Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

5 thg 11, 2013

Tùy Đường diễn nghĩa- Chữ Nhân Hoạch Hồi 68,69,70

HỒI 68

Theo ý hoàng hậu, cung nữ được về,
Đúng lời thề xưa, âm ty tử án

Từ rằng: 
Thiều quang chín chục nhanh như chớp 
Cay mắt, đau lòng chịu không được 
Dằng dặc ân hận này lỗi thề ước 
Mưa móc cùng đội ơn trên khắp 
Bỗng một sớm đổi thay sống chết 
Đừng bảo rằng 
Ở suối vàng 
Mà không bênh vực, nể nang 
Giữa vua quan 
Non sông gai góc tràn lan 
Bừng cơn ác mộng, chưa hoàn hồn sao? 
Theo điệu "Điệp luyến hoa" 

 Đại phàm hay làm việc thiện, dù người không biết, sẽ có âm đức, ý nghĩa tốt, làm việc thành thực, không miễn cưỡng, không tà khuất, theo lẽ tự nhiên của người ta mà hành động. Ngạn ngữ nói rằng: "Có âm đức, sẽ được báo ngay ở cõi dương này" (1). Nhớ thuở xưa Cố Trường Hưng, là hoạn quan nên không thể nào có con được, nhưng vẫn lấy cả thê cả thiếp đến mười người, một hôm ngồi uống rượu với mấy hoạn quan khác, thê thiếp ra hầu tiệc. 

1 Nguyên văn: "Hữu âm đức giả, tất hữu dương báo”. 

Trường Hưng than: 
- Ta suốt đời nghĩ làm đều là nhưng việc âm đức, nhưng sao vẫn chịu tội tuyệt tự? 
Một người thiếp thưa: 
- Âm đức chẳng xa đâu! 
Trường Hưng bỗng sực nhớ: 
- Nếu nói chuyện âm đức, thì lẽ nên gả chồng cho đám thê thiếp này của ta: 
Người thiếp thưa: 
- Thiếp xin được nói, chẳng có lẽ nào thế cả, thiếp dẫu có chết, cũng xin được theo phu quân thôi. 
Trường Hưng liền đem gả chồng cho hơn mười thê thiếp, sau đó sinh được ba người con, mà mẹ đẻ của chúng chính là người thiếp quyết không chịu bỏ Trường Hưng trên kia. Huống chi là chuyện lớn của triều đình, quan hệ đến tôn miếu xã tắc, thì việc âm đức, quả báo còn đến thế nào nữa. 

*** 

Nay nói chuyện La Thành tới Trường An, giao cho Phan Mỹ trông coi quân lính, gia quyến, thong thả vào thành, tìm lại nhà Tần Thúc Bảo, thì nghe năm ngoái Sài Tự Xương đã về kinh phục mệnh, theo Thúc Bảo vào lạy chào Tần thái Thái, đem lễ vật mừng thọ lên trình. Thúc Bảo nói: 
- Hiền đệ ở xa mấy nghìn dặm mà ngày sinh của thân mẫu tiểu đệ cũng không quên! 
La Thành lại đem chuyện chinh Bắc, cùng Tiêu Hậu về Nam, cùng Tuyến Nương đến am Nữ Trinh gặp Tần, Địch, Hạ, Lý phu nhân, biết chuyện Tần Thái đang làm lễ bát tuần Thượng thọ ra sao, phát nguyện ở am thế nào, cũng chuyện về tế tiên đế, vợ chồng Vương Nghĩa tuẫn tiết kể lại một lượt. Tần thái thái nói: 
- Hai cháu họ La cùng với hai phu nhân hiện đang ở đâu, mau mau đem kiệu đón ngay về đây. 
Thúc Bảo thưa: 
- Tiêu Hậu cũng hiện còn ngoài ấy. Chờ vào bệ kiến chúa thượng sẽ đón gia quyến La hiền đệ về đây. 
Tần Thái Thái nói: 
- Nếu đã thế hãy sai Hoài Ngọc ra đón Tiêu nương nương cùng hai vị phu nhân về chùa Thừa Phúc, tạm nghỉ một hai ngày. 
Hoài Ngọc vội vàng đem theo gia đinh ra ngoài thành thu xếp chỗ nghỉ cho Tiêu Hậu cùng gia quyến La Thành. 
La Thành vào triều kiến Thái Tôn, được Thái Tôn hết sức khen ngợi, ban yến thưởng công, có ngay thánh chỉ, sai bốn viên nội giám, triệu Tiêu Hậu vào cung. Đậu Công chúa, Hoa phu nhân liền đến nhà Thúc Bảo, chúc thọ Tần thái thái, gặp gỡ Trương phu nhân. Đơn Tiểu thư dẫn hai con ra chào các con của La Thành, chuyện trò tíu tít. Viên Tử Yên, các phu nhân họ Giang, họ La, họ Giả nghe tin, cũng sai người đem lễ biếu. Khoảng hơn một tháng, La Thành vào triều kiến tạ ơn rồi lại lên đường đi viếng mộ Hoa Thừa Chi. Chuyện không nói nữa. 
*** 
Lại nói chuyện từ ngày Đường Thái Tôn lên ngôi, bốn phương biển cả thanh bình, ca hát hòa vui. Bọn bầy tôi Ngụy Trưng, Phòng Huyền Linh, chuyện gì biết thì thưa, thưa mãi cũng không hết chuyện, quân thần tương đắc. 

Một hôm vâng mệnh Thái Thượng Hoàng, đặt yến tiệc ở Vị Ương cung, giữa tiết thu ấm áp, gặp ngày trời trong sáng, ánh vàng rực bầu trời, mặt đất. Thái thượng hoàng lệnh cho Khả hãn Hiệt Lợi nhảy múa. Phùng Chí Đái vịnh thơ, rồi cười phán: 
- Hồ Việt một nhà, từ xưa chẳng bao giờ có vậy thay! 
Thái Tôn tâu: 
- Đấy chính là nhờ ơn giáo hóa của thượng hoàng, chứ sức lực của chúng thần thì quả không tài nào làm được. Nhớ xưa Hán Cao Tổ cũng như Thượng Hoàng đã bày yến tiệc ở cung này, nói những lời huênh hoang thần quả không dám kể lại. 
Thái thượng hoàng vui vẻ hỏi Thúc Bảo: 
- Mẫu thân khanh, năm nay tuổi bao nhiêu? 
Thúc Bảo quỳ thưa: 
- Thân mẫu thần năm nay tám mươi ba, nhờ hồng phúc của thượng hoàng vẫn khỏe mạnh. 
Liền lệnh cho trăm quan, cùng hoàng tộc, theo phẩm cấp mà ngồi, không được huyên náo. Bá quan cứ theo thứ tự ngồi xuống, lệnh cho hoàng môn bàn rượu, nhã nhạc du dương. Đang lúc vui vẻ, không ngờ Uất Trì Cung ngồi phía dưới Nhiệm Thành Vương đùng đùng nổi giận quát: 
- Ngài có công lao gì, mà được ngồi trên cả ta? 
Nhiệm Thành Vương không biết trả lời ra sao, Uất Trì Cung liền đấm một quả, trúng ngay vào mắt phải của Lý Đạo Tôn. Ai nấy đều đứng dậy khuyên giải. Đạo Tôn mắt nảy đom đóm, phải dụi, phải nháy mãi mới bỏ ghế mà ra khỏi điện. Thượng hoàng hỏi duyên cớ, mọi người đành thực mà tâu trình, thượng hoàng không vui phán: 
- Nhiệm Thành Vương Đạo Tôn là họ hàng trẫm, thì việc gì phải nói có công hay không công. Hôm nay cùng nhau gặp gỡ vui vẻ, nên cùng giữ ý, sao lại trò chuyện bằng chân tay thế! 
Thái Tôn dẫn trăm quan quỳ tạ tội, rồi lệnh bãi yến, đưa thượng hoàng về cung. 
Ngày hôm sau, Thái Tôn lên điện nói với quần thần: 
- Hôm qua trẫm cùng Thái thượng hoàng gặp gỡ trăm quan vui vẻ, Uất Trì Cung phạm lễ vua tôi. Trẫm thật không vừa lòng, vì Nhiệm Thành Vương vốn là thân tộc của trẫm mà Uất Trì Cung còn ngang ngạnh đến thế huống chi người khác. Trẫm nói vậy, hoàn toàn không vì riêng gì Đạo Tôn. 
Tả hữu đã thấy Uất Trì Cung tự trói mình vào tạ tội, trăm quan hoảng sợ, đều quỳ thưa: 
- Uất Trì Cung là viên tướng thần vũ, vốn chưa quen việc lễ tiết nay không ngờ phạm tội với hoàng gia, xin bệ hạ hãy nghĩ công chó ngựa mà tha tội cho. 
Thái Tôn gọi Uất Trì Cung vào, truyền cởi trói, rồi nói với Uất Trì Cung: 
- Trẫm những muốn cùng các khanh giữ lấy sự phú quý, nhưng khanh ở chức quan đã mấy lần phạm tội. Trẫm nghĩ đến công lao của khanh, mà không muốn theo cách của Hán Cao Tổ đối với Hàn Tín, Bành Việt xưa kia đem ra ướp thịt làm mắm, cũng không phải là lỗi ở Cao Tổ vậy. 
Uất Trì Cung khấu đầu tạ tội. Thái Tôn tiếp: 
- Kỷ cương của quốc gia, có thưởng có phạt, hưởng ơn không phải nhận mình, không thể không tính, miễn cưỡng mà cho qua, sau hối không kịp. 
Uất Trì Cung bái tạ mà ra, vì vậy bị giáng bớt lương cấp. 
Tháng năm, năm thứ chín đời Trinh Quán, thượng hoàng bệnh nặng, qua đời ở Thái An cung, ban chiếu cáo khắp thiên hạ, đặt tên thụy là Thần Nghiêu. Hôm ấy, Thái Tôn nhàn rỗi cùng Trưởng Tôn Hoàng hậu với phi tần đi dạo trong cung, rất nhiều cung nữ ra đón, tất cả đều tề chỉnh, nhưng già trẻ khác nhau. Thái Tôn thấy vậy, trong lòng không vui. Mấy cung nữ dâng trà, hoàng hậu mới hỏi: 
- Các người được tiến cung từ bao giờ? 
Các cung nữ thưa: 
- Cũng có kẻ mới vào gần dây, còn số vào từ thời nhà Tùy rất nhiều. 



Hoàng hậu nói: 
- Nếu là từ nhà Tùy thì cũng phải trên hai mươi năm rồi còn gì? 
Các cung nữ thưa: 
- Khoảng mười hai, mười ba tuổi tiến cung, nay khoảng ba mươi lăm, ba mươi sáu tuổi cả. 





Hoàng hậu hỏi: 
- Ngày xưa nhà Tùy tần phi nhiều, nên kẻ cung nữ hầu hạ cũng nhiều hay sao? 
Cung nữ thưa: 
- Thời nhà Tùy có phu nhân, mỹ nhân, chiêu nghi, sung hoa, tiệp dư, tài nhân, những loại này đều xếp đặt ở các cung. Sao bằng được bây giờ, chúa thượng cùng hoàng hậu nhân từ, kiệm ước, khiến cho trong cung không ai là không được đội ơn sâu. 
Thái Tôn phán: 
- Trẫm nghĩ thiên tử là người đứng đầu, thì cũng đến hoàng hậu, rồi bất quá đến hai ba phi tần nữa là đủ. Tinh lực có hạn, sao lại làm khổ bao nhiêu là người chầu chực, khiến cho thanh xuân nữ sắc, phải giam hãm trong thâm cung vậy. 
Tự Huệ Phi thưa: 
- Trông tình cảnh của họ, thật đáng thương. 
Thái Tôn nói với Hoàng hậu: 
- Hoàng hậu, trẫm định đem số cung nữ này thả ra khỏi cung, cho về với dân làng, kiếm chồng con để không uổng phí quãng đời còn lại. 
Hoàng hậu cười: 
- Việc ân việc uy này là do lượng chúa thượng, thiếp đâu dám bàn thêm, nhưng nếu mà thả cho số cung nữ này ra, mới chỉ nghĩ đến trong lòng thôi, đã là một việc ân đức lớn lắm vậy! 
Thái Tôn cười: 
- Trẫm nào có định nghĩ không đâu! 
Các cung nữ lập tức quỳ lạy tạ ơn. Từ hoàng hậu phi tần, cho tới cung nữ, ai nấy đều vui cười. Thái Tôn nói với nội thị: 
- Ngươi hãy tìm viên thái giám coi nội cung, nói rõ làm sổ tên các cung nữ này đưa trình. 
Nội thị liền tìm thủ cung Thái giám Ngụy Kinh Ngọc nói rõ. Đêm hôm ấy, cung nữ các cung chẳng khác nào nước sôi trong vạc, lập tức khai tên tuổi, quê quán cùng Ngụy Kinh Ngọc. Sáng ngày hôm sau, Thái Tôn ngự triều xong, Kinh Ngọc đưa sổ tên trình lên. Thái Tôn xem hồi rồi phán: 
- Khanh hãy gọi tất cả đến Thúy Hoa điện. 
Kinh Ngọc vâng mệnh quay ra, Thái Tôn về cung đưa cho hoàng hậu: 
- Với số cung nữ này, thì không biết hao phí bao nhiêu máu, nước mắt của dân chúng, cùng bao nhiêu tiền của quốc gia. Nay tất cả đều đã biên chép ở đây. Muốn điểm đủ mặt, cũng phải mấy ngày khó nhọc. 
Hoàng hậu thưa: 
- Không ngại, bệ hạ làm một nửa, thiếp cùng Từ phu nhân làm một nửa, chẳng mấy chốc mà xong. 
Thái Tôn liền cùng Hoàng hậu lên xe rồng, Huệ Phi cũng lên một xe phượng đến Thúy Hoa điện, thấy cung nữ đã đầy đủ. Thái Tôn cùng hoàng hậu ngồi trên án, Từ Huệ Phi ngồi cạnh hoàng hậu, cung nữ chia làm hai, cứ gọi tên hàng nào thì hết hàng ấy, chẳng phấn son, nhưng người nào cũng tươi tỉnh. Thái Tôn tuyển lấy những cung nữ dưới hai mươi, cho tạm trông coi các cung, còn lại đều thả cho ra, có đến hơn ba nghìn người. Lệnh cho Kinh Ngọc theo các cung viện cũ mà cho ở tạm, rồi ra bảng hiểu dụ, trong vòng một tháng, để trăm họ biết rõ, cho cha mẹ đến lĩnh con em về, tìm nơi gả chồng, nếu thân thích ở xa thì chọn lấy nơi, hoặc giao cho Kinh Ngọc tìm. Gần thì tìm đến, xa thì cho ít của cải rồi tìm nơi chốn yên thân. 
Chỉ trên dưới hai tháng mọi chuyện xong xuôi, còn lại mỗi Yêu Yêu, Tiểu Oanh, người ở Quan Ngoại xa xôi, chẳng thấy họ hàng đến. Lại ngay lúc xuất cung Yêu Yêu bệnh nặng, Tiểu Oanh phải chăm nom, đành phải ở lại nhà Ngụy thái giám có đến ba bốn tháng, bệnh tình mới khỏi. 
Ngụy Thái Giám có một người bạn thân, làm Cẩm vệ huy sứ, họ Vi tên Nguyên Trinh đến thăm, tuổi cũng dã gần bốn mươi, vợ chưa lần nào sinh đẻ, những cũng muốn cưới thiếp cho chồng, nhưng Nguyên Sinh không nghe. Ngụy thái giám giữ lại cho uống rượu suông, nói tới chuyện xuất cung: 
- Vi đại thần vẫn chưa con cái gì, nghe nói nội quyến rất hiền đức, hôm vừa rồi sao không kiếm lấy một cung nữ vừa ý, sinh lấy vài mụn con, cũng là điều may cho họ Vi. 
Nguyên Trinh xua tay: 
- Tiện nội mà sinh được cũng mừng, không sinh cũng mừng vậy. 


Ngụy thái giám nói: 
- Hiện giờ vẫn còn hai cung nữ, chẳng khác gì hai chị em ruột, mười phần xinh xắn, xin để tiểu đệ gọi ra đây, cho đại nhân ngắm thử xem. 
Liền sai ngay Tiểu thái giám đi gọi. Yêu Yêu cùng Tiểu Oanh vào lạy chào, Nguyên Trinh vội vàng đứng dậy đáp lễ, thấy cả hai dáng điệu thướt tha, mặt hoa da phấn, liền lên tiếng: 


- Xin đa tạ! 
Ngụy thái giám mới hỏi: 
- Đại nhân thấy thế nào? 
Nguyên Trinh đáp: 
- Không thể được đâu, đấy là những kẻ đã được chúa thượng để mắt tới, lũ quan lại chúng ta lại lấy về làm thiếp thì còn gì là thể thống? 
Ngụy thái giám cười: 
- Thật là giọng lưỡi của mấy mụ già. Hôm trước Lý đại phu cũng lấy được Sái Tu Dung, Trương đại phu cũng kiếm được Triệu Ngọc Kiều, thì sao đại nhân lại không được? 
Rồi thôi không nói tới nữa. Rượu xong, Nguyên Trinh ra về. Ngày hôm sau, Ngụy thái giám biết Nguyên Trinh không có nhà, mới gọi một cái xe nhỏ, cho Yêu Yêu cùng Tiểu Oanh ngồi, nói với một tiểu thái giám: 
- Người đến nhà Vi đại nhân, gặp phu nhân, nói rằng ta biết đại nhân chưa có con cái gì, nên xin đưa tới hai mỹ nhân. 
Tiểu Oanh, Yêu Yêu đến gặp Vi phu nhân. Phu nhân vô cùng mừng rỡ, đợi Nguyên Trinh về, giấu trước ở trong buồng gấm của thư phòng. Nguyên Trinh thấy, biết là ý tốt của phu nhân, đêm đó nghỉ ngay ở thư phòng. Sau đó cùng đến tạ ơn phu nhân, thê thiếp rất thân thiết, sinh trai, sinh gái đủ cả. Tiểu Oanh sinh một con gái, được làm Hoàng hậu thời Đường Trung Tôn, nên Nguyên Trinh được phong Thượng Lạc Vương. Đó là chuyện sau này nên chỉ nói thế thôi. 
Lúc này Phòng Huyền Linh vì chuyện can gián nên nhà vua cũng không mặn mà như xưa. bèn xin cáo lão. Tháng sáu năm thứ mười đời Trinh Quán, Trưởng Tôn Hoàng hậu ốm nặng, bệnh tình ngày càng trầm trọng, liền dặn dò Thái Tôn: 
- Thiếp bệnh nguy lắm rồi, liệu chẳng dậy được nữa. Bệ hạ nên gìn giữ mình rồng, để yên thiên hạ, Phòng Huyền Linh thờ bệ hạ đã lâu cẩn thận kín đáo, chẳng có chuyện gì lớn, chẳng nên bỏ vậy. Họ hàng nhà thiếp, duyên may đến phúc lộc thế này, đừng bỏ qua chuyện đức giáo mà cất nhắc, đến nỗi đảo điên. Xin bệ hạ coi trọng chuyện quyền uy. Thiếp sinh cả đời, vốn chỉ vô ích, nên sau khi chết, cũng chẳng lăng cao mả lớn, hao phí tiền của thiên hạ, hãy lấy núi làm mồ, đồ táng khí chỉ gạch ngói, gỗ mộc là đủ rồi. Xin bệ hạ thân kẻ quân tử, xa lánh kẻ tiểu nhân, nghe theo lời can gián trung thực, vứt bỏ những tiếng xiểm nịnh, bớt phu dịch, thôi chuyện săn bắn rong chơi. Thiếp dẫu có chết cũng không ân hận gì nữa vậy. 
Rồi dặn dò Thái tử: 
- Con nên hết lòng hết sức, để báo đền sự phó thác nặng nề của phụ hoàng. 
Thái tử bái lạy mà thưa: 
- Há dám không vâng theo mệnh của quốc mẫu. 
Dặn dò xong xuôi, đêm ấy thì băng ở Nhân Tĩnh cung. 
Ngày hôm sau, cung từ đem sự việc được mất của hoàng hậu từ nhỏ, làm thành sách "Nữ tắc" gồm ba mươi quyển đưa trình lên. Thái Tôn xem rất xúc động, liền giảng giải cho bọn cận thần: 
- Sách này của hoàng hậu cũng làm gương cho trăm đời sau noi theo. Trẫm không phải là không biết thiên mệnh, mà làm chuyện thương xót vô ích, nhưng vào cung mà không được nghe những lời can gián, trung thực, mất đi một người bạn hiền, thì thật lòng không thể nào khuây được. 
Liền sai Hoàng môn quan triệu Phong Huyền Linh về nhận chức cũ, tháng mười năm ấy thì táng Văn Đức Hoàng hậu ở Chiêu Lăng, cách Hiến Lăng của Đậu Thái hậu khoảng hơn một dặm. Thái Tôn thương nhớ không nguôi, bèn làm ở trong ngự uyển một Tăng Lâu quán để nhìn về Chiêu Lăng, thường cùng Ngụy Trưng lên lầu, chỉ cho Ngụy Trưng thấy. Ngụy Trưng nhìn thật kỹ, thưa: 
- Mắt thần kém, chẳng thấy gì cả. 
Thái Tôn lại cố chỉ rõ, Ngụy Trưng thưa: 
- Thần lại cứ nghĩ bệ hạ nhìn về Hiến Lăng, còn nếu là Chiêu Lăng thì thần cũng thấy rõ rồi! 
Thái Tôn khóc mà hủy Tăng Lâu quán, nhưng trong lòng thì vẫn thương tiếc. 
Một hôm, Thái Tôn bỗng bị bệnh, trăm quan sớm tối vấn an, thái y ân cần chăm sóc, bốn năm ngày rồi mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm, thỉnh thoảng lại giật mình như bị ma trêu quỉ ám. Chỉ khi nào có Tần Thúc Bảo, Uất Trì Cung vào vấn an, thì thấy tinh thần sảng khoái khác thường. Vì vậy sai vẽ tượng Thúc Bảo, Uất Trì Cung, treo ở cửa sổ để trấn quỷ ma. Đến lúc bệnh trầm trọng liền gọi bọn Mậu Công, Ngụy Trưng vào cung để nhận số mệnh. Mậu Công thưa: 
- Bệ hạ xuân thu chính lúc khỏe mạnh, sao lại nói ra những điều không lành. 
Ngụy Trưng tiếp: 
- Xin bệ hạ đừng lo, thần có thể giữ gìn mình rồng, chuyển nguy thành an được. 
Thái Tôn hỏi: 
- Bệnh trẫm càng ngày càng nặng, khanh làm sao mà làm được? 
Nói xong quay mặt vào tường, lại mơ mơ màng màng như cũ. 
Ngụy Trưng không dám kinh động liền cùng Mậu Công ra trước cửa cung. Mậu Công hỏi: 
- Ngài có thuật gì, mà có thể giữ long thể, chuyển bệnh nặng thành khỏe mạnh được?
Ngụy Trưng đáp: 
- Hiện nay ở dưới âm phủ, phán quan giữ sổ sinh tử, vốn là quan giá ngự của tiên đế cũ, họ Thôi tên Giác, thuở còn sống có cùng hạ quan này đi lại. Đến giờ, trong mộng vẫn thường trò chuyện. Hạ quan mà gửi nhờ Thôi Giác chu toàn thì có thể chuyển chết thành sống vậy. 
Mậu Công nghe xong cũng chỉ ậm ừ cho qua, trong lòng vẫn chưa tin. Chẳng mấy lúc, cung nhân báo ra là chúa thượng hơi thở ngày càng yếu dần. Ngụy Trưng liền vào ngay cung, viết một lá thư, thân đem đến trước long sàng đốt, rồi dặn cung nhân:
- Người chúa thượng vẫn còn ấm, không được động đến. Cứ yên lặng chờ cho đến sáng mai sẽ có tin tốt lành. 
Rồi các quan ra cửa cung chầu chực. 
Lại nói Thái Tôn ngủ cho tận đến chiều, mở mắt thấy âm âm u u hồn phách như bay, khỏi Ngũ Phượng lâu, một con chim cắt hung dữ bay đến, mỏ ngậm một lá thiếp. Thái Tôn ngày thường vẫn thích giống chim săn mồi này, mới nhìn kỹ trong lòng kinh ngạc: 
- Kỳ lạ thay! Con chim cắt này chính là con Ngụy Trưng dâng cho ta, ta đã giết ăn thịt từ lâu, nay sao lại sống như thế này? 
Vội đuổi theo bắt, chim cắt bỗng chẳng thấy đâu nữa, lá thiếp ngậm ở trong mỏ rơi xuống, Thái Tôn nhặt lấy xem, thì ra một lá thư, ngoài viết rõ : 
"Nhân tào quan Ngụy Trưng, thư phụng phán huynh Thôi Công”. (1) Phía dưới lại có mấy hàng ghi rõ: "Thôi Giác là tiên triều cựu thẩn, xin bệ hạ hãy đưa thư này tận tay, sẽ cầu được sống trở về nhân gian” . 
1 Quan trên cỏi người là Ngụy Trưng, thư trình phán quan Thôi đại huynh. 

Thái Tôn xem rất mừng, bỏ vào ống tay áo, cứ theo phía trước mà đi. Đến một nơi mênh mông, nhưng núi không, nước không, cây cỏ cũng không hề có. Đang lúc hoang mang, có người ở phía trước đi lại cất tiếng gọi lần: 
- Đại Đường Hoàng đế đi lại phía này! 
Thái Tôn nghe ra, ngẩng đầu nhìn thì thấy người này mặc áo thụng xanh, đội khăn sa, tay cầm hốt ngà, chân đi hia trắng, lại gần Thái Tôn, quỳ xuống bên đường mà lạy, miệng thưa: 
- Xin bệ hạ tha tội cho thần không ra đón sớm? 
Thái Tôn hỏi: 
- Khanh là ai? Làm chức gì? 
Người này thưa: 
- Tiểu thần là Thôi Giác, thuở xưa đã từng làm Thị lang bộ lễ của tiên hoàng đế, nay đang làm phán quan cho Phong Đô (l). 
1 phong Đô: nơi có ngự điện của mười vị Diêm Vương, vua cai quản âm phủ, theo truyền thống mê tín xưa ở Trung Quốc và Việt Nam. 
Thái Tôn mừng lắm, vội cầm tay mà rằng: 
- Tiên sinh thật vất vả, quan ngự tiền của trẫm là Ngụy Trưng có thư gửi tiên sinh đây, thật may mắn được gặp! 
Thôi phán quan hỏi: 
- Thư hiện ở đâu rồi? 
Thái Tôn lấy ở ống tay áo đưa cho Thôi Giác, Thôi Giác xé ra xem rồi thưa: 
- Xin bệ hạ yên tâm. Trong thư Ngụy nhân tào có nói nhờ trả bệ hạ lại nhân gian, nhưng tạm chờ gặp Thập điện Diêm Vương đã, thần sẽ xin đưa bệ hạ về dương gian, kế tục ngôi thiên tử như xưa. 
Thái Tôn tạ ơn, bỗng thấy hai tiểu quan có đội mũ cánh mỏng đến thưa : 
- Diêm Vương có lệnh mời bệ hạ tạm vào khách quán nghỉ ngơi, chờ để định án xong vụ Tùy Dượng Đế, sẽ gặp bệ hạ. 
Thái Tôn nói: 
- Việc Tùy Dượng Đế mà vẫn chưa thành án hay sao? 
Hai tiểu quan thưa: 
- Đúng vậy! 
Thái Tôn nói với Thôi Giác: 
- Trẫm cũng muốn xem Tùy Dượng Đế là người thế nào, phiền Thôi Tiên sinh dẫn cho xem có được chăng? 
Thôi Giác thưa: 
- Xin mời điện hạ! 
Cả bọn kéo đi, bỗng thấy một tòa thành lớn, trên cổng thành có ghi mấy chữ: "U minh địa phủ Quỷ môn quan". Bảy chữ thật lớn. 
Thôi Giác nói: 
- Tiểu thần xin đi trước dẫn đường, sợ có kẻ xúc phạm chăng! 
Liền dẫn Thái Tôn vào thành, cứ theo đường phố mà đi, gặp toàn bọn đầu bù, chân đất, chẳng khác gì ăn mày trên trần thế. Đi được khoảng hơn một dặm, thấy ngay bên đường là tiên đế Lý Uyên, theo sau là người em ruột Lý Nguyên Bá. Thái Tôn đang định lại để lạy chào phụ hoàng, nháy mắt đã không thấy đâu nữa. Đi một đoạn nữa, gặp Kiến Thành, đang dẫn tay Nguyên Cát, cùng đi với Hoàng Thái Tuế. Cả bọn gào lớn: 
- Thế Dân đây rồi! Mau đền mạng cho chúng tao! 
Thôi Phán quan giơ hốt ngà ra dọa: 
- Đây là do Thập điện Diêm Vương mời đến. Không được vô lễ! 
Ba người nghe thấy, bỗng đã biến mất. 
Thái Tôn hỏi: 
- Địch Nhượng, Lý Mật, Vương Bá Đương, Đơn Hùng Tín, La Sĩ Tín có hay không? 
Thôi Giác thưa: 
- Họ đã đầu thai ở vùng Kinh Châu, Thái Nguyên mấy năm nay rồi! 
Còn đang định hỏi xem Thái Mục Hoàng hậu, Văn Đức Hoàng hậu ở đâu, thì thấy một tòa lầu, ngói lợp bằng đá xanh, đứng bên ngoài nhìn vào, rất là tráng lệ, tiếng vàng tiếng ngọc chen nhau, một mùi thơm vô cùng lạ kỳ tỏa ngát. Giương mắt nhìn kỹ thì thấy ba người đi lại, phía sau có đến hàng chục quỷ đầu trâu, mặt xanh lè, răng chìa ra áp giải. Thôi Giác hỏi: 
- Bệ hạ có nhận ra ba người này chăng? 
Thái Tôn nói: 
- Trông cũng quen, nhưng không nhớ ra! 
Thôi Giác nói: 
Người thứ nhất mang hình lợn, chính là Vũ Văn Hóa Cập, người thứ hai, mang hình trâu là Vũ Văn Trí Cập, người thứ ba mang hình chó là Vương Thế Sung, bọn họ đều là thành án cả, vạn kiếp đều phải làm lợn, trâu, bò, chó, lại phải chịu cực hình bằng hàng nghìn dao băm nhỏ, để phạt tội nghịch sát lúc sống vậy. 
Chính là: 

Dữ lành quả báo thẳng thừng 
Chẳng qua sớm muộn, xin đừng hồ nghi! 

Thái Tôn đang ngẩn ra nhìn, xung quanh có người nói: 
- Lại xử xong một vụ rồi! 
Thôi Giác nhìn xem người nào, chỉ thấy hai đồng tử mặc áo xanh, cầm cờ, che lọng quý, cười nói hoan hỉ, dẫn theo sau một vị hoàng đế, nối tiếp là một đoàn hơn mười người mũ áo chỉnh tề, hai quan sứ theo hai bên. Thôi Giác cất tiếng hỏi: 
- Trương huynh ông, đoàn nào thế này? 
Quan sứ họ Trương kia đáp: 
- Đây là cung nữ của Tùy Dượng Đế Chu Quý Nhi, lúc sống trung liệt, mắng giặc mà chết, đã từng cùng với Tùy Dượng Đế Dương Quảng thề thốt trên lưng ngựa, nguyền đời này sang đời khác làm vợ chồng. Phía sau chính là những kẻ tử tiết theo: Viên Bảo Nhi, Hoa Bạn Hồng, Tạ Thiên Nhiên, Khương Nguyệt Tiên, Lương Huỳnh Nương, Tiết Nam Nha, Ngô Giáng Tiên, Thảo Nương, Hạnh Nương, Nguyệt Tân. Chu Quý Nhi được làm hoàng đế, còn bọn này thì làm bề tôi, nay đưa đến Ngọc Tiêu Cung để ghi nhớ kỹ, rồi cho giáng sinh vào nhà vương, nhà chúa cả. 
Thái Tôn cười mà rằng: 
- Trẫm nghe nói bọn Chu Quý Nhi đều tuẫn tiết vì nạn nước, để nêu rõ đức sáng, nay quả nên làm. Nhưng nếu sinh làm thiên tử, thì không biết ở đâu? 
Lại thấy hai quỷ sứ, dẫn Tùy Dượng Đế như kẻ mất hồn tới, phía sau là ba bốn hung thần, mặt mày đen như than. Thôi Giác hỏi lũ quỷ sứ dẫn đi đâu, một quỷ sứ đáp: 
- Dẫn đến Chuyển Luân điện, bởi việc giết anh, giết cha chưa thành án, còn phải chịu quả báo làm thú vật, chờ bốn mươi năm sau nữa, lòng dạ thay đổi rồi, mới được giáng sinh về dương thế, thay hình mà vẫn không đổi họ Dương, chuyển thành gái nhà họ Dương, để cùng Chu Quý Nhi thực hiện lời thề trên ngựa trước kia. 
Thôi Giác lại hỏi: 
- Sao vẫn không bỏ tấm lụa trắng thắt cổ ngày xưa đi à? 
Quỷ sứ lại đáp: 
- Dượng Đế mai kia thác sinh làm hoàng hậu, cũng chỉ được hai mươi năm, rồi lại cũng sẽ chịu kết cục như thế thôi? 
Thôi Giác gật đầu, Thái Tôn cất lời: 
- Dượng Đế một đời tàn ngược hại dân, làm chuyện dâm loạn trong cung, nay lại được chuyển sinh làm hoàng hậu, thế thì chuyện dâm loạn, tàn nhẫn, tính toán ra sao? 
Thôi Giác đáp: 
- Tàn nhẫn, còn là chuyện số mệnh của người dân, chuyện dâm gian, mới là chuyện cần phải trách phạt. Mai kia làm hoàng hậu, chẳng qua cũng chỉ để giữ lời nguyền với Chu Quý Nhi mà thôi. 
Thái Tôn đang định hỏi kỹ hơn, một viên lại tới thưa: 
- Mười vị Vương phụ có lời mời? 
Thái Tôn vội vàng đi trước, thấy phía trên có hai quỷ sứ cầm đèn soi rõ từng bậc điện để Thái Tôn bước lên chỗ mười vị Diêm Vương đang đứng lên tiếp đón Thái Tôn. Thái Tôn khiêm nhượng không dám đi trước. Mười vị Diêm Vương phán: 
- Bệ hạ là vua ở cõi dương, chúng tôi là Quỷ Vương ở cõi âm, khác nhau rõ ràng, không cần phải quá nhún nhường. 
Thái Tôn đáp: 
- Trẫm đang là người có tội, đâu dám so chuyện người với ma, âm với dương. 
Nhưng cũng không dược. Thái Tôn đành đi trước vào Sâm La Điện, cùng lễ chào xong, Tân Quảng Vương chắp tay lên tiếng: 
- Năm ngoái có Lão Long Vương Kinh Hà, tố cáo điện hạ hứa cứu mà cuối cùng vẫn bị chết là tại sao? 
Thái Tôn đáp: 
- Lúc ấy quả là trẫm có nằm mộng thấy Lão Long Vương Kinh Hà xin cứu mạng, trẫm cũng có hứa sẽ bảo toàn tính mạng cho Long Vương, nhưng không ngờ Long Vương phạm tội đáng chết, nên tào quan là Ngụy Trưng được lệnh chém chết. Trẫm biết thế nên đã gọi Ngụy Trưng vào điện đánh cờ, nào ngờ Ngụy Trưng dựa vào án ngủ đi mà chém trong mộng. Thế là do Long Vương phạm tội đáng chết, nên quan trên trần xuất một thần cơ, bắt đền tội. Đâu phải lỗi tại trẫm. 
Thập điện Diêm Vương nghe xong vái tạ mà rằng: 
- Ngay từ lúc Lão Long Vương chưa sinh, trong sổ sinh tử của Nam Tào đã ghi rõ sẽ chết về tay quan nhân Ngụy Trưng, chúng tôi cũng đã biết, nhưng Lão Long cứ đòi bệ hạ xuống trả lời ở Nam Tào. Chúng tôi đã chuyển Lão Long sang thác sinh kiếp khác. Còn chuyện lệnh huynh Kiến Thành, lệnh đệ Nguyên Cát, ngày đêm khóc lóc ở dưới được đối chất với bệ hạ. Xin hỏi bệ hạ trả lời sao đây? 
Thái Tôn đáp: 
- Đây là chuyện anh em họ đồng mưu, muốn hại trẫm, giả vờ diễn lại chuyện đoạt giáo, rồi sai Hoàng Thái Tuế đâm trẫm, nếu không có Uất Trì Cung đến cứu, thì tính mệnh trẫm đâu còn. Lại còn về hùa với hai phu nhân họ Trương họ Doãn nói xấu với phụ hoàng, nếu phụ hoàng không nhân từ, thì mạng trẫm cũng còn đâu. Thêm chuyện dùng rượu độc ở chùa Phổ Cứu để đầu độc trẫm, nếu không có chim yến bay qua ỉa xuống chén rượu để cứu, thì một lần nữa mạng trẫm đâu còn. Bao nhiêu lần định giết trẫm không xong, lúc ấy lại định dẫn binh sĩ hại trẫm, trẫm bất đắc dĩ phải giết, vì thế không thể cùng sống chung, cũng bởi họ tự tìm cái chết, đâu phải tại trẫm. Nhớ ngày xưa, Hạng Vũ đặt Lưu Thái công trên thớt để dọa Lưu Bang Hán Cao Tổ, Lưu Bang trả lời: "Nếu làm thịt cha ta, hãy phần ta một bát canh?". Vì thiên hạ mà không thể ngó đến nhà, đến cha mẹ cũng chẳng nhìn, nữa là anh em. Xin Thập điện đại vương xét cho chỗ này! 
Thập điện Diêm Vương đáp: 
- Chúng tôi cũng đã bao lần hiểu dụ anh em Kiến Thành, nhưng họ vẫn quyết kiện tụng bằng được. Nên tạm phải an trí họ một nơi, đợi định đoạt đâu đó. Nay phiền bệ hạ giáng lâm, xin hãy tha lỗi cho chúng tôi. 
Nói xong, liền lệnh cho phán quan đem sổ sinh tử trình tâu: 
- Mau đem sổ ra đây! Xem Đường Hoàng đế tuổi dương lộc trời còn nhiều ít. 
Thôi Phán quan vội quay về ty sảnh, lấy sổ "Thiên hạ vạn quốc chi vương thiên lộc tổng bạ" (1) thì thấy ở phần Đại Đường Hoàng dế thuộc Nam Thiệm bộ châu, được ở ngôi mười ba năm. Thôi Phán quan thấy thế, giật mình kinh sợ, vội lấy ngay bút, chấm mực đen, viết thêm hai nét vào chữ nhất, rồi vội vã đem sổ lên trình. Cả mười vị Diêm Vương cùng châu đầu lại xem, thấy Thái Tôn ở ngôi ba mươi ba năm (2) liền hỏi: 
- Điện hạ ở ngôi được bao nhiêu năm rồi? 
1 sổ cái ghi tuổi thọ lộc trời của các vị vua một vạn nước trong thiên hạ! 
2 Mười ba năm là "nhất thập tam" (-+---) thêm hai nét ngang thành "tam thập tam" (---+---) là ba mươi ba năm
. 

Thái Tôn đáp: 
- Trẫm lên ngôi đã mười ba năm nay rồi! 
Thập điện Diêm Vương phán: 
- Bệ hạ vẫn còn hai mươi năm ở cõi dương nữa. Chuyện đối án đã xong xuôi, xin mời bệ hạ về dương thế. 
Thái Tôn cung kính tạ ơn. Thập điện Diêm Vương sai phán quan dẫn hồn, đi trước dẫn đường, thấy tòa núi âm Sơn, trông dữ tợn lạ thường. Thái Tôn hỏi: 
- Nơi đây là đâu? 
Thôi Phán quan đáp: 
- Đây là Uổng Tử Thành, những kẻ thảo khấu của sáu mươi tư xứ ở cõi trần, cùng bọn đầu lĩnh hảo hán, thành những hồn ma do chết đao kiếm oan uổng đều tại đây cả, không ai thu, không ai quẩn, lại cũng chẳng có tiền giấy mà dùng, nên không thể siêu thoát. Bệ hạ nên thưởng cho chúng một ít tiền, thì mới đi qua yên ổn được? 
Thái Tôn băn khoăn: 
- Trẫm tay không mà đến đây, lấy đâu ra tiền giấy? 
Thôi Phán quan đáp: 
- Một bề tôi của bệ hạ là Uất Trì Cung, có tới ba kho tiền ở đây, hiện ký gửi lại âm ty. Nếu bệ hạ bằng lòng đứng tên làm giấy vay một kho, tiểu thần xin bảo lãnh, để bệ hạ phân phát cho lũ quỷ đói này. Lên đến dương gian, bệ hạ hãy trả cho Uất Trì Cung, khiến cho lũ quỷ này có thể siêu sinh, thì bệ hạ mới đi qua được. 
Thái Tôn cả mừng, bằng lòng. Thôi Phán quan đưa trình giấy bút, Thái Tôn lập tức viết văn tự vay nợ. Thôi Phán quan cầm văn tự bỏ vào ống tay áo, rồi cùng đi lên phía bên núi. Tiếng quỷ khóc ma gào thảm khốc, vô số quỷ các loại diễu qua diễu lại, đứa thì mất tay, đứa mất chân, có đứa gãy lưng, nhiều đứa không có đầu, cả bọn đều gào lớn: 
- Lý Thế Dân đến rồi! Trả mạng ta đây! 
Thái Tôn sợ hãi, người run cầm cập, níu chặt lấy Thôi Phán quan. Thôi Phán quan hét lớn: 
- Các ngươi không được vô lễ. Ta đã vay hộ Đại Đường Hoàng đế một kho tiền ở đây để phát cho các ngươi. Những quỷ đầu lĩnh hãy tới nhận về chia cho tất cả. Đại Đường Hoàng đế dương thọ chưa hết, về đến cõi trần, sẽ lập đàn Thủy lục, để siêu độ các ngươi? 
Lũ quỷ nghe thế, vội giục ngay bọn quỷ đầu lĩnh tới lĩnh. Thôi Phán quan đem tiền giấy chia, bọn này vui mừng mà đi. Ba người đi được vài dặm nữa, thấy cầu đá xanh, trơn không thể nào đi nổi. Thái Tôn dò từng bước trên cầu, nghe một tiếng sấm lớn ở trên bầu trời, giật mình, ngã lăn quay, miệng gào lớn: 
- Ngã chết trẫm rồi? Ngã chết trẫm rồi! 
Mở mắt ra nhìn, thì thấy nào Thái tử, nào phi tần, đều đứng ngay cạnh. 
Thái tử vội gọi ngay Ngụy Trưng, Ngụy Trưng đến cạnh long sàng, kéo áo mà gọi: 
- May lắm rồi! Bệ hạ hồi dương rồi! 
Thái Tôn tỉnh lại một chốc, thái y quan liền dâng ngay "Định tâm thang” cho uống, lại đã đứng dậy được. Ngụy Trưng hỏi: 
- Bệ hạ xuống âm ty, có gặp Thôi Giác không? 
Thái Tôn gật đầu: 
- Đều nhờ Thôi Giác giúp cho cả! 
Liền đem chuyện trong mộng kể lại cho mọi người nghe, tất cả đều lạy chúc mừng. 
Thái Tôn truyền chỉ triệu pháp sư Đường Tam Tạng cùng Đậu Kiến Đức ở Ẩn Linh Sơn vào kinh. Thiên sứ tới nơi, thì Đậu Kiến Đức đã viên tịch được bốn năm ngày rồi. Thiên sứ bèn đưa Đường Tam Tạng về kinh, lập Thủy lục đạo tràng, siêu độ u hồn. Lại sai lấy một kho bạc, trả cho Uất Trì Cung. Uất Trì Cung không chịu nhận, Thái Tôn hai ba lần khuyên dụ. Uất Trì Cung đành phải lĩnh ý mà lui ra. Quan coi kho đem tiền bạc giao cho Uất Trì Cung, chiếu theo sổ sách thiếu mất năm trăm lạng. Quan coi kho kinh hoàng, thì thấy trên nóc nhà kho rơi xuống một tờ giấy, mở ra xem, chính là tờ văn tự mà năm thứ mười hai đời Đại Nghiệp, lúc Uất Trì Cung còn làm thợ rèn, đã viết rồi giao cho hai gã thư sinh (1). Mọi người nghe ra đều ngạc nhiên kinh hãi. 
1 xem lại hồi thứ bốn mươi sáu. 
Thái Tôn ở trong cung, tĩnh dưỡng khoảng hai ba ngày, long thể so với trước khỏe mạnh hơn nhiều. Bỗng nhiên có hoạn, cháy mất một kho lớn. Ngụy Trưng thưa: 
- Lửa trời ra tay, đều do ở trong cung âm khí uất ức không tan được Xin bệ hạ xem xét những phi tần cung nữ của tiên đế đã quá tuổi, thả cho về hết. 



Thái Tôn khen phải, liền đem phi tần, cung nữ nhiều tuổi cho xuất cung hết, lại đem ba nghìn người nữa, trong số này có cả Trương phu nhân, Doãn phu nhân, cũng trở về nhà. Cung cấm giờ như trống không, nên Thái Tôn sai Đường Kiểm tuyển con gái các nhà lương thiện, tuổi mười bốn, mười lăm chỉ khoảng hơn một trăm người, rồi giao cho Thái thường thiếu khanh Tô Hiếu Tôn tập cho ca múa, âm nhạc. Khoảng năm sáu tháng sau, Đường Kiểm đã tuyển xong đem về kinh. Thái Tôn đều phân cho ở hậu cung, chỉ tuyển mỗi Vũ Mị Nương làm tài nhân (1) cho ở Phúc Hoãn cung, sủng ái khác thường. Chẳng biết rồi sự thể thế nào, cứ xem hồi sau sẽ rõ. 
1 Tùy từng thời gian mà nhân vật nổi tiếng này có những cách xưng hô khác nhau: Lúc còn ở nhà: Mị nương, mới vào cung: Tài nhân, ở chùa về: Chiêu nghi, sau đó là Hoàng hậu, gọi tắt là Hậu rồi Thiên hậu, Cao Tông chết là Hoàng Thái hậu. Mãi đến khi bị chết mới tôn là Tắc Thiên Đại Thánh Hoàng đế. Sau này ta vẫn quen gọi chung cả là Vũ Tắc Thiên, vùng Nghệ Tĩnh trở vào thì gọi Võ Tắc Thiên vậy!


HỒI 69

Mã Tân Vương rửa chân rượu quý,
Tùy Tiêu Hậu dự tiệc đèn cù.

Thơ rằng: 
Xuân đến cung đình thật tốt tươi 
Trăng hương ngọc gấm ánh trong ngoài 
Nực cười Kim Cốc (1) thua cao rộng 
Mà thẹn Vu Sơn kém động đài 
Rèm ngọc rũ soi màu phú quý 

Xe dê dắt lối dáng khoan thai 
Mây mưa buồn nỗi không dài được 
Trăm đóa hoa còn mỗi một người. 
1 Kim Cốc: Tên đất ở Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc. Đời Tấn, Thạch Sùng xây ở đây một khu vườn để hành lạc, gọi là vườn Kim Cốc, Thạch Sùng thường mở tiệc lởn, khách dự tiệc phải làm thơ, thơ không hay, phạt uống ba đấu rượu. Thơ cổ: "Nếu thơ làm không xong; Bị phạt theo số rượu ờ vườn Kim cốc”. (Điển cố văn học) 
Thời nhà Tống, ở Duy Dương có Tần Quân Chiêu lúc trai tráng vào kinh sư chơi, người bạn thân họ Đặng làm tiệc tiễn hành, bảo một hầu gái rất đẹp đến vái chào Quân Chiêu, rồi khẩn khoản: 
- Họ Mỗ làm chủ sự ở trong kinh nhờ mua để làm thiếp, xin anh cho đi cùng thuyền lên kinh một thể. 
Quân Chiêu từ chối, họ Đặng phải vật nài mãi, mới bằng lòng. Thuyền đến Lâm Thanh, trời trở nóng, đêm rất lắm muỗi, Tần bảo người hầu gái vào màn cùng ngủ, đêm nào cũng thế, cho mãi đến kinh. Chủ sự được tin báo, ra đón người hầu gái. Ba ngày sau, tới tạ ơn: 
- Túc hạ thật là người khác thường. Tiểu đệ viết thư này đêm qua, nhờ túc hạ cầm về để cảm tạ họ Đặng. 
Đây là loại đàn ông không thiết gì chuyện đàn bà, cũng đã lạ, nhưng còn loại ngược lại: Cửu Hầu thời nhà Thương, có một người con gái, nhan sắc nhạn sa cá lặn đem dâng cho vua Trụ, khổ thay cô gái này rất thờ ơ với chuyện sinh lý, làm vua Trụ nổi giận, giết chết cô gái, còn Cửu Hầu thì bị xé thịt ướp mắm. Ngọc Hầu can, cũng bị vua Trụ bỏ vào vạc dầu mà nấu. Đấy chính là loại phụ nữ đẹp mà không hề thích gần nam giới. Thế mới biết chuyện trai gái hay dở, cũng khó mà luận bàn. 
Thái Tôn đường đường một đấng hào kiệt, hoàn toàn không để ý đến chuyện sắc dục, không ngờ sau khi Trưởng Tôn Hoàng hậu mất, tuyển được Vũ Mị Nương vào cung, tài sắc nghiêng thành, yêu quý không gì sánh nổi. 

*** 

Lại nói chuyện Vũ Tài nhân, thân phụ là một danh sỹ, tên là Hoạch, tự Hằng Chi, đến sinh sống ở Kinh Châu, thời Đường Cao Tổ, từng làm tới đô đốc, bản tính đạm bạc, phóng khoáng, không chịu được cảnh nhơ nhớp của giới quan trường, nên bỏ quan về nhà. Vợ Dương Thị, rất hiền đức, tuổi đã bốn mươi mà chẳng con cái gì cả. Dương Thị mới hỏi một người con gái hàng xóm họ Trương cho chồng làm thiếp. Hơn một tháng sau, Trương Thị nằm ngủ, thấy mình bị đè nặng, cố sức lấy tay đẩy ra, giật mình tỉnh dậy, từ đó có mang. Sau mười tháng, Trương Thị sắp sinh. Hằng Chi nằm mộng, thấy Lý Mật hiện ra, bái tạ mà rằng: 
- Hồn này đã phải chờ đợi mười năm nay, nhờ nuôi dưỡng chu đáo sau này sẽ xin báo đền! 
Tỉnh ra mới biết rằng chiêm bao. Đến khi Trương Thị sinh, Hằng Chi đinh ninh thế nào cũng là con trai, ai ngờ lại là con gái. Trương Thị trong lúc sinh vì quá sợ hãi mà chết. Vợ chồng Hằng Chi vô cùng yêu quý con gái, đến năm lên bảy, mời thầy về dạy học. Thầy đồ thấy diện mạo đẹp đẽ, mới đặt tên là Mị Nương (1), đến năm mười ba tuổi, thì sắc tài càng khác, thường hay gặp gỡ, chơi đùa với các bạn đồng học, ăn cơm, uống nước, đi lại, chẳng bao giờ rời. Khoảng hơn một năm sau, thì thời vận của Mị Nương đã tới. 



Đường Kiểm đi tuyển cung nữ, Mị Nương được ngự phong tài nhân. Thông minh, mẫn tiệp như thế, nên phàm âm nhạc các thứ, học là thông thạo ngay, ở trong cung cấm, nhưng chẳng sợ hãi điều gì. Thái Tôn đi đâu, cũng được đi theo khác gì tri kỷ, hễ cứ động cái là đã gọi đến Mị Nương, lúc nào cũng chiều chuộng, thân thiết, ôm ấp. Xưa nay, Thái Tôn chưa hề có chuyện như thế bao giờ, khác gì người bị thu mất hồn phách, một giờ, một khắc cũng không thể xa Mị Nương cho được. 
1 Mị: tươi đẹp. con gái lấy sắc đẹp để người yêu dấu, cảnh đẹp, yêu quý, nịnh hót. Nương: con gái, cô nàng. Nương nương: gọi hoàng hậu, phụ nữ một cách tôn kính. 

Lại thêm chuyện Thái tử Thừa Càn, vốn là con đẻ của Trưởng Tôn Hoàng Hậu, ngay từ lúc nhỏ đã có tật khỏe cả hai chân, chỉ thích chuyện trai gái, đi săn, đua ngựa, rất ghét chuyện lôi thôi. Con Ngụy Vương tên là Thái, em ruột Thái tử, là con của Vi Phi, rất nhiều tài, được Thái Tôn rất yêu, thấy Hoàng hậu mất, có ý đoạt ngôi Thái tử, nên hạ mình để chiêu nạp kẻ sĩ, cầu tiếng thơm, ngầm kết bè đảng làm tâm phúc. 

Thái tử biết chuyện, lén sai một thích khách là Hội Vu Thừa Cơ, tìm cách giết Ngụy Vương, gặp giữa lúc thượng thư bộ Lại là Hầu Quân Tập oán thán triều đình, thấy Thái tử có mưu đồ này, liền tìm cách lợi dụng, khuyên Thái tử mưu phản. Thái tử nghe ngay, đem vàng ngọc thật nhiều hối lộ cho bọn Trung lang tướng Lý An Nghiên, để làm nội ứng. Không ngờ Thái Tôn biết chuyện, liền đem Thái tử Thừa Càn phế làm dân thường, bọn Hầu Quân Tập đều bị hành hình. Lúc này Ngụy Vương Thái ngày vào cung thăm nom, Thái Tôn hứa sẽ lập làm Thái tử, nhưng Chữ Toại Lương cùng Trưởng Tôn Vô Kỵ cố xin lập Tân Vương Trị. Thái Tôn nói với thị thần: 
- Ngày hôm qua chim xanh lao vào bụng trẫm mà nói rằng: "Thần mãi tới nay chưa được làm con của bệ hạ, thần có một đứa con; lúc nào thần chết, xin bệ hạ hãy giết đi!". Nếu truyền ngôi cho Tân Vương, trẫm thật thương cho Ngụy Vương. 



Chữ Toại Lương thưa: 
- Xin bệ hạ hãy bỏ qua những lời nói đó đi vậy. Đây là chuyện lớn của quốc gia, quan hệ đến sự mất còn, cân nhắc cẩn thận, mai kia đến lúc bệ hạ trăm tuổi. Ngụy Vương lấy thiên hạ làm trọng, dẫu có giết chết con đi để thờ Tân Vương nữa, nay cũng phải lo ngay chuyện lập Tân Vương, mới là kế yên ổn cho được. 
Thái Tôn rơi nước mắt, đứng dậy vào cung, nghĩ chuyện Thái tử cùng hai vương, lòng vô cùng buồn bực, vịn lấy long sàng mà than thở. Từ Huệ Phi, Vũ Tài nhân cùng hỏi: 
- Bệ hạ có điều gì phiền muộn, mà lại thở than thế này? 
Thái Tôn đem chuyện Thái tử, Ngụy Vương, Tân Vương kể lại, rồi nói: 
- Trẫm ra trận đánh nhau hàng vạn trận, trải bao lần nguy nan, mà chẳng bao giờ phiền não. Không ngờ chuyện trong nhà lại lắm thứ điên đầu, biết có sống nổi chăng?
Huệ Phi thưa: 
- Bệ hạ bình định tứ hải, nhất thống thiên hạ mới có ngày nay, việc gì phải lo lắng lắm về những chuyện vặt trong nhà, lúc nào mà chẳng có. 
Thái Tôn nói: 
- Các khanh không biết, xưa kia Kiến Thành, Nguyên Cát dâm loạn trong cung, sau đó dấy binh làm càn, chuyện mới ra đến thế. Trẫm ân hận chẳng lúc nào nguôi vậy! 
Rồi nằm vật ra long sàng, rút kiếm đeo ở bên người toan đâm cổ tự vẫn. Vũ Tài nhân vội vàng giật lấy kiếm mà rằng: 
- Sao bệ hạ lại nhẹ dạ như thế! Kẻ bất hiếu thì đã phế bỏ, những kẻ mưu mô này khác chưa diệt hết, sao không nhân chuyện trai cò tranh nhau, mà đóng vai ngư ông ngồi thu lợi. Tân Vương cũng là do hoàng hậu sinh ra, có lập làm Thái tử cũng được chứ sao? 
Huệ Phi tiếp 
- Tân Vương nhân từ, hiếu thuận, lập làm Thái tử, thì chẳng có điều gì đáng lo nữa! 
Thái Tôn nghe thế, lấy làm mừng, hèn ra ngự ở điện Thái cực, triệu quần thần tới, phán: 
- Thừa Càn ngỗ nghịch. Ngụy Vương Thái cũng hung hiểm, thế thì lập ai bây giờ? 
Trăm quan đều thưa: 
- Tân Vương nhân hiếu, đáng lập làm Thái tử! 
Thái Tôn liền lập Tân Vương Trị làm Hoàng Thái tử, bấy giờ đã mười sáu tuổi. Thái Tôn nói với thị thần: 
- Trẫm mà lập Thái tử, tức là đem ngôi Thái tử ra làm chuyện mua bán. Từ nay trở đi, Thái tử vô đạo, thì cứ cho ra làm phiên vương, nếu không hối cải lại phế bỏ một lần nữa. Con cháu sau này, cứ thế mà theo. 
Tân Vương từ ngày được ngôi Thái tử, rất là kính hiếu, trên dưới đều yên. 
Tháng chín năm ấy, gặp kỳ thượng thọ chín mươi của thân mẫu Tần Thúc Bảo, Thái Tôn thân tới mừng, thấy nhà Thúc Bảo không có từ đường liền lệnh cho dỡ một điện nhỏ để xây cho, chỉ trong vòng năm ngày là xong, rồi ngự bút ba chữ "Nhân Thọ dường". Lại ban thêm cho gấm lụa để làm bình phong, làm chăn đệm. Từ Huệ Phi cũng ban thưởng rất hậu. Thúc Bảo dâng biểu tạ ơn. Thái Tôn thân viết chiếu nói rằng: "Khanh không cần phải như vậy. Trẫm chỉ vì Thái thượng hoàng mà đền ơn, việc gì phải quá băn khoăn!". 

*** 

Chuyện chia hai mối, ở Nhẫm Bình thuộc Thanh Hà, có người họ Mã, tên Chu, tự là Tân Vương, lúc nhỏ nghèo nhưng rất hiếu học, thạo làm thơ, làm phú, vì bần hàn nên chẳng được châu quận ở quê coi trọng, từng được bổ làm trợ giáo ở Phó Châu, nhưng rồi suốt ngày say sưa, chẳng nghĩ gì đến chuyện dạy dỗ, thứ sử đã nhiều lần trách mắng. Tân Vương liền phất áo bỏ đi Trường An chơi, trọ trong chợ Tân Phong. Nhưng chủ quán chỉ chiều chuộng bọn khách buôn, chẳng chịu chứa đến thứ Tân Vương. Tân Vương không biết xoay sở ra sao, liền lấy đá Thanh Điền, làm một bia Lý Lăng tướng nhà Hán, một bia Tôn Tẩn tướng thời Chiến Quốc, đặt cả hai lên bàn thờ, mua rượu uống thật say, đập bàn mà khóc rống lên rằng: 
- Lý Lăng ơi! Ngài nào cô phụ gì triều đình, mà đến nỗi nhục đến thân mình, đến vợ con. Tâm địa Hán Vương ra sao, mà đến nỗi ngài suốt đời phải ở sa mạc! (1) 
Khóc một hồi, uống một hồi, hướng vào bia Tôn Tẩn mà lớn tiếng: 
- Tôn Tẩn ơi! Ngài thì gì không làm được, mà có thù oán với bạn bè, đến nỗi điên đảo suốt đời. (2) 
1 Lý Lăng: tướng nhà Hán, đem năm nghìn quân vào sâu trong đất Hung Nô, bị vây kín hết lương, không viện bình, phải hàng. Vũ Đế nổi giận kết tội Lý Lăng, giết cả gia quyến, tội lây đến cả người bênh vực Lý Lăng là Tư Mã Thiên (Sử Ký).
2 Tôn Tẩn: cháu Tôn Vũ, cùng học với Bàng Quyên ở Quỷ Cốc tiên sinh. Bị Bàng Quyên ghen tài, tìm cớ pháp luật, cắt gân chân, thành què suốt đời, nhưng sau vẫn nổi tiếng, trả thù được Bàng Quyên. (Đông Chu Liệt Quốc).
 

Lại khóc lại uống, chẳng khác gì người si, kẻ điên, vứt tất cả mọi thứ, vật mình than khóc, hận không có chùy Bác Lãng để đập Tần Thủy Hoàng, không có kiếm sắc của Kinh Kha để đâm bạo chúa! 

Một hôm, Tân Vương gặp Trung lang tướng Thường Hà là quan võ không có chữ nghĩa, nhưng lại biết nhìn nhận con người, thấy ngay Tân Vương có thể làm nên việc lớn, mời về nhà, đãi làm khách quý trông coi việc giấy tờ. Lúc này điềm trời nhiều điều khác thường. Thái Tôn bèn hạ chiếu cho trăm quan, nói thẳng những điều xấu tốt. Thường Hà nhờ Tân Vương viết rõ hai mươi điều dâng lên. 

Tân Vương ở trong phủ Thường Hà nhiều lúc cũng buồn chán, rời thư phòng ra khỏi cửa lang thang. Hôm ấy gặp đúng tiết thanh minh mùng ba tháng ba, khắp thành nam nữ đều ra Khúc Giang chen vai thích cánh, đàn địch đàn ca, ở các trạm, các cửa lớn đều giăng đèn kết hoa, ngay cả đường phố cũng nhộn nhịp khác thường. Tân Vương thong dong dạo chơi, vào trong một quán rượu, kiếm một cái bàn ngồi, một mình uống hết chén này đến chén khác. Nhân dịp này, rất nhiều phò mã, vương tôn thay quần đổi áo để tìm chỗ mua vui. Lại thấy một hoạn quan cùng mấy bạn bè, theo sau là lũ tay chân khá đông, ngồi ngay cạnh đó uống rượu, thấy Tân Vương tửu lượng ít người sánh nổi, liền nói: 
- Ngài thật là bậc cuồng sĩ, một mình một chén mà say sưa đến thế. Ta có ở đây một vò bồ đào ngự tửu, xin biếu ngay uống thử. 
Tay chân liền bưng vò rượu lại, nâng đưa Tân Vương. Tân Vương mở nút ra xem có đến bảy tám cân, hương thơm sực nức, liền cứ thế, ghé ngay vào miệng vò mà uống hết ngụm này đến ngụm khác. Liếc nhìn bàn bên, thấy có một cái chậu dùng để ngào bột làm bánh, liền lấy đổ rượu ra, miệng nói lảm nhảm: 
- Cao Dương tri kỷ, cả đời chưa gặp, không ngờ hôm nay lại thấy. (1) 
1 Cao Dương tri kỷ: xem chú thích về "Cao dương tửu đồ"ở hồi thứ bốn mươi. 
Vừa nói, vừa cởi tất chân ra, rồi bỏ cả hai chân vào chậu rượu mà rửa. Xung quanh kinh ngạc gào lên: 
- Đây là một loại rượu rất quý, sao lại dám coi thường đến thế? 
Tân Vương lè nhè đáp: 
- Ta nào dám khinh thị? Họ không nghe rằng thân thể cho đến da tóc, đều là của cha mẹ sinh ra, không được hủy hoại. Tăng Tử còn nói: "Chân ta ư, tay ta ư? Ta nào dám nịnh hót cái trên, mà coi thường cái dưới!". 
Rửa xong, lau khô cả hai chân, bưng lấy chậu, uống một mạch kỳ cạn sạch mới thôi. Bỗng thấy bảy tám người, rầm rập rộ rộ đi vào, mừng rỡ nói lớn: 
- Hay lắm! Mã Tiên sinh đây rồi! 
Tân Vương hỏi: 
- Tìm ta có việc gì? 
Một người trong bọn gia nhân Thường Hà thưa: 
- Thánh thượng truyền tiên sinh vào triều! 
Thì ra Thái Tôn ở trong cung, đọc các tấu chương của liêu thuộc, đến hai mươi điều trong tấu của Thường Hà, thấy nói rõ ràng, nhiều điều rất quan hệ đến vận nước, nhưng biết rõ Thường Hà là một quan võ nào có học vấn, liền cho gọi Thường Hà để hỏi. Thường Hà cứ thực tâu: 
- Đó chính là do tân khách thần là Mã Chu làm cho. 
Thái Tôn thích lắm, lập tức sai nội giám gọi ngay Tân Vương vào bệ kiến. Tân Vương nghe xong, vội quay về Thường Hà, thay áo mũ, vào Văn Hoa điện. Thái Tôn đem lại mươi điều hỏi kỹ thêm. Tân Vương giảng giải từng điều minh bạch, tỏ rõ là hạng người có đủ năm xe học vấn, tám đấu tài năng. Thái Tôn cả mừng, liền phong cho làm thứ sử, lại thưởng cho Thường Hà hai mươi tấm gấm. 
Thái Tôn đi đến trước cung Phượng Huy, nghe tiếng nói cười ầm ĩ, liền cùng hai cung nữ đi vào, thì thấy liễu rũ thướt tha, cảnh trí thanh nhã, biếc đón hồng đưa, gió đùa, oanh hót, tiếng cười nói càng gần rồi một bọn cung nữ chạy ra, cười nói rộn ràng, như một đàn chim yến bay vút qua, hình như đang khen người nào đó tuổi cao mà vẫn chẳng khác gì chim hạc bay cao. Thái Tôn liền gọi ngay một cung nữ lại hỏi: 
- Các ngươi ở đâu về, làm sao lại nói cười ồn ào thế? 
Cung nữ này vội thưa: 
- Tiện tỳ ở hiên Ỷ Xuân, xem Tiêu nương nương đánh đu tiên. 
Thái Tôn hỏi tiếp: 
- Nay Tiêu nương nương còn ở đó không? Đánh đu có giỏi không? 
Cung nữ thưa: 
- Đánh rất giỏi, hiện vẫn còn đánh ở đấy! 
Thái Tôn nghe thấy thế, liền đến Phượng Huy cung thì xuống xe rồng rồi lặng lẽ đến hiên Ỷ Xuân. Thấy vẫn còn nhiều người, đều đang ngửa mặt mà cười. Nhìn lên đu, một người mặc áo màu nhạt chen rồng nhỏ cuộn tròn, quần màu lá tùng, buộc chặt hai ống lại, lưng lại thắt thêm một khăn lụa màu hồng rộng, cứ thế mà bay hết phía này sang phía khác, chẳng khác gì bướm màu giữa vườn hoa, giống như chim phượng bay giữa sắc trời, thật đáng mặt phong lưu tài nữ. Thái Tôn đang đứng nấp sau tấm bình phong đá để xem, có mấy cung nữ trông thấy, vội lớn tiếng: 
- Chúa thượng tới rồi? 
Bọn này vội vàng bỏ chạy tán loạn. 

Lúc này Thái Tôn không tiện bước tới nữa, đang định quay ra, Tiêu Hậu vội dừng đu, Tiểu Hỷ sửa lại khăn áo, bỏ dây buộc hai ống quần cho. 


Tiêu Hậu vội chạy tới, quỳ xuống trước gối Thái Tôn mà thưa: 
- Thần thiếp không biết thánh thượng giáng lâm, không kịp nghênh đón, tội đáng chết vạn lần! 
Thái Tôn lấy hai tay nâng dậy, phán: 
- Tiêu nương nương đang lúc hứng chí, tìm thú vui của bậc tiên nữ. 
Tiêu Hậu thưa: 
- Ngẫu nhiên mua vui, đỡ cơn buồn tủi, thật là làm phiền bệ hạ, hoảng hốt vô cùng. 
Thái Tôn dẫn Tiêu Hậu về cung, thấy một mùi hương thơm rất lạ. Sau khi ban cho ngồi,Tiêu Hậu khóc mà thưa: 
- Thiếp nay đã hoa tàn nguyệt lặn, may được mang ơn thánh đế thật cũng không dám mong. Lúc sống thường được đội ơn sâu, lúc chết cũng xin được ở dưới đài Ngô Công, thì ý nguyện của thiếp thật trọn vẹn vậy! 
Thái Tôn bằng lòng, nhân nói tiếp: 
- Hôm nay nhân tiết thanh minh, trong cung có treo đèn, bày yến tiệc, nương nương hãy vào cung xem. 
Tiêu Hậu thưa: 
- Thanh minh, dân chúng khắp chốn đều đi tảo mộ, mộ tiên đế của thiếp chẳng ai ngó tới, nói ra thật thương tâm! 
Thái Tôn đáp: 
- Trẫm sẽ cắt ba trăm hộ trông coi lăng mộ, lại riêng cho năm khoảnh ruộng, đủ để xuân thu tế lễ. 
Tiêu Hậu tạ ơn, Thái Tôn nói: 
- Lát nữa trẫm sẽ cho người triệu nương nương. 
Lại hỏi: 
- Vừa rồi có mùi hương lạ, giờ sao không thấy nữa? 
Tiêu Hậu chỉ cười mà không thưa. Nguyên loại hương này, tên là "Kết nguyện hương", nước ngoài chế ra, do Khả hãn Đột Quyết mang về. Đến lúc Thái Tôn truyền chỉ cho Tiêu Hậu vào cung xem đèn, Tiêu Hậu liền gọi Tiểu Hỷ đi theo, vào tiên cung Thái Tôn, chào lễ xong liền cùng Huệ Phi, Vũ Tài nhân gặp gỡ. Thái Tôn ngồi giữa, mời Tiêu Hậu ngồi ở ghế thứ nhất ở bên trái. Vũ Tài nhân lên tiếng trước: 
- Sao Tiêu nương không ngồi cùng ghế với bệ hạ? 
Tiêu Hậu đáp: 
- Thiếp phận bồ liễu đã qua thì, gượng ngồi với bậc chí tôn, cũng không đáng chỗ, đã là không nên rồi. 
Thái Tôn phán: 
- Cũng là một nhà cả, chẳng nên chối từ! 
Ngồi đâu đó, rượu dâng, nhạc cử, gần tối thì các cung đều thắp đèn hoa, màu sắc lóa mắt. Tiêu Hậu nói: 
- Thanh minh chẳng qua là tiết nhỏ, sao ở trong cung cũng làm lễ treo đèn kết hoa như vậy? 
Thái Tôn đáp: 
- Trẫm sau khi bình định bốn phương, phàm cứ đến các tiết trong năm, cho đến nguyên đán, thượng nguyên đều treo đèn kết hoa ăn mừng? 
Tiêu Hậu thưa: 
- Vàng ngọc huy hoàng, sáng như ban ngày, thật là hoa lệ, nhưng cái đèn này, bớt khói đi thì mới sáng hơn? 
Thái Tôn hỏi Tiêu Hậu: 
- Những thứ này, so với Tùy Dượng Đế thì sao? 
Tiêu Hậu cười không nói. Thái Tôn cố hỏi, Tiêu Hậu bèn thưa: 
- Tiên đế thiếp là vua mất nước, bệ hạ là bậc chúa mở nước, việc xa xỉ xưa đã khác nhau. 
Thái Tôn nói: 
- Nếu đã nói đến chuyện xa xỉ, thì cũng như nhau cả thôi chứ gì? 
Tiêu Hậu thưa: 
- Tiên đế thiếp hưởng nước chỉ hơn mười năm, đi đâu thiếp cũng được theo, mỗi lần gặp lễ trừ tịch, trước các điện, các cung viện đều dựng mấy tòa núi để treo đèn. Mỗi tòa núi thế đều đốt đến mấy xe trầm hương, khói bay mù che cả ánh sáng đèn. Nên lại phải lấy mỡ đổ vào các xương thú, mai rùa mà đốt cao hàng mấy trượng cho sáng hương thơm bay xa hàng mấy dặm. Một đêm như thế, dùng hết hai trăm xe trầm hương, xương với mai cũng hàng hơn hai trăm thạch. Còn ở trong điện, trong cung, không thắp nến, mà treo một trăm hai mươi viên ngọc để chiếu sáng chẳng khác gì ban ngày, lại thêm những viên ngọc "Minh nguyệt bảo dạ quang" của nước ngoài đem cống, viên to có đến sáu bảy tấc, viên nhỏ cũng phải ba bốn tấc. Mỗi viên như thế, giá bằng mười vạn lạng vàng. Nay ở đây, bệ hạ chẳng có minh châu, ngọc quý, mà toàn là đèn nến, khiến cho khói hơi xông khắp người, thật chẳng thanh nhã. Nhưng đó lại là những việc của kẻ mất nước, nguyện xin bệ hạ hãy tránh xa. 
Thái Tôn miệng tuy không nói, nhưng lòng nghĩ mông lung, không khỏi thầm phục sự hoa lệ của Dượng Đế: "Ngọc dạ quang, cho đến bảo ngọc, thì ngày khác nương nương cũng đến đem cho kẻ khác thôi!". 
Trong ánh sáng chập chờn, chén khuyên, chén uống, mãi hết canh hai. Vũ Tài nhân thấy Tiêu hậu vô cùng tha thướt, uyển chuyển chẳng giống tuổi năm mươi chút nào, thầm nghĩ: "Mụ này còn mang được dáng vẻ thế kia, thì còn đủ sức mê hoặc được người đời lắm đây!”. Tiêu Hậu cũng xem xét kỹ Vũ Tài nhân, càng nhìn càng thấy diễm lệ, nhưng không có vẻ yểu điệu, nhàn nhã. Từ Huệ Phi cùng chúng cung nữ, thấy cả ba người ngồi sát lại nhau, liền lấy cớ thay áo giục mọi người giải tiệc. Tiêu Hậu cũng từ tạ mà ra. Thái Tôn còn kéo Tiêu Hậu, Vũ Tài nhân mà nói: 
- Hãy vào phòng ngủ, xen đèn một lát nữa đã! 

Không biết rồi sự thể thế nào, hãy xem hồi sau phân rõ.

HỒI 70

Đưa linh xây mộ: Tùy Tiêu Hậu,
Cắt tóc lên chùa: Vũ Mị Nương.

Thơ rằng: 
Pháp lễ hai điều quý nhất đời 
Thanh danh mà mất, thảy đều rơi 
Đã lây nọc độc trong cung cấm 
Còn tiếc thương chi cảnh ngự đàn 
Việc nước thuở dài không tính liệu 
Ý dân cổ ngắn chẳng quan hoài 
Nghìn thu đừng tưởng gương không sáng 
Dã sử, thư kinh chuyện dẫn dài. 

Người ta ở đời, chuyện gặp gỡ, chia ly đều có số mệnh, dẫu cho có xảo trí mưu toan, đắn đo sự thể bao nhiêu, cũng chẳng thế nào lường hết mọi việc. Tiêu Hoàng hậu, từ lúc nhà Tùy mất, phó mặc theo triều nước dâng, để rồi được vui vẻ, náu nương ở trong cung nhà Đường, dù được lấy lễ mà đãi, nhưng nào có tự do. Nay may được Đường Thái Tôn để ý tới, nhưng thấy ngay thân phận mình. 

Tùng xem biển cả khôn là nước 
Chỉ ở non Vu mới thực mây. 

Không thể nào sánh được với Vũ Mị Nương như hoa như ngọc đang được Thái Tôn sủng ái, liệu mình chẳng thể nào giảm đi hai ba chục tuổi, "phản lão hoàn đồng", thì may ra mới cạnh tranh nổi. Cho nên dẫu Thái Tôn một lần thương đến, nhưng rồi cũng nhạt ngay. 

Sau đêm xem đèn, được cùng Thái Tôn thâu đêm suốt sáng. Vũ Mị Nương thấy Tiêu Hoàng hậu vẫn còn yểu điệu phong lưu, liền sinh lòng ghen ghét, tìm mọi cách nói xấu để Thái Tôn lạnh nhạt Tiêu Hậu, lại sai hai cung nữ truyền gọi Tiểu Hỷ vào hầu hạ Thái Tôn. Bởi vậy Tiêu Hậu dành nuốt giận, trong lòng lúc nào cũng buồn bực, của ngon vật lạ bày ngay trước mặt, cũng chằng buồn ăn, thanh ca nhã nhạc lại chán không nghe, không xem, thỉnh thoảng sai hầu gái gọi Tiểu Hỷ về chuyện trò to nhỏ. Vũ Tài nhân vô cùng giảo hoạt, bắt hai cung nữ tâm phúc theo sát, hễ đến lúc thở vắn than dài, thì cứ thế mà bắt Tiểu Hỷ đứng dậy về cung. 

Tiêu Hậu đành một mình thân cùng bóng, ôm gối ôm chăn mà khóc, lâu ngày thành bệnh, chẳng bao lâu, thì mất ở trong cung. Vua Đường nghe tin, trong lòng rất thương xót, ra lệnh khâm liệm chu tất, ban chiếu cho phục tước vị cũ, tứ hiệu là "Mẫn" (1) lệnh cho Hành nhân ty lấy lễ hoàng hậu, đưa linh cữu về dưới đài Ngô Công, hợp táng với Tùy Dượng Đế. Tiểu Hỷ xin được đi theo đến lăng mộ, nhưng Vũ Mị Nương không cho, đành phải quay về cung. 

Vũ Tài nhân thấy Tiêu Hậu chết, mừng không nói đâu cho hết, tha hồ làm cho Thái Tôn điên đảo, thường uống đơn sa (2) luyện bằng bột vàng, bột đá. Gặp dịp Cao Sĩ Khiêm chết, Thái Tôn tới viếng, Trưởng Tôn Vô Kỵ, Chữ Toại Lương can rằng: 
- Bệ hạ uống đơn sa, chỉ sợ không còn được làm tang ma, sao không nghĩ đến tôn miếu, xã tắc làm trọng. 
1 Mẫn: xót thương, lo lắng. 
2 Đơn sa: thuốc luyện của các đạo sĩ, mong trường sinh!
 

Thái Tôn vẫn không nghe. Vô Kỵ phải nằm lăn giữa đường để can, nước mắt nước mũi chan hoà, Thái Tôn mới về, vào vườn Đông nhìn về phía nam mà khóc, nước mắt như mưa. Lệnh cho họa hình hai mươi tư công thần ở Lăng Yên các, kê rõ tên họ, phẩm tước, quê quán, chú cả tên thụy. Gặp lúc Từ Mậu Công ốm nặng, quan thái y nói phải có râu người đốt lấy tro mà uống thời mới khỏi, Thái Tôn liền tự cắt râu mình, cho về làm thuốc, Mậu Công dập dầu khóc mà tạ ơn. Thái Tôn lại thấy Viên Tử Yên mới chết, cơ thiếp rất ít, sợ không có người hầu hạ, định tuyển lấy cung nữ, ban cho làm bạn. 
Mậu Công hai ba lần từ chối. Thái Tôn liền đáp: 
- Trẫm vì xã tắc mà làm, không phải vì khanh đây, khanh chẳng cần phải từ tạ! 

Ngay ngày hôm ấy, sai nội giám, tuyển hai cung nữ cao tuổi, ban cho Mậu Công. Bấy giờ sao Thái bạch mấy lần thấy rõ ban ngày. Thái sử lệnh xem thiên văn tâu rằng có điềm đàn bà nắm quyền trong triều đình, trong dân gian lại truyền câu sấm ký sau đây: 

Ba đời Đường trước, Đường sau 
Vũ Nương nữ chúa đứng đầu làm vua. 

Một hôm, Thái Tôn vời bách quan ban yến ở trong cung, một lần được mời rượu, các quan phải xưng tên riêng có từ nhỏ. Tả Vũ vệ tướng quân Lý Quân Tiễn, xưng tiểu danh là Ngũ Nương, từ quan chức cho đến ấp phong lại đều có chữ "Vũ" (1) liền đưa đi làm sứ thử ở Hoa Châu, quan ngự lại tâu Quân Tiễn vẫn có mưu mô khác. Thái Tôn liền lệnh giết cả nhà. Nhân đó bèn ngầm hỏi Thái sử lệnh Lý Phong: 
- Nhưng lời sấm truyền có nên tin không? 
1 Võ: cũng đọc là "Vũ”, "Vũ” và "Ngũ” phát âm gần như nhau nên Ngũ Nương, cũng có thể hiểu là Vũ Nương về mặt phát âm. 

Thuần Phong thưa: 
- Thẩn xem thiên văn, tính toán lịch số, kẻ này ở ngay trong cung của bệ hạ, từ nay trở đi khoảng ba mươi năm nữa, sẽ có thiên hạ giết gần hết con cháu nhà Đường, thì sấm ký mới nghiệm vậy! 
Thái Tôn lại hỏi: 
- Những ai nghi ngờ giết cả đi, có nên chăng? 
Thuần Phong thưa: 
- Mệnh trời đã an bài, người ta chẳng làm gì được, kẻ có mệnh làm chúa đời nào chết, chỉ tổ giết những kẻ không có tội. Phương chi từ nay đến lúc đó, còn những ba mươi năm, người này cũng đã già rồi, may ra chuyển thành nhân từ, họa chẳng đáng sợ nữa. Nay mà giết đến thế, sợ trời giáng họa càng lớn, thù oán càng chất chồng, sợ rằng đến con cái của bệ hạ chẳng còn ai nữa kia! 



Thái Tôn nghe nói thế mới thôi, trong lòng vẫn nghi cho tài nhân họ Vũ, nhưng lại thấy Vũ Mị Nương tính tình thuận hòa, nhu mì. Lúc vắng mặt thì không sao, nhưng lúc thấy Mị Nương thì mọi lo âu lại tan biến hết, nên không thể nào một lúc mà dứt ra được, vì vậy tuy có nghi ngờ, nhưng cũng chưa làm được gì. Vũ Mị Nương nghe ngóng được ít nhiều lời dị nghị của các đại thần, xem ý tứ của Thái Tôn không đến nỗi gia hình, muốn tìm nơi ẩn náu ít lâu, nhưng chưa có dịp. Hôm ấy, Thái Tôn vì lo lắng nhiều, nên bệnh lại kéo đến, Thái tử Tân Vương sớm chiều phục dưỡng ra vào hầu hạ, thấy Vũ Tài nhân, không giấu được nỗi hãi hùng mà nghĩ: "Hèn chi mà phụ hoàng nổi bệnh, thì ra là tại người đẹp thế này ngay cạnh bên, đêm dài làm sao mà yên giấc được!". Rồi nảy ý muốn tư thông, nhưng chưa gặp cơ hội thuận tiện, nên chỉ lấy mắt đưa tình mà thôi. 
Một hôm, Tân Vương đang ở trong cung. Vũ Tài nhân lấy chậu vàng bưng nước lại cho Tân Vương rửa tay, thấy mặt mày tài nhân đẹp đẽ, liền lấy nước rẩy vào mặt, ngâm đùa hai câu thơ: 

Mộng hồn thoả nhớ giác Vu Sơn 
Cách trở Dương Đài dạ héo hon. 
Vũ Tài nhân cũng đọc hai câu đáp ngay: 
Trướng gấm gió mây chưa gặp dịp 
Chậu vàng mưa móc đã mang ơn. 

Tân Vương nghe ra rất mừng, liền dắt tay Vũ Tài nhân, dẫn vào một chỗ kín ở hiên sau cửa hậu cung, Vũ Tài nhân nói: 
- Bệ hạ mà biết ra, tội không nhỏ vậy! 
Tân Vương cười đáp: 
- Ta với khanh thật là duyên trời, ai mà biết được. 
Vũ Tài nhân nắm áo ngự Tân Vương, khóc mà rằng: 
- Thiếp dẫu hạ tiện, nhưng lâu nay hầu hạ đấng chí tôn, chiều theo ý của điện hạ, lại phạm phải tội tư thông. Mai kia điện hạ lên ngôi trời, liệu sẽ đặt thiếp ở đâu? 
Tân Vương nghe thế, liền lấy mũi tên bẻ ra thành hai mà thề: 
- Mai kia mà làm chủ thiên hạ, nhất định sẽ lập khanh làm hoàng hậu, nếu mà không tuân lời thề này, trời sẽ tuyệt cả dòng họ. 
Vũ Tài nhân lạy tạ mà thưa: 
- Tuy rằng nói như thế, nhưng hiện nay đình thần đang nghị dị đủ điều nếu mà chúa thượng làm tội đến thiếp, kế nào mà tránh cho được? 
Tân Vương nghĩ ngợi một hồi rồi nói: 
- Nếu hoàng thượng cật vấn đủ diều, cứ thế này... thế này mà nói, không những có thể tránh được tai họa, lại yên ổn để chờ ta. 
Vũ tài nhân gật đầu. Tân Vương liền cởi đai ngọc cửu long, làm bằng da dê non tặng. Vũ Tài nhân liền cầm lấy rồi mỗi người mỗi ngã . 
Lúc này trong Trường An mở khoa thi, nhưng chưa ra bảng, Thái Tôn lại đang bị bệnh, gọi Lý Thuần Phong vào hỏi: 
- Năm nay mở khoa thi lấy nhân tài, chẳng biết trạng nguyên thuộc về tay ai. Khanh liệu có đoán được chăng? 
Thuần Phong thưa: 
- Tối hôm kia thần nằm mộng lên thiên đình, thấy bảng trời đã mở, thần có được xem hết, trên có treo một lá cờ, thêu một bài thơ. 
Thái Tôn hỏi: 
- Bài thơ ra sao? 
Thuần Phong thưa: 
- Thần vẫn còn nhớ như sau: 
 đời sắc đẹp thật là ma 
Ta vợ người, người lại vợ ta 
Đắm đuối tà dâm thì mất vợ 
Giật mình liệu hãy tránh cho xa. 
Thái Tôn nghe xong, phán: 
- Hai câu thơ sau, ý tứ quả không rõ ràng, chẳng biết nói ai họ tên gì, người ở đâu? 
Thuần Phong thưa: 
- Thánh thượng hồng phúc rất lớn, nay trong ba vị đậu đệ nhất giáp khoa này, đều là những bậc chính trực, bảng vàng bia đá mãi còn với xã tắc. Tên họ tuy thần đã biết nhưng không thể nói ra, sợ lộ thiên cơ, thượng đế nổi giận không lường. Xin bệ hạ cho thần vào trong phòng kín, viết rõ họ tên quê quán, niêm phong vào một hộp kín, đợi đến lúc nào phóng bảng, sẽ mở hộp ra xem thì thấy ngay thần nói có đúng không. 

Thái Tôn sai thái giám lấy một cái hộp nhỏ, Thuần Phong viết xong tự bỏ vào trong hộp, Thái Tôn tự tay niêm phong một lần nữa, rồi cất vào hòm kín khóa lại. Thuần Phong bái chào ra khỏi cung. 

Đến ngày theo bảng, Thái Tôn mở hộp lấy giấy của ThuầnPhong ra so sánh, thì trạng nguyên là Địch Nhân Kiệt, người Sơn Tây thuộc Thái Nguyên, bảng nhãn là Lạc Tân Vương, người ở Nghĩa Ô thuộc Triết Giang, thám hoa là Lý Nhật Trị, người Vạn Niên thuộc kinh đô đều giống nhau cả. Thái Tôn không giấu nỗi kinh hoàng, mới tin những lời Thuần Phong không phải là nói láo, cho nên ngay cả những lời Thuần Phong nói về sấm truyền cũng tất không sai, nên nghĩ ngợi: "Nay ta đã bệnh tật thế này, còn đeo lấy cái khổ nghiệt súc ấy làm gì, để họa cho con cháu. Liền nói với Vũ Tài Nhân: 
- Ở ngoài triều đình, đang đồn ầm lên rằng khanh ứng với lời sấm truyền, khanh định tự phân xử ra sao? 
Vũ Tài nhân khóc, quỳ xuống mà tâu rằng: 
- Thiếp thờ bệ hạ hàng năm nay rồi, chưa từng có một lỗi lầm nào, nay vô cớ bệ hạ định bắt thiếp chết, khiến thiếp phải ngậm oan nơi chín suối, sao mà nhắm mắt cho được. Ban dầu cùng một trăm người được tuyển vào cung, tất cả đều đội ơn làm cung nữ, chỉ riêng mình thiếp dược làm tài nhân, ơn không ai sánh kịp. Nay chỉ vì lời đồn đại của trăm họ, xin bệ hạ hãy mở lượng hiếu sinh, cho thiếp được xuống tóc vào cửa Phật, ăn chay suất đời, để đọc kinh cầu cho thánh thượng đến tận kiếp sau cũng chưa hết ân nghĩa. 
Nói xong khóc rống. Thái Tôn vốn cũng không muốn giết, nay thấy Vũ Mị Nương nguyện cắt tóc đi tu, thì rất mừng và phán: 
- Khanh bằng lòng làm ni cô cũng là việc phúc lớn. Trong cung có gì riêng, mau mau hãy thu thập về nhà, gặp lại cha mẹ một lần, rồi lên kinh ngay. Trẫm ban cho làm ni cô tại chùa Cảm Nghiệp này! 
Vũ Tài Nhân cùng Tiểu Hỷ tạ ơn, thu xếp ra khỏi cung. 
Chính là: 

Rồng thiêng đã thoát lưới sâu 
Yêu đương hai chữ, dài lâu liệu còn 

Vũ Sĩ Hoạch nghe tin Mị Nương ra khỏi cung làm ni cô, vội sai người đón về nhà cùng gặp gỡ. Gia nhân vâng lệnh, chẳng mấy ngày sau đã đến nhà. Mẫu thân Dương Thị thấy năm xưa Mị Nương tiến cung ra sao, nay lại trở về, không ngăn nổi giọt ngắn giọt dài, làm Tiểu Hỷ cũng nhớ tới cha mẹ, cho nên cũng nức nở khóc theo. Mị Nương cất tiếng hỏi: 
- Phụ thân còn có cháu nuôi Tam Tư nữa, sao không thấy đâu cả? 
Dương Thị đáp: 
- Nó khác hẳn ngày xưa rồi, suốt ngày đàn đúm với bạn bè, học hành một chữ cũng chẳng xong, từ sáng chí tối chẳng thấy mặt, chỉ lúc nào say khướt mới mò về. 
Mị Nương hỏi: 
- Con cũng không nhớ Tam Tư năm nay bao nhiêu tuổi rồi! 
Dương Thị đáp: 
Lúc phụ thân con nhận về làm cháu nuôi, thì nó đã ba tuổi, đến nay cũng đã mười lăm tuổi rồi, trông người cũng to lớn, chẳng biết trong bụng có những gì? (1) 
1 Nguyên văn dùng "Quá kế" để chỉ Vũ Tam Tư. Quá kế là người con nuôi cháu nuôi để thửa kế. Những tài liệu khác, như Từ Hải, không thấy nói là cháu nuôi mà chỉ nói "Đường Vũ Hậu chi diệt", cháu của Vũ Hậu nhà Đường. Ở đây lại thấy Tam Tư xưng với Sĩ Hoạch, Dương Thị có lúc như con! 

Đang nhắc đến, thì thấy Vũ Tam Tư đã ngà ngà say bước vào. 
Dương Thị nói: 
- Tam Tư, cô mày đã về rồi đó, mau lại lạy chào đi? 
Mị Nương cùng Tiểu Hỷ vội đứng dậy cùng Tam Tư chào hỏi. 
Tam Tư nói: 
- Cô đang ở trong cung được yêu thương đến thế, sao hoàng thượng lại nghe theo lời dị nghị của các quan, bắt cô xuất cung, để cắt tóc làm ni cô là thế nào. Nếu thế thì hoàng thượng cũng vô tình nhỉ, có thế hoàng thượng mới chẳng đoái hoài gì đến cô nữa chứ? 
Mị Nương nghe nói thế lại không ngăn được nước mắt. Tam Tư lại tiếp: 
- Cô chẳng việc gì phải buồn phiền, cháu thấy làm ni cô cũng thích chán, việc gì mà phải khóc lóc? 
Mị Nương mới xuất cung, cũng buồn phiền, nay thấy mặt mày Tam Tư tươi tắn, ăn nói ngang tàng nên cũng khuây khỏa ít nhiều. 
Cơm tối xong, Tam Tư thấy phụ mẫu cùng Tiểu Hỷ đã đứng dậy ra chỗ khác cả, mới lại bên Mị Nương, nửa say nửa tỉnh hỏi: 
- Cô ơi! Cháu trông mái tóc cô dày xanh như thế này, mai kia nỡ nào cắt đi cho đang tâm? 

Mị Nương cũng nhân coi như máu thịt họ hàng, lại thấy tuổi Tam Tư cũng còn ít, liền kéo ôm vào lòng. Tam tư hỏi: 
- Cô ngủ ở đâu? 
Mị Nương đáp? 
- Ở trong phòng của mẫu thân. 
Tam Tư nói: 
- Cháu có rất nhiều chuyện muốn hỏi cô, đêm nay cô cho cháu ngủ chung với nhé! 
Mị Nương đáp: 
- Có chuyện gì cũng phải chờ mẫu thân ta ngủ đã, cháu mới vào phòng mà nói được.
Tam Tư dặn: 
- Như vậy, nhất định nhớ đừng khóa cửa. 
Mị Nương gật đầu lia lịa. 
Đêm hôm ấy, Tam Tư chờ cho cha mẹ đã ngủ cả, mới rón rén đẩy cửa vào phòng Mị Nương làm thành một sự loạn luân như chim như gà. Mấy ngày sau, Vũ Sĩ Hoạch sợ chuyện vỡ lở, liền sắp sửa cho Mị Nương cùng Tiểu Hỷ lên đường. Tam Tư đưa tiễn đến một hai dặm. Mị Nương còn dặn nhỏ: 
- Cháu ơi! Nếu cháu nhớ đến cô, lúc nào đến kỳ thi, thì cứ đến chùa Cảm Nghiệp mà tìm cô nhé! 
Tam Tư nhận lời, gạt nước mắt mà quay về. 

Đi đường mấy ngày, đến chùa Cảm Nghiệp. Sư trụ trì tên gọi Trường Minh, ra cửa đón Mị Nương cùng Tiểu Hỷ, thấy Mị Nương thiên kiều bách mị, mặt hoa da phấn lại thêm Tiểu Hỷ cũng chỉ mới hai mươi tư, hai lăm, phong tư yểu điệu khó mà giữ cho trọn vẹn, nên thầm nghĩ: "Phong lưu dài các thế này, làm sao mà xuất gia được?". 
Rồi dẫn lên Phật đường, bốn năm đồ đệ đã dao kéo chực sẵn. Lão ni Trường Minh bảo Mị Nương làm lễ, cắt tóc cho, cả Tiểu Hỷ cũng theo vậy, xong xuôi, mới xuống làm lễ chào hỏi. Tiểu Hỷ nhìn thấy một người giống như tiểu ni cô vốn ở am Nữ Trinh thuở trước, nhưng cũng chẳng rõ ràng, nên không dám nhận. Lão ni lên tiếng: 
- Đây chính là đồ đệ của ta cả! 
Mị Nương từ đó yên tâm ở trong chùa chờ đợi. 
Một buổi chiều, thấy Tiểu Hỷ cười cười nói nói đi vào, Mị Nương hỏi: 
- Làm thân đàn bà mà phải cạo đầu làm sư, thì còn vui sướng gì mà cười nói thế kia?
Tiểu Hỷ thưa: 
- Phu nhân không biết, vị đồ đệ kia, chính là Hoài Thanh, em của Lý phu nhân ở am Nữ Trinh, con đã nhận ra. Vừa mới ở phòng Hoài Thanh, hỏi rõ mọi chuyện nên thấy thật đáng cười. 
Mị Nương hỏi: 
- Lý phu nhân ở am Nữ Trinh là ai vậy? 
Tiểu Hỷ đem chuyện thuở trước theo Tiêu Hậu về nam thăm lăng mộ Dượng Đế, đến am Nữ Trinh, gặp các phu nhân họ Lý, họ Hạ, họ Địch, họ Tần cùng Nam Dương công chúa, kể lại một lần. Mị Nương lại hỏi: 
- Thế tại sao Hoài Thanh lại tới đây? 
Tiểu Hỷ thưa: 
- Bộc Châu mấy năm nay mất mùa, lại gặp cả dịch bệnh, các phu nhân họ Tần, họ Hạ, họ Lý lần lượt qua đời. Hoài Thanh bị một người học trò bắt theo về kinh sư, không ngờ dọc đường người học trò bị kẻ cướp giết chết. Hoài Thanh nhảy xuống sông, may được thuyền buôn cứu, đem về kinh sư, giờ xin ở tạm trong chùa Cảm Nghiệp này! 
Mị Nương vẫn hỏi: 
- Họ thường có ai tới thăm nom không? 
Tiểu Hỷ thưa: 
- Hoài Thanh kể có một người em họ Phùng, ở ngay Lan Kiều mở cửa hàng thuốc, thường hay đến thăm. 
Một hôm Mị Nương đang ngồi trong Phật đường xem Hoài Thanh viết chữ, nghe có tiếng gõ cửa, gặp lúc lão ni dẫn đồ đệ đi làm lễ siêu độ cho khách không có ở chùa, Hoài Thanh ra hỏi: 
- Ai đó? 
Ngoài cửa đáp: 
- Hoài Thanh, Phùng Tiểu Bảo đây! 
Hoài Thanh vui mừng, vội mở cửa ra đón: 
- Sao lâu nay không thấy đến? 
Tiểu Bảo đáp: 
- Nghe nói trong chùa có vị Vũ Tài nhân nào đó, triều đình đưa đến tu ở đây, nên không dám đến. Hôm nay thấy cửa chùa đóng, tưởng là mọi người không có ở chùa nên họ Phùng này mới lẻn tới gặp. 
Hoài Thanh nói: 
- Vũ Tài nhân đang ở trong Phật đường, có muốn gặp không? 
Tiểu xảo cùng Hoài Thanh vào, thấy Mị Nương vẫn dựa vào bàn xem chữ của Hoài Thanh viết. Hoài Thanh lên tiếng: 
- Vũ Tài nhân, người em họ đến thăm, xin dẫn lên chào Vũ Tài nhân. 
Mị Nương quay lại nhìn. 
Chỉ thấy: 



Vóc người nho nhỏ 
Mà dáng tinh nhanh 
Mũi ngọc thanh thanh 
Mắt thu lồ lộ 
Mày không vẽ mực mà đa tình 
Môi chẳng thoa son mà ửng đỏ 
Tóc mượt mượt như khói biếc sau mành 
Má hây hây tựa hoa đào trước gió 
Lạc Thủy đêm khuya vào mộng điệp 
Vu Sơn mơ sáng gặp mây mưa. 

Mị Nương vội vàng đáp lễ: 
- Có phải là em của Hoài Thanh chăng? 
Gặp lúc Tiểu Hỷ đến tìm Mị Nương, Tiểu Bảo chào hỏi, Tiểu Hỷ nói: 
- Xin được biết họ tên quý khách? 
Hoài Thanh đỡ lời: 
- Đây chính là họ Phùng đã kể chuyện hôm vừa rồi! 
Tiểu Hỷ cười: 
- Thì ra là em họ, quả là thất lễ! 
Nói xong, Hoài Thanh đưa Tiểu Bảo về phòng mình, thấy Tiểu Bảo đến ngay bên bàn, lấy một tờ hoa tiên viết một bài tuyệt cú: 

Cái giống si tình há ngẫu nhiên 
Gặp nhau còn lạ đã thương liền 
Cười ta như bướm quanh hoa kiểng 
Hồng một bên rồi tía một bên. 
Hoài Thanh cười nói: 
- Thiếp cũng xin có một bài tuyệt cú tặng chàng. 
Rồi cầm bút, viết vào mặt sau của tờ hoa tiên: 
Mới thấy mà lòng đã vấn vương 
Phong lưu nhàn nhã khác ai thường 
Tử vi cung mệnh đào hoa chiếu 
Chàng cũng thương mà thiếp cũng thương. 

Viết xong Hoài Thanh xuống nhà bếp, dọn hoa quả, rượu lên, cùng Tiểu Bảo ăn uống vui đùa. Mị Nương trong phòng mình, nghĩ ngợi một hồi, rồi cùng Tiểu Hỷ đến trước cửa phòng Hoài Thanh lặng yên xem xét, thì thấy có tiếng gọi cửa, biết ngay là lão ni đã về. Mị Nương hèn về phòng, Tiểu Hỷ thì ra mở cửa. Hoài Thanh cũng trở ra. Lão ni cùng đồ đệ cắp kinh sách về, chào hỏi một vài câu, Tiểu Hỷ quay về phòng với Mị Nương, Mị Nương giở giấy hoa tiên ra viết rằng: 
Bài l: 

Hoa hoa bướm bướm sớm chiều chiều 
Hoa thật đa tình bướm õng ẹo 
Chắc hẳn phòng hương vui thú lắm 
Khéo tu cho đến dứt dây lèo. 
Bài 2: 
Cái thú truy hoan khó kéo dài 
Thoát thôi phấn nhạt lại hương phai 
Hoa thần đòi hết bao nhiêu nợ 
Giành lại mảy may kiếm chút hời. 

Hai người đang xem thơ, thấy Hoài Thanh vào, nói: 
- Vũ Tài nhân, mời Vũ Tài nhân cùng Tiểu Hỷ sang phòng nói chuyện cho vui. 
Mị Nương đáp: 
- Hoài Thanh có em trai ở đấy, ta không tiện lại chút nào. 
Hoài Thanh vội vàng: 
- Từ xưa đã nói: bốn biển đều là anh em, "Tứ hải chi nội, giai huynh đệ". Huống chi là Hoài Thanh này với Vũ Tài nhân... 
Mị Nương nói: 
- Nếu đã thế, hãy cùng đến phòng ta ngồi, ta sẽ lấy trà ngon ra tiếp ngay 
Hòai Thanh rủ : 
- Tiểu Hỷ cùng đi, kéo họ Phùng đến vậy! 
Liền kéo Tiểu Hỷ đi, lát sau đem rượu, thức nhắm tới. Mị Nương hỏi Tiểu Hỷ: 
- Ngươi cầm bài thơ của ta rồi sao? 
Tiểu Hỷ đáp: 
- Thơ vẫn trên bàn, chưa ai đụng đến. Con vừa ở bên kia, thấy trên bàn cũng có mấy bài thơ, con bỏ ngay vào ống tay áo, đem về cho tài nhân xem đây. 
Mị Nương cầm lấy xem, thì ra là hai bài thơ xướng họa của Hoài Thanh cùng Tiểu Bảo.(1) 
1 Hai bài xướng họa này nguyên văn cùng vần, vì không thể glữ nguyên, phải dịch mỗi bài mỗi vần. 

Hoài Thanh cùng Tiểu Bảo đến, Mị Nương lặng lẽ giấu hai bài thơ đi , rồi nói: 
- Hoài Thanh, ở chỗ chúng tôi chẳng có thứ gì đáng giá, sao quá hân hạnh! 
Hoài Thanh vội đáp: 
- Chẳng qua là mấy đĩa rau, mấy chén rượu nhạt, chỉ sợ vũ Tài Nhân cười cho. 
Rồi đem đến đặt giữa bàn, xếp Tiểu Bảo ngồi quay mặt xuống nam, đối diện với Mị Nương. Tiểu Hỷ ngồi ngay cạnh, ai nấy thay nhau chuốc rượu, nói cười ngả ngớn, tha hồ vui thú. Chuyện không nói nữa. 

*** 

Tháng năm, năm thứ hai mươi ba đời Trịnh Quán, Thái Tôn bệnh nặng, triệu bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ, Chủ Toại Lương, Từ Mậu Công đến bên long sàng, mà dặn: 
- Trẫm cùng các khanh, quét sạch lũ hôi tanh, hao phí không biết bao tâm lực, mới được cuộc nhất thống ngày nay. Tứ phương yên tĩnh chính là lúc cùng các khanh vui hưởng thái bình, không ngờ mắc phải bệnh nặng thế này. Ngụy Trưng, Phòng Huyền Linh đã đi trước trẫm, gần đây thì trẫm lại mất thêm Lý Tĩnh, Mã Chu. Nay đến lượt trẫm vĩnh biệt các khanh. Cũng chẳng có điều dặn dò gì khác Thái tử vốn nhân hòa, kiệm ước đáng bậc con hiếu dâu hiền, các khanh hãy xúm tay mà giúp đỡ cho. 
Nói xong khóc nức nỡ, bọn Vô Kỵ bái lạy mà thưa: 
- Bệ hạ tuổi trời còn dài, chính là lúc nghĩ đến việc trị nước sáng suốt hơn cả, nay long thể dẫu có không khỏe cũng chưa đến lúc nói những điều không lành thế này. 
Thái Tôn đáp: 
- Trẫm đã biết trước, nên phải dặn kỹ thì vừa! 
Cả bọn lui ra, đêm hôm ấy thì Thái Tôn qua đời. Thái tử lên ngôi, tức là Cao Tôn, ban chiếu khắp thiên hạ, lấy năm tới làm Vĩnh Huy nguyên niên. 

Lúc này Vũ Tài nhân đang ở chùa Cảm Nghiệp nghe tin cũng khóc ròng.

 Nhân ngày lễ của Thái Tôn, Cao Tôn ngự giá đến Cảm Nghiệp dâng hương lại gặp ngay Phùng Tiểu Bảo đang ở trong chùa, lão ni không biết làm thế nào, đành cạo trọc ngay đầu Tiểu Bảo. Đến lúc Cao Tôn hỏi, xưng là cháu, đã xuất gia ở ngay bên miếu Thổ Địa, vừa mới lại thăm. Cao Tôn phán: 
- Chùa Bạch Mã, ruộng đất rất nhiều, sư tiểu rất ít, trẫm sẽ cấp cho một tờ độ diệp, sáng ngày mai, người phải sang ngay trình sư trưởng chùa Bạch Mã. 

Vũ Tài nhân thấy Cao Tôn bèn nức nở khóc, Cao Tôn cũng rớt nước mắt ân cần dặn dò lão ni Trường Minh búi tóc cho Vũ Tài nhân, sẽ cho người đến đón, rồi ra xe rồng về cung. 
Chẳng biết sự thể ra sao, hãy xem hồi sau sẽ rõ.


Nguồn maxreading.com 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved