Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

29 thg 11, 2013

Công Nữ Ngọc Vạn - Ngô Viết Trọng - Chương 7-11

Chương 7

Vị quan Hộ bộ đặc trách xét việc giúp đỡ, hướng dẫn, khuyến khích di dân đọc danh sách thấy tên Trần Đình Huy thì hết sức ngạc nhiên. Ông vội vàng trình lại với chúa Sãi. Chúa nghe xong lấy làm ngạc nhiên, áy náy lắm. Chúa nghĩ là Đình Huy xin đi Chân Lạp vì buồn chuyện tình duyên. Thế là chúa lập tức cho người gọi Trần Đình Huy đến gặp chúa tại tư thất ngay buổi tối hôm ấy.
 Khi Đình Huy vừa đến cửa tư thất của chúa thì đã có người nhà của chúa ra đón sẵn, mời vào:

 - Chúa chờ công tử lâu lắm rồi.

 Chuyện gì mà quan trọng thế nhỉ? - Đình Huy tự hỏi. Bước vào nhà, Đình Huy thấy chúa đang cùng vương phi ngồi uống trà trên chiếc sập đặt ở giữa nhà. Đình Huy vái chào chúa và vương phi, rồi thưa:

 - Tiểu sinh đến muộn làm mất thì giờ của chúa thượng và vương phi, tiểu sinh thật là có lỗi, xin chúa thượng và vương phi rộng lòng tha thứ!

 Chúa sai người nhà đem ghế cho Đình Huy ngồi rồi ôn tồn nói:

 - Ta gọi cháu đến đây để hỏi một đôi điều, cháu cứ thành thật mà trả lời ta nhé!

 - Chúa đã hỏi, tiểu sinh đâu dám không thành thật mà thưa.

 - Vậy, vì lẽ gì cháu tình nguyện di dân?

 - Dạ, tại tiểu sinh... muốn thỏa mộng hải hồ...

 Vương phi cười hiền nói:

 - Ta đoán chắc cháu buồn vì chuyện Ngọc Vạn chứ gì? Gia đình ta cũng bất đắc dĩ lắm mới phải xử sự như thế thôi, cháu hẳn hiểu rồi. Chúa đã bàn với ta sẽ làm mối cháu với công nữ Ngọc Sương, cũng trong hàng cháu chắt ta, cũng thuộc hạng đẹp người đẹp nết, để đền bù phần nào sự thiệt thòi của cháu nhưng chưa kịp nói ra đấy thôi. Cháu nghĩ thế nào?

 Đình Huy thưa:

 - Đa tạ chúa thượng và vương phi quá quan tâm ưu ái với tiểu sinh. Thật tình, tiểu sinh tình nguyện di dân hoàn toàn không phải vì buồn chuyện công nữ Ngọc Vạn lấy chồng đâu. Tiểu sinh nghĩ công nữ đã có một sự hi sinh cao cả mà chính tiểu sinh cũng đồng ý và rất hãnh diện vì chuyện đó. Công nữ đã hết lòng vì tổ quốc đến thế, chẳng lẽ tiểu sinh không đóng góp một chút gì cho xứng đáng với lòng tri ngộ của chúa, của vương phi và của công nữ hay sao? Đó chính là lý do tiểu sinh tình nguyện xin di dân. Còn việc chúa cùng vương phi có nhã ý xe duyên tiểu sinh với công nữ Ngọc Sương, tiểu sinh thật khó nói... Tiểu sinh cảm thấy tiểu sinh bị hiểu lầm! Tiểu sinh xin lỗi, nếu tiểu sinh làm như vậy, công nữ Ngọc Vạn sẽ đánh giá tình yêu của tiểu sinh đối với nàng như thế nào? Tiểu sinh đã quyết lòng, xin chúa và vương phi cho tiểu sinh được toại nguyện!

 Chúa Sãi nhìn Đình Huy với sự ngạc nhiên, vui mừng:

 - Nói như thế thì ta hiểu cháu và cháu cũng đã hiểu tận gan ruột ta rồi! Thôi thì thế này nhé! Hiện tại ta vẫn đang tìm vài kẻ tâm huyết biết coi quyền lợi tổ quốc là tối thượng để thi hành một số kế hoạch lớn của ta, không ngờ người tri kỷ lại ở ngay trước mắt thế này! Vậy, ta có thể yên chí mà giao phó trọng trách này cho cháu. Một người văn võ song toàn như cháu gánh vác công việc này rất thích hợp. Ta tin rằng, với tài năng và đức độ của cháu, cháu sẽ hoàn thành sứ mạng một cách trôi chảy. Cháu không từ nan chứ?

 Vương phi ngạc nhiên nhìn chúa rồi nhìn Đình Huy như thắc mắc điều gì. Đình Huy cũng kinh ngạc, bối rối:

 - Bẩm, tiểu sinh chỉ là một gã học trò trói gà không chặt e không kham nổi việc chúa thượng giao phó!

 Chúa Sãi nhìn Đình Huy mà cười:

 - Cháu giấu giếm ta làm gì nữa! Một gia đình võ nghệ danh tiếng truyền dòng nhiều đời như nhà cháu mấy ai lại để thất truyền cái nghiệp của mình đi bao giờ?

 Đình Huy càng tỏ ra bối rối:

 - Bẩm, từ khi thân phụ tiểu sinh giết lầm một người vô tội, người rất hối hận và đã dạy con cháu không được theo nghề võ nữa.

 Chúa nói:

 - Ta biết chuyện đó, cháu muốn làm theo lời cha cháu, ta không bắt lỗi. Nhưng ngoài cha cháu, ta biết còn có một người nữa cũng rất quan trọng đối với cháu, đó là thầy đồ Bảo Ninh, có phải thế không? Chính thầy Bảo Ninh đã cho ta biết những bí mật về bản thân cháu, cháu còn giấu ta được nữa thôi? Tiết lộ điều này cho ta không phải dụng ý thầy Bảo Ninh là muốn ta đừng quên mất một tài năng như cháu hay sao?

 Đình Huy ngẩn ngơ chốc lát. Phải, đó là chuyện thật. Anh em chàng mồ côi mẹ rất sớm, chỉ một tháng sau khi Đình Vụ chào đời. Cha chàng ở góa nuôi con. Bạn bè thân thiết của ông không nhiều, chỉ có một ông thầy đồ Bảo Ninh được coi như là tri kỷ, hay lui tới hàn huyên với nhau. Ông Bảo Ninh cũng góa vợ, không con, ngày ngày ông chỉ biết tìm nguồn vui ở lũ học trò. Ông đã đào tạo được nhiều người làm nên danh phận.

 Từ thuở nhỏ Đình Huy đã được cha khổ công truyền dạy cho nghề võ của dòng họ chàng. Chàng được trời phú cho thể chất khỏe mạnh, lại thông minh nên học võ tiến bộ rất nhanh chóng. Nhưng đùng một cái, cha chàng tuyên bố giã từ nghề võ, không còn dạy cho con cái nữa. Chàng cố tìm hiểu nguyên nhân và biết một cách mơ hồ là cha chàng lỡ tay giết lầm một người vô tội. Niềm hối hận, nỗi ray rứt đã khiến ông không chịu nổi mà phải bỏ nghề. Từ đó anh em Đình Huy chuyển sang học văn với thầy Bảo Ninh.

 Nhưng chuyện chưa yên, sau đó ông Cửu Lang lại bị chết bất ngờ sau một tiệc rượu tại chính nhà ông. Nhiều người nghi là ông bị đầu độc. Cảm nghĩa thâm giao, thầy đồ Bảo Ninh liền đứng ra nhận lãnh nhiệm vụ bảo bọc nuôi dạy hai người con của bạn. Sợ kẻ thù còn tìm cách ám hại anh em Đình Huy, thầy Bảo Ninh phải ngầm tùng quyền dạy võ trở lại cho chàng giữ thân. Tới lúc ấy chàng mới biết được là thầy giáo mình không phải chỉ có nghề văn mà còn kiêm cả nghề võ nữa. Nhờ có căn bản vững chắc trước, Đình Huy càng tiến rất nhanh về võ thuật, song song với nghề văn. 

 Sau đó, có lẽ thấy mình đã già yếu, khó chu toàn việc giúp bạn, thầy Bảo Ninh đã tìm cách đưa anh em chàng vào Đàng Trong, nơi đây anh em chàng đã gặp lại người cô ruột là Mạc mẫu...

 Thấy Đình Huy có vẻ ngượng nghịu, bối rối, chúa Sãi mở lối cho chàng:

 - Coi như mọi chuyện đã qua, bây giờ ta đi thẳng vào hướng đi mới. Cháu có ý kiến gì cần nói với ta nữa không?

 Đình Huy thấy chúa không quở trách mới tỏ ra mừng rỡ:

 - Được chúa tin cậy mà giao phó trọng trách để lập công với đời thì còn gì hân hạnh cho tiểu sinh hơn nữa! Lẽ nào tiểu sinh dám không đem hết tâm lực mình ra thi hành sứ mệnh cao cả ấy! 

 Chúa Sãi bảo Đình Huy xích ghế lại gần:

 - Ta chưa muốn công khai phong chức tước cho cháu, điều đó vì sao chắc cháu đã hiểu. Ta muốn cháu hành động như một cá nhân tự do. Nhưng ta sẽ ngầm cung cấp tài chánh, yểm trợ phương tiện để cháu hành động. Nhiệm vụ dẫn dắt, phân phối di dân đã có người khác lo rồi. Nhưng sống trên đất người xa lạ mọi thứ, người dân bình thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Nào người Chàm lưu vong đang thù hận dân ta, nào người Xiêm âm mưu tranh lấn với ta, nào người bản xứ không muốn để người ngoài sử dụng đất đai của họ, nào ma thiêng nước độc, hùm beo rắn rết... Quan trọng nhất là với người Chàm, người Xiêm và thổ dân, phải cư xử thật khéo léo với họ. Dẫu họ có tỏ ra hận thù mình chúng ta cũng không thể công khai chống lại họ được. Dân ta chắc chắn phải gặp những trở ngại đó. Cho nên, ta cần phải nhờ sức những người như cháu. Nhiệm vụ chính của cháu là phải tùy nghi, tìm mọi cách mà che chở di dân của mình, làm cho họ yên tâm mà khai thác đất đai để sống. Dân tộc ta rất cần đất sống! Dân tộc ta cần mở rộng con đường phát triển! Cháu đảm nhận được việc này thì ta thật yên tâm...

 Chúa nhìn thẳng vào mắt Đình Huy như cố truyền cho chàng những tư tưởng mà dùng lời không thể nói đủ. Ngừng chốc lát, chúa nói tiếp:

 - Mặt khác, cháu cũng phải nghiên cứu địa hình địa vực, xem nơi nào trọng yếu phải tìm cách báo ngay cho triều đình biết, hòng đưa dân mình đến trước để chiếm thế thượng phong. Tuy nhiên, làm việc gì cũng phải hết sức kín đáo, đừng bao giờ để cho người Chân Lạp biết ý muốn của mình. Trong khi hành động, cháu phải luôn liên lạc với người của triều đình để báo cáo cũng như nhận chỉ thị, phối hợp chặt chẽ với nhau để làm việc cho thống nhất. Dĩ nhiên, cháu tuy có tài, có trí hơn người, nhưng công việc đa đoan e có lúc một mình cháu không thể gánh vác nổi. Ta sẽ kiếm thêm một số người nữa để giúp cháu. Có như thế công việc mới dễ thành công! Đó là những gì ta mong muốn ở cháu, cháu có gì thắc mắc không?

 Đình Huy trả lời một cách tự tin:

 - Chúa thượng cứ yên tâm, tiểu sinh sẽ cố gắng hết mình!

 Chúa Sãi lại nói:

 - Ta có sẵn hai kiện tướng là Phạm Cống và Phạm Quyền, trước ta định giao phó công việc ấy cho họ, nhưng xét tài trí họ ta chưa được an tâm lắm. Bây giờ có cháu, ta thật thỏa nguyện. Ta sẽ khiến họ theo giúp cháu một tay. Làm công việc này cần những người tinh thông võ nghệ, nhanh nhẹn ứng xử kịp thời trong mọi tình huống, quí ở chỗ sắc bén chứ không cần nhiều. Theo cháu, cần thêm bao nhiêu người nữa cho ta biết ta sẽ kiếm cho cháu.

 Đình Huy lộ vẻ vui mừng:

 - Tiểu sinh hiện cũng có hai người bạn cùng chí hướng, nếu chúa thượng không chê họ, tiểu sinh xin dẫn họ đến yết kiến chúa thượng để cùng nhận trách nhiệm!

 - Những người mà cháu đã tin cậy ta nghĩ hẳn là người tốt rồi. Nhưng ta cũng muốn biết cho rõ hơn một chút được không?

 - Bẩm, cũng là đồng môn của tiểu sinh do thầy Bảo Ninh đào tạo cả. Hai người này là Nguyễn Bật, Lê Xướng, đều thuộc hạng võ nghệ hơn người, tánh tình ngay thẳng, trung thành, chúa thượng có thể giao phó những nhiệm vụ cần thiết được.

 - Vậy thì tốt lắm, kể từ giờ phút này, cháu là "Đội trưởng đội bảo hộ lưu dân Đại Việt" của ta! Cháu có thể thay mặt ta tùy tiện lo liệu cách nào cho công việc có kết quả tốt là được. Ta sẽ sắp xếp một buổi để gặp gỡ mọi người!

 Đình Huy quì xuống bái tạ:

 - Thần xin tuân lệnh chúa thượng!

 Chúa ra hiệu cho Đình Huy bình thân:

 - Ta còn có một điều muốn nói với cháu: Tuy rằng cháu đang muốn rảnh rang để phục vụ đại sự, nhưng như thế có phụ lòng trông cậy của Mạc mẫu không? Chính ta cũng cảm thấy mình mắc lỗi với bà ấy rất nhiều. Hay là cháu hãy dàn xếp ổn định vấn đề gia đình trước khi thi hành nhiệm vụ cũng được, đó cũng là điều cần thiết. Cháu hãy suy nghĩ kỹ và trả lời ta thật sớm để ta lo liệu giúp cháu nhé! Ta không thể nào yên tâm khi để cháu quá thiệt thòi!

 Đình Huy nói gần như đã chuẩn bị sẵn:

 - Đa tạ chúa thượng quá ưu ái lo cho tiểu sinh. Nhưng tiểu sinh thiết nghĩ, bây giờ là lúc tiểu sinh cần dồn hết tâm trí để lo thi hành trọng trách của mình. Nếu còn vướng bận chuyện gia đình, tiểu sinh e rằng sẽ bị phân tâm chia trí. Xin chúa thượng cứ để mặc tiểu sinh tự lo liệu chuyện này sau...

 - Bộ cháu không sợ Mạc mẫu buồn sao?

 - Dĩ nhiên cô của tiểu sinh cũng có buồn, nhưng bà vốn rất thương tiểu sinh và biết rõ tính khí, ý chí của tiểu sinh, tiểu sinh biết bà không nỡ cản trở.

 - Được lắm, ta cũng chiều ý cháu. Nhưng nếu lúc nào đó cháu đổi ý, cháu cứ nói với ta, ta lúc nào cũng sẵn sàng lo cho cháu!

***

 Một buổi chiều, Mạc mẫu một mình đi bộ sang nhà Đình Huy. Bà vào thẳng phòng học của chàng rồi gọi cả hai anh em vào nói chuyện. Sau khi bảo đóng cửa nẻo cẩn thận, bà nói :

 - Huy này! Thế con quyết tâm đi Chân Lạp thật à? Nhà chúa đã phụ ước thì thôi, con tội gì phải tự làm khổ thân như thế? Thiên hạ tình nguyện đi vì người ta không có đất đai hoặc nghề nghiệp làm ăn, còn gia đình ta đâu đến nỗi gì! Tài ba như cháu chẳng lẽ không đi Chân Lạp thì không có ngày hiển đạt được? Còn chuyện vợ con, thiên hạ còn chán gì gái đẹp! Cô có thể tìm cho cháu một mối khác không thua kém gì mối ấy đâu! 

 Đình Huy nói:

 - Thưa cô, cháu quyết định đi chuyến này là vì muốn theo đuổi cái lý tưởng do chính cháu chọn chứ hoàn toàn không phải vì chuyện công nữ Ngọc Vạn! Cháu nghĩ đây là cơ hội để cháu ra sức phục vụ tổ quốc một cách tích cực. Dân tộc ta đang cần phát triển sức mạnh để sinh tồn. Em Vụ cũng bắt đầu khôn lớn, em nó có thể thay cháu để lo việc tông đường. Xin cô vui lòng cho cháu được thỏa chút ước nguyện bình sinh! 

 Mạc mẫu cười than oán:

 - Cháu nói thế nào thì nói chứ chả lẽ một người trên đầu đã hai thứ tóc như cô mà lại không hiểu lòng cháu? Tuy thế, kinh nghiệm cũng cho cô biết cô không nên cản trở ý muốn của cháu. Cô chỉ hơi buồn, nói ra thì phạm thượng, chứ nhà chúa có quá nhiều tham vọng khiến cho dân chúng phải chịu khổ nhiều bề...

 Đình Huy nói:

 - Xin cô đừng nói thế mà oan cho chúa, chúa làm như vậy cũng chỉ vì mưu cầu ấm no hạnh phúc cho dân mà thôi!

 Mạc mẫu lắc đầu thất vọng:

 - Đẩy dân vào một nơi hoàn toàn xa lạ, buộc họ sống với tụi mán mọi hung dữ, lăn lộn giữa rừng sâu núi thẳm đầy dẫy ác thú và bao nhiêu mầm mống bệnh tật, thế mà cháu gọi là mưu cầu no ấm hạnh phúc cho dân à? Dù là đàn bà, nói thêm mang tội, cô cũng thấy được là chúa chỉ muốn cướp đất của người ta. 

 Đình Vụ nghe cô nói thế cũng phụ họa:

 - Sư phụ vẫn lên án người Tàu tàn ác luôn mưu đồ lấn áp, bóc lột dân ta. Họ nhiều lần đưa dân sang sinh sống ở nước ta với mục đích đồng hóa dân tộc ta! Sư phụ vẫn khuyên ta phải quyết tâm bảo vệ nền độc lập của mình. Thế mà nay chúa lại đưa dân mình sang sống ở Chân Lạp, người Chân Lạp sẽ nghĩ mình như thế nào? Anh nghĩ sao về câu "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân!" (việc gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác) của Khổng tử?

 Đình Huy cười nhìn cô rồi nhìn em:

 - Em thật biết một mà chưa biết hai! Mỗi thời mỗi khác, mỗi hoàn cảnh mỗi khác chứ đâu phải lúc nào và đâu đâu cũng giống nhau! Con đường chúa ta đang thực hành chính là con đường mưu cầu hạnh phúc ấm no cho dân thật đấy chứ! Này nhé, nước Tàu vẫn hay đàn áp cai trị dân ta chính vì nước ta quá nhỏ yếu không chống nổi họ. Muốn cho mình có đủ sức chống lại họ thì mình phải lớn mạnh mới được, phải không? Bây giờ, nếu mình Bắc tiến thì gặp bức tường họ Trịnh, nếu vạn nhất mà vượt được bức tường họ Trịnh thì đụng ngay bức tường lớn Tàu! Vậy là chuyện Bắc tiến không thể bàn đến được nữa! Còn chuyện phần đất Thủy Chân Lạp mà chúa ta đang nhìn tới, vùng đất quá lý tưởng ấy dù đã có chủ, thật ra vẫn còn là một vùng hoang vu, người Chân Lạp  ít oi chưa khai khẩn kịp. Anh đã tìm hiểu và biết được, nhiều nước đang chú mục vào đó, thậm chí đã dẫm chân vào làm ăn nhiều nơi trên đất ấy, có cả người Tàu, người Xiêm, người Mã Lai, người Chà Và, người Miến Điện... Thói thường có dân tộc nào chẳng có dã tâm sẵn sàng cướp đoạt đất đai của nước khác? Nếu chúng ta chậm tay, để đất ấy lọt vào các dân tộc kia rồi thì có phải mình đã bị các cường địch bao vây không? Nếu đó là người Tàu hoặc người Xiêm thì mình lại càng khốn! Khi ấy muốn bảo vệ cho dân mình ấm no hạnh phúc phỏng có được chăng, sẽ khó khăn cho ta biết bao nhiêu! Đó là chưa nói dân tộc mình có thể bị diệt vong nữa đấy! Việc làm của chúa thượng bây giờ, trước mắt là giải quyết nạn nhân mãn, còn về lâu dài chính là nới rộng lãnh thổ, phát triển sức mạnh của mình trên căn bản bảo vệ ấm no hạnh phúc cho muôn dân! Đó là một cách tự vệ hữu hiệu nhất! Thưa cô, đó cũng chính là lý do khiến cháu muốn ra sức vì nước một phen vậy!

 Đình Vụ nghe anh nói xong reo lên:

 - Ừ nhỉ! Thì ra con đường Nam Tiến của chúa thượng thật cao siêu tuyệt vời! Giờ em mới vỡ lẽ! Em xin hoàn toàn ủng hộ! Thế mà nhiều người cứ cho là anh ra đi vì bị thất tình!

 Đình Huy cười cởi mở:

 - Ai nghĩ sao là quyền của họ.

 Mạc mẫu cũng tươi hẳn nét mặt, nhìn Đình Huy cười xuề xòa sung sướng:

 - À, ra là thế! Cháu thật là học trò xứng đáng của Bảo Ninh tiên sinh! Cô là đàn bà, suy nghĩ ngang đâu nói ngang đó, làm sao mà nhìn xa thấy rộng được. Hèn gì lúc nào Bảo Ninh tiên sinh cũng hết lời khen ngợi cháu!

 Rồi bà quay sang Đình Vụ:

 - Như vậy thì con đường anh cháu theo đuổi không có gì sai quấy cả! Nhưng anh cháu đã nuôi chí ấy thì cháu phải thay anh cháu mà lo việc tông đường đấy! Cháu phải nhớ bổn phận của mình nhé!

 Đình Vụ tươi cười:

 - Cháu xin nghe lời cô dạy bảo. Xin chúc anh cả sớm đạt nguyện vọng!



 Chương 8:

 Từ thế kỷ 17, những người Việt ly tán tha phương đã có dịp bước chân đến khắp nơi miền Thủy Chân Lạp. 

 Trước đó, toàn miền chỉ có những bộ lạc dân thiểu số sống biệt lập cách nhau hằng mấy trăm dặm. Họ không muốn tiếp xúc với những dân tộc văn minh hơn họ. Họ sống như ẩn mình, cư sở của mỗi bộ lạc thường là từng khoảnh một giữa chốn rừng sâu. Đất đai màu mỡ, chim thú đầy dẫy, tôm cá nơi nào cũng có, nên việc kiếm ăn của họ rất thoải mái. Cái khó khăn họ gặp phải chỉ là thiếu muối. Lâu lâu họ phải cử người đem đặc sản khô như thịt nai, thịt heo rừng, thịt nhím... và nhất là mật ong đi thật xa để đổi chác lấy thứ nhu yếu phẩm này. Làm ra của cải thì quá dễ, nhưng những bộ lạc sống biệt lập này không thể nào vươn mình lên nổi. Bao nhiêu thứ bệnh tật lúc nào cũng sẵn sàng giết hại họ, đó là chưa kể thú dữ, độc vật cũng luôn hoành hành đe dọa... Trải bao nhiêu đời dân số họ cũng không tiến triển mấy, có khi còn thụt lùi và có cả những bộ lạc dần đi tới chỗ diệt vong nữa.

 Về sau, một số thương gia người Chân Lạp cũng như người nước ngoài đã mạo hiểm băng rừng tìm tới nơi ở những bộ lạc này để buôn bán. Những chuyến buôn bán mạo hiểm ấy có khi giúp người ta thành công như những chuyến đi tìm trầm, đi đào vàng trúng mối. Sau những chuyến đi buôn dần quen đường, dò biết những chỗ nào có thể làm ăn khá, con buôn nước ngoài bèn hướng dẫn đồng bào của họ đến khai thác để sinh sống. Dần dần, người ta thấy người Hoa, người Xiêm, người Mã Lai, người Nam Dương, người Chàm đã chiếm nhiều khu vực làm ăn thuận lợi, họ qui tụ đông nhất là vùng Mỗi Xuy (Bà Rịa) và Nông Nại (Đồng Nai). Chỉ có điều bất tiện cho họ là họ vẫn bị coi như dân lậu, chưa được sự thừa nhận chính thức của chính quyền Chân Lạp. Vì thế, họ thường trở thành miếng mồi béo bổ cho những viên chức có thẩm quyền ở địa phương rúc rỉa.

***

 Từ khi vua Chey xuống chiếu cho phép người Việt di dân đến Thủy Chân Lạp làm ăn thì mầm mống các tổ chức chống người Việt ở Chân Lạp bắt đầu manh nha. Viên đại thần Nôn San, một người thân Xiêm, cho rằng mối họa từ người Việt rồi sẽ trở nên trầm trọng hơn cả mối họa từ người Xiêm. Phe đảng của Nôn San ra sức cổ võ tinh thần bài Việt đối với dân bản xứ. Do đó, rất nhiều nơi người dân địa phương hết sức hững hờ, xa lánh hoặc đối xử khắt khe với di dân người Việt. Những sắc dân ngoại nhập khác cũng lợi dụng sự kỳ thị giữa dân bản xứ đối với người Việt để lấn áp, xua đuổi người Việt.

 Vùng Mỗi Xuy lúc bấy giờ là nơi tập trung đông đảo nhiều sắc dân khác nhau. Thói thường trong cảnh lưu lạc tha phương, những người cùng nòi giống thường tìm cách sống gần nhau để giúp đỡ nhau, bênh vực nhau khi nguy biến. Người Việt đến địa bàn này muộn nhất nên những chỗ làm ăn thuận lợi gần như không còn. Các sắc dân đến cư ngụ trước tại đây sợ người Việt cùng làm ăn sẽ gây ảnh hưởng thiệt thòi đến quyền lợi của họ nên có thái độ kỳ thị thấy rõ. Phần đông họ cố tránh giao dịch với người Việt, tẩy chay không thuê không mướn người Việt dù họ rất cần người. Dị ứng với người Việt mạnh mẽ nhất là dân Chàm, đó cũng là chuyện dễ hiểu.

 Không hòa đồng được với cộng đồng đa chủng, nhiều người Việt kéo nhau tách riêng đi khai khẩn rừng hoang làm ăn. Tới lúc này nhiều người Việt đã bắt đầu cảm thấy chùn chân trước thực tế. Rừng rú thâm u tràn ngập muỗi mòng và vắt đỉa là giống trùng hút máu người thật đáng sợ. Những thứ trùng độc khác như rắn rết, bò cạp bất cứ chỗ nào cũng có thể có. Trời nóng nực, người ta cởi cái áo vắt lên một cành cây, khi lấy áo mặc lại nếu không xem xét cẩn thận liền có thể bị năm bảy mồi độc của bò cạp chích vào lưng, vào nách... nhức nhối tận tim gan. Tay vô ý vít một cành cây có thể bị con rắn lục mổ một miếng có khi thiệt mạng...

 Độc hại nhất là giống muỗi đã gieo rắc không biết bao nhiêu nỗi hãi hùng. Gần một nửa số người khai hoang rừng mắc bệnh sốt rét. Sợ bệnh đến nỗi người ta phải nướng con trùn hổ (giun đất loại lớn) mà ăn. Nhiều người vẫn tin thịt loại trùn hổ này trị được bệnh sốt rét. Người chết bệnh quá nhiều đã làm cho ai nấy phát hoảng. 

 Tới khi trồng trọt được, hoa màu lên xanh tốt chưa kịp mừng thì từng đàn khỉ từ đâu kéo về bẻ phá tả tơi. Những nương sắn củ còn non cũng bị những đàn voi tràn về dày xéo hoặc nhổ tung lên. Những nương lúa thì bị hàng trăm  hàng ngàn chim chóc chiếu cố rỉa hạt rỉa bông... Người ta có cảm tưởng trời cho thấy mà không cho ăn. Họ kháo nhau đây là sự cảnh cáo, sự xua đuổi của thần rừng.

 Có người thấy trồng trọt khó khăn muốn bước sang nghề săn thú, đánh cá. Nhưng đến bất cứ nơi nào họ cũng bị những người lạ hung tợn giành giựt, hăm dọa, tấn công sát hại. Đã có lần một người Việt đi săn bị đâm chết vứt xác trong rừng. Sau đó lại có vài người Việt khác bị kẻ lạ đánh đuổi phải chạy bán mạng mới thoát được.

 Về nơi ăn chốn ở cũng không yên. Thỉnh thoảng lại có vụ phát hỏa khi người trong nhà đã ra nương rẫy hết mà không biết nguyên do. Vài khi cháy lây cả vùng qua nhiều ngày.

 Lần kinh hoàng nhất cho người Việt là lần bị bỏ thuốc độc trong giếng nước uống. Hôm đó, tự nhiên toàn vùng sau bữa cơm chiều nhiều người thình lình bị mắc bệnh thổ tả. Một số trẻ em đã phải thiệt mạng. Người Việt phải khốn khổ nhiều ngày vì chuyện nước dùng, phải đào lại những cái giếng mới và phải bảo vệ cẩn thận chứ không dám coi thường như trước... 

 Những sự việc đó đã làm cho đám di dân người Việt lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Nhiều người sợ đến nhập tâm, nhìn quanh thấy bất cứ cái gì cũng có thể hại mình được.  Sợ đủ thứ, sợ người lạ, sợ cọp beo, sợ voi, sợ gấu, sợ cả đến những con vật nhỏ nhoi như con ong, con kiến và thậm chí sợ đến cả con cá, con chim... 

 "Tới đây đất nước lạ lùng,

 Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kiêng!"


 Rất nhiều người muốn trốn về xứ sở. Nhưng muốn trốn cũng không dễ! Bao nhiêu nguy hiểm sẵn sàng chờ họ: đau ốm dọc đường, gặp thú dữ sát hại, thổ dân lột da xẻo thịt như lời đồn... Đó là chưa nói nếu về nước còn có thể bị triều đình ghép tội nữa. Nhìn chung, tình trạng người di dân Việt đến xứ Mỗi Xuy gặp toàn cảnh chán ngán, bi quan đến tột cùng...

 Số phận đoàn di dân người Việt đến xứ Nông Nại cũng chẳng khá hơn gì. Khi họ đến, nơi đây cũng đã có người Hoa, người Xiêm, người Chàm, Mã Lai, Nam Dương... đang tranh nhau khai thác. Người Hoa, người Nam Dương, Mã Lai chuyên nghề buôn bán, người Chàm, người Xiêm phần nhiều làm công nông... Họ cũng ra mặt kỳ thị, tránh giao tiếp với người Việt như những nơi khác.

 Việc còn lại cho người Việt lại đưa nhau đi phá rừng làm ăn. Họ cũng gặp không biết bao nhiêu nỗi gian nan khốn đốn vì bệnh tật, thú dữ. Nói chung thiên thời, địa lợi, nhân hòa người Việt đều không có... 

 Có lần di dân Việt đang khai khẩn một khu đồng bằng rộng lớn thì bỗng chạm mặt với một số thổ dân cùng dân Xiêm cũng đang khai khẩn khu đất gần đó. Hai bên đều khai khẩn canh tác chỉ cách nhau một cánh rừng mỏng mà không bên nào biết nhau. Tới khi cánh rừng mỏng kia bị đốt cháy mới lộ ra nhau. Đám thổ dân cùng bọn người Xiêm hung hăng tranh giành phần đất mới cháy và lấn sang cả đất người Việt đã canh tác. Họ bảo đó là vùng họ đã khoanh từ lâu. Những hoa màu người Việt vừa trồng ra bị họ dẫm đạp bừa bãi. Hai bên lại gây gổ rồi đi đến ẩu đả. Thổ dân và đám người Xiêm rất hung dữ lại quá đông nên rốt cuộc người Việt phải rút về cố thủ một cụm, hằng mươi ngày không dám ló mặt ra ngoài. Bọn người kia thừa thế kéo nhau đi phá phách lung tung. Những người di dân Việt hoảng sợ, bối rối vô cùng. Ai cũng chán nản bàn nhau bỏ đi nơi khác cho xong.

 Những người cầm đầu các cộng đồng di dân này phải cử người về Oudong trình bày rõ tình trạng ấy lên quan đặc sứ Nguyễn Hữu Luân xin tìm cách giúp đỡ...

***

 Vua Chey Chetta II ngự đến Tả cung thì thấy hoàng hậu Ngọc Vạn một mình thơ thẩn trong vườn hoa. Nhà vua cho tả hữu tản ra rồi ngài tiến về phía hoàng hậu.

 - Thánh thượng vạn tuế!

 - Miễn lễ, miễn lễ, trẫm muốn dạo vườn ngắm hoa cùng hoàng hậu.

 - Tạ ơn bệ hạ!

 Vua cùng hoàng hậu sánh bước bên nhau đi dạo vườn.

 - Hoa vào xuân nở rộ đẹp quá nhỉ! Ồ, ái khanh có thấy hai con bướm sặc sỡ kia không? Bướm đẹp quá! Chúng quấn quít đùa giỡn vui vẻ bên nhau hậu thấy không?

 - Tâu, thiếp có thấy...

 - Sao đôi ta không được như đôi bướm ấy nhỉ? Sao đôi ta không thể vui vẻ đùa giỡn như chúng? Hậu có thể nói cho trẫm biết vì sao chăng? 

 - Tâu, vì chúng vô tư, hồn nhiên, còn thiếp thì...

 - Không lẽ trẫm đã làm gì khiến hậu buồn? Từ khi về với trẫm, hậu không mấy khi cười nói như bao nhiêu người khác. Hậu nói rằng Đại Việt đất chật lại thiếu màu mỡ, cuộc sống người dân khó khăn, trẫm đã chiều ý cho họ đến Chân Lạp làm ăn thoải mái, hậu chưa vừa lòng ư? Không hiểu sao bây giờ hậu vẫn cứ buồn rũ rượi như thế?

 - Muôn tâu, thiếp rất đội ơn mưa móc sâu dày của bệ hạ. Khổ nỗi, thần dân của thiếp tha phương cầu thực tuy được bệ hạ cho khai khẩn đất đai để sống, nhưng họ không cách nào yên ổn làm ăn được. Họ bị những kẻ bất lương cứ đột ngột xuất hiện cướp giết mà không được ai bảo vệ che chở hết. Thiếp nghĩ đến thân phận của họ lòng thiếp đau như cắt, vui ở chỗ nào được!

 - Thế bây giờ hậu muốn trẫm giải quyết như thế nào để giúp họ?

 - Cám ơn bệ hạ đã chiếu cố tới đám thần dân đồng bào của thiếp. Bệ hạ đã rộng lòng cho họ tự do khai khẩn để sinh sống, cúi xin bệ hạ cho phép họ được thành lập những toán võ trang tự vệ. Như vậy họ đỡ bị người ta ức hiếp để có thể yên tâm làm ăn. Được thế thì thiếp cũng như thần dân thiếp sẽ đội ơn bệ hạ vô cùng! 

 Vua Chey Chetta II suy nghĩ rồi nói:

 - Nếu làm cho hoàng hậu vui được thì việc gì mà trẫm không làm! Lâu nay trẫm vẫn cấm ngặt người bản xứ quấy nhiễu di dân người Việt, không ngờ di dân vẫn còn chưa được yên ổn làm ăn như thế. Thôi được, trẫm sẽ lệnh xuống, cho phép cộng đồng di dân người Việt được tự võ trang để tự vệ.

 Hoàng hậu Ngọc Vạn nghe vua phán liền quì mà dập đầu xuống nền đất, tâu:

 - Hoàng thượng anh minh vạn tuế, vạn vạn tuế! Thế là ánh sáng mặt trời đã soi tới lòng chậu úp! Thần thiếp xin thay mặt toàn thể lưu dân của thần thiếp, xin đa tạ hoàng thượng!

 Vua Chey vội vàng bước đến đỡ bà đứng dậy:

 - Chuyện này không khó lắm, hoàng hậu chớ bận tâm!

 Chương 9:

  Hôm sau, trong buổi đại triều đông đủ bá quan văn võ, vua Chey phán:

 - Thời gian gần đây, giặc Xiêm không dám quấy phá nước ta nữa, dân ta từ kinh đô đến các miền biên ải xa xôi đều được yên ổn làm ăn, các khanh biết nhờ đâu không? Chính là nhờ uy lực của nước Đại Việt là nước thông gia của Chân Lạp ta. Hai nước đã thông hiếu với nhau, thề giúp đỡ nhau, coi nhau mật thiết như môi với răng. Vậy, tại sao ta không thể mở rộng lòng coi người dân Đại Việt như dân Chân Lạp? Một số người Việt vì sinh kế phải đến làm ăn trên đất nước ta, họ có tội tình gì mà ta phải xua đuổi, xa lánh, quấy phá làm hại đến họ? Trẫm nghĩ rằng đó chỉ là hành động nông nổi của một số dân ngu dốt bị người ta xúi giục. Trẫm đã xuống chiếu cho các khanh phải giúp đỡ, che chở họ, thế mà đến nay họ vẫn gặp không biết bao nhiêu là khó khăn về mặt an ninh. Tại sao vậy? Phải chăng chính kẻ thù của dân tộc ta ngầm nhúng tay vào để gây mâu thuẫn giữa hai dân tộc Đại Việt và Chân Lạp? Các khanh phải giải thích những điều lợi hại ấy cho dân chúng hiểu hầu tránh gây ra những lỗi lầm đáng tiếc, có thể làm sứt mẻ tình hòa hiếu giữa hai dân tộc. Chư khanh có làm được việc đó không?

 Đại thần Mông Cun với giọng chua xót tâu:

 - Thần xin góp ý thêm về việc này. Những chuyện bức hiếp người Việt quả có xảy ra nhiều nơi thật, nhưng không phải do dân bản xứ gây nên mà phần nhiều lại do các sắc dân ngoại kiều khác, cũng chỉ vì sự va chạm mâu thuẫn quyền lợi với nhau thôi. Bởi thế, vấn đề tuy nhỏ mà giải quyết thì lại rất khó. Thần nghĩ chúng ta chỉ có quyền khuyên ngăn, hòa giải họ chứ không thể nào thẳng tay trừng trị những kẻ phạm tội được. Mà không thẳng tay trừng trị được thì kẻ phạm dễ sinh khinh nhờn, dễ tái phạm, dễ làm cho kẻ xấu khác bắt chước. Giả như một người Xiêm giết một người Việt, theo luật, người Xiêm đó phải bị xử tử, nhưng nếu chúng ta thi hành hình án ấy, nước Xiêm lập tức có cớ để gây hấn với ta, họ sẽ làm khó làm dễ đủ điều. Đó là kinh nghiệm qua bao nhiêu lần trước dưới thời tiên vương. Nhiều phán quan chỉ vì xử án quá ngay thẳng nghiêm minh, làm mích lòng cường bang, lật qua lật lại vị phán quan ấy bỗng trở thành vật cúng thần. Cái thế nước ta bây giờ khó là ở chỗ đó! Cho nên các quan chức địa phương thường làm ngơ trước những vi phạm kia. Thần trộm nghĩ đây chính là lúc thánh thượng nên minh định lại phép nước, bố cáo cho quốc dân lẫn ngoại kiều cùng biết rõ ràng. Có như thế, kẻ cầm cân công lý mới có chỗ dựa vững chắc để làm việc chí công vô tư! Lúc đó mới mong những sự tranh chấp quyền lợi giữa các ngoại kiều được giải quyết công bằng thỏa đáng!

 Vua Chey lại hỏi:

 - Còn ai có ý kiến gì về vấn đề này nữa không?

 Hoàng thân Nặc Nậu bước ra tâu:

 - Thần cũng đồng ý với đại thần Mông Cun về việc bệ hạ nên minh định lại phép nước thì người thi hành phép nước mới vững lòng làm việc được. Ngày nào phép nước chưa được tái minh định, thần e những kẻ thi hành phép nước vẫn còn phải e dè vì sợ phải gánh chịu những hậu quả bất ngờ do mình thi hành đúng trách nhiệm. Đó là chưa nói đến những kẻ a dua theo thời, lạm dụng sự thiếu rõ ràng của phép nước, tùy tiện theo ý mình khi phân xử, có thể gây ra những tình trạng tồi bại hơn!

 Vua Chey nói:

 - Minh định lại phép nước, đó là một ý kiến rất hay. Trẫm sẽ cho người nghiên cứu và thực hiện. Lâu nay nước Chân Lạp ta bị cường bang lấn  áp, kỷ cương nghiêng đổ, pháp luật lơi lõng đã thành lề. Nay muốn chấn chỉnh cũng phải đi từng bước, không thể thực hành tức thời được. Trước mắt, chúng ta không nên để cho người Việt bị chèn ép, bắt nạt, vì như thế, chúng ta sẽ làm giảm thiện cảm của chính quyền Thuận Hóa, một chính quyền đang triệt để ủng hộ nước ta chống lại người Xiêm. Do đó, trẫm quyết định cho phép cộng đồng di dân người Việt thành lập những đội võ trang để họ có thể tự vệ. Chư khanh có ý kiến gì về vấn đề này không?

 Vua Chey vừa phán xong, lập tức các quan lớn nhỏ nhốn nháo đưa mắt nhìn nhau. Nhà vua nhìn thấy rõ vẻ bất mãn, giận dữ biểu lộ bất thần trên gương mặt nhiều đại thần của mình. Nhưng thoáng chốc, mọi người đều biết kìm hãm sự biểu lộ thứ tình cảm có thể gây tai họa cho mình ấy lại. Dù vậy, không khí buổi chầu vẫn không thoát trạng thái ngột ngạt khó thở. Một lát sau, quan đại thần Nôn San bước ra tâu:

 - Hoàng thượng cho phép thần trình bày: Từ cổ chí kim, chấp nhận một cộng đồng kiều dân sống trên đất nước mình được võ trang tự vệ vẫn là việc đại cấm kỵ. Như thế có khác chi đem cọp về nuôi trong nhà! Khi nó trở chứng bất ngờ muốn ăn thịt mình thì làm sao mình trở tay cho kịp? Xin thánh thượng xét lại vấn đề này!

 Vua Chey chưa kịp phán lời gì thì đại thần Mông Cun lại tâu:

 - Xin thánh thượng coi việc an ninh quốc gia là trọng, ta không thể chấp nhận một cộng đồng ngoại kiều nào được võ trang tự vệ trong lãnh thổ mình như thế. Nó chắc chắn sẽ như là một cái ung nhọt nhức nhối trong thân thể ta. Khi nó đã phát tác, muốn trừ bỏ nó đi sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, nếu thánh thượng cho phép người Việt làm như vậy, lỡ người Xiêm, người Hoa, người Mã Lai cũng bắt chước mà đòi hỏi như thế, bệ hạ sẽ trả lời họ sao đây? Thần cúi xin bệ hạ xét lại chuyện này kẻo rồi hối hận không kịp!

 Vua Chey vẫn chăm chú theo dõi phản ứng của mọi người. Bây giờ thì ngài thấy rõ cái việc mà ngài nói với hoàng hậu Ngọc Vạn "Chuyện này không khó lắm, đừng bận tâm" ấy lại thật sự không dễ chút nào. Khi hai ông Nôn San và Mông Cun tâu bày lý lẽ phản bác, vua Chey đã thấy hầu hết các quan đều tỏ vẻ tán đồng. Đại thần Mông Cun tâu bày xong chưa kịp bước lui thì đã có nhiều vị đại thần khác dợm bước ra. Vua Chey thấy tình hình quá bất lợi như vậy bèn phán:

 - Thôi, tạm thời hãy gác việc ấy lại đã! Bây giờ chúng ta bàn sang chuyện khác...

***

  Sau khi bãi chầu, vua Chey thẫn thờ trở về cung. Ngài không ngờ một đấng chủ tể đang được muôn dân tin cậy, ủng hộ như ngài giờ lại gặp cảnh tiến thoái lưỡng nan thế này. Nếu chiều ý hoàng hậu Ngọc Vạn, ngài sẽ bị thần dân phản đối, sự nguy hại chưa biết tới mức nào. Cái gương phụ thân ngài cũng vì hoảng sợ trước sự phẫn nộ của dân chúng mà phải nhường ngôi cho ngài đâu xa xôi gì! Nhưng ngài đã hứa như đinh đóng cột với hoàng hậu Ngọc Vạn như thế, biết ăn nói làm sao bây giờ? Làm phật lòng hoàng hậu Ngọc Vạn là điều ngài càng nên tránh. Nào tình yêu! Nào ơn nghĩa! Sau lưng hoàng hậu là một hậu thuẫn vững chắc bảo vệ cho ngai vàng của ngài: triều đình Thuận Hóa! Ngài biết bọn tay chân người Xiêm còn rất nhiều đang nín thở qua sông, chịu đặt mình dưới quyền ngài, nhưng nếu gặp cơ hội, họ sẽ không để cho ngài yên. Ngài biết còn một số hoàng thân quốc thích đang nhòm ngó đến ngai vàng của ngài. Hoàng hậu Ngọc Vạn như một lá bùa mà ngài cần có để trừ ma yểm quỉ. Nếu không có lá bùa Ngọc Vạn việc gì sẽ xảy đến cho ngài? Hàng vạn quân Xiêm hung tàn sẽ tràn sang chà đạp đất nước ngài, tàn sát đồng bào ngài! Những kẻ có tinh thần thân Xiêm, bài Việt sẽ ra mặt nối dáo cho giặc. Rồi dân tộc ngài, bản thân ngài sẽ đi về đâu? Các quan cũng có lý của họ, người Việt cũng có thể không khác gì người Xiêm! Nhưng với ngài, ít nhất ngài đã chứng kiến sự tàn ác dã man của người Xiêm, còn người Việt thì ngài chưa thấy gì. Vả lại, ngài đang là con rể của chúa Thuận Hóa! Ai hiểu cho lòng ngài? Chưa bao giờ ngài cảm thấy mình cô đơn ghê gớm như lúc này! Không dựa vào Đại Việt thì bị người Xiêm bắt nạt, muốn dựa Đại Việt tất phải nhượng bộ này nọ lại làm cho quốc dân nghi sợ, phản ứng. Chưa bao giờ ngài cảm thấy thấm thía nỗi đau nhục ê chề của người cầm quyền một đất nước nhược tiểu ở bên cạnh những cường bang đến như thế! Ta làm sao để có binh hùng tướng mạnh? Ta làm sao để tự lực tự cường? Nhà vua suy nghĩ đến phờ phạc cả người, đầu nhức như búa bổ mà vẫn không thể nào tìm ra được một lối thoát...

 Thế rồi vua Chey lâm bệnh. Ban đầu tưởng bệnh sơ sài, ngài vẫn gượng ra triều coi việc. Nhưng mấy ngày sau thì ngài không kham nổi nữa. Ngài phải nằm liệt giường uống thuốc cả tháng. Mọi việc triều chính bấy giờ phải tạm thời giao cho hoàng thân Nặc Nậu và đại thần Nôn San  xử lý. 

 Vào thời gian vua Chey nằm bệnh, hoàng hậu Ngọc Vạn mỗi ngày vẫn tới vấn an, săn sóc thuốc men cho ngài. Trong khi đó, hoàng hậu Pha Luông vì cố tránh mặt hoàng hậu Ngọc Vạn nên rất ít khi gặp mặt vua được lâu. Bà vẫn cho người hầu thăm chừng trước, khi biết chắc không có mặt hoàng hậu Ngọc Vạn bà mới đến thăm vua. Lại có lúc bà đang ở bên cạnh vua mà thấy hoàng hậu Ngọc Vạn đến, bà liền tìm cớ cáo từ ra về. Thành ra chỉ ở Tả cung và Hữu cung mà hai người cách trở như sao Hôm và sao Mai. 

 Một hôm, nhân lúc thấy vua Chey hơi khỏe người, hoàng hậu Ngọc Vạn nói:

 - Thánh thượng khỏe lại thế này thiếp thật mừng khôn xiết. Mấy hôm liền thánh thượng nằm liệt giường làm thiếp lo sợ lắm. Nếu thánh thượng có mệnh hệ nào thì chắc thiếp cũng xin theo hầu thánh thượng ở chốn tuyền đài thôi!

 Vua Chey cười:

 - Ái khanh nói gì mà nghe dễ sợ vậy? Phong tục Chân Lạp đâu có như phong tục Chiêm Thành khi vua mất thì hoàng hậu phải thiêu thân chết theo vua? Hậu đừng lo sợ điều đó!

 Ngọc Vạn thưa:

 - Thiếp đâu có sợ việc đó! Trái lại, thiếp còn mong được theo hầu bệ hạ nữa chứ! Thiếp chỉ sợ hoặc bệ hạ không muốn cho thiếp theo, hoặc phong tục Chân Lạp không cho phép, để thiếp phải ở lại cõi trần trong cô đơn, bị người ta chèn ép hành hạ thì khổ biết bao nhiêu!

 Vua Chey lộ vẻ ngạc nhiên:

 - Ái khanh sao lo xa quá. Ai mà có thể chèn ép hành hạ ái khanh được?

 Ngọc Vạn hạ giọng:

 - Nói bệ hạ bỏ qua cho, thật tình thiếp khiếp sợ người Lào lắm! Ngày còn ở Đại Việt, thiếp vẫn nghe nói người Lào sở trường về những môn thư, yểm, họ có thể làm cho kẻ thù của họ điên khùng, tật nguyền, dở chết dở sống... Như bệ hạ thấy đó, Hữu hoàng hậu gặp thiếp đâu thì tránh mặt đó, bà ta có thương gì thiếp! Nói trời không nghe lỗ miệng, nếu bệ hạ có bề nào thì con của bà ta sẽ lên kế vị, khi đó e rằng thân thiếp sẽ không có đất chôn chứ chẳng chơi đâu!

 Nói xong, hoàng hậu Ngọc Vạn cúi mặt khóc sùi sụt... Vua Chey bất chợt thấy bực mình: Đàn bà sao mà giống nhau đến thế! Nhưng rồi vẻ bi thương của hoàng hậu đã khiến nhà vua cảm thấy mủi lòng... Ngài cũng hơi ngạc nhiên vì từ nhỏ ngài chưa nghe ai nói người Lào sử dụng bùa ngải bao giờ. Ngài an ủi:

 - Hậu chớ quá lo mà sinh ốm. Người Lào mà bùa phép nỗi gì? Trẫm chưa hề nghe ai nói đến chuyện đó!

 Hoàng hậu Ngọc Vạn nói:

 - Vì người Lào quá kín đáo nên bệ hạ không rõ đấy thôi! Khi họ đã ghét ai thì kẻ ấy khó mà thoát tai biến!

 Vua Chey bỗng nói đùa:

 - Có khi nào hoàng hậu Pha Luông đã thư trẫm không? Thời gian gần đây trẫm thưa thớt tới Hữu cung bà ấy có giận ghét trẫm không biết?

 Ngọc Vạn nghiêm trang nói:

 - Biết đâu được! Nhưng bệ hạ đâu cần lo chuyện đó. Bùa phép chỉ hại được những kẻ tầm thường như thiếp, còn bệ hạ mang chân mạng đế vương có thần linh phò trợ thì ai mà hại được!

 Tuy không hẳn tin lời hoàng hậu Ngọc Vạn, nhưng từ đó, vua Chey cũng dè chừng hoàng hậu Pha Luông. 

 Chương 10:

 Trước đây, hai vị đặc sứ của Thuận Hóa là Nguyễn Hữu Luân và Lê Sáng được vua Chey cấp cho một khu đất ở ngoại ô kinh thành để xây dựng nơi ăn ở và làm việc, gọi là Đại Việt doanh. Sau này, hoàng hậu Ngọc Vạn còn xin cho họ lập một xưởng thợ cạnh nơi đó để số nhân viên tùy tùng trau dồi nghề nghiệp trong những khi rảnh rỗi, hầu giúp mọi người kiếm thêm chút lợi tức cũng như gây chút quĩ phòng hờ chi dụng khi cần thiết. Nhờ sự điều hành khéo léo của quan đặc sứ Nguyễn Hữu Luân, xưởng thợ mỗi ngày mỗi tiến triển, kết quả thâu đạt cũng khả quan.

 Khi Đại Việt doanh được xây cất xong, quan đặc sứ Nguyễn Hữu Luân chọn ngày tốt, chuẩn bị một buổi lễ khánh thành khá long trọng. Ông gởi thiệp mời vua và hoàng hậu cùng nhiều nhân vật quan trọng trong triều đình Chân Lạp đến dự. 

 Nhưng ngày khánh thành ấy lại nhằm vào thời gian vua Chey đang bệnh nặng nên ngài không thể đến dự được. Theo lệ thường thời bấy giờ, vua và hoàng hậu Chân Lạp vẫn hay đi dự lễ khánh thành một ngôi chùa lớn, một ngọn tháp thờ của một tôn giáo, một ngôi nhà làm việc của một bộ phận trong chính phủ mới xây cất... Nếu vì lẽ gì vua không đến dự được, ngài cử một viên đại thần thay mặt mình đến dự. 

 Trong trường hợp này, có lẽ vì Đại Việt doanh liên can mật thiết với hoàng hậu Ngọc Vạn, hoặc vì những mâu thuẫn ý kiến trong buổi chầu có vụ tranh luận gây cấn trước đây, vua Chey không cử đại thần nào mà lại cử hoàng hậu Ngọc Vạn đại diện cho mình. Thế là hoàng hậu vui vẻ chuẩn bị sẵn mấy món lễ vật để đi mừng. 

 Đúng ngày lễ khánh thành, vua cho một đội lính ngự lâm do viên đội trưởng Đậu Sâm chỉ huy hộ tống hoàng hậu Ngọc Vạn đến Đại Việt doanh. Hoàng hậu đi bằng kiệu do đội kiệu phu riêng khiêng, chỉ đem theo năm nàng thị nữ để sai khiến.

 Đoạn đường từ hoàng thành đến Đại Việt doanh phải đi qua một rừng cây thốt nốt rậm rạp. Kiệu hoàng hậu đang qua nửa cánh rừng bỗng bị một toán người lạ mặt sử dụng dao búa thình lình ào ra tấn công dữ dội. Ngay phút đầu, bọn người lạ mặt đã hạ sát ngay hết mấy kiệu phu và mấy thị nữ. Kiệu hoàng hậu bị lật xuống bên đường. Đội lính ngự lâm chống cự dũng mãnh nhưng cũng bị cắt ra làm đôi. Hoàng hậu không còn ai bảo vệ kịp, bị hai tên giặc nhảy tới bắt nhét khăn vào miệng và lôi bừa bà chạy vào rừng. Trong cơn kinh hãi đến tột độ, hoàng hậu bỗng nghe một tiếng thét:

 - Bọn nghịch tặc chớ lộng hành!

 Hoàng hậu thấy một tráng sĩ bịt mặt cao lớn dũng mãnh nhảy tới đưa ngang một lát kiếm, một trong hai tên bắt bà liền gục xuống. Tên còn lại vội buông bà ra để chống cự. Người kia nói lớn:

 - Hoàng hậu chớ sợ! Bà hãy tạm ở đó đợi tôi bắt sống tên này đã!



 Hoàng hậu Ngọc Vạn nghe giọng nói hình như quen quen. Chỉ trong chốc lát, tên giặc còn lại đã bị tráng sĩ đánh ngất đi. Chàng rút trong túi ra một sợi dây để trói hắn lại. Hoàng hậu mừng rỡ nhưng vẫn còn run lập cập nói với tráng sĩ:

 - Cám ơn tráng sĩ đã cứu mạng! Xin tráng sĩ vui lòng cho biết phương danh!

 Chàng tráng sĩ bỗng lật tấm khăn bịt mặt của mình ra. Hoàng hậu thảng thốt bất giác kêu lên bằng tiếng Đại Việt:

 - Trời ơi, Đình Huy chàng!

 Tráng sĩ cũng nói bằng tiếng Đại Việt, chỉ đủ cho hoàng hậu nghe:

 - Ấy chớ! Hãy đề phòng tên này. Phải đem nó về tra hỏi cho ra những kẻ đồng lõa trong cuộc bạo loạn hôm nay! Hoàng hậu hãy đi theo tôi, phải gởi nó cho đội lính ngự lâm.

 Hoàng hậu hỏi Đình Huy:

 - Làm sao chàng biết được thiếp lâm nguy ở đây mà đến cứu?

 Tráng sĩ nói:

 - Hoàng hậu không biết đó chớ từ sau buổi chầu mà hoàng thượng định cho phép di dân Đại Việt thành lập các đội võ trang tự vệ thì bọn người thân Xiêm liền ráo riết vận động đảo chánh lật đổ hoàng thượng đấy. Hoàng thượng lâm bệnh gần cả tháng nay đúng là cơ hội ngàn vàng của chúng. Cũng may, chúng còn ngại sự có mặt của hoàng hậu và chưa nắm vững nhân sự nên chưa dám ra tay. Chính hôm nay chúng muốn triệt hạ hoàng hậu trước đó. Chúng tôi còn tóm được mấy tên khác nữa, coi chừng kẻo chúng trốn hoặc tự tử là mất manh mối! Phải khai thác thật kỹ mà trừ tiệt gian đảng đi! Hoàng hậu cứ coi như không biết gì về vụ can thiệp của người mình vào chuyện này kẻo nhà vua có thể sinh ra điều nghi ngờ không hay.

 Hoàng hậu còn bàng hoàng muốn hỏi nữa nhưng tráng sĩ đã vác tên giặc bị bắt lên vai và vẫy tay nói:

 - Muộn rồi, xin hoàng hậu hãy gắng theo tôi!

 Khi ra tới đường cái, tráng sĩ quăng tên tù xuống đất. Chàng nhìn trước nhìn sau rồi nói:

 - Chuyện tạm yên rồi, sẽ có người tới đưa hoàng hậu về. Hoàng hậu hãy bảo trọng, xin tạm biệt!

 Nói xong, tráng sĩ biến nhanh vào rừng thốt nốt. Hoàng hậu Ngọc Vạn thẫn thờ nhìn theo rồi thốt lên: "Đình Huy chàng ôi! Tại sao chàng không thong thả một chút?"

 Liền khi đó, Đậu Sâm cùng mấy tên lính ngự lâm chạy lại quì xuống trước mặt hoàng hậu:

 - Chúng thần làm nhiệm vụ bảo vệ không tròn để cho hoàng hậu phải kinh hãi thật đáng tội chết! Cúi xin hoàng hậu tha tội!

 Hoàng hậu an ủi:

 - Bọn nghịch tặc hung dữ xuất hiện bất ngờ quá làm sao các ngươi đề phòng kịp! Hãy đem tên này về cho triều đình điều tra để tìm manh mối lũ phản nghịch! Chúng ta thiệt hại nhân mạng có nhiều không? Các ngươi có bắt được tên nào nữa không?

 Đậu Sâm thưa:

 - Bẩm hoàng hậu, có ba kiệu phu, hai thị nữ, hai lính ngự lâm, cả thảy bảy người bị giết. Ba kiệu phu, ba lính ngự lâm và hai thị nữ khác bị thương. Bọn giặc chết hơn hai mươi đứa, còn bao nhiêu chạy thoát cả. Chúng thần có bắt sống được hai tên nữa đang trói ở đằng kia. Bọn giặc hung dữ lắm, nhưng may có một bọn dũng sĩ bịt mặt thình lình xuất hiện tiếp tay cho chúng thần, nếu không, có lẽ chúng thần bị thảm bại mất!

 Hoàng hậu nói:

 - Thôi, chúng ta thu xếp mà trở về. Hãy cẩn thận coi chừng mấy tên tù và lo gấp cho những người bị thương. Còn những người không may thiệt mạng thì người của triều đình sẽ đến lo tính bây giờ.

***

 Buổi sáng ấy, tại Đại Việt doanh, hai ông Nguyễn Hữu Luân và Lê Sáng đã niềm nỡ đón tiếp nhiều vị quan khách Chân Lạp. Đã tới giờ ấn định cử hành lễ vẫn chưa thấy hoàng hậu Ngọc Vạn, vị khách danh dự, đại diện cho vua Chân Lạp đến. Chính sứ giả của nhà vua đã thông báo việc hoàng hậu Ngọc Vạn sẽ thay mặt nhà vua trong lễ khánh thành này cho quan đặc sứ Nguyễn Hữu Luân, làm sao có thể sai hẹn được! Thời gian cứ trôi qua, trôi qua! Cử tọa mỗi lúc mỗi bồn chồn nôn nóng, bàn tán xôn xao. Quan phó tướng Lê Sáng nóng ruột bèn sai hai binh sĩ cỡi ngựa đi thăm dò tin tức. Sau đó, hai kỵ binh được sai đi phi ngựa nhanh như gió trở về báo:

 - Bẩm đại quan, hoàng hậu Ngọc Vạn trên đường đến dự lễ khánh thành Đại Việt doanh đã bị bọn thảo khấu phục kích tấn công!

 Các quan Đại Việt cũng như Chân Lạp đều hoảng hốt nhốn nháo hỏi:

 - Thế hoàng hậu có sao không? Bây giờ ngài đang ở đâu?

 - Bẩm, nhờ phước đức hoàng thượng, hoàng hậu may mắn được bảo vệ an toàn và đã trở về hoàng cung. Đội lính ngự lâm hộ tống hoàng hậu đã anh dũng đánh tan tác bọn giặc. Hơn hai mươi tên giặc bị giết, ba tên bị bắt sống đã giải về để điều tra.

 Viên đại thần Nôn San vừa nghe hai tên lính báo xong, mặt xanh như tàu lá, ông nắm lấy vai người lính giật giật mấy cái mà hỏi:

 - Chính tai mi nghe rõ như thế chứ? Mi có thấy gì không? Hoàng hậu thoát được tai nạn trở về bình yên thật chứ?

 - Dạ bẩm, con nghe nhiều người nói như thế.

 Quan đặc sứ Nguyễn Hữu Luân nghe báo xong, lật đật bước ra xin lỗi quan khách:

 - Kính thưa quí vị quan khách, đáng lẽ chúng tôi làm lễ khánh thành cho Đại Việt doanh hôm nay, nhưng đáng tiếc, một sự cố bất ưng to lớn đã xảy ra. Chúng tôi cũng như quí ngài đâu còn bụng dạ nào để tiếp tục dự lễ khánh thành nữa! Chắc chắn quí ngài lúc này ai cũng nóng ruột và cần thì giờ để lo những việc cần kíp khác. Vả lại, nếu chúng ta vui vẻ trong lúc này là mang tội với triều đình, với nhà vua và nhị vị hoàng hậu. Vậy, chúng tôi kính xin lỗi quí vị quan khách được tạm đình hoãn lại việc này. Hẹn sẽ mời quí vị trở lại trong một dịp thuận tiện khác!

 Thế là chủ khách chia tay, các quan hấp tấp kéo nhau ra về.


***

 Cái hung tin về một nhóm nghịch tặc dám phục kích tấn công Tả hoàng hậu làm cho vua Chey giận điên lên. Dù trời đã chiều và bệnh chưa lành hẳn, nhà vua cũng gượng dậy ra triều đường làm việc. Nhà vua hỏa tốc xuống lệnh cho hoàng thân Nặc Nậu, đại thần Mông Cun và đại thần Nôn San lập tức mở phiên họp tìm cách điều tra mấy tên tội phạm. 

 Nhận được lệnh vua, hoàng thân Nặc Nậu và đại thần Mông Cun liền đến công đường ngay. Riêng viên đại thần Nôn San không thấy đâu hết. 

 Đợi đại thần Nôn San mãi vẫn bặt tăm hơi, hai ông Nặc Nậu và Mông Cun bèn cho người đến tư dinh ông này để hỏi. Người nhà Nôn San cho biết ông đã đi dự lễ khánh thành Đại Việt doanh từ buổi sáng và giờ này vẫn chưa thấy về. 

 Vậy là hai ông Nặc Nậu và Mông Cun bèn một mặt cho người trình lên vua việc ấy, mặt khác, phối hợp với nhau tiến hành công việc được vua giao phó.

 Nhờ khai thác những bằng chứng qua sự nhận diện các xác chết và sự tra vấn ba tên giặc bị bắt sống, triều đình Chân Lạp đã biết được âm mưu phản nghịch ấy do chính viên đại thần Nôn San cầm đầu.

 Nôn San đã lợi dụng cơ hội vua Chey đau nặng, chỉ huy đồng đảng cố tranh thủ thời gian hoạt động ráo riết nhằm mục đích lật đổ ngài. Chúng tuyên truyền vua Chey quá đắm say sắc đẹp của hoàng hậu Ngọc Vạn cho nên đã bị Thuận Hóa xỏ mũi bảo gì làm nấy. Chúng cố tình bắt cóc hoàng hậu Ngọc Vạn để đặt điều kiện với vua Chey hoặc giết đi để gây mâu thuẫn giữa Oudong và Thuận Hóa. Nôn San đã tuyển lựa được một đội cảm tử gần năm mươi tên để thực hiện cuộc phục kích này. Ông cầm chắc họ dư sức áp đảo làm tê liệt đội lính ngự lâm của nhà vua trong chốc lát. Không ngờ sự xuất hiện đột ngột của nhóm dũng sĩ lạ mặt đã làm cho tình thế hoàn toàn bị đảo ngược.

 Hôm ấy Nôn San đến dự lễ khánh thành Đại Việt doanh với lòng khấp khởi vui sướng. Ông chỉ đợi cái tin hoàng hậu Ngọc Vạn bị toán người lạ bắt cóc loan ra và triều đình hoảng hốt rối loạn là tùy cơ ứng biến hành động. Trong khi mọi người hồi hộp trông ngóng hoàng hậu Ngọc Vạn từng phút thì Nôn San thoải mái tủm tỉm cười thầm. Tới khi hai tên kỵ binh của phó tướng Lê Sáng báo tin biến cố đã xảy ra một cách rõ ràng ông vẫn còn ngỡ ngàng chưa tin rằng mình đã thất bại. Nôn San cẩn thận hỏi kỹ càng từng tên lính do thám xong mới chịu tin. Thế là ông không dám về nhà nữa. Lợi dụng lúc mọi người đang xôn xao chộn rộn, ông một mình một ngựa tìm đường trốn sang Xiêm.



 Nôn San đã cầm đầu tổ chức phản nghịch ấy với sự bảo trợ của người Xiêm. Tại triều đình Chân Lạp cũng còn có khá nhiều nhân vật lớn nhỏ liên hệ với Nôn San. Để gây thêm thanh thế và cô lập hoàng hậu Ngọc Vạn, phe Nôn San còn tìm cách liên kết với hoàng hậu Pha Luông nữa. Không biết có hưởng ứng âm mưu đảo chánh không, nhưng vì thù ghét hoàng hậu Ngọc Vạn, hoàng hậu Pha Luông không ngần ngại mạt sát thậm tệ bà này. Vụ việc ấy cuối cùng cũng lọt đến tai vua Chey làm cho ngài giận lắm. Từ đó ngài càng không muốn gặp mặt hoàng hậu Pha Luông nữa. 

 Biết bên mình còn có nhiều phần tử không tốt, nhưng vua Chey đành làm ngơ. Ngài không dám dồn họ vào đường cùng. Ngài sợ nếu hành động không khéo léo có thể làm vua Xiêm nổi giận. Tuy nhà vua khá tin tưởng sức mạnh của Thuận Hóa nhưng ngài cũng thấy được Thuận Hóa đang có một kẻ thù khác gườm sẵn bên cạnh. Khi hữu sự, Thuận Hóa chưa chắc đã rảnh tay để giúp ngài được. Rốt cục, nhà vua chỉ biết đốc thúc theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng liên can để đề phòng chuyện bất trắc mà thôi.

 Sau khi sắp xếp mọi việc, vua Chey lại ngự đến Tả cung thăm hoàng hậu Ngọc Vạn. Nhà vua suýt soa nói:

 - Lạy trời, thiếu chút nữa là trẫm không còn gặp mặt ái khanh! Giờ đây sức khỏe hậu ra thế nào? Tinh thần hậu đã định tĩnh chưa?

 Hoàng hậu Ngọc Vạn ôm lấy nhà vua, òa khóc nức nở:

 - Nếu không có âm đức của bệ hạ hộ trì, biết đâu giờ này thiếp đã phơi xác trong rừng cho chim thú rúc rỉa!

 Vua Chey an ủi:

 - Thôi, đừng khóc nữa, tai qua nạn khỏi rồi! Trẫm xin lỗi đã bất lực để cho khanh phải chịu những giây phút hãi hùng như thế.

 Hoàng hậu Ngọc Vạn vẫn tiếp tục khóc:

 - Thiếp đã biết trước sự cố tất phải xảy ra, thế mà không cách nào đề phòng được!

 Vua Chey lộ vẻ ngạc nhiên:

 - Thật thế ư? Do đâu khanh biết trước sự cố ấy tất phải xảy ra?

 Hoàng hậu Ngọc Vạn thưa:

 - Nói chuyện này ra không biết bệ hạ có chịu tin cho không. Một đêm kia, thiếp mộng thấy một vị tiên hiện xuống bảo: "Nương nương, người hiện đang hoài thai, hãy khá giữ gìn cẩn thận, coi chừng một người đàn bà bụng dạ nhỏ nhen có thể hại tánh mạng mẹ con người!". Ban đầu thiếp chỉ cho đó là một giấc mơ nhảm nhí. Nhưng mấy ngày sau thiếp cảm thấy mình có triệu chứng hoài thai thật. Vì thế, thiếp nghi sợ lời vị tiên báo cho trong mộng là đúng. Đến nỗi thời gian gần đây thiếp không hề dám la mắng những thị tì có lỗi. Có lẽ vì thiếp giữ gìn quá cẩn thận nên người đàn bà nào đó không hại được thiếp, lại xui ra bọn thảo khấu hại thiếp!

 Vua Chey nghe xong ngồi im một hồi khá lâu. Mộng mị có đúng không? Người đàn bà nào lại đủ sức làm hại hoàng hậu Ngọc Vạn? Hoàng hậu ăn ở phải đạo lắm, các thị nữ lẽ nào dám dở trò? Vì lẽ gì? Hay là hoàng hậu Pha Luông chăng? Có thể lắm chứ! Theo lời khai của mấy tên bị bắt thì hoàng hậu Pha Luông có liên can ít nhiều với nhóm Nôn San. Vả lại, xưa nay những người đàn bà ghen tuông cũng thường dễ gây ra chuyện động trời lắm chứ! Tuy không thể tin vào mộng mị nhưng dù sao lần này trong đầu óc nhà vua cũng chớm lên nhiều suy nghĩ về bà hoàng hậu người Lào. Lát sau, nhà vua nói với hoàng hậu Ngọc Vạn:

 - Thôi, hậu hãy quên chuyện mộng mị đó đi! Chớ nên suy nghĩ lo phiền nữa! Thế nào trẫm cũng sẽ tìm cách thuyết phục triều đình sớm chấp thuận cho cộng đồng di dân người Việt được thành lập các lực lượng võ trang tự vệ!

 - Cám ơn thánh thượng đã lưu tâm đến ước vọng của đồng bào thiếp! Thân thiếp dù cắn rơm cắn cỏ cũng không thể trả hết ơn dày của thánh thượng được!

 Chương 11:

Sau khi thoát cơn nguy biến, hoàng hậu Ngọc Vạn trở về cung với một khối tâm tư rối bời. Bà đâu có ngờ mình lại gặp người xưa trong một tình huống đặc biệt như thế! Ta lại mang thêm của chàng một món nợ lớn nữa: nợ sinh mạng, nợ danh dự! Nếu không có chàng xuất hiện kịp thời, thân phận ta sẽ đi về đâu? Đối với một lũ người trong đầu óc chất chứa tham vọng và hận thù, khi đã nắm được sinh mạng ta trong tay, ai đoán được họ sẽ hành động ra sao? Mà tại sao chàng lại có mặt ở đây để cứu ta? Và tại sao một kẻ thư sinh lại trở thành một kẻ võ nghệ cao cường đến thế? Phải chăng vì tình yêu của chàng đối với ta? Tại sao chàng lại xuất hiện đúng lúc như thế? Phải chăng lâu nay chàng vẫn  âm thầm theo dõi ta? Ôi tình yêu! Tình yêu của chàng to lớn đến thế sao? Một mối tình lớn như thế mà ta đành để lỡ làng, thật cũng đáng tiếc hận! Chỉ vì lo phục vụ quyền lợi tổ quốc, ta đã hi sinh cả tình yêu đôi lứa, cả tuổi trẻ!

 Trải qua một thời gian, hoàng hậu Ngọc Vạn đã thi hành nhiệm vụ do cha mình giao phó khá suôn sẻ. Bà đã vận động đưa được hàng ngàn dân Đại Việt sang Chân Lạp làm ăn, trước là giải quyết được nạn nhân mãn cho đất nước, sau là tạo nền tảng đâm rễ mọc cành cho dân mình trên đất người. Bà đã gieo được sự tin tưởng vào lòng vị vua Chân Lạp khi nhìn về triều đình Thuận Hóa... Hiện tại, bà đang nuôi dưỡng giọt máu của vua Chey mỗi ngày mỗi lớn trong người bà. Nhưng những thành công thực tế đó bây giờ không còn làm cho bà háo hức sung sướng như thuở còn nuôi mộng ước xa xưa. Bà biết bà có tài đóng kịch, có tài chinh phục, nhưng cái tài đó đã dồn đẩy bà vào một cái thế cô đơn tuyệt đối...

 Ngọc Vạn nhớ lại vụ vua Chey đến thăm bà hôm kia, khi hai người đang ngồi nói chuyện thì bỗng bà khẽ thót người nhăn mặt một cái, vua âu yếm hỏi:

 - Thai quậy à? Hậu thấy bây giờ nó ra sao?




 Hoàng hậu nở một nụ cười vừa hãnh diện sung sướng vừa e thẹn, một nụ cười rất hiếm thấy ở bà, bà thưa:

 - Vài lần nó làm thiếp đau nhói lên. Nó đang đạp chọi đấy bệ hạ ơi! 

 Bà cầm tay nhà vua đặt lên bụng mình. Vua Chey sung sướng cố lắng người để cảm nhận những sự động đậy ngọ ngọe thật dễ thương của thai nhi. Rồi ngài nghiêng người áp tai vào bụng hoàng hậu để nghe ngóng một chập với nét mặt hân hoan tươi cười như một đứa bé được cho quà. Sau đó ngài xoa nhẹ bụng hoàng hậu mà nói:

 - Con yêu quí, cha đang trông ngóng ngày con chào đời lắm đó! Vì con, cha sẽ cố gắng làm mọi cách để ổn định tình hình, để tăng cường sức mạnh cho đất nước. Cha mong rằng, khi con lớn và được phong vương tước, con sẽ không còn gặp những khốn đốn, những nhục nhã như cha bây giờ! Vị đại vương anh hùng tương lai của cha ơi, muôn dân sẽ hoan hô con vang dậy: " Đại vương muôn tuổi, muôn muôn tuổi!"

 Nói xong, nhà vua cười khặc khặc sung sướng. Nghe tiếng cười và lời vua Chey nói, Ngọc Vạn bỗng cảm thấy đau nhói cả lòng. 

 Thường khi, mỗi cái trở mình, mỗi cái co duỗi của đứa bé trong bụng bà đều nhận biết rất rõ ràng. Vài lúc nó làm cho bà thấy đau thót lên nhưng lúc ấy bà lại tìm được sự thích thú, nỗi vui mừng trong những cơn đau đó. Từ khi thai nghén cho đến giờ, mỗi lần nghĩ đến đứa con tương lai, hoàng hậu đều thấy lòng rưng rưng sung sướng. Hoàng tử sẽ đẹp đẽ, hiền ngoan, thông minh và nhân ái, xứng đáng là một mẫu người lý tưởng. Nhưng hoàng hậu chưa hề nghĩ đến ngày vị hoàng tử con mình sẽ được phong vương tước hay làm hoàng đế bao giờ. 

 "Nếu con ta được phong vương tước, ta sẽ được gì? Mất gì? Hiện tại trên danh nghĩa, Pha Luông cũng như ta đều là hoàng hậu. Pha Luông được ưu thế có một con trai đã được phong thái tử, nhưng ta lại được ưu thế trẻ và đẹp hơn. Vua Chey còn đó thì sự cân bằng vẫn còn đó.
Pha Luông là quốc mẫu thì ta cũng là quốc mẫu." 

 "Nhưng sẽ có một ngày - ngày thái tử Chan lên ngôi hoàng đế, lúc ấy địa vị ta còn vững chắc không? Khi đó Pha Luông mới chính là thái hậu quốc mẫu, còn ta bất quá chỉ còn là mẹ một vị thân vương! Liệu ta còn cơ hội để tiếp tục thực hiện những ước nguyện đối với tổ quốc Đại Việt nữa không?"

 "Mẹ của một vị thân vương ư? Đó chỉ là đầu mối của bao nhiêu nguy hiểm đối với bản thân ta thôi! Pha Luông sẽ đối xử với ta như thế nào? Ta nghĩ rằng Pha Luông khó mà để cho ta sống yên được! Gặp trường hợp ta, ta cũng sẽ xử sự như thế thôi. Và địa vị con ta cũng sẽ lâm vào thế bấp bênh nguy hiểm! Kinh nghiệm qua chuyện ông Trịnh Kiểm và ông Nguyễn Uông đâu đã xa gì, lẽ nào ta lại không biết? Vậy bây giờ ta phải làm thế nào?"

 Trong chốc lát, vẻ tươi cười trên khuôn mặt hoàng hậu Ngọc Vạn đã biến hết, chỉ còn lại vẻ buồn muôn thuở, bà nói với vua Chey:

 - Bệ hạ muốn cho hài nhi thành một vị anh hùng được dân chúng ngưỡng mộ ư? Thiếp không mong thế, thiếp chỉ mong nó sẽ là một kẻ kém cỏi tầm thường thôi!

 Vua Chey tròn mắt ngạc nhiên:

 - Sao hậu lại nghĩ nghịch đời dữ vậy? Con ta phải là một vị anh hùng mới được chứ!

 - Tâu bệ hạ, không phải thiếp nghĩ nghịch đời đâu! Chắc bệ hạ cũng biết, xưa nay anh hùng vẫn khó dung thứ anh hùng! Thái tử Chan mà lên ngôi rồi, nếu con thiếp là một kẻ đần độn thì may ra còn được dung thứ, chứ nếu con thiếp cũng là bậc anh hùng thì làm sao nó sống nổi? Người Lào vốn không ưa người Việt, Hữu hoàng hậu há lại chịu để thiếp sống yên sao? Mai kia khi bệ hạ trăm tuổi rồi liệu mẹ con thiếp giữ mình được chăng?

 Vua Chey giật mình, ngài lộ vẻ băn khoăn suy nghĩ chốc lát rồi nói:

 - Làm sao có thể như thế được? Trẫm sẽ lo trước mọi điều, hậu cứ yên chí...

 Hoàng hậu Ngọc Vạn nói như nhắc nhở:

 - Mỗi người đều có số, thật ra thiếp có lo sợ gì cho mình đâu! Thiếp chỉ sợ vị tân vương có thể không khéo léo làm mất lòng Đại Việt mà thôi! Đại Việt mà không hậu thuẫn cho Chân Lạp thì nước Xiêm sẽ lộng hành. Khi ấy Chân Lạp có thể lâm nguy, bao nhiêu tâm huyết gây dựng lâu nay của bệ hạ biết đâu thoáng chốc trở thành số tro bụi? Bấy giờ thì ngay cả nước Lào cũng khó mà giữ được độc lập!

 Lời nói của hoàng hậu Ngọc Vạn đã làm cho vua Chey bối rối. Ôi thôi, ta đã vội vã tính sai nước cờ mất rồi! Cũng chỉ vì muốn làm vừa lòng Pha Luông mà ta đã lập Chan làm thái tử! Sao ta không chờ xem hoàng hậu Ngọc Vạn sinh con trai hay con gái đã! Trong hoàn cảnh nước Chân Lạp hiện tại, ta cần một người con lai giống Việt kế vị hơn một người con lai giống Lào! Ta rất cần sự hậu thuẫn của Đại Việt! Điều đó không phải do lòng tư vị mà vì quyền lợi tối thượng của dân tộc, của tổ quốc Chân Lạp! Nghĩ thế rồi vua Chey nói với hoàng hậu Ngọc Vạn:

 - Tuy ta đã lập Chan làm thái tử nhưng đạo trời vẫn thường biến cải. Biết chừng đâu hài nhi trong bụng hậu lại không trở thành một vị vua anh hùng của Chân Lạp?

 Hoàng hậu Ngọc Vạn trố mắt nhìn nhà vua. Vua Chey hiểu ý, khẳng định:

 - Trẫm chưa dứt khoát chọn Chan làm người kế vị đâu! Chẳng qua là lúc bấy giờ ta chưa có đứa con trai nào khác nữa để lựa chọn thôi. Nếu ái hậu sinh được cho ta một hoàng tử thì mọi chuyện còn có thể đổi thay!

 Hoàng hậu Ngọc Vạn nghe vua Chey nói như thế thì biết rằng mình đã thắng một bước. Nhưng lời ước ngụ ý về hoài bão của vua Chey ấy cũng vô tình trở thành một cú đánh động vào lòng bà: mâu thuẫn giữa quyền lợi tổ quốc và tình mẫu tử nẩy sinh! Ta đang mong chờ được một đứa bé bụ bẫm kháu khỉnh để thương yêu, để cưng chiều ư? Tất nhiên! Rồi có một ngày nào đó nó trở nên một hoàng tử tài hoa xuất chúng mà ai cũng mến mộ? Cũng tất nhiên! Nhưng khi nó thành một vị vua anh hùng thì sao? Tổ quốc Đại Việt của ta đâu có mong chờ như thế? Nó là đứa con do ta sinh ra, để yêu thương, ta cầu mong cho nó được sung sướng, được nên người... thế nhưng nếu nó thật sự thành vị vua anh hùng thì bước đường Nam Tiến của Đại Việt ta sẽ ra thế nào? Cái lối mòn ta dày công mở mang từ trước tới lúc đó liệu có tồn tại được không? Chính con ta sẽ trở thành kẻ cản đường, trở thành người thù của ta ư? Hay ta lại vì con mà trở thành người cản trở bước tiến của dân tộc ta, phản lại nguyện vọng của ông cha ta? Hoặc có khi nào vì bức thế, ta phải ra tay bóp chết hoặc dìm xuống chỗ đau khổ cùng cực cái kẻ mà ta banh da bét thịt để sinh ra và đùm bọc yêu thương vô bờ bến ấy? Túc trái tiền khiên chăng? Làm sao để thoát khỏi cảnh này? Nghĩ đến đó, hoàng hậu bị xúc động mãnh liệt. Bỗng nhiên bà toát mồ hôi lạnh ướt cả trán, sắc mặt tái xanh, người bà run lên... Vua Chey hoảng hốt đưa tay giữ cho hoàng hậu khỏi ngã.

 - Trời ơi, hậu làm sao thế?

 - Không sao, thiếp chỉ khó chịu một chút thôi!

 Vua Chey liền gọi các cung nữ vào săn sóc cho hoàng hậu. Đợi đến khi thấy bà hoàn toàn trở lại bình thường vua mới cáo từ về cung của ngài. Vua vừa đi khỏi, hoàng hậu lại ôm trán nằm vật xuống giường:

 - Tội lỗi, tội lỗi! - Hoàng hậu lẩm nhẩm một mình.

 Lâu nay bà âu yếm với chồng, săn sóc chăm chút chồng hàng ngày, nhưng bà đâu có chút chân tình nào trong những hành động ấy? Chỉ toàn là những hành động có tính cách công thức, máy móc nếu không nói là giả dối để qua mặt! Bà nhận biết cảm giác và ý nghĩ thật của bà những khi gần gũi chồng. Ta chỉ săn sóc, vuốt ve chồng như đối với một bảo vật, một thứ đồ cổ giá trị thôi ư? Những mâu thuẫn giữa ân tình con người và quyền lợi tổ quốc đã dằn xé nhau dữ dội trong người Ngọc Vạn. Chồng bà là một vị vua tốt, hết lòng lo cho nước cho dân. Ông cũng hết lòng tin tưởng bà, hết lòng yêu thương bà. Thế mà bà rắp tâm làm kẻ lừa dối, phản bội! Một người chồng như thế xứng đáng để bà trân quí yêu thương hết mình lắm chứ! Nhưng quyền lợi tổ quốc, dân tộc đã đốt cháy rụi những chồi mầm yêu thương chân tình của bà đối với người chồng đáng thương đáng kính ấy. Nghĩ tới điều đó, hoàng hậu cảm thấy đau đớn thấm thía. Nỗi đau đó, bà đâu có thể giãi tỏ với ai được! Những thứ tình cảm ấy cứ uẩn ức dồn nén mỗi ngày một chút, làm cho bà càng thấy như trái tim mình muốn tóe máu: "Có thể có một ngày nào đó ta sẽ điên mất thôi!" Không phải bà lo sợ vớ vẩn, mà lo sợ rất thật tình. 

 Giờ bà chỉ mong chuộc lỗi bằng cách nhủ lòng cố gắng phụng sự chồng trọn đời một cách đúng mức. Bà mong cho người chồng đáng thương ấy khỏi thấy được những thiệt thòi do sai lầm của ông gây ra cho dân tộc ông để giảm thiểu sự đau khổ cho ông. 

 Rồi lớp con cháu nữa! Con cháu của vua Chey, cũng chính là con cháu của bà... làm sao tránh khỏi đi đến chỗ bị tiêu diệt? Lúc đó, dù còn ở trên đời hay không, bà vẫn không thể không bị coi là đốm lửa gốc thiêu đốt chính con cháu mình.

 "Ngày xưa ta rất ghét Võ Tắc Thiên vì ngôi báu, vì quyền lực, vì mưu đồ giàu sang cho dòng họ mình mà gây ra không biết bao nhiêu tội ác, không loại trừ việc tiêu diệt chính con đẻ của mình. Ta rất ghê tởm những hành động đó. Không ngờ, bây giờ ta cũng sắp  lâm vào trường hợp tương tự. Ta làm sao tránh được cảnh ăn thịt con mình như Võ Tắc Thiên?".

 Những suy nghĩ đó đã khiến cho trong từng giấc ngủ, Ngọc Vạn luôn bị những cơn ác mộng "ăn thịt con" hành hạ dày vò... Bà khổ sở vô cùng.

 Cùng lúc, hình bóng người cũ Đình Huy cũng liên tục trở về khuấy động tâm tư bà. Bà rất xúc động mỗi khi nghĩ đến lòng chung thủy của Đình Huy. Ngày xưa gặp nhau bà chỉ biết chàng là một thư sinh, sao giờ đây chàng lại trở thành một kẻ vũ dũng siêu hạng như vậy? Phải chăng chàng đã vì bà mà ra công khổ luyện võ nghệ? Phải chăng chàng đã băng rừng vượt núi để tìm đến đây cũng chỉ vì bà? Thế mà bà tưởng như đã quên mất chàng bấy lâu nay! Nói cho cam, những ngày mới về nhà chồng, Ngọc Vạn cũng có nhiều ray rứt tiếc hận về cuộc tình đẹp giữa bà và Đình Huy sao quá ngắn ngủi... Nhưng rồi thời gian và công việc bận rộn phức tạp đã giúp bà tìm quên chàng dần dần. Rất  ít khi Ngọc Vạn có thì giờ và cơ hội để hoài niệm chuyện cũ. Họa hoằn lắm, lòng bà chỉ xao động một chút rồi mỉm cười tự nhủ: "Chuyện thời trẻ dại có gì đâu! Không chừng nay chàng đã có vợ con đùm đề!"

 Nào ngờ giờ đây, Đình Huy lại lồng lộng hiển hiện trở lại trong lòng bà với cả một gánh ơn nghĩa tái tạo lớn lao thế kia! Làm sao bà trả nổi? Liệu còn dịp nào gặp được chàng nữa không? Ôi, công danh sự nghiệp! Nó đẩy con người vào cái vòng xoáy bát quái tối tăm mù mịt rất khó lựa ra nơi nào cửa tử nơi nào cửa sanh!

 "Nếu như ngày xưa... chàng đừng quá cao thượng, chàng cứ cư xử như một kẻ phàm tục với ta một tí, có thể bây giờ ta sẽ đỡ hối hận hơn không! Ta đã can đảm tìm đến với chàng tại sao ta không can đảm dấn thêm một bước nữa?"

 Trong lúc hoàng hậu Ngọc Vạn đang chịu trăm mối đau khổ dày vò thì bà vú Minh Nguyệt lại qua đời. Thật là họa vô đơn chí! Người đàn bà nhiều kinh nghiệm đời, có thể chia xẽ tâm sự với bà đã bỏ bà mà đi vĩnh viễn. Thế là Ngọc Vạn càng lún sâu vào đại dương cô đơn vô tận!

Nguồn: http://vnthuquan.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved