Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

22 thg 11, 2013

Thanh Cung Mười Ba Triều - Hứa Tiếu Thiên - Hồi 136-140

Hồi 136: Quân Thanh thảm bại tại Giang Nam

Quân tóc dài thấy tướng Thanh oai dũng liền lui vào trong thành cố thủ. Hoà Xuân lại định ra một kế: sai quân sĩ đào hào đắp tường vây kín thành Giang Ninh xa rộng đến hơn trăm dặm, sau đó còn bố trí chung quanh đến tám vạn quân để chuẩn bị xung sát. Phía ngoài sông, Xuân cho thuỷ sư dùng ván ghép lại thành những thuỷ doanh liên lạc luôn luôn với bộ doanh khiến thuỷ lục hải quân đều có cái thế ỷ đốc, vây chặt tứ bề thành Giang Ninh.
Tục ngữ có câu "chó cùng thì dứt giậu", một tay chọc trời khuấy nước, dám tự xưng Thiên vương mười mấy năm trời như Hồng Tú Toàn há lại không có một chủ kiến nào trong lúc nguy cấp này? Huống hồ dưới trướng Toàn lại còn có cả một triều đình đa mưu túc kế giúp sức! Bởi vậy Lý Tú Thành đứng lên hiến kế hàng binh ở nhiều mặt để đối phó với quân Thanh ở Giang Nam. Thành vốn thuộc loại nhân kiệt tiếng tăm của Thái bình Thiên quốc, mặc dầu Thành học hết sách vở, hiểu hết thao lược, nhưng giữa lúc quá nguy khốn thực chẳng còn có kế gì khác hơn nữa.

Hồng Thiên vương dùng kế của Lý Tú Thành sai quân tóc dài ở An Huy, Giang Tây chia đều quấy phá khắp miền Chiết Mân để khiên chế đại doanh Giang Nam của Thanh triều và hứa nếu giải vây được Giang Ninh sẽ có trọng thưởng.

Quân tóc dài ở Giang Tây ứng mệnh liền cất quân đánh phá Chiết Giang. Quả nhiên bọn quan lại Chiết Giang vội chạy tới cầu viện ở đại doanh Giang Nam. Thế là Hoà Xuân đành phải phân binh nam hạ sai Châu Thiên Thụ cứu viện Chiết Giang.

Miền Chiết Giang vừa tạm yên ổn bỗng tỉnh Mân lại có quân tóc dài kéo đến. Mân và Chiết kề nhau, đã cứu Chiết chẳng lẽ không viện Mân. Xuân lại phải sai Châu Thiên Bồi đem quân cấp tốc đi ngay. Thế là Xuân chỉ còn lại có quân lực yếu, người ít, đánh mãi đến hằng tháng chẳng ăn thua gì!

Trong lúc tình hình dai dẳng chưa liệu trước được gì, bỗng lại có những tin cấp báo nguy ngập khác, quân tóc dài do Tứ Nhãn Cầu chỉ huy đánh phá tan hoang khắp nơi.

Nguyên do tướng tóc dài Trần Ngọc Thanh thua chạy khỏi Hoãn Đông liền qua về đánh Phổ Khẩu. Tướng Thanh Đức Hưng A không kịp đề phòng, bị Tứ Nhãn Cẩu đánh cho một trận tơi tả: Thế là toàn quân của A lạc lõng chạy vội về Dương Châu. Tiếng tăm của Tứ Nhãn Cẩu vang dậy trong ngoài, suốt một dọc từ Giang Phố thiên trường đến Nghi Trưng thảy đều lần lượt thất hãm.

Sư oai có thừa, Tứ Nhãn Cẩu rầm rộ kéo tới Dương Châu như nước lũ, đánh thốc vào cửa tây bắc thành. Khốn thay cho Dương Châu hôm đó, tướng Đức Hưng A lại đang ngất ngưởng trên chiến thuyền của thuỷ quân trên sông. Quân Thanh không chủ soái chẳng biết làm sao đối phó. Doanh tổng Phú Minh A, thủ bị Chiêm Khải Luân thấy tình thế quá gấp đành phải thay Hưng A điều động quân đối địch. Mặt khác, thủ bị Trương Đức Bưu kéo ra cửa tây nghinh chiến.

Tú Nhãn Cẩu vốn là một tay tướng đã từng có kinh nghiệm chiến trường, lại còn là người khôn ngoan quỷ quyệt khôn lường. Cẩu thấy cửa nam không có phòng bị, liền cho quân leo thành nhảy vào.

Thế là thành bị phá. Hàng ngàn, hàng vạn quân tóc dài xông vào như nước vỡ bờ. Còn ai là người cản nồi nữa! Quân Thanh kẻ chết kẻ bị thương, kẻ chạy trốn hỗn loạn. Bọn tướng Chiêm, Phú thấy tình hình hỏng rồi, chẳng còn lòng nào ham đánh, vội cướp đường chạy trốn, cuống cuồng như chó gặp hoả tai.

Thành bị phá rồi Đức Hưng A mới biết! A sợ quá, chân tay run lên cầm cập, vội vàng một mạch chạy trốn. Tới hồ Thiệu Bá, Hưng A thu thập được ít tàn quân đóng trạm đồn tại cầu Vạn Phúc, cố giữ mặt đông bắc, một mặt mang hoả bài tới đại bản doanh Giang Nam cầu viện.

Hoà Xuân lâm vào tình trạng bất đắc dĩ, đành phải sai Trương Quốc Lương cho quân vượt sông sang bắc, tập họp với quân Giang Bắc đánh thành Dương Châu.

Lương vừa tới nơi, bỗng một tướng tóc dài mở cửa thành xông ra, Lương phi ngựa lên trước nghinh chiến, múa tít cây đại bao, lúc chém lúc đâm, sức mạnh muôn phần. Quân tóc dài thấy Lương oai mãnh quá vội chạy vào thành.

Cửa thành chưa đóng kịp thì Lương đã phóng ngựa bay vào thành, hô quân đột nhập. Quân tóc dài hoảng hốt chạy trốn, quân Thanh tiến tới. Hai bên ác đấu một trận tơi bời, rút cục quân tóc dài đại bại, quân Thanh cướp lại được Dương Châu.

Đại thắng ở Dương Châu, Trương Quốc Lương chuyển quân đánh Nghi Trưng, Nghi Trưng thu phục, Lương lại tiến đánh huyện Lục Hợp.

Huyện Lục Hợp ở phía bắc Giang Ninh, chỉ là một cô thành, thế mà vân chống cự được với quân tóc dài đến sáu năm trường.

Đã từ lâu, huyện lệnh Lục Hợp gặp lúc loạn ly, chiêu mộ quân nghĩa dũng cố thủ cộ thành. Sáu năm qua, Ôn Thiệu Nguyên so giáo với giặc ước hàng trăm trận, quân tóc dài không làm gì nổi. Nhưng đến khi Đức Hưng A lui về đóng ở Thiệu Bá, thành Dương Châu đã lấy lại thì Trương Quốc Lương tất nhiên kéo binh cứu viện cho Ôn Thiệu Nguyên.

Lương tới cầu Trần Bản, cách thành còn độ mười dặm, quân tóc dài được tin, liền đem đội binh tính nhuệ nhất ra chặn đánh, một mặt đào địa đạo để nổ phá chân thành. Giữa lúc Lương tiếp chiến với quân tóc dài ở mặt trước, thì mặt sau, thành Lục Hợp đã bị mìn nổ tung, bật hết từng đoạn đài Quân tóc dài ùn ùn kéo vào thành hò hét vang trời, đâm chém, đốt phá, tiếng khóc, tiếng la thê thảm.

Huyện lệnh Ôn Thiệu Nguyên thất thủ, nhảy xuống giếng tự tử. Vợ con của Nguyên cũng tuẫn tiết theo chồng.

Ngày mồng bảy tháng ba nhuận năm Hàm Phong thứ mười, quân tóc dài từ Hoãn Chiết chia làm mấy ngả nhất loạt tấn công tiến vào đại bản doanh. Trương Quốc Lương ngày đêm cự chiến đến nỗi không còn được lấy một phút để nghỉ ngơi nữa.

Cuộc chiến xảy ra liên tiếp tám ngày tám đêm. Quân tóc dài đến ngày càng đông, đứng xa trông nườm nượp như đàn kiến. Sức người có hạn bởi vì người ta cũng là thịt là xương.

Xung trận liên tiếp tám ngày tám đêm liền, dù có phải mình đồng da sắt, thì rồi cũng có lúc gân chùn gối mỏi, mắt hoa đầu váng, khó lòng mà chống chọi với muôn người. Chiến trận kéo dài tới ngày thứ mười bốn. Trời mưa to gió lớn, đêm đến rét kinh khủng, Trương Quốc Lương vẫn phải đốc thúc quân kháng chiên mọng mỏi đợi sáng. Bỗng trong doanh lửa cháy.

Rồi chỉ chớp mắt, lửa tràn lan khắp nơi. Lương biết lòng quân đã biến vội chạy ra khỏi doanh lui về giữ Đan Dương. Quân tóc dài gặng sức đuổi đánh. Chúng phá Lật Dương, chiếm Nghi Hưng, tấn công thành Đan Dương. Lúc đầu chúng còn sợ uy danh của Lương không dám lại gần, chỉ đắp các tường đất làm thành doanh. Về sau chúng cho một số quân cảm tử lẻn vào trại, đợi khi Lương xuất chiến, lừa dịp đâm trộm. Tên sát thủ đâm một mũi giáo trúng ngay hông Lương, Lương chịu đau, nhịp đâm lại chết hắn. Giữa lúc đó lưng Lương trúng thêm mấy ngọn thương, vết ngập quá sâu. Lương đã đến lúc hăng máu, bất chấp cả đau đớn, múa tít cây đại đao, hớt luôn một lúc mấy cái đầu tóc dài. Lương cử chém lia lịa, mở một đường máu chạy như cuồng tới bến Đại Dương, xuống ngựa, quay mặt về bắc, lạy mấy lạy rồi chết.

Trương Quốc Lương đã chết, thành Đan Dương thấy rõ khó lòng cố thủ. Chúng tướng vội bảo vệ Hoà Xuân xông qua vòng vây, mở một đường máu chạy thục mạng ra ngoài.

Khi cả bọn tới được Thương Châu, quay nhìn lại, thì ra quân tóc dài đang đuổi gấp đằng sau, quyết không chịu bỏ.

Xuân bất đắc dĩ phải quay lại nghinh chiến. Bỗng một viên đạn bay vèo tới trúng ngay giữa ngực Xuân, Xuân vội vàng quay ngựa chạy trở về, lui mãi tới Hữ Dã quan, hộc ra từng bát máu đặc, mặt tái xám đi rồi tắt thở.

Trận đại bại quả là thê thảm. Hai chủ soái đều chết. Doanh vụ xứ Hồ Bắc là đề đốc Vương Tuấn, tổng binh Thọ Xuân là Hùng Thiên Hỷ cũng trận vong. Duy chỉ còn có mỗi một mình đốc giang là Hà Thanh Quế thoát chết, chạy trốn về tới Tô Châu, nhưng lại bị tuần phủ Tô Châu là Từ Hữu Nhâm không cho vào thành khiến Quế phải chạy tít mãi đến Thượng Hải mới đám nghỉ ngơi ăn uống.

Quân tóc dài cướp được Thường Châu, tấn công Tô Châu. Từ tuần phủ thấy giặc tới miễn cưỡng điều động quân sĩ chống chọi được vài giờ thì quân tóc dài vượt thành, tràn ngập như thác lũ. Từ tuần phủ trốn chạy không kịp, đành chịu chết dưới ngàn vạn lưỡi dao của quân tóc dài băm nhỏ ra như cám.

Tin cảnh báo truyền về tới kinh đô. Triều đình gia ơn phủ tuất cho những kẻ trận vong. Duy chỉ còn có Hà Thanh Quế bị cách chức và bắt về tra hỏi. Ngoài ra còn chọn một viên đại thần làm Giang đốc.

Giữa lúc triều đình còn bàn tính chưa xong thì quân cơ đại thần Túc Thuận đằng hắng một tiếng, cử một tay nhân tài xuất chúng có thể lật ngược thế cờ, dẹp tan được Thái bình Thiên quốc.

Tìm một viên đại thần làm Giang đốc, triều đình nhà Thanh nhiều người có ý đề cử Hồ Lâm Dực. Duy chỉ có một mình Túc Thuận cho rằng chỉ nên nhiệm dụng Tăng Quốc Phiên.



Hàm Phong hoàng đế đắn đo một lúc rồi chấp thuận đề nghị của Thuận. Một đạo chỉ dụ ban xuống, Tăng Quốc Phiên bổ nhiệm Lưỡng Giang tổng đốc, đốc biên Giang Nam quân vụ, Phiên phụng chỉ xong tức thì viết biểu tâu về triều:

"Hiện nay lộ quân An Khánh đã đóng sát chân thành. Cánh quân này chính làm căn bản trong cuộc khắc phục Kim Lang, chớ nên vội rút. Thần vâng án mệnh, quyền chế Lưỡng Giang, đóng quân Tam Ngạn để vững lòng dân miền Ngô Hội, và gây thanh thế cho Huy Binh. Thần sẽ thương lượng với Quan Văn và Lâm Dực lấy thêm vạn lính, lên đường đi trước. Tuy vậy thần vẫn cho người về Tương Châu mộ thêm quân nghĩa dũng đưa tới hành doanh để đủ quân điều động. Còn việc quân lương, quân giới, thần về lấy Giang Tây, Hồ Nam làm căn bản. Thần cùng sẽ thông tư cho phủ thần hai tỉnh này dốc toàn lực để bố phòng ba tỉnh Giang Sở. Có phòng ngự xong xuôi cẩn thận, lúc đó mới có thể nói tiên đánh và càn quét. Nên chăng thế nào, kính mong thánh thượng xét soi!"
.

Tờ sớ dâng lên, được triều đình chuẩn ngay Phiên nhận thêm thượng dụ chiếu theo ý trong tờ sớ mà lo liệu hành động.

Hồ Lâm Dực đồng thời cũng bảo tấu cho Tả Tôn Đường được đặc cấp tứ phẩm kinh đường với nhiệm vụ biện lý quân của Tăng Quốc Phiên. Phiên lại cùng với Dực hội thương điều động năm ngàn bộ hạ của Bào Siêu cũng như ba ngàn người của bọn Chu Phẩm Long. Đường Nghĩa Huấn vượt đò sang sông về nam ngạn, đồn trú tài huyện Ký Môn, Hy Châu.

Hồng Thiên vương Tú Toàn được tin Tăng Quốc Phiên đồn trú tại Hoãn Nam, biết rằng Phiên có ý đóng đô Giang Ninh, bèn cho Lý Tú Thành làm Trung vương, đem theo bọn Cổ Lang Hiền, Lại Du Tân chỉ huy vài vạn quân tóc dài tiến thẳng vào Nam Huy.

Lúc đó, mấy lộ quân của Tả Tôn Đường và Bào Siêu, còn chưa tới hoãn, Lý Tú Thành theo đường châu Quản Đức kéo thẳng tới phủ Ninh Quốc. Tướng giữ thành là Châu Thiên Thụ không đủ sức địch, bị tử thương, Ninh Quốc bị hãm.

Huy Châu giới nghiêm. Tăng Quốc Phiên tức tốc sai Lý Nguyên Độ lo việc phòng thủ Huy Châu. Độ vừa tới Huy Châu thì, tướng tóc dài là Thị vương Lý Thế Hiền chỉ huy một lộ quân đông đảo ồ ạt kéo tới. Độ không chống nổi đành phải lui về giữ Khai Hoa.

Hiền phá tan thành phủ Huy Châu, tiến quân uy bức Kỳ Môn. Tăng Quốc Phiên hoảng sợ muôn phần… May nhờ được Bảo Siêu đem quân tới viện. Trương Vận Lan cũng được tin cảnh báo, vội chạy tới yểm trợ. Phiên liền sai Siêu ra giữa Hoàn Đình, còn Lan thì giữ Đa huyện.

Chủ đích của quân tóc dài là phải cướp cho kỳ được Kỳ Môn. Chúng chia ba đường tiến đánh: một đường qua phía tây hãm trấn Cảnh Đức, một đường tiến qua hướng đông hãm huyện Vụ Nguyên, còn một đường nữa đi sang ngả bắc, vượt qua núi Dương Sạn, đánh thốc vào đại bản doanh của Tăng Quốc Phiên.




Dưới trướng của Phiên lúc đó chỉ có hai chi quân của Siêu và Lan là dùng được, nhưng lại đã điều động hành quân ra ngoài cả rồi. Doanh trại của Phiên quả thực trơ trọi, vô cùng nguy hiểm, Phiên bất đắc dĩ đích thân chỉ huy ba quân chống giặc.


Hồi 137: Lan Quý Nhân sinh hoàng nam

Lại nói trong cung cấm tại Bắc Kinh, Hàm Phong hoàng đế được tin Lan quý nhân có thai, ngày đêm chỉ mong, nàng sinh cho mình một hoàng nam. Ngài không ngờ ông xanh kia thực đã hết lòng chiều mình: Lan quý nhân quả nhiên sinh, con trai như ngài mong ước.

Cái tin vui này loan truyền ra ngoài nhanh như chớp. Không những hoàng đế, hoàng hậu vui mừng mà đến cả văn võ bá quan trong triều đình, muôn dân trăm họ ngoài thôn dã, ai cũng đều múa nhảy hát ca. Trong các nha môn đinh thự, ngoài các phố phường làng mạc, đâu đâu cũng treo đèn kết hoa ăn mừng.

Sung sướng vì có được hoàng nam, Hàm Phong hoàng đế thăng Lan quý nhân lên chức Lan quý phi. Hoàng tử vừa sinh, ngài đặt tên là Đái Thuần.

Lan quý phi nhờ sinh hoàng tử, càng kiêu ngạo hết chỗ nói. Chẳng những nàng không thèm để ý tơi bọn phi tần trong cung cấm, mà ngay cả đến Hiếu Trinh hoàng hậu, nàng cũng coi chẳng vào đâu. Mặt khác, chính hoàng hậu cũng có đôi phần nể nang. Thực ra chú bé gọi hoàng nam nọ, đâu có phải là con trai của Lan quý phi? Chú bé tốt phước này chính là con trai của một cô gái Hán trong vườn Viên Minh tên gọi Sở Anh.



Sở Anh họ Sở mà tên Anh, vốn là một tiểu thư trong một gia đình có đọc sách. Cha nàng người Hồ Nam có giữ chức: tiểu kinh quan tại Kinh vài năm, kiếm ăn cũng khá. Sở Anh lớn lên, trông xinh đẹp lả lướt, phong vận lắm. Đám quan trường nghe tiếng nàng, nhiều anh nhờ mai mối, nhưng cha nàng tính thanh cao khảng khái, thường bảo bọn này dơ dáy bẩn thỉu, đâu có xứng với tài sắc của con gái ông, thành thử anh nào cũng cụt vòi co lưỡi lại hết và lặng lẽ rút êm.

Không ngờ, Sở Anh vừa bước sang tuổi mười sáu, thì cha nàng bỗng nhuốm bệnh, lăn ra chết. Thế là nhà cửa tiêu điều, gia đình chỉ còn lại mấy bàn tay trắng. Nghe tin trong cung cấm mướn gái Hán phục dịch, bà mẹ của Sở Anh tham số bổng lộc khá lớn bèn đưa nàng vào cung.

Khi bước chân vào cung, Sở Anh tâm niệm rằng từ đây chỉ là kiếp con sen quét tước lau chùi nhà cửa, trông coi giữ gìn cung vàng điện ngọc mà thôi chứ chẳng còn có một cái gì gọi là mở mặt với đời nữa.

Nhưng Sở Anh không ngờ rằng trong cung Thanh lại có một ông vua Thanh đa tình, lẳng lơ, chỉ thích gái Hán, khoái hơn nữa là gái Hán chân nhỏ mà ông ta vẫn gọi là "Tam thốn kim liên" (ba tấc sen vàng). Ông đó chính là Hàm Phong hoàng đế.

Sở Anh vốn là gái Hán có những đường nét gợi tình đáng yêu, lại vừa có cặp "Tam thốn kim liên" thì Hàm Phong hoàng đế làm sao lại có thể bỏ nàng nằm lạnh lùng trong cung cấm của ngài được.

Thế rồi một hôm, nàng đang dạo quanh bụi mẫu đơn để ngắm nghía mấy bông hoa vừa mới nở thì Hàm Phong hoàng đế tản bộ dưới dãy hành lang. Chợt nhìn thấy cặp "Tam thốn kim liên" của nàng đặt nhẹ trên thám cỏ xanh, ngài như bị nó gắn chặt lấy. Đôi mắt ngài nhìn chăm chăm tự nhủ sao Trời Phật tự nhiên lại đem cho ngài một vưu vật mà không thèm báo trước như vậy.

Ngài tươi hẳn mặt lên, vội vẫy bọn thị vệ theo hầu. Bọn này hầu hạ ngài, đã quen với cái vẫy tay ấy quá rồi, nên biết ngài sắp gây ra một vụ ngoạn mục gì đây, vội hè nhau lỉnh sang góc vườn khác, hoặc chui vào bụi cây, giấu kín thân hình nhưng không quên dành cho đôi mắt được rảnh rang qua kẽ lá để thưởng thức một màn tuồng vô cùng hấp dẫn.

Hàm Phong hoàng đế đương nhiên là bước tới gần người đẹp, gọi hầu hạ theo cái điệu của mình. Trời thì trăng gió thì mát, thảm cỏ thì xanh lại êm: thử hỏi còn có giường chõng nào, chăn nệm nào, êm ấm sướng khoái bằng nơi này nữa không?

Hôm ấy là hôm đầu tiên được nếm của chua trong đời Sở Anh. Chẳng biết nàng có thấy gì lạ lùng không, nhưng đối với tay phong lưu mã thượng như hoàng đế Hàm Phong thì ít ra cũng có một vài âm hưởng dội vào lòng, khiến ngài thấy được một vài cái lạ, cái khác ở trên thân thể ngọc ngà của nàng. Quả thế? Bởi lâm hạnh một lần chưa đủ, ngài làm luôn một hơi đến mấy lần. Và hình như vẫn còn thèm thuồng lắm!

Ít hôm sau ông vua phong lưu mã thượng tất nhiên cần tìm cái mới khác, bỏi vì dù sao cái của Sở Anh cũng đã cũ, ngài chẳng khám phá được gì thêm. Thế là ngài quất ngựa truy phong, khiến người con gái Hán "Tam thốn kim liên" mỏi mắt trông chờ mà chẳng bao giờ được gặp lại.

Hàm Phong hoàng đế có ngờ đâu chỉ vài lần gặp gỡ đó thôi cũng đủ để bao nhiêu chuyện động trời tiếp diễn mãi về sau. Số là Sở Anh sau mấy lần chịu ơn mưa móc đã cảm thấy mình thay đổi dần. Đôi má từ hồng đã đối dần sang xanh, tím, ham của ngọt đã biến sang thèm của chua, và nhất là cái bụng vốn thon thon bỗng chuyển sang hình cái bầu có nắp…

Cái bầu ấy lớn dần theo ngày tháng, Sở Anh tất nhiên mừng nhưng cũng có lúc lo vì ai biết trước được ngày mai.

Ông vua đa tình nọ thì còn đuổi theo mảnh tình khác, đâu có để ý gì tới nàng mà biết tới cái bầu nọ, nhất là ngài lại đang mê say một trang sắc nước hương trời là Lan quý nhân.

Thực thế! Lan quý nhân lúc này được sủng ái quá cỡ, do đó nàng cũng lên mặt quá cỡ. Trong vườn Viên Minh, nàng đã qua mặt Hàm Phong hoàng đế, che mắt bịt tai ngài để tha hồ làm theo tiếng gọi hận thù của mình. Không biết bao nhiêu gái Hán đã bị nàng ngầm sai thủ hạ đánh chết hoặc ném xuống hồ cho chìm mất xác.

Bỗng một hôm có kẻ đến ton hót với nàng chuyện Sở Anh đã từng chịu lâm hạnh đôi lần với hoàng đế. Thế là nàng bảo thái giám cho gọi Sở Anh tới. Lúc đầu, nàng chỉ có mỗi một ý nghĩ là đập chết vứt xác cho quạ chuột rúc rỉa bụi rậm nơi bìa vườn, có thế thôi. Nhưng không ngờ khi nhìn tới cái bụng của Sở Anh nàng bỗng thay đổi chủ kiến ngay.

Cái bầu của Sở Anh lúc đó đã khá lớn cho nên bất cứ ai nhìn vào cũng có thể nhận ra. Lan Nhi dò hỏi đủ điều từ chuyện ăn nằm ngủ nghỉ của đức vua đến chuyện hầu hạ nâng giấc của Sở Anh và quyết chắc đó đích thị là "long chủng" rồi. Chủ tâm giết Sở Anh của nàng bỗng đổi hướng cấp kỳ. Nàng không giết đã đành, trái lại còn sai đem Sở Anh về nuôi dưỡng cẩn thận ở nhà sau.

Sau khi giấu kín được Sở Anh, Lan quý nhân tìm cách độn bụng, giả bộ có thai để đánh lừa ông hoàng đế đa tình ham con. Nàng thỏ thẻ với ngài là đã có thai, có thai đã mấy tháng. Nàng sợ tai mắt dòm ngó trong vườn quá nhiều, bại lộ mật kế của mình, bèn bắt Sở Anh độn vải cho chân to ra, không còn là cái cặp giò "Tam thốn kim liên" nữa. Chưa hết, nàng còn bắt Sở Anh ăn mặc theo Kỳ trang (kiểu Mãn Châu), nhập bọn vào đám cung nữ, rồi đưa về cung, giấu trong một căn mật thất.

Chín tháng mười ngày mang thai lao khổ, Sở Anh sinh hạ một chú bé trai trông thật kháu khỉnh. Giữa lúc Sở Anh mệt lả nằm trên giường đẻ, Lan quý nhân đích thân rót một chén thuốc đổ vào miệng nàng. Chỉ trong nháy mắt Sở Anh hộc ra từng ngụm máu tím bầm, mặt tái mét đi, chết luôn.

Thi hành xong một giai đoạn của cái mật kế, Lan quý nhân hẳn nhiên coi như đắc sách, và tiếp tục giai đoạn hai. Nàng cho người ra ngoài ngầm thuê nhũ mẫu đưa vào cung nuôi nấng bú mớm trong mật thất. Ít hôm sau, Lan quý phi vác cái bụng độn vải như cái thúng của mình xun xoe ra trước mắt mọi người, đột nhiên nàng kêu đau bụng, rồi cũng làm cái bộ mặt nhợt nhạt, cái điệu đau đớn yếu ớt, nàng lên giường sinh và cuối cùng, sau một hồi rặn đẻ như hết hơi, nàng sinh hạ một hoàng nam.

Một bà đỡ sồn sồn từ trong phòng đẻ bước ra vừa reo vừa khoe cho mọi người thấy một hoàng nam máu me còn đỏ hỏn khắp mình. Tất nhiên ai cũng cho rằng đó chinh là cục máu cưng của nàng, chứ đâu có dám nghi ngờ gì khác.

Hoàng đế và hoàng hậu thấy hoàng nam khôi ngô kháu khỉnh vui mừng khôn xiết, trong khi đó, Lan quý nhân cười thầm trong dạ và tự nhủ kế mình đã đạt, việc lớn của mình đã thành. Yên chí như vậy, bất giác nàng đâm kiêu hãnh ngang ngược, bất chấp hết mọi người.

Thấy ở trong cung còn có Chính cung nương nương không thể tự do hành động được, Lan quý phi nỉ non to nhỏ với hoàng đế cho nàng sang ở bên vườn Viên Minh. Tháng ba lại vừa mới dứt, xuân hết hè đã sang. Chiếu lệ thì đây là lúc có thể chuyển qua bên vườn Viên Minh được. Do đó, Hàm Phong hoàng đế liền chuẩn y lời xin của Lan quý phi.

Dọn sang vườn Viên Minh, Lan quý phi lại cũng ở tại Thiên Địa Nhất Gia Xuân như cũ. Đã lâu, Hàm Phong hoàng đế không tới vườn này, nay lại được trở về, ngắm nhìn cảnh xưa hoa cũ mà lấy làm thích, lại cảm thấy nhẹ nhõm khác hẳn những ngày khi còn phải nghe nào chiếu chỉ, nào biểu chương. Trời xuân lại vừa dứt thời tiết thêm ấm áp, cảnh vật trong vườn càng tươi tất xanh thắm. Cảnh đã đẹp, mà Lan quý phi của ngài lại càng đẹp, Hàm Phong hoàng đế vừa mê về sắc lại vừa say về hương, thế là ngài ném tuốt luốt mọi việc đại sự của triều đình ra sau ót.

Những lúc ngồi xem hoa, chờ trăng, ngài chỉ còn thấy có cái gấu váy của Lan quý phi là có nghĩa hoặc cái giải yếm của nàng là còn có sinh thú của cuộc đời.

Suốt ngày Hàm Phong hoàng đế đưa người đẹp đi du ngoạn khắp nơi. Hơn nữa sau cơn đau kịch liệt vừa qua mất đến gần mấy tháng, thân thể suy nhược, ngài cần phải có thì giờ tĩnh dưỡng, có người nâng giấc có dịp vui chơi bên hoa cạnh nước, để lấy lại sức của tuổi xuân trai mười tám. Ngài thường ngồi trên chiếc kiệu sơn màu vàng hoặc ngồi ngất ngưởng trên chiếc thuyền rồng để đỡ phải cất giò đi lại phí sức tốn mồ hôi. Điểm đặc biệt nhất là trong vườn có nuôi một đàn hươu.

Mỗi ngày ngài phải uống một chén máu hươu để cho da đẻ mau hồng, thịt gân được cứng chắc, khiến Lan quý phi hầu hạ được chu đáo hơn. Đàn hươu sao tính có đến vài trăm con, hằng ngày thả gậm cỏ trên khu đất rộng bát ngát hai bên cầu Bích Lộc chẳng bao lâu đã thấy thưa dần, hươu càng thưa, hoàng đế càng mạnh, Lan quý phi càng thả sức chiều hoàng đế nhất là trong những đêm mưa gió sụt sùi… Lan quý phi tự tay mình lấy máu hươu để cung phụng cho hoàng đế. Bỏi thế cứ mỗi ngày nàng lại đem vài tên cung nữ tới vườn hươu săn bắn.

Hàm Phong hoàng đế thấy Lan quý phi cưỡi ngựa bắn cung tuyệt hay, bèn đem nàng đi xa săn bắn muông thú. Ngài hạ lệnh cho ba ngàn ngự lâm quân bảo vệ đoàn săn bắn tới chân núi Vạn Thọ săn bắn suốt một ngày, bắn được vô số chim, nào chim sẻ nào chim cút. Trời đã về chiều.

Bọn quần thần văn võ trong vườn Viên Minh biết hoàng đế sắp về liền chỉnh tề áo mão sắp hàng đủ mặt ở cửa vườn để chờ đợi thánh giá.

Tiếng khánh, tiếng chiêng, tiếng chuông, tiếng trống vang rền vọng lại từ xa. Ngự giá chẳng mấy phút đã về tới cửa vườn Văn võ bá quan nhất tề quỳ xuống đất. Lúc này chính là lúc quạ cú câm bặt, tứ bề phẳng lặng như tờ. Bỗng có tiếng vó ngựa lọc cọc nện đều trên đường đá. Triều thần ngước nhìn ra thấy đi đầu là một thiếu phụ mặc Kỳ trang cưỡi ngựa xông tới cửa vườn.

Thấy trăm quan quỳ thành hàng thẳng tắp đôi bên đường lộ, người thiếu phụ ngồi nghiễm nhiên trên ngựa cười nói:

- Sao hôm nay thằng lùn đông quá vậy?

Tiếng nói cười xoen xoét của người thiếu phụ vừa tắt thì con ngựa cũng đã qua hết dãy người bước vào trong. Lũ quan lớn nhỏ hoảng hồn bạt vía không dám cất đầu ngước mắt nữa. Họ hỏi lẫn nhau, lúc đó mới biết người thiếu phụ đó chính là Lan quý phi, cục cưng của đương kim hoàng đế của họ. Họ lè lưỡi lắc đầu chỉ dám thốt một tiếng nhỏ "Trời" bên tai nhau, để mong vơi bớt cái sợ hiện còn rất "vĩ đại" trong lòng họ.

Lan quý phi cưỡi ngựa đi vào một lát mới thấy thánh giá tới. Suốt cả ngày hôm đó, Hàm Phong hoàng đế quả đã được khoan khoái phi thường.



Qua ngày hôm sau, ngày sinh nhật của Lan quý phi, thánh chỉ của hoàng đế hạ xuống cho đặt tiệc trong vườn Viên Minh uống rượu xem hát tuồng. Ngài hạ lệnh Lan quý phi hôm nay phải cải trang làm Ý quý phi để hầu ngài, nâng khăn chuốc rượu cho ngài. Ngày thứ nhất, Ý quý phi hầu rượu tại hiên "Hồ trung Phật nguyệt trượng". Kể từ hôm đó, mọi người trong cung, nhiều lúc thường gọi Lan quý phi là Ý quý phi, có lẽ cũng còn để tránh phạm huý.



Rượu đến canh khuya, hoàng đế ngà say, nàng mới dìu ngài đi ngủ. Nhưng qua ngày hôm sau, có lẽ vì đau bệnh rượu, bệnh gái, ngài bỗng hộc ra máu. Lan quý phi giật mình kinh ngạc, vội truyền cho ngự y vào cung tức khắc, một mặt báo tin về cung cho hoàng hậu biết.

Hiếu Trinh hoàng hậu đối với hoàng đế vốn có tình vợ chồng vô cùng thâm hậu, cho nên khi nghe tin chẳng lành này, bà vội vàng chạy vào trong vườn thăm. May mà máu hoàng đế thổ ra chỉ là do cấp khí công phế, mửa ra máu phổi chứ không có gì nguy hiểm. Bởi thế, ngự y lo thuốc thang điều trị, chỉ có năm, ba hôm, ngài đã dần dần bình phục lại được. Ngài an dưỡng trong vườn thêm nửa tháng nữa, lúc đó bệnh coi như đã hết hoàn toàn và ngài lại đã đi lại được như thường.

Khi còn nằm trên giường bệnh ngài thường có Hiếu Trinh hoàng hậu ngồi cạnh săn sóc an ủi và khuyên giải. Bà có lúc tâm tình khuyên ngài nên bảo dưỡng thân thể, chớ nên sủng ái Lan quý phi quá độ. Cũng có lúc bà nói thẳng với ngài rằng Ý quý phi không phải là người sủng ái được đâu, chỉ tại vì nàng thường có ý can dự việc triều chính. Nói đoạn bà còn cả quyết rằng triều chính không phải là việc của bọn đàn bà, ngay cả chính bà nữa.

Thực thì từ khi sinh hoàng tử, Lan quý phi có những cử chỉ ngôn ngữ bộc lộ tính kiêu hãnh quá độ ngay đối với cả hoàng đế nữa. Hàm Phong hoàng đế cũng thấy rõ điều đó, nhưng chỉ tại quá yêu quá cưng nàng mất rồi, cho nên không muốn chỉ trích hạch hỏi gì. Nay nghe lời hoàng hậu khuyên bảo, ngài biết bà nói vậy là có ý tốt đó thôi. Ngài cũng biết Lan quý phi là một người đàn bà vô cùng thâm hiểm và chỉ muốn nhân lúc bệnh hoạn chẳng thèm gặp mặt nàng nữa. Nhưng phải cái hoàng hậu vốn là một bậc quốc mẫu, không thể hầu hạ ngài mãi trong thâm cung được. Lúc đó là lúc ngài thấy lòng trống trải cần một người đàn bà, một đôi tay ngà ngọc nâng giấc hầu hạ.

Hồi 138: Kế hoạch bao vây Hoàng Đế

Ngài đang băn khoăn về nỗi niềm này, bỗng hình ảnh của Tứ Xuân (bốn nàng Xuân) từ đâu vụt hiện ra trước mắt.

Ừ đúng! Ngài còn có bốn cây danh hoa khuynh quốc mà chỉ vì say mê Lan quý phi, ngài đã ném ra sau ót. Hình ảnh của bốn đoá hoa sắc nước hương trời này càng hiện rõ như in trong trí nhớ. Bao nhiêu duyên tình êm đẹp, bao nhiêu kỷ niệm mê ly thuở nọ, tất cả đều kéo về với ngài, và chỉ trong giây lát, ngài quên phứt hết cái giọng ca êm ái, cái điệu tình lẳng lơ của Lan Nhi buổi gặp gỡ đầu tiên.

Thế là Hàm Phong hoàng đế truyền gọi Mẫu Đơn Xuân và Hạnh Hoa Xuân tới hầu ngài. Ngài ngắm kỹ cặp người ngọc này mà ái ngại. Ái ngại bởi vì những cây danh hoa này của ngài hồi này gầy đi nhiều, kém sắc đi nhiều, và tất nhiên cũng kém duyên đi nhiều, đâu có còn được cái xinh cái giòn của người con gái đương tơ thuở nọ.

Ngài ái ngại, rồi ngài ngậm ngùi. Ngài lên tiếng hỏi tại sao hai nàng tiều tuỵ dung nhan. Chỉ thấy Hạnh Hoa Xuân của ngài oà lên khóc nức nở, những giọt lẹ nóng hổi ướt đẫm cả vạt áo long bào của ngài. Ba cái đầu nặng trĩu trong suy tư. Mãi về sau Mẫu Đơn Xuân mới thỏ thẻ tố cáo cho ngài nghe, nào là Ý quý phi ngược đãi bọn nàng ra sao, nào là bọn thái giám, cung nữ sợ thế lực của Ý quý phi không dám cho bọn nàng ăn no mặc đẹp ra sao, nào là tình cảnh hết sức khó sống ở trong vườn Viên Minh ra sao. Hai nàng Xuân kể ra không biết bao nhiêu những nỗi khổ cực chua chát.

Mẫu Đơn Xuân vừa kể xong, Hạnh Hoa Xuân lại tâu tiếp cho ngài nghe việc Ý quý phi chuyên kiếm chuyện với gái Hán qua mắt ngài, và đối đãi vô cùng tản ác. Nàng tố cáo để ngài biết là không biết bao nhiêu gái Hán đã bị Ý quý phi bắt đem đập chết trong các căn nhà hoang vắng bí mật, hoặc đem dìm chết dưới hồ Thái Dịch.

Hàm Phong hoàng đế nghe xong bỗng nổi cơn thịnh nộ, ngài gầm lên mấy tiếng như hổ gầm, xô đổ cái án thư trước mặt, răng nghiến lại ken két. Thế là qua ngày hôm sau, ngài truyền chỉ triệu Ý quý phi tới.

Vốn người khôn ngoan thâm hiểm, Ý quý phi chỗ nào chả đặt tai mắt để nghe ngóng. Hoàng đế nổi cơn thịnh nộ như thế nào, tên tổng quản An Đắc Hải đã biết, tức tốc thông tin cho Ý quý phi biết ngay. Nàng biết hoàng đế thịnh nộ, liền xoã hết đầu tóc, bế hoàng tử trong lòng, lẹ làng bước vào cung, quỳ trước mặt ngài, dập đầu lìa lịa, xin tha tội, mặt mày làm ra bộ thiểu não đáng thương hết sức.

Thật là một chuyện quái đản: khi không thấy Ý quý phi thì hoàng đế nổi giận lôi đình, nhưng khi thấy nàng thỉ ngài lại thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Nhìn thấy mặt Ý quý phi ngài nhớ tới bao đêm ân ái mê ly. Ngắm nghía khuôn mặt nàng, ngài lại cảm thấy lòng mình như say như mê. Chỉ chừng ấy cũng đủ để cho ngài dẹp hết cơn thịnh nộ khủng khiếp hôm qua. Đã thế ngài còn thấy mềm lòng hẳn khi Y quy phi khóc lóc thảm thiết, rồi vừa khóc vừa xin, trong khi đó hoàng tử đang ọ ọe trong lòng nàng như cô ý xin cha tha tội cho mẹ.

Thử hỏi tình cảnh đó người có tình cảm, ai lại không xúc động mà lòng chẳng se lại. Hàm Phong hoàng đế quả đã để cho lòng se lại khiến trên mặt trận cân não, ngài đã chịu hạ phong để cho Ý quý phi toàn thắng.

Ý quý phi còn khôn ngoan hơn nhận thấy hoàng đế lại đã mắc vào bẫy tình cảm của mình, bèn tỉ tê kể lể gán đủ chuyện xấu xa cho Mẫu Đơn Xuân và Hạnh Hoa Xuân. Đáng lý Hàm Phong hoàng đế không nên nghe, không nên tin lời nàng nói lúc này mới phải. Trái lại còn nghe và đem bao lời khuyên an ủi nàng là khác.

Thế rồi suốt một đêm ban ơn mưa móc, ngài quên hết mọi chuyện. Đường đường một vị hoàng đế vạn tuế gia rút cục lại bị cái đũng quần hồng của Ý quý phi làm mê tít tự lúc nào! Thấy cá đã mắc câu Ý quý phi dại gì để cá chạy mất.

Nàng sửa soạn cấp kỳ đưa ngay thánh giá về Thiên Địa Nhất Gia Xuân, tự mình nấu nướng sơn hào hải vị, hầu hạ lo liệu ăn uống chu tất để cho ngài an lòng điều dưỡng bệnh hoạn. Ý quý phi ngầm bảo An Đắc Hải ở bên ngoài bất cứ có chuyện gì cũng không được thông báo vào trong.

Ấy cũng vì vậy nên Hạnh Hoa Xuân, Mẫu Đơn Xuân chỉ gặp hoàng đế được cỏ một hôm rồi từ đó cách tuyệt không còn được gặp lại nữa.

Mãi đến tháng năm, hoàng đế mới bình phục hẳn và thân thể mới thấy khỏe mạnh trở lại. Ngài thường tản bộ hóng mát hết vườn nọ tới vườn kia, nhớ lại thuở nào phi này tẩn nọ.

Ngài cao hứng liền truyền cho triệu hết lại, rồi xuống chỉ mở yến tại nhà Thanh Thuỷ Trạc Anh thất.

Bọn phi tần đã từ lâu không được gặp hoàng đế, tự nhiên cảm tình đâm nhạt không dám nói năng gì nhiều. Duy chỉ có mỗi một mình Ý quý phi cậy mình dược hoàng đế sủng ái, lúc nào cung xun xoe nũng nịu trước mặt ngài, khi cười lúc nói chẳng còn để cho ai chen chân vào nữa. Mọi việc, mọi chuyện của hoàng đế, nàng giành lấy mà làm hết. Nàng cũng cậy mình sinh hoàng tử không thèm chơi với nàng phi cô tần nào nữa, họ đối với nàng có còn giá trị gì nữa đâu. Phía ngoài có vị đại thần quân cơ nào dâng sớ vào cho hoàng đế xem, nàng qua mặt hết chẳng cho hoàng đế biết tí gì. Nàng bảo họ:

- Ấy chớ! Hoàng thượng đang uống rượu mua vui. Chớ có đưa vào, làm rộn ngài, phải tội chết!

Thế là anh đại thần, tiểu thần nào cũng co vòi hết, bố bảo cũng chẳng dám nói thêm, chỉ còn nước ném tập sớ lại ra về, lòng phân vân chẳng biết giải quyết quân quốc trọng sự ra sao!

Ý quý phi lại còn âm mưu với tên thái giám tổng quản An Đức Hải giả mạo ý chỉ của hoàng đế phê toẹt vào tập sơ rồi trả lẹ ra ngoài.

Cách ít hôm hoàng đế toạ trào. Ý quý phi lúc đó mới đem việc phê vào tờ sớ tâu lên. Ngài tuy lòng không vui mừng chỉ vì quá yêu nên chẳng tiện nói ra. Thấy hoàng đế chẳng nói gì mình trong những trường hợp như vậy, nàng tiến thêm một bước, cứ mỗi khi thấy bọn đại thần vào bàn việc triều chính với hoàng đế, nàng cũng cố mon men tới ngồi lỳ một bên nghe ngóng, nhiều khi đưa đại ý kiến của mình ra. Đã thế hoàng đế tính lại lười, chẳng muốn để ý tới nhiều chuyện, do đó có nhiều bản sớ tâu lên, ngài đều bảo Ý quý phi xem xét rồi phê giùm trả về. Thế là từ đó Ý quý phi đã có thể để can dự vào triều, chính và nghe ngóng được mọi chuyện xảy ra bên ngoài rồi.

Đã có năm ba tên tay chân giảo hoạt lẹ làng chạy vạy xoay tiền nhờ thế lực của Y quỷ phi. Chúng đi đúng đường do An Đắc Hải vạch ra để đưa tiền về hiếu kính Ý quý phi.

Một mặt nàng lượm tiền bạc của ngoại nhân đưa vào, một mặt bao biện hết mọi việc trước mặt hoàng đế.

Hàm Phong hoàng đế về sau cũng biết sự tệ hại đó của Ý quý phi, nhưng phải cái ngài ốm quá, yếu quá chẳng còn chút hơi sức nào để gắng gượng xem sớ nữa. Do đó cứ môi lần có chuyện đại sự cần giải quyết ngài lại cho mời Hiếu Trinh hoàng hậu và cho gọi viên đại thần vào tâu rõ, để bà ngồi trong rèm hỏi han tự sự. Cũng có khi Hậu bận việc không tới được thì ngài lại cho Ý quý phi ngồi cạnh đọc tờ sớ cho mình nghe để giải quyết. Chưa hết, ngài còn tìm hai vị: Thuần thân vương và Cung thân vương vào trong vườn Viên Minh để giúp ngài giải quyết mọi việc quốc sự.

Đã có lúc hoàng đế ngồi nhàn đàm với vị thân vương Thuần Cung, Ý quý phi bất chấp cả tỵ hiềm, kiêng kỵ, ngồi chễm chệ một bên để góp chuyện.

Thấy Thuần thân vương mặt mày bảnh bao, tuổi lại còn trẻ mà goá vợ, nàng bèn thỏ thẻ với hoàng đế làm mai, đem cô em gái mình là Dung Nhi gả cho vương.


Thuần thân vương thấy đó là lệnh của hoàng đế, đâu dám không theo. Thế là từ đó trong thì có mình, ngoài thì có em, Ý quý phi cùng Dung Nhi chẳng khác chi con giăng con mồi liên lạc chặt chẽ với nhau, để xoay trở ngoài tài lợi, còn cả đến quyền hành triều chính nữa là đằng khác.

Ý quý phi tuy khôn khéo kết bè lập cánh rộng rãi khắp nơi, thế mà vẫn không kéo được hai vị đại thần quan trọng là Cung thân vương và Túc Thuận. Hai vị này tuyệt nhiên không quan hệ với Ý quý phi, trái lại còn khuyên can Hàm Phong hoàng đế chớ để cho nàng can dự vào triều chính.

Hàm Phong hoàng đế đã biết Ý quý phi gian hoạt bất trắc lắm, nhưng phải cái yêu quá hoá mê, thành thử không thể cấm đoán nàng một cách dễ dàng. Hơn nữa nàng dự chính từ lâu đã quen rồi, ngựa quen lối cũ khó có thể sửa đổi được tính nết. Hàm Phong hoàng đế muốn tránh nàng, nhiều lần nhờ Hiếu Trinh hoàng hậu giúp mình, nhưng hậu lại quá kém, ăn nói lúng túng chẳng ra sao mỗi khi có việc do đại thần tâu lên. Trái lại nếu nàng bên cạnh thì mọi việc được giải quyết mau lẹ, rành mạch, không việc gì là không xong xuôi trôi chảy. Ngoài ra nàng hình như còn có một cái oai lạ lùng, khiến bọn đại tuần đều tự cảm thấy e ngại sợ hãi.

Lâu dần về sau Ý quý phi cậy mình có tài, càng ngày càng kiêu hãnh ngang ngược. Hiếu Trinh hoàng hậu cũng muốn sửa tính đổi nết cho nàng, nhưng lại phải cái mặc cảm kém tài, nên nhiều lúc đành im lặng ngồi nhìn.

Mùa xuân năm đó, trong cung chiếu lệ tổ chức đưa rước thuyền rồng. Hàm Phong hoàng đế đưa bọn mỹ nữ cung tần, quý phi, hoàng hậu lên ngồi trên thuyền dự yến xem rước.

Thực ra hồi này, vì vẫn chưa được mạnh hoàn toàn nên ngài chỉ đem một mình Hiếu Trinh hoàng hậu ngồi riêng trên một chiếc thuyền nhỏ từ từ bơi lượn. Trên bờ, thấy thuyền rồng lững lờ trong hồ, mọi người đồng thanh hô lớn ba tiếng "An lạc độ" (trẩy yên vui: đây là tiếng hô cầu chúc nhà vua đi thuyền được yên ổn vui vẻ). Nguyên lai, trong cung Thanh có cái lệ là hễ hoàng đế đi thuyền, khi ra khỏi bến thì bọn cung nữ đứng trên bờ đều phải đồng thanh hô lớn ba tiếng "An lạc độ" mãi đến khi cặp bến bờ kia mới ngừng hẳn tiếng hô. Tục lệ có tính mê tín dị đoan khiến kẻ thức giả chẳng thèm để ý tới làm chi, nhưng hai bên bờ có đến mấy ngàn cung tần, mỹ nữ đồng thời cất tiếng oanh giọng én, thử hỏi làm sao lại chẳng gây được hào hứng cho mọi người.

Chính thế! Hoàng tử Đái Thuần, tuổi còn nhỏ, ham vui, càng lấy làm khoái khi nghe thấy hô, cũng nhảy nhót hô theo.

Ý quý phi dắt tay Thuần tới làm quen với đám phi tần cung nữ, rồi cùng ngồi trên một chiếc thuyền riêng du ngoạn. Nàng được tin hoàng đế mở tiệc tại Ánh Thuỷ Lan Hương liền kéo cả đám tới nơi đây chờ đợi.

Ánh Thuỷ Lan Hương là một khu đất sát ngay cạnh hồ, phía trước cột ba chiếc thuyền rồng còn có rất nhiều thuyền nhỏ đậu sát ngay hông. Ý quý phi hồi nhỏ vốn ở miền Hoa Nam, học được cách chèo thuyền rất thạo.

Yến tiệc đã xong. Ý quý phi thấy chiếc thuyền nhỏ xinh xinh đậu sát bên bờ, nàng bỗng động lòng nhớ tới nghề mọn thuở xưa, liền nhảy lên cầm chèo. Hàm Phong hoàng đế vụt nhìn xuống hồ thấy nàng, miệng ngài nói: "Tuyệt lắm" rồi ngài gọi: "Để cho trẫm cùng đi với". Ý quý phi thấy hoàng đế cũng hứng chí muốn đi, vội lái lẹ thuyền quay vào bờ đón ngài bước xuống.

Không ngờ Hàm Phong hoàng đế vừa bước xuống thuyền, chân chưa đứng vững thì thuyền đã xô ra. Vốn yếu đuối lại vừa khỏi bệnh, người chưa khỏe hẳn, chân chưa vững mạnh, thuyền tròng trành, ngài bỗng nghiêng đi, rồi bắn tung ra mạn thuyền, rơi tõm xuống nước.

Những tiếng hô "cứu" thốt từ trên bờ đến lạc cả giọng. Bọn thái giám, cung nữ xôn xao cuống cuồng. Họ chạy lên rồi lại chạy xuống, chạy xuống rồi lại chạy lên, ra sức gào "cứu". Trên bờ, dưới hồ, khắp tứ phía chưa đầy chớp mắt đã biến thành y như một cái chợ cháy vô cùng hỗn loạn.

Hiếu Trinh hoàng hậu đang ở trong nhà, được tin cấp báo, vội vàng chạy ra xem, lòng hoảng sợ đến cực điểm… May được cái nước sát bờ, phía dưới lại có bậc đá xây thành kè dài.

Ấy chính nhờ cái kè này, mà khi rớt xuống nước, hoàng đế đã bám cứng được một cục đá, vẫn thò được cái đầu và đôi vai lên, chi có phần dưới mình từ ngực trở xuống chìm hẳn trong nước mà thôi.

Bảy, tám tên thái giám nhất tề nhảy ùm xuống hồ như một lũ nhái luống cuống ghé vai công kênh hoàng đế lên bờ, mình ướt như chuột lột. Hoàng hậu bước quýnh quýnh trên bờ tay bắt chuồn chuồn, miệng há hốc, mặt xám ngoét lại, chẳng biết xám vì sợ hay vì giận.

Hàm Phong hoàng đế vừa được đưa lên bờ thì hoàng hậu đã hò hét ầm lên, bắt bọn thái giám khiêng ngay ngài vào một căn phòng xông hương thơm ngát gần đó để thay đổi áo quần, một mặt quát bảo mấy tên thái giám khác bắt ngay Ý quý phi tống vào Vĩnh Hạng nhót lại để chịu tội.

Hàm Phong hoàng đế vốn ốm yếu lâu ngày, chưa được bình phục hẳn, nay lại bị một cơn hoảng, nào ướt nào lạnh, bất giác bệnh cũ phát lại dữ dội. Hiếu Trinh hoàng hậu suốt ngày đêm thuốc thang hầu hạ bên cạnh, chẳng được lúc nào thư thái tâm thần. Ôm một lèo mãi tới lúc sang thu, hoàng đế mới dần dần khỏe lại.

Vua và hậu thì như thế, Ý quý phi càng thiểu não hơn. Bình nhật nàng hống hách vênh váo biết bao, thế mà nay đành khoanh tay ngồi nhà đá đã bốn, năm tháng trường, thử hỏi còn mong chì tìm lại được thời và thế của ngày nào? Lũ hoạt đầu cầu danh móc lợi đã từng khúm núm hầu hạ nàng bấy lâu nay, thấy nàng sa chân lỡ bước thất thế kẹt vận, đã chẳng những không chút động lòng từ tâm, trái lại còn nhờ gió bẻ măng, chết đuối đạp thêm.

Túc Thuận chống đối Ý quý phi từ lâu, Thuận ngầm thông với bọn cung nữ hầu hạ nàng, cố ý tới cáo mật với Hiếu Trinh hoàng hậu nói nàng ở Vĩnh Hạng suốt ngày oán giận hoàng thượng. Ghê gớm hơn nữa nàng còn dám dùng bùa chú Mãn Châu để thư ếm hoàng thượng nữa.

Hiếu Trinh hoàng hậu nghe xong vội tới Vĩnh Hạng gặp ý phi, hậu nói:

- Nàng hãy tạm thời yên tâm chờ đợi. Đợi ít hôm nữa hoàng thượng vui vẻ, ta sẽ giúp nàng cầu xin ân điển của ngài tha cho nàng ra.

Hậu chỉ nói ra có thế, vậy mà không hiểu tại sao cái chuyện trù ếm hoàng đế của Y phi lọt đến tai Hàm Phong hoàng đế.

Ngài bất giác nổi cơn thịnh nộ. Khéo thay Túc Thuận lúc đó đứng cạnh. Ngài hỏi Túc Thuận:

- Ý trẫm muốn truất phế Lan quý phi cho nàng tự tận, khanh nghĩ thế nào?

Thuận giật mình đánh thót một cái, vội quỳ xuống đất đập đầu tân:

- Nô tài chẳng dám can dự vào việc trong cung cấm!

Câu chuyện này truyền tới tai Hiếu Trinh hoàng hậu. Hậu vội vàng chạy tới gặp hoàng đế, đem hết tâm lực biện hộ cho Ý quý phi. Hậu nói:

- Những chuyện đó bất quá chỉ là do bọn người ganh ghét nàng đặt điều phao nhảm đó thôi. Thần thiếp cũng thường khi tới gặp nàng thấy nàng tỏ ý hết sức cung thuận, tự biết lỗi mình và hối lôi nhiều lắm, thần thiếp dám xin thay nâng cầu xin hoàng thượng ban cho ân điển tha tội cho nàng. Bị giam trong lãnh cung lúc nào cũng tưởng nhớ tới hoàng thượng. Nàng khóc lóc ngày đêm, tình cảnh thật là đáng thương hết sức.

Hàm Phong hoàng đế vừa nghe lời Hiếu Trinh hoàng hậu cầu xin ân điển, vừa nghĩ tới việc ý quý phi sinh cho mình một mụn hoàng nam, nhất thời không thể bỏ danh hiệu Phi tử của nàng. Thế là cơn thịnh nộ của ngài dần dần tiêu đi lúc nào không biết. Hiếu Trinh hoàng hậu lại cứ ở bên cạnh cầu xin ân điển. Cuối cùng ngài nể mặt hoàng hậu đại xá cho Ý quý phi và truyền lệnh phóng thích nàng ra khỏi lãnh cung.

Hồi 139: Vua sợ chạy đi Nhiệt Hà

Lại nói Diệp Danh Thám gây chuyện rối rắm tại Quảng Đông, khiến các nước Tây phương liên quân đã đánh phá thành Quảng Châu lại còn điều động hải quân tiến bức Kinh, Tân (Bắc Kinh và Thiên Tân). Thanh triều phải phái hai đại thần Quế, Hoa tới giảng hoà, bồi thường cho họ đến bảy, tám trăm vạn lạng bạc mới hy vọng cuộc chiến tranh nguội đi được.

Trong hiệp ước giảng hoà có khoản nói rõ là sau khi thanh toán khoản tiền bồi thường thì Liên quân phải trả thành Quảng Châu lại cho Trung Quốc. Thế nhưng liên quân chiếm đóng Quảng Châu luôn tới nay đã hai trăm năm rưỡi mà vẫn ở lỳ, tuyệt nhiên chẳng có ý gì trao trả.

Sự kiện này làm cho một tay anh hùng yêu nước rất lấy làm giận, bấy lâu hậm hực trong lòng không lúc nào nguôi.

Tay anh hùng đó là viên đầu mục Đoàn luyện binh ở trấn Phật Sơn. Viên đầu mục nọ cho rằng chuyện tai vạ mất Quảng Châu đều là do tên lãnh sự nước Anh là Ba Hạ Lễ mà ra, khiến nỗi Trung Quốc phải chịu nhục quốc thể cắt đất bồi thường. Y bèn ra một cáo thị trong quảng đại quần chúng xin đem một ngàn lạng bạc tiền thưởng cho bất cứ ai chặt được cái đầu lâu của tên Ba Hạ Lễ.

Ba Hạ Lễ nghe được tin này giật nảy mình đánh thót một cái, mặt mày xám ngoét lại. Hồi đó công sứ nước Anh còn ở Thượng Hải. Lễ vội vàng đánh một điện tối khẩn lên Thượng Hải bẩm cáo việc này cho tên công sứ. Nhận được tin, tên công sứ Anh quốc nổi cơn thịnh nộ liền gởi văn thư cho Quế Lương yêu cầu tâu về triều cách chức tổng đốc Lưỡng Quảng là Hoàng Tôn Hán, mặt khác buộc Lương phải giải tán ngay tổ chức Đoàn luyện.

Quế Lương chẳng biết làm cách nào chỉ đành một mặt trả lời tên công sứ Anh quốc, một mặt kiểm điểm lại điều ước tạm thời không thay đổi. Bọn ngoại quốc thấy Lương không chịu thay đổi điều ước, cho rằng Lương không có chút nào thành ý giảng hoà; thế là tàu binh nước Anh có dịp kéo nhau vào Tràng Giang diễu võ dương oai, suốt một dọc từ Thượng Hải tới mãi Hán Khẩu. Bọn Pháp bắt chước tụi Anh cũng cho quân đi khắp nơi xông xáo khiêu khích. Đã phá phách quấy rối, cướp bóc hiếp đáp, tụi Pháp lại còn ngang nhiên cho bọn cố đạo đi khắp nơi xây cất nhà thờ đạo Thiên chúa. Bọn quan địa phương sợ quá, đâu có dám sờ đến lông chân mấy ông cố đạo, chứ đừng nói tới đem lý luật ra mà ngăn cản.

Nhưng giữa cái đám quan hèn ấy bỗng xuất hiện một vị Mã thân vương tên gọi Tăng Cách Lâm Bật không chịu hèn.

Ông thấy bọn ngoại quốc láo xược, ngang ngược, chẳng coi ai ra gì, chịu không nổi, bèn nổi cơn thịnh nộ, viết ngay một tờ sớ tâu lên đàn hặc viên tổng đốc Trực Lệ là Đàm Đình Tương, kết tội Tương không lưu ý gì tới việc tuần phòng sông bể, đồng thời đích thân sai người tới cửa bể Đại Cô, xây đắp pháo đài và chôn một hàng cọc gỗ rào hẳn cửa bể lại. Chưa hết, muốn cho cẩn thận hơn, ông còn cho rèn những cái khoá sắt để khoá trái cả cửa sông lại.

Đến ngày hội nghị để thay đổi hiệp ước, binh thuyền các nước đều rầm rập kéo tới Thiên Tân. Bọn quan binh Trung Quốc đưa thư tới, buộc tất cả các binh thuyền ngoại quốc phải đổi hướng tới cửa Bắc Đường bỏ neo, chứ không được qua lại cửa Đại Cô.

Nhưng người Anh đâu có chịu, nhất định cho tàu chiến cứ việc xông vào cửa Đại Cô. Cửa Đại Cô đã bị xích sắt chăng kín lại khoá chặt.

Thế là người Anh khai hoả. Súng đại bác nổ ầm ầm, khoá xúc xích đứt tung, mười ba chiếc tiểu đĩnh chở nghẹt lính liên tiếp xông vào, trên mũi cắm cờ hồng, khiêu chiến với pháo đài, chĩa họng súng bắn xối xả vào pháo đài, vào các trại bộ binh trên bờ.

Vừa xáp lại gần bờ, bọn lính Anh nhảy lên bờ xông tới cướp pháo đài; súng trên pháo đài lúc này buộc phải bắn trả. Mấy chiếc tiểu đĩnh trúng đạn chìm nghỉm; mặt khác bọn lính Anh xung kích trên bờ cũng bị quân nhà Thanh giết chết đến mấy trăm tên, ngoài ra còn bắt sống thêm một viên tướng Anh chỉ huy.

Cuộc ác chiến kéo dài thêm một lúc nữa. Quân Anh bị thảm bại, chỉ còn lại có mỗi chiếc tiểu đĩnh, hoảng hốt chạy như bay ra mãi ngoài khơi. Những chiếc chiến thuyền lớn của Anh quốc, thấy quân mình đại bại, liền rút lui khỏi cửa Đại Cô kéo tới Lữ Thuận rồi Hải Sâm, quan sát địa hình địa vận rồi từ từ rút về hướng nam đi mất.

Nhân dân tỉnh Quảng Đông nghe nói người Anh đại bại, bèn vội vàng đóng tàu sửa thuyền, e rằng bọn "quy trắng" kéo lại báo thù, trong khi đó, bọn phú thương lại đi quyên tiền ba trăm vạn lạng, ngầm đưa tới cho người Anh, xin đừng gây chiến nữa.

Bọn công sứ Anh và Pháp chiếu hội với thông thương đại thần là Hà Chiết Thanh, tình nguyện giữ đúng điều ước tám năm. Thanh chỉ mong hai chữ "bình an", nhưng phải cái Hàm Phong hoàng đế tín nhiệm Tăng vương, nghe lời vương nên chẳng thèm trả lời bọn ngoại quốc về việc này, trái lại chỉ bảo Thanh cứ chiếu theo hoà ước thời Đạo Quang hoàng đế, còn truyền chỉ cho Thanh vẫn ở lại Thượng Hải để lo liệu việc nghị hoà, không được quay về bắc, ví thử có tàu binh bọn "quỷ trắng" chạy vào trọng sông thì thẳng tay tiêu diệt.

Mặt khác Tăng Cách Lâm bật huy động hơn một trăm vạn nhân công sửa sang lại cửa Bắc Đường. Về sau quả nhiên có kẻ chủ trương đưa quân địch vào cửa Bắc Đường, và leo lên bờ tại nơi đây. Hàm Phong hoàng đế lại hạ chỉ triệt thoái hết quân đội tại Bắc Đường, hàn lâm viện biên tu là Quách Tung Đào vội dâng sớ khuyên can nhà vua. Thân sĩ Bắc Đường là ngự sử Trần Hồng Dực cũng tâu xin chớ có rút quân tại Bắc Đường. Nhưng Hàm Phong hoàng đế không nghe.

Chẳng mấy hôm, một đoàn tàu nhỏ chở đầy lính Anh và lính Pháp kéo tới cửa Bắc Đường, nhổ hết nhưng cái cọc gỗ để lấy đường sửa soạn tấn công. Tên tướng Anh Ngạch Nhĩ Kim, tên tướng Pháp Át La đem hơn một trăm chiếc tàu binh đánh thốc lên bờ. Lên được bờ rồi, chúng kéo đại bác lên bắt đầu khai hoả, tiếng nổ ầm ầm. Quân Tàu hoảng hốt chẳng dám ló mặt ra, chỉ cho người tới trại quân ngoại quốc báo tới Bắc Kinh trao đổi điều ước nghị hoà.

Bọn ngoại quốc đến lúc này lâm vào tình trạng cưỡi hổ khó xuống, đời nào chiều theo. Chúng bất chấp lời đề nghị của bọn Thanh, tức tốc huy động một vạn tám ngàn Liên quân từ Bắc Đường đánh thốc vào nội địa. Vô phúc cho Liên quân gặp đúng lúc nước thuỷ triều rút xuống, khiến các chiến thuyền nằm phơi vườn trên bãi sình. Chúng sợ quân Thanh giáp công từ hai bên bờ liền treo cờ trắng bay phất phới giả bộ cầu hoà. Quả nhiên quân Thanh thấy cờ trắng không dám tấn công thực.

Nước thuỷ triều lại dâng lên ồ ạt. Những chiếc tàu Liên quân này xuất kỳ bất ý xông vào bờ đổ bộ; tiếng súng nổ ầm ầm không ngớt. Quân Thanh bị đột kích, hốt hoảng bỏ chạy tán loạn. Một vạn tám ngàn Liên quân kéo thẳng tới vùng Tân Hà.

Tăng vương chỉ huy ba ngàn quân tinh nhuệ kéo tới để chống cự. Nhưng đại bác của quân ngoại quốc quả lợi hại thật. Tiếng nổ ì ầm, đạn bay vun vút… Một trận xung kích vô cùng ác liệt xảy ra. Đáng thương thay cho ba ngàn quân tinh nhuệ của Tăng vương chết sạch, chi còn sống sót có bảy mống.

Tân Hà bị chiếm, Đại Cô trở nên nguy ngập. Hàm Phong hoàng đế vội sai đại học sĩ Thuỵ Lân đem quân Bát Kỳ từ kinh đô ra Thông Châu phòng thủ.

Quả nhiên Liên quân sau khi đại thắng kéo tới bức Đại Cô nhè trúng pháo đài ở ngạn bắn trước. Đạn đại bác bay lên bờ vô phúc trúng ngay vào kho thuốc súng của quân Thanh.

Một tiếng nổ long trời lở đất, xé tan cả một bầu trời đầy mây hôm đó. Rồi trong nháy mắt, ngọn lửa bốc lên cao muôn trượng.

Khói đen toả ra khắp bốn phía, cả một toà pháo đài rộng lớn bị thần hoả ngấu nghiến chẳng đầy một buổi, chỉ còn trơ lại mấy bức tường đất lộn gạch cháy xém chênh vênh. Quân lính chết chẳng biết bao nhiêu, chỉ cần biết hôm đó, đề đốc Lạc Thiện đã bị cháy còng queo trong đống thuốc pháo như con bò thui.

Tăng vương lúc đó đóng quân tại nam ngạn thấy cơ nguy khủng khiếp như vậy vội lui quân về Thông Châu, cắm tại vịnh Trương Gia. Vương thấy Thiên Tân xem chừng khó giữ, vội cho chạy văn thư cáo cấp về kinh như bươm bướm.

Hàm Phong hoàng đế xem sớ giật mình thon thót, lòng nóng như lửa đốt, bất giác bệnh cũ lại tái phát. Ngài chỉ còn có một cách sai Quế Lương tới Thiên Tân đề nghị hoà.

Quế Lương tống đạt dấy chiếu hội tới dinh công sứ Anh. Viên công sứ Anh hồi thư cho Lương biết, phải tăng thêm khoản bồi thường mở cửa Thiên Tân cho người ngoại quốc vào buôn bán. Còn, một điều nữa là phải để cho quân ngoại quốc kéo tới Bắc Kinh để trao đổi điều ước.

Hàm Phong hoàng đế trong lúc bệnh hoạn tính tình hết sức khó chịu. Ngài nghe nói bọn quỷ trắng muốn kéo binh vào kinh, hơn nữa tên sứ thần nghị hoà lại là tên Ba Hạ Lễ ngày nọ, thì tức bực khôn tả liền hạ chỉ cự tuyệt thẳng tay.

Hàm Phong hoàng đế nghe lời Hiếu Trinh hoàng hậu cho người cấp tốc về Hà Nam triệu hồi ngay Bảo Thắng về kinh và hạ lệnh đem một vạn cấm binh tới Thông Châu giao chiến với quân giặc, mặt khác, truyền cho Di thân vương Tải Viên mở một bữa tiệc cho mời bọn công sứ Anh Pháp tới dự.

Rượu được mấy tuần, Viên đưa ra việc nghị hoà. Ba Hạ Lễ lớn tiếng đáp:

- Nếu muốn nghị hoà mà không cho gặp mặt hoàng đế Trung Quốc thì nhất định không được. Ngoài ra, Thanh triều phải để cho mỗi nước đem hai ngàn quân kéo vào Bắc Kinh, lúc đó mới khai hội.

Điều kiện gay cấn như vậy thử hỏi Tải Viên làm sao mà chấp nhận được, đành phải trả lời là hỏi ý kiến triều đình lại rồi mới trả lời dứt khoát được.

Ba Hạ Lễ thấy Di thân vương không tự quyết được vấn đề, từ đó không thèm nói năng gì nữa, mặc cho vương cười nói lấy lòng chi cũng mặc kệ, nhắm mắt giả ngáy khò khò trên giường. Tải Viên cụt hứng, chẳng còn cách gì hơn, đành lủi thủi ra về như chó cụt đuôi.

Qua ngày hôm sau, quân tình phi báo về. Kinh càng vô cùng nguy ngập: quân của Bảo Thắng ở Thông Châu đại bại, quân của Tăng Thuỵ cũng thua lớn. Tướng Anh Ngạch Nhĩ Kim chỉ huy quân quỷ trắng đang ùn ùn kéo vào kinh thành.

Toàn thể thành Bắc Kinh được tin động trời này chỉ trong nháy mắt đã biến thành nồi nước sôi. Đại học sĩ Đoàn Hoa cùng thượng thư Túc Thuận thấy tình thế quá nguy quá gấp, đang đêm vội chạy vào vườn Viên Minh xin bệ kiến hoàng đế.

Hàm Phong hoàng đế lúc này bệnh tình đã nặng lắm. Bên cạnh ngài có Hiếu Trinh hoàng hậu lo lắng nâng giấc. Trong phòng bên có Ý quý phi lo liệu thuốc thang.

Bỗng có tin Đoan Hoa và Túc Thuận xin vào bệ kiến. Hoàng đế nằm trên giường bệnh liệu rằng việc lớn bên ngoài có phần chẳng lành, mặt bỗng trắng bệch ra như tuyết, tay chân run lên bần bật.

Hiếu Trinh hoàng hậu một mặt truyền gọi ngự y vào xem mạch hốt thuốc, một mặt cho hai vị đại thần vào gấp long sàng hỏi chuyện.

Túc Thuận liền đem hết tình hình chiến sự bên ngoài kể lại đầy đủ và tâu tiếp:

- Hiện nay thế giặc quá mạnh: hoàng thượng vốn thân vạn thắng, nên sớm liệu xuất thủ, tới một chỗ an toàn nhất mới nên.

Hàm Phong hoàng đế, cất tiếng run run bảo:

- Hiện nay trời còn tối, Trẫm lại bệnh, thân thể hết sức mỏi mệt, chạy tới đâu bây giờ được?

Thế là cả bọn quay lại bàn tính một hồi. Cuối cùng Hiếu Trinh hoàng hậu quyết đoán việc này lên tiếng:

- Chi bằng bọn ta kéo đi Nhiệt Hà!

Hàm Phong hoàng đế nghe xong cũng gật đầu cho là phải.

Bọn ngư y lúc này cũng còn ngồi nơi đây, liền chạy lại tâu xin hoàng thượng uống máu hươu để tinh thần thêm sảng khoái hơn, khí lực mạnh mẽ hơn.

Thế là mấy tên thái giám vội chạy ra ngoài đi tìm hai con hươu chọc huyết lấy máu đem tới, hơi nóng còn bốc lên nghi ngút.

Hồi 140: Đốt cháy vườn Viên Minh

Hàm Phong hoàng đế tiếp chén huyết uống một hơi cạn, quả nhiên thấy trong mình lập tức khỏe mạnh hẳn lên, tinh thần cũng hăng hái hơn. Ngài bèn truyền dụ cho Cung thân vương ở lại giữ kinh sư, mặt khác sai Túc Thuận thống lãnh quân ngự lâm bảo vệ Hoàng gia lên hành cung Nhiệt Hà, còn Đoan Hoa thì lo liệu mọi việc ở trong vườn Viên Minh.

Tin này vừa quyết xong thì truyền vội ra ngoài. Vườn Viên Minh đang yên tĩnh bỗng trở thành sôi động chưa từng thấy. Nào ngựa hí nào lừa chạy, nào oanh la nào én kêu, tất cả vùng lên như một tổ ong vỡ.

Hàm Phong hoàng đế đến lúc này cũng chẳng còn lo được gì nhiều. Ngài chỉ còn biết gượng bước ra sân, lật đật mãi mới lên được cái xe che lọng vàng đậu trong vườn.

Túc Thuận vội chạy ra mở cửa vườn cho xe ra. Bốn chiếc xe đã chuẩn bị sẵn sàng, trong trải một chiếc chiếu lác. Chiếc xe đầu do Hiếu Trinh hoàng hậu ngồi, tay bế hoàng tử Đái Thuần. Còn ba chiếc xe kia thì bọn phi tần tranh nhau leo lên, ngồi chen chúc như nêm cối, đến nỗi mỗi cái phải chứa đến năm, sáu cô, vẫn chưa hết, khiến cô nào cô nấy bại cả đít, tê cả vai mà cứ phải chịu đựng. Nhưng kẻ đáng thương nhất có lẽ là Ý quý phi. Bình nhặt trong cung cấm vàng son lộng lẫy, nàng được sung sướng như thế nào, mền ấm nệm êm như thế nào, vậy mà nay đêm khuya khoắt phải bỏ vườn trốn chạy, chịu đựng hết mọi gian lao khổ cực. Người ta đã thấy nàng rên rỉ âm thầm, giọt lệ tầm tã trong chéo khăn.

Bọn được ngồi xe quả đã là phúc lắm, còn một đám đông phi tần không có xe, đành phải lê bước theo, kẻ khóc người mếu, lẽo đẽo thành một cái đuôi dài mờ dần trong đêm tối. Trong số này, cũng có năm ba cô, lâu nay đối tốt với bọn thái giám, đến lúc không đi được, nhờ chúng cõng cho từng chặng đường. Rồi đi dọc đường may thay mướn được mấy cái xe bò, cho cả bọn leo lên đầy, nghe cút kít, ục ịch cùng cả đường.

Ý quý phi trải qua một đêm hãi hùng ngoài sương gió trong chiếc xe bánh lăn lọc cọc trên con đường gồ ghề khi hất lên, lúc nhồi xuống, khiến tóc tai nàng đã bù lại bù thêm, trán đã dơ dáy còn bị chạm vào thùng xe sưng húp. Nàng xúc động can tràng; thương tâm quá, bất giác nàng khóc lên hu hu. Tình cảm đã thê lương, tiếng khóc của nàng chen lẫn những tiếng nức nở rền rĩ của bọn phi tần bên cạnh còn làm tăng thêm nỗi niềm sầu thầm cho một ông vua mắc bệnh nặng chạy loạn.

Trời bắt đầu sáng, Ý quý phi thấy Túc Thuận đuổi tới một đàn lừa ngựa, và đã đến sát bên cạnh xe. Đến lúc này, nàng chẳng còn e dè gì nữa, vội tháo bức rèm xe, lớn tiếng gọi:

- Lục gia! Lục gia! Xe tôi hỏng rồi. Nhờ Lục gia thay giúp cho tôi một cỗ xe khác được không?

Lời nói còn chưa dứt, mắt nàng đã thấy rưng đôi dòng lệ. Thuận giữa lúc xua vội đàn lừa ngựa tiến gấp lên trước đuổi kịp hoàng đế, bỗng nghe Ý quý phi gọi, liền quay lại đáp:

- Giữa đường giữa sá, còn tìm đâu ra xe tốt nữa chứ? Ta cố đi tới phía trước, nghỉ một lát đỡ mệt rồi hãy hay!

Vừa nói xong, Thuận đã ra roi cho ngựa vọt lên. Quả nhiên có một thị trấn thật! Đoàn người ngựa dừng lại nghỉ mệt.

Ý quý phi nhìn quanh bốn phía, không thấy Túc Thuận liền hỏi tên thái giám ngồi cạnh, mới biết Thuận đang tâu trình mọi việc trước mặt hoàng đế. Đợi cho Thuận tâu xong, nàng lết tới bảo Thuận cố tìm cho mình một cỗ xe. Nhưng Thuận nghe xong lắc đầu quầy quậy bảo:

- Bà có biết lúc này là lúc nào không? Tôi làm gì còn thì giờ để làm những việc đó cho bà nữa chứ!

Qua ngày hôm sau, Ý quý phi lại gặp Túc Thuận. Nàng không còn đủ sức để chống nổi cảnh vất vả khổ cực trên chiếc xe ọp ẹp long bánh mất đinh này được nữa. Miệng vừa khóc vừa xin Thuận thay cho chiếc xe. Thuận nghe xong, mặt bỗng sa sầm, nghiêm giọng nói:

- Lúc này là lúc anh em chạy loạn, chứ đâu phải ngày thường. Giữa lúc thâm sơn cùng cốc này, mướn xe tốt đâu được mà mong. Xin quý phi an phận mình là hơn. Còn được ngồi trong một cỗ xe hỏng lúc này, kể cũng là may lắm rồi đó! Quý phi không thấy bên cạnh đường còn thiếu gì quý nhân, cung nữ bỏ chạy theo xe, miệng mếu lệ rơi đó sao? Trong chiếc xe hỏng, quý phi đã thấy các phi tần đều chịu một tình cảnh đó sao? Không một ai đòi xe mới cả, chỉ duy mình quý phi là hạng người gì mà dám đòi sướng hơn hết cả mọi người?

Mai mỉa mấy câu xong, Túc Thuận lại quất ngựa đánh trót một cái, cho ngựa nhảy vọt lên trước. Ý quý phi chẳng biết cách nào hơn, chỉ còn nước nghiên răng trợn mắt chửi thầm:

- Tên gian tặc cả gan thật! Chỉ vài hôm nữa mi sẽ biết tay ta.

Ít hôm sau đoàn người nào hoàng đế, hoàng hậu nào phi tần hoàng tử, cung nhân đã tới được Nhiệt Hà vào trú tại hành cung. Hàm Phong hoàng đế một mặt truyền dụ cho Cung thân vương mở cuộc nghị hoà với bọn tướng soái Liên quân càng sớm càng tốt, mặt khác vẫn hạ lệnh cho hai lộ quân của Tăng và Thuỵ cố thủ các nơi hải khẩu.

Đối với tên tướng giặc Ba Hạ Lễ, không còn có ai có thể ghét hơn Tăng vương. Bởi vậy Tăng vương nghĩ mãi mới ra một kế sách hòng diệt tên quỷ trắng này. Vương cho đặt một bữa tiệc mời Lễ tới dinh, rồi hô phục binh bắt Lễ giam vào tu xa, đưa tắp về kinh nhốt kỹ.

Viên công sứ Anh thấy mất Ba Hạ Lễ, lòng vô cùng tức giận, buộc Cung thân vương phải trả gấp. Mặt khác, Bảo Thăng cũng truyền hịch khắp miền Giang Nam gọi quân binh chiến đấu cần vương.

Chỉ ít hôm sau tướng bộ hạ của Tăng vương là Bào Siêu, tướng bộ hạ của Viên tướng quân là Trương Thăng đồng thời cả Đoàn luyện tỉnh An Huy là Miêu Bái Lâm đều rầm rập kéo binh về kinh để ứng phó với tình thế.

Bọn ngoại quốc thấy quân Thanh kéo về quá nhiều, cũng lấy làm ngại, đành chịu chiếu hội với Cung vương, yêu cầu vương trao trả Ba Hạ Lễ trong ba ngày. Nhưng vương không chịu, vương buộc quân Anh Pháp phải lui quân về Thiên Tân trước đã, rồi sau đó mới mở cuộc hoà hội.

Viên công sứ Anh không trả lời yêu sách này. Cung vương chẳng biết cách nào hơn, bèn cho người lên hành cung tại Nhiệt Hà, tâu với Hàm Phong hoàng đế, nói rằng ngoại nhân hết sức cường mạnh ngoan cố.

Hàm Phong hoàng đế thân thể vốn bệnh hoạn lâu ngày, lại thêm cảnh chạy loạn, ngày đêm trúng phải phong hàn, bởi thế khi tới Nhiệt Hà bệnh tình của ngài càng thêm trầm trọng.

Muốn bảo toàn sức khỏe cho hoàng đế, Hiếu Trinh hoàng hậu gác hết mọi chuyện bên ngoài, nào chuyện loạn tóc dài, chuyện bọn cướp bể thổ phỉ, nào chuyện Liên quân đang bức bách kinh thành. Mọi việc đại sự đều do Cung thân vương tiện nghi hành sự tại kinh đô, còn những việc nhỏ thì đích thân bà phải tự coi lấy các bản sớ hằng ngày để giải quyết, cùng với hai vị đại thần là Đoan Hoa và Túc Thuận. Nhân Ý quý phi giải quyết công việc có vẻ lẹ làng sáng suốt, khẩu tài, chữ viết lại lẹ và tốt, hoàng hậu bèn cùng gọi nàng tới, giúp một tay để lo việc triều chính. Nhiều khi gặp những chuyện khó khăn nghi ngại, Ý quý phi một lời quyết đoán. Nhờ thế mà Hàm Phong hoàng đế mới được tiêu diêu tự tại, tĩnh tâm điều dưỡng.

Bọn ngự y cũng theo hoàng đế tới đây, hằng ngày chẩn mạch hốt thuốc. Mấy trăm con hươu nuôi trong vườn Viên Minh trước đây nay cũng cho đưa lên đây hết.

Hằng ngày Hàm Phong hoàng đế đều có uống máu hươu, nhờ đó thân thể ngài ngày một khang kiện, mặt mũi sáng sủa tươi tắn hơn xưa nhiều. Bên cạnh ngài có viên thái giám An Đắc Hải phục thị hằng ngày không rời bước. Nhiều hôm Hải còn đưa hoàng đế đi khắp đó đây trong hành cung du ngoạn nữa.

Hành cung Nhiệt Hà tuy toạ lạc miền Bắc xa xôi hoang lương cô tịch nhưng từ đời Càn Long, Gia Khánh đã được sửa sang xây cất lại, cũng có đủ nào đào liễu cỏ hoa, nào yến oanh đua hót líu lo. Hàm Phong hoàng đế thấy phong cảnh cũng nhiều chỗ nên thơ, bỗng sinh lòng cảm khái, ngài nhớ lại cái cảnh huy hoắc tại vườn Viên Minh, biết bao phong lưu khoái lạc. Thế mà nay chỉ côn thấy có một khu vườn trống hoang lương, tuy còn có liễu xanh đào thắm, nhưng hương phấn ba cung sáu viện nay còn đâu. Cảnh xuân càng tươi mát, lòng tưởng nhớ của ngài càng mênh mang vô tận…

Hiếu Trinh hoàng hậu đã có chủ ý, nhất thiết việc triều đình đều không được cho hoàng đế hay biết, trong khi đó, sai bọn thái giám An Đắc Hải đem hết sức hầu hạ để ngài được rỗi rảnh tâm tư chóng khỏi bệnh. Ngay đến bà cũng vậy, bà thường tránh mặt hoàng đế không để cho ngài thấy mặt, sợ ngài khích động tình dục, có hại đến thân thể. Bà còn hạ lệnh cấm cả Ý quý phi và bọn phi tần không được tới gần ngài, e rằng ngài nhìn thấy bọn này, lại nhớ tới cảnh xưa khi ở trong vườn Viên Minh mà động lòng bi thương buồn bã, rồi có thể lại triệu hạnh một đôi cô, gây tai hại cho sức khỏe của ngài.

Nhưng hoàng đế sống tại hành cung càng ngày càng mạnh, dưỡng bệnh lâu ngày chẳng cỏ việc gì làm, nên buồn, nhiều lúc vào ra mà thở vắn than dài. An Đắc Hải biết rõ tâm tư của ngài hơn ai hết, bèn chạy ra ngoài hành cung, lẻn gọi vài con mặt phấn môi son vào hầu hạ đấm bóp.

Quả thật thần diệu! Bởi vì từ hôm đó hoàng đế không còn buồn nữa, ngài vui ngay lên được. Trong đời hoàng đế, ngài có bao giờ ngủ với gái mà phải lén lút đâu, ấy thế mà nay ngài phải giấu giếm thậm thụt mới dám chơi. Ở đời có cái kỳ là cái chơi càng vụng trộm lén lút thì bọn làng chơi lại cảm thấy thú vị. Trường hợp này cũng chính là trường hợp hi hữu tại Nhiệt Hà của Hàm Phong.

Chơi đã đến lúc quen mùi, ngài cảm thấy trong hành cung chơi không đã, thế là ngài nổi hứng bảo An Đắc Hải lén đưa từ ngoài vào mấy đứa nhà thổ lậu cho ngài nếm của lạ.

Nhiệt Hà vốn là nơi tứ chiếng lớn rộng xài sang, thiếu gì bọn khách thương từ quan ngoại qua lại, do đó làm sao tránh khỏi rải rác đó đây năm ba cái tổ quỷ của đám chị em ta. Thế rồi từ lúc hoàng đế xuất hạnh, văn võ bá quan cũng theo ra. Nhiệt Hà bỗng trở thành một nơi thị tứ phồn hoa vô cùng náo nhiệt.

Bọn quan lại văn võ chạy theo vua phò giá nhất thời, đâu có mang theo được bà xã bởi thế nhiều ông đã hỏi thăm nhau tới đó, mấy mụ dầu lúc này xem ra lên chân ra phết. Hèn cho bọn hèn, sang cho bọn sang, đó là quy luật của làng chơi.

Do đó trong đám chị em bình dân, người ta đã thấy xuất hiện gần đây một loại đĩ thượng hạng đang tung câu giật mấy ông lớn xa bà xã. Đây chính là đám chị em đánh hơi tiền từ Thiên Tân, Bắc Kinh chạy lên.

Chính ở mấy cái tổ quỷ hạng sang này, Hàm Phong hoàng đế thường lui tới biểu diễn cái trò phong lưu mã thượng vốn có từ nhỏ trong cung cấm! Hàm Phong hoàng đế ốm yếu đã từ lâu, thân thể tuy nói là bình phục chứ thực chưa phải khỏe mạnh hoàn toàn. Ấy thế mà nay ngài thả cửa ngày đêm ăn chơi trác táng cho nên chẳng bao lâu thân thể ngài lại bắt đầu còm cõi, đôi vai ngài xọp lại, xương sống ngài gồ lên, hình như hơi sức ngài đã xuất hết tự bao giờ.

Mùa thu sang, heo may đã bắt đầu len đến. Hàm Phong hoàng đế bỗng thổ huyết ra đầy nhà. Hiếu Trinh hoàng hậu cũng như văn võ bá quan khắp triều hoảng hồn bạt vía, chẳng biết đường nào mà lần, chỉ còn cách gọi ngự y vào bắt mạch hốt thuốc, lo lắng điều trị mà thôi.

Nhờ thuốc tốt, chứng thổ huyết ở ngài đã hết nhưng thân thể ngài gầy còm ngày một trông thấy. Chính Hàm Phong hoàng đế cũng tự biết mình vô dụng rồi, cho nên ngài cho truyền Hiếu Trinh hoàng hậu và Quý phi tới bên giường ngày đêm hầu hạ bầu bạn. Ngài cũng hỏi tình hình chiến sự của Liên quân Anh Pháp ra sao. Hiếu Trinh hoàng hậu lúc đầu khuyên ngài bất tất nhọc lòng tìm hiểu mà chỉ cần ngày đêm lo dưỡng bệnh, nhưng phiền nỗi ngài cứ khăng khăng một mực muốn biết, bắt đem các bản sớ tấu về cho xem.

Hiếu Trinh hoàng hậu không còn cách gì cản ngăn được nữa, bèn đưa cho ngài xem cả một tập sớ dày cộm về vụ này. Ý quý phi có nhiệm vụ ngồi ngay trước giường bệnh lớn tiếng đọc lên cho ngài nghe. Lúc đó ngài mới cược biết Cung thân vương đã hội thương với sứ thần các nước, đổi nơi hội nghị sang Thông Châu, nhưng bọn quỷ trắng ngoại quốc không thèm trả lời.

Hàm Phong hoàng đế liền hạ nghiêm dụ xuống dặn Cung thân vương không được làm gì mất thể diện triều đình. Do đó Cung thân vương không dám liều lĩnh nghị hoà. Thế là hai bên giằng co mãi không đi tới quyết định nào. Liên quân Anh Pháp nổi khùng lên, lập tức xông vào tấn công Hải Định.

Cấm vệ quân canh gác hai bên tả hữu hoàng cung thấy bọn lính ngoại quốc xông vào, hoảng hồn bạt vía vội vàng bỏ chạy tán loạn. Cung thân vương thấy lính chạy hết ráo, chỉ còn trơ lại có mỗi một mình, không còn có cách gì đứng vững được, vội chạy ra ngoài cửa Quảng Ninh, rồi chui tọt vào điếm Tràng Tân trốn biệt.

Thuỵ Lân lúc đó bí quá đành phải xuất đầu lộ diện. Lân cho gọi bộ quân tổng thống là Văn Tường thảo luật, cuối cùng quyết định đem thả tên sứ Anh Ba Hạ Lễ ra. Lân và Tường không ngờ sự thả tên Lễ này ra gây lại hậu quả vô cùng tai hại.

Số là Lễ bị nhà Thanh giam giữ trong lao, nay được ra lấy làm tức, lại xấu hổ nữa, nên chạy lẻn tới vườn Viên Minh đốt một mồi lửa, lửa lan rộng nhà cháy cửa xém, mù mịt cả một góc trời.

Ngự lâm quân lúc này đã bỏ trốn hết chẳng còn lấy một tên. Trong vườn bọn thái giám thấy hoàng đế đã chạy cũng tan đi hết, kẻ thì về nhà, kẻ thì bỏ đi biệt tích, chỉ còn lại có mấy bà già ốm, không lết đi được mới ở lại. Như vậy thì thử hỏi còn có ai để mà ngăn được ngọn lửa này nữa.

Hôm đó gió tây lại thổi mạnh. Trong vườn lâu đài xây cất hết tầng nọ đến tầng kia, chỉ trong nháy mắt đã bắt lửa cháy lên ngùn ngụt. Đứng từ xa kinh thành, người ta cũng thấy được ngọn lửa cột khói. Một đám khói rộng lớn như một đám mây hồng càng ngày càng lan mãi ra tận chân trời.

Thật đáng tiếc cho một khu vườn rộng bao la bát ngát, nào cung điện, lâu đài, nhà cửa, vườn hoa, vàng ngọc, châu báu, tất cả lúc này chỉ còn là những miếng mồi ngon của thần lửa. Vườn Viên Minh cháy suốt ba ngày ba đêm, cháy luôn một hơi, cháy tàn hoại sạch, chỉ còn lại có mấy bức tường trơ trọi đen thui.

Vườn Viên Minh bị cháy đáng tiếc thật, nhưng đối với độc giả có lẽ của quý đáng tiếc và cần biết phải là Tứ Xuân đã từng tô điểm cho vườn này thêm đẹp chuỗi ngày qua.

Ta hãy kể trước hết Mẫu Đơn Xuân. Nàng nghe nói gái Hán trong cung cấm bị Lan quý phi bắt trói đập chết khá nhiều, liền tìm cách trốn ra khỏi vườn.


Nàng vốn biết gái Hán với kỳ nữ (tức gái Mãn) ăn mặc có khác, rất dễ nhận, cho nên bắt chước ăn mặc theo lối kỳ nữ, để lỡ khi cần dùng đến. Dự phòng như vậy, nàng theo bọn Kỳ nữ bắt chước từ cách chải đầu búi tóc cho đến các cách thức chào hỏi lễ nghi. Nàng mình mặc quần áo Kỳ nữ chân đi giày đế phấn, má trát phấn dầy, môi thoa son đỏ chót, trông chẳng khác một Kỳ nữ chút nào.

Nàng đối với bọn thái giám và cung nữ rất tốt. Bởi thế hôm hoàng đế hối hả bỏ vườn chạy ra ngoài, bọn thái giám đã vội phi báo cho nàng hay. Thế là Mẫu Đơn Xuân vội cải trang thành Kỳ nữ. Đã từ lâu nàng dành dụm được ít tiền nên có chút vốn. Nàng liền lẻn tới Thiên Tân, mua vé tàu thuỷ thẳng đến Tô Châu, về nhà.

Mẹ nàng vẫn còn sống tại quê nhà. Ít lâu sau mẹ nàng đứng lên làm mối cho con gái lấy một anh chàng thư sình đọc sách. Từ đó hai vợ chồng Mẫu Đơn Xuân tự do tự tại an hưởng cái cảnh gia đình tới mãi già!

Nguồn: http://vnthuquan.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved