Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

13 thg 11, 2013

Tình sử Võ Tắc Thiên - Lâm Ngữ Đường Hồi 16-20

Hồi 16: Thánh mẫu xuống trần

Buổi lễ tiếp đón Bia Thánh Linh bị trì hoãn vì cuộc khởi loạn của các Vương tước . Mãi đến khi dẹp loạn xong và trừ khử hết các nhân vật đầu não, Võ Hậu mới cho tổ chức lại . Đây là một trong những dịp vui mừng nhất của triều đại. Bà trịnh trọng xuất hiện trong bộ lễ phục lộng lẫy với một chiếc vương miện có mười hai giải ngọc che mắt. 

Sau buổi lễ tại Suối Thánh Linh, tấm bia đá được đặt lên kiệu đem về để trong điện Minh Đường - tức Đền Thờ Muôn Vật -. Đến ngày tết Nguyên đán 689, Võ Hậu đăng điện để các triền thần vào chúc mừng.

Võ Hậu ngồi trên ngai, trong tay cầm một tấm thẻ ngọc. Trước mặt bà là bảy chiếc bảo bình dùng trong việc thờ phụng Phật Cười . Trừ những nếp nhăn xung quanh càm mà phải nhìn gần mới thấy, trông bà hoàn toàn tươi tắn và khương kiện. Bà có dáng điệu tự mãn của một con mãng xà vừa nuốt xong một chú thỏ và đang cuốn mình ngủ ngon . Gần đó là chiếc kiệu và tấm Bia Thánh Linh . 




Đặc biệt năm nay ngôi điện được trang hoàng cực kỳ rực rỡ, chỗ nào cũng thấy ánh vàng sáng chói. Sư Hoài Nghĩa đã chi phí không biết bao nhiêu tiền bạc trong công tác này. Với tư cách Hộ quốc Thiền sư , gã hiện diện trong buổi lễ với chiếc tăng bào màu đỏ , lấp lánh đồ trang sức.

Đán cũng có mặt trong buổi lễ vì chàng sẽ phải dâng hương sau khi Võ Hậu làm lễ.

Đang lim dim, mắt Võ Hậu bỗng sáng rực một cách hoan hỉ khi các đại thần tiến lên quỳ trước mặt bà và tung hô chục mừng triều đại mới của Thánh Mẫu. Các triều thần đều biết rằng sinh mạng và , thực tế hơn, chức vị của họ đều nằm trong tay bà.

Trong suốt mấy tháng cuối năm 689 và đầu năm 690, việc giết chóc vẫn xảy ra liên miên , mặc dù các vương tước nhà Đường còn lại chẳng bao nhiêu . 

Tháng bảy năm 690, hai tháng trước khi nhà Chu chính thức ra đời, cảnh giết chóc hàng ngày trở nên cực kỳ man rợ. 

Thượng đế đã sai Thánh Mẫu xuống trần để giết hại sinh linh ! 

Trời là chỗ nương tựa cuối cùng mà giờ đây dân chúng cũng hoàn toàn mất tin tưởng. Trước kia dân chúng còn mong nhà Đường khôi phục, nhưng hiện thời họ lại mong nhà Đường bị tiêu diệt sớm ngày nào hay ngày ấy để họ thoát khỏi kinh hoàng. Võ Hậu cũng biết như vậy. Bà tin chắc rằng khi bà lên ngôi Hoàng đế , sẽ không còn ai phản đối hay miễn cưỡng tán thành.

Tôn thất nhà Đường chỉ còn lại Lý Triết và Lý Đán hiện đang bị giam lỏng. Võ Hậu không giết hai người vì bà có quan niệm của một tay cờ bạc nhà nghề luôn luôn bớt lại vài quan tiền trong túi. Triết và Đán về sau đều được đặc ân đổi thành họ Võ.

Cuộc tàn sát chấm dứt vào năm 691 , nhưng đến năm 693 lại xảy ra một vụ ghê tởm khác. 

Vương Quốc Quân, một thuộc hạ của hung thần họ Lại, được gửi ra Cam Túc để điều tra vì có dư luận rằng đám vợ goá con côi của các vị Vương tước đang than phiền về tình cảnh bơ vơ của họ. 

Khi tới nơi, gã cho gọi tất cả những người này vào và ra lệnh cho họ tự treo cổ hết. 

Bọn đàn bà trẻ con la ó phản đối. 

Gã bèn cho người dẫn tất cả ra bờ sông rồi tàn sát và vất xác xuống sông . 

Sau đó gã về triều thản nhiên báo cáo rằng họ tính phản loạn và gã đã may man ngăn chận kịp thời. 

Lập tức gã được phong làm Đại Phu .

Thấy họ Vương được trọng thưởng, các tên khác cũng tranh nhau xin đi các nơi để điều tra những vụ tương tự. Thế là một bọn tham quan được gửi đi các tỉnh Tứ Xuyên, Quí Châu, Quảng Tây và Vân Nam để dò xét những gia đình bất hạnh đang sống trong cảnh tha phương cầu thực. 

Kết quả, có tên giết hàng ngàn người để lập công. 

Chúng đua nhau tàn sát không cần biết họ có tội hay không .

Giữa lúc đang say sưa chém giết, hai tay nhuộm đỏ máu người, Võ Hậu hạ một sắc chỉ cấm dân chúng mổ heo vì bà đã trở thành một tín đồ Phật giáo, không bao giờ thích sát sinh !


Hồi 17: Triều đại mới: Nhà Chu thứ hai

Khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng tám năm 690 là thời góp gió để sửa soạn cho một trận bão chịnh trị . 

Đã đến lúc thuận tiện nhất để Võ Hậu phế hẳn nhà Đường. Bộ mặt giả đạo đức. Vợ trung thành với gia đình nhà chồng không còn cần thiết nữa . Bà ra mặt muốn chấm dứt chế độ cũ bằng giấy tờ. 

Võ Hậu, Thừa Tự , Công chúa Thái Bình và Hoài Nghĩa xúm nhau vào điều nghiên kế hoạch thật tỉ mỉ.

Cuộc cách mạng được dự trù vào tháng chín và Đại Vân Kinh công bố trước đó hai tháng. Cuốn kinh nãy kể chuyện mười nhà tu được trời mách bảo cho biết Phật Cười tái sinh xuống trần gian làm Võ Tắc Thiên . 

Võ Hậu hạ chỉ bắt sao cuốn kinh lại thành nhiều bản và gởi khắp các am, miếu và đền thờ.

Bốn tháng sau, hai ngôi đền mới gọi là Đại Vân Am được xây tại Trường An và Lạc Dương để tàng trữ kinh này. Các thầy tu được lệnh thuyết giảng các bài kệ trong cuốn kinh . 

Có chín vị rất sốt sắng trong công tác này và được phong tước Bá. Như vậy Võ Hậu đã công khai thừa nhận câu chuyện thần thoại trên là đúng sự thật.

Ngày mồng ba tháng chín, một phái đoàn do Phó Hữu Nghị -người Trường An- cầm đầu, đại diện cho chín trăm thường dân đến cỗng Hoàng cung xin vào gặp Võ Hậu.

Họ dâng lên một lá thư bày tỏ ý nguyện của dân chúng xin phế bỏ triều đại cũ để nhà Chu sớm ra đời và xin đặc ân cho Thái tử Đán được đỗi thành họ Võ . 

Võ Hậu mỉm cười để vỗ về đám người. Bà thực sự cảm động, tuy bà thừa biết tại sao họ lại muốn vậy. Bà khiêm nhượng từ chối và để lá thư sang một bên . Bà cũng không quên phong cho Phó Hữu Nghị làm Cấp Sự Trung, một chức quan lớn trong Môn Hạ Tỉnh. 

Vài ngày sau một đoàn người đông gấp bội gồm các sư sãi, thương gia, quan lại, vương công và tù trưởng dưới sự hướng dẫn của Thừa Tự, đã kéo nhau vây quanh Hoàng cung lớn tiếng yêu cầu lập triều đại mới.
 

Một phái đoàn được cử vào ra mắt Võ Hậu và họ đã dâng lên một bản thỉnh nguyện có sáu chục ngàn - người ký tên ! 

Chắc hẳn đã có bàn tay sắp đặt của Thừa Tự, nhưng sao hắn không cho bà hay ? Bà tràn ngập vui sướng, một nỗi vui sướng bất ngờ. Sáu chục ngàn người thuộc đủ các tầng lớp ! Thêm vào đó Thái tử Đán cũng viết một bức thư xin cải làm họ Võ. 

Trước lòng nhiệt thành của mọi người như vậy, làm sao bà có thể từ chối được !

Bà hứa sẻ xét lại xem có phải thực sự toàn dân muốn vậy không .

Người ta kể rằng vào ngày mồng năm tháng chín năm đó, hàng trăm chim sẻ tụ tập và đua nhau hót trên mái Đền Thờ Muôn Vật . Thượng đế đã sai chúng tới.

Nhưng một chuyện lạ hơn nữa là sự xuất hiện của chim phượng hoàng, một giống chim thần chỉ xuất hiện khi có bậc thánh hiền hay tiên tri ra đời. Một con phượng hoàng đã bay vào khu ngự uyễn phía Tây Hoàng cung rồi bay về phía Tây Nam . Vài người đã trông thấy, rồi hàng trăm người trông thấy, và cuối cùng tất cả triều thần đều cả quyết trông thấy tận mắt. Chỉ những kẻ ngu mới không trông thấy !

Võ Hậu không thể, và không muốn, cưỡng lại ý chí của toàn dân và sự uỷ thác của Thượng đế. 

Vào ngày mồng bay tháng chín, bà đã phê một chữ Thuận rất khiêm nhượng trên bản thỉnh nguyện của dân chúng. 

Ngày mồng chín bà xuống chỉ phế bỏ nhà Đường và thiết lập một triều đại mới gọi là Nhà Chu, niên hiệu Thiên Mệnh 690 . 




Võ Hậu xuất hiện tại Bảo tháp ngoài cung chính Hoàng cung và cho đọc chiếu chỉ. Ngoài ra bà còn hạ lệnh đại xá tù phạm.

Hung thần họ Lại đã cho giết hết những tù phạm quan trọng trước khi lệnh đại xá ban ra .

Ngày mười hai bà tự xưng là Hoàng đế Hiển Thánh. Tham vọng của bà đã được thực hiện. Giờ đây bà là một Nữ Hoàng Đế chứ không còn là Hoàng hậu như xưa nữa . 




Cùng ngày hôm đó , Thái tử Đán được đặc cách đỗi tên thành Võ Đán.

Ngày mười ba tháng chín, tất cả Vương tước nhà Đường bị xoá bỏ khỏi danh sách quí tộc để thay thế bằng tên của các Vương tước mới như Thừa Tự , Tam Tư và mười hai người cháu khác của Võ Hậu. Các cháu gái của bà cũng đều được phong làm Công chúa. Trong lúc đó thì Thái miếu họ Võ được khánh thành tại Lạc Dương . Các bài vị đã được mang từ Trường An tới đặt tại đây từ trước. Trước kia - năm 684 -, tổ tiên năm đời của Võ Hậu đã được truy phong tước Vương, giờ đây được nâng lên hàng Hoàng đế và Hoàng Hậu , và được thờ phụng theo đúng lễ nghi . 

Còn Thái miếu họ Lý bị giáng xuống thành Đạo Đức miếu. Thái miếu nhà Đường gồm bảy ngôi đền, bốn ngôi bị đóng cửa, chỉ có ba ngôi thuộc ba đời sau cùng được tiếp tục dâng hương vào bốn mùa.

Giấc mộng của Võ Hậu đã thành sự thật.

Chắc hẳn bà đang cười khoái trá . Nhưng có một người từ lâu vẫn yên lặng ngồi xem những diễn biển của tấn tuồng. 

Người đó sau này trở nên một vĩ nhân, tên tuổi được lồng vào những giai thoại thần kỳ và đáng kể hơn hết ông đã qua mặt được Võ Hậu để khôi phục lại nhà Đường . Ông hiện giữ chức Phó Thượng Thư bộ Hộ. Với óc nhận xét tình tế, ông biết chưa tới lúc hành động, và ông kiên nhẫn chờ đợi. Sự bình tỉnh của ông sánh ngang với Võ Hậu tên ông là Địch Nhân Kiệt.

Hồi 18: Định luật bất di bất dịch

Dường như có một định luật bất di dịch trong sinh hoạt của loài người , là những sự hỗn độn phải trở lại trật tự. Những việc khác thường phãi trở lại bình thường, cũng như biển cả phải trở lại êm đềm sau những cơn bão tố, sự quân bình của muôn vật phải được duy trì . Có một sức mạnh huyền bí làm luân chuyển bánh xe số mạng để rồi những kẻ làm ác sẽ gặp ác và công lý cuối cũng sẽ thắng.

Hồi 19: Khổng giáo hay hơn hết

Với sự tiếp tay của họ Lại , Thừa Tự đã mang Địch Nhân Kiệt ra xử với rắp tâm tiêu diệt bằng hết những phần tử chống đối hắn. Nhân Kiệt đã phạm vào mưu của hắn và làm lộ bộ mặt của họ Lại, nhưng hắn vẫn không nản chí .

Thừa Tự cảm thấy mình bị bỏ rơi . Dì của hắn đã lên ngôi Hoàng đế . Còn hắn ? 

Hắn đã giúp đỡ Võ Hậu không phải ít và triều đại này là của họ Võ . Tại sao hắn không được làm người kế vị ?

Thực ra, Võ Hậu rất ưu đãi mấy người cháu của bà. Tất cả đều được giao phó những chức vị quan trọng tại kinh đô và một số có chân trong Hội đồng Tối cao tại Chính Sự đường. Quyền thế của họ nhiều khi vượt qua chức vụ mà họ nắm giữ.

Trong vòng vài năm vừa qua, Võ Hậu lơ là trong việc chọn người nối nghiệp chính thức , khiến một số người như ngồi trên đống lửa. Thừa Tự dùng đủ trăm phương ngàn kế để được bà chọn. Biết mình không xứng đáng , hắn tận tay giết những kẻ không cùng đường với hắn , vì họ có thể xúi giục Võ Hậu lập người khác. Cho đến bây giờ, Đán vẫn còn là Thái tử và là cái gai cần phải nhổ đi . Hắn kéo hung thần họ Lại về làm việc với hắn. Họ Lại cũng là một người có tham vọng. Gã tin tưởng rằng một khi Thừa Tự lên ngôi báu, gã sẽ là người đứng đầu bá quan . Võ Hậu đâu có sống được mãi.

Theo dự tính của Thừa Tự và họ Lại , hắn sẽ làm giảm uy tín Đán trước rồi mới hạ chàng sau .

Năm 693, chúng xử tử hai vị quan nhỏ vì hai ông này vào gặp riêng Đán tại hậu cung . Nói chuyện riêng với Đán tức là mưu cướp lại ngôi . Thừa Tự cố ý làm to chuyện để hạ uy tín Đán bằng cách phân thây hai vị quan ấy. 

Ít lâu sau, Thừa Tự xúi Tâm Nhi -tì nữ thân tín của Võ Hậu - nói xấu Đào Phi và Lưu Phi - vợ của Đán .

Tâm Nhi kể với Võ Hậu rằng nó đã nghe hai nàng than phiền và cầu trời cho Võ Hậu chết sớm. 

Ngày hôm sau Võ Hậu bảo hai nàng theo bà đi du ngoạn. 

Đến chiều chỉ có mình Võ Hậu trở về. Chắc hẳn hai nàng con bận ngoạn cảnh nơi chín suối . 

Đán linh cảm thấy Thừa Tự đang đâm sau lưng chàng. 

Tối hôm đó, Đán được mời tới dùng cơm với Võ Hậu. Trong khi ăn, Võ Hậu luôn luôn để mắt dò xét chàng. Có lẽ bà chờ xem chàng có cử chỉ hay lời nói nào tỏ ý chống đối như Thái tử Hoằng trước kia không ? 

Biết thân phận , Đán tỏ ra rất ngoan ngoãn dễ bảo . Chàng cắm cúi ăn chẳng nói gì . 

Mọi việc êm ả như không có gì xảy ra . 

Hai nàng cung phi chết mất xác mà cũng chẳng có ai truy cứu hoặc tổ chức đám táng. Một trong hai nàng -Đào Phi- chính là thân mẫu của vua Minh Hoàng sau nầy. Lúc đó Minh Hoàng mới tám chín tuổi. Khi lên ngôi, Minh Hoàng muốn chôn cất mẹ theo đúng lễ nghi cùng với thi hài của Đán, nhưng cũng không biết xác bà lưu lạc phương nào . Ông đành phải chôn một bộ quần áo của bà để thay thế như đã nói ở đoạn đầu-

Giờ đây Thừa Tự và họ Lại ra mặt tấn công Đán. Chúng lẻn vào hậu cung bắt hết các thị nữ và hoạn quan hầu cận của Đán , rồi mang họ tới một ngôi điện cách chỗ ở của Võ Hậu chưa đầy một trăm thước và bắt đầu tra tấn. Chúng bắt họ phải khai những mưu toan cướp ngôi của Đán. Sau những màn khảo đả và đổ dấm vào mũi . Các thị nữ và hoạn quan đều mất vía, sẳn sàng nghe theo mọi xắp đặt của họ Lại.

May thay lúc đó có một người đàn ông tên là An Tàng Kim bị bắt chung với đám hoạn quan, người này bất thình lình la thật lớn :

- Các ngươi không được làm như vậy ! Các ngươi vu khống ! Thái tử vô tội .

Sau đó ông giật lấy một con dao, phanh áo rồi tự mổ bụng và thò tay moi ruột ra ngoài trông rất ghê rợn . Đây là cách tự sát để phản đối.

Thừa Tự tái mặt. Chuyện này xãy ra ngoài sự xếp đặt của hắn. 

Cuộc tra tấn gián đoạn nửa chừng. 

Các thị nữ la hoảng và bõ chạy tứ tung . Một vài đứa chạy đi báo cho Võ Hậu hay và bà lập tức có mặt tại nới xảy ra án mạng. Bà không thể ngờ cháu bà dám lộng hành như vậy, dám làm náo loạn Hoàng cung . 

Thừa Tự và họ Lại đều cúi gầm mặt, lấm lét sợ sệt khi thấy bóng bà. Võ Hậu giật mình khi lăng thấy họ An nằm trên vủng máu, ruột gan lòng thòng gớm ghiết. Bà buông lời trách mắng Thừa Tự thậm tệ và quay sang bảo các thị nữ kể lại đầu đuôi . Vừa lúc đó quan Thái y tới. Thấy họ An còn thoi thóp thở. Võ Hậu ra lệnh cho quan Thái y cứu họ An bằng mọi giá , phải túc trực săn sóc họ An cho đến khi ông tỉnh lại. 

Quan Thái y bèn khâu vết thương với chỉ làm bằng vỏ cây dâu rồi thoa mồ hóng để ngừa vi trùng. Sau đó ông cho người khiêng họ An về phòng. 

Võ Hậu có vẻ khích động một cách khác thường vì biến cố này. Sáng hôm sau bà tới thăm họ An . Tuy đã ngủ qua một đêm, An còn rất yếu vì xúc động và mất nhiều máu. 

Cũng may ông không lên cơn sốt và tính mạng có cơ vãn hồi . Buổi chiều bà lại vào thăm An , vì nghe nói ông đã có thể nói được.

Bà an ủi An : 

- Trẫm rất cám ơn khanh . Khanh đã hy sinh tính mạng để giúp trẫm hiểu được Thái tử.

An được săn sóc chu đáo như một người trong Hoàng tộc.

Đến khi ông hoàn toàn bình phục. Võ Hậu mới cho ông rời cung . Bà và Đán không quên trọng thuởng ông vô số vàng bạc, châu báu. 

Võ Hậu suy nghĩ rất nhiều về trường hợp họ An . Lần đầu tiên trong đời bà cảm thấy hối hận. Suốt mấy ngày bà không nói với Thừa Tự một tiếng. Bà không ưa những hành động quá khích của hắn. Bà trút hết tội lỗi lên đầu họ Lại.

Lần nãy, họ Lại bị giáng chức và đổi đi xa . Bà chán ghét Thừa Tự , nhưng vẫn chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ tình mẫu tử của bà đối với Triết và Đán đã thức dậy. Bà vẫn không muốn triệu hồi Triết. Người con thứ ba đã bị truất ngôi vua, giáng xuống làm Lư Lăng Vương và đổi đi Phong Châu. Tuy nhiên tận đáy lòng bà có phảng phất một điểm sáng của thiên lương, chỉ chờ có người khơi dậy sẽ bùng cháy mãnh liệt.

Họ Lại mất chức Phó Đô Ngự Sử và Thừa Tự mất tín nhiệm đối với Võ Hậu . Nhưng nhà sư điên vẫn hỗn xược và gây xáo trộn trong cung càng ngày càng nhiều. Gã không còn trẻ như trước nhưng vẫn không trầm tĩnh chút nào, luôn luôn bị ám ảnh bởi những tư tưởng điên cuồng. Võ Hậu ưa chuộng và hùa theo gã vì đồng bệnh tương lân . Trong suốt thời gian qua hai người cùng mơ mộng hão huyền. Mọi việc đều vui vẻ tốt đẹp . Bộ mặt thiên thần mà Võ Hậu đạt được là nhờ công của gã.

Cuốn Đại Vân Kinh đã được in và phổ biến để thần thánh hoá Võ Hậu. Tin hay không tin , chẳng ai dại gì phát biểu ý kiến hoặc đặt thành vấn đề quan trọng. Võ Hậu rất say mê đạo Phật vì chính bà là một vị Phật sống. Bà ra lệnh các tăng ni phải được đứng trên các đạo sĩ trong mọi cuộc tế lễ công cộng.

Sư Hoài Nghĩa, Thừa Tự và Công chúa Thái Bình tìm cách biến các chuyện hoang đường về Võ Hậu thành sự thật . Chúng bịa ra các tiếng thật kêu có liên quan đến Phật để thêm vào đế hiệu của Võ Hậu. 

Khi lên ngôi vào năm 690, bà được gọi là Hoàng đế Hiển Thánh ; năm 693 Hoàng đế Hiển Thánh, Kim Luân (bánh xe vàng) và năm 694 lại đổi là Hoàng đế Hiển Thánh, Kim Luân, Bất Diệt . 

Võ Hậu rất hài lòng. 

Nhưng rồi đến một ngày kia sư Hoài Nghĩa chán Võ Hậu. Chán bà già bảy mươi , da thịt đã nhăn nheo . Chiếc bụng phệ của bà không còn hấp dẫn nữa. Hoài Nghĩa đã giàu có và quyền thế. Gã ở miết tại đền Bạch Mã để hưởng các của lạ. Nhiều lần Võ Hậu cho vời nhưng gã thuờng từ chối khéo .

Rõ ràng gã đã đưa Võ Hậu vào tròng, đến nỗi gã muốn làm gì bà cũng không dám nói.

Thái độ của gã trở nên úp mở, dường như gã đang mưu đồ một chuyện ghê gớm. Gã chiêu nạp hàng mấy trăm tên giang hồ mãi võ cho gọt đầu tu tại đền Bạch Mã. Sư Hoài Nghĩa tỏ ra điên rồ khi dám coi Võ Hậu là đồ bỏ. Tuy vậy, Võ Hậu vẫn phải làm ngơ vì gã là người duy nhất mà bà sợ trên thế gian này. 

Để trả đủa, bà kiếm người yêu mới , một vị Thái y họ Trầm. Hoài Nghĩa nỗi khùng khi nghe tin này. Gã càng tỏ ra vô lễ hơn nữa. Gã miễn cưỡng tới lui với Võ Hậu vì bà đã mất hết vẻ quyến rũ. Gã biết rõ bà hơn ai hết. Có một điểm gã chẳng điên chút nào là gã biết lợi dụng yếu điểm của Võ Hậu. Muốn gã kín miệng, Võ Hậu phải để gã tự do hành động. 

Quá thất vọng, Võ Hậu hạ chiếu , cử hắn làm Nguyên soái đi dẹp giặc Thổ ở phía Bắc. Bà muốn gã đi cho khuất mắt. 

Cũng may cho gã lúc đó quân Thổ lui binh vì có nội loạn tại Thổ Nhỉ Kỳ, thể là gã thắng trận không tốn một mũi tên . Gã ca khúc khải hoàn đem binh về triều, và một đài kỷ niệm được dựng tại kinh đô để ghi nhớ chiến công của gã. 

Năm mới đã tới ! Mười lăm ngày đầu năm nhộn nhịp tưng bừng. Thực ra bây giờ mới là đầu tháng mười một năm 694 , nhưng để tiến gần hơn nữa tới lãnh vực thần thánh . Võ Hậu cho đổi quốc hiệu là "Thánh Thánh" và hạ chiếu đổi tháng mười một thành tháng đầu của năm mới thay vì tháng giêng như thường lệ, dân chúng nô nức kéo nhau đi lễ . Viện Thiên Đường cũng mở cửa để dân chúng vào xem sư Hoài Nghĩa biểu diển trò Phật từ dưới đất chui lên . 

Sư Hoài Nghĩa đã báo cáo cho Võ Hậu biết những thành quả mà gã đã gặt hái được trong chiến dịch đánh quân Thổ . Nhân dịp năm mới gã tổ chức một lễ lớn để ăn mừng. Gã hy vọng sẽ được Võ Hậu trọng thưởng bằng cách cho thăng cấp bậc , tuyên dương công trạng, nhưng Võ Hậu chỉ chúc mừng lấy lệ. 

Dù sao, Hoài Nghĩa vẫn tiến hành buổi lễ . Bức chân dung Phật bằng vải cao gần một trăm thước được chưng phía ngoài hoàng cung . 

Tới ngày rằm , một cuộc rước đèn vĩ đại được tổ chức. Toàn thể dân chúng kinh đô tấp nập đi xem . Khu công viên trước cỗng hoàng cung chật ních những người chờ giờ cướp giật do bọn Hoài Nghĩa vung ra . 

Hoài Nghĩa tin tưởng Võ Hậu sẽ xuất hiện như bà từng xuất hiện trong các năm trước. Gã sửa soạn một chương trình đặc biệt dành cho bà : sẽ ra mắt công chúng với tư cách một vị Phật. Gã bảo mọi người hãy chờ đợi, Võ Hậu sắp tới. Gã sẽ được đẹp mắt trước công chúng khi họ thấy gã vẫn còn được Võ Hậu trọng vọng. Gã chờ và chờ mãi mà không thấy Võ Hậu tới. Chắc bà còn bận quyến luyến người yêu mới. Gã gầm lên vì tức giận. 

Đêm hôm đó trong lúc điên cuồng , sư Hoài Nghĩa đã nổi lửa đốt điện Thiên Đường. 

Bức tượng Phật khổng lồ bằng thạch cao trong nhồi vỏ cây gai cũng bốc cháy như một cây đuốc vĩ đại. Lửa bốc lên ngút trời. 

Khói và tàn lửa bay tứ tung . Nhờ thuận gió lửa từ toà Thiên Đường bén sang toả Minh Đường và cả hai ngôi điện hùng vĩ thi nhau đầm mình trong biển lửa. 

Từ đằng xa những người đi xem hội có dịp chứng kiến một cảnh tượng huy hoàng. Một cột lửa cao hàng mấy trăm mét đỏ rực một góc trời. Bức hình Phật bằng vải đã bị gió thổi rách cũng bắt các tàn lửa và bốc cháy đùng đùng. 

Dân chúng reo lên : Mũi ông Phật cháy rồi ! 

Và tất cả đều cười rộ. 

Mùi sơn và mùi máu hoà lẫn với mùi gạch ngói ; bầu không khí nóng hừng hực như sắp vỡ ra . 

Khi bình minh ló dạng, các cây gỗ khỗng lồ hãy còn ầm ỉ cháy, thỉnh thoảng còn nghe tiếng lách tách, những chỗ cháy dở lâu lâu lại bùng lên đây đó. Hình chim phượng nạm vàng , ở trên nóc Minh Đường bị lửa nung chảy, trông méo mó rất tức cười .

Sư Hoài Nghĩa đã gây ra đám đại hoả tai này để cho Võ Hậu một bài học về cái tội dám lơ là với gã. Vả lại trong óc tưởng tượng bệnh hoạn của gã , một đám cháy lớn chắc chắn phải rực rỡ, huy hoàng lắm .

Liệu Võ Hậu có trừng trị gã sư điên không ? Gã biết bà không dám. Bà xấu hổ và buồn bực. Bà biết ai đã gây ra vụ này và lý do đưa tới hành động điên rồ đó. Bà giải thích với quần thần rằng , một vài người thợ đã vô ý gây hoả hoạn và bà ra lệnh xây lại toà Minh Đường dưới quyền điều khiển của sư Hoài Nghĩa. 

Tuy bất mãn, bà không muốn đụng chạm tới nhà sư vì biết gã dám đem những chuyện xấu xa của bà ra rêu rao cho mọi người biết. Võ Hậu tự trách mình nhẹ dạ để đến nỗi mắc vào tay một tên lưu manh, đàng điếm và thô bỉ. Bà biết không thể đem Hoài Nghĩa ra xét xử vì chắc chắn sẽ có nhiều chuyện lem nhem bị đổ bể. Dân chúng đã biết được , họ sẽ bàn tán khắp nước. Bà sẽ làm trò cười cho thiên hạ như từng xảy ra khi Hà Tường Hiển bỏ chạy trên đường tới pháp trường đã nói trên đoạn đầu. So với họ Hà, gã sư điên còn biết nhiều chuyện gấp bội. Một khi gã đem ra kể hết, lập tức bà biến thành nữ hoàng dâm đãng nhất lịch sử. Vậy cách hay nhất là phải giết gã.

Tuy Võ Hậu làm ngơ, Châu Cửu vị pháp quan đã viết thư cho Võ Hậu phản đối chế độ khủng bố . Truy tố Hoài Nghĩa về tội kết đảng hàng ngàn giang hồ mãi võ , để mưu đồ những chuyện bất chánh. Ông yêu cầu Võ Hậu đưa gã ra xét xử. 

Võ Hậu có vẻ lưỡng lự, bà nói : 

- Có cần thiết lắm không ? 

Chầu Cữu cương quyết : 

- Thần cam đoan Sư trưởng đền Bạch Mã đang mưu toan bất chánh. Thần có rất nhiều điều muốn hỏi y . 

Võ Hậu suy nghĩ một lát rồi trả lời : 

- Được rồi, khanh về đi . Trẫm sẽ giao y cho khanh .

Châu Cữu ra về, lòng buồn bực. Ông không tin rằng Võ Hậu sẽ chịu giao Hoài Nghĩa cho ông. Nhưng thật bất ngờ vài ngày sau Hoài Nghĩa tới. Gã buộc ngựa ngoài cỗng rồi lửng thửng đi vào nơi làm việc của ông . Vào đến nơi gã kiếm một chiếc trường kỷ rồi thản nhiên nằm xuống, nhếch chân lên cao và cười hô hố. 

Khi Châu Cữu gọi gã vào phòng thẩm vấn. Gã thình lình đứng bật dậy chạy ra ngoài cỗng và nhảy lên lưng ngựa dông tuốt. 

Châu Cữu báo cáo lên Võ Hậu thái độ quái gở của Hoài Nghĩa, lòng đầy hồ nghi . Ông phỏng đoán chính Võ Hậu đã bày mưu bảo Hoài Nghĩa giả điên .

Võ Hậu nói với ông :

- Hoài Nghĩa mắc chứng điên . Thôi khanh đừng bắt tội y làm gì . Khanh có thể trừng trị các tên khác tại đền Bạch Mã. Trẫm cho khanh toàn quyền hành động.

Châu Cữu không biết làm sao hơn đành phải nhận lời. Ông đem bọn đầu trâu mặt ngựa đàn em của Hoài nghĩa ra xử và đuổi chúng đi thật xa .

Công chúa Thái Bình biết mọi chuyện, và kiếm Võ Hậu để bàn luận. Nàng cũng có những ý tưởng giống mẹ, sợ Hoài Nghĩa sẽ làm lộ chuyện ra ngoài. Nàng cũng đã có một thời kỳ điên đảo mê ly cùng gã, và nàng không muốn gã đem bùn trát vào mặt nàng.

Nàng bảo Võ Hậu : 

- Sao mẹ lại để tên đầu trọc làm loạn như vậy ? Mẹ nên thường xuyên trông chừng hắn và bắt hắn phải kín miệng.

Võ Hậu cười gượng : 

- Không đơn giản như con tưởng đâu. Mẹ biết làm gì bây giờ ? 

Mặt công chúa bỗng đanh lại : 

- Được rồi, mẹ để hắn cho con . Con sẽ lo vụ này. Hắn đã muốn vậy thì dễ làm. 

Võ Hậu hiểu ý con, bà dặn : 

- Được lắm, con phải cẩn thận.

Công chúa Thái Bình gởi giấy cho Hoài Nghĩa bảo gã vào gặp Võ Hậu để bàn về chuyện xây lại toà Minh Đường . Sau đó nàng bố trí hơn một chục thị nữ khoẻ mạnh trang bị gậy gộc và giây thừng để chờ Hoài Nghĩa. 

Mặt khác nàng nhờ Ngọc Ninh cháu Võ Hậu, anh họ công chúa , bí mật bố trí một toán thị vệ để tiếp ứng. 

Tới giờ hẹn, nàng ra trước điện Chiêu Dương để đón đường. 

Hoài Nghĩa rất do dự khi nhận được giấy của Công chúa Thái Bình, nhất là vừa xảy ra vụ các đàn em của gã bị đổi đi xa . Cuối cùng, gã quyết định vào cung vì tin rằng Võ Hậu chưa dám hạ độc thủ, bằng chứng là bà vừa bày mưu cho gã thoát khỏi tay Châu Cửu . Dù sao gã cũng phải thận trọng. Gã cưỡi ngựa vào cung bằng cỗng phía Bắc, mang theo một số quân hầu. Vừa đi gã vừa trông chừng xung quanh để đề phòng bất trắc. Qua khỏi cỗng tới một khu vườn rộng. Gã cho ngựa đi dọc theo một chiếc ao nhỏ và tiến về khu nội cung gồm các toà nhà thông với nhau bằng những hành lang vòng vèo có mái che . Gã đưa mắt dò xét bốn phía và thở phào nhẹ nhõm khi chỉ thấy mấy đứa thị nữ như thuờng lệ .

Công chúa Thái Bình đang đứng dưới mái điện Chiêu Dương mĩm cười đón gã . 




Gã buộc ngựa dưới một tàng cây rồi ung dung bước vào . 

Thình lình một đám thị nữ từ phía trong xông ra tung dây trói gã. Gã bị quấn mấy chục vòng bằng dây thừng lớn hết phương cục cựa. Bọn thị nữ dùng gậy và cán chổi đập gã túi bụi, bọn thị vệ cũng xông ra đè gã xuống và xiết cổ cho đến chết . Sau đó xác gã được đem về hoả táng tại đền Bạch Mã. 

Tính mạng nhà sư điên được giải quyết thật êm ả , khéo léo . Võ Hậu không ngớt khen ngợi Công chúa Thái Bình . Thực là mẹ nào con ấy .

Hoài Nghĩa chết thì cuộc phiêu lưu của Võ Hậu vào thế giới Phật giáo cũng chấm dứt. Từ ngày bà ghét Hoài Nghĩa, bà cảm thấy Phật cũng chẳng có gì hấp dẫn. Những chữ Kim Luân, Bất Diệt trong đế hiệu của bà cũng bị bỏ đi vì bà muốn dứt bỏ ảnh hưởng của Phật giáo . 

Giờ đây bà nhận ra Nho giáo , Khổng giáo hay hơn hết vì người yêu mới của bà là đệ tử của Nho giáo.

Hồi 20: Bộ óc lớn nhất thời đại

Một vở bi hai kịch đã hạ màn, đánh dấu một giai đoạn xấu xa tội lỗi trong cuộc đời riêng tư của Võ Hậu. 

Nhưng để bù lại , chính sách cai trị của bà mỗi ngày một trở nên nhân đạo hơn . Bè lũ quan lại hung tàn, dốt nát đã tan rả và chế độ khủng bố không còn nữa. Tên ác ôn duy nhất còn sống sót , họ Lại , cũng đã bị đổi đi xa . 

Sau vụ Thừa Tự vu khống Thái tử Đán, bà rất chán ghét hắn. Đối với bà , bộ mặt của Thừa Tự chỉ còn đồng nghĩa với một chuyện "khôi hài đen" . Hắn là hiện thân của sự hảm tài, quê mùa, hung hăng ngu xuẩn và bợ đỡ. Hắn đã làm bà vỡ mộng, không còn hy vọng gì ở một triều đại huy hoàng của bà họ Võ . Bà bắt đầu chú ý hơn đến một người cháu khác : Võ Tam Tự .

Năm 696 , Rốt cuộc, Võ Hậu bảy mươi mốt tuổi, bà trở nên một người lớn , không còn những phút bốc đồng như trẻ con nữa. Bà đã ổn định cả thể xác lẫn tinh thần. Bà cho triệu hồi các hiền thần mà bà vẫn ngấm ngầm khâm phục như Địch Nhân Kiệt , Hứa Viễn Chung, Hứa Ngọc Cung, v.v. 

Trước kia bà để hết tâm trí lo củng cố địa vị thực hiện tham vọng riêng tư, nên bà đã bỏ lỡ cơ hội trở nên một nữ hoàng vĩ đại . Giờ đây bà quyết định tổ chức lại triều đình . Không phải chủ tâm bà muốn làm một cuộc cải cách, nhưng bà muốn có nhiều giờ rảnh rỗi để hưởng thụ những lạc thú hấp dẫn hơn cả mối tình lãng mạn với nhà sự điên. Thâm tâm bà chỉ muốn sống thật lâu, tác quái thật nhiều, luôn chiến thắng, ăn mừng và ân ái.

Việc triều chính bà đã trải qua nhiều rồi. Bà không muốn bận tâm thêm nữa. Bà sẽ giao việc cai trị cho các hiền thần giàu khả năng và kinh nghiệm . 

Như vậy còn gì hơn Địch Nhân Kiệt được phong làm Đô Ngự Sử . Ông lựa một số người lỗi lạc nhất để cộng tác với ông . Hứa Ngọc Cung được chọn làm Phó Đô Ngự Sử. Ngọc Cung, như đã nói ở một đoạn trước , là một vị Pháp quan cương trực. Ông đã dám tranh luận với Võ Hậu, bênh vực mẹ vợ của Đán vì bà này cầu nguyện cho cô con gái chết một cách bí mật ở trong cung , Đào phi bị Võ Hậu thủ tiêu như đã kể ở chương 20. 

Riêng Nguỵ Viễn Chung, nhân vật kiêu hùng cứng đầu cứng cổ nhất , cũng trở về giữ chức Thị Trung . Nhìn thấy ông người ta liên tưởng đến một cây cổ thụ sống sót sau một trận bão , ba trận bão mới đúng . 

Khi ông về chầu, Võ Hậu hỏi : 

- Sao khanh gặp hết rắc rối nọ đến rắc rối kia như vậy? 

Viễn Chung hỏm hỉnh trả lời: 

- Thần là một con nai tơ , họ Lại và họ Châu lại thích món nai hầm. Thần biết làm sao bây giờ .

Với những khuôn mặt như Nhân Kiệt , Viễn Chung,. triều đình đã bước qua giai đoạn tối tăm nhất. 

Võ Hậu quả có cặp mắt tinh đời khi chọn những người này. Để Nhân Kiệt làm cột trụ của triều đình là điều hợp lý , nhưng bà đã quên mất một chuyện, Nhân Kiệt từng nói với họ Lại : Là thần tử trung thành của nhà Đường , tôi vui lòng chịu chết. 

Cờ đã đến tay Nhân Kiệt, ông có toàn quyền hành động. Thêm vào đó Võ Hậu rất tin cậy ông. Với tài hùng biện và giọng nói dễ nghe , ông đưa ra kiến nghị hoặc tiến cử người nào Võ Hậu cũng nghe theo . Khoảng hai ba chục triều thần là người của ông, kể cả Tống Cảnh và Diêu Sủng, hai vị quan tuổi trẻ tài cao . 

Ngự Sử đài do ông cầm đầu không còn sợ bị Thừa Tự lợi dụng làm công cụ để qua mặt luật pháp như trước kia nữa. 

Sau một thời gian bị đổi đi xa, họ Lại vận động và được trở về kinh đô, nhưng chỉ giữ một chức quan nhỏ tại đây . Gã và Thừa Tự không còn gắng bó như trước. Gã đang kiếm cách hảm hại Thừa Tự với hy vọng phục hồi quyền lực cũ, nhưng không may cho gã, câu chuyện dính líu cả Công chúa Thái Bình . Vì bất đắc chí , gã trở nên nông nổi thiếu thận trọng. 

Hồi đó, Thừa Tự và Công chúa Thái Bình làm vài chuyện lem nhem khiến thiên hạ đàm tiếu không ít.

Chẳng hạn việc Thừa Tự cướp vợ người khác đến nỗi người vợ phải tự tử và người chồng làm thơ khóc vợ. Bài thơ này truyền từ miệng người này đến miệng người kia, cả nước đều biết. 

Họ Lại vô tình hùa theo dân chúng nói xấu Thừa Tự và Công chúa Thái Bình và đây là lầm lỗi lớn trong đời gã . 

Thừa Tự là kẻ hữu dõng vô mưu , nhưng Công chúa Thái Bình không phải là người dễ chọc. Công chúa lập tức xếp đặt để họ Lại phạm một lúc mấy tội nặng : cưỡng đoạt , hối lộ, bất công, cướp vợ người, v.v.

Khi họ Lại bị bắt , toàn thể dân chúng Lạc Dương vui mừng hớn hở. Mọi người đều muốn uống máu, nhai xương gã cho hả dạ. Gã đã giết không biết bao nhiêu người và phá tan vô số gia đình vô tội. 

Hứa Ngọc Cung và các Pháp quan khác buộc tội gã dễ dàng. Bản án của gã được gửi lên Võ Hậu để bà phê chuẩn, nhưng đã mấy ngày bà vẫn chưa đả động tới. 

Toàn thể dân chúng Kinh đô đều nôn nóng chờ đợi quyết định của bà. Họ thắc mắc không hiểu số phận của họ Lại sẽ ra sao ? Nếu gã bị xử tử thì bao giờ mới hành quyết . 

Trong khi đó, tên hầu cận của Võ Hậu cũng sốt ruột không kém. Y từng bị họ Lại bắt, và suýt bị giết. Y vẫn căm họ Lại từ lâu . Một hôm y đánh xe cho Võ Hậu dạo chơi và lựa lời nhắc khéo bà :

- Sao Bệ Hạ chưa phê bản án của họ Lại ? Dân chúng đang nóng lòng chờ đợi. 

- Gã có công lớn với triều đình. Ta còn đang xét lại.

- Nhưng tội của gã chất cao như núi. Các oan hồn đang lởn vởn khắp nơi . Tất cả triều thần cũng đang mong đợi sự chấp thuận của Bệ Hạ .

Họ Lại bị bịt miệng và đem ra pháp trường. 

Từ sáng sớm một biển người đã túc trực quanh pháp trường để chờ xem cuộc hành hình một tên ác ôn chuyên hành hình người khác. Khi đầu họ Lại rơi xuống , đám đông bổng rú lên vang động một góc trời. Họ reo họ như những người điên . Họ vui mừng vì từ đây họ sẽ ăn ngon, ngủ kỹ, không còn những đêm mất ngủ vì chợt nhớ tới hình ảnh của họ Lại. Tên hung thần cuối cùng đã ra đi . Họ xông vào pháp trường cướp thi thể của họ Lại. Họ cấu xé, họ đạp, họ đá cái xác không hồn : cho đến khi chỉ còn là đống thịt xương nhầy nhụa. Có người còn móc mắt hay vặn một khúc xương của họ Lại rồi ném xuống một cách hả hê . 

Đến bây giờ Võ Hậu mới hiểu rõ thế nào là lòng căm phẫn của dân chúng. Để vỗ về họ , Võ Hậu xuống chiếu tru di cả gia quyến họ Lại. 

Sau cái chết của tên hung thần, bầu không khi trở nên êm ả khác thuờng, không còn cảnh tố cáo hãm hại lẫn nhau . 

Võ Hậu lấy làm ngạc nhiên vì không thấy các triều thần thi nhau báo cáo về các cuộc phản loạn như trước nữa. Thừa Tự cũng hết lộng hành và mọi người đều cảm thấy dễ thở .

Trong thời kỳ khủng bố, quần thần lúc nào cung nơm nớp lo sợ. Mỗi buổi sáng khi vào triều, họ thường dặn dò vợ con : Không biết hôm nay trong triều sẽ xảy ra chuyện gì và chiều nay ta có về được đến nhà không ?

Dù là quan to họ có thể bị bắt bất cứ lúc nào vì tội phản nghịch ; và một khi bị bắt, chắc chắn họ sẽ ra đi không bao giờ trở lại. 

Thừa Tự hết nơi bám víu . 

Bước đầu của Nhân Kiệt là giải quyết dứt khoát việc chọn người kế vị . Thừa Tự không hy vọng gì tranh ngôi Thái Tử vì bao nhiêu công trình sắp đặt của hắn trong một phút đã trôi theo dòng nước . Vì một sự bất cẩn , họ An đã tự mổ bụng và làm lộ âm mưu vu khống Thái tử Đán của hắn. Hơn nữa, Nhân Kiệt đang vận động để Triết và Đán lần lượt nối ngôi Võ Hậu. Việc này tuy khó nhưng theo Nhân Kiệt không phải là không làm được. Trong khi đó Võ Hậu cũng chợt nhận ra tình thế không ổn . 

Làm thế nào một người đàn bà có thể lập ra một triều đại mà không cần đến con trai làm người kế nghiệp ? 

Vấn đề thật nan giải. Con bà họ Lý , còn cháu bà họ Võ. Không lẻ bà truyền ngôi cho cháu mà không truyền ngôi cho con ? Tuy bà có gán họ Võ cho Đán, nhưng đó chỉ là giả tạo . Dù sao chàng vẫn thuộc họ Lý và là người của nhà Đường. 

Võ Hậu suy nghĩ rất nhiều. Bà có hơn mười người cháu. Bà muốn truyền ngôi lại cho Thừa Tự hoặc Tạm Tư vì chúng là cháu nội của thân phụ bà. Nhưng cứ mỗi lần bà trông thấy mặt chúng, trái tim bà như cứ chìm hẳn xuống. Điệu bộ của chúng vừa có vẻ bợ đở, vừa có vẻ hợm hỉnh , khúm núm với người trên , hống hách với kẻ dưới. Càng kiểu cách bao nhiêu , chúng càng làm cho mọi người chán ghét khinh bỉ bấy nhiêu . 

Riêng Nghi Tăng , một người cháu khác, tuy có cao vọng nhưng thân hình loắt choắt, xác xơ, không khác gì một người bù nhìn cắm ở ngoài ruộng để doạ đám chim xuống ăn thóc. 

Những người còn lại trông còn tệ hơn Nghi Tăng . Chúng ăn mặc cách nào cũng giống bộ xương khô, chẳng có nét nào giống một vị Hoàng đế. Ngoài ra, chúng chỉ là một bọn hèn nhát, ngu xuẩn và vô học.

Trong đám cháu. Võ Hậu tương đối ưa Tam Tư hơn cả. Bà muốn lập y làm Thái tử và hỏi ỷ kiến quần thần. 

Nhân Kiệt cực lực phản đối. 

Ông đánh đòn tâm lý :

- Bệ Hạ nên chọn một trong các Hoàng tử làm người kế nghiệp. Như vậy sau này bài vị của Bệ Hạ mới được đặt trong nhà Thái miếu và thờ phụng đúng lễ nghi đời này qua đời khác . Các Hoàng đế chỉ thờ cha chú , chưa có vị Hoàng đế nào thờ dì -em mẹ- tại nhà Thái miếu. Ngoài ra xin Bệ Hạ hãy xét lại xem , con thân hay cháu thân hơn ? Dù con có ngỗ nghịch, nhưng chưa chắc cháu đã nhớ ơn dì mãi mãi.

Cũng như trăm ngàn người đàn bà khác, Võ Hậu bắt đầu lo rằng khi chết đi sẽ rơi vào cảnh mồ hoang mả lạnh, quanh năm không ai hương khói thờ phụng. Bà rất sợ phải làm hồn ma đói khát. Ngoài ra, Võ Hậu linh cảm thấy những người như Tam Tư hoặc Thừa Tự rất có thể sẽ quên hoặc làm nhục bà khi bà nằm xuống. Bà rất khâm phục lý luận xác đáng của Nhân Kiệt nhưng bà vẫn chưa đầu hàng. Bà nói :

- Ấy là việc riêng trong gia đình ta . Ta sẽ quyết định .

Nhân Kiệt bồi thêm một đòn nữa :

- Xin Bệ Hạ đừng quên rằng tất cả thiên hạ đều thuộc về Bệ Hạ. Vậy đâu còn chuyện riêng hay chuyện chung nữa. Vấn đề chọn người kế vị ảnh hưởng lớn đến Hoàng tộc cũng như trăm họ trong nước. Nó liên quan đến sự an nguy của xã tắc và phải được giải quyết một cách minh bạch. Hoàng tử Triết và Đán do chính bệ hạ sinh ra, dĩ nhiên Bệ Hạ nên chọn làm người nối nghiệp. 

Đã từ lâu Võ Hậu lưỡng lự trong vấn đề này. Giờ đây bà bắt đầu cảm thấy Nhân Kiệt có lý. Bà phải chọn hoặc làm mẹ hoặc làm dì của vị vua tương lai, đằng nào an toàn hơn ?

Một ngày kia bà hỏi Nhân Kiệt :

- Giữa Triết và Đán, nên chọn ai ? 

Vẫn với lối lập luận vững chắc, rõ ràng, Nhân Kiệt trả lời : 

- Dĩ nhiên nên chọn Triết vì Triết là anh .

Hoàng tử Triết , hiện là Lư Lăng Vương, đã xa Võ Hậu mười bốn năm liền. Nhờ lời đề nghị của Nhân Kiệt, Triết và vợ được triệu hồi về Kinh đô , nhưng việc nãy được giữ bí mật. 

Mọi người chỉ biết láng máng rằng Triết bị bệnh và phải về Kinh đô để chữa. 

Riêng Triết là một con chim đã bị tên, thấy cây cung là sợ. Chàng tuân lệnh trong sự sợ hãi lo âu . Chàng không hiểu lần này về Kinh đô, số phận chàng sẽ ra sao ? 

Một lần nữa Nhân Kiệt vào cung để nhắc nhở Võ Hậu nên có ý định dứt khoát. Ông hồ nghi , không hiểu tại sao Võ Hậu lại phải giữ bí mật chuyện triệu hồi Triết về làm Thái tử. Bà còn có ẩn ý gì chăng ?

Nhân Kiệt lại phải dùng đến tài hùng biện của mình để thuyết phục Võ Hậu. 

Ông khéo léo khơi động tình mẫu tử đang tiềm tàng trong lòng bà. Cuối cùng bà nghe theo lời ông, không hiểu vì tình mẫu tử thiêng liêng hay vì bà muốn sau này có người hương khói phụng thờ. 

Bà lên tiếng gọi Triết, và chàng bước ra từ sau một tấm màn. 

Bà thân mật nói với Nhân kiệt : 

- Ta trả Thái tử cho khanh đó ?

Nhân Kiệt và Triết đều quì xuống tạ ơn .

Nhân Kiệt không quên chúc mừng bà đà có một quyết định sáng suốt. 

Ông nói :

- Chuyện này không nên giữ bí mật.

- Khanh có ý kiến gì hay ?

- Theo hạ thần, Bệ Hạ nên cho dân chúng chứng kiến cuộc trở về của Thái Tử, Bệ hạ nên tổ chức một cuộc tiếp đón long trọng để ngôi Thái Tử được công khai thừa nhận.

Võ Hậu nhất nhất nghe theo sự xếp đặt của Nhân Kiệt. 

Cuộc tiếp đón Thái Tử được tổ chức vào tháng ba năm 698. 

Quá thất vọng vì giấc mộng làm vua đã tan theo mây khói, Thừa Tự sinh bệnh và chết vào tháng mười một năm đó . 

Riêng Đán rất vui lòng nhường ngôi Thái Tử cho Triết. 

Năm sau tôi và các con của chú Đán rất vui mừng được rời khỏi hậu cung để sống đời tự do như trước. Lúc đó tôi đã hai mươi chín tuổi và đương kim Thánh Hoàng - con của chú Đán - mới mười bốn tuổi .

Tôi cảm thấy mình không khác một con chim vừa sổ lồng. Đáng lẽ tôi phải rất khích động vì được tự do dạo phố, nhìn lại các cửa tiệm của các khu dân cư đông đúc, nhưng sự thật trái lại. Dường như lòng tôi đã nguội lạnh từ lâu . Mọi việc trên đời đối với tôi đã trở nên tầm thường. Phải mất mấy năm trời tôi mới bỏ được thói quen ít nói, thận trọng và nhút nhát, để sống lại cuộc đời bình thường. 

Địch Nhân Kiệt đã già. Cuộc đời ông là một chuỗi ngày tận tuỵ hy sinh cho xã tắc. Võ Hậu rất kính nể ông và coi ông như người trong Hoàng tộc. Trong tất cả các cuộc họp mặt, ông đều được đặc biệt tôn kính. Võ Hậu không gọi ông bằng tên hay bằng chức vụ, mà gọi ông là Quốc Lão để tỏ rõ địa vị cao quí của ông .




Tuy Triết đã được chọn làm người kế vị . Nhân Kiệt thấy rõ sẽ còn xung đột giữa họ Lý và họ Võ , vì quyền hành vẫn do họ Võ nắm giữ . Ông tự hỏi cuộc xung đột sẽ kết thúc ra sao ? Nhưng có một điều ông biết chắc là phải cần đến những người tích cực hoạt động và can đảm phi thuờng mới có thể giải quyết vấn đề. Võ Hậu triệt để nghe lời tiến cử của ông , nên xung quanh ông đã có môt đám người dám nói dám làm; sẳn sàng đoàn kết để đương đầu với mọi biến cố . Còn ai giàu kinh nghiệm và can đảm hơn Nguỵ Viễn Chung . Còn ai hăng say với nhiệm vụ bằng Diêu Sủng và Tống Cảnh .

Nhưng điều khiến cho Nhân Kiệt bận tâm hơn cả là làm thế nào lật đổ nhà Chu . Ông cần phải có những người tâm phúc.

Người đầu tiên ông nghĩ tới là Trương Giản Chi, một bạn thân từ hồi còn nhỏ. Hiện thời Giản Chi chỉ giữ một chức quan nhỏ. Nhân Kiệt biết rõ Giản Chi là người thâm trầm, ít nói, nhưng tài ba xuất chúng. Hai người có chung một ý nguyện khôi phục nhà Đường. 

Một ngày kia Võ Hậu bảo Nhân Kiệt tìm một người có khả năng để giữ một nhiệm vụ quan trọng. 

Nhân Kiệt hỏi : 

- Tâu Bệ Hạ, người đó phải như thế nào ? 

- Y phải tài ba hơn người , nghĩa là phải nghĩ và hành động trước người khác. 

- Nhiệm vụ của người đó là gì, tâu Bệ Hạ ? 

- Y phải văn võ kiêm toàn, vừa có thể điều khiển việc triều chính, vừa có thể làm Nguyên soái nơi trận mạc. 

- Vậy thì không ai bằng Trương Giản Chi .

Không hiểu Võ Hậu nghĩ sao, bà hạ lệnh cho Giản Chi về giữ chức Trưởng quan tại một quận thuộc Kinh đô . Tuy chức vụ này quan trọng nhưng chưa được như lời Võ Hậu nói. Có lẻ bà muốn thử tài Giản Chi . 

Một ngày khác Võ Hậu lại bảo Nhân Kiệt tìm người tài giỏi để trọng dụng. 

Nhân Kiệt nói : 

- Hạ thần đã tiến cử Giản Chi rồi mà.

- Trẫm đã dùng y rồi.

- Không phải như vậy. Thần tiến cử y làm Thừa tướng chứ không phải làm một chức quan nhỏ như vậy. 

Võ Hậu phong Giản Chi làm Phó thượng thư bộ Hình. Thế là ông trở nên nhân vật quan trọng.

Nhân Kiệt cảm thấy mình đã già và chẳng còn sống được bao lâu nữa. Ông biết ông sẽ ra đi trong sung sướng vì trong cuộc cờ chính trị ông đã đi những nước cao và đang thắng thế, phần còn lại ông phó mặc cho Trời. Có lẽ Trời không nỡ phụ lòng ông . Sau này chính những người do ông tiến cử như Giản Chi, Diêu Sủng, Kỉnh Huy, Quang Ngạn Phạm, Thôi Ngươi Huy, Viên Thứ Kỷ thành công trong việc khôi phục nhà Đường. 

Năm 700, sau khi Nhân Kiệt trăn trối những việc phải làm cho Giản Chi, Địch Nhân Kiệt nhắm mắt từ trần. Lúc đó ông bảy mươi mốt tuổi. 

Bộ óc lớn nhất thời đại không còn nữa !

Nguồn: http://vnthuquan.org/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved