Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

13 thg 11, 2013

Tình sử Võ Tắc Thiên - Lâm Ngữ Đường - Hồi 21-24

Hồi 21: Viện Chim Hạc

Trước khi Nhân Kiệt chết, Võ Hậu đã bắt đầu dan díu với hai anh em họ Trương - mới ngoài hai mươi tuổi -

Dưới mắt Nhân Kiệt, chúng chỉ là nàng hầu của Võ Hậu, không đáng để ý. Hơn nữa đó là chuyện tình ái của Võ Hậu, ông chẳng cần bận tậm đối với ông, chúng có ích hơn là có hại. Ông có thể lợi dụng chúng để xúi dục Võ Hậu làm theo ý ông . Chính vụ Triết được chọn làm Thái tử một phần cũng nhờ chúng nói giúp. 

Nguỵ Viễn Chung đã có lần vào can gián Võ Hậu không nên mê đắm anh em họ Trương và để chúng trong khuê phòng , vì đây là một hành động tội lỗi có thể đưa nhà Chu đến chỗ diệt vong .

Nhưng Nhân Kiệt không quá tử tế với Võ hậu như vậy. Theo ông nghĩ, sự đam mê của Võ Hậu sẽ giúp ông khôi phục nhà Đường dễ dàng hơn .

Võ Hậu cảm thấy chưa thoả mản với quan Thái y họ Trầm. Bà cần phải có hai, ba , bốn , hoặc nhiều người yêu hơn nữa. Các Hoàng đế có nhiều cung nữ, bà cũng phải có nhiều "cung nam" . Vả lại bà đã già - bảy mươi ba tuổi - cần phải giải trí. Xưa nay các vị vua già vẫn còn thích gái tơ - dù chẳng làm ăn gì được - vậy tại sao bà không có quyền giữ các trai tơ trong khuê phòng ?

Anh em họ Trương thật trẻ, trắng trẻo và đẹp trai . Người anh tên là Trương Diệc Chi - đừng lầm với ông già Trương Giản Chi, bạn của Nhân Kiệt - và người em tên là Trương Xương Tôn . 

Mọi người thường gọi chúng là Ngũ Lang và Lục Lang vì chúng là con thứ năm và thứ sáu trong gia đình họ Trương . 

Hai anh em thường đánh phấn thoa son, đầu tóc láng mượt và ngậm bạc hà cho thơm miệng. Đặc biệt, gã Lục Lang rất xinh trai, mọi người thường bảo mặt đẹp như một đoá sen . Cả hai anh em đều túc trực trong cung , mặc dầu chúng đã được Võ Hậu cấp cho dinh thự, đất đai riêng và vô số kẻ hầu người hạ.



Xương Tôn do Công Chúa Thái Bình khám phá ra . Sau khi biết rõ khả năng của gã Công Chúa hớn hở khoe với Võ Hậu. 

Võ Hậu vời gã vào ngay và sáng hôm sau bà công nhận những lời Công Chúa quảng cáo về gã đều đúng sự thật . Bà ban thưởng Xương Tôn rất hậu khiến gã hứng chí khoe với bà rằng anh ruột của gã là Diệc Chi còn nghề hơn gã nhiều ; Diệc Chi rất chuyên môn về khoa kích thích và làm đàn bà hồi xuân . 

Võ Hậu lập tức cho gọi Diệc Chi vào để thử và quả nhiên gã làm bà một trận mê tơi . 



Dù sao phải công nhận bà càng già càng dẻo càng dai .

Năm sau mươi bảy tuổi, Võ Hậu mọc thêm một chiếc răng khôn . Năm bảy mươi tư tuổi có lẽ vì dùng quá nhiều thuốc kích thích của Diệc Chi, bà mọc thêm một cặp lông mày và bà tổ chức một bữa tiệc ăn mừng - Giả sử bà mọc thêm một cặp ria mép cũng không có gì là lạ .

Xương Tôn có thân hình hấp dẫn hơn , nhưng kỹ thuật không bằng Diệc Chi . Trong hai người khó biết nên chọn ai . Hay hơn hết là chọn cả hai . Hơn nữa như vậy mẹ con Võ Hậu dễ trao đổi hơn . Xương Tôn và Diệc Chi dĩ nhiên trẻ, đẹp và vui vẻ hơn nhà sư điên hay ông lão họ Trầm làm nghề bốc thuốc. 

Võ Hậu bắt hai gã phải luôn luôn ở bên bà. Bà không sống nỗi nếu thiếu chúng.

Chuyện tình của Võ Hậu có vẻ khó tin nhưng chưa lạ bằng máu ghen của bà -một bà già ngoài bảy mươi ghen với một cô gái vì tranh nhau một chàng trai ! 

Thượng Quan Uyển Nhi là cháu nội Thượng Quan Nghi. Thượng Quan Nghi là người đã cùng vua Cao Tôn mưu truất ngôi Võ Hậu nhưng không thành và bị bà giết, cả gia đình bi bắt làm nô lệ -xem chương 8-. 

Uyễn Nhi may mắn được vào giúp việc trong cung . Nàng lớn lên giữa triều nội và nhờ văn hay chữ tốt nàng được Võ Hậu cho giữ việc soạn thảo các chiếu chỉ. Nàng thầm yêu Xương Tôn và gã cũng để ý đến nàng. Hai người thuờng có dịp thấy mặt nhau trong các buổi tiệc tùng hoặc giải trí và đều tìm cơ hội đưa mắt tống tình nhau . Một hôm nhân lúc bốc đồng, hai người có những cử chỉ quá lộ liễu khiến Võ Hậu bắt gặp. Bà nói lớn : 

- Quân này to gan thực !

Vừa nói bà rút ra một lưỡi dao nhỏ bằng vàng và đâm vào mặt Uyễn Nhi . 

Nàng vội thụt lui để tránh nhưng vẫn bị mũi dao sượt vào trán. 

Cũng may, Xương Tôn kịp thời quỳ xuống xin tội dùm nàng , nên Võ Hậu mới nguôi . 

Từ đó về sau nàng luôn luôn để xoã tóc để che vết sẹo, và nàng cũng hết dám liếc mắt đưa tình với Xương Tôn , nhất là khi có mặt Võ Hậu. 




Thực ra, Uyễn Nhi cũng chẳng hiền lành gì. Đến đời vua Trung Tôn -Triết- nàng trở thành một nữ ma đầu , thường cùng Vi Hậu - vợ Triết - tư thông với Võ Tam Tư và gây rất nhiều sóng gió trong triều đình . 

Nhiều người tự hỏi anh em họ Trương giữ chức vụ gì trong cung và thuộc cơ quan nào ? 

Dĩ nhiên Võ Hậu không bao giờ muốn hai gã bận với công việc gì, dù là việc của một vị Thừa tướng, Thượng thư hay Trưởng quan tại các cơ quan biệt lập. Nhưng bà cần phải tránh tai tiếng và hợp thức hoá sự có mặt của hai gã ở trong cung . 

Bà đặt ra một cơ quan mới, Viện Chim Hạc , và cho Diệc Chi làm Viện trưởng. 

Sở dĩ bà đặt ra Viện Chim Hạc là tượng trưng cho đạo giáo - do Lão Tử sáng lập -, các bậc thần tiên thuờng cưỡi chim này. Theo Võ Hậu , nếu phong cho anh em họ Trương làm Nội thị , chức này nghe có vẻ phàm tục quá ; còn nếu phong cho chúng làm Quan Giử Bô (để vua đi tiểu) thì lại có vẻ thực tế quá, đến mức phũ phàng. Nhưng nếu đã đặt ra một viện , thì viện đó phải có nhiệm vụ nhất định . 

Viện Chim Hạc có nhiệm vụ nghiên cứu tinh thần , soạn thảo một Tuyển tập và Tam Bảo trong đó ghi chép những lời nói của Khổng Tử, Lão Tử và Phật Thích Ca, cũng những tư tưởng của các bậc thần nhân khác . 

Thực ra Viện Chim Hạc gồm một bọn người làm ít chơi nhiều, tuy cũng có một vài học giả chân chính. Chúng thường a dua, bợ đỡ Võ Hậu, hoặc tụ tập nhau rượu chè cờ bạc. 

Người ta có cảm tưởng rằng Võ Hậu đã tổ chức một động tiên cho bọn thuộc hạ vui chơi thoả thích, và người ta nhớ tới cảnh trác táng của Hoàng đế nhà Tùy, đến nỗi mất ngôi vì mỏi gối.

Có vài kẻ còn bịa ra rằng Xương Tôn là hiện thân của một đệ tử của Lão Tử. Gã thường mặc áo lông chim, miệng thổi sáo và cưỡi trên lưng một con hạc gỗ trong vườn thượng uyển để biến giấc mộng thần tiên của Võ Hậu thành sự thực. 

Rốt cuộc, Viện Chim Hạc trở thành nơi qui tụ các gã đẹp trai, trung tâm đồng tính luyến ái nỗi tiếng thời bấy giờ. 

Một gã trẻ tuổi họ Vi đã huênh hoang tuyên bố rằng gã có đủ điều kiện để gia nhập Viện Chim Hạc vì hạ bộ gã rất đẹp. 

Khi lời nói phạm thượng này tới tai Chu Thanh Sắc , một vị quan thâm nho - xem chương 19-. Ông đùng đùng nỗi giận, lập tức viết một bức thư cho Võ Hậu : 

Tâu Bệ Hạ, thần nghĩ rằng anh em họ Trương đã quá đủ cho cho Bệ Hạ, đâu cần tìm thêm ai khác. Triều đình đã mang tiếng quá nhiều. Vừa rồi thần lại nghe Vi Hữu Tường yêu cầu được vào phục thị trong cung vì gã có những khả năng bẩn thỉu, và xung quanh gã còn nhiều kẻ khác. 

Sau khi đọc bức thư,Võ Hậu gọi Chu nói : 

- Cảm ơn khanh đã nhắc nhở. Trẫm thực tình không biết .

Những học giả có một chút khí phách của bậc nho sĩ đều lắc đầu trước cảnh phong hoá suy đồi này. 

Tống Cảnh đã có lần nhục mạ Xương Tôn bằng cách cười vào mũi gã và gọi gã bằng bà. Một lần khác, anh em họ Trương rủ bọn lái buôn đất Tứ Xuyên vào cung đánh bạc, quan Trung Thư họ Nguỵ lập tức nắm cả bọn lái buôn vứt ra ngoài. 

Sau bức thư của họ Chu, Võ Hậu khám phá ra rằng Viện Chim Hạc của bà nỗi tiếng đến mức độ kinh khủng. Bà vội đỗi tên Viện này thành Phủ Nội thị để khỏi bị chú ý và bà dễ làm ăn . 

Có người tính ra rằng ngoài những lúc chè chén say sưa . Võ Hậu dành một nửa thời giờ để sống trên giường.

Thiên hạ đàm tiếu mỗi lúc một nhiều.

Hai người con lớn của Triết -một trai, một gái- cũng dại dột buông lời nói ra nói vào .

Không may đến tai Võ Hậu, bà nỗi giận. Bà sai người đánh hai đứa cháu ruột đến chết, sau đó bà còn bắt chồng mới cưới của đứa cháu gái tên là Kỳ -con Thừa Tự- phải tự thắt cổ .

Trời già vẫn không làm Võ Hậu trầm tỉnh chút nào .


Hồi 22: Cuộc xung đột bắt đầu

Hành động quá khích của Võ Hậu không bịt miệng được thiên hạ, nó còn làm họ đàm tiếu thêm . Nhưng họ càng đàm tiếu Võ Hậu càng truỵ lạc. 

Các triều thần họp nhau lại để phản đối anh em họ Trương vì bọn bà con của chúng càng ngày càng kiêu ngạo và đang làm loạn Kinh đô . Bọn này ỷ thế anh em họ Trương để tác yêu tác quái bất kể luật pháp. Nếu anh em họ Trương chỉ ở trong khuê phòng vui thú với Võ Hậu thì các quan có thể nhắm mắt làm ngơ, nhưng chúng - nhất là Xương Tôn và mấy đứa anh em khác -- cứ đòi xía vô việc triều chính . Các Đại thần tự cho đây là một điều sĩ nhục nên đã dán yết thị cấm cửa bọn vô loại tại viện Chim Hạc, kể cả Ngũ Lang và Lục Lang . 

Riêng Nguỵ Viễn Chung không bao giờ tha thứ cho những hành động càn rỡ. Có lần ông sai lính đánh bọn thuộc hạ của Xương Tôn một cách công khai vì bọn này làm náo loạn đường phố. Một người anh của Xương Tôn tên là Chi làm Phó Trưởng quan tại một hạt thuộc Kinh đô, dưới quyền của Viễn Chung . Chi thường cậy thế em hạch sách mọi người và làm việc bất kể luật lệ, giờ giấc. Gã coi nơi làm việc như của riêng gã. 

Viễn Chung quở trách gã trước mặt mọi người và ngăn chận không cho gã đổi đi một chỗ nhiều tiền hơn mà gã vận động từ lâu . Ngoài ra Viễn Chung còn viết cho Võ Hậu :

- Thần rất lấy làm hổ thẹn đã không làm tròn bổn phận và để cho những kẻ bại hoại có dịp qua mặt Bệ Hạ.

Hiển nhiên ông dùng chữ những kẻ bại hoại để ám chỉ bọn Xương Tôn và Diệc Chi .
 

Cuộc xung đột bắt đầu. 

Viễn Chương quyết dùng mọi quyền hạn của mình để quét sạch triều đình , trừ khử mấy gã trai tơ . Ông không thuộc về nhóm người ngấm ngầm hoạt động của Giản Chi và Diêu Sủng. 

Nhưng trước khi ông kịp hành động, Xương Tôn tấn công ông trước. 

Gã ton hót với Võ Hậu rằng Viễn Chung từng nói một câu có ý chê Võ Hậu già, quần thần nên họp nhau lại để cùng khuông phò Thái tử Tiết. Gã đã đánh một đòn rất lợi hại, đây chính là điều tối kỵ của Võ Hậu. Trả ngôi cho Triết ư ? Không đời nào, trừ phi bà chết.

Trong triều chia ra hai phe rõ rệt, một bên là anh em họ Trương và một bên là một số Đại thần cùng bọn với Viễn Chung , quyết định trường hợp của Viễn Chung .

Võ Hậu triệu tập một hội nghị các Đại thần, Triết và Đán cũng có mặt . Viễn Chung sẽ phải ra trước hội nghị để trả lời về câu nói phạm thượng của ông .

Thấy tình thế gay go, Xương Tôn vội chạy đi tìm một vị quan tên là Duy và xúi ông này hôm sau vào chầu , vu khống cho Viễn Chung đã nói câu phạm thượng trên . 

Hồi đó Duy chỉ là một vị quan ngũ phẩm . Xương Tôn hứa sẽ tâu với Võ Hậu thăng chức cho ông thật mau . Duy là người rất khôn ngoan, tưỡng như ông đã nhận lời Xương Tôn .

Sáng hôm sau, trong khi chờ giờ vào chầu, quan Phó Đô Ngự Sử Tống Cảnh nói với Duy :

- Tôi rất lấy làm buồn nếu ngài toa rập với kẻ tiểu nhân để hại quan Thị Trung Nguỵ Viễn Chung. Việc gì ngài phải sợ mấy gã con gái đó ? Chúng ta hãy vì quyền lợi chung mà tranh đấu. Công luận sẽ ủng hộ ngài và chúng tôi cũng hết sức bênh vực ngài. Nếu vì chống lại bọn vô lại mà ngài bị bãi chức hoặc bị đổi đi xa, thì đó chính là một vinh dự lớn lao . Trong số những người hiện diện, ngoài Tống Cảnh còn có Lữ Tri Cơ ; một sử gia danh tiếng. 

Lữ Tri Cơ nói với Duy :

- Ngài hãy chọn giữa cái chết vinh quang và cuộc sống nhục nhã.

Các người khác cũng xúm lại khuyên Duy hãy can đảm chống lại Xương Tôn, và Duy có vẻ xiêu lòng. 

Một lát sau Viễn Chung tới , mặt ông hầm hầm. Vừa trông thấy Duy .

Ông lớn tiếng :

- Đồ con bò ! Mi mà dám hại Nguỵ Viễn Chung ư ? 

Giọng ông vẫn đượm vẻ khỏi hài cố hữu . 

Duy đỏ mặt : 

- Sao ngài lại nặng lời như vậy . Ngài hãy tin nơi tôi . 

Vừa lúc đó chuông chầu reo . Mọi người ngừng nói chuyện, xấp hàng để vào chầu. Và một cuộc đấu khẩu hào hứng diễn ra giữa một tên học hành dở dang và các học giả uyên bác. 

Mở đầu cuộc hội nghị, Võ Hậu hỏi Duy đã nghe Viễn Chung nói những gì . 

Trong khi Duy đang suy nghĩ để lựa lời, Xương Tôn dùng cùi chỏ thúc vào và nhắc :

- Nói đi đừng sợ. 

Duy gật đầu và chậm rãi nói : 

- Tâu Bệ Hạ , trước mặt Bệ Hạ mà Xương Tôn ngang nhiên bắt thần phải nói theo ý của y, vậy thì Bệ Hạ thử tưởng tượng y sẽ làm gì nếu vắng mặt Bệ Hạ. Giờ đây trước mặt Bệ Hạ và liệt vị Đại thần, thần xin xác nhận rằng thần không hề nghe quan Thị Trung kêu gọi bá quan giúp Thái tử chống lại Bệ Hạ. Xương Tôn đã buộc thần phải làm chứng gian, nhưng rất tiếc thần phải nói sự thật.

Sau một phút sững sờ, Xương Tôn la lên, quên cả sự có mặt của Võ Hậu :

- Cả Viễn Chung lẫn Trương Duy đều là bọn phản loạn .

Võ Hậu lên tiếng ngăn cản :

- Khanh không nên buộc tội họ một cách hồ đồ như vậy. Cần phải có chứng cớ.

- Thần có chứng cớ.

- Chứng cớ đâu ?

- Có lần thần nghe thầy Duy khuyến khích Viễn Chung nên cố gắng để trở thành Chu Công .

Các Đại thần đều thở phào nhẹ nhõm, có người phải cố nhịn cười. Chu Công chính là bậc thánh hiền, một nhân vật lý tưởng mà Khổng Tử đã thấy trong giấc mơ . Xương Tôn muốn nói Viễn Chung rắp tâm muốn trở thành một nhân vật tuyệt đỉnh như Chu Công . Thực ra trong lịch sử chưa có bậc trung thần nào vào cỡ Chu Công . Khi đem so sánh người nào với Chu Công là tâng bốc người đó một cách quá lố. 

Nghe Xương Tôn vu khống, Duy vội cười nói :

- Tâu Bệ Hạ, đáng lẽ Xương Tôn nên học thuộc những bài sử ký vỡ lòng của y . Quả thật khi quan Thị Trung được triệu hồi về kinh, hạ thần có đến chúc mừng ông và tỏ ý hy vọng ông sẽ trở nên một Đại hiền thần như Chu Công . Còn ai xứng đáng hơn Chu Công để mọi người noi theo ? 

Quần thần đều phá lên cười. 

Thẹn quá hoá giận, Xương Tôn bèn chạy lại thì thầm mấy câu với Võ Hậu. 

Không hiểu nghĩ sao, Võ Hậu quay ra quát Duy : 

- Đồ phản phúc !

Rồi bà ra lệnh đem Duy và Viễn Chung ra ngoài, không cho giải thích gì thêm . 

Ngày hôm sau, Duy được đem ra hỏi lại , nhưng ông vẫn một mực báo thủ ý kiến cũ. 

Võ Hậu quyết định lập một phiên toà gồm các Vương tước và Đại thần thuộc Chính Sự đường để xử vụ này. 

Nghi Tăng cháu Võ Hậu, cũng có mặt trong phiên toà. 

Mọi người bàn tán sôi nổi về vụ Viễn Chung ra toà. Các Đại thần đều họp nhau ủng hộ Viễn Chung . Trong đời Viễn Chung, nếu như không lúc nào ông không là cái đích để người khác tấn công và cũng là thần tượng để người khác chiêm ngưỡng. Khi Võ Hậu triệu hồi ông về kinh đô, mọi người đều khen bà biết dùng người. Giờ đây thấy Viễn Chung lâm nạn, các quan tới tấp viết sớ xin tội cho ông . 

Quang Ngạn Phạm, một người do Nhân Kiệt tiến cử , can đảm đứng ra xin lấy tính mạng để bảo đảm sự trung thành của Viễn Chung .

Tuy nhiên, một lời thì thầm bên gối bao giờ cũng có sức mạnh gấp trăm lời biện hộ hùng hồn trước toà. Võ Hậu luôn luôn quý mến Viễn Chung, nhưng bà không thể để người yêu mất mặt . Có tội hay không, Viễn Chung cũng phải rời Kinh đô một lần nữa.

Trước khi ra đi, Viễn Chung vào từ giã Võ Hậu. 

Ông nói một câu rất cảm động :

- Tâu Bệ Hạ, kẻ hạ thần đã già, chẳng còn sống bao lâu nữa . Lần này ra đi không biết có còn dịp nào gặp lại Bệ Hạ. Sau này sẽ có một lúc Bệ Hạ nhớ tới hạ thần và thấy lời của Nguỵ Viễn Chung này là đúng. 

Bằng một giọng ôn tồn, Võ Hậu hỏi :

- Khanh muốn nói lời gì ?

Viễn Chung đưa tay chỉ về phía nội cung, nơi Xương Tôn và Diệc Chi ở, và nói tiếp :

- Hai gã đẹp trai kia sẽ huỷ hoại cơ nghiệp của Bệ Hạ. 

Viễn Chung cúi đầu, nói lời từ biệt và rời khỏi cung .

Võ Hậu nhìn theo, thở dài : 

- Ta lại mất một bậc hiền thần .

Viễn Chung ra đi nhưng chuyện đến đây chưa phải là hết. Ông đã mất chức Đại thần chỉ vì một tên vô lại, vậy mà Xương Tôn vẫn chưa hài lòng. Theo thông lệ, bạn bè được tổ chức một bữa tiệc chia tay mỗi khi có ai phải đi xa .

Viễn Chung và tám người bạn họp nhau tại ngoại ô thành Lạc Dương để chè chén một bữa say sưa .

Xương Tôn bèn vịn vào chuyện này để làm hại ông . Gã giả mạo một bức thư ký tên là Tài Minh và gửi cho Võ Hậu tố cáo Viễn Chung họp mặt với bạn bè tại vùng ngoại ô để mưu phản. 

Tám người bạn của Viễn Chung đều là quan nhỏ nên Võ Hậu chỉ ra lệnh cho một Pháp quan tên là Hoài Tô xét xử. 

Võ Hậu, hay nói đúng hơn, Xương Tôn sai người mang giấy đến bảo Hoài Tô rằng đây là một vụ đơn giản, hãy lấy cung các can phạm về báo cáo gấp. 

Nhưng Hoài Tô không nghĩ như vậy. Theo ông vụ này có thể đem đến cái chết cho Viễn Chung , người mà ông ngưỡng mộ từ lâu . Ông do dự mãi và cho người điều tra thật kỹ lưỡng. 

Mấy hôm sau lại có giấy của Võ Hậu gởi tới : 

- Các sự kiện đã rõ ràng, sao chưa kết án ngay đi ? Ta không thể chờ đợi được nữa .

Bắt buộc Hoài Tô phải vào gặp thẳng Võ Hậu. Ông không sao tìm ra tên Tài Minh - người đã viết thư tố cáo Viễn Chung - cả địa chỉ và nghề nghiệp của hắn cũng không biết nốt. 

Võ Hậu nói với ông :

- Chẳng lẽ ta biết gã Tài Minh ở đâu để bảo cho khanh . Khanh cứ việc xử đi, lá thư tố cáo đủ rồi.

- Tâu Bệ Hạ, thần lấy làm tiếc là không thể quyết định dứt khoát nếu không được nói chuyện với người đã viết thư tố cáo .

- Lời lẽ trong thư chưa đủ rõ ràng hay sao ? Cần gì phải nói chuyện với người viết thư .

- Tâu Bệ hạ, thần nghĩ rằng rất cần. Lá thư chưa phải là một nhân chứng. Theo như thần biết , không có ai tên là Tài Minh viết ra lá thư đó. Thần không thể xử một vụ chẳng có nguyên cáo, mà người chứng cũng không .

- Khanh nói vậy có nghĩa là để bọn Phản nghịch được tự do ?

- Thần đâu dám vậy, nhưng Nguỵ Viễn Chung là Thị Trung do Bệ Hạ chỉ định . Các bạn của ông làm tiệc tiễn ông đi xa là một việc rất thường. Thần tin rằng không đời nào Nguỵ Viễn Chung tạo phản. Bệ Hạ có thừa uy quyền để ra lệnh giết ông , nhưng nếu Bệ hạ muốn thần đem ông ra xét xử thì thần buộc lòng phải chiếu theo luật pháp. 

- Khanh muốn nói luật pháp sẽ giúp chúng bình yên vô sự ? 

- Tâu Bệ Hạ, thần là một người ngu xuẩn nhưng thần vẫn thấy rõ những người đó vô tội .

Mọi chuyện đã rỏ ràng đến mức độ Võ Hậu không thể ngang nhiên trừng phạt Hoài Tô . Bà buộc lòng phải gác bỏ vụ án sang một bên và tìm cách an ủi Xương Tôn bằng cách khác.

Hồi 23: Sướng một ngày là hơn thiên hạ rồi

Chuyện Võ Hậu và người yêu toa rập nhau buộc tội Viễn Chung một cách độc đoán đã trở thành ngở ngàng và gây ấn tượng không đẹp cho đám triều thần. Các quan lớn nhỏ bỗng dưng đoàn kết với nhau hơn . Tình cảm quần chúng trải qua một cơn giao động và ý tưởng nỗi loạn bắt đầu nhen nhúm trong lòng họ. Khác hẳn tình trạng cam chịu dưới bàn tay của bọn hung thần thuở trước. 

Tên tuổi của hai anh em họ Trương bắt đầu bị bôi lọ trên các bờ tường ngoại đường phố Lạc Dương , hoặc xuất hiện trong những bài ca , bài vè với giọng điệu mỉa mai nhạo báng . Những lúc trà dư tửu hậu, mọi người thường đem anh em họ Trương ra thêu dệt thành những chuyện vừa tục tĩu vừa hấp dẫn chết người , không kém các pha giật gân giữa Võ Hậu và nhà sư điên cách đây ít lâu . Chính Võ Hậu cũng cảm thấy bẽ bàng. Theo bà nghĩ, nguyên nhân của tình trạng này là do các Pháp quan không chịu làm việc.

Sau khi Viễn Chung đi xa, tên thuộc hạ bị ông trù trước kia - anh ruột Xương Tôn - như thoát khỏi đại nạn. Gã tha hồ tung hoành và chẳng bao lâu trở nên giàu có kinh khủng, và cũng đáng ghét hơn bao giờ hết , gã xây một toà lâu đài vĩ đại, rõ ra một tên trọc phú. Một người vô danh nào đó thấy ngứa mắt , đêm đêm dùng phấn viết lên cánh cửa nhà trọc phú họ Trương hàng chữ : Giàu được mấy nã mà ham ? 

Mỗi buổi sáng gã trọc phú đều phải sai người lau sạch hàng chữ, và tình trạng nầy kéo dài . Đến một hôm gã chịu hết nỗi, cũng dùng phấn viết lên cánh cỗng những chữ thật lớn : Sướng một ngày là hơn thiên hạ rồi .

Lúc này người ta không còn phân biệt giữa việc tiêu diệt anh em họ Trương và việc nổi dậy bắt Võ Hậu phải thoái vị . Hai việc có cùng một chính nghĩa. 

Khoảng mười lăm người do Giản Chi cầm đầu đang bí mật hoạch định chương trình hành động. Ngoài Giản Chi còn có những nhân vật đầu não khác cũng do Địch Nhân Kiệt tiến cử trước kia như : Kinh Huy, Quang Ngạn Phạm, Viên Thứ Kỷ và Thôi Ngươi Huy .

Rất nhiều người không có chân trong nhóm bí mật này cũng hăng say hoạt động chống lại anh em họ Trương . Đây là lúc thuận tiện nhất để mọi người họp nhau lại làm một cuộc cách mạng. 

Mấy năm trước, Giản Chi và một người bạn thân là Dương Viễn Yến đã đi thuyền trên sông và cùng nhau thề nguyền sẽ khôi phục nhà Đường - xem chương 19 -- 

Khi Giản Chi được Nhân Kiệt tiến cử, ông lập tức đưa Viễn Yến vào cung để chỉ huy một toán thị vệ. 

Ông nói với Viễn Yến : 

- Ta để hiền đệ vào cung làm đội trưởng thị vệ là có lý do . Hiền đệ còn nhớ những gì chúng ta nói trên sông không ?

Viễn Yến hiểu Giản Chi muốn nói gì . Một nhân vật đắc lực khác do Địch Nhân kiệt đặt bên cạnh Võ Hậu từ lâu là Diêu Sủng. Chính Diêu Sủng đã xúi giục Võ Hậu phong cho Giản Chi làm Trung Thư Lệnh.

Tử ngày Nguỵ Viễn Chung bị đổi đi xa năm 703 , Võ Hậu đau ốm liên miên . Trong mấy tháng liền bà không bước chân ra khỏi phòng. Xương Tôn và Diệc Chi lo tái người vì số phận chúng sẽ ra sao nếu thần hộ mạng của chúng về chầu trời ? Võ Hậu đã bảy mươi tám. Mật hải ly hay bất cứ thứ thuốc hồi xuân nào khác cũng không giúp bà làm chậm bước thời gian . Anh em Trương thấy tình thế nguy ngập, vội kéo bè kết đảng để củng cố địa vị phòng khi bất trắc. 

Ngoài đường phố người ta đều thấy những dòng chữ của những người vô danh rêu rao rằng anh em họ Trương đang âm mưu chiếm đoạt ngai vàng. 

Tháng bảy năm đó, các triều thần tìm ra cớ để buộc tội Xương Tôn . 

Gã cướp đất của một nông dân . 

Giản Chi khuyến khích họ làm to chuyện để hạ uy tín anh em họ Trương và gây căm phẫn trong quần chúng. Hơn nữa việc này sẽ làm Võ Hậu bẻ bàng thêm và có lợi cho kế hoạch của ông . 

Giản Chi không để lở một cơ hội nào . Ông không cần biết có kết tội được Xương Tôn không, hay gã lại qua mặt luật pháp như trường hợp Viễn Chung, nhưng chắc chắn công luận sẽ phê phán và Võ Hậu sẽ không tránh khỏi tai tiếng.

Theo án lệ, một vị quan cướp đất của dân phải chịu phạt hai mươi cân tiền đồng và mất chức. 

Các Pháp quan đều đề nghị tước bỏ hết phẩm trật và chức vụ của Xương Tôn . 

Võ Hậu linh cảm thấy sự biến chuyển của bầu không khí chính trị. Các người yêu của bà không được lòng những người xung quanh , bà biết điều đó. Nhưng nếu quần thần dám tấn công Xương Tôn tức là họ dám thách thức cả chính bà. 

Khi các quan họp nhau để luận tội Xương Tôn, Võ Hậu nói :

- Trẫm biết các khanh không ưa Xương Tôn, nhưng chuyện cướp đất là do thuộc hạ của y làm. Các khanh hay nghĩ tới công của y đối với trẫm mà châm chước cho y . Các khanh hãy vì trẫm mà cho y được giữ nguyên chức tước cũ.

Tống Cảnh hỏi :

- Tâu Bệ Hạ, Xương Tôn có công gì ?

Võ Hậu quay sang hỏi một tên loét choắt đứng bên cạnh, tên này chuyên môn theo đuôi Xương Tôn và được mệnh danh là Chồn hai chân vì gã rất ranh mảnh :

- Tâu Bệ Hạ. Xương Tôn đại nhân có công tìm ra những vị thuốc hiếm có nhất để làm Bệ Hạ trường sinh bất lão .

Theo giọng điệu bợ đở của gã, Võ Hậu sống lâu là một điều quan trọng lắm, nhưng các quan chỉ cười thầm .

Võ Hậu thản nhiên nói :

- Nếu vậy. Xương Tôn được phép giữ nguyên chức tước.

Các quan hết ý kiến.

Tháng mười hai năm đó , Xương Tôn lại bị truy tố, lần này nặng hơn . Gã dám đi hỏi thầy bói xem gã có hy vọng được làm vua hay không ? Lão thầy bói tên là Lý Hoàng Thái gieo quẻ xong nói với gã rằng khí dương rất thịnh, chắc phen này Xương Tôn lên ngôi . Ngoài ra còn khuyên Xương Tôn về lập đền thờ tại Minh Châu để cầu phước.

Lão thầy bói bị bắt để thẩm vấn. Lão thú nhận có đoán quẻ cho Xương Tôn và cả quyết rằng khí dương rất thịnh . Nội vụ được trình lên Võ Hậu. Trong khi đó Xương Tôn cũng tức tốc viết một lá thư kể rõ đầu đuôi việc xem bói của gã để chứng tỏ gã không có ẩn ý gì . 

Mặt khác gã bố trí để Võ Hậu chỉ định hai Pháp quan đồng đảng của gã xét xử nội vụ. Sau khi điều tra, hai tên Pháp quan xác nhận Xương quả có tội, nhưng vì gã đã thẳng thắn trình bày với Võ Hậu và không có ác ý gì nên đề nghị tha bỗng. 

Tống Cảnh cực lực phản đối việc tha bỗng Xương Tôn . Theo ông, rõ ràng Xương Tôn có ý phản nghịch, và ông viết thư cho Võ Hậu giải thích tội trạng của gã. Nếu gã không có gian ý , tại sao gã đợi đến khi lão thầy bói bị bắt mới trình bày câu chuyện cho Võ Hậu biết ? Ông đề nghị bắt Xương Tôn và đem ra toà xử công khai . Vì muốn che chở người yêu, Võ Hậu ém nhẹm lá thư của Tống Cảnh, không nhắc nhở gì tới. 

Nhưng Tổng Cảnh chưa chịu thôi. Ông viết thêm một lá thư nữa, trong đó ông nhấn mạnh : Dư luận sẽ nói sao nếu nội vụ không được đem ra ánh sáng .

Võ Hậu vẫn tìm kế hoãn binh . Bà nói với Tống Cảnh :

- Khanh yên trí. Nội vụ sẽ được đem ra xét xử đàng hoàng, nhưng hãy chờ ít bữa để trẫm đích thân xem lại các tài liệu. 

Võ Hậu chưa nở vứt người yêu cho chó gậm . Chúng rất thèm thịt Xương Tôn, bà biết vậy . Tống Cảnh là một tên cứng đầu không kém Nguỵ Viễn Chung . Bà biết không đời nào Tống Cảnh chịu bỏ qua việc này trừ phi ông không có mặt tại Kinh đô . Bà bèn cử ông đi Dương Châu để điều tra một vụ án , nhưng ông thoái thác, viện cớ rằng ông còn quá nhiều việc phải giải quyết tại Kinh đô . Ít lâu sau, Võ Hậu lại cử ông đi U Châu, nhưng Tống Cảnh vẫn từ chối. 

Ông nói :

- Tâu Bệ Hạ, thần không dám đắc tội với Bệ Hạ nhưng chức vụ Phó Đô Ngự Sử của thần không cho phép thần khinh xuất rời khỏi Kinh đô . Vả lại các vụ án tại địa phương không có tầm quan trọng lớn lao, bất cứ Pháp quan nào cũng giải quyết được. 

Vụ án Xương Tôn vẫn còn là một thùng thuốc súng nỗ chậm. Võ Hậu không chiu giải giao Xương Tôn cho các quan . Gã vẫn nhởn nhơ bên cạnh bà . Các đại thần quyết định tập trung lực lượng để tấn công. 

Trước hết Quang Ngạn Phạm viết cho Võ Hậu một lá thư : 

- Tâu Bệ Hạ, Xương Tôn đã hai lần phạm pháp mà đều ung dung tự tại. Nếu luật pháp dung túng gã thì bắt buộc phải dung túng tất cả tội phạm khác. Còn đâu luật pháp, còn đâu trật tự xã hội. 

Sau đó toàn thể các quan trong Ngự Sử đài làm một bản kiến nghị dựa trên khẩu cung của lão thầy bói và lá thư thú nhận của Xương Tôn gửi cho Võ Hậu, đồng thanh quyết định Xương Tôn có tội và yêu cầu Võ Hậu đem gã ra trừng trị gắt gao .

Tống Cảnh cầm bản kiến nghị vào gặp Võ Hậu một lần nữa. Ông nói : 

- Tâu Bệ Hạ, đây là bản quyết nghị của Ngự Sử đài. Kính xin Bệ Hạ cho phép bọn hạ thần thi hành phận sự, đem phạm nhân ra xét xử. 

- Nhưng Xương Tôn đã kể hết mọi chuyện cho trẫm nghe , điều đó chứng tỏ bản tâm y không có ý phản nghịch. 

- Tâu Bệ Hạ, mãi tới khi lão thầy bói bị bắt Xương Tôn mới thú nhận với Bệ Hạ , chạy tội chứ không phải thực tâm y muốn vậy. Hơn nữa đây là một trọng tội , dù y có thú nhận trước cũng không thể tha thứ được . Tâu Bệ Hạ, người ta thường nói pháp bất vị thân nếu để Xương Tôn hưởng trường hợp ngoại lệ vì y là người thân của Bệ Hạ thì pháp luật không còn ý nghĩa gì nữa.

Võ Hậu biết cãi lý không được, bà quay sang dùng đòn tình cảm. Bà rất quan tâm đến số phận người yêu . Bằng cách nào phải thuyết phục Tống Cảnh cho bằng được.

- Khanh không thể châm chước y chút nào sao ?

- Tâu Bệ Hạ. Thần biết thần đã lớn mật dám làm trái ý Bệ Hạ ; nhưng công việc là công việc, thần phải thi hành nhiệm vụ.

- Nếu Bệ Hạ có nỗi giận mà giết thần, thần cũng đành chịu .

Hai người đưa nhau vào ngõ cụt, không lối thoát . Thật là kỳ phùng địch thủ, Võ Hậu cứng đầu thì Tống Cảnh cũng cứng cổ.

Cũng may lúc đó có mặt Chồn hai chân , gã đỡ lời Võ Hậu : 

- Thánh Thượng sẽ quyết định sau , Đại nhân nên ra về.

Võ Hậu rất phân vân . Bà không thể bóp méo luật pháp một cách trắng trợn. Cách hay nhất để cứu Xương Tôn là cách bà đã dùng để cứu nhà sư điên trước kia .

Xương Tôn bị giải cho Ngự Sử đài . 

Tống Cảnh mừng rỡ, tưởng chừng Võ Hậu đã chịu thua ông . Ông lập tức tiến hành cuộc thẩm vấn, nhưng khẫu cung chưa lấy xong thì có quan Khâm Sai tới nơi đòi Xương Tôn phải về trình diện Võ Hậu gấp. Thế là Xương Tôn điềm nhiên về cung .

Tống Cảnh nhìn theo Xương Tôn, dậm chân tiếc rẻ : 

- Ngu quá ! đáng lẽ ta phải đập tên vô lại chết tốt ngay từ phút đầu mới phải. Nó đi mất rồi làm sao bây giờ ?

Một lần nữa Võ Hậu qua mặt công lý.

Xương Tôn thoát khỏi bàn tay của luật pháp nhờ sự sắp đặt trơ trẽn của bà lão đa tình . 

Kẻ tử tội vẫn nhởn nhơ đùa rỡn với luật pháp ; thay vì bị các quan treo cổ gã lại quay ra treo cổ các quan . 

Quần thần hết kiên nhẫn nỗi, nhất định anh em họ Trương phải trả một giá rất đắt. Dùng pháp luật không xong thì dùng thủ đoạn. 

Giản Chi sẽ ra mặt hành động.

Hồi 24: Phải chăng đây là ác giả ác báo

Võ Hậu lâm bịnh miên suốt tháng chạp năm 704, ngay khi vụ án họ Trương còn đang tiếp diễn. 

Những ngày năm cùng tháng tận trước khi bước sang tuổi tám mươi, tình trạng bà càng trở nên bi đát. Trừ anh em họ Trương luôn luôn túc trực bên giường, không ai được phép vào gặp bà kể cả con ruột và các Đại thần .

Giản Chi quyết định hành động. Tiêu diệt anh em họ Trương là chính nghĩa của ông và là mục đích chung của mọi người. Ông đã đưa bạn thân của ông, Dương Viễn Yến, từ địa vị một đội trưởng thị vệ lên hàng Tướng quân chỉ huy một số cấm vệ đông đảo trong Hoàng cung . 

Tại Kinh đô có tất cả hai đạo thị vệ gồm kỵ binh và bộ chiến do sáu vị Tướng quân điều khiển. Một đạo mệnh danh là Nam quân giữ an ninh tổng quát tại Kinh đô, và một đạo mệnh danh là Bắc quân - giữ an ninh khu vực Cấm Thành , tức là nơi tập trung các cơ quan đầu não của chính phủ, không kể hoàng cung . 

Viên Tướng chỉ huy thị vệ tên là Ôn Kỷ Tâm . Giản Chi biết muốn thành công phải lôi kéo bằng được viên quan này. Giản Chi rất thận trọng dò la Kỷ Tâm và nhắc nhở ông về món nợ tình cảm với nhà Đường. 

Vốn là người thẳng thắn trung hậu, Kỷ Tâm nghe theo ngay và hai người bí mật thề nguyền có trời đất chứng kiến, rằng họ sẽ đồng tâm xử sự.

Sau đó Giản Chi vận động để đưa ba người khác trong nhóm ông lên nắm binh quyền. Diêu Sủng, một nhân vật đầu não trong nhóm cũng được ông gọi về Kinh đô .

Cuộc đảo chính được trù định vào ngày hai mươi tháng giêng năm 705, tức là một tháng sau khi Võ Hậu trắng trợn gạt bỏ luật pháp để cứu Xương Tôn . 

Mọi chi tiết được xếp đặt cẩn thận. Nam quân và Bắc quân sẽ đồng thời nỗi dậy khắp Kinh đô . Trong khi các toán thị vệ thuộc Nam quân chia nhau triệt hạ những vây cánh của Xương Tôn tại kinh đô, Bắc quân sẽ cử một ngàn kỵ binh và năm trăm bộ thuộc vây Hoàng cung buộc Võ Hậu phải thoái vị . 

Sáng ngày hai mươi hai , cấm vệ tập trung tại Bắc môn Hoàng cung . Trương Giản Chi, Quang Ngạn Phạm, Ôn Kỷ Tâm và các thủ lãnh khác đều có mặt. Đặc biệt có sự hiện diện của một người con rể của Thái tử . 

Ôn Kỷ Tâm và người con rể của Triết . Hắn vào cung để tìm gặp Triết. Sự có mặt của Triết rất cần thiết vì hắn mượn danh nghĩa của ông để nỗi dậy, họ sẽ dành lại ngôi báu cho ông và dựng lại nhà Đường. 

Có điều đáng nói là Triết chẳng hề hay biết chuyện này. Thấy bọn Ôn Kỷ Tâm vào tìm, Triết rất ngạc nhiên ; và khi biết rõ ý định của họ , ông vừa luống cuống vừa sợ sệt, tỏ vẻ ngần ngại không dám quyết định . 

Thấy bộ điệu của Triết, Kỷ Tâm nóng nãy : 

- Hôm nay là một ngày lịch sử , Điện Hạ phải biết tuỳ thời ứng biến. Đã đến lúc khôi phục nhà Đường , dựng lại cơ nghiệp của Thái Tôn . Tất cả chúng tôi đã sẵn sàng hy sinh tính mạng cho đại nghĩa , chỉ còn chờ Điện Hạ ban hiệu lệnh .

Triết vẫn còn do dự, trong bụng run thầm :

- Ta biết anh em họ Trương quả đáng tội nhưng mẫu thân ta đang bịnh. Vả lại việc này bất ngờ quá, ta không biết phải tính sao ?

- Nếu vậy, chỉ cần Điện Hạ ra ngoài kia và nói cho quần thần biết Điện Hạ không cần tới họ. Việc không thành tất cả chúng tôi và gia quyến đành chịu chết .

Thực ra, ý kiến của Triết không thành vấn đề. Nếu ông từ chối, họ sẵn sàng dụng võ lực bắt ông phải lên ngôi. 

Con rể của Triết thấy tình thế cấp bách, vội giục :

- Nhạc phụ nên quyết định dứt khoát, không thể chần chờ được nữa. Quân cấm vệ đang đợi tại Bắc môn . Chuyện đã lỡ, nhạc phụ muốn rút lui cũng không tránh khỏi tội.

Hai người đỡ Triết lên ngựa. Ông cử động như cái máy chẳng có chủ ý gì, vẻ lo lắng hiện ra ngoài mặt. Ông không hiểu con đường trước mặt sẽ dẫn ông tới đâu, lên ngai vàng hay xuống địa ngục ? 

Khu tư dinh của Triết ăn thông ra Bắc môn bằng một khu vườn. Giản Chi và các người khác thở phào nhẹ nhõm khi thấy Triết xuất hiện. 

Lập tức đoàn người chia ra các ngã để tiến vào Hoàng cung như kế hoạch đã trù liệu trước. Riêng Kỷ Tâm dẫn một toán cận vệ tiến thẳng vào tư dinh Võ Hậu . 

Nghe động, Xương Tôn và Diệc Chi chạy ra, linh cảm thấy có chuyện bất thường. 

Quân cận vệ đang tràn vào từ các ngả, một số đã tiến vào các hành lang .

Xương Tôn vả Diệc Chi lập tức hiểu ngay . Chúng rùng mình thụt lui và hô hoán quân hầu , nhưng không kịp. Các cận vệ nhào tới và trong nháy mắt hai chiếc đầu lâu điểm phấn tô son lăn lông lốc dưới đất .

Kỷ Tâm, Giản Chi và một số Đại thần vội tiến về phía long sàng , nơi Võ Hậu đang nằm, ra lệnh cho thị nữ lui ra ngoài hết. 

Nghe tiếng ồn ào Võ Hậu hỏi vọng ra, giọng bà vẫn hách dịch như thường lệ : 

- Cái gì mà ồn ào vậy ? Ủa, sao các ngươi dám vào đây ?

Giản Chi rất cung kính trả lời : 

- Tâu Lệnh Bà, bọn hạ thần xin Lệnh Bà tha tội. Anh em Xương Tôn có tội nên bọn hạ thần phải đến khuấy động Hoàng cung. Giờ đây chúng đã chết , bọn hạ thần xin Lệnh Bà tha cho tội đã không báo trước.

Võ Hậu đưa mắt nhìn mọi nguỏi một lượt rồi ngừng lại ở Triết :

- Hoàng nhi còn đứng đây làm gì ? Chúng đã bị giết chắc mi hài lòng lắm nhỉ !

Quang Ngạn Phạm vội bước tới đỡ lời :

- Tâu Lệnh Bà, Thái Tử sẽ không rời khỏi đây nữa. Tiên đế đã uỷ thác Thái Tử lại cho Lệnh Bà để làm người nối nghiệp. Nay bọn hạ thần táo gan xin Lệnh Bà hãy trả lại ngôi cho Thái Tử. Xin Lệnh Bà hãy vì thương Thái Tử mà chấp thuận.

Võ Hậu đã nghe rõ nhưng bà vẫn bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra . Bà đưa mắt nhìn quần thần một lần nữa, rồi hướng về phía Lý Cẩn - con trai Lý Nghĩa Phủ - và Thôi Ngươi Huy :

- Lý Cẩn, ta đối với cha con ngươi ra sao ? Còn Ngươi Huy nữa, ta đã cất nhắc ngươi lên địa vị ngày nay, ngươi quên sao ? Thật ta không thể tin được ! Toàn một lũ nuôi ong tay áo !

Thôi Ngươi Huy bình tỉnh trả lời : 

- Bọn hạ thần rất đội ơn Lệnh Bà, nhưng chắc Lệnh Bà cũng hiểu cho bọn hạ thần làm việc này chỉ vì xã tắc. 

Chưa đầy nửa giờ, cuộc biến động chấm dứt . 

Các quan đem theo thủ cấp của anh em họ Trương và rời Hoàng cung chỉ để lại Lý Cẩn để trông chừng Võ Hậu. 

Lúc đó các bè cánh của Xương Tôn cũng bị vây bắt hết. 

Hai chiếc thủ cấp được đem bêu để dân chúng coi . Các anh em, họ hàng của Xương Tôn và Diệc Chi cũng bị đem ra pháp trường hành quyết trước sự chứng kiến của một rừng người . 

Ngày hôm sau, hăm ba tháng giêng . 

Thái Tử Triết tạm thời lên làm Nhiếp Chánh. 

Ngày hăm bốn, Võ Hậu chính thức thoái vị, Hoàng Tử Đán được phong làm Quốc Công và tất cả con cháu nhà Đường được ân xá, cho phục lại phẩm tước cũ. Những người bị bọn hung thần đầy đi xa trước kia cũng được phép trở về quê quán - trừ những người có liên hệ họ hàng với bọn hung thần. 

Ngày hai mươi sáu. Võ Hậu được đưa đi an trí lại một khu vực phía Tây Kinh đô . 

Để tỏ lòng tôn kính đối với bà, cứ mười ngày Triết lại đích thân báo cáo công việc triều chính .

Dù sao Võ Hậu cũng cảm thấy mình là một tội nhân bị giam lỏng. Nhiều lúc bà lấy làm tiếc là sao họ không giết bà ngay để khỏi phải sống những ngày dài buồn khổ.

Lần đầu tiên trong đời, Võ Hậu cảm thấy mình bất lực, một kẻ chiến bại. Lý Cẩn vẫn luôn luôn trông chừng bà , làm như cai ngục trông tù. Lòng tự ái của bà bị tổn thương trầm trọng. Bà sống cô độc. Người yêu đã chết. Cả đứa con gái yêu dấu, Công chúa Thái Bình, cũng không được gặp mặt . 

Thực ra Công chúa đã theo phe Triết để chống lại bà. Và tệ hại hơn cả, con trai bà -Triết - thường xuyên đến báo cáo những cải tổ mới khiến bà càng nghe càng choáng váng như vị Đại tướng nghe tin thất trận.

Triều đại nhà Chu do bà tốn bao nhiêu công trình dựng nên , giờ đây hoàn toàn phá sản. Bà ước gì mình trẻ lại và có đủ sức rời khỏi giường bệnh, bà sẽ có cách làm cho bọn vô ơn bạc nghĩa kia phải trả một giá rất đắt. 

Ngày mồng một tháng hai, nhà Đường được chính thức tái lập . Quốc kỳ , quốc hiệu và tên các cơ quan chính phủ được lấy lại như dưới đời Cao Tôn. Thánh đô cũng được đổi lại là Đông đô - Lạc Dương -

Nguỵ Viễn Chung, vị quan cứng đầu bị Võ Hậu đổi đi xa vì đụng độ với Xương Tôn trước kia, được triệu hồi về Kinh đô để giữ chức Thị Trung và sau đó Trung Thư Lệnh.

Võ Hậu thở dài khi nhớ tới lời Viễn Chung nói với bà trước khi ra đi : Sau này sẽ có một lúc Bệ Hạ nhớ tới hạ thần và thấy lời của Nguỵ Viễn Chung này là đúng .

Nhưng điều làm Võ Hậu đau đớn nhất là sự phục hồi danh hiệu của Vương hậu và Triệu phi . Họ không còn bị gọi là bọn Hổ lang và Kên Kên nữa . Và sự đau khổ của bà lên đến mức cùng cực khi bà nghe tin Thái miếu họ Võ đã bị dẹp bỏ và tổ tiên của bà bị truất hết tước vị . 

Phải chăng đây là ác giả ác báo ! Hỡi đức Phật Vạn Năng ! Sao lại bắt bà sống để chứng kiến ngày hôm nay !

Thảng mười một năm đó , Võ Hậu đã buông tay chịu thua Thần Chết. Trước khi chết bà rất quan tâm đến việc thờ phụng linh hồn bà sau này. Bà di ngôn lại rằng bà rất hài lòng được cúng giỗ như một Hoàng Hậu chứ không phải Hoàng đế, bà muốn trở lại làm một người vợ hiền của ông chồng đáng yêu Cao Tôn - Chắc hẳn Cao Tôn đang run lên với ý tưởng sắp nối lại duyên xưa- 

Trong những lời cuối cùng của bản di chúc, bà vui lòng tha tội cho Vô Kỵ, Toại Lương và Lưu Sử - cậu ruột Vương hậu -- để bà có thể thanh thản hơn , đi nốt quảng đường về bên kia thế giới.

Ngoài ra bà còn tha thứ cho Vương hậu và Triệu phi . Nhắc đến Vương hậu và Triệu Phi, bà lại tưởng nhớ tới hồi còn trẻ, hồi bà còn bị hồn ma của hai người đeo theo ám ảnh. Giờ đây hai người lại chợt hiện về trong trí bà , khơi động lương tâm của người đang hấp hối. Bà tự nhủ có lẽ nên làm lành với họ , tha thứ cho họ , để khi gặp lại nhau bên kia thế giới, ba người có thể nhìn nhau cười xoà. Dù sao bà cũng là một Đức Phật , Đại Vân Kinh thường rót vào tai bà như dòng suối ngọt lịm, êm ái như điệu nhạc thiên tiên . 

Bà miên man nhớ lại những ngày đầm ấm bên Sư trưởng Hoài Nghĩa. Bà có thể tự mãn rằng bà đã hưởng trọn lạc thú trên trần gian , đắm mình trong hạnh phúc nhiều hơn bất cứ người đàn bà nào khác . Tất cả bọn chúng đều bị bà qua mặt . Bà mĩm cười . Bà dám chắc mình là người đàn bà kỳ lạ và quyền uy nhất dưới gầm trời này và bà sửa soạn làm những việc kinh hồn hơn nữa tại nơi bà sắp tới . Địa Ngục hay Thiên Đường gì đó ...

Điều bà chắc chắn nhất là cái tên Võ Tắc Thiên sẽ tồn tại mãi mãi .

Phút lâm chung của Võ Hậu được sửa soạn kỷ càng . 

Triết -con trai bà , hiện đã là Hoàng đế - chắc chắn sẽ đũ bốn mùa nhang khói thờ phụng bà cho trọn tình mẫu tử . Bà chợt cảm thấy lời khuyên của Địch Nhân Kiệt là đúng , bà cần phải dọn đường trước để bước đi của bà sang thế giới bên kia được thanh thản . Ông già đáng thương Cao Tôn chắc đang chờ đợi bà và biết đâu trong đám người tiếp đón bà chẳng có mặt Vương hậu và Triệu phi . Bà đã tha thứ cho hai người rồi còn gì ! Sẽ có cả Toại Lương, Vô Kỵ , bà Công tước và San San nữa , bà chắc như vậy. 

Có điều bà không thể chính thức tha tội cho nhà sư điên , nhưng nếu gã chịu ra tiếp đón bà thì bà sẽ vui lòng bỏ qua mọi chuyện, vì tình xưa bà đâu nỡ hẹp lượng.

Sau đó, dĩ nhiên Võ Tắc Thiên sẽ ngự trên xe loan nạm kim cương rực rỡ và bay lên trời, trên đó Như Lai, Lão Tử và Khổng Tử chắc đã biết tiếng bà. Bà sẽ hỏi họ đã đọc Đại Vân Kinh của bà chưa ? Nếu chưa thì thật lạ ! 

Quên mất, trên trời còn có Võ Đế nữa. Ông là vị vua đầu tiên của nhà Chu trước kia và từng được Võ Hậu tôn làm ông tổ bốn mươi đời nhà bà. Võ Đế hẳn phải hoan hỉ lắm khi gặp bà, người sáng lập ra nhà Chu thứ hai ! Lão Tử cũng là một người bạn đặc biệt của bà. Ông đã được bà đặc biệt tôn kính kể từ sau dịp lễ Phong Sơn, các quan từ Vương công trở xuống phải đọc Đạo Đức Kinh của ông - xem chương 10 - khi lên tới trời, bà sẽ chọn nơi cư ngụ gần Tây Vương Mẫu để hai người làm hàng xóm với nhau. 

Võ Hậu sung sướng nhắm mắt với nhưng ý tưởng này, tâm hồn bà hoàn toàn thanh thản...

Có người bảo : 

- Đời này chỉ là một sự sửa soạn cho đời sau . Tính tình người ta sẽ thay đổi khi đầu thai kiếp khác. 

Có hay không ?

Chắc là không . 

Hết - Tình sử Võ Tắc Thiên - Lâm Ngữ Đường

Nguồn: http://vnthuquan.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved