rồi, đi nữa không tốt đâu. Lại nữa, nếu không về lo thuốc men kịp cho công nữ, lỡ ngón tay làm độc thì càng khốn.

 Thấy mọi người có vẻ không hài lòng, Mạc mẫu nói tiếp: 

 - Vẫn biết từ đây lên điện Hòn Chén không còn bao xa, nhưng chẳng lẽ lên tới nơi trở về liền? Đã lên thì phải vào xin lễ, rồi lại phải đi quanh ngoạn cảnh, trong khi đó có một người đang chịu đau đớn phải ráng chờ đợi, phỏng có nên không? Rồi nếu ngón tay công nữ xảy ra thế nào thì ta biết ăn nói sao với nhà chúa?

 Thế là phò mã cho thuyền quay trở về. Ai nấy đều tiếc rẻ một cuộc du ngoạn không tới nơi tới chốn như dự tính.

 Khi thuyền về đến Hương Phố, phò mã Hữu Vinh bèn nhờ cai đội Lê Dư hỏi mướn xe ngựa để Mạc mẫu và các công nữ về Dinh Cát trước bằng đường bộ. Vợ chồng ông và anh em Đình Huy thì tiếp tục về bằng đường thủy.

***

 Chị em Ngọc Vạn về thủ phủ sớm hơn sự dự tính ba ngày. Vương phi đang dạo vườn bỗng thấy các con vào, bà ngạc nhiên hỏi:

 - Sao các con về sớm thế? Ngoạn cảnh chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén thấy thế nào kể cho mẹ nghe với!

 Ngọc Đỉnh nhanh nhẩu cười đáp:

 - Gặp mã thì đi gặp qui thì về thưa mẹ!

 Vương phi cười hỏi lại:

 - Con muốn nói gì mẹ không hiểu?

 . Chị Ngọc Vạn bị rùa cắn suýt đứt ngón tay nên Mạc mẫu bắt trở về sớm, vì thế chúng con không đi viếng điện Hòn Chén được mẹ ạ!

 Vương phi liền kêu Ngọc Vạn đến hỏi chuyện đã xảy ra thế nào. Vú Minh Nguyệt  bèn tường thuật đầu đuôi cho vương phi nghe. Vương phi cầm tay Ngọc Vạn coi kỹ thấy không đến nỗi nào thì cười nói:

 - Tội nghiệp con bé của mẹ, đây là lần đầu tiên trong đời mẹ thấy chuyện rùa cắn. Hay là con có duyên số chi với chàng họ Trần kia chăng? Khi người con gái đi lấy chồng gọi là vu qui, nay con bị qui cắn phải chăng là điềm con sắp vu qui?

 Ngọc Vạn tuy đang tuổi dậy thì, xinh đẹp nhưng thường rất nghiêm nghị, ít nói ít cười, không thích nói đến chuyện đàn ông. Lâu nay vương phi vẫn muốn tìm được một đối tượng xứng đôi vừa lứa để nàng trao thân gởi phận. Bà vẫn theo dõi để ý trong đám thiếu niên con cháu các quan viên văn võ nhưng chưa thấy ai trọn vẹn cả tài lẫn nết như gã Đình Huy này. Giờ lợi dụng việc ấy, phi bèn thử ướm ý con gái xem sao. Ngọc Vạn e thẹn nói:

 - Con bị con vật cắn đau nhức chưa hết thế này sao mẹ lại nỡ đùa con?

 Vương phi cười:

 . Thì con lên mười bảy tuổi rồi cũng lo kiếm nơi kiếm chốn chứ còn đợi gì nữa? Theo mẹ nghĩ, chỗ ấy cũng xứng đáng lắm chớ! 

 Ngọc Khoa nói chêm vào:

 - Phải đấy mẹ, chàng ấy đẹp như một thiên thần mẹ ạ!

 Vương phi cười hỏi Ngọc Vạn:

 - Trần công tử đẹp trai lắm hả con?

 Ngọc Vạn sực nhớ đến câu nói đùa của phò mã Hữu Vinh khi đi trên thuyền hoa "Cái khối ấy sở dĩ sáng đẹp như thế là nhờ trên đó hiện có một nàng tiên và một thiên thần!". Vậy nếu chàng là thiên thần thì nàng tiên là ai? Nàng đỏ bừng mặt nguýt em:

 - Em không nên nói xằng như thế! 

 Vương phi cười rồi quay sang nói với vú Minh Nguyệt:

 - Vú hãy mời Tống đại phu sang coi vết thương cho cháu nhé!

 Thật sự vết thương ở ngón tay công nữ Ngọc Vạn không có gì đáng kể. Nó có đau nhức một chút, nhưng giống rùa vốn không có độc và cũng không đủ sức làm thương tổn đến xương cho nên chỉ rịt thuốc sơ không bao lâu thì lành hẳn. 



 Nhưng vết thương ngón tay của công nữ lành thì vết thương lòng của công nữ lại chớm phát. Những lời nói đùa gợi ý của vương phi đã thật sự đánh động được tâm lý của Ngọc Vạn. Hình ảnh chàng thư sinh họ Trần vừa có vẻ hào hoa phong nhã vừa có vẻ mã thượng phong trần đã gây một cơn gió lạ thổi vào tâm hồn nàng. Mẹ nàng nói có lý: Con người đó rất xứng đáng để nàng trao thân gởi phận. Trong số vương tôn công tử tại triều không ai hơn chàng được. Và nàng bắt đầu tơ tưởng...

***

 Sau chuyến du ngoạn ở chùa Thiên Mụ về, Đình Huy cũng đâm ra mất ăn mất ngủ. Sắc đẹp huyền hoặc của nàng công nữ liên tục ám ảnh tâm trí chàng. Cả tiếng khóc, tiếng thét của nàng cũng như trở thành những âm vang tha thiết réo gọi tự con tim người con gái mới lớn. Lần đầu tiên trong đời, Đình Huy cảm thấy trong người chàng đang nẩy sinh một nhu cầu mới vượt xa những nhu cầu hiện tại. Dường như gương mặt ngây thơ dịu hiền, giọng nói tiếng khóc thê thiết mà ngọt ngào êm ái của nàng công nữ... lúc nào cũng mơ hồ vang vọng bên tai chàng.

 Trần Đình Huy tuy còn trẻ nhưng đã khá nổi danh về học vấn, giới tai mắt ở Thuận Hóa đều nghe biết. Thân phụ chàng là ông Trần Cửu Lang đã mất ở Đàng Ngoài trước khi anh em chàng vào sống ở xứ Đàng Trong. Dòng dõi Trần Cửu Lang vốn theo nghề võ đã nhiều đời nổi tiếng với những miếng võ gia truyền bí hiểm. Người ta không hiểu sao đến đời ông, ông lại không truyền võ cho con ông và bắt con ông phải chuyển sang học văn. Chính bản thân ông Cửu Lang cũng xin về vườn rất sớm giữa khi con đường công danh binh nghiệp của ông đang lên phơi phới. Về sau, khi ông Cửu Lang bị đầu độc chết một cách đột ngột, anh em Trần Đình Huy được thầy đồ Bảo Ninh đùm bọc dạy dỗ rồi lén đưa vào Thuận Hóa ở với Mạc mẫu. Thầy đồ Bảo Ninh tên thật là gì cũng chẳng mấy ai biết, nghe ông tự xưng Bảo Ninh thì người ta cũng gọi như thế thôi. Có điều chắc chắn thầy là người học thức rộng, có tư cách, ai cũng nể trọng. Từ lúc vào Thuận Hóa thầy vẫn sống bằng nghề gõ đầu trẻ. Tiếng gõ đầu trẻ chỉ dùng theo thói quen, thật ra hồi bấy giờ có rất nhiều anh học trò đã có vợ con đàng hoàng vẫn cắp sách đến trường. Thời kỳ các chúa Nguyễn trị vì Đàng Trong, nhà nước không mở trường công lập. Các thầy đồ tùy khả năng được tự do mở các trường tư ở nơi nào thuận tiện. Nhà nước chỉ việc tổ chức các khoa thi để tuyển chọn nhân tài. Thầy Bảo Ninh chỉ mới qua đời hơn một năm nay. 

 Mạc mẫu tức Trần Thị là chị ruột của ông Cửu Lang. Bà là vợ ông Mạc Cảnh Huống, một danh thần của nhà Lê, vì thế người ta quen gọi bà là Mạc mẫu. Khi Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng được lệnh vào trấn thủ đất Thuận Hóa, ông Huống là một trong những người đầu tiên đã tình nguyện đem cả gia quyến đi theo. Ông giúp chúa Nguyễn lập được nhiều công lao nên sau này được chúa Nguyễn ban cho quốc tính. Con ông là Mạc Cảnh Vinh được đổi thành Nguyễn Hữu Vinh, từng đánh Chiêm Thành lập công lớn, được phong chức phó tướng. Sau Hữu Vinh được chúa Sãi thương yêu  đem con gái là Ngọc Liên gả cho. Do đó, gia đình Mạc mẫu càng gắn bó với gia đình nhà chúa.

 Đình Huy không những nổi về văn chương chữ nghĩa mà còn nổi về đức tính khiêm tốn, khoan hòa nên được nhiều người mến mộ... Nhiều nhà quyền quí muốn gả con cho Đình Huy nhưng chàng đều mượn cớ chưa có công danh sự nghiệp nên chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. Lúc nào chàng cũng ra vẻ rất hồn nhiên, vô tư khiến cho người cô đâm ra sốt ruột. Vì thế, trong những ngày gần đây, sự đổi thay tâm tính đột ngột của chàng đã khiến Mạc mẫu chú ý. Bà nói:

 - Cô thấy cháu thời gian này thay đổi tâm tính hơi nhiều đó! Có gì cứ nói cô lo cho, con phải lòng công nữ Ngọc Vạn rồi phải không?

 Đình Huy không giấu giếm, thưa:

 - Dạ phải, từ khi gặp nàng, cháu cảm thấy như không thể quên nàng được nữa... 

 Mạc mẫu cười hiền từ nhìn cháu, nói:

 - Đó chỉ là chuyện thế gian thường tình, có gì đâu mà ngại. Cô sẽ lo cho cháu. Theo cô nghĩ, công nữ Ngọc Vạn muốn chọn một người bạn đời cũng khó lắm chứ! Ở đây mấy ai xứng đáng với nàng hơn cháu được? Nhà chúa và vương phi vốn tính rất bình dân. Nhà ta lại có ân tình lâu đời với nhà chúa, cô hi vọng ước nguyện của cháu sẽ thành đạt.

 Mạc mẫu lạc quan như vậy cũng đúng thôi. Chồng bà là công thần của chúa Nguyễn, bà đang là sui gia với nhà chúa, tình nghĩa hai nhà rất mật thiết với nhau. Mạc mẫu là hạng người hiểu biết, ăn ở phải đạo nên vương phi rất cảm mến. Bình thường vương phi vẫn hay mời bà vào cung chuyện trò, tâm sự này nọ rất tương đắc.

 Đối với Đình Huy, Mạc mẫu hết sức thương yêu và rất hãnh diện vì chàng. Dòng dõi bà từ xưa vẫn nổi danh trong giới côn quyền đoạt cờ chém tướng ngoài mặt trận như chơi cầu. Nhưng tính bà lại hiền từ, mềm mỏng, không ưa bạo lực. Những cuộc đấu đá, đâm chém, những vụ trả thù dai dẳng truyền đời trong võ giới đã làm bà vô cùng sợ hãi, chán ngán. Việc hai đứa cháu yêu của bà đã rời khỏi võ giới và Đình Huy lại trở thành một danh sĩ làm cho bà hết sức thỏa mãn.

 Lâu nay Mạc mẫu vẫn muốn lo cho Đình Huy yên bề gia thất nhưng thấy dò hỏi đám nào chàng cũng lắc đầu, vì thương cháu bà không dám ép. Giờ đây, thấy Đình Huy nghĩ tới nàng công nữ ấy, bà tán thành ngay.


Nguồn: http://vnthuquan.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved