Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

10 thg 11, 2013

Truyện Xuân Hương - Khuyết danh - Bae Yang Soo dịch -Tiểu thuyết Hàn Quốc - Chương 1,2

Chương 1 : Gặp gỡ

Vua Lý Túc Tông lên ngôi lúc thái bình, thịnh vượng như thời vua Nghiêu, vua Thuấn. Khắp nơi vang lên tiếng trống vàng, tiếng sáo ngọc. Y phục và đồ vật dồi dào chẳng kém thời Thang, Vũ. Nhà vua có bên cạnh những bề tôi trụ cột, những tướng bảo vệ tin cậy. Hồng phúc của vua toả khắp mọi nơi. Triều chính trong nước vững vàng. Các dòng họ nối tiếp nhau không dứt. Nhà nào cũng có trai hiền, gái tốt. ở đâu cũng nghe người dân hát bài ca mừng gió thuận, mưa hoà và cuộc sống no ấm.

Bấy giờ, ở huyện Namwon, tỉnh Jeolla có một kỹ nữ tên là Nguyệt Mai. Nguyệt Mai rất nổi tiếng ở ba tỉnh phía nam nhưng đã bỏ nghề được một thời gian. Nàng lấy một nhà quý tộc họ Thành. Ngoài 40 tuổi rồi mà nàng vẫn chưa có con, nên mắc bệnh sầu não.

Một hôm, sau khi suy nghĩ về cách có con của người xưa, Nguyệt Mai mời chồng vào phòng nói:

- Xin lang quân nghe thiếp nói. Chúng ta chắc có duyên từ kiếp trước nên đời nay thành vợ, thành chồng. Thiếp đã bỏ nghề kỹ nữ, coi trọng lễ nghi, cố gắng trong việc nội trợ. Vậy tại sao chúng ta chưa có được một đứa con? Hay là thiếp có tội gì? Sau này ai là người cúng tổ tiên và chôn cất chúng ta? Theo thiển ý của thiếp, nếu chúng ta đến lễ ở những chùa lớn và những ngọn núi nổi tiếng thì chắc sẽ toại nguyện. Vậy chàng nghĩ thế nào?

Ông Thành trả lời:

- Những điều nàng nói về cuộc đời chúng ta đều đúng cả. Còn việc cứ đi lễ mà có con thì chẳng hoá ra trên đời này không ai không có con ư?

Nguyệt Mai lại nói:

- Bậc thánh nhân như Khổng Tử cũng phải đi lễ ở núi Ni Khâu; Trịnh Tử Sản người nước Trịnh sinh ra cũng nhờ lễ ở núi U Kyung. Còn ở ta cũng có nhiều núi nổi tiếng và chùa lớn. Ông Châu Thiên Chung Nghi ở Ung Chun tỉnh Kyung Sang già rồi mà chưa có con. Do đi lễ ở đỉnh núi mà sinh quý tử. Chúng ta hay cố làm theo như vậy. Chẳng nhẽ có công trồng cây mà không có ngày hái quả sao?

Từ đó, hai vợ chồng tắm rửa sạch sẽ, tìm nơi để cầu cúng. Đường đi phải qua cầu Ô Thước. Nhìn ra bốn hướng họ thấy núi Kyo Ryong ở phía tây bắc ; thấp thoáng trong rừng Jang Lim ở phía đông có chùa Sun Won; núi Ji Li ở phía nam có suối Yo Chun. Con suối này đổ xuống chân núi thành sông Jang nước xanh biếc. Đây là nơi trời đất, âm dương hoà hợp hiếm có. 

Muốn đi tới Ji Li hai vợ chồng phải qua một cánh rừng rậm và những con sông, ngọn núi khác. Khi leo lên đỉnh Ban Ya của ngọn núi này và so nó với cảnh vật xung quanh, họ tin chắc đó là nơi cần tới. Tại đây nàng Nguyệt Mai dựng một cái đàn và sắp đặt đồ cúng. Nàng đã làm lễ rất công phu, thành kính. Do thần núi linh nghiệm mà nửa đêm ngày đoan ngọ Nguyệt Mai nằm mơ thấy một tiên nữ xuất hiện giữa những đám mây ngũ sắc. Tiên nữ cưỡi hạc trắng, tay cầm một cành hoa quế, đầu đội mũ kết bằng hoa, mặc quần áo rất đẹp; chân bước đến đâu là ở đó có tiếng nhạc. Tiên nữ bước vào nhà, chắp tay chào Nguyệt Mai và nói một cách kính cẩn:

- Tôi là con gái của Lạc Phổ. Một hôm tôi đến Ngọc Kinh để dâng đào tiên. Tôi đã gặp Xích Tùng Tử ở Điện Quang Hàn. Vì mãi trò chuyện với chàng nên tôi đã dâng đào chậm. Ngọc Hoàng tức giận đuổi tôi xuống dưới trần gian. Trong lúc không biết đi đâu, tôi đã được thần núi Du Ryu chỉ đến nhà bà. Xin bà thương tình.

Nói xong tiên nữ chạy đến ôm chầm lấy Nguyệt Mai. Cảnh tượng này làm cho con hạc đứng bên cạnh bật khóc. Tiếng khóc của nó khiến Nguyệt Mai thức giấc. Nàng biết mình vừa qua giấc mộng Nam Kha. Sau cơn bàng hoàng, Nguyệt Mai đã nói với chồng về giấc mơ đó. Nàng hy vọng nhờ may mắn sẽ sinh được con trai. Quả nhiên, từ tháng đó nàng có thai. Mười tháng trôi qua, một hôm tự nhiên trong phòng nàng rực rỡ màu mây ngũ sắc, rồi nàng sinh ra một người con gái rất đẹp. Mặc dù không sinh con trai như mong muốn nhưng Nguyệt Mai vẫn vui mừng lắm. Không thể nói hết được là nàng đã yêu quý con như thế nào. Nàng đặt tên cho con là Xuân Hương và chăm sóc cẩn thận như giữ gìn ngọc quý trong tay. Cũng không thể nói được Xuân Hương ngoan ngoãn, đáng yêu như thế nào. Xuân Hương hiền lành như con hươu vậy. Bảy, tám tuổi Xuân Hương đã rất thích đọc sách. Cô luôn luôn giữ lễ độ cẩn thận nên không một ai không khen ngợi cô có hiếu với bố mẹ.

Bấy giờ có một nhà quý tộc tên là Lý Hàn Lâm ở Sam Chung Dong. Gia đình ông rất nổi tiếng. Tổ tiên ông đều là những trung thần.

Một hôm, nhà vua xem cuốn sách ghi tên những người trung hiếu để chọn người làm quan các địa phương. Lý Hàn Lâm đang làm quan ở huyện Goa Chun, đã được bổ nhiệm đến huyện Keum San. Sau đó, một lần nữa ông lại được chuyển sang huyện Namwon. Lý Hàn Lâm đã đến tạ ơn vua rồi mang hành trang đến huyện mới. Xem xét tình hình ở đây ông không thấy có gì đặc biệt. Dân tình ổn định, vui vẻ. Người ta có thể nghe thấy tiếng hát ca ngợi thái bình, ca ngợi được mùa. Nhân dân sống hiền hoà như thời Nghiêu, Thuấn ở Trung Quốc ngày xưa.

Lúc đó ngày xuân sáng sủa, ấm áp thích hợp với việc dạo chơi. Trên bầu trời xanh chim én cùng các loài chim gọi nhau và bay từng đôi trông rất tình tứ. Phía nam phía bắc đều chung màu hoa rực rỡ. Trên cành liễu những con chim Koikori cất tiếng gọi bạn. Cây liền cây thành rừng. Chim cu cu đã bay đi rồi. Đây là lúc thời tiết đẹp nhất trong một năm.

Quan huyện Lý Hàn Lâm có con trai tuổi đôi tám. Diện mạo chàng tựa như nhà thơ Đỗ Mục Chi đời Đường. Lòng chàng rộng như biển xanh, còn trí tuệ thì rất uyên bác. Văn chương của chàng có thể sánh với Lý Thái Bạch. Chữ viết chẳng kém Vương Hy Chi. Một hôm chàng gọi tên người hầu là Phòng tử đến và nói:

- Trong huyện này ở đâu có cảnh đẹp nhất? Ta đang có hứng xuân, hãy chỉ cho ta những cảnh đẹp nổi tiếng để ta làm thơ.

Gã Phòng Tử trả lời:

- Công tử đang bận học, tìm những chỗ đó làm gì.

Chàng Lý mắng:

- Mày thật vô học. Từ xưa những bậc văn chương tài hoa thường lấy thiên nhiên làm đối tượng để làm thơ và ngâm thơ. Đến như thần tiên còn muốn du ngoạn đây đó, huống chi ta đây có hứng thú như thế lại không đáng sao. Tư Mã Tương Như từng nói rằng người ta phải ngược xuôi nơi sóng to, gió lớn thì mới có thể biết được thiên nhiên đẹp và vẻ đẹp đó làm nên văn thơ. Lý Thái Bạch là thi tiên, đã chơi ở sông Thái Thạch; Mùa thu, Tô Đông Pha chơi ở sông Xích Bích vào ban đêm; Bạch Cư Dị chơi ở sông Thầm Dương vào những đêm trăng sáng; Vua Thế Tổ chơi ở đài Mun Jang núi Sok Ri huyện Bo Eun... thì ta không chơi được sao?

Phòng Tử chiều theo ý chủ đã kể hết về cảnh đẹp bốn phương.

Trước hết nói về Seoul, qua cổng thành Ja Mun có thể đến Chil Sung Am, Chung Yeon Am; ở thành phố Pyung Yang có Yeon Goang Jung, Dae Dong Lu, Mo Lan Bong; ở huyện Yang Yang có chùa Naksan; ở huyện Bo Eun có đài Mun Jang nằm ở núi Sok Ri; ở An Ywi có đài Su Seung; ở Jin Ju có Chok Suk Lu; có Young Nam Lu; ở tỉnh Jeolla có Pyung Yang Jung thuộc xã Tae In và Han Phung Lu thuộc huyện Mu Ju, Han Byuck Lu thuộc thành phố Jeon Ju; nói về huyện Namwon, ra ngoài cổng phía Đông có miếu Quan Vương mà sự trang nghiêm của người anh hùng xưa như còn hiện diện hôm nay; qua cổng phía Nam có lầu Kwang Han, cầu O Jak, Young Ju Gak; qua cổng phía Bắc có sơn thành Kyo Ryong mà hình dáng của nó trông giống như những bông hoa phù dung vươn giữa trời xanh... Tất cả những nơi đó đều rất đẹp. Vậy tôi xin đi tuỳ theo ý công tử. Sau khi nghe Phòng Tử kể, chàng Lý nói:

- Này Phòng Tử, ta nghe người nói thì lầu Kwang Han và cầu O Jak là cảnh đẹp nhất. Vì vậy hãy đến chỗ đó.

Ta hãy xem việc làm của chàng Lý ra sao.

Chàng đến trước Quan huyện thưa rằng:

- Thưa cha, thời tiết hôm nay rất tốt, con muốn dạo quanh huyện một chút để ngâm thơ.

Quan huyện vừa cười lớn, vừa nói:

- Con đi ngắm cảnh vật ở huyện ta, khi về phải có thơ đấy nhé.

- Vâng, con sẽ làm theo lời cha.

Chàng Lý trả lời rồi ra ngoài.

- Phòng Tử ơi! Mang yên ngựa lại đây.

Chàng gọi người hầu. Theo lời chàng Phòng Tử mang yên ngựa ra. Những vật trang sức trên con ngựa của chàng đều rất quý và đẹp. Dây thì màu đỏ, yên thì làm bằng da con hổ.


Khi đã chuẩn bị ngựa cho chủ xong, Phòng Tử nói:

- Thưa cậu, ngựa đã sẵn sàng rồi.

Trông khuôn mặt chàng Lý lúc này thật đẹp, tóc cuốn gọn gàng, xức dầu thơm ngát. Quần của chàng được may bằng lụa của vùng Sung Chun. Chân chàng được cuốn bằng loại vải sang trọng, có dây buộc màu xanh. Khuy áo trong bằng ngọc; thắt lưng cũng bằng một loại lụa quý. Chiếc túi giắt ngang thắt lưng có thêu nhiều hình đẹp. Chàng khoác bên ngoài chiếc áo dài đến gối, có đai đen. Vừa buộc đai áo chàng vừa ra lệnh cho Phòng Tử:

- Hãy giữ ngựa cho ta.

Rồi chàng nhảy lên lưng ngựa. Chàng sửa chỗ ngồi rất cẩn thận. Tay chàng cầm chiếc quạt che đầu của nước Đường mạ châm kim bằng vàng. Con đường từ nhà ra ngoài rất rộng rãi, Chàng Lý ung dung trên mình ngựa.

Trong cảnh thanh xuân đậm đà hương sắc lúc đó, ai nhìn thấy chàng cũng yêu thích.

Chàng bước lên lầu Kwang Han, dưới mắt chàng, phong cảnh bốn phương thật tuyệt vời. Đã nửa buổi sáng mà Xích thành vẫn còn sương mù. Tiết trời ấm áp làm cây cối xanh tươi, hoa thơm đua nở, ánh sáng mặt trời chiếu vào lầu đỏ, những phòng xanh, những ngôi nhà cao đẹp, bóng lộn của đài Lâm Cao. Lầu Kwang Han sàn cao. Cảnh vật ở đây giống với lầu Ác Dương, đài Cô Tô; với Đông Nam Thuỷ của nước Ngô, Sở chảy về Hồ Động Đình và với lầu Yên Tử ở Bành Trạch phía Tây bắc. ở hướng này có những chim anh vũ và chim công bay trên màu hoa nở trắng, hồng. Những cành thông có hương thơm lay động nhờ gió xuân. Một dòng thác đổ xuống con suối rộng; bên bờ suối có những bông hoa đang mỉm cười. Bốn bề thông mọc san sát. Trên mặt đất cỏ dại đưa hương, xanh tốt chẳng kém gì hoa. Những cây quế, lát, thược dược, bích đào phản chiếu màu sắc xuống lòng suối. ở hướng khác, một cô gái dáng thanh thoát vui tươi như chim hót đang hái những bông hoa đỗ quyên cài lên mái tóc và miệng ngậm một bông Ham Bak. Cô gái xắn áo rửa tay và súc miệng bằng nước suối. Rồi cô giơ tay ném dứ chú chim hoàng anh đang đậu trên cành liễu. Đây chính là ý thơ của người xưa nói về việc đánh thức chim hoàng anh đang ngủ. Cô gái còn bẻ một cành liễu quăng ra dòng suối. Trên không những con bướm trắng như tuyết, những con ong đưc, ong cái vỗ cánh bay. Cùng lúc đó chú hoàng anh vàng chói cũng bay vào rừng. Cảnh ở Kwang Han đã đẹp nhưng cảnh của cầu O Jak ở phía trước còn đẹp hơn. Có thể nói cầu O Jak là cảnh đẹp nhất ở tỉnh Jeolla. Lúc này chàng Lý tự hỏi, nếu đích thực đây là cầu O Jak thì Ngưu Lang, Chức Nữ ở đâu. Chỗ nổi tiếng như thế này thì phải có thơ chứ. Chàng bèn làm mấy câu thơ:

Cầu O Jak như con thuyền đứng dưới vầng trăng cao và sáng.

Những chiếc cột của Lầu Kwang Han đặt trên những phiến đá đẹp.

Ai là Chức Nữ ở trên trời?

Còn tôi đây chính là Ngưu Lang.

Những người hầu mang đồ nhắm ra. Chàng Lý uống một chén rượu. Có men rượi gây cảm hứng, chàng Lý miệng ngậm thuốc đi đi, lại lại. Chàng nghĩ rằng người ta thường khen Bo Ryun Am, núi Gom tỉnh Chung Cheong, nhưng so với đây thì không thấm tháp gì. Những màu đỏ, xanh, hồng, trắng của ngôi nhà cùng với tiếng hót của chim hoàng anh đã khêu gợi hứng xuân của con người. Những con ong vàng, những con bướm vàng, bướm trắng đi tìm hương; chúng bay ra, bay vào thành xuân. Nguồn nước dưới núi Bong Rae như là Ngân Hà. Phong cảnh ở đây khác nào phong cảnh tiên giới. Nếu đây chính là tiên giới thì phải có Hằng Nga.

Hôm ấy là ngày Đoan ngọ, thời tiết tốt trong năm. Nàng Xuân Hương con của Nguyệt Mai không thể không biết ngày đó. Vì nàng là người thông minh, lại có tài về "Thi thư âm luật". Xuân Hương cùng với người hầu là Hương Đan đi chơi đu. Tóc nàng đẹp như cỏ lan, búi sau gáy, cài bằng chiếc trâm vàng. 


Nàng mặc chiếc váy lụa mềm mại buông xuống chân, khoan thai bước vào rừng Dang Lim. Trên nền cỏ Kumjandi chim hoàng anh từng đôi bay đi bay lại. Chiếc đu của Xuân Hương cao hàng trăm thước. Nàng cởi chiếc áo mặc ngoài thêu rất đẹp, kéo váy lên trên ngực. Bàn tay búp măng của nàng nắm chặt lấy dây đu tết bằng một loại dây gai. Đôi bàn chân đi tất trắng nhẹ nhàng đặt trên bàn đạp. Khi nhún đu, thân nàng như cành liễu bay qua, bay lại, lấp lánh phía sau là chiếc trâm ngọc, còn phía trước là con dao nhỏ giắt vào chiếc đai bằng gấm ngang lưng.

- Hương Đan ơi, đẩy đu đi!

Xuân Hương giục cô hầu. Mỗi lần nàng lấy sức và nhún người thì cát bụi dưới chân lại bay lên theo gió. Khi chiếc đu đến độ cao nhất thì lá cây trên đầu nàng kêu rào rào. Chiếc đu bay bay làm lộ ra chiếc váy lót màu đỏ giữa không gian màu xanh biếc. Khi chiếc đu vút lên phía trước, trông nàng như con chim én đang đuổi theo cánh hoa đào rơi; khi vút ra phía sau lại giống như con bướm gặp cơn gió mạnh bay hoảng hốt. Nàng khác nào tiên nữ Vu Sơn từ trên mây đáp xuống Đài Dương. Trong khi chiếc đu lướt qua lướt lại, Xuân Hương vừa ngắt lá cây đưa lên miệng, ngắt hoa giắt lên đầu, vừa nói:

- Hương Đan ơi, gió mạnh quá, Chị cảm thấy chóng mặt rồi. Em hãy hãm lại đi.

Chiếc đu bị giữ, lắc lư, làm chiếc trâm ngọc trên đầu nàng văng lên hòn đá bên bờ suối nghe rõ tiếng "cheng".

- Ôi! Trâm của ta!

Xuân Hương kêu lên. Tiếng kêu của nàng khác nào âm thanh của cành san hô ném lên mặt bàn bằng ngọc. Dáng điệu của nàng thật bối rối, không có vẻ bình thường.




Chim én đã bay đi, nỗi lòng chàng Lý thêm buồn rầu. Chàng suy nghĩ miên man và nói một mình:

- Nàng Tây Thi đã lên thuyền nhỏ theo Phạm Tiểu Bá ở Thái Hồ thì ta đây làm sao có thể gặp được. Ngu mĩ nhân cất tiếng hát buồn chia tay với Vua trong một đêm trăng sáng, không còn trở lại nữa. Vương Chiêu Quân bái biệt Vua ở cung Đan Phụng, rồi tự vẫn ở Hạ Long Giang cũng không trở lại. Ban Tiệp Dư làm bài "Bạch đầu âm" ở cung Trường Tín; Triệu Phi Yến làm thị nữ ở cung Triêu Dương đều không thể trở lại. Những người này là tiên nữ ở Lạc Phố hay là tiên nữ ở Vu Sơn.

Tâm trí chàng Lý bay lên tận mây xanh, còn thể xác trông rất mệt mỏi.
Thật đúng là một chàng trai si tình.

- Bay ơi!

- Dạ.

- Hãy xem tường tận cái gì thấp thoáng ở đằng kia.

Chàng Lý vừa nói vừa giơ tay chỉ trỏ.

- Không có gì đâu, chỉ có cô gái con bà Nguyệt Mai từng làm kỹ nữ ở làng này. Tên cô gái ấy là Xuân Hương.

Người hầu sau khi xem xét trả lời.

Nghe nói thế chàng Lý bất giác vui mừng:

- Thật tốt quá!

Người hầu lại nói:

- Mẹ cô ấy là kỹ nữ nhưng cô là người giỏi chữ nghĩa không kém gì con những nhà quyền quý.

Chàng Lý cười hớn hở, gọi Phòng Tử vào, nói:

- Ta vừa biết cô gái ở đằng kia là con gái của một kỹ nữ, nên ngươi hãy gọi ngay lại đây. Phòng Tử trả lời:

- Cô gái ấy da trắng như tuyết, mặt đẹp như hoa. Những người ham chơi trong hàng quan quận, quan huyện muốn gặp cũng không được. Một người có cái nhan sắc của Trang Khương, cái đức hạnh của Nhâm, Tự, có cái tài văn chương của Thái, Đỗ, có tấm lòng hiền hoà của Thái Tự và lòng chung thuỷ của Nhị Phi..., một người như thế là mẫu mực của giới nữ, khi tiếp xúc không thể coi thường.

Chàng Lý lại cười lớn:

- Này Phòng Tử, ngươi có biết "sự vật thì có chủ" không? Bạch ngọc ở Kinh Sơn, vàng ở Lư Thuỷ đều có chủ nhân. Thôi, đừng nhiều lời nữa, hãy gọi cô ấy cho ta.

Theo lệnh chủ, Phòng Tử đến chỗ Xuân Hương. Dáng đi của hắn giống chú chim xanh của Tây Vương Mẫu khi chuyển thư mời người đến dự tiệc ở Giao Trì.

- Xuân Hương ơi! Cô Xuân Hương ơi!

Xuân Hương giật mình khi nghe tiếng gọi.

- Tiếng ai gọi to thế khiến tôi phải giật mình đó?

- Này cô gái, đã xảy ra việc lớn đấy.

- Việc gì vậy?

- Công tử con quan huyện trong khi dạo chơi ở lầu Kwang Han đã trông thấy cô, nên sai tôi đến gọi cô.

Xuân Hương bực tức nói:

- Chú là kẻ điên. Cớ gì công tử biết tôi mà gọi tôi đến. Chỉ có chú liến thoắng nói về tôi như con chim sẻ mổ hạt thóc.

- Không phải đâu, không phải là tôi nói về cô đâu. Chính cô sai chứ tôi không có gì sai cả. Cô hãy nghe tôi nói về cái sai của cô đây. Con gái muốn chơi đu thì chơi ở trong vườn và chơi nhẹ nhàng không để người khác biết. ở đây cách lầu Kwang Han không xa, cây cối rất tươi tốt. Những cây liễu thướt tha nhảy múa trước gió. Khi cô đánh đu đôi chân rất xinh đẹp, người chao liệng giữa mây trắng, chiếc váy trắng bên trong và chiếc váy hồng bên ngoài phất phơ trước gió đông nam. Da cô trắng như ruột bầu; toàn thân cô khi ẩn khi hiện giữa mây trắng nên công tử tôi trông thấy rõ, chứ đâu phải do tôi nói điều gì. Thôi, cô hãy qua đi.

Xuân Hương trả lời:

- Đương nhiên là chú nói như vậy. Thế nhưng hôm nay là ngày Đoan ngọ, có phải chỉ có mình tôi đi chơi đâu. Các cô gái của những nhà khác cũng đánh đu ở đây. Vả lại, tôi dù có đi chơi như thế này nhưng hiện thời không có tên trong danh sách kỹ nữ nên người khác không có quyền gọi tôi một cách thiếu lịch sự, mà có gọi tôi cũng không phải đi. Hẳn là chú đã hiểu không đúng lời của công tử.

Phòng Tử nghe lời Xuân Hương, trở về lầu Kwang Han thuật lại câu chuyện cho chủ biết. Chàng Lý từ tốn nói:

- Cô ấy nói rất đúng. Nàng quả là người khôn ngoan. Bây giờ mày hãy đến chỗ nàng và nói thế này, thế này...

Chàng Lý ghé vào tai Phòng Tử dặn khẽ.

Phòng Tử lại chạy đến chỗ Xuân Hương. Tuy nhiên, trong lúc y đang nói chuyện với chủ thì Xuân Hương đã về nhà rồi. Không còn cách nào khác hắn phải đến nhà nàng. Bấy giờ hai mẹ con Xuân Hương đang ngồi ăn cơm. Thấy Phòng Tử bước vào nhà, nàng nói:

- Tại sao chú lại đến đây?

Xin lỗi bà và cô, công tử của tôi chuyển lời cho cô nguyên văn là: "Tôi không coi nàng là kỹ nữ. Tôi nghe nói nàngcó tài văn chương nên có lời mời nàng. Tôi biết việc mời một cô gái gia đình phong lưu không phải dễ dàng. Vì vậy nếu không có gì phiền hà xin nàng đến một chút."

Không biết duyên số thế nào, chứ ý của Xuân Hương thì muốn đi nhưng vì sợ mẹ nên nàng im lặng chờ đợi. Mẹ nàng bàng hoàng nói:

- Giấc mơ không phải là không thật. Đêm qua mẹ nằm mơ thấy một con rồng ở ao Bích Đào. Chắc đó là điềm lành nên việc hôm nay không phải là chuyện ngẫu nhiên. Và mẹ lại nghe nói công tử con quan huyện tên là Mộng Long. "Mộng" là giấc mơ; còn "Long" là rồng, vậy là rất khớp. Dù thế nào thì người của tầng lớp thượng lưu gọi chẳng lẽ lại không đi sao? Thôi, con cứ qua một lát.

Xuân Hương làm ra vẻ miễn cưỡng phải đi. Bước chân của nàng như con hồ yến đi vào trong tổ, con gà mái tơ đi trong vườn; con rùa đi trên cát trắng; dáng vẻ đẹp đẽ, chậm rãi khác nào thiên nga tập đi bộ. ở trên lầu, chàng Lý đứng ngoài hiên cúi xuống quan sát từng bước đi của nàng. Chàng say mê, theo dõi tỷ mỷ nét kiều diễm bây giờ mới thấy ở Xuân Hương. Mặt nàng mang màu trắng của con hạc giữa dòng sông xanh được ánh trăng phản chiếu trên nền tuyết trắng. Môi nàng đỏ hồng, khi hé miệng cười để lộ ra hàm răng trắng muốt như ngọc, như sao. Nhìn lướt qua thấy nàng là vầng sắc màu lấp loá như mặt trời rọi trong sương mù. Chiếc váy màu xanh như làn sóng của Ngân Hà. Nàng bước uyển chuyển lên lầu và thẹn thùng dừng lại Chàng Lý sai người hầu mời Xuân Hương ngồi. Chàng thấy dáng Xuân Hương thật đẹp và thanh nhã. Nàng khác nào con chim yến sau khi tắm ở dòng sông trong xanh thảng thốt khi gặp người lạ. Người nàng không trang sức gì đặc biệt mà rất tuyệt vời. Đôi mắt như vầng trăng giữa đám mây; miệng đỏ thắm như sen nở trong đầm. Chàng Lý tự nghĩ rằng mình chưa bao giờ được gặp tiên nhưng đây chính là một nàng tiên bị đày xuống Nam Won và từ nay trên cung Quảng thiếu đi một tiên nữ. Phong cách của nàng cũng không phải của người trần gian.

Trong khi ấy Xuân Hương khẽ ngẩng đầu liếc nhìn chàng Lý. Nàng thấy chàng quả là một chàng hào kiệt, một chàng trai lý tưởng của trần thế. Vầng trán chàng cao báo hiệu công danh sớm mở. Sự hài hoà giữa trán và gò má chứng tỏ sau này chàng sẽ là một trung thần tin cậy. Trong lòng, Xuân Hương cảm thấy rất mến chàng Lý, nhưng vẻ ngoài thì nàng ngồi kín đáo, khép hai đầu gối, người hơi cúi xuống. Chàng Lý lên tiếng trước:

- Theo đạo thánh hiền thì người trong một họ không được lấy nhau. Vậy nên xin nàng cho biết tên họ là gì và năm nay bao nhiêu tuổi?

- Thiếp họ Thành, tuổi đôi tám.

Nàng trả lời.

Hãy xem thái độ của chàng Lý ra sao.

- Ha ha, nghe nàng nói như vậy tôi rất vui mừng. Tuổi của nàng cũng bằng tuổi của tôi. Về họ thì tôi và nàng rõ ràng là có duyên tiền định. Chúng ta có nhân duyên hoà hợp thì hãy xây dựng cuộc sống hạnh phúc lâu dài.

- Nàng có còn cha mẹ không?

- Thiếp chỉ có mẹ thôi.

- Nàng có mấy anh chị em?

- Mẹ thiếp năm nay đã 60 tuổi, nhưng chỉ sinh một mình thiếp là gái, không có con trai.

- Nếu thế thì hẳn nàng là con gái quý của gia đình. Do duyên tiền định mà chúng ta gặp nhau nên hãy sống bên nhau mãi mãi.

Hãy xem thái độ của Xuân Hương ra sao.

Xuân Hương khẽ nhíu mày và hé đôi môi đỏ cất tiếng trong như ngọc:

- Trung thần không thờ hai vua. Liệt nữ không lấy hai chồng. Chàng là quý công tử, còn thiếp là một tiện nữ. Thiếp yêu chàng mà sau này chàng phụ tình thiếp thì mối hận của cảnh "tấm lòng son" phải "phòng không chiếc bóng" thì có ai hiểu cho. Vậy xin chàng đừng nói như vậy.

Chàng Lý đáp rằng:

- Lời nàng nói thật khôn ngoan. Khi nào hứa hôn với nhau, chúng ta sẽ cùng thề vàng đá. Còn hiện giờ xin nàng cho biết nhà của nàng ở đâu?

Xuân Hương trả lời:

- Xin chang hỏi Phòng Tử.

Chàng Lý cười vui vẻ:

- Tôi muốn hỏi nàng chứ hỏi Phòng Tử thì có ý nghĩa gì.

- Phòng Tử ơi!

- Dạ.

- Hãy chỉ cho ta nhà nàng ở đâu? Phòng Tử vừa giơ tay chỉ vừa nói:

- ở đằng kia kìa, trên đồi cây rậm rạp; ở đó có ao nước sạch, nhiều cá quý, xung quanh có hoa thơm, cỏ lạ; trên cây các loài chim khoe màu lông đẹp; trên sườn đá những cây thông lớn gặp gió uốn ngọn như những con rồng; những cành liễu rủ trước nhà mềm và nhỏ như sợi dây; ngoài ra còn có cây Deulchuc, Jucbaek, cây dâu và cây Eunhaeng đứng đối diện sau theo âm dương; trước cửa nhà thảo đường có cây ngô đồng và cây daechu, cây nho và những cây khác leo trên hàng rào. Từ đây nhìn qua Juk Lim thấp thoáng ngôi nhà của Xuân Hương đó.

Chàng Lý nói:

- Trong một khu sạch sẽ, có nhiều thông và tre như thế thì con người ở đấy hẳn phải trinh tiết, chung thuỷ.

Xuân Hương vừa đứng lên vừa e thẹn nói:

- Ở đây không khí không được tốt, thiếp xin phép về nhà.

Chàng Lý nói đỡ lời:

- Có thể như vậy. Tối nay tôi sẽ đến thăm nhà nàng. Xin đừng lánh mặt nhé.

Xuân Hương trả lời:

- Thiếp không biết.

- Sao lại không biết. Thôi nàng về đi, tối nay sẽ gặp nhau.

Xuân Hương về đến nhà, mẹ nàng đón ở cửa vui vẻ nói:

- Con mẹ về rồi à, công tử nói với con những gì?

- Không nói gì cả, con chỉ ngồi một lát rồi xin về. Chàng hẹn tối nay sẽ đến thăm nhà ta.

- Con đã trả lời thế nào?

- Con trả lời rằng "không biết".

- Thế là tốt.

Chương 2: Tình yêu

Sau khi chia tay Xuân Hương về nhà, chàng Lý bâng khuâng lưu luyến mãi. Chàng bước vào phòng học nhưng không để tâm đến sách vở mà chỉ nghĩ đến nàng. Bên tai chàng Lý còn văng vẳng tiếng nói của Xuân Hương, trong mắt còn in đậm vẻ đẹp của nàng. Chàng nóng lòng chờ mặt trời lặn. Chàng gọi Phòng Tử vào hỏi:

- Hiện giờ mặt trời đang ở đâu?

Phòng Tử trả lời:

- Thưa cậu, mặt trời đang ở phía Đông.

Chàng Lý bực mình quát:

- Mặt trời ở phía tây sao lại đi ngược về phía Đông. Mày hãy xem lại đi.

Bấy giờ Phòng Tử mới thành thực:

- Mặt trời đã lặn xuống Hàm Trì và mặt trăng đang lên đỉnh núi.

Bữa cơm chiều chàng Lý ăn không thấy ngon; tâm trạng khắc khoải mong trời mau tối. Để quên thời gian chàng lấy ra hàng lô sách, nào là "Trung dung", "Đại học", "Luận ngữ", "Mạnh tử", "Thi truyện", nào là "Chu dịch", "Thông sử lược", "Thái thi", "Đỗ Thi", "Thiên tự kinh". Đầu tiên chàng giở cuốn "Thi truyện" ngâm to:

- Quan quan thư cưu; Tại hà chi châu. Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu... Thôi không đọc nữa.

Chàng lại mở quyển "Đại học" và đọc:

- Con đường của Đại học là ở đức sáng, ở "dân mới" và ở Xuân Hương nữa. Thôi cái này cũng không đọc được.

Rồi chàng lấy cuốn "Chu dịch" lướt nhanh:

- "Nguyên" là "hanh" và "trinh", mũi của Xuân Hương rất tốt. Thôi không đọc nữa. Ta đọc "Đằng Vương các" vậy. Nam Xương cố quận, hồng đô tân phủ. Hay! Câu này mới thực sự là văn chương.

Chàng chuyển sang đọc "Mạnh tử":

- Mạnh từ khi gặp Lương Huệ Vương thì ngàn dặm không phải là xa. Thế ta có phải đến thăm Xuân Hương không nhỉ?

Buông sách "Mạnh tử", chàng cầm cuốn "Thông sử lược" trên tay:

- Thiên hoàng thị làm vua nhờ xúc tấc nên việc điều hành đất nước rất thuận lợi, yên ổn. 11 anh em của Thiên hoàng mỗi người thọ 18.000 năm.

Nghe chàng Lý đọc như thế Phòng Tử nói xen vào:

- Trước đây chỉ nghe người ta nói Thiên hoàng làm vua nhờ Mộc đức; hôm nay lần đầu tiên được nghe nói Thiên hoàng nhờ xúc tấc.

- Mày thật không biết gì. Thiên hoàng sống 18.000 năm nên răng rất khoẻ, ăn được nhiều bánh gỗ. Những người thường thì ăn sao được. Cho nên Đức Khổng tử suy nghĩ về người đời sau, một hôm nằm mơ ở nhà Minh Luân; sau đó Ngài chỉ thị cho các trường làng trong 360 châu biết là răng của các nho sinh không khoẻ, không ăn được "mộc tấc" (bánh gỗ) phải thay bằng "xúc tấc" (bánh bằng bột). Vì thế sau này người ta thay mộc tấc thành từ xúc tấc.

Phòng Tử tỏ vẻ nghi ngờ:

- Ôi! Nếu trời nghe thấy lời giải thích của cậu chắc phải ngạc nhiên lắm.

Chàng Lý lại xem bài "Xích Bích phú" miệng đọc:

- Mùa thu ngày 16 tháng 7 năm Nhâm Tuất, Tô Tử và các bạn chơi thuyền trên sông, lúc đó gió nhẹ, sóng yên. Thôi không đọc nữa.

Chàng đọc đến "Thiên tự kinh":

- Trời: thiên; đất: địa.

Phòng Tử kêu lên:

- Đức Khổng tử ơi! Sao công tử của tôi lại đọc "Thiên tự kinh" như trẻ con thế này.

Chàng Lý giảng giải:

- "Thiên tự kinh" là tác phẩm cơ bản của "Thất thư"; Chu Xả Phụng người nước Lương viết ra trong một đêm, khiến tóc bạc trắng. Vì thế nó còn được gọi là "Bạch thủ văn". Ta xem xét kỹ các việc cụ thể thì thấy có những sự việc con người phải rất công phu, vất vả.

- Kẻ tiểu nhân này cũng biết "Thiên tự kinh" đấy, thưa cậu!

- Mày cũng biết à?

- Vâng.

- Vâng, xin mời cậu nghe.

- Thế thì hãy đọc thử xem nào?

Rồi Phòng Tử cao giọng đọc:

- Cao cao, trời: thiên; sâu sâu, đất: địa; xấu xấu, đen: huyền; đẹp đẹp, vàng: hoàng.

- Đúng là tiểu nhân. Chắc mày đã học những lời này của bọn ăn mày. Ta sẽ đọc lại câu này cho mày nghe. Bầu trời sinh ra lúc 12 giờ đêm có thái cực rộng lớn gọi là thiên; đất hình thành lúc 3 giờ sáng có ngũ hành, bát quái gọi là địa; nghĩa lý sâu kín không biết hết là huyền; màu sắc của kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ gọi là hoàng; bốn phương và trên dưới gọi là vũ; xưa qua nay lại là trụ; to lớn, rộng rãi ví như vua Vũ đắp đê phòng nạn hồng thuỷ tỏ ra có suy nghĩ rộng lớn gọi là hồng; tam hoàng ngũ đế mất đi, bọn tôi con bất trị, đất nước không có người làm chủ xứng đáng gọi là hoàng; mầu sắc chân trời rực rỡ gọi là hồng; khoảng thời gian mặt trời ngự trị gọi là nhật; khoảng thời gian mặt trăng đi một vòng gọi là nguyệt; đầy đủ như mặt trăng ngày 15 gọi là doanh; đổ nghiêng như mặt trăng sau ngày 16 gọi là trắc; những cái cơ bản như lễ giáo, hình phạt gọi là pháp; tiếng gọi chung mặt trời, mặt trăng và sao gọi là thần; thời gian để ngủ gọi là túc; bầy ra các thứ gọi là liệt; mở ra, bộc lộ nỗi niềm gọi là trương; thời tiết lạnh giá gọi là hàn; đi đến gọi là lai; thời tiết nóng bức gọi là thử; đi qua gọi là vãng; mùa không nóng, không lạnh gọi là thu nhận lấy kết quả là thu; mùa thời tiết rét, lạnh là đông; cất giấu là tàng; tô điểm cho đẹp gọi là nhuận; tuổi gọi là tuế; phép tắc gọi là luật; điệu hát gọi là lữ ... Trời ơi! Trời ơi!

Chàng Lý kêu to quá làm quan huyện đang nghỉ ngơi phải giật mình. Ngài quát gọi người hầu:

- Bay đâu!

- Dạ.

- Ai bị đâm hay bị đánh ở phòng học đó? Hãy ra xem rồi báo cho ta biết.

Người hầu vào phòng học, gọi to:

- Công tử ơi, cậu sao thế? Tiếng kêu của cậu làm ông giật mình, sai tôi đến đây. Vậy trả lời ông thế nào?

Chàng Lý lẩm bẩm:

- Thường thì người già nặng tai, còn ở đây thính tai quá lại sinh ra rắc rối.

Rồi chàng làm ra vẻ ngạc nhiên nói với người hầu:

- Hãy bẩm với ông là ta đọc "Luận ngữ" có một câu là "Buồn quá đạo của ta cũ rồi, không thể gặp Chu Công trong giấc mơ"; khi đọc câu này ta nghĩ nếu mình gặp được Chu công thì cũng làm như Khổng Tử và hứng quá bật lên thành tiếng kêu. Mày cứ nói nguyên văn như thế.

Người hầu vào bẩm với quan huyện đúng như vậy. Quan huyện rất vui vì thấy công tử tỏ ra có chí hướng. Ngài bảo người hầu:

- Mày hãy đi mời thầy Mục vào đây.

Ông Mục bước vào. Trông ông có vẻ lịch lãm; đi đứng lại quá tự nhiên, không giữ gìn. Ông nói:

- Quan huyện có điều gì phiền muộn phải không?

- Không phải đâu. Tôi muốn nói chuyện với anh. Chúng ta là bạn đồng môn nên đều biết rằng lúc trẻ người ta không ngại gì hơn đọc sách, nay thấy con trai tôi ham đọc sách thì không vui sao được.

Ông Mục tán dương:

- Tuổi trẻ thường không thích sách vở.

- Người không thích đọc sách thường buồn ngủ hoặc tìm cách trốn tránh, còn con tôi khi đọc sách thì không nghĩ đến thời gian.

- Vâng, đúng thế.

- Dù chưa được học nhiều nhưng văn tài của nó khá lắm.

- Đúng như vậy.

- Chữ viết của nó thật bay bướm, khoáng đạt. Thấy nét chữ của nó như cao phong đầu thạch, thiên lí trận vân, lão tùng đảo quái tuyệt bích.

- Ai nhìn thấy nét chữ của cậu ấy cũng phải khen là đẹp.

- Anh hãy nghe tôi nói đây. Khi nó 9 tuổi, tôi bảo nó làm thơ về cây mai già trong vườn nhà ở Seoul; Nó đã làm rất nhanh và chọn một đề tài có ý nghĩa sâu sắc. Một lần khác, chỉ một thoáng nó đã làm xong bài thơ về xuân thu. Gặp cái gì mới nhìn qua là nó nhớ rất kỹ. Chắc sau này nó sẽ trở thành một danh sĩ.

- Tương lai cậu ấy sẽ làm tể tướng.

Quan huyện lấy làm cảm kích:

- Không dám nghĩ đến chức tể tướng nhưng nó có thể đỗ trạng nguyên khi tôi còn sống và lúc đó làm đến chức lục phẩm là điều không khó gì.

- Không phải như thế, cậu ấy nếu không làm tể tướng thì sẽ làm thừa tướng.

Nghe nói vậy đột nhiên quan huyện tức giận:

- Anh có biết là đang nói chuyện với ai mà trả lời như thế?

- Khi trả lời như vậy tôi không có ý thức mình đang nói với ai.

Ông Mục đã nói dối.

Lúc bấy giờ chàng Lý đang chờ lệnh của cha để cho nghỉ học. Chàng gọi:

- Phòng Tử ơi!

- Dạ.

- Hãy xem cha ta đã ra lệnh chưa?

- Chưa ạ!

Nhưng một lát sau thì có lệnh. Chàng Lý rất vui mừng:

- Tốt quá. Phòng Tử ơi, hãy châm đèn lồng cho ta.

Chàng Lý cùng Phòng Tử đến nhà Xuân Hương. Khi đi qua phòng cha, chàng bước nhẹ nhàng và bảo Phòng Tử:

- Hãy che ánh sáng lại.

Ra khỏi cổng, chàng Lý thấy ánh trăng rất đẹp. Đường vắng vẻ, không có người qua lại. Giờ này đám thanh niên thích chơi bời đã có nơi chốn rồi. Xung quanh cảnh vật êm đềm, yên lặng thật hợp với việc tìm đến người đẹp. Người đánh cá trên sông liệu có biết Đào Nguyên không?

Nàng Xuân Hương đang ôm cây đàn thất huyền gảy khúc Nam phong. Đôi lúc nàng gục đầu ngủ gật. Bang Da tiến đến cửa sổ, chân bước rón rén vì sợ chó sủa, miệng gọi nhỏ:

- Xuân Hương ơi, đã ngủ chưa?

Xuân Hương giật mình:

- Sao chú tới đây?

- Công tử đã đến rồi. 

Nghe Phòng Tử nói, Xuân Hương xiết đỗi vui mừng. Tim nàng đập thình thình khiến vẻ ngoài càng thẹn thùng, lúng túng. Nàng đánh thức mẹ:

- Mẹ ơi! Sao ngủ say thế này?

Mẹ nàng tỉnh giấc:

- Cần gì mà gọi mẹ thế?

- Con có cần gì đâu.

- Sao lại gọi mẹ?

Xuân Hương ấp úng nói:

- Công tử đưa Phòng Tử đến nhà ta.

Mẹ Xuân Hương mở cửa hỏi Phòng Tử đứng ở bên ngoài:

- Ai đấy?

Phòng Tử trả lời:

- Công tử con quan huyện đến đây.

Nghe nói vậy, mẹ Xuân Hương gọi người hầu:

- Hương Đan ơi!

- Dạ.

- Hãy thắp đèn và chuẩn bị bàn ghế ở nhà thảo đường.

Khi bà bước ra, trông hình dáng thật đẹp đẽ, thế mới biết lời người ta khen là có lý. Người xưa nói rằng con gái thường giống mẹ. Vậy nên bà mới đẻ được người con gái như Xuân Hương. Mái tóc bà nửa phần đã bạc; cử chỉ đoan trang, phong thái đa cảm; vóc người khoẻ mạnh; da dẻ trắng bóng. Nhìn vẻ bề ngoài người ta nghĩ rằng bà là người rất hạnh phúc. Bà chậm rãi đi trước, còn Phòng Tử nhẹ nhàng bước theo sau. ở ngoài vườn chàng Lý đang chờ đợi, thỉnh thoảng liếc mắt vào phía nhà.

Phòng Tử chạy đến nói với công tử:

- Người đang đến kia là mẹ của Xuân Hương đấy.

Mẹ Xuân Hương hai tay bắt chéo phía trước nói:

- Chào công tử cậu có khoẻ không?

Chàng Lý khẽ cười đáp:

- Bà vẫn bình an đấy chứ?

- Cảm ơn cậu, tôi vẫn bình thường. Xin lỗi công tử vì không biết cậu đến nhà nên đón tiếp có vẻ bất nhã.

- Sao lại như thế chứ?

Rồi mẹ Xuân Hương dẫn chàng Lý đến thảo đường.


Trước thảo đường, những cành liễu rủ như mành che ánh sáng; phía bên phải, những giọt sương trong vắt trên lá những cây ngô đông rơi tí tách; phía bên trái, những ngọn thông uốn mình trước gió như những con rồng. Kề bên cửa sổ là những cây lan. Trong ao, sen nở như ngọc, những con cá vàng bơi lội làm mặt nước gơn sóng; từng đôi vịt lượn lờ có ý chờ khách; những tàu lá sen mới nở tròn xoe như cái đĩa. Cách không xa là hòn non bộ được xếp bằng đá. Nghe tiếng người, những con sếu ở hai bên bậc cửa giật mình, xoè rộng cánh vừa đi vừa lắc lư. Chú chó ở dưới cây quế cũng sủa to. 


Xuân Hương mở cửa ra ngoài theo lệnh của mẹ. Thật khó miêu tả vẻ đẹp của nàng lúc này. Nàng khác nào vầng trăng đêm rằm đang lên cao giữa những tầng mây. Nét mặt và cử chỉ của nàng không giấu được sự e thẹn; điều này làm cho bất cứ ai trông thấy nàng cũng thêm xốn xang.

Nhìn thấy nàng, chàng Lý vồn vã hỏi:

- Nàng mạnh giỏi chứ?

Xuân Hương ngượng ngập không trả lời, đứng im lặng. Mẹ nàng mời chàng vào phòng, pha trà, châm thuốc. Chàng Lý vừa hút thuốc vừa ngẫm nghĩ: "Dụng ý của ta tới đây là để gặp nàng chứ có phải xem cảnh vật, đồ đạc trong nhà này đâu".

Vì đây là lần đầu tỏ tình nên chàng Lý lúc ở bên ngoài thì nhiều ý tứ nhưng khi bước vào nhà thì không biểu hiện ra được, chỉ khúc khắc ho như bị cảm lạnh. Chàng cố tìm cách bộc lộ nhưng chưa biết làm thế nào. Quan sát quanh phòng chàng thấy có nhiều quần áo đẹp. Tủ để đồ trang sức rất xinh xắn. Trên tường treo nhiều tranh. Khó có thể nhận ra đây là căn phòng của cô gái chưa có chồng. Cô gái đang tuổi ăn học thì sao cần đồ trang sức và những bức tranh như thế này. Chắc là mẹ Xuân Hương từng là kỹ nữ nổi tiếng nên đã mua cho con. Trong số những bức tranh này có những bức hoạ lừng danh của Triều Tiên và một bức có tên là "Nguyệt tiên đồ". Bức tranh có những hình ảnh: Ông vua ngồi trên cao và các quần thần cúi đầu chào ở dưới; Lý Thái Bạch đọc Hoàng Đình Kinh ở điện Hoàng Hạc; Thương lương văn ở lầu Bạch Ngọc; cảnh Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau ở cầu O Jak ngày 7 tháng 7 và cảnh Hằng Nga giã thuốc giữa đêm trăng sáng - trong phòng mà nhiều tranh quý như vậy thì thật đáng kinh ngạc. ở chỗ khác có bức tranh tả cảnh Nghiêm Tử Lăng, là người đã từ bỏ chức gián nghị đại phu, làm bạn với những con mòng biển và hàng xóm với viên hạc, mặc áo da dê ngồi câu cá ở Thất Lý Than - thật là cảnh tiên. Đây đúng là chỗ ở của một cô gái đẹp. Trước bàn Xuân Hương có một bài thơ do nàng viết về việc giữ gìn lòng chung thuỷ.

Bài thơ có câu:

Đái vận xuân phong trúc,

Phần hương dạ độc thư

Chàng Lý khen lời thơ rất khôn ngoan, đã biểu hiện lòng chung thuỷ như ngọc của nàng Mộc Lan. Nghe lời khen của chàng Lý, mẹ Xuân Hương nói:

- Rất cảm ơn công tử đã đến thăm dù nhà tôi chỉ là ngôi nhà bình thường.

Chàng Lý cảm thấy tự nhiên hơn, chàng nói:

- Xin bà đừng nói vậy. Do ngẫu nhiên mà tôi gặp được Xuân Hương trong phút chốc ở lầu Kwang Han rồi có lòng quý mến nàng như "ong bướm tìm hoa". Mục đích của tôi khi đến thăm nhà là muốn gặp bà và cô Xuân Hương. Tôi muốn cùng nàng "hẹn ước trăm năm". Vậy ý bà như thế nào?

Mẹ Xuân Hương trả lời:

- Cậu quá hạ mình đấy. Xin cậu hãy nghe tôi bày tỏ. Trước đây ông Thành làm quan ở huyện này, vì quý tấm thân nhỏ mọn của tôi mà lấy tôi làm thiếp. Sau đó tôi đã có thai rồi sinh ra con Xuân Hương. Khi được tôi báo tin, ông Thành bảo hãy nuôi con lúc nó còn bé, đến khi nào cai sữa ông sẽ đón nó về. Nhưng không may, ông Thành đã qua đời. Hồi nhỏ Xuân Hương hay ốm đau. Lúc 7 tuổi nó đã đọc sách "Tiểu học" để biết "tu thân tề gia" và được dạy dỗ tỉ mỉ về đức hoà thuận. Vì là người thuộc dòng dõi danh gia nên Xuân Hương rất thông hiểu những việc làm theo lẽ "tam cương". Người ngoài không ai biết Xuân Hương là con gái tôi. Gia thế thấp như con tôi hiện nay thì không thể lấy con những nhà quyền quý và những nho sinh. Tôi lo ngày, lo đêm vì nghĩ rằng việc hôn nhân của Xuân Hương sẽ chậm trễ. Nhưng với công tử thì không nên nói chuyện "hẹn ước trăm năm" mà chỉ xin công tử vì quen biết mà đến chơi.

Lời nói của bà thật khôn khéo. Khi bày tỏ lòng mình chàng Lý không ngờ sự việc lại diễn ra như thế.

Chàng im lặng phút chốc rồi nói:

- Việc tốt thường gặp vấp váp. Tôi và Xuân Hương đều chưa kết hôn với ai. Giữa tôi và nàng dù chưa làm lễ nhưng đã có lời đính ước. Là con một nhà quý tộc sao tôi lại có thể nói hai lời được?

Sau khi nghe lời chàng Lý, mẹ Xuân Hương trả lời:

- Xin công tử nghe tôi trình bày. Sách xưa có nói: Người biết về bề tôi không ai bằng vua, biết về con trai không ai bằng cha. Thế thì biết về con gái không ai bằng mẹ có đúng không? Cho nên tấm lòng con gái mình thế nào, tôi hiểu rõ cả. Con Xuân Hương lúc nhỏ đã tỏ ra có ý chí chắc chắn, luôn thận trọng trong hành động; lòng chung thuỷ như cây thông xanh dù có phải qua cuộc "bể dâu" cũng không thay đổi; dù có ai mang vàng bạc, châu báu nhiều như non nó cũng không nhận. Không gì có thể sánh với tấm lòng như ngọc trắng của nó. Theo tôi, phải biết coi trọng giá trị lời nói của người xưa. Nếu công tử đính ước với Xuân Hương mà cha mẹ không biết, rồi sau này sự việc đến tai mọi người thì thân phận của nó đau xót còn hơn ngọc quý, đồi mồi bị đập vỡ, chim uyên ương bị chia lìa. Còn như, nếu lòng công tử hoàn toàn giống với lời đã nói thì công tử hãy làm theo ý mình.

Chàng Lý cảm thấy nghẹn ngào, khó thở:

- Việc đó không phải bận tâm. Đối với tôi, việc cầu hôn xuất phát từ lòng chân thành. Và khi đính ước với Xuân Hương tôi không phải không biết tấm lòng chung thuỷ sâu sắc của nàng.

Tưởng như không có thứ nghi lễ nào có thể hơn lời nói của công tử.

Chàng Lý nói tiếp:

- Bà đừng lo tôi còn trẻ quá mà đã kết hôn. Bậc "đại trượng phu" khi lòng đã định thì sao có thể xử sự xấu được? Xin bà hãy chấp nhận lời tôi.

Nghe công tử nói mẹ Xuân Hương nghĩ đến giấc mộng hiểu rằng công tử và con gái có duyên tiền định. Vì vậy bà nói:

- Có phượng phải có hoàng, có tướng phải có mã, có Xuân Hương ở Nam Won thì các loài hoa mới phải là hoa. Hương Đan ơi, đã chuẩn bị bàn rượu chưa?

- Dạ, có rồi ạ.

Bàn rượu mà Hương Đan bày có nhiều món ăn là những sơn hào hải vị, những đồ cổ, quý hiếm; có những món ăn như Daeyangpan, Soyangpan, hấp thịt, hấp cá, canh Maechori, các món rán, lạnh miễn, chân gà lôi; các loại hoa quả như hạt dẻ, quả óc chó, quả lựu, quả thanh yên, quả hồng vàng, quả anh đào, quả lê xanh; có những loại bình rượu có hình con rùa, con hạc, cái ấm làm bằng bạc; có những loại rượu ngon như "Tử hà", "Tùng diệp", "Quá hạ", "Phương văn", "Kim lộ", "Liên diệp"; có chén ngọc, chén vàng... Tiệc rượu diễn ra theo nhịp điệu của bài hát "Khuyến tửu ca".

Chàng Lý cao hứng nói:

- Bàn rượu có nhiều món ăn quý thế này, có khác ở nhà quan đâu.

Mẹ Xuân Hương đáp:

- Nếu sau này Xuân Hương lấy chồng là người quân tử thì sẽ có khách khứa, bạn bè là những anh hùng hào kiệt, là nhà văn nhà thơ đến chơi. Khi đó đương nhiên phải chuẩn bị các món ăn để đón tiếp. Nếu người vợ không chu đáo thì chồng sẽ mất thể diện. Vì vậy tôi đã dạy cho con gái cách nấu các món ăn; khi có tiền thì mua các đồ vật trong nhà. Xin công tử chớ bận tâm và mời công tử ăn uống tự nhiên.

Sau đó bà rót rượu vào cái chén có khắc hình con vẹt rồi đưa cho chàng Lý. Chàng Lý đón chén rượu than thở:

- Nếu mình có quyền tự quyết định thì sẽ làm hôn lễ ngay. Nhưng hôm nay chỉ nói miệng thế này thì buồn lắm. Xuân Hương ơi, chúng ta hãy cạn chén, coi đây là nghi thức thành hôn.

Chàng rót một chén nữa rồi nói với Xuân Hương:

- Nàng hãy nghe tôi nói đây: Chén đầu tiên là rượu chào gặp mặt. Chén thứ hai là rượu hợp hoan làm gốc cho cuộc sống của chúng ta. Tình duyên của vua Thuấn với Nga Hoàng và Nữ Anh rất đẹp. Tình duyên của chúng ta do Nguyệt Lão tác thành sẽ bền chặt ba đời, nghìn vạn năm không thay đổi, con cháu sẽ vinh hiển mãi; chúng ta sẽ sống chết cùng nhau. Đó chẳng phải là mối tình có một không hai trong thiên hạ ư?

Nói xong công tử uống hết chén rượu và bảo người hầu gái:

- Hương Đan ơi, hãy rót rượu mời bà.

- Đây là rượu vui, vậy xin mời nhạc mẫu một chén.

Mẹ Xuân Hương nâng chén rượu nói:

- Hôm nay là ngày trăm năm khổ lạc của con gái tôi thì chỉ vui thôi, nhưng nghĩ đến cảnh một mình nuôi con thì tôi lại nhớ chồng nên không thể không buồn.

Chàng Lý đáp lời bà:

- Nhạc mẫu đừng quá suy nghĩ về quá khứ, xin hãy cạn chén cho.

Sau khi uống chén rượu, mẹ Xuân Hương gọi người hầu của công tử vào ăn, ăn uống xong, mọi người đóng cửa đi nghỉ. Mẹ Xuân Hương bảo Hương Đan trải đệm, sửa soạn chăn gối. Bà nói:

- Chúc công tử ngủ ngon.

Rồi bà giục Hương Đan:

- Hương Đan ơi ra ngoài cùng ta.

Rồi hai người đi ra. Trong phòng chỉ còn có chàng Lý và Xuân Hương ngồi đối diện với nhau. Ai cũng biết đôi trai gái khi ở cùng phòng với nhau thì việc gì sẽ xảy ra. Trông chàng Lý lúc này khác nào con hạc trên đỉnh núi Tam Giác đang xoè cánh múa. Đột nhiên chàng cầm tay Xuân Hương, cởi áo của nàng, rồi ôm chặt lấy vòng lưng bé nhỏ của nàng nói:

- Hãy cởi váy đi!

Sự việc thật bất ngờ, đối với Xuân Hương là lần đầu tiên nên nàng rất e thẹn. Trông nàng bây giờ như đoá sen hồng gặp gió lắc lư. Chàng Lý cởi váy trong và quần lót của nàng một cách khó khăn. Còn Xuân Hương thì uốn người cưỡng lại như rồng xanh ở đông hải. Nàng kêu khẽ:

- Trời ơi! Hãy buông thiếp ra.

- Không được.

Trong lúc giằng co công tử lấy chân kéo đai áo của Xuân Hương làm lộ ra một thân hình nõn nà như ngọc trắng ở Kinh Sơn. Dường như muốn được thấy cử chỉ của Xuân Hương nên chàng thả nhẹ tay ra mà nói:

- Ôi mất rồi.

Xuân Hương thẹn thùng chui vào chăn. Công tử cũng lao theo, hai tay ôm chặt lấy nàng. Rồi hai người trải qua những giây phút ái ân say đắm. Có qua những cử chỉ ái ân như thế thì mới có được những khúc tình ca làm say mê lòng người:

Tình yêu! Tình yêu! Ôi tình yêu của ta.

Tình yêu cao như Vu Sơn, rộng như hồ Động Đình.

Tình yêu thăm thẳm như trời biển, mênh mang như nước không bờ,

Tình yêu như trăng thu ở Ngũ Sơn,

Tình yêu như ánh trăng phản chiếu những hoa đào hoa lý mới nở,

Tình yêu là trăng non sáng trong, là cười nụ làm duyên,

Giữa ta và nàng thành nhân duyên ba đời,

Tình yêu đằm thắm vợ chồng,

Tình yêu là rừng hoa nở ở Đông Sơn,

Tình yêu là sự đan kết như lưới đánh cá,

Tình yêu là tấm vải do Chức Nữ dệt trên Ngân Hà,

Tình yêu là đường khâu trên đệm gấm của cô gái đẹp,

Tình yêu như cành liễu rủ xuống bên dòng suối,

Tình yêu như kiện xếp lớp lớp ở kho Bắc, kho Nam,

Tình yêu như những đường nét lặn, chìm trên bức sơn mài,

Tình yêu là những con bướm trắng ngậm hương nhị hoa xuân bay lượn trên đỉnh núi,

Tình yêu là đôi uyên ương trên dòng sông trong xanh,

Tình yêu là sự gặp gỡ giữa Ngưu Lang và Chức Nữ vào đêm mồng 7 tháng 7 hàng năm.

Tình yêu là cuộc dạo chơi giữa Tinh Chân và tám tiên nữ,

Tình yêu là sự gặp gỡ giữa Sở Bá Vương và Ngu Cơ,

Tình yêu là sự gặp gỡ giữa Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi,

Tình yêu trang nhã như hoa mộc lan ở bờ biển,

Tất cả mọi thứ ở nàng là tình yêu,

Ôi! Tình yêu của ta. Ôi! Tình yêu của ta.

Thú vị biết bao!

Xuân Hương ơi!

Hãy bước lên để ta chiêm ngưỡng dáng hình phía sau của nàng,

Hãy quay lại để ta ngắm nhìn dáng vẻ phía trước của nàng,

Hãy bước thong thả và mỉm cười để ta thấy vẻ đẹp của nàng lúc đi bộ,

Tình yêu là sự gặp nhau giữa nàng và ta,

Cuộc đời này tình yêu là như thế,

Mai sau chết chúng ta chắc vẫn gặp nhau,

Nhưng lòng của chúng ta biết rằng,

Đó là tiếng gọi nhau.

Xuân Hương - "boong", Lý công tử - "boong"

Tình yêu! Tình yêu! ơi! Tình yêu của ta.

- Thiếp cũng không muốn như thế.

Thế thì sau khi chết nàng sẽ trở thành cái cối,

Còn ta sẽ trở thành cái chày,

Giờ canh thân, ngày canh thân, tháng canh thân,

Người ta viết lên cái cối,

rồi cầm chày giã,

Thì nàng hiểu cái chày là ta.

Tình yêu! Tình yêu! Ôi, Tình yêu của ta.

- Thiếp cũng không muốn như thế.

- Tại sao nói vậy?

- Tại sao trong cuộc đời này và cuộc đời kia thiếp luôn nằm ở phía dưới, thế thì không hay lắm

- Sau này chết đi nàng sẽ thành cái gì?

- Thiếp sẽ thành 4 chữ:

"Địa", "âm", "thê", "nữ"

- Còn ta sau khi chết thành 5 chữ:

"Thiên", "kiền", "phu", "nam", "tử"

"Nữ" kết hợp với "tử" thành "hảo"

Nàng, sau khi chết sẽ thành âm dương thuỷ,

Như Ngân Hà, như dòng thác,

Như vạn khoảnh nước biển, như suối trong xanh,

Như một dòng sông dài không bao giờ khô, dù hạn hán 7 năm.

Tình yêu! Tình yêu! Ôi! Tình yêu của ta!

- Không phải, thiếp không muốn như thế.

Thế thì sau khi chết nàng sẽ trở thành cái chuông báo canh hai của Jong Ro.

Khi tắt 3 ngọn lửa báo hiệu ở Jilmajae,

Khi tắt 2 ngọn lửa báo hiệu ở Nam San,

Thì đánh chuông "boong", "boong" ở Jong Ro,

Người khác nghe chỉ có ý nghĩa báo hiệu canh hai.

Thế thì sau khi chết nàng sẽ thành thớt trên, còn ta thành thớt dưới,

Khi người con gái đẹp xay uyển chuyển,

Thì nàng sẽ hiểu thớt dưới là ta.

Không, thiếp không muốn như thế. Cái thớt trên không đẹp.

Cái thớt trên có thêm một cái lỗ, thiếp không thích cái đó.

Thế thì sau khi chết nàng sẽ trở thành,

Bông hoa hải đường ở Myungsaximni.

Còn tôi, sau khi chết sẽ thành con bướm,

Ta hút nhị hương của nàng,

Nàng ngậm râu của ta,

khi gió xuân thì hai chúng ta nhảy múa.

Ôi! Tình yêu của ta.

Là thế này, cũng tình yêu của ta,

Là thế kia, cũng tình yêu của ta,

Nếu tất cả là tình yêu của ta,

Thì ta sống sao nổi vì nhiều quá.

Ôi! Tình yêu của ta.

Êm đẹp cũng tình yêu của ta.

Khi nàng cười "ơ hơ" như hoa thược dược hé miệng khi có mưa đêm,

Thấy như thế nào cũng tình yêu của ta.

- Ta và nàng có tình hãy chơi bằng chữ "JUNG" như bài hát hoà chung tiếng "JUNG"

Xin mời tình yêu của ta.

Ta và nàng có tình thì sao lại không "đa tình"

Đạm đạm Trường giang thuỷ, du du viễn khách tình,

Hà kiều bất tương tống, giang thuỷ viễn hàm tình,

Tống quân nam phố, bất thẳng tình,

Vô nhân bất kiến, tống ngã tình,

Hán Thái Tổ, Hỷ vũ đình,

Tam thai lục khanh, bá quan triều đình,

Đạo trường thanh tịnh,

Các thị thần đình,

Thân cố thông tình,

Loạn thế bình định,

thiên niên nhân tình,

Nguyệt minh tinh hy, Tiêu tương động tình,

Thế thượng vạn vật, tạo hoá định,

Băn khoăn, sở chỉ nguyên tình,

Hối lộ nhân tình, Chê bai cằn nhằn,

Phóng định.

tụ đình, quan đình, nội tình, ngoại tình,

ái tùng đình, Xuyên dương đình,

Dương Quý Phi, trầm hương đình,

Nhị Phi, tiêu tương đình,

Hàn tùng đình,

Trăm hoa nở, hảo xuân đình,

Kỷ lân thổ nguyệt, Bạch vân đình,

Thảo luận về nhất tình và thực tình,

Thì lòng ta là nguyên hảnh lợi trinh,

Lòng của nàng là nhất phiến thức tình,

Có đa tình như vậy,

Nếu phá hoại cái tình đó thì phúc thống tuyệt tình,

Chân thành muốn làm nguyên tình, đúng là chữ "tình"

Xuân Hương vui vẻ nói:

- Chiều sâu của tình yêu không biết hết được. Xin đọc an trạch kinh để nhà thiếp may mắn.

Chàng Lý cười nói:

- Ngoài cái đó ra, còn nhiều cái khác. Hãy nghe bài hát chữ "cung".

- Trời ơi! Bài hát chữ "cung" là cái gì?

- Nàng hãy nghe, có nhiều câu hay lắm.

Thiên địa hẹp hòi: Khai thai cung.

Trong khi sấm chớp và gió mạnh có tam quang,

Phong cảnh rất trang nghiêm: Xương hạp cung.

Hồng đức rộng lớn đến người dân,

Tửu trì khách, vân thịnh, Ân vương: Đại đình cung.

Tần Thuỷ Hoàng: A Phòng cung.

Khi giành quyền thống trị đất nước,

Hán Thái tổ: Hàm Dương cung.

Bên cạnh đó: Trường lạc cung.

Ban Tiệp Dư: Trương Tín cung.

Đường Minh Hoàng đế: Thưởng Xuân cung.

Đi lên phía này là: Ly cung.

Đi lên phía kia là: Biệt cung.

Trong Long cung, Thuỷ Tinh cung.

Trong Nguyệt cung, Quảng Hàn cung.

Nàng và ta hợp cung.

Một cuộc đời vô cùng.

Bỏ cung này, cung kia đều hết,

Giữa hai chân của nàng có Thuỷ Long cung.

Sẽ làm đường bằng gậy của ta.

Xuân Hương khẽ cười:

- Thôi đừng nói linh tinh như vậy.

- Cái đó không phải là linh tinh. Xuân Hương ơi! Chúng ta hãy chơi trò cõng nhau nhé.

- Ôi chao! Thô tục quá. Thế nào là trò chơi cõng nhau?

Xuân Hương nói như vậy khác nào đã có kinh nghiệm.

- Xưa nay, trò chơi cõng nhau là dễ nhất thiên hạ.

Chàng Lý giải thích:

- Ta và nàng cởi hết áo, sau đó ôm nhau, đó là cõng nhau.

- Trời ơi! Thiếp xấu hổ lắm, thiếp không thể cởi được.

- Nàng không nên nói thế. Ta sẽ cởi trước.

Sau đó chàng Lý cởi hết quần áo, đứng đối diện với Xuân Hương. Xuân Hương nhìn cử chỉ của chàng, vừa cười vừa quay lưng lại nói:

- Đúng là "yêu tinh"

- Nàng nói rất đúng. Vạn vật trên thế gian không có cái gì không có đôi. Hãy là hai yêu tinh chơi với nhau đi.

- Thế thì xin chàng tắt đèn.

- Nếu không có đèn thì còn gì hay nữa? Thôi, cởi quần áo nhanh lên.

- Trời ơi! Thiếp không thích.

Công tử liền cởi quần áo của nàng như mèo vờn con chuột, như con hổ già rụng răng không ăn thịt được con chó mà chỉ gầm gừ, như con rồng đen ở Bắc Hải ngậm miếng ngọc Như ý uốn lượn trên mây, như con phượng hoàng ở Đan Sơn ngậm hạt cây trúc mà bay đi bay lại giữa những cây ngô đồng, như hạc xanh ngậm nhánh cỏ lan bay đi bay lại giữa cây ngô tùng.

Chàng Lý ôm ngang thắt lưng nhỏ của Xuân Hương, vừa hôn tai vừa hôn môi như đôi chim câu. Chàng thấy mặt nàng thấm ướt mồ hôi.

- Xuân Hương ơi! Ta cõng nàng đây.

Xuân Hương xấu hổ.

- Sao lại xấu hổ. Chúng ta đã biết nhau rồi mà. Thôi để ta cõng.

Rồi chàng cõng Xuân Hương.

- Ôi! Cô này nặng quá. Nàng cảm thấy thế nào Xuân Hương?

- Không thể nói được.

- Có thích không?

- Có!

- Ta cũng thích. Bây giờ ta sẽ hỏi những điều tốt về nàng. Nàng hãy trả lời nhé!

- Chàng cứ hỏi, thiếp sẽ trả lời.

- Nàng là vàng phải không?

- Không phải. Thời sơ Hán, Trần Bình dùng kế lạ bắt phạm A Phụ, phải cần rất nhiều vàng, thì sao còn vàng nữa?

- Thế nàng có phải là ngọc không?

- Không phải. Tần Thuỷ Hoàng là người anh hùng, đã lấy đá ngọc ở Kinh Sơn để Lý Tư khắc ngọc tỉ, từ đó ngôi vua lưu truyền lâu dài; thì sao còn ngọc nữa?

- Vậy nàng là gì? Nàng là hoa hải đường phải không?

- Không phải. ở đây không phải là Myungsaximni thiếp làm sao là hoa hải đường được.

- Thế thì nàng là cái gì? Có phải là mật hoa, là cẩm bối, là hổ phách, trân châu không?

- Không phải. Thiếp không xứng đáng.

- Thế nàng có phải là đồi mồi, san hô không?

- Cũng không phải. Đồi mồi, san hô là báu vật của thuỷ cung mà Quảng Lợi Vương dùng để trang trí cung điện, nên thiếp không xứng đáng.

- Vậy nàng là vầng trăng tròn phải không?

- Thiếp cũng không xứng đáng. Đêm nay trăng còn khuyết nên thiếp làm trăng tròn sao được.

- Thế thì nàng là cái gì? Nàng có phải là con cáo mà tôi lầm lạc bị bắt không? Mẹ nàng sinh ra và nuôi nấng nàng chu đáo để nàng mê hoặc ta phải không? Tình yêu! Tình yêu! Ôi! Tình yêu của ta. Nàng định ăn cái gì nào? Ăn hạt dẻ sống hay ăn hạt dẻ chín? Nàng có định ăn dưa hấu màu đỏ được bổ bằng con dao sắc và xúc bằng chiếc thìa bạc không?

- Thiếp không thích những cái đó.

- Thế thì nàng muốn ăn gì? Hay là nàng ăn quả mơ chua?

- Thiếp cũng không thích.

- Thế thì nàng ăn thịt lợn hay ăn thịt ta?

- Trời ơi? Công tử đã thấy thiếp ăn thịt người bao giờ chưa?

- Ai lại hỏi như vậy nhỉ. Ôi! Tình yêu của ta. Nàng hãy xuống đi, bây giờ đến lượt nàng cõng ta rồi đấy.

- Công tử khoẻ mạnh mới cõng được thiếp, chứ thiếp yếu làm sao cõng công tử được.

- Có cách cõng thế này: nàng hãy chống tay xuống nền nhà rồi ta trèo lên.

Nói dứt lời chàng Lý đặt Xuân Hương xuống. Nàng nói:

- Ôi thô tục quá!

Trong khi đó chàng Lý trèo lên lưng nàng lật qua lật lại.

- Nàng cảm thấy thế nào? Lúc cõng nàng, ta đã hát cho nàng nghe. Đến lượt nàng cũng phải hát.

- Vâng. Thiếp sẽ hát để chàng nghe:

Như cõng Phó Duyệt,

Như cõng Lã Thương,

Trong lòng có mưu kế lớn,

Thì sẽ làm quan lớn nổi danh trong một nước.

Biết làm bề tôi trung thành của vua, của nước,

Giống như cõng Tử Lục thần và Sinh Lục thần,

Giống như cõng ông mặt trời, ông mặt trăng, ông Thôi Trí Viễn,

Giống như cõng ông Cao Kính Mệnh, ông Kim ứng Hà,

Giống như cõng ông Trịnh Triệt, ông Tống Thời Liệt,

Ông Lý Hoảng, ông Kim Trường Sinh, ông Doãn Chưởng.

Chồng của thiếp! Chồng của thiếp! Ôi! Chồng của thiếp.

Đỗ trạng nguyên trở thành hàn lâm học sĩ.

Sau đó làm nên thượng thư tể tướng,

Chồng của thiếp! Chồng của thiếp! Ôi! Chồng của thiếp.

- Xuân Hương ơi, chúng ta hãy chơi chữ đi.

- Buồn cười thật, chơi chữ cái gì?

- Dễ lắm. Nàng cứ bò trong phòng còn ta thì đánh vào mông. Một lần như thế nàng lại "hí" như ngựa thì thành ra chữ "cưỡi".

Chơi cưỡi, chơi cưỡi, chơi cưỡi đi!

Hiên Viên Thị dùng can qua làm sương mù, đã bắt Khổi Vưu, Trác Lộc Dã,

Đi lên xe Chỉ nam xa với ca hát thắng lợi.

Hạ Võ Thi cưỡi 6 xe trị thuỷ trong 9 năm,

Xích Tùng Tử cưỡi mây,

Lã Đồng Tân cưỡi con thiên nga trắng,

Lý Thái Bạch cưỡi cá voi,

Mạnh Hạo Nhiên cưỡi con la,

Thát ất tiên nhân cưỡi hạc,

Đại quốc thiên tử cưỡi voi,

Điện hạ của chúng ta cưỡi xe liễn,

Tam Chính Thừa cưỡi kiệu,

Lục phán thư cưỡi xe một bánh,

Đại tướng cưỡi xe thường,

Thủ lĩnh các ấp cưỡi xe một ngựa kéo,

Huyện quan Nam Won cưỡi xe biệt liễn,

Người đánh cá ở bên sông cưỡi thuyền nhỏ,

Ta thì không có gì cưỡi,

Nên cưỡi bụng Xuân Hương đêm nay,

Lấy vải đệm làm buồm,

Máy của ta làm chèo,

Đi vào đảo lõm,

Qua âm dương thuỷ,

Nếu mà cưỡi ngựa,

Phải có mã phu, là ta.

Theo nhịp điệu nhất định,

Lúc thì chạy nhanh,

Lúc thì chạy chậm.

Chơi như vậy thì rất thích thú. Trai gái tuổi đôi tám gặp nhau mà chơi thì say mê không biết đến thời gian.

Nguồn vnthuquan.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved