Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

23 thg 11, 2013

Thanh Cung Mười Ba Triều - Hứa Tiếu Thiên - Hồi 158,159,160

Hồi 158: Cái bàn đèn của Tây Thái Hậu

 
Hôm đó, Quang Tự hoàng đế giá hạnh Tây Uyển. Trên điện đã bày yến sẵn sàng. Cẩn và Trân hai phi luân phiên chuốc chén, hầu hạ hoàng đế mặc sức vui say.

Đã từ hai chục năm, khi còn là một chú bé, Quang Tự hoàng đế được bế vào cung, ăn uống, ngủ nghi, chơi đùa, tất tất đều phải tuân theo ý Thái hậu, lúc nào cũng bị trói buộc vào thì khuôn phép, ra thì luật lệ, có bao giờ được cái cảnh tự do tự tại, tha hồ vui say, du ngoạn như hôm nay.
Bọn cung nữ và thái giám thấy Hoàng đế ngồi ngất ngưởng trên điện uống rượu mua vui bên cạnh người đẹp, cũng nháy nhau lẻn ra ngoài, ai lo chuyện người đó.



Có kẻ thì ra ngồi nhìn mặt nước phẳng lặng trên mặt hồ bên cạnh ngọn giả sơn, có kẻ lại chui vào trong bụi hoa, cạnh khóm trúc, trước hàng lan can vẽ rồng chạm phượng; lại cũng có những bọn túm ba tụm năm kéo nhau đi ngắm hoa đây đó, hoặc buông câu bắt cá, cười đùa khúc khích trên những phiến đá lớn ven hồ; và cũng còn có những bọn cùng nhau tựa cạnh bao lơn vui đùa ca hát buông những tiếng thầm kín hoặc véo von lên không trung giữa khoảng trời xanh mây biếc.

Quang Tự hoàng đế nhấp mấy chung rượu rồi thong thả đứng dậy, dắt tay hai nàng phi bước xuống điện, phía sau có một toán cung nữ và thái giám theo hầu.

Ngài bước chầm chậm qua phía trước mấy ngôi đình viện. Những đoá hoa xinh tươi thơm phức chạm vào mặt ngài như có ý ghẹo ngài. Mấy đọt cỏ non xanh khẽ lướt qua áo ngài, như thèm muốn giữ ngài lại nơi đây kẻo mất một giờ phút mê ly hiếm có giữa trần hoàn. Hết khóm hoa này tới hàng bông khác, chỗ nào cung chỉ thấy màu sắc là màu sắc.

Cất bước quanh quẩn một hồi, Quang Tự hoàng đế đã tới gác Tử Quang. Liếc mắt về phía đông, đầu ngọ tường vôi, ngài bỗng thấy dưới gốc cây hoa hạnh có đến vài chục tên cung nhân trải chăn trên thảm cỏ, dưới tàn hoa lá, ngồi xếp bằng cạnh nhau, vừa chuốc chén vừa ca hát, vô cùng cao hứng.

Bọn thái giám theo hầu hoàng đế đang tính chạy tới quát mắng, thì Quang Tự hoàng đế vội xua tay ngăn lại và dặn đừng làm rộn họ, đoạn ngài đem theo hai nàng phi đi vòng ra mé sau cây hoa hạnh lắng tai nghe trộm.

Bỗng một tiếng hát nhẹ nhàng êm ái vọng lên giữa không gian yên tịnh, có những tiếng vỗ tay gõ nhịp hoạ theo. Thì ra đó là tiếng ca của một con cung nữ người nhỏ nhắn xinh xinh.

Bài ca bắt đầu, Quang Tự hoàng đế không để sót một lời nào!

"1. Chứ nào tại nơi đâu gió xuân ương thứ cái váy tơ mịn màng?

Chứ này cái áo lụa, chứ này cái quần lụa, chứ này cái giải lụa mỏng manh rỡ ràng!

Phập! Phập! Phập phàng!

2. Chứ nào tại nơi đâu, trong đêm khuya, cái cặp môi son kia luông những thì thầm?

Chứ này sinh cái củ hành, chứ nây sinh cái củ tỏi, chứ nay sinh cái củ hẹ rủ tai nhau rì rầm.

Ký cẩm! Câm! Kỳ câm!

3. Chứ nào tại nơi đâu có cái vò mỹ tửu Uất Kim Hương lấy mãi tận Lan Lăng?

Chứ để cho ta cất chén mà nhắp, mà bút, mà nốc ngay bên cạnh cái con dao nung đỏ hừng.

Khó! Khó! ấy mới khó mần răng?

4. Chứ nào tại nơi đâu có cái làn tóc mây chải búi, điểm tô như trên Cung Quảng chị Hằng này?

Chứ kia trên đầu, cái làn tóc mây cao hai thước! Loã xoã lù xù phủ kín cái mặt dày!

Mọi! Mán! Mẹ Mán! Ngây ngây!

5. Chứ nào tại nơi đâu có cái cặp uyên ương đêm đêm đậu bên cái bức trướng tiêu kim?

Chứ kìa mây bay rồi mây chạy, nhưng mưa ở phương nào mưa vẫn bặt tin?

- Ôi! Cái giường! Giường đất! Còn khem!"
.

Quang Tự hoàng đế nghe xong bật cười. Bọn cung nữ nghe tiếng cười, giật mình nhớn nhác thì vừa lúc Quang Tự hoàng đế tay trái cặp tay Trân phi, tay phải khoác vai Cẩn phi, vẻ mặt vui tươi hí hửng đang thong thả bước đến.

Bọn cung nữ vội vàng quỳ xuống đón tiếp. Quang Tự hoàng đế truyền dụ cho phép bọn này khỏi phải giữ lễ, hãy cố lựa một bài tuyệt hay, tuyệt ngộ ca cho ngài nghe.

Bọn thái giám thấy Hoàng đế có ý muốn nghe hát, bèn chạy vội đi kiếm một chiếc ghế tiêu dao, đặt trên thảm cỏ xanh rờn, thỉnh ngài ngồi.



Trân phi cao hứng cũng truyền dụ mang tới cây đàn "Tam huyền cổ bản" để ca.

Giữa lúc sắp đàn định ca hát, bỗng thấy Lý Liên Anh hấp tấp chạy tới, quỳ xuống trước Quang Tự hoàng đế vội tâu:

- Thỉnh vạn tuế gia mau mau về cung? Lão Phật gia có xem một tờ sớ rất quan trọng, đang cần mời vạn tuế gia về bàn tính.

Quang Tự hoàng đế vốn sợ thái hậu, cho nên vừa nghe có lệnh truyền vội vàng bày giá trở về cung ngay.

Tây thái hậu lúc đó đang cùng với bọn đại thần, vương công xem một tập tấu chương đựng trong một cái hộp bằng giấy vàng tại điện Cần Chính, thấy Quang Tự hoàng đế bước vào bèn đưa tập tấu chương cho nhà vua.

Quang Tự hoàng đế xem thì ra đó là tờ sớ của Quân cơ đại thần Vinh Lộc, nội dung thỉnh Hoàng thái hậu rời gót ngọc vào Di Hoà viên để cử hành điển lễ khánh chúc vạn thọ.

Cứ mỗi lần ngồi bên cạnh Hoàng thái hậu duyệt xong tờ sớ nào, Quang Tự hoàng đế lại trả lại nguyên chỗ của nó, tức là lại đặt vào trong cái hộp bằng giấy vàng đó, mà chẳng nói một lời nào.

Đôn thân vương đứng chầu một bên thấy vậy, không muốn chờ lâu thêm nữa, bèn tâu thỉnh hoàng thượng và Hoàng thái hậu chuẩn y lời tấu của Vinh Lộc là vào quãng tháng mười cử hành đại điển vạn thọ.

Tây thái hậu nghe đoạn lắc đầu, xua tay lia lịa nói:

- Thôi! Thôi! Bọn ta đường đường là một nước Đại Thanh thế mà bị mấy thằng lùn Nhật Bản đánh bại, phải cắt đất bồi thường! Cái mặt ta đây cũng không còn vác lên nổi với thiên hạ, thì còn lòng nào mà đi dạo hoa viên nữa chứ?

Quang Tự hoàng đế biết đây là những chế giễu mai mỉa của Tây thái hậu, chi còn biết gục đầu xuống, miệng ngậm thinh như hến. Bầu không khí vô cùng nặng nề. Bọn đại thần bèn họp lại với nhau bàn tính. Họ thoả thuận với nhau thảo một đạo chỉ dụ đình chỉ việc khánh hạ, đệ trình lên hai cung rồi ban xuống cho thần dân. Tờ chỉ dụ như sau:

"Tháng mười năm nay, ngày khánh đản lục tuần của ta, khắp nước mừng vui, cùng cảm sâu niềm hoan lạc!

Đã đến ngày hoàng thượng đứa các thần công trong ngoài tới Vạn thọ sơn để làm lễ khánh hạ. Tất nhiên từ Đại nội đền Di Hoà viên, dọc đường đi qua, thần dân ai cũng muôn trần thiết kinh đàn, chưng bày lễ vật, để báo hiệu công đức.

Ta nhân khoảng Khang Hi, Càn Long, sùng long thịnh điển thành hiên để lại sau, hơn nữa, lại gặp lúc dân khang vật phụ, bốn bể binh an, cho nên không thể chối từ, đành nhận lời mời của Hoàng thượng thụ hà tại Di Hoà viên.

Bất ý tháng sáu vừa qua bọn giặc lùn (Nhật Bản) gây hấn xâm phạm phiên trấn của ta, lại còn phá nát cả binh thuyền!

Bất đắc dĩ, ta phải hưng sư phạt tội, gây việc can qua, điều binh chinh tiễu. Do đó sinh linh cả đôi nước đều phải chịu cái cảnh máu sông xương núi.

Cứ mỗi lần nghĩ tới ta càng lấy làm xót thương buồn bã. Trước đây, khi cám cảnh khổ đau của sĩ tốt lúc lâm trận, ta đã đặc cách ban phát ba trăm vạn lạng vàng của kho, mục đích để tư trợ, lân tuất mong hàn gắn cảnh đau lòng.

Bởi thế cho nên dù cái ngày khánh đản đa gần kề thử hỏi còn có lòng nào mà du ngoạn vui chơi và nhận những lời mừng chúc nơi Đài Lai?

Vậy nếu có gọi là đôi chút điển lễ của ngày khánh đản đi chăng nữa, thì cũng chỉ nên cử hành ngay tại trong cung mà thôi. Tất cả công cuộc mừng chúc tại Di Hoà viên phải tức khắc đình chi.

Khâm thử".

Kính vâng chỉ ý của hoàng thái hậu như trên, lòng Trẫm thực có chỗ không yên! Đã đôi ba lần, Trẫm cố gắng nài xin, nhưng chưa được hoàng thái hậu vui lòng chấp thuận.

Với thịnh đức ấy, Trẫm thực chẳng dám chẳng tuân theo từ ý. Bởi thế, Trẫm, đặc dụ cho toàn thể thần dân trong cũng như ngoài đều phải nhất tề hiểu rô.

Khâm thử"
.

Quang Tự hoàng đế thấy vẻ mặt của Tây thái hậu hầm hầm tức giận, và truyền dụ đình chỉ cuộc khánh điển, nhất định không thèm tới Di Hoà viên, thì trong lòng buồn bã không vui!

Ngài bèn tìm lời ngon lẽ ngọt để an ủi thái hậu:

- Hiện nay, Thanh triều ta đã cùng Nhật Bản giảng hoà, quốc gia đã lại thanh bình. Tuy rằng đã hạ dụ đình chỉ khánh điển, song cũng vẫn xin Lão Phật gia cho phép thần dân dâng lễ thượng thọ. Đúng ngày hôm đó, kính xin Lão Phật gia vui lòng qua chơi bên Di Hoà viên như cũ!

Đôn thân vương đứng một bên cũng lên tiếng phụ hoạ:

- Thực ta khó có được một vị chủ tử có lòng hiếu hảo đến thế! Chỉ kính mong Lão Phật gia rộng lượng cho phép bọn nô tài, đến đúng ngày vạn thọ của Lão Phật gia, được vào trong Di Hoà viên để dập đầu chúc lạy trước Lão Phật Gia.

Bọn nô tài cũng xin Thái hậu hôm đó rộng lượng khai ân, thưởng cho họ được đi thăm dạo trong vườn một lượt.

Trước những lời lẽ khôn khéo của Đôn Than Vương, lòng giận tức của Thái hậu quả đã có nhiều phần chuyển đổi.





Tự nhiên, bà cảm thấy lòng mình nhẹ hẳn đi. Bởi thế bà se sẽ gật đầu, tỏ ý đã ưng thuận. Giữa lúc đó thì một tên tiểu thái giám bước vào, kính thỉnh Lão Phật gia dùng cao Phúc thọ. Thế là một bọn cung nữ hầu hạ đưa Thái hậu vào thâm cung.



Cao Phúc thọ là cao gì vậy? Chẳng phải cao gì đâu chính là thuốc phiện đó.

Từ cuối đời Đạo Quang, Trung Quốc thua trận, phải mở cửa bể ra thông thương với ngoại quốc. Người Anh liền kìn kìn chở thuốc phiện vào khắp nước để bán lấy vàng và làm giàu.

Chẳng bao lâu quần chúng Trung Hoa "xực" phải cái "yến" này, thân càng gầy còm, vóc dáng càng ngày càng teo tóp, có kẻ chỉ còn lại có bộ xương trông thảm thê vô cùng.

Trong làng nghiền này, bỗng xuất hiện tại tỉnh Quảng Đông, một tay trứ danh về nấu yến, tên gọi Lục Tác Đồ. Yến do Đồ nấu thơm ngon lạ thường, không ai bắt chước nổi.

Nhờ đâu mà Đồ có biệt tài ấy? Trước hết, Đồ có một cái giếng nước đã trong, lại có một màu xanh xanh trông đẹp lạ, nhất là khi múc một ít đổ vào trong một cái bát kiểu Giang Tây. Phải múc nước giếng này đem nấu yến thì yến mới ngon thơm! Thay bằng một loại nước giếng khác, dù trong ngọt đến đâu cũng chẳng có cách gì làm cho yến thơm được như vậy! Đó mới là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai vì Đồ có một phương pháp bí truyền trong kỹ thuật nấu yến. Bí pháp này, ngay cả đến con trai cũng không được Đồ truyền dạy. Người duy nhất được biết là bà Quách thị, vợ Đồ.

Hồi đó, các phú gia, đại hộ tỉnh Quảng Đông, tất cả đều phải nhờ bà Quách tới nấu yến giùm cho. Cứ mỗi lần nấu như vậy là phải trả hai lạng bạc tiền công. Nhờ đó, bà Quách lượm được khá nhiều tiền bạc.

Cái thứ yến hảo hạng số một Quảng Đông mà viên Tổng đốc Lưỡng Quảng thấy ngon thơm quá, bèn sai bà Quách nấu một nồi bự, xong rồi đưa lên kinh để hiếu kính Thái hậu.

Tây thái hậu dùng xong khen lấy khen lấy khen để, đặt ngay cho cái tước hiệu "Cao Phúc thọ".

Từ đó trở về sau, kẻ nào được làm Tổng đốc Lưỡng Quảng cần phải biết một lệ quy đặc biệt: đó là cứ hằng tháng, bắt buộc phải nấu cho bằng được một nồi yến thơm ngon này để đưa về kinh hiếu kính thái hậu.

Điểm đặc biệt nữa là Thái hậu còn truyền dụ bắt thưởng cho bà Quách, mỗi tháng hai trăm lạng bạc. Cũng vì vậy, danh tiếng Quách thị nổi lên cao như núi, đến nỗi từ anh quan đại thần đến tên cùng đinh trong ngõ hẻm, ai cũng đều biết cả.

Thế là khắp các tỉnh Trung Quốc, bọn văn quan võ tướng cỡ bự, có duyên nợ với ả phù dung, thế nào cũng phải nhờ cho bằng được Quách thị nấu yến.

Nói đến chuyện Tây thái hậu dùng yến, không ai có thể quên cái dọc tẩu trứ danh của bà.

Nên nhớ rằng dọc tẩu, bàn đèn, tiêm, móc lọ, be, chén, tất cả mọi đồ nghề lỉnh kỉnh, thảy đều từ Quảng Đông đưa về.

Cái dọc tẩu trứ danh của bà thái hậu bằng trúc - tất nhiên phải là thứ trúc đặc biệt, ví dụ như trúc hoá long - to chỉ bằng cổ tay đứa trẻ mới sinh. Miệng tẩu bằng một ống nhỏ gắn ngay ở đầu. Dọc tẩu này có một cái giá. Lúc hút, Thái hậu đặt dọc tẩu lên trên giá, cao thấp, xa gần, tuỳ ý muốn để thế nào cũng được.

Khi một tên tiểu thái giám tiêm thuốc cho Thái hậu, hắn phải quỳ xuống đất, nâng cái dọc tẩu hơ trên ngọn đèn dầu lạc để cho bà chỉ còn mỗi việc là ngậm vào ống hút.

Thực ra dọc tẩu của Tây thái hậu có khá nhiều. Nhưng trong số đó, duy chỉ có cái tẩu của Hàm Phong hoàng đế thuở nọ để lại cho bà là quý giá nhất. Lâu năm lâu tháng, cái vỏ trúc của dọc tẩu này đã lên nước, một màu hồng nhuận sáng trơn, mịn, trông chẳng khác gì màu hồng ngọc.

Một hôm, Thái hậu đã trở về cung, giữa lúc đang dùng yến, bỗng thấy Lý Đại cô nương rón rén bước vào, bò sát lại gần rỉ tai bà mấy câu, thì thầm chẳng biết những gì mà mặt bà tự nhiên biến sắc.

Thực thế, thái hậu đã nổi giận, giận đến nỗi cái dọc tẩu đang cầm trong tay bị bà quăng mạnh xuống đất, phát lên một tiếng "rắc", thế là cái dọc tẩu gãy nát, cục thuốc bự cũng vương vãi khắp mặt đất!

Lý Liên Anh lúc đó cũng có mặt vội chạy tới chỗ cái dọc tẩu gãy nát, lượm lên mấy mảnh, đoạn bảo một tên tiểu thái giám đi gọi thị vệ vào đem ngay ra phố giao cho tiệm đồ cổ Phúc Kỳ sửa gấp. Thái hậu như chưa hả giận còn ném tiếp cái tiêm xuống chiếu, và ngồi nhỏm dậy, quát lớn:

- Bắt điệu ngay con tinh hồ ly đó lại cho tao! Phải chính tao hỏi con khốn nạn đó mới được!

Nguyên Lý cô nương vốn là em gái của Lý Liên Anh. Chỉ vì thấy anh mình được thái hậu sủng ái, nên nàng ta mè nheo anh phải cho mình vào cung chơi cho bằng được. Anh không những dám đưa em gái mình vào cung cấm, mà còn cả gan đưa thẳng vào gặp Thái hậu nữa là khác.





Bình sinh, Tây thái hậu rất thích bọn con gái. Phàm bọn cung quyến thường hầu hạ, trò chuyện vui cười bên cạnh thái hậu, quá nửa đều là mấy cô cách trong Tôn Thất (họ nhà vua) nếu không thì cũng phải là những cô nương trẻ đẹp được chọn lựa trong số gia quyến ba Kỳ như Chính Hoàng, Nhương Hoàng, Chính Bạch.

Ngoài các cô con gái trẻ măng này còn có một số ít mụ sồn sồn, nhưng lại lanh lẹ hết cỡ, giỏi nói tài cười, ít người sánh kịp, hoặc còn có cái tài thư, hoạ, cầm, kỳ, nhởn nhơ suốt ngày ở bên cạnh thái hậu để chờ lệnh sai khiến. Trường hợp hiếm hoi một số bà mệnh phụ có chồng thì cứ vài ba tháng, thái hậu lại cho về thăm nhà một lần.

Hôm đó, Tây thái hậu thấy em gái Lý Liên Anh, người đã đẹp ăn nói lại lanh lẹ, duyên dáng, thế là bà giữ lại ngay trong cung, coi như một cung quyến…

Hoàng hậu của Quang Tự hoàng đế nguyên là cháu ruột Tây thái hậu, điều rắc rối là hoàng đế lại chán ghét hoàng hậu. Do đó, làm gì ngài cũng thường giấu, thường tránh bọn tai mắt của hoàng hậu, trái lại chỉ nói cho hai phi Cẩn và Trân mà thôi. Đã thế ngài lại hay tới cung của Trân phi để ăn ngủ tại đây. Chính ở chỗ kẻ ấm người lạnh này, hoàng hậu không khỏi ghen tức. Nàng hay chạy sang mách với Thái hậu. Thế là thái hậu bèn nghĩ ngay cho nàng một chủ kiến.

Tây thái hậu thường sai em gái Lý Liên Anh lảng vảng qua chơi bên cung hoàng đế để dò la tin tức, về báo cho bà nghe. Bọn cung nhân trong cung thái hậu đều gọi ả là Lý Đại. Được mật lệnh này, Lý Đại ngày ngày hầu hạ bên cạnh hoàng đế, đổi luôn cái tên đi, khiến Quang Tự hoàng đế cũng như Cẩn phi và Trân phi, chẳng ai biết ả Lý là tai mắt của thái hậu.

Một hôm, Quang Tự hoàng đế đem cả hai Cẩn và Trân phi sang Tây Uyển du ngoạn. Được tin này, Lý đại cô nương lén cho người về báo cáo với thái hậu và hoàng hậu.

Hoàng hậu lúc đó máu ghen nổi lên ngụt trời, vội chạy tới khóc lóc với thái hậu:

- Giữa lúc quốc gia nguy bách như thế này, vậy mà hoàng thượng vẫn một mực mê luyến nữ sắc; chẳng hỏi han chi tới triều chính. Ví thử từ đây ngài sinh ra hồn ám đắm say. há chẳng phải là cả một giang sơn gấm vóc, cả một triều đại hàng trăm năm xây dựng đã lọt vào tay một tên hôn quân chăng? Muôn ngàn lạy xin Lão Phật gia đứng làm chủ cho cứu vớt hoàng thượng ra khỏi cơn ác mộng này!

Thấy hoàng hậu tới cung khóc lóc, Tây thái hậu bèn bảo:

- Gia pháp của nhà Đại Thanh ta nay để đâu?

Chỉ một câu nói này thôi cũng đủ làm cho hoàng hậu tỉnh ngộ. Thế là hoàng hậu vội vã dập đầu trước Thái hậu và trở về cung.

Một mặt, Tây thái hậu mượn tiếng xem tấu chương, cho triệu hồi hoàng đế vào cung nội cấp ký. Thực ra, ngày thường thái hậu xem tấu chương có bao giờ gọi hoàng đế tới cùng xem đâu?

Bởi thế, nghe nói Thái hậu triệu mình tới để xem tấu chương, Quang Tự hoàng đế đã hiểu ngay có gì không ổn rồi! Khi gặp Thái hậu, quả nhiên thấy bà đầy mặt giận tức.

Và trong lúc nói chuyện, ngài thấy thường nói bóng nói gió, có ý khuyên ngải không nên đi du ngoạn hoa viên, tự tìm khoái lạc cho riêng mình.

Hoàng đế cắn môi lặng thinh, định bụng im cho qua chuyện. Nhưng ngài biết đâu rằng cũng lúc này, hai phi Cẩn và Trân của ngài đã bị hoàng hậu triệu tới cung Khôn Ninh và đưa gia pháp ra, đánh cho hai nàng một trận đòn nên thân, buộc hai nàng từ đây cấm không được mê hoặc hoàng thượng.

Trong số hai phi tử, Trân phi quả là một trang giai nhân sắc nước hương trời. Hoàng hậu nhìn thấy nàng, quả thật không chịu nổi lòng riêng cào xé. Bởi thế bà dặn lũ cung nhân đánh Trân phi đến chết đi sống lại.

Thật đáng thương cho Trân phi, liễu yếu đào tơ làm sao mà chịu được đòn ghen? Khi hoàng đế nghe tin chạy tới thì Trân phi chỉ còn lại cái xác gần như không hồn, khuôn mặt xinh tươi ngày nọ nay đã mất hết sắc xuân. Ngực chỉ còn thoi thóp, đôi mắt lờ đờ nhìn hoàng đế, đôi dòng lệ trào ra trôi trên má, và vài tiếng nức nở nghẹn ngào trong cổ họng.

Quang Tự hoàng đế thấy tình cảnh Trân phi như vậy, bất giác nổi trận lôi đình, nghiến đôi hàm răng ken két nói:

- Con mẹ già khốn nạn độc ác thiệt! Một ngày nào đó thế nào mi cũng phải chết vì tay ta!




Quang Tự hoàng đế vừa vuốt ve vừa tìm lời an ủi Trân phi và cho gọi ngự y tới chữa chạy rồi quay mình ra đi.

Quang Tự hoàng đế đi sang thư phòng, gọi viên tổng quản tới, và cho đi mời ông sư phó vào ngay cung nội cho ngài hỏi ý…

Được lệnh triệu, ông Đồng Hoà theo gót tên tổng quản vội vã vào cung.

Khi tới ngự thư phòng, Hoà thánh lễ và được phép ngồi xuống ghế. Quang Tự hoàng đế, mặt hầm hầm, bực tức nói:

- Trẫm làm vua, mang tiếng là chí tôn trong thiên hạ, thế mà chỉ có mỗi một phi tử cũng không bảo vệ nổi! Thật là đáng xấu hổ!

Nói đoạn, nhà vua bèn đem hết chuyện hai phi Cẩn, Trân bị hoàng hậu đánh đập tàn nhẫn như thế nào kể lại cho Hoà nghe. Hoà rõ chuyện xong, bèn thừa dịp tâu vào:

- Trước đây, ngư thần đã có lần tâu: quyền bính của bệ hạ phần nào rơi vào tay người, cần phải tìm cách thâu hổi, sau đó mới độc đoán, độc hành, tự giải quyết hết mọi việc, nắm trọn quyền binh vào tay mới được. Như thế, đừng nói đến thân vương, hoàng hậu, mà ngay cả hoàng thái hậu cũng nhất định nể sợ bệ hạ một phép.

Quang Tự hoàng đế gật đầu nói:

- Ý của sư phó quả đúng là một phương pháp trị từ gốc. Cái ý thâu hồi quyền bính, trẫm đã nghĩ tới không biết bao lần. Song trẫm vẫn ngại có hoàng thái hậu và cả một bọn thân vương bên cạnh. Theo sư phó nay trẫm nên làm thế nào để cho mọi việc được vẹn toàn.

Ông Đồng Hoà tỏ vẻ suy nghĩ một lát rồi tâu:

- Kế hoạch đã sẵn, nhưng không biết bệ hạ có dám thực hiện hay không thôi!

Quang Tự hoàng đế nói:

- Tất cả cái gì có lợi cho trẫm là có thể thực hiện được hết Có điều nếu trẫm hành động như vậy, không biết thái hậu và bọn thân vương nghĩ gì về trẫm?

Ông Đồng Hoà nói:

- Nếu lòng bệ hạ đã quyết như vậy thì bệ hạ nên nhân dịp Thái hậu suốt ngày vui chơi tại Di Hoà viên mà quyết đoán tài phán tất cả những tấu chương của bọn quan lại ở ngoài kinh đô, rồi nhất nhất phê đáp do ý bệ hạ. Vạn nhất có chuyện khẩn yếu quan trọng lắm, lúc đó mới thương lượng với thái hậu mà thôi. Đang khi vui chơi, không muốn bận tâm vào chuyện khác, hơn nữa, lại thấy bệ hạ chu tất hết mọi việc, thái hậu ắt vui lòng, yên tâm tận hưởng nhàn lạc, quyết không có điều chi nghi ngại. Thái hậu vốn biết bệ hạ là người trung hậu chân thành, ắt tưởng rằng bệ hạ không bao giờ có ý đồ chuyên chính. Dần về sau, dù có viện khẩn cấp quan trọng đi nữa, bệ hạ cũng khỏi cần hỏi ý kiến thái hậu. Lúc đó, quyền chính đương nhiên là đã trở về với bệ hạ và bệ hạ cứ việc thẳng tay tước bỏ quyền hành trong tay một số vương công đại thần thời trước, đồng thời từ bỏ các quy chế bất hợp lý, thực hiện một cuộc cải cách lớn. Nhờ đó quốc sự ngày càng sáng sủa, thiên hạ tiến tới chỗ đại trị, tất nhiên trong ngoài đều tán dương bệ hạ, cho bệ hạ là một bậc minh quân. Đến lúc này, ví thử thái hậu có ý muốn can thiệp vào chăng nữa thì cũng tự nhận thấy mình không sao làm nổi, thử hỏi còn có cái gì gọi là đáng sợ cho bệ hạ nữa không?

Quang Tự hoàng đế nghe ông Đồng Hoà trình bày một thôi những ý kiến hay đẹp như vậy, bất giác đâm ra cao hứng, hăng hái bảo ông Đồng Hoà:

- Sư phó đã vì trẫm mà thiết kế lập mưu, thì quyết chẳng thể nhầm lẫn được. Trong triều đình hiện nay, người có lòng trung thành đối với trẫm, ngoài sư phó ra, chỉ còn có Lý Hồng Chương song trẫm e rằng Chương không dám mạo hiểm làm công việc này! Còn như bọn Lưu Khôn thì lại đều là ngoại thần, ở các tỉnh xa, nhất thời không tiện gọi về. Như vậy, bên cạnh trẫm quả thực tả hữu không người giúp rập. Xét cho kỹ, thì không một kẻ nào quanh trẫm hiện nay lại không thuộc phe đảng của thái hậu. Ngay cả đến bọn nội thị, lũ hoạn quan, chúng cũng đều có ý dò xét rình rập những cử chỉ, những hành động của trẫm nữa! Đến cái lúc gay cấn nguy hiểm này, nếu không có lấy năm, bảy người thân tín để hành động thì nhất định việc khó thành được.

Ông Đồng Hoà vội tâu tiếp:

- Nếu nói đến nhân tài, xin bệ hạ khỏi lo. Bản triều ta vốn có vài tay kiệt xuất đáng mặt anh hào; chỉ tiếc rằng bọn thân vương lộng quyền, đã dìm mất thanh danh của họ. Thật là một điều đáng tiếc!

Quang Tự hoàng đế nói:

- Việc đã đến lúc quá gấp rồi! Ông sư phó, nếu thấy ai là người có tài, xin cứ việc tiến cử, trẫm lập tức thăng chức và trọng dụng ngay.

Ông Đồng Hoà tâu:

- Mấy năm trước, ngu thần có lần làm Tổng tài hội thí (cũng gần như chủ khảo), thấy được một người có thể nói tài cực ưu trong đám sĩ tử đông đảo và chấm đậu tiến sĩ hạng thứ bảy. Hiện nay, người đó đang giữ một chức quan quá nhỏ, không thể tấu đạt lên bệ hạ, nên đã có lần dâng lên mấy bản điều trần, nhưng đều bị bọn đại thần yểm đì. Người đó họ Khang tên Hữu Vy, hiệu Tràng Tố, người huyện Nam Hải, tỉnh Quảng Đông. Y ở phương nam, có tầm mắt thánh nhân, thường tự cho mình bất phàm. Y còn có một người đệ tử, tên gọi Lương Khải Siêu. Học vấn của Siêu cung uyên thâm hết mức, nhất là về nghị luận thì có thể nói là hiểu biết sâu rộng về tình thế của thế giới hiện nay. Nếu bệ hạ có ý muốn canh tân để chỉnh đốn tại triều chính, phi hai người quyết không xong!

Quang Tự hoàng đế nghe xong, bỗng sáng mắt lên, vui vẻ bảo ông Đồng Hoà:

- Sư phó có những người tài như vậy, sao không nói ngay ra. Nếu trẫm biết sớm, trẫm đã thăng họ lên từ lâu rồi!

Ông Đồng Hoà lại nói:

- Nếu bệ hạ quyết ý canh tân, thì thực ra chưa lấy gì làm trễ. Bệ hạ cứ thong thả mà làm. Có điều bệ hạ nên giữ kín, chớ để lộ, khiến thái hậu nghi ngờ để luỵ cho kẻ khác.

Quang Tự hoàng đế nghe nói, gật đầu luôn mấy cái, chậm rãi nói:

- Ý kiến của sư phó hợp lý lắm! Để trẫm tuỳ cơ tiến hành vậy!

Quang Tự nói tới đây, từ từ đứng dậy bảo ông Đồng Hoà lui ra, còn mình thì thong thả bước về cung, nét mặt có vẻ tươi vui, đắc ý.

Lại nói Tây thái hậu hôm đó sau khi hạ chiếu đình chỉ ngày khánh chúc, trong lòng buồn bực chẳng vui. May thay lúc đó có Đôn thân vương ở bên cạnh, biết nỗi niềm của bà, liền tâu:

- Đến ngày lễ vạn thọ, xin Lão Phật gia nên vẫn đi vào Di Hoà viên, và bọn nô tài cũng vẫn xin được kéo tới đông đủ để dập đầu, mong thưởng thức ít chén rượu mừng thọ lấy phước!

Mấy lời nói của Đôn thân vương quả có một ma lực rõ rệt. Thực thế, chỉ mấy lời nói đó thôi đã làm cho lòng tức giận của Thái hậu nguôi hẳn, thái độ trở lại bình thường.

Tuy không thấy thái hậu hé môi cười nụ, nhưng người ta đã thấy bà thong thả gật đầu mấy cái liền, tỏ ý như lời nói trên rất hợp ý bà.

Tây thái hậu đứng dậy, đám cung nhân, đưa bà trở về hậu cung để thưởng thức cao Phúc Thọ.

Giữa lúc Tây thái hậu đang nằm trên giường hút thuốc phiện, bỗng Lý đại cô nương bước vào, ghé tai bà thì thào chẳng biết những gì mà chỉ thấy bà đùng đùng nổi trận lôi đình, quát bảo đi bắt ngay hai con yêu tinh lại để cho bà đích thân thẩm vấn.

Lý Liên Anh đứng hầu một bên, hiểu rõ ý Tây thái hậu vội chạy ra ngoài gọi tên tiểu thái giám sai đi gọi hai phi Cẩn, Trân tới cho Thái hậu truyền.

Chỉ một lát sau, người ta đã thấy Cấn và Trân phi theo chân tên tiểu thái giám vào hậu cung, toàn thân run lẩy bẩy, vội vàng quỳ mọp xuống đất hành lễ, rồi đứng sang một bên chờ lệnh.

Tây thái hậu trông thấy hai nàng, lửa giận bốc lên ngùn ngụt lớn tiếng quát tháo:

- Hai con hồ ly kia! Chúng bây đã làm được những gì tốt hay chỉ có mỗi một việc mê hoặc hoàng thượng? Đã thế chúng bay lại còn dám can dự vào triều chính nữa? Có lẽ nào triều đình của ta lại không còn gia pháp? Là phi tử mà chúng bay dám láo hỗn đến thế kia ư?

Nói tới đây, Tây thái hậu liên thanh quát tháo truyền lệnh mang gia pháp tới.

Quang Tự hoàng đế được tin Thái hậu tuyên triệu hai phi. sợ có chuyện bất trắc xảy ra, nên cũng hối hả chạy sang đúng lúc bà đang quát bảo đánh đập hai nàng.

Thật đáng thương cho Cẩn, Trân hai phi vừa bị hoàng hậu đánh cho một trận nên thân vết thương chưa lành nay lại bị Thái hậu hạ lệnh dùng hình cụ tra khảo nữa.

Quang Tự hoàng đế nhìn thấy tình hình như vậy, cũng chẳng kịp hành lễ nữa, vội quỳ xuống nói:

- Thánh mẫu trách phạt hai nàng vì sao vậy? Xin chỉ rõ cho họ hay, lúc đó hãy gia hình cũng chưa muộn mà!

Tây thái hậu mặt hầm hầm, quát trách luôn Quang Tự hoàng đế:

- Hai đứa cả gan lớn mật! Chỉ tại mi cưng chúng quá mà! Mi hãy hỏi chúng thì biết! Hỏi xem có phải chúng đã từng tư thông với ngoại thần? Tên Văn Đình Thức đã từng xưng hô với chúng như thế nào, mi có biết không?

Trân phi nghe nói vậy, vội dập đầu tâu:

- Văn Đinh Thức tuy là thày học cũ của tỳ nữ, nhưng đã lâu năm không được gặp mặt!

Tây thái hậu cười nhạt bảo:

- Lâu năm không gặp mặt Hừ! Chúng bay giúp hắn mua quan bán tước, bữa nào lại chả gặp mặt! Hừ! Không biết rồi đây chúng bay sẽ còn gây rối đến đâu?

Nói đoạn Tây thái hậu quát ầm lên như một con thú dữ vô môi:

- Dụng hình! Dụng hình!

Quang Tự hoàng đế vội lên tiếng cầu xin cho hai nàng:

- Cầu xin thánh mẫu minh xét! Việc tư thông với ngoại thần quyết không thể có! Chi mong thánh mẫu tha cho hai nàng!

Tây thái hậu thấy Quang Tự hoàng đế cố nài xin cho hai phi, càng lấy làm tức, quát mắng thêm:

- Mi còn giúp chúng để bịt mắt tao phải không? Không đánh hai con khốn kiếp đó không xong.

Quang Tự hoàng đế nghe Thái hậu quyết như vậy, trong lòng càng thêm bối rối, chỉ còn cách khẩn cẩu để may ra được mà thôi. Lý Liên Anh đứng cạnh cũng cố làm ra bộ thểu não thảm thê cầu xin Thái hậu giúp cho hoàng đế!

Tây thái hậu thấy hoàng đế và Liên Anh hết lời van nài, sa sầm nét mặt xuống, dằn mạnh từng tiếng bảo:

- Tụi bay cố tình hùa nhau, cố tình cầu xin! Ừ! Hình phạt có thể tha được chứ chuyện giáng cấp quyết không thể không làm!

Nói đoạn, bà quát giáng hai phi Cẩn, Trân xuống quý nhân giam lãnh cung nửa năm; kẻ nào còn cầu xin cho hai tội nhân, quyết lấy gia pháp ra trừng trị!

Đạo chỉ dụ vừa xuống, tức thì có vài tên thái giám chạy vội tới kéo hai phi Cẩn, Trân giam vào lãnh cung.

Quang Tự hoàng đế thấy việc đã hỏng rồi, có cầu xin cũng vô ích, đành gạt đôi dòng lệ đau xót cho người yêu rồi lảo đảo bước ra ngoài.

Trên đường về cung, Quang Tự hoàng đế phân vân trong lòng không hiểu vì sao lưỡng phi của mình lại bị tội như vậy.

Càng nghĩ tới người yêu, ngài càng thấy lòng mình uất ức, mặt khác, thấy tình cảnh mình thật, lạnh lẽo, trống trải, quạnh hiu. Ngài chỉ còn biết thở vắn than dài, thầm gạt lê trong những lúc đêm khuya canh vắng!

May hồi đó có tên nội giám Khấu Liên Tài hầu cận, thông cảm với nỗi niềm đau khổ của hoàng đế, cố lựa lời khuyên giải an ủi.

Quang Tự một mặt than thở, một mặt đem việc u cấm lưỡng phi ra kể lể hết mọi nỗi, cuối cùng ngài hậm hực nói:

- Trẫm vẫn chẳng hiểu được lưỡng phi đã phạm phải tội gì để khốn khổ như thế!

Nói đoạn, ngài dậm chân, nghiến răng một hồi lâu mà vẫn như chưa nguôi được nỗi uất ức, đau xót, Khấu Liên Tài thấu tình cảnh hoàng đế như vậy, bèn quỳ xuống tâu:

- Việc này chỉ do tên Lý Liên Anh gắp lửa bỏ tay người gây ra. Bệ hạ còn nhớ hôm ở Dưỡng tâm điện xảy chuyện tên hậu bổ đạo Từ Thành không? Từ Thành vốn là anh em kết nghĩa của Lý Liên Anh. Bệ hạ hôm đó đã vạch trần tất cả cái xấu xa bỉ ổi của hắn; đương nhiên, tên Anh phải mang giận trong thâm tâm, quyết thừa cơ báo phục cho đồng bọn.

Quang Tự hoàng đế nghe lời Tài, bỗng giật mình tỉnh ngộ.

Thế là từ đó, ý nghĩ thâu hồi quyền chính về tay mình càng trở nên cấp bách. Nhưng tại sao việc hoàng đế dẫn kiến bọn quan lại ngoại nhiệm lại can thiệp tới lưỡng phi Cẩn, Trân? Ắt chuyện phải có nguyên nhân nào đó chứ!

Câu chuyện xảy ra đúng thế: Nguyên lai Văn Đình Thức vốn là một triều thần thuộc Hàn Lâm viện trong triều đình nhà Thanh. Hàn Lâm viện là nơi nghèo mạt nhất, nếu không có cách chi vận động để thoát được ra ngoài mà xoay sở ắt là cùng cực suốt đời. Nhưng muốn bay bổng, điều kiện tối cần thiết phải là tiền.

Đã có tiền rồi lại còn phải khéo léo, hoạt bát, luồn lách mới hòng thoát ra nổi. Bởi thế, đương thời với thường tặng cho các ông quan Hàn lâm cái tước hiệu là "Cùng Hàn lâm" (quan hàn kiết).

Tình cảnh chung của đám quan Hàn đời Thanh là như thế, nhưng với ai kia, chứ với Văn Đình Thức thì khác!

Thức làm quan Hàn nhưng quả có cái tình sư đệ với hai phi Trân, Cẩn. Nhờ thế lực của hai cô học trò trong địa vị quý phi, Thức không khỏi xoay sở, đặc biệt nhất trong chuyện mua quan bán tước, hầu mong thoát khỏi cảnh kiết cú cùng bần để bước lên cõi muôn tía ngàn hồng, thơm tho êm ấm của cuộc đời.

Bè bạn, xóm giềng chung quanh thấy Thức là sư phó của quý phi lại chả nhường bước mà xin mời ông lên trước cho, để mong được đôi chữ "bình an".

Quang Tự hoàng đế cũng biết vậy nhưng nể mặt lưỡng vị quý phi Cẩn, Trân nên đành mắt mở mắt nhắm, ừ hữ bỏ qua cả.

Được đằng chân, lân đằng đầu, Thức ta thấy mình làm càn mà chẳng ai dám động tới, càng lấn tới!

Đã từ lâu Thức ta làm bậy không biết bao nhiêu rồi, lần này có việc xảy ra đáng để ý: đó là một chức Đạo đài hiện khuyết tại Thiểm Trung. Khổ nỗi là cái ghế trống này lại quá béo bở, do đó, không biết đến bao nhiêu anh đã chờ chực để nhảy vào.

Hồi đó, có một anh chàng họ Lý đã từng là đạo viện, tình nguyện xin đem sáu mươi vạn quan tiền cho Thức để nhờ Thức chạy chọt cho cái ghế nọ.

Thức thấy tiền, ngốt của, mừng lắm, bèn nhận lời, rồi chạy tới gõ cửa bộ Lại (bộ trông coi về việc thuyên chuyển quan lại thời xưa).

Nhưng Thức không ngờ đã có kẻ lẹ chân nhanh miệng hơn mình, ghế trống nọ đã bị choán mất rồi! Thức tức lắm lại tiếc tiền, bèn mở một cuộc điều tra dò tìm. Thì ra kẻ choán được ghế nọ chẳng phải ai xa lạ, mà chính là tên Từ Thành, anh em kết nghĩa của Lý Liên Anh.

Từ Thành xuất thân chỉ là một tên coi kho. Làm ăn xoay sở ít lâu, Thành có một cái vốn khá, ít ra cũng phải đến ba, bốn trăm vạn lạng bạc.

Giàu có rồi, Thành nghĩ tới chuyện quan lớn quan bé, nghĩa là có phú tất nhiên phải có quý nữa mới gọi là đủ… Thế là Thành tìm cách nhờ người đem một trăm vạn lạng bạc hiểu kính Lý Liên Anh, lại còn cho cả con trai lạy Lý Liên Anh làm can gia (như cha nuôi) nữa.

Lý Liên Anh thấy Từ Thành giàu có, liền kết giao với hắn. và tất nhiên, ít lâu sau thiên hạ đều phải ngạc nhiên không hiểu tại sao hai người xa lạ ấy bỗng một sớm một chiều trở thành đôi huynh đệ chí tình vô cùng mật thiết.

Lý Liên Anh bèn đem hết sức mình xoay sở cho người anh em một chức quan: đó là chức đạo hàm, chờ khi có chỗ khuyết thì lắp vào.

May thay, hồi đó, Thiểm Trung đạo khuyết một chỗ. Lý Liên Anh đợi mồi đã từ lâu; cho nên thấy cái ghế bở, Anh vội chạy tới gõ cửa bộ Lại và dặn dò ngay trước là phải dành cho người anh em của mình.

Nào ngờ đâu oan gia lại gặp oan gia, con tinh lại vớ phải yêu. Anh chạm trán với Thức. Văn Đình Thức tới chậm, biết Lý Liên Anh đã phỗng tay trên, tức lắm quyết không chịu lép vế. Thức nhíu đôi mày một lát, thế là kế đã ào ào lôi ra! Thức suy đi nghĩ lại cho chín rồi lẩm bẩm tự duyệt lại kế mình:

- Đối đầu với thằng Lý Liên Anh quả không thể địch nổi! Nhưng với thằng khốn Từ Thành thì có gì đáng ngại? Thế nào ta cũng phải cho hắn rời cái "Đạo đài", có thế mới hả được cái giận chứa chất trong lòng!

Chủ ý đã định, Văn Đình Thức lại cho đi dò la tin tức cẩn thận một lần nữa. Thức biết rõ rằng Thành chẳng những chỉ là một tên phu gạo xuất thân mà đến một chữ cũng không viết được nữa! Thức biết như vậy, lấy làm khoái chí, đặt xong ngay kế hoạch.

Kế hoạch như vầy: Thức cho người ngầm gọi một tên tiểu thái giám ra nhà mình, kể hết tình hình của đối phương cho nghe và bảo vào mật báo cho Trân phi để nhờ Trân phi giúp mình một tay ở trước mặt hoàng đế.

Trân phi thấy đây là chuyện của sư phó mình, không tiện chối từ, và nhất là không nghĩ tới hậu quả cho nên đã thừa dịp Đức Tông (Quang Tự hoàng đế) lâm hạnh, liền lựa lời gợi chuyện chính trị để mong đạt được nguyện vọng.




Trân phi hỏi Đức Tông:

- Hiện nay, bên ngoài có Cương lại nào khuyết không?

Quang Tự hoàng đế đáp:

- Không! Không thấy ai nói tới cả!

Trân phi lại nói:

- Thần thiếp có nghe nói viên Thiểm Trung đạo đài tân nhiệm vốn là người anh em kết nghĩa của Lý Liên Anh chẳng biết lấy một chữ nào. Không hiểu như thế hắn làm đạo đài ra làm sao?

Quang Tự hoàng đế bình nhật vốn ghét Lý Liên Anh nay nghe Trân phi nói vậy, chẳng hỏi han gì thêm, khỏi cần rõ cả xuất xứ đùng đùng nổi trận lôi đình, quát rầm lên:

- A! Thì ra cái thằng Liên Anh càng ngày càng lộng hành, không coi ai ra gì nữa! Quốc chính càng ngày càng suy cũng tại nó mà ra! Chẳng phải nói ai, ngay cả đến bọn ngự sử thị lang kia mà cũng nhiều kẻ chẳng biết một chữ gì. Có một lần giữa lúc đánh nhau với Nhật Bản, Ngự sử Thiết Lệnh dâng sớ xin Đàn Đạo Tế đi đánh Nhật thì Thị lang Vương Vĩnh Hoá lại xin chi cho phục chức Hoàng Thiên Bá về nguyên quán. Trẫm chi biết Đàn Đạo Tế lả người đời Tống, còn Hoàng Thiên Bá, trẫm chẳng rõ là ai! Trẫm bèn cho triệu hai tên này mới để hỏi xem, lúc đó trẫm mới hay chúng đều là những tên phu quét rác ngoài chợ. Chúng nghe bọn đọc sách có kể lại Đàn Đạo Tế là một người rất giỏi dùng binh, còn Hoàng Thiên Bá là một người có võ nghệ cao cường vốn là một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Thi Côn án, thế rồi chúng tra xét danh sách trong triều không có hai tên này, liền nghi cho là quan lại đã về hưu, tức thì dâng sớ để tiến cử. Bởi thế, cứ mỗi lần thấy những loại tấu chương đó, trẫm liền huỷ đi ngay, để tránh cái cười mai mỉa của bọn bày tôi người Hán. Cái lũ người xuẩn đột bỉ tiện ấy đâu có phải chỉ do mỗi một mình Lý Liên Anh tiến dẫn đâu! Theo lời nàng nói thì cái tên đạo đài tân nhiệm nào đó lại cũng chỉ là một loại giống hệt như loại người của Thiết Lệnh và Vương Vĩnh Hoá mà thôi! Cương lại (bọn quan lại ngoài biên cương) mà rặt là lũ giá áo túi cơm đó thì làm sao quốc gia chả hỏng việc, trăm họ chả bị hại lớn? Song tiếc rằng trẫm chưa biết được họ tên của thằng khỉ bịp bợm đó mới rầu chứ!

Trân phi ngồi bên cạnh đáp ngay:

- Thần thiếp nghe nói tên đạo viên đó là Từ Thành.

Quang Tự hoàng đế sẽ gật gật chiếc đầu, chậm rãi nói:

- A! Biết rồi! Biết hắn ta rồi! Hừ! Đừng hòng thoát khỏi tay ta! Để hắn dẫn cái thân tới đây, trẫm sẽ cho một cái tát vào mặt cho bõ ghét!

Nói đoạn, Quang Tự hoàng đế cùng với hai phi Cẩn, Trân còn nhàn đàm một hồi nữa, lúc đó mới rủ nhau vào trướng vui vầy.


Hồi 159: Tây Thái Hậu đau bệnh máu

Qua ngày hôm sau, Lại bộ chiếu lệ đương nhiên, sau khi bổ Từ Thành làm đạo đài, phải dẫn vào triều để bệ kiến Hoàng thượng.

Hôm đó, Từ Thành ăn mặc chỉnh tề, thân đeo trào châu xủng xoảng bước vào, đứng đợi ở thiện điện (điện ở bên cạnh).

Lý Liên Anh đích thân cũng đi theo Từ Thành để chỉ vẽ cho Thành những lễ lạy khi gặp hoàng đế, và cách đối đáp lúc hoàng đế truyền hỏi.

Thành đương nhiên lúc này phải lưu tâm đến cực độ để nhớ cho thật kỹ. Không dám quên sót một chi tiết nhỏ nào.

Chẳng bao lâu, nội giám đưa thánh dụ ra, truyền lệnh cho Thiểm Trung đạo Từ Thành vào điện Dưỡng Tâm để kiến giá Thành nhân được chỉ, lật đật chạy tới điện Dưỡng Tâm.

Vừa bước vào trong, Thành nhìn lên điện thấy hai bên nội giám đứng thành hàng, chiếc rèm châu cuộn cao lên mài trên cao và sau đó, một người mặc y thường toàn màu vàng.

Từ Thành lúc này đứng quá xa, cho nên hình người mặc quần áo vàng, chỉ thấy lờ mờ không rõ. Nhưng Thành yên trí rằng đó chính là hoàng thượng của y.

Thành bỗng tự nhiên thấy lòng hoảng sợ, đôi chân run lên từng chập. Nhưng lúc này không phải là lúc lo lắng rụt rè nữa! Thế là Thành cắn răng quyết chữ liều, vội tiến lên vài bước để khấu kiến.

Thành làm Tam quy cửu khấu xong, liền nằm mọp trên mặt đất, chờ đợi thánh chỉ với đôi lời khuyến khích, để rồi sau đó tạ ơn mà lui ra.

Theo cựu chế của các triều đại trước thì chỉ có bấy nhiêu đó là xong! Lý Liên Anh đã chỉ dạy đúng như vậy cho Thành, nên Thành lấy làm yên tâm lắm, chỉ còn đợi mỗi một việc là lát nữa ra khỏi điện nhận đủ những lời chúc mừng của các bạn đồng liêu.

Giữa lúc Thành yên trí như thế và tỏ vẻ phây phây đắc ý, bỗng từ phía trên cao có tiếng vọng xuống:

- Ngươi là Từ Thành phải không?

Thành nghe tiếng hỏi, giật mình đánh thót một cái. Như một luồng điện vụt qua, hắn thầm nghĩ: Lý Liên Anh chưa từng bảo hắn chuyện bệ kiến rồi đối thoại bao giờ. Ấy thé mà lần này lại khác. Lỡ ra mà khi hoàng thượng hỏi, không đáp được thì thật hỏng bét! Nghĩ tới đây Thành đâm hoảng lớn, cảm thấy nguy là khác. Bởi thế, Thành quýnh quýnh mãi mới nói lên được có mỗi một tiếng "dạ"!

Từ phía trên, lại có tiếng buông xuống hỏi:

- Từ Thành! Trước đây ngươi làm nghề gì?

Thành đến lúc này lại càng hoảng! Ấp úng mãi, Thành mới mở được miệng, tâu lên:

- Nô tài bán đồ gỗ!

Quang Tự hoàng đế vừa nghe xong, quát rầm lên:

- Đã là thằng lái gỗ, tại sao ngươi không ngồi cưa cây đếm tiền mà lại đòi đi làm quan?

Thành càng hoàng nữa! Thành biết không thể nói dối, đành tâu thẳng ra:

- Thần thực không dám nói dối bệ hạ! Làm ăn buôn bán đâu có lời lãi bằng làm quan! Ấy chỉ vì thế mà thần muốn đi làm quan!

Quang Tự hoàng đế giận lắm, hỏi thêm:

- Người đi làm quan, muốn được lời lãi bao nhiêu?

Thành nằm phủ phục trên mặt đất, dập đầu xuống sàn nhà đến cốp một cái, mở miệng run run tâu:

- Nô tài chỉ cần lời được ba chục vạn quan tiền là đủ rồi!

Quang Tự hoàng đế quát hỏi thêm:

- Ngươi có biết tiền lương của một người đạo đài là bao nhiêu không?

Thành run bắn người lên, ấp úng tâu:

- Nô tài nghe nói làm quan mà nhờ vào lương thì chỉ có chết đói. Lúc làm quan, sẽ có bách tính đem đến phụng kính…

Nói đến đây, Thành thấy bọn nội giám ném cho hắn một tờ giấy và một cây bút. Rồi lại cũng tiếng quát hỏi khi nãy vọng xuống bảo hắn khai ngay thân thế.

Nghe lời phán này, Thành tự cảm thấy mắt hoa đầu váng, hồn phách như bay tận nơi đâu. Thành không dám khai rằng mình không biết chữ, tay cầm cây viết lông cán trúc, xem nặng đến ngàn cân không thể nào cất lên nổi, còn đầu thì vẫn úp sát xuống nền điện, không đám ngẩng lên.

Mấy tên nội giám đứng cạnh, lên tiếng giục. Thật đáng thương cho Thành, mồ hôi chảy xuống như tắm, quần áo ướt sũng như vừa mới ngoi từ dưới sông lên!

Thành ghì cây bút mãi một lúc lâu, mới vạch xong được có mỗi một nửa chữ Từ, nét xiêu bên này, nét vẹo bên kia, nhìn mãi chẳng giống chữ gì!

Bọn nội giám cầm nửa chữ Từ dâng lên. Người ta chỉ nghe tiếng cười nhạt và giọng nói mai mỉa của Quang Tự hoàng đế hắt mạnh vào mặt Thành:

- Ngay đến cả cái tên mình cũng không viết nổi, mà ngươi dám nghĩ tới chuyện làm quan để xoay tiền? Nếu cho ngươi đi làm quan, thì rồi đây ngươi cũng chỉ là một tên tham quan ô lại hại dân hại nước mà thôi! Cút ngay! Cút ngay đi cho rảnh mắt ta!

Bọn nội giám được lệnh, chạy lại nắm ngay lấy tóc Thành kéo xềnh xệch ra ngoài như kéo một con heo, miệng lẩm bẩm rủa:

- Thằng bỏ mẹ! Chạy lẹ đi, không thì khốn kiếp đó, con ơi!

Tử Thành thấy có người xách bổng mình lên, lại có những lời lẽ như trên cảm thấy nhẹ hắn đi, gượng đứng dậy, lùi ra sau vài bước, rồi ôm đầu vun vút chạy ra y như một con chuột bị mèo đuổi.

Phía ngoài cổng, bọn thái giám đồng đảng với Lý Liên Anh vội chạy tới săn tin. Thành cúi gầm mặt xuống, cặp mắt lạc hẳn đi, nói một cách vô cùng thiểu não:

- Trăm sự nhờ Lý tổng quản cả thôi! Cái đầu lâu này mà còn thực cũng là chuyện lạ!

Bọn thái giám vội hỏi cớ sự, Thành liền kể lể từ đầu đến cuối chuyện vào bệ kiến của minh cho cả bọn nghe.

Câu chuyện Từ Thành về sau trở thành một trò cười cho thiên hạ, nhưng khi đến tai Lý Liên Anh, thì hắn lấy làm lạ lắm! Hắn tự nhủ ngày thường nếu có bọn ngoại quan được vào bệ kiến, thì hoàng thượng cũng chỉ hỏi qua loa nảo nhân tình, nào phong tục, hoặc nếu có viên quan nào mới bổ thì ngài cũng chỉ ban vài lời khuyên nhủ cổ lệ, chứ tuyệt nhiên chẳng hỏi tới chuyện nọ chuyện kia. Ấy thế mà nay Từ Thành vào bệ kiến, lại bị ngài lục vấn về tài năng học thức, thì nhất định phải có kẻ phá hoại, chẳng còn gì phải nghi ngờ nữa.

Nghĩ vậy xong, Lý Liên Anh vội đi ngay đêm đó tới nha môn Bộ lại để dò tin. Tại nơi đậy, Anh được thêm nhiều chi tiết khác: số là Từ Thành đã bị gạch tên, và bị thay thế do một tên người họ Lý, mà người vận động cho Lý chẳng phải ai xa lạ, chính là Văn Đình Thức.

Lý Liên Anh nghe được tin trên, trong lòng đã rõ chín, mười phần: Hắn nghiến răng ken két rủa Văn Đình Thức:

- Thằng khốn kiếp Văn Đình Thức! Mi đừng có ỷ đệ tử của mi làm đến quý phi mà phách lác! Việc này thế nào mi lại chả theo cửa ngõ của lưỡng phi Trân, Cẩn mà chạy chọt?

Hắn bèn tức khắc tìm cô em gái tính kế. Anh bảo cô em gái bịa đại ra câu chuyện như sau để rỉ tai Tây thái hậu:

- Trân, Cẩn lưỡng phi can thiệp vào ngoại chính (việc chính trị bên ngoài). Vì sư phó của hai nàng là Văn Đình Thức chủ trương quyết liệt chống Nhật, cho nên mới bảo hai nàng nằm bên trong to nhỏ ngày đêm cám dỗ hoàng đế, khiến ngài đâm ra cao hứng, gọi ngay Lý Hồng Chương chuẩn bị chiến tranh, đến nỗi về sau táng sử nhục quốc! Trân, Cẩn hai phi hành động như thế đâu có tốt gì!

Đáng thương cho hai nàng phi Trân, Cẩn vô cớ bị đánh không còn biết kêu vào đâu. May nhờ có Quang Tự hoàng đế cầu xin mãi mới được tha chết, chỉ còn bị giam cầm nơi lãnh cung.

Thủ đoạn của Lý Liên Anh kể cũng gọi được là hiểm độc, lợi hại! Nhưng Anh có lẽ không biết rằng vì Trân, Cần hai phi bị tù đày cầm cố, khiến Quang Tự hoàng đế lủi thủi quạnh hiu, không thiết tiêu khiển nơi đâu, ngài đã dậm chân nghiến răng bao lần, giận thù hắn đến tận xương tuỷ.

Có một hôm Quang Tự hoàng đế vừa mới nói chuyện với Khấu Liên Tài về việc Trân, Cẩn hai phi, bỗng có một tên tiểu thái giám ba chân bốn căng chạy tới. Hắn muốn nói mà như bị đứt hơi, không nói được ra lời!

Hoàng đế thấy tình hình có vẻ quái lạ, biết thế nào cũng có chuyện khác thường xảy ra, bất giác cả kinh, trống ngực đập kêu thình thịch. Ngài gặng hỏi tên tiểu thái giám ba lần chỉ thấy hắn chỉ vào phía dưới một bức hoạ vẽ tay, cố cho ngài chú ý tới hai chữ "Thái hậu!".

Đức Tông hoàng đế biết rằng Thái hậu có chuyện gì xảy ra rồi bèn vội đứng dậy chạy gấp vào cung. Bước chân vào hậu cung, hoàng đế chỉ thấy Lý Liên Anh cùng bọn Lý cô nương, Giao Tố Quân, Thọ Xương công chúa đang đứng thành hàng phía trước giường của Thái hậu, còn bà thì đang tựa nghiêng bên cạnh giường, sắc mặt vàng bệch ra như sáp ong, miệng ngậm tăm chẳng nói chẳng rằng.

Hoàng đế bước lại gần thỉnh an. Thái hậu gật đầu vài cái, rồi vẫy tay bảo nhà vua lui, ngài chẳng hiểu ra sao, đành lủi thủi quay ra. Sau đó dò mãi tên nội giám trực nhật, ngài mới biết đêm qua, thái hậu bỗng nhiên kêu đau bụng, đau suốt mãi đến sáng sớm mà vẫn không dứt. Lý Liên Anh vội xin phép chạy đi gọi ngự y để chẩn trị, nhưng thái hậu quyết ý không cho. Về sau, đau quá không chịu nổi, Thái hậu lúc đó mới chịu.

Bắt mạch chẩn bệnh một lúc lâu, viên ngự y nhíu đôi lông mày vẻ ngại ngùng, lo lắng, ngập ngừng tâu:

- Bệnh này thực hết sức lạ! Hạ thần chẳng dám nói thẳng. Bởi vì rằng với tuổi của Thái hậu hiện nay, thì quyết không thể có cái bệnh này được!

Lý Liên Anh đứng một bên, nghe nói vậy, sợ viên ngự y nói toạc sự thật ra, vội quát báo:

- Thôi, khỏi phải nói nhiều! Bệnh của thái hậu, ai chả biết chỉ tại lao tâm lao lực gây ra khiến khí huyết suy nhược đó thôi! Ngươi làm ngự y há lại không biết bệnh như vậy sao?

Viên ngự y được lời Anh mớm cho, mừng quá, vội dạ, dạ lên mấy tiếng rồi nói tiếp:

- Quả đúng như lời Lý tổng quản đã nói!

Nói đoạn, viên ngự y đưa bút giấy ra, kê ngay một đơn thuốc bổ huyết, lạy tạ rồi bước ra ngoài.

Tên thái giám có việc phải đi, đo đó cũng không biết câu chuyện về sau ra sao. Mãi tới phiên trực sau, hắn mới biết Thái hậu đã hết đau bụng và lúc đó mới cho tên tiểu thái giám đi triệu hoàng đế tới.

Khổ cái tên tiểu thái giám chạy tới triệu lại không mở miệng nói được lời nào, khiến cho Quang Tự hoàng đế vò đầu bứt tóc mãi mà vẫn không đoán ra được chuyện gì!

Nhưng sau khi nghe tên thái giám kể lại đầu đuôi cặn kẽ, Quang Tự hoàng đế đã rõ được chín phần mười câu chuyện, nhất là hiểu được cái căn bệnh khó nói của Thái hậu, hoàng đế thở dài, quay về cung, kể hết mọi chuyện cho Khấu Liên Tài nghe.

Thì giờ thấm thoắt thoi đưa, chẳng mấy chốc đã tới tháng mười. Ngày lễ vạn thọ của thái hậu đã trước mắt. Mặc dầu đã có một tờ chiếu ban xuống cho thần dân đình chỉ cuộc lễ khánh chúc, nhưng thực ra, đó chỉ là một cái cớ để che mắt thiên hạ mà thôi!

Cái trò vải thưa che mắt thánh đó, vốn là trò quá quen với bọn quan trường. Nói rằng không làm lễ vạn thọ, chính lại là nói tổ chức ngày khánh chúc đó. Đối với quan trường xưa nay, ai lạ gì cái trò tiều ấy!

Thực thế, đến ngày vạn thọ, nào đèn nào đuốc rực rỡ huy hoàng, treo khắp kinh thành: Người ta liệu còn có nhớ đến tờ chiếu ngày nọ?

Ba ngày trước lễ vạn thọ, trước cũng như sau Di Hoà viên, bốn bề đều xinh tươi rực rỡ như hoa như gấm. Cách vườn hai mươi dặm chu vi, rồi Vạn Thọ sơn, rồi Côn Minh hồ, tất cả đều kết hoa, treo trướng buông màn, đủ ngũ sắc lóng la lóng lánh.

Đến ngày lễ vạn thọ, Lão Phật gia dậy thật sớm, mình mặc một bộ thọ phục thêu long phụng. Lý Liên Anh, Giao Tố Quân, cùng với các phúc tấn, vợ thân vương hầu hạ hai bên chuẩn bị sẵn sàng loan giá kéo thẳng tới vườn Di Hoà.


Chẳng mấy chốc, loan giá tới cửa vườn. Bọn thân vương như Đông vương, Cung vương, Khánh vương suất lãnh đủ các đại thần Hán, Mãn quỳ sẵn tại trước cửa từ trước để đón giá.

Loan giá tiến vào vườn. Bọn thân vương lại nhất loạt theo sau vào. Chiếc ngai báu đã đặt sẵn trên điện Bái Vân để thái hậu lên ngồi mà chịu lễ mừng thọ.

Nói đến điện đình rộng lớn nhất trong Di Hoà viên phải nói tới điện Bái Vân. Trên điện có treo một đôi câu đối. Tạm dịch:

"Muôn hốt tình sơn chầu Bắc đẩu

Cửu hoa tiên nhạc gảy nam huân"


Chỉ cần nghe qua cái giọng lưỡi trong câu đối, mọi người đều có thể biết đây là nơi nào và để làm gì rồi!

Có lẽ trong lúc loan giá của Thái hậu lên đường ra đi thì Quang Tự hoàng đế và hoàng hậu cũng sửa soạn xa giá tới Di Hoà viên mừng thọ. Tiếp sau đó, hai nàng Cẩn, Trân phi cũng kịp tới để bái thọ.

Nguyên lai hai phi Trân, Cẩn bị giam trong lãnh cung, chưa mãn hạn, nhưng Quang Tự hoàng đế thừa dịp vạn thọ, cầu xin Thái hậu gia ân đại xá cho hai nàng. Bởi thế, hai nàng mới được tới để dập đầu lạy chúc. Cuối cùng, đến bọn phúc tấn, cách cách lần lượt kéo tới và nhất nhất quỳ lạy dập đầu để mừng thọ.

Cuộc chúc thọ vừa xong, Tây thái hậu truyền dụ: Cho phép thân vương, đại thần, phúc tấn, cách cách đi chơi trong vườn một ngày, đồng thời cho ăn yến bày tại đại viện, vừa ăn vừa xem hát.




Thật là một ngày náo nhiệt chưa từng có! Đời sau có người đặt mấy bài Từ để ca tụng cảnh hoa lệ của Di Hoà viên. Tạm dịch:

Bóng rèm song biếc lạnh như băng.

Trăng sàng rọi bên rèm.

Xuân tươi vân còn đó!

Ao chum thuở nọ hỏi tìm đâu?

Khách (chim) lẻ kêu sầu.

Khách nào đuổi áng mây trôi?

Uyên ương sao nhác?

Bướm nỡ thờ ơ!

Hăm bốn cầu kia, địch chửa nghe.

Nhi nữ sau buồn thương.

Tỉnh chửa? Sao chửa tinh?

Nhiều ít giận tang thương

Việc qua buồn biết mấy?

Triều trước phồn hoa thấy nữa đâu?

Mây buồn tan tác bao la

Trời xa, nhìn càng dương

Hoa lệ thăm thẳm viện đình

Hoa đào trong ngõ xóm

Hoa sen còn nở trên ao

Một tràng địch Khương bi thiết!

Thuở trước phong lưu

Càng nói càng đau cảnh đoạn trường


Sân khấu rạp hát trong Di Hoà viên có đến năm tầng tù thấp lên cao. Tầng thứ nhì dùng để diễn những tuồng thần kỳ quỷ quái!

Bởi thế hai tầng được bố trí gần giống như những nơi thần từ phật tự.

Tầng thứ nhất giống như các loại sân khấu tại rạp hát thông thường, có vẻ bảnh bao hơn một chút thế thôi. Tầng thứ ba phía trên chuyên dùng để sửa soạn màn cảnh. Trên tầng thứ tư có một ít bàn ghế, gương kính, bố trí đủ mọi đồ cần thiết cho đào kép trang điểm chuẩn bị lên sân khấu đóng tuồng. Còn tầng thứ năm, đó là tầng dùng để cúng kiếng thần Phật.

Hai bên sân khấu có hai dãy phòng, dùng làm chỗ ngồi cho bọn vương công đại thần được ân hưởng cho xem hát.

Đối diện sân khấu là một căn nhà ba gian cao hơn một trượng, đó là nơi dành riêng cho Hiếu Khâm hoàng hậu ngồi xem hát.

Bên cạnh có hai căn phòng để nghỉ ngơi, đặt một cái giường dài. Mỗi lần thái hậu tới xem hát, tuỳ ý muốn ngồi thì ngồi, muốn nằm thì nằm, thực vô cùng thoải mái!

Ngày vạn thọ, những đào kép nổi danh khắp vùng Bắc Kinh, Thiên Tân như Đàm Khiếu Thiên, Uông Quế Phân v.v… đều được gọi vào.

Trời tối, khắp vườn Di Hoà đèn đuốc sáng choang chẳng khác chi lúc ban ngày. Tây thái hậu và hoàng đế (Quang Tự) cùng ngồi trên đại viện để xem hát. Hai bên ngồi đông đủ nào thân vương, nào phúc tấn, nào cách cách, nào nội giám thân tín…

Hồi 160: Quang Tự thi hành tân chính

Chỉ chốc lát sau, một tên thái giám tay cầm cuốn sổ trình lên, xin Hoàng thái hậu và hoàng thượng chọn tuồng.

Thuận tay, Tây thái hậu chấm vở Thiên lôi báo, còn hoàng đế chọn vở Tiêu Dao tân.

Tên thái giám lãnh chỉ lui xuống, truyền cho bọn đào kép bắt đầu diễn. Thiên lôi báo vốn là một kiệt tác của Tiểu Khiếu Thiên.

Hắn cất tiếng hát vừa mê ly vừa lảnh lót nghe đến mềm cả người. Nhưng khi Thiên hát tới chỗ sét đánh, Tây thái hậu quay mặt nhìn hoàng đế cười nhạt.

Quang Tự hoàng đế biết Tây thái hậu có ý chế giễu mai mỉa mình, cúi đầu lặng thinh. Lý Liên Anh đứng ở sau lưng Thái hậu cũng nhìn ngài mà nhếch mép cười.

Quang Tự hoàng đế đến lúc này, trong lòng đã lấy làm giận lắm. Kịp đến vở Tiêu Dao tânlên sân khấu. Các Tiên đóng vai Hán Hiếu đế, biểu diễn đúng hệt một ông vua cô thế nhu nhược vô cùng thê thảm trong tình trạng bị lăng nhục, nhục nhã đến rơi lệ.

Cung vương ngồi phía dưới lấy làm khoái, nhịn không nổi lớn tiếng khen tuyệt. Khánh vương cười bảo Cung vương:

- Trong cung cấm la hét om sòm, không sợ Lão Phật gia bắt tội sao?

Cung vương nghiêm nét mặt nói:

- Cựu chế của các đấng tiên vương ta là trong cung cấm không được chèo hát mà.

Nói đoạn, Cung vương liếc mắt nhìn Thái hậu. Nhưng Tây thái hậu tảng lờ đi như không nghe thấy gì, quay đầu lại trò chuyện với Lý Liên Anh.

Quang Tự hoàng đế bất giác mở sáng đôi mắt, cất cao cặp lông mày lên như đôi cánh nhạn, kêu gọi bọn nội giám liên tiếp khen thưởng bọn đào kép.

Đến lúc này, Tây thái hậu mới biết rõ hoàng đế tự chọn vở Tiêu Dao tân là có ý phản đối mình, vì thế lấy làm bực tức. Song bà thấy có Cung vương ngồi gần, chẳng dám phát tác chứ nếu không bà đã hạ lệnh đình diễn rồi!

Nguyên do chỉ tại Cung vương tính rất nghiêm khắc, dữ tợn. Khi vương ở nơi quân cơ, Tây thái hậu vẫn có ý sợ hãi vương. Hồi Hiếu Trinh hoàng hậu còn tại thế, thường cùng Tây thái hậu, Hoàng đế, và bọn Cung vương đi chơi nơi Tam Hải, Tây thái hậu nhìn thấy các đình đài, lầu gác tại nơi đây đổ nát rã rời bèn giơ tay chỉ bảo:

- Bọn ta nên sửa chữa nơi này mới phải!

Cung vương nghe đoạn, đáp lời chỉ bằng một tiếng gừ trong cổ, nhưng tỏ vẻ trang trọng.

Hiếu Trinh hoàng hậu nói:

- Sửa thì nên sửa lắm! Nhưng lúc này bọn ta làm gì có tiền để mà làm những việc không cần gấp đó?

Tây thái hậu nghe thấy, lặng thinh, không nói gì thêm nữa.

Đây là việc cũ nhắc lại một tí thôi! Lại nói, tuồng đêm đó diễn chưa xong, nhưng hoàng đế vì trong lòng mất hứng, xin phép Thái hậu cùng hai phi Trân, Cẩn về cung sớm.

Mặt khác, Tây thái hậu đêm đó cũng thấy hoàng thượng chọn vở Tiêu Dao tân là có ý chế giễu mai mỉa mình, trong lòng thực chẳng vui thú gì, cho nên chỉ mong hoàng thượng về sớm chừng nào hay chừng nấy.

Chờ cho Quang Tự hoàng đế đi rồi, Tây thái hậu cũng bảo bọn Thân vương về nốt, chỉ để bọn các cô cách cách vắn ở lại xem hát cho đến lúc mãn. Sau đó, bà cùng Lý Liên Anh sang chơi bên Trí Tuệ hải.

Trí Tuệ hải vốn là một thuỷ cảnh đẹp vào bậc nhất trong Di Hoà viên. Phong cảnh đại khái giống như Doanh đài nhưng cách kiến tạo xem ra có phần công phu và khéo léo hơn. Bốn chung quanh hải (bể) đều có cẩn châu ngọc và đá quý, lại treo cả những kiểu đèn ngũ sắc lộng lẫy của Tây dương. Ở giữa bể cột một chiếc thuyền rồng.

Thân thuyền dài một trượng tám thước, cao một trượng, vẽ vời đủ ngũ sắc. Phía trong thuyền rồng, có đủ loại bàn ghế, giường nằm, giao ỷ. Bất luận nằm hay ngồi, chỗ nào người ta cũng đều thấy êm ái thoải mái cả. Trên mũi thuyền, bày đủ nào là cờ quạt, nào là tiết việt. Trong khoang đuôi, có một căn phòng nhỏ luôn luôn được hai tên tiểu thái giám trông coi và chầu chực cẩn thận để sẵn sàng dâng ngự điểm (bữa ăn của vua và hoàng hậu) cho đúng lúc.

Đối diện với thuyền rồng, trên đất liền, còn có một toà nguyệt cung. Trong cung, tiếng trống, tiếng tiêu suốt ngày đêm không dứt. Mỗi năm cứ đến rằm trung thu, thì quả phẩm tươi ngon ướp lạnh được bày biện la liệt bên trong.

Tây thái hậu cùng với hoàng thượng đích thân tế trăng, sau đó ân thưởng cho các thân vương, đại thần được lên thuyền rồng dạo chơi đây đó, chẳng khác gì như một ngày đại hội thâu đêm suốt ngày, cửa thành rộng mở.

Đến nửa đêm, Tây thái hậu lại truyền lệnh ban yến, ăn uống vui vẻ. Suốt mãi tới lúc bình minh, mặt trời đã lên cao, vua tôi mới mãn vui giải tán ra về. Đây lại còn là việc sau.

Sau khi qua chơi Trí Tuệ hải một lượt. Tây thái hậu và Lý Liên Anh lại quay sang Bảo Liên hàng. Bảo Liên hàng là một cái thuyền ụ, dùng đá và ngọc đẽo thành, hết sức tinh xảo. Vì thế, nên còn gọi là thạch hàng (cái thuyền đá). Phía bên trong thạch hàng, có chế hai chiếc khí thuyền (thuyền chạy hơi nước). Khí thuyền hồi đó không hoàn toàn giống như tàu thuỷ ngày nay. Nó chỉ có mỗi một việc là có thể chạy đi chạy lại được mà thôi. Ấy thế mà đối với thời đó đã coi như tài khéo tuyệt luân, cướp hết cái công của tạo hoá rồi. Bên trong khí thuyền cũng có đèn điện, chiếu sáng mãi ra ngoài vườn.

Khi thuyền chạy đèn điện sáng choang, lốm đốm như sao. Tây thái hậu một mình cưới thuyền đi chơi.

Vì chiếc thuyền chạy đã xa điện Nhân Thọ, đối diện với núi Vạn Thọ, phong cảnh hết sức xinh đẹp. Tây thái hậu do đó rất thích tới đây du ngoạn.

Đầu đêm hôm đó, Tây thái hậu cùng với Lý Liên Anh đi du ngoạn một hồi, vẫn thấy thú vui chưa thoả, tiện đường tới thăm Đồng Âm thâm xứ.

Đồng Âm thâm xứ cũng là một địa điểm nằm trong vườn Di Hoà. Đây là một địa điểm bí mật, phía trong cất một căn nhà ba gian. Chung quanh căn nhà đều có trồng những cây ngô đồng đã rất lớn. Bên cạnh là một ngọn suối trong. Cứ đến đêm khuya, tứ bề vắng lặng, người ta nghe rõ tiếng suối reo róc rách, tí tách như tiếng đàn cầm, tạo thành một điệu nhạc vô cùng êm ái mê ly. Dọc dài theo nguồn nước trong, biết bao lan can chạm ngọc mài đá, thanh nhã, trông như một bức hoạ. Căn nhà ba gian xây cất toàn bằng cột chạm tường ve mười phần tinh xảo. Bên trong giường ghế, màn trướng thảy đều đầy đủ. Rồi đến những chậu rửa mặt, những gương trang điểm, không thiếu sót thứ gì.

Tính tình của Tây thái hậu vốn ham thích điểm trang. Hễ tới chỗ nào tất nhiên bọn cung nữ phải lo sửa sang lại mái tóc, dồi phấn thoa son lại cho bà.

Tuổi bà tuy đã sáu chục, nhưng mặt bà vẫn không chịu rời phấn sáp. Bởi thế nhìn bà chỉ như một người đàn bà quá ba mươi xuân xanh, như còn nhiều hứa hẹn lắm! Với cái bộ mặt còn đầy tình của bà, cái tấm thân còn óng chuốt đẫy đà của bà, mấy ai dám bảo bà đã năm, sáu chục cái xuân?

Ấy cũng vì thế, anh bác sĩ y khoa người Mỹ tên là Lập Đặc thường hay khoe với thiên hạ rằng bà là một đệ nhất mỹ nhân của thế giới. Hãy tạm gác chuyện này.

Lại nói Tây thái hậu cùng với Lý Liên Anh từ hôm đó ở lại Đồng Âm thâm xứ du ngoạn thâu đêm suốt sáng một cách vô cùng bí mật. Bọn cung nữ và thái giám trong Di Hoà viên thường nghe những tiếng trai gái cười cợt đùa bỡn nhau trong đó vọng ra.

Thế là từ đó, Tây thái hậu thức ngủ nhất nhất đều ở trong Di Hoà viên, không còn thấy can dự tí gì vào việc triều chính nữa, mặc kệ cho Đức Tông muốn làm sao thì làm, đúng y như lời ông Đồng Hoà đã, nói là "vui rồi thì quên hết!".

Từ hôm đi xem hát về, Quang Tự hoàng đế (tức Đức Tông) giận tức đến cùng độ. Lại thêm Trân, Cẩn hai phi kể lể lại tình cảnh lúc bị đánh, bị tù, ngài càng thấy lòng tức giận tăng thêm. Mặc dù được lưỡng, phi khuyên giải an ủi, nhà vua vẫn cứ buồn bã chẳng thể vui lên được.

Suốt đêm hôm đó Quang Tự hoàng đế không chợp mắt được phút nào! Sáng mai, ngài thị trào xong quay về cung, liền cho lệnh mời ngay ông Đồng Hoà vào thương nghị kế sách "Cải cách triều chính".

Ông Đồng Hoà tâu:

- Đối với tình hình hiện tại, mọi cựu chế của Tiên hoàng không còn thích dụng nữa. Ngu thần thi lại bất tài không tìm ra lượng pháp, khiến tất lại hoá xấu, hay lại hoá dở. Bởi thế, chỉ còn một cách là nhường lại cho bọn hậu bối tài cán đủ khả năng, cố hết tâm sức kiến công lập nghiệp là hơn!

Quang Tự hoàng đế khảng khái nói:

- Nếu sư phó không chịu cáng đáng trọng trách đó Trẫm sẽ quyết ý trọng dụng bọn người mới Khang Hữu Vy vậy? Vậy xin nhờ sư phó thay trẫm truyền dụ ra ngoài, gọi Khang Hữu Vy ngày mai vào bệ kiến.

Ông Đồng Hoà lĩnh chỉ lui ra, tới báo cho Khang Hữu Vy.

Khang Hữu Vy vốn là người có chí lớn. Trước năm Giáp Ngọ, Khang đã có lần dâng thư điều trần chính kiến của mình: Thế nào là khoa học… Làm sao để chấn hưng nền giáo dục v.v…

Bọn đại thần người Mãn cho rằng Khang khùng, chỉ nói bậy nói bạ, đem ỉm luôn bản điều trần của Khang, quyết không trình lên hoàng đế. Có điều rắc rối là năm đó ông Đồng Hoà làm chủ khảo trường thi, có đọc văn của Khang, thấy Khang là một tay kỳ tài, liền cho đậu tiến sĩ. Từ đó, giữa ông và Khang tự nhiên có cái tình thày trò.

Bởi thế, ông Đồng Hoà mới đem hết sức mình để tiến cử lên Đức Tông.



Quang Tự hoàng đế đã có ý muốn triệu Khang Hữu Vy để chính mình được hỏi những điều cần thiết. Song triều đình còn có luật pháp, không tiện vượt qua. Ngài đành phải hạ dụ cho Khang tạm thời hãy nhận chức Học tập hành tẩu tại Tổng lý nha môn, chờ ít lâu sẽ thăng lên làm Hàn lâm viện thị giám.

Chính lúc này là lúc ngài có thể triệu kiến một cách dễ dàng, không còn phải e ngại dư luận.

Đến hôm được dụ triệu kiến, Khang Hữu Vy đầu đội mũ long linh rực rỡ, đi thẳng vào Tiên điện để kiến giá.

Quang Tự hoàng đế đợi Khang hành lễ xong, mới cất tiếng hỏi về chính sách "Tự cường" của Khang.

Khang Hữu Vy liền trần thuật luôn ba kế sách lớn như sau:

1) Tập hợp hết thảy người tài lại để mưu việc biến chính.

2) Chọn lựa Tây sách (kế sách của Tây phương) để định rõ quốc sách.

3) Nên nghe theo và cho phép bọn quan cai trị ngoài biên cương tự biến chính.

Ngoài ba điểm chính này, Khang còn xin định rõ hiến pháp, bỏ hẳn khoa cử, mưu việc chấn hưng giáo dục, mở mang chế độ, sai các thân vương đi du lịch các nước để dò xét những lương pháp của các nước Tây phương, phiên dịch các sách Âu Tây để đào tạo tri thức, phát hành giấy bạc và thiết lập ngân hàng để cho kinh tế được lưu thông, tổ chức các trường văn nghệ cũng như võ bị ở các tỉnh các phủ để luyện tập dân binh, mong việc phòng vệ được chỉnh đốn và cường mạnh.

Khang Hữu Vy trình việc nào ra việc đó, tất cả đều thao thao bất tuyệt. Quang Tự hoàng đế nghe xong, bất giác cả mừng, hạ dụ cho Khang lui ra ngoài, đồng thời sai bảo tiến một số nhân tài tân chính để tiện việc thực hành "Biến pháp".

Lý Hồng Chương sau khi ký mật ước với nước Nga, bèn lên đường du lịch các nước, lúc này cũng vừa về tới Trung Quốc.

Quang Tự hoàng đế ghét Chương về chuyện bất lực trong cuộc chiến năm Giáp Ngọ (chiến tranh Trung - Nhật), nên cho Chương rút lui ra khỏi quân cơ về nhà nghỉ.

Nhưng sau Tổng đốc Lưỡng Quảng bị khuyết, Lý Hồng Chương lại được điều ra đó nhận chức.

Cung thân vương Dịch Hân tuy cương trực nhưng từ sau cuộc chiến bại Giáp Ngọ, đối với chính trị cũng không còn nghiêm khắc như trước. Không ngờ, già lão chóng tàn, Cung vương bỗng nhuốm bệnh, nằm liệt giường, có cơ nguy kịch.

Tin chẳng lành truyền tới tai Thái hậu và hoàng thượng. Tất cả mọi người đều xúc động cảm thương. Quang Tự hoàng đế lập tức sai nội vụ phủ cấp cho gia đình vương một vạn đồng bạc để làm đám táng, và đặt thuỷ hiệu là Trung vương.

Sau khi triệu kiến Khang Hữu Vy, Quang Tự hoàng đế một lòng tha thiết thực hiện tân chánh. Lại còn có bọn thị lang Từ Trí Tĩnh, thị độc học sĩ Từ Nhân Kính, Từ Nhân Trú, ngự sử Dương Thâm Tú dâng thư lên xin quyết định ngay Quốc thị (tức là chế độ, luật pháp, tổ chức cần thiết của một quốc gia).

Thế là đến đây, chủ ý của Quang Tự hoàng đế về biến chính càng thêm kiên quyết và nhất định lắm rồi. Do đó, đúng vào ngày hai mươi bảy tháng tư, ngài bèn hạ một đạo chiếu thư xuống như sau:

"Mấy năm gần đây, chiến sự xảy ra lung tung, mối lo bên ngoài càng thêm đáng ngại. Trẫm rất lấy làm lo lắng. Do đó, thần công trong ngoài nhiều người chủ trương biến pháp tự cường, quyết ý trước hết, đào thải hết bọn tham nhũng, sau đó thiết lập đại tiểu bọc đường, sửa đổi chế độ võ khoa v.v…

Họ đã suy xét cẩn thận, và cương quyết thi hành để thí nghiệm, chứ không như bọn thần công ngày trước chỉ khư khư bảo thủ cựu chế, bài trừ tân pháp, mồm mép om xòm, không hướng tới một cái gì; do đó mới xảy ra vụ tranh chấp về chế độ giữa cũ và mới.

Song, thời thế ngày nay đã khác: trong thì chính trị không sửa sang, ngoài thì cọp dòm ưng ngó, chỉ chờ có dịp là tiến tới nếu không có mưu kế tự cường, ta biết lấy gì mà lập quốc?

Mà cái đạo tự cường thì trước hết phải lấy cường dân phú quốc làm đầu.

Ôi! Học trò đã không có thày giỏi thì làm sao cho có thực học? Bọn lính nhác không được tập luyện thì biết lấy gì để chống giặc. Nếu cứ cổ hủ mãi, thì nước làm sao mà mạnh được dân làm sao mà giàu được? Trong trường hợp ấy, cả một giang sơn gấm vóc này rốt cuộc chỉ để cho bọn cường lân (các nước láng giềng giàu mạnh) gậm nhấm dần đến hết như tằm ăn dâu mà thôi.

Trẫm đã thăm hỏi hai ba lần: ai cũng đều cho rằng nếu quốc thị không định, thì hiệu lệnh chẳng thể thi hành được, những điều lưu lệ, sau đó ắt gây ra phận tranh, khiến quốc chính không còn cách gì bồi bổ nữa.

Xét lại lịch triều Trung Quốc, trẫm thấy chế độ của liệt quốc mỗi quốc gia đều có cái hay riêng của mình, chứ không giống ai nhau, luôn luôn cũ mới đổi thay nhau. Điều dĩ nhiên từ xa xưa là đã chọn tân chế thì đương nhiên cựu chế không thể tồn tại. Chọn cái hay để mà theo thì đó là cái đạo lớn của nước vậy.

Kể từ nay về sau, thần công trong ngoài lớn nhỏ, vương công, sĩ thứ, tất cả đều phải gắng sức hướng lên, nổi hăng mà mưu đồ sự giàu mạnh, học tập lấy lễ nghĩa của thành hiền, chọn những điều của Tây học thích hợp với chế độ để bổ túc những chỗ thiếu sót, chủ đích chỉ mong cầu tinh tiến để đợi lúc sử dụng.

Kinh sư là nơi thủ đô của toàn quốc, học đường phải nên sáng lập. Nếu các bậc thần công trong ngoài từ vương công trở xuống cho đến các nhân viên, các ty, các bộ, các vị thế chức Bát Kỳ cung như đám bậu duệ của văn vô đình thần, muốn xin đi học, thì sẽ được nhập học, giáo dục thành nhân tài đế vì nước xuất lực, giúp đời gỡ rối.

Hỡi các thần công! Các ngươi không được tự ý thủ cựu mà viện dân này nọ, làm chậm chế việc thi bành, khiến nỗi trên thì phụ lòng triều đình thiết tha với các giới, dưới thì tự mình đã lẫn lại kéo thêm người lầm với mình. Và như thế hậu hoạ không còn gì to lớn hơn nữa! Nay đặc dụ cho thán công nội ngoại toàn thể đều biệt.

Khâm thử".




Đạo thượng dụ này vừa ban xuống, chỉ trong nháy mắt, tin tức đã đồn dậy trong ngoài. Khang Hữu Vy ngay lúc đó cũng được vời vào cung để hỏi ý kiến. Nhất thời được minh quân chiếu cố tới mình, Khang quả là người mà toàn triều văn võ bá quan không ai dám sánh.

Khang Hữu Vy bảo tiến thêm mấy nhân vật mới nữa giúp đỡ trong việc biện lý tân chính.

Đó là Từ Trí Tĩnh và hai người con Từ Nhân Trú và Từ Nhân Kinh. Khang lại bảo tiến người em ruột là Khang Quảng Nhân, người đệ tử là Lương Khải Siêu.

Lương Khải Siêu là người huyện Tân Hội, tỉnh Quảng Đông, vốn là một thư sinh. Do sự bảo tiến của thày, Lương được hưởng hàm lục phẩm, phụ trách việc dịch sách trong Dịch thư cục.

Mặt khác, Tuần phủ Hồ Nam là Trần Bảo Hàm cũng bảo tiến Lưu Quang Đệ. Dương Nhuệ. Thị lang Tử Kính Tĩnh cũng bảo tiến Đàm Tự Hồng. Hộ bộ tả thị lang Trương Âm Hoàn lại bảo tiến Vương Tích Phồn, Ngự sử Dương Thâm Tú bảo tiến Đinh Duy Lỗ.

Tất cả những nhân vật được bảo tiến trên đều là những người học thức uyên bác, có thể coi như là những nhân tài tuyệt luân được. Ngoài ra, ta còn thấy có nhóm Trương Chi Động cũng góp nhiều công vào việc biến chính, nhất là trong chương trình cải cách khoa cử.

Vương Phượng Văn xin thiết lập phép chấm thi. Tiêu Văn Cát xin chỉnh đốn nghề tơ, trà để phục hưng thực nghiệp. Ngự sử Tăng Tôn Ngạn tâu xin mở mang nông vụ. Vương Tích Phồn xin tổ chức quản trị các hội buôn. Lý Đoan Phân xin chỉnh đốn lại luật lệ. Viên Vĩnh thì tâu xin giải quyết sinh kế cho Bát Kỳ (tổ chức quân đội của riêng nhà Thanh). Ngự sử Thuỷ Tân người Mãn, dốt đặc cán mai, đến một chữ cũng không biết thế mà cũng dám ghi tên lên đầu danh sách, xin quản trị các báo quân để lo việc thông tin.

Quang Tự hoàng đế thấy sớ tấu dâng vào như bươm bướm, cái nào cũng có ích cho Tân chính, đều nhận hết, đồng thời còn khen thưởng những người dâng tâu kế sách. Ấy cũng vì vậy cho nên có những anh chàng người Mãn vớ vẩn dốt nát, vét ba ngày không ra được nửa chữ, cũng vội vàng dâng sớ trình bày chính kiến, khiến từ đó, tấu sớ chất thành đống như trái núi, tạp nham bừa bãi, trở nên bao chuyện khôi hài không bút nào tả xiết!

Lại cũng còn có kẻ tâu xin hoàng đế "trở lại" đạo Gia tô. Rồi cũng lại có cả những bản tấu chương xin học tập theo sách Tây, chữ Tây (chữ Anh, Pháp, Đức v.v…).

Quang Tự hoàng đế xem qua các loại sớ này chỉ mỉm cười, coi như được một dịp nghe chơi những chuyện vui. Song đối với các bản điều trần thực tế về tân chính của chư thần, Quang Tự hoàng đế đều nhất nhất dung nạp, không loại bỏ cái nào. Ấy cũng vì vậy mà một tai hoạ lớn đã ra, hậu quả vô cùng tai hại.

Nguồn: http://vnthuquan.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved