Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

12 thg 11, 2013

Tình sử Võ Tắc Thiên - Lâm Ngữ Đường Hồi 3-6

Hồi 3 : Củng cố địa vị

Võ Mị Nương nóng lòng muốn được mọi người biết mình là ái nương của Vua, vì quả thật Vua rất sủng ái nàng . Nàng không có gì làm Vua phải xấu hổ. Chẳng cần phải bưng bít dắu diếm nữa. Đứa con nàng sinh ra nàng muốn nó phải là Hoàng tử.

Nàng đã để tóc mọc lại nhưng vì chưa đủ dài nên nàng thường mang tóc giả và cho người chải chuốt thật đẹp. Nàng thích trông thấy mình lộng lẫy với mái tóc bồng chải đúng kiểu . Triệu phi đã biết hết. Nàng không cần giữ gìn gì nữa. Vả lại đã được Vua yêu thì nàng còn sợ gì ai .

Thế rồi một chuyện bất ngờ xảy ra . Mấy ngày sau khi nàng trút bỏ bộ áo tu hành. Một bữa tiệc đặc biệt được tổ chức để Mị Nương ra mắt các công nương . Bữa tiệc rất náo nhiệt và mọi người đều vui vẻ. Triệu phi cũng tới dự, nàng mang theo đứa con trai ba tuổi của nàng. Đứa bé tay cầm thỏi kẹo dài, lân la đến bên Mị Nương chơi . Không biết vô tình hay cố ý, nó cầm thỏi kẹo quơ mấy lần vào mái tóc của Mị Nương .

Triệu phi vội chạy lại mắng con , giằng lấy thỏi kẹo và một lần nữa, không biết vô tình hay cố ý để thỏi kẹo chạm vào mái tóc Mị Nương làm mớ tóc giả rớt ra .

Mị Nương đỏ mặt vì xấu hỗ.

Triệu phi vội nói :

- Chết chửa, xin lỗi Công nương .

Triệu phi quay ra bảo một thị tì bế đứa nhỏ đi chổ khác.

Mấy thị tì khác xúm vào sửa lại mái tóc của Mị Nương .

Chính Triệu phi cũng làm bộ sờ mó, nắn nót mái tóc rồi nói thầm vào tai nàng :

- Đẹp lắm rồi ! Dù Thái Tôn có mặt ở đây cũng phải tấm tắc khen ngơi .

Trò châm chọc chỉ có vậy nhưng cũng đủ làm Mị Nương sượng sùng. Nàng không nói gì nhưng tự nhủ thầm là một ngày kia Triệu phi sẽ phải trả một giá rất đắt cho chuyện xảy ra hôm nay .


Trương Tôn Vô Kỵ không hề hay biết việc Vua lén đem Mị Nương về cung . Ông mải lo việc triều chính và đã bị Mị Nương qua mặt . Ông không ngờ từ hồi còn ở chùa, Mị Nương vẫn theo dõi diễn biến trong triều qua sự trung gian của tì nữ Lan Anh . Đến khi Cao Tôn báo cho ông biết nàng đã có mang và muốn lập nàng làm Quý phi, ông mời bật ngửa .

Chức Quý phi là ngôi vị cao nhất, chỉ thua có Chánh cung Hoàng hậu ấy là một vấn đề hết sức quan trọng đối với Chính Sự Đường - Hội đồng Tư Vần Tối Cao - vì nó có liên quan đến triều nghi .

Nếu hội đồng thuận theo lời Vua tức là chính thức thừa nhận một trường hợp loạn luân .

Mị Nương là thiếp của vua cha . Lễ nghi không cho phép làm như vậy . Tất cả các lão thần đều phản đối vì cho rằng vụ này phạm luân lý, đi ngược lại tập tục cổ truyền.

Các triều đại thường sụp đổ vì vua ham mê sắc dục. Hơn nữa bốn ngôi cung phi đều đó có người . Không thể và không muốn phá lề luật của triều đình vì một người đàn bà, nhất là khi người đàn bà đó đã từng phục thị Tiên đế.

Vô Kỵ tâu cho Vua hay quyết định của quần thần.

Sau đó, Mị Nương chỉ được phong làm Chiêu nghi, tức là người đứng đầu trong chín nàng cung tần.



Đây chưa phải là ngôi vị mà Mị Nương mơ tưởng, nhưng lại là ngôi vị nàng không thể đạt tới dưới triều vua Thái Tôn. Nàng được dời về cung riêng. Tuy không ở chung với Vương hậu nữa nhưng ngoài mặt nàng vẫn là một đồng minh của bà. Đối với Hoàng hậu, nàng luôn luôn tỏ vẻ kính trọng và quí mến. Nàng đã vượt qua những chướng ngại lớn nhất trên bước tiến của nàng : Bộ áo tu hành và tội vô luân . Còn những trở ngại khác không thành vấn đề.

Chỉ ít lâu sau, Mị Nương đã chiếm được ưu thế trong cung.

Các thị nữ đều biết nàng.

Nhờ đó nàng dễ dàng theo dõi các biến chuyển bên Chánh cung . Hoàng hậu và bên Triệu phi .

Trái lại, Hoàng hậu lại lơ là việc đó.

Thân mẫu của Hoàng hậu là người phách lối đối với nô tì .

Mị Nương lợi dụng điểm này để khai thác bọn họ.

Mỗi khi được vua ban tặng thứ gì, nàng thường đem chia cho các thị nữ , nhất là những đứa không ưa Hoàng hậu và bà mẹ phách lối . Nàng luôn luôn tỏ cho chúng biết nếu trung thành với nàng. chúng sẽ còn được tưởng thưởng nhiều hơn nữa.

Kết quả là nàng đã nắm được các thị nữ trong cung .

Chúng sốt sắng đưa tin và sẵn sàng thi hành mọi mệnh lệnh.

Nếu nàng không điều khiển nỗi đám người trong phạm vi nhỏ hẹp của cung điện , thì sau này làm sao nàng có thể điều khiển được cả một quốc gia !

Đến ngày khai hoa, Mị Nương sanh được một gái . Nàng rất thất vọng. Triệu phi có một con trai, điều này nàng không thể quên được . Còn Thái tử Lý Trung chỉ là con nuôi của Vương hậu, nàng không coi vào đâu , nhưng với điều kiện là nàng phải có con trai .

Bây giờ nàng biết làm sao đây ?

Mổi lần nghĩ đến điều này, nàng lại trải qua một trận bão lòng. Thượng đế đã thương nàng sao không thương cho trọn !

Một bữa kia, khi đứa bé mới sinh được khoảng mười ngày thì Hoàng hậu qua thăm .

Vì không có con nên Hoàng hậu rất thích trẻ con .

Được tin Hoàng hậu tới, Mị Nương nghĩ ra một mưu độc, nàng lập tức lánh mặt.

Hoàng hậu bế đứa nhỏ nựng nịu một hồi rồi đặt trả vào nôi . Sau đó Hoàng hậu trở về chánh cung .

Mị Nương liền chạy về phòng bóp chết con , rồi phủ xác đứa nhỏ bằng một tấm chăn bông. Nàng biết sắp đến giờ bãi trào và Vua sẽ vào thăm con .

Khi Vua bước vào, nàng chào hỏi , rồi bảo nữ tì thân tín Lan Anh :

- Hãy đem con ta ra đây cho Hoàng Thượng bồng. Nhớ quấn chăn cho kỹ kẻo bị gió .

Lan Anh bế đứa nhỏ ra trao cho nàng .

Nàng rụng rời khi thấy đứa nhỏ mắt nhằm nghiền và đã tắt thở từ hồi nào. Nàng kinh hoảng và lặng người đi một lúc.

- Sao thế này ? Sáng ngày nó cử động như thường mà !

Mị Nương vật vã than khóc một hồi, rồi gạt nước mắt hỏi đứa nữ tì :

- Lúc nãy khi ta ra ngoài, có ai vào đây không ?

- Thưa Công nương, chỉ có Hoàng hậu tới nựng nịu công chúa một lát rồi lại đặt vào nôi và ra về ngay .

Bất giác Vua và Mị Nương đưa mắt nhìn nhau . Thật khó mà tin là có người tàn ác như vậy !

Dĩ nhiên Hoàng hậu không nhận chuyện đó , nhưng tình ngay lý gian : Bà là người sau cùng bế đứa nhỏ, bà làm sao chối cãi được ? Chung qui cũng chỉ vì bà không được lòng mấy đứa thị nữ .

Cao Tôn vốn đã ít cảm tình với Hoàng hậu nay lại càng ghét bà. Vua cho rằng bà đang ganh với Mị Nương cũng như bà từng ganh với Triệu phi, nhưng một bà Hoàng hậu, một bậc mẫu nghi thiên hạ. Không có quyền hành động như vậy.

Thế là Mị Nương, người đàn bà đau khổ vì có con bị giết kia lại càng được Vua sủng ái hơn .

Vua an ủi nàng :

- Trẫm muốn phế bỏ người đàn bà độc ác đó đi . Thị không còn xứng đáng làm Hoàng hậu nữa.

Mị Nương ra vẻ cao thượng :

- Bệ Hạ để ý làm gì , việc đã qua rồi , thôi Bệ Hạ bỏ qua luôn đi .

Mị Nương càng ngày càng được Vua yêu quí .

Năm sau nàng may mắn sinh được một trai đặt tên là Hoằng, rồi năm sau nữa lại sinh thêm một trai đặt tên là Hiền. Điều mà nàng hằng mong mỏi đã đến với nàng .

Nàng là một người may mắn , nhưng nàng vẫn chưa đạt được ngôi vị mà nàng thường ấp ủ : ngôi Chánh Cung Hoàng Hậu . Nàng biết rằng với ngôi vị đó, nàng có thể cùng Vua điều khiển việc triều chính .

Cao Tôn dần dần hiểu thế nào là sống với ba bà cùng một lúc , suốt ngày phải nghe những lời họ than phiền về nhau .

Nhưng người gần Vua nhất vẫn là Mị Nương .

Khi Vua mệt mỏi, Mị Nương thường săn sóc , khi Vua bối rối , Mị Nương thường khuyên lơn, còn những khi Vua tức giận hay buồn bực, nàng hết lòng xoa dịu và tìm cách làm ông vui . Nàng thực tâm muốn trở thành người bạn đồng hành , nguồn an ủi và người dẫn đường của Vua .

Sau năm sau khi Cao Tôn lên ngôi , chuyện tranh chấp trong cung càng trở nên trầm trọng. Vương hậu bị bắt quả tang dùng tà thuật trù ếm Vua . Người ta đào được dưới gầm giường của bà một hình nhân bẵng gỗ có một cây đinh nhọn cắm nơi tim, trên người hình nhân có khắc đầy đủ tên họ và tử vi của Cao Tôn .

Được mật báo tin này, Vua bèn đích thân mở cuộc điều tra .

Người đi báo tin cho Vua dĩ nhiên không phải Mị Nương .

Trước mặt Vua, Hoàng hậu uất nghẹn không thốt nên lời . Bà biết nói gì để chứng minh bà vô tội ? Bà chỉ còn có cách quì xuống xin Vua soi xét. Bà trù ếm Vua thì được ích gì ? Bà đoán biết ai đã cho người chôn hình nhân dưới gầm giường bà, nhưng chứng cớ đâu . Bà chợt hiểu rằng bà đã trừ được một con rắn độc, nhưng lại bị một con bò cạp độc hơn cắn đến chết. Đàn bà thật đáng sợ !

Câu chuyện được đồn đại đến tai quần thần. Mọi người đều xúc động. Họ tự hỏi có thật Vương hậu ếm Vua, hay đó chỉ là một âm mưu ?

Nếu bà ếm người nào khác , như Mị Nương chẳng hạn, thì còn có lý. Vương hậu có muốn trù ếm chắc cũng phải nhờ một mụ phủ thuỷ. Vậy mụ phủ thuỷ đó là ai ?

Chỉ cần vặn hỏi đám thị nữ thì sẽ biết Vương hậu có tội hay không ?

Lại có người thắc mắc không biết phen này Vương hậu có bị truất ngôi không ? Nếu có thì ai sẽ lên thay ? Võ Mị Nương chăng ?

Trong vòng ba năm , mị Nương đã sinh được hai trai và một gái (đã chết). Dĩ nhiên nàng có nhiều hy vọng nhất !

Triều thần bàn cãi sôi nổi việc Vương hậu mưu sát Vua , có đầy đủ chứng cớ. Vậy bà sẽ bị truất ngôi ?

Toại Lương và Vô Kỵ là người có trách nhiệm trực tiếp trông nom Vua và Hoàng hậu , như Thái Tôn đã gửi gấm trước khi băng hà. Hai người linh cảm sẽ có điều không hay xảy đến. Vụ mưu sát này thật vô lý về mọi phương diện. Nhưng phải làm sao ?

Mị Nương cũng cảm thấy tình thế khó khăn nhưng không nản chí.

Lúc ấy, sử quan Hứa Kỉnh Tôn nhận thấy nếu về hùa với Mị Nương thì đây là một cơ hội tốt để hắn tiến thân . Tự tin ở miệng lưỡi của mình, lại là một sử gia chuyên nghiệp , hắn quyết định sẽ hành động .

Người đời bảo hắn thuộc loại sử gia vô ý thức, thường vo tròn bóp méo sự thật, thiếu lương tâm của người viết sử chân chính.

Thỉnh thoảng các quan lại có thể bỏ tiền ra mua chuộc hắn , để được nếu tên trong lịch sử, hay để sửa đổi nhưng lời khen chê . Hắn là người tham lam , sẳn sàng thừa nước đục thả câu . Thấy triều đình rối ren hắn chụp ngay lấy cơ hội để vận động cho Mị Nương lên ngôi Hoàng hậu .

Hắn nói với các triều thần :

- Một nông phu còn có thể lấy thêm vợ khi được mùa. Tại sao Hoàng đế lại không thể lấy người đàn bà mà mình thích ?

Sợ đến tai Vua . Vô Kỵ bèn cấm hắn nhắc lại câu này.

Hầu hết các đại thần đoán biết sự thật trong bốn bức tường cung điện, nhưng họ đều ngoảnh mặt làm ngơ .

Toại Lương và Vô Kỵ là những người mang mối lo nhiều nhứt. Từ ngày Thái Tôn chết đi và để di chiếu lại . Hai ông vẫn hằng quan tâm đến việc triều chính .

Mỗi ngày hai ông đều cho gọi mười vị quần thần vào triều để nhắc nhở tình hình đất nước , cùng các vấn đề phải giải quyết.

Giờ đây hai ông phải đương đầu với một vấn đề cực kỳ nan giải . Muốn truất ngôi Hoàng hậu cần phải có những lý do vững chắc. Hơn nữa Hoàng hậu lại do chính Thái Tôn chọn cho Cao Tôn . Và trước khi chết Thái Tôn còn uỷ thác cho hai ông săn sóc, thì làm sao hai ông có thể để cho Vua lấy một người đàn bà đã hầu hạ Tiên đế. Như thế là loạn luân, làm mất uy tín của Hoàng tộc. Vì lời hứa với Thái Tôn và vì lợi ích cho xã tắc. Hai ông nhất định sẽ phản đối .

Mị Nương biết rằng trong đám quần thần, Vô Kỵ là tay khó chơi nhất vì ông là người đứng đầu trong Tam Công, lại là Nguyên soái nắm hết binh quyền, và cũng chính là cậu ruột của Vua . Nàng phải tìm cách kéo ông về cùng phe . Nếu thành công mọi chuyện khác kể như xong .

Nàng xin Vua đưa nàng đến tận dinh của Vô Kỵ để thăm.

Vua đến nhà quan là một vinh dự đặc biệt, nhưng  Ky rất thắc mắc về mục đích của cuộc viếng thăm này. Đến khi ông thấy có cả Mị Nương đi theo thì ông không còn nghi ngờ gì nữa.

Mị Nương ân cần hỏi ông :

- Mợ đâu rồi , thưa cậu ?

Vẻ ân cần của nàng chứng tỏ đây là một cuộc thăm viếng có tính cách gia đình.

Vô Kỵ mời hai người vào trong dinh .

Cao Tôn và Mị Nương đều tỏ vẻ tự nhiên, thân mật, nhất là Mị Nương luôn luôn vồn vả cởi mở.

Hai bên chuyện trò rất lâu, nhưng đều tránh đề cập đến vấn đề chính .

Khi thấy trời tối, Vô Kỵ mời hai người ở lại dùng cơm .

Hai người tỏ vẻ ngạc nhiên khi nhận ra trời đã tối , mãi vui câu chuyện, quên cả thời gian .

Bữa tiệc được dọn ra, Mị Nương đề nghị :

- Xin phép Bệ Hạ để tất cả mọi người trong nhà cùng ra ăn . Toàn là người nhà, thì giữ lễ làm chi .

Bốn Người con trai của Vô Kỵ cũng có mặt trong bữa ăn . Trong bốn người, chỉ có người anh cả trên hai mươi tuổi hiện làm chức Thủ thư trong triều . Ba người kia chưa có danh phận gì.

Vô Kỵ là một người dạy con rất nghiêm .

Nơi triều Thái Tôn , chính ông đã phản đối việc cha truyền con nối .

Biết ba người con thứ của Vô Kỵ chưa có chức tước .

Cao Tôn bèn phong cả ba làm Đại phu .

Vô Kỵ sửng sốt không dám nhận.

Mị Nương vội nói :

- Cậu đừng từ chối , cậu là người đã xả thân vì xã tắc nhiều hơn ai hết. Đây chỉ là một sự đền bù, một quyền lợi mà cậu phải được hưởng.

Không có cách gì từ chối, Vô Kỵ đành phải bảo các con ra lạy tạ ơn.

Không khí trong bàn tiệc bỗng trở nên cởi mở , thân thiết hơn .

Nhân cơ hội, Vua thu hết can đảm nhắc đến vụ bị Hoàng hậu trù ếm, hơn nữa bà lại không có con trai thì nên truất ngôi đi .

Mị Nương ngồi yên lặng theo dõi tình hình.

Vô Kỵ chỉ ậm ừ, tránh trả lời thẳng vào vấn đề. Ông không nhận lời mà cũng không từ chối . Ông nghĩ, một vấn đề quan trọng như vậy không thể quyết định hấp tấp được .

Cao Tôn thấy Vô Kỵ có vẻ không tán thành nên hơi ngượng.

Thế là bữa tiệc đang thân mật lại hoá ra nhạt nhẽo vô vị .

Vua và Mị Nương ra về.

Ngày hôm sau Mị Nương nhân danh Vua gửi tặng Vô Kỵ mười xe vàng bạc lụa là.

Chính thân mẫu của Mị Nương mang tới tư dinh của Vô Kỵ để tỏ lòng kính mến.

Vô Kỵ biết rõ hậu ý của hành động này.

Tối hôm trước con ông được phong tước, ngày hôm sau chính ông được tặng vàng bạc . Võ Mị Nương có thể mua chuộc được ông sao ?

Ông chỉ chọn vài cây lụa tượng trưng còn bao nhiêu ông gửi trả lại .

Hồi 4: Mị Nương làm chánh cung hoàng hậu

Võ Mị Nương bắt đầu gặp khó khăn .

Hai vị Quốc Công cùng các quan Trung Thư Lệnh và Thị Trung đều họp nhau phản đối việc truất ngôi Vương hậu và không chấp nhận Mị Nương lên thay .

Như thế là một mình Mị Nương phải một lúc đối phó với bốn vị lão thần.

Đứng đầu chính phủ trung ương đời Đường lúc ấy có ba cơ quan :

- Môn Hạ Tỉnh : lo thu nhận những báo cáo từ các nơi gửi về, đồng thời chuyển những mệnh lệnh, sắc chỉ của vua tới các quan thừa hành.

- Trung Thư Tỉnh : giúp Vua lo việc triều chính.

- Nội Các : hay Thượng Thư Tỉnh coi các bộ.

Treo pháp định, đứng đầu Nội các là quan Thừa tướng. Nhưng từ đời Đường Thái Tôn , vua thuờng kiêm nhiệm công việc của Thừa tướng, nên chức này trên thực tế không có nữa.

Điều khiển Nội các chỉ có hai vị Phó Thừa tướng là Tả Bộc Xạ và Hữu Bộc Xạ , cùng phẩm trật với Trung Thư Lệnh tức là vị quan đứng đầu Trung Thư Tỉnh.

Quyền hành tập trung trong tay vua và một nhóm triều thần thuộc Chính Sự Đường , tương tự như Hội đồng Tư Vấn. Tham dự hội đồng này gồm các quan từ tam phẩm trở lên hoặc các quan cấp thấp nhưng được phong hàm đồng Bình Chương Sự hoặc Tham Gia Cơ Vụ .

Sau đây là các cơ quan và chức vị trong tổ chức triều đình . Các số ghi bên cạnh các chức vụ là để chỉ phẩm trật của vị quan đó (ví dụ : (1) Nhất phẫm (2) Nhị phẩm, vv .)

Tam Công (1) và Tam Cô (1) :

Tam Công gồm Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo.

Tam Cô gồm Thiếu Sư , Thiếu Phó , Thiếu Bảo

Là những cố vấn tối cao của vua, như những vị lão thần có danh vọng. Tuy nhiên chỉ là hư hàm, không có nhiệm vụ và quyền hạn nhất định .

Hội đồng Tư Vấn hay Chính Sự Đường :

Thường gồm có quan Thị Trung, hai vị Thị Lang, quan Trung Thư Lệnh, hai vị Trung Thư Thị Lang, và các quan được vua chỉ định, phong cho đồng hàng tam phẩm .

Môn Hạ Tĩnh :

Gồm quan Thị Trung (1) và hai Thị Lang (2).

Trung Thư Tỉnh :

Gồm quan Trung Thư Lệnh (2) và hai Trung Thư Thị Lang (2).

Nội Các hay Thượng Thư Tỉnh :

Gồm các quan Thừa Tướng (2) thường không có trong thực tế, và hai Phó Thừa Tướng (2) là Tả Bộc Xạ và Hữu Bộc Xạ.

Ngoài ra còn có Thượng Thư (2) bộ Lại, bộ Hộ, bộ Lễ , bộ Binh, bộ Hình, bộ Công.

Ngoài các cơ quan trên còn có Ngự Sử Đài gồm các quan Đô Ngự Sử (2), phó Đô Ngự Sử (4). Giám Sát Ngự Sử (4), v.v .

để lo việc giám sát chính quyền trung ương và địa phượng .

Về tư pháp có Đại Lý Viện trông coi việc xử án.

Đứng về phe Vương hậu hiện có các quan : Tả Bộc Xạ Toại Lương, hai Nguyên Soái Vô Kỵ , Thị Trung họ Hàn và Trung Thư Lệnh họ Lại .

Ngoài ra còn có Đại Tướng quân Lý Tích từng phò vua Thái Tôn đi chinh chiến, là một người thật thà, ngay thẳng, nhưng lập trường thiếu vững chắc.

Trước khi vào chầu, Vô Kỵ kể hết cho Toại Lương nghe về cuộc viếng thăm của Vua và Mị Nương cùng các chuyện đã xảy ra tại tư dinh của ông . Các triều thần đều có vẻ lo lắng như đang chờ đợi một cơn bão tố .

Họ phải tìm cách ngăn cản Vua, nhưng ai sẽ lên tiếng trước.

Dĩ nhiên Vô Kỵ là người đầu tiên phải gánh vác chuyện này, nhưng Toại Lương can :

- Tướng quân hãy để tại hạ tâu cho . Tướng quân là cậu của Hoàng Thượng sẽ khó ăn khó nói .

- Hãy để quan Trung Thư Lệnh tâu, có được không ?

- Cũng không được. Chức vị đó đứng đầu bá quan . Nếu Hoàng Thượng khăng khăng không nghe lời thì sinh xung đột lớn.

- Còn chức Tả Bộc Xạ của đại nhân lại không lớn sao ?

- Bản thân tại hạ không đáng kể . Tại hạ xuất thân từ một gia đình tầm thuờng, quan tước đối với tại hạ chỉ là tạm bợ. Đã hứa với Tiên đế, tại hạ phải làm tròn phận sự. Nếu không, làm sao tại hạ có thể gặp lại người nơi chín suối .

Các triều thần xếp hàng để vào chầu khi nghe chuông rung .

Vua lâm trào, ngự trên ngai, Võ Mị Nương ngồi phía trong, sau một tấm màn bằng lụa , để theo dõi buổi chầu mà nàng biết sẽ có liên quan rất nhiều đến nàng.

Cao Tôn mở lời trước. Vua kể chuyện Hoàng hậu dùng tà pháp trù ếm ông . Như vậy bà không còn xứng đáng làm bậc mẫu nghi thiên hạ, cần phải truất ngôi .

Toại Lương bèn bước ra, tâu :

- Muôn tâu Bệ Hạ, xin Bệ Hạ hãy xét lại . Hoàng hậu là người do Tiên đế chọn . Khi hấp hối, Tiên đế bảo hạ thần : Đây là con hiền, dâu thảo của trẫm. Trẫm gửi lại cho khanh .

Chính Bệ Hạ cũng nghe thấy. Hoàng hậu là người tốt. Không có bằng cớ gì chắc chắn chứng tỏ Hoàng hậu đã phạm tội . E rằng khó có thể truất ngôi Hoàng hậu được.

Cao Tôn bình tỉnh lấy ra hình nhân bằng gỗ :

- Hãy xem đây .

Rồi Vua đưa hình nhân cho mọi người xem . Các quan thấy một chiếc đinh nhọn đóng ngay giữa tim của hình nhân, trên thân hình nhân có ghi đầy đủ tên họ, tử vi của Cao Tôn .

Toại Lương vẫn thản nhiên :

- Sao Bệ Hạ không điều tra ? Chắc chắn có nhiều người dính líu vào vụ này : Người đẽo tượng , các tòng phạm, những người dự kiến, và một tay phù thuỷ. Các thị nữ phải biết một trong những người đó. Cứ hỏi chúng là ra hết. Sao Bệ Hạ có thể chắc rằng vụ này không phải do tay một người khác muốn vu hại Hoàng hậu ?

Vua ngồi yên .

Quan Trung Thư Lệnh tiến ra tiếp lời Toại Lương :

- Xin Bệ Hạ tha tội cho những lời không phải của hạ thần. Thay đổi Hoàng hậu một cách khinh xuất rất có hại cho xả tắc. Hạ thần e rằng sẽ có nhiều xáo trộn trong triều đình , cũng như ngoài dân chúng. Hạ thần cũng đồng ý với quan Tả Bộc Xạ là không nên phế Hoàng hậu .

Khi  
Ky dợm bước ra tâu thêm, vua tức giận quát lớn :

- Lui ra hết !

Buổi chầu chấm dứt ngang .

Tối hôm đó, một số triều thần họp riêng tại tư dinh Vô Kỵ . Vì hồi chiều họ được tin Lưu Sử bị bãi chức. Ông là cậu ruột của Vương hậu và từng giữ chức Trung Thư Lệnh.

Chính bởi Mị Nương đã bắt đầu hành động.

Trong buổi họp mọi người đều tỏ ý bất mản và quyết định sẽ tiếp tục tranh đấu .

Riêng Toại Lương định tâm sẽ ra mặt quyết liệt vào buổi chầu sáng hôm sau .

Cao Tôn lâm trào , mở đầu bằng câu nói của Mạnh Tử :

- Trong các tội bất hiếu, tội nặng nhất là không con nối dỏi . Vương hậu không có con trai, Mị Nương có hai đứa. Vậy ý trẫm đã quyết.

Toại Lương thong thả bước ra, quỳ trước bệ rồng, hai tay nâng thẻ ngà (thẻ này các quan đều phải cầm ở tay khi vào chầu), và chậm rãi tâu :

- Muôn tâu Bệ Hạ , thần muốn nhắc nhở Bệ Hạ về di ngôn của Tiên đế . Vả chăng lời thần đã hứa với người trước mặt Bệ Hạ. Nay Bệ Hạ quyết ý như vậy, thần cũng không còn gì để nói . Thần xin hoàn lại Bệ Hạ tấm thẻ hầu trào này. Xin Bệ Hạ tha thứ cho tội vô lễ của hạ thần.

Nói dứt , Toại Lương đặt tấm thẻ ngà trước bệ rồng, rồi lạy dập đầu xuống đất nghe binh binh để tỏ ý phản đối .

Cao Tôn rất kinh ngạc trưởc cử chỉ và lời nói vô lễ của ông . Vua chưa kịp nói gì thì một giọng nói trong trẻo và lạnh lùng vọng ra từ sau bức màn :

- Đem tên khốn nạn đó ra mà giết đi !

Vô Kỵ vội tâu :

- Toại Lương can gián Bệ Hạ chỉ vì bổn phận. Không nên trách phạt.

Cao Tôn phán :

- Hãy đem y ra !

Buổi chầu một lần nữa gián đoạn nữa chừng.

Toại Lương bị bãi chức Tả Bộc Xạ và bị biếm ra làm Thứ Sử tại một quận miền rừng núi đất Qui Châu , Hình phạt này thường áp dụng cho các đại thần phạm tội nghịch ý vua .

Toại Lương ra đi không ân hận điều gì. Ông chỉ buồn là không biết sẽ còn những chuyện gì xảy ra nữa.

Với sự giựt dây của Mị Nương . Cao Tôn có những quyết định táo bạo và độc đoán.

Vua không cần nghe lời các đại thần can gián.

Cao Tôn và Mị Nương để ý thấy trong buổi chầu mới rồi , Lý Tịch không đến dự. Có lẽ ông là người dễ bảo hơn mấy người kia . Hiện ông đã được phong làm Quốc công .

Cao Tôn đang cần một vị có tước nãy để làm lễ tấn phong Hoàng hậu .

Vua gọi ông vào để hỏi ý kiến.

Ông đáp :

- Ấy là việc riêng trong gia đình của Bệ Hạ , kẻ bề tôi đâu dám dị nghị gì.

Vua rất mừng, bèn xuống chỉ truất ngôi Vương hậu và phong cho Mị Nương làm Chánh Cung Hoàng Hậu .

Tin này đồn ra ngoài làm dân chúng rất xúc động và là đầu đề cho mọi người đàm tiếu . Họ còn thêm mắm thêm muối để biến câu chuyện thành một vụ bỉ ổi ghê gớm . Họ bảo tân Hoàng hậu từng làm vợ của vua cha . Bà đã đi tu và đáng lẽ bây giờ còn là bà vãi chùa Hưng Long ; bà có con với Vua từ hồi còn là nữ ni v.v... Vậy bà là một con điếm. Khắp các trà đình tửu quán, đâu đâu cũng có tiếng sầm sì, bàn tán.

Vô Kỵ nằm bẹp ở nhà, nghiền ngẫm nỗi buồn của mình.

Ngày lễ tấn phong được định vào tháng mười một , tức một tháng sau đó. Buổi lễ sẽ được cử hành cực kỳ trọng thể với đầy đủ nghi thức hơn cả lễ đăng quang của một vị Hoàng đế, để chứng tỏ Võ Mị Nương là Hoàng hậu chính thức. Vả lại, những gì xa hoa, lộng lẫy đều hợp với bản tính của Mị Nương .

Hứa Kỉnh Tôn, vị sử gia khôn ngoan của chúng ta, đương nhiên đứng ra phụ trách phần nghi thức của buổi lễ. Có đến hàng ngàn việc y phải lo trong vòng một tháng trời : lễ phục, xe, ngựa, ngọc ấn , âm nhạc, vũ công người giúp vui , tiếp tân , sửa soạn cho các Hoàng tử và Công chúa, sắp đặt triều thần. vv .

Ngày lễ tới . Tiếng đàn ca nhả nhạc tưng bừng. Chánh điện chật ních các vị đại thần.

Thị nữ đỡ Mị Nương ra . Trông nàng hôm nay thật lộng lẫy với chiếc vương miện đầy châu ngọc sáng chói và chiếc áo triều phụng rực rỡ ; hài và thắt lưng đều có thêu chỉ vàng như Hoàng đế. Từ cách ăn mặc đến cử chỉ trông nàng đúng là một bà Hoàng. Nàng rất điềm tĩnh và bình thản nhận lấy hộp Ngọc đường tỷ ấn do Quốc công Lý Tích long trọng trao tận tay (khôi hài thay, ngày sau chính nàng cho người phân thây vị Quốc công này). Sau đó nàng bước lên ngai Chánh Hậu . Các đại thần đều đến chúc mừng.




Theo sự xếp đặt đặc biệt, sau buổi lễ tại chánh điện, Võ Hậu sẽ ra mắt tất cả quần thần lại Bảo tháp ngoài Tây môn . Chiếc xe ngựa đặc biệt dành cho Hoàng hậu vào những dịp đại lễ đã sẵn sàng. Đây là một chiếc xe lớn , thân xe màu xanh và vàng, có tám cửa sổ lộng khung kính và màn che màu đỏ, nóc xe và thành xe sơn son, quanh xe có cắm nhiều lông chim trĩ (tượng trưng cho Hoàng hậu). Những con ngựa kéo xe cũng được trang điểm rực rỡ. Chiếc xe được dẫn đường bởi một toàn kỵ binh ăn mặc rất đẹp.

Khi tới Tây môn, Võ Hậu bước lên Bảo tháp và đứng lại lan can trên sân thượng .

Bá quan văn võ và sứ thần của các nước chư hầu đều quỳ dưới chân tháp. Tất cả đều mặc lễ phục. Những người ở hàng đầu lễ phục đỏ thẫm, dây lưng vàng dát ngọc, là các vương tước và các đại quan từ tam phẩm trở lên . Phía sau họ , những người mặc áo tím, dây lưng vàng, là các quan tứ phẩm , những người mặc áo tím nhạt, dây lưng vàng, là ngũ phẩm. Những người mặc áo xanh lá cây, dây lưng bạc, là lục và thất phẩm, v.v .

Võ Hậu mỉm cười để đáp lại cử chỉ cung kính của các bề tôi . Sau đó bà trở về cung để chủ toạ một buổi tiếp tân đặc biệt dành cho phu nhân của các quan và các sứ thần chư hầu tại nội cung . Các phu nhân đều thán phục phong thái và vẻ ung dung của Võ Hậu . Họ cố quên đi nguồn gốc của bà. Có người nhận xét miệng bà hơi rộng , chứng tỏ bàn tính tham lam . Có người lại sợ ánh mất sắc như dao của bà, ánh mắt của những phụ nữ rất cương quyết. Bà không bao giờ ngượng ngập, luôn luôn thích gặp và nói chuyện với mọi người, và nhất là thích nghe mọi người tâng bốc. Ngày lễ hôm nay bà đã phá bỏ rất nhiều lệ cũ.

Sau buổi tiếp tân, một tiệc yến được dọn ra để đải khách, có các đoàn ca vũ tới trình diễn.

Cuộc vui kéo dài tới khuya khiến vua cũng mệt phờ râu .

Hồi 5: Võ Tắc Thiên

Võ Hậu được tấn phong vào tháng 11 năm 655 , khi bà được ba mươi tuổi.

Tên bà được đổi là Võ Tắc Thiên . Bà mong mỏi và đã đạt được địa vị tôn quí nhất của một người đàn bà. Nhưng tham vọng của bà không phải chỉ có vậy.

Không ai hiểu được đàn bà trừ phi đã cưới họ làm vợ .

Cao Tôn đã nhận ra điều đó rất sớm.

Chỉ một tháng sau khi chính thức cưới Mị Nương, Cao Tôn đã nhìn ra bản chất của bà. Tuy vậy, ông vẫn có cảm giác khoan khoái vì có một người giúp ông đắc lực từng chuyện nhỏ cũng như chuyện bên ngoài. Ông nhận thấy Võ Hậu không phải chỉ là một món đồ chơi xinh đẹp như Triệu phi . Ông bắt đầu suy nghĩ về bà Quí phi này, cũng như về bà Hoàng hậu mà ông đã kết tội. Bỗng dưng ông cảm thấy tràn trề hối hận. Dù sao, ông cũng không để cho Võ Hậu thấy những ý nghĩ của ông .

Một ngày kia, Võ Hậu rời cung đi thăm vài người họ hàng. Cao Tôn bèn quyết định đi thăm hai người đàn bà đáng thương kia . Ông đi thơ thẩn về phía lãnh cung , trong lòng nóng nãy và có cảm giác như kẻ phạm tội .

Khi đến nơi ông thấy lãnh cung khoá kỹ , chỉ chừa một lỗ hổng ở bên cạnh để đứa cơm nước vào bên trong .

Thường thường các Hoàng hậu hay Cung phi có tội đều bị giữ tại lãnh cung, nhưng đâu đến nỗi bị nhốt giống tù như vậy.

Cao Tôn ghé miệng gần lỗ hổng và gọi :

- Ái hậu, ái phi ! Hai khanh đâu ?

Một lát sau, giọng nói yếu ớt và buồn rầu của Triệu phi vọng ra :

- Sao Bệ Hạ lại gọi bọn thiếp như vậy. Bọn thiếp đâu còn là Hoàng hậu hay Quý phi nữa.

Ngừng một chút, Triệu phi lại tiếp, giọng có vẻ cầu khẩn :

- Xin Bệ hạ hãy vì nghĩa cũ mà tha bọn thiếp ra . Chỉ cần ra khỏi chốn này là bọn thiếp sẽ đội ơn Bệ Hạ muôn đời.

Cao Tôn cảm thấy bồi hồi xúc động. Ông an ủi :

- Hai khanh đừng lo . Trẫm sẽ liệu cách.

Cao Tôn quay về cung, tâm tư nặng trĩu. Ông cảm thấy vừa xót xa vừa hổ thẹn. Ông có biết đâu mấy đứa tâm phúc của Võ Hậu đã theo dõi ông và báo cáo cho bà biết ngay .

Võ Hậu thừa rõ ông là người yếu đuối về mặt tình cảm, nên bà đã tổ chức một hệ thống gián điệp hoạt động rất đắc lực. Tai mắt bà đặt khắp nơi để đề phòng những chuyện bất ngờ, ví dụ như chuyện vua đến thăm Hoàng hậu ngày hôm nay, hoặc chuyện vua lẻn đem ni cô nào đó vào cung để lật đổ bà , như bà đã từng lật đổ Vương hậu.

Khi Võ Hậu về tới cung, bà được báo cáo đầy đủ về cuộc viếng thăm lén lút của Vua .

Hiển nhiên Vua hãy còn nhớ tới người cũ. Bà sẽ cho họ biết tay .

Cao Tôn chưa kịp hỏi han gì, Võ Hậu đã chặn trước. Bà vặn hỏi vua về vụ xuống lãnh cung thăm Hoàng hậu và Triệu phi, nhưng Vua một mực chối. Cuối cùng Võ Hậu nói :

- Nếu Bệ Hạ không đi thăm họ thì hay lắm.

Võ Hậu không phải người có thể chấp nhận được việc vua đoái thương đến hai người đàn bà kia. Bà sẽ chấm dứt hành động này, không những để trả thù hai người đàn bà xấu số đó, mà còn cảnh cáo các cung phi, mỹ nữ khác. Bà sẽ cho tất cả một bài học. Là đàn bà, bà biết đàn bà nguy hiểm như thế nào.

Võ Hậu ra lệnh cho thuộc hạ đánh hai người đàn bà khốn khổ mỗi người một trăm roi. Sau đó bà cho chặt hết chân tay họ rồi ngâm trong hầm rượu.

Bà nói :

- Hãy cho chúng hưởng những cảm giác mê ly tận xương tuỹ cho đến khi chúng biến thành nước...

Vài ngày sau, hai người đều chết vì không chịu nỗi sự hành hạ.

Được tin này, Võ Hậu chỉ mỉm cười. Nghe lời Hứa Kỉnh Tôn,Võ Hậu biếm tất cả họ hàng, thân thích của Vương hậu và Triệu phi ra Quảng Đông, một miền đất xa xôi ở phía Nam. Võ Hậu còn đòi Cao Tôn phải cho người đào mộ thân phụ Vương hậu (một vị quốc công) để bầm thây.

Vua thấy làm như vậy lá quá bất nhân nhưng cũng nghe theo.

Từ đó Võ Hậu càng ngày càng độc ác.

Thêm vào đó, bà lại có một lối chơi chữ cay độc : Bà lấy làm thú vị khi nghĩ ra chữ Vương vần với "hổ mang" và chữ Triệu đồng âm với "kên kên" , thế là bà xuống chỉ bắt mọi người kêu những người còn lại trong hai họ này là bọn "hổ mang" và bọn "kên kên" .

Giai đoạn đầu của đời bà chấm dứt, đánh dấu một thành công rực rỡ trên xác chết của hai người đàn bà khác.



Võ Hậu có thân hình đẹp đẽ da thịt thơm tho... nhưng tất cả chỉ là nọc độc giết người.

Cao Tôn không khác gì con cá đớp miếng mồi ngon , đến khi cảm thấy lưỡi câu đã mắc vào ruột mình thì có muốn nhả ra cùng không được nữa.

Cao Tôn đau đớn và rùng mình vì những cảnh chém giết không cần thiết .

Tại sao không để cho họ một cái chết nhẹ nhàng hơn, như tự treo cổ để khỏi đau đớn .

Ông cảm thấy tai hoạ chụp xuống hai người đàn bà đó như chụp xuống cả chính ông. Trước đó , ông không hề hay biết các hành động dã man đó. Ông tự hỏi ông là vua hay chỉ là một đứa ăn mày ? Lương tâm ông bắt đầu nổi dậy chống lại người đàn bà độc ác, nhưng ông không nói gì. Chiến tranh lạnh bắt đầu.

Dần dần mọi người hiểu mục đích của Võ Hậu khi bà hành động tàn bạo như vậy . Bà muốn trong nhà phải được quét sạch sẽ, hay
nói cách khác chế độ đa thê phải chấm dứt, dù là Vua cũng vậy . Nhiều thê thiếp quá, Vua chỉ đuối sức thêm ! Vậy không cần cung phi, mỹ nữ gì nữa. Tuy nhiên, để Vua khỏi mất mặt với các Vương hầu, bà sẽ giữ lại một số cung nữ để phụ tá Vua trong việc giử gìn đạo đức.

Với mục đích bảo vệ luân lý, bà đặt ra hai chức phụ tá đạo đức thay thế bốn cung phi, và bốn chức giám sát tinh thần thay thế chín cung tần, để giúp Vua và nhắc nhở Vua khỏi lạc bước vào cảnh mê sa tội lỗi .

Đàn ông sinh ra có người tự nhiên đạo đức , có người bị bắt phải đạo đức. Cao Tôn ở trong đám người thứ hai. Hành động của Võ Hậu khiến ông xa lánh mọi người, ông sống trong cắn rứt và đau buồn. Tình yêu của ông đối với Võ Hậu đã biến thành sự sợ hãi. Ông có cảm tưởng như mình đã lấy phải một con báo gấm. Hình ảnh con báo nãy luôn luôn theo ông vào giấc ngủ và tạo nên những giác mơ hãi hùng.

Người ta không thể yêu đương một người đàn bà mà người ta sợ hãi và chán ghét cùng cực . Tuy chưa già (mới hai mươi tám tuổi), ông đã cảm thấy bà vợ không còn kích thích được ông nữa. Điều này càng cảm ông xấu hổ và hối hận. Ngọn lửa ham muốn của ông đã bị Võ Hậu dập tắt. Đây là lý do mà mãi sáu năm sau Võ Hậu mới sinh được người con thứ tư tên là Đán (ba người con trước là : Hoằng, Hiền và Triết) và là nguyên nhân đưa đẩy Võ Hậu vào những cuộc ngoại tình liên miên.

Ngoài ba mươi tuổi, Cao Tôn mắc bệnh thần kinh , thường nhức đầu , choáng váng và bị một số chứng bịnh khác mà các quan Thái y không tìm ra . Tóc ông bắt đầu bạc . Tính ông càng ngày càng nhút nhát , ông ghét việc triều chính , thường để mặc Võ Hậu thao túng .

Điều mong ước duy nhất của ông là hãy để ông yên .

Hồi 6: Thanh trừng những kẻ chống đối

Võ Tắc Thiên không phải là người chỉ thích được quần chúng coi như thần tượng, triều thần coi như một bà Hoàng hậu lộng lẫy xinh đẹp, hay được mọi người tung hô, bái phục như trong dịp lễ tấn phong . Thâm tâm bà mơ tới một hình ảnh cao xa hơn : Bà muốn mình phải là một bà Hoàng thực sự. Một bà Hoàng vĩ đại. Bà say mê với ý tưởng bà sẽ làm những việc kinh thiên động địa để cái tên Võ Tắc Thiên phải được in đậm trong sử sách. Bà sẽ là một Võ Tắc Thiên Đại đế, vô song, xuất chúng.

Công việc đầu tiên và quan trọng bà phải làm là thống nhất chính quyền. Theo bà, guồng máy chính quyền chỉ hoạt động đắc lực khi tất cả triều thần tuyệt đối nghe lời một người duy nhứt. Bà không khi nào quên được bốn kẻ đã phá rối và cản bước tiến của bà.

Hai tháng sau ngày lễ tấn phong Hoàng hậu. Thái tử Lý Trung (con của Vương hậu) bị phế để Hoằng (con cả của Võ Hậu) lên thay . Hứa Kỉnh Tôn được phong làm Cấp Sự Trung , tối tối đến Tây môn để chờ lệnh Võ Hậu. Bà tin dùng hắn vì hắn rất rành luật lệ.

Bà coi hắn như chiếc roi dùng để đập lên đầu các triều thần bắt họ làm việc. Đối với bà, công việc là công việc, không thể xen tình cảm vào được .

Để thực hiện việc thống nhất chính quyền , bà thanh trừng những kẻ chống đối.

Toại Lương đã bị đổi đi xa, nhưng Vô Kỵ , Hàn và Lai vẫn còn trước mắt bà . Tuy Vô Kỵ chỉ đứng bên lề cuộc chống đối và giữ yên lặng, nhưng ông là người biết quá nhiều chuyện. Ông đã trải qua ba đời Vua : Cao Tổ, Thái Tôn và Cao Tôn . Hàn và Lai cũng không thực sự chống đối, họ chỉ là những lão thần quá thẳng thắn và cương nghị, không chịu theo bà ngay, nhưng bà cũng không chấp nhậu được. Bà không thích một triều đình lộn xộn, mỗi người một ý. Đã đến lúc bà củng cố thế lực, mọi người phải ngoan ngoãn tuân theo bà .

Trong ba người đó, Võ Hậu cảm thấy chỉ có Vô Kỵ là tay khó chơi nhất, vì ông là chỗ nương tựa của Cao Tôn, lại là một người thế lực rất lớn. Bà quyết định sẽ không triệt hạ ngay mà chỉ chặt hết các vây cánh của ông trước, cho đến khi ông cô thế bà mới ra tay. Quyết định này chứng tỏ tài năng chính trị của Võ Hậu rất dồi dào .

Hàn là người đầu tiên gây nên cớ để Võ Hậu triệt hạ : Ông đã dám xin tội cho Toại Lương . Việc Toại Lương bị biếm đi xa làm cho lương tâm ông không lúc nào được yên . Sau một năm chờ đợi, ông cảm thấy đã đến lúc phải làm bổn phận của một người bạn và nhiệm vụ của một quan đầu trào : xoá bỏ sự bất công đối với Toại Lương .

Là người thừa hưởng truyền thống bất khuất của đời vua trước, ông luôn luôn giữ vững lập trường, sẳn sàng chỉ trích Vua và mất chức nếu cần.

Trong khi tranh đấu cho Toại Lương được trở về, ông đã vào chầu và đọc một bài sớ rất dài, nhắc nhở Vua về nguyên tắc căn bản trong việc trị vì là phải trọng dụng các triều thần thẳng thắn, cương nghị ông nêu trong lịch sử những trường hợp nước mất nhà tan chỉ vì sự ra đi của các bậc trung thần.

Rồi ông kết luận : Dù Toại Lương có xúc phạm đến Bệ Hạ, y đã phải chịu hình phạt trong suốt một năm . Cúi xin Bệ Hạ hãy tha tội cho y .

Khi đọc sớ , có thể ông không biết là Võ Hậu đang ngồi phía sau bức màn. Hoặc ông biết mà không cần.

Nghe sớ xong, Cao Tôn nói :

- Trẫm rất tôn trọng những lời của khanh vừa nêu ra. Nhưng trẫm nghĩ khanh chỉ làm cho nội vụ thêm rắc rối . Trẫm biết Toại Lương thẳng thắn , nhung y lỗ mãng quá sức. Trẫm trừng phạt y không phải hay sao ?

Hàn trả lời :

- Tâu Bệ Hạ , thần lại nghĩ khác. Xây dựng một triều đại vững mạnh, công việc tiên quyết là phải chọn lựa và trọng dụng các hiền thần. Vấn đề là Bệ Hạ muốn dùng nhân tài hay các kẻ nô lệ. Người ta thường nói : một hạt cát có thể làm ngừng chạy cả bộ máy. Thần e rằng có vài cá nhân đang lợi dụng sơ hở để bôi lọ và khai trừ các công thần, phương hại đến toàn thể triều đình .

Những lời này công nhiên phỉ báng Võ Hậu. Bà không nói gì trong suốt buổi chầu, nhưng sự yên lặng của bà càng đáng sợ hơn.

Sồ phận của Hàn đã được quyết định .

Hẳn chúng ta còn nhớ, vị Thái tử trước là Lý Trung bị truất vào năm mười ba tuổi vì không có ai đỡ đầu. Trung chỉ là con một cung tần tầm thường được Vương hậu đem về nuôi . Nay Vương hậu đã chết, Trung hết chỗ nương tựa . Võ Hậu nghĩ ra một kế. Bà phao tin Trung muốn cướp ngôi và bịa ra một âm mưu soán nghịch. Sau đó bà ghép những người chống đối hoặc làm vướng chân bà vào âm mưu tưởng tượng đó.

Thế là mấy năm tiếp theo, mũi dùi chính trị tập trung vào cậu bé đáng thương mới mười mấy tuổi đầu này. Cậu luôn luôn bị theo dõi và sống lòng phập phòng lo sợ.

Đầu tiên Hàn và Lai bị ghép vào tội phản nghịch vì đã kết đảng với Lý Trung và mưu đồ nỗi dậy. Hàn bị đầy ra đảo Hải Nam 
còn Lai ra miệt Chiết Giang, tận bờ biển phía Đông để hai người có dịp suy ngẫm về những lỗi lầm của mình.

Vì Cao Tôn cũng đang muốn tránh mặt mấy vị đại thần đó, nên Vua rất hài lòng về việc này.

Hứa Kỉnh Tôn ngang nhiên làm thủ tục cho họ đi đầy không hề chứng minh tội trạng mà Vua cũng chẳng truy vấn. Giả thử âm mưu có thật thì Lý Trung đã không thoát khỏi Hoàng cung và hai ông đã bị đem ra xữ trảm.

Hứa Kỉnh Tôn không cần để ý đến chi tiết đó vì Võ Hậu là chỗ dựa vững chắc của hắn. Vô hình chung, hắn được ngồi vào chiếc ghế Thị Trung của họ Hàn.

Hứa Kỉnh Tôn chưa lấy thế làm hài lòng . Hắn điều nghiên tình hình rồi quả quyết rằng cuộc âm mưu phản loạn đã bắt đầu phát động tại Quí Châu và do Toại Lương cầm đầu.

Hắn còn bảo Hàn đã cố ý đưa Toại Lương ra Quí Châu để mưu đồ hoạt động.

Lần này Toại Lương bị đầy đi xa hơn nữa, tận Hà Nội - thuộc bán đảo Đông Dương - tách khỏi vùng đất văn minh .

Toại Lương bèn viết một bức thư cho Cao Tôn, kể lại chuyện Cao Tôn đã khóc ngất trong tay ông sau khi được phong làm vua trước linh cửu của Thái Tôn . Ông tỏ ỷ xin lỗi Vua về những lời xúc phạm và khẩn cầu Vua cho phép ông được trở về Trung Hoa, nhưng không thấy trả lời. Năm sau ông mất và được chôn tại Hà Nội. Hai người con trai của ông cũng lần lượt chết trong khoảng thời gian này.

Toại Lương, Hàn và Lai đã bị quật ngã.

Giờ đây chỉ còn lại mình Vô Kỵ . Ông cảm thấy điều bất tường sắp xảy ra nên ông dành hết thì giờ để viết nên một bộ sử về hai triều đại trước. Khi hoàn tất bộ sử gom làm mươi tập này, ông được vua ban thưởng hai ngàn cây lụa .

Rồi việc gì phải tới đã tới...

Mùa xuân năm 659 , Hứa Kỉnh Tôn thấy đã đến lúc phải dùng mọi phương pháp để buộc tội Vô Kỵ . Hắn lại dùng chiêu bài "Cuộc phản loạn của Lý Trung" để hại ông .

Cơ hội đã đến ...

Vô Kỵ có một người bạn họ Vi . Một hôm Vi bị bắt vì tội ăn hối lộ.

Hứa Kỉnh Tôn - hiện đã là Trung Thư Lệnh kiêm Trưởng quan Đại Lý Viện - bèn bảo Vi là nếu chịu vu cáo cho Vô Kỵ thì sẽ được tha, nhưng Vi không chịu. Sau nhiều cuộc tra tấn dã man, Vi vẫn một mực không chịu bán bạn cầu an. Sau Vi chịu không nỗi, bèn tìm cách tự sát . Thấy Vi sắp chết. Hứa Kỉnh Tôn tâu láo là Vi đã cung khai Vô Kỵ mới là đầu não của cuộc mưu phản, chứ không phải Toại Lương .

Được tin nầy, Cao Tôn rất xúc động .

Vua ra lệnh cho một vị quan khác là Viên Công Hữu điều tra lại. Nhưng Hữu lại chính là vây cánh của Hứa Kỉnh Tôn nên kết quả cuộc điều tra giống hệt như lời báo cáo của họ Hứa.

Cao Tôn vẫn không tin :

- Báo cáo láo ! Cậu ta không bao giờ lại làm việc đó. Làm như vậy ông có lợi gì ?

Hứa Kỉnh Tôn đã sắp sẵn câu trả lời :

- Tâu Bệ Hạ, ngày trước chính Vô Kỵ là người đề nghị lập Trung làm Thái Tử. Nay Trung lại truất, ông cảm thấy địa vị của mình bấp bênh nên phải tính kế. Vả lại ông là người luôn luôn chống đối Hoàng hậu, dĩ nhiên ông phải sợ mất chức, ông mưu đồ đưa Trung lên ngôi là để bảo tồn quyền lực hiện có.

Cao Tôn rất buồn vì bãi chức Vô Kỵ là tự chặt cánh tay phải. Vua lại do dự, không muốn ký giấy bắt giữ Vô Kỵ.

Vua thở dài :

- Ta rất xấu hổ về việc này. Người trong gia đình mà phải bắt bớ nhau.

Kỉnh Tôn nhấn mạnh thêm là phải bắt Vô Kỵ ngay vì ông có thế lực rất lớn. Biết sắp bị bắt, ông có thể hành động liều lĩnh.

Cao Tôn cũng cảm thấy không thể vì tình cảm riêng mà để gây hoạ lớn.

Tối hôm đó, trước mặt Võ Hậu, Cao Tôn đã ký lệnh bắt Vô Kỵ và biếm ông ra đất Quí Châu. Vô Kỵ là người góp phần vào việc tạo lập ra nhà Đường. Tên ông gắn liền với Thái Tôn . Vì vậy Cao Tôn cho phép ông giữ nguyên phẩm tước và ra lệnh cho các quan địa phương phải tiếp đón ông như bậc đại thần của triều đình.

Năm sau, Hứa Kỉnh Tôn sai Viên Công Hữu ra Quí Châu buộc Vô Kỵ phải khai những đồng loã , nhưng Vô Kỵ không chịu . Thấy đã hết chỗ dung thân, ông tự treo cổ.

Thế là bản cung khai của ông được gởi về triều. Dĩ nhiên đây chỉ là một bản cung khai giả mạo đã được viết ra lúc Hữu chưa đi Quí Châu.

Hữu còn có nhiệm vụ ra đảo Hải Nam để kiếm họ Hàn và ép ông tự sát. Nhưng khi y tới nơi, Hàn đã chết. Y bắt phải mở áo quan để y kiểm soát.

Gia đình Vô Kỵ và Hàn bị đuổi ra Quảng Đông để làm nô lệ .

Lúc đó Hoàng tử Lý Trung được mười tám tuổi . Chàng rất buồn khi thấy tên mình luôn luôn gắn liền với một âm mưu tưởng tượng, đã làm hại không biết bao nhiêu người. Chàng bị bắt và giáng xuống làm thứ dân, rồi bị đầy đi Quí Châu, nơi Vô Kỵ đã thở hơi cuối.

Sau khi chứng kiến những sự thật thê thảm, chàng luôn luôn sống trong lo âu . Chàng thường ăn mặc giả gái và thay đổi chỗ ngủ để tránh các cuộc ám sát có thể xảy ra. Nỗi lo âu càng ngày càng đè nặng tâm thần chàng khiến nhiều đêm chàng vùng dậy và bỏ chạy vì những giấc mơ hãi hùng.

Chàng thường nhờ thầy bói giải thích nhưng điềm mộng mị để biết mà đề phòng. Chàng càng ngày càng tiều tuỵ, cô độc...

Tuy nhiên, Võ Hậu vẫn không đả động đến chàng vì thấy chàng còn có thể dùng được việc.

Trong vòng năm năm, kể từ khi Võ Mị Nương lên ngôi Hoàng hậu, bốn đối thủ của bà đều đã bi triệt hạ : Toại Lương, Vô Kỵ, Hàn và Lai. Riêng ông Lai không phải do Võ Hậu giết, nhưng vì thất vọng và phẫn uất. Ông đã liều lĩnh xông pha ngoài mặt trận và bị giết. Giờ đây Võ Hậu tự do thao túng triều đình. Mọi việc đều theo đúng ý bà.


Nguồn vnthuquan.org 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved