Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

19 thg 11, 2013

Thanh Cung Mười Ba Triều - Hứa Tiếu Thiên - Hồi 61,62,63,64

Hồi 61: Miên Canh Nghiêu, một dữ tướng

Hạn kỳ nán lại kinh đô đã mãn, đại tướng quân Miên Canh Nghiêu bèn từ biệt hoàng thượng, phó nhiệm Thiểm Cam tổng đốc. Dọc đường có quan địa phương đón tiếp đầy đủ. Trong đoàn còn có mấy tay thám tử của hoàng đế trà trộn vào và sau này nhất cử nhất động của Miên đại tướng, chúng đều báo mật về kinh cả. Thế mà Miên chẳng biết gì, cứ y như người nằm ngủ trong trống. Miên đại tướng cậy mình là một vị công thần trụ cột, hơn nữa lại vừa mới bình định được Thanh Hải, Tây Tạng, cho nên trời thì cao, hoàng đế thì xa Nghiêu đâm ra ỷ thế làm càn.
Trước đây đã có nói qua tinh lực của Nghiêu quả thật hơn người. Cứ mỗi tối, trước khi ngủ, thế nào Nghiêu cũng phải có năm, bảy cô gái vạm vỡ, lực lưỡng thay phiên nhau hầu hạ. Vô phúc đêm nào mà không có gái đô vật thì đêm đó đừng hòng Nghiêu ngủ được. Thực ra, thì Nghiêu cũng có năm thê, bảy thiếp, bà nào, cô nào cũng mắt phượng mày ngài, phấn điểm son tô, nhưng trước mắt Nghiêu, đó chỉ là những bức tranh để ngắm, để khen, để ve vuốt tí tẹo cho vui vậy thôi.

Đến năm Miên đại tướng làm Thiểm Cam tổng đốc thì đã nhiều tuổi, tinh lực xem đã suy giảm đáng kể. Bởi vậy Miên đã có phần thua sút trong những cuộc chinh chiến trên giường.

Hơn nữa, bọn gái đô vật của Nghiêu cũng đã trên dưới ba mươi cả, Nghiêu thấy hết khoái nên đâm ra chán ghét, bèn đem phân phát hết cho bọn đàn em dưới trướng rồi cho người đi lùng khắp miền Thanh Hải, Tây Tạng bắt bọn gái Hồi trẻ măng về thay thế. Chưa đầy nửa năm mà Nghiêu đã vét về được hơn mười cô vừa trẻ vừa khỏe hết chỗ nói. Từ đó Nghiêu suốt ngày nọ sang đêm kia hú hí với bọn gái Hồi.

Qua năm thứ ba, Miên đem đại đội người ngựa xuất tuần các miền Thiểm, Canh, Thanh, Tạng. Khi tới miền Tây Ninh, có một vị tạng cổ bối lặc tên gọi Thất Tín ra đón rước: Nghiêu có cái tính tệ nhất là môi khi tới địa phương nào, y thường bắt không những chức sắc mà còn cả quyến thuộc của bọn này ra tiếp rước, rồi thấy có bà có cô nào trông vừa mắt là y chọc ghẹo, làm nhiều điều thương luân bại lý, mất cả thể thống.

Bọn quan lại địa phương tự nghĩ thân hèn phận mọn đành nhẫn nhục chịu đựng, dám giận mà chẳng dám nói năng, hành động gì.



Lần này Nghiêu đại tướng tới Tây Ninh. Tất nhiên, bọn chức sắc địa phương lại phải đem đủ vợ con thân thích ra đón rước. Đám phụ nữ vùng này chẳng có mống nào ra hồn, song lại có con gái của Thất Tín tên gọi là Giai Đặc cách cách đẹp như tiên nga giáng thế. Giai Đặc cách cách vừa duyên dáng, quyến rũ lại vừa quý phái đài các, khiến Miên mới trông thấy đã mê tơi. Đêm hôm đó Nghiêu đặt giường ngủ trong phủ của Thất Tín. Nửa đêm Nghiêu thức giấc dậy, ao ước tới người đẹp Giai Đặc như muốn điên lên được. Nghiêu bèn gọi tên tiểu đồng tâm phúc, giao chiếc quân lệnh cho hắn, bảo vào nhà trong truyền gọi Giai Đặc cách cách ra thị tẩm (hầu hạ để giúp giấc ngủ được yên ổn). Giai Đặc cách cách nhìn thấy quân lệnh, phần sợ hãi, phần thì cũng ưa thích cái oai danh của vị đại tướng quân, nên nàng theo đứa tiểu đồng lẻn ra nhà ngoài bầu bạn với Nghiêu đại tướng một đêm cho biết mùi phong lưu của cuộc đời. Không ngờ chỉ một đêm đó thôi mà hai người đâm ra cảm nhau, gần như không muốn rời nhau ra nữa.

Qua ngày hôm sau, Thất Tín bối lặc biết chuyện thì ván đã đóng thuyền, hơn nữa ông cũng sợ cái thế lực ghê gớm của quan đại tướng quân nên đành giao viên ngọc minh châu của mình cho Miên Canh Nghiêu. Nghiêu được người đẹp Giai Đặc, mười phần sủng ái. Suốt dọc đường tuần tiễu biên cương, Nghiêu đem người đẹp theo ở lỳ trong trướng, quên phứt luôn bọn gái Hồi cướp vét về từ mấy năm trước. Nghiêu muốn làm đẹp lòng người đẹp bằng cách phô trương cái thế lực khủng khiếp của mình, bèn truyền lệnh bắt quân môn đề đốc là Phú Ngọc Sơn phải canh cửa thổi tù và phía ngoài để giữ yên cho hai vợ chồng y vui giấc điệp. Đường đường một vị đề đốc mà nay phải thổi còi canh đêm thì còn gì là thể diện của quan triều đình nữa chứ? Vậy mà Sơn cung phải vâng lệnh. Bên ngoài quân môn đề đốc Phú Ngọc Sơn thổi tù và gác cổng vất vả chừng nào thì bên trong, Nghiêu đại tướng ôm người đẹp Giai Đặc hú hí thú vị chừng nấy.

Nghiêu cùng người đẹp nằm trong trướng, đêm đêm nghe tiếng tù và "á um, á um" lúc cao lúc thấp, lúc xa lúc gần, lòng lấy làm sung sướng lắm. Giai Đặc cách cách nghe tiếng tù và, bèn hỏi ai thổi ở bên ngoài. Nghiêu sướng đến phát điên, ôm ghì người đẹp vào lòng rồi cười nói:

- Chỉ có cưng của ta ngủ trong này mà ta phải bắt quân môn đề đốc đứng ngoài giữ cửa đấy!

Giai đặc cách cách không tin, giẩu mỏ bảo:

- Thiếp chẳng tin đâu! Có ai làm tới đề đốc đại nhân mà lại chịu đi canh cửa cho tướng quân bao giờ?

Nghe câu nói như chế giễu mình, Nghiêu bực mình bảo nàng:

- Nàng không tin ư? Để ta cho gọi vào cho nàng xem.

Nói đoạn Nghiêu bảo tên tiểu đồng ra gọi Phú đề đốc vào trình diện. Tên tiểu đồng ra ngoài một lát rồi đưa vào một người. Nghêu nhìn xem thì không phải đề đốc Phú Ngọc Sơn mà chỉ là một tên tham tướng thủ hạ của Sơn thôi. Nghiêu hỏi Phú đề đốc đi đâu, tên tham tướng biết nguy rồi, vội quỳ nói:

- Phú đề đốc có chút việc gấp phải về trướng một lát. Bởi vậy ông cho gọi tiểu chức gác thế.

Miên Canh Nghiêu nghe đoạn cười nhạt một tiếng quát lớn:

- Tên Phú Ngọc Sơn này quả to gan thật. Hắn lại dám trái quân lệnh, bắt chém cả cho ta!

Lời nói còn chưa dứt, đao phủ thủ đã xông vào, bắt ngay tên tham tướng kéo ra khỏi dinh. Một lát sau, đã thấy đưa vào hai cái đầu vừa bị cắt, máu còn chảy tong tong, một cái của viên đề đốc, còn cái kia của viên tham tướng. Nghiêu hạ lệnh cho đem đi…

Từ khi giết viên đề đốc Phú Ngọc Sơn thì các tay thủ hạ của Nghiêu xem ra có phần bất phục. Song Nghiêu vẫn như người nằm trong trống chẳng hiểu gì, cứ điềm nhiên giữ cái thói tác oai tác quái như cũ.

Hôm đó, Nghiêu đi tuần biên cảnh trở về, ở trong nha môn quan tổng đốc. Con trai cả của Nghiêu tên Miên Bân đã được phong tử tước, đứa thứ nhì tên Miên Phú được phong đệ nhất đẳng nam tước. Cả hai cậu trai này đều có quân sĩ trong tay, đóng quân ở bên ngoài.

Miên Bân được tin cha giết Phú đề đốc, gây nhiều hờn oán, bèn tự ý quay về dinh xin bái kiến Nghiêu:

- Cha con chúng ta hoàn toàn trông vào lòng quân: Lòng quân mà tan thì nguy hiểm muôn phần. Nay cha giết mất Phú đề đốc là người vô tội, lòng quân thực đã có nhiều kinh hãi.

Bân nói chưa xong Nghiêu đã đùng đùng nổi giận, quát lên như sấm:

- Nghiệt súc! Mi dám đổ dầu vào lửa, xúi giục bộ hạ mưu hại cha mi à? Ta phải giết mi trước đã.

Tiếp đó là tiếng gầm "Trói lại" vang dậy, làm tung cả mấy cánh rèm che ngoài cửa sổ. Bốn, năm tên gia tướng dữ như cọp hung hăng như sói, ùa vào trói gô lấy Bân. Vợ Bân là Vu phu nhân lúc đó nấp đằng sau tấm bình phong nghe trộm, thấy Miên làm dữ tính giết chồng mình, hoảng hồn bạt vía, chạy như điên vào nhà trong, quỳ xuống trước mặt mẹ chồng kêu khóc van cầu bà cứu mạng chồng. Trần thị chỉ sinh hạ có mỗi mình Bân, nghe chuyện cuống lên. Phiền cho bà là đã từ lâu hai vợ chồng gần như tuyệt sạch ân tình, tự đi van xin, bà cho rằng ăn thua gì, liền nghĩ ngay tới vị giáo sư ở trong nhà là Vương Hàm Xuân tiên sinh, vì bà biết Nghiêu chỉ kính trọng có vị tiên sinh này mà thôi. Tiên sinh họ Vương nói gì là Nghiêu nghe ngay, không hề từ chối. Cho là đắc sách, hai mẹ chồng nàng dâu Trần thị vội đứng dậy, có bọn a hoàn nâng dắt, hối hả chạy ra phía sau đại sánh, quanh về ngả thư phòng.

Lúc đó, ông giáo Vương Hàm Xuân đang dạy học cho đứa con út của Nghiêu là Miên Thành, bỗng thấy hai mẹ con Trần thị mặt mày rũ rượi, lệ tràn đôi mi, hối hả chạy vào rồi cùng quỳ xuống, van nài ông đi cứu mạng cho Miên Bân. Vương tiên sinh vò đầu bứt tóc, thoạt tiên chẳng hiểu chuyện gì, sau khi nghe Vu phu nhân, vợ Bân, lược thuật câu chuyện, mới ba chân bốn cẳng chạy vội lên đại sảnh. Ông bước vào cửa sảnh thì thấy đại công tử Miên Bân đang bị bốn tên gia tướng trói điệu ra ngoài, mặt mày ủ dột, cúi gầm như không muốn nhìn ai nữa. Vương Hàm Xuân vội cản lại, rồi chạy vội vào đại sảnh.

Ông thấy Nghiêu mặt hầm hầm, đang ngồi sau án thư. Nhưng lạ một nỗi là đang giận dữ như vậy mà vừa thấy ông, Nghiêu lại vui vẻ, đứng lên để rước ông vào. Vương Hàm Xuân ngồi xuống, trước hết nói vài câu thăm hỏi rồi mới dần dần đưa tới câu chuyện của Miên Bân, dùng lời lẽ hết sức ôn tồn, khuyên giải một hồi, rồi thêm:

- Đại công tử vốn là người con hiếu thảo. Hắn sợ kẻ bộ hạ âm mưu ám toán đại tướng quân nên mới dám nói thẳng để can gián ngài đó thôi.

Bình nhật Miên Canh Nghiêu rất tin và nghe Vương tiên sinh. Giờ cũng vậy, sau khi nghe lời can gián của ông, Nghiêu bất giác giật mình tỉnh ngộ, vội truyền lệnh tha ngay. Miên Bân khỏi chết vội vào tạ ơn cha và ông giáo họ Vương rồi ra sau viện bái kiến mẫu thân.

Trên đại sảnh, Miên Canh Nghiêu sai bày tiệc khoản đãi Vương.

Số là cha của Nghiêu tên Miên Hà Linh, vốn giàu có, gia tài bạc triệu, thế mà vào hồi ba mươi tuổi chỉ sinh có một đứa con trai tên gọi Miên Hi Nghiêu rồi thôi. Đằng đẵng mười năm sau, ông đã tứ tuần mà bà nhà vẫn đực ra đấy, chẳng đẻ đái thêm gì nữa. Ông buồn lắm. Nào ngờ qua năm sau, bà bỗng có bầu và sinh hạ Miên Canh Nghiêu.ông sướng hết chỗ nói, cưng Nghiêu hết mức. Nghiêu lên tám vẫn chưa đi học, ông bèn mời một ông giáo bụng đầy ắp chữ nghĩa cho Nghiêu nhập môn. Nào ngờ, Nghiêu vốn được cưng chiều đâm ra lếu láo, vừa hung dữ vừa thô lỗ, chẳng thèm học, chẳng thèm đọc sách, hễ thấy ông thầy là mở mồm chửi. Ông thầy tức quá bỏ đi. Một hơi sáu bảy ông thầy khác được mời về nhà đều chịu chung cảnh ngộ.

Ngày tháng qua mau, Nghiêu càng ngày càng lớn, trời sinh lại được cái xương rắn như đồng, gân bền như thép, thành thử về sau gặp thầy chẳng thèm chửi nữa mà đánh thẳng tay. Nhiều ông thầy bị thoi vào mặt, bị đá vào hông đến vỡ mày vẹo háng, tức quá chỉ còn biết chửi rầm lên rồi xách khăn gói ra đi. Từ đó về sau, chẳng còn có thầy nào dám bén mảng tới nhà Nghiêu để dạy học nữa. Thế là Miên Canh Nghiêu tha hồ chạy nhảy rong chơi, làm cho cả cái trang viên lớn rộng của gia đình náo loạn cả lên. Tường Nghiêu cũng phá. Nhà Nghiêu cũng đập. Cây cối Nghiêu cũng chém, chặt sạch tiêu. Bất cứ cái gì Nghiêu thấy thích là làm, bất chấp ngay cả bố mẹ. Nghiêu đã mười hai tuổi mà chữ nhật là một vẫn chưa biết, chữ đại là lớn vẫn không hay. Ông già Miên Hà Linh thấy con như vậy lấy làm chán nản, buồn bã vô cùng.

Một hôm, ông Linh đem con ra ngoài cổng dạo mát, bỗng thấy một thầy tướng tay lắc xâu chuông, từ xa tiến lại. Khi tới gần, thầy tướng bỗng ngừng bước, nhìn vào mặt Miên Canh Nghiêu xem kỹ một lát rồi bảo:

- Chà! Quả thực là một vị đại tướng quân!


Hồi 62: Một phương pháp dạy trẻ kì tuyệt

Thầy thì phán thằng bé có số đại tướng nhưng Miên Hà Linh đâu có tin, bèn gặng hỏi. Thầy tướng xem đi xem lại đôi ba lần rồi cả quyết nói:

- Ghê thật! Làm đẹp mặt cho gia đình sau này chính là nó! Nhưng làm tan cửa nát nhà lại cũng là nó! Nó cần phải đọc nhiều sách thì may ra mới thoát khỏi hoạ này!

Nghe thầy tướng nhắc đến chuyện đọc sách, ông Linh chạnh lòng, thở dài nói:

- Thằng bé này hư hỏng quá rồi. Nó lại kỵ nhất là việc đó.

Thầy tướng nói:

- Thưa lão ông, nếu lão ông tin mà uỷ thác, vãn sinh sẽ xin cố giúp cho cháu trở thành người văn võ toàn tài.

Miêu Hà Linh bèn mời thầy tướng về nhà nghỉ lại. Đêm đó thầy tướng bèn đem lai lịch của mình cũng như cách thức giáo dưỡng thằng bé kể cho ông Linh nghe. Ông phục hết chỗ nói, muốn thầy tướng nhận ngay Nghiêu làm học trò. Thầy bảo:

- Hãy khoan! Xin lão ông xuất ra cho hai vạn lạng bạc giao cho vãn sinh lo liệu mọi thứ đã.

Ông Linh không do dự chút nào, tức tốc làm theo, còn cho quyền thầy tuỳ nghi sử dụng. Từ đó về sau, toàn gia họ Miên đều gọi thầy tướng là tiên sinh.

Tiên sinh nọ lấy tiền xong, chẳng thèm nói tới chuyện dạy dỗ gì Nghiêu hết. Ông đem số tiền mua một miếng đất trống ở đằng sau Miên gia trang, mướn rất nhiều thợ gấp rút xây cất một toà hoa viên tráng lệ với nhiều cây cối xum xuê hoa lá ở trung tâm, ông lại cho xây một thư viện chứa đầy sách.

Cuối đông năm đó, toà hoa viên mới được xây cất xong. Chung quanh, ông lại cho xây hai lần tường vây kín, chỉ để một cái cửa nhỏ ở về hướng tây nam thông ra ngoài mà thôi.

Thế rồi tiên sinh nọ chọn đúng ngày mười sáu tháng giêng năm sau, là ngày lành tháng tốt, khai tâm cho tên học trò duy nhất Miên Canh Nghiêu của ông.

Hôm đó, Miên Hà Linh cho mời thân bằng cố hữu tới dự bữa tiệc đãi tiên sinh. Rượu xong, chính Miên Hà Linh đưa Miên Canh Nghiêu tới để làm lễ nhập môn. Ông Miên chắp tay lạy tiên sinh nọ ba lạy rồi gởi lời ký thác, xong cáo từ quay về. Tiên sinh nọ tiễn Miên Hà Linh ra khỏi hoa viên bằng cái cửa nhỏ duy nhất nọ, rồi sai thợ hồ xây bít luôn lại, chỉ trừ có một cái lỗ nhỏ đủ để đưa cơm nước vào trong mà thôi.

Toà hoa viên xây cất tráng lệ cho nên Miên Canh Nghiêu bị nhốt bên trong mà cũng không lấy làm buồn chán lắm. Nghiêu tung tăng chạy nhảy, rong chơi suốt ngày, tha hồ muốn làm gì thì làm, chẳng ai thèm nói tới. Vị tiên sinh khả kính nọ thì suốt ngày ngồi trong thư viện, tay không rời sách, cũng chẳng thèm để ý tới Nghiêu, cũng chẳng bao giờ bắt Nghiêu mó đến bút giấy. Nghiêu được hoàn toàn tự do, khoái lắm, thế là cứ việc chạy nhảy suốt ngày trong hoa viên, không có chỗ nào là không đạp chân tới. Nhưng có điều lạ là Nghiêu chẳng bao giờ bén mảng tới thư phòng, chẳng bao giờ chuyện trò lấy nửa lời với tiên sinh nọ. Thư phòng đối với Nghiêu dường như là một cấm địa mà chính Nghiêu tự nhủ phải chừa ra.

Càng được tự do, Nghiêu càng thấy khoái. Nghiêu cởi hết quần áo, ở truồng nồng nỗng, nhảy đại xuống ao bơi lội, bắt cá. Lại có lúc Nghiêu leo lên cây hái trái ăn, phá tổ chim chơi.

Mùa xuân, Nghiêu lấy sáo ra thổi vang lên. Mùa hè Nghiêu vác cần ra ao câu cá. Mùa thu, Nghiêu đuổi ve, bắt dế suốt ngày. Mùa đông Nghiêu nghịch tuyết rỡn cười. Một năm có bốn mùa thì không mùa nào là Nghiêu không có cái thú để tiêu khiển. Chơi những trò đó chán rồi, Nghiêu lại có lúc cuốc đất, đào hố, trồng cây…, thôi thì đủ trò của một thằng nhỏ mười hai, mười ba, nghịch ngợm khôn ranh.

Nghiêu tự do tự tại như vậy được một năm, thì tường đổ, vách xiêu, hoa tàn, nước cạn, thậm chí những trụ đá xây hết sức vững chắc cũng bị Nghiêu đập gục xuống hết. Không chỗ nào là còn lành lặn dưới sự tàn phá của Nghiêu. Riêng toà thư viện đã trở thành cấm địa đối với Nghiêu thì quả thực Nghiêu không bao giờ đụng tới. Tiên sinh nọ thấy Nghiêu phá phách đến quỷ khốc thần sầu như vậy mà vẫn mặc, chẳng thèm "hừ" lên một tiếng nhỏ nào.

Ít lâu sau nữa, Miên Canh Nghiêu chơi nghịch đã chán hết mọi chỗ mọi trò rồi, bèn liều lĩnh mò vào thư phòng tính chuyện quấy phá. Để "lấy đà", cu cậu mặt hầm hầm, mắt trợn ngược lên, làm oai quát bảo:

- Mau mở cửa ra cho ta! Ta muốn ra khỏi nơi đây.

Tiên sinh nọ mặt lạnh như tiền, đáp:

- Khu vườn này không có cửa. Mi muốn ra cứ việc nhảy qua tường mà ra.

Nghiêu thấy tiên sinh nọ không chịu, liền xắn tay áo giơ cao quả đấm, thoi mạnh một cú vào mặt ông. Chỉ thấy ông quắc mắt lên giơ bàn tay ra chộp ngay lấy cánh tay Nghiêu, văn mạnh. Nghiêu la lên oai oái và giẫy đành đạch. Tiên sinh quát lớn:

- Quỳ xuống!

Nghiêu sợ đau, lúc này chẳng quỳ cũng chẳng được. Tiên sinh thả tay, Nghiêu vội lủi đi, mất hút.

Luôn một lèo, hơn mười ngày, Nghiêu trốn biệt, chẳng dám bén mảng đến thư phòng. Mùa thu đã lại về, phong cảnh có điều tiêu sơ Nghiêu không còn thấy cảnh đẹp nữa, liền lẻn tới thư phòng, thấy tiên sinh nọ đang cúi đầu xem sách. Nghiêu rón rén lại bên bàn, đứng một lúc rồi bỗng mở miệng nói:

- Này lão kia, một toà hoa viên rộng lớn thế mà ta chơi cũng đã chán rồi. Cuốn sách nho nhỏ kia, sáng xem đến tối, tối xem đến sáng. Có gì hay trong đó mà lão xem mãi thế?

Tiên sinh nghe Nghiêu nói xong, cười lên khà khà, bảo:

- Thằng nhỏ, mày biết gì! Cuốn sách này còn có những cảnh trí rộng lớn bằng vạn lần khu vườn kia, suốt đời cũng khó xem hết được, mày không biết, thật đáng tiếc!

Miên Canh Nghiêu nghe xong bảo:

- Lão thử nói ta nghe có gì vui trong đó?

Tiên sinh lắc đầu:

- Thầy mày chẳng lạy mà lại dám bảo nói cho mày nghe hở? Đâu có dễ thế chú bé.

Nghiêu nghe đoạn dựng ngược đôi mày, giơ thẳng cánh tay đập cái rầm xuống mặt bàn, quát.

- Lạy! Lạy cái con khỉ ấy à! Đừng hòng!

Quát xong, Nghiêu khoát tay làm bộ, huênh hoang bước ra khỏi phòng. Tiên sinh mặc kệ, chẳng thèm gọi lại.

Lại hơn mười ngày sau, Nghiêu quả đã chịu hết nổi, bèn chạy vào thư phòng, quỳ xuống đất lạy thầy và nói:

- Xin thầy dạy cho con với.

Tiên sinh nâng Nghiêu dậy, bảo ngồi xuống. Bộ sách đầu tiên mà ông dạy cho Nghiêu là bộ Thuỷ Hử. Ông đem những chuyện trong Thuỷ Hử ra kể. Nghiêu nghe khoái bằng chết, thôi thì khoa chân múa tay, lắm lúc như điên như dại. Tiên sinh giảng tiếp Tam Quốc Chí, rồi Tống Nhạc Phi, rồi những chuyện anh hùng, hiệp khách ly kỳ khác. Sau nữa, ông giảng tới binh thư, sử ký kinh điển, rồi các loại sách về khoa học.

Những lúc rỗi rảnh, ông lại dạy cách dương cung bắn tên hạ cờ, dần dần về sau dạy đủ mười tám ban võ nghệ, không một ban nào là không đến độ tinh vi. Ông còn dạy cả cách ra quân bày trận, phép chạy trên tường, bay trên mái nhà. Thế rồi, sau tám năm công phu đằng đẵng, ông dạy Nghiêu thành một người văn võ toàn tài. Đến lúc đó ông mới bảo Nghiêu phá tường mà ra.




Miên Canh Nghiêu trở về nhà, bái kiến phụ thân. Ông Miên Hà Linh sau tám năm không gặp, nay thấy con trở về với toàn tài văn võ, bản lãnh phi thường thì làm sao chẳng mừng. Ông vội tới lạy tà tiên sinh nọ. Tiên sinh chỉ chào rồi cáo từ ra đi mặc cho cha con họ Miên khẩn khoản lưu lại. Tiên sinh nọ chỉ dặn đi dặn lại Nghiêu có một câu "cấp lưu dũng thoái" (nghĩa là đi thì cho nhanh mà về thì cũng cho lẹ).

Đến lúc này, đại tướng quân Miên Canh Nghiêu phú quý đã tột bực. Mỗi lúc nhớ tới vị thầy xưa, Nghiêu lại thấy kính trọng vô bờ. Cũng bởi lẽ đó nên Nghiêu hết sức kính trọng Vương tiên sinh hiện dạy học cho con mình.

Ông Vương Hàm Xuân tuy không phải là một ông thầy văn võ toàn tài như tiên sinh thuở nọ nhưng ở trong nhà họ Miên, ông luôn tỏ ra ngay thẳng trung hậu, nên được Nghiêu tin cậy ký thác mọi việc cho. Ngoài việc dạy cho cậu út học, ông còn trông coi cả việc nhà cho Nghiêu. Những lúc nhàn rỗi, Miên thường tới gặp ông để trò chuyện.

Vương tiên sinh vốn nhân hậu nên khi thấy Miêu đại tướng quân giết chóc quá nhiều thì lòng ông không yên. Phải cái Miên tính nóng như lửa, việc khuyên can nhiều khi cũng chẳng dễ dàng gì. Trong nhà đã có hai đầu bếp, một hầu gái mất mạng vì ông khiến ông suốt đời không thể nào quên được. Cứ mỗi khi nằm, ông lại giở cuốn kinh Kim Cương ra tụng niệm, mong siêu sinh tịnh độ cho những oan hồn đã chết vì mình. Ông nguyện rằng công quả này sê không bao giờ sao nhãng, cho mãi tới khi ông chết. Gia nhân thứ nhất họ Hồ, làm cho Miên đã bốn năm. Một hôm, Miên mời khách dự tiệc. Trong bữa có món đặc biệt tên gọi "Nguyên quần", do Miên bảo làm.

Ông thầy Hàm Xuân bữa đó ngồi ghế nhất. Khi gia nhân dâng bát Nguyên quần, ông không biết món gì liền hỏi thì Miên giải thích đó là món thịt ba ba cắt ở chung quanh cái viền thịt trên lưng ba ba. Giải thích xong, Miên bèn lấy thìa múc lên đãi khách.

Ông tiếp lấy miếng thịt. Miên hỏi mặn nhạt ra sao, ông chưa kịp đáp, chỉ nhíu đôi lông mày, lắc nhẹ cái đầu một cái. Không đáp kịp chỉ tại miếng thịt nóng quá, khiến đầu lưỡi của ông gần như tê đi, không nói được. Miên thấy thế cho là ông chê món ăn không ngon, bèn khẽ hất đầu ra hiệu cho đám thị vệ túc trực bên ngoài. Một lát sau, ông thấy một tên thị vệ chạy từ ngoài vào, tay bưng chiếc mâm sơn đỏ, trên phủ một tấm khăn đỏ. Tên thị vệ quỳ xuống, miệng bẩm lớn:

- Hồ nhà bếp nấu món không ngon. Nay đã chém đầu đem nộp.

Nói đoạn thị vệ giở tấm khăn đỏ ra. Ông thấy một cái đầu người vừa mới cắt xong, máu đang còn ứa. Tân khách trong tiệc, người nào người nấy ghê quá, quay mặt không dám nhìn , ông hỏi tại sao thì Miên đại tướng giải thích:

- Bản chức thấy tiên sinh nhíu đôi mày, biết món ăn không ngon nên đã bảo nô dịch chặt đầu tên nhà bếp.

Ông vừa nghe đoạn, bất giác chồm dậy, luôn miệng nói:

- Tội quá! Tội quá!

Rồi ông giải thích lý do tại sao lại nhíu đôi mày và lắc đầu Miên đại tướng mới vỡ lẽ nhưng đâu thèm để ý, chỉ cười xoà một tiếng coi như xong.

Hồ nhà bếp chết rồi, ít lâu sau lại đến Tiền nhà bếp. Anh nhà bếp họ Tiền này biết rõ lý do cái chết của người đi trước cho nên hết sức cẩn thận: Cứ mỗi bữa định nấu món gì, Tiền nhà bếp lại tới hỏi Vương gia sư trước đã. Sự khôn ngoan ấy đã giúp cho anh ta được yên ổn, không xảy ra chuyện gì.

Vương tiên sinh vốn người Hàng Châu. Một hôm, ông nhớ tới món đậu hũ xứ Hàng, liền bảo Tiền nhà bếp làm cho một nồi. Miên đại tướng thường ngồi ăn với Vương tiên sinh, khi thấy chén đậu hũ, đột nhiên cả giận quát:

- Đậu hũ là món tồi tệ nhất, tại sao dám đem đãi tiên sinh? Bay đâu? Chém!

Ông thầy họ Vương nghe quát, hoảng quá, vội bảo món đậu hũ chính là do ông bảo làm. Miên đại tướng không ngờ món này ngon thật, bèn dặn Tiền đầu bếp bữa nào cũng phải có một chén cho Vương tiên sinh. Vương ăn mãi cũng chán nhưng không dám nói. Về sau Tiền nhà bếp bận việc nhà xin cáo về, một anh bếp mới tới nghe nói Vương thích món đậu hũ liền bắt chước anh bếp cũ làm theo. Miên đại tướng nếm thử, không ngờ đậu hũ vừa đắng vừa mặn, thế là đùng đùng nổi giận, quát chém, khiến Vương tiên sinh vội can mà không kịp.

Ít lâu sau, Tiền nhà bếp xong việc nhà, trở lại bếp nhà Miên. Y lại chế món đậu hũ, mùi vị thật hết sức ngon thơm.

Vương tiên sinh lấy làm lạ, bèn cho gọi tới hỏi xem thì mới biết rằng: Cứ mỗi nồi đậu hũ phải lấy một trăm bộ óc cá mè trộn vào mới được ngon thơm như vậy.

Vương nghe xong luôn mồm nói:

- A di đà phật! Anh bếp mới nọ thật là oan, như thế thì làm sao anh ta biết được! Thôi từ mai anh bỏ cái món đó đi nhé!

Ít hôm sau, Miên Canh Nghiêu lại nghĩ ra một món nhậu đặc biệt. Ngài cho mời một số tân khách tới dự tiệc. Vương tiên sinh lần này cũng vẫn ngồi ghế nhất. Rượu được vài tuần, Miên truyền lệnh bưng ra. Người ta thấy bọn gia nhân vội vã sắp đặt, cứ trên mỗi bàn đặt một cái bếp hoả than, trong nòi nào xáo gà, nào vây cá sôi sùng sục, khói bốc nghi ngút. Trước mỗi thực khách, chúng để tiếp một cái mâm đầy đủ đồ gia vị, một cái dùi bạc, một con dao bạc, một cái thìa bạc. Khách khứa chẳng ai hiểu ra sao.

Đợi một lát, lại thấy bọn gia nhân đặt trước mặt mỗi thực khách một cái lồng nhỏ bằng gỗ, bên trong nhốt một con khỉ nhỏ, đầu nhô lên trên chóp lồng, chìa hẳn ra bên ngoài, cứng ngắc không thể cựa quậy, y như bị cùm chặt vào đó, còn cổ thì bị khoá chặt vào những thanh lồng, khiến khỉ ta không thể thò lên thụt xuống được. Bầu không khí ồn ào trong bữa tiệc bỗng dưng biến mất. Mọi người im lặng, đợi chờ một sự lạ nào đó sắp xảy ra.

Miên đại tướng quân động thủ trước. Ngài cầm dùi bạc, giơ cao lên, đập mạnh vào sọ con khỉ, thủng thành một lỗ lớn. Đoạn, ngài cầm thìa bạc thọc vào sọ khỉ, múc óc ra, nhúng nhúng vào nồi hoả than rồi bỏ vào miệng, ăn hết sức ngon lành. Xong ngài lại lấy con dao bạc cắt cái sọ khỉ khác bỏ vào nước đang sôi.

Nhiều thực khách thấy cách ăn của Nghiêu cũng bắt chước theo. Thế là cả bữa tiệc rùm lên vì tiếng kêu la thàm thiết của lũ khỉ, tiếng đập đôm đốp của dùi, tiếng xẻo tiếng cắt xoèn xoẹt của dao. Rồi tiếng người khen ngon, kẻ khen tuyệt, ồn ĩ cả lên.

Vương gia sư ngồi trên ghế nhất nhìn cử toạ, thấy mặt mũi tối sầm lại. Ông thác cớ nhức đầu, rút lui về phòng, thiếu điều nôn thốc nôn tháo.

Bữa tiệc kéo dài mãi tới mặt trời gác núi mới tan. Tính ra đến gần một trăm con khỉ đã thiệt mạng. Nghiêu đại tướng quả được một bữa mãn nguyện. Ngài vào thư phòng thăm Vương tiên sinh, cũng vừa lúc con a hoàn dâng trà lên cho Vương.

Ông đứng lên để đón Nghiêu, không ngờ trật tay nghe đánh choang một tiếng, chiếc chén ngọc đã rớt, bể tan trên mặt đất, còn nước trà bắn tung tóe lên cả áo quần mình. Ông lấy khăn, vừa cúi xuống lau những giọt nước trà trên quần áo, tai đã nghe thấy tiếng gió vút, vội ngẩng lên thì đã thấy đầu con a hoàn bị Nghiêu chém đứt, lăn lông lốc trên sàn nhà.

Vương tiên sinh lúc này không nhịn được nữa, đành phải lên tiếng khuyên can Nghiêu. Ông còn nói thêm:

- Người đời thường nói công cao át cả chúa, đó là điều không lợi Đại tướng quân ở nơi đây, nhất cử nhất động e khó qua được tai mắt của hoàng thượng. Thiết tưởng đại tướng quân nên làm nhiều điều nhân đức, cố kết lòng quân mới phải.

Giữa lúc Vương tiên sinh đang can gián Nghiêu, từ bên ngoài bỗng trình vào một phong văn thư. Nghiêu mở xem, nhận ra là thư của tâm phúc từ kinh gửi tới. Đọc chưa xong, hùng khí của Nghiêu vốn cao đến vạn trượng, bỗng thấp hẳn xuống chỉ còn độ vài gang. Nghiêu lắp bắp nói:

- Hỏng rồi Hỏng rồi!

Vương tiên sinh tiếp lấy thư, xem qua, bất giác cũng phải nhíu đôi lông mày lại, mặt lộ vẻ buồn thảm vô hạn…

Hồi 63: Hủy diệt công thần

Thì ra khi Miên Canh Nghiêu đáo nhiệm, nhất cử nhất động của Nghiêu đều có thám tử của Ung Chính hoàng đế đặt ngầm chung quanh tâu báo thường xuyên về triều. Thế rồi Đô ngự sử dâng sớ cực lực lên án Nghiêu. Trong thì sáu bộ Chính Khanh, ngoài thì tuần phủ, tướng quân, tất cả dâng sớ hạch tội Nghiêu, có mấy điều rất nguy hiểm như: âm mưu phản loạn, coi thường nhân mạng, cưỡng dâm phụ nữ, giết hại đề đốc.

Miên Canh Nghiêu xem xong thư, biết tính mạng mình khó toàn, bèn sửa soạn ngay đêm đó chút đồ tế nhuyễn. Rồi giao cậu nhỏ Miên Thành cho Vương tiên sinh đem về phương nam dạy dỗ để giữ lại giòng máu cho họ Miên. Vương tiên sinh vừa đem Thành ra đi thì thánh chỉ từ Bắc Kinh tới.

Thánh chỉ nói:

"Gần đây Miên Canh Nghiêu cử bậy tên Hồ Kỳ Hằng làm tuần phủ lại dung túng bọn Kim Nam Anh nhũng nhiễu lê dân trại Nam Bình rồi dùng lời lẽ che đậy, tâu báo về triều.

Nghiêu lại còn dấu giếm triều đình cả việc dàn đói ở các vùng Thanh Hải, Mông Cổ, thật không thế tha thứ được. Miên Canh Nghiêu trước đâu có đến nỗi đó. Hoặc y cậy mình có công cho lên kiêu láo, hoặc y chém giết quá nhiều cho nên hôn am. Con người đã như vậy thì làm sao còn có thể giữ chức Xuyên Thiểm tổng đốc. Trẫm xét Miên Canh Nghiêu còn có thế luyện tập được cho quân sĩ, bởi vậy trẫm điều động y bổ sung chức tướng quân tỉnh Chiết Giang và Hàng Châu. Còn ngôi tổng đốc thì Phân Uy tướng quân Cam Túc đề đốc kiêm lý tuần phủ Nhạc Chung Kỳ mau tới Tây An đảm nhận. Ấn tín của Phủ Viễn đại tướng quân thì gửi về kinh. Ấn tín của Phân Uy tướng quân nếu thấy vô dụng thì cũng gửi về kinh luôn".


Nhạc Chung Kỳ chơi thân với Miên Canh Nghiêu, nên khi được tin này, Kỳ vội tới Tây An tiếp thu ấn tín, đồng thời lấy lời an ủi và giúp Nghiêu dâng sớ xin được bảo toàn. Kỳ còn sai một trăm tên thân binh hộ vệ cho Nghiêu ở dọc đường.

Nghiêu và Kỳ hai bên gạt lệ chia tay nhau.

Khi tới Nghi Trưng thuộc tỉnh Giang Tô, Nghiêu thấy trước mình có hai đường thuỷ - bộ: đường thuỷ xuôi về nam thẳng tới Hàng Châu còn đường bộ ngược lên bắc dẫn tới Bắc Kinh.

Nghiêu tự nghĩ mình từng đã đem hết tâm lực ra để giúp hoàng đế nay chi bằng tới Kinh điện cầu chút ân huệ, biết đâu ngài chả nghĩ tới công trạng thuở nọ mà cho hồi nguyên chức. Nghĩ vậy Nghiêu tự ý thảo sớ trong đó có hai câu như sau: "Nghi trưng thuỷ bộ chia đường. Thần tới đây yên lặng đợi sắc lệnh của thánh thượng" (Nghi trưng thuỷ lục phân trình. Thần chì thử tĩnh hậu luôn âm). Hai câu này, đối với Nghiêu, bất quá chỉ là mong hoàng thượng hồi tâm chuyển ý. Nào ngờ Ung Chính hoàng, đế xem xong tờ sớ, lại càng nghi Nghiêu còn ý phản loạn, muốn đem quân về kinh để uy bức ngài. Thế là ngài giao ngay tờ sớ cho nha môn lại bộ duyệt xét.


Từ xưa, người ta thường nói: dậu đồ bìm leo. Huống hồ Miên Canh Nghiêu ngày thường uy phúc tự chuyên, đắc tội rất nhiều với quan trường cho nên cả bọn này chúng khẩu đồng từ, cùng nói Nghiêu đã được ân huệ lớn mà còn cuồng vọng làm nhiều điều bất pháp đến thế, tội thật cực lớn, và xin hoàng đế cách chức Nghiêu tức khắc, truy hồi những ân thưởng đã ban. Tiếp đó, dân cư dọc bên đường cũng đầu đơn gửi về triều đình bướm bướm, tố Nghiêu nhiễu loạn dân lành. Điều này rõ ràng là do kẻ thù Nghiêu xúi bảo.

Ung Chính hoàng đế xem đơn, tức giận đến cùng độ, chỉ nội một đêm mà ngài hạ đến mười tám đạo chỉ dụ, giáng luôn một lèo vị Xuyên Thiểm tổng đốc phủ viên, đại tướng quân uy danh hiển hách là Miên Canh Nghiêu xuống mười tám cấp, biến thành một tên lính canh giữ cổng thành Hàng Châu tại cửa Võ Lâm. Đến nước này, Miên Canh Nghiêu cũng đành cam chịu, đem theo vài tên lính già, đến Hàng Châu lâm quan giữ cửa thành, hễ thấy các quan lớn trong thành ra hay từ ngoài vào thì phải sửa mũ, xốc áo để tiếp rước và đưa tiễn. Cửa Võ Lâm lại náo nhiệt đông đúc nhất, mỗi ngày ra vào không biết bao nhiêu vị quan. Nhưng cái điều thú vị nhất là tướng quân Hàng Châu lúc đó chẳng phải ai xa lạ mà lại chính là thủ hạ của Nghiêu, trước đây đã từng làm quan trung quân, suýt bị Nghiêu giết, xin mãi mới toàn mạng, chi bị giáng xuống làm tên lính gác dưới gầm cầu.

Vị tướng quân đó, chính là Lục Hổ Thần.

Uất hận vì Nghiêu hại mình, Lục Hố Thần tìm cách chui luồn cửa khác. Sau ba năm, Thần lại lên tới chức đề đốc. Thần nghe nói Nghiêu bị tội, phát lạc tại Hàng Châu làm quan giữ cổng thành, liền hết sức vận động để được làm tướng quân Hàng Châu, thật là "oan gia đường hẹp". Thần vừa đáo nhiệm có một hôm, liền chỉnh đốn toàn quân tiến vào thành. Quan viên văn võ đều đứng tại cổng thành đón tiếp, duy chỉ có mình anh quan giữ cổng Miên Canh Nghiêu là tự do tự tại, coi như không có chuyện gì. Nghiêu mặc áo, bào vào rồi xếp bằng ngồi nhìn mặt trời. Khi Lục Hổ Thần đi qua trước mặt, Nghiêu vẫn chẳng thèm để ý. Thần nổi giận đùng đùng, quát lớn:

- Miên Canh Nghiêu! Mi có nhận ra ta đây không? Tại sao mi không quỳ lạy?

Nghiêu nghe xong, nhìn Thần cười lạt nói:

- Mi bảo ta ư? Chính ta mới bảo mi phải quỳ ngay xuống!

Thần ha hả cười lớn:

- Ta đường đường là một vị quan đầu phẩm, thế mà mi dám bảo ta phải quỳ trước một tên canh cửa? Ha ha! Ha ha!

Nghiêu lại bảo Thần:

- Mi không quỳ trước một tên canh cổng, nhưng nếu thấy hoàng thượng, chắc mi quỳ chứ?

Thần gật đầu bảo:

- Cái đó tự nhiên!

Nghiên không vội gì, từ từ đứng dậy bảo Thần:

- Mi có thấy ta ngồi trên cái gì không?

Thần liếc mắt nhìn xem, thì ra đó là cái Long điếm(1) cũ mà Khang Hi hoàng đế đã thưởng cho Nghiêu, Nghiêu còn thò tay vào bọc lấy tấm vạn tuế bài ra đật lên trên Long điếm, xong rồi quát lên một tiếng lớn:

- Lục Hổ Thần! Quỳ xuống!

Thần lúc đó ngoan ngoãn như một con cừu non, vội quỳ xuống đất, làm lễ Tam quy cửu khấu. Thấy Thần hành lễ xong, Nghiêu mới đem vạn tuế bài cất đi!

Việc nhục nhã không ngờ này càng làm cho Thần căm thù Nghiêu. Thần về tới nha môn, ngay đêm đó dâng sớ về triều tố Nghiêu có năm tội đại nghịch, chín tội khi võng, mười sáu tội thiện chuyên, mười tám tội tham vàng, sáu tội kỵ khắc, mười lăm tội xâm thực, bốn tội tàn nhẫn, cộng tất cả là chín mươi hai tội và chiếu luật thì phải xử lăng trì.

Bản tấu này quả đã là một Thôi mệnh phù đòi mạng Nghiêu. Một đạo thánh chỉ ban xuống đại ý nói:

"Cô nghĩ cái công bình định Thanh Hải của Miên Canh Nghiêu khi giao cho thông lĩnh bộ quân A Tê đồ giám nên Cô cho Nghiêu tự xử lấy. Miên Phú (con trai thứ hai của Nghiêu ỷ thế cha, không điều gì ác mà không làm) lập tức đem chính pháp. Miên Hà Linh (cha Nghiêu), Miên Hy Nghiêu (anh Nghiêu) hãy đoạt lại tước vị, cho miễn xử phấn. Còn gia sản của họ Nghiêu thì tịch biên sung công hết"
.

Đạo thánh chỉ này ban xuống tức là toàn gia họ Nghiêu tan tành rồi! Việc này tuy do tội kiêu ngạo của Nghiêu gây ra nhưng thực cũng do cái thâm ý của Ung Chính hoàng đế muốn huỷ diệt công thần mà có. Mặc dầu đã loại bỏ được Miên Canh Nghiêu, nhưng còn có quốc cữu Long Khoa Đa, Đại học sĩ Trương Đinh Ngọc và tướng quân Ngạc Nhĩ Thái, ba người này trước đây đã cùng hoàng đế mật mưu hành sự, cho nên ngài lúc nào cũng canh cánh bên lòng, muốn trừ cho bằng hết.

Khổ cái là ngài không tìm ra được nguyên do nào.




Hồi đó, phàm các vị quan lớn được triều đình cho ra ngoài tức thì hoàng đế sai một người thân tín ngầm sung vào hàng mạc hữu(2) hoặc làm một kẻ thân tuỳ để giám sát cử chỉ và hành động của vị quan đó mật báo về cung. Trong số quan ngoại phóng này, có vị tổng đốc Hà Đông tên Điền Văn Kính.

Kính vốn tương đắc với bọn đại thần Ngạc Nhĩ Thái và Lý Mẫn Đạt. Khi được ngoại phóng, Lý Mẫn Đạt có tiến cử một vị mạc hữu tên gọi Ổ Sư Gia cho Kính, nhắn với Gia là người do Đạt tiến cử, nên Kính đặc biệt xem trọng và thường bàn bạc mọi chuyện với Gia.

Một hôm, Gia hỏi Kính:

- Minh công có muốn làm một vị danh thần không?

Trước câu hỏi đó, Kính đương nhiên gật đầu.

Gia lại nói:

- Minh công đã muốn làm một vị danh thần, thì tôi đây cũng muốn làm một kẻ danh mặc.

- Làm một danh mặc là làm thế nào?

Gia đáp:

- Xin minh công giao cho đại quyền, mọi việc khỏi cần phải hỏi tới làm gái:

- Kính hỏi lại:

- Tiên sinh muốn làm việc gì vậy?

Gia đáp tiếp:

- Tôi tính thay ngài dâng một bản tấu chương. Ngài không cần phải đọc. Bản tấu chương này sẽ giúp ngài đạo công cáo thành.

Kinh thấy Gia nói có vẻ chắc chắn lắm bèn gật đầu ưng chịu. Thế là ngay đêm đó, Ổ Sư Gia thức trắng, cố viết cho kỳ xong bản tấu chương rồi xin Kính gửi đi.

Bản tấu chương về tới triều, Ung Chính hoàng đế mở xem thì thấy đó là bản đàn hặc quốc cữu Long Khoa Đa. Bản tấu chương tố cáo Đa bênh che Miên Canh Nghiêu; lại huênh hoang chứa ngọc điệp, âm mưu nhiều chuyện bất pháp…

Hoàng đế xem xong bản tấu thấy rất hợp với ý ngài, ngài bèn hạ chỉ tước bỏ hết quan tước của Long Khoa Đa, giao cho Thuận Thừa quận vương là Tích Bảo nghiêm hình thẩm vấn.

Long Khoa Đa vốn là một nguyên, huấn đại thần, khi thấy hoàng đế bỗng trở mặt, đời nào chịu. Bởi thế lúc Thuận Thừa quận vương lấy cung, Long Khoa Đa cứ oang oang chửi bới.

Đa lại còn vạch ra hết cả những chuyện xưa, khi Ung Chính còn là một quận vương, mưu hại thái tử ra sao, tự cải di chiếu thế nào… không sót điều gì. Tố mãi đến lúc đã mới thôi.

Thuận Thừa quận vương thấy Long Khoa Đa khi quân đến vậy, không dám hạch hỏi nhiều thêm nữa, bèn một mặt tống Đa vào lao, một mặt nghi tấu, nói Đa phạm toàn trọng tội, xin chém lập tức.

Đông Thái Phi được tin này, vội đích thân tới khẩn cầu Ung Chính tha mạng cho anh. Lúc đó, hoàng đế cũng nghĩ tới công lao thuở trước, tha cho Đa tội chết và hạ một đạo dụ, nói:

"Long Khoa Đa vốn một cựu thần tiên triều. Trẫm nghĩ tới đó nên tha cho tội chết. Đa phải cất một ngôi nhà ba gian ở phía ngoài Sướng Xuân viên và tự giam mình viễn tại đây. Vợ con khỏi tội chết gia sản khỏi bị tịch biên"
.

Chuyện này xảy ra, Ung Chính hoàng đế lại nhẹ thêm được một phần tâm sự. Cũng từ đó, Điền Văn Kính oai danh nổi lên cao ngất. Hoàng thượng truyền dụ ghi công, lại thưởng thêm khá nhiều trân bảo phẩm vật. Còn Ổ Sư Gia được Kính tặng một ngàn lạng bạc.

Gia thấy tổng đốc trọng dụng mình, đâm ra làm tàng. Y chiếm độc quyền kiện tụng, cưỡng dâm phụ nữ, không có gì bậy mà y không làm. Tin đồn đến tai tổng đốc, Kính lập tức loại Gia ra khỏi nha môn. Y bèn làm một toà nhà ở ngay trước cổng nha, suốt ngày chỉ rỡn chơi, hỏi liễu tìm hoa.


Một điều hết sức kỳ lạ là từ khi Điền Văn Kính đuổi Ổ Sư Gia đi rồi mời một vị mặc hữu khác thay thế, thì mỗi lần dâng sớ tấu việc, Kính đều bị bác hồi, có khi lại còn bị truyền chỉ trách mắng là khác. Kinh đâm hoảng, đành nhờ người tới mời Ổ Sư Gia vào nha như cũ, nhưng Gia làm cao, không thèm tới. Mãi về sau, nhờ người trung gian cố sức giàn xếp, Gia mới đưa ra hai điểu kiện: một là làm việc ở nhà, khỏi cần phải vào phủ, hai là mỗi ngày tổng đốc phải trả công cho y một nén vàng. Bởi muốn giữ yên ngôi vị. Điền tổng đốc chẳng còn biết làm cách nào, đành phải nhất nhất đáp ứng điều kiện của Gia. 
Và Gia cũng từ đó, hôm nào thấy trên bàn tại nhà riêng có nén vàng thì y làm việc, còn hôm nào không thấy là y gác bút ngay. Đến khi Điền Văn Kính qua đời người ta vẫn thấy ân điển của hoàng đế còn trọng hậu. Thánh chỉ hạ xuống ban thuỵ cho Kính là Đoan Túc, được xây cất đền thờ ở trong thành Khai Phong và nhập tự trong đền Dư Tinh hiền lương từ. Sau đó ít lâu Ổ Sư Gia bỗng biến mất, chẳng ai còn thấy tung tích đâu nữa. Thì ra đó chính là người của hoàng đế sai tới để giám sát hành động của tổng đốc Điền Văn Kính.

Hồi đó có một vị án sát sứ tỉnh Phúc Kiến tên gọi Vương Sĩ Tuấn tiến kinh bệ kiến. Khi ra về, Tuấn được Đại học sĩ Trương Đinh Ngọc tiến cử một thân tuỳ. Người này tỏ lòng hết sức trung thành. Ngày tháng thoi đưa, đã ba năm trôi qua, Vương Tuấn nhân có việc cần, muốn lên kinh thỉnh huấn thì người thân tuỳ nọ trước đó ba hôm cũng xin cáo từ ra về. Tuấn giữ lại bảo:

- Nhà ngươi ở kinh. Ta cũng muốn tiến kinh. Bọn ta cùng đi một chuyến có phải tiện không?

Người thân tuỳ nọ tươi cười nói:

- Xin nói thực để ngài rõ: tôi vốn chẳng phải kẻ thân tuỳ nào cả mà chính là người của hoàng đế đặt ngầm nơi đây đề coi xét hành vi của đại nhân đấy! Đến nay đã ba năm qua, tôi nhận thấy án sát sứ quả là người thanh chính, cho nên tôi về kinh trước, thế cho đại nhân mà tâu báo hoàng thượng đó thôi.

Vương Sĩ Tuấn nghe xong, hoảng hồn bạt vía, chỉ còn biết chắp tay hướng về phía người thân tuỳ nọ mà lạy lấy lạy để, miệng lắp bắp:

- Mọi… điều… nhờ lão ca chiêu liệu giùm cho với…!

Tin này đồn ra ngoài, tức thì bọn quan viên ngoại nhiệm, anh nào anh nấy nơm nớp lo sợ, lúc nào cũng đề phòng có kẻ dò xét mình. Kẻ lo sợ nhất lại chính là Ngạc Nhĩ Thái và Trương Đinh Ngọc. Hai vị đại thần này, qua vụ án Long Khoa Đa, đều rõ dụng ý của Ung Chính hoàng đế. Họ cảm thấy nguy và cùng tìm cách thoát hiểm. Trương Đinh Ngọc vốn tinh ranh khôn khéo, vội dâng sớ cáo lão về quê. Hoàng đế giả đò giữ lại. Sau thấy Ngọc cố nài nỉ, hoàng đế mới chuẩn tấu. Lúc tiễn hành, ngài ban yến ở Sùng Chính Điện. Giữa buổi tiệc, ngài dùng ngự bút, viết một câu đối tặng Ngọc đem về nhà treo. Câu đối như sau:

Văn trị nhật trong sáng

Ơn trời xuân mênh mang


Ngọc về lại hoá hay. Hoàng đế muốn mua lòng y nên thường lấy tiền bạc trong nội khố thưởng cho. Mỗi lần thưởng như vậy có đến cả vạn lạng. Trong khoảng mười năm, ngài thưởng tới sáu lần. Nhiều lần Ngọc dâng sớ từ tạ, nhưng thánh chỉ hạ xuống nói:

- Thân phụ ngươi thanh bạch truyền gia. Ngươi tuân theo gia huấn nên tuyệt không có chuyện ăn hối lộ. Trẫm không đành lòng thấy ngươi túng quẫn.

Trương Đinh Ngọc không còn cách gì từ chối, bèn xây cất một toà Tứ Kim viên (Vườn cho vàng), mục đích tỏ lòng cảm kích ân điển của hoàng đế. Ngọc có một người chị tên gọi Diêu thị, tuổi trẻ ở goá mà có mưu trí. Nàng xét thấy thủ đoạn huỷ diệt công thần của Ung Chính hoàng đế, biết ngài là con người lật lọng phản trắc nên bảo rõ cho Ngọc hay rồi chuyển hết đồ tế nhuyễn của riêng tây, gia tài của Ngọc về nhà riêng của mình.

Quả nhiên vài năm sau, không ngoài sự dự liệu của Diêu thị, hoàng đế hạ thánh chỉ sai tổng đốc Lưỡng Giang tra xét gia sản của Ngọc, tịch biên và sung công. Anh em bạn hữu của Ngọc sợ bị liên luỵ, bèn quyên góp mười vạn quan tiền đem đặt vào nhà Ngọc, đợi tra xét. Về sau Lưỡng Giang tổng đốc đem mười vạn gia tài của Ngọc sung vào Giang Ninh khố.

Tuy nghe cuối cùng có thánh chỉ ban xuống trả gia sản lại nhưng Ngọc cũng chẳng dám lĩnh về nữa…

Mưu toan huỷ diệt công thần của Ung Chính chưa phải đến đây là hết, nó còn gây tai hoạ cho nhiều người sau này nữa.

Chú thích:


(1) Vật dùng lót chỗ ngồi cho Hoàng đế.

(2) Người giúp việc trong trướng
.

Hồi 64: Những cái án văn tự

Lại nói ông thầy Vương Hàm Xuân đem cậu nhỏ Miên Thành, con thứ ba Miên Canh Nghiêu, ngày đêm gấp rút đăng trình. Trên đường về, ông được tin Nghiêu bị giáng xuống chức tướng quân Hàng Châu. Vài hôm sau, ông lại nghe luôn một lúc mười tám đạo thánh chỉ, giáng Nghiêu mười tám cấp, làm một tên quan giữ cổng thành. Rồi khi về tới nhà, ông lại được tin Nghiêu đã chết và nhị công tử đã bị chính pháp. Tiểu công tử được hung tin của cha, nhưng không dám khóc, không dám mặc hiếu phục. Ông Xuân đổi họ tên cho nó, gọi là Hoàng Tồn Niên.

Gia đình Vương Hàm Xuân ngụ tại một phố nhỏ thành Dương Châu. Khi về tới nhà, Xuân không còn thấy ba căn phố trệt xưa kia nữa mà lại là một toà nhà rộng lớn có lầu cao mái dài, còn trong nhà thì Vương phu nhân mặc toàn lụa là gấm góc, con ăn đứa ở từng lũ, ngựa nhốt đầy cả chuồng.

Thấy lạ, Xuân hỏi vợ mới biết rằng ba năm về trước, đại tướng quân Miên Canh Nghiêu đã cho người tới làm nhà cho ông, lại còn cho vợ ông một món tiền lớn là hai mươi vạn lạng bạc tuỳ ý sử dụng. Nay đã đem tiểu công tử họ Miên về nhà riêng cũng đem tất cả nhà cửa, tiền bạc giao lại cho y. Nhưng Hoàng Tồn Niên nhất định không chịu nhận. Ông không biết làm cách nào nữa. Về sau Vương phu nhân nghĩ ra một cách là đem gả cô con gái Bích Vân cho Tồn Niên, đồng thời để Niên ở rể luôn.

Lúc này, ông Vương Hàm Xuân còn được tin Quốc cữu Long Khoa Đa đã bị giam giữ. Trương Đinh Ngọc xin lui về hưởng già, ông thở dài nói:

- Chim bay hết thì cung bị gác. Thỏ khôn chết thì chó bị thịt! Đó chính là sự đáp ứng xứng đáng cho các công thần. Quả thực là quá ác độc!

Lại nói Ung Chính hoàng đế thấy những kẻ đối đầu với mình đã chết hết, những tay công thần đã bị diệt sạch rồi thì ngài hẳn được thư thái trong lòng, tha hồ gối cao ngủ kỹ mới phải chứ? Chưa, bởi vì ngài vẫn còn một điều đáng ngại là con trai của thái tử Dân Nhung tên gọi Hoằng Triết, đem theo vợ con hiện cư ngụ tại Trịnh gia trang ngoài thành Bắc Kinh. Ngài sợ Triết rắp tâm báo thù cho cha, bởi vậy thường sai bọn tay chân tới nhà Triết để dò xét. Dân Nhung trước đây bị giam ở trong lao, sau đó lại bị Ung Chính sai người đánh thuốc độc chết thử hỏi Hoằng Triết là con sao không ôm hận phục thù, tất nhiên nhiều khi không khỏi buột miệng oán trách. Vợ của Hoằng Triết là phu nhân Qua Nhĩ Giai người rất hiền. Bà thường hay khuyên chồng ăn nói nên giữ gìn cẩn thận, kẻo khó thoát nguy.

Không ngờ những lời oán hận của Hoằng Triết, Ung Chính hoàng đế đều đã biết rõ cả. Một hôm, bỗng có hai tên nội giám mang theo năm, sáu chục lính xông vào phủ, bắt hai vợ chồng Triết điệu về kinh, và đưa vào trong cung. Ung Chính hoàng đế thăng điện, đem hai vợ chồng Triết ra, đích thân thẩm vấn. Ngài vừa nhìn thấy Triết, vụt nhớ lại những lời chửi bới oán hận, bất giác cơn giận bốc cao đến mấy trượng.

Định hạ lệnh xử ngay, bỗng ngài liếc thấy cô cháu dâu, tức là phu nhân Qua Nhĩ Giai, quỳ bên cạnh Triết có một sắc đẹp quả là tuyệt, da ngà mặt hoa, duyên dáng, quyến rũ, thân dài mà đầy đặn. Ung Chính gần đây nghe lời bọn hoà thượng Lạt ma chơi gái, đã có một sự từng trải đặc biệt về đàn bà.

Ngài liền hỏi cô cháu dâu bao nhiêu tuổi thì được biết tuổi mới ba mươi. Tuổi ba mươi là cái tuổi lửa tình đang vượng.



Đứng trước sắc đẹp của mỹ nhân, ngài chẳng còn để ý tới việc khác Ngài không thèm hỏi tội Hoằng Triết nữa, vội bước xuống bảo toạ, đích thân giơ tay nâng bà Qua Nhĩ Giai đứng dậy. Ngài quên luôn đó là cô cháu dâu của ngài, dắt tay chạy tuốt vào thâm cung…

Qua ngày hôm sau, một đạo thánh chỉ ban xuống, tha cho Hoằng Triết trở về Trịnh gia trang, đã thế lại còn phong cho Triết làm quân vương nữa. Hoằng Triết nghĩ rằng, cha thì bị người giết, vợ thì bị người cưỡng đoạt, mình còn mặt mũi nào sống trên đời nữa. Bởi vậy nhân lúc vắng người, Triết lấy cây bảo kiếm kề vào cổ và chỉ với một nhát, vong hồn đã theo cha về suối, vàng.

Ung Chính hoàng đế từ khi cướp được cô cháu dâu, ngày đêm vui thú mây mưa chẳng thiết gì tới việc khác. Ngài cao hứng đến mức đem bà Qua Nhĩ Gia và quý phi tới cung Ung Hoà để xem ngày "Phật mừng" (Hoan hỉ phật). Hôm đó vị quốc sư của ngài cũng đem bọn sư Lạt ma tới cung Ung Hoà để "nhảy phật" (khiêu phật), thành thử ngài được một bữa vui thoả thích. Nhảy phật là gì vậy? Đây là một nghi lễ của bọn sư Lạt ma Tây Tạng thời đó. Cứ mỗi tháng họ chọn một ngày đại cát để đưa một số đông nữ đệ tử vào cung Ung Hoà, trước hết cởi bỏ hết quần áo ở phòng ngoài rồi vào cung bắt đôi mà giao cấu dưới tượng phật. Bọn nữ đệ tử này quá nửa đều thuộc con nhà quan, cô nào cũng xinh đẹp cả. Vả lại, nếu không đẹp thì đâu có được vào.

Từ đó trở về sau, Ung Chinh hoàng đế cứ khi nào rảnh lại đến Ung Hoà cung để du hí, quên phứt chương trình huỷ diệt công thần của ngài.

Cách sau đó ít hôm, bỗng có viên tổng đốc Chiết Giang tên là Lý Vệ bí mật dâng sớ nói Giang Tây học chính là Tra Tự Đình ra đề thi trong có bốn chữ "Duy dân sở chỉ" quả là có dấu hiệu phản nghịch. Lần này Đình ra đề thi hai chữ "Duy chỉ" (rút ngắn bốn chữ Duy dân sớ chỉ) lây hai chữ "Ung Chính", niên hiệu của hoàng đế mà bỏ mất cái đầu, là để trù ếm hoàng đế, rõ là một kẻ đại nghịch bất đạo.

Ung Chính hoàng đế đọc xong tờ sớ, đột nhiên nổi giận đùng đùng, tức khắc hạ dụ cách chức Tra Tự Đình, bắt giải cho Hình bộ giam xét hỏi, Một đạo chỉ ban xuống cho Lý Vệ như sau:

"Tra Tự Đình vốn là viên đại thần hành tẩu trong nội đình, về sau được giữ chức nội các học sĩ. Nhận thấy Đình ăn nói dối trá, lại có tướng ác dữ khiến ai thấy cũng phải cho rằng tâm thuật của y không ngay. Triều đình nhân khuyết chỗ, bất đắc dĩ phái y đi Giang Tây, nay xét lại đề thi có bốn chữ "Duy dân sở chỉ" thì đúng là y có ý oán hận. Đình đã có ý xấu đó tất nên bình nhật phải có bút tích ghi chép, cần phải tới nơi tra xét. Việc tra xét này giao cho Chiết Giang tổng đốc Lý Vệ cấp tốc thi hành!"

Lý Vệ được chỉ ý, liền đem mấy chục tên thân binh, hùng hùng hổ hổ kéo tới nhà Tra Tự Đình khám xét. Bà Tra lão thái thái, tức là mẹ Đình, sợ quá ngất đi. Vợ Đình là bà Chúc phu nhân thấy thế vội quát mắng bọn thân binh không được hỗn, rồi đưa tất cả gia đình lớn nhỏ ra ngoài.

Lý Vệ lục lọi tra xét mãi, suốt cả buổi mà chẳng thấy giấy má, thư từ, chữ nghĩa, trước tác gì tỏ ý phản nghịch cả. Mãi sau, Vệ tìm được một cuốn nhật ký cất trong rương sách. Vệ cầm về nha môn, bắt chước kiểu chữ của Đình viết thêm vào nhiều chuyện hoang đường nguy hại cho Đình rồi gởi về Kinh.

Thế là một đạo thánh chỉ hạ xuống ghép Tra Tự Đình vào tội phản nghịch, tức khắc đem chính pháp. Người con trai cả Tra Tự Đình cũng bị xử chém. Còn gia thuộc của Đình thì bị sung quân lên mãi Hắc Long Giang, khiến một dòng họ quan sai đang yên ấm, đang sung sướng bỗng chốc tan tành.



Tại sao Lý Vệ lại thù hận Tra Tự Đình đến thế? Câu chuyện chỉ do cô tiểu thư mà ra. Đình có đứa con gái tên gọi Thiếu Vân, năm đó mười bảy tuổi, dung mạo tuyệt đẹp, lại phải cái hết sức đa tình. Ngoài ra Đình còn nuôi một đứa trẻ mồ côi, con của một người bạn, tên gọi Từ Ngọc Thành… Ngọc Thành lớn lên cũng hết sức bảnh trai, chơi rất thân với Thiếu Vân. Thế rồi hai cô cậu đã ngầm ước việc chung thân với nhau.

Việc này, bà mẹ của Vân cũng đã biết. Càng lớn, Thành càng khôi ngô tuấn tú lại chịu khó chăm học, mới mười sáu tuổi đã đỗ tú tài. Còn Vân, sắc đẹp đồn dậy trong ngoài, ai biết cũng trầm trồ khen ngợi.

Hồi đó, Lý Vệ với Tra Tự Đình là bạn thân với nhau. Vệ nhờ người đánh tiếng cầu hôn Thiếu Vân cho con trai mình.

Đình về nhà bàn tính với vợ, Chúc thị mới đem nỗi niềm tâm sự của con gái nói cho chồng biết. Đình vốn cưng con gái, không muốn gây đau khổ cho con, bèn cứ nói thực ra và cự tuyệt bên họ Lý. Không ngờ, Vệ bèn đem lòng thù oán, lúc nào cũng chỉ tìm sơ hở của Đình để trả hận. Đình là người có tính cao ngạo, không chịu chiều đời thì làm sao bảo ông ta chịu khuất được. Rồi cũng từ đó, đôi bên nhạt nhau, và từ nhạt đến thù kể cũng chẳng bao xa. Trước đó vài năm, chính Đình đã dâng sớ tố cáo Vệ nhưng vì mả nhà Vệ còn vượng nên chẳng thể lay chuyển được y. Lần này, đến lượt Vệ báo thù. Đình bị giam trong lao Hình bộ, chỉ còn đợi có thánh chỉ xuống là chính pháp. Uất ức quá, Đình tắt thở ngay trong lao.

Ấy thế mà Ung Chính hoàng đế cũng chẳng tha, vẫn bắt mang Đình ra băm xác để thị chúng. Tiểu thư Thiếu Vân theo mẹ là bà Chúc thị bị sung quân lên miền Hắc Long Giang, dọc đường chịu không biết bao nhiêu là đói rét khổ cực, may nhờ được Từ Ngọc Thành chung tình, lo liệu giúp đỡ, hai mẹ con nàng mới được yên ổn tới nơi. Thành đem sở học ra để dạy học nuôi thân, đồng thời nuôi sống cả hai mẹ con Thiếu Vân.

Sau khi án văn tự xảy ra, Ung Chính hoàng đế rất lưu ý tới trước tác của bọn văn thân. Ngài dặn dò đám đại thần tâm phúc sục sạo tra xét khắp nơi… Thế rồi, chỉ ít hôm sau, một án văn tự khác lại đến. Đó là cái án Lục Mai Sinh. Sinh vốn là một nhân viên cung sự của bộ Lễ. Nhân vì xét tâm lý của các vị vương thỉnh cầu phong vương kiến địa, Sinh bèn sáng tác mười bảy Thiên "Thông giám luận", nội dung nói chế độ phong kiến hữu ích như thế nào! Chế độ quân quyền tệ hại ra sao? Có kẻ muốn thủ lợi bèn đem văn bản của Sinh đến mật cáo với Thuận thừa quân vương Tiểu Bảo.

Thuận thừa quân vương được uỷ thác của Ung Chính hoàng đế nhưng chưa tìm ra được vụ nào, nay vớ được bản văn "Thông giám luận" này chẳng khác gì vớ được vàng. Nắm được bằng chứng chắc chắn, Vương quan trọng hoá vấn đề lên, rồi viết sớ tâu:

"Thông giám luận" chỉ là những lời lẽ của kẻ bất bình. Những lý lẽ trình bày về cái hay cái lợi của triều đình đều láo xược tỏ ý mỉa mai rõ rệt tội thật khó dung
".

Ung Chính xem tờ sớ, nổi giận đùng đủng, lập tức hạ chỉ kết án Lục Mai Sinh tà thuyết loạn chính, chém đầu tức thì.

Lục Mai Sinh vừa bị giết xong, chẳng ngờ hai vụ án văn tự khác lại xảy ra, gây náo loạn cả trong ngoài. Vụ thứ nhất tại Chiết Giang, do bộ sách "Tây chinh tuỳ bút" của Uổng Cảnh Kỳ. Nội dung của bộ sách này có nhiều lời lẽ phỉ báng triều đình hoàng thượng, ca tụng Miên Canh Nghiêu. Viên địa phương quan tra ra, vội báo lên triều đình. Một đạo thánh chi ban xuống hạ lệnh chém đầu Uổng Cảnh Kỳ, đồng thời phát vãng vợ con Kỳ lên Hắc Long Giang sung quân. Thứ nhì là vụ thị lang Tiền Danh Thế, vốn là tri gia của Miên Canh Nghiêu. Nghiêu còn sống, Thế sáng tác rất nhiều thơ văn ca tụng. Những bài này sau cũng bị quan địa phương phát giác và cấp báo về kinh. Lại một đạo thánh chỉ ban xuống kết tội. Thế là xuẩn nịnh quyền quý, lập tức cách tuột chức tước, may mà thoát khỏi tội chết.

Ung Chính hoàng đế dùng những thủ đoạn độc ác như vậy, tưởng rằng sẽ đàn áp được lòng người. Ai ngờ, hoàng đế càng hung ác bao nhiêu thì nhân tâm càng phẫn nộ bấy nhiêu, khiến ngài lại càng ăn ngủ không yên bấy nhiêu.

Nhân một hôm nhàn rảnh, Ung Chính hoàng đế chợt nhớ tới tên đại đạo Ngư Xác vẫn chưa trừ được. Đây là một mối lo lớn lúc nào cũng nơm nớp trong đầu. Ngài được tin Ngư Xác thường xuất hiện tại Hổ Vi Sơn, vùng Hoài Bắc, đánh cướp bọn khách thương qua lại, bèn hạ một mật chỉ cho tổng đốc Lưỡng Giang là Vũ Thành Thuỵ tới truy nã và nếu bắt được lập tức chính pháp Ngư Xác.

Vũ Thành Thuỵ vốn là một tay cừ khôi trong việc dẹp cướp. Thuỵ nhận thánh chi, lập tức cho tay chân bí mật dò thám và được tin Xác ở ngay trong Hổ Vi Sơn, cũng lại biết Xác chỉ đánh cướp của bọn tham quan ô lại, gian thương, ác bá mà thôi. Lúc trước Xác được Khang Hi hoàng đế mời về triều để bảo vệ thái tử Dân Nhung. Về sau, khi thái tử bị phế, Ung Chính hoàng đế đã có lần mời Xác về giúp, nhưng vì cảm, kích ân đức của thái tử, Xác không chịu, đem người con gái tên gọi Ngư Nhương vào ở trong Hổ Vi Sơn chuyên ra tay nghĩa hiệp giúp dân chúng địa phương dẹp bỏ những chuyện bất bình. Do đó dân tình thảy đều cảm kích và hàm ơn Xác.

Nay được tin triều đình ban lệnh truy lùng Xác, ai nấy đều vội đi báo tin ngay, Xác nghe xong chẳng đổi sắc mặt, chỉ đem Ngư Nhương tới gửi một người bạn tên gọi Cầu Nhiêm Công.

Cách vài hôm tổng đốc Lưỡng Giang đích thân tới gặp Xác. Gặp Thuỵ, Xác chẳng thèm úp mở gì, kể toạc ra Ung Chính là người tàn bạo ra sao và mình một đời hành hiệp thế nào cho Thuỵ nghe. Thuỵ cho Xác biết về vụ thánh chỉ ban xuống. Xác tuyệt nhiên không chút sợ hãi, tự mình chạy tới nhà lao Giang Minh chịu giam cầm. Thế rồi vài ngày sau, trên giới giang hồ đồn rầm lên rằng tên đại đạo Ngư Xác đã bị Lưỡng Giang tổng đốc điệu từ lao ra chính pháp rồi.

Tin tức này loan đi, truyền đến tai cô con gái Ngư Nhương khiến nàng khóc đến chết đi sống lại mấy lần. Và cũng từ đó, nàng quyết chí báo thù cho cha, theo Cầu Nhiêm Công luyện tập võ nghệ để chờ dịp hạ thủ. Đó là việc trong tương lai, ta hãy nán lại ít lâu.

Lại nói Ung Chính hoàng đế sau khi đã giết được Ngư Xác thì trong thiên hạ coi như không còn ai là đối thủ nữa.

Lòng ngài vô cùng khoan khoái. Nào ngờ chẳng được mấy hôm, Tứ Xuyên tổng đốc Nhạc Chung Kỳ mật tấu Tăng Tính người Hồ Nam kết đảng mưu phản. Ung Chính hoàng đế nghĩ uy vũ của mình đến thế mà vẫn còn có tên Tăng Tính nào đó còn dám mưu đồ nọ kia thì lạ thật. Phải dùng hắn làm tấm gương cho kẻ khác mới xong. Ngài bèn phái ngay hai viên đại thần, một Mãn một Hán, tới Tứ Xuyên hợp lực với Nhạc Chung Kỳ để tra xét và dẹp bỏ vụ này.

Tăng Tính là ai mà dám đối đầu với Ung Chính hoàng đế như vậy? Xin thưa: Tăng Tính hiệu là Bô Trạch, vốn là một kẻ sĩ có sở học uyên bác của tỉnh Hồ Nam. Tính thấy các vua quan nhà Thanh áp bức dân Hán quá đáng, trong lòng phẫn hận, thường có ý nghĩ tập hợp bạn bè cùng chí hướng khởi nghĩa, đuổi người Mãn, khôi phục lại Trung nguyên.

Một hôm, Tính gặp Trương Hy cũng ngụ trong xóm. Hy vừa mượn được cuốn sách bình luận về thời cuộc do Lã Văn Thôn sáng tác, nội dung quá nửa nói về sự khác biệt giữa Hoa và Di (Hoa là Trung Hoa, Di là những quốc gia nhỏ chung quanh Trung Quốc như Mông, Mãn v.v…); cũng nói cả về sự giao tỉnh giữa vua tôi phải như bạn hữu; lại nói cả đến việc dọn dẹp bọn ngoại bang để cứu Trung Quốc, đó là sứ mệnh của người quân tử. Tóm lại suốt cuốn sách, chỗ nào cũng có lời lẽ bài xích người Mãn. Tính xem xong, không khỏi vỗ bàn khen tuyệt.

Lã Văn Thôn hiệu là Lưu Lương, vốn một văn nhân nổi tiếng đất Hồ Nam. Học trò của Thôn rất đông, đều là những người thành đạt cả. Khang Hi hoàng đế biết danh tiếng của Thôn, bèn phái người tiến cử Thôn ứng thí vào Bác học hồng tư khoa. Thôn trong lòng ghét cay ghét đắng người Mãn, bảo Thôn làm quan nhà Thanh sao được. Thôn liền cắt tóc đi tu, rồi trốn biệt vào rừng sâu làm hoà thượng. Con trai Thôn là Lã Nghi Trung, cũng người có chí khí. Trung nối chí cha, bèn cùng bọn môn sinh của cha mình như Nghiêm Hồng Lục, Thám Tại Khoan, kết thành hội nhóm rồi đem tác phẩm của cha sao chép thành nhiều bản để phân phát cho cả hội cùng đọc.

Trương Hy vì thế cũng sao được một bản cất trong nhà. Khéo thay hôm đó Tăng Tính bắt gặp, xem xong lấy làm khoái, bèn hỏi Lã Nghi Trung hiện ở đâu thì được Hy cho biết đang ở ngay trong thành. Thế là ngay đêm đó, Tính bắt Hy đưa tới gặp Trung cho bằng được. Sau đó Trung cũng mời Tính đến gặp một số anh em của mình. Từ đó, hai bên hợp một thành một đảng lớn.

Tính một hôm nói với mọi người là có biết Tứ Xuyên tổng đốc Nhạc Chung Kỳ và kế hoạch của mình là dùng ba tấc lưỡi thuyết Kỳ dấy binh ở Tứ Xuyên, trong khi bọn Tính nổi đậy ở Hồ Nam để hưởng ứng. Tất cả nghe xong vỗ tay cho là diệu sách và sửa soạn lên đường đi Tứ Xuyên dụ thuyết…

Nguồn: http://vnthuquan.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved