Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

12 thg 11, 2013

Tình sử Võ Tắc Thiên - Lâm Ngữ Đường Hồi 7-10

Hồi 7: Những điều sợ hãi

Vây cánh của Cao Tôn đã bị cắt .
Võ Hậu không cướp hẳn quyền ông, nhưng quyền hành cứ từ từ vuột khỏi tay ông để rơi vào tay Võ Hậu. Càng ngày bà càng tham dự nhiều hơn vào việc triều chính . Phải thẳng thắn mà nói rằng bà luôn luôn có những ý kiến xác đáng, quyết định dứt khoát và lý luận vững chắc. Bà đã thực sự giúp đỡ Cao Tôn rất nhiều nếu đứng trên phương diện cai trị thuần tuý. 

Cao Tôn tự hiểu rằng các triều thần đều nghe lời Võ Hậu hơn ông. Trong triều không còn những người như Hàn, Lai dám đứng ra bênh vực ông . Guồng máy làm việc êm ả quá, êm ả đến mức nhàm chán. Hệ thống cai trị đó được thống nhứt : Không còn những lời phản kháng, những ý kiến chống đối, những kẻ dám nói "không" trước mặt Lệnh Bà . 

Các gian thần như Hứa Kỉnh Tôn, Viên Công Hữu, Lý Nghĩa Phú, tha hồ hoành hành, vơ vét của cải, chiếm vợ và tài sản của người khác. 

Lố bịch nhất là họ Lý, hắn đã tổ chức đám tang của mẹ hắn dài hàng chục cây số. Vậy mà Võ Hậu vẫn làm ngơ. Bà muốn cho mọi người thấy rằng những ai vâng lời bà đều được chức trọng , quyền cao. Chính bà là người có quyền cho hay không cho mọi người hoành hành.

Có một chuyện khiến niềm vui của Võ Hậu không được trọn vẹn : Chuyện gia đình bà thuở trước. 

Hồi còn nhỏ bà không được sung sướng. Năm mười bốn tuổi bà bị đưa vào cung và sống xa nhà mười mấy năm liền. Thân phụ bà đã có hai người con trai trước khi cưới thân mẫu bà. 

Một hôm bà tổ chức một buổi họp mặt trọng thể. Bà cho phép tất cả thân quyến họ Võ của bà được vào nội cung . Hai người con riêng của thân phụ bà cũng có mặt. Hai người này hiện là quan trong triều và là những cái gai trước mắt Võ Hậu và Dương phu nhân - thân mẫu Võ Hậu - vì họ thường tỏ ra hỗn xược với hai người. 

Dương phu nhân nói với hai người con riêng của chồng, vẻ sống sượng và tự đắc :

- Chắc các người còn nhớ những ngày cũ ? Và bây giờ thì sao ?

Hai người con trả lời :

- Kể cũng hơi khó chịu . Em gái tôi bây giờ là Hoàng hậu, chắc mọi người tưởng lầm rằng chúng tôi có địa vị hiện thời là nhờ em gái chứ không phải nhờ cha chúng tôi thuở trước. 

Lại vẫn vẻ hỗn xược đó ! 

Dương phu nhân giận tái người. Bà nói với Võ Hậu, và Võ Hậu lập tức đuổi hai người ra làm quan ở những miền xa xôi hẻo lánh. Trong chiếu chỉ , võ Hậu có ghi :"Làm như vậy để chứng tỏ Hoàng hậu không thiên vị người nhà" .

Một người vừa ra tới Lũng Châu là chết ; còn một người cố sống, nhưng rồi cũng bị ghép tội và bị xử tử. Cái chết của hai người chẳng ai cần biết tới. 

Tính tình Cao Tôn trở nên thất thường. Ông phẩn hận vì có miệng mà mắc quai , thường cáu kỉnh và buồn rầu. Khi ăn uống, ông không còn cảm thấy ngon miệng, trái lại Võ Hậu có hai hàm răng rất khoẻ và ăn rất dữ. 

Cao Tôn thường thừ người ra trong bữa ăn, ngồi nhìn bà vợ ngốn hết món này đến món khác. 

Thấy ông không ăn Võ Hậu hỏi : 

- Bệ Hạ không ăn sao ?

Ông đáp cộc lốc : 

- Không . 

Cao Tôn nhìn mọi sự vật xung quanh với vẻ chán ghét, lòng ông ẩn chứa những nỗi thù hận triền miên . Chỉ những lúc bắt buộc, ông mới mở miệng nói nhát gừng, đôi khi với giọng mỉa mai chua chát đến cùng cực : 

- Hồi còn làm Chiêu Nghi, Hậu có viết một đoản văn nhan đề "Các Đức Tính Của Người Vợ Hiền". 

Một hôm Cao Tôn nói với bà : 

- Tối hôm qua trẫm đọc lại đoản văn của ái hậu, trẫm rất thích đoạn : Việc quan trọng của người đàn bà là giữ thân mình trong nhà. Người đàn bà phải gọn gàng , sạch sẽ, ít nói và chăm chỉ may vá thêu thùa , phải coi trọng những ý thích của chồng và nhất là phải hiếu thuận với cha mẹ chồng và họ hàng nhà chồng để giữ được hoà khí trong gia đình...

Thật là một đoạn văn súc tích . Ái hậu có nghĩ vậy không ?

Võ Hậu biết Vua châm chọc mình. Bà chỉ trả lời bằng cách yên lặng.

Có hai thứ mà Võ Hậu sợ nhất là cái chết của Vương hậu và mèo. Đã nhiều lần bà thấy những bóng ma của Vương hậu và Triệu phi hiện về và bà đâm ra sợ mèo kinh khủng vì người ta bảo mèo là hiện thân của ma quỷ. 

Theo bà nhưng hồn ma luôn lởn vởn trong cung. Có lần bà trông thấy hai bóng ma xuất hiện ngoài hành lang và tiến về phía bà, tóc tai chúng bù xù, chúng quơ hai bàn tay đã cụt hết ngón, máu chảy ròng ròng, định chụp lấy người bà... 

Trong giấc ngủ, bà thường mơ thấy một giòng sông nhuộm máu, nổi lềnh bềnh hàng trăm bàn tay đỏ lòm...

Khi chết, Vương hậu chỉ buồn rầu nói :

- Đó là lỗi nơi tôi. Tôi đã tưởng lầm thị là người bạn tốt. 

Nhưng Triệu phi đã oán hận thề rằng : 

- Khi chết , tôi sẽ biến thành một con mèo . Lúc con điếm đó ngủ tôi sẽ xông vào cắn cổ nó. Nhứt định phải cắn chết nó.

Những lời nói này đều đến tai Võ Hậu và cứ ám ảnh bà mãi. Bà phải ra lệnh đuổi hết mèo ra khỏi cung điện. Thà bà chịu đựng hàng đàn chuột lúc nhúc còn hơn phải trông thấy bóng một con mèo . 

Một hôm Võ Hậu bảo Cao Tôn :

- Thiếp đang tìm một thầy thuốc để săn sóc Bệ Hạ. Một người còn trẻ như Bệ Hạ không thể...

Cao Tôn ngắt lời :

- Ta đâu có bệnh tật gì. À phải rồi, ta đang nghĩ tới Triệu phi và Vương hậu . Kể ra thì chẳng thú vị gì có phải vậy không ? Ta nhớ đến tình bạn khắn khít giữa khanh và Vương hậu. Khanh đã dùng nàng làm phương tiện để tiến thân. Miệng khanh thơn thớt mà trong dạ tính kế độc hại nàng. Nếu nàng không đem khanh khỏi chốn tu hành thì ngày nay khanh ra sao ? Một mình Triệu phi giá trị gấp mười đứa... ni cô như khanh...

- Hãy im miệng ngay ! Bệ Hạ không phải là một người đàn ông . Đàn ông gì mà chỉ đổ lỗi cho người khác.

Trong cung Võ Hậu thường thấy ma , chỉ những khi bà đi Lạc Dương bà mới thoát được ám ảnh đó. Những con ma không theo bà tới đấy. Do đó bà thường đi Lạc Dương và nghỉ ở đó thật lâu . Ví dụ như trong năm 657.

Bà đi tất cả ba lần vào tháng giêng, tháng bẫy và tháng chạp. Bà có ý định biến nơi này thành Đông đô .

Vào tháng mười năm 660, khoảng thời gian Vô Kỵ bị buộc phải tự sát. Cao Tôn bắt đầu ngã bệnh và từ đó không khi nào ông thoát khỏi những cơn nhức đầu, buốt xương và tê cóng chân tay. Nhân dịp này Võ Hậu bèn cho xây một cung điện mới gọi là Bồng Lai điện, ở phía Bắc ngôi điện cũ có ma, lấy cớ là ngôi điện trước quá ẩm thấp, cũ kỹ, và nhiều chuột, có hại cho sức khoẻ của Vua . 

Nhưng thực ra bà hy vọng đổi chỗ ở sẽ thoát khỏi những hồn ma ám ảnh kia. Bà bảo với mọi người rằng việc xây cung điện tuy hơi tốn kém nhưng sẽ làm cho Vua phục hồi sức khoẻ và vui vẻ như xưa.

Toà Bồng Lai điện về sau đổi tên là Đại Minh Điện , rất rộng lớn. Gồm vô số phòng ốc có vườn thượng uyển , có cung riêng phía Đông cho Thái tử, có thư viện , có nơi làm việc cho Môn Hạ tỉnh -và Trung Thư Tỉnh..v.v . 

Một trăm ngàn nhân công được huy động trong mười lăm quận lân cận. Văn võ bá quan đều phải đóng góp một tháng lương để giúp vào việc chi phí. Mọi thứ đều mới và vĩ đại hơn ngôi điện cũ. 

Nhưng không may, những hồn ma lại xuất hiện trong toà cung điện mới. Điều này làm cho Võ Hậu và Cao Tôn hục hặc nhau hơn . Bà làm Vua điên đầu vì những ý tưởng kỳ lạ. 

Tháng tư năm 662, bà cho đổi tên các cơ cấu chính quyền từ cao xuống thấp, bà không cho biết lý do rõ ràng - mãi tám năm sau mới được đổi lại tên cũ. Bà thích cái gì cũng phải mới lạ, nặng vẻ mê tín dị đoan . Bà tưởng tượng ra nhiều điềm lạ và cho đổi quốc hiệu mấy lần.

Hồi này có bà Hồ Lan, nữ Công tước đất Hàn , thưởng đến Hoàng cung chơi . Vì là chị ruột của Võ Hậu, bà được phép tự do ra vào cung cấm và ăn cùng bàn với Vua và Hoàng hậu. 



Mọi người thường thấy bà bên cạnh Cao Tôn . 

Bị Võ Hậu chế nhạo mình không phải là đàn ông, Cao Tôn tức mình, thường cặp kè với bà Công tước và người con gái chưa tới hai mươi của bà. Vua tìm thấy ở bà này một sức lôi cuốn mà Võ Hậu không có.



Tôi phải nhắc đến chuyện nãy vì tôi thường ngờ rằng cha tôi - Hoàng tử Hiền - không phải là con ruột của Võ Hậu mà là con của bà Công tước, nên về sau Hoàng tử Hiền mới bị truất ngôi Thái tử. Chính Võ Hậu đã cho cung nữ phao tin Vua tằng tịu với bà Công tước trong khoảng thời gian cha tôi bị truất và đày đi xa .

Sự thân mật giữa Cao Tôn và bà Công tước làm cho Võ Hậu ngứa mắt. Vua có vẻ yêu đời trở lại sau mấy năm sống gần Võ Hậu.

Người khác có thể chấp nhận được chuyện hai chị em thờ chung một chồng, nhưng Võ Hậu thì không . 

Bà quyết ra tay .

Một ngày kia, bà Công tước bị chết co quắp sau bữa cơm tối. Hiển nhiên bà đã bị đầu độc . 

Người ta đã quá quen thuộc với cảnh đàn ông trái ý Hoàng hậu bị đỗi đi xa rồi chết ngoài ngàn dặm, vụ đàn bà được lòng Vua bị trúng độc lăn ra chết ngay trong cung . 

Võ Hậu tỏ ra rất thương xót bà chị, tổ chức mai táng rất linh đình .

Một lần nữa mặt Cao Tôn lại dài ra vì chán nản và thất vọng. Ông đâu phải là một thằng ngu . Ngồi kiểm điểm lại những hành động của vợ , ông cảm thấy rùng mình vì sợ hãi và khinh bỉ. 

Vương hậu, Triệu phi, và bà Công tước, rồi tới ai nữa ? 

Bỗng dưng ông cảm thấy mình có lỗi...

Cao Tôn càng ngày càng cô độc, không có ai để chia xẻ sự phiền muộn , ông cảm thấy bốn bức tường càng ngày càng vây chặt lấy ông . Đã mất quyền cai trị bên ngoài, ông còn mất cả tự do trong nhà. Mỗi bước đi của ông đều bị theo dõi, quản thúc. Ông không thể đến gần một bóng hồng nào hết vì bóng hồng và thuốc độc đã gắn liền với nhau . 

Bề ngoài Cao Tôn vẫn cố giữ vẻ bình thường với Võ Hậu, nhưng Võ Hậu linh cảm thấy ông rất thù hận bà. Bà muốn làm lành, thường an ủi dỗ dành ông như một đứa trẻ. 

Thỉnh thoảng bà còn nhấn mạnh rằng vẫn thương yêu ông như hồi trước. Bà đóng kịch quá hay mà Cao Tôn lại nhậy cảm, thế là ông lại ngã vào vòng tay bà, quên hết bao nỗi căm tức, nghi ngờ về vụ đầu độc bà Công tước. 

Cao Tôn cũng không có lý do giận bà về vụ thanh toán Vô Kỵ và mấy người kia vì vụ này chỉ có tính cách chính trị không liên quan đến vấn đề tình cảm giữa hai người , nhưng dù sao Cao Tôn vẫn không tìm thấy sự thoải mái hoàn toàn . Ông thường nơm nớp lo sợ mình có điều gì thất thố và bị Võ Hậu chụp lấy để khai thác .

Dần dần, trong đầu Cao Tôn nảy ra ý nghĩ phải trừ khử Võ Hậu. Ông ao ước được sống tự do . Ông tưởng tượng ra cảnh ông làm vua có các thiếu nữ tuyệt đẹp tíu tít xung quanh và ông mơ thấy mình được toàn quyền trị vì thiên hạ, mọi người răm rắp tuân lệnh. Những điều đó làm sao ông có thể thực hiện được khi triều đình đầy nhóc những gian thần như Hứa Kỉnh Tôn.

Ông ước gì Vô Kỵ , Toại Lương , Hàn, Lai còn sống. Chỉ có Lý Tích là chưa chết và đang thắng trận tại Cao Ly, nhưng y đâu giúp ông được gì, y còn về hùa với Võ Hậu là khác. Ông phải làm thế nào bây giờ ?

Năm 663, sau khi toà cung điện mới hoàn tất, Cao Tôn tìm thấy một cơ hội tốt . Võ Hậu cho xây toà cung điện mới này là để tránh những hồn ma tại toà lâu đài cũ , nhưng chúng vẫn theo đuổi bà. Điều nãy dễ hiểu vì hai toà cung điện chỉ cách nhau bằng một khu vườn rộng . Người thường cũng chỉ cần đi bộ khoảng mười lăm phút là hết khoảng vườn này , chứ đừng nói là ma . 

Võ Hậu bèn cho mời một tay pháp sư tới phù phép và đốt vàng mả . Thời gian phù phép kéo dài trong nhiều đêm khiến người ta phải nghi ngờ. Ai có thể biết được Võ Hậu và tên Pháp sư đã làm những trò gì trong mấy đêm đó ? 

Một hoạn quan cho Cao Tôn hay chuyện này. Ông rất hồ nghi, ông quyết định sẽ đi xem sự thể ra sao .

Tối hôm đó Cao Tôn đi thẳng tới địa điểm. Sau khi đi hết dãy hành lang dẫn tới ngôi bảo tháp, nơi cầu đảo của tên Pháp sư, ông thoáng thấy một thị nữ đứng canh ở góc vườn. Vừa trông thấy ông, thì biến mất. Sau đó , ông thấy bóng thị in trên khung cửa sỗ sáng lờ mờ của ngôi tháp. 

Ông vội chạy tới góc vườn, từ đó ông có thể trông thấy rõ ánh sáng từ tầng thứ hai rọi xuống. Ông phải làm gì bây giờ ? Xông vào bắt quả tang chăng ? Chắc chúng đã được báo động vì ánh đèn tự nhiên tắt phụt .

Biết đã chậm. Ông lửng thửng quay về phòng .

Ngày hôm sau, Võ Hậu kiếm cách giải thích :

- Tối đêm qua Bệ Hạ làm gì mà lảng vảng ở khu bảo tháp vậy ?

Cao Tôn trả lời :

- À không... Trẫm đi dạo cho khoẻ đấy mà. 

- Sao Bệ Hạ lại đi dạo ở nơi tối tăm đó . Sao Bệ Hạ không đến tháp xem pháp sư phù phép ?

- Trẫm lên đó làm gì ? Trẫm đâu có thích pháp sư .

Mấy ngày liền, Cao Tôn không nhắc nhở đến chuyện này để Võ Hậu không đề phòng. 

Rồi một tối ông lại đi rình hai người . 

Rất may cho ông là lần này đứa thị nữ không trông thấy ông . Mãi đến khi ông đến chân tháp nó mới phát giác và la hoảng. Nó ù té chạy lên từng trên, ông vội chạy theo để nó không kịp báo động. 

Lúc đến nơi ông thấy hai người vừa buông nhau ra, tên Pháp sư đang sửa lại dây lưng , còn Võ Hậu quần áo xốc xếch y như ông đã thấy nhiều lần trong phòng ngủ của ông . Hai ly rượu còn đặt trên sàn. 

Võ Hậu có vẻ luống cuống :

- Bệ Hạ đến xem cầu đảo đấy ư ? Pháp sư vừa ngừng tay để nghỉ một lát thì Bệ Hạ tới .

- Trẫm biết rồi .

Cao Tôn vừa nói vừa quay lưng đi trở xuống .

Võ Hậu nói với theo :

- Sao Bệ Hạ không ở lại xem cúng ? Ở trên này tắt đèn vì cần phải yên lặng tuyệt đối mới cầu đảo được.

- Tại sao cứ cầu đảo là phải có người đứng xem ? Mình hắn làm không được sao ? Trẫm tưởng muốn phù phép trừ tà thì phải làm ở ngoài trời, chứ sao lại làm trong phòng kín .

Nói rồi Cao Tôn bỏ xuống dưới mặc hai người trong phòng đang ngồi thở hổn hển.

Ông đã nhìn thấy tận mắt, như vậy là đủ.

Cao Tôn đã có chủ ý. Thực ra, ông rất sung sướng vì đã tìm ra một bằng chứng đủ để truất ngôi Hoàng hậu. Giờ đây ông chỉ còn cần tới can đảm. 

Nửa giờ sau, Võ Hậu bước vào phòng ông .

- Sao Bệ Hạ không ở lại ? Sao lúc đó Bệ Hạ lại tỏ vẻ giận dữ . Bệ Hạ nghi ngờ điều gì chăng ?

- Trẫm không nghi gì hết.

- Đáng lẽ Bệ Hạ phải ở lại. Cung điện này luôn luôn có ma . Chắc Bệ Hạ không thể biết thiếp đã phải chịu đựng sợ hãi như thể nào ? Thiếp chắc rằng tên pháp sư có thể trừ ma được. Cuộc cầu đảo hấp dẫn quá, thiếp phải ở lại coi .

- Với hai ly rượu nữa chứ gì ? 

- Trời ơi, thiếp thề với Bệ Hạ là không có chuyện gì... 

- Hừ, đối với người khác mi là một Hoàng hậu, chứ đối với ta mi chỉ là một đứa đạo đức giả , một con điếm. 

Võ Hậu hết lời giải thích và năn nỉ nhưng vô ích. Cuối cùng bà đứng dậy và nói :

- Thôi được, thiếp ra ngoài để Bệ Hạ có thì giờ suy nghĩ. Bệ Hạ sẽ thấy thiếp làm như vậy là phải. 

Ngày hôm sau, Cao Tôn kể chuyện này và nói ý định của mình cho quan Trung Thư Thị Lang tên là Thượng Quan Nghi nghe . Ông là người duy nhất Vua có thể tin cẩn được .

Ông đồng ý với Vua :

- Tâu Bệ Hạ, để thần soạn cho Bệ Hạ một chiếu chỉ, nhưng Bệ Hạ nhớ đừng cho ai biết. Trong chiếu chỉ, thần sẽ không nhắc đến chuyện ngoại tình mà chỉ buộc Hoàng hậu vào tội đã dùng tà thuật trong cung, vì trước đây Vương hậu cũng bị phế vì tội này ; và tội đã đầu độc bà Công tước, tội đã giết hại các công thần như Vô Kỵ, Toại Lương, vì vụ này có tác động rất lớn về mặt tình cảm . Đại để chiếu chỉ sẽ nói rằng Hoàng hậu không còn xứng đáng nữa, phải phế đi , như vậy là đủ.

Vua rất mừng :

- Được lắm, khanh hãy về thảo chiếu. Nhớ giữ tuyệt đối bí mật nghe .

Nhưng mọi chuyện không đơn giản như Cao Tôn nghĩ. Thực ra ông đã tự lừa dối mình, vì ông thừa biết mọi cử chỉ, hành động của ông đều bị theo dõi và được báo cáo với Võ Hậu. 

Chiều hôm đó, Cao Tôn đang ngồi đọc lại bản thảo thì Võ Hậu bước vào . Bà nhìn ông một cách nghi ngờ, mắt bà toé lửa. Còn Cao Tôn mặt mày tái mét. 

Bà rít lên :

- Có đúng như vậy không ?

- Cái gì đúng ?

- Thôi Bệ Hạ đừng giả vờ nữa. Thiếp biết cả rồi. Chiếu chỉ đâu ?

Bà đưa mắt nhìn tờ giấy vàng nằm trên bàn .

Cao Tôn lo lắng ra mặt : 

- Không , không phải. Đây chỉ là một bản thảo .

Võ Hậu gầm lên : 

- Đưa đây !

Như cái máy, Cao Tôn đưa tờ chiếu cho Võ Hậu. 

Bà đọc lướt qua một lần rồi nghiến răng xé tờ giấy ra từng mảnh.

- Ai viết tờ chiếu nầy ? 

Cao Tôn ngồi yên .

- Nét bút của Thượng Quan Nghi, đúng không ?

Cao Tôn gật đầu .

- Chắc Bệ Hạ không ngờ thiếp lại biết hồi trưa này Bệ Hạ vào phòng Thượng Quan Nghi và đóng kín cửa để bàn luận. Trước khi đọc tờ chiếu thiếp đã thừa biết nội dung nó ra sao rồi.

- Cao Tôn vẫn yên lặng. 

Võ Hậu ngồi xuống, dịu giọng :

- Thiếp có vài điều ấp ủ từ lâu mà chưa có dịp nói với Bệ Hạ. Nhân tiện đây thiếp nói luôn . Thiếp mong Bệ Hạ đừng bao giờ nghe những lời dèm pha láo lếu. Thiếp kêu người trừ tà ma trong cung thì đâu có gì mà Bệ Hạ phải giận dỗi như đứa trẻ. Có bao giờ thiếp thiếu bổn phận làm vợ đối với Bệ Hạ chưa ?

Cao Tôn ngồi yên .

Võ Hậu tiếp :

- Gần đây thiếp thấy Bệ Hạ càng ngày càng phiền muộn và cáu kỉnh. Thiếp nghĩ rằng Bệ Hạ không được khoẻ nên thiếp không nói gì . Thiếp còn bận lo bao nhiêu công chuyện, nào là chuyện cung điện mới , chuyện triều chính . Tại sao thiếp lại phải trằn trọc mỗi đêm ? Đó là vì thiếp mải suy tính các việc phải làm , phác hoạ các kế hoạch, quyết định những vấn đề quan trọng về triều thần và đường lối cai trị . Tất cả những việc đó là để giúp Bệ Hạ , muốn Bệ Hạ lập được những công nghiệp vĩ đại . Nếu có ai muốn thay thiếp lo cho Bệ Hạ, thiếp sẳn sàng nhường ngay .

Cao Tôn đang bối rối vì nhức đầu. Ông không muốn bàn đến chính trị vào giờ phút này. 

Ông nói :

- Làm ơn để tôi yên .

Nhưng Võ Hậu cứ nói tiếp :

- Bệ Hạ rất kém thông minh khi nghĩ rằng thiếp đã giết chị ruột thiếp. Thiếp biết có những điều mờ ám trong đó. Hơn nữa, Bệ Hạ phải nhớ rằng có những việc mình không muốn mà vẫn phải làm. Ví dụ trường hợp Vô Kỵ và Toại Lương . Bệ Hạ yếu lòng quá nên mới tin được bọn họ. Bệ Hạ thử tưởng tượng xem số phận chúng ta sẽ ra sao nếu không ra tay trước ? 

- Khanh lúc nào chả có lý. 

- Đúng như vậy. May mà thiếp phá vỡ âm mưu kịp thời. Nếu thiếp không cứng rắn thì giờ này Bệ Hạ đâu còn ung dung ngồi yên trên ngai vàng. Làm vua, Bệ Hạ phải xử sự như một ông vua . Thiếp chỉ tiếp tay Bệ Hạ mà thôi. Bệ Hạ có biết vì sao thiếp xây toà cung điện mới này không ? Vì Bệ Hạ ! Thiếp luôn luôn bận rộn là để giúp Bệ Hạ trở thành một ông vua vĩ đại, nhưng Bệ Hạ cần phải cố gắng hơn, tự tin hơn . Bệ Hạ hãy nhìn xem đế quốc rộng lớn của chúng ta ! Bao nhiêu xứ đang chịu ta sai khiến. Nước Cao Ly cũng sắp trở thành chư hầu. Có bao nhiêu việc Bệ Hạ phải làm. Thiếp đang xếp đặt nhiều chương trình lớn lao để giúp Bệ Hạ. Chúng ta sẽ xây thêm nhiều đền đài, cung điện, thật hùng vĩ hơn hơn các triều đại trước. Bệ Hạ hãy tỏ ra mình là một ông Vua . Chúng ta hãy cùng nhau thực hiện những công nghiệp hiển hách. Bệ Hạ đừng mơ ngủ nữa, đừng ngồi đây nghe kẻ khác nói vào nói ra nữa !

Suýt nữa Cao Tôn ngã lòng vì bị Võ Hậu tấn công tới tấp. Ông cảm thấy choáng váng vì bị khích động. Ông sợ phải quyết định . 

Cuối cùng , ông nói một cách buồn rầu :

- Ta biết khanh có thể tự mình cai trị , không cần đến trẫm . 

- Điều đó thiếp làm được, nhưng thiếp chỉ muốn giúp Bệ Hạ . Bệ Hạ có vẻ yếu trong người. Thôi Bệ Hạ nên đi ngủ sớm và ráng ngủ cho ngon đừng nghĩ ngợi vẩn vơ nữa.

Cao Tôn thở dài, cam chịu số phận. Bao nhiêu hy vọng được tự do đã trở thành mây khói.

Với phản ứng nhanh nhẹn, Võ Hậu đã đảo ngược tình thế. Nhưng càng nghĩ về chuyện này bao nhiêu, bà càng tức giận bấy nhiêu . Không ngờ lại có kẻ dám nghĩ đến chuyện truất ngôi bà .

Võ Hậu biết mình luôn luôn có sẵn một con dao trong tay . Bà sẽ cho tất cả triều thần bài học đầu tiên và cũng là cuối cùng. Bà cho gọi Hứa Kỉnh Tôn . Hắn cho bà biết trước kia Thượng Quan Nghi làm việc với Thái tử Trung, vậy hiển nhiên ông là đồng loã của Thái tử .

Lập tức Thượng Quan Nghi bị ghép vào tội phản loạn và bị chém đầu . Gia đình ông bị bắt làm nô lệ. Mỉa mai thay, ngày sau một đứa cháu gái Thượng Quan Nghi được đem vào cung và làm lủng đoạn triều đình dưới thời Trung Tôn . Chúng ta sẽ gặp lại cô bé này ở cuối truyện.

Những âm mưu tưởng tượng xung quanh Lý Trung đã được lợi dụng quá mức và trở nên cũ rích. Võ Hậu cảm thấy Trung không còn dùng vào việc gì được nữa, bà cho phép chàng được tự treo cổ để khỏi bị xử tử giữa công chúng - quyền lợi của một Hoàng tử ! Lúc đó chàng mới hai mươi hai tuổi .

Cao Tôn biết mà không cứu được con .


Hồi 8: Những người kín miệng nhất

Từ ngày Cao Tôn mưu sự bất thành , tình trạng ông càng trở nên bi đát.

Chứng đau thần kinh hành hạ ông ghê gớm và dai dẳng hơn . Những cơn nhức đầu thường làm ông kiệt lực và khi tỉnh táo lại . Ông thẩn thờ, chán ngán. Ông thường cặm cụi nghịch những đồ dùng của thợ mộc như cưa đục, bào , v.v. Ông tự cưa những miếng gỗ bào, rồi đánh bóng, và có vẻ thích thú với công việc này lắm. Có lúc ông bày các thứ châu báu hay đồ cổ quí giá ra chơi với San San - con gái bà Công tước đã qua đời - cô này đã trở nên một thiếu nữ mười tám rất xinh đẹp. 

Hiển nhiên ông không quan tâm gì đến việc triều chính , để mặc bà vợ lo . 

Trong mười năm tiếp theo, sức khoẻ ông trải qua mấy lần khủng hoảng. Ông thường bãi bỏ các buổi chầu sáng sớm, vì dù có lâm trào chưa chắc ông đã nghe thấy triều thần nói gì. Do đó , một thông lệ được đặt ra : Trong mỗi buổi chầu, Võ Hậu ngồi phía sau một bức mành giúp Vua đối đáp với quần thần. Dần dần các quan vào chầu quen chờ nghe tiếng đàn bà hơn là tiếng đàn ông.

Điều này không hay ho gì, nhưng Võ Hậu viện cớ phải giúp ông chồng bệnh hoạn , theo bà nghĩ, ông cũng muốn được giúp như vậy . Người ta thường gọi chế độ này là "Nhị Thánh lâm trào" .

Bà Hoàng hậu hiếu động đã làm Vua mệt nhoài . Trong khi Cao Tôn chỉ thích thơ thẩn trong cung để cùng San San ngắm những con cá vàng hay những chậu thược dược thì Võ Hậu cứ bày trò bắt ông phải đi . Khi thì thăm cung điện mới ở Lạc Dương - tháng 3 năm 665 - khi thì đi dự lễ duyệt binh ; và bà lại đang sắp sửa tổ chức một cuộc ngự giá vĩ đại ra tận Thiên Sơn, vừa đi vừa về phải mất sáu tháng . Cứ nghĩ đến quãng đường diệu vợi, phải ngồi trên xe la hơn một ngàn cây số , Vua đủ thấy sợ. Vua muốn thoái thác để ở nhà lắm mà không được. Đây là lễ Phong Sơn, Vua phải lên ngọn Núi Thánh để lễ trời. Chuyến đi vừa để hành hương vừa để kỷ niệm một triều đại lớn.


- Dĩ nhiên, Bệ Hạ phải đi .

- Nhưng Núi Thánh ở tận Sơn Đông, cách đây cả ngàn cây số làm sao trẫm đi nỗi. 

- Bệ Hạ đừng lo. Sẽ nghỉ nhiều lần ở dọc đường và có đủ tiện nghi cho Bệ Hạ.

- Phải rồi. Chúng ta sẽ đi riễu suối dọc đường cho thiên hạ ngó. À, khanh tổ chức lễ Phong Sơn để làm gì vậy ? 

- Để cảm tạ Thượng đế đã cho chúng ta thái bình và thịnh vượng. Ngày xưa Tiên đế cũng tổ chức lễ này , Bệ Hạ phải noi gương .

- Thái bình thịnh vượng gì . Vứt hết ! Trẫm mang theo mấy con dế được không ?

- Thôi đừng tầm xàm nữa . 

- Trẫm nói thật mà. Khanh phải cắt mấy đứa trông dế cho trẫm. Có bao nhiêu người đi tất cả ? 

- Khoảng mấy trăm .

- Trời đất !

- Các thượng thư và các triều thần đều muốn được hân hạnh tháp tùng chúng ta trong cuộc ngự giá vĩ đại này. Nếu kể cả bọn người hầu, con số sẽ khoảng một ngàn , như thế mới tưng bừng. Cả triều đình đều đi rước hết !

- San San có đi theo không ? 

- Nó đi để làm gì ?

- Vậy trẫm cũng không đi .

San San được phong làm nữ Công tước từ khi mẹ nàng mất. Nàng là một cô bé vui tươi quen sống trong nhung lụa, hay cười và còn ngây thơ trước những trò quỉ quái của đàn ông . Tính tình nàng mềm mỏng đến nỗi nàng đã khóc hu hu khi một con dế của nàng bị thua dế của Vua và bị cắn gảy mất một giò. 




Cao Tôn cũng làm bộ ôm mặt khóc theo, rồi bất chợt hai người nhìn nhau cười xoà. Hai người vẫn tự hào là không ai hiểu được họ. 

Đã mấy năm nay San San ở trong cung mà không ai nói cho nàng hay về những điều mờ ám trong cái chết của mẹ nàng. Thực ra không ai dám rước hoạ vào thân . Tuy chính mắt nàng đã chứng kiến mẹ nàng chết, nhưng nàng cũng chỉ tưởng đó là một tai nạn tự nhiên . Vả lại Võ Hậu , dì ruột nàng , vẫn thường nhấn mạnh rằng các thức ăn trong cung đều được kiểm soát cẩn thận trước khi đem ra, vậy bà Công tước chết vì số mạng, nàng lại càng không nghi ngờ gì. 

Vẻ hồn nhiên của San San làm Cao Tôn thích thú. Một hôm hai người đi dạo chơi trong vườn, nàng đưa tay choàng qua người ông . Đối với nàng , Cao Tôn là một người dượng nên cử chỉ nàng hết sức tự nhiên, nhưng Cao Tôn vội nói : 

- Đừng làm như vậy !

San San rút tay về, ngạc nhiên nói : 

- Sao thế ? 

Cao Tôn ngẫm nghĩ một chút rồi nói :

- Coi chừng dì cháu trông thấy ! 

San San càng ngạc nhiên : 

- Trông thấy thì sao ? Cháu không hiểu. 

Cao Tôn hỏi lại :

- Cháu không hiểu thật sao ? 

Ông nhìn thật nghiêm nghị vào mặt cô bé một lát, rồi bất giác ông thở dài , đưa mắt nhìn về phía xa :

- Ta đã giết mẹ cháu. Thật ra, ta phải chịu trách nhiệm về cái chết của mẹ cháu. Vì ta quá thân mật với bà mà bà bị giết.

San San có vẻ bàng hoàng. Những chuyện nầy vượt xa bộ óc ngây thơ của nàng.

Ngừng một chút. Cao Tôn nói tiếp :

- Chuyện này rất bí mật . Mẹ cháu chết vì bị đầu độc. Dì cháu dám làm bất cứ việc gì, vì vậy mà ta bảo cháu phải coi chừng , đừng bao giờ để lộ cho dì cháu biết là ta rất mến cháu. Nếu có chuyện gì xảy ra chắc ta sẽ ân hận suốt đời. 

Cao Tôn không nói những chi tiết bí mật, những nguyên nhân sâu xa của câu chuyện vì ông không muốn đầu độc bộ óc non nớt của nàng.

San San được theo Cao Tôn và Võ Hậu đi Thái Sơn . 

Lễ Phong Sơn là một lễ lớn vào tháng tám, chỉ được tổ chức vào những dịp thật đặc biệt. Trước kia vua Thái Tôn tổ chức lễ này sau khi ông lên ngôi được mười một năm để kỷ niệm cuộc vãn hồi hoà bình và thống nhất xứ sở. Đến năm 641, ông định tổ chức lễ này lần thứ hai để mừng thành quả trong chiến dịch Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng vào tháng sáu năm đó , sao Chổi xuất hiện nên đã bị huỷ bỏ.

Võ Hậu đã được theo Thái Tôn xem lễ một lần từ hồi còn nhỏ. Bà đã say mê , không phải vì ý nghĩa tôn giáo mà vì vẻ huy hoàng rực rỡ của nó. 

Lễ Phong Sơn là một hành trình xa xôi , chậm chạp, làm tê liệt guồng máy chính quyền trong hàng năm trời và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt các địa phương mà Vua ngự giá đi qua ít ra trong sáu tháng. Cuộc lễ lôi cuốn theo tất cả triều đình với hàng chục ngàn người, ngựa xe, trâu bò , các thị vệ của Vua cũng như các vương hầu. 

Mỗi khi đoàn người dừng lại ở đâu là các quan địa phương lại bù đầu lo nơi ăn chốn ở cho Vua cùng các Vương, Công, Khanh, Tướng , và gia quyến họ. Vô phúc cho vị quan nào thiếu bổn phận chọc giận tới các ông đó !

Lệnh triệu lập các quan đã ban ra . Tất cả các Vương tước và Đại thần, trừ những người mắc việc quan binh trọng yếu, đều phải về tập trung tại Lạc Dương . Gần đến ngày khởi hành , ngoài đường luôn luôn tấp nập ngựa xe, lính tráng , vì ngoài gia đình của Triều thần còn có đủ mặt các Vương tước, Tù trưởng các bộ lạc và Sứ thần từ các nước Thổ Nhỉ Kỳ , Ba Tư, Vu Điền, Ấn Độ , Nhật Bản , Đại Hàn , Nam Cao Ly v.v. Mỗi vương tước và đám thuộc hạ hợp thành một đội riêng mang cờ xí , huy hiệu, tàn lọng, màu sắc phân biệt với các đội khác. Cả đoàn người dài bốn năm chục cây số di chuyển cùng một lúc đường xá chật ních những xe, ngựa, lạc đà . 

Về ban đêm người ta có thể trông thấy nhưng dẫy lều tròn xung quanh các làng mạc và các khu đất rộng. Nói tóm lại, đất cát của ba tỉnh lớn bị đảo lộn dưới gót chân của đoàn người vĩ đại.

Tháng mười hai đoàn người tiến vào địa Phận tỉnh Sơn Đông và nghỉ lại Tế Châu Tế Nam mười ngày trước khi đi Thái Sơn .

Cuộc hành lễ được trù tính bắt đầu vào ngày mùng một Tết. Tất cả các quan lại có bổn phận sắp đặt chương trình đều phải tới chân núi từ mười ngày trước. 

Ngày mồng một tháng giêng lễ rồi , ngày mồng hai Vua và một số người lên núi làm lễ đặt tên hiệu cho núi , và ngày mồng ba tất cả kéo xuống đồng bằng để làm lễ Đất. Vua và các người dự lễ phải tẩy uế và cữ sắc dục từ mấy ngày trước.

Môt điều đặc biệt và có vẻ khôi hài trong bữ
a lễ là sự có mặt của Võ Hậu. Theo lệ, đàn bà không được dự lễ , nhưng trước khi đi Võ Hậu đã nhấn mạnh với Vua là luật lệ này phải sửa đổi để bà tham dự . Vua biết làm như vậy là sái luật, là phạm vào điều cấm kỵ của tiền nhân, nhưng cũng chấp thuận, vì nếu không cuộc đi đã không thành . 

Đoàn người đến Lạc Dương vào tháng tư . Vừa đi vừa về mất đúng sáu tháng .

Chuyện đáng nói nhất trong chuyến đi là chuyện về San San, cô gái ngây thơ con bá Công tước. 

Không kể hai người anh cùng cha khác mẹ đã bị đày đi xa và chết vì tay bà . Võ Hậu còn có một số anh em họ và ba người chú.

Trong thời gian hành lễ tại Thái Sơn , hai người anh họ của bà là Vị Lương và Hoài Nguyên - một trong hai người làm Án Sát tại Sơn Đông - cũng tới dự. 

Được gặp hai ông cậu, San San rất mừng rỡ, vui vẻ chuyện trò . Nàng không quên kể cho hai người nghe chuyện Võ Hậu mưu hại hai người anh cùng cha khác mẹ của bà và chuyện bà đã giết mẹ nàng bằng thuốc độc. 

Không may, lúc ba người nói chuyện, có kẻ rình nghe và báo cáo lại cho Võ Hậu. Bà vẫn lặng lờ như không biết gì , ân cần mời hai người anh họ về kinh đô chơi .

Một ngày kia Vị Lương và Hoài Nguyên được mời tới cung dự yến. Theo lời dặn của Võ Hậu, hai người lựa vài món thật ngon đem đến để cùng ăn . Trong khi chờ đợi Cao Tôn, Võ Hậu bảo thị nữ mang mấy thứ mà hai người mới mang tới ra ăn thử.

San San cũng được chia phần, nhưng khi nàng vừa nuốt vào bụng được một chút thì ruột bỗng quặn đau, mặt nàng tái nhợt và lục phủ ngủ tạng như bị lửa đốt. Một lát sau máu từ mũi nàng trào ra . Mọi người sợ hãi, vội đưa nàng đi nằm. Có điều đáng chú ý là trừ nàng, những người khác đều không việc gì .

Khi Cao Tôn tới, ông la hoảng khi thấy cô bé đang lăn lộn, rên xiết. Chắc chắn cô phải chết. Cao Tôn nhớ trường hợp bà Công tước chết cũng y hệt như vậy.

Đêm hôm đó San San chết, Nàng ra đi giữa tuổi tươi đẹp nhất của người con gái.

Cao Tôn ruột gan tan nát. Lòng ông lại trải qua nhưng chua chát, đắng cay đối với một cô bé ngây thơ, vô tội, người ta lại có thể tàn ác như vậy sao ?

Anh em Vị Lương cũng rất kinh hoảng.

Võ Hậu nước mắt như mưa, than :

- Trời ơi ! Cháu tôi ! Chị tôi mất đi để lại có mình nó, bây giờ trời cũng bắt nó đi nữa sao ? Cũng tại hai tên sát nhân này !

Quay sang Cao Tôn, Võ Hậu tiếp :

- Thiếp biết chúng định tâm giết Bệ Hạ, nhưng không may San San ăn phải. 

Thế là Vị Lương và Hoài Nguyên bi bắt quả tang giết người, có Võ Hậu làm chứng .

Hai người bị đem xử tử.

Cả ba người biết nhiều về chuyện Võ Hậu đã trở thành những người kín miệng nhất .

Hồi 9: Thành tích của bà nội

Cao Tôn cảm thấy mình không khác một con chim bị nhốt trong lồng vàng , trong lồng không còn con chim nào khác để ông bầu bạn. Các cơn đau hành hạ ông dữ dội và bệnh tình càng trầm trọng hơn trước.

Tóc ông đã bạc màu nhiều. Niềm an ủi của ông hiện giờ là Thái tử Hoằng, một vị Thái tử có nhiều triển vọng thành công khi lên ngôi . Hoằng là một thanh niên trẻ tuổi , hăng hái , luôn luôn giữ được phong cách của một Thái tử. Chàng là con trai đầu lòng của Võ Hậu, dĩ nhiên chẳng ai dám mưu giết chàng.

Năm 673, Vua hoàn toàn suy yếu, Thái tử phải thay mặt Vua lo việc các bộ để Vua và Hoàng Hậu về nghỉ tại Đông đô - Lạc Dương - Chỉ nhưng việc thật quan trọng, Thái tử mới phải hỏi ý kiến Vua, hay nói đúng hơn, ý kiến Võ Hậu, vì Vua thường nằm liệt giường.

Nói tóm lại Có ba giai đoạn trong thời kỳ Võ Tắc Thiên làm Hoàng hậu : Mười năm đầu , việc lâm trào thường xuyên do Cao Tôn, thỉnh thoảng do Võ Hậu . Mười năm thứ nhì , giai đoạn Nhị Thánh , hai người cùng lâm trào nghị sự . Và mười năm cuối cùng , giai đoạn Thánh Hậu , Võ Hậu thuờng xuyên , còn Cao Tôn chỉ thỉnh thoảng. 

Trong giai đoạn thứ ba, từ năm 674 trở đi, Võ Hậu toàn quyền hành động. 

Kỷ nguyên mới bắt đầu với một chương lệnh chính trị nghe rất kêu . Tài lảnh đạo và khả năng chính trị của bà được biểu hiện qua một lá thư viết cho Cao Tôn với tư cách của một người vợ khiêm nhượng. 

Lá thư này gồm mười hai điểm nhằm cải tổ xã hội và chính phủ một cách rộng lớn : 

1. Phát triển nông nghiệp và nghề tầm tang, giảm bớt công việc cho giới lao động. 

2. Miễn thuế cho các tỉnh phía Tây Bắc. 

3. Văn hồi đạo đức để chung sống hoà bình. 

4. Cấm xa hoa lãng phí . 

5. Giảm thiểu đến mức tối đa việc trưng tập binh lính . 

6. Tự do phát biểu ý kiến . 

7. Không chấp nhận những quan lại bất chính và những quan lại chỉ biết nghe lệnh một cách mù quáng. 

8. Tất cả quan tước từ Vương , Công trở xuống phải học Đạo Đức Kinh của Lão Tử - cũng họ Lý với các vua đời Đường . 

9. Thời gian để tang mẹ là ba năm dù cha còn sống - tượng trưng sự bình đẳng giữa nam và nữ.

10. Những quan lại về hưu vẫn được giữ nguyên tước hiệu và phẩm trật. 

11. Các quan tại kinh đô từ bát phẩm trở lên đều được tăng lương .

12. Các quan thâm niên đều được cứu xét và thăng trật nếu có công .

Ba điểm sau cùng giúp Võ Hậu được lòng nhiều người trong giới quan lại toàn quốc. 

Nói một cách tổng quát, hầu hết các chính trị gia có một cái nhìn bao quát đều có thể nghĩ ra những cải tổ trên . Toàn quốc không có ai phản đối những cải tổ nầy , nhất là điểm vãn hồi đạo đức để chung sống hoà bình .

Những chuyện bực mình dường như luôn luôn đeo đuổi Cao Tôn . 

Năm 675 , lại thêm một biến cố trong gia đình làm cho ông mất hết sinh thú.

Thái tử Hoằng là một người học thức, hơi lý tưởng và nhạy cảm giống vua cha . Từ thời thơ ấu , chàng đã được rèn luyện để sau này làm người kế vị . Các học giã uyên bác được mới vào cung để chỉ dẫn chàng tất cả các môn, kể cả làm quen với việc triều chính .




Hiện chàng đã hai mươi ba tuổi và đang được trao quyền dần dần. Trông hai năm 671 và 672, chàng đã giữ trọn quyền tại Trường An để vua cha dưỡng bệnh ở Lạc Dương . Chàng đã cưới con gái của một vị học giả nên vị học giả nầy cùng các bạn của ông hết lòng phò tá chàng. Mọi việc tiến triển tốt đẹp .

Trong thời gian nghiên cứu nghệ thuật cai trị . Hoằng đã học được rất nhiều đức tính của ông nội -Vua Thái Tôn- là lòng nhân ái và sự lo lắng cho dân . 

Chàng rất cảm thông đời sống cơ cực của đám binh lính, nhưng vì chưa lên ngôi nên chàng chỉ có thể giúp họ bằng cách bãi bỏ chế độ bắt vợ con các lính đào ngũ làm nô lệ , tuy chế độ nghiêm khắc nầy giúp quân đội của Thái Tôn rất hùng mạnh. 

Theo chàng biết có nhiều lính không đào ngũ mà lại bị ghép tội đào ngũ. Sau mỗi lần đánh, luôn luôn có những kẻ thất lạc không về trình diện được vì nhưng lý do bất khả kháng. Vi dụ có người bơi qua sông bị chết đuối, có người bị đau ốm bất ngờ hay bị quân thù bắt, v.v. Sẽ có sự lầm lẫn lớn nếu chỉ kiểm điểm xác chết tại trận, còn những người mất tích đều coi là đào ngũ và đem vợ con họ ra trừng trị.

Năm 672- 673 trời hạn hán, nạn đói khủng khiếp xảy ra tại mấy tỉnh Tây Bắc Trung Hoa, dân chúng chết vô số. Khi đi viếng thăm binh lính, Thái tử Hoằng thấy họ chỉ ăn toàn vỏ và trái cây rừng , chàng bèn ra lịnh lấy gạo từ kho riêng ra phát cho họ. Chàng còn xin phép Vua chia những đất công tại Đông Châu cho dân nghèo để cày cấy.

Những hành động trên đưa Thái tử Hoằng đến chỗ chống đối với Mẫu hậu. 

Chàng tán thành việc thi hành kỷ luật và công lý, nhưng chàng phản đối những hành vi tàn ác, tư thù nhỏ nhen .

Một hôm Hoằng đến Lạc Dương chơi và khám phá ra rằng hai người con gái của Triệu phi là Nghi Dương và Cao An hiện sống cô độc nơi hậu cung . Họ đều đã luống tuổi - trên dưới ba mươi - mà chưa hề tính chuyện chồng con . Thật ra họ bị giam lỏng, không có cách gì lấy chồng được.

Thái tử Hoằng tìm Võ Hậu và nói với bà :

- Thưa mẹ, theo sách thánh hiền con gái lớn phải đi lấy chồng, sao con thấy hai chị của con vẫn còn độc thân ? Họ không thể làm hại triều đình được đâu, xin mẹ hãy thu xếp cho họ.

Võ Hậu không thể từ chối trước những lý lẽ hợp với công đạo này. Tuy nhiên, bà nghĩ rằng đối xử với hai người như hiện thời đã là đặc biệt, dễ dải rồi. Tất cả thân quyến của Triệu phi đều bị gọi là bọn "kên kên" và đã bị đày đi xa , nhưng bà để hai người con ruột của Triệu phi ở trong cung là để tránh tiếng đồn đại ra ngoài . Bà trả lời với Hoằng là bà quên mất hai người và hứa sẽ cho họ đi lấy chồng. 

Sau đó bà đem gả hai người cho hai tên thị vệ. Hành động này có vẻ bất nhân vì dù sao họ cũng là con ruột của Cao Tôn .

Võ Hậu làm những việc ngang trái nhưng không bao giờ bà muốn con bà đem những việc đó ra phán đoán. 

Một tháng sau - tháng tư năm 672 - lại một chuyện nữa làm Thái tử giận điên người , và vợ chàng cũng rất buồn. 

Vợ của Hoàng tử Triết là Đào phi một người đàn bà rất hiếu thuận. Mẹ của Đào phi là Công chúa Trường Lạc hay ra vào nội cung và đã mấy lần Võ Hậu bắt gặp bà cặp kè với Cao Tôn. 

Võ Hậu giận lắm nhưng không giết, chỉ đổi hai vợ chồng Công chúa đi xa và cấm lai vãng về triều. Dĩ nhiên chuyện này không dính dáng tới Đào phi , nhưng Võ Hậu cũng đem nàng nhốt vào một căn buồng và sai người ngày ngày đưa cơm cho nàng . Ít lâu sau người ta phát giác nàng đã chết trong buồng vì đói. 

Thái tử Hoằng biết Võ Hậu đã ra lệnh bỏ đói nàng. 

Hoàng tử Triết cũng biết vậy , nhưng không dám đến thăm vợ hoặc có ý kiến gì. Triết im lặng , nhưng Hoằng nhất định nói, và chàng đi tìm mẹ . 

Khi thấy chàng, Võ Hậu đã biết ý . Bà giữ vẻ mặt cực kỳ nghiêm nghị . 

Trong hoàng tộc, dù là mẹ con cũng phải giử đủ lễ nghi . Thái tử đến trước mặt Hoàng hậu, nói bằng một giọng dõng dạc, tự tin . Chàng không gọi mẹ xưng con mà dùng tiếng : "Muôn tâu mẫu Hậu" rất trịnh trọng. 

Chàng nói :

- Muôn tâu Mẫu Hậu, hài nhi trộm nghĩ Mẫu Hậu đã viết một cuốn sách tán dương những người đàn bà đạo đức, vậy mà nay trong nhà mình lại có một người đàn bà đạo đức bị bỏ chết đói thì thật đáng buồn.

Câu nói như một tiếng sét lớn giáng xuống đầu Võ Hậu. 

Bà giận run . Gã con trai của bà dám nói với bà như vậy sao ? Hắn muốn ám chỉ gì ? Từ khi bà đổi bố mẹ Đào thị đi xa . Đào thị dám tỏ vẻ bất mãn, mấy ngày liền không thèm mở miệng nói năng . Như vậy không đáng tội sao ? Một người con dâu "đạo đức" là như vậy sao ? 

Bà nghiến răng :

- Thị vô lễ, ta trừng phạt thì không được hay sao ? Còn thị muốn nhịn đói là quyền của thị , sao lại đổ lỗi cho ta ? Còn ngươi nữa, đừng quên bổn phận làm con, đừng lên mặt dạy ta .

Thái Tử vẫn bình tĩnh :

- Tâu Mẫu Hậu, vậy mà hài nhi lại tưởng Mẫu Hậu muốn nghe những lời phân trần , cởi mở. Nếu hài nhi không lầm thì tự do phát biểu ý kiến là một trong mười hai điều mà Mẫu Hậu đã đưa ra để tránh bất công . Hài nhi vào đây chỉ muốn cản ngăn, giúp đỡ Mẫu Hậu. Nếu hôm nọ hài nhi không nhắc nhở Mẫu Hậu thì chắc hai chị của hài nhi sẽ thành gái già mất. Nhưng sao Mẫu Hậu không gả họ cho người tử tế mà lại gả cho bọn thị vệ . Dù sao họ cũng là con của một vị Hoàng đế.... 

Võ Hậu ngắt lời, giọng bà nghiêm nghị đầy vẻ hăm doạ, mắt bà nheo lại lạnh lùng :

- Đủ rồi. Ngươi có thể lui . 

Mười tám ngày sau, Thái tử Hoằng chết trong một cuộc đi chơi cùng Vua cha và Hoàng hậu . Chàng ăn phải một món ăn "khó tiêu" nào đó, dù chàng là người con ruột đầu lòng của Võ Hậu !

Nếu đem lòng người thường ra để đo lòng bà nội, người ta sẽ thất bại. Cha tôi Hoàng tử Hiền - còn bị đối xử tàn tệ hơn thế nữa. 

Tôi thường nghĩ rằng các Hoàng tử trong thời nay đều là những quân cờ để bà nội mang ra chơi . Vì không thiếu quân, bà sẳn sàng đem thí khi gặp nước. Đám con cháu chỉ còn biết tự an ủi rằng khi sinh ra mỗi người một tính . Chẳng may bà nội tính tình quả khác thường. Hay nói đúng hơn, độc nhất vô nhị thì con cháu phải chịu vậy..

Sau đây là tổng kết thành tích của bà nội : 

Ông nội Cao Tôn - có chín người còn trai, một người chết non . Bà nội giết năm người - kể cả hai người con ruột, còn lại hai người bị bà giam cầm mười mấy năm trời, đó là chưa kể đứa con gái sơ sinh mà bà bóp chết .

Thái tử Hoằng chết làm mọi người náo loạn. 

Ngay tối hôm đó , Vua và Hoàng hậu trở về cung . 

Cao Tôn thương Hoằng hơn tất cả mọi thứ trên đời. Ông lảm nhảm tính những người bị giết trong gia đình : Vương hậu, Triệu phi, bà Công tước, San San, Đào phi, Lý Trung - người con cả - và bây giờ là Hoằng.

Suốt đêm đó, Cao Tôn run rẩy bên xác con . Ông thực sự khóc nức nở vì thương . 

Hôm sau ông không chịu đi ăn cơm ; khi mọi người ép vào phòng, ông cũng chỉ ngồi vào bàn chứ không ăn . Trông ông thực tiều tuỵ, mắt ông đăm đăm nhìn Võ Hậu. 

Thấy vẻ khác lạ của ông, Võ Hậu nói :

- Bệ hạ đừng buồn rầu thái quá. Nên ăn một chút cho khoẽ.

Bất thình lình Cao Tôn đứng vùng dậy , đưa tay gạt hết bát đỉa trên bàn xuống đất, người ông run run , tóc xoã ra . Ông chỉ mặt

Võ Hậu, giọng ông lạc hẳn đi vì xúc động :

- Mi ! Chính mi đã giết con ta ! 

Võ Hậu tái mặt. 

Cao Tôn lầm bầm :

- Ta với mi đến đây là hết . Mi không thể tha thứ cho bất cứ ai trên đời này trừ mi . Tại sao mi lại bắt mẹ Đào thị phải đi xa để ta không được gặp bà ? Tại sao mi lại bỏ đói Đào thị ? 

Nói đến đây, Cao Tôn bỗng sấn lại Võ Hậu : 

- Tại sao San San lại chết ? Hãy nói cho ta biết mi đã làm gì nó ? Mi giết nó vì nó biết nhiều chuyện về mi quá phải không ?

Mặt Võ Hậu xanh lè trông gớm khiếp. 

Cao Tôn dơ tay định xô bà xuống đất thì ông bỗng cảm thấy bao nhiêu hơi sức biến đâu mất hết, tay ông mềm nhủn, đã đưa lên nửa chừng lại bỏ thõng xuống, và Hoàng tử Hiền chạy lại vừa kịp đỡ ông khỏi té xuống đất. Chàng dìu ông về phòng. Mắt ông vẫn toé lửa, hơi thở dồn dập. 

Võ Hậu bỏ ra ngoài và không trở lại thăm Cao Tôn . 

Chưa bao giờ trong cung lại xảy ra một chuyện như vậy.

Hoàng tử Hiền ở lại săn sóc Cao Tôn . 

Đêm hôm đó ông thều thào nói với chàng :

- Ta trao tất cả cho con đó. Ta không muốn làm vua nữa, ta muốn được yên . Sơn hà, xã tắc mà làm gì... Hãy để cho ta yên .

Quan thái y hết sức săn sóc Cao Tôn mà ông vẫn mê man . Suốt đêm ông cứ lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại mãi câu : Hãy để cho ta yên .

Ngày hôm sau , Cao Tôn cho gọi một số triều thần vào và tỏ ý định nhường ngôi lại cho Hiền, nhưng mọi người đều can ngăn , khuyên ông nên suy nghĩ kỹ. 

Cao Tôn nghĩ lại và đã đổi ý : Ông không nhường ngôi cho Hiền mà truy phong cho Hoằng làm Hoàng đế và ra lệnh tổ chức đám tang theo đúng lễ nghi dành cho vua , tuy nhiên thời gian cả nước để tang rút ngắn lại còn ba mươi sáu ngày. Ông ra lệnh xây cho Thái tử một lăng mộ rất vĩ đại . Công việc xây thật khó nhọc , đến nỗi đã có vài bọn nhân công nổi loạn ném đá vào các quan giám thị rồi bỏ chạy.

Một năm sau, vợ của Hoằng cũng buồn rầu sinh bệnh mà chết .

Hồi 10: Nhà tiên đoán thời tiết

Tôi còn nhớ khi tôi được năm tuổi thì cha tôi về Trường An kể cho cả gia đình nghe tấn thảm kịch đã xảy ra cho Thái tử Hoằng tại Lạc Dương, và báo tin người đã được phong làm Thái tử để thay thế . Được hưởng vinh dự lớn lao như vậy mà người không tỏ ra vui vẻ chút nào .

Người có nói một câu mà tôi còn nhớ mãi:

- Nếu có thể, ta sẽ không bao giờ ăn cùng với Mẫu Hậu . 

Dù sao việc cha tôi được làm Thái tử cũng khiến bọn trẻ chúng tôi vui mừng và gia đình tôi thay đổi nếp sống. 

Trước kia cha tôi làm trưởng quan tỉnh Cam Túc nhưng cả gia đình vẫn sống ở Trường An . Nay người làm Thái tử, chúng tôi dọn vào sống trong cung . 

Tôi còn nhớ nguyên sách vở của người đã chiếm ba xe bò đầy. Hồi ấy người hai mươi hai tuổi , và có ba con trai, tôi là út. Tôi được gặp ông bà nội mấy lần và được nghe láng máng về cuộc lễ Phong Sơn và chuyện San San bị đầu độc, nhưng tôi không nhớ mặt mũi ông nội tôi ra sao . Tôi chỉ biết từ sau chuyến đi Thái Sơn , ông nội càng ngày càng suy yếu thường nằm liệt giường. Và đến cuối năm 675 , ông nội ngừng hẳn việc triều chính.

Chúng tôi sống tại Trường An cách xa Lạc Dương nơi bà nội ở. Điều này làm cha tôi rất hài lòng . Người thường vui vẻ nô đùa với chúng tôi, có ngày người rũ chúng tôi đi đá banh, có ngày người dẫn cả bọn đi săn bắn. Người rất thích ngựa và chim ưng . Người dạy tôi cách để chim ưng đậu trên tay, nhưng tôi không ưa chúng vì cặp mắt chúng dữ tợn quá. Người rất mê những con ngựa cao lớn -cùng sở thích với Cao Tôn và Thái Tôn-, nhất là những con lấy giống từ Thiên Sơn (Turkestan). Mỗi khi người cưỡi ngựa tôi thường đứng xem và phục lăn . 

Cha tôi là một người vui tươi, khoẻ mạnh, một tay kiếm rất cừ và bắn cung cũng không đến nỗi tệ . Người học rất giỏi , khi sáu bảy tuổi người đã nỗi tiếng là thuộc nhiều thơ và có thể đọc đọc bộ Thư Kinh , một bộ sử của Khổng Tử , viết bằng cổ văn rất khó đọc. 
Trong thời gian ở Trường An người đã cùng một số học giả soạn ra bộ Chú Giải về Lịch Sử đời Hậu Hàn . 




Công việc này đòi hỏi một công trình khảo cứu thấu đáo về cổ ngữ và các phát âm các địa danh . Khi bộ sách hoàn tất, ông nội nhiệt liệt khen thưởng người vì người chính là chủ biên của công trình vĩ đại đó . 

Thái tử Hiền là người thực tế và khôn ngoan hơn Thái tử Hoằng. Rút kinh nghiệm từ cái chết không đúng lúc của Hoằng, chàng thường có khuynh hướng lánh xa Vo Hậu, nhất là không bao giờ ăn cùng mâm với bà. Chàng thường ở Trường An và ít khi qua Lạc Dương .

Võ Hậu linh cảm thái độ khác lạ của chàng và trong lòng bà ngấm ngầm tức giận. 

Bà hiểu rằng trong tương lai phe ngoại thích -họ Võ- của bà sẽ xuống dốc vì một tay chàng .

Năm 679 , Cao Tôn bị một trận đau nặng và Hiền được phong làm Phụ Chánh -người cộng đồng nhiếp chánh với vua- chàng tránh tới mức tối đa việc viếng thăm cha mẹ , vì tình nghĩa giữa chàng và Võ Hậu đã bị rạn nứt và chàng không muốn đi vào vết xe đổ của Thái tử Hoằng . 

Từ ngày lên làm Phụ Chánh, Hiền rất chuyên chú với công việc triều chính vì chàng biết vua cha có thể qua đời bất cứ lúc nào . Chàng đã ở vào tuổi hai mươi ba , không còn ngây thơ ngu dại để kẻ khác có thể lợi dụng danh nghĩa chàng mà thao túng triều đình. Ít lâu sau, Hiền nghe phong phanh trong cung có dư luận đồn rằng chàng là con của bà Công tước , chị ruột Võ Hậu. Chắc hẳn Võ Hậu đã tung ra tin nầy với một mục đích mờ ám . Hiền còn nhận được mấy lá thư của Võ Hậu trách chàng thiếu bổn phận làm con . Hiền rất buồn về những chuyện này. Chàng lo lắng không biết mẹ chàng đang âm mưu gì và số phận chàng sẽ ra sao ? Có lẽ chàng sẽ phải tự vệ bằng mọi cách. 

Trong khi đó, tại Đông đô, Võ Hậu thường đi lại với một đạo sĩ kiêm tướng số tên là Minh Tôn Yên . Xưa nay Võ Hậu vẫn khoái đạo sĩ và thầy thuốc. Những kẻ xứng ý bà đều được phép vào khuê phòng của bà. 

Hơn một năm nay Cao Tôn hoàn toàn nằm liệt giường nên bà không còn sợ Vua bắt quả tang như trước kia nữa. Nhờ sự đi lại thân mật, tên đạo sĩ đã dò ra tâm sự của bà. 

Gã đánh trúng tâm lý bà khi nói rằng tướng một của Thái tử Hiền rất xấu, cháu sẽ không sống lâu và thiếu may mắn - điều này đúng vì nhiều thầy tướng khác cũng nói vậy - gã viện cớ rằng chàng phạm vào mấy điều kỵ như anh hoa phát tiết ra ngoài, mũi nhọn quá .v.v. Trái lại Triết có nhiều nét giống Thái Tôn, và chàng có nhiều phúc tướng nhất. 

Nhưng lời bàn này lại càng chia rẽ tình mẫu tử giữa Võ Hậu và Hiền. 

Hiền rất ghét tướng số mê tín dị đoan và rất khinh những người đàn bà nhẹ dạ tin nhảm. Võ Hậu chẳng cần dấu những lời bàn của tên đạo sĩ, còn Hiền cũng không dấu thái độ khinh miệt đối với y .

Mùa đông năm 679-680, đạo sĩ Minh bị giết trên đường từ Lạc Dương đến Trường An . Hai thành phố cách nhau hơn một trăm dặm và phải đi qua đèo Đồng Quan dẫn tới sông Hoàng Hà. Cuộc ám sát xảy ra trến đường đèo và không bắt được thủ phạm. Có thể Hiền đã nhúng tay vô vụ này , cũng có thể không , nhưng trừ khử một tên "bán miệng ăn tiền" là một việc hợp lý.

Không biết mối liên quan giữa Võ Hậu và tên đạo sĩ ra sao , chỉ biết rằng khi nghe tin này, bà đã nỗi giận lôi đình . Bà nghi ngay Hiền là thủ phạm và cho gọi chàng về Lạc Dương . 

Trong khi Hiền ở Lạc Dương, Võ Hậu sai người khám xét tư dinh chàng tại Trường An và tìm thấy ba trăm món vũ khí trong chuồng ngựa. Những vũ khí nãy có thể do Hiền cất dấu để phòng khi cần đến, hoặc cũng có thể do người khác mang tới để vu cho chàng. Thế là Hiền bị ghép tội phản nghịch , mặc dầu mọi người tự hỏi chàng có thể làm phản với một dúm vũ khí như vậy không và phản ai, khi chính chàng là Thái tử sắp lên ngôi ? 

Không cần xét nguyên do, Hiền bị bắt quả tang tàng trữ vũ khí, cũng như Vương hậu trước đây bị bắt vì chôn dấu một hình nhân bằng gỗ dưới gầm giường. Muốn chắc , Võ Hậu mua chuộc một tên bộ hạ của Hiền và bảo hắn khai rằng chính Hiền đã giết đạo sĩ Minh và mưu phản. 

Các đại thần được họp lại để xét xử hành động của Hiền và họ đã hùa theo Võ Hậu để buộc tội chàng. Phản nghịch là tội tử hình. 

Cao Tôn rùng mình khi nghĩ đến số phận của hai người con trước -Trung và Hoằng - Ông vội vã can thiệp để gỡ tội cho Hiền. Ông viện lẽ Hiền đã có công lớn khi làm Phụ Chánh, không có lý do nào thúc đẩy chàng mưu phản. Vả lại một vị phụ Chánh có thừa thẩm quyền giữ vũ khí trong nhà , và dù chàng có giết tên đạo sĩ đi nữa thì đã sao ? Dù sao, Vua cũng có quyền ân xá tối hậu, bác bỏ quyết định của các Đại thần. 

Thật là phi lý khi một Thái tử đang nhiếp chánh phải đền mạng cho một tên đạo sĩ quèn . Giả sử Võ Hậu không cố ý trừ khử Hiền vì thấy chàng có đủ khả năng tự lập thì bà đã không cho lục soát tư dinh và buộc tội chàng. 

Kết quả Hiền không bị xử tử đúng như nguyện vọng của Võ Hậu, nhưng chàng bị truất và cầm tù. Hoàng tử Triết lên thay .

Tôi lên mười khi thảm hoạ xảy đến cho gia đình . Lúc đầu vì lo lắng quá, chúng tôi không tìm ra nguyên nhân của vụ án, nhưng về sau chúng tôi đã hiểu . Chắc hẳn cha tôi đã có lần đả kích bà nội về chuyện đi lại với tên đạo sĩ , khiến bà nội nỗi giận. Khi cha tôi bị bắt và bị đày đi xa - Tứ Xuyên - chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với người . Người không bị giết ngay vì ông nội còn sống, và mãi đến khi bà nội chết , người ta mới đem hài cốt đã mục nát của người về chôn cùng tổ tiên .

Sau khi cha tôi bị hại, ba đứa chúng tôi bị đem về Lạc Dương và bị giam lỏng nơi hậu cung . Năm khi mười hoạ chúng tôi mới thấy mặt ông bà nội. Chúng tôi hay gặp cô tôi là Công chúa Thái Bình hơn nữa vì không hiểu tại sao bà rất thích chúng tôi . Hồi đó Công chúa mới mười lăm, mười sáu , và chưa lập gia đình . Một năm sau, Công chúa lấy chồng và không còn tìm đến chúng tôi nữa. Chúng tôi ít khi gặp Công chúa nhưng lại được nghe nhiều những chuyện lăng nhăng của Công chúa trong cung. 

Tháng mười hai năm 683, ông nội mất.

Hai tháng sau chúng tôi rất kinh ngạc khi thấy chú tôi là Hoàng tử Đán được sắc phong làm Hoàng đế và được đưa vào nghỉ mát cùng chúng tôi tại hậu cung . Cả gia quyến ông cũng bị quản thúc rất chặt chẽ.

Gần đây, trong thời kỳ tôi viết tập truyện nầy, có một chuyẹn vừa ngộ nghĩnh vừa chua chát xảy ra trong gia đình tôi : Nhờ mười tám năm bắt giữ trong cung, tôi biến thành một nhà tiên đoán thời tiết. mọi người đều thán phục linh cảm của tôi . 

Năm đó vào tháng tư , tiết trời nắng ráo, Vương tước đất Tề - em ruột của vua Minh Hoàng hiện nay - tới thăm tôi . Trong khi đang nói chuyện , tôi bổng cảm thấy trong người khác lạ và tôi nói với ông : Trời sắp mưa . 

Dĩ nhiên Tề vương không tin vì lúc đó giữa mùa nắng , nhưng chỉ một tiếng đồng hồ thì trời chuyển mưa, một trận mưa như thác đã đổ xuống và kéo dài mười mấy ngày chưa dứt. Rồi một buổi chiều, khi đang ngồi ăn cơm , tôi lại nói với Tề Vương : Mưa sắp tạnh .

Tề Vương có vẻ vẫn chưa chưa tin, tôi nói tiếp :

- Để rồi coi . 

Sáng hôm sau mưa tạnh , trời lại quang đãng như thuờng. Tề Vương lấy làm lạ, bèn kể lại chuyện này cho Minh Hoàng nghe . Khi Vua hỏi tôi chuyện đó có thực không, tôi trả lời :

- Thực ra chẳng có gì kỳ diệu. Bởi còn nhỏ khi bị giữ trong cung điện tại Lạc Dương, tôi được bọn họ Võ cho ăn đòn rất nhiều , chắc lúc đó Bệ Hạ còn nhỏ quá nên không nhớ. Hiện nay những vết sẹo ngoài da đã lành , nhưng trong người tôi còn hơi khác lạ . Khi trời xấu, tôi cảm thấy đau nhức khắp khớp xương ; đến khi trời trở lại bình thường tôi mới hết đau . Nhờ ơn bà nội ngày nay tôi có tài tiên đoán thời tiết.

Vừa nhắc tới bà nội , bầu không khi lập tức khẩn trương .
Tôi biết là mình đã lỡ lời.

Nguồn: http://vnthuquan.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved