Hồi 151: Hồi tưởng những năm xưa
Trong khi Từ An thái hậu mất
tiêu chủ ý thì bọn thân vương đại thần thấy việc càng ngày càng nghiêm trọng,
vội rủ nhau nhảy vào dàn xếp cho êm chuyện. Rốt cuộc, họ chấp nhận ý kiến của
Từ Hi thái hậu muốn được cùng Từ An thái hậu quỳ lạy trước bàn thờ ngang hàng
nhau.
Cuộc
tranh chấp hôm tế lăng tuy qua rồi, nhưng lòng oán giận của Từ Hi thái hậu đâu
có qua. Ở trước lăng tẩm của tổ tiên, đứng trước mặt đủ vương công đại thần mà
tát vào mặt bà, bôi nhọ luôn cả cái danh giá tôn nghiêm của bà, thử hỏi làm sao
bà cho qua nổi.
Hồi 152: Một án tình
trong cung cấm
Lúc Từ An thái hậu
trách mắng Lý Liên Anh, một số thái giám đứng từ đằng xa, đã hết sức lo lắng
cho hắn. Đến khi nghe thái hậu quát truyền thị vệ đem Anh ra chặt đầu thì cả
bọn hoảng hồn bạt vía, vội chạy cả lại quỳ mọp xuống đất, lạy lấy lạy để cầu
xin bà tha cho. Lý Liên Anh lúc này cũng đã thấy nguy, miệng lắp bắp tâu:
- Mong Phật gia nể mặt Tây cung
thái hậu mà tha cho cái mạng chó của nô tài!
Từ An thái hậu vốn người nhân
đức hiền hậu, khi thấy cả bọn đều quỳ mọp xuống xin tha, tình cảnh hết sức đáng
thương, tự nhiên lòng thấy dịu lại. Đã thế, bà còn nghe Lý Liên Anh nói mong bà
nể mặt Tây thái hậu, thì lòng giận quả đã giảm đi đến quá nửa rồi. Bà cũng nghĩ
rằng nếu bà giết Lý Liên Anh thì quả có điều bất tiện đối với Tây thái hậu
thực.
Thế là chuyện chết chóc tưởng
đến nơi ngay, mà rút cục lại chỉ là một cơn gió lốc thổi qua. Giữa lúc đó, mấy
tên thị vệ đã từ xa chạy lại. Chúng dập đầu trước thái hậu đợi lệnh.
Bọn thái giám thấy thị vệ đã
chực sẵn, chỉ còn chờ một cái vẫy tay là kéo Lý Liên Anh đi, thôi thì anh nào
anh nấy xì xụp van lạy đến trợt cả trán, chảy cả máu.
Một phút trôi qua nặng nể nghẹt
thở! Người ta thấy Đông thái hậu dịu bớt giọng xuống, dụ bảo bọn thị vệ kéo Anh
ra ngoài đánh hai trăm gậy. Lý Liên Anh nghe lời dụ, mừng như cha chết sống
lại, vội dập đầu lia lịa tạ ơn thái hậu. Bọn thị vệ bước lẹ tới, kẻ nắm tay,
người xốc nách, kéo thốc Anh ra ngoài đánh hai trăm gậy đến chết đi sống lại.
Tuy vậy, Đông thái hậu vẫn chưa
hết giận, bà quay lại bảo bọn thái giám:
- Luật lệ của tổ tiên hai trăm
năm nay bị cái thằng mất dạy đó làm hỏng hết! Nếu ta không nhìn ngó tới thì
biết ăn nói thế nào với Tiên tổ chứ?
Nói đoạn, bà đem theo mấy con
cung nữ hầm hầm tới cung của Tây thái hậu. Tây thái hậu lúc này ngủ trưa đã
dậy. Bà vào phòng trang điểm nhưng chờ mãi chẳng thấy Lý Liên Anh. Bà lấy làm
lạ, định cho người đi gọi thì bỗng có cung nữ báo Đông thái hậu tới.
Từ Hi thái hậu vội chạy ra đón
vào. Từ An thái hậu bước vào phòng, mặt hầm hầm, ngồi phịch trên chiếc giao ỷ,
nói toạc ngay:
- Thằng Lý Liên Anh bất quá chỉ
là một tên thái giám chứ là cái gì mà định phá hết cả luật lệ của tổ tông. Hắn
có tài thì để hầu hạ chủ hắn thôi chứ! Luật lệ của Tiên tổ nhà này phải để đó,
không được phá phách. Nếu hắn còn lếu láo ngang ngược thì đừng có trách. Hắn là
một tên nô tài của muội, đem so sánh với tên nô tài của tôi đây có khác chi? Ấy
thế mà trong con mắt của hắn, hắn chỉ thấy có muội chứ không thấy có tôi. Hắn
thấy tôi mà như thấy bọn phi tần nào khác, chằng thèm biết quỳ lậy là gì! Xem
ra càng ngày hắn càng lộng hành, ngang ngược chẳng sợ ai! Tôi đã từng được nghe
bên ngoài có kẻ đã bợ đỡ hắn hết mức, gọi hắn là cửu thiên tuế! Đấy! Muội muội
thử xem một tên thái giám làm gì mà thanh thế to lớn đến khủng khiếp như vậy?
Thế nào rồi đây hắn cũng gây ra nhiều chuyện tai vạ tiếng tăm như tên hoạn quan
Nguỵ Trung Hiền thuở nọ cho mà xem! Lúc đó thử hỏi bọn ta còn mặt mũi nào nhìn
thấy Tiên tổ dưới suối vàng.
Từ An thái hậu càng nói càng
tức. Tiếng bà càng về sau càng lớn, càng nhát gừng. Từ Hi thái hậu nghe những
lời giận tức của Từ An thái hậu, cho rằng bà đang dùng lời lẽ để chửi mình,
mắng mỏ mình bất giác cũng nổi sùng lên, cất tiếng thẽo thọt nói:
- Lý Liên Anh chỉ là đứa nô
tài! Phải rồi! Nếu tỷ tỷ muốn băm hắn ra thì cứ băm, muốn chém thì cứ chém! Tôi
quyết chẳng bao giờ bao bọc che chở gì cho hắn đâu! Nghe qua giọng của tỷ tỷ
tôi thấy như tỷ tỷ có ý oán giận tôi lắm, cho rằng chỉ tại tôi sủng dụng hắn
quá, để đến nỗi hắn lếu láo xấc xược. Tỷ tỷ nghĩ thế là lầm! Còn lời đồn đại ở
bên ngoài thì nghe làm sao được?
Từ An thái hậu nghe xong lại
nói:
- Thằng khốn kiếp ấy lại là nô
tài của muội, người ngoài muốn can thiệp có được bao nhiêu! Muội đã thích hắn,
tôi đâu còn phải nói nhiều làm gì! Có điều tên tuổi của muội, thằng khốn kiếp
ấy đã bôi nhọ hết rồi! Thật đáng tiếc!
Từ Hi thái hậu nghe Từ An thái
hậu nói, càng ngày càng ghê khiếp, tức đến điên lên, nhưng không biết làm sao
hơn, giơ cao ống tay áo đấm gió đến phịch một cái, y như muốn đấm vào mặt Từ
An, rồi quay ngoắt ra sau bỏ đi, chẳng nói thêm một lời nào nữa. Từ An thái hậu
thấy vậy càng tức hơn, cũng quay trở ra chẳng nửa lời cáo từ, bước những bước
thật dài đi luôn. Thế là từ đó giữa hai bà Thái hậu Đông và Tây, hố mâu thuẫn
càng ngày càng sâu. Hai bà lúc này chẳng khác gì mặt trăng với mặt trời.
Tây thái hậu thời thường vài
bữa truyền chiếu gọi Nội vụ phủ đại thần là Vinh Lộc vào cung để bàn tính biện
pháp khống chế Đông thái hậu. Lộc giơ thẳng hai cánh tay lên trời rồi đấm phịch
một cái vào ngực mình, nói với Tây thái hậu:
- Xin Thái hậu yên tâm. Nô tài
ở bên ngoài đã liên lạc rất nhiều đại thần rồi, họ đều thề quyết trung với thái
hậu. Ví thử Đông thái hậu có ý chỉ đưa xuống, bọn nô tài tôi đều quyết không
vâng chiếu.
Tây thái hậu nghe Lộc nói thế
trong lòng sung sướng muôn vàn, liền khen Lộc là trung thần. Rồi cũng từ hôm
lấy được lòng thái hậu đó, Lộc cứ lúc rảnh lại chạy vào cung, nhàn đàm với Tây
thái hậu.
Vinh Lộc vốn tính quỷ quyệt
ranh mãnh. Lộc bỏ tiền vàng ngọc ra ngấm ngầm mua chuộc hết bọn cung nữ thái
giám. Lộc chỉ cần có mỗi việc là bọn chúng sẽ nói tốt cho mình trước mặt Tây
thái hậu.
Trong số cung nhân này, Lý Liên
Anh được coi như người số một ăn ý hợp lòng với Lộc. Hai người kết làm anh em.
Một hôm Anh bảo Lộc:
- Trong cung có một vị Ý phi.
Nàng ta vốn là phi tử của Đồng Trị hoàng đế. Nàng khéo nói vô cùng, suốt ngày
hầu hạ bên cạnh thái hậu, rất được lòng của bà. Tại sao ngươi không tìm cách
liên lạc với nàng.
Vinh Lộc nói:
- Ừ, mỗi khi tôi yết kiến thái
hậu đều thấy một nàng phi trang điểm rất duyên dáng, đi một đôi giày cao gót.
Thái hậu hay nói chuyện với nàng. Trước mặt thái hậu tôi đâu đám nhìn kỹ. Không
biết có phải nàng đó không?
Anh gật đầu bảo Lộc:
- Đúng nàng đấy! Nàng thực là
một người đẹp, đôi má hồng hây hây, nước da trắng như trứng gà bóc. Nàng năm
nay mới có mười tám. Thử một phen đi. Nếu chiếm được lòng nàng thì còn bằng vạn
tôi ấy.
Lộc nghe xong nhớ chuyện trong
lòng.
Qua ngày hôm sau, Lộc ra phố
vào tiệm mua nào gương Tư Mã, nào hộp phấn, nào khăn tay khăn lông, toàn đồ
nước ngoài hết sức đẹp và hết sức khéo đưa vào cung kính biếu thái hậu.
Tây thái hậu lúc này tuy tuổi
đã cao nhưng vẫn thích những đồ quý, của lạ. Nắm được tâm lý bà, Lộc cứ mỗi lần
vào cung là có đồ này, đồ nọ hiếu kính. Đồ hiếu kính của Lộc có đủ thử có khi
đồ thêu, có khi có đồ chơi v.v… Trong số đó có một chiếc tàu thuỷ nhỏ bằng thép
chạy dầu hôi của bọn Tây dương. Môi lần muốn cho nó chạy, cứ việc đổ dầu vào
đất là nó phạch phạch chạy trên mặt nước. Bọn cung nhân thấy nó chạy, khoái chí
vỗ tay cười nói, lại được một dịp tốt để nịnh thái hậu. Ý phi tuổi còn nhỏ,
tính còn con nít thấy thế lại còn khoái nữa. Có một hôm, Lộc vào tâu Thái hậu
xong đi ra, vừa mới tới cửa tò vò thì nghe có tiếng người gọi: "Lục gia!
Lục gia!". Lộc vội quay đầu lại thì chẳng phải ai khác mà chính là Ý phi. Lộc
nét mặt bỗng tươi lên như đoá hoa cúc, bước vội tới trước mặt Ý phi, bò sát
xuống đất, dập đầu miệng duyên dáng thưa:
- Quý phi gọi nô tài có điều gì
chỉ bảo?
Ý phi giữa lúc thảng thốt bất
ngờ, tránh không kịp, chỉ còn cách lấy khăn tay thêu che kín đôi môi hồng, mỉm
cười đáp lại:
- Lục gia đứng lên đi! Lục gia
muốn giết tôi đó sao? Khi nãy Lão Phật gia quên mất mấy việc, xin mời Lục gia
quay trở lại ngay cho Phật gia dặn thêm.
Lộc nghe nói lệnh của thái hậu,
vội đứng dậy chạy vào phòng thái hậu. Xong việc dặn dò của Thái hậu, Lộc quay
ra, khi đến cửa tò vò vẫn thấy Ý phi đứng đó. Lộc bước tới cạnh Ý phi khẽ nói:
- Nô tài có chút vật mọn muốn
hiếu kính quý phi, chỉ khổ cái không có cơ hội phụng hiến.
Vừa nói Lộc vừa quay mắt nhìn
quanh. May thay có một tên tiểu thái giám đang từ dãy hành lang bước tới. Lộc
liền bảo tên tiểu thái giám chạy đi mời Tổng quản lại.
Để cho tên tiểu thái giám quay
gót ra đi, Lộc mới bắt đầu kể câu chuyện bằng nào phong cảnh, nào chợ búa phố
phường bên ngoài. Ý phi vào cung từ hồi còn nhỏ tuổi, âm thầm nơi đất cấm đã
bao năm, nay nghe Lộc kể toàn chuyện kỳ lạ thích thú bên ngoài, vừa ngạc nhiên,
vừa thèm thuồng. Lộc còn khéo đem những chuyện ngoài đời, tuy vụn vặt nhưng
tươi vui, kể cho nàng nghe. Lộc cũng nói cả những tiệm ăn nào bán đồ cao lương
mỹ vị ngon nhất, những quán nào bán gấm vóc tơ lụa bảnh nhất, những hàng nào
bán đồ tạp hoá đẹp quý nhất.
Lộc vừa kể vừa vui vừa mùi mẫn
đến nỗi Ý phi phải cười lên khanh khách. Nàng bảo Lộc:
- Lục gia lúc nào mua cho tôi
chiếc tàu thuỷ nhỏ để xem chơi cho vui nhé!
Lộc nghe phán vội lên tiếng
sung sướng:
- Có chứ! Có chứ!
Giữa lúc câu chuyện còn nhiều
điều hứa hẹn thì Tổng quản Lý Liên Anh đã bước tới sau lưng, còn có thêm, bốn
tên tiểu thái giám tay đứa nào cung bưng một vài gói đồ, gói thì to, gói thì
nhỏ. Anh chắp tay thỉnh an, rồi đứng ngay người lại chỉ những gói đồ miệng nói:
- Đấy những gói đồ Lục gia cho
đưa tới hiếu kính nương nương đó Lục gia có cái tâm quý ấy đã từ lâu, nhưng
tiếc rằng lần nào vào cung cũng đều không có dịp gặp mặt nương nương để thưa
chuyện. Bởi thế những đồ mang nào hết lần này qua lần khác đều đem chất tại nhà
nô tài. Hôm nay may thay được gặp nương nương, Lục gia mới bảo đem tới để hiếu
kính. Rất mong nương nương vui lòng nhận cho.
Ý phi nghe Lý Liên Anh, kể dài
dòng chuyện tình nghĩa, đôi mắt nhìn chằm chặp Lục gia, lộ hẳn vẻ quyến luyến
vui sướng lẫn cảm kích nữa. Vinh Lộc tiếp theo cất tiếng:
- Xin quý phi ban cho một lời
để đưa những đồ này đi.
Ý phi tự nhủ nếu đưa về nhà
mình để bọn cung nữ trông thấy thì thế nào cũng điều ong tiếng ve đồn đại. Chi
bằng đưa tới cả cung thái hậu cất trong thư phòng, đợi tới đêm khuya hãy bảo
con cung nữ tâm phúc lén chuyển về phòng mình thì quyết chẳng còn chi đáng
ngại. Nghĩ như vậy Ý phi mới vẫy tay gọi bốn tên tiểu thái giám đem gói đồ theo
mình qua cửa tò vò vào cung Tây thái hậu.
Vinh Lộc và Lý Liên Anh nhất tề
cáo từ quay ra. Anh giơ tay vỗ mạnh vào lưng Lộc, đắc ý cười nói:
- Cá đã cắn câu rồi! Xin mời
Lục gia cứ việc giật, giật cho khéo đấy nhé! Không khéo lỡ giật hụt, chớ trách
bọn tôi nghe!
Qua ngày hôm sau Lộc cố ý vào
cung sớm hơn một chút.
Quả nhiên khi vào tới tẩm cung
nghe ngóng, Lộc được biết Thái hậu còn ngủ chưa dậy. Một con cung nữ chạy ra
chỉ căn phòng gần đó bảo nhỏ Lộc:
- Xin mời Lục gia qua phòng
đằng kia ngồi đợi một lát!
Nói đoạn con cung nữ móc trong
túi ra một chùm chìa khoá để mở cửa.
Vinh Lộc bước vào trong, đưa
mắt nhìn một vòng thấy trên tường có treo đầy thi hoạ ngọc ngà. Trên cái bàn
thập cẩm bày biện thứ tự nào bồn chi, nào chậu lan toả ra một mùi hương thơm
phưng phức.
Chiếc tàu thuỷ nhỏ chính Lộc
mua hiếu kính cung đã thấy để nơi đây. Mặt đất trải một chiếc thảm dày, bước
trên êm không nghe một tiếng động. Tựa sát vào cửa sổ là một chiếc án thư phía
trên có đủ văn phong tứ bảo, đều làm bằng ngọc ngà, tiện dũa rất tinh vi. Ngoài
ra còn có cái đồng hồ báo thức không to lắm mà cũng không nhỏ lắm để cả ở đấy.
Vinh Lộc lẳng lặng ngồi xuống ghế trước án thư, tai nghe tiếng tích tắc của cái
đồng hồ rõ mồn một. Lộc nhìn lên vách ngắm bức thư hoạ (tranh vẽ chữ). Bỗng Lộc
nghe tiếng sột soạt của quần áo vang lên theo bước chân nhè nhẹ trong phòng
lặng. Lộc vội quay lại nhìn, thì ra là Ý phi tươi như hoa, điểm thêm một nụ
cười tình tứ, thầm thì bảo Lộc:
- Lục gia vì sao cho tôi quá
nhiều đồ như vậy. Khiến lòng tôi lúc nào cũng thắc thỏm không quên. Không nhận
thì sợ Lục gia giận. Mà nhận thì chẳng biết cách nào báo đáp. Tôi nghĩ chả còn
cách gì, chỉ còn cách tạ ơn Lục gia mà thôi!
Nói đoạn, Ý phi che miệng cười
tình, rồi ngồi xuống chiếc giường đặt nằm dài bên cạnh. Lộc đến lúc này đã hiểu
ý người đẹp, nhân đà ngồi luôn xuống cạnh giường, kề sát đôi vai với Ý phi.
Biết Ý phi thích nghe chuyện
linh tinh bên ngoài, Lộc lại giở cái chương trình cũ ra, nhưng lần này, vì đã
sửa soạn từ lâu, kể toàn những chuyện tình tứ thú vị. Ý phi càng nghe càng
khoái. Càng khoái càng cười. Có khi nàng cười lên khanh khách. Mắt nàng lóng
lánh như dao cau, tình nàng bốc lên ngùn ngụt như lửa đỏ.
Lộc càng thấy Ý phi khoái
thích, càng trổ hết tài nịnh ra. Lộc cảm thấy lòng vui sướng như đêm động phòng
hoa chúc. Ý phi kéo dài đời cô quạnh trong thâm cung đã quá lâu lúc này tự
nhiên quên hết mình đang ở đâu, ở trong hoàn cảnh nào. Thế rồi chẳng ai bảo ai,
nàng và Lộc càng ngồi càng xích gần đến quá sát…
Giữa lúc đôi người đang say sưa
mùi mẫn, bỗng con cung nữ khi nãy vào báo động:
- Lão Phật gia đã dậy rồi đó?
Ý phi giật mình, vội đẩy nhẹ
Lộc ra xa, hối hả chạy lên tâm cung thái hậu. Một lát sau, Vinh Lộc cũng được
lệnh tuyên triệu.
Lộc tâu bày mọi, việc với Thái
hậu. Xong đâu đấy, lại cũng Ý phi đưa Lộc ra cửa tò vò như mọi lần trước. Nhìn
quanh không thấy một ai, Ý phi lấy trong bọc ra một cái túi thêu bông sen đút
lẹ vào ống tay áo Lộc và bảo:
- Túi này tự tay tôi thêu đó!
Lục gia hãy giữ mà dùng.
Từ ngày đó, Lộc và Ý phi mượn
căn phòng sách của Thái hậu để làm chỗ họp mặt. Tình càng đượm, duyên càng
thắm, lửa càng nồng…
Ở đời có cái gì giữ được bí mật
mãi! Câu chuyện "họp mặt" của Ý phi và Lộc đã trở thành một diễm tình
sử đồn khắp cung sâu! Thái giám, cung nữ, đến cả lũ oắt cung nữ, oắt thái giám,
ai cũng biết chuyện! Tiếng đồn càng đi xa, nghe càng ly kỳ, nhiều khi đẹp như
mộng, nhưng cũng nhiều lúc khiếp như quỷ. Tiếng đồn bỗng một hôm lọt vào tai
một nàng gọi là Thất cách cách (nàng Bảy).
Thất cách cách là cháu gái Từ
An thái hậu, gọi hậu bằng bác gái ruột. Nàng có nhan sắc đổ nước nghiêng thành,
mặt tươi như hoa, người lả lướt, như cành liễu tha thướt bên hồ.
Trong cung hồi đó có hai người
đẹp: một là Ý phi, còn một nữa là Thất cách cách. Cả hai nàng đều hầu hạ cạnh
Từ Hi thái hậu.
Thất cách cách tuy là người bên
phe Từ An thái hậu nhưng nàng lại chạy sang cung Từ Hi thái hậu chơi. Từ Hi
thái hậu thấy nàng xinh đẹp lại nhanh nhẹn, hoạt bát, lấy làm thích thường hay
giữ lại bên mình, lúc thì thưởng cho quần áo, lúc thì cho ăn uống. Nói đến
thông minh khôn khéo, thì Thất cách cách ắt phải chiếm được một chỗ ngồi danh
dự! Mặt ngoài nàng luôn luôn tỏ ra kính quý Từ Hi thái hậu, nhưng chẳng bao giờ
để cho bà lợi dụng. Từ Hi thái hậu có ý muốn giữ nàng luôn bên cạnh mình, nhưng
nàng chối khéo bằng những lời lẽ êm ái dịu dàng, mà vẫn quay về với Từ An,
nhưng nàng đều nói là không biết gì!
Từ Hi thái hậu vốn biết nàng và
Từ An thái hậu có tình thân gia đình nhưng bà vẫn thích tài đùa giỡn của nàng,
vẫn thường gọi về cung mình để có người cười nói, vui đùa bên cạnh. Người đẹp
trong thiên hạ, tính vốn hay ghen, hay ghét.
Thất cách cách cậy mình tài sắc
hơn người, thường tự phụ trong cung mình là nhất về sắc, chẳng thua ai về tài:
ấy thế còn có kẻ dám đem Ý phi so sánh với mình, cho rằng Ý phi với mình là một
cặp mỹ nhân không ai hơn ai! Làm sao mà nàng chịu được nỗi tự ái bị tổn thương.
Lòng ghen tức đã đến lúc không kiềm chế nổi, Thất cách cách tìm mọi cách nói
xấu Ý phi. Nàng chê trách Ý phi sao không biết tỵ hiềm trai gái, Vinh Lộc vào
cung lần nào cũng đều do Ý phi đưa đón. Hai người dùng thư phòng của Thái hậu
làm chỗ hẹn tình, dâm ô không còn e dè gì hết. Thậm chí có những lúc trò chuyện
với thái hậu, họ cũng cười đùa mặc sức. Những cử chỉ hành động phóng đãng ấy
thử hỏi làm sao qua mắt được thái hậu. Song cả hai người đều là những tay chân
tâm phúc của bà, chẳng lẽ lại đem ra mắng trách? Do đó, cặp gian phu dâm phụ
mới có đất sống mà tự do tình tự trong cung cấm!
Song, đối với Thất cách cách
thì đây lại là một cơ hội ngàn năm một thuở để hạ địch thủ, tìm cho kỳ được
những chỗ tội lỗi nhất của địch thủ để sửa soạn một cuộc thanh toán tận gốc.
Hôm đó, Thất cách cách vâng
lệnh Đông thái hậu tới cung Tây thái hậu để xin tập sớ của Tổng đốc Lưỡng Quảng
đem về cho bà xem. Khi qua bên cung Tây, trời vẫn còn quá sớm, thái hậu chưa
dậy. Trong lúc chờ đợi nàng nẩy ra ý định vào phòng Ý phi chuyện vãn. Vừa tới
cửa phòng, nàng đã bị tên tiểu thái giám gác cửa chạy vội lại xua tay ngăn lại.
Thất cách cách lấy làm lạ, chẳng rõ cơ sự ra sao nên bất chấp, cứ đẩy cửa bước
vào. Tên tiểu thái giám hoảng hồn bạt vía, chẳng còn cách nào hơn, đành đứng
đàng sau thái giám hô lớn lên:
- Thất cách cách vào đó! Thất
cách cách vào đó!
Ý phi lúc đó đang ở trong
phòng, nghe tiếng hô, vội chạy ra đón. Giữa lúc đó Thất cách cách vẳng nghe
tiếng đàn ông xì xào bên trong, nàng nhìn Ý phi thấy nàng đôi má đỏ ửng, mái
tóc có nhiều chỗ rối lung tung. Khi nói chuyện với Thất cách cách, nàng thở hổn
hển, như có chuyện gì mệt mỏi vừa qua.
Thất cách cách thấy vậy sinh
nghi, hỏi Ý phi ngay một câu bắt nọn:
- Cô nói chuyện với ai trong
phòng đó?
Ý phi biết chuyện đã vỡ lở, khó
lòng chống chế, bèn đáp:
- Lục gia ngồi trong đấy!
Nói đoạn, Ý phi quay mặt vào
trong gọi lớn:
- Lục gia mau ra đây! Thất cách
cách muốn gặp!
Vinh Lộc nghe gọi, nhờ cơ hội
đó, đáp lên một tiếng rồi vội vã bước ra. Lộc chắp tay chào Thất cách cách
thỉnh an, miệng cố nở cho bằng được một nụ cười duyên dáng tình tứ:
- Thất cách cách tới có việc gì
đấy?
Thất cách cách nghe hỏi, nghẹo
cổ, nguýt một cái thật dài. bảo Lộc:
- Việc gì? Chốn này phải chăng
chỉ mình ông được quyền tới, còn tôi thì không hẳn? Đến chốn này, tất nhiên
phải có chuyện rồi. Dám hỏi Lộc gia có việc gì mà tới đây vậy?
Thất cách cách hỏi dồn một hơi,
khiến Vinh Lộc một câu cũng không mở mồm ra đáp được. Lộc chỉ còn một cách chào
thua, cất tiếng nói như van lạy cầu xin:
- Hảo cách cách! Tôi quả xin
chịu thua! Tha thứ cho tôi!
Lộc nói xong, mặt thộn ra,
trông hết sức chán. Giờ phút trôi qua nặng nề! Để tránh được cái ngượng ngập
của mình, Lộc lại lên tiếng hỏi:
- Mấy hôm nay, Hảo cách cách đi
chơi đâu. Lão Phật gia có chuyện chi dạy bảo… Thập sát hải hiện đang kéo hội
vui lắm, Hảo cách cách đã đi chơi đó chưa?
Lộc đặt ra không biết bao nhiêu
câu hỏi như vây, Lộc hỏi mà không cần đáp. Lộc cũng cố thêm những câu đãi bôi
như:
- Vài hôm nữa rảnh, bọn tôi xin
theo hầu Hảo cách cách đi du ngoạn một phen có được không ạ?
Nghe đã quá rườm tai, nhìn lại
cái mặt Lộc càng chán, Thất cách cách chẳng thèm để ý tới Vinh Lộc nữa, mà quay
sang nói chuyện với Ý phi.
Một lát sau, một tên tiểu thái
giám chạy sang báo Tây thái hậu đã dậy. Thất cách cách vội bỏ Ý phi và Vinh
Lộc, theo tên tiểu thái giám vào bệ kiến. Nhân thấy vắng người, Thất cách cách
mới đem chuyện Vinh Lộc đùa bỡn với ý phi trong phòng, nói lại cho thái hậu
nghe…
Chuyện tư tình bê bối dâm ô
giữa Lộc và Ý Phi, thực ra Tây thái hậu đã biết từ lâu. Nay nghe Thất cách cách
nói ra, bà tự cảm thấy hết sức phiền cho mình. Bà nghi rằng Thất cách cách vốn là
cháu gái của Đông thái hậu, còn Vinh Lộc lại là cháu trai của bà. Lỡ chẳng may
việc này vỡ lở ra, đến tai Đông thái hậu thì thực chẳng ra sao. Bởi thế, bà vội
kéo Thất cách cách lại bên mình, thì thào bảo nhỏ:
- Con yêu của ta! Quân tội lỗi
chẳng may đã bị con bắt gặp. Con nên nghĩ ta với nương nương bên đó đều là
người cùng một nhà cả, hãy tha thứ cho chúng. Hẳn chúng không dám quên ơn con
đâu!
Nói đoạn Tây thái hậu liền giơ
tay rút một cây trâm ngọc giắt trên mái tóc của mình cắm vào mái tóc của Thất
cách cách. Thất cách cách vội quỳ xuống tạ ơn. Giữa lúc Thất cách cách tạ ơn
xong đứng dậy thì Ý phi bước vào. Tây thái hậu bảo Ý phi thỉnh an Thất cách
cách, Ý phi được lệnh, chẳng hiểu ý nghĩa ra sao. Nhưng vì là lệnh của Thái
hậu, đâu dám trái, nàng đành phải làm theo! Thất cách cách đứng lên xin phép
trở về, lấy cớ sợ Đông thái hậu chờ lâu. Chờ cho Thất cách cách đi xa rồi, Tây
thái hậu sa sầm nét mặt, hỏi Ý phi:
- Tạ bảo mi phải thỉnh an Thất
cách cách, mi có biết ta có dụng ý gì không?
Ý phi nghe nói, chết lạnh đi
nửa người, không dám nói một tiếng nào, vội bò mọp xuống đất dập đầu lạy. Tây
thái hậu truyền gọi Vinh Lộc vào cung.
Vinh Lộc đương nhiên có tật
giật mình. Y chờ đợi một hậu quả tai hại sắp tới bởi tên thái giám tay chân sớm
đã phi báo cho Lộc biết Tây thái hậu đang giận lắm. Rồi đến khi được lệnh tuyên
triệu, Lộc sợ quá, mồ hôi lạnh toát ra như tắm. Lộc vội chày lên phòng Thái
hậu, thấy Ý phi đang quỳ mọp ở đó, cúng vội vàng quỳ xuống ngay bên cạnh nàng.
Thái hậu cất giọng nghiêm khắc,
dằn từng tiếng bảo Lộc:
- Tao nghĩ chúng bay là hai đứa
trẻ thông minh, cho nên uỷ thác việc này việc nọ cho chúng bay, cho phép chúng
bay được rộng rãi hơn người. Ai ngờ vì thế chúng bay đâm ta khinh nhờn, giấu ta
làm những việc không còn biết trời đất gì cả. Nay câu chuyện vỡ lở rồi, con
Thất cách cách nó đã biết hết. Về cung, thế nào hắn cũng mách lại cho Đông thái
hậu hay. Ngày mai, chắc chắn là có một bản tấu chương đưa lên. Lúc đó, ta cũng
khó rửa mặt cho chính ta, chứ đừng nói tới cưu mang tụi bay, tụi bay sửa soạn
về rửa cổ lau gáy để lĩnh lấy một nhát dao…
Tây thái hậu nói xong, Ý phi và
Vinh Lộc đã thấy đầu treo sợi tóc rồi! Cả hai người chỉ còn nước cầu xin Thái
hậu tha thứ và cứu giúp. Lộc lại nói:
- Nô tài ngồi trong phòng quý
phi thực không dám làm điều bậy bạ, tội lỗi! Chỉ vì lúc vào cung, nô tài được
tin Lão Phật gia còn đang yên giấc, chưa dậy, nên mới rẽ vào phòng Ý phi. Nô
tài biết rằng quý phi vốn được Lão Phât gia sủng ái thượng hầu hạ sớm hôm bên
cạnh, bởi thế ghé qua để hỏi thăm tin tức của Lão Phật gia đó thôi. Hơn nữa, nô
tài cũng muốn nhân dịp tới thỉnh an quý phi. Điều đáng trách của nô tài là ở
chỗ không biết tỵ hiềm, tội thực muôn thác. Còn nếu nói nô tài có điều ám muội
thì giữa thanh thiên bạch nhật này nô tài đâu có dám, muôn muôn lần không dám.
Nô tài, nếu có chết, thực chẳng đáng tiếc chút nào! Có tiếc chăng chỉ là tiếc
cho quý phi bị liên luỵ, mất hết thanh danh, khiến nô tài không còn có cách gì
mà làm người được nữa. Chuyện này chỉ còn mong cầu Lão Phật gia cứu giúp cho mà
thôi.
Nói đoạn, Lộc lại dập đầu xuống
đất lia lịa, Tây thái hậu nghe Lộc kể lể, thề thất một thôi một hồi, cười nhạt
bảo:
- Tụi bay khỏi cẩn nói dơi nói
cuội trước mặt tao. Tao cũng chẳng có thì giờ để can thiệp vào chuyện của tụi
bay. Việc đã làm thì ráng chịu lấy. Còn nói năng gì nữa Ngày mai, nếu may mà
Đông thái hậu bỏ qua, không nói như ném phân vào mặt tao, bọn vương công đại
thần không có một lá sớ nào như đâm vào mắt tao, sẽ tha cho tụi bay. Trái lại,
chuyện nổ ra, tai tiếng tùm lum lên thì đó âu cũng là số kiếp của tụi bay rồi!
Đã từ lâu, Đông thái hậu ngày ngày rình rập, mong chộp được chỗ sơ hở của tao,
hoàng thượng cũng xa lánh tao, rất ít khi gần tao. Bản thân tao còn khó yên,
thử hỏi còn bao bọc cho ai được nữa chứ? Thôi mặc! Chuyện của tụi bay, tụi bay
lo liệu lấy! Chém thì cứ chém, lột da thì cứ lột da, chẳng liên can gì đến ta.
Ý phi nghe một tràng dài lời
chửi mắng, mặt xám ngoét lại, mắt rưng rưng lệ. Tây thái hậu quát lên một tiếng
bảo hai người:
- Đứng dậy!
Ý phi và Vinh Lộc lại dập đầu
mấy lần nữa, lạy tạ nữa rồi lui ra khỏi phòng. Khi bước tới một khúc quẹo vắng
người, Ý phi kéo tay Vinh Lộc khóc lóc thảm thiết. Lộc tìm lời ngon ngọt an ủi,
rồi như sực nhớ ra một điều, vội bảo Ý phi:
- Để tỏi chạy tới bàn tính với
Lý tổng quân! Quyết không để cho Quý phi liên luỵ đâu mà ngại!
Quả nhiên, đêm đó Lộc lóc cóc
chạy tới nhà Lý Liên Anh thuật lại câu chuyện, rồi tha thiết vấn kế. Đã nhiều
lần Anh bị Đông thái hậu khiển trách, oán hận chứa chất trong lòng đã quá đầy!
Anh nghe Lộc nói, giơ tay vỗ phịch một cái vào ngực nói:
- Lục gia yên tâm. Chuyện này
không nổ ra thì thôi. Trái lại, nếu nổ lớn, bọn ta quyết không chịu khoanh tay
đợi số. Ta chỉ cần tung ra một độc kế là cả bọn thù nọ vào rọ hết. Lúc đó,
chúng mới biết tay ta.
Vinh Lộc nghe xong có đôi chút
yên lòng, liền cáo từ ra về. Đêm đó, Lộc trằn trọc trên giường, không sao ngủ
được, cảm thấy mạng mình chẳng đáng giá là bao. Sáng hôm sau, Lộc khăn đóng áo
dài, vội vã chạy vào cung nghe ngóng tình hình. Tây thái hậu dự triều sớm trở về
cung.
Bà cho gọi Lộc vào trong. Lộc
biết chuyện vỡ, có điều chẳng lành rồi, đành mặt dạn mày dày, bước vào phòng
quỳ trước thái hậu, dập đầu. Tây thái hậu, mặt hầm hầm tỏ vẻ giận dỗi lắm, ném
một tập hồ sơ vào mặt Lộc bảo xem đi. Lộc cầm lấy xem, mới biết đó là tập sớ
của ông Đồng Hoà, trong đó tâu việc dâm ô cung đình của Vinh Lộc và Ý phi, xin
lưỡng cung Thái hậu giao ngay cho nội vụ phủ xét xử chính hình. Ngoài ra còn
thêm một điều: Từ Hy thái hậu kiêu sa phóng túng, bảo hộ riêng tư người thân
thích của mình làm bậy.
Vinh Lộc mắt thì đọc tập sớ,
tai thì nghe tiếng Tây thái hậu quát:
- Lũ nghiệt súc! Tụi bay làm
chuyện đồi bại, kéo cả tao vào trong, khiến sư phó cười chê cả tao. Tụi bay cút
ngay ra ngoài kia mà chết đi cho rảnh mắt tao, còn đợi gì?
Lời nói chưa hết, cung nữ đã
vội vào báo có Đông thái hậu tới. Tây thái hậu vội đứng dậy đón vào.
Đông thái hậu mặt cũng hầm hầm,
tỏ ra tức giận đến cực độ bước vội vào phòng. Tây thái hậu thấy Đông thái hậu
tự nhiên có vẻ ngượng nghịu. Đông thái hậu vừa đặt người ngồi xuống ghế đã cất
tiếng nói:
- Tờ sớ của ông sư phó hôm nay,
muội muội đã đọc chưa?
Tây thái hậu còn chưa trả lời
thi một cung nữ chạy vội vào báo Ý quý phi đã thắt cổ chết trong cung. Được tin
này Vinh Lộc thấy đau nhói một cái trong ngực, mắt tóe hoa cà, chân như mềm ra,
muốn khuỵu xuống…
Hồi 153: Giết Đông Hậu , đuổi Cung Vương
Lại nói Ý phi bị Tây
thái hậu mắng chửi, trong lòng đã thấy sợ lắm. Nàng tin rằng đại hoạ sẽ tới với
mình. Đêm đó nàng không sao ngủ được, bối rối lo âu suốt cả năm canh. Sáng sớm
tinh sương, nàng đã vội dậy, lo đi trang điểm.
Nàng không thấy báo tin tức gì
lạ, bèn thẳng bước tới cung Nhân Thọ để hầu hạ Tây thái hậu khi bà dậy. Tây
thái hậu thấy nàng bước tới, chẳng nói lời nào. Ý phi đã thấy yên tâm.
Nàng đợi cho thái hậu toạ
triều, lúc đó mới trở về phòng mình nghỉ ngơi. Trước khi về, nàng đã cẩn thận
để lại một con cung nữ ở cung thái hậu để nghe ngóng tình hình.
Mãi đến khi Tây thái hậu bãi
triều về cung, xem tập sớ của ông Đồng Hoà, cho gọi Vinh Lộc vào cung mắng chửi
một phen thậm tệ, con cung nữ của Ý phi nghe rõ mọi chuyện, vội chạy về kể lại
cho nàng biết. Ý phi tự nhủ tội này khó thoát nếu để bị lôi tới Tôn nhân phủ
thẩm vấn thì còn mặt mũi nào, chi bằng chết trước đi là hơn. Nghĩ vậy, nàng bèn
cho mấy con cung nữ ra khỏi phòng hết rồi đóng cửa lại. Nàng quỳ xuống đất,
nhìn thẳng lên không lạy mấy lạy, cởi chiếc dây lưng, treo cổ lên bạo cửa tự tử
chết.
Từ Hy thái hậu bị Từ An giận
trách, lòng đầy tức giận.
Bà nghe tin Ý phi đã chết, liền
bảo:
- Tụi chúng tự thân tác nghiệt,
ta cũng chẳng làm gì được hơn…
Miệng vừa nói vừa chỉ mặt Vinh
Lộc, bà quay sang nói với Tử An thái hậu:
- Hắn tuy là cháu ruột tôi,
nhưng hắn bị ông sư phó tham tấu, tôi cũng chẳng che chở được cho hắn. Xin tỷ
tỷ đem hắn đi, thẩm vấn nghiêm ngặt, tội đáng giết thì cứ giết, tôi quyết chẳng
dám nói chi nửa lời! Tôi làm đến thái hậu, chỉ tại tên súc sinh này mà đến nỗi
mang tiếng với bọn thần tử. Chúng cho rằng tôi che chở tư thân, mặt mũi tôi coi
như không còn gì nữa!
Nói tới đây, Tây thái hậu cầm
không nổi nước mắt. Từ An thái hậu bèn truyền gọi Tổng quản tới, đem tập sớ ông
sư phó và cả Vinh Lộc sang bên hình bộ để thẩm vấn cho rõ ràng. Viên Hình bộ
đại thần biết Lộc là cháu ruột của Tây thái hậu, bố bảo cũng không dám phết
trọng tội. Y chi viết có bốn chữ "Vĩnh
bất tự dụng" (không dùng vĩnh viễn) vào
tập sớ rồi gửi lên cho Lưỡng cung thái hậu. Tây thái hậu muốn tránh hiềm nghi,
để mặc Đông thái hậu phê hai chữ "Y
nguyên" (chuẩn y lời đề nghị). Thế là Vinh Lộc bị cách tuột hết chức
tước, quanh quẩn ở nhà xua gà cho vợ, không được phép lui tới nơi cung cấm để
thăm hỏi Tây thái hậu nữa.
Từ ngày đó, Tây thái hậu mất
hẳn hai tên thủ túc thân tín hầu hạ. Càng cảm thấy cô đơn hiu quạnh, bà càng
rầu rĩ. Tâm sự lại không biết nói cùng ai, bà đâm thù Đông thái hậu đến xương
tuỷ. Đêm ngày, bà mưu tính với Lý Liên Anh để mong trả hết oán thù.
Một hôm, Tây thái hậu bảo Lý
Liên Anh:
- Lâu nay, Đông thái hậu cố ý
moi móc những khuyết tật của ta để làm hại ta. Nếu ta không tìm được kế nào
giết bà ta để trả hận, thử hỏi ta làm gì còn tự do nữa chứ?
Ý nghĩ của Tây thái hậu thì
thế, nhưng ý nghĩ của Đông thái hậu lại khác.
Đông thái hậu cho rằng lâu nay
Tây thái hậu bị nhiều vố mất mặt ắt thế nào cũng sửa đổi, đồng thời sẽ cảm ơn
ân đức của mình. Bà biết Tây thái hậu mất Ý phi và Vinh Lộc, hoàn cảnh thực cô
đơn hiu quạnh. Bởi thế, bà ngày ngày qua chơi nói chuyện, mua vui cho Tây thái
hậu. Từ Hy bề ngoài vẫn ngọt ngào tiếp đãi, nhưng thâm tâm chỉ chờ có cơ hội
thuận lợi là hạ độc thủ để báo thù.
Ngày thường, Đông thái hậu rất
thích ăn quà vặt. Bất cứ đi qua chỗ nào, nếu thấy con cung nữ bưng mâm bánh đi
bên cạnh, thế nào bà cũng miệng thì nói chuyện tay thì nhót bánh ăn.
Tây thái hậu biết được thói
này, liền nảy sinh độc kế. Ít hôm sau, đúng vào ngày triệu kiến các vị quân cơ
đại thần, Từ An thái hậu dậy rất sớm, trái lại Từ Hy lại dậy muộn.
Từ An thái hậu bèn tới Tây cung
đợi để cùng đi. Từ Hy vừa trang điểm, vừa trò chuyện với Từ An thái hậu. Bỗng
Tây thái hậu nhớ ra là Đông thái hậu chưa ăn sáng, vội gọi bọn cung nữ đem mâm
bánh ra cho bà.
Đông thái hậu nhìn mâm bánh,
thấy chiếc nào làm cũng sạch sẽ ngon thơm. Có cái mang hình bát tiên, có cái
lại làm theo hình con hạc, con hươu, Đông thái hậu vừa khen đẹp, vừa ăn đến mấy
cái. Tây thái hậu bảo bà:
- Trong cung mới có một tên bếp
khá thạo nghề. Hắn làm luôn một lúc hơn trăm chiếc bánh dâng lên ăn ngon hết
sức. Tỷ tỷ thích thì để bảo cung nữ đưa về bên đó ít chiếc ăn chơi.
Nói đoạn, Tây thái hậu liền gọi
cung nữ bưng từ trong phòng ra một mâm bánh lớn, rồi bảo nó đưa trước về cung
cho Đông thái hậu.
Buổi chầu có Cung thân vương
Dịch Hân, Đại học sĩ Tả Tôn Đường, thượng thư Vương Văn Thiều, Hiệp biện đại
học sĩ Lý Tảo Hồng. Hôm đó đúng vào ngày mồng mười tháng ba năm Tân Hợi, niên
hiệu Quang Tự.
Chiếu theo luật lệ nơi cung
đình, khi Thái hậu lâm triều, phải rủ bức rèm che khuất, bọn đại thần quỳ phía
ngoài để tâu bày mọi việc. Nhưng hôm đó, Tây thái hậu có vẻ bực mình vì phải
nói chuyện qua rèm, nên bà ra lệnh cuốn rèm lên. Nhờ đó, bọn thần tử vào chầu
mới được nhìn gương mặt hai bà thái hậu.
Trong khi bọn đại thần tâu bày
mọi việc, Cung Thân Vương nhờ có cặp mắt tinh sáng, nhìn thấy sắc mặt Đông Thái
hậu hết sức tươi vui, đặc biệt là nói rất nhiều. Một điểm nữa khiến Vương phải
để ý là hai má bà đỏ ửng, y như người say rượu.
Cuộc họp hôm đó bàn tới việc
Pháp xâm lăng Việt Nam, thành thử kéo dài mãi tới quá chiều mới được tạm nghỉ
ăn trưa để rồi lại tiếp tục họp cho tới suốt buổi chầu. Mãi tới bốn giờ mới có
được một quyết định. Quyết định đó là Lưỡng cung thái hậu hạ dụ xuống cho Bắc
dương đại thần Lý Hồng Chương tìm biện pháp đối phó, đồng thời hạ lệnh cho các
viên tuần phủ, tổng đốc các tỉnh miền Duyên Hải, Duyên Giang, Duyên Biên phải
phòng bị hết sức cẩn thận.
Chỉ ý đó vừa thảo xong, thì Từ
An thái hậu bỗng thấy đầu choáng mắt hoa, ngồi không vững nữa. Thế là bà phải
vội vã về cung và lên giường ngủ ngay.
Bên ngoài bọn đại thần kéo nhau
ra triều phòng còn ngồi lại bàn tán thêm một lúc nữa rồi mới tử từ rút khỏi cửa
ngọ môn. Giữa lúc đang tà tà trên đường về, bỗng một tin dữ làm cho bọn đại
thần đành phải quay lại. Đó là tin nội đình cấp báo Đông thái hậu băng hà,
truyền cho bọn đại thần không được giải tán, tức tốc vào cung bàn tính đại sự.
Bọn họ nghe tin, mặt mặt nhìn nhau, mắt trợn ngược, miệng há hốc.
Trong số, Cung thân vương là
người có nhiều liên hệ với Đông thái hậu nhất, bất giác oà lên khóc. Cả bọn lo
khuyên giải Cung thân vương, rồi rủ nhau chạy vội vào tẩm cung của Đông thái
hậu.
Bước chân vào phòng, bọn đại
thần thấy Đông thái hậu ngồi trên một chiếc ghế thấp có bọn cung nữ đang xúm
nhau lại tiểu liệm cho bà. Nhìn thấy tình cảnh đó, không một ai không nhỏ lệ.
Căn phòng lạnh lẽo. Người ta chỉ nghe Tây thái hậu cất tiếng than thở một mình:
- Đông thái hậu từ lâu vẫn
mạnh, gần đây cũng chẳng thấy đau yếu, ấy thế mà sao lại bỏ tôi ra đi kìa?
Miệng bà vừa nói xong, người bà
đã ném mạnh xuống cạnh thây ma, rồi bỗng oà lên khóc, khóc nức, khóc nở, khóc
thảm thiết nước mắt giàn giụa, y như khóc một người chị, người em ruột mình
thiệt!
Bọn đại thần thấy Tây thái hậu
khóc lóc thương tâm bèn hè nhau quỳ xuống đất một loạt, lựa lời khuyên giải bà
và xin bà cho chỉ dụ để lo việc tang ma.
Chiếu theo luật lệ nơi cung
đình, khi hoàng đế, hoàng hậu mất, thường phải giao đơn thuốc cho quân cơ đại
thần xem nghiệm lại. Nhưng trường hợp này, Đông thái hậu chết mau lẹ chưa kịp
gọi ngự y bắt mạch cho đơn thì làm gì có đơn nào mà xem. Đó là việc đầu tiên
phải cho qua. Đến việc thứ hai. Cũng chiếu thể lệ trong cung cấm, khi có một bà
hậu, bà phi chết phải đi gọi ngay thân nhân vào cung để lo việc tiểu liệm.
Nhưng đối với lần này, Tây thái hậu đã có chủ ý nào đó, thì việc cho người đi
gọi thân nhân của Đông thái hậu trong dòng họ Nữu Cô Lộc làm gì có. Bọn đại
thần tuy rành luật lệ đấy, nhưng không thấy Tây thái hậu nêu ra, bố bảo anh nào
dám đề cập tới. Thế là việc khâm liệm Đông thái hậu, duy chỉ có mấy con cung nữ
đảm nhận mà thôi.
Thấy việc khâm liệm đã xong,
Tây thái hậu cho gọi tất cả bọn quận cơ đại thần vào thư phòng của mình, bàn
định nguỵ tạo tờ di chiếu của Đông thái hậu theo ý định của bà.
Việc thảo di chiếu được giao
cho Lý Hồng Chương cấp tốc thực hiện để bịt mắt bưng tai thiên hạ. Tờ di chiếu
nội dung như sau: "Ta tuy
đức mỏng nhưng vâng sách mệnh cửa Văn Tông Hiển hoàng đế nên nhậm vị nơi cung
hồ, đến khi Mục Tông Nghi hoàng đế kế nghiệp giữ ngôi báu, thì ngài đối với ta
một lòng hiếu tử thuần đốc, thừa hoan phụng dưỡng, lúc nào cũng thành. Hiện nay
hoàng đế nắm giơ đại thông, đích thân tới vấn an, một niềm thành hiếu. Hơn nữa,
từ khi ngài lên ngôi đến nay, điển học siêng năng, đức độ trau dồi, tâm ta rất
lấy làm an ủi vui mừng. Nhờ vậy, ngài đêm ngày chăm lo việc nước, tuy rằng thời
sự khó khăn nhưng thân thể may được luôn luôn kháng kiện, sự di dưỡng lại được
đầy đủ nên quyết hưởng hà linh muôn tuổi. Chẳng may, ngày mồng chín tháng này
ta bỗng nhuốm bệnh nhẹ, có hoàng đế hầu hạ thuốc thang đêm ngày vấn an, lo sao
cho ta mau lành bệnh. Không ngờ qua ngày mồng mười, bệnh thế chuyển nặng, rồi
đến giờ tuất tinh thần dần dần tán loạn, khó thể ở đời. Ta năm nay đã bốn mươi
lăm; mẫu nghi thiên hạ cũng có cả ba chục năm. Ta cũng đâu có nhiều lần được ơn
thánh điển, quyền vị cao sang, chẳng còn phải ham muốn gì nữa. Tiếp sau đó, lúc
hoàng đế gặp cơn biển lớn, lòng ta vô cùng thương cảm. Song ta vốn là người
nhân chúa, một mình mà quan bệ tới cả toàn dân thiên hạ, cho nên ta đành phải
cố nén bớt nỗi đau thương nghĩ ngợi, lấy việc nước làm trọng. May thay, nhờ
được sự trông nom dạy bảo của Từ Hi đoan hữu khang di chiếu dự trong thành
hoàng thái hậu nên văn vô bá quan trong ngoài ai cũng làm tròn chức vụ, cùng lo
việc cai trị. Thấy vậy, ta thực lấy làm khen lắm. Còn tang phục thì phải tuân
theo cựu lễ Hoàng đế chỉ phải giữ phục hai mươi bảy ngày là có thể trừ bỏ. Lễ
lớn đã thông thể sơ sót thì các lễ nhỏ ắt cũng không coi thường. Tuy nhiên ta
vốn người dám kiệm ước phác thực, cho nên bất cứ việc gì có liên quan tới điển
lễ, câm không được phung phí khiến tổn hại công quỹ, đến như việc xây cất trang
hoàng hậu sự di vật, cũng phải nên kiệm ước, phải biết tiệc vật lực mới được.
Đó chính là cái sở nguyện của ta. Bởi thế, nay ta hạ chiếu dụ, cho toàn thể các
cấp tuân hành".
Thế là chỉ một đạo di chiếu ấy
bịt hết tết cả một nghi án động trời.
Gia đình của Hiếu Trinh hoàng
thái hậu dù có nghi cũng chẳng dám làm gì. Và cũng từ đó, Từ Hi thái hậu ở
trong cung độc đoán độc hành, chẳng còn chút e ngại điều gì.
Đông thái hậu chết rồi, việc
thứ hai phải làm của Tây thái hậu là trừ khử cho bằng được Cung thân vương Dịch
Hân.
Vương vốn là một vị tướng già
nhất trong số các vương gia đại thần. Vương lại còn là một cố mệnh đại thần,
thường hợp lực với Đông thái hậu để chống Tây thái hậu. Cho nên con người ấy
nếu còn ở trong triều thì Tây thái hậu làm sao có thề tự ý tư vi được. Bởi thế,
Tây thái hậu ngày đêm bàn tính với Lý Liên Anh tìm kế cách chức vương. Phải cái
Cung thân vương vào địa vị quân cơ đã lâu, các đại thần ai cũng đều một lòng
giúp đỡ Vương giải quyết mọi việc hết sức công chính, từ lâu chưa xảy ra một
điều gì sơ sót. Cho nên việc cách chức để tống vương về vườn, đâu có phải
chuyện dễ.
Mừng thay cho Tây thái hậu đã
có dịp vô cùng thuận lợi! Số là qua năm sau, Pháp và Tàu đánh nhau. Tây thái
hậu liền đổ liệt cho Cung thân vương nghị hoà thất sách, trùm hết cả tội lỗi
lên đầu thân vương. Rồi chụp lẹ lấy cơ hội, bà hạ một đạo dụ cách tuột hết chức
tước của bọn đồng đảng với Đông thái hậu, chỉ tung có một mẻ lưới là hết sạch!
Đạo dụ đó nội dung như sau: "Hiện
nay sức nước yếu kém, mà thời thế càng khó khăn, chính sự nhiều đổ vỡ, khiến
dân chưa được cứu nguy. Bởi thế mọi việc trong ngoài cần phải có người tài hiền
điều khiến. Chốn quân cơ là nơi chủ chốt, dùng người trông coi hành chính trong
ngoài. Lúc đầu, bọn Cung thân vương còn cẩn thận giúp rập, nhưng về sau chỉ
quanh quẩn để bảo vệ vinh hoa cho mình. Mấy năm gần đây tước lộc ngày càng cao,
lòng tư kỷ càng ngày càng tệ. Mỗi lần trong triều có việc cần hỏi ý kiên thì
lại cố chấp thành kiến, chẳng chịu đem hết khả năng phụng thành. Đã thế nhiều
lần lại còn nói ngang, hoặc có khi lấp liếm che đậy, hoặc có khi ươn hèn làm
biếng, hoặc có khi bảo khó không làm, hoặc có khi bảo chẳng biết ai. Gia pháp
của bản triều ta là nghiêm ngặt. Nếu cứ ăn cắp quyền để làm loạn chính trị như
đời trước thì chẳng những trong lòng chẳng dám mà pháp luật chẳng dung tha.
Chỉ cần nêu ra mấy điểm như
trên, cũng đủ biết lỗi lầm chẳng phải là ít và nhẹ. Nếu cứ để vậy, không sửa
đổi, mặc kệ buông trôi, thì sao gọi được là vâng lời thực hiện di mưu của liệt
thánh. Nay mai, hoàng đế đích thân coi việc chính trị, biết lấy gì để sáng soi
mọi lẽ. Rút cục nếu lấy việc xét đoán nhất nhất phê phán thì lúc đó quyệt không
thể nói tới chuyện thân quý cũng không thể ỷ y vào điều kỳ cựu. Triều đình dù
có khoan hồng đại lượng đến đâu đi nữa cũng chẳng chấp nhận được. Nói tới điều
đó, kẻ có lương tâm ai lại không chạnh lòng trắc ẩn. Cung thân vương Dịch Hân,
Đại học sĩ Bảo Quân vào triều tuy đã lâu, nhưng trách bị vẫn phải nghiêm khắc.
Có nghĩ tới cảnh hai người một
là đau yếu nhiều bệnh, hai là tuổi đã quá già cho nên vẫn nhớ đến công lao thuở
trước mà cho được toàn đoạn đường chót của đời mình. Dịch Hân được gia ân giơ
quyền thế tập thân ương, thưởng lộc toàn bổng thân vương, nhưng chấm dứt hết
mọi công tác, đồng thời trừ bỏ cái ơn cho thêm hai bổng, cho ở nhà dưỡng bệnh.
Bảo Quân thì cho giữ nguyên phẩm hàm, được về hưu trí. Hiệp biện đại học sĩ,
Lại bộ thượng thư Lý Hồng Tảo làm việc trong nội đình đã nhiều năm, vốn có
nhiều kinh nghiệm lại lắm kiên thức nên để cho tiếp tục làm việc. Binh bộ
thượng thư Cảnh Liêm chỉ có thể tuỳ việc giao phó, vấn đề kinh tế y không có sở
trường, cho nên truất bỏ hết mọi công tác, giáng xuống hai cấp, sẽ điều dụng
sau. Công bộ thượng thư Ông Đồng Hoà phục vụ nơi cung đình, thích đáng ở nhiều
việc, nhưng đã lâu không làm được việc gì cũng coi như có lỗi, được gia ân cách
chức nhưng lưu nhiệm làm hành tẩu trong cung Dục Khánh, để chứng tỏ sự nâng
biệt, đối với bọn vương công đại thần này như vậy, triều đình đã có sự nhận xét
và ý định từ lâu.
Biết rằng không còn cách gì
khác khuyến cáo, lại sợ rằng lỗi lầm của họ càng nặng, cho nên triều đình mới
khiển trách. Nếu ngay từ lúc đầu khi còn nhưng việc nhỏ nhặt tầm thường mà
không đàn hặc xét lỗi định tội, giáng cấp những viên đại thần thân phiên, thì
rồi đây nội ngoại thần dân không còn biết lấy ai để răn dạy để đem hết lòng
trung phụng sự, kiên công lập nghiệp một cách viễn đại nữa. Triều đình sẽ xét
cái tâm của ngươi, theo dõi hành động của từng kẻ, nếu thấy lợi ích cho quốc sự
thì không có lý do gì mà không dung nạp. Trái lại, nếu thấy gia đình suy tệ,
gia phong không có, lấy công làm tư, khuynh loát mọi chuyện, thậm chí phẩm hạnh
càng ngày càng ty tiện, làm tay sai cho người để kỳ trung hối lộ tham nhũng,
triều đình sẽ lập tức lột trần mọi gian dối giấu nhẹm, xét theo pháp luật để
trừng trị chứ nhất định không tha. Nay ban bố thông dụ cho mọi người được biết" .
Đạo dụ, lời lẽ úp úp mở mở, căn
chẳng đúng đề. Bọn đại thần bị cách chức, ai cũng đều biết đây chỉ là một dịp
diệt trừ đối thủ của Từ Hi thái hậu. Anh nào anh nấy tức lắm, nhưng phải cái
đây là lời nói rõ ràng của thiên tử trên giấy trắng mực đen, công bố cho bàn
dân thiên hạ, biết làm sao được. Thế là cả bọn đành nuốt giận, rút lui ra khỏi
chốn quân cơ.
Bọn này vừa bước ra khỏi, thì
Tây thái hậu đã chọn một số tay chân thân tín đưa vào quân cơ điền ngay chỗ
trống.
Kẻ được chiếu chỉ của Tâm thái
hậu chọn đưa vào là Thuần thân vương Dịch Tôn.
Tôn vốn đồng đảng với Tây thái
hậu. Thái hậu ngầm bảo Tôn Dục Văn dâng sớ tiến cử Tôn để bổ sung vào quân cơ
làm tai mắt cho bà.
Nguồn: http://vnthuquan.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét