Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

30 thg 11, 2013

Công Nữ Ngọc Vạn - Ngô Viết Trọng - Chương 24-HẾT

Chương 24:

Bấy giờ ở Đại Việt doanh đã có ít nhiều thay đổi. Ông Đoàn Phụng được chúa Nguyễn cử làm đặc sứ thay thế ông Nguyễn Hữu Luân hồi hương dưỡng già. Phó tướng Lê Sáng thì dời về đóng ở Prey Kor để chỉ huy một đạo binh Đại Việt mới thành lập. Đạo binh này có nhiệm vụ bảo vệ đồng bào Đại Việt khi hữu sự cũng như sẵn sàng trợ giúp triều đình Chân Lạp đánh dẹp giặc giã.


 Một hôm, có một người Việt xin vào ra mắt tướng quân Lê Sáng. Khi giáp mặt, Lê Sáng thấy mặt quen quen, ông hỏi:

 - Hình như bản chức đã gặp ông ở đâu rồi nhỉ?

 - Thưa vâng, tôi là Nguyễn Bật, đã gặp tướng quân vài lần rồi. Tôi chính là người trong nhóm tráng sĩ đã từng gặp tướng quân trong thời kỳ đánh giặc Xiêm xâm lấn biên giới Chân Lạp.

 - Ồ, bản chức nhớ rồi! Vậy hôm nay tráng sĩ đến đây chắc có gì dạy bảo bản chức?

 - Không dám, tôi đến đây gặp tướng quân vì vấn đề quốc sự Đại Việt ta.

 - Tráng sĩ cứ nói!

 - Thưa, như tướng quân thấy đó, vua Chau Ponhea Nou của Chân Lạp còn non trẻ, quan phụ chánh Outey thì tài năng tầm thường quá, thế lực thân Việt ngày càng sa sút trong khi các thế lực Chân Lạp chủ trương chính sách dân tộc cực đoan ngày càng phát triển. Bọn tay sai người Xiêm cũng lợi dụng cơ hội đang bành trướng mạnh. Do đó, tình hình an ninh của những nhân vật thân Việt trọng yếu bị đe dọa thường trực. Mà bản lãnh những tên thân Xiêm như Tống Căn chắc tướng quân đã biết, nó có tài xuất quỉ nhập thần khó mà lường được. Tướng quân giờ lại ở quá xa kinh thành đâu có thể trở tay kịp khi hữu sự! Nếu những nhân vật trọng yếu này có mệnh hệ nào, chính sách thân Việt của Chân Lạp có thể bị sụp đổ. Lúc đó công việc chúng ta sẽ trở thành gian nan hơn. Vì thế, tôi buộc phải đến gặp tướng quân, xin tiến cử hai người bạn đủ sức đối địch với bọn Tống Căn. Nhờ tướng quân tính liệu thu xếp thế nào cho họ được chính thức làm việc ở kinh thành để tiện bảo vệ thái hậu, nhà vua và cả quan phụ chánh Outey. Đây là một vấn đề cần sự tế nhị, hoàn toàn trông vào sự khéo léo của tướng quân...

 Tướng quân Lê Sáng nghe chàng tráng sĩ nói như thế thì nét mặt rạng rỡ lên:

 - Ồ, thế thì còn gì hay hơn! Quan phụ chánh Outey mới than phiền không có đủ người tài để chống chọi với bọn khủng bố. Mình đưa người giúp ông ta đúng lúc thế này ông ta sẽ hoan nghênh biết chừng nào!

 - Như vậy là không có gì trở ngại, vài ngày nữa hai người bạn chúng tôi sẽ đến gặp tướng quân nhé!

 Tướng quân Lê Sáng lại nói:

 - Vâng, bản chức chờ hai vị ấy đến. Mà này, vị tráng sĩ cao lớn gởi đã phong thư cho thái hậu ở chùa Diệu Quang hiện giờ ở đâu? Vị ấy có hẹn đến bái kiến thái hậu mà sao lại không đến? Thái hậu hỏi nhiều lần nhưng bản chức đâu biết gì mà trả lời! Xin tráng sĩ chuyển lời này đến vị ấy nhé!

 - Thưa vâng, ông ấy đang bận nhiều công việc.

 - À, bản chức xin đề nghị thêm thế này tráng sĩ xem có được không nhé! Ngoài hai vị sẽ đến làm việc ở kinh thành để bảo vệ các yếu nhân ra, chúng tôi xin mời tất cả quí vị khác cùng đến đây ở luôn thể. Khi có gì cần, mình có thể cùng bàn bạc với nhau mà làm. Chúng tôi sẽ dành nhiều tiện nghi cho quí vị mà không can dự gì tới việc làm của quí vị, quí vị vui lòng chăng?

 - Cám ơn tướng quân có hảo ý như vậy. Tiếc rằng, chúng tôi có nhiệm vụ riêng không tiện ở một chỗ. Nhưng hi vọng từ giờ này, chúng ta có thể thường gặp nhau hơn.


***


 Đúng như tướng Lê Sáng nói, khi ông trình việc xin biệt phái hai võ sư để giúp đỡ triều đình Chân Lạp bảo vệ kinh thành, hoàng thân Outey liền chấp thuận ngay.

 Từ lâu, quan phụ chánh đã rối đầu vì các thế lực trong bóng tối. Họ là ai thật khó mà dò. Chính họ có thể là những người đang cộng tác mật thiết với ông, ngày ngày làm việc bên cạnh ông! Như  Mông Cun, Nặc Xạ Năng chẳng hạn. Trước đây ông có bao giờ nghĩ rằng họ có thể thành kẻ thù của ông đâu? Bây giờ thì dưới mắt ông, chung quanh ông, bất cứ người nào cũng có thể thành kẻ thù của ông hết. Với các sắc dân khác, ông chỉ còn tạm tin được người Việt vì người Việt cũng là mục tiêu mà các thế lực trong bóng tối đang nhắm vào. Tình thế hiện tại buộc ông và người Việt phải liên minh chặt chẽ với nhau để chống lại kẻ thù chung.

 Thế là hai tráng sĩ Phạm Cống, Phạm Quyền được chính thức trở thành những võ tướng bảo vệ kinh thành Oudong.

 Với sự trợ giúp đắc lực của hai vị võ tướng người Việt này, quan phụ chánh Outey dần lấy lại được niềm tin. Ông cho lập những đội kỵ binh ngày đêm tuần hành trên các nẻo đường trọng yếu để ngừa kẻ gian xâm nhập. Mặt khác, ông cố dùng chức tước, tiền bạc mua chuộc những kẻ có tài, có thế để lôi kéo họ về làm vây cánh mình. Những nỗ lực ấy xem ra không phải là thượng sách, dù vậy, một thời gian sau tình hình cũng có phần lắng dịu.

 Mặc dầu trong dân gian vẫn xôn xao đồn đãi nọ kia nhưng triều đình vua Chau Ponhea Nou vẫn duy trì được một chính sách "liên Việt" hữu hiệu, kéo dài thêm nhiều năm thanh bình cho xứ sở Chân Lạp. Người Việt vẫn lớp lớp tiếp tục di cư sang Chân Lạp làm ăn trong khi người Xiêm vẫn phải đứng ngoài rìa để hậm hực nhìn vào.

 Chương 25:

Đến năm Canh Thìn, một biến cố trọng đại nữa lại xảy ra.

 Ngày ấy vua Chau Ponhea Nou cảm thấy trong người khó chịu, ngài cho đòi quan ngự y Kao Lao vào coi mạch hốt thuốc. Kao Lao vẫn là thầy thuốc có danh, được tuyển vào chữa bệnh trong cung từ lâu. Sau khi xem mạch vua, Kao Lao hốt thuốc rồi tự sắc một chén mang vào cung. Như lệ thường, chén thuốc được rót một phần cho một viên thị thần nếm kiểm tra trước khi dâng cho vua uống. Đó là cách để đề phòng sự đầu độc nhà vua. Sau khi viên thị thần nếm thuốc một chốc vẫn không hề hấn gì, Kao Lao bèn bưng thuốc dâng vua. Nào ngờ, vừa hớp một hớp, vua Nou đã thấy khó chịu dội người muốn nhổ ra ngay. Nhưng Kao Lao đã dùng sức mạnh giữ nhà vua, ấn miệng chén vào miệng ngài bắt uống. Thuốc đổ tràn cả vào mặt vào mũi nhà vua. Bọn thị thần hoảng hốt  xúm lại cứu gỡ nhưng nhà vua đã dẫy đành đạch mấy cái, hộc máu ra mà chết.

 Bọn thị thần giận điên lên, đè Kao Lao mà đấm đá tới tấp. Kao Lao không kháng cự mà chỉ kêu lên:

 - Hỡi đấng Allah tối thượng, con đã làm được một việc tốt!

 Liền đó, Kao Lao cũng hộc máu mà chết. Thì ra hắn cũng đã tự uống thuốc độc để tránh hình phạt sau khi hạ sát vua Chau Ponhea Nou. 

 Vua Chau Ponhea Nou mất lúc mới mười bảy tuổi, chưa có con nối dõi.

 Cũng như những lần trước, lần này triều đình cũng chẳng tìm ra được chút manh mối nào của vụ án.

 Thế là thái hậu Ngọc Vạn có hai người con đều làm vua và đều chết bất đắc kỳ tử lúc còn rất trẻ. Bà đau đớn bỏ ăn bỏ ngủ cả một thời gian dài khiến thân xác bà tiều tụy trông khác hẳn trước kia. Bà thường than thở:

 "Trời phạt ta! Chính vì ta đã lừa chồng, phản con nên trời tước đoạt cả chồng lẫn con của ta! Trời đã đọa ta vào cõi cô đơn tuyệt đối! Quả thật nhân nào quả nấy không cách gì thoát được!"


***


 Lúc bấy giờ ông hoàng cuối cùng của vua Chey Chetta II là Chan, theo truyền thống là người sẽ được lên kế vị. Chan có mẹ là hoàng hậu Pha Luông, người Lào, lấy vợ người Mã Lai. Chan mới bỏ đạo Phật để theo đạo Hồi, đạo của vợ ông ta. Vì thế, thái hậu Ngọc Vạn ghét ông hoàng này lắm. Khi hoàng thân phụ chánh Outey tâu trình việc tôn Chan lên ngôi thì thái hậu nói:

 - Đưa nó lên ngôi, nó sẽ biến cả nước Chân Lạp này thành Hồi giáo hết. Khanh hãy thanh toán nó đi để trừ hậu hoạn và lập một người con nào của khanh lên ngôi cũng được!

 Quan phụ chánh tâu:

 - Bẩm thái hậu, việc này khó lắm. Hoàng thượng vừa bị sát hại chưa tìm được kẻ chủ mưu, bây giờ thần lại giết người dự bị kế vị để giành ngôi báu cho con mình thì thần làm sao mà tránh được búa rìu dư luận? Thiên hạ có thể nghĩ thần đã mưu sát hoàng thượng cũng nên. Thật tình thần không dám tuân mệnh!

 Thái hậu nói:

 - Khanh có nhớ tên sát nhân trước khi chết nó nói gì không? Nó kêu thánh Allah mà khoe đã làm được một việc tốt, vậy nó là đồng đạo của Chan chứ còn gì nữa? Dù không nắm được bằng chứng, ta vẫn đoán ra được ai là kẻ chủ mưu giết hại con ta. Giờ đây ta vẫn còn là quốc mẫu của nước này, ta không muốn ngai vàng nước này lọt vào tay một tên mà ta nghĩ là kẻ thù! Nếu khanh ngại không chọn đứa con nào của mình lên kế vị, ta sẽ chọn một người khác vậy!

 Dù Outey chất phác, trung hậu chi mấy nhưng vẫn là người trần, làm sao khỏi có lòng tham cho được! Cái ngai vàng lồ lộ trước mắt mấy ai dễ gì ngó ngơ? Bản thân ông cũng chẳng yêu mến gì Chan nhưng ông sợ tai tiếng, sợ bị nghi ngờ có chủ tâm soán đoạt. Người ông sợ nhất là thái hậu Ngọc Vạn, nhưng bây giờ, chính thái hậu lại vạch đường mở lối cho ông, lẽ nào ông lại không theo?

 - Bẩm thái hậu, Chan chưa rõ tội trạng thì lấy cớ gì mà giết được? Hay là ta cứ nêu ra nghi vấn rồi giáng hắn xuống làm thứ dân là đủ rồi. Không có quyền lực trong tay hắn còn làm gì được mà ngại!

 Thái hậu nghiêm giọng nói:

 - Khanh cầm quyền chính một nước mà không quyết đoán được à? Nó không có tội thì làm cho nó có tội khó gì! Một ngày tha giặc sẽ ôm mối lo nhiều đời. Ta nói giúp ý vậy thôi, còn tùy khanh.

 Hoàng thân Outey suy nghĩ chốc lát rồi nói:

 - Tâu thái hậu, thần nghĩ cứ giáng hắn xuống làm thứ dân thì còn ai dám theo hắn nữa mà lo! Thần sẽ cho người giám sát chặt chẽ hắn! 

 Thái hậu lắc đầu nói:

 - Ta sợ cái tính nhu nhược đàn bà của ông quá! 

 Thế rồi hoàng thân Outey một mặt tổ chức tang lễ một mặt tuyên bố chiếu chỉ của thái hậu Ngọc Vạn, vì nghi vấn hoàng tử Chan nhúng tay vào vụ thí nghịch, phế xuống làm thứ dân.

 Các quan trong triều phần nhiều không có ý kiến đối với việc này. Chỉ có một số ít thầm thì nghi ngờ đây là một thủ đoạn soán ngôi của cha con hoàng thân Outey. Họ đòi phải xét lại nghi vấn về kẻ chủ mưu ấy.

 Sau cùng, thái hậu Ngọc Vạn lại ra chiếu chỉ chọn người con của hoàng thân Outey là Ang Non lên kế vị tức là vua Ang Non I. Hoàng thân Outey được tôn làm Thái thượng hoàng, tiếp tục giữ vai trò phụ chánh. Thế là chính quyền mới của Chân Lạp vẫn tiếp tục giữ lập trường thân Việt.


***


 Hoàng tử Chan sau khi bị giáng xuống làm thứ dân thì sợ hãi dắt vợ con bỏ đi mất tích. Thái thượng hoàng Outey và vua Ang Non I đều chủ quan, không màng để ý đến chuyện đó. Nhưng ngược lại thái hậu Ngọc Vạn lại đâm ra lo lắng vô cùng. Bà trách Thái thượng hoàng Outey:

 - Thái thượng hoàng đã tự gieo mầm họa cho mình rồi đó! Ta đã nói phải thanh toán y đi mà không chịu nghe. Bây giờ y đã bỏ trốn tất thế nào cũng có ngày trở về để gây họa lớn. Triều đình chắc chắn sẽ gặp khó khăn với nó!

 Thái thượng hoàng Outey nói:

 - Thái hậu yên tâm, tôi sẽ cho tìm bắt nó về xử tội.  

 Nhưng để củng cố quyền lực, Outey chỉ biết tăng cường binh bị, xây thêm công sự phòng thủ mà không hề biết tìm cách vỗ về lòng người. Chi phí về binh bị gia tăng thì thuế má cũng phải tăng theo. Thành phần nhân sự nòng cốt để làm ra của cải vật chất trong dân chúng đa số bị trưng ra lính hoặc bị trưng làm sưu dịch nên mọi việc đều ứ đọng. Nền kinh tế xã hội Chân Lạp mỗi ngày một sa sút. Do đó, lòng dân càng thêm bất mãn với chính quyền. Người người lại trông ngóng một sự đổi thay.

Chương 26:

  Đúng như  điều mà thái hậu Ngọc Vạn lo lắng, hoàng tử Chan nhân lúc tình hình lộn xộn đã ráo riết vận động tổ chức một cuộc nổi loạn. 

 Bên trong Chan lôi kéo những dân chúng bất mãn với triều đình làm hậu thuẫn, bên ngoài được nước Xiêm hà hơi tiếp sức, Chan lại khéo khai thác được lòng kỳ thị người Việt của các sắc tộc dị chủng như Chàm, Mã Lai, Lào..., thế lực ông lớn lên như diều gặp gió. 

 Thế là năm Nhâm Ngọ, Chan phất cờ nổi dậy.

 Với danh nghĩa là con lớn của vị vua chính thống Chey Chetta II, Chan đã dễ dàng chiếm được ưu thế trong lòng dân so với vua Ang Non I. Quan lại trong triều nhiều người thấy gió đã xoay chiều, cũng trở mặt hùa theo Chan. Trong số đó có cả hoàng thân Nặc Nậu và tướng Thạch Đậu Nậu. 

 Với khí thế "nhất hô bá ứng", Chan rầm rộ tiến quân về Oudong. Không bao lâu, quân nổi loạn vây chặt, uy hiếp toàn bộ kinh thành. Thấy tình thế nguy ngập, hai tướng Đại Việt chia nhau Phạm Cống thì dẫn quân bảo vệ cung thái hậu Ngọc Vạn, Phạm Quyền thì tăng cường bảo vệ Đại Việt doanh. Quân đội của triều đình dưới quyền chỉ huy của Thái thượng hoàng Outey quá hoảng sợ đã tan rã một cách nhanh chóng. Thái thượng hoàng Outey than thở:

 - Rất tiếc ta không nghe lời thái hậu Ngọc Vạn mới nên nỗi này! Có hối hận cũng không kịp nữa! 

 Thế rồi Outey tập trung số thuộc hạ trung thành còn sót lại liều chết mở một cuộc xung kích với hi vọng thoát khỏi trùng vây. Nhưng quân nổi loạn bấy giờ đông như kiến cỏ, đội quân xung kích của Outey không làm gì nổi, lần lượt ngã gục hết. 

 Cuối cùng, quân nổi loạn tiến vào hoàng cung, tàn sát cả Thái thượng hoàng Outey lẫn vua Ang Non I.

 Thừa thắng, quân nổi loạn lại còn định tiến vào cung thái hậu Ngọc Vạn để dứt điểm luôn. Một đạo binh khác kéo đến vây kín Đại Việt doanh. Nhưng thấy hai nơi này do hai tướng Phạm Cống, Phạm Quyền phòng thủ cẩn mật nên chúng chưa dám tấn công.

 Lâu nay dân Chân Lạp vẫn đồn đãi với nhau là người Việt có thần giúp sức, lại qua mấy trận đụng độ với người Xiêm trước đây, người Việt lúc nào cũng chiến thắng quá dễ dàng nên nhiều người Chân Lạp càng tin chuyện ấy. Vì lẽ đó, khi đối mặt với lính Việt, lính Chân Lạp cảm thấy bị khớp, tỏ ra ngần ngại. Nhờ thế, cung thất thái hậu và Đại Việt doanh chưa bị xâm phạm. 

 Chan thấy như vậy bèn hỏi mọi người:

 - Cung thái hậu Ngọc Vạn và Đại Việt doanh có tướng giỏi binh hùng giữ chắc quá nếu bao vây lâu ngày thì tốn sức, ta định phóng hỏa đốt quách có nên không?

 Hoàng thân Nặc Nậu nói:

 - Theo tôi nghĩ, điện hạ không nên sát hại thái hậu, đó là một việc tối kỵ. Nếu thái hậu Ngọc Vạn mà bị giết, tôi tin chắc chỉ hôm sau là quân Đại Việt sẽ tràn sang Chân Lạp, điện hạ liệu có chống nổi không?

 Chan giật mình:

 - Thế bây giờ theo hoàng thân thì nên tính thế nào?

 Hoàng thân Nặc Nậu nói:

 - Điện hạ nên cho người làm sớ dâng lên thái hậu xin lỗi về việc đã làm kinh động ngài. Điện hạ hãy trình rằng điện hạ bao giờ cũng coi thái hậu là bà mẹ kính yêu. Việc đáng tiếc vừa xảy ra chẳng qua là trong lúc hỗn loạn không kềm chế quân lính kịp chứ không dám cố ý xâm phạm cung thất thái hậu. Đồng thời điện hạ trình bày vì lý do bị cha con Outey cướp ngôi buộc lòng phải nổi dậy giành lại quyền vị của mình. Nói thế thì thái hậu sẽ không có lý do để khiển trách điện hạ. Việc giết cha con Outey chỉ là vấn đề tranh chấp nội bộ, không đụng chạm tới quyền lợi người Việt, tất phía Đại Việt không có lý do để gây hấn. Phải làm như thế thì ngôi vị điện hạ mới có thể vững vàng, không đến nỗi phải cầu cạnh người Xiêm để cho họ tìm cách lợi dụng.

 Chan nghe qua mừng lắm, nói:

 - Nếu không có hoàng thân dạy cho, ta lầm lỡ mất!

 Thế là Chan hạ lệnh giải tỏa vòng vây ở cung thái hậu cũng như ở Đại Việt doanh. Chan lại cho người viết sớ để dâng lên thái hậu trình bày như  ý hoàng thân Nặc Nậu đã vạch ra cho ông.

 Thái hậu Ngọc Vạn đứng trước tình huống ấy, đành xuống chiếu cho triều đình lập Chan lên làm vua Chân Lạp (1642-1659).

 Chau Ponhea Chan lên ngôi xong, ông lập người vợ Mã Lai lên làm hoàng hậu. Cả vua lẫn hoàng hậu đều theo đạo Hồi nên dưới triều đại Chau Ponhea Chan, đạo Hồi có cơ hội phát triển mạnh mẽ nhất ở trên đất Chân Lạp. Cũng từ đó, người Việt trên đất Chân Lạp không còn được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi như trước. 



 Thái hậu Ngọc Vạn tuy vẫn được ưu đãi, tôn trọng nhưng tuyệt nhiên không hề được dự bàn đến việc triều đình. Để giải sầu, bà hay tìm đến các chùa chiền ở kinh thành Oudong để dâng hương lễ Phật. Dù rất ghét ông vua con ghẻ Chau Ponhea Chan thái hậu cũng không biết làm sao hơn là chờ đợi sự can thiệp của chúa Nguyễn. Nhưng thời gian ấy, chúa Nguyễn lại liên miên lo việc đánh nhau với quân Trịnh làm sao có thể rảnh để nghĩ đến việc phương Nam! Thành thử những năm tháng dài đằng đẳng ấy, thái hậu đã phải sống như một người bị quản thúc. 

 Đối với thái hậu, cung vàng điện ngọc rộng lớn bấy giờ chỉ làm tăng thêm cái không khí lạnh lẽo, cô quạnh chung quanh bà. Bà không còn con cái, không có thân thích, không bằng hữu, thậm chí không một người đày tớ có chút ít khả năng hiểu bà để bà có thể giải bày tâm sự. Nhiều lần thái hậu hối hận tại sao mình không quyết tâm thêm chút nữa để ở luôn tại chùa Diệu Quang! Sau khi bỏ chùa mà trở lại kinh thành bà đâu còn làm được việc gì ngoài việc chứng kiến thêm những cảnh sóng gió đổi đời đầy máu và nước mắt? Phải, trời phạt ta bị tuyệt tự vì chính ta có ác tâm muốn chiếm đoạt cơ nghiệp của các con ta! Còn chàng, tại sao lại viết thư hứa hẹn suôn sẻ bái kiến ta làm gì? Chính lá thư đó đã làm ta mất lập trường để bây giờ phải sống những ngày như hôm nay! Không, không phải lỗi ở chàng đâu! Chính ta lỗi thề với chàng trước! Tới giờ chàng vẫn trôi nổi vô định trong bể đời vì ai nếu không phải vì ta? Những ý nghĩ đó cứ lẩn quẩn trong đầu óc thái hậu, cứ dằn vặt bà triền miên. Những cơn ác mộng liên hệ tới chồng bà, tới các con bà, cứ liên tiếp quấy phá với bà. Nhiều khi bà còn mộng thấy hoàng hậu Pha Luông trở thành quốc mẫu, lợi dụng quyền thế để hành hạ, đọa đày bà trăm chiều. Một thời gian sau bà trở nên sợ hãi bóng tối, sợ hãi đêm đen. Vì thế, đêm nào bà cũng phải cho thắp đèn nến sáng rực trong cung thất, lâu dần thành lệ. Phải nói là từ đó, thái hậu Ngọc Vạn không bao giờ còn được một giấc ngủ yên, một bữa ăn ngon! Bao nhiêu đêm bà ôm gối khóc thầm, thân xác bà mỗi ngày một khô héo...

 Đến năm Mậu Tuất (1658), hai người con khác của hoàng thân Outey là So và Ang Tan dấy binh đánh lại Chau Ponhea Chan. Nhưng vì thiếu hậu thuẫn nên cuộc nổi dậy đã bị Chau Ponhea Chan bẻ gẫy dễ dàng. So cùng Ang Tan phải chạy đến xin thái hậu Ngọc Vạn che chở. Thái hậu Ngọc Vạn gọi hai người lại khuyên:

 - Các ngươi đến nương nhờ ta, lẽ nào ta lại không vì tình mà che chở! Nhưng không lý các ngươi cứ phải sống lén lút hoài? Chi bằng, hãy lén sang Đại Việt cầu cứu với chúa Nguyễn, chắc chắn chúa Nguyễn sẽ đưa quân sang giúp các ngươi, như vậy địa vị vương hầu của các ngươi đâu có mất! Ta sẽ giúp các ngươi một phong thư, các ngươi cứ nghe ta thì sẽ gặp chuyện sẽ tốt lành. 

 Thế là anh em So cùng Ang Tan mang bức thư giới thiệu của thái hậu, bí mật trốn sang Thuận Hóa. 

 Bấy giờ ở Thuận Hóa chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần lên ngôi đã được  mười năm. Lúc ấy phần đất còn lại của Chiêm Thành đã bị Việt hóa gần hết. Ranh giới Đại Việt đã có phần nối tới Chân Lạp.

 Đọc được thư người cô ruột  (thái hậu Ngọc Vạn) gởi, chúa Hiền mừng khôn xiết. Chúa liền cho triệu So và Ang Tan vào an ủi cùng hỏi han tình hình rất kỹ càng. 

 Sau khi nắm vững tình thế nước Chân Lạp, chúa ra lệnh cho phó tướng dinh Phú Yên là Nguyễn Phúc Yến cùng với cai đội Xuân Thắng, tham mưu Minh Lộc kéo 3.000 quân sang đánh thành Hưng Phước (Mỗi Xuy) của Chân Lạp. Vua Chau Ponhea Chan được tin liền đem binh đến cứu. Nhưng quân Chân Lạp gặp quân Đại Việt thì y như gà gặp rắn, dáo dác hoảng sợ mà thua nhanh chóng ở cả hai mặt thủy lẫn bộ. Người con út của Outey là Ang Em theo phe Chau Ponhea Chan bị giết trong trận thủy chiến ở Bà Rịa. Chau Ponhea Chan bị quân Nguyễn bắt nhốt vào cũi đem về Quảng Bình, nơi chúa Hiền đang đóng để xem xét việc binh ở mặt Bắc. Chúa Hiền bèn hội các quan lại hỏi:

 - Vua Chân Lạp là Chau Ponhea Chan đã bị ta bắt, các khanh thử nghĩ bây giờ ta nên xử trí như thế nào?

 Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến hỏi lại:

 - Bây giờ chúa thượng có ý định chiếm giữ lấy nước Chân Lạp luôn không?

 Chúa Hiền cười:

 - Sao lại không? Nhưng lúc này ta lấy sức đâu mà chiếm giữ! Ta định ủng hộ So về làm vua Chân Lạp với điều kiện cắt dâng ta một ít đất đai và dành những ưu đãi đặc biệt cho dân Đại Việt thôi. Thế có được không?

 Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến nói:

 - Chúa nghĩ như vậy là rất phải, mình phải bước từng bước thật vững chắc. Chứ bây giờ mà ôm lam hết thì phải chia lực lượng để giữ gìn an ninh trật tự ở đó, tất phải sẵn sàng đối địch với quân Xiêm nữa, lỡ giặc Trịnh lại vào đánh, hai mặt thọ địch ta chịu sao nổi!

 Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật thưa:

 - Theo thần nghĩ, Chau Ponhea Chan dù sao cũng là dòng vua chính thống, còn So và Ang Tan chỉ là anh em với tiếm vương. Nếu mình vì tiếm vương mà diệt dòng chính thống e rằng không được chính nghĩa sợ dân Chân Lạp không phục. Dân không phục tất dễ nẩy sinh mầm loạn, như vậy là ta phải bận tâm việc chi viện quân sự lôi thôi. Tốt hơn hết, chúa nên vỗ về Chau Ponhea Chan rồi trả y về ngôi cũ. Đồng thời ta nên cho anh em So làm phó vương để chia bớt quyền lực. Như vậy cả hai phe đều cám ơn ta mà dân Chân Lạp cũng không oán ta được. Vậy là ta cứ việc ngồi không từ từ tùy cơ mà thu lượm thành quả Nam Tiến. Mặt khác, ta vẫn rảnh tay để sẵn sàng đối địch với giặc Trịnh bất cứ lúc nào.

 Chúa Hiền khen:

 - Ý kiến thật tuyệt diệu! Vậy, các khanh hãy giúp ta khuyến giáo Chau Ponhea Chan rồi cho hắn về nước!

 Thế rồi chúa sai các tướng lần lượt đến thăm Chau Ponhea Chan, ân cần nói chuyện  phân tích điều hay lẽ phải cho y nghe. Sau cùng, chúa mới sai người đưa Chau Ponhea Chan đến gặp mình. 

 Chau Ponhea Chan thấy mặt chúa Hiền thì quì xuống xin tha tội. Chúa ôn tồn nói:

 - Anh em So và Ang Tan tố cáo ngươi giết vua soán ngôi, lại chỉ biết củng cố quyền lực mà không biết lo cơm no áo ấm cho dân, vì thế ta phải đem binh bắt tội. Tội ngươi đáng lý phải giết đi mới phải. Nhưng nể tình cô dượng ta, ta coi ngươi như con cô ta vậy, nên ta tha cho ngươi về giữ lại ngôi báu với vài điều kiện nhỏ, ngươi bằng lòng không?

 Chau Ponhea Chan lạy thưa:

 - Bẩm ông chúa đã tha mạng mà cho tôi phục quốc thì ông chúa dạy gì tôi cũng xin vâng hết!

 Chúa Hiền nói:

 - Ngươi biết vậy là tốt. Trước hết, ta muốn anh em ngươi hòa thuận với nhau. Ngươi tuy trở về ngôi cũ nhưng ngươi phải chấp nhận để So làm phó vương để cùng tham dự việc nước với ngươi. Thứ nữa, ta muốn ngươi dành mọi sự dễ dãi cho người Đại Việt sang Chân Lạp làm ăn, phải che chở giúp đỡ họ những khi họ gặp khó khăn. Những điều kiện đó chắc không khó lắm chứ?

 Chau Ponhea Chan thưa:

 - Bẩm ông chúa, tôi xin vâng theo những lời ông chúa dạy bảo!

 Thế là chúa Hiền sai người đưa cả ba anh em vua Chân Lạp về nước. Chau Ponhea Chan vẫn đóng ở Oudong, phó vương So thì đóng ở Mỗi Xuy. Cũng dịp này, chúa Hiền cũng gởi theo một số tù binh bắt được của họ Trịnh trong trận chiến Ất Mùi để họ sang Chân Lạp khai khẩn đất hoang làm ăn.

 Năm Kỷ Hợi, Chau Ponhea Chan lâm bệnh nặng mà qua đời. Chúa Hiền bèn phong cho So chính thức làm vua Chân Lạp, lấy hiệu Batom Reachea. 

 Để lấy lòng chúa Nguyễn, vua Batom Rechea tỏ ra ưu đãi di dân người Việt hơn bao giờ hết. Thế là bao nhiêu người Việt gặp khó khăn vì chiến tranh như dân, binh của Đàng-Ngoài bị bắt , những người bị nghi ngờ làm gián điệp tay sai cho Đàng-Ngoài đều được đưa sang Chân Lạp. Đây cũng là cơ hội hiếm có nên đến đâu họ cũng ra sức cần cù làm ăn để lập lại cuộc đời đến đó. Không bao lâu sau, các nơi họ đến làm ăn đều trở nên những khu vực kinh tế trù phú. Người Chân Lạp và các thổ dân địa phương kẻ dễ tính thì hòa nhập với di dân, kẻ kỳ thị văn hóa Việt thì âm thầm bỏ đi nơi khác, không hề có sự tranh giành, ngăn trở...

Chương 27: 

  Cuối năm Tân Hợi, thái hậu Ngọc Vạn lâm bệnh nặng. Được tin này, chúa Nguyễn bèn cử một sứ bộ đến Oudong để vấn an. Chánh sứ là thế tử Nguyễn Phúc Diễn, tước Thiếu Sư quận công, cháu gọi thái hậu Ngọc Vạn bằng "mụ cô bà". Người phụ tá thế tử là An Quốc hầu  Trần Đình Phẩm. 

 Sau khi yết kiến quốc vương, hai vị chánh phó sứ với tư cách là người thân, đại diện cho chúa Nguyễn, xin vào vấn an thái hậu. 

 Lúc bấy giờ thái hậu Ngọc Vạn bệnh nằm liệt giường đã gần ba tháng, khi tỉnh khi mê, hàng ngày người hầu phải đổ từng muỗng sâm cho bà. Mỗi khi các hoàng thân, quốc thích đến vấn an, bà cũng chỉ biết đưa mắt yếu ớt nhìn chứ không nói năng gì được. 

 Hai vị đặc sứ của Đại Việt được một viên thái giám dẫn vào cung thái hậu. Họ cung kính chắp tay đứng chờ đợi bên ngoài tấm rèm treo trước giường. Một nàng thị nữ bước vào rón rén vén rèm lên thưa:

 - Muôn tâu, có sứ thần Đại Việt đến xin vào vấn an thái hậu!

 Thái hậu mở mắt rồi chợt cất giọng thì thào:

 - Ai? Ai mới nói gì?

 Mọi người đều ngạc nhiên mừng rỡ vì cả tháng rồi thái hậu mới nói được trở lại. Thị nữ thưa lại:

 - Bẩm thái hậu, có sứ thần Đại Việt đến vấn an thái hậu!

 Thái hậu nhướng mắt lên, thì thào hỏi:

 - Sứ thần Đại Việt? Có những ai? Hãy cho họ vào!

 Rồi thái hậu ra hiệu cho thị nữ đỡ mình ngồi dậy.

 Hai vị đặc sứ được dẫn vào trước mặt thái hậu. Họ cùng quì lạy và thưa:

 - Chúng thần là thế tử Thiếu Sư quận công Nguyễn Phúc Diễn, An Quốc hầu Trần Đình Phẩm kính lạy chúc thái hậu sớm bình phục sức khỏe!

 Thái hậu có vẻ xúc động, vẫy tay và cất giọng yếu ớt:

 - Thế tử Diễn đấy à? Có thật là thế tử Diễn không? Tại sao cháu không lại đây với "mụ"? Hãy lại đây nào!

 Thế tử Diễn tiến lại quì gần thái hậu, bà với tay xoa đầu thế tử rồi kéo lên cho ngồi bên mình. Thế tử Diễn trân trọng nâng tay thái hậu lên môi hôn rồi ké né ngồi một bên mép chiếu. Thái hậu với giọng hổn hển vỗ về:

 - Cháu ngoan của mụ, cháu đi xa xôi đến đây có mệt lắm không? Không ngờ mụ cháu mình lại được gặp nhau thế này, mụ thỏa nguyện lắm!

 Hai bà cháu đều xúc động rơi nước mắt. Thái hậu có vẻ mệt, bà yên lặng đưa tay xoa đầu, xoa vai, xoa lưng thế tử Diễn một hồi như cố tìm những cảm giác thân yêu...

 - Cha mẹ cháu có khỏe không? Mụ biết cha cháu làm việc cực nhọc lắm mà! Đời cha cháu cứ chiến tranh liên miên làm sao mà sướng được! Nhưng cha cháu là một vị vua anh hùng và cháu cũng sẽ là một vị vua anh hùng...

 Thái hậu vít đầu thế tử lại gần, chậm rãi nói:

 - Đời ta sống được chừng này là tốt lắm rồi. Đối với tổ quốc Đại Việt, ta đã phục vụ hết mình như cháu đã biết đó. Nhiều lúc ta hãnh diện rằng ta đã dọn quang một con đường cho dân tộc ta tiến tới. Nhưng xét lại, trong khi ta có công lớn với một dân tộc thì ta lại có tội lớn với một dân tộc khác. Việc này nhiều lúc đã làm cho ta ray rứt, khổ sở ghê gớm, ta không sao tránh khỏi mặc cảm phản bội, đáng xấu hổ. Vậy, sau này các cháu cũng chẳng nên ghi công cán cho ta làm gì e rằng ta ở nơi chín suối cũng chẳng nhẹ lòng được. Nhớ nhé! Ta lập lại, đừng có ghi công cán cho ta làm gì, chỉ làm khổ lòng ta thôi!

 Hàn huyên với cháu xong, thái hậu quay ra hỏi:

 - Còn vị quan lớn này, khanh là ai? Sao ta thấy dáng quen quen?

 Trong khi thái hậu tiếp chuyện với thế tử Diễn, An Quốc hầu Trần Đình Phẩm vẫn kính cẩn cúi mặt quì trước giường bà. Giờ nghe thái hậu hỏi, ông lại phục xuống lạy rồi ngẩng mặt lên: 

 - Tâu, thần là An Quốc hầu Trần Đình Phẩm xin ra mắt thái hậu!

 Thái hậu nhướng mắt, người bà bỗng run lên, gương mặt bà tái mét, giọng xúc động thổn thức như kẻ nhập đồng:

 - Trời ơi, chàng đấy ư! Cho tới giờ này chàng mới đến với em! Tại sao chàng lại thất hẹn như vậy? Chàng không hiểu lòng em chút nào cả, sao chàng tệ đến thế...

 Chỉ nói được đến đó rồi thái hậu ngã xuống, ngất lịm. Vị y sư và các thị nữ hoảng hốt lo chạy chữa. Viên thái giám thưa với hai vị sứ giả:

 - Ngọc thể thái hậu đang lâm biến, phiền hai ngài tạm về nghỉ, khi nào thái hậu tỉnh lại chúng tôi lại thỉnh quí ngài vào bái kiến.

 Sự kiện xảy ra bất ngờ làm mọi người ngơ ngác không ai hiểu gì cả. Hai vị sứ giả rơi lệ mà về công quán với bao nhiêu thắc mắc trong lòng. Tại sao trước đó, thái hậu còn nói những lời hết sức sáng suốt với thế tử Diễn? Điều gì đã ám ảnh thái hậu? Phải chăng tâm thần thái hậu đã điên loạn? Những lời thái hậu nói ra có ý nghĩa gì? 

 Suốt đêm đó, hai vị sứ giả của chúa Nguyễn xúc động không thể nào ngủ được.

 Hôm sau thì hoàng gia Chân Lạp chính thức thông báo tin buồn thái hậu Ngọc Vạn, vị quốc mẫu vô vàn kính yêu của dân tộc Chân Lạp đã qui tiên nhằm vào tháng ba năm Nhâm Tý.

 Phái bộ sứ giả của Thuận Hóa sang Chân Lạp để vấn an thái hậu Ngọc Vạn không ngờ lại thành phái đoàn tham dự đám táng của người. Người trong cung thái hậu cho biết, sau khi tiếp kiến thế tử Diễn và An Quốc hầu Trần Đình Phẩm, thái hậu xúc động đến ngất xỉu và hôn mê suốt đêm, gần sáng thì người lìa trần.

 Vua Batom Reachea tổ chức lễ quốc táng cho thái hậu rất trọng thể. Một số dân Chân Lạp và hầu hết di dân Đại Việt ở Chân Lạp đều để tang.

 Ở Đàng Trong, chúa Nguyễn cũng cho hoàng tộc tổ chức lễ phát tang. Về phần dân chúng, ai muốn để tang hay không tùy ý. Ngược lại với di dân Việt ở Chân Lạp, dân Việt ở Thuận Quảng lại ít quan tâm tới đám tang của vị thái hậu này...

 Khi trở về nước, thế tử Diễn trình bày lại mọi sự với chúa Hiền. Chúa nghe xong khóc òa lên. Rồi chúa lau nước mắt, lặng lẽ bước đến quì lạy trước bức chân dung vẽ công nữ Ngọc Vạn thời son trẻ, thở dài:

 - Xưa nay cháu vẫn biết cô là một bậc nữ lưu phi thường, lòng son dạ sắt, nhưng cháu không hề biết cô còn là một khách đa tình như thế! 



 Mọi người lấy làm lạ bèn hỏi chúa. Chúa nói:

 - Nguyên do ngày xưa, thái hậu và An Quốc hầu Trần Đình Huy thương mến nhau, đã làm đám hỏi. Nhưng rồi vua Chân Lạp lại cầu hôn thái hậu, vì quyền lợi của đất nước, hai người phải hi sinh mối tình cao đẹp ấy. Về sau, ông Đình Huy lập được công lớn, được phong tước An Quốc hầu. Nhưng Đình Huy không có con nên Trần Đình Phẩm được kế tập tước của bác mình. Có một điều đặc biệt là gương mặt và dáng vóc của Trần Đình Phẩm bây giờ trông rất giống ông Đình Huy ngày xưa. Bởi lẽ đó, cô của ta, trong lúc thần trí hỗn loạn nhìn Trần Đình Phẩm lại ngỡ là người xưa... Giờ ta mới tin lời người ta hay nói mối tình đầu không bao giờ phai thật là không ngoa.


***


 Thái hậu Ngọc Vạn qua đời chưa bao lâu thì tình hình Chân Lạp trở nên lộn xộn. Ở triều đình Chân Lạp, các quan đều thấy quá rõ cái họa người Việt đang mỗi ngày một lớn. Trong khi đó, vua Batom Rechea lại quá nhu nhược, hết lòng tuân phục Thuận Hóa. Thấy cần thiết phải có một sự thay đổi, một số quan lại trong triều bèn vận động cấu kết với một số người trong hoàng tộc để mưu đồ đảo chánh. 

 Thế rồi phò mã Chey Choettha, cũng là cháu của nhà vua, đã nổi dậy giết vua Batom Rechea để cướp ngôi. Triều vua mới chủ trương thay đổi chính sách đối ngoại, họ muốn loại bỏ bớt ảnh hưởng của người Việt. Trước kia Chân Lạp mượn sức người Việt để chận đứng người Xiêm thì bây giờ Chân Lạp lại muốn mượn sức người Xiêm để chận đứng người Việt. 

 Nhưng vị vua kế tiếp này cũng không đủ sức để giữ vững nền độc lập, thống nhất cho nước Chân Lạp. Người Xiêm được dịp chi phối vào việc nội trị của Chân Lạp. Nhiều người trong hoàng tộc lại sinh ra bất mãn nổi lên chống lại triều đình. Chống không nổi, họ lại cầu cứu các chúa Nguyễn. Thế là hai phe, một bên thân Việt, một bên thân Xiêm cứ tiếp tục xâu xé nhau. Liên tục chính quyền Chân Lạp cứ hết  người Xiêm lại đến Việt thay nhau bảo trợ. Những cuộc huynh đệ tương tàn này đã khiến cho cả hai nước Xiêm lẫn Việt đều có cơ hội thủ lợi qua lối mòn ơn đền nghĩa trả. Phe nào đắc thắng giựt được ngai vàng lại dâng một phần đất để trả ơn cho nước giúp đỡ mình...

 Nhưng người Việt chiếm ưu thế hơn người Xiêm nhiều. Sau khi nước Chiêm Thành bị xóa sổ, miền Thủy Chân Lạp đã thành tiếp giáp với Đại Việt. Hơn nữa, nơi nào trên phần đất trù phú ấy cũng đã có người Việt đến làm ăn sẵn. Những di dân đó đã thành hạ tầng cơ sở vững chắc cho bước đường Nam Tiến vô cùng vĩ đại của dân tộc Đại Việt mà các chúa Nguyễn kế tiếp nhau lần lượt thực hiện. Rốt cục, miền Thủy Chân Lạp trù phú đã biến thành vựa lúa của dân tộc Đại Việt.

  California, mùa đông 2002


 Nguồn: http://vnthuquan.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved