Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

22 thg 11, 2013

Thanh Cung Mười Ba Triều - Hứa Tiếu Thiên - Hồi 108,109,110,111,112

Hồi 108: Hồng Tú Toàn khởi loạn

Sau khi Cát tổng binh chết, hai vị tổng binh Vương, Trịnh cũng theo nhau qua đời. Tất cả mọi việc đều bị tướng quân Dụ Khiêm làm cho hỏng hết. Khiêm nắm binh quyền trong tay nhưng ai chết mặc ai, chẳng thèm cứu. Mãi đến khi ba lộ binh mã kẻ chết người tan, quân Anh xông tới chân thành, Khiêm mới vừa đánh vừa lùi, lùi mãi tới chỗ không thể lùi được nữa, Khiêm mới nhảy xuống Dương Trì mà tự tử chết.

Mục tướng quốc thấy chuyện càng ngày càng rắc rối lại thêm tin Ninh Ba, Thượng Hải đều thất thủ, Phúc Kiến bị vây, dồn dập báo về, biết không thể bịt đi được nữa, đành phải tâu cho hoàng đế rõ.
Đạo Quang hoàng đế từ lâu y như nằm trong trống, chẳng hay biết gì cả, nay nghe nói đại cuộc hỏng bét hết rồi thì lo sợ cuống quýt cả lên, nhưng vẫn nghe lời Mục Chương A dùng Kỳ Anh để đối phó với người Anh.



Chiến thuyền của quân Anh đánh tới Ninh Ba, Kỳ Anh không còn cách nào hơn bèn giảng hoà với người Anh, cắt Hương Cảng nhường cho họ, bồi thường số thiệt hại về a phiến sáu trăm ngàn lạng bạc và chiến phí một triệu hai trăm vạn lạng.

Anh lại cho mở thêm năm cửa bể là Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Ninh Ba, Thượng Hải để cho người ngoại quốc vào ra buôn bán. Đây là thất bại lớn lao nhất của Trung Quốc.

Sự kiện này làm cho dân chúng trong nước căm hận Mục tướng quốc sâu tận xương tuỷ. Ai cũng cho họ Mục là tên gian thần đã làm hỏng việc nước, lại còn cậy mình người Mãn khinh người Hán; đem đất đai của người Hán dâng cúng cho người ngoài một cách bừa bãi. Điều này đã chọc giận một vị học giả nơi thôn làng tên gọi Hồng Tú Toàn ở Hoa huyện tỉnh Quảng Đông.

Hồng Tú Toàn thấy lòng người muốn loạn, thiên hạ mọi việc rối bời, bèn tạo ra một thứ tôn giáo, gọi là Da Hoà Hoa (Jéhovah). Theo lời Hồng Tú Toàn thì Đức Chúa Da Hoà Hoa sinh hạ bốn trai một gái. Tất cả đều giáng trần cứu người hoạn nạn. Toàn là một trong bốn người con trai, người con gái chính là Hồng Tuyên Kiều, em gái ông ta (còn hai người con trai nữa không thấy Hồng Tú Toàn nói tới, sách không ghi lại).

Hồng Tú Toàn loan báo rằng hai anh em ông ta biết thiên hạ sắp đại loạn nên lập đạo để cứu giới khỏi khổ nạn. Hồng Tú Toàn xưng là em trai Chúa trời (Thiên đệ), Hồng Tuyên Kiều tự xưng là em gái Chúa trời (Thiên muội). Hai anh em nhà này đi tới đâu cũng khuyên mọi người nhập đạo. Khi đã là tín đồ, hằng năm nạp ba lạng bạc thì khỏi hết tai nạn trong đời.




Đám dân nghèo bị bọn tham quan ô lại bóc lột, sống trong cảnh nghèo khó nghe Hồng Tú Toàn hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp thế là ồ theo và nhập đạo rất đông mới vài hôm mà sô tín đổ đã lên tới hàng vạn.

Hồng Tú Toàn nghe tại thôn Kim Điền có một người nổi tiếng túc trí đa mưu tên gọi Dương Tú Thanh. Toàn bèn bảo ngay Thanh chính là em trai thứ ba của Chúa trời, rồi tới gặp Thanh.

Toàn và Thanh gặp nhau chuyện trò suốt đêm, tâm đầu ý hợp. Họ tìm thêm được hai đạo hữu nữa là Phùng Vân Sơn và Chu Cửu Đào, rồi chia nhau đi truyền đạo. Họ bảo đám dân nghèo muốn lên thiên đường thì trước hết phải tin theo em trai của Chúa trời đã.

Tín đồ càng ngày càng đông. Dương Tú Thanh có khoa ăn nói rất giỏi, tập họp nhân sĩ các thôn xã lại diễn thuyết một hôm, sau đó sáu mươi hai thôn theo Thanh và kéo cả vào đạo Tín đồ đông rồi, bọn Thanh lấy ngay thôn Kim Điền làm trụ sở để hoạt động.

Thanh có hai người bạn rất có tài, một tên gọi Vi Xương Huy ở Quế Bình, một là Thạch Đại Khai người Quý huyện.

Thanh rủ cả hai người này nhập đạo. Từ đó, thế lực của bọn Thanh càng ngày càng lớn mạnh.

Hồng Tú Toàn thấy thời cơ đã tới, bèn sửa soạn khởi sự.

Toàn có người bạn học tên gọi Vương Luân Can, rất giỏi khoa bói toán. Toàn bảo Can bói cho một quẻ. Quẻ bói trong có sáu chữ: "Định hữu cửu cửu chi tôn" (nhất định có được ngôi vua tôn quý). Toàn mừng lắm. Can lại bói cho Thanh một quẻ, trong có năm chữ: "Định quy ngã quân sư" (nhất định làm quân sư). Toàn và Can nhìn nhau, cười đắc ý. Toàn liền mời Can làm quân sư. Vương Luân Can trong vai một anh thầy bói, đi khắp nơi dụ thuyết, khuyên người ta về đầu Hồng Tú Toàn. Thấy đã đủ lực lượng, Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh dấy binh khởi nghĩa, phát tự thôn Kim Điền, kéo xuống đánh Giang Tây, Quý huyện rồi Tân Châu, thanh thế vang dậy bốn phương.

Hồng Tú Toàn tự xưng làm Thái Bình Vương ở sông Đại Hoàng, rồi chia quân đi chiếm cứ một giải núi Tử Kinh đánh được châu Vĩnh An, Hồng Tú Toàn kiến lập ra Thái Bình Thiên Quốc và tự phong cho mình làm Thiên Vương, phong Dương Tú Thanh làm Đông Vương, Tiêu Triều Quý làm Tây vương, Phùng Vân Sơn làm Nam Vương, Vi Xương Huy làm Bắc Vương, Thạch Đại Khai làm Dực Vương. Toàn còn một Vương hiệu kêu hơn nữa là Thiên Đức Vương ngụ ý là con trai đích thực của Chúa trời, đem gieo rắc cái đức sáng của Chúa.




Toàn phong cho bọn Tần Mục Chương, La A Vương, Phạm Liên Đức, Hồ Dĩ Hoảng, tất cả đến bốn mươi tám người anh em, kẻ làm thửa tướng người làm tham mưu, người làm tướng quân. Cấp dưới nữa gồm các tướng, các quan lớn nhỏ đủ tám trăm người cũng đều được phong quan chức. Toàn ra một đạo thượng dụ, lời lẽ như sau:

"Thiên Vương chiếu lệnh: phàm đinh lớn nhỏ trong quân, ai cũng đều phải nhận rõ mà phụng hành đại đạo. Chúng ta nên biết đức Chúa Cha ở trên Trời tức Thượng Chúa Hoàng Thượng Đế vốn là một chân thần. Ngoài Chúa là chân thần ra, các thần khác đều chẳng phải là thần. Đức Chúa Thượng Hoàng đế không có gì là không biết, không có gì là không thể làm được, không chỗ nào là không có mặt, và không có một ai là không do ngài sinh ngài nuôi, cho nên ngoài đức Chúa Thượng Chúa Hoàng Thượng Đế ra không có một vị thần nào được quyền tiếm xưng là Chúa, tiếm xưng là Thượng đế. Từ nay về sau, các binh tướng thảy đều phải gọi trẫm là Chúa, thảy đều cấm nói "Thượng" khiến xúc phạm đền Chúa. Từ nay cả thảy đều gọi trẫm là Chúa, chứ không được gọi là Thánh khiến xúc phạm đức Chúa Cha trên Trời nữa.

Trước đây các vị quân sư tả phò hữu bật, tiền đạo hậu vệ, Trẫm đầu sai làm vương gia, đó là vì Trẫm theo cái lệ bất chính mà ra. Nếu căn cứ vào chân đạo mà bàn e có điều xúc phạm. Vậy nay đặc phong cho Tả phò chánh quân sư là Đông Vương quản trị các nước ở phương Đông, phong hữu bật chánh quân sư làm Tây Vương quản trị các nước phương Tây, phong Tiền đạo phó quân sư lộ Nam Vương quản trị các nước ở phương Nam, phong Thạch Đạt Khai làm Dực Vương, làm vây cánh giúp rập Thiên triều. Tất cả các Vương được phong như trên đều chịu sự tiết chế của Đông Vương. Mặt khác Trẫm đặc chiếu gọi Hậu cung Nương Nương quy phi làm Vương nương. Khâm thử"
.

Thiên Vương Hồng Tú Toàn sau khi hạ đạo thượng dụ, liền cho mời các vương gia tập họp lại trong cung, mở tiệc lớn. Rượu đến lúc chếnh choáng, Thiên Vương tự ý khai lý lịch ra rằng:

"Trẫm khi lên bảy theo học ở trong thôn, thường dậy sớm tới trường, ngoài đường thấy có trâu ngựa đứng dậy giơ móng, gõ vó để chào trẫm. Đến lúc mười tám tuổi, trẫm tinh thông hết các môn, môn nào cũng đều giỏi. Nhà nghèo nên trẫm mở trường dạy trẻ ngay trong thôn, sinh sống qua ngày. Cha mẹ trẫm đều sớm mất cả. Mãn tang, trẫm lên phủ đi thi. Giữa đường, trẫm gặp một ông thầy coi tướng rất giỏi, đoán tướng trẫm, bảo trẫm công danh sau này phú quý không thể nói hết được. Rồi có một hôm, trẫm đi qua phố Hùng Trấn, gặp hai ông lão cho trẫm chín cuốn thiên thư (sách trời). Từ đó ngày đêm ở lỳ trong nhà, trẫm học thuộc bộ sách quý đó. Nhưng khi học xong, trẫm bỗng nhuốm bệnh. Căn bệnh này quả thực kỳ quái. Trẫm nằm trên giường bốn mươi ngày liền chẳng cơm nước gì, mơ một giấc mơ.

Trước hết thấy một con rồng, một con cọp già, một con gà, chạy xông vào nhà, phía sau có một đám người khá đông, mình mặc quần áo bảnh bao sặc sỡ, miệng thổi sáo, ca hát vang dậy, xông vào vào đón rước trẫm ra khỏi nhà, đặt lên kiệu, khiêng tới một nơi rất đông trai gái ăn mặc toàn quần áo thời xưa. Nhìn thấy trẫm, bọn trai gái đều bước tới làm lễ. Một bà lão từ phía sau tiến lên trước, xô mạnh trẫm xuống lòng sông, rồi tắm rửa cho trẫm sạch sẽ, sau đó đưa trẫm tới một toà điện lớn rộng. Tại nơi đây, trẫm bị một người cầm dao mổ bụng, móc trái tim trẫm ra, thay bằng trái tim khác, lúc đó thật là đau đớn khủng khiếp. Trong điện chất rất nhiều những cuốn sách nhỏ. Trẫm chọn lựa, mở xem. Sách giảng về phép tắc hành quân. Từ khi bị đổi tim, trẫm minh mẫn dị thường, đọc đâu nhớ đó, và nhớ lại vừa nhanh. Đọc hết mọi bộ sách trong điện, họ lại đưa trẫm tới một điện khác, phía trên điện có một ông lão mặc bộ đồ đen song râu ria trắng toát, tướng mạo oai nghiêm, mặc một bộ đồ đen. Vừa nhìn thấy trẫm, ông lão nhỏ lệ trên má bảo: "Nhân loại sống trên thế giới này đều do ta tạo ra. Nay đại kiếp sắp tới, phi người ra chẳng ai cứu được chúng cả!"

Nói đoạn ông lão mặc bộ đồ đen trao cho trẫm một chiếc ấn vuông, một cây kiếm, lại cho trẫm ăn một trái cây chín màu vàng, ăn xong trẫm không còn biết đói là gì nữa!

Giấc mộng đến đây dứt, trẫm tỉnh ra thì đã bốn mươi ngày qua. Đến lúc hết bệnh, trẫm nhớ lại nội dung chép trong binh thư, không quên lấy một chữ. Hiện nay bọn ta mở cờ đã thắng, ra ngựa đã thành công, đều là nhờ những phép tắc trong mấy cuốn binh thư đó. Bọn ta phải nhớ ơn vị hắc y lão nhân kia".

Nói đoạn, Hồng Tú Toàn sai em gái là Hồng Tuyên Kiều vẽ một bức chân dung vị lão nhân nọ đặt tại giữa điện, rồi tất cả bắt chước vị lão nhân để tóc dài xoã xuống vai khiến dân chúng đều gọi là bọn họ la quân "tóc dài".

Bên ngoài binh tình náo loạn như vậy mà bên trong Mục tướng quốc vẫn còn cố giấu Đạo Quang hoàng đế! Hoàng đế lúc này lại bị bệnh nặng, tinh thần bải hoải, chẳng còn làm gì được nữa.

Người lo rầu hơn cả lúc này là Tứ hoàng tử Dịch Trữ. Trữ vốn người tinh tế thấy bên ngoài thì bọn gian thần lộng quyền, bên trong thì phụ hoàng bệnh tật, lòng cứ rối bời lên. Lại thêm quân binh các nước phương tây như Anh, Mỹ, Đức, Pháp hằng ngày kéo tới bức hiếp, giáo đồ thì nổi dậy khắp xứ. Tin tức báo về càng ngày càng nguy cấp.

Trữ tuy làm hoàng tử, nhưng theo phép tắc của tổ tông lại cấm không cho tham dự vào quốc chính, đành khoanh tay ngồi nhìn, suốt ngày trong cung nội hầu hạ phụ hoàng bệnh hoạn. Đạo Quang hoàng đế biết mình đã đến lúc vô dụng rồi, nên cho triệu tập Tôn nhân phủ lại, có Tôn lệnh là Đái Thuyền, Ngự tiền đại thần là Đái Viên, Đoạn Hoa, Tăng Lâm Bi, quân cơ đại thần là Mục Chương A, Ai Thượng A, Hà Nhĩ Lâm, Trần Phụ Ân, Lý Chi Xương, Tổng quản nội vụ phủ đại thần là Văn Khánh, tất cả vào cung để phó thác hậu sự. Cùng lúc đó, bọn hoàng tử Dịch Trữ, Dịch Tố, Dịch Hoàn, cũng kéo nhau đứng cả hai bên giường bệnh của hoàng đế, để nghe cha truyền bảo, nước mắt dàn dụa. 



Đạo Quang hoàng đế đem hậu sự trối trăng cặn kẽ xong, bèn sai Mục Chương A và Văn Khánh, hai người tới điện Chính Đại Quang Minh lấy cái hộp vàng mang tới, mở lấy chiếu ra, tuyên đọc trước mọi người lập Tứ hoàng tử Dịch Trữ làm hoàng đế.

Trữ vâng lệnh chiếu thư quay về phía phụ hoàng tạ ơn.

Đôi ngươi của Đạo Quang hoàng đế bỗng trợn ngược lên rồi từ từ nhắm lại. Ngài đã ra đi, đi khỏi nơi dương thế...


Hồi 109: Bọn lính coi kho

Đạo Quang hoàng đế mất, bọn đại thần rước Tứ hoàng tử tới điện Thái Hoà đánh trống khua chiêng vang dậy, làm lễ triều hạ của bá quan, lên ngôi hoàng đế, hiệu là Hàm Phong.



Hàm Phong sai nội phủ tống đạt văn thư chiếu chỉ đi các tỉnh phát táng cho Đạo Quang hoàng đế, đồng thời chỉnh lý lại triều cương. Chỉ dụ đầu tiên của ngài ban xuống là, cách hết chức tước của quân cơ đại thần Mục Chương A, giáng tổng đốc Kỳ Anh xuống hàng ngũ thẩm viên ngoại long ngũ hậu hổ.

Mục Chương A vốn là một vị nguyên lão đại thần suốt ba triều, oai quyền hống hách khét tiếng. A lúc đó đã già, gia đình lại giàu có, thấy hoàng đế ra ân không tịch biên gia tài bèn lui về hưởng cảnh nhàn lạc.

Trở về nhà, Mục tướng quốc vốn tin tưởng Lạt Ma Giáo, định ra sức tu hành để có thể thành phật thành tiên. A cũng lại thích nhậu nhoẹt, thường mời mọc khách khứa đến nhà, tiệc tùng linh, đình.

Nhiều quan ngự sử thấy A bị cách chức mà không biết tội, vẫn ngang nhiêu hành lạc, giận quá, bèn dâng sớ xin hoàng thượng nghiêm tra xử xét. Một người thân thích của A được tin này liền tới báo cho A biết, A cười bảo:

- Tao chết rồi thì còn sợ cái nỗi gì mà chẳng tìm kiếm thú vui chứ? Mai tao còn mở tiệc to bằng mấy kia!

Qua hôm sau, Mục Chương A quả sai gia nhân mang thiệp đi khắp nơi mời đủ bạn bè thân thích, môn sinh, cố tri tới nhà dự tiệc. Trên tấm thiếp viết rõ ngày nào giờ nào từ giã cõi đời, xin vĩnh biệt Thánh thượng.

Tất cả đám khách ai cũng lấy làm lạ. Đúng giờ mời, mọi người đổ tới nhà A. A tươi cười hớn hở, chào đón trò chuyện hết sức vui vẻ cân cần, chẳng có chút gì sắp chết cả.

Hồi đó chức lang trung giữ kho bạc của bộ Hộ bị khuyết. Bổ sung vào chức này đều là người Mãn. Cứ ba năm một nhiệm kỳ, kẻ nào tham lam thì ít ra cũng phải vớ được vài chục vạn. Chẳng cần nói các vị quan lớn này mà ngay những chú lính coi kho thôi, lúc mãn nhiễm thế nào cũng kiếm chác được vài vạn lạng.

Hôm đó, khách mời tới đông lắm. Trong đại sảnh bày đủ bốn mươi thồi rượu. A cất chén mời khắp cả mọi người. Rượu đến giữa chừng, A nhìn ánh mặt trời rồi nói:

- Giờ đã tới rồi, xin quý vị tạm đợi cho một chút.

Nói đoạn, A qua vào trong tắm rửa sạch sẽ, thay đổi y phục, mặc áo mãng bào triều phục, trước hết từ biệt vợ con hầu thiếp ở nhà trong rồi ra nhà ngoài đứng vòng tay nói mấy tiếng: "Xin cho phép! Xin cho phép!", đoạn thong dong ngồi xuống, xếp bằng tròn trên giường nhắm đôi mắt lại, tự nhiên hết thở, chết lúc nào không rõ.

Sau khi Mục Chương A chết, đám quan ngự sử tham tấu tiếp là thượng thư bộ hộ là Giác Lân ăn cắp của kho. Triều chỉ hạ xuống cách chức của Giác Lân, phát vãng đi Tân Cương làm lính trấn thủ.

Nếu nói đến tội ăn cắp của kho thì mấy ai coi kho, coi tiền của triều đình mà thoát được. Giác Lân sở dĩ bị nạn chỉ vì là người thân thích của Mục Chương A, hơn nữa Lân ăn cắp quá nhiều, đến hai mươi vạn lạng bạc.

Quan lớn ba năm một nhiệm kỳ, binh lính tại nơi đây cũng ba năm một nhiệm kỳ. Tất cả đều là người Mãn, tuyệt đối không có người Hán. Thảng hoặc có người Hán nào được làm tại nơi đây thì nhất thiết phải có một viên quan Mãn tiếng tăm nào đó tiến cử. Mỗi một lính coi kho được phái tới làm việc bắt buộc phải hiếu kính quan thượng thư cùng quan lang trung ngân khố người Mãn chừng sáu, bảy ngàn lạng. Đến khí chú lính coi kho rời khỏi nha môn đi công vụ hoặc nghỉ phép về nhà thì thể nào cũng phải mướn tiêu sư bảo hộ suốt dọc đường. Trong kinh thành thiếu gì bọn trộm cướp, tống tiền, thường tụ tập, nhè khi có một chú lính coi kho thuyên chuyển ra đi, liền đón đường cướp giật bắt cóc rồi giam giấu một nơi, đưa tin cho gia đình nạn nhân phải đem tiền chuộc, ít ra cũng một, hai ngàn lạng mới thoát được về nhà với vợ con.

Nếu không có tiền chuộc, bọn chúng giữ chú lính mãi tới lúc quá hạn nghỉ mới thả ra. Chú lính được thả ra nhưng giấy phép quá hạn, liền bị đuổi khỏi nha môn, bị thay thế bằng một tên khác. Bởi vậy, chú ta chẳng dại gì để mất cơ hội nghìn năm một thuở, do đó thường gia đình nạn nhân phải đem tiền bạc tới mà chuộc về.

Cứ ba năm lại có một kỳ kén chọn bốn mươi tên lính coi kho. Mỗi tháng thường mở kho chín lần. Lại có năm, sáu lần mở kho thêm. Vào buổi mở kho, có khi phải đưa bạc ra ngoài, cũng có khi mang bạc vào trong. Bọn lính coi kho chuyên dùng vào việc chuyển bạc, mỗi lần chuyển phải tới trên ngàn vạn lạng, không thể chuyển vận xuể, thường mỗi tháng phải bốn năm kỳ.

Mỗi khi xuất kho thì nhiều là bảy, tám, ít cũng phải ba, bốn lần, mỗi lần ăn cắp ít ra cũng được năm mươi lạng. Kho bạc cần đề phòng nhất là bọn lính ăn cắp bạc, cho nên theo luật lệ tại đây, cứ mỗi lần mở kho, bất luận mùa đông tháng giá, bọn lính coi kho đều phải cởi trần trùng trục, chạy qua trước mặt viên đường quan điểm danh rồi mới vào kho mặc lại quần áo của nhà kho may sẵn.

Nhưng chuyện bị cởi trần như nhộng ấy thực cũng chưa phải đã ngăn chặn nạn đánh cắp được. Bọn lính coi kho nhét những thỏi bạc vào lỗ đít mỗi lần xin phép ra ngoài. Thỉnh thoảng có những tay bản lĩnh cao cường, có thể nhét được đến mười thỏi bạc Giang Tây, cứ mỗi thỏi cân đúng mười lạng bạc.

Trong kho chẳng có giường chõng gì cả nên mỗi khi muốn nghỉ ngơi ăn uống lại trở ra phía ngoài. Lúc ra khỏi kho, chú lính kho lại phải trần như nhộng, đi qua trước mặt viên quan kho, giạng háng rồi nhảy lên một cái, giơ hai tay lên trời há mồm rộng hô to lên một tiếng, xong mới được đi ra.

Cách cửa kho độ một tầm tên có một căn nhà nhỏ, cửa đóng kín mít, cửa sổ có chấn song gỗ che lại. Đây là nơi bọn lính cởi bỏ quần áo giấu của ăn cắp. Vùng Bắc Kinh, đất toàn cát. Mỗi lần mở cửa kho đều có bọn phu gánh nước quảy thùng vào trong kho lấy nước. Bọn lính kho liền ăn thông với bọn này. Cái thùng có hai đáy. Bọn lính kho đem giấu bạc vào quãng giữa hai đáy ấy để chuyển ra ngoài. Đợi khi chuyển hết bạc, đóng cửa kho, đường quan bỏ đi rồi, bọn họ mới lén gánh các thùng nước ra khỏi kho.

Về sau có một viên thượng thư bộ Hộ tên là Kỳ Thế Trường người rất thanh liêm. Một lần mở kho, Trường đích thân đi kiểm soát đôn đốc, thấy một tên phu gánh nước qua mặt, cái đáy thùng bỗng tự nhiên sút đinh rớt bịch xuống đất, bạc rơi tung tóe ra. Kỳ Thế Trường cả giận, lập tức hạ lệnh bắt tên phu gánh nước, định qua ngày hôm sau tâu lên tra hỏi. Nhưng sau một vị sư già của Trường khuyên nên thả hắn ra và bịt hẳn chuyện đi để tránh gây ra một vụ án khiến hoàng thượng biết được mà đem tra vấn thì không khỏi một số thượng thư người Mãn sẽ bị chặt đầu và chính ông cũng sẽ bị kẻ thù giết hại. Kỳ Thế Trường nghe theo liền đem yểm giấu hẳn vụ án này. Đó là việc sau.

Lại nói bọn lính kho đều là bọn cha truyền con nối từ đời nọ tới đời kia. Bọn này cần phải luyện tập sao cho lỗ đít thật rộng, để có thể nhét được tới mười lạng bạc. Ngay từ lúc nhỏ tuổi, họ phải tìm một gã thuộc loại khoái người cùng giới nhỏ tuổi trước đã, sau đó phải dùng tới trứng gà bôi dầu vừng ngoài vỏ rồi nhét vào cho quen đi. Dần về sau, bỏ trứng gà dùng trứng vịt, rồi trứng ngỗng và cuối cùng thay bằng những viên đạn sắt. Họ phải tập luyện cách nào và lúc nào mà lô đít rộng ra để chứa đến mười viên đạn sắt nặng chừng mười lạng thì mới coi là thành công. Bản lĩnh trung bình chỉ có thể nhét được năm, sáu viên là cùng. Do đó, bọn lính này về già thường hay bị bệnh lòi rom hoặc trĩ, hết sức đau đớn, khổ sở. Duy chi có quan thượng thư bộ hộ được bọn này hiếu kính đầy đủ là được an hưởng phú quý sung sướng mà thôi.

Lại nói sau khi Giác Lân bị cáo trộm của kho, quan Ngự sử dâng tiếp sớ đàn hặc một viên đại học sĩ người Mãn khác tên gọi Dự Đức, vốn là thân thích của Mục Chương A.

Giậu đổ thì bìm leo, cho nên bọn thân thích quen thuộc của Mục Chương A, dù không có tội cũng thành có tội, huống hồ Đức lại là một tên tham quan chuyên ăn tiền hối lộ. Thế là bọn ngự sử dâng sớ tố cáo Đức tội trộm của kho trong dịp kiểm soát Lục Khố. Lục Khố là gì? Lục Khố có nghĩa là sáu kho. Sáu kho này xây cất ở phía trái cửa Đại Hoà môn, vốn để lại từ đời Minh. Sáu kho gồm có: kho vàng, kho bạc, kho đồ cổ, kho da thuộc, kho quần áo, kho thuốc… Trong kho cũng có tàng trữ những đồ trân bảo. Chỉ cần nói trong kho quần áo có một bức tượng của bà hoàng hậu đời Minh, rộng đến tám thước, toàn là trân châu buộc lại mà thành, riêng đường viền cũng toàn dùng bảo thạch màu hồng lục kết lại. Những hạt minh châu này nhỏ bằng hột đậu xanh, to bằng hột quế, chỉ vì ngày tháng đã qua lâu nên dây chạc đều mục nát đứt gần hết. Mỗi lần kiểm tra lại có nhiều hạt minh châu rớt ra.

Bọn quan coi kho giả đò lượm lên, lấy giấy gói lại, gắn xi rồi đóng dấu lên trên. Thực ra thì trong gói đó chi là những hột giả, còn những hột thật thì đã rơi vào hầu bao của bọn quan coi kho đó rồi.

Trong kho còn có cả mười mấy rương hài nhỏ thêu của đám phi tần triều Minh. Ở chỗ mũi hài có cẩn những hạt minh châu và có tiếng lắm, nhưng đều đã bị đổi bằng đồ giả. Cả cái kho da cũng vậy, đều thay đổi hết đồ xấu, còn đồ tốt thì bị bọn quan coi kho ăn cắp hết. Song chúng đâu ăn một mình được. Tất cả những vụ trộm cắp này đều có sự thông đồng với bọn đại thần, nhưng nay thấy Dự Đức bị tố cáo, cả bọn bèn nhao nhao đổ hết tội cho Đức. Họ nói rằng chính Đức khi làm quan đại thần kiểm tra đã đánh cắp hết những thứ đó.

Theo quy củ của Thanh triều thì mỗi năm có hai vị đại thần người Mãn được phái tới kiểm soát Lục Khố một lần.

Không may cho Đức làm đại thần kiểm soát vào lần chót cho nên cả bọn bèn đổ hết tội cho Đức, đến nỗi Đức đã mất quan, mất nghiệp, mà còn phải lên mãi Hắc Long Giang sung quân. Đồng đảng Mục Chương A đều bị bọn ngự sử dâng sớ đàn hặc, kẻ bị cách, người bị tống khứ đi hết, chẳng còn ai. Hàm Phong hoàng đế tính tình cẩn thận, cố chỉnh đốn lại triều cương.

Trong cung cấm, bà Hiếu Trinh hoàng hậu cũng hết sức đoan chính cần kiệm, trông coi dạy dỗ các phi tần.

Bà hoàng hậu Hàm Phụng nguyên là con gái của Mục Chương A, ở ngôi Chánh cung chẳng được bao lâu thì mất. Hiếu Trinh hoàng hậu lên thay, vốn là một nàng quý phi họ Nữu Cô Lộc.



Bà vừa đẹp lại vừa đoan chính nên Hàm Phong hoàng đế rất sủng ái. Trong cung đều gọi bà là Đông hậu, rất thuần phác, cần kiệm. Ngày thường trong cung cấm bà chỉ mặc hàng vải. Màn trướng, mùng màn, đều không thêu hoa. Điều đặc biệt là bà ghét đồ Tây, đẹp thì đẹp nhưng không dùng được trò gì. Bà chỉ đi một đôi hài thêu giống hệt hài bọn cung nữ, do chính bọn này thêu cho. Mỗi năm bà đích thân thêu cho hoàng đế một đôi hài. Bên ngoài có kẻ tiến cống quần áo, đồ trang sức, bà đều cho bọn cung nữ đem trả lại hết. Bà thường bảo bọn chúng:

- Bọn thần tử đem dâng hiến một cái gì tức là trăm họ phải tốn kém đi chừng đó. Nếu nhận đồ dâng hiến đó tức là ta ngấm ngầm xúi chúng trở thành tham quan. Do đó, ta không, thể nào nhận được.

Hiếu Trinh hoàng hậu nhất cử nhất động đều biết lễ biết tiết. Vào mùa nóng nực, bà không bao giờ ăn vận lộ tay lộ chân. Khi tắm gội, bà cũng không bắt ai hầu hạ kỳ cọ cho mình. Mỗi khi lên gặp mặt hoàng đế, bà đều mặc lễ phục. Bà rất ghét ăn mặc hở hang, cầu thả.

Hồi đó có một nàng phi tên gọi Vinh phi, thân hình nhỏ nhắn xinh đẹp tô son điểm phấn rất kiều diễm. Nàng lại đi một đôi hài không ruột, chạm trổ đoá hoa mai, rắc đầy phấn thơm. Mỗi bước nàng đi phấn hoa mai rơi xuống in vết trên mặt đất. Hiếu Trinh hoàng hậu thấy thế cả giận, bảo nàng cố ý làm vậy để mê hoặc hoàng đế, lập tức truyền gọi nàng tới, đánh cho một trận nên thân rồi tống vào lãnh cung.

Hàm Phong hoàng đế thực ra cũng khoái chuyện phong lưu bay bướm. Nhưng thấy hoàng hậu nghiêm chính như vậy, ngài rất kính trọng và đặt cho bà biệt hiệu: "Nữ thánh nhân"…

Hồi 110: Hồng Tú Toàn xưng đế

Thời vua Hàm Phong, Thanh cung còn có bà Hiếu Mục hoàng thái hậu, người rất hiền đức. Hiếu Mục hoàng thái hậu vốn là một sủng phi của Đạo Quang hoàng đế. Hồi đó, tuy Đạo Quang sủng ái nhất Tĩnh phi nhưng ngài cũng vẫn thường qua lại nơi này để trò chuyện bàn luận. Bà được cái vinh hạnh này chỉ vì bà hiền hậu nết na, trong khi đó Tĩnh phi cậy được hoàng đế yêu nên kiêu căng rất mực. Cứ mỗi lần Hoàng đế tới cung, Hiếu Mục hậu đem hết cách chiều chuộng làm cho ngài vừa lòng, Đạo Quang hoàng đế cũng thường khen bà và so sánh bà như một đoá hoa đẹp khiến người ngắm mãi mà chẳng chán. Bởi thế khi có việc gì được xem là trọng ngài chỉ tới bàn tính với bà, còn đối với Tĩnh phi bất quá chỉ qua chơi mua vui mà thôi.

Sau khi Đạo Quang hoàng hậu bị hoàng thái hậu và Tĩnh phi mưu sát, còn để lại một Tứ hoàng tử. Chàng không người nuôi dưỡng, lạnh lẽo cô đơn, khổ sở hết sức. Đạo Quang hoàng đế bèn đem Tứ hoàng tử phó thác cho Hiếu Mục hậu nuôi và dặn bà cố gắng giúp chàng nên người. Được sự uỷ thác đó Hiếu Mục hậu để ý cẩn thận nuôi dạy tứ hoàng tử bất cứ việc no đói, ấm lạnh, bà đều chăm sóc đến nơi đến chốn.

Hiếu Mục hoàng hậu có một người con trai, Lục hoàng tử Dịch Hân. Ấy thế mà bà săn sóc con mình lần không bằng Tứ hoàng tử. Bà nói:

- Tứ hoàng tử mồ côi mẹ, cần phải thương nó nhiều hơn.

Cũng vì thế, tứ hoàng tử càng yêu quý Hiếu Mục hậu, ngày thường vẫn kêu bà là mẹ, y như đối với mẹ mình.

Về sau, khi muốn lập hoàng tử, Đạo Quang hoàng đế lẻn tới hỏi ý kiến Hiền Mục hậu. Ngày thường, Đạo Quang hoàng đế vốn rất yêu quý Lục hoàng tử, chi vì Lục hoàng tử mạnh tợn và tính tình giống mình. Nhưng đến khi nghe tứ hoàng tử nói mấy câu tỏ vẻ hết sức nhân từ trong một cuộc đi săn thì ngài đâm ra do dự, không quyết tâm lập lục hoàng tử như trước nữa. Ngài trở về cung, tìm đến bàn với Hiền Mục hậu.

Hiền Mục hậu cũng hết lòng tiến cử tứ hoàng tử. Nhưng Đạo Quang hoàng đế lại cho biết ý ngài muốn lập Lục hoàng tử.

Hiền Mục hậu cản ngăn mấy bận. Bà nói:

- Không được đâu. Khỏi cần phải nói nhiều vì tứ hoàng tử chính là con trai của Chính cung hoàng hậu. Hơn nữa tứ hoàng tử khá hơn bọn anh em gấp bội!

Đạo Quang hoàng đế nghe lời Hiền Mục hậu, lập tứ hoàng tử là thái tử và từ đó, trong lòng càng kính trọng bà. Khi mất, ngài ba bốn lần uỷ thác Hàm Phong hoàng đế cho bà.


Hàm Phong hoàng đế lên ngôi, biết ngôi vua của mình là nhờ Hiền Mục hậu hết sức giúp đỡ mới có. Bởi thế, ngài lập tức phong Hiền Mục hậu làm hoàng thái hậu, mời bà về ở tại Tử Ninh cung, rồi ngày ngày đích thân tới vấn an, coi bà như mẹ đẻ của mình. Hàm Phong hoàng đế cũng phong cho lục hoàng tử làm Cung Trung thân vương. Theo luật lệ trong cung nhà Thanh thì khi vua cha chết rồi, chỉ có một mình thái tử mới được ở lại trong cung, ngoài ra phải ở ngoài hết không được vào cung. Tuy nhiên đối với lục hoàng tử, Hàm Phong hoàng đế đặc biệt khai ân, cho phép Cung Trung, thân vương được vào cung bái yết thái hậu lúc nào tuỳ ý. Do đó hai mẹ con thái hậu rất lấy làm cảm kích Hàm Phong hoàng đế.


Về sau, lúc tuổi đã già, Hiếu Mục hoàng thái hậu mới cảm thấy hối hận, một mình lủi thủi trong cung, bà nghĩ tới cái ngày đau yếu rủi lỡ nhắm mắt lìa đời mà con mình thì xa cách, biết lấy ai bên cạnh ma chay cho mình, nghĩ càng hối hận, đâm ra oán hận Hàm Phong hoàng đế. Rồi cứ mỗi lần thấy Hàm Phong hoàng đế tới thỉnh an, bà không vui mà còn có ý giận, hoặc buông lời mắng trách. Dù vậy Hàm Phong hoàng đế lúc nào cũng vui vẻ hoà nhã, một lòng hiếu kính thái hậu.

Về sau Thái hậu bệnh nặng. Cung Trung Thân Vương tuy thường lui tới trong cung, nhưng cũng không cách nào ở lại trong cung được cho nên chi có Hàm Phong hoàng đế sớm hôm chầu chực thuốc thang bên cạnh giường. Ngoài ra, còn có Hiếu Trinh hoàng hậu, cũng cùng ngài luân phiên hầu hạ.

Bệnh tình của Thái hậu tới ngày nguy kịch. Đôi ba lần bà đã mê đi. Hàm Phong hoàng đế ngày đêm hầu hạ bên cạnh giường không dám rời xa.

Một hôm thái hậu bàng hoàng tỉnh lại. Trời đã tối. Bà thấy một người ngồi ở trước giường. Bà nhận ra Dịch Hân, con bà, bà cầm lấy tay con:

- Con ơi! Mẹ chỉ còn có sớm chiều là qua đời thôi! Mẹ được đương kim hoàng đế tiến dưỡng mấy năm, mẹ có chết cũng yên lòng. Mẹ chỉ buồn một nỗi năm xưa, tiên hoàng đế có ý định lập con làm thái tử thì mẹ gạt đi. Mẹ ngăn cản đến ba bốn lần: Mẹ càng nghĩ càng thấy mẹ lầm. Mẹ đã làm hại con, cho con đành chịu cúi đầu khom lưng trước kẻ khác cho qua ngày đoạn tháng!

Nói tới đây Thái hậu ứa nước mắt, đôi dòng lệ rơi trên gò má xương xẩu. Bà có ngờ đâu người ngồi bên cạnh giường. bà đó không phải Cung Trung thân vương mà lại là Hàm Phong hoàng đế.

Hàm Phong hoàng đế nghe lời than thở hối hận của thái hậu, chẳng những không giận mà còn khuyên bà nên yên lòng dưỡng bệnh, chớ nên nghĩ ngợi lo phiền. Bỗng thái hậu tỉnh hằn lại. Bà biết bà đã lầm, lòng bà càng não nuột. Một cơn ho kéo tới, đờm trào lên nghẹt tắc lấy cổ. Bà thiếp đi luôn không còn nói thêm lời nào nữa.

Hàm Phong hoàng đế một lòng kính trọng thái hậu. Ngài hạ chiếu phát tang, tổ chức đám tang theo nghi lễ là hoàng thái hậu. Sau đó, ngài vẫn một lòng săn sóc Cung Trung Thân Vương. Thân Vương càng đem hết lòng để phục vụ quốc gia.

Hồi đó, ở miền Nam, Hồng Tú Toàn đang gây rối tại miền Vinh an. Toàn lập nên Thái Bình Thiên quốc xưng bá đồ vương, tiếng tăm dậy khắp bốn phương.

Hàm Phong hoàng đế bèn hạ chiếu phục chức lại cho Lâm Tắc Từ, sai đem quân tới Quảng tây. Không ngờ Từ vừa tới Triều Châu, bỗng nhuốm bệnh mất.

Hàm Phong hoàng đế lại hạ chiếu sai Hưởng Vinh, Trương Tất Lộc, hai người đem binh đi tắt chặn các nơi. Quân mã của Thái Bình Thiên quốc lúc đó tích cực hoạt động. Họ tránh không đụng độ với quân của Hưởng, Trương hai tướng, tiến đánh một giải châu huyện Từ Quế Bình, Quý Võ tới Tuyên Bình. Họ lại chiếm Tuyên Châu…

Triều đình thấy quan quân người ngựa ít ỏi, bèn uỷ cho Lưỡng Giang tổng đốc là Lý Tinh Nguyên hội cung đại học sĩ Lại Thương A phó đô thống Hồng A đem quân tinh nhuệ từ Kinh đô tới vây Tuyên Châu, đẩy lui được quân của Dương Tú Thanh. Không ngờ, đoàn quân tóc dài thấy bốn mặt bị vây bèn quay về phía đông đánh thốc vào địa phận tỉnh Hồ Nam, cướp được Toàn Châu, lại lấy được Đạo Châu, Quế Bân, Dương Châu, vượt sông qua đánh An Nhân, Lễ Tăng.

Tháng bảy năm thứ hai niên hiệu Hàm Phong, đoàn quân tóc dài đánh tới Tràng Sa, vây thành hơn bảy mươi ngày liền, nhưng không xông vào được. Toàn lượm được một cái ngọc tỷ ở ngoài cửa Nam Thành, từ đó, càng có cái ý thôn tính thiên hạ, xưng bá xưng vương.

Hồi đó Tây Vương Tiêu Triều Quý của Thái Bình Thiên quốc chết trận tại Tràng Sa. Quân tóc dài lại quay mũi dùi sang Thường Đức. Đánh được Thường Đức, lại được Ích Dương, cướp được vài ngàn chiến thuyền, vượt qua Động Đình hồ, tấn công thẳng thành Nhạc Châu đoạt được rất nhiều binh khí. Binh khí này vốn là những binh khí Thanh binh do đám Ngô Tam Quế thời vua Khang Hi còn để lại.

Hồng Tú Toàn thấy chiếm được nhiều binh khí càng hăng hái và quyết tam hơn, liền dọc theo Tràng Sa đi xuống, chiếm Hàm Dương, Võ Xương, tiếp sau đó, công hãm Cửa Giang, An Khánh, Vu Hồ, Thái Bình, chỉ trong vòng có một tháng.





Quan binh của triều đình đến lúc này cứ hễ thấy đoàn quân tóc dài đi tới đâu là sợ hãi hết hồn, theo gió mà chạy vắt giò lên cổ.

Tin chiến bại và thất thủ hết nơi này tới nơi khác, có ngày đến hàng chục lần. Nhưng tin kinh khủng này bay về kinh sư như bươm bướm, làm cho Hàm Phong hoàng đế bối rối, không biết tính toán ra sao. Ngày ngày, ngài hạ hết thánh chỉ này tới thánh chỉ kia, điều binh khiển tướng lung tung, nhưng chẳng ăn thua gì.

Tháng hai năm thứ ba niên hiệu Hàm Phong, đúng vào ngày mồng mười, Hồng Tú Toàn đánh vào thành Nam Kinh giết chết Mãn quân, trai gái đến hai vạn người, ném đầu và xác xuống sông Trường Giang đầy nghẹt cả một khúc sông.

Cướp được Nam Kinh rồi, Hồng Tú Toàn kiếm cây đào đất, xây cất cung điện lâu đài, tự xưng là Thái Bình Thiên hoàng. Toàn cũng lập tam cung lục viện, phi tần trong cung cấm đều có ngôi thứ và danh hiệu. Vợ cả của Thiên hoàng xưng là hoàng hậu, có tần nương một người, ái nương hai người, hi nương hai người, luôn luôn ở bên cạnh hoàng hậu để hầu hạ. Các nương này đều được kể là những quan cao bậc nhất.

Ngoài ra trong cung cấm còn có hai mươi bốn nàng phi, một nàng có bốn quan nữ, bốn trạch nữ, bốn khuê nữ, bốn đàm nữ, bốn hạp nữ ở bên cạnh hầu hạ. Đám nữ này đều được phẩm tước từ nhị phẩm đến nhất phẩm. Lại còn có mười nguyên nữ, mười yêu nữ, cũng để hầu hạ các hậu phi. Đám nữ này được phẩm tước từ nhất phẩm tới lục phẩm. Đám gái đẹp ở trong cung cấm tuy lấy tiếng là làm quan, nhưng cô nào cung bị Hồng Tú Toàn gian dâm hết thảy. Thiên hoàng khoái nhất là những xử nữ mười ba, mười bốn tuổi. Cho nên những nữ quan này đều được tuyển lựa trong hàng gái đẹp trẻ măng, hầu hết đều vào quãng mười tuổi. Bọn gái đẹp này không một cô nào là không bị Thái tử của Thiên hoàng ngày ngày đem ra làm trò chơi, chết không biết bao nhiêu mà kể.

Hồng Tú Toàn lại còn phong cho anh em, bà con thân thuộc mình làm Thân vương. Trong phủ Thân vương, ngoại trừ bà vương phi ra, còn có hảo nữ bốn người, diện nữ tám người, giao nữ mười sáu người, khoa nữ hai mươi người, nghiên nữ hai mươi người, đa nữ hai mươi tám người, miêu nữ ba mươi hai người, quyên nữ ba mươi sáu người, mỹ nữ bốn mươi người, chia ra từ cửu phẩm tới nhất phẩm, thảy đều làm nữ quan hết.

Thái tử của Thiên hoàng xưng là Ấu chúa, ngoài bà Vương phi ra còn có mỹ nữ, lệ nữ tám người, giai nữ mười hai người, diệm nữ mười sáu người, đều là những nữ quan từ tứ phẩm tới nhất phẩm. Cai quản mọi việc trong hoàng cung có nữ tỳ, là những nữ quan cấp bậc nhị phẩm. Cứ hai người nữ tỳ lại có một người nữ chưởng suất cầm đầu, với cấp bậc nhất phẩm.

Tóm lại trong cung điện của thiên hoàng, ngoài một mình Thiên hoàng ra, chẳng còn thấy một tên đàn ông nào khác, ngay đến bọn thái giám cũng không có nữa.

Cung điện của Toàn, không còn gì đẹp hơn, quý hơn nữa. Tất cả đều là lầu son gác tía, rèm châu, màn gấm, nào vàng nào ngọc, lung linh rực rỡ, vô cùng mỹ lệ. Mỗi khi Thiên hoàng giá tới, cung tần phi hậu thảy đều phải quỳ xuống đón rước.

Thiên hoàng mình mặc áo tràng bào bằng đoạn vàng có thêu rồng bằng kim tuyến óng ánh, giơ chân múa vuốt, đầu đội mũ Bình Thiên, bốn góc bốn dải ngọc châu, rổn rảng, tóc kết dài lòng thòng. Thân hình của thiên hoàng nhỏ thó, lông mày rậm, râu dài lê thê, ngồi trên một chiếc kiệu có mười sáu tên cáng kiệu khiêng đi, kiệu có tán đỏ lọng vàng.



Trong cung điện, có một toà lâu đài cao ngất, tên gọi Diên đài, chu vi rộng có chừng hai chục mẫu đất. Trên đài trồng cây, hoa, lại xây đắp hồ, ao, chẳng khác gì ngay ở trên đất liền. Toà đài này hình lục giác, có xây sáu lớp bậc thang bằng đá hoa, khảm thêm vào những viên đá hoa cương năm sắc, trông hết sức đẹp, do đó, người trong cung này thường gọi là Bạch Ngọc thiên thể (thang trời bằng ngọc trắng). Trên đài có một toà chính điện. Ở bốn góc điện lại xây tiếp ba toà viện tử, tổng cộng mười hai toà viện tử. Cai quản Chính điện này là một nàng Tứ phi, bốn toà biệt điện còn có bốn nàng Tứ phi khác trông coi. Còn mười hai viện giao cho một bọn trục gia, tài nhân đông đảo trông coi.

Thiên vương Hồng Tú Toàn đêm đêm thường ngủ trong Chính điện, chỉ có Tứ phi được ngài ân sủng suốt đêm.

Trên đầu long sàng của Thiên vương có treo đủ các tấm thẻ đồng trạm trổ đầu con phượng của các phi tần. Khi nào cao hứng, Thiên vương giơ tay lấy một tấm thẻ đồng ném ra phía ngoài cửa trước; tức thì bọn nữ tỳ ngồi ở giường ngoài lượm ngay lấy, và chiếu theo tên trên tấm thẻ mà đi gọi phi tử.

Hồi 111: Hồng Tuyên Kiều

Thấy tấm bài khắc hình đầu con phượng, nàng phi tử nọ liền rút chiếc trâm cài đầu ra cho tóc xoã xuống. Tức thì có một tên nguyên nữ to lớn khỏe mạnh, lấy một chiếc chăn mềm thêu chim phượng hoàng, choàng kín từ đầu đến chân rồi ôm xốc nàng phi tử nọ đưa lên chính điện.

Viên nữ tỳ ở chính điện thấy nàng phi tử đưa tới, liền treo một bức màn gấm ở giữa điện, rồi mời Chánh phi ra ngồi phía ngoài bức màn, phía tả đứng một đội yêu nữ tay cầm ống nhỏ, lư hương và khăn bàn, gọi là Văn ban, còn phía hữu đứng một đội thị vệ, mình mặc giáp trụ, tay cầm cung kiếm, gọi là Võ ban.

Cả hai ban Văn, Võ này nếu không có lệnh của Chánh phi, thì không được hành động. Một ban thiếu niên con trai đứng đối diện một ban thiếu nữ trẻ măng, tai nghe những tiếng tình tự, đùa cợt, hay là tiếng ma quái lạ kỳ nào đó phía bên trong màn, thảy đều phải nghiêm nét mặt, có muốn cười cũng không dám cười.

Nói đến Tứ phi, ai cung chịu nàng là đệ nhất mỹ nhân trong Thiên vương cung hồi đó. Hồng Tú Toàn tuy hiếu sắc nhưng không cần bọn gái nhỏ như vua Thanh. Toàn chọn gái cũng không cần chọn mặt nữa, mà chỉ chọn thân hình. Cô nào có tấm thân óng chuốt, nõn nà, đồ sộ như bức tượng ngọc là được Toàn chọn. Toàn thường nói với tả hữu:

- Gái mà được là mỹ nhân, quyết phải có cái bụng thẳng, đôi vai thon, ngực bằng, người cao.

Trong cung của Hồng Tú Toàn có một cái thước đo người đẹp (lượng mỹ xích). Phàm khi tuyển gái vào cung, trước hết phải dùng thước này đo xem kích thước bao nhiêu đã rồi mới xét tới mặt mũi da thịt. Cô nào mặt mũi tuy đẹp nhưng thân hình nhỏ bé Toàn cũng chẳng thích. Đến khi xem tới chân gái thì Toàn chỉ chọn những cặp chân thiên nhiên nhỏ nhắn xinh đẹp trong vòng năm tấc trở lại (dưới triều nhà Thanh có tục gái bó chân cho chân nhỏ). Khi chọn gái làm phi tử, bốn năm ngày mà cũng không tìm ra được một nàng chánh phi, Thiên hoàng lấy làm buồn bực quá, về sau có một tên thủ hạ chuyên tìm gái, tìm được Tứ phi ở Chiếu châu, người cũng như chân, kích thước đều trúng cách.

Hôm Tứ phi vào cung, Hồng Thiên vương đang ngồi xem hoa tại Diêu đài. Bốn đứa trạch nữ đưa Toàn lên Diêu đài, thấy Từ phi thân hình yểu điệu, tay chân thon đẹp như ngọc, chẳng khác một nàng tiên, tà áo phất phơ đầu gió. Thiên hoàng bèn triệu hạnh tại Diêu đài, sau đô, phong nàng làm Diêu đài đệ nhất phi, về sau phong làm hoàng hậu.

Đông vương Dương Tú Thanh vốn là một tay háo sắc có tiếng, nghe nói Từ hoàng hậu đẹp lắm, bèn tung tin nói hoàng hậu là con gái của Thượng đế.

Trong Thái Bình hoàng cung vốn có một toà Thừa Thiên đường. Đây là nơi thánh đường đến để giảng đạo. Cứ bảy ngày một lần, trong cung Thái Bình lại mời Thanh tới ngôi nhà thờ này giảng đạo Thiên Chúa. Thanh bảo với con chiên bổn đạo rằng mình chính ở trên trời, thay thế Thượng đế giáng sinh xuống trần để truyền đạo, Từ hoàng hậu vốn là con gái của Thượng đế, vậy thì hậu cũng là con gái của Đông Vương.

Tuyên bố vậy rồi, Thanh liền truyền Từ hoàng hậu vào bái kiến. Hồng Thiên vương không biết làm cách nào, đành phải bảo hoàng hậu tô son điểm phấn, sửa soạn vào bái kiến Đông vương.

Đông vương Dương Tú Thanh vừa mới thấy bóng người đẹp đã hồn phách lên mây. Thế là từ đó Thanh cứ lấy danh nghĩa Thượng đế gọi Từ hoàng hậu tới phủ Đông vương. Thượng đế giáo là quốc giáo của Thái Bình Thiên quốc, nên Hồng Thiên hoàng cũng không dám phản đối. Đông vương Dương Tú Thanh lại nắm giữ giáo quyền thế lực rất lớn, ngay cả Thiên hoàng cũng chẳng đám làm gì Thanh.

Về sau Từ hoàng hậu bàn tính với Toàn một kế sách, cho Toàn biết bên cạnh Thanh có một cô nữ thư ký tên gọi Phó Thiện Tường sắc nước hương trời mà Thanh hết sức cưng chiều, rồi xúi Toàn:

- Bệ hạ nói thác ra rằng trong cung cấm sao nhiều văn thư mật cần tuyên triệu Phó Thiện Tường vào cung giúp việc.

Nghe xong, Thiên hoàng hiểu ngay và định ngay chủ ý. Từ đó về sau, cứ mỗi khi Đông vương cho người mời Từ hoàng hậu thì Thiên hoàng cũng hạ lệnh tuyên triệu Phó Thiện Tường vào cung. Đông Vương sợ đánh mất Phó Thiện Tường nên từ đó không dám cho người đến mời Từ hoàng hậu nữa.

Phó Thiện Tường đẹp đến thế nào mà được Đông vương cưng chiều đến thế?

Phó Thiện Tường vốn con nhà tử tế đất Kim Lăng, đi học từ thuở nhỏ, chữ nghĩa tinh thông. Nàng quả có sắc chim sa cá lặn, đổ nước nghiêng thành. Khi Thái Bình Thiên quốc đặt kinh đô tại Kim Lăng, liền cho người đi khắp nơi chọn gái đẹp đưa về nữ quán ở đây, rồi nói thác là mời về làm nữ thư ký đưa vào cung. Hồi đó Phó Thiện Tường mới có mười bảy tuổi. Đông Vương vừa thấy nàng liền cho lệnh gọi về phủ, để ở trong lầu Đa bảo, coi giữ văn thư ở trong phủ.

Cái lầu Đa bảo này ở về mé sông nam Tử hà trong hoa viên của vương phủ. Phía ngoài lầu, hoa cỏ vây quanh, chim cá lượn từng bầy… Trong lầu trần thiết châu ngọc đủ loại trên bốn vách. Phó Thiện Tường lại thích các bức hoạ chữ cổ. Đông Vương bèn bảo bọn thủ hạ tới các nhà dân cư nhà nào có là cướp đoạt đem về. Những cái đỉnh ngọc cũng được tập trung tại đây. Thiện Tường suốt ngày đốt nhang đọc sách, hết sức nhàn nhã, Đông vương tuy sủng ái nàng hết sức nhưng cũng không dám tới quấy rầy nàng nhiều. Trái lại, vương suốt ngày chỉ cùng với em gái Hồng Thiên hoàng là Hồng Tuyên Kiều mua vui ở động Thiên Xuân góc tây nam hoa viên. Động Thiên Xuân xây cất toàn bằng đá hồ, óng ánh rực rỡ. Trên nền nhà, trải toàn thảm nhung; chung quanh tường treo toàn màn gấm. Ở bốn góc tường đá, đều có gắn đèn phản quang, chiếu sáng như ban ngày. Đến mùa hè, bốn phía mở hết cửa sổ, gió mát thổi lộng vào trong, mát mẻ vô cùng. Mùa đông sang, cửa động đóng kín. Dưới đất đốt bếp lửa, mười phần ấm áp. Khu thạch động kiến trúc quanh co đi vào trong chẳng khác như đi vào mê hồn động.

Còn Hồng Tuyên Kiều là người như thế nào? Nàng thật là một vưu vật cõi nhân gian. Nàng với Hồng Tú Toàn là anh em cùng cha khác mẹ. Sau khi phụ thân Toàn chết mẹ nàng liền bỏ đi lấy chồng khác. Toàn tính vốn ham kết giao bạn bè ngay từ hồi còn nhỏ và lang thang chốn giang hồ, hành tung bất định. Toàn thấy cô em gái không người nương tựa, bèn ký thác cho anh là Hồng Nhân Phát nuôi dưỡng.



Hồng Tuyên Kiều ngày từ lúc nhỏ đã có bộ mặt xinh xắn mày xanh mắt trong, trông rất đáng yêu. Tính tình lại hào sảng. Nàng thích ăn bận như kiểu con trai. Hồi mười bảy, nàng thấy người hàng xóm biết võ, liền theo học. Lâu dần, hết tháng này qua năm khác, nàng đã có một bản lĩnh cừ khôi, có thể chạy nhảy như bay, múa đao, múa kiếm nhanh thư chớp.

Đúng lúc nàng học võ đã thành tài thì nhà Hồng Nhân Phát bị cháy rụi. Nàng không còn nhà để về, thế là nàng theo người phiêu bạt giang hồ. Cũng chính lúc này, Hồng Tú Toàn đang cùng với bọn Phùng Vân Sơn, Chu Cửu Đào vào hội tin thờ Thượng đế. Cửu Đào chết, Toàn lên thay làm hội trưởng.

Toàn trở về nhà tìm em gái nhưng nàng đã ra đi, không biết về phương nào.

Hồi đó, ở miền Võ Tuyên, có một người họ Tiêu, là một đại tài chủ, giàu có lớn. Toàn ở Quế bình đang cần tiền, vì phải có tiền thì hội mới mong phát triển được. Toàn bèn nghĩ cách đưa họ Tiêu vào hội để mượn tiền. Toàn liền đưa anh em đồng đạo về ở tại núi Bằng Hoá miền Võ Tuyên rồi đích thân mình ngày ngày tới khuyên họ Tiêu vào hội tin thờ Thượng đế.

Tiêu Triều Phụng vốn là người thích làm việc thiện, nghe thấy nói hội Thượng đế cứu người thoát khổ ách, có phần tin tưởng đôi chút. Nhưng phiền là con ông ta gọi Tiêu Triều Quý, một thanh niên đẹp trai hào sảng, võ nghệ cao cường, thấy Hồng Tú Toàn có cái điệu bộ kỳ cục, quỷ quái, bèn quay đi không thèm để ý tới. Tiêu Triều Phụng chỉ có mỗi một mình Quý là trai, nên hết sức cưng chiều. Ông Phụng thấy con không tin thì cũng chẳng chịu bỏ tiền ra giúp Toàn.

Giữa lúc Hồng Tú Toàn vô kế khả thi đành khoanh tay ngồi nhìn thì Tiêu Triều Quý bỗng xảy ra một cuộc lượng duyên ngoài ý muốn. Số là Quý suốt ngày chỉ lang thang hết phố lớn đến phố nhỏ chơi bời đàng điếm với bạn bè. Bỗng một hôm Quý thấy có một đám Sơn đông mãi võ, quần chúng đứng vây quanh đông nghẹt để xem. Quý cũng vội lách vào xem.

Mọi người thấy Quý vốn công tử con nhà giàu, gia tư tỷ triệu, liền nhường chỗ cho Quý đứng hàng đầu.

Một lát sau, Quý thấy một tên đại hán đứng trước đám đông nói vài ba câu giáo đầu, rồi bắt đầu đánh chiếc thanh la phèng phèng. Một cô gái trẻ măng mặt thoa phấn môi tô thắm, thật là sắc nước hương trời, chạy ra nhìn khán gia mỉm cười.

Quý thấy người con gái đẹp quá, không chịu nổi cũng phải thốt lên::

- Đẹp quá!

Sau đó, người con gái bắt đầu múa võ dượt quyền, miếng võ nào, thứ khí giới nào, cũng đều tinh thông.

Quý thấy vậy, lại một lần nữa ca tụng:

- Trời! Quả là một trang nữ anh hùng!

Người con gái được khen, liền liếc mắt nhìn quý. Quý vốn là một cậu trai tính nóng lại đa tình, làm sao mà nhịn được, nên chỉ một cái nhìn ấy, thần hồn dã bay bỗng đi mất. Quý đợi mãi đến khi nàng thu dọn đồ nghề mới bước gần anh chàng đại hán, bảo hắn mình có ý mua người con gái nọ.

Anh chàng đại hán lâu nay sinh sống thảy đều nhờ cô gái nọ, đời nào chịu bán. Quý thấy anh chàng đại hán không chịu bán, tình cấp ý sỉnh. Hơn nữa, Quý còn ỷ mình con nhà giàu ở địa phương và thân hình khỏe mạnh, mình đồng da sắt, bèn quắc mắt, dựng ngược đôi mày quát một tiếng lớn, chỉ vào mặt đại hán:

- Thằng tù mọt gông kia! Mi cả gan dám bịp bợm đồng bào giữa ban ngày ban mặt. Mi chịu thì chịu ngay đi, còn nếu không chịu thì ta sẽ đưa mi tới ông huyện để mi biết thủ đoạn của thái gia họ Tiêu này.

Nói đoạn, Quý liền xốc lại, giơ tay nắm lấy cánh tay tên đại hán. Tên đại hán thấy Quý thanh thế oai hách quá, đâm ra hoảng vội kéo Quý vào một cái tiệm nước nhỏ điều đình, thế là Quý chỉ còn phải đưa ra hai trăm lạng bạc mua được nàng đem về.

Quý hí hửng cho là mình đã có một cuộc tình duyên tốt đẹp lắm, ai ngừ ngay đêm đầu tiên ấy Quý đã thất vọng vì nàng đã mất trinh từ lúc nào. Quý hỏi nàng mới biết nàng bị tên đại hán nọ cưỡng gian. Quý giận lắm, dắt một con dao sắc, lén đi tìm tên đại hán. Tên đại hán nọ vẫn còn ngụ tại khách sạn. Quý cầm dao, tông cửa xông vào.

Quý nhè giữa ngực tên đại hán lụi một dao lút cán. Tên đại hán ngã quay ra chết tốt. Quý chạy ra, trốn về nhà, nói chuyện cho cha mẹ nghe. Ông Tiên Triều Phụng thấy con giết người chân tay rụng rời, mặt mày xám ngoét lại, vội bảo con;

- Việc đã đến thế này thì đi ngay vào núi Bằng Hoá mà cầu cứu Hồng giáo chủ đi. Giáo chủ binh hùng tướng mạnh có thể cứu con được.

Quý nghe lời cha bèn ngay đêm đó, mang luôn cô gái nọ vào núi Bằng Hoá, Hồng Tú Toàn thoạt nhìn cô gái, nhận ngay ra được em gái mình là Hồng Tuyên Kiều. Kiều cũng nhận ra Toàn là anh mình, thế là hai anh em ôm nhau khóc ròng. Toàn hỏi Kiều nguyên do. Lúc đó Kiều mới kể hết mọi chuyện cho anh nghe.

Hồi 112: Tình anh em như biển cả bao dung

Hồng Tuyên Kiều kể lại cho Hồng Tú Toàn nghe mình bị viên đại hán cưỡng gian, lưu lạc giang hồ đây đó ra sao, gặp Tiêu Triều Quý như thế nào, rồi Tiêu Triều Quý vì mình báo thù, mang tội giết người bỏ trốn tới đây, tất cả kể lại một lượt không sót chỗ nào.

Hồng Tú Toàn lúc đó đang nghĩ cách lợi dụng gia tài của họ Tiêu nay nghe cô em Kiều nói vây, thực là hợp ý mình lắm. Thế là Toàn khuyên Quý vào đạo Thượng đế, bái yết giáo chủ. Toàn lại nói:

- Triều Quý mới vào đạo, chỉ sợ tâm trí không bền. Quý vốn tuổi trẻ sức trai, nhiều chỗ rất cần phải có y. Bởi vậy y cần phải ra ngoài lo việc, lúc này chưa thể thành hôn được. Phải đợi ba năm sau vợ chồng mới có thể sum họp.

Toàn lại cho mời Tiêu Triều Phụng lên núi gọi Hồng Tuyên Kiều theo ông gia ở cùng một nơi. Mặt khác, Toàn cho Quý đi truyền đạo.

Về sau thấy Tiêu Triều Phụng ở trên núi có vẻ bất tiện, Hồng Tú Toàn liền đưa về vùng sông Đại Hoàng, ở dưới chân một ngọn núi cao, cây cối xanh tốt um tùm. Trên núi có một vị sơn chủ tên gọi Dương Tử Long. Long vốn là một trang thiếu niên anh tuấn, dưới tay còn có một đám tiều phu đông tới bốn năm ngàn, hằng ngày vào rừng chặt cây đốt than. Đám này đa phần là hung hăng mạnh tợn. Long ỷ thế mình, độc chiếm một phương. Long cung là một tên hiếu sắc. Bọn đàn bà con gái quanh vùng đều bị hắn hãm hiếp làm nhục.

Nhưng có điều lạ là đàn bà con gái vùng Quế Bình không cần tới chuyện liêm sỉ, họ bị Long gian ô thế chẳng những làm nhục mà lại còn cho là vinh hạnh lắm, đem kể hết cho mọi người nghe.

Hồi đó Hồng Tuyên Kiều theo bố chồng cùng ở một nơi, cảm thấy cô đơn hiu quạnh, tự thương mình bạc mệnh. Nàng thường nhớ tới Tiêu Triều Quý nhưng Quý ở xa mãi tận chân trời biền biệt. Nước xa không thể cứu được lửa gần. Ngày nào cũng vậy, vào lúc hoàng hôn, nàng thường đứng cửa, bóng dáng thướt tha. Đã có mấy lần Dương Tử Long để ý tới nàng. Long đời nào chịu bỏ miếng mồi ngon bèn tìm trăm mưu nghìn chước quyến rũ nàng, mãi tới khi cái bụng nàng to bằng cái trống.

Hồng Tuyên Kiều nhìn thấy cái bầu của mình mà sợ. Nàng bỏ trốn theo Long chạy suốt đêm tới miền Phúc Kiến.

Hồng Tú Toàn biết chuyện này. Toàn còn được rõ họ Dương có nhiều thủ hạ, bèn cho người tới khuyên hắn vào hội, chẳng truy cứu gì tới cái tội gian dâm nữa. Dương Tử Long mừng quá đem luôn cả đám tiều phu đông đảo tới núi Bằng Hoá.

Long cảm lòng tốt của Toàn, kết làm anh em với Toàn và đổi tên là Tú Thanh. Long còn tình nguyện đem Tuyên Kiều hoàn lại cho Tiêu Triều Quý.

Giữa lúc đó Quý từ xa về, được tin vợ mình bị Dương Tú Thanh gian dâm, liền tuốt đao tính liều mạng ăn thua với Thanh. Hồng Tú Toàn vội vàng khuyên giải:

- Anh em ta gắng cùng nhau mưu đồ đại sự, hà tất phải để tâm quá nhiều tới một con đàn bà khiến tổn thương hoà khí. Ngày sau sự nghiệp hoàn thành rồi mỹ nhân trong thiên hạ này đều là của bọn ta cả. Khư khư một đứa Tuyên Kiều làm gì! Ngay đến cả gia quyến đại ca đây, nếu cần, đại ca cũng sẵn sàng đưa hầu tất cả các anh em được nữa là! Bọn ta chỉ cần biết đồng tâm hiệp lực để cứu đời, đừng hỏi tới những chuyện vụn vặt.

Nói đoạn Toàn cho gọi ngay luôn một lúc ba nàng hầu của mình ra để hầu rượu cho mọi người. Thế là cả bọn ngôi vào bàn nhậu nhẹt, nói cười vui nhộn như đám hội, quên phứt đi nỗi hận thù.

Ít lâu sau Phùng Vân Sơn theo lệnh của Hồng Tú Toàn tới huyện Tiên Du truyền đạo chẳng biết lý do gì bị quan sở tại bắt. Viên quan này lại buộc Sơn phải viết thư lừa Toàn tới và bắt nhốt, đem giam cả hai vào nhà lao.

Tin động trời này truyền tới núi Bằng Sơn làm cho Dương Tú Thanh và Tiêu Triều Quý quýnh lên, chẳng biết gỡ cách nào. Bọn Quý dò la biết được huyện Tiên Du có một tay thổ hào tên gọi Hoàng Ngọc Côn, kéo bè kết đảng, bao thầu hết chuyện kiện tụng. Côn ỷ vào người chú làm quan trong kinh cho nên bọn quan địa phương thảy đều sợ và nghe hắn. Bất cứ ai phạm tội giết người đốt nhà, miễn là có tiền cho hắn thì nhà lao đã có khoá tới mấy mươi lần đi nữa cũng có thể ra được.



Côn được biết bọn Hồng Tú Toàn toan tính làm lớn chuyện ở vùng Quế Bình, Tuyên Võ, lại cho Phùng Văn Sơn đến vùng mình truyền đạo mà không nói với hắn một lời nào. Hắn tức giận liền lẻn tới nha môn cáo mật. Quan tri huyện Tiên Du được tin vội kéo quân tới ngay đêm đó bắt cả bọn Phùng Vân Sơn, lại còn buộc Sơn viết thư lừa Toàn tới để bắt luôn. Đến lúc thẩm vấn, mới biết Toàn là giáo chủ hội Thượng đế.
Hồng Tú Toàn vốn là tên trọng phạm mà nha môn thượng ty các tỉnh đang lưu tâm lùng bắt. Nay Toàn bỗng sa lưới thử hỏi viên quan tri huyện Tiên Du sung sướng biết chừng nào, lập tức bẩm lên các thượng ty, tính đem ra chính pháp ngay.

Dương Tú Thanh nghĩ ra được kế sách bèn tổ chức đoàn thợ đốt than một trăm người, cải trang theo nhiều kiểu của bọn khách giang hồ, rồi cứ từng tốp ba, năm người một, kéo nhau vào trong thành huyện Tiên Du, dò la tin tức xem lúc nào giải Toàn và Sơn ra khỏi lao thì nhảy vô đánh cướp liền.

Đặc biệt bọn Hồng Tuyên Kiều bắt chước cách kiếm ăn thuở nào, cải trang theo kiểu Sơn Đông mãi võ, có Tiêu Triều Quý đi theo. Kiều và Quý chọn nơi đất trống rộng rãi làm diễn trường rồi Quý gõ thanh la phèng phèng inh ỏi, trong khi đó Kiều nai nịt gọn gàng, thon thả cái bụng, hồng hồng đôi má, múa tít cây thương đâm đông đánh tây túi bụi. Bọn người hiếu kỳ kéo tới xem, chẳng mấy chốc đã bị cặp mắt của Kiều thu hồn lượm phách, không còn rời khỏi được nữa.

Bỗng có một tên đại hán cao lớn từ trong đám đông nhô ra, mình mặc toàn đồ tơ lụa, phía sau có bốn tên gia nhân theo hầu. Một tên gia nhân trong bọn chạy tới bảo Tiêu Triều Quý:

- Tướng công muốn mời cô nương của nhà ngươi tới phủ chơi!

Quý hỏi lại tên gia nhân:

- Tướng công của nhà ngươi là ai vậy?

Tên gia nhân đưa tay chỉ tên đại hán đứng phía trước rồi chỉ luôn ngón tay cái nói tiếp:

- Tướng công Hoàng Ngọc Côn đó! Quanh đây ít ra một trăm dặm ai lại không biết tướng công tôi!

Hồng Tuyên Kiều nghe nói vậy biết là chuyện trúng ý mình vội liếc mắt ra hiệu cho Quý rồi chạy lại trước mặt tên đại hán gật đầu chào và gửi lời chúc tụng.

Tên đại hán cho gọi một chiếc kiệu nhỏ tới để Tuyên Kiều ngồi lên rồi khiêng về phủ. Hoàng Ngọc Côn bày tiệc ngay tại thư thất đãi hai người Kiều, Quý. Hồng Tuyên Kiều đã có dụng ý thả mồi câu bắt, bèn bước lại mời trà chuốc rượu Côn khiến lòng hắn rậm rật khó yên, liền lấy ra ba trăm lạng bạc, muốn Tuyên Kiều ngủ với hắn một đêm, Kiều giả bộ e lệ chối từ. Côn năn nỉ ba, bốn lần thì nàng buộc Côn phải nhận hai điều kiện mới chịu cho. Đã đến lúc này thì hai trăm điều kiện Côn cũng phải theo hết. Côn chịu rồi, Tuyên Kiều mới lên tiếng như ra lệnh:

- Điều kiện thứ nhất. Ngươi phải vào đạo của ta thì lúc đó ta mới coi mi như phu quân để trao gửi tấm lòng.

Côn nghe nói tới đây đã vội vàng lên tiếng chịu ngay. Nhưng nàng đâu đã vội tin, nói tiếp:

- Lời nói không bằng cớ! Phải viết ngay tình nguyện thư mới được!

Côn lúc này đã bị sắc dục làm cho mê loạn rồi, đâu có còn nghĩ tới chuyện lợi hại về sau nữa. Tuyên Kiều vốn có chủ định nên đã mang sẵn đơn tình nguyện bên mình từ trước.

Nàng lấy ra đưa cho Côn điền tên tuổi rồi cất đi cẩn thận. Nàng nói tới điều kiện thứ hai:

- Trong vòng hai ngày, anh ta là Hồng Tú Toàn và đạo hữu Phùng Vân Sơn phải được thả ra khỏi lao.

Hoàng Ngọc Côn nghe xong, bèn nói:

- Việc đó hãy để mặc ta! Nội trong hai ngày, anh nàng sẽ ra khỏi lao. Cứ yên tâm.

Tuyên Kiều thấy Côn đã thoả mãn điều kiện của mình, lại có đơn tình nguyện nắm trong tay, không còn sợ Côn chạy thoát đường nào, mới để Côn mặc sức tìm vui hưởng lạc.

Khi Hồng Tuyên Kiều bước ra khỏi cổng phủ, có Hoàng Ngọc Côn đưa chân, ước hẹn ngày hôm sau đúng giờ ngọ gặp nhau trên cầu Thất Lý ngoài cửa đông.

Tuyên Kiều vội về báo cho các anh em đồng bọn biết. Qua hôm sau, mọi người tới cầu Thất Lý đợi chờ chừng một lát, quả nhiên Hoàng Ngọc Côn đưa Hồng Tú Toàn và Phùng Vân Sơn ra tới.

Vừa gặp mọi người Hồng Tú Toàn đã khoe Côn nghĩa khí thế nào, sau đó khuyên Côn nên nhập bọn. Tuyên Kiều nghe xong, phì cười bảo:

- Khỏi phiền đại ca lo tới điều đó. Con độc long này đã có tiểu muội trị nó rồi.

Quả nhiên Hoàng Ngọc Côn không thể bỏ được Hồng Tuyên Kiều, y bèn nhập bọn, kéo nhau lên núi Bằng Hoá. Tới nơi Hồng Tú Toàn cử Côn làm chức Phó giáo chủ. Còn Côn nhân khi rảnh lại lui tới tìm vui cùng người đẹp Tuyên Kiều. Cặp tình nhân mới này nói không biết bao những chuyện ân tình nồng thắm, say sưa. Côn ngày càng tỏ ra trung thành với hội cũng như với đạo.

Toàn nghe nói ở huyện Quý có một người họ Vi gia tư kể có tới tám trăm vạn. Chủ nhân họ Vi năm đó đã hơn năm chục, dưới gối chỉ có một đứa con trai tên gọi Vi Xương Huy là một thanh niên hết sức khôi ngô tuấn tú.

Huy cũng là một tay phong lưu có hạng. Suốt một dải huyện Quý, bọn chị em xóm dưới, thấy Huy vừa đẹp trai, vừa con nhà giàu có, cô nào cũng tìm cách ve vãn, xoắn xuýt lấy chàng. Bởi thế ngay từ lúc mười sáu tuổi, Huy đã đam niêm sắc dục. Mãi khi tuổi đã hai mươi, Huy vẫn còn chưa lấy vợ. Cha mẹ Huy thấy con nhu vậy, lòng lúc nào cũng lo lắng, nên thường nhắc tới chuyện vợ con với Huy. Nhưng Huy bảo vợ phải người tuyệt sắc mới lấy.

Một hôm, Vi Xương Huy từ ngoài chạy về nhà cười khanh khách bảo cha:

- Hôm nay con đã tìm thấy một trang giai nhân tuyệt sắc rồi cha ạ!

Ông già Huy hỏi nơi nào thì Huy nói:

- Cô ta ở trong tiệm bánh gần nhà ta.

Ông già Huy nghe nói xong, lấy làm tức bảo Huy:

- Nhà mình như thế này mà mày đi lấy một con sen, con ở trong tiệm bánh làm vợ ư? Người ta mà biết thì cả cha mày cũng không còn mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ nữa.

Vi Xương Huy khi đã mê cô gái tiệm bánh, bèn trộm tiền nhà mang ra cho tình nhân. Hằng ngày, Huy trốn vào nằm lỳ tại đó Một hôm, cô gái trong tiệm bánh nọ tìm tới, nói với ông già họ Vi:

- Tôi là em gái của Thiên hoàng tên gọi Hồng Tuyên Kiều. Ngày nay thế giới sắp có đại nạn, công tử nhà ta có duyên với tôi nên tôi đến đây để cứu chàng. Hiện chàng được tôi đưa lên núi Bằng Hoá rồi. Nếu cụ hiểu biết thời cơ thì nên mau thu xếp theo tôi lên núi, bằng không bọn quan lại cho cụ tư thông với đạo, bắt giam lại thì lúc đó người chết của hết, có hối cũng chẳng kịp nữa.

Ông già Huy nghe Tuyên Kiều nói một lượt, hoảng hồn bạt vía, mắt trợn, miệng há hốc ra đến không còn ngậm lại được ông ta biết hồi đó trong huyện Quý có một số tín đồ theo Thiên chúa giáo. Ngay cả bọn nha dịch trong nha môn mà cũng còn là đồ đảng của Hồng Tú Toàn. Ông già Huy đã biết mình lạc vào cạm bẫy của Hồng Tuyên Kiều, không còn cách gì thoát nữa. Ông đành ngoan ngoãn theo Tuyên Kiều lên núi Bằng Hoá, yết kiến Hồng Tú Toàn. Trong khi đó Vi Xương Huy đã được Toàn phong làm Bắc vương. Ông già Huy chỉ còn cách đem toàn bộ gia sản quyên cúng vào hội.

Đến đây tam gác chuyện Thái Bình Thiên Quốc mà nói tới việc cung Thanh.

Nguồn: http://vnthuquan.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved