Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

11 thg 11, 2013

Xứ Tuyết - Yasunari Kawabata - Ngô Văn Phú và Vũ Đình Bình dịch (2)

Anh rảo bước thêm. Không phải vì chân anh săn chắc, ngược lại, chân anh hơi bị béo quá là khác. Nhưng chính anh cũng không rõ tại sao lại thấy một cảm giác hân hoan và hào hứng mới mẻ khi nhìn thấy những ngọn núi yêu quý. Và trong tâm trạng ngất ngây mơ mộng, anh dễ dàng quên mất thế giới con người đã tác động vào trò chơi những phản chiếu bồng bềnh và những hình ảnh kỳ lạ đã làm anh say mê. Không, cửa kính của toa tàu mà màn đêm đã biến thành một tấm gương hay cái gương tràn ngập màu trắng của tuyết không còn là sản phẩm của bàn tay con người nữa: một nửa chúng thuộc về chính thiên nhiên, nửa kia thuộc về một thế giới xa xôi nào đó. Một vũ trụ tồn tại ở nơi khác, gồm cả căn phòng anh vừa ra khỏi.




Đắm chìm trong ý nghĩ ấy, Shimamura giật mình, anh cảm thấy cần phải trở về với thế giới thực tại. Anh gọi bà tẩm quất mù ở đỉnh một quãng dốc đứng, để hỏi xem bà có thể đến tẩm quất cho anh được không.

- Xem mấy giờ rồi đã nào, - bà ta nói rồi cắp gậy vào nách để lấy từ đai lưng ra chiếc đồng hồ bỏ túi, bà ta mở nắp, dùng các ngón tay của bàn tay trái rờ rẫm mặt đồng hồ. - Hai giờ ba mươi lăm phút. Tôi có một cuộc hẹn lúc ba giờ rưỡi. Chỗ ở quá nhà ga một chút, nhưng nếu tôi đến chậm, tôi nghĩ cũng không sao.

- Bà đọc được giờ kể cũng giỏi thật, - Shimamura nhận xét.

- Đồng hồ không có mặt kính nên tôi sờ luôn vào hai kim.

- Còn các con số?

- Không, không cần, bà ta nói và lại rút đồng hồ ra để mở nắp.

Đó là một chiếc đồng hồ bằng bạc, hơi nhỉnh hơn loại đồng hồ nữ một chút. Với ba ngón tay đặt lên các chấm mười hai, chín và ba như đánh dấu, bà ta giải thích:

- Tôi có thể nói giờ khá chính xác và nếu tôi không lầm, thì tôi chỉ nói chệch một phút. Dù thế nào đi nữa, cũng chưa bao giờ tôi nói chệch quá hai phút.

- Quãng đường này đối với bà có dốc quá không? - Shimamura hỏi.

- Hôm nào mưa, con gái tôi tới đón tôi ở làng để đưa tôi lên đây, còn buổi tối, bao giờ tôi cũng chỉ làm việc ở làng. Tôi không leo lên đây. Thậm chí đó là một đề tài đùa bỡn của đám phụ nữ phục vụ ở quán trọ: họ bảo rằng đó là tại chồng tôi không muốn để tôi đi đâu khỏi nhà.

- Bà có các con lớn rồi chứ?

- Con gái lớn của tôi mười hai tuổi.

Cứ chuyện gẫu như vậy, họ đã tới phòng của Shimamura và chuyện ngừng lại khi bà mù bắt đầu tẩm quất. Trong cảnh yên tĩnh, từ xa vọng tới tiếng đàn samisen.

- Ai đánh đàn ấy nhỉ? - Bà mù nói và lắng nghe.

- Chỉ cần nghe, bà cũng luôn biết được là cô geisha nào đánh đàn chứ?

- Vài cô thì tôi biết, chứ không biết được tất cả. Thân thể ông là của một người không phải lao động. Ông có cảm thấy các bắp thịt đều mềm mại và thư giãn không?

- Không chỗ nào bị co cứng chứ?

- Chỉ có một chỗ nhỏ ở dưới gáy này này. Nhưng ông rất chuẩn, không béo, cũng không gầy. Ông không uống rượu phải không?

- Bà đoán được cả điều ấy?

- Tôi có ba ông khách quen cũng có thân hình như ông.

- Điều có gì khác thường đâu.

- Có lẽ thế, nhưng nếu ông không uống rượu, ông mất một cái thú lớn lao: quên hết đi, đó là một niềm vui sướng thật sự!

- Chồng bà có uống rượu không?

- Ông ấy uống quá nhiều!

- Ta hãy trở lại chuyện cô gái đánh đàn samisen, dù là cô nào chăng nữa, thì tiếng đàn của cô ta nghe cũng xoàng lắm!

- Vâng, đúng thế.

- Bà có biết đánh đàn không?

- Có, khi tôi còn trẻ, khoảng mười tám, mười chín tuổi. Nhưng từ hồi lấy chồng cách đây mười lăm năm, tôi không chơi đàn nữa.

Nghe bà mù nói tuổi của bà ta, Shimamura tự hỏi không biết có phải những người mù bao giờ trông cũng trẻ hơn tuổi của họ không. Nhưng anh nói tiếp ngay:

- Ai đã biết đánh đàn thời còn trẻ, thì không thể quên được nữa.

- Làm nghề này, bàn tay tôi không còn như xưa. Nhưng tai nhạc của tôi vẫn sành, nên nghe họ đánh đàn, tôi ngán lắm. Tuy nhiên, cách chơi đàn của tôi hồi trẻ, tôi cũng không còn vừa lòng nữa.

Trong một lúc, bà ta lắng nghe.

- Có lẽ đó là cô Fumi ở quán Izutsya. Những cô đàn hay nhất và những cô đàn dở nhất bao giờ cũng dễ nhận ra hơn cả.

- Có những cô đàn hay thật hả bà?

- Vâng, Komako chơi hay tuyệt. Tuy còn trẻ, nhưng thời gian gần đây cô chịu khó tập luyện lắm.

- Komako? Thật không?

- Ông biết cô ấy rồi phải không? Vâng, tôi thấy cô đánh đàn tuyệt hay. Nhưng ông cũng không nên quên rằng ở vùng núi này mọi người không kĩ tính lắm!

- Tôi chỉ biết cô ấy sơ sơ thôi, - Shimamura giải thích. - Hôm qua, tôi về đây cũng cùng chuyến tàu với anh con trai bà dạy nhạc.

- Anh ta có khá lên không?

- Hình như không.

- Thế ư? Tội nghiệp, anh ta bị ốm ở Tokyo lâu rồi thì phải. Người ta còn bảo rằng để có thể trả một phần tiền chữa bệnh cho anh ta thì mùa hè vừa rồi, Komako đã quyết định làm geisha chuyên nghiệp. Chả hiểu có ăn thua gì không?...

- Chuyện thế nào hả bà? Komako ấy ạ?

- Họ mới đính hôn thôi. Nhưng chắc cô ấy cảm thấy thanh thản hơn, khi cô ấy làm tất cả những gì có thể làm, ít ra về sau cô cũng không có điều gì có thể tự chê trách.

- Cô ấy đã đính hôn với anh ta?

- Người ta nói thế, tôi cũng không rõ hẳn. Những chuyện này, người ta thường biết qua đồn đại thôi.

Còn gì tầm thường hơn là nghe bà tẩm quất ở một trạm suối nước nóng chuyện phiếm về các cô geisha? Nhưng chính vì thế, các thông tin lại khiến Shimamura kinh ngạc và anh thấy chúng có vẻ khác thường hơn, khó tin hơn. Thế nào nhỉ? Vậy là Komako đi làm geisha để cứu chồng chưa cưới? Hay thật! Kể ra cũng quá là hợp với cốt truyện cũ kĩ nhất của loại kịch lâm li mùi mẫn rẻ tiền nhất. Anh không tin nổi. Nếu xem xét sự việc theo quan niệm của anh, anh cũng khó chấp nhận, sẽ thích hợp hơn với anh, nếu một cô gái tự dùng quyền của mình để bán thân làm geisha? Tóm lại, bây giờ anh rất muốn lôi toàn bộ câu chuyện này ra ánh sáng một chút và muốn biết nhiều hơn. Nhưng bà tẩm quất đã xong việc.

Lật đi lật lại câu chuyện trong đầu, bao giờ anh cũng quay về ý tưởng "tốn công vô ích" mà anh đã nghĩ khi nói tới nhật ký của Komako. Bởi lẽ nếu quả thật Komako là vợ chưa cưới của người đàn ông kia và Yoko là người yêu mới của anh ta, còn chính anh ta lại sắp chết, thì tất cả những cái đó chẳng phải là tuyệt đối vô ích, là hoàn toàn mất hết hay sao? Có thể nào nghĩ khác được, nếu Komako đi đến mức phải bán mình để giữ lời cam kết và để trả chi phí chữa bệnh? Tốn công vô ích. Cố gắng vô ích. Mất hết tất cả. Lần gặp tới, Shimamura sẽ nói với cô như vậy. Anh sẽ nói cho cô biết anh nhìn nhận mọi chuyện thế nào. Anh sẽ cố thuyết phục cô.

Nhưng đồng thời, anh không thể không nghĩ rằng sau khi anh vừa biết thêm một quãng đời của cô, anh thấy cô càng trong sáng hơn, trong sáng như pha lê vậy.

Sự nghi ngờ của anh, cảm giác của anh về một sự trống rỗng và hão huyền trong tất cả chuyện này, đó là một điều mơ hồ, lộn xộn đến nỗi anh khó tin quá, như thể nó chứa đựng một nguy cơ chưa được nói ra. Sau khi bà tẩm quất mù đã về một lúc lâu, Shimamura hãy còn tìm cách xác định rõ chuyện ấy và rốt cuộc, anh cảm thấy lạnh buốt đến tận ruột gan. Nhưng một phần cũng vì các cửa sổ ở phòng anh đều mở toang.

Ở đáy thung lũng, nơi thường tối sớm, đã bắt đầu tối. Nhô cao ở bên ngoài vùng tối, các ngọn núi ở đằng kia rực rỡ nắng chiều, chúng như gần hơn bởi chúng tương phản với những hõm tối và màu trắng của chúng như ánh lân quang dưới bầu trời đỏ ối. Ở đây, ngay kề bên, rừng bá hương trên bờ thác nước phía dưới bãi trượt tuyết đã trải một mảng đen xung quanh ngôi đền.

Shimamura cảm thấy mỗi lúc một buồn, mỗi lúc một khổ sở, ngột ngạt bởi ý nghĩ về sự vô ích và trống rỗng. Thành thử khi Komako bước vào, anh thấy cô như một tia sáng ấm áp trong đêm trường của anh.

Ở quán trọ có một cuộc họp để thông qua chương trình mùa trượt tuyết tại địa phương, và cô được mời đến buổi dạ hội tiếp đó, cô vừa nói với anh như vậy vừa nhanh nhẹn luồn hai tay vào lò sưởi kotatsu. Lát sau, cô vuốt má anh một cách tế nhị.

- Chiều nay anh xanh xao quá!... Lạ thật!...

Cô dùng hai ngón tay khẽ véo má anh rồi kéo làn da mềm mại ở má anh như thể để lột một chiếc mặt nạ khỏi mặt anh.

- Đừng có ngốc thế anh! Anh đang phiền muộn thì phải...

Shimamura nghĩ rằng cô đã hơi say.



Nhưng khi cô quay lại sau buổi dạ hội, thì đó là để ngồi xệp xuống trước gương với một vẻ gần như cô diễn tả sự say rượu, dưới một hình thức châm biếm.

- Em không hiểu gì cả. Hoàn toàn không hiểu gì cả... Ối! Cái đầu của em... Cái đầu khốn khổ của em! Em đau quá... Đau như búa bổ ấy. Em phải uống nước. Kìa! Cho em một cốc nước.

Cô áp chặt hai tay vào thái dương day lấy day để, mặc kệ mái tóc chải cao lên rất nghệ thuật. Rồi cô đứng dậy và với những động tác nhẹ nhưng chính xác, cô dùng kem tẩy xoa bóp mặt để lau sạch lớp phấn trắng dày. Má cô đỏ rực. Tuy nhiên, bây giờ Komako hình như lại vui thích với chính cô khiến Shimamura vô cùng kinh ngạc, không thể tin rằng trạng thái say rượu lại tan biến nhanh thế. Anh thấy cô rùng mình vì lạnh.

Bình tĩnh, không chút xúc động, cô thú thật với anh rằng suốt cả tháng tám, cô khổ sở vì thần kinh cô bị suy sụp nặng.

- Em tưởng em phát điên lên mất! Em phiền muộn, em nghiền ngẫm những ý nghĩ đen tối mà không biết tại sao. Thật kinh khủng. Em không chợp mắt được và chỉ khi sắp đi đâu, em mới trấn tĩnh lại. Em nằm mơ đủ mọi chuyện. Em ăn không thấy ngon. Em có thể ngồi một chỗ hàng tiếng đồng hồ, lấy tay gõ gõ xuống đất mãi không thôi, mà đó là vào lúc nóng bức nhất trong ngày.

- Em bắt đầu làm geisha từ bao giờ?

- Từ tháng sáu. Có lúc, em đã tưởng em sẽ đi Hamamatsu.

- Với một anh chồng?

Cô gật đầu. Người đàn ông rất muốn lấy cô, nhưng cô không làm sao thích được anh ta. Quyết định của cô khiến cô vô cùng khổ tâm.

- Nếu em không thích anh ta, việc gì em phải do dự, khổ tâm?

- Chuyện không dễ dàng lắm... Và cũng không đơn giản đâu.

- Hôn nhân có sức hấp dẫn đến thế sao?

- Anh đừng châm biếm chua chát thế? Một người đàn bà có thể mong có một nơi là nhà mình, để mà giữ cho mọi thứ ngăn nắp và sạch sẽ lắm chứ.

Shimamura đáp lại bằng một tiếng ầm ừ.

- Anh nói chuyện chẳng nghiêm túc gì cả.

- Giữa người đàn ông ở Hamamatsu và em có chuyện gì không?

Câu trả lời bật ra ngay:

- Nếu có chuyện gì, anh nghĩ là em còn phải lưỡng lự sao? Không hề có, nhưng anh ta bảo sẽ không để em lấy ai khác, chừng nào em còn ở đây. Anh ta dọa anh ta sẽ làm tất cả để ngăn cản.

- Nhưng Hamamatsu xa lắm, liệu anh ta có thể làm được gì? Vậy mà em vẫn sợ?

Như tận hưởng hơi ấm êm dịu của cơ thể mình, Komako nằm một lúc lâu, có vẻ khoan khoái lắm. Và khi trả lời, cô nói bằng một giọng đã hoàn toàn bình thường:

- Hồi đó em tưởng em có mang - cô phì cười. - Lố quá phải không anh?

Nắm hai bàn tay lại đặt lên cổ áo kimono, cô nằm cuộn tròn như một đứa bé muốn ngủ. Một lần nữa Shimamura lại nhầm vì hàng mi rậm và mượt của cô, anh cứ tưởng mắt cô hãy còn hé mở.

Sáng hôm sau, khi thức giấc, Shimamura thấy Komako chống khuỷu tay trên lò sưởi kotatsu đang vẽ linh tinh trên bìa một tờ tạp chí cũ.

- Em không thể về được, - cô bảo anh. - Em thức giấc khi cô hầu đem than hồng vào lò sưởi. Trời đã sáng rõ, ánh nắng đã rực rỡ ở cửa. Tối qua em uống hơi nhiều quá nên em ngủ say như chết.

- Mấy giờ rồi?

- Đã tám giờ.

- Tốt, chúng ta đi tắm đi, - Shimamura nói và nhảy khỏi giường.

- Em không đi đâu: ai đó có thể trông thấy em ở lối vào.

Thái độ của cô hết sức nhún nhường, cả giọng nói của cô cũng vậy.

Đi tắm về, Shimamura thấy cô đang chăm chú dọn dẹp trong phòng, một chiếc khăn buộc rất duyên dáng trên mái tóc. Cô tỉ mẩn lau bụi ở các chân bàn và gờ lò sưởi hibachi( 9) rồi bằng bàn tay luôn khéo léo và nhẹ nhàng của mình, cô cời cho than cháy hồng lên.

Shimamura ngồi thoải mái, hai chân trong lò sưởi kotatsu và hút thuốc một cách uể oải. Khi tàn thuốc lá rơi xuống, Komako lấy một chiếc khăn tay gom hết lại và đem cho anh một cái gạt tàn.

Anh cười vang, tiếng cười vui vẻ buổi sớm mai. Komako cười theo.

- Nếu em có một người chồng, - anh bảo cô, - em sẽ luôn theo sau anh ta để mà chê trách.

- Ồ! Không! Nhưng anh ta rất có thể sẽ chế giễu em khi thấy em gấp gọn cả quần áo bẩn của em. Em không thể làm khác: bản tính em nó thế.

- Hình như ta có thể biết tất cả về một người đàn bà nếu nhìn vào ngăn tủ quần áo của người đó.

Họ ăn sáng khi ánh nắng tươi vui rọi vào căn phòng.

- Ngày hôm nay đẹp quá. - Cô thốt lên. - Lẽ ra em phải về nhà để đánh đàn samisen mới đúng: thời tiết thế này, tiếng đàn nghe hay tuyệt.

Cô ngước mắt nhìn bầu trời trong veo như pha lê. Xa xa, trên các ngọn núi, tuyết trông như một lớp kem mềm mại được bao phủ một làn khói nhẹ.

Shimamura, sau những điều anh đã được bà tẩm quất cho biết, liền yêu cầu cô chơi đàn luôn ở đây, trong căn phòng của anh.

Komako lập tức gọi điện về nhà bảo đem cho cô các bản nhạc, cây đàn và vài thứ quần áo để thay.

Vậy là ngôi nhà cũ trông thấy hôm qua có cả điện thoại, Shimamura lười nhác nghĩ. Và trong tâm tưởng, anh lại như thấy đôi mắt, cái nhìn của một cô gái khác: cô Yoko trẻ trung.

- Cô gái sẽ mang đến đây cho em những thứ em cần?

- Rất có thể.

- Còn con trai bà dạy nhạc, đó là chồng chưa cưới của em?

- Trời? Anh nghe nói bao giờ vậy?

- Hôm qua.

- Anh kỳ lạ thật... Biết từ hôm qua, mà sao anh không nói gì với em?

Hôm qua gần như cô cũng nói những lời ấy, nhưng hôm nay, giọng cô không còn khiêu khích nữa, ngược hẳn lại, giọng cô chuyển sang thoải mái, lại thêm một nụ cười rất tươi trên môi cô nữa.

- Nếu ít bận tâm về việc tôn trọng em, anh nói những chuyện đó sẽ dễ dàng hơn, - Shimamura nói.

- Còn em, em lại muốn biết tận cùng ý nghĩ của anh. À! Đó chính là lý do vì sao em không thích những người ở Tokyo.

- Em đừng đổi đề tài câu chuyện. Em chưa trả lời câu hỏi của anh.

- Em không định lảng tránh trả lời. Anh tin những điều người ta nói với anh?

- Ừ.

- Anh lại nói dối rồi. Anh không tin, có phải không?

- Nói đúng ra, anh không tin hoàn toàn. Tuy nhiên, câu chuyện khẳng định em đi làm geisha để có tiền trả chi phí chữa bệnh.

- Y hệt trong một cuối tiểu thuyết rẻ tiền. Nhưng không phải thế đâu. Chưa bao giờ em là vợ chưa cưới của anh ấy, mặc dù hình như mọi người muốn tin như vậy. Em làm geisha cũng không phải để giúp đỡ bất kỳ ai. Nhưng em chịu ơn mẹ anh ấy rất nhiều, nên đương nhiên em làm tất cả những gì em có thể làm.

- Em nói khó hiểu quá.

- Thôi được, để em kể đầu đuôi câu chuyện anh nghe. Không có gì khó hiểu cả. Đúng là có một dạo bà mẹ anh ấy cho rằng giá bọn em lấy nhau thì tốt. Nhưng đó chỉ là một ý nghĩ mà chưa bao giờ bà nói ra một lời nào. Em và anh ấy cũng đoán già đoán non về ý nghĩ ấy của bà và rốt cuộc toàn bộ câu chuyện dừng lại ở đó. Không có gì khác nữa. Đầu đuôi là thế.

- Tóm lại, đó là một tình bạn tuổi thơ.

- Đúng vậy. Thêm nữa, bọn em sống mỗi người một nơi. Tuy nhiên, anh ấy là người duy nhất tiễn em ra ga khi em lên Tokyo học nghề geisha. Em có ghi sự việc này ở trang đầu cuốn nhật ký đầu tiên của em.

- Nhưng nếu cuộc sống không tách hai người ra, anh tin chắc là hai người đã lấy nhau.

- Chưa chắc đâu anh ạ.

- Chắc quá đi chứ.

- Về phía anh ấy, anh chẳng phải lo. Anh ấy còn sống được mấy nữa đâu.

- Theo em, em không ngủ ở nhà có phải là một sai lầm không?

- Sai lầm chính là anh đã hỏi em câu ấy. Vả lại, một người sắp chết ngăn sao được em hành động như em thích?

Shimamura không biết trả lời thế nào. Nhưng tại sao Komako lại hoàn toàn không nói gì đến Yoko? Yoko mà anh đã trông thấy trên tàu luôn chăm sóc người ốm như mẹ chăm con; tình cảm của nàng ra sao nhỉ, nếu chính nàng là người đem tới cho Komako một chiếc kimono và cây đàn cùng các bản nhạc, trong khi Komako lại có những mối liên hệ nào đó với người đàn ông mà nàng đưa về đây.

Như đã nhiều lần, Shimamura lại bâng khuâng trong những ý nghĩ mơ hồ.

- Komako! Komako!

Trầm, sâu, nhưng lại trong trẻo, đó là giọng nói rất tuyệt của Yoko.

- Cám ơn em, rất cám ơn em! - Komako nói và ra ngay phòng ngoài. - Em đem các thứ này đến một mình thôi à? Chắc nặng lắm nhỉ.

Không chờ đợi, Yoko quay người đi ngay.

Khi Komako ôm đàn lên thử gẩy một hợp âm, sợi dây thanh bị đứt luôn. Chỉ cần nhìn cô thay dây và chỉnh âm, Shimamura đã thấy rõ cô sử dụng cây đàn rất thành thạo. Cô mở trên lò sưởi kotatsu một gói lớn bên trong có các bản nhạc: những tập bài hát in theo lối phổ thông, bên cạnh là khoảng hai mươi tập phương pháp cổ xưa của Kineya Yashichi và những bản đàn bè hiện đại để tự học, mà Shimamura tò mò cầm lên xem.

- Em học đàn theo những tài liệu này à?

- Biết làm cách nào khác được? Ở đây chẳng ai có thể dạy em chơi đàn samisen.

- Bà dạy nhạc chủ nhà em ở thì sao?

- Bà ấy bị liệt.

- Bà có thể hướng dẫn em bằng lời nói được chứ?

- Bà không nói được. Chỉ có bàn tay trái là bà ấy còn dùng được đôi chút để sửa cho các học sinh học múa. Bà rất khổ sở khi nghe người khác đánh đàn samisen sai mà không làm gì được.

- Đúng là em đành phải học đàn samisen theo những phương pháp viết ra đi này à?

- Em đọc nhạc giỏi lắm.

- Quả thật anh tin rằng người xuất bản những khúc nhạc này sẽ vô cùng sung sướng khi biết một geisha thực sự - chứ không phải một kẻ tài tử - lại học đàn theo sách của ông ta để hành nghề ở vùng núi này.

- Ở Tokyo lẽ ra em trở thành vũ nữ, cho nên em phải học múa rất nhiều: nào tập, nào nghe giảng, đủ thứ. Còn đàn samisen, em chỉ học một chút, thêm thắt thôi. Và nếu em có quên những kiến thức sơ đẳng đó, thì ở đây cũng không ai đủ năng lực dạy lại cho em. Bởi vậy em mới có những tài liệu này.

- Còn các bài hát?

- Em không thích hát chút nào. Tất nhiên em có học được vài làn điệu truyền thống khi em tập múa và em hát cũng tàm tạm, nhưng còn những bài hát mới, em phải theo những gì em nghe được áng chừng ở đài, cho nên chắc không đúng lắm. À, mà nếu anh nghe em hát, thể nào anh cũng chế giễu em. Thêm nữa, khi em hát cho người quen thân, bao giờ em hát cũng hỏng. Giọng em tốt hơn nhiều nếu em hát trước những người lạ: nó sẽ vững hơn và vang hơn.

Cô thoáng do dự, cụp mắt xuống hơi ngượng ngùng, rồi ngẩng lên, ánh mắt chờ đợi, như cô muốn nói với anh rằng cô đã sẵn sàng và anh chỉ còn một việc là hát bài gì anh muốn.


Shimamura vô cùng bối rối vì khốn thay, anh hoàn toàn không biết hát. Là người chuyên về sân khấu và nghệ thuật múa, anh rất sành về nhạc Naganta và thuộc lòng gần hết các vở kịch diễn ở Tokyo. Nhưng chưa bao giờ anh học hát và theo quan niệm của anh, lối hát ê a "các bài thơ dài" thuộc về sự ngân nga theo nhịp của sân khấu và phù hợp với diễn xuất của các diễn viên hơn là với nghệ thuật thân mật để giải trí của geisha.

- Ông khách của tôi khó tính lắm phải không? - Komako nửa đùa nửa thật, môi cô hơi bĩu ra trông thật dễ thương trong lúc cô ôm cây đàn vào lòng, rồi với cái nhìn nghiêm trang, trong phút chốc cô như biến thành người khác, mắt cô chỉ chăm chăm vào bản nhạc ở trước mặt.

- Đây là bài em tập từ mùa thu, - cô nói.

Rồi cô bắt đầu chơi, đó là tác phẩm của Kanjincho.

Lập tức Shimamura cảm thấy như bị nhiễm điện, anh rùng mình và nổi da gà lên đến tận má. Anh tưởng như những nốt nhạc đầu tiên đã khoét một cái hốc trong ruột gan anh, tạo ở đó một khoảng trống cho tiếng đàn tinh khiết và trong sáng âm vang. Đó là một cái gì cao hơn sự ngạc nhiên, đó là sự sững sờ như anh bị một cú đòn giáng trúng đầu. Bị cuốn theo một cảm giác gần như sùng kính, gần như bị ngập chìm trong biển cả những luyến tiếc, cảm động, hụt hẫng, không thể chống cự, anh chỉ còn một cách là để mặc cho sức mạnh cuốn đi, một cách vui sướng, theo ý Komako. Cô có thể muốn làm gì anh thì làm.

Thế là thế nào nhỉ? Và nói cho cùng, đây chỉ là một cô geisha miền núi, một phụ nữ còn chưa đầy hai mươi tuổi, lẽ nào cô lại có tài đến thế? Căn phòng này không lớn, nhưng phải chăng cô chơi đàn đầy kiêu hãnh như cô đang ở một sân khấu lớn? Vẫn còn chịu tác động mạnh của chất thơ quyến rũ của vùng núi, Shimamura thả hồn mơ mộng. Komako tiếp tục cho dây đàn ngân nga, đoạn thì khoan thai kĩ lưỡng, đoạn thì lướt nhanh dồn dập mà những chỗ khó chơi chỉ có vẻ tẻ nhạt lúc ban đầu. Nhưng dần dần, chính cô cũng chìm đắm trong mê say thần diệu. Tiếng hát bạo dạn của cô khiến Shimamura chóng mặt, anh cố cưỡng lại vì không biết tiếng nhạc sẽ kéo anh đến tận đâu, thành thử anh đành làm ra vẻ dửng dưng, uể oải, tựa đầu lên một bàn tay.



Khi Komako hát xong, ý nghĩ của anh mới lại được tự do. "Cô yêu ta. Người phụ nữ này phải lòng ta". Nhưng nghĩ vậy, anh thấy ngượng ngùng.
Komako đã ngước mắt lên nhìn bầu trời trong trẻo ở phía trên tuyết trắng. "Khi thời tiết thế này, tiếng đàn nghe khác hẳn". Độ âm vang phong phú, sức hòa âm mạnh mẽ, quả thật đúng như lời cô nói. Và còn nhiều cái đặc biệt nữa, bởi khung cảnh, trong sự cô đơn thân mật này, xa những nhốn nháo của thành phố, xa những xảo thuật của sân khấu, không có những bức tường của nhà hát, không có công chúng, ở giữa lòng buổi sáng mùa đông quang đãng này, ở giữa sự trong suốt như pha lê mà ở đó, chất pha lê của âm nhạc hình như tung tiếng hát rung cảm và tinh khiết của nó đến tận những đỉnh núi đầy tuyết ở tít xa, tận đường chân trời. Tự mình tập đàn hát ở vùng núi hẻo lánh này, phải chăng Komako đã được thấm đẫm những nguồn thần diệu, những sức mạnh huyền bí và những đức hạnh của thiên nhiên ở đây mà có lẽ cô không biết? Đó là thiên nhiên hùng vĩ và hoang dã của vùng cao núi non và thung lũng. Hay là ngay trong sự cô đơn, cô cũng tìm được sức mạnh chiến thắng của ý chí ghê gớm trong cô, nó giúp cô chế ngự được cả những khó khăn của bản thân? Vì cho dù có được học chút ít kiến thức sơ đẳng nhưng chỉ tập theo sách mà chơi được những bản nhạc khó, lại chịu luyện đàn đến mức thuộc lòng cả bài, thì rõ ràng đó là một chiến thắng lớn lao của ý chí.

Dù sao, cô sống như hiện giờ thì công sức của cô cũng là uổng phí. Nghị lực của cô cũng bỏ đi. Cố gắng của cô cũng vô ích.

Shimamura nghĩ thế, nhưng từ đáy lòng, từ tận cùng của sự buồn rầu này, anh nghe từ một tiếng gọi dài lặng lẽ đòi hỏi cảm tình của anh. Tuy nhiên, lối sống của cô và cả con người cô nữa, nhờ tiếng đàn samisen nên không kém phần thánh thiện và có phẩm cách vời vợi.

Mẫn cảm với xúc động âm nhạc và không biết gì về những tinh tế của kĩ thuật thuần túy, có lẽ vì thế Shimamura là thính giả lý tưởng đối với Komako.

Dù thế nào, bây giờ cô cũng đang chơi bản thứ ba, bản Miyakadori. Và Shimamura chắc hẳn chịu tác động êm ái của tiếng đàn gợi cảm, dịu dàng ấy; Shimamura mà cảm giác rùng mình đã bớt đi để một dòng nóng ấm tuyệt diệu chảy tràn trong anh. Shimamura đang cảm thấy sâu sắc sự gần gũi xác thịt - Shimamura ngước nhìn Komako và ngắm nghía gương mặt cô.

Cái mũi cao thanh tú kia, với chút ít vẻ côi cút như bình thường, hôm nay trông tươi tỉnh hẳn nhờ màu sắc sinh động và ấm áp của đôi má. "Cũng có cả tôi nữa đây" - nó như muốn nói thế. Trên cặp môi mọng khép lại ngon lành thành một nụ hoa tế nhị, rạng lên một ánh sáng nhảy nhót; và khi cặp môi ấy hé mở để vang ra tiếng hát, là chỉ một khoảnh khắc thôi, rồi lại mau chóng khép lại thành một nụ hoa. Cử động của chúng thật quyến rũ và chúng căng lên chỉ cốt để sau đó giãn ra buông thả hơn, duyên dáng hơn - đó cũng là biểu lộ của toàn bộ thân thể cô, căng lên giây lát để rồi lả lơi hơn đầy nữ tính trong sự trẻ trung đẹp đẽ của cô. Ánh mắt cô ướt và sáng một cách ngây thơ, lại càng non trẻ; đôi mắt cô vẫn là đôi mắt của một thiếu nữ mới lớn, gần như của một đứa bé, với màu da tự nhiên khỏe khoắn của một cô gái miền núi xiết bao trong trắng dưới gương mặt mịn màng bóng bẩy của một geisha thị thành. Làn da cô khiến ta nhớ tới cái nhẵn của một củ hành tươi bóc vỏ hoặc hơn thế nữa, của một củ huệ, nhưng với một chút ửng hồng tỏa xuống tận hõm ngực.

Một hương thơm của sự sạch sẽ thoang thoảng quanh cô.

Người thẳng ra trong một tư thế khiến cô lại càng trẻ trung hơn bao giờ hết, giờ đây Komako vừa nhìn bản nhạc vừa chơi đàn một bài cô còn chưa thuộc lòng hẳn. Chơi xong, bằng một cử chỉ cũng đầy ý nghĩa như sự im lặng, cô gài miếng gẩy vào giữa các dây đàn.

Lập tức thái độ của cô lại dịu dàng dễ thương, với một chút buông lơi khiến cô xiết bao quyến rũ.

Shimamura tìm mãi lời để nói mà tìm không ra, nhưng hình như Komako không quan tâm lắm đến việc biết nhận xét của anh về cách thức cô chơi đàn. Một cách thành thật, cô tỏ ra hài lòng về bản thân, không hề khiêm tốn giả tạo.

- Nghe tiếng đàn samisen, em có thể nhận ra ngay đó là tiếng đàn của cô geisha nào không?

- Dễ thôi anh ạ, vì ở đây chỉ có khoảng hai mươi geisha. Nhưng còn tùy đó là bản nhạc nào. Phong cách một số bản nhạc giúp ta xác định được người chơi đàn rõ hơn.

Để đùa vui, cô lại cầm đàn, dịch chân sang một bên rồi đặt đàn cho nó kẹp cứng trên mặt sau bắp chân.

Hồi nhỏ, em cầm đàn như thế này này, cô giải thích và cúi xuống cây đàn như cô còn bé xíu. "Tó-ó~óc đe-e-n huyền...!" Cô hát bằng giọng lảnh lót và do dự như một đứa trẻ.

- Đó là bài hát đầu tiên em học đấy à?

- Vưng - vưng, - cô tiếp tục theo đuổi trò chơi, rõ ràng cô bắt chước rất giống cô bé con là cô xưa kia, ở lứa tuổi mà cô còn chưa biết cách cầm đúng cây đàn ba dây.

Từ đó, khi qua đêm ở phòng Shimamura, Komako không còn cố ra về từ lúc sớm tinh mơ nữa. Một giọng trẻ con thường gọi cô: "Komako! Komako!" nghe như hát: đó là đứa con gái của chủ nhà trọ, mới khoảng hai tuổi. Komako vẫn cùng nó chơi đùa trong ngăn lò sưởi kotatsu rồi cho nó cùng đi tắm vào buổi trưa.

Sáng hôm ấy, trong lúc đang chải đầu cho nó trong phòng, Komako nói:

- Mỗi lần trông thấy một geisha, nó lại gọi "Komako" bằng cái giọng lảnh lót nghe rất buồn cười của nó. Và khi nó trông thấy bức tranh nào có hình một người đàn bà bới tóc cao theo kiểu truyền thống, đó cũng là một Komako. Trẻ con chúng không lầm đâu: chúng biết ai yêu quý chúng! "Đến đây nhanh lên, Kimi, chúng mình đến nhà Komako chơi đi".

Cô đã sắp về và bước ra khỏi lò sưởi kotatsu, nhưng với dáng điệu uể oải cô dừng lại ở hàng hiên nhìn ra ngoài.

- Mấy người Tokyo kia đúng là điên! Đã đi trượt tuyết rồi.

Căn phòng hướng nam, nên trông thấy được những bãi tuyết rộng ở sườn núi phía Bắc.

Vẫn ở trong ngăn sưởi, Shimamura quay đầu để nhìn: những mảng tuyết nằm áp chặt vào sườn núi, dăm sáu hình người đen đen mắc quần áo trượt tuyết đang trượt theo đường gấp khúc từ độ cao này sang độ cao kia trên sườn dốc thoải của những thửa ruộng bậc thang mà các bờ ngăn còn lộ rõ vì tuyết ở đó mỏng hơn. Trông họ như mấy đồ chơi kỳ cục.

- Hôm nay chủ nhật hay sao ấy nhỉ? Chắc đó là những sinh viên, - anh nhận xét. Anh tự hỏi không hiểu họ trượt tuyết có thích thú không...

- Dù sao, đó cũng không phải là những người mới tập trượt tuyết - Komako bình luận như tự nói với bản thân. - Các ông khách du lịch của chúng ta luôn ngạc nhiên khi một cô geisha chào họ ở trên bãi trượt tuyết: da cô bị xạm đen, nên họ không nhận ra được. Buổi tối, họ chỉ trông thấy bọn em đánh phấn trắng.

- Em vẫn mặc quần áo trượt tuyết?

- Không, em chỉ mặc loại quần rộng của miền núi thôi. Nhưng mùa trượt tuyết bao giờ cũng đến là nhọc nhằn. Những khách hàng gặp bọn em buổi tối ở nhà trọ thường luôn muốn gặp lại bọn em hôm sau để cùng trượt tuyết. Em nghĩ có lẽ mùa đông này em sẽ không trượt tuyết nữa... Thôi, em về đây. Kimi, có đến nhà cô không? Trời lạnh thế này, có thể tối nay sẽ có tuyết. Đêm trước hôm có tuyết bao giờ cũng lạnh.

Shimamura ra hiên nhìn Komako đang dắt bé Kimi đi xuống con đường dốc phía dưới các bãi tuyết.




Mây kéo đầy trời, phía sau mấy ngọn núi đã tối, những ngọn núi khác hãy còn trong vầng sáng ánh sáng và bóng tối như đùa giỡn nhau liên tục vẽ nên một phong cảnh băng giá và rồi bóng tối đã trùm lên các sườn dốc dành cho những người trượt tuyết. Các que băng ở dưới rìa mái nhà hãy còn có nước rỏ giọt, nhưng nhìn xuống Shimamura thấy những giọt nước đã đông lại trên các đóa hoa cúc héo rũ vì lạnh, ngay dưới cửa sổ phòng anh.

Tối chưa có tuyết. Nhưng mưa đá rơi rào rào trong gió lớn, rồi một trận mưa dài và lạnh xối xả đổ xuống.

Buổi tối trước hôm lên đường, Shimamura cho mời Komako đến. Đó là một đêm sáng trăng, rét buốt. Nhưng khoảng mười một giờ, Komako nài nỉ anh đi dạo rồi kiên quyết kéo chân anh ra khỏi ngăn sưởi.

Mặt đường rắn đanh dưới lớp băng giá và ngôi làng đã ngủ dưới bầu trời lạnh. Komako kéo chiếc áo kimono dài lượt thượt lên giắt vào đai lưng. Mảnh trăng màu xanh ánh thép như một lưỡi dao gắn vào một tảng băng.

- Chúng ta đi đến tận ga nhé, - Komako hào hứng đề nghị.

- Em điên à? Từ đây tới đó gần hai cây số chứ ít đâu!

- Nhưng anh sắp về Tokyo rồi, đúng không? - Cô khăng khăng. - Chúng ta cũng nên ra nhìn qua nhà ga một chút.

Họ bước đi và Shimamura thấy rét từ đầu đến chân.

Vừa về đến phòng, Komako đã tuyệt vọng buông mình ngồi phịch xuống, không nói một lời, đầu rũ ra, hai tay thọc sâu vào ngăn sưởi. Và cô từ chối không theo Shimamura đi tắm. Khi về, anh thấy cô đang buồn rầu khổ sở ngồi bên chiếc giường có tấm nệm đặt chân trải ở trong ngăn ấm của lò sưởi kotatsu. Cô im lặng.

- Có chuyện gì thế?

- Em về đây.

- Đừng có vớ vẩn thế?

- Anh đi nằm đi. Em ngồi đây một lát.

- Nhưng tại sao em lại muốn về?

- Em không về nữa. Em sẽ ngồi như thế này đến sáng.

- Đừng phức tạp quá thế!

- Em không phức tạp, không phức tạp chút nào, không, không.

- Vậy tại sao?

- Tại vì... em không được khỏe.

Shimamura cười.

- Toàn bộ vấn đề chỉ có thế? Vậy em sẽ ngủ ngon thôi.

- Không, em không muốn.

- Thế mà ban nãy lại còn đi hết nơi nọ đến nơi kia!

- Thôi... Em về đây.

- Sao lại về mới được chứ.

- Em không thể nói là mọi chuyện dễ dàng đối với em. Anh phải về Tokyo. Chuyện đó thật không dễ dàng đối với em! - Cô buột miệng nói, đầu rũ xuống lò sưởi.

Liệu có phải là nỗi buồn chăng khi cô cảm thấy bị lôi cuốn và gắn bó quá sâu đậm với một người khách du lịch chỉ lưu lại ít ngày? Hay ngược lại, lẽ ra cô nên ghìm mình, không nói ra lời thú nhận vào lúc tế nhị nhất này? Dù sao tâm trạng cô cũng đã là như thế. Shimamura nghĩ và anh cũng im lặng.

- Em xin anh: anh hãy trở về Tokyo đi!

- Đúng là anh định ngày mai sẽ lên tàu thật.

- Sao cơ? Không! ... Anh không đi, anh không có lý do gì để đi cả, phải không? Cô chồm dậy như một người thức giấc đột ngột, với vẻ ngạc nhiên hơi hốt hoảng trong đôi mắt.

- Dù ở đây thêm vài ngày, anh cũng có làm gì hơn được cho em đâu?

Komako nhìn anh khá lâu, rồi đột nhiên cô bật ra:

- Anh không thể nói thế được! Không! Sao anh lại nói với em như thế?

Những lời lẽ lộn xộn chen lấn nhau trên môi cô khi cô lao xuống nằm cạnh anh và trong lúc xúc động cô quên bẵng cái "không được khỏe" mà cô nói tới ban nãy. Lát sau, cô lại mở mắt ra và tặng anh một cái nhìn đẫm lệ và nóng hổi.

Như một cái máy, cô nhặt những sợi tóc cô để vương trên giường.

- Thôi, mai anh về đi, - cô nói.

Giọng cô bình tĩnh và hiền lành.

Hôm sau, Shimamura chuẩn bị đi chuyến tàu ba giờ. Quãng buổi trưa, anh đang thay quần áo để ra ga, thì bà chủ nhà trọ gọi Komako ra hành lang.

"...Được rồi!...Cứ tính là mười một tiếng đồng hồ cũng không sao".

Đó là tiếng Komako và anh hiểu rằng hai người đang nói về tiến thù lao geisha của cô. Thực ra phải tính mười sáu hay mười bảy tiếng đồng hồ mới đúng, nhưng rõ ràng bà ta cho rằng như thế là quá nhiều. Dù sao, ở đây người ta luôn chỉ tính theo giờ: "rời nhà trọ lúc năm giờ" hoặc "rời nhà trọ lúc mười hai giờ đêm" mà không tính thêm khi geisha ngủ lại qua đêm.

Choàng một chiếc áo và trùm một tấm khăn trắng, Komako tiễn anh ta ga.

Sau khi anh đã mua mấy món quà nhỏ để đem về Tokyo, anh còn dư khoảng hai mươi phút. Anh cùng Komako đi dạo trên khoảng đất nhỏ trước nhà ga. Shimamura vừa nhìn ngắm cảnh vật vừa nghĩ đến sự chật hẹp của cái thung lũng bé xíu bị ép chặt giữa những ngọn núi tuyết phủ dày. Nơi đây chẳng khác gì một cái túi tối om, một cái hốc xiết bao đơn độc ở giữa lòng núi hẻo lánh này!

Và mái tóc đen sẫm của Komako trên nền cảnh vật ấy gây một cảm giác xúc động và hơi buồn.

Mặt trời hắt một ánh nắng nhợt nhạt lên sườn núi ở đằng kia, phía có dòng thác chảy xa xa.

- Tuyết đã tan kha khá kể từ hôm anh đến đây, - Shimamura nhận xét, - mắt anh nhìn đăm đăm về phía các ngọn núi.

- Ồ! Ở đây tuyết chỉ rơi hai ngày là đã dày hai mét. Rồi tuyết cứ rơi thêm mãi và chẳng bao lâu những ngọn đèn anh trông thấy kia sẽ bị ngập lút. Khi ấy, em sẽ tới đi dạo ở đây và nghĩ đến anh, rồi người ta sẽ tìm thấy xác em treo lơ lửng ở một sợi dây kia.

- Ở đây nhiều tuyết thế cơ à?

Nghe nói ở những trường học thị trấn cạnh đây, trên tuyến xe lửa, bọn trẻ vẫn trần truồng nhảy từ phòng ngủ của chúng ở trên gác xuống và chúng đi trong tuyết, không ai trông thấy được, như chúng lặn dưới nước vậy. Kìa, một xe gạt tuyết kìa!

- Anh thích xem tuyết sâu thế lắm, - Shimamura thú thật, - nhưng anh nghĩ chắc nhà trọ không còn phòng trống nữa, vả lại, đường sắt có thể bị nghẽn vì tuyết lở.

- Tiền bạc không thành vấn đề đối với anh phải không? Anh luôn có thể tiêu pha nhiều thế này sao? - Cô hỏi và dừng lại để nhìn mặt anh. - Tại sao anh không để ria?

- Anh đã nghĩ tới chuyện đó, - Shimamura nói và đưa tay lên chỗ xanh xanh râu mới cạo, hai nếp nhăn chạy dọc môi khiến đôi má anh trông thật mềm mại. Anh tự nhủ liệu có phải vì thế mà Komako thấy anh quyến rũ chăng? Anh đùa:

- Em cũng vậy, khi em lau phấn đi, trông em cũng như mới cạo râu ấy.

- Anh nghe này, có tiếng quạ kêu( 
10)...Bi thảm quá...Chúng ở đâu ấy nhỉ. Chà, rét thật?...

Cô rùng mình và so vai, đưa mắt tìm kiếm trên bầu trời.

- Ta vào sưởi trong phòng đợi đi, em nhé? - Shimamura đề nghị, khi họ trông thấy một bóng người mặc quần ống rộng chạy trên con đường nối đường lớn với nhà ga.

- Komako! Yukio... Komako! - Yoko thở hổn hển bám chặt vào Komako như một đứa trẻ sợ hãi bám vào mẹ. - Komako! Nhanh lên, về nhà nhanh lên! Về ngay đi! Yukio nguy kịch lắm! Nhanh lên!

Komako nhắm mắt lại khi Yoko lao vào cô, bíu chặt hai vai cô và có lẽ đã làm cô đau. Mặt cô tái đi. Tuy nhiên, với một sự vững vàng đáng kinh ngạc, cô lắc đầu và nói:

- Chị không thể về. Không được đâu. Chị đang bận với khách.

Shimamura bàng hoàng.

- Em không cần ở lại đến lúc tàu chuyển bánh đâu, - anh nói.

- Nhưng anh sắp xa em và ai biết bao giờ em mới gặp lại anh?

- Anh sẽ trở lại, chắc chắn thế. Anh sẽ trở lại. Anh hứa.

Yoko không nghe thấy hai người nói gì hết, nàng cuống cuồng giải thích.

- Em vừa gọi điện tới nhà trọ. Ở đó họ bảo chị đang ở ga nên em chạy một mạch ra đây, hết cả hơi. Yukio muốn gặp chị. Anh cứ hỏi chị đâu, - nàng nài nỉ và vẫn bám chặt lấy Komako, còn Komako lại đẩy nàng ra bằng một cử chỉ sốt ruột.

- Em hãy để chị được yên!

Nhưng chính cô lại lảo đảo và cô bỗng nấc lên dữ dội, cô phải mím chặt môi để cố ghìm. Mắt cô đẫm lệ. Hai má cô nổi da gà.

Yoko đứng yên, người căng ra, chăm chăm nhìn Komako. Mặt nàng sững lặng như một cái mặt nạ, vẻ nghiêm nghị đến nỗi không biết nàng kinh ngạc, khiếp sợ hay giận dữ. Một gương mặt mà Shimamura thấy trong trắng và giản dị khác thường.

Không một chút thay đổi vẻ mặt, Yoko xoay người bíu lấy Shimamura:

- Xin ông tha lỗi cho tôi, nhưng ông hãy để chị ấy về nhà, được không ạ? - Nàng nói bằng một giọng tắc nghẹn, gần như chói tai. - Ông hãy để chị ấy về.

- Tất nhiên rồi! - Shimamura kêu lên. - Komako? Bây giờ em phải về nhà đi. Em thật ngốc nghếch quá!

- Việc gì đến anh cơ chứ? - Komako nói và gạt mạnh Yoko lúc vẫn bíu chặt tay Shimamura.

Có một xe taxi ở bến đằng trước nhà ga, Shimamura toan vẫy bác lái xe, nhưng Yoko nắm cánh tay anh chặt đến nỗi các ngón tay anh bị tê.

- Xe taxi sẽ đưa cô ấy về, - anh bảo Yoko. - Cô cứ ra trước đi có được không? Mọi người đang nhìn chúng ta kia kìa.

Yoko gật đầu, không nói một lời; rồi nàng bước đi rất nhanh, để Shimamura đứng đó sửng sốt tự hỏi tại sao bao giờ nàng cũng biết điều đến thế, nghiêm túc đến thế, anh lại còn tự trách mình đã có những ý nghĩ như vậy trong lúc này.

Anh có cảm giác như trong tai anh luôn văng vẳng giọng nói, một giọng nói đẹp đến nao lòng, chẳng khác gì một tiếng vang sống động của những ngọn núi xa xôi đầy tuyết phủ.

- Anh làm gì thế? Anh đi đâu thế? - Komako hỏi và giữ lấy Shimamura khi anh vừa mới vẫy taxi và đang định tới chỗ chiếc xe. - Không, không? Em không muốn! Vô ích thôi, em không về nhà đâu.

Shimamura tức giận và trong một khoảnh khắc anh cảm thấy ghê tởm cô gái này.

- Anh không biết có chuyện gì giữa ba người bọn em, nhưng lúc này có lẽ người đàn ông kia đang hấp hối. Chẳng phải cô gái này đến tìm em vì anh ta muốn được gặp em đó sao? Vậy em hãy về đi. Em nghĩ mà xem, có thể rồi em sẽ ân hận suốt đời vì không về. Anh ta có thể chết trong lúc em ở lại đây... Thôi, em đừng bướng bỉnh nữa. Hãy quên đi mọi chuyện và hãy tha thứ cho anh ta.

- "Hãy quên đi và hãy tha thứ?" Anh tưởng anh hiểu lắm à? Anh không hiểu đâu. Anh không hiểu gì hết.

- Thôi được. Nhưng em đi Tokyo, anh ta là người duy nhất tiễn em ra ga. Chẳng phải em đã kể như vậy với anh sao? Và liệu có phải là tốt không, khi em từ chối một lời vĩnh biệt cuối cùng đối với một người có tên được ghi ở trang đầu tiên trong cuốn nhật ký đầu tiên của em, như em đã kể với anh hôm qua? Với anh ta, bây giờ là những dòng cuối cùng trên trang đời cuối cùng của anh ta.

- Vâng, nhưng em không muốn trông thấy anh ấy. Em không muốn trông thấy một người hấp hối.

Sự lạnh lùng khô cằn của trái tim hay ngược lại, sự say mê thái quá? Giữa hai cách giải thích, Shimamura không biết chọn cách nào.

- Từ nay, em sẽ không thể ghi nhật ký được nữa, em chỉ còn một cách là đốt nó đi. - Cô nói gần như thì thầm, như cô tự nhủ với một mình bản thân cô. Rồi mặt đỏ bừng, cô nói: - Anh là một người nhân hậu đúng không? Một người bản chất tốt và đơn giản, đúng không? Và nếu quả thật anh là người như thế, em sẽ không ngần ngại gửi toàn bộ nhật ký của em cho anh. Nhưng anh đừng cười em... không, em tin chắc anh có một trái tim trung thực, độ lượng, không hề giả dối.

Shimamura mủi lòng, bản thân anh cũng không xác định rõ ràng được sự cảm động đang tràn ngập trong anh. Không một phút nào anh nghi ngờ sự thẳng thắn tột độ của trái tim cực kỳ quảng đại của anh. Trong con mắt của chính anh, hiển nhiên anh thấy anh là hiện thân của danh dự và anh chỉ có thể là người tốt nhất trên thế giới này. Nỗi băn khoăn về việc thuyết phục Komako, anh đã quên. Về chuyện nhất thiết cô phải về nhà cô, anh không còn bận tâm. Phần mình, Komako cũng không nói gì nữa.

Một người đến báo cho họ biết là họ có thể vào sân ga.

Trong sân ga có bốn hoặc năm người dân nông thôn mặc những bộ quần áo mùa đông tối màu và buồn vừa xuống tàu hoặc sắp lên tàu.

- Em không tiễn anh ở sân ga đâu. Tạm biệt anh!

Và Komako đứng lại đó, nhìn qua cửa kính đóng kín của phòng đợi. Qua lớp kính của buồng toa, trông cô giống như một trái cây của xứ lạ không hiểu tại sao lại được đem bày trong tủ kính bẩn thỉu của một cửa hàng thảm hại nào đó ở nông thôn. Và khi đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh, một ánh phản chiếu thoáng hắt vào ô cửa sổ phòng đợi: khuôn mặt Komako chợt xuất hiện ở đó như một khoảng nhỏ để rồi biến mất ngay. Màu đỏ của má cô đã trở nên phi thực, cũng bừng lên như màu đỏ rực giữa nền tuyết chói mắt trong tấm gương buổi sáng hôm xưa. Đối với Shimamura, một lần nữa đó là màu sắc nói lên lời vĩnh biệt thế giới thực.

Đoàn tàu leo lên sườn phía Bắc của dãy núi rồi chui vào đường hầm dài. Khi nó chui ra, ánh sáng mờ nhạt của buổi chiều đông như đã bị nuốt vào lòng đất tối om. Còn các toa tàu cũ kĩ, chúng như đã trút bỏ trong đường hầm bộ áo lóng lánh của sương giá tuyết băng. Tàu chạy xuống một thung lũng, Ở đây, những khoảng tối hơi nhuốm màu hoàng hôn đã ngập đầy những vực thẳm xen giữa các ngọn núi cao chồng đống lên nhau. Sườn núi phía bên này vẫn còn chưa có dấu vết của tuyết.

Đường sắt chạy dọc theo con sông, để lát sau tới một đồng bằng.

Với những hình kiến trúc kỳ lạ nào hình tháp, hình mũi tên, hình pháo đài trên đường viền các đỉnh núi phô ra một cách duyên dáng các sườn dốc rất đẹp của nó và nhấp nhô kéo dài mãi đến tận rặng núi ngang ở cuối cùng, nơi mặt trăng có màu sắc lúc cuối ngày. Đó là một điểm hấp dẫn duy nhất, không có một điểm nào khác trong toàn bộ vùng đồng bằng vắng vẻ, buồn bã và đơn điệu này. Và trên nền trời như được dát vàng một cách hài hòa nổi rõ lên bóng dáng đồ sộ của rặng núi màu đỏ sậm. Mặt trăng đã mất sắc nhạt của ánh sáng ban ngày, nhưng vẫn còn mờ chứ chưa sáng tỏ run rẩy như thường thấy ở những đêm đông trong veo miền núi. Toàn bộ bầu trời đều bất động. Không một bóng chim bay. Cả bên phải lẫn bên trái đều không có gì phá vỡ nét mềm mại của đường chân trời, những núi non xa xa, chạy dài tới tận những thung lũng nhỏ, cuối cùng, thoai thoải đến con sông và ở gần đó, cái nhìn ngạc nhiên vấp phải khối vuông màu trắng của một tòa nhà có lẽ là trạm thủy điện. Đó là cái khối cuối cùng thu lượm vào mình tất cả những gì có thể còn lại của ban ngày trong phong cảnh mờ nhạt được đóng khung một cách buồn thảm bởi ô cửa sổ của con tàu mùa đông này.

Dần dần, khí nóng của hệ thống sưởi ấm làm mặt kính cửa sổ mờ hơi nước, ở bên ngoài, phong cảnh đồng bằng cũng tối dần.

Kính cửa sổ lại bắt đầu biến thành tấm gương, cũng như tất cả mọi thứ đều bắt đầu lại mãi mãi muôn đời, lần này, vẫn còn kém xa một tấm gương, nó phản chiếu những hình bóng lờ mờ của các hành khách. Con tàu với ba hoặc bốn toa cũ rích và cổ lỗ, chẳng giống gì những đoàn tàu nhanh ở các tuyến lớn trung tâm, khiến ta tưởng như đang ở trong một con tàu của xứ sở khác, hoàn toàn xa lạ ánh đèn ở đây vàng ệch và chỉ chiếu ở quãng thấp.

Đắm chìm trong mộng ảo và hư ảo của trí tưởng tượng, Shimamura thấy mình đang ngồi trên một cỗ xe siêu nhiên du hành trong cõi phi thực, đang được đưa về chốn Hư Vô rộng lớn vĩnh hằng, bên ngoài thời gian và không gian. Trong nhịp đều đều của bánh xe, dần dần anh như nghe thấy tiếng nói của cô gái anh vừa chia tay. Ngắt quãng và đứt đoạn, những lời cô nói ít nhất cũng có nghĩa là cô vẫn sống mãnh liệt, cô có thực trên đời này và đầy sinh lực. Và vì vẫn cảm thấy đau đau trong lòng khi nghe tiếng cô, Shimamura biết rằng anh chưa quên cô. Nhưng đối với con người đang đi xa cô dần là Shimamura bây giờ, tiếng nói ấy đã mờ nhạt đi bởi khoảng cách, nó không thể gợi cho anh một các gì khác ngoài nỗi buồn mỗi lúc một sâu lắng thường thấy trong các chuyến đi.

Có thể Yukio đã trút hơi thở cuối cùng rồi chăng? Và có thể Komako dù có những lý do riêng để không muốn về nhà, nhưng cũng đã về kịp chăng?

Trong toa tàu của anh ít hành khách đến nỗi Shimamura cảm thấy mất cả thoải mái. Ở bên cạnh, anh chỉ thấy có một người đàn ông khoảng gần năm mươi tuổi, đối diện ông ta là một cô gái nông dân đang cúi xuống để nghe được hết những gì ông ta nói và trả lời ông ta với một nhiệt tình vui vẻ. Cô buộc một tấm khăn màu đen trên đôi vai chắc nịch. Hai má cô tươi thắm một màu đỏ hoang dã tuyệt đẹp. Chắc đây là một cặp vợ chồng đi du lịch xa, Shimamura tự nhủ.

Nhưng khi đoàn tàu dừng lại - từ nhà ga này có thể trông thấy những ống khói cao của các nhà máy sợi - người đàn ông hấp tấp đứng dậy lấy từ trên giá hành lý xuống một cái làn đơn sơ bằng cành liễu và ném xuống sân ga qua cửa toa tàu.

- Tôi đi nhá! - Ông ta vừa nói với cô gái nông dân vừa vội vã bước đi. - Có lẽ, nay mai chúng ta còn gặp lại nhau!

Shimamura suýt nữa thì khóc. Sự việc xảy ra thật bất ngờ với anh, nó làm tan nát lòng anh và ném thẳng anh về với ý thức: anh vừa mới chia tay Komako và anh đang ngồi trên con tàu đưa anh về nhà.

Hóa ra đó chỉ là một cuộc gặp gỡ tình cờ trên tàu. Một tình huống anh không hề nghĩ tới. Chắc hẳn người đàn ông kia là một nhân viên chào hàng.

Đúng lúc rời Tokyo để làm một cuộc dạo chơi miền núi một lần nữa, Shimamura nghe vợ dặn chớ có treo quần áo lên tường hay trên mắc áo dài, bởi mùa này là mùa bướm đêm đẻ trứng.

Ở quán trọ thường có nhiều bướm đêm. Shimamura đếm được tới sáu bảy con khá lớn, màu ngô vàng, đậu trên chiếc đèn lồng treo dưới hiên trước. Trong phòng khách đợi, anh thấy một con nhỏ hơn, nhưng bụng dưới lại phồng to nặng nề, khiến đôi cánh trở nên kỳ cục.

Người ta chưa dỡ đi màn che muỗi mùa hè ở cửa sổ. Đến gần, Shimamura nhận ra được một con nữa bất động, dán vào khung cửa như bị dính keo. Đôi râu nó dựng lên, như hai sợi len mảnh, có màu vỏ cây bá hương. Cánh nó xanh nhạt, đục mờ như ngón tay đàn bà. Dãy núi phía sau, mùa thu đã phô ra những sắc màu phong phú giữa bóng chiều đã ngả, thứ màu đỏ hung và rỉ sắt. Với Shimamura, cái màu xanh ngỡ ngàng, đơn độc, ngược ngạo thay, nhuốm màu chết chóc. Màu xanh đậm lên một chút khi phần cánh cụp xuống bên thân và run rẩy trong gió thu như những tờ giấy mỏng.

Shimamura tự hỏi không biết con côn trùng đã chết chưa. Anh lấy tay gạt gạt lên sợi của lưới muỗi nhưng nó không động đậy. Khi anh đập lên mắt lưới một cái, nó rơi xuống như một chiếc lá khô, chậm và nhẹ buông rơi, lúc lên lúc xuống, trước khi chạm đất.

Đối diện, trước những hàng cây bá hương thẳng tắp, vô số chuồn chuồn lượn bay trong gió, bị cuốn hút bởi vị hương quả bồ công anh. Và những dòng nước thác vọt tung tóe như tràn ra từ trên đầu những nhánh bá hương dài nhất.

Những thảm hoa thếp bạc mà mùa thu đã trải lên dốc núi, khiến anh ngắm hoài không chán mắt.

Từ nơi tắm về, trên lối ra vào, anh gặp một trong những phụ nữ Bạch Nga bán hàng rong. "Tận nơi đèo heo hút gió này mà vẫn gặp những người đàn bà này ư?" Anh ngạc nhiên và tiến đến gần. Một người đàn bà khoảng tứ tuần. Hẳn thế, gương mặt nhăn nheo và đầy bụi, nhưng làn da mịn, trắng ngần, đẹp, hiện ra ở ngực, ngấn cổ để hở, ở cánh tay và bàn tay.

Shimamura hỏi:

- Chị từ đâu tới?

- Từ đâu? Từ đâu tới ư? - Chị ta lặp lại một cách bối rối, chẳng biết trả lời ra làm sao. Chị lần mò trong các tay nải hàng: những mặt hàng Nhật Bản rẻ tiền, son phấn, lược và trâm cài đầu chẳng đáng giá là bao.

Chiếc áo dài của chị có vẻ như một chiếc khăn trải giường, chẳng sạch sẽ gì, quấn quanh thân, chẳng còn vẻ gì xống áo Tây phương nữa, trái lại, có chút nào đó giống vẻ Nhật Bản. Nhưng chị lại đi giầy ngoại. Vợ chủ quán đến gần chàng để xét nét người đàn bà Nga vừa đi ra, rồi bước cùng Shimamura vào văn phòng. Trước đám than sưởi hồng, một người đàn bà quay lưng lại, khi từ biệt để đi ra, lấy tay nâng vạt áo dài kimono lễ phục màu đen. Shimamura nhận ra đó là một geisha, anh nhớ là đã chụp ảnh cô cùng với Komako cho quảng cáo. Cả hai đều đi sky, vận quần áo thụng miền núi ra ngoài bộ kimono dạ hội. Cô không còn trẻ nữa, nhưng cái dáng đầm đậm khiến cô có vẻ dễ tính và dễ mến.

Chủ quán đang nướng những chiếc bánh ngọt đầy đặn hình thoi dài trên than hồng, quay về phía Shimamura:

- Ông dùng một chiếc. Đây là bánh cô geisha ăn mừng được mãn hạn giao kèo, mang đến đây.

- Cô ấy bỏ nghề ư?

- Vâng.

- Cô ấy có vẻ nền nã đấy nhỉ?

- Ai cũng mến cô ấy. Hôm nay cô ta đi chào từ biệt mọi người.

Thổi phù phù lên chiếc bánh nóng, Shimamura cắn sâu vào. Vỏ cứng bên ngoài chiếc bánh vỡ ra hơi chua, rồi để lại trong miệng chàng một mùi mốc.

Ngoài cửa sổ, những trái hồng chín cây, ánh lên trong nắng chiều - thứ màu đỏ rực rỡ như ánh lửa của đám cháy đang chiếu lên tận khúc tre treo chiếc móc sắt treo nồi ở phía trên lò than.

- Chà! Những bó gì dài thế kia?

Shimamura thốt lên. Anh trông thấy trên con đường nhỏ, dốc, những bà già đang đi xuống, mang trên lưng những bó dài lớn bằng hai thân người, bóng nó đè trùm nặng trĩu, tưởng mọp xuống đất.

- Cỏ lau xứ này đấy, - chủ quán nói, - cỏ kaya.

- Cỏ kaya thật à?

- Vâng! Để khai trương những trạm nước suối nóng, sở hỏa xa cho cất những quán hàng kiểu thôn dã mà nơi phòng trà thì lợp bằng cỏ kaya ở đất núi chúng tôi. Một người nào đó ở Tokyo đã mua lại trọn gói.

- Cỏ kaya thật sao? - Hơn một lần Shimamura ngạc nhiên, thầm thì. - Có phải chính loại cỏ đã thếp bạc lên núi non? Tôi cứ ngỡ là hoa!

Bởi, thứ đầu tiên đập vào mắt anh khi từ xe lửa bước xuống là tấm áo choàng trắng bằng bạc lộng lẫy, lóng lánh dưới mặt trời tít tự trên cao trong núi, sáng ánh, tưởng chừng đó chính là từng đợt sóng của ánh thu tuôn trào lên mặt đất. Niềm vui nhen lên từ cảnh sắc tuyệt vời, lại như có điều gì đó làm anh thấy ngây ngất, thứ tiếng tự chào mừng đón hỏi: "Chao ơi! Mình đã ở đây thật rồi!" Vậy mà những ống cỏ dài, khi nhìn thật gần, anh lại như thấy khác lạ. Làm sao tin được đó chính là loại cây kỳ diệu của tấm thảm thần kỳ đó. Chúng được xiết chặt thành bó lớn, một đầu trùm che hẳn nửa người những người vác nó, đầu kia trĩu dài trên đám sỏi đường, quệt vào cả những bông lau dài đanh rắn.

Chàng bước vào phòng thì trời tối xẩm. Cái vệt sáng mờ trong phòng khách đợi, giúp chàng nhìn thấy, trên nền sơn then của chiếc giá áo, con ngài bụng lặc lè đang đẻ những chùm trứng.

Chàng nghe thấy tiếng côn trùng xập xè ở chiếc đèn lồng, dưới mái hiên. Khúc nhạc đều đều của hàng ngàn con không dứt lúc mặt trời lặn.

Komako đến hơi chậm.

Cô dừng một lát trên ngưỡng cửa, đăm đắm nhìn Shimamura:

- Anh còn đến đây làm gì? Tại sao anh lại đến một nơi như thế này?

- Để gặp lại em!

- Anh đâu thật lòng như thế. Đám người Tokyo rất hay nói dối, vì thế em không sao chịu nổi họ.

Khi yên chỗ, giọng dịu lại, cô tiếp:

- Em sẽ chẳng tiễn ai ra ga nữa đâu! Em làm sao nói gì được khi thấy anh ra đi!

- Lần này, anh đi, sẽ không báo trước cho em đâu!

- Không phải thế. Em muốn nói là em chẳng muốn đi cùng anh ra ga.

- Còn anh ta, bây giờ ra sao?

- Dĩ nhiên, anh ta chết rồi!

- Đúng cái lúc em ở lại với anh ấy à?

- Chuyện đó chẳng đáng bận tâm. Em nào ngờ cuộc ra đi đã khiến em điên đảo đến thế.

Shimamura lặng lẽ gật đầu.

- Mười bốn tháng hai, anh ở đâu? Em chờ mong anh mãi. Nhưng phút này thì em biết phải tin lời hứa của anh ra sao rồi!

Mười bốn tháng hai là ngày "Săn chim", một ngày hội của trẻ thơ để biểu đạt tâm hồn của xứ tuyết này. Tất cả bọn nhóc ở làng, mười ngày trước lễ hội, nhét tuyết đầy vào những chiếc dép rơm, nén cho đến khi chặt cứng, để xắt ra thành những tảng dài chừng vài gang tay, xây một lâu đài tuyết, cao tới mười bộ, mỗi cạnh dài mười tám bộ. Bà con ở thung lũng này ăn Tết Nguyên đán vào những ngày đầu tháng hai Dương lịch. Cửa ngoài của mỗi nhà, dịp ấy vẫn còn trang hoàng đám dây dợ tết bằng rơm, để đến ngày Mười bốn, đám trẻ thu lấy, chất lên đốt thành lửa ăn mừng trước Lâu Đài Tuyết. Đung đưa và hò la, nhảy vòng tròn trên mái, trước ánh lửa hồng, hát vang bài "Săn chim" rồi tiếp đó, chúng thắp nến chơi thâu đêm trong Lâu Đài. Chúng lại nhảy vòng tròn trên mái mà ca hát đến tận sáng mười lăm tháng hai Dương lịch mới kết thúc lễ hội "Săn chim".

Bởi ngày hội rơi đúng vào lúc nhiều tuyết nhất, Shimamura đã hứa với Komako trở lại đúng dịp đó để dự hội.

- Em đã xin nghỉ phép ở nhà em vào tháng hai. Em đã hăng hái trở lại đây, tin chắc rằng anh sẽ trở lại vào ngày Mười bốn. Biết thế, em ở lại chăm sóc cho bà !

- Ai ốm thế?

- Bà giáo dạy nhạc, ở vùng biển, bà bị viêm phổi. Bức điện đến khi em đang ở nhà và em đã đến săn sóc bà ấy!

- Bà ấy đã bình phục chưa?

- Chưa!

- Anh thật có lỗi! Shimamura buột miệng, không rõ là lời an ủi hay ăn năn về việc thất hứa?

Komako khẽ nghiêng đầu nghe chàng. Cô dùng chiếc khăn tay phủi bụi trên bàn. "Ở đây côn trùng lắm quá!", cô nói. Cái phủi của cô làm rơi cả đám côn trùng nhỏ có cánh xuống sàn nhà. Quanh đèn, vô số bướm đêm còn đang bay loạn xạ. Trên tấm lưới kim loại ở cửa sổ, đầy chặt những con bướm các loại như đang bơi trong ánh trăng mờ mờ.

- Trời, cái dạ dày của em. - Cô gái rên rẩm xoa tay lên bụng và ngả đầu vào gối Shimamura. - Dạ dày em đau quá!

Những đám côn trùng mảnh mai, nhỏ xíu như đám muỗi bám lên làn da cổ ngấn phấn của cô. Shimamura tận mắt thấy nhiều con lăn ra chết.

Anh thấy bờ vai nàng tròn hơn, gáy nàng dầy lên hơn năm trước. Chàng nghĩ rằng nàng đang bước vào tuổi hăm mốt. Một hơi nóng từ nàng hình như truyền vào gối anh.

- Komako, em hãy liếc sang phòng Trà Hoa xem. Cái đám người trong văn phòng quán trọ xem ra có vẻ thỏa mãn lắm!

- Kiểu cách ấy, em chẳng thèm để mắt. Em vừa nghỉ ngơi xong ở chỗ Kikyuu, đang định làm một giấc nghỉ trưa thì có người đến nói rằng, quán trọ gọi điện thoại bảo em về. Em chẳng muốn đi chút nào. Chiều hôm trước, ở chỗ Kikyuu đã có một bữa tiệc tiễn đưa và em đã uống quá nhiều rượu. Ở văn phòng, họ chỉ cười, không cho biết ai đang ở đó. Em lên phòng và gặp anh! Một năm trôi qua rồi đấy. Phải chăng anh là loại người cả năm mới được gặp một lần?

- Người ta vừa cho anh một trong những chiếc bánh mà cô ta đã mang tới!

- Cho anh?

Komako đứng vụt dậy lộ ra gò má đỏ ửng nơi cô áp vào gối anh.

Nàng có dáng trẻ thơ.

Cô gái geisha cũ Kikyuu này, chính Komako đã vừa tiễn cô trên xe lửa cho đến tận ga thứ hai. Nàng thuật lại:

- "Buồn quá". Ngày trước, bọn em chơi với nhau thân thiết lắm. Giờ đây, mọi thứ đều đổi khác. Mỗi người trở nên ích kỉ hơn. Vừa có nhiều geisha mới, mà chẳng cô nào ăn ý với cô nào cả. Kikyuu sẽ làm em nhớ nhiều. Không có cô ta, ở đây, làm việc gì cho nên hồn. Cô cũng kiếm được nhiều tiền nhất trong bọn em. Chủ cô cũng rất mến cô. Nhưng giao kèo đã hết, thế là Kikyuu trở về quê quán.

- Cô về lấy chồng hay mở một quán trọ, một tiệm ăn riêng? - Shimamura hỏi.

- Chuyện riêng của cô buồn lắm! - Cô ta lấy phải anh chồng không ra gì, vì thế mới đến đây, - Komako bắt đầu kể rồi lại ngừng, ý chừng định xem nên kể đến đâu để khỏi mang tiếng là quá tọc mạch. Trong thoáng chốc, cô đưa mắt nhìn xuống những thửa ruộng bậc thang ở sườn núi, dưới ánh trăng. Cô hỏi: - Ngôi nhà mới ở ngay lưng chừng dốc, anh có biết không?

- Có phải là một tiệm ăn không? Nếu anh không lầm thì tiệm mang tên là Kikumura.

- Vâng, đúng thế. Đáng lý tiệm về tay Kikyuu, đến phút chót cô ta lại đổi ý. Chuyện đó rùm beng lên ở đây một dạo. Cô ấy được một Mạnh Thường Quân xây cho ngôi nhà; nhưng khi mọi việc đâu vào đấy cô ta vứt bỏ hết. Cô ta yêu một người và muốn cưới. Nhưng người ấy đã ra đi và bỏ rơi cô. Làm sao cứ hay sinh chuyện khi mà ta say mê ai đó! Rõ ràng là cô không thể quay lại với vị Mạnh Thường Quân cũ, để giành cái tiệm ăn mà cô vừa từ chối. Những chuyện vừa xảy ra, nếu cô ở lại thì cũng ngượng. Cách duy nhất là ra đi, để bắt đầu lại từ con số không. Kikyuu tội nghiệp! Mỗi lần nghĩ đến, nẫu cả ruột. Rồi cũng có nhiều người khác xen vào cuộc đời của cô ta, nhưng làm sao mình biết cho hết được.

- Những thằng đàn ông ư? Độ bao nhiêu thằng? Năm hay nhiều hơn thế?

Komako thú nhận, gượng cười, mặt ngoảnh đi chỗ khác:

- Đó chính là điều em cũng tự hỏi. Kikyuu nào có mạnh mẽ gì cho cam. Cô cũng yếu đuối lắm.

- Với một thể tạng như thế, nào ai biết được cô ấy liệu làm được điều gì hơn.

- Em đâu nói thế, nhưng sao nhỉ! Thật là rồ dại khi cứ đi yêu ai đó mà họ tỏ ra chẳng thích mình.

Komako trả lời vội vã, mắt nhìn xuống sàn, lơ đãng chải một lọn tóc của mái đầu trước khi cài lại chiếc lược trang sức trên búi tóc cao.

- Cô ấy ra đi, dù sao với em, cũng chẳng dễ dàng gì.

- Nhưng cái tiệm ăn thì đến đâu rồi?

- Vợ người xây cất nó đến sử dụng chứ ai!

- Hay, hay tuyệt! Người vợ chính thức đứng ra điều hành tiệm ăn của người tình chồng mình.

- Còn cách nào khác được! Tất cả đều sẵn sàng khai trương. Thế là bà vợ phải đem con đến ở.

- Thế còn ngôi nhà của bà ấy thì sao?

- Bà mẹ bà ấy trông nom, hình như thế. Ông khách làng chơi vốn là một người làm ruộng, nhưng lại thích ăn chơi. Lão ta là một dạng người hấp dẫn đấy!

- Anh cũng mường tượng thế! Nhiều tuổi không?

- Trái lại, còn trẻ! Khoảng chừng ba mươi hoặc băm hai tuổi.

- Vậy thì người tình lại già hơn vợ ông ta ư?

- Không, họ bằng tuổi nhau, chừng hăm sáu!

- Và bà vợ không muốn thay tên tiệm ăn. Anh cho rằng chữ Kiku trong cái tên Kikumura chắc là thấy tên cô ấy, Kikyuu...

- Vâng, quảng cáo rồi. Muộn rồi!

Thấy Shimamura nâng cổ áo kimono lên, Komako ra đóng cửa sổ.

- Kikyuu, anh biết rồi đấy. Chính cô ấy báo cho em biết hôm nay anh đang có mặt ở đây. Em gặp cô ấy ở văn phòng, khi cô ấy đến để từ biệt.

- Cô ấy có nói gì với em không?

- Chẳng nói gì cả!- Anh thử nghĩ xem, em đang cảm nhận gì ở đây nào? - Komako vừa nói vừa đến mở ô cửa sổ mà cô vừa đóng lại và ngồi phắt lên thành cửa như muốn lao vào khoảng không.

Shimamura, sau một phút yên lặng, nhận ra những ngôi sao nơi này không giống sao trời Tokyo:

- Hình như sao đang bơi ngang bầu trời.

- Đêm nay thì không. Trăng sáng quá, - Komako quả quyết, một lát sau, cô lại thêm, - mùa đông này nhiều tuyết quá, thật dễ sợ.

- Phải, anh cũng nghĩ thế, có lúc xe lửa không vận hành được.

Komako tiếp:

- Rút cục, em khiếp hãi. Đường xá không lưu thông nổi cho đến tháng năm, lâu hơn mọi năm một tháng. Và cái nhà sàn xứ tuyết gần chỗ trượt tuyết, anh biết không? Tuyết lở đã lăn cả vào Lầu Một. Ở tầng trệt, những người đang ở đó, cứ tưởng là lũ chuột đói tràn vào bếp vì nghe thấy những tiếng động lạ. Nhưng chuột bọ quái gì đâu, khi họ lên lầu thì lầu đầy ắp tuyết, cửa ra vào, cửa sổ văng đi đâu mất. May đó mới là một cơn tuyết lăn, chứ chưa phải là trận sụt tuyết. Nhưng đài phát thanh đã rùm beng lên làm cho dân trượt tuyết khiếp hãi, do đó khách khứa năm nay thưa thớt. Em đã quyết không đi trượt tuyết nữa. Đôi skycủa em, em đã biếu người ta hồi cuối năm. Mà em mới dùng nó ít bận, độ vài ba lần chi đó. Em có thay đổi nhiều không anh?

- Sau cái: chết của bà giáo dạy nhạc, em đã làm gì?

- Anh lại muốn biết những chuyện dính dáng đến người khác ư? Em trở lại đây và em chờ anh suốt tháng hai.

- Khi em về miền biển, sao chẳng viết cho anh một lá thư nào?

- Ồ, em không thể, em làm sao viết được loại thư mà vợ anh có thể đọc được. Em không táo gan đến như thế, cũng như là em không thể mượn cớ người ta nghe mình mà nói dối được.

Nghe những lời bộc bạch của cô, Shimamura chỉ còn nước cúi đầu xuống. Ngôn từ buột khỏi miệng Komako như thác nước.

- Tắt đèn đi có hơn không, anh? Dễ thường anh lại định để cái đám côn trùng vây đến!

Phía sau nàng, trăng sáng rực rỡ, rõ đến cả vành tai của nàng.

Trăng tuôn ánh sáng vào phòng khiến những chiếc chiếu cũng loáng lên thứ màu hồ thủy lạnh.

- Không! Để em về nhà em, anh ơi.

- Em vẫn như xưa, chẳng thay đổi gì!

Shimamura ngẩng lên. Anh nhận ra vẻ xa lạ nào đó rồi dò xét kỹ gương mặt cau có ấy.

- Từ lúc em mới đến, ai cũng luôn bảo rằng em chẳng thay đổi gì, lúc đó, em mới mười sáu tuổi. Và dù, cuộc đời chẳng có gì thay đổi, thì ít ra, năm tháng cũng từng trôi đi chứ.

Sắc diện hồng hào của cô dễ khiến nhận ra cô có thời thơ ấu ở miền núi, nhưng trên làn phấn mịn màng của cô geisha, ánh trăng ngời chiếu lên như thể vân trai:

- Anh đã biết em dọn nhà đi nơi khác chưa?

- Chưa. Vậy ra em vẫn ở trong buồng nằm ư?

- Từ lúc bà giáo dạy nhạc mất hả? Và bây giờ em mới thật sự ở trong ca quán của geisha.

- Một ca quán của geisha?

- Nói thế cũng được. Cửa tiệm có bán thuốc lá và kẹo bánh, em là cô geisha duy nhất ở đó. Nhưng em vẫn đang vướng trong giao kèo, lần này thì chắc là khá hơn: nếu em đọc sách muộn về đêm, em phải thắp đèn sáp để cho chủ đừng nghĩ rằng em xài phí điện (11).

Shimamura bật cười, đặt tay lên vai Komako.

- Chắc là anh biết...Nhà có công tơ điện, em đâu dám thắp tốn nhiều.

- Anh biết. Anh biết mà!

- Nhưng họ đối với em cũng khá lịch sự. Họ luôn tỏ ra tử tế, đến nỗi em không tin nổi là họ đã mướn mình làm geisha. Khi con khóc, bà mẹ đặt luôn ra ngoài để nó khỏi gây phiền cho em. Trừ chỗ ngủ cũng cần tươm tất hơn chút nữa. Các thứ khác thì chẳng chê trách được điều gì. Mọi thứ đều sắp sẵn cho em, khi em về muộn, nhưng nệm thì nào có được ngay ngắn, cứ xô lệch. Khăn trải giường thì chẳng phẳng phiu gì khiến em bực mình. Nhưng, họ vẫn luôn tỏ ra lịch sự với mình, chẳng lẽ mình lại tự tay đi làm giương cho mình ư!

- Vậy là nếu em có một căn nhà riêng, em cứ vùi đầu vào các việc nội trợ sao?

- Ai cũng bảo thế. Có bốn đứa trẻ lau nhau, mọi thứ trong nhà lộn tùng phèo hết. Em cứ sắp xếp hết thứ này đến thứ khác suốt ngày, rồi đâu lại hoàn đây ngay lập tức. Nhưng biết làm sao. Em làm sao mà đổi tính đổi nết được. Với em, mọi thứ càng sạch, càng ngăn nắp thì càng hay. Đó cũng là một nhu cầu, anh biết đấy.

- Anh hiểu!

- Anh hiểu cái gì, nói em nghe nào. - Giọng cô gấp gáp, căng thẳng. - Nếu anh hiểu em thì quả là dễ cho em. Nhưng anh thấy đấy, anh không thể hiểu được em đâu. Anh lại dối em rồi! Quả là giàu của mà chẳng giàu lòng. Anh chẳng biết tí gì cả, chẳng hiểu quái gì cả! Giọng cô trầm xuống và tiếp:

- Sao có lúc em cảm thấy cô đơn đến thế? Nhưng em là đứa ngu đần. Thôi, anh trở về Tokyo ngay ngày mai đi.

Shimamura vặn lại:

- Em châm chọc anh dễ thôi! Nhưng làm sao anh cắt nghĩa nổi cho em tình cảm của anh như thế nào?

- Khó ở chỗ nào nhỉ! - Giọng nàng buồn bã. - Chỉ tiếc rằng anh chẳng thể làm được thôi.

Mắt nhắm nghiền, Komako dường như quẩn quanh với câu hỏi. Anh ấy có hiểu mình không nhỉ? Liệu anh có hiểu đúng mình không, có cư xử đúng với thân phận mình hiện nay không? Và có lẽ cô đã cho rằng cô nên nói tiếp:

- Anh cứ trở lại, dù một năm một lần cũng được. Hứa với em rằng chừng nào em còn ở đây, mỗi năm anh sẽ trở về...Cô nói thêm rằng, cô đã ký giao kèo đúng bốn năm.

- Khi em ở nhà, chẳng bao giờ em nghĩ em đã trở thành geisha, - nàng thú nhận, - ngay cả đôi giầy trượt tuyết, em cũng cho trước khi đi. Rút cục, thuốc lá, em cũng không hút nữa.

- Em nhắc đến làm anh nhớ ra là em từng nghiện thuốc ghê lắm!

- Thuốc họ mời em ấy mà, em đều bỏ vào tay áo kimono, tối về nhà em, em có đủ loại thuốc.

Shimamura nói tiếp:

- Bốn năm, đằng đẵng ra đấy chứ nhỉ? Cũng trôi nhanh thôi mà.

Khi cô lại gần, Shimamura ôm cô vào lòng và kinh ngạc:

- Người em nóng quá!

- Em vẫn thường thế đây mà!

- Về đêm, anh nghĩ là trời bắt đầu trở lạnh.

- Thấm thoắt đã năm năm, từ khi em đặt chân tới đây, em tự hỏi làm sao mình có thể sống ru rú ở xó rừng này, nhất là trước khi có đường xe lửa. Tính ra từ lần đầu tiên anh tới đây, cũng được hai năm rồi!

Khoảng hai năm ấy, Shimamura đã đến với cô ba lần, lần nào chàng cũng thấy có sự đổi mới trong đời Komako.



Bên ngoài, những con sệt sành đã bắt đầu cọ cánh inh ỏi.

- Ước gì cái lũ sệt sành kêu nhỏ đi một chút!- Komako nói và ngoảnh mặt đi.

Những con bướm trên lưới cửa sổ đã bay đi ngay từ khi ngọn gió bấc đầu tiên thổi tới.

Shimamura biết rõ rằng cô đã nhắm mắt, dù hàng mi dầy của cô làm cho anh tưởng mắt cô vẫn còn mở hé. Để thật yên tâm, anh vẫn cúi tận nơi để nhìn cho rõ.

Giọng Komako cất lên!

- Em mập ra từ khi em bỏ hút thuốc!

Anh cũng đã thấy eo của cô to ra. Mỗi lúc gần nhau, Shimamura đã tìm thấy ngay cái thế giới thân mật và gần gũi, mặc dù đã xa nhau lâu ngày, mà khi xa cô anh lại thấy nó biến mất tăm rất huyền bí, không thể nào gợi ra nổi.

Hai tay ôm lấy vú, Komako nói:

- Một bên to, một bên nhỏ, anh này!

Shimamura đùa cợt:

- Có lẽ cũng do cái tật quen của "hắn": lúc nào cũng ấp một bên.

- Anh nói làm gì những điều gớm ghiếc thế. - Komako nói gấp.

Shimamura tự nhủ, anh đã gặp lại nàng vẫn đúng như con người nàng như thuở xưa. Anh tiếp:

- Lần sau em chỉ cần bảo hắn, không được một bên trọng, một bên khinh như thế!

- Không được thiên vị? Có thật là em phải bảo hắn không được thiên vị? - Komako dịu dàng nghiêng xuống tìm mặt chàng.

Dù rằng phòng ở Lầu Một, nhưng tưởng chừng như chỗ nào cũng có cóc làm tổ. Anh trông thấy mấy con nhảy ra, kêu lên, tiếng khá to và kéo dài, và các con khác thay phiên nhau mà kêu không dứt.

Lúc đi tắm về, cô trao đổi những điều sâu kín với anh, giọng nói êm đềm, dáng thoải mái. Cô kể cả những chuyện lần đầu tiên đi khám sức khỏe, lần ấy - tưởng như mọi sự cũng như lúc tập nghề geisha - cô đã để ngực trần vào khám. Người thầy thuốc đã phá lên cười nhạo và cô đã khóc òa lên. Những chuyện đại loại như thế, Shimamura cứ nêu câu hỏi để gợi chuyện.

- Em thường là cũng đúng ngày nhé: mỗi lần đều khớp y là một tháng thiếu hai ngày.

- Vậy thì, anh nghĩ, em không hề vắng mặt trong bất cứ buổi dạ hội nào?

Cô tắm thường xuyên ở suối, ham chuộng những hiệu quả thâm nhập bền bỉ của nước nóng; mỗi ngày cô đi bộ khoảng bốn cây số để dự những cuộc gặp mặt ở những suối cũ hay suối mới, vả lại, hiếm có những dạ hội ở miền núi kéo dài cho đến khuya. Những thứ ấy tạo cho cô một cơ thể lành mạnh, đầy sức lực, dù cho thân hình phải đóng khung trong bộ áo cổ truyền thường thấy ở các geisha: háng thì hẹp nhưng bụng thì lại cồn lên. Có chút gì đó nao lòng khi Shimamura cảm động nghĩ rằng vì người đàn bà này mà anh phải lặn lội từ xa đến đây.

- Em tự hỏi liệu em có con được không nhỉ? - Cô tâm sự với anh, như thể ngỏ ý muốn hỏi anh rằng, chung thủy với một người đàn ông thôi, liệu có giống như lấy chồng không?

Và shimamura lần đầu tiên nghe cô nói về "người đàn ông duy nhất" trong đời mình. Cô quen hắn ta từ khi mười sáu tuổi, cô bộc bạch, điều đó khiến Shimamura hiểu rằng giờ đây cô ít cưỡng lại anh, sự buông thả khiến anh hơi ngỡ ngàng từ đó.

Cô giải thích, cô chẳng hề cảm thấy quyến luyến "người ấy" cả xác thịt lẫn tình cảm, và có lẽ mọi chuyện xảy ra đều gốc gác từ việc cô gầy mòn đi ở miền biển, ngay sau cái chết của người đã hoàn lương cho cô.

Shimamura nhận xét:

- Ở với nhau được năm năm, hẳn không thể là mối liên hệ giản đơn. Đó là một khế ước.

- Đã hai lần, em có thể dứt bỏ được "người ấy". Đó là khi em đến đây làm geisha và em chuyển nhà sau cái chết của bà giáo dạy nhạc. Nhưng em không có gan làm chuyện đó, em không quyết đoán được.

"Người ấy" ở miền biển, cô nói, nên giữ cô ở lại đó cũng hơi khó. Do đó, hắn ta đã gửi Komako cho bà giáo dạy nhạc, khi bà ta quyết định trở về đất núi này. - Hắn ta cũng hào hiệp, - Komako nói tiếp. Hắn lúc nào cũng tỏ ra tử tế và cảm mến em và em cũng ân hận rằng mình không thể yêu hắn được, không thể để hồn và xác thuộc về hắn.

Cô cho biết hắn hơn cô rất nhiều tuổi và họa hoằn mới đến thăm cô.

- Nếu như cuộc đời em hẩm hiu thì em dễ dứt bỏ hắn. Thật lòng, em đã thường tự nhủ thế.

- Chuyện đó chẳng bao giờ có!

- Chung quy là em không dám. Tính nết em nào có như người ta, em lại quá yêu thân xác mình. Nếu em muốn, em cũng có thể rút bớt một nửa giao kèo bốn năm, nhưng thôi đành thế, em chẳng muốn vậy. Anh nghĩ mà xem, nếu muốn kiếm tiền, bao nhiêu mà em chẳng kiếm được. Nhưng em chỉ cần cho người chủ em ký giao kèo khỏi hụt vốn khi hạn bốn năm vừa mãn. Hoàn trả cả vốn lẫn lãi, thuế má, tiền phí tổn, em tính vừa khớp cho em mỗi tháng và em chẳng tội gì mà kiếm thêm. Buổi dạ hội nào trốn được, em lỉnh về nhà. Dĩ nhiên quán trọ có thể cho gọi em, nhưng họ chỉ phiền đến em khi có một khách quen, đặc biệt đòi đến riêng em thôi. Nếu em có những sở thích ngông cuồng, thì kiếm chác thêm với em cũng dễ thôi, nhưng em chỉ làm việc như em đã nói. Thế là quá đủ, vì em đã hoàn lại một nửa số tiền trong vòng có một năm. Em lại còn có những khoản tiêu riêng ước chừng ba mươi yên mỗi tháng. Một tháng với một trăm yên, em có đủ mọi thứ. - Nàng nói tiếp cho rõ hơn là ngay tháng trước, tháng thu nhập kém nhất trong năm, cô geisha kém nhất so với đồng nghiệp, cũng thu được sáu mươi yên, trong khi cô, với chín mươi buổi tiếp khách, đã kiếm được nhiều hơn tất cả các cô geisha khác. Mỗi lần tiếp khách cô đều được một món cố định nên bổng lộc của cô tăng theo tỉ lệ những ngày hội mà cô tham gia. Cô có thể dự hết buổi tiệc này sang buổi tiệc khác, nếu cô thích. Các cô geisha ở trạm nước nóng, chưa một cô nào phải gia hạn giao kèo vì nợ tiền chủ cả.

Hôm sau, Komako dậy sớm.

- Em thức giấc vì một giấc mơ: em mơ dọn dẹp nhà cửa cho bà dạy nghệ thuật cắm hoa.

Cô dịch bàn trang điểm nhỏ về phía cửa sổ và dưới nắng thu, tấm gương phản chiếu lá đỏ của núi non.

Lần này gọi Komako ở cửa, không phải là giọng của Yoko, mà là giọng xúc động khiến trái tim thắt lại: người đem chiếc kimono mặc ngày cho Komako lại là đứa con gái của người chủ mà cô đã ký giao kèo.

Shimamura hỏi:

- Còn cô gái trẻ kia, giờ ra sao?

Cô ấy lúc nào cũng ở ngoài nghĩa địa, dưới bãi trượt tuyết kia kìa. Anh nhìn mà xem, nghĩa địa ở phía bên trái cánh đồng kiều mạch hoa trắng đây.

Sau khi Komako ra đi, Shimamura dạo chơi trong làng.

Mặc bộ hamaka (12) thô bằng nỉ mới tinh màu đỏ da cam, một cô bé chơi ném bóng vào một bức tường trắng, dưới một mái hiên.

Shimamura hào hứng ngắm nhìn phong cảnh trong sáng của mùa thu.

Tất cả ngôi nhà đều xây cất theo kiểu của chế độ cũ. Chắc hẳn là kiểu vào thời đại các lãnh chúa phong kiến các tỉnh thường giao lưu trên đường phương Bắc. Mái trước rủ rất thấp, gian trước sâu thăm thẳm, cửa sổ thấp và dài ở gác căng bằng giấy, cao lắm cũng chỉ độ vài gang tay, rèm cói treo dưới mái hiên.

Một bức tường đất nhỏ nhô lên trùm đầy mạch dại mùa thu, uốn cong duyên dáng dưới sức nặng của hoa, dọc thân cây có những nhánh lá thanh và cứng, vút lên như tia nước.

Anh thấy Yoko trên một chiếc chiếu rơm, bên cạnh đường, đang đập đỗ dưới ánh nắng mặt trời. Những vỏ đậu khô, đám hạt bắn vung trước cô ta như những giọt ánh sáng.

Hẳn là cô không nhìn thấy anh vì chiếc khăn choàng che lấp mặt. Cô đang quỳ, ngực thẳng, chân xoạng ra, mặc chiếc hamaka miền núi, cô hát khi đập lên những đám vỏ đỗ giàn trước mặt: một giọng hát thanh và sâu, thấm buồn, thứ tiếng huyền bí lay động lòng ta như thể không biết từ đâu tới:
Chuồn chuồn, bướm bướm, dê nâu
Cào cào, dế cộ, ve sầu hát lên...

Những cánh bay mênh mông khởi sự từ những cây bá hương trong gió chiều. Nhà thơ đã nói thế. Shimamura có thể nhìn qua cửa sổ, những rặng bá hương có cơ man chuồn chuồn bay vút, nhào lộn, múa lượn trong ánh nắng chiều sắp ngã: mê man, cuống quýt mỗi lúc một say cuồng.

Lật cuốn sách chỉ dẫn về núi non trong vùng mà chàng đã mua được ở Tokyo trong lúc chờ xe lửa khởi hành, Shimamura biết một con đường, ở ngay dưới một đỉnh núi, chạy giữa những hồ và đầm trong một cảnh quan lộng lẫy và đặc biệt vùng đất ẩm rất nhiều loài hoa núi... Những con chuồn chuồn ngô, về mùa hè thanh bình bay lượn, oai hùng đậu lên mũ, lên tay áo, lên gọng kính của anh, khác hẳn với đám chuồn chuồn cuồng loạn, phù phiếm bay nhởn trên thành phố khác nào đám mây nhẹ chui ra từ những đám bùn...

Cái đám lốc chuồn chuồn ấy, trái lại, như vũ điệu của đám khùng, một điệu nhảy của dân cuồng loạn. Dường như, trong cơn rồ dại, chúng lăm lăm ngăn cảnh chiều bao phủ dần dần đám rừng bá hương; chống trả tuyệt vọng với màn đêm đang đổ xuống phút hoàng hôn.

Mặt trời đã lặn xuống sau những chỏm núi cao, tỏa sáng lần cuối cùng những thảm lá đỏ như một lòng suối đổ dọc theo những sườn núi.

"Con người thật mong manh! Anh có thấy chăng?" Sớm nay Komako đã nói với chàng như thế. Hầu như họ đều nhão ra đến độ, sọ, xương, tất cả đều vụn nát. Rơi từ tít trên cao xuống, một con gấu nào có thấm tháp gì! Nàng kể lại một tai nạn mới xảy ra gần đây ở vùng núi, chỉ tay ra chỗ tai nạn trên những tảng đá, chỗ cao kia, nơi "họ đã gặp chuyện rủi ro". Và, giờ thì Shimamura tự nhủ nếu như con người có bộ da dầy và cứng như da gấu thì vũ trụ của hắn hẳn là đổi khác: phải chăng con người nhờ có làn da mịn dịu thơm mà con người biết yêu đương? Và cái ý nghĩ kỳ cục đó, khi đắm nhìn núi non trong cảnh chiều hôm, khiến cho anh ham muốn đầy cảm hứng được vuốt ve cái mát nhẹ của da người.
Chuồn chuồn, bươm bướm, dế nâu ... vẫn câu hát... giờ đây, anh đã nghe một geisha hát chói chang theo đàn samisen trong lúc anh dùng bữa tối.

Cuốn sách chỉ dẫn mà anh vừa tham khảo, chỉ cung cấp cho anh những điều thiết thực như thời gian du ngoạn, những hành trình tiếp nối, địa điểm, giá cả khách sạn, v.v... nhưng ít ra có cái hay là bắt trí tưởng tượng phải nghĩ đến những việc còn lại. Anh đã từ những núi ấy đi xuống, vào mùa những búp măng đầu tiên xuyên thủng những làn tuyết cuối cùng, để làm quen với Komako; và bữa này đây, giữa thời du ngoạn mùa thu, anh lại cảm thấy trong mình tiếng gọi của những đỉnh núi cao mà xưa kia anh chưa trèo lên được Nhàn rỗi, anh có thừa thời gian đi khắp những nơi mà anh ta bổ ích: nhưng núi non vốn là sở thích của anh, bởi cái đạo leo núi với anh là tiêu biểu cho thú xả hơi và bởi thế, càng làm cho anh vừa ý. Cõi hư ảo thường kéo theo những mê hoặc ấy.

Xa Komako, anh luôn nghĩ về cô. Biết cô gần bên, anh đột nhiên thèm muốn để khao khát một làn da, sự đụng chạm với một nước da người mịn màng, thanh khiết. Đúng ra đó là một giấc mơ hơn là sự thèm muốn thân xác, trở thành nỗi niềm thương nhớ nảy ra trong anh như những niềm thương nhớ huyền bí về những đỉnh núi cao. Phải chăng đó là những cảm giác quá yên ổn của anh? Phải chăng thân xác cô đã đầm trong những phút chốc rất đỗi thân thuộc, gần gũi? Đêm trước Komako đã ngủ lại với anh và giờ một mình trong phòng, anh chỉ còn một nước là chờ đợi. Anh cảm thấy cô sẽ tới mà chẳng cần phải cho gọi cô. Có lúc, Shimamura lắng tai nghe tiếng ồn ã của nhóm nữ sinh đi du ngoạn. Anh cảm thấy buồn ngủ và đi nằm sớm.

Suốt đêm, anh nghe tả tiếng nước đổ của trận mưa rào đột ngột, ngắn ngủi như anh từng gặp trong mùa mưa.

Sáng ra, khi vừa thức dậy, anh đã nhìn thây Komako, đàng hoàng ngồi trước chiếc bàn thấp, tờ báo mở rộng trước mắt. Cô vận bộ kimono ban ngày trang nhã.

- Anh đã dậy đây à? - Cô hỏi, giọng mềm mại và quay về phía anh:

- Em làm gì đấy?

Shimamura nhìn khắp lượt trong phòng. Komako đến từ đêm chăng? Sao anh không hay nhỉ? Anh lôi chiếc đồng hồ đeo tay từ dưới gối: sáu giờ rưỡi.

- Em đến sớm thế!

- Cũng chẳng sớm lắm đâu! Cô hầu đã mang than sưởi đến rồi mà. Một làn hơi nóng tỏa nhẹ ra như một làn sương sớm từ ấm nước sôi. Komako đến ngồi ở đầu giường, thùy mị nói với anh đã đến giờ trở dậy, như người vợ nội trợ đảm đang.

Shimamura vươn người, ngáp và xiết lấy tay cô, bàn tay cô đặt lên đầu gối anh, vuốt ve những ngón tay thon chai lên vì đánh đàn.

- Anh còn muốn ngủ nữa! Mặt trời vừa mới mọc! - Anh nói.

- Anh ngủ một mình có ngon giấc không?

- Ngủ ngon lắm!

- Vậy là, anh không muốn để ria nữa!

- À, Đúng rồi, anh nhớ ra rồi, em muốn anh để cho ria mọc.

- Không sao. Em biết là anh sẽ không làm. Lúc nào anh cũng muốn cạo nhẵn để da mép mềm và có ánh xanh.

- Và em, em cũng có cái vẻ nhẵn nhụi như thế khi em trút lớp phấn ở trên mặt.

- Có vẻ nhìn mặt thì thấy anh đẫy ra một chút đấy? Anh có cái dáng đứa bé đang ngủ, với đôi má bầu bĩnh, nước da xanh và không có bộ ria.

- Hiền lành và tử tế nữa chứ?

- Ồ cái đó thì chưa chắc.

- Em nói đi: em nhìn anh lúc đang ngủ đấy à? Anh biết làm gì được nếu như người ta đã nhìn vào mặt anh trong giấc ngủ.

Komako cúi đầu hơi mỉm cười, rồi nụ cười tỏa ra như lửa lóe sáng trên than hồng. Những ngón tay tràn sinh lực khép lại trong bàn tay Shimamura.

- Em trốn trong chiếc tủ áo lớn. Con hầu không thấy gì cả.

- Lúc nào thế? Em trốn đã lâu chưa?

- Cũng vừa nãy thôi! Nó vào rồi lại ra, đem than sưởi đi ấy mà!

Komako cười phá lên về kiểu đùa giỡn ấy và bỗng nhiên, mặt cô đỏ lên. Làm bộ nóng rực để che giấu sự bối rối, cô kéo góc chăn trải giường phẩy quạt.

- Dậy đi anh, dậy đi anh! Em xin anh đây!

- Rét quá! - Shimamura thốt lên rồi phủ chăn lên mình. - Ở quán trọ, họ dậy cả rồi sao?

- Em làm sao biết được. Em đi lối sau.

- Lối sau?

- Em cứ thẳng rừng bá hương mà lên.

- Có đường ở phía ấy à?

- Không, nhưng thế gần hơn nhiều!

Shimamura nhìn cô tỏ vẻ ngạc nhiên.

- Chẳng ma nào biết em ở đây đâu, - cô giải thích. - Em nghe thấy tiếng động ở trong bếp, nhưng lúc ấy thì cửa vào hãy còn đóng.

- Em giống như con chim dậy sớm kiếm mồi!

- Em không ngủ nổi. - Em có nghe thấy trời mưa không?

- Ồ, Trời mưa ư? Thảo nào cỏ lại ướt. Thế mà em cứ tưởng là sương đọng... Thôi em về đây! Anh cứ việc ngủ đi.

Shimamura vội nhảy phắt ra khỏi giường, nắm chặt lấy tay Komako và kéo cô ra cửa sổ để nhìn xem cô lên từ lối nào. Lưng chừng dốc trên lùm cỏ cao và đám bụi rậm, là một bụi tre lùn rậm rạp mà cành tỏa ra mọi phía. Gần ngay cửa sổ, có một vuông vườn với những luống khoai lang, củ cải, khoai tây vươn thẳng. Mảnh vườn thật bình thường lại rực ánh ban mai khiến Shimamura được hưởng lần đầu tiên thứ màu xanh tươi tắn, như được đánh bóng lên trong buổi sáng mát lành.

Qua hành lang để đi tắm, chàng gặp người gác cổng đang ném thức ăn cho lũ cá vàng trong bể.

Người đàn ông nói:

- Trời có vẻ lạnh thêm. Lũ cá ăn không mạnh.

Shimamura dừng lại một lát nhìn những con tằm chết khô, được xé vụn nổi lềnh bềnh trên mặt nước như những ký hiệu kỳ lạ.

Tắm xong, trở về, anh thấy Komako đang chờ ở trong phòng, tươi tắn và hiển hiện rõ nét như một bức tranh.

- Với công việc khâu vá, em thích được một nơi yên tĩnh như ở đây.

Căn phòng được dọn dẹp trở nên sáng sủa và mặt trời hào phóng ùa tràn vào, tỏa sáng tận rìa những tấm chiếu hơi cũ.

- Em nói là em biết khâu vá.

- Anh mỉa em đấy à? Trong gia đình em, em là đứa làm việc vất vả nhất và em tin rằng, nhìn lại phía sau, những năm tháng tuổi trẻ của em thật tồi tệ.

Cô nói với giọng ôn hòa như thể nói với chính mình, rồi bỗng trở nên linh hoạt hơn khi tiếp tục:

- Con hầu nhìn thấy em, nó ngớ người ra. Rồi nó hỏi em đến khi nào? Thật xấu hổ! - Nhưng biết làm sao? Em không thể trốn nhiều lần trong tủ áo. Và bây giờ thì em phải về nhà em. Còn nhiều việc phải làm mà em để mất nhiều thì giờ quá rồi. Bởi vì đêm qua không ngủ được em quyết định gội đầu, gội thật sớm. Khi chải tóc, em muốn tóc chóng khô để đi đến tận hiệu uốn tóc. Nếu không, em làm sao dùng bữa trưa ở nơi có một cuộc hẹn. Họ cũng mời em đến đây nữa, nhưng em làm sao đến được. Họ mời trễ mà em đâu có rảnh. Đêm nay, em không đến được với anh đâu, thứ bảy mà, mà em thì biết bao thứ phải làm.

Nói thế nhưng cô chẳng có vẻ gì muốn ra về. Rút lại, cô thôi không gội đầu nữa.

Nắm tay Shimamura, cô kéo anh ra khoảng vườn phía sau, không quên mang theo đôi dép và những chiếc bít tất ướt nhèm mà cô đã dùng để lén đi qua hành lang trước khi vào nhà.

Bụi tre mà cô đã vạch một lối để trèo, dựng trước mặt cô một hàng rào cản. Họ đi xuống theo lối vườn, hòa mình vào tiếng ca của thác nước, để đến bờ cao trong một khu rừng dẻ. Giữa đám cây, tiếng trẻ í ới. Trên mặt đất, giấu mình trong những đám cỏ, những hạt dẻ đã rụng xuống. Komako dùng gót chân giẫm vỡ những vỏ dầy và lấy ra những hạt dẻ nhỏ bên trong.

Phía trước họ, trên sườn dốc đứng ở phía bên sườn kia, đung đưa những bông kaya bạc trắng, một màu trắng rực rỡ trong ánh sáng buổi mai. Sự nở bừng hùng vĩ thật tuyệt vời, mong manh, trôi nổi cũng như vẻ trong sáng lạ kỳ, sự thanh khiết chưa từng thấy của bầu trời mùa thu sáng láng.

- Chúng ta ghé bờ kia đi! - Shimamura đề nghị. - Chúng mình nên đến mộ chồng chưa cưới của em.

Komako né tránh rất nhanh, cúi đầu xuống rồi lại ngẩng lên, trong khi Shimamura bị cả chùm quả dẻ xanh quất vào mặt. Anh không kịp tránh và thế là bị sây sát ở trán.

- Anh cười em đấy à? - Cô kêu lên rồi bảo: - Cớ sao anh lại cứ cố tình muốn đến nghĩa trang?

- Việc quái gì mà em phải giận... - Shimamura nói.

- Đó đâu phải là giận, em thì em không thể nào chịu cái kiểu nghĩ ra thứ gì là muốn làm ngay tức khắc, không thèm đoái hoài đến người khác chút đỉnh. Với em, đó là một hành vi nghiêm trọng.

- Thì đã ai làm gì đâu? - Shimamura rụt rè phân trần.

- Tại sao lại gọi là chồng chưa cưới của em. Em chẳng đã giảng giải cho anh rành mạch rằng anh ta không phải thế mà? Rõ ràng là anh quên mất rồi.

Không, thật ra Shimamura nào có quên và anh có thể nói không hề dối trá rằng, con người ấy, Yukio, đã đè nặng trong tâm trí anh.

Hẳn là Komako đã không chịu nổi khi ai nhắc tới Yukio. Có thể cô không là vợ chưa cưới của anh ta, nhưng gì đi nữa, cô cũng đã làm geisha để trang trải tiền thuốc men cho anh ta. Vậy thì cử chỉ ấy hẳn hiển nhiên là "nghiêm trọng".

Anh chẳng hề bực tức chút nào, ngay cả khi loạt hạt dẻ quất vào bỏng rát và Komako sau khi nhìn anh kinh ngạc, cảm thấy việc chống cãi lại anh đuối dần đi. Cô khoác tay anh và nói:

- Anh là người dung dị và cương trực, phải không nào? Một người bản chất hiền... có chuyện gì làm anh buồn vậy. - Cô hỏi.

Anh nói:

- Bọn nhóc đang rình trên cao kia kìa!

- Thì đã sao? Ở Tokyo, các anh cứ hay nghĩ rắc rối. Cuộc sống của các anh chỉ ồn ào, rối loạn, nó bẻ vụn tình cảm của các anh ra đấy.

Shimamura suy tư đáp lại:

- Bẻ vụn tình cảm ra ư? Cái gì rồi chẳng thế!

Komako tiếp lời ngay:

- Tự thân cuộc sống cũng thế thôi. Chúng ta sang nghĩa trang chứ anh?

- Để xem thế nào đã.

- Đấy bây giờ mới thấu tim đen là anh không muốn đi tới đó.

- Sao em cứ làm to chuyện thế!

- Cũng bởi vì chưa một lần nào em ra đó cả. Quả thế, chưa một lần nào. Và em cũng đã tự trách mình. Bây giờ thì cả bà giáo dạy nhạc cũng nằm ở đấy nữa. Nhưng em thấy bắt đầu hơi muộn. Như thế có vẻ giả nhân giả nghĩa quá.

- Xem ra em lại rắc rối hơn cả anh.

- Thì đã sao? Trước mặt những người đang sống, em nào đã thành thực hoàn toàn, nhưng chí ít em muốn bày tỏ lòng tử tế và chân thành với anh ta, khi mà anh ta đã chết.

Họ dạo ngang qua khu rừng bá hương, nơi mà sự yên tĩnh dường như đang tuôn chảy ra thành những giọt nước mát mẻ và êm đềm.

Họ đi theo dọc đường xe lửa phía bên kia bãi trượt tuyết và rồi họ đã tới nghĩa trang: một vài ngôi mộ cũ dầu dãi sương gió nằm rải trên rẻo đất trần trụi, như một hòn đảo trọc giữa mênh mông đồng lúa, với một pho tượng độc nhất đã sứt sẹo, Jizgo - tượng thần hộ mệnh của các trẻ thơ. Không có lấy một bông hoa




Bất ngờ, từ sau một bụi cây mảnh mai dọc dưới chân tượng Jizgo, hiện lên đầu và vai Yoko, hướng về họ gương mặt lúc nào cũng lạnh lùng và trang trọng như một chiếc mặt nạ. Nàng nhìn chằm chằm lên cặp đôi này! Shimamura gật đầu chào khiên cưỡng rồi dừng khựng lại.

Komako nói trước:

- Chị ra đây hơi sớm đây, phải không Yoko? Mình đang định đến hiệu uốn tóc.

Những tiếng rung chuyển rầm rầm hướng về phía họ tưởng chừng xô họ ngã ra, nuốt chửng câu nói của Komako. Đó là một chuyến tàu hàng hiện ra bất chợt và chạy vút ầm ầm qua mặt, rất gần họ.

- Yoko! Yoko! - Vẫy chiếc mũ lưỡi trai với những cử chỉ mạnh mẽ, gọi thật to, một chàng trai đang đứng trong khung cửa một toa đen.

- Saichiro! - Yoko gọi vang lên đáp lại. - Saichiro!

Yoko vẫn có thứ âm sắc trầm vang tình cảm, thứ tiếng nói thấm vào anh một nỗi buồn bởi tiếng rất sang, như là nàng tuyệt vọng gọi một hành khách nào đó đã khuất dạng trên một con tàu giữa mênh mông biển cả; thứ tiếng lảnh lót trong đêm và trong tuyết, đã từ trên một toa tàu gọi vọng xuống người trưởng trạm, khi tàu qua đường hầm dừng lại.

Con tàu chạy qua như một tấm rèm đen và được kéo sang một bên, để hiện ra chỗ nó vừa vút qua màu sáng trong sáng và rõ nét của đồng lúa kiều mạch phía kia đường ray: một cánh đồng phơi hoa trắng trên những cụm lúa đỏ thật yên lành.

Sự xuất hiện của Yoko đã khiến Shimamura và Komako hết sức nhạc nhiên, khiến cho cả hai không chú ý mình đứng quá gần chuyến tàu hàng, nhưng tiếng rung chuyển ầm ầm của nó đã khiến họ trấn tĩnh lại. Và bây giờ, không còn là tiếng đoàn tàu chuyển động nhỏ dần mà là tiếng của Yoko, giọng nói rung lên lưu lại trong tai họ, thứ tiếng của tình yêu trong sáng nhất.

- Em trai tôi đó, - nàng nói thêm, mắt dõi theo đoàn tàu đã đi xa.

- Không biết tôi có nên ra tận ga không nhỉ?

- Tàu nào có đợi? - Komako cười trả lời.

- Có thể lắm.

- Tôi đến đây không phải để thăm mộ Yukio, chị biết đấy!

Yoko khẽ gật đầu thừa nhận, có vẻ chần chừ một chút rồi quỳ trước mộ.

Komako đứng thẳng, quan sát nàng.

Shimamura đã quay sang ngắm bức tượng Jizgo. Tượng có ba gương mặt dài, thêm đôi cánh tay ngoài hai tay khoanh trước ngực.

- Tôi phải đi uốn tóc đây, - Komako nói thêm với cô Yoko đi xa dần, bước lên một bờ ruộng cao.

Có một thói quen từ xa xưa ở xứ tuyết là đem lúa ra phơi, bó những bó lớn chúc ngọn xuống, treo trên những sào bằng tre hay bằng gỗ, xếp thành nhiều tầng giữa hai thân cây. Vào khi gặt rộ, những tầng lúa chất nặng và đầy tạo thành một bức tường lúa xanh.

Trên đường Komako và Shimamura trở về làng, nông dân đang gặt lúa và phơi lúa. Cử chỉ thành thục với nhịp chân nhún nhịp nhàng, một cô gái mặc bộ hamaka, đung đưa và ném một bó lúa cho người đứng trên cô, anh ta rẽ luôn bó lúa làm đôi và treo trên sàn cao. Những động tác của họ theo thói quen, chẳng kém gì tự động, đã nhịp nhàng ăn khớp đến hoàn hảo.

Komako cầm một bó trên đống lúa và đung đưa nhẹ nhàng trên tay như để cân nhắc một thứ vật quý.

- Anh xem này, lúa nặng trĩu bông, - cô thốt lên. - Sờ lên mát cả tay. Thật hơn hẳn năm ngoái.

Komako nhắm nghiền đôi mắt vì sung sướng. Một đàn chim sẻ bay vút qua đầu cô.

Rất xa nữa, dọc đường về, một tấm áp phích cũ dán trên tường: Mướn thợ gặt lúa. Tiền công theo giá quy định: lao công làm mùa: chín mươi xen một ngày, phụ nữ: bớt 40%.

Lúa khô cũng phơi trên sào trước nhà Yoko trong cánh đồng thoai thoải ngăn cách với đường. Một dãy dài treo thành một bức rèm giữa đám cây hồng, trước bức tường trắng bao quanh khu vườn đến tận lối vào nhà bên cạnh, một dãy khác, ở góc phải, men theo rìa cánh đồng trước vườn, chìa ra một góc để lấy lối đi lại.

Người ta có thể xem như một rạp hát nhỏ tạm bợ vừa được cất lên, với những bức tường vách bằng lúa chín ở giữa những chiếc chiếu treo như thường lệ.

Trong đồng lúa, những cây khoai sọ vẫn đang xanh tốt, tàu khỏe, lá cứng cáp; ngược lại, những đóa thược dược và những hoa hồng thì đã héo tàn. Chiếc ao sen nuôi cá vàng lấp ló phía sau những tầng lúa, che khuất ít nhiều ô cửa sổ của buồng nằm, nơi Komako ở.



9-Thiết bị lò sưởi bằng sành hoặc bằng gỗ, dùng để sưởi tay. 

10-Điềm báo về sự chết chóc. 

11-Trong những hộ nhỏ ở miền núi, chỉ có ít nhà mắc công tơ điện. Người ta trả tiền điện theo số ngọn đèn đã dùng (chú của tác giả). 

12-Hamaka: bộ quần áo miền núi ở Nhật Bản, quần ống rộng.




Nguồn yume.vn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved