Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

22 thg 11, 2013

Thanh Cung Mười Ba Triều - Hứa Tiếu Thiên - Hồi 145,146,147,148

Hồi 145: Thái Bình Thiên Quốc tan rã

Bọn Bành Dục Quất, Tiêu Phu Tứ có nhiệm vụ xung phong phá ải nhảy vọt lên trước, giơ cao mũi giáo đâm chết luôn mấy tên quân tóc dài, như được khích lệ, hăng hái xông lên, chia đường, tràn ngập khắp nơi. Trung lộ, thi có bọn Vương Viễn Hoà, Vương Sĩ Ích, Chu Hồng Chương, La Vũ Xuân, Thẩm Hồng Tân, Hoàng Xuân Xương, Hùng Thưởng Tần, hùng hổ tấn kích thẳng vào phủ Thiên vương của Hồng Tú Toàn; hữu lộ, có bọn Lưu Liên Tiệp, Trường Thi Nhật, Đàm Quốc Thái, Thôi Văn Điển, xung trận do ngả Đài Thành tiến tới cửa Thần Sách môn, trong khi đó bọn Chu Nam Quế, Chu Duy Đường, Lương Mỹ Tài, cũng đã dùng thang leo lên cửa Thần Sách để vào trong, đánh nhau với quân tóc dài, suốt dọc núi Sư Tử, cướp lấy cửa Nghi Phượng môn.
Tả lộ, thì do bọn Bành Dục Quất, Võ Minh Lương từ chỗ nền cũ của Nội thành đánh thẳng tới Thống Tế môn. Còn bọn Tiêu Phụ Tứ, Hùng Đăng Võ, Tiêu Khánh Diễn, Tiêu Khai Ấn, thì lại chia đường đánh phá hai cửa Triều Dương và Hồng Võ.

Đại tướng tóc dài lúc đó là Trung vương Lý Tú Thành. Thành đang chỉ huy quân đánh cận chiến với quân Thanh, từ trong các ngõ hẻm, các góc nhà, bỗng thấy bốn mặt thành đều bị tràn ngập, biết rằng đại thế đã cùng, liền cướp đường xông ra cửa Hạng Tây môn.

Nhưng tại cửa này cũng đang có bọn Trần Trực và Dịch Lương Hổ đánh phá dữ dội. Bất đắc dĩ, Thành đành phải quay về núi Thanh Lương, chui vào đám nhà dân lụp xụp bên đường để ẩn núp, trong khi đó Hoàng Dực Thăng đã đốc suất thuỷ sư phá tan Trung quân, rồi luỹ đá đồn Lạng Giang và cũng tiến thẳng tới cửa Hạng Tây môn. Thế là ba tướng Thực, Hổ và Thăng hợp lực lại, nhất tề đánh phá cửa này. Chẳng bao lâu cửa bị phá nát. Tất cả các cửa thành đến lúc này thảy đều bị phá, chỉ còn có phủ Thiên vương là chưa đánh vào mà thôi.

Trời sắp tối. Tăng Quốc Thuyên truyền lệnh cho quân sĩ tạm nghỉ. Đặc biệt chỉ có cảnh quân của bọn Vượng Viên Hoà, Vượng Ích và Chu Hồng Chương là vẫn phải tấn kích kịch liệt suốt đêm.

Canh ba đêm đó, trong phủ Thiên vương, bỗng nổi cửa sáng rực một góc trời. Rồi một chi quân tóc dài, tay cầm súng, đông đến hơn ngàn, xông ra và cứ thẳng đường phố thục mạng chạy, quân Thanh thấy vậy, không truy kích, chỉ kéo nhau vào phủ Thiên vương đập tắt ngọn lửa, kiểm, qua các xác chết. Phần lớn đều là cung nữ trong phủ, đặc biệt không thấy thi thể Thiên vương Hồng Tú Toàn và ấu chúa Phúc Châu đâu cả.

Trời lúc này đã sáng rõ. Tăng Quốc Thiên hạ lệnh đóng kín cửa thành rồi cho lùng bắt và đem chém quân tóc dài đến hơn mười vạn người, suốt trong ba ngày đêm liên tiếp.

Qua ngày mười chín, Tiêu Phu Tứ mới tìm ra được bọn Hồng Nhân Phát và Lý Tú Thành bắt đem hỏi cung, lúc đó mới biết thây ma Hồng Thiên Vương Tú Toàn đã đem chôn kỹ trong nội cung, còn ấu chúa Phúc Nhân thì nhân đêm đôi bên giao chiến đã nhờ đường hầm trốn chạy ra ngoài.

Hạ xong thành Giang Ninh, thủ đô của Thái Bình Thiên quốc, Tăng Quốc Thuyên vội cho phi tinh mã báo tiệp cho Tăng đại soái Quốc Phiên. Phiên liền uỷ nhiệm cho tổng đốc Hồ Quảng là Quan Văn cầm đầu phái đoàn mang công hàm về triều tâu báo.

Một đạo chỉ dụ của Thanh triều ban xuống, nội dung nói:

"Ngày hôm nay Quan Văn và Tăng Quốc Phiên có một bản sớ tâu tiệp về việc bình an thành tỉnh Giang Ninh, thực đã làm cho thần dân trong thiên hạ ai cũng phải ngợi khen ca tụng.

Tên nghịch tặc tóc dài Hồng Tú Toàn khởi loạn năm thứ ba mươi niên hiệu Đạo Quang, đánh phá từ Quảng Tây đến Lưỡng Hồ, Tam Giang, đồng thời chia quân gây loạn khắp các tỉnh Trực Lệ và Sơn Đông, hành tung phản nghịch cơ hồ gần khắp cả thiên hạ. Năm thứ ba niên biểu Hàm Phong hắn chiếm cứ thành tỉnh Giang Ninh, tiêm xưng nguỵ hiệu.

Trăm họ miền Đông Nam, bị Toàn giết hại, thê thảm chẳng bút nào tả xiết, do đó, tội hắn đã dầy, người cũng như thần thánh ai ai đều giận. Hoàng khảo ta là Văn Tông Hiến hoàng đế lấy làm cả giận vâng mệnh Trời phạt hắn nên đặc sai Lưỡng Hồ tổng đốc là Quan Văn làm khâm sai đại thần, cùng với tiền nhiệm tuần phủ Hồ Bắc là Hồ Lâm Dực tảo thanh miền thượng du Sở Bắc, do đó Dực đồn trú suốt giải Tú Tùng trù hoạch kế sách đông chinh. Mặt khác lại còn bổ nhiệm Tăng Quốc Phiên làm Lưỡng Giang tổng đốc kiêm nhiệm chức khâm sai đại thần định kê đông chinh, miền Giang Hoãn.

Hiệu lệnh đã được vâng theo triệt để, công lao thành tích mỗi ngày một rạng rỡ vẻ vang.

Tháng bảy năm thứ mười một, Hoàng khảo ta đi Thượng Tân, lúc đó phần nửa quận huyện Giang Chiết bị luân hãm, đã có di chiếu để lại lấy cái việc chưa tiêu diệt được bọn nghịch tặc vong bản tà đạo, tay sai của lũ quy trắng làm căm giận bực ghét. Trẫm tuy vâng kế nghiệp của tiên liệt, nhưng còn quá nhỏ, phải phụng nghinh lưỡng cung Hoàng thái hậu buông rèm nghe chinh chỉ bảo việc nên làm, bèn bổ nhiệm Tăng Quốc Phiên Làm hiệp biện đại học sĩ tiết chế quân vụ bốn tỉnh để thống nhất mọi quyền hành.

Từ khi thu nhiệm đến nay vị đại thần ấy chia quân đi tiêu diệt bọn nghịch tặc khắp miền thượng dụ, đồng thời thông sức cho các tướng Bành Ngọc Lân, Dương Nhạc Bân, Tăng Quốc Thuyên, thuỷ lục đều tiến, khắc phục liên tiếp hàng trăm thành quách đồn ải ở dọc sông. Chém đầu đến mười mấy vạn tên nghịch phỉ cũng như tên ngoại quốc tiếp viện, hợp lực vây khốn thành Giang Ninh, cắt đứt đường tiếp tế của giặc.

Ngày mười sáu tháng sáu năm nay, Tăng Quốc Thuyên thống suất chư tướng định chiếm lại thành Giang Ninh (kinh đô của Thái bình Thiên quốc), đã bao năm rơi vào tay giặc.

Suốt trong ba ngày từ mười sáu, mười bảy, đến mười tám, tướng sĩ lùng bắt chém sạch bọn nguỵ vương, nguỵ chủ tướng, nguỵ thiên tướng đến hơn ba ngàn tên cũng như bọn đồ đảng đông có tới hơn mười vạn không thoát được lấy một đứa! Đây thực là một việc nhờ ơn Trời phù hộ, Liệt thánh rủ lòng thương, nhờ Lưỡng cung Hoàng thái hậu nơm nớp lo việc cai trị, biết đề bạt nhân tài, dùng kẻ hiền năng, khiến sự trong ngoài một lòng, tướng sĩ tuân mạng, cho nên mới thành được công lớn này, trên có thể an ủi linh hồn của Hoàng khảo trên trời, dưới có thể thoả nguyện toàn thể nhân dân trong bôn bể. Trong trường hợp này, nếu không phải là người có đức có nhân thử hỏi làm sao mà được thế. Càng ngẫm tới cái ý chí của Tiên hoàng chưa thực hiện được, tự mình chưa thấy được thành công thứ hỏi nỗi mềm bi thương làm sao cho nguôi được?

Phen này tên nghịch tặc họ Hồng khởi loạn tại Việt Tây, đã mười lăm năm trộm chiếm Kim Lăng, cũng đã mười hai năm giày xéo, mười mấy năm công hãm hơn trăm thành trì, ấy thế mà quân ta đã lần lượt quét sạch diệt trừ được mầm mống độc ác.

Bọn đại thần chỉ huy quân đội mưa móc chất chứa, phong trần gian nan nếm đủ, thật rất nên đền đáp đặc ân, thù lao xứng đáng. Khâm sai đại thần hiệp biện đại bọc sĩ Lưỡng Giang tống đốc Tăng Quốc Phiên thủ xướng việc đoàn luyện đồng thời thành lập chu sư tại Hồ Nam từ năm thứ ba niên hiệu Hàm Phong đã từng cùng bọn Tháp Tê Bố, La Trạch Nam kiến lập nhiều công trạng đặc biệt, bảo toàn các quận huyện tỉnh Hồ Nam, khắc phục các thành trì miền Võ Hán, tảo thanh khắp toàn bộ tỉnh Giang Tây, nhất là trong lúc chinh đông xuất quân từ Tú Túng đánh lấy tiềm sơn Thái Hồ, tiến đánh Kỳ Môn nhiều lần đánh lấy lại được các quận huyện miền Huy Châu rồi đoạt thành tỉnh An Khánh đế làm căn bản, sau đó truyền lệnh chia quân thuỷ lực lại khắc phục các châu quận miền hạ du. Nay công lớn đã cáo thành đều do vị đại thần này tính toán kế hoạch không có chỗ nào sai. Vừa mưu dũng kiêm bị lại vừa trí nhân thiện nhiệm, điều động rất là xác đáng.

Bởi thế, Tăng Quốc Phiên được gia thưởng hàm Thái tử Thái bảo, tứ phong đệ nhất đẳng hầu tước, thế tập đời đời, đồng thời thưởng cho mão Song Nhãn Hoa Linh, tuần phủ Chiết Giang Tăng Quốc Thuyên vốn nho sinh lòng nhưng theo Tăng Quốc Phiên tiễu địch ở mấy tỉnh, công trạng khá rực rõ, năm thứ mười niên biểu Hàm Phong từ nơi đất Tương chiêu mộ nghĩa đũng, khắc phục được thành tỉnh An Khánh đền năm thứ nhất và thứ hai niên hiệu Đồng Trị, khắc phục liên tiếp mấy nơi như Sào Huyện, Hàm Sơn, Hoà Châu, thống suất các dinh thuỷ lục, tiên bức Kim Lăng, đồn trú tại Vũ Hoa đài công phá nguỵ thành.

Khi bị quân giặc vây dinh, khổ thủ cô thành đền mấy tháng, cố sức đánh lui quân địch; rồi đến tháng giêng năm nay đánh lấy luỹ đá ở núi Chung Sơn để nối vòng vây Giang Ninh, đốc thúc tướng sĩ ác đấu, khai quật địa đạo, thâu lượm tên đạn lâu tới nửa tháng mà vẫn không chịu rút, cuối cùng khắc phục toàn thành, diệt trừ được tên đầu trò phản tặc, tất cả sự thực đều nhở ở cái đức kiên nhẫn chịu đựng khổ cực và cái tâm trung dũng vì nước. Bởi thế Tăng Quốc Thuyên được gia thưởng hàm Thái tử Thiếu bảo, tử phong đệ nhất đảng bá tước, đồng thời thưởng cho mão đội Song Nhãn Hoa Linh. Lại đền đề đốc Lý Thần Điển tuy ở giữa đám súng đạn tơi bời, thế mà vẫn khai quật đại đạo thề chết diệt giặc, rồi khi thành bị nổ tan liền đi đầu xông vào để cho quân sĩ theo sau, nhờ đó mà cướp được thành, thực là mưu dũng hơn người. Bởi thế Lý Thần Điển được gia phong ân tứ đệ nhất đẳng tử tước đồng thời thưởng cho áo Hoàng mã quải, mão đội Song Nhãn Hoa Linh, Sau Cùng Tiêu Phu Tứ độc biện phào đài đi trước cướp cửa xông vào bắt được bọn Lý Tú Thành và Hồng Nhân Phát thực quả có một huân lao cao cả lấy lừng.

Bởi thế Tiêu Phu Tứ được gia phong ân tứ đệ nhất đẳng nam tước đồng thời thưởng mão đội Song Nhãn Hoa Linh. Khâm thử".


Ngoài bốn yếu nhân như tờ chiếu đã nói ra, người ta còn thấy đến một trăm hai mươi người, vừa văn quan, vừa võ tướng đều được huân công thăng thưởng. Thế là một cuộc loạn ly lớn lao tới đây đã kết thúc.

Tăng Quốc Phiên từ An Khánh tới Giang Ninh trước hết cho quật mồ kéo thây ma Hồng Tú Toàn lên thì thấy thây Toàn dùng vải đoạn vàng thêu rồng liệm quanh mình, đầu Toàn húi trụi không có tóc, râu Toàn đã bạc trắng và vì theo dị giáo (tôn giáo lạ của nước ngoài), nên không dùng quan quách chôn cất. Phiên hạ lệnh cho bắn nát thây Toàn, đốt xương ra tro rồi đem xử tử bọn Hồng Nhân Phát và Lý Tú Thành. Duy chỉ Hồng Phúc Chân (con trai Toàn) không biết trốn chạy nơi nào. Tuy Phiên vẫn tấu về triều là tất cả đều đã chết hết nhưng thực ra Chân đã chạy ra Quảng Đức rồi quay sang Hồ Châu biệt tích.


Hồi 146: Lùng bắt ấu Chúa Phúc Chân

Lúc này các quận huyện Chiết Giang lần lượt được thu phục nhưng Hồ Châu vẫn còn do tướng tóc dài tên gọi Hoàng Văn Kim trấn giữ, quân nhà Thanh ở Tô, Chiết đánh dẹp mãi mà chưa xong.

Kim đón ấn chúa tóc dài Hồng Phúc Chân đến Hồ Châu nuôi dưỡng. Lý Hồng Chương dò la được tin này, vội chạy hịch cho bọn bộ tướng nô lực lập công. Do đó bọn Chiết tướng (tướng ở Chiết Giang) là Cao Nguyên Thắng, Vương Nguyệt Lương, Thái Nguyên Cát, Đặng Quang Minh, đem quân đánh mặt đông nam Hồ Châu, còn bọn Tố tướng (tướng ở Tô Châu) là Dương Đỉnh Hân đem quân đánh mặt tây bắc Hồ Châu. Hai cánh quân này phá tan các luỹ đá ở ngoài thảnh, tiêu diệt quân địch vô số.

Hoàng Văn Kim thống suất vài vạn quân mở cửa tây xuất chiến. Quách Tùng Lâm liền điều động quân thuỷ lục đánh mé tả. Vương Vĩnh Thắng chỉ huy bộ quân theo đường tắt qua núi đánh mé hữu, Kim xoay trần cả đôi cánh tay múa tít cây đại đao tả xông hữu đột nhưng chỉ được có mấy hồi đã bị đại bác bắn chặn lại, dù vậy Kim vẫn liều chết, cố đánh tiếp. Bỗng có tin báo cửa đông bị vỡ, Kim tức thì tâm hoảng ý loạn vội phò ấu chúa Phúc Chân chạy về hướng tây, trốn vào mãi giữa thung lung núi tại phủ Ninh Quốc. Không ngờ Kim lại chạm trán với Bào Siêu tại đây và bị Siêu đánh cho một trận tan hoang, thây nằm ngổn ngang đầy đường.

Kim không biết tính cách nào hơn là chạy quay về Thuần A, Chiết Giang. Nhưng mới được nửa đường lại gặp phải Chiết tướng Hoàng Thiếu Xuân. Trông trước ngó sau thấy hết đường chạy, Kim đành phải liều mạng đánh tràn mình bị đến mấy chục vết thương mới thoát khỏi vùng vây.

Được tin bọn Lý Thế Hiền, Uổng Hải Dương hiện ở Giang Tây, Kim liền quyết kế chạy sang để cầu viện. Nhưng đi mới được vài chục dặm, vết thương của Kim phát tác dữ dội, Kim thổ huyết rồi chết. Khi lâm chung, Kim chối lại cho người em là Hoàng Văn Anh cố hộ vệ Phúc Chân tới được Giang Tây.

Hoàng Văn Anh đưa Phúc Chân tới Quảng Tín, sau lưng bị Chiết quân truy kích ráo riết, trước mặt lại có quân Giang Tây đang sẵn sàng, chỉ còn cách chuyển hướng chạy sang Thạch Thành.

Án sát sứ Tịch Quảng Điền vừa tấn công Lý Thế Hiền tại Sùng Nhân, được tin Hồng Phúc Chân đã chạy vào Giang Tây, e rằng Chân liên hợp với Hiền, liền xuất lính khinh kỵ chạy tắt đến huyện Thạch Thành thì vừa gặp bọn tóc dài Hoàng Văn Anh. Không còn kịp trốn tránh nữa, Anh đành miễn cưỡng tuốt kiếm chống cự. Nhưng Anh lúc này đã lực kiệt, thế cô, đánh đấm qua loa rồi cam chịu quy hàng đồng thời với cả mấy chục viên tướng tóc dài khác, trong số còn vài người họ Hồng như Hồng Nhân Cao, Hồng Nhân Chính.

Một điều lạ cho Điền cũng như toàn cánh quân Thanh lúc đó là không thấy ấu chúa Hồng Phúc Chân đâu cả. Điền cật vấn bọn Anh nhưng tất cả đều không chịu thực cung.

Mãi sau Điền dụ dỗ đứa trẻ chăn ngựa cũng bị bắt lúc đó, mới biết Phúc Chân đã chạy trốn, còn lẩn quất trong núi chưa ra.

Tịch Quảng Điền liền chia quân chặn hết các cửa rừng, rồi tự mình đốc suất bộ tướng lục tìm. Suốt hai ngày, tên bộ tướng của Điền tên Chân Gia Lương mới bắt được Chân.

Điền như bắt được của báu, liền áp giải ngay về Nam Xương, tuần phủ Thẩm Bảo Trinh cấp tấu ngay về triều. Một đạo chỉ dụ hạ xuống truyền cho chính pháp ngay tại chỗ. Chân bị đem xé xác còn bọn Anh, Cao, Chính tất cả đều bị bêu đầu ngoài chợ để răn chúng. Họ Hồng như thế đã hết. Sự nghiệp lẫy lừng trong mười lăm năm trời bỗng nhất dán tiêu tan.

Khang vương Uổng Hải Dương, một đại tướng của Thái Bình Thiên quốc, sau khi tụ tập được đến mười vạn quân thiện chiến, hầu hết là những tín đồ của đạo mới đã kéo tới Giang Tây để đón ấu chúa, chỉ còn cách chỗ ấu chúa bị bắt có vài trăm dặm bỗng nghe được hung tin này kẻ nào kẻ nấy thất vọng rã rời, Dương chán nản quá bèn trốn chạy vào Phúc Kiến.

Mặt khác Lý Thế Hiền cũng từ Cống đem quân vào Mân, thấy nơi đây sơ hở không bố phòng cẩn mật liền cướp phá lấy luôn hai quận Đinh và Chương làm căn cứ.

Án sát sứ Trương Vận Lan đem năm trăm quân đối địch. Quả bất địch chúng, Lan không chống nổi Hiền, liền bị chém chết ngay tại trận tiền. Đề đốc Lâm Văn Sát cũng cùng chung số phận với Lan ở Chương Châu. Hai châu miệt tỉnh Mân rung động khủng khiếp, Lý Hồng Chương được tin này phi hịch cho bọn Hoàng Thiếu Xuân, Lưu Minh Đặng hành quân từ Cù Châu sang Diện Binh làm Trung lộ, bọn Lư Điển, Vương Đức Bảng chuyển từ Kiên Xương qua Đinh Châu làm Tây lộ, bọn Cao Liên Thăng xuất trận từ Ninh Ba vượt bể vào Phúc Kiến rồi ra Hưng Tuyền làm Đông lộ. Tuy ba lộ quân này rầm rộ kéo tới Mân nhưng e rằng còn khó thắng, Lý Hồng Chương cũng vội sai bọn Quách Tùng Lâm và Dương Đinh Huân điều động quân sĩ thuyền tới Mân, hợp lực với ba lộ quân kia vây khốn Chương Châu, mặt khác Bào Siêu cũng kéo binh Từ Giang tới Võ Bình. Thế là quân Thanh đã hội họp đầy đủ chỉ còn chờ lệnh tấn công.

Được tin đại quân của Thanh triều kéo tới. Lý Thế Hiền và Uông Hải Dương vội bỏ Mân chạy sang Việt, đánh lấy Trấn Bình. Nhưng trong một cuộc thảo luận kế hoạch quân sự Hiền bất đồng ý kiến với Dương, Dương tuốt kiếm đâm chết luôn Hiền.

Thế là hai tướng chỉ còn lại một. Dương lại tính kéo tàn quân về Giang Tây. Giữa đường Dương bị Tích Bảo Điền chặn đánh, bị mấy mũi mâu vào lưng đành phải bỏ ý định, chạy về Quảng Đông cướp ngay Châu Gia Ứng.

Lý Hồng Chương được tin này thôi thúc Bào Siêu đem quân vào Việt, đích thân mình cũng điều binh theo để đốc chiến.

Do đó Chiết quân vây Châu Gia ứng ở mặt đông nam, Bào quán ở mặt tây còn mặt bắc thì giao cho Việt vây kín. Duy chỉ còn có mặt nam, đó là nơi đồn trú của địch quân.

Uổng Thanh Dương đốc quân toàn trại xuất chiến. Quân Thanh thua, Dương lại phát binh tấn công Chiết quân, bọn Hoàng Thiếu Xuân, Lưu Điển, Vương Đức Bảng cũng đều bại, Dương thừa thắng đuổi đánh ráo riết. Quân Thanh chạy dài.

Các lộ quân Thanh được tin quân nhà thất trận bèn tức thì cùng lúc ba mặt giáp công. Uổng Hải Dương bị một phát đại bác chết ngay trong trận… Quân tóc dài rút chạy vào thành, suy tôn Tăng vương Đàm Thề Nguyên lên thay. Nguyên vốn nhu nhược nên hoảng hốt vội mở cửa nam chạy ra.

Quân Thanh truy kích tới núi Hoàng Sa. Đây là một vùng hiểm trở, hoang vắng không đường đi lại. Quân tóc dài bị dồn vào đây, hết đường chạy, bốn mặt lại bị quân Thanh vây kín.

Biết đã đến ngày tận số quân tóc dài đều quỳ cả xuống chân núi, mặt ngước lên trời miệng lẩm bẩm cầu chúa cha, chúa con, chúa thánh thần thương họ, chóng đưa họ lên cõi Thiên đàng, xong đâu đấy phất cờ trắng xin hàng.

Nhưng với quân Thanh thì lúc này không có hàng, bởi thế Đàm Thể Nguyên, các tướng lãnh song hành cũng như toàn quân tóc dài đều bị giết chết, không còn sót lấy một mống.

Thái Bình Thiên quốc tan rã hoàn toàn. Đấy là hồi tháng mười hai năm thứ tư niên hiệu Đồng Trị.

Hồi 147: Giết tên thái giám đực rựa


Loạn ngoài vừa yên thì loạn trong lại nhóm. Loạn ngoài là cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên quốc. Loạn trong là xung đột giữa hai bà hoàng thái hậu nhà Thanh.

Đã từ lâu, Từ Hi thái hậu vẫn tưởng Từ An thái hậu là người nhu nhược, nay bỗng thấy bà này thẳng tay giết Hà Quế Thanh; tống Bảo Thắng vào lao, phong tước hầu tước bá cho bọn Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương… trong lòng cũng lấy làm hoảng. Bà vội về cung triệu An Đắc Hải tới bàn tính kế hoạch.

An Đắc Hải là ai vậy? Là một tên thái giám được Từ Hi thái hậu sủng ái và tin dùng nhất. Đừng nói đối với cung nội nữa mà cả đến khắp trong triều đình Hải cũng có những quyền hành rất lớn. Hải thường cậy thế lực của Từ Hi áp bách cả bọn Vương công đại thần.

Hồi này quyền hành của Cung thân vương cũng chẳng nhỏ. Vương vốn là một đại thần thân tín của Tử An, thấy Hải lăng loàn kiểu đó, sớm đã có nỗi lòng căm giận. Cho nên khi Đông hậu triệu kiến, vương liền tâu Hải tham tàn bất pháp như thế nào, vượt phận chuyên quyền ra sao, trong khi đó Hải cứ nghênh ngang và càng lộng hành hơn trước.

Ở bên ngoài Hải cung cậy thế Tây thái hậu kéo bè lập đảng khắp nơi. Khá nhiều đại thần đã chạy theo phe của Tây hậu, do đó bè cánh của Tây hậu ngày một đông thêm và cũng do đó quyền hành của Hải ngày một lớn thêm.

Một hôm Tây hậu truyền cho Hải vào cung bàn tính. Bà nói:

- Từ An thái hậu càng ngày càng chuyên quyền, động một tí là giết đại thần, giam tướng lãnh. Người phải cẩn thận đề phòng lắm mới được. Ở bên ngoài, người có đánh trống gõ mõ om sòm, làm ăn xoay sở quá đáng e xúc phạm tới Đông hậu thì nguy đấy, chẳng phải chuyện chơi đâu.

An Đắc Hải nghe xong, đã chẳng chút sợ hãi lại còn hậm hực nói:

- Sợ bà ta cải quái gì? Hoàng thượng vốn là hoàng thượng của Thái hậu bọn tôi mà uy quyền của bà ta dù có lớn tới đâu chăng nữa cũng chẳng thể qua mặt được thái hậu bọn tôi. Nguyên do chỉ tại thái hậu nể nang, việc gì cũng nhường bước bà ta mà ra. Theo ý nô tài thì từ nay Hoàng thái hậu đừng chịu vậy nữa. Cứ nhường một bước là y như Đông hậu tiến một bước. Kiểu này thì đừng nói bọn nô tài tôi một ngày kia không còn có cơm ăn mà ngay cả hoàng thái hậu cũng mất luôn cả chỗ đứng nữa là khác.

Mấy câu này của Hải đã đánh trúng tâm lý Tây hậu. Bà gật đầu, miệng khẽ buông tiếng lo ngại:

- Đúng! Đúng thế!

Thế rồi từ đó Hải thường xun xoe trước mặt Tây thái hậu để hiến kế dâng mưu, nào là chuyên quyền phải làm sao, kết bè kéo cánh phải như thế nào. Hải còn thường xuất cung tới nhà Vinh Lộc để bàn tính công việc.

Cung thân vương cho người luôn luôn theo dõi, dò xét Hải nên mọi hành động của Hải và đồng bọn đều bị ông khám phá hết. Vương vào cung tâu bày với Đông hậu, xin cho hạ bằng được An Đắc Hải. Đông hậu tuy vậy chứ vẫn nể mặt Tây hậu, chẳng tiện thẳng tay.

Một hôm vì quân vụ miền Giang Nam, vương phải vào cung xin gặp Đông hậu. Bà bảo vương tới thỉnh ý ở Tây hậu. Khi đi tới cửa Tây cung, vương thấy An Đắc Hải cũng vừa dợm bước vào.

Rõ ràng Hải nhìn thấy Cung thân vương mà chẳng chịu tới chào hỏi, đã thế còn làm bộ lật đật chạy vội qua cửa như có việc gì cần kíp lắm. Vương còn giận hơn nữa khi vào tới cung lại bị bọn thái giám chặn lại, nói thái hậu có việc bận chưa được phép vào. Vương đành tức tối mà ngồi chờ ngoài cửa cung.

Không ngờ đợi tới chiều tối mà vẫn chẳng được truyền vào vương tức giận giậm chân xuống đất bình bịch, mặt hầm hầm đi ra khỏi cung. Tới giữa đường gặp Thuần thân vương, Cung vương kể cho nghe thái độ vô lễ của Hải và thề quyết phải giết hắn.

Tại sao lại có chuyện bỏ mặc Cung thân vương? Nguyên do chỉ tại hôm đó Từ Hi thái hậu bận bàn chuyện đi Sơn Đông lấy "long y" (áo rồng) với An Đắc Hải, không ngờ được rằng có Cung thân vương xin vào yết kiến. Còn Hải quả có thấy vương nhưng cố ý bảo bọn thái giám không thông bảo chỉ là để đùa dai vương một phen.

An Đắc Hải được mật chỉ của Tây hậu lẻn ra khỏi cung tìm đường đi Sơn Đông chuẩn bị xuống Giang Nam thay Tây hậu cho cắt may áo long y bằng gấm vàng.

Theo luật lệ của triều nhà Thanh thì đã là thái giám, cấm không được phép rời kinh thành một bước. Phạm tội đó, thì lập tức đem chính pháp (chém đầu).

An Đắc Hải xuất kinh chuyến này, đã không biết che giấu lại còn phách lác om sòm suốt dọc đường. Thực tế, Hải mượn uy của Tây hậu tự xưng khâm sai đại thần mặc sức quấy nhiễu địa phương, bức bách quan lại.

An Đắc Hải ngồi trên một cặp thuyền nổi, hiệu là Thái Bình thuyền, phía trên cắm Tam Túc Ô kỳ, hình mặt trời, còn hai bên cắm không biết bao nhiêu là cờ long phụng. Hắn còn mang theo rất nhiều đồng nam đồng nữ, thảy đều xinh đẹp.

Chưa hết, dọn đường, hắn còn truyền gọi bọn ca kỹ của nhà quan lên trên thuyền để sai bảo hầu hạ, so tơ nắn phím.

Thái Bình thuyền của Hải lướt giữa dòng sông, người xem đứng đông nghẹt trên bờ, chẳng khác gì nghênh đón xa giá vậy. Thuyền chạy qua Đức Châu vào giữa hôm hai mươi mốt tháng bảy. Đó là hôm sinh nhật của Hải. Hắn ăn mừng ngay tại thuyền. Trong khoang giữa, Hải cho bày long y, rồi cho rất nhiều trai gái lên thuyền mừng thọ. Tin này truyền ngay tới tai tri phủ Đức Châu là Triệu Tân. Tân vốn hiểu luật, biết rằng thái giám tự ý xuất kinh là phạm pháp bèn thân tự, mang theo nha dịch đuổi theo tra xét. Nhưng thuyền của Hải đi đã xa đuổi không kịp nữa, tri phủ Triệu Tân không dám chậm trễ vội chạy tới bẩm cáo với Sơn Đông tuần phủ Đinh Bảo Trinh.

Sau lời bẩm cáo này, tuần phủ Trinh cũng còn nhận được văn thư của nhiều phủ huyện khác gởi về, đều tố cáo An thái giám quấy nhiễu địa phương, bức bách quan lại. Đọc xong ông nổi cơn thịnh nộ một mặt gởi công văn cho các phủ huyện Đông Xương, Tế Ninh truy bắt, một mặt viết một bản mật tấu gởi về kinh.




Cung thân vương tiếp được bản mật tấu, nổi giận đùng đùng, đi vội vào cung tâu với Từ An thái hậu.

Bệ kiến xong, Cung thân vương đem theo tờ chỉ dụ giết An Đắc Hải và cả bản tấu chương của Đinh Bảo Trinh nhất tề trình lên. Đông hậu đọc xong, hoảng sợ nói:

- Tên khốn kiếp, đến ngay cả Tổ huấn của nhà ta mà hắn cũng giẫm đạp lên. Không thể nào nể mặt Tây hậu được nữa, quốc pháp, gia pháp là điều tối khẩn phải duy trì.

Nói đoạn, Đông hậu lập tức ấn ký ngay vào tờ chỉ dụ.

Cung thân vương đỡ lấy, tức tốc quay ra.

Tiếp được mật chỉ của nội đình, tuần phủ Đinh Bảo Trinh mở ra xem thì thấy như sau:

"Căn cứ theo tập sớ của Đinh Bảo Trinh tâu về việc một tên thái giám ra ngoài phách lác bịp bợm do Triều Tân tri phủ Đức Châu tâu trình, rằng: "Vào khoảng tháng bảy có tên thái giám họ An ngồi bên trong hai chiếc Thái Bình thuyền, thanh thế rất là hống hách, tự xưng vâng chỉ sai đi may cắt long y, trên cắm một lá cờ Tam túc kỳ hình mặt trời, hai bên treo cờ long phụng, trong khoang chứa rất nhiều trai gái, cũng có cả nữ nhạc nắn phím so tơ, khiến hai bên bờ người đi xem đông nghẹt, lại đến ngày hai mươi mốt tháng ấy, mượn cớ ngày sinh nhật, tên thái giám giữa bày long y cho trai gái vào lễ lạt vì thế Châu này vội đi lùng bắt thì thuyền đã giương buồm xuôi trẩy về Nam, sau đó, tuần phủ Trinh liền thông sức cho các châu phủ Đông Xương, Tế Ninh đuổi theo bắt lại.

Ta xem xong quả lấy làm quái lạ, sợ hãi vô cùng. Tên thái giám này đã tự ý đi xa, lại còn có nhiều hành vi bất pháp. Nếu không nghiêm trị thì còn biệt lấy gì răn đe nơi cung cấm.

Bởi thế ta giao cho Mã Dân Di, Trương Chỉ Vạn, Đinh Nhật Xương, Đinh Bảo Trình phải cấp tốc cho bắt ngay tên thái giám họ An cùng bọn tuỳ tùng, phải nói rõ chứng cớ xác thực, rồi khỏi cần thẩm vấn, tức khắc đem ra chính pháp, không cho hắn lẻo mép biện luận che đậy.

Nếu như tên thái giám họ An nghe được tin đã hoảng sợ quay về thì việc bắt hắn sè giao cho Tăng Quốc Phiên thi hành mau chóng và đem hắn chính pháp tức khắc.

Việc quan trọng này ví thử sơ sót không chu đáo thì đó là lỗi của các đao phủ sẽ bị tra hỏi sau này, còn bọn tuỳ tùng xét ra nếu thuộc loại thổ phỉ, thì bắt ngay rồi phân biệt ra từng loại mà nghiêm phạt, khỏi cần phải tâu xin ý chỉ nữa.

Hãy chiếu theo tờ mật vụ sáu trăm dặm này mà thi hành. Khâm thử"
.

Mười ngày sau khi chém tên thái giám An Đắc Hải, Từ An thái hậu lại sai Cung thân vương soạn thảo đạo chỉ dụ thứ nhì, nội dung như sau:

"Ngày mồng ba tháng này, Đinh Bảo Trinh căn cứ vào tờ bẩm của tri phủ Đức Châu là Triều Tân tâu rằng có tên thái giám họ An đi trên chiếc thuyền lớn tự xưng là khâm sai, đi lo may long y, cạnh thuyền có treo cờ long phụng lại đem theo rất nhiều trai gái, suốt dọc đường phách lác bịp bợm khiến nhân dân hết sức kinh hãi". Do đó ta đã hạ dụ sai các đốc phủ các tinh Trực Lệ, Sơn Đông, Giang Tô lùng bắt và đem chính pháp tức khắc. Nay theo tờ sớ của Đinh Bảo Trinh tâu lên thì tên thái giám phạm pháp là An Đắc Hải đã bị bắt và bị chém tại huyện Thái Ân. Còn bọn tuỳ tùng thì cũng ngày hôm nay ta đã truyền dụ cho Đinh Bảo Trinh phân biệt tội trạng để nghiêm trị.

Gia pháp của triều ta rất là nghiêm ngặt đối với bọn hoạn thư đời này tới đời kia, nếu phạm ắt bị trừng trị. Bởi thế, mỗi khi có kẻ ra ngoài phách lác, bịp bợm, sinh sự, không kẻ nào là không bị trị tội tức khắc. Ấy thế mà tên thái giám An Đắc Hải dám lớn mật làm càn, gây ra không biết bao chuyện bất pháp, tội chết thực là đáng! Kể từ nay về sau bọn thái giám phải mở mắt nhìn rõ sự nghiêm phạt để dốc lòng kính sợ cố tránh. Viên đại thần tổng quản nội vụ phủ phải nghiêm sức cho bọn tông quản thái giám. Từ nay về sau phải kiểm soát gắt gao bọn thái giám trực thuộc để chúng hết sức cẩn thận khi thừa hành phận sự.

Nếu có kẻ không chịu an phận mình ra ngoài gây chuyện thì chẳng những kẻ chính phạm đã phải chiếu luật trị tội mà đến cả tên thái giám tổng quản cũng bị trừng phạt nữa.

Ngoài ra, cũng cần thông dụ thẳng cho các đốc, phủ các tỉnh cần nghiêm sức cho các địa phương dưới quyền hễ gặp bất cứ tên thái giám nào mạo xưng vâng lệnh thừa hành công vụ thì lập tức bắt ngay xích lại rồi tâu rõ để trừng trị, không được khoan hồng thả ra, bất luận tên can phạm đó chưa hoặc đã phạm pháp".


Tây thái hậu được xem hai đạo chỉ dụ đó xong mới biết An Đắc Hải đã bị chính pháp. Bà bất giác vừa thương tâm vừa căm hận, vừa mắc cỡ. Bất chấp cả thể diện của một thái hậu, bà hầm hầm chạy tới Đông cung.



Từ An thái hậu lúc đó đang ngủ trưa, nghe Tây hậu tới chẳng hiểu có chuyện gì vội ngồi dậy đón vào. Từ Hi bước vào phía sau còn có một bọn cung nữ và thái giám khá đông thanh thế, vẻ hùng hổ dữ dằn lắm.

Thấy Đông hậu ra đón nhưng Tây hậu chẳng thèm hành lễ, giận dỗi ngồi phịch xuống ghế, không nói tiếng nào cặp má biến dần từ đỏ đến tái. Đông hậu thấy vậy muốn làm lành bèn cười hì hì lên tiếng hỏi:

- Chuyện gì mà giận dỗi quá vậy?

Tây hậu chẳng đáp, bỗng oà lên khóc rối vò đầu, giậm chân, y như một con điên. Mấy cung nữ vội chạy tới vỗ về, khuyên nhủ. Đông hậu ngơ ngác đứng ngây người ra nhìn.

Tây hậu khóc chưa đã, bèn lăn nhào tới trước mặt Đông hậu, đầu gối quỳ trên sàn gạch còn cái đầu thì gục vào lòng Đông hậu, quay đi lắc lại, vừa khóc vừa nói:

- Thái hậu vốn là chính cung xuất thân. Tôi chỉ là đứa con ở xuất thân. Nay đứa con ở phạm pháp cầu xin chính cung thái hậu cho tôi chết quách cho rồi.

Tấn kịch bi hài do Tây hậu dàn diễn làm cho Đông hậu bối rối, vò đầu bút tóc mãi mà vẫn không tìm ra nguyên uy.

Bà đành phải nhẫn nại lựa lời ngon ngọt khuyên uý Tây hậu.

Đến lúc này Từ Hi mới thôi khóc, nghiêm nét mặt chất vấn Từ An:

- Lục tiên đế còn tại thế, tôi còn chưa được phong hậu, thế mà ngài vẫn thường gọi tôi bàn việc triều chánh. Nay tôi đã làm hoàng thái hậu, thế mà giết Hải, hậu chẳng thèm hỏi han gì tôi mà chỉ bàn tính với Lục gia. Như thế, chẳng những Lục gia không coi cái con hoàng thái hậu nầy ra gì mà đến cá thái hậu, rõ ràng cũng khinh rẻ tôi nữa. Bây giờ tôi chỉ cầu xin thái hậu cho một cái chết để tôi khỏi mất mặt trước hoàng thượng đó thôi. Xin nói thực để thái hậu biết, chính tôi đã sai Hải tới Sơn Đông chứ có phải ai khác đâu. Nay giết Hải, thái hậu thực đã vạt mất hẳn cái mặt tôi rồi, thử hỏi tôi còn sống sao nổi trong cái cung này chứ?

Nói đoạn, Tây hậu lại lu loa khóc lớn, mồm năm miệng mười chỉ xin Từ An giết quách bà ta đi.

Từ An thái hậu chưa từng thấy một cảnh tượng quái gở như thế, nên tay chân bà run bần bật, ú ở mãi mới bật ra được câu nói:

- Từ nay về sau tôi chẳng hỏi tới triều chính nữa. Mọi việc sẽ để cho thánh mẫu thái hậu trông coi hết cả đó, hoàng thượng vốn là hoàng thượng của thánh mẫu hoàng hậu. Tôi chỉ cầu xin được chết già trong cung cấm, được ăn một bát cơm thái bình kể ra cũng đủ mãn nguyện rồi.

Nói xong, Từ An thái hậu đã giỏ lệ, ướt đầm cả đôi má.

Giữa lúc lưỡng cung đang lâm vào cái thế nan giải, bỗng có tin báo nhà vua tới.

Lúc này, Đồng Trị hoàng đế tuy mới tuổi mười hai nhưng vóc người cao lớn, lại bận một chiếc áo thường, đội một cái mão nhỏ, nên trông hết sức bảnh bao, thanh nhã.

Đồng Trị vừa bước vào, liền hành lễ chào lưỡng cung, xong hỏi hoàng thái hậu vì sao nổi giận, thì Từ An liền kể cho nghe việc giết An Đắc Hải.

Đồng Trị hoàng đế tuổi còn quá nhỏ nên từ lúc lên ngôi, vẫn không có hỏi đến triều chính, suốt ngày chỉ đi chơi trong hoàng cung. Tất cả mọi việc đều do lưỡng cung Hoàng thái hậu quyết định. Bởi thế, việc giết An Đắc Hải Đồng Trị chẳng biết một tí gì. Nay nghe Từ An kể lại, liền khanh khách cười lớn rồi bảo:

- Cái thằng chó đẻ khốn nạn ấy, giết đi là phải lắm.

Từ Hi nghe Đồng Trị chửi An Đắc Hải, mặt mày biến sắc, vội đứng dậy hậm hực trở về cung. Đồng Trị đâu có biết gì nỗi lòng của Tây hậu, dắt bọn thái giám vào vườn thượng uyển du ngoạn.

Đồng Trị hoàng đế ghét cay ghét đắng An Đắc Hải là có nguyên do của nó. Làm vua, Đồng Trị có đến ba bốn ngàn thái giám trong cung cấm, nửa thì nịnh nọt tâng bốc, nửa thì oán giận. An Đắc Hải người bảnh trai lại vừa thân thiết với Từ Hi thái hậu, luôn luôn ở bên hầu hạ. Tây hậu lúc này tuổi xuân còn đầy, tình còn tràn, cho nên rất thích đùa giỡn với bọn thái giám. Có người bảo An Đắc Hải đâu phải là thái giám thật, hắn vẫn nguyên vẹn đàn ông đánh lộn sòng vào cung, bắt chước kế sách của Lã Bất Vi đời Tần thuở trước.



Đồng Trị hoàng đế tuy còn nhỏ, nhưng rất khôn lanh. Chỉ cần nghe những lời bàn tán xì xào, ngài đã tự thấy căm hận tên An Đắc Hải đến xương tuỷ rồi.

Dần về sau, Hải được lòng Từ Hi, càng chẳng coi ai ra gì, ngay cả đến hoàng đế cũng chẳng dám sỉ nhục khinh thường hắn. Có một hôm, đang đứng nói chuyện gẫu với bọn thái giám, thấy hoàng đế đi tới, thế mà hắn cứ lơ đi, trong khi bọn kia kẻ nào cũng đều bước tới thỉnh an.

Hôm đó, Đồng Trị hoàng đế giận quá, ra lệnh dùng tới gia pháp, hắn mới hoảng sợ, đập đầu xuống đất cầu xin tha tội.

Từ Hi thái hậu nằm trong phòng, thấy hoàng đế nổi giận, liền gọi ngài vào quát mắng, răn dạy:

- An Đắc Hải vốn là một nô tài tín cẩn của tiên hoàng, nếu có điều lầm lỗi, cũng nên xin chỉ thị của thái hậu trước đã rồi hãy dùng tới gia pháp chứ!

Câu nói làm cho ông hoàng đế nhỏ tức điên, ông lượm con dao trên mặt bàn chém một nhát vào sau ót hình người sành dùng làm đồ chơi của ông, cái đầu lâu đứt lìa văng xa đến mấy thước. Tên thái giám hầu cận hỏi sao lại làm thế thì Ông hậm hực đáp:

- Giết thằng chó đẻ Hải đó.

Bởi vậy, nay nghe tin Hải bị giết, làm sao mà hoàng đế chả vui sướng.

Đồng Trị hoàng đế có một cuộc sống hơi khác cái vị hoàng đế tiên nhiệm chút ít. Từ nhỏ ngài sống hoặc ở vườn Viên Minh hoặc ở hành cung Nhiệt Hà. Hai nơi cung cấm này không có cái khung cảnh đồ sộ, nguy nga như trong đại nội, lại rất gần phố xá, chợ búa, cho nên bọn thái giám thường hay bế ngài ra phố, ra chợ đi chơi. Lớn lên, ngài đã quen với những cảnh ồn ào, náo nhiệt nơi thị tứ. Thế rồi khi về kinh, chính mình lại được làm hoàng đế, cả ngày phải ở trong những cung điện tôn nghiêm, tịch mịch, ngài rất buồn bã. Do đó bên canh ngài cần có một bọn thái giám con nít bầu bạn, suy nghĩ tìm tòi cho ngài nhiều kiểu chơi, nhiều trò vui. Chúng bày ra nào trò đá banh, đánh cầu, nào bơi lội, trượt tuyết, nào ca hát. Chơi vui quá, hoàng đế chẳng đứng xem nữa, nhảy luôn vào cùng nghịch phá với cả bọn.

Cậu con trai Cung thân vương là Tải Trung cùng tuổi Đồng Trị, đã từ lâu vẫn bầu bạn vui chơi với ngài ở vườn Viên Minh hay hành cung Nhiệt Ha, nhưng từ khi quay về cung nội ở Bắc Kinh, Đồng Trị không gặp bạn đã lâu nên bèn truyền gọi vào cung.

Tải Trung vốn là một chú bé nghịch ngợm, quỷ quái. Trung lang thang khắp kinh thành, lại học thêm được nhiều lối chơi hết sức quái lạ, bèn mớm cho Đồng Trị để cả hai cùng bày trò.

Thấm thoát vài năm Đồng Trị hoàng đế đã mười bốn, đây là cái tuổi bắt đầu tò mò, tìm biết. Bên cạnh lại có tên quỷ con Tải Trung chỉ dẫn; bởi thế, chỉ mấy tháng mà người ta không tính kịp số cung nữ bị ngài "thử coi" lên tới bao nhiêu.



Từ An thái hậu thấy Đồng Trị đã "lớn trước tuổi" bèn nói nhỏ với Từ Hi nên tính đến chuyện hôn nhân cho hoàng thượng.

Có điều cần lưu ý là sau cuộc gây gổ, hờn dỗi của Từ Hi với Từ An thì từ đó, Từ Hi trở nên độc đoán. Mỗi khi lâm triều buông rèm nghe chính sự, nếu có bọn đại thần tâu lên, Từ Hi chẳng bàn bạc gì với Từ An, cũng chẳng đợi Từ An mở miệng, liền tự ý quyết định. Thế là Tử An cũng đâm chán nản, nhượng bộ hoàn toàn, ngay đến cả lâm triều cũng bỏ luôn.

Cung thân vương tuy trung thành với Từ An nhưng thấy bà như vậy nên vừa chán vừa lo cho mạng sống của mình, đành phải quay hướng đổi chiều. Vương cố tìm cách liên lạc với bọn Thôi tổng quản và Lý Liên Anh, nhờ hai người này trước mặt Từ Hi nói tốt cho mình.

Từ Hi biết rằng Cung thân vương chủ mưu giết An Đắc Hải cho nên hận vương đến xương tuỷ và chỉ chờ dịp để cách hết chức tước của vương. Nhưng sau nghe Vinh Lộc, bà có nghĩ lại. Lục gia (Cung thân vương) chẳng những là thân thuộc của hoàng gia mà còn là một đại thần cố mạng của tiên triều. Hơn nữa mật chiếu của tiên hoàng hiện nằm trong tay bọn họ, nếu bức bách quá e họ đưa mật chiếu ra thì tai hại không biết nhường nào. Nghe xong, Từ Hi thái hậu khen phải và dẹp bỏ luôn mối thù hận xưa kia.

Chỉ thương cho Từ An thái hậu một mình đơn độc không còn người tâm phúc để bàn tính mọi việc. May là Từ Hi trong lòng vẫn cho rằng mật chiếu của Hàm Phong hoàng đế còn trong tay Từ An cho nên vẫn còn ba, bốn phần e ngại, không dám hạ ngay độc thủ.

Thực ra thì tờ mật chiếu của Hàm Phong hoàng đế không nằm trong tay Từ An thái hậu mà cũng chẳng phải trong tay Cung thân vương mà lại ở trong tay Thuần vương phúc tấn.

Lúc Hàm Phong hoàng đế lâm chung, Lý Liên Anh thấy tờ di chiếu liền đi báo với Tây thái hậu. Bà vội cho người tới nhờ Thuần vương phúc tấn đi lấy giùm. Khi bước vào, đúng lúc Hàm Phong tắt thở, Thuần vương phúc tấn thấy chưa có ai tới, vội rút lấy tờ mật chiếu trong áo hoàng đế. Bà cũng tính đưa tờ mật chiếu cho Từ Hi thái hậu xem, nhưng lại sợ nhiều chuyện xảy ra sau này, cho nên bà đem luôn về nhà giấu biệt rồi chỉ bảo là không thấy đâu cả.

Làm như vậy Thuần vương phúc tấn tin chắc rằng lưỡng cung tránh được nhiều chuyện lôi thôi về sau, hai nữa khiến Từ Hi thái hậu trong lòng e ngại trăm phần, không dám khinh nhờn Từ An thái hậu. Đó mới chính là một giải pháp hay nhứt.

Đốn khi Đồng Trị hoàng đế tuổi đã thành niên, lưỡng cung đã làm lễ đại hôn cho hoàng đế rối thì hai bà mới bắt đầu tranh chấp kịch liệt.

Hồi 148: Hồn ma báo oán

Đồng Trị hoàng đế đã trưởng thành, chuyện trai gái lúc này coi như đã thành thạo. Gái trong cung cấm thiếu gì, cô nào cũng đẹp như mộng, hoàng đế lại trẻ, sức trai đang hăng, ngài mặc sức "ngự", có ngày tới chín, mười cô. Ngài có toàn quyền đi, đi bất cứ chỗ nào trong cung cấm với ba ngàn cung nữ. Bọn cung nữ khát tình đua nhau đem thân dâng cho ngài. Họ chẳng phải trốn tránh, kiêng kỵ gì, cứ thấy hoàng đế là kéo lại, với những bộ ngực tròn vo căng cứng, nhưng cặp giò thon thon, những bổ mặt tươi như hoa, những làn da trắng nõn…

Có một hôm trời nóng bức ngột ngạt, bọn thái giám xúm nhau lại ngồi hóng mát trước cửa cung, tán láo tới chuyện giết Túc Thuận thuở nọ, một tên nói:

- Lúc bị đem ra xử trảm, Thuận chửi Tây thái hậu thậm tệ. Bọn khoá tử thủ dùng đao đâm vào mồm Thuận, đánh rụng luôn cá mấy cái răng cửa, máu chảy lênh láng mà Thuận vẫn chỉn bới không ngớt.

Một tên thái giám khác lên giọng hiểu biết, kể tiếp:

- Tụi bay còn chưa biết vụ án tình của người cha Túc Thuận đâu. Để tớ kể cho mà nghe. Cha Túc Thuận là Trịnh thân vương Ô Nhĩ Cổn, chính là con của bà thái thái người Hồi đó Bà này vốn thuộc gia đình lương dân. Có một hôm, Trịnh thân vương ở triều về, xe chạy qua khu Biểu Bối hồ Đông, vương bỗng thấy một cô gái tuyệt sắc, lòng tự nhiên đâm ra vấn vương mơ ước. Thế là vương cho gọi tên tâm phúc họ Triệu tới giao đi dò la gia thế người đẹp và thu xếp cách nào để đem người đẹp về cho vương làm bà nhỏ.

Tên tâm phúc họ Triệu tức tốc lên đường.

Sau vài hôm, Triệu đã biết rõ tung tích người đẹp: cha nàng vốn người Hồi (theo đạo Hồi), gia cảnh hết sức nghèo khổ. Cô con gái cũng đã có chỗ dạm hỏi, làm sui gia rồi. Tên Triệu được tin này, rầu lắm coi như hỏng việc.

Không ngờ Trịnh vương gia cứ đòi lấy cho bằng được, bèn lệnh cho tên tâm phúc họ Triệu, bất cứ giá nào cũng phải mang người đẹp về, chậm nhất là sau ba tháng chứ không được lâu hơn. Vương bỏ ra luôn một lúc chín, mười vạn lạng bạc để lo vụ này.

Tên họ Triệu, trước tiên thuê căn nhà gần nhà cô gái và tìm cách bắt quen với cha cô. Chẳng bao lâu hai người đã trở thành đôi bạn tri kỷ. Tên Triệu thường đem tiền giúp đỡ, do đó cha mẹ cô gái Hồi nọ đâm ra hết sức cảm kích hắn.

Hạn ba tháng đã gần mãn. Tên Triệu chưa biết tính cách nào, trong lòng lo lắng ngày đêm thì giữa lúc đó, Trịnh thân vương bỗng nhận thánh chỉ giữ chức Quảng bộ quân thống lĩnh. Ba ngày sau khi đáo nhiệm nha môn, Trịnh vương đã có ngay một vụ án trộm đưa tới.

Tên họ Triệu nhìn thấy bọn trộm bỗng nảy sinh một kế. Hắn cho tiền bảo chúng khai cho cha cô gái nọ đã oa trữ đồ gian mà chúng đánh trộm và nhất định đổ cho ông ta là nhà chứa. Thế là ông ta bị bắt cấp kỳ và sau đó bị đem ra pháp trường chém đầu cả xốc với bọn trộm kia.

Tên Triệu lúc đó lại ra mặt tử tế, đem tiền bạc ra giúp mẹ con gái cô nọ chôn cất người thân, cấp cho họ ít tiền độ nhật. Ngoài ra hắn còn xúi người giả tạo những văn tự nợ do cha nàng ký tên vay rồi kéo nhau tới đòi nợ.

Hai mẹ con cô gái bị chủ nợ thúc bách gắt gao, lúc đó tên Triệu mới đứng ra nhận lãnh bồi hoàn các món nợ khiến hai mẹ con cô gái cảm kích hết chỗ nói, coi hắn như một ân nhân. Mặt khác tên Triệu lại còn ngầm bảo tụi ma cô địa phương xông vào nhà chọc ghẹo cô gái để cho nhà trai sinh nghi sinh chán, cho nàng chi là một loại mèo mả gà đồng thất trinh thất tiết chẳng ra gì, cuối cùng thối hôn luôn.

Hai mẹ con cô gái đã nhục nhã lại khốn cùng và một khi đến bước đường cùng, họ đành chạy tới cậy nhờ tên Triệu.

Hắn liền dàn xếp với bà mẹ cho cô gái vào phủ Trịnh vương làm vợ bé, ngoài ra còn hứa nói với vương thưởng thêm cho ba ngàn lạng bạc nữa. Bước cùng, mẹ con đành ôm nhau khóc mà cam chịu.

Ai ngờ người con gái nọ một khi bước vào vương phủ, chỉ qua năm sau là đã sinh cho vương một cậu bé kháu khỉnh.

Đó chính là Túc Thuận Cậu bé mới được vài tuổi thì Trịnh vương bỗng bị ung thư chết tốt. Bệnh ung thư của vương có cái tên khủng khiếp là lạc đầu thư (tức là bệnh ung thư rụng đầu) bởi nó thường mọc quanh cổ thành một vòng tròn, bệnh dần dần lở loét ung thối mãi đến khi đầu rụng ra khỏi cổ là chết.

Ở trong thành Bắc Kinh lúc đó có một bọn đao phủ thủ chuyên môn chém người rồi sau đó khâu đầu vào cổ y như cũ. Cái đầu của Trịnh thân vương cũng nhờ bọn đao phủ này khâu lại giùm rồi mới đem chôn cất. Nhưng điều kỳ lạ nhất là cái tên họ Triệu nọ đồng thời cũng bị lạc đầu thư như Trịnh thân vương và cuối cùng cũng chết rụng đầu ghê sợ như vương.

Tên thái giám vừa kể xong câu chuyện kỳ lạ khiến cả bọn nghe mà phát ớn phát run. Bỗng từ trong cửa tò vò Đồng Trị hoàng đế bước ra. Cả bọn giật mình vội chạy tới thỉnh an.

Hoàng đế chẳng để ý chuyện gì khác mà chỉ hỏi tên thái giám vừa kể câu chuyện:

- Trịnh thân vương tìm hết trăm kế ngàn phương để đưa người con gái về nhà để làm gì vậy? Tại sao lại gọi là "bà bé"?

Nghe hỏi, bọn thái giám thảy đều muốn phá lên cười mà chẳng dám, muốn giải thích mà chẳng thể mở miệng. Mãi sau, có vài tên liều lĩnh nhất, đem hết tất cả các ngón chơi ra chỉ dẫn cho nhà vua một cách hết sức tỉ mỉ để ngài rõ hết cái chuyện gọi là "chơi gái" nó ra làm sao và nó thích thú lạ lùng như thế nào!

Đồng Trị hoàng đế càng nghe càng thấy tân kỳ và độc đáo. Ngài khoái quá, cho như câu chuyện hấp dẫn nhất từ khi ngài bắt đầu ngồi trên ngai vàng. Thế rồi từ đó, hễ bắt gặp cô cung nữ nào ở bất cứ chỗ vắng vẻ nào hoàng đế ta cũng ôm đại lấy kéo vào để "làm theo lời kể" xem nó ra sao.

Tin tức thú vị này chẳng mấy chốc đã bay đi khắp cung cấm, cuối cùng lọt vào tai Từ An thái hậu. Hậu bèn đem việc bàn với Từ Hi, cưới vợ cho ông vua nhỏ sớm phát động xuân tình.

Thực ra Từ Hi thái hậu đã có ý đó từ lâu. Thế là hai bà truyền dụ lập tức xuống cho bộ Lễ, bộ Công và phủ nội vụ chuẩn bị.

Theo luật lệ trong hoàng cung thì trước khi làm lễ Đại hôn cho hoàng đế, bắt buộc phải chọn tám cô cung nữ hơi lớn tuổi một chút để đưa vào tẩm cung của hoàng đế cho ngài "làm quen". Cách làm quen như vậy gọi là: Tư trướng, Tư tẩm, Tư nghi, Tư môn.

Đồng Trị hoàng đế chọn ngay tám con cung nữ mà hằng ngày ngài đã "quen biết". Sau đấy luật lệ còn buộc ngài chọn sẵn và chỉ định một số người như sau: Thường tại vài người, Quý nhân vài người, Tần vài người, Phi vài người, Hoàng quý phi vài người. Tất cả đều được chuẩn bị xong xuôi, lúc đó mới tuyển lựa đến Hoàng hậu.

Hồi đó Từ Hi thái hậu đã có ý định chọn con gái thị lang Phượng Tú làm hoàng hậu, nhưng theo ý Từ An thì bà lại thích con gái của Thừa Ân công là Sùng Y hơn. Thế là lại xung đột. Sau rồi Từ An thái hậu bàn tới Từ Hi:

- Bọn mình khỏi tranh chấp làm gì. Đây là việc của chính hoàng thượng, tốt hơn là ta mời ngay hoàng thượng lên đây để tuỳ ý ngài.

Từ Hi thái hậu cho hoàng thượng chính là con trai mình, chẳng lẽ lại không nghe theo mình nên bà chấp nhận ngay ý đó. Hai nàng cách cách kể trên bình nhật vẫn thường vào du ngoạn trong cung bởi thế Đồng Trị hoàng đế đã thấy cả, ngài chẳng do dự phút nào, chọn con gái của Sùng Y lâm vợ, sau gọi là Hiếu Triết hoàng hậu và cũng phong cho Phượng Tú làm Tuệ phi.

Quyết định này chính là của Đồng Trị hoàng đế, Từ Hi thái hậu đến lúc này đành chịu thua một keo nhưng trong lòng vô củng hậm hực, không những đối với Từ An mà cả với Đồng Trị nữa.

Việc tuyển lựa đã xong, hoàng cung lại một phen tưng bừng náo nhiệt. Hôm lễ đại hôn người ta mở toang cửa Đại Thanh môn để rước bà hoàng hậu qua đó. Nàng Tuệ phi thì trước đó một ngày đã phải vào cung để sửa soạn hầu hạ hoàng hậu và hoàng đế.

Hoàng hậu lễ cáo với trời đất xong lại qua nhà Tôn miếu yết kiến hai bà thái hậu. Còn hoàng đế thì leo lên ngồi ngất ngưởng trên đại điện nhận lễ triều hạ của trăm quan.

Hai mươi bốn tấm cánh cửa lớn của đại điện lúc đó đã mở toang. Trên bao cửa chỗ nào cũng thấy chạm trổ chữ "Thọ" và sơn son thiếp vàng. Trong điện, nền nhà không phải bằng gạch lát mà toàn bằng vàng đúc sơn màu đen bóng, trơn loáng.



Phía sau đái điện là tẩm cung (phòng ngủ) của hoàng đế. Tẩm cung dài tới ba mươi hai gian, trần thiết thật hết sức lộng lẫy. Phía sau nữa là tẩm cung của hoàng hậu. Tẩm cung này dài hai mươi bốn gian, đặc biệt dành ba gian riêng cho Tuệ phi. Tẩm cung của hoàng đế và hoàng hậu tuy tiếp cận ba gian này của Tuệ phi nhưng không có lối thông sang, có điều lại đều có một dãy hành lang dài chạy thông sang tẩm cung của Từ Hi thái hậu, mục đích để hai người tiện đường qua thỉnh an. Đó là ý riêng của Từ Hi cho nên mới có cái lối kiến trúc đặc biệt và ít thấy này. 




Từ khi lấy Hiếu Triết hoàng hậu, Đồng Trị thấy nàng mặt mày xinh đẹp, cử chỉ lại đoan trang, tính tình thì nhu mì duyên dáng tuyệt nhiên không có gì kênh kiệu, khinh bạc nên đem lòng sủng ái vô bờ. Hai vợ chồng trẻ này quyến luyến ngày đêm bên nhau trong tẩm cung. Hoàng hậu rất thuộc thơ Đường, hoàng đế thuận miệng đọc một câu thì hoàng hậu đọc tiếp ngay sau, không bao giờ vấp váp. Vì vậy, càng được hoàng đế yêu quý.



Những lúc hai người ăn ở, trò chuyện trong cung, bọn cung nữ và thái giám hầu hạ tuyệt nhiên chưa thấy hoàng hậu cười đùa lẳng lơ bao giờ. Trái lại Tuệ phi thì hết sức khinh bạc, kênh kiệu, lẳng lơ, sàm sỡ. Mỗi khi hoàng đế đến phòng ngủ của Tuệ phi, bọn cung nữ và thái giám chỉ thấy nàng õng ẹo, núng nịu làm duyên lấy dáng, rồi những tiếng cười lả lơi vang lên mãi.

Về sau, thái độ này đến tai hoàng hậu. Bà truyền dụ bảo Tuệ phi phải tu sửa tính nết lấy điều đoan trang cẩn trọng làm gốc để bảo vệ thể thống nơi cung cấm. Lời dụ này chẳng được Tuệ phi để ý, cứ thói nào tật ấy, càng ngày càng quá trớn hơn trước. Nàng cậy mình là người của Tây thái hậu, được thái hậu quý mến, chẳng coi hoàng hậu ra gì. Lại còn hay tới gặp Tây thài hậu để nói xấu hoàng hậu nữa.

Tây thái hậu vốn không ưa Hiếu Triết cho nên nghe lời Tuệ phi, càng ghét bỏ hoàng hậu.

Ngày nào cũng vậy khi hoàng hậu và hoàng đế tới cung của Tây thái hậu để thỉnh an, y như đều nhận được lời dặn dò của Tây thái hậu, với bộ mặt nghiêm nghị:

- Hoàng thượng tuổi còn nhỏ, đại sự của quốc gia là khẩn yếu, chớ có lưu luyến nơi thâm cung để cười cợt chơi bời.

Hiếu Triết hoàng hậu nghe vậy, trong lòng thấy oan ức vô tả nhưng đành cam chịu bởi không biết nói cùng ai.

May là Đông thái hậu yêu quý bà, nên thường hay gọi hoàng hậu vào cung an ủi và khuyên bảo. Chẳng ngờ câu chuyện này lộ ra ngoài, khiến Tây thái hậu càng tức giận. Bà bảo Đồng Trị:

- Tuệ phi hiền hậu khôn khéo, hoàng đế nên thường gần nàng. Còn hoàng hậu tuổi quá nhỏ, chẳng hiểu được luật lệ, hoàng đế không nên quyến luyến mãi để đại sự của triều đình bị bỏ bễ.

Câu này, Tây thái hậu cứ nói đi nói lại hoài, nói đến nỗi Đồng Trị phát bực phát phiền, cuối cùng cũng không dám năng lui tới tẩm cung hoàng hậu nữa. Tây thái hậu ngầm sai người tới dò la cử động của hoàng đế, thấy đêm nào ngài tới cung của Hiếu Triết, thế là sáng hôm sau, bà lại cho một trận nên thân. Đồng Trị tức quá đồng thời cũng chẳng thèm đến cung của Tuệ phi nữa, quyết nằm một mình tại cung Kiến Thanh.

Những lúc rỗi rảnh, cô quạnh, ngài lại cho bọn tiểu thái giám quen thuộc hồi nọ đi tìm cho ngài những trò giải trí mà xưa kia ngài thích.

Nhưng Đồng Trị sau đại hôn đâu có còn là Đồng Trị trước kia nữa. Những trò chơi lúc trước trở nên nhạt nhẽo và càng khiến ngài buồn chán hơn.

Thấy vậy, Thôi tổng quản bèn nghĩ ra một cách: đưa gánh hát vào cung. Lúc đầu, ngài xem hát, thích lắm. Về sau khi được xem qua tán tuồng "Du long hí phượng" thì lòng xuân của ngài bị kích thích mạnh, bèn bảo tên tiểu thái giám dẫn ra phố tìm thú vui.

Cuộc du ngoạn bên ngoài quả thú vị hơn trong cung cấm. Hoàng đế mệ chơi không muốn về nữa, ở lỳ suốt ngày trong cái nhà chứa. Thôi tổng quản biết vậy, nhưng không dám khuyên ngăn.

Mỗi ngày, sau khi thỉnh an hoàng thái hậu, ngài toạ triều một lát rồi lẻn cổng hậu, tìm đến nhà chứa. Khi ra phố, ngài tự đặt cho mình một cái tên riêng: Trần Bạt Công, người tỉnh Giang Tây. Sau khi chơi bời đã đời, hoàng đế lảng vảng tới phòng trà, quán rượu, hoặc lang thang vào bất cứ chỗ nào ồn ào, náo nhiệt đông vui.

Có một hôm, Tả đô ngự sử là Mao Văn Đạt cùng với Mãn đường quan là Vĩnh Hy kéo nhau ra nhậu tại quán rượu Xuân Yến ngoài cửa Tuyên Võ môn. Chén chú chén anh được một lát, hai ông quan lớn của triều đình bỗng thấy ở phía đông bích một gã thiếu niên ăn mặc hết sức bảnh bao, cũng đang ngồi nhậu lai rai, phía sau có một chú tiểu đồng cầm quạt đứng hầu. Nhìn kỹ một lúc lâu, cả hai anh đại thần giật thót mình, thì ra chàng thiếu niên đó chính là đương kim hoàng đế cải trang, đang ung dung tự tại nâng ly rung đùi.

Đồng Trị hoàng đế hình như cũng thấy hai anh đại thần, bèn gật đầu nhếch mép mỉm cười, ra chiều đắc ý lắm. Chỉ tội cho hai anh quan lớn tin chắc rằng hoàng đế biết mình rồi, hoảng hồn bạt vía bỏ cả rượu, chê cả thịt, vội vàng vàng vàng xuống cầu thang, thoáng cái là mất hút.

Hai đại thần ra thoát, hú hồn hú vía, vội chạy ngay tới nha môn của quan thống lãnh rỉ tai cấp báo.

Quan thống lãnh bộ quân nghe xong, chút xíu té quỵ, chân tay run bắn lên. Ông chạy vội ra quát tháo inh ỏi, nào gọi tướng, nào hô quân tức khắc người ngựa để lên đường. Nha môn bộ quân thống lãnh lúc này được một phen nhộn nhịp tưng bừng: ngựa hí người chạy, tất cả đều như điên như cuồng lao tới quán rượu.

Thấy vậy Mao Văn Đạt vội đuổi theo ra đầu đường chặn quan thống lĩnh lại, giọng trịnh trọng nhưng vẫn không hết vẻ hoảng hết nói:

- Ngài điều binh khiển tướng rầm rộ như thế này khiến thiên hạ xôn xao bàn tán, lỡ thánh giá có gì bất trắc xảy ra thì tôi với ngài lấy vai nào gánh đủ tội trọng? Rồi lại tin tức đồn đãi làm mất hết tự do đi lại của hoàng thượng khiến hoàng thượng đâm giận thì ngài với tôi công đã chẳng được lại chỉ thêm khổ, hỏi ích lợi gì?

Viên thống lãnh nghe vậy đâm ra chùn, vội hỏi:

- Vậy theo cao kiến của đại nhân thì làm sao cho ổn thoả nhất?

Mao Văn Đạt suy nghĩ một lúc rồi bảo viên thống lãnh quay về nha môn chọn lấy hai mươi tên quân dung kiện ăn mặc thường phục lẻn tới lầu Xuân Yến ngầm bảo vệ hoàng đế. Nếu ngài đã đi chơi chỗ khác thì cứ nên ngầm theo dõi mà bảo vệ, không để hoàng đế biết.

Viên thống lĩnh gật đầu khen phải, y kế thi hành.


Nguồn: http://vnthuquan.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved