Hồi 25: Kế sách giương đông kích tây
Bọn Vương Thái không
ngờ được rằng khi chúng rục rịch điều động binh mã thực hiện âm mưu độc hại thì
phía bên kia, Nỗ Nhĩ Cáp Tề sớm đã rõ tin mật. Nỗ nghĩ thầm, vợ chồng bà chị
chàng ở thành Cổ Liệt sẽ bị nguy khốn nếu không có quân cứu viện. Hơn nữa, bà Lễ
Đôn là bác ruột của chàng lại rất tốt đối với chàng. Rồi chuyện này còn quan
ngại đến tiền đồ của họ Áì Thân Giác La không ít. Bởi vậy chàng đành phải ngày
đêm chạy về nhà cấp báo.
Được tin này, ông Lễ Đôn là
người đầu tiên không giữ được bình tĩnh. Một mặt ông bảo vợ đi bẩm báo với bà
nội; một mặt ông dẫn cháu chạy lên đại sảnh đúng giữa lúc các bối lặc đang họp
bàn.
Tháp Khắc Thế quay đầu lại nhìn thấy Nỗ Nhĩ Cáp Tề, bất giác lửa giận bốc
lên, liền nhảy bổ tới, định cho một đao mà giết phứt cho rảnh. Ông Lễ Đôn ngăn
lại, đem cái tin động trời kia kể hết cho mọi người nghe. Cử toạ nghe xong,
kinh hoàng đến mức không ai thốt ra được lời nào.
Giữa lúc đó, bỗng có tiếng phụ
nữ khóc từ sau bức bình phong dội ra. Người đi đầu chẳng phái ai xa lạ mà chính
là phi của đô đốc Giác Xương An. Miệng bà kêu lớn nhưng giọng như líu lại.
- Con cháu gái của bà, bà cưng
quý biết bao. Thế mà bọn bay không chịu đi cứu nó ư? Thôi được, để bà liều cái
mạng già này đi vậy!
Phía sau còn có các bà phúc tấn
Nạp Thích; vợ đô đốc Tháp Khắc Thế, cùng bà thứ phi, cả bà phúc tấn Lễ Đôn nữa,
các bà đều lệ tràn đầy má, mắt đỏ hoe.
Chưa hết, nối đuôi sau nữa còn
có các bà phúc tấn Đức Thái Khô, phúc tấn Lưu Xiển, phúc tấn Sách Tràng A, phúc
tấn Sắc Lãng A, phúc tấn Bảo Quý, phúc tấn Ngạch Nhĩ Cổn, phúc tấn Gió Kham,
phúc tấn Tháp Sát Thiện Cổ, đi cùng với một đám đông thị nữ. Các bà các cô đứng
chật cả phòng, ai cũng nghĩ tới cô cháu gái, than vãn thở dài, hoặc khóc lên
thành tiếng, nghe mà thảm sầu.
Chính lúc cử toạ khoanh tay nan
giải, bỗng có một khoái mã bay về cáo cấp ngoài cổng phủ.
- Long Hổ tướng quân là Vương
Thái, chỉ huy sứ Tô Khắc Tô Hử Hà bộ và Đồ Luân thành chủ là Ni Kham Ngoại Lan,
vì muốn báo thù người Kiến Châu giết người Đồ Luân thuở nọ nên cấu kết với nhà
Minh là Ninh Viễn Ba Lý Thành Lương tập hợp binh mã hơn một vạn, tiến đánh hai
thành Cổ Liệt và Sa Tế. Lý Thành Lương cấp cho Ni Kham Ngoại Lan một cây lệnh
kỳ được quyền điều động hai lộ quân Liêu Dương, Quảng Ninh bao vây bốn mặt Sa
Tế… Viên phó tướng của Lương đã phá thành và giết mất Chương Kinh A Hợi là
thành chủ thành La Tế. Hiện nay quân của Lương hợp với hai cánh quân kia đang
đánh phá thành Cổ Liệt. Thành yếu khó giữ e mất trong sớm chiều. Do đó quan
Chương Kinh A Thái mới cho tiểu tướng cấp tốc tới đây cầu cứu.
Nói xong, người đó thọc tay vào
bọc lấy ra một phong thư cầu cứu của cô cháu gái rõi dâng lên. Đọc xong bức
thư, mọi người hoảng hốt lo sợ, gãi tai sờ má mãi mà chẳng tìm được kế sách
nào. Ông đô đốc già Giác Xương An lúc đó cũng cuống lên, hối hạ vừa nói vừa
giục, y như làm giặc đã chờ ngay phía trước:
- Đóng yên ngựa mau! Đợi ta
điểm đủ quân mã, thân ra trận tiền với chúng. Chúng cho ta tuổi già chẳng làm
được việc gì ư? Thì ra chúng xem thường ta quá. Ta sẽ đem quân đi! Nếu không
chém được đầu chúng, ta sẽ không trở về thành.
Nói xong, chẳng nghe lời ai
khuyên giải, ông bước đại ra ngoài phòng. Đô đốc Tháp Khắc Thế thấy cha mình
quyết chí như vậy, biết không còn cách gì khuyên can được, đành phải theo chân
cha lên đường. Thế nhờ người anh cả là Lễ Đôn trông coi mọi việc rồi chỉ kịp
nói lại với vợ con được có mấy tiếng "ta đi đây", tức thì phóng bộ ra
cổng, đuối theo cha. Hai cha con ra ngoài thành, giục ngựa tới quân trường,
điểm đủ binh mã, rồi rầm rầm rộ rộ kéo tới Cổ Liệt thành. Hôm đó, chung quanh
thành Cổ Liệt, người ngựa tụ tập đông như kiến. Phía chính bắc có quân của Phó
tướng thành Liêu Dương. Phía chính nam thì quân của Long Hổ tướng quân Vương
Thái. Còn phía chính đông có quân của Ni Kham Ngoại Lan. Bốn cánh vây thành,
chặt đến nỗi con kiến cũng khó chui lọt. Đô đốc An luôn thúc giục quân mã tiến
tới. Khi gặp quân địch, ông hạ lệnh tấn công luôn. Hai bên ác đấu. Nhưng một
bên thì đông, một bên thì ít, một bên lại lấy khoẻ để đợi mệt, còn một bên thì
mệt lại phải đánh liền cho nên chỉ trong một tiếng đồng hồ, kết quả đã rõ rệt;
quân An đại bại, phải rút lui xa ba mươi dặm mới có cơ đóng được doanh trại.
Xương An ngồi trong trướng, âu
sầu chẳng vui. Bỗng Tháp Khắc Thế kéo màn bước vào. Thế vừa ngồi xuống ghế vừa
nói:
- Cuộc chiến sáng hôm nay ta
thua, chỉ tại phụ thân quá liều lĩnh mà ra.
Ông An vội hỏi:
- Thế nào là quá liều lĩnh?
Thế nói tiếp:
- Quân ta có bốn ngàn người
ngựa từ xa tới, chưa được lấy một phút để nghỉ ngơi, thế mà phải đánh ngay với
giặc. Đó là lấy kẻ mệt đánh người khoẻ, không thua sao được! Quân của giặc bốn
lộ đông có hơn vạn, lại là thứ quân đắc thắng, được nghỉ lâu ngày, người khoẻ
ngựa mạnh. Đó lại còn là ít đánh đông, đương nhiên là bại rồi. Để có thể thắng
giặc, hiện nay đã có kế sách!
Ông An vội hỏi kế sách gì, Thế
đáp:
- Ni Kham Ngoại Lan vốn là
người của phe ta. Chỉ vì ngày trước, người Kiến Châu ta giết quá nhiều người Đồ
Luân cho nên Lan mới có ý muốn báo thù đó thôi. Nghĩ cho cùng thì Lan cũng
không phải là không ham một vài toà thành để mở rộng bờ cõi. Bởi vậy ta hãy cho
người tới doanh Lan, đưa phong thư mời Lan tới, giảng cho hắn nghe mối giao
tình giữa hai nước, xong rồi dâng thành Cổ Liệt cho hắn, tha tính mạng cho vợ
chồng Chương Kinh A Thái, đợi khi Lan tiến vào thành liền nổi phục binh bắt
giết đi. Quân của Minh triều không còn người dẫn đường ắt chẳng dám tiến. Nhân
lúc đó, ta ước hẹn với A Thái trong ứng ngoài hợp, đánh lui quân của Vương
Thái, rồi xin Minh triều gia phong cho ta, như thế có phải tuyệt diệu không?
Ông An nghe con nói, gật gật
đầu, luôn miệng nói:
- Tuyệt diệu! Tuyệt diệu!
Cuộc bàn luận đáng lý còn dài,
bỗng bên ngoài có tin: Đồ Luân thành chủ Ni Kham Ngoại Lan đến cầu kiến, hiện
còn đứng ngoài doanh môn.
Hồi 26: Quá tin lời nên trúng kế
Ông Giác Xương An cho
mời Ni Kham Ngoại Lan vào. Không đợi cho Ngoại Lan cất tiếng, ông đã phủ đầu:
- Bộ lạc Tô Khắc Tô Hữ Hà của
ngươi đã đầu hàng ta và chịu dưới quyền chỉ huy của ta đã lâu. Thế mà ngày nay
các ngươi lại phản ta, giúp Minh triều đánh lại người mình. Vậy ngươi còn có gì
đáng nói nữa không?
Ni Kham Ngoại Lan nghe bản án
kết tội của ông An, giật mình kinh hãi, luôn miệng kêu oan:
- Nô tài nhờ đô đốc đề bạt nên
được cái chức Đồ Luân thành chủ. Công ơn ấy, nô tài đời nào dám quên. Phiền một
nỗi lần này Vương Cảo đắc tội với triều đình nhà Minh nên Minh triều dùng kế
"Chém cỏ nhổ gốc", muốn bắt con trai Cảo là Chương Kinh A Thái. Họ
bức bách nô tài phải dẫn đường. Nô tài e rằng nếu chống lệnh, họ sẽ đem quân
tướng mạnh đến tấn công thì nô tài biết làm cách nào để chống cự, trong khi đô
đốc ở xa mãi Kiến Châu, nhất thời không biết nhờ quân cứu viện nơi đâu. Hơn
nữa, nô tài còn sợ rằng họ gọi một kẻ khác dẫn đường thì toà thành này ắt còn
bị tàn phá mau hơn. Bởi vậy nô tài một mặt giả bộ đầu hàng Minh triều giúp họ
đánh thành, một mặt chờ đô đốc tới đây để cùng thảo luận diệu kế thoái binh.
An nghe xong liền hỏi thêm:
- Ngươi có biết Cổ Liệt thành
chủ Chương Kinh A Thái đối với ta là người thế nào không?
Ngoại Lan lắc đầu đáp:
- Thực không biết rõ.
Tháp Khắc Thế ngồi cạnh Giác
Xương An, lúc đó mới lên tiếng:
- Chương Kinh A Thái vốn là cháu
rể, gọi ta bằng cậu và gọi cha ta bằng ông ngoại. Thằng cháu rể này, cha ta rất
cưng quý đấy!
Ngoại Lan nghe xong lời giải
thích, giật mình hoảng sợ, vội bò xuống đất, đập đầu lia lịa, lắp bắp nói:
- Nô tài tội đáng chết! Nô tài
quả không hề biết điều đó. Nay nếu Chương Kinh A Thái đã là cháu rể của đô đốc,
nô tài sẽ xin nói với Ninh Viễn Bá là đô đốc nguyện ý tự mình đến thuyết phục
người cháu rể, khuyên nên nể tình thân thích ông cháu mà nhường thành Cổ Liệt
lại cho Minh trong triều, đồng thời khuyên Ninh Viễn Bá hạ lệnh cho các lộ binh
mã lui lại năm dặm đóng trại, mở đường cho đô đốc vào thành gặp A Thái. Tương
kế tựu kế, đôi bên quân ta sẽ nội ứng ngoại hợp để tiêu diệt quân Minh. Lúc đó
đô đốc hợp lực với quân Cổ Liệt đánh thốc từ trong ra, còn nô tài sẽ đem binh
mã đánh rốc từ ngoài vào. Xuất kỳ, bất ý thì quân Minh ắt bị tan tành. Thắng
trận rồi, giảng hoà với Minh triều, buộc họ phải tấn phong cho ta, như thế có
phải hay không?
Đô đốc Giác Xương An lúc đó chỉ
mong gặp cô cháu cưng, trong lòng nóng như lửa đất, nên khi nghe Ni Kham Ngoại
Lan trình bày kế sánh, ông chẳng suy xét kỹ lưỡng, thỉnh thoảng gật đầu, luôn
miệng bảo hay lắm, hay lắm!
Ngoại Lan từ biệt ra về. Lúc
lên đường, Lan dặn thêm Giác Xương An nên đem quân mã theo phía chính đông mà
vào thành.
Mặt trời đã gác núi từ lâu,
bóng tối dày đặc, gần sát mặt nhau mà không trông thấy người, Giác Xương An hạ
lệnh nhổ trại lên đường.
Khi gần tới bờ thành Cố Liệt,
quả nhiên ông thấy quân Minh vây thành đã rút sạch. Mé chính đông, quân của Ni
Kham Ngoại Lan thấy quân Kiến Châu kéo tới, liền mở một đường lớn để cho qua.
Ngoại Lan ngồi trên mình ngựa thấy Giác Xương An và Tháp Khắc Thế chạy tới gần
bên, bèn ghé miệng thì thầm:
- Xin đô đốc lưu tâm cho việc
này, sáng sớm tinh sương ngây mai nếu nghe tiếng pháo nổ ngoài thành, xin đô
đốc kéo binh trong thành đánh ra tiếp ứng cho.
Giác Xương An nghe nói gật đầu,
tỏ vẻ tin tưởng. Khi đại binh kéo tới bên hào, A Thái ở trên nhận ra hiệu cờ
của Kiến Châu, vội mở cửa thành đón vào phủ Chương Kinh. Cô cháu gái vừa thấy
ông nội tới, liền lăn mình vào lòng ông, tấm tức khóc mãi không thôi. Giác
Xương An một mặt an ủi cô cháu gái, một mặt kể lại cặn kẽ kế hoạch của Ni Kham
Ngoại Lan cho cháu rể nghe. Chương Kinh A Thái tỏ ý hết sức mừng rỡ, không một
chút nào nghi ngờ cả.
Đêm đó trong phủ Chương Kinh mở
tiệc lớn. Các binh sĩ ngoài trại cũng có rượu thịt tha hồ ăn uống no say. Tiệc
tàn, quân sĩ được lệnh đi nghỉ để canh năm thức dây thổi cơm và sửa soạn tấn
công. Đêm về khuya, mọi người đều đã ngủ kỹ.
Duy chỉ có hai vợ chồng A Thái,
hai cha con Giác Xương An vì thân tình cốt nhục lại xa cách lâu ngày nay mới
được trùng phùng nên có rất nhiều chuyện muốn nói, hàn huyên mãi tới canh tư gà
gáy mới chia tay về phòng an nghỉ.
Toàn thành quân sĩ bấy lâu vất
vả mệt mỏi, nay được một hôm nghỉ ngơi thoải mái ai cũng ngủ say như chết,
chẳng còn biết trời đất gì nữa. Giữa lúc còn mơ màng giấc điệp, mọi người bỗng
nghe một tiếng gầm long trời lở đất. Tháp Khắc Thế giật mình tỉnh dậy. Nhìn ra
cổng, thấy trong ánh lửa sáng ngời, một đoàn quân vừa phá xong cửa lớn, hung
hăng xông thẳng vào dinh, Thế biết tình thế nguy cấp, vội giấu cha xuống giường
rồi cùng chạy ra phía sau và quay lại đóng chặt cửa sau viện lại.
Giác Xương An lúc đó sực nhớ
tới cô cháu gái cưng, liền bảo Thế chẹn cửa trước chống địch, còn mình vội quay
vào nhà sau. Cô cháu gái lúc đó đã tỉnh dậy, hoảng hốt tìm đường chạy, với ba,
bốn đứa thị nữ, đầu tóc rối bù, áo quần xốc xếch, chân không kịp mang giày.
Nàng vừa thấy ông nội chạy vào liền cầm lấy tay ông, vừa khóc vừa nói:
- Ông nội ơi! ông nội cứu cháu
với!
Giác Xương An một mặt an ủi
cháu, một mặt hỏi A Thái đâu, mới biết A Thái đã mang mấy tên vệ binh chạy ra
trước cổng viện đánh nhau với địch.
Giữa lúc đó, bỗng một tiếng gầm
vang như trời long đất lở, tiếp theo một tiếng hô dữ dội, rồi một ngọn lửa bốc
cao lên tận mây xanh. Một tên thị vệ thở hổn hển, chạy từ ngoài vào nói với An:
- Cổng lớn đã bị phá. Một số
địch quân đã xông vào thành, đang đi đốt phá. Đô đốc chạy trốn mau đi. Nếu
chậm, e khó giữ được tính mạng.
Ông An nghe báo kêu lên một
tiếng "trời" rồi vội lấy cái khăn gấm quấn chặt cô cháu gái vào
trong, cướp cửa chạy ra.
Lúc đó, Tháp Khắc Thế dốc lực
chiến đấu với bọn giặc, vừa đánh vừa lùi. Bọn chúng bị Thế chém chết ngã gục
dưới đất ngổn ngang không ít. Thế cũng bị thương khắp mình, trào cả máu ra
ngoài miệng. Tuy vậy, Thế vẫn vừa chửi bới vừa đâm chém túi bụi, Thế quay đầu
lại nhìn, thấy cha bế cô cháu gái chạy ra, tinh thần thêm phấn chấn, miệng hô
lớn:
- Phụ thân mau chạy trước đi.
Vừa nói, Thế vừa múa đao xông
lên, mở một đường máu cho cha tiến lên phía trước. Một cái cửa ngách bỗng xuất
hiện bên mé phải, Giác Xương An chẳng còn đủ thời giờ để lưu ý tới con nữa, vội
dùng một tay vác bổng cô cháu gái lên vai, còn tay kia xô tung cánh cửa ngách
để thoát ra. Ông quay đầu lại lần chót thấy một tên cường đồ tay cầm khoái đao
nhọn hoắt nhè giữa lưng Thế mà đâm tới. Thế trúng mũi đao sắc, la một tiếng,
ngã gục xuống vũng máu chết ngay. An chỉ còn thốt lên được một tiếng "đáng
thương" rồi vội lấy vạt áo che kín mặt cất cao chân phóng thẳng ra. Nào
ngờ vừa ra khỏi cửa, ông đã thấy thây người cháu rể là A Thái chết nằm gục đó,
không biết từ lúc nào, trên mình còn rõ mồn một đến sáu, bảy vết đâm, loét to
như cái chén, máu đang ri rỉ chảy. Cô cháu gái lúc đó cũng đã thấy chồng nằm
chết gục, thét lên một tiếng lớn, rồi nhào xuống đất. Nàng chạy tới vài bước,
quỳ xuống ôm lấy thây chồng, mê đi không còn biết gì nữa. Bọn cường đồ đến năm,
bảy đứa trông thấy nàng bèn ùa lại bế xốc nàng lên, y như cọp bắt dê. Ông An
vội tuốt bội đao nhảy tới tính cướp lại. Nhưng trong lúc không đề phòng, ông đã
bị một ngọn đao cắt hằn mất ót phía sau, lẹ làng như một làn gió thoảng.
Cuộc ác chiến diễn ra khủng
khiếp mái tới sáng sớm hôm sau mới chấm dứt, Ni Kham Ngoại Lan nghênh ngang đến
trước phủ Chương Kinh, thong thả xuống ngựa. Lan hạ lệnh cho quân sĩ thu dẹp
xác chết, quét dọn sảnh đường để sửa soạn tiếp giá, mặt khác ra bảng yên dân.
Thì ra kế hoạch cướp Cổ Liệt
thành hoàn toàn do Ni Kham Ngoại Lan âm mưu trù tính từ lâu. Chỉ đáng thương
cho hai cha con Giác Xương An nhất thời nóng lòng cứu cô cháu gái mà đến nỗi
trúng phải độc kế, chết uổng mạng mất cả bốn người.
Trưa hôm đó, Ninh Viễn Bá huy
động quân mã tiến vào thành, bên tả Ni Kham Ngoại Lan, bên hữu có Vương Thái.
Cả ba ngồi trên sảnh đường,
khao thưởng ba quân. Đám binh lính được một tiệc rượu no say. Tiệc kéo dài mãi
tới đầu canh tư mới tàn.
Ngày hôm sau, Ni Kham Ngoại Lan
cùng Vương Thái vào yết kiến Ninh Viễn Bá Lý Thành Lương. Lương sai người đem
mọi việc tấu về triều, đồng thời giao quyền chỉ huy Cổ Liệt thành lại cho Lan
và Thái. Lương còn bàn với Thái:
- Hai cha con Giác Xương An tuy
đã chết nhưng miền Kiến Châu còn có nhiều bối lặc và con trai Tháp Khắc Thế
hiện chưa hàng phục, nhiều thành trì cũng chưa đánh chiếm được Bởi vậy tại hạ
phiền nhị vị đem bản bộ binh mã chiêu an bọn họ!
Ni Kham Ngoại Lan nhận đem quân
thẳng tới Kiến Châu. Vương Thái cũng xin đem quân đi thu phục các thành trì
thuộc quyền Kiến Châu lúc trước. Ba người cáo biệt chia tay nhau.
Hai vị bộ chủ Lan và Thái rời
khỏi thành Cổ Liệt, theo hướng đông mà đi. Được mấy hôm, Lan đã tới chân thành
Kiến Châu. Dân chúng thành này được tin cấp báo, ai nấy hoảng hốt chuẩn bị, dốc
tận dân làm lính. Họ lại được thêm tin hai cha con đô đốc Giác Xương An, hai vợ
chồng A Thái đều chết theo thành, thôi thì từ đứa bé con ba tuổi đến ông già
chín chục, không một ai là không khóc rơi lệ. Khóc đến ngất đi là bà phi tử, vợ
Giác Xương An. Bối lặc Lễ Đôn nghe tin cha, rồi em, rồi con gái cùng con rể đều
chết một cách thê thảm, uất quá, chỉ kịp oà lên một tiếng thế là máu tươi cứ
hộc mãi ra, cuối cùng mê đi không biết gì nữa. Bà đại phúc tấn nằm phục bên
cạnh chồng, mặc sức kêu khóc, gào la, cũng chẳng có ai tới giúp đỡ gì cả. Bọn
bối lặc lâu nay đặc hưởng phú quý, đến lúc nguy cấp này không một kẻ nào dám ra
chiến đấu cứ lùi lũi bế con dắt vợ vội vã chạy ra khỏi thành, rút cuộc lại, chỉ
còn thấy duy có một mình Nỗ Nhĩ Cáp Tề, chàng vội chạy tới vừa giúp đỡ bà bác,
vừa nâng ông bác dậy, đặt nằm trên giường.
Lát sau, Lễ Đôn tỉnh lại, hỏi
ra mới biết anh em chú bác trong phủ đều đã trốn biệt, chỉ thấy có người em là
Ngạch Nhĩ Cổn còn ở lại trong phủ, bèn cho gọi Cổn, giao tất cả mọi việc cho
Cổn rồi nói:
- Đây là tất cả công việc mà
cha và tứ đệ Tháp Khắc Thế giao cho anh. Nay anh giao lại cho em. Em nên tận
tâm kiệt lực bảo vệ sự nghiệp của dòng họ Ái Thân Giác La chúng ta.
Nói đến đây, ông quay lại bảo
Nỗ Nhĩ Cáp Tề, giọng mệt nhọc yếu ớt:
- Cháu khá lắm! Con trai như
thế mới xứng đáng! Nếu cháu muốn đồ vương đồ bá, hãy theo bác cháu đây. Cháu
không được bao giờ quên cái thù giết ông, giết cha này, nghe chưa?
Nói đến đây, ông Lễ Đôn ho lên
mấy tiếng, rồi lại phun máu ra lênh láng. Ông mê đi, tứ chi buông xuôi, không
động cựa nữa.
Ngạch Nhĩ Cổn thấy tình thế
nguy ngập mà ông anh cả chắc chẳng hồi tỉnh được, bèn nắm tay Nỗ Nhĩ Cáp Tề kéo
ra ngoài, ghé vào tai thì thầm:
- Ông chú, bà bác của cháu đều
chạy trốn cả rồi. Bác và cháu xem chừng cũng khó sống. Hôm nay, tất cả toà
thành này vẻn vẹn chỉ còn nhờ cậy vào một mình bác cháu ta thôi. Bác e rằng khó
mà địch lại được đại quân của Thiên triều. Bởi vậy, theo ý bác, tốt hơn ta nên
đầu hàng quách.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề không nghe thì
chớ, chứ khi vừa nghe xong lời Ngạch Nhĩ Cổn chàng bỗng nổi giận, lửa hận bốc
lên, mặt tái đi, răng nghiến kèn kẹt.
Chàng toan mở miệng để phản
đối, bỗng nghe một hồi còi dài vang động, rồi từ bên ngoài thị vệ chạy như bay
vào báo cho chàng biết Ni Kham Ngoại Lan đã tiến lại gần thành. Cổn lại càng
hoảng, vội giục Nỗ đầu hàng. Trong sảnh phủ lúc đó còn đứng đầy binh tướng. Vừa
nghe bác nói xong, chàng vội ném hẳn người xuống đất, quỳ trước mặt bọn bỉnh
tướng, đôi mắt nhỏ lệ, vừa đập đầu binh binh trên nền gạch vừa nói:
- Chư
vị tướng quân! Xin chư vị nhìn tới thể diện của cha và ông nội tôi mà đừng quên
cái thù chẳng đội trời chung này. Các vị hãy tiếp tay giúp tôi…
Câu nói còn chưa hết, đã thấy
thị nữ chạy từ trong nhà ra báo Đại bối lặc đã mất rồi. Nỗ Nhĩ Cáp Tề cùng
Ngạch Nhĩ Cổn được tin giật mình, vội theo thị nữ chạy vào, chỉ thấy Lễ Đôn,
đôi mắt mở to, tay chỉ ra bên ngoài viện, hơi thở đã tắt từ lúc nào.
Bà đại phúc tấn phục bên cạnh
ông, khóc ngất đi không biết bao lần. Nỗ Nhĩ Cáp Tề càng mười phần thê thảm. Cả
nhà không một ai không nhỏ lệ. Ngạch Nhĩ Cổn bảo Nỗ Nhĩ ở lại lo việc ma chay,
còn mình thì chạy ra bên ngoài trù liệu việc quân binh…
Hồi 27: Mài nanh giũa vuốt để báo thù
Nỗ Nhĩ Cáp Tề thân tuy
ở lại bên trong để lo việc tang ma nhưng tâm chàng lúc nào cũng để bên ngoài.
Tai chàng chốc chốc lại nghe những hồi tù và, trong lòng càng xốn xang lo lắng.
Ba ngày quay việc tang ma đã
tạm xong, chàng lẳng lặng lẻn ra ngoài phủ. Dân trong thành chạy ngược chạy
xuôi, hết phố này qua phố khác, lo lắng sợ hãi. Còn binh sĩ thì túm năm tụm ba
bàn tán xôn xao hoặc bài bạc giải trí. Nỗ lấy làm kỳ, bèn ghé lại hỏi thăm tại
sao không đi đánh giặc thì bọn chúng trả lời:
- Hiện nay quân của Ni Kham
Ngoại Lan đã vây chặt thành trì, con kiến cũng không lọt. Nhị bối lặc có dặn án
binh bất động vì ông đang thương lượng để mở thành xin hàng.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề giận sôi, máu uất
bốc lên đến tận mây xanh. Chàng không hỏi gì thêm nữa, quay về nhà lấy khí
giới, nhảy lên lưng ngựa phi như gió ra khỏi cửa Tây thành, xông thẳng tới cửa
dinh địch hô lớn:
- Ni Kham Ngoại Lan có giỏi hãy
ra đây nói chuyện!
Quân canh cửa vội chạy vào báo.
Ni Kham Ngoại Lan bước ra cổng dinh. Nỗ vừa trông thấy Lan, răng nghiến ken
két, chẳng nói chẳng rằng, cất cao đầu, cầm chắc ngọn thương, phóng ngựa tới
đâm lia lịa. Vệ sĩ của Lan hoảng hất giơ đao chống đỡ. Lan không tức giận, cười
khanh khách đáp:
- Cha và ông mi đều đã chết.
Thành trì của các bộ lạc cha mi cũng đã đầu hàng cả. Mi không sớm hàng, còn đợi
gì nữa.
Nỗ nghiến răng, trợn mắt quát
mắng:
- Mi là một tên súc sinh, vong
ân bội nghĩa, bán chúa cầu vinh. Đô đốc Kiến Châu chưa từng bạc đãi mi bao giờ,
thế mà mi dám tư thông với quân Minh, hại cả ông và cha ta trong khi mi là bộ
hạ của cha ta. Ta giận không thể cắt thịt người mà ăn, móc được tim người mà
vằm nát để báo thù cho họ. huống hồ còn nói tới chuyện đầu hàng nữa sao?
Nói đoạn, Nỗ lại giơ cao ngọn
thương đâm tiếp mấy nhát.
Thấy sự thể không đừng, một
viên tướng từ sau lưng Ngoại Lan nhảy lên trước. Một cuộc ác đấu xảy ra. Bên
này đâm thì bên kia chém; hai bên giao chiến kịch liệt. Quân của Lan kéo ra
đông, vây quanh chờ dịp. Nỗ thấy thế quả bất địch chúng, bèn quay ngựa chạy về
thành. Phía sau cũng không có ai truy kích.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề lúc quay về tới
phủ, lòng bực tức không nguôi, chằng thèm tới thăm Cổn mà chạy thẳng tới linh
sàng của bác Lễ Đôn, khóc lóc một hồi thảm thiết. Chàng về phòng, vì quá mệt
mỏi, lăn quay ra ngủ. Giữa lúc mơ màng, chàng bỗng thấy có một bàn tay đưa nhẹ
nắm lấy vai mình. Chàng mở mắt nhìn, thì ra chẳng phải ai xa lạ mà là bà bác
phúc tấn Lễ Đôn. Bà sắc mặt hoảng hốt lo sợ, ghé sát vào tai chàng, thì thầm:
- Này cháu! Cháu nên chạy trốn
mau đi. Bọn chúng định giết cháu đấy!
Bà vừa nói vừa đưa cho Nỗ một
bao vàng, giắt vào bọc cho chàng, rồi chẳng để cho chàng nói năng gì thêm, vội
mở cửa sổ hậu viện đẩy tấp chàng ra ngoài. Ngoài cửa sồ, một tên thị vệ đứng
chực từ trước, khi thấy Nỗ ra khỏi cửa, liền dắt Nỗ chạy lẹ đi. Ngoài cửa sau,
hai con ngựa đã chực sẵn.
Thế là chủ tớ lặng lẽ lên ngựa,
nhè những con đường vắng vẻ hoang vu mà thoát.
Đêm đã khuya, ước quãng canh
ba, dọc đường chẳng có một ai tra hỏi. Chủ tớ hai người tới cổng thành. Tên thị
vệ tiến lên trước nói vài ba câu, tức thì cổng thành hé mở cho hai người chạy
ra ngoài. Nỗ và tên thị vệ vượt khỏi mấy ngọn đồi núi. Vùng này còn thuộc đất
của Kiến Châu vệ. Hai người đi một hồi lâu nữa, xem đã gần tới cửa quan Phủ
Thuận.
Nỗ nghĩ tới vợ là Đông thị,
chàng bèn đổi hướng lộ trình, rẽ dây cương chạy qua mé đông Phủ Thuận quan. Tới
một ngọn đồi, chàng bỗng thấy một bọn người ngựa thập thò trốn nấp trong khu
rừng cây lá rậm bóng rợp. Nỗ chẳng chút sợ hãi, quất ngựa tiến lên trước. Khi
gần tới khu rừng, chàng thấy một người chạy ra giữa lộ quỳ xuống ngăn đường,
miệng nói lớn:
- Người lại đó có phải là tiểu
chủ nhân Nỗ Nhĩ Cáp Tề không?
Nỗ nghe nói, lấy làm lạ, vội
hỏi:
- Ngươi là ai vậy?
Người kia bỗng oà lên khóc lớn.
Tiếp đó, từ trong rừng cây chạy ra có tới vài ba chục người quỳ xuống trước Nỗ
mà nói:
- Bọn tôi đều là tàn quân bại
tướng theo lão đô đốc tới Cổ Liệt thành.
Nô vừa nghe nói xong, bất giác
đôi đòng lệ tuôn xuống như mưa. Chàng vội nhảy xuống ngựa, nâng cả bọn đứng
dậy, hỏi hết tình hình lúc đoàn quân bị hại ra sao. Một tên quân nhanh miệng kể
hết đầu đuôi cho chàng nghe. Tất cả đều sa lệ, tỏ nỗi bi thảm khôn nguôi. Viên
thị vệ trưởng tên gọi Y Nhĩ Cổ quay vào trong khu rừng bưng ra mười ba bộ giáp
trụ cho chàng xem và bảo đây là di vật của hai vị đô đốc Kiến Châu - cha và ông
nội chàng.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề nhìn thấy mấy bộ
giáp trụ, bất giác ôm chầm lấy mà khóc lóc thảm thiết. Lát sau chàng quay lên
nhìn, thấy đám quân sĩ mặt mày ốm o tiều tuỵ, quần áo rách nát. Chàng dắt cả
bọn đi tìm đường thong thả về nhà Đông thị vợ chàng.
Đông thị thấy chồng trở về,
mừng rỡ khôn xiết. Chàng đem hết mọi chuyện nói cho vợ nghe. Đông thị bèn nói:
- Nay trở về đây, chàng không
nghĩ tới việc báo thù nữa sao?
Vừa nghe vợ nói xong, Nỗ Nhĩ
Cáp Tề giơ tay lên cao, nắm chặt bàn tay lại to như cái bát, nghiến răng trợn
mắt nói:
- Hận thù này còn ghi mãi trong
tâm. Ta chỉ cầu mong nàng giúp một tay. Đến lúc thành công, ta không bao giờ
quên cái đức lớn của nàng.
Đông thị tiếp lời:
- Chàng nói những điều gì lạ
vậy? Gia đình của thiếp tức là gia đình của chàng. Tất cả những sản vật của
thiếp đều là sản vật của chàng. Chàng muốn làm gì thì xin cứ làm, đừng lo ngại
điều cái cả!
Nỗ Nhĩ Cáp Tề vội cúi đầu chắp
tay vái Đông thị rồi nói:
- Xin đa tạ tấm lòng nàng!
Từ đó Nỗ náu mình trong thôn.
Chàng bán ruộng bán đất để chiêu binh mãi mã, tích thảo dồn lương. Anh em bè
bạn trước cũng như sau ai cũng một lòng bơi úp sức chàng. Rồi những môn đệ
trước kia học võ với chàng cũng đều kéo nhau về đầu quân, chẳng bao lâu binh sĩ
dưới trướng của chàng đã lên tới con số năm, sáu trăm người.
Chàng bèn chọn ngày tốt đặt
hương án tế lễ, đem mười ba bộ giáp trụ bày hàng trước linh vị. Chàng bận đồ
tang, quỳ lạy cha và ông, khóc lóc một hồi hết sức thảm thiết. Rồi một tiếng
pháo hiệu nổ vang, Nỗ Nhĩ Cáp Tề hạ lệnh nhổ trại lên đường.
Thám mã phi báo thành Kiến Châu
đã đầu hàng Ni Kham Ngoại Lan từ lâu, nhưng Lan hiện đóng quân tại thành Đồ
Luân bên ngoài Phủ Thuận quan.
Ninh Viễn Bá Lý Thành Lương cho
rằng hai cha con đô đốc Giác Xương An đã chết rồi thì miền Kiến Châu không còn
đối thủ. Bởi vậy, Lương thu thập binh mã rút về. Ni Kham Ngoại Lan, trong chốc
lát mà cướp được khá nhiều thành trì, thường tự phụ chiến công của mình, tha hồ
gối cao nằm khểnh.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề do thám biết được
mạt đông thành Đồ Luân có một cái eo núi tên gọi ải Cửu Khẩu. Ải này ăn thông
với yếu đạo Kiến Châu. Ải vô cùng hiểm trở, thực là một nơi có cái thế một kẻ
chẹn đường muôn kẻ khó qua. Chàng sai hai trăm quân tới đóng chẹn cửa ải, chặn
đứng đường tiếp viện của địch. Còn tự mình đem ba trăm quân tinh nhuệ nhất,
ngậm tăm chạy vội tới chân thành Đồ Luân.
Trời đã sang canh ba. Đêm vào
khuya, gió lộng, trăng mờ, đối diện cũng khó thấy mặt nhau. Chàng ngầm sai một
đội quân tới đốt cửa nam. Quân binh trong thành giật mình tỉnh dậy, nghe kêu
cháy vội chạy xô ra cả cửa nam, không lưu ý tới các cửa khác. Chàng thừa cơ
xuất kỳ bất ý, đánh lúc địch chẳng phòng. Cửa đông thành bị phá vỡ, đoàn quân
gầm lên mót tiếng vang động cả thành Đồ Luân, rồi xông vào như nước vỡ bờ. Hai
bên ác đấu trong bóng tối dầy đặc. Quân của Ni Kham Ngoại Lan trong thành không
biết kẻ địch đông hay ít, đâm ra hoang mang hoảng hốt. Nào dân, nào quân, nào
tướng nào sĩ, kẻ nào cũng chỉ còn biết lo chạy tháo thân.
Họ ùn ùn kéo ra cửa tây, cảnh
hỗn loạn chưa từng thấy. Ni Kham Ngoại Lan bạt vía kinh hồn, cũng chẳng dám nán
lại, vội đem một tiểu đội vệ binh lẩn trong đám đông chạy nạn. Lan chạy một
mạch, mãi tới miền Cáp Bản mới dám dừng chân.
Thế là chỉ trong một đêm, Nỗ
Nhĩ Cáp Tề đã cướp được Đồ Luân thành. Rồi hai thành Cổ Liệt, thành Sa Tế, cũng
tiếp tục quay về với chàng. Từ đó, danh chàng vang dậy trong ngoài, quân đông,
tướng lắm, binh hùng, ngựa khoẻ.
Qua tháng tám năm đó, chàng đem
quân đánh phá Giáp Bản. Ni Kham Ngoại Lan lại chạy trốn khỏi Giáp Bản. Thắng
được Ni Kham Ngoại Lan nhưng chàng lại gặp phải chúa thành Triệu Giai tên Lý
Đại, Đại liên quân với Cáp Đạt tấn công chàng. Cuộc chiến kéo dài mãi tới mùa
xuân năm sau, chàng mới bắt được Đại đem chém đầu trước cửa dinh.
Đến tháng sáu chàng đánh hạ đồn
Mã Nhi. Rồi tháng chín, chàng đem năm trăm quân tinh nhuệ tiến đánh bô lạc Đổng
Ngạc.
Sang năm thứ ba, Nỗ Nhĩ Cáp Tề
huy động năm trăm kỵ binh đánh phá bộ lạc Triết Trần. Rồi qua năm thứ tư, vào hồi
tháng bảy, được tin Ni Kham Ngoại Lan đã trốn về thành Nga Nhĩ Hỗn, chàng bèn
hạ lệnh tiến công thành này. Lan hết đường, chỉ còn cách chạy về Phủ Thuận
quan. Không ngờ viên tướng Minh giữ quan không chịu cho Lan vào, Lan đành phải
quay về đường cũ, bị ngay quân của Nỗ Nhĩ Cáp Tề bao vây bốn mặt, kẻ thù ở
trước mặt, mắt thấy rõ ràng, Nỗ khỏi cần hỏi, vội khua ngọn giáo xông tới đâm
Lan. Lan giật cương vòng ngựa chạy trốn, lật đật tìm con đường nhỏ phóng như
bay. Nhưng Nỗ đâu có để sổng, chàng thúc ngựa chồm lên, cuốn bụi trên đường
thành một cột khói dài sau lưng. Tám vó xê xích nhau không còn mấy thước. Nỗ
thuận tay vung thòng lọng, tức thì Lan bị trói chặt và bị giật mạnh, lăn cù
xuống đất. Mấy tên quân nhẩy tới trói lại, khiêng về dinh như một con heo.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề đã ngồi trên
trướng. Chàng vừa trông thấy Ni Kham Ngoại Lan, máu hận sôi lên sùng sục, chẳng
thèm nói hỏi, liền tuốt cây bội đao chặt phắt ngay đầu Lan. Chàng hạ lệnh đặt
hương án bày linh vị của ông và cha ngay tại giữa dinh rồi dâng đầu Lan lên để
tế. Chàng quỳ trước bàn thờ, lạy tám lạy, oà lên khóc lóc thảm thiết. Binh sĩ
thấy đều bận đồ tang.
Thành trì các nơi nghe tin Nỗ
Nhĩ Cáp Tề đã giết chết Ni Kham Ngoại Lan, tới tấp về hàng. Các bộ lạc thuộc hạ
của Kiến Châu vệ xưa cũng đều dâng biểu xưng thần. Lúc đó, chàng mới ban sư trở
về.
Khi Nỗ Nhĩ Cáp Tề đi qua miền
Hô Lan Cáp Đạt, thấy địa thế nơi đây rất là hiểm trở hùng vĩ, chàng sực nảy
sinh một chủ ý: không về Kiến Châu nữa, ở lại khu đồi thấp và bằng nằm vào
quãng giữa sông Gia Cáp và cửa Tháp Lý để xây cất một toà thành trì mới. Lúc
công trình xây cất đã hoàn thành chàng bèn cho đem hết gia tộc ở hai nơi Kiến
Châu, Phủ Thuận về ở đấy. Đối với chàng, việc giết Ni Kham Ngoại Lan để trả thù
rửa hận cho cha ông tuy đã xong nhưng chàng vẫn không thể quên được kẻ ngoại
thù yểm trợ cho Lan là Ninh Viễn Bá Lý Thành Lương. Chàng căm giận Lương đến
xương tuỷ tiếc rằng chưa thể tới ngay được Phủ Thuận quan mà đâm chết hắn, băm
vằm hắn ra hàng trăm ngàn mảnh cho hả giận.
Thực ra, chàng tự biết quân lực
của mình chưa đủ sức, nên nhất thời chưa dám hành động.
Năm đó vào mùa hạ, bộ chủ bộ
lạc Tô Hoàn là Sách Nhĩ Quả đem con trai tên Phi Anh tới quy thuận. Nỗ Nhĩ Cáp
Tề bày tiệc khoản đãi ngay trong phủ. Trong bàn tiệc, chàng thỉnh thoảng lại
thở dài tỏ ý buồn bã không vui. Sách Nhĩ Quả thấy lạ bèn hỏi duyên cớ thì chàng
đem kể ngay chuyện Lý Thành Lương giết hại cha và ông chàng năm trước, tới nay
thù vẫn chưa báo mà thi hài của cha ông chàng vẫn chưa tìm ra được. Quả cúi đầu
suy nghĩ một lát rồi nói:
- Bối lặc muốn báo thù kia,
không có người này thì chắc không được đâu.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề vội hỏi người đó
là ai thì Quả đề cập tới bộ chủ Đổng Ngạc tên Hà Hoà Lý. Quả còn giúp chàng
thêm nhiều kế sách để nhờ Lý giúp đỡ. Chàng mừng quá vỗ tay khen hay.
Ngày hôm sau Nỗ Nhĩ Cáp Tề sửa
soạn đầy đủ dê trâu, thân chinh tới Đổng Ngạc bộ yết kiến Hà Hoà Lý. Hồi đó, Hà
Hoà Lý được phong làm Đổng Ngạc ôn thuận, xưng bá một cõi, có binh hùng tướng
mạnh, hiện đóng quân tai vùng Huy Xuân. Lý thấy Nỗ là một trang thanh niên có
chí lớn, tay không mà xây dựng được sự nghiệp nên có ý biệt đãi chàng. Hai
người tương đắc, ý hợp tâm đầu. Chàng thấy Lý mới chừng ba mươi, bèn tâm sinh
một kế…
Đêm đó chàng nghỉ lại trong
phủ, qua ngày hôm sau chàng khẩn khoản mời Lý tới Hưng Kinh, là kinh thành mới
của chàng. Lý thấy chàng tỏ vẻ hết sức thành thực nên nhận lời chỉ đem có vài
tuỳ tùng đi theo. Dọc đường hai người cưỡi ngựa song song mà đi. Lúc tới nơi,
cùng xuống ngựa bước vào.
Bên trong phủ chiêng trống bỗng
nổi lên vang dậy. Rồi bát âm, sáo, đàn,… tưng bừng náo nhiệt. Từ trên sảnh, bộ
chủ Triết Trấn, bộ chủ Tô Hoa, bộ chủ Hỗn Hà, cùng các bối lặc đều bước xuống
thềm đón rước… Hai bên chia chủ khách cùng ngồi. Nỗ Nhĩ Cáp Tề truyền lệnh bày
tiệc, rồi cho các vũ nữ xinh đẹp tuyệt trần múa ca trước sân. Lý khoái chí, mở
bụng uống tràn.
Tới giữa buổi tiệc, Lý bỗng nghe một bản đàn hết sức du dương
êm ái. Rồi, sau bức bình phong, một đoàn thị nữ đỡ một trang giai nhân tuyệt
sắc bước ra. Đoàn thị nữ cùng cô gái xuân xanh đôi tám sắc nước hương trời ấy
bước tới trước mặt Lý bỗng quỳ cả xuống làm lễ.
Lý vội đáp lễ, lòng băn khoăn,
thắc mắc. Trong chốc lát, căn đại sảnh bỗng trở thành lễ đường cho đôi họ kết
thân. Rồi vị chủ hôn đầu râu tóc bạc, khăn đóng áo thụng, trịnh trọng bước ra bàn
thờ ông Tơ bà Nguyệt. Chuông trống, bát âm lại nổi lên vang dậy. Tức thì Sách
Nhĩ Quả tiến lên, dẫn Hà Hoà Lý tới chiếu giữa để cùng trang giai nhân nọ cúng
tế trời đất ông Tơ bà Nguyệt và làm lễ phu thê giao bái. Mủi hương sực nức toả
khắp phòng, xông vào mui, tiếng đàn êm ái du dương thánh thót rót vào tai. Lý
vừa say mê thanh sắc, vừa ngạc nhiên, ngây người ra như một pho tượng, chẳng
hiểu rồi cái cảnh kỳ lạ đột ngột này sẽ đưa mình tới đâu và mình phải xử trí
thế nào? Chàng muốn quay lại hỏi Nỗ Nhĩ Cáp Tề thì một đám đông thị nữ đã vây
lấy chàng và người đẹp rồi rầm rẩm rộ rộ đưa cả đôi trai tài gái sắc vào phòng
hoa chúc.
Hồi 28: Thế mới biết cái ghen là khủng khiếp
Đổng Ngạc bộ chúa Hà
Hoà Lý ngơ ngác chưa rõ chuyện gì đang đến với mình. Khi mọi người đã ra hết,
Lý mới để mắt nhìn quanh thì thấy căn phòng trang hoàng thật là lộng lẫy. Rồi
bỗng mùi hương ngào ngạt xông vào mũi khiến thần hồn Lý chới với như muốn bay lên
tận bồng lai tiên cảnh.
Thì ra đã có một người đẹp ngồi
đó tự lúc nào. Lòng chàng càng ngây ngất say sưa, chỉ nói lên được một câu:
"Xin mời cô nương ngồi", rồi im bặt. Người con gái đẹp cũng lên tiếng
mời chàng ngồi để đáp lễ. Tiếng nàng mới êm ái làm sao, nó du dương thánh thót
rót vào tai chàng, khiến chàng đờ đẫn.
Dường như chàng đang lạc vào
động tiên, gặp được một tiên nữ. Chàng không tự chủ được nữa, tự nhiên tiến gần
lại, nắm bàn tay ngọc, mân mê hồi lâu, không dám hé miệng vì sợ tiếng nói sẽ làm
tan đi cái khoảnh khắc kỳ ảo này.
Mãi sau chàng mới thốt ra được
mấy câu:
- Cô nương ơi! Không biết tên
tục tử họ Hà này có cái phúc nào mà được gần gũi cô nương như vậy? Cô nương hãy
nói cho tại hạ nghe xem cô nương là người như thế nào đối với đại bối lặc. Và
nhất là tại sao cô nương lại muốn nối dây cầm sắt với tại hạ? Cô nương hẳn đã
biết tại hạ có vợ rồi chứ?
Con người ngọc nghe Lý nói
xong, quay hẳn bộ mặt xinh đẹp như hoa lại, đối diện ngay với mặt chàng nhoẻn
một nụ cười tình tứ rồi thỏ thẻ đáp:
- Tiện thiếp vốn là đại công
chúa của đại bối lặc. Năm nay tiện thiếp vừa đúng đôi tám. Chỉ vì phụ thân tiện
thiếp quý yêu bộ chúa là một nhân tài xuất chúng cho nên mới muốn cho tiện
thiếp hầu hạ bộ chúa. Ở nhà đã có phúc tấn, điều đó phụ thân tiện thiếp đã nói
rồi. Điều sở cầu của tiện thiếp là chỉ xin sao bộ chúa đừng quên đêm ân ái này
mà nhớ tới tiện thiếp mãi, đã là may cho tiện thiếp lắm rồi!
Đại công chúa nói tới đây, bất
giác lệ trào trên má. Nàng gục vào vai chàng, rồi lấy khăn lau nước mắt đang từ
từ lăn trên đôi má phấn mịn màng như trái đào đương tơ. Nàng khóc thút thít,
chẳng cất đầu lên nữa. Bộ chúa họ Hà nổi danh là cương cường, đạp trên thây
hàng ngàn xác chết không chút động tâm, thế mà chàng phải mềm lòng trước dòng
lệ đang thánh thót rơi xuống áo mình. Chàng vội đưa tay lên đỡ lấy khuôn mặt
nàng, rồi lấy chiếc khăn trong bọc ra lau nước mắt cho nàng. Chàng thì thầm
khuyên dỗ rồi khi tình đã mặn ý đã nồng, chàng và nàng lúc đó mới lên giường,
môi kề môi, má kề má, say sưa đưa nhau vào cõi mộng…
Sáng hôm sau, Đống Ngạc bộ chúa
Hà Hoà Lý đến gặp Nỗ Nhĩ Cáp Tề và làm lễ con rể đối với ông nhạc. Lý còn nói
nhiều điều cảm kích đối cha vợ. Từ hôm đó Lý lưu lại trong phủ, cứ ba ngày một
tiểu yến, năm ngày một đại yến, Lý lại càng cảm kích Nỗ Nhĩ Cáp Tề hơn nữa.
Một hôm, trong bàn tiệc, Nỗ Nhĩ
Cáp Tề đem hết cái chí lớn cái muốn phục thù và cái thế yếu vì quân ít của mình
nói cho Lý nghe. Lý đưa tay vỗ mạnh vào ngực mình, cả quyết nói với Nỗ:
- Con xin giúp nhạc phụ năm vạn
quân mã, như thế có được không?
Vừa nghe đoạn, Nỗ Nhĩ Cáp Tề
vội đứng dậy chắp tay, nghiêng đầu xá một xá, luôn mồm cảm tạ. Lý thấy nhạc phụ
tỏ vẻ trọng hậu đối với mình, cảm kích muôn phần, chàng hăng hái đứng lên nói:
- Việc điều động binh mã là
việc lớn. Phi con đích thân quay về liệu lý không xong?
Sách Nhĩ Quả ngồi bên cạnh, nói
chen vào:
- Nếu đã như vậy, thì việc
không nên trễ. Xin phò mã khởi hành ngày hôm nay có tiện hơn không?
Tiệc tan. Lý ra khỏi phủ môn
lên ngựa, có đoàn thị vệ theo hầu, tức khắc quay về Đổng Ngạc bộ.
Hồi đó vợ cả của Hà Hoà Lý là
bà Triết Trần, về quê ngoại cho nên chuyện chồng về Hưng Kinh làm rể, rồi việc
động binh mã của Lý đã chuẩn bị đâu đấy và các bộ lạc trong ngoài đồn rầm lên
rằng Lý đã trở thành phò mã của Nỗ Nhĩ Cáp Tề, bà Triết Trần mới hay thì đã
muộn. Bà vừa buồn, vừa giận bèn nói với cha xin hai ngàn người ngựa, đêm ngày
quay về nhà. Đội quân của bà vừa về tới chân núi Ma Thiên Lĩnh bỗng thấy một
chí quân kéo tới, cờ hiệu là cờ của Đổng Ngạc bộ.
Hà Hoà Lý lúc đó mới lấy Nỗ công
chúa nên tình đang nồng thắm. Tuy mới xa nhau có mấy ngày nhưng Lý nhung nhớ
khôn xiết. Chàng vội vã điều động binh sĩ lên đường, dặn các tướng thong thả đi
sau, còn chính mình thì đem một đội thị vệ chừng sáu trăm người đi trước mong
sao về Hưng Kinh sớm hơn, với người vợ trẻ đẹp mới cưới. Chẳng ngờ, đội quân
của chàng vừa về tới chân núi Ma Thiên Lĩnh thì gặp ngay bà vợ cả Triết Trần
Phi. Chàng cảm thấy mắc cỡ, bèn quất ngựa tiến lên đón vợ, tiện thể nói láo để
lấp liếm:
- Này mình! Mình đi đâu lâu quá,
khiến anh ở nhà một mình lẻ loi lạnh lẽo quá chừng. Nhớ quá không chịu nổi, nên
anh tính đem quân tới đón mình về. Nào ngờ hôm nay vợ chồng tụi mình lại được
gặp nhau ở đây. Vậy mình hãy mau theo anh về nhà đi…
Lý nói tới đây, bỗng chột dạ,
cho rằng có sự gì chẳng lành vì phía sau vợ mình người ngựa đông như kiến kéo
tới, dao kích như rừng, cờ quạt rợp trời. Dầu vậy, chàng vẫn lờ đi, làm bộ tươi
vui, lên tiếng hỏi vợ:
- Mình trở về nhà mà sao đem
nhiều quân sĩ vậy? Phải chăng mình muốn chiến đấu với ai đó?
Triết Trần Phi đứng trước mặt
chồng, tay cầm cây trường thương, nghe chồng nói xong, bỗng biến sắc. Má đào
của nàng bỗng xám ngoét lại, đôi mày ngài cong như lá liễu bỗng dựng ngược lên,
để lộ đôi mắt xếch bắn ra những tia lửa giết người.
Triết Trần Phi vốn là một trang
giai nhân tuyệt thế, lại được cha truyền thụ cho bản lĩnh võ công cao cường.
Ngày thường Lý cùng với nàng tuy tình vợ chồng ân ái nồng đượm, nhưng lúc nào
chàng cũng e ngại, sợ sệt. Nay Lý đã có tình riêng, nên lòng e ngại sợ sệt càng
tăng gấp bội. Đến khi thấy mặt nàng nghiêm lại, đôi má bỗng xám ngoét thì chàng
đã biết có điều chẳng lành. Giữa lúc đang bối rối, Lý bỗng nghe vợ lên tiếng,
vô cùng giận dữ:
- Ta đi tìm mi để giết mi đây!
Tiếng quát hoà với tiếng nghiến
răng kèn kẹt vì tức giận càng làm cho câu nói thêm ghê rợn. Lý chưa nghe xong
mà như đã thấy một luồng khí lạnh xông lên tới thái dương. Mắt chàng bỗng mờ
đi, đa chàng nổi gai ốc khắp mình…
Triết Trần Phi nói xong, thúc
mạnh vào hông ngựa, lao tới đâm chồng. Thế là một cuộc ác đấu xảy ra ngay dưới
chân núi Ma Thiên Lĩnh.
Một qua thì một lại, một chém
xuống thì một đỡ lên, hai vợ chồng bỗng biến thành hai kẻ tử thù một sống một
chết.
Lúc đầu, Hà Hoà Lý còn nghĩ
tình chồng vợ, chỉ cho rằng vợ quá ghen nên nổi nóng, không ngờ thấy nàng đánh
những đòn chí mạng, không kề gì ân nghĩa xưa kia, chàng nổi đoá, không còn
nương tay nữa, múa tít lưỡi đại đao chém xuống như tuyết rớt hoa rơi. Triết
Trần Phi biết thế chống không nổi, vội quay ngựa bỏ chạy. Lý quất ngựa đuổi
theo. Hai người, một trước một sau, phóng như bay trên con đường núi mấp mô
ngoằn ngoèo. Một lát sau hai con ngựa đã tới một eo núi, cây cối um tùm che kín
cả mặt đất. Lý giật mình biết đã trúng kế, chỉ kịp la lên một tiếng "Hỏng
rồi", vội quay ngoắt ngựa trở lui thì đã không kịp nữa. Một tiếng huỵch
vang lên, Lý cùng con ngựa ô truy đã lăn nhào về phía trước. Thì ra quân mai
phục của Triết Trần Phi đã chực sẵn từ lâu, đợi khi thuận lợi là tung dây trói
ngựa, bắt người. Triết Trần Phi thấy chồng đã vướng dây té nhào, vội quay ngựa
phóng tới, lấy dây trói chặt tay chân của Lý lại. Thị vệ của Lý vội tiến lên
cứu chủ nhưng đều bị quân của Triết Trần Phi đánh lui.
Lý bị Triết Trần Phi bắt về
dinh, thả cũng không mà chém cũng không. Nàng trói chồng dưới chân giường, còn mình
thì nằm ngủ bên trên. Nàng mặc cho chồng năn nỉ kêu nài, trước sau chỉ nói vỏn
vẹn có một câu:
- Ngươi khẩn cầu bà công chúa
nào đó của ngươi đi…
Lý biết vợ ghen và lòng ghen đã
lên đến cực độ, có van nài cũng vô ích. Chàng không thèm nói gì nữa, mắt nhắm
nghiền, phó mặc cho trời xanh.
Một ngày một đêm trôi qua,
Triết Trần Phi bàn thảo với các tướng định đánh thẳng tới Hưng Kinh. Nàng muốn
đích thân bắt được công chúa họ Nỗ đem về chém đầu cùng với Lý, để có thể rửa
được mối hận của mình. Chẳng ngờ giữa lúc đó, tiếng pháo liên châu bỗng nổ dậy
ngoài dinh môn. Rồi bốn mặt tiếng pháo liên châu hưởng ứng liên hồi. Tiếng
trống trận tiếp theo rầm rập khắp sơn cốc. Triết Trần Phi giật mình vội nai nịt
lên ngựa, chạy ra xem. Thì ra, bốn mặt quân Kiến Châu xông tới như nước lũ vây
khắp dinh trại. Nỗ Nhĩ Cáp Tề, một mình một ngựa, xông thẳng vào dinh môn,
miệng luôn kêu lớn: "Trả ngay rể ta lại cho ta!". Triết Trần Phi thấy
Nỗ Nhĩ Cáp Tề, máu hận bốc tới cổ, gầm lên một tiếng, "Chém cha con rùa
đen già kia!" Rồi nghiến răng, quất ngựa tiến lên, liều mạng ác chiến.
Một người đàn bà lả lướt, yểu
điệu tấm thân bồ liễu, dù có bản lãnh cao cường tới đâu đi nữa, làm sao có thể
địch nổi thần lực của tay anh hùng cái thế như Nỗ Nhĩ Cáp Tề? Cuộc chiến tay
đôi chưa được mấy hồi, rút cục Triết Trần Phi đã đại bại, chạy rút về dinh.
Nàng dặn dò tướng sĩ không được xuất chiến.
Lại một ngày qua, năm vạn quân
sĩ của Hà Hoà Lý đi sau cũng đã kéo tới. Cánh quân này tiếp sức Nỗ Nhĩ Cáp Tề
đánh phá dinh trại của Triết Trần Phi.
Trần Phi biết thế chống không
nổi, bèn lẳng lặng đem chồng lên ngựa trốn ra sau dinh, tính kế trốn đi. Chẳng
ngờ vừa ra khỏi dinh, nàng đã bị Nỗ Nhĩ Cáp Tề bắt sống. Theo ý Nỗ thì Triết
Trần Phi phải đem ra chính pháp, nhưng sau, nể mặt Hà Hoà Lý, Nỗ Nhĩ Cáp Tề cho
gọi nàng lên trướng, trách mắng mấy câu xong rồi tha cho về Đổng Ngạc bộ. Từ
đó, người Kiến Châu thường gọi Triết Trần Phi là Ách Hách má má (Ách Hách là
một tiếng hàm chứa ý xấu).
Việc lộn xộn xảy ra khiến Nỗ
Nhĩ Cáp Tề bỗng dưng được năm vạn quân mã, lại được thêm cả Đổng Ngạc, Triết
Trần Phi. Nhờ lực lượng này, Nỗ chọn ngày tháng mười năm đó hành quân thẳng tới
miền thượng lưu sông Tùng Hoa, thu phục thêm hai bộ lạc Chu Xá Lý và Nạp Ấn.
Tháng sáu năm thứ hai, Nỗ đánh phá thành Đa Bích, lại lấy luôn An Chử Lạp Khố.
Chưa vừa ý, Nỗ kéo binh lấy nốt Ái Hô bộ.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề biết rằng dân
Kiến Châu ít ỏi không thể chỉ dựa vào đó mà thành việc lớn, bởi vậy, khi đại
binh tới đâu, Nỗ hạ lệnh bắt tất cả dân chúng đi theo, tới định cư ở đất mình.
Vài năm sau, dân cư miền Kiến Châu đã trở nên đông đúc, làng mạc hết sức trù
mật. Hồi này, bà Đông thị, vợ cả của Nỗ đã già. Bởi vậy, Nỗ cưới thêm một bà
phi họ Phú Sát. Nỗ còn chọn, trong số dân bị bắt, mang về thêm mấy người con
gái có nhan sắc để làm nàng hầu. Đô thành tân tạo của Nỗ càng ngày càng náo
nhiệt, sầm uất.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề sau khi từ Ái Hô
bộ trở về, án binh bất động được vài năm cho quân sĩ nghỉ ngơi: Chính lúc này,
ông gọi hai người em: Thư Nhĩ và Nhã Nhĩ Cáp Tề bị thất tán hồi trước trở về.
Ông cưới vợ và sắp mọi việc cho hai em. Từ đó, ba anh em ở chung một chỗ,
thường trò chuyện, tiệc tùng với nhau. Nhân lúc vui chén, ba anh em nhắc lại
chuyện xưa rồi bỗng chẳng ai bảo ai, cả ba đều nhắc tới tên Cáp Đạt Hãn Vương
Thái. Thế là mặt họ cùng đỏ lên vì tức giận, răng nghiến ken két. Nỗ Nhĩ Cáp Tề
quyết diệt Cáp Đạt Hãn, liền hạ lệnh điều đủ quân mã đích thân chỉ huy cuộc
chinh phạt. Mọi việc ở Hưng Kinh, ông giao cho người em thứ hai. Bà phi họ Phú
Sát thấy chồng đi chinh phạt, tình nguyện đi theo để phục vụ.
Chọn ngày lành tháng tốt, Nỗ
Nhĩ Cáp Tề nhổ trại, thăng tới Liên Sơn. Quân thám mã phi báo:
- Cáp Đạt Hãn Vương Thái đã
chết. Con trai tên Hãn cũng đoản mệnh chết rồi. Chỉ còn lại có một thằng cháu
tên gọi Hổ Thương, tù trưởng Diệp Hách Bốc Trại hứa gả con gái cho Thương, bảo
Thương qua Diệp Hách đón dâu. Chẳng ngờ, đi tới giữa đường, Thương bị một bọn
cường đạo của Diệp Hách giết chết.
Câu chuyện oan oan tương báo
này nguyên uỷ như sau: Lúc trước, Cáp Đạt Hãn Vương Trung chịu mệnh lệnh của
Minh triều bắt Diệp Hách đô đốc là Chúc Cung Cách phải ưng thuận theo mình.
Chúc quật cường không phụng mạng. Bởi vậy Trung khởi binh bắt giết Chúc. Chúc
có hai con trai: Sinh Gia Nỗ và Ngưỡng Gia Nỗ. Hai người con này mang hận trong
lòng thường nghĩ tới việc phục thù cho cha. Đến khi Vương Thái nắm quyền thay
cha, Thái nghĩ ra một giải pháp để giảng hoà với Diệp Hách bộ là tình nguyện
đem con gái gả cho Ngưỡng Gia Hổ. Chẳng ngờ, Ngưỡng không vui lòng lại còn chọc
tức Thái bằng cách sang tận Mông Cổ cầu hôn, lấy con gái tù trưởng Mông Cổ làm
vợ. Thái ỷ quân hùng tướng mạnh định tiến đánh Diệp Hách bộ. Quan tổng binh nhà
Minh thấy thế vội đứng ra dàn hoà. Hận thù tạm yên được một thời gian, kịp đến
khi Diệp Hách tù trưởng là Bốc Trại lên nắm quyền. Trại vẫn manh tâm trả hận,
bèn lấy chuyện gả con gái cho Hổ Thương để lừa Thương tới giữa đường rồi sai
thích khách dùng tên độc bắn chết.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề nghe tin liền hỏi
tiếp:
- Hổ Thương bị Bốc Trại giết
chết. Chẳng lẽ người Cáp Đạt bộ lại chịu thôi?
Tên thám tử đáp:
- Người vợ cả của Hổ Thương có
sinh hạ một đứa con trai tên gọi Tao Thái Trú. Trú còn quá nhỏ nên chưa thể
phục thù. Trú hiện đang trốn tại nhà bà ngoại.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề lại hỏi:
- Tao Thái Trú đã trốn tại nhà
bà ngoại, vậy công việc của Cáp Đạt bộ ai là người đứng ra lo liệu?
Tên thám tử đáp:
- Có một người cháu họ Vương
Thái tên gọi Mông Cách Bộ Lộc đứng ra lo liệu. Lộc vốn là một tay thiếu niên
anh hùng, nên người Cáp Đạt mời Lộc tới cáng đáng ngôi vị tù trưởng của bộ lạc.
Lộc ngày đêm huấn luyện binh mã, định bụng báo thù cho Hổ Thương. Bốc Trại biết
điều đó nhưng không dám tới xâm lăng bờ cõi của Lộc, mà lại hành quân về ngả Tô
Tử và Hỗn Hà.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề bất giác giật
mình hoảng sợ, vội nói:
- Hành quân về ngả Hỗn Hà, phải
chăng Thái muốn xâm phạm biên giới của ta?
Hồi 29: Hại người chẳng bõ khi người hại ta
Giữa lúc còn đang nghe
tình hình của tên thám tử thứ nhất, thì tên thám tử thứ hai lại đã vào trướng
bẩm trình:
- Diệp Hách tù trưởng họp với
chín lộ binh mã của các bộ lạc Ô Lạp Huy Phát, Khoa Nhĩ Bị, Tích Bát Quái Cần
Sát theo ba ngả tiến đánh Hưng Kinh. Xin Đại bối lặc cấp tốc chuẩn bị chống
địch.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề nghe xong, không
hề tỏ vẻ hoang mang cúi đầu suy nghĩ trong chốc lát rồi cho người đi gọi đệ Tam
bối lặc Nhã Nhĩ Cáp Tề vào trướng.
Hai anh em thì thào bàn tán hồi
lâu, rồi Nhã Nhĩ Cáp Tề ra khỏi trướng, nhảy lên lưng ngựa, phóng như bay về
hướng đông bắc. Còn Nỗ Nhĩ Cáp Tề vẫn y theo kế hoạch đã định sẵn, huy động
binh mã tiến về phía bắc quan ngoại.
Sau năm ngày hành quân liên
tiếp, Nỗ Nhĩ Cáp Tề gặp một con sông lớn chặn ngang. Đội tiên phong vào bẩm
báo:
- Con sông chắn ngang trước mặt
chính là sông Tô Tử hà.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề bèn truyền lệnh
hạ trại dọc theo bờ sông, riêng đại binh của nguyên soái thì đóng lùi sâu vào
trong khu rừng già, cây cối um tùm. Mặt khác ông cho lệnh nhà bếp sửa soạn rượu
thịt. Chiều hôm đó, các chiếu rượu đã bày xong, ngay tại khu rừng già. Nỗ Nhĩ
Cáp Tề ra khỏi trướng, đích thân tới mời tướng sĩ ăn uống. Các tướng sĩ vội bò
xuống đất hành lễ tạ thưởng. Nỗ Nhĩ lên tiếng:
- Hỡi chư vị tướng quân! Hãy
uống cạn chén này rồi an nghỉ đêm nay. Sáng mai ta sẽ xung trận.
Một tràng tiếng hoan hô vang
lên như sấm. Tướng sĩ kẻ nào kẻ nấy miệng nuốt rượu ừng ực, hết chén này qua
chén khác. Trong trướng, Nỗ Nhĩ cùng với nàng Phú Sát cũng nâng chén. Dưới
trướng, đoàn nữ nhạc, mặt hoa da phấn cất tiếng ca trầm bổng theo nhịp đệm
những cây tỳ bà. Mười hai tên thị nữ khác, đứng đàn thành hai hàng, rót rượu
dâng thịt theo lệnh của vợ chồng Nỗ Nhĩ.
Tiệc vui kéo dài mãi tới lúc
lên đèn, chén cạn mâm quang mới tan. Nỗ Nhĩ Cáp Tề truyền lệnh tắt đèn nghỉ
ngơi, cấm ngặt chuyện trò bàn tán.
Tướng lệnh được thi hành triệt
để, chỉ trong nháy mắt đèn lửa tắt sạch. Cả một vùng dinh trại rộng lớn hàng
mấy vạn người ngựa thế mà nhất loạt im lặng như tờ, chỉ còn nghe tiếng vi vu
của những làn gió thoảng trên ngọn cây lá cỏ.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề cũng hạ lưng
xuống giường, trong chốc lát tiếng ngáy đã như sấm dậy, rộn cả vùng. Bà phi Phú
Sát không dám ngủ, cùng với bọn thị nữ tựa lưng bên cây đèn dầu, thì thào
chuyện vãn. Bên ngoài, lính gác đã báo canh ba. Nỗ Nhĩ Cáp Tề vẫn mê man trong
giấc ngủ say sưa. Phú Sát thị bỗng thấy như mặt đất chuyển động. Nàng lắng tai
nghe thì như có tiếng người chạy, quân đi. Nàng sợ hãi, vội đứng dậy, miệng khẽ
kêu:
- Mau tỉnh dậy! Mau tỉnh dậy!
Quân binh của chín nước hình như đánh tới nơi rồi! Thế mà chàng cứ ngủ hoài
vậy!
Nỗ Nhĩ Cáp Tề choàng tỉnh, nghe
tiếng vợ chỉ cựa mình một cái rồi lại ngáy lên như sấm. Bên ngoài, tiếng vó
ngựa, chân người nghe mỗi lúc một gần. Phú Sát thị lại gọi chồng lần nữa. Nàng
vừa lay vừa nói:
- Chàng sợ hay sao mà không dám
dậy vậy?
Nỗ Nhi vụt mở to mắt, nhìn nàng
cười nói:
- Chính thế! Ta sợ lắm! Bởi
vậy, muốn ngủ mà ngủ chẳng được ngon giấc. Mấy hôm trước, ta nghe nói Diệp Hách
bộ đem binh của chín nước lại đánh ta. Ta chẳng biết khi nào chúng tới đánh.
Nay chúng đã tới rồi thi ta còn có gì phải lo nữa!
Nói xong Nỗ Nhĩ lại nhắm mắt,
quay mình vào trong ngủ lỳ như cũ. Phú Sát thị nghe chồng nói vậy chẳng hiểu ra
sao nhưng lần này không dám gọi tiếp vì sợ Nỗ Nhĩ nổi nóng, nàng chỉ còn biết
lặng lẽ ngồi tựa bên cạnh giường chờ đợi.
Tiếng vó ngựa, chân người nghe
càng rõ hơn, tựa hồ như đoàn quân nào đó đã tới cửa dinh. Nhưng rồi tiếng rầm
rộ đó bỗng nín bặt. Phú Sát thị chẳng hiểu ra sao, lòng nghi hoặc càng làm cho
nàng bối rối muôn phần.
Bỗng ngoài cửa dinh, một tiếng
gầm long trời lở đất nổi lên. Trong nháy mắt, ánh lửa sáng rực trời. Cuộc ác
đấu xảy ra, đao kiếm va nhau chan chát. Phú Sát thị hoảng hồn, hối hả lay
chồng. Nỗ Nhĩ Cáp Tề khoát tay bảo nàng đừng làm rộn. Bên ngoài, tiếng hò hét
chém giết mỗi lúc một lớn hơn, tuy ngồi trong trướng nhưng nàng cảm thấy như
ngồi trong một vùng có động đất, có núi lở, biển sôi.
Hồi lâu sau, tiếng hò hét chém
giết xa dần. Nỗ Nhĩ từ trên giường nhảy xuống đất, vỗ tay cười lớn rồi kéo Phú
Sát thị lại ngồi bên cạnh giường mà bảo nàng:
- Nàng đã thấy kế sách của ta
chưa? Ta vốn biết quân binh của Diệp Hách bộ và chín nước ở trước mặt, có ý
muốn đánh tới cho nhanh. Bởi vậy ta giả bộ bày tiệc cho quân sĩ ăn uống no say
rồi ngủ miết để chúng hí hửng đem quân cướp trại. Kỳ thực rượu của bọn ta uống
đó chỉ là nước trà chứ đâu phải là rượu. Binh sĩ của ta có ai ngủ đâu. Họ đều
nai nịt gọn gàng, cầm binh khí lặng lẽ chực sẵn để phản công đấy chứ! Quả nhiên
quân địch kéo tới cướp trại, không ngoài kế hoạch của ta đã dự liệu. Bốn mặt
quân mai phục của ta đều có. Bất cứ chỗ nào, địch quân cũng không thể nào thoát
được. Chúng đã bị kế mai phục của ta ắt không biết quân ta nhiều ít ra sao, nên
hoảng hồn, bắt buộc phải rút lui qua bên kia sông. Hơn nữa ta còn do thám được
tin quân chủ lực chúng hiện đóng trại suốt dọc sông Hỗn Hà. Bởi vậy ta đã sai
tam đệ lặng lẽ tới Cáp Đạt bộ bảo Mông Cách Bố Lộc mau đem quân đánh tập hậu,
quân Diệp Hách. Đợi khi chúng vượt qua sông Hỗn Hà, ta cùng Lộc tiền hậu giáp
công, phen này Bốc Trại khó thoát được tay ta.
Giữa lúc vợ chồng Nỗ Nhĩ còn
trò chuyện với nhau, bên ngoài tin tức báo vào dồn dập:
- Tiền đội tiên phong đã đánh
qua sông Tô Tử hà.
- Giết quân Diệp Hách được hơn
ba trăm tên, bắt sống hơn năm trăm tên.
- Cướp được lương thảo, binh
khí, lều vải rất nhiều, hiện chất đống ngoài cửa dinh, xin mời Đại bối lặc ra
xem xét.
Lúc đó Nỗ Nhĩ Cáp Tề mới từ từ
đứng dậy, bước ra khỏi trướng, thẩm vấn suốt lượt tất cả bọn tướng sĩ bị bắt
của Diệp Hách bộ. Ông lại đi xem số lương thực vũ khí tịch thu được, xong xuôi
truyền lệnh nhổ trại cho đoàn quân tiến tới bờ phía tây sông Hỗn Hà. Giữa lúc đó,
quân Diệp Hách đang từ từ qua đò sang sông. Nỗ Nhĩ Cáp Tề tức tốc hạ lệnh truy
kích.
Quân Diệp Hách luống cuống, rớt
xuống sông chết chìm không biết bao nhiêu mà kể. Bốc Trại lúc đó đã vượt qua bờ
bên kia. Một cánh quân bỗng từ đâu đánh tới, kéo cao lá cờ Cáp Đạt.
Quân của Trại bị Lộc đánh cho
một trận tơi bời, manh giáp không còn. Bốc Trại thấy mặt trước bị quân Cáp Đạt
chặn đường vội đem một tiểu đội binh sĩ vượt qua thượng lưu, về lại phía cũ.
Nhưng vừa mới lên được bờ, Trại đã gặp ngay một đại đôi người ngựa ùn ùn kéo
tới. Thật là oan gia gặp đường hẹp, kẻ kéo binh tới đó chẳng phải ai xa lạ mà
là Nỗ Nhĩ Cáp Tề. Trại thấy Nỗ hoảng hồn bạt vía, một mình hối hả chạy trốn. Nỗ
Nhĩ đâu có chịu bỏ, cung đơn thương độc mã đuổi theo. Miền đất này vốn có một
khu rừng cây cao rậm. Trại quất ngựa lẩn vào trong các hàng cây, khi chạy qua
đông, lúc chạy sang tây. Nỗ đuổi gấp, không cho Trại rảnh lấy một phút nghỉ
ngơi.
Hai người, một trước một sau,
đuổi nhau vào mãi trong rừng sâu. Trại quay đầu lại thì thấy Nỗ đuổi kịp, đầu
ngựa Nỗ đã bắt kịp đuôi ngựa mình. Trại hoảng hốt bối rối. Một tiếng quát vang
như sấm, Nỗ cầm thương đâm tới. Trại giật mình, biết thế nguy, vội đập mạnh
chân cho ngựa lao nhanh về phía trước, mong lách qua một cây cổ thụ chắn ngang
đường mà lên. Không ngờ cây này có một cành nằm ngang cao bằng đầu người, chìa
ngang qua đường. Trại trong lúc vội vã, không chú ý tới, hơn nữa, ngựa phi lại
nhanh, thế nhào tới quá gấp nên tránh không kịp. Nỗ chỉ kịp nghe một tiếng đốp
tức thì Trại rớt phịch xuống đất như đống thịt. Đáng thương cho Trại, một tay
hảo hán sức mạnh hơn người, thế mà một phút sa cơ, chết thảm!
Giết được Bốc Trại rồi, Nỗ Nhĩ
Cáp Tề thừa thế vượt qua sông, họp binh với Mông Cách Bố Lộc rồi kéo đi thu
phục hết các thành trì của Diệp Hách bộ. Quân binh bảy nước liên minh với Diệp
Hách được tin Bốc Trại tử trận, kẻ nào cũng rụt cổ như rùa, trốn biệt, không
dám xuất đầu lộ diện nữa.
Trong cuộc đại thắng này, công
lao của Mông Cách Bố Lộc thực không nhỏ. Bởi vậy Nỗ Nhĩ Cáp Tề mời Lộc tới dinh,
mở yến tiệc thết đãi. Ông còn bảo Phú Sát cho đoàn thị nữ xinh đẹp hầu rượu
Lộc. Mông Cách Bố Lộc lại hiếu sắc, khi thấy đám giai nhân xinh đẹp, chàng
chẳng khỏi say mê, dần dần cử chi có chiều lả lơi, cuồng phóng. Nỗ Nhĩ Cáp Tề
vẫn không giận Lộc, còn cấp cho Lộc rất nhiều trâu, ngựa, lương thảo rồi đưa
tiễn về nước.
Đến hồi này, binh lực Kiến Châu
đã trở thành cường thịnh, ai cũng phải e sợ kinh nể. Thế mà đối với Nỗ Nhĩ, ông
vẫn chưa hài lòng. Ông thường nghĩ tới các bộ lạc lân cận. Thấy trong số đó có
Ô Lạp bộ là một bộ lạc mạnh tợn hơn cả, Nỗ Nhĩ bèn cho rằng việc tiêu diệt bộ
lạc này để tiếp thông với biển Đông là rất cần.
Tháng giêng năm thứ 35 niên
hiệu Vạn Lịch đời Minh, có Sách Mạc Mặc Hắc tù trưởng bộ lạc Ngoã Nhĩ Khách ở
Đông Hải, sai người tới nói với Nỗ Nhĩ Cáp Tề:
- Bộ lạc tôi vốn ở xa nên đành
phải quy phục bọn Ô Lạp. Bối lặc Ô Lạp tên gọi Bố Chiên Thái ngược đãi bọn tôi
quá tệ! Chúng tôi không còn cách nào hơn là tới xin đẩu hàng Kiến Châu của quý
ngài, chỉ xin quý ngài mau mau phát binh tới giúp đỡ chúng tôi đuổi bọn Ô Lạp.
Nỗ Nhĩ coi lời yêu cầu này là
dịp may nghìn năm một thuở. Ông nhảy lên vì sung sướng, vội điểm đủ quân mã và
cho gọi người em thứ hai Thư Nhĩ Cáp Tề, phong làm tiên phong, đem ba ngàn quân
từ thượng lưu sông Tùng Hoa qua Hắc Giang, vượt Đồ Môn Giang, xuyên qua thành
trại Triều Tiên, đến bờ sông Khánh Nguyên phủ, lại vượt Đồ Môn giang, tiến
thẳng tới thành Phi Du, của bộ lạc Ngoã Nhĩ Khách.
Tin này đồn đi. Bộ chủ Ô Lạp là
Bố Chiêm Thái hay được, liền xuất binh tới Đồ Môn giang, định chẹn hậu Thư Nhĩ
Cáp Tề. Trên đường hành quân, đội tiên phong của Thư Nhĩ bắt được mấy ngàn ngựa
trâu của bách tinh. Tới Thư Thành giang, phải vượt qua đỉnh núi, thấy địch quân
người ngựa rầm rộ kéo tới liền phi báo cho chủ. Thư Nhĩ tức khắc xuất binh khai
chiến. Giữa lúc Bố Chiêm Thái đem toàn binh lực để đối phó địch quân, bỗng ở
phía sau, ba lộ quân mã của Nỗ Nhĩ hùng hổ kéo tới, lộ thứ nhất xông đánh chặn
hậu, lộ thứ nhì vượt qua bãi sông khúc dưới chặn đường rút, còn lộ thứ ba, do chính
Nỗ Nhĩ và con trai tên Đại Thiện đánh thẳng vào trung quân của địch.
Đại Thiện là một bối lặc trẻ
tuổi, dũng cảm hơn người. Bố Chiêm Thái thân xuất mã đối địch với Thiện. Hai
bên đánh nhau bốn, năm mươi hiệp mà không phân cao thấp.
Thái rút lui, để viên mãnh
tướng Trác Đẩu thay thế. Đẩu giao chiến luôn một hơi hơn ba mươi hiệp mà vẫn
không thắng nổi. Thiện tạo một sơ hở để lừa Đẩu. Đẩu không ngờ, tưởng chắc ăn,
vội chập cả hai tay nhè ngang hông Thiện chém vát xuống một đao hết sức lẹ.
Thiện chờ ngọn đao chém tới liền né sang một bên khiến lưỡi đao bị hụt, vút
mạnh vào chỗ không. Thiện liền giục ngựa tiến lên vài bước, một tay nắm chắc
cán đao của Đẩu, tay kia giơ cao cây đao của mình, dùng hết sức bình sinh chém
một nhát, cắt đứt nửa đầu Đẩu.
Quân sĩ của Đẩu thấy chủ tướng
đã bị giết, vội hè nhau bỏ chạy. Mặt sau, trận thế không giữ được vững, cuối
cùng cũng tan vỡ, quân mã chạy có cờ.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề ngồi trên ngựa,
thấy quân mình thắng thế, liền cầm cây cờ vàng nhỏ phất lên. Tức thì đại đội
quân mã như tuyết tan núi lở, rùng rùng truy kích. Giữa lúc đó, một cơn gió lốc
từ đâu cuốn tới, khiến đá cát bay tung, mù mịt cả trời đất. Bố Chiêm Thái hốt
hoảng đem quân vừa đánh vừa lùi. Khốn thay, đường núi thì gồ ghề khó bước, trời
đất lại mù mịt khó nhận ra lối, thành thử quân của Thái dẫm đạp lên nhau mà
chết hoặc té sấp té ngửa xuống đường, què gẫy không biết bao nhiêu mà kể.
Binh Kiến Châu đuổi tới. Bối
lặc Đại Thiện phóng ngựa lên trước, múa tít cây đại đao, khi chạy ngang, lúc
chạy dọc chém người như chém chuối. Chỉ trong chốc lát, Thiện đã hạ đến hơn ba
chục viên tướng, còn quân binh thì vô kể. Một viên quan tải lương vốn là chú
ruột của Thái, tên gọi Xương Chủ Đích, chỉ vì xe lương chậm chạp rớt lại sau bị
Thiện đuổi kịp bắt trói lại. Thiện rút cung tên ra, song chưa kịp bắn bỗng nghe
có tiếng hô lớn từ phía sau: "Tướng kia không được dùng ám tiễn bắn
người", rồi một viên mãnh tướng lao tới cản Thiện. Nhưng Thiện không để
cho kịp trở tay, nhanh như chớp nắm lấy giải mũ của đối thủ rồi thuận tay mặt
cắt luôn đầu y.
Trường ác đấu này khiến Bố
Chiêm Thái tổn thất mất hơn bảy ngàn quân. Thái hốt hoảng chạy trốn, lui mãi về
miền Cát Lâm. Nỗ Nhĩ Cáp Tề đại thắng, ban sư hồi kinh.
Đông tàn. Đầu hạ năm sau Nỗ Nhĩ
Cáp Tề đem theo cậu con trai thứ tám là Hoàng Thái Cực xuất quân đánh phá miền
Cát Lâm để tiêu diệt Ô Lạp quốc. Bố Chiêm Thái được tin, hoảng hồn bạt vía, vội
vàng đích thân đem mấy tên tuỳ tùng, đi thuyền qua sông Phục Nhĩ Cáp để cầu
hoà. Nỗ Nhĩ Cáp Tề không cho, kéo rốc đại binh tới Ô Lạp, phá tan thành trì,
chém giết thả cửa luôn năm ngày, đến nỗi dân trong thành gần như không còn ai.
Bố Chiêm Thái đại bại, vội trốn qua Diệp Hách bộ mất dạng…
Nguồn: http://vnthuquan.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét