Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

23 thg 11, 2013

Thanh Cung Mười Ba Triều - Hứa Tiếu Thiên - Hồi 161-165

Hồi 161: Mật chiếu trừ Cựu Đảng

Thấy Khang Hữu Vy được Quang Tự hoàng đế tin dùng, giao cho việc thực hiện tân chính, bọn cựu thần như Hứa Ứng Quỳ, Từ Hội Phong, Hoài Tháp Bố, Cương Nghị căm tức vô cùng.

Hằng ngày bọn quan cũ thường tìm những chỗ sai sót của bọn mới để khai thác, rồi tìm cách ton hót, gièm chê họ trước mặt Tây thái hậu.
Có điều là hồi đó, sau khi sống chung một cách vô cùng bí mật với Lý Liên Anh trong Di Hoà viên, Tây thái hậu ném hết mọi việc triều chính ra sau lưng, không thèm để ý tới một việc nhỏ nào nữa, ngoại trừ một vài việc muôn phần khẩn cấp. Cũng có đôi lúc, hoàng đế gặp phải đôi việc cần hỏi ý kiến thì bà chỉ kêu Lý Liên Anh truyền lời ra cho ngài mà thôi. Hoàng đế và Thái hậu vốn có tình mẫu tử, thế mà còn không được gặp, thử hỏi bọn thần tử làm sao mà gặp được?

Khi Hiếu Trinh hoàng hậu còn tại thế, Vinh Lộc tuy đã bị cách chức nhưng lúc này đã được phục chức và giữ việc Bộ quân thống lãnh. Lộc thấy ghế tổng đốc Trực Lệ khuyết, liền xin Tây thái hậu cho mình sung vào.

Rồi nhân dịp Quang Tự hoàng đế vào vấn an trong ngày sóc, vọng (sóc: ngày mồng một; vọng: ngày rằm), Tây thái hậu đích thân triệu Vinh Lộc vào bệ kiến để bổ nhiệm chức tổng đốc Trực Lệ.

Lại nói bọn Hứa Ứng Quỳ, Hoài Tháp Bố, hằng ngày rình rập nhóm tân chính xem có gì sơ hở không để kỳ trung thủ lợi.

Thật là may cho bọn họ, dịp đó đã tới.

Số là một hôm, chủ sự bộ Lê Vương Chiêu dâng lên một tờ sớ, sơ hở thế nào không biết, khiến Hoài Tháp Bố nhìn thấy trong quân cơ xứ, vội đánh cắp dấu vào ống tay áo, tính đem sang trình Tây thái hậu. Không ngờ việc gian xảo của Bố bị ngự sử Dương Thâm Tú biết được, vội chạy vào cung tâu ngay cho Quang Tự hoàng đế hay.

Quang Tự hoàng đế cả giận, lập tức hạ lệnh truy cứu tờ sớ của Vương Chiêu. Bố bất đắc dĩ phải trình lên. Quang Tự hoàng đế tức thì lột chức Hoài Tháp Bố, định cho tội danh không dùng vĩnh viễn.

Nội dung tờ sớ của Vương Chiêu khuyên Quang Tự hoàng đế hớt tóc, đổi y phục. Hoàng đế xem xong, mỉm cười, và ban cho Vương Chiêu mũ hàng tam phẩm.

Bọn thần công (quan lại) Mãn cũng như Hán, trong cũng như ngoài, tất cả nghe nói hoàng đế dám dung nạp cả đề nghị nhà vua hớt bím tóc, điều mà triều Thanh vô cùng kiêng cữ, liền khùng lên như một đàn thú dữ. Họ không hiểu tại sao hoàng đế lại có thể nghe theo những đề nghị kỳ dị như vậy.

Thế là cả bọn cựu thần, cựu đảng họp nhau lại, hết tốp này đến nhóm nọ, truyền đi mãi tới tai thái hậu.

Tây thái hậu vừa nghe mấy tiếng "hớt tóc đổi y phục", bỗng thất kinh, đùng đùng nổi trận lôi đình, gầm lên:

- Thằng bé hỗn láo thật! Cơ nghiệp của tổ tông có lẽ hắn muốn phá cho bằng hết đi chăng?

Lời nói vừa ra khỏi miệng Tây thái hậu, thì đã có bọn thủ cựu như Hứa Ứng Quỳ, Cương Nghị chạy vào tâu hót tới tấp.

Bọn này tố cáo nào là hoàng đế lầm lẫn, nào là nghe lời khùng dại của Khang Hữu Vy, cải biến tất cả chế độ tốt đẹp của các đấng tiên hoàng, không còn ra cái thể thống gì nữa.

Tây thái hậu nghe xong càng thêm tức giận. Bà truyền dụ triệu kiến hoàng thượng lập tức. Quang Tự hoàng đế nghe lệnh triệu biết chắc đã có chuyện xấu rồi, vừa đi lòng ngài vừa nơm nớp lo ngại.

Bước vào cung hành lễ xong, Quang Tự hoàng đế chưa kịp mở miệng vấn an thì Tây thái hậu đã đập bàn quát:

- Ta thấy mi hồi này tuổi đã lớn hơn trước, hiểu biết cung đã khá hơn xưa, nên mới phó thác việc triều chính cho. Ai ngờ mi vẫn một mực ngu xuẩn làm bậy. Mi có biết tổ tiên xưa gây dựng cơ nghiệp khó nhọc bao nhiêu không? Hình như hồi này mi đâm khùng thì phải? Mi muốn dâng hết cả thiên hạ của bọn ta cho kẻ khác phải không?

Quang Tự hoàng đế vội vàng thỉnh an xong rồi nói:

- Mẫu hậu đừng nghe lời gièm báng của người ngoài mà oan cho con. Con tuy có bất tài nhưng quyết không tự ý làm bậy. Hiện nay con đang tìm đủ cách để sửa sang, xếp đặt lại mọi việc, quyết thế nào quốc gia cũng phải được cường thịnh, cho toàn dân cùng hưởng thái bình, hạnh phúc. Lẽ nào lại có chuyện dâng giang san cho kẻ khác. Cầu xin Thánh mẫu xét rõ cho…

Tây thái hậu không để cho Quang Tự hoàng đế nói hết câu, quát:

- Mi còn chối cãi nữa phái không? Thế cái sớ của thằng Vương Chiêu xúi giục mi làm gì, hả? Mi tưởng tao đui điếc đấy à?



Nói đoạn, Tây thái hậu cầm cả một tập sớ dày cộm ném xuống trước mặt hoàng đế rồi quát tiếp:

- Mi hãy xem kỹ cái này đi!

Một tên thái giám lượm tập sớ dâng lên. Quang Tự hoàng đế đón lấy xem một lượt, lúc đó mới biết đó là tập sớ đàn hặc những chỗ sai lầm của bọn biến chính Khang Hữu Vy, đồng thời kể vạch hết những lầm lẫn của chính mình.

Xem xong, Quang Tự hoàng đế lặng thinh, không nói nên lời nào chỉ cất giữ lấy tập sớ. Tây thái hậu cười nhạt bảo:

- Bây giờ thì mi rõ cả rồi chứ? Thôi! Đi về đi! Ta cho biết mà coi chừng. Từ nay về sau, cẩn thận một chút nghe!

Quang Tự hoàng đế nghe thái hậu nói, dạ dạ luôn mồm rồi lảo đảo lui ra. Khi về tới cung Kiền Thanh, hoàng đế đem tập sớ, xem xét lại một lượt nữa, mới biết bọn đàn hặc mình đông có tới hơn hai mươi tên. Bất giác, ngài nổi giận xé nát tập sớ ra từng mảnh vụn, dậm chân uất giận, miệng gằn lên từng tiếng.

- Cái lũ thủ cựu láo xược này, nếu không trừ tuyệt chắc không thể yên giấc!

Hoàng đế càng nghĩ càng tức tối.

Qua ngày hôm sau, lúc sắp bãi chầu hoàng đế thấy có Viên Thế Khải xin vào triều kiến, thỉnh huấn để xuất binh. Khải được cử nhiệm chức Tiểu Trạm huyện binh tổng biện do Tổng đốc Trực Lệ bảo tiến.

Quang Tự hoàng đế khuyến khích họ Viên vài câu rồi cho Viên lui ra. Nhưng sau đó, ngài sực nhớ ra rằng mình hiện thiếu mất một tay chấp chưởng binh quyền. Ngài tự nhủ: Khải hiện làm Luyện binh tổng biện, phải chăng là người có thể…

Nghĩ vậy, Hoàng đế vội truyền ngay dụ ra ngoài bảo Viên Thế Khải tạm hoãn việc xuất binh, vào cung Kiền Thanh kiến giá.

Viên Thế Khải nhận được chỉ dụ này, vò đầu bứt tóc mãi vẫn chẳng tìm ra manh mối, đành lại quay vào cung Kiền Thanh, có một tên thái giám đưa đường.

Chờ y ấn hành lễ xong, nhà vua nói:

- Lần này xuất kinh luyện binh, ngươi có thể dốc lòng trung với nước không?

Bị hỏi đột ngột một câu như vậy, Khải giật nẩy mình, mồ hôi toát ra như tắm, vội vã cất mũ, dập đầu tâu:

- Tiểu thần đâu dám không hết lòng trung với nước? Tiểu thần nghĩ rằng bao đời chịu hậu ân của hoàng gia, thì dù thây có nát, hồn có tan cũng không đủ để báo đáp, chứ đâu dám có dị tâm này nọ.

Quang Tự hoàng đế mỉm cười, gật đầu nói:

- Tốt lắm! Tốt lắm! Nếu ngươi có lòng vì nước trẫm sẽ giao cho ngươi một mật trát mà hành sự cẩn thận. Về sau sự thành, tất nhiên ngươi được trọng thưởng.

Nghe đến đây, Viên Thế Khải chợt biết rằng hoàng thượng tin cậy mình, còn có một việc ký thác, mới thấy thư tâm, tiếp đón mật trát và dập đầu tạ ơn lui ra.

Khi Viên Thế Khải nhận mật trát lui ra khỏi cung Kiền Thành thì bị một tên nội giám chạy ngược chiều húc một cái mạnh vào ngay giữa ngực Khải, chút xíu nữa ngã kềnh ra đất.

Tên nội giám sợ bị tội, vội vã chạy như bay để trốn tránh.

Khải định thần trong chốc lát, nhìn theo thì đã không thấy hắn đâu nữa.

Khải đâm nghi, tự lấy làm việc lạ. Khi về đến tư dinh, Khải đem mật trát ra đọc. Thì ra đó là mật lệnh của Quang Tự hoàng đế sai Khải đem quân giết Tổng đốc Trực Lệ là Vinh Lộc. Sau đó, kéo binh về kinh để quét hết cựu đảng của thái hậu.

Viên Thế Khải xem xong mật trát, lòng do dự không quyết.

Khải tự nhủ:

- Việc này đâu phải chuyện trẻ con. Vạn nhất sự cơ không mật, quyết chịu tội diệt tộc!

Khải trằn trọc suốt đêm chẳng ngủ được, chỉ tại cái mật trát. Khải nhớ lại cái người xô mình lúc ban ngày, khi ra khỏi cung Kiền Thanh. Cuối cùng, Khải đặt nghi vấn, cái người quái gở đó phải chăng là tên mật thám của thái hậu?

Viên Thế Khải suy đi tính lại mãi mà vẫn chưa dám quyết bề nào. Khải so sánh hai thế lực của thái hậu và của hoàng đế thấy rằng thế lực của hoàng đế thua tới hàng ngàn vạn lần và như thế, việc này nhất định hỏng. Chi bằng đi đầu thú là hơn. Chủ ý đã định, Khải lên đường ngay đêm đó ra khỏi kinh thành.

Gốc gác của Viên Thế Khải như sau: trước đấy, đã có lần làm Triều Tiên uỷ viên, rồi đến khi Vinh Lộc lên nhận chức Tổng đốc Trực Lệ, Lộc liền bảo tiến Khải làm Luyện binh tổng biện.

Khải có ba tay em út trợ lực: đó là Đoàn Kỳ Thuỵ, Phùng Quốc Chương và Vương Sĩ Trân. Ba tay này, người đương thời đặt hiệu cho là "Lục quân tam kiệt".

Viên Thế Khải vội vã xuất kinh chạy một lèo tới Thiên Tân, đưa mật chỉ của Quang Tự hoàng đế cho Vinh Lộc xem.

Lộc xem xong cả kinh nói với Khải:

- May quá! May quá!

Nói đoạn, Lộc bảo Khải giữ ấn tín Tổng đốc Trực Lệ giùm mình, rồi ngày đêm chạy vội về kinh xin vào cung yết kiến Tây thái hậu.

Tên nội giám chạy vào thông báo. Nhưng Lão Phật gia có chỉ ngày mai kiến giá. Vinh Lộc vô cùng bối rối lo lắng, bảo tên nội giám:

- Việc này đâu có đợi được đến ngày mai?

Tên nội giám lại chạy vào lần nữa, Tây thái hậu thấy Lộc tử Thiên Tân về, bất chấp cả ngày đêm nài xin yết kiến, đoán biết phải có chuyện chi khẩn cấp. Do đó, bà truyền cho Lộc vào tức khắc.

Vừa nhìn thấy thái hậu, Vinh Lộc phủ phục trên mặt đất, khóc rống lên. Tây thái hậu cả kinh hỏi:

- Mi có chuyện chi mà khóc lóc đau khổ quá vậy?

Lộc vừa khóc vừa cất tiếng bi thiết tâu:

- Cái mạng của nô tài con chẳng kể làm chi? Có điều ngay cả Lão Phật gia tính mạng e cũng đáng ngại nữa!

Nói đoạn, Lộc cầm tờ mật trát trình lên. Dưới ánh sáng của chiếc đèn bạch lạp, Tây thái hậu xem kỹ tờ mật trát. Nội dung như sau:

"Trẫm đăng cơ từ lúc nhỏ tuổi, chính quyền đều do mẫu hậu nắm giữ, khiến một lũ nghịch đảng hoành hành không kiêng nể ai cả.

Đã hai mươi năm qua, Trẫm chịu hết mọi khổ cực. Hoặc có khi chính kiến không hợp, bọn nghịch nó lại chế giễu Trẫm.

Bởi thế, Trẫm tuy có thiên hạ, nhưng thực ra chỉ có hư danh.

Nếu cứ như thế mãi, chẳng những Trẫm chỉ là trò cười cho thiên bạ mà còn mặt mũi nào nhìn thấy tiên hoàng nơi chín suối nữa? Rồi đây hậu thế cung chỉ cho Trẫm là một vì vua như nhược hèn yếu mà thôi! Càng nói Trẫm càng thấy đau lòng!

Nay Trẫm giao cho Viên Thế Khải cập kỳ xuất kinh, thống lĩnh bộ thuộc của mình, khắc kỳ khởi sự, tập sát Tổng đốc Trực Lệ Vinh Lộc, nhận ngay lấy chức khuyết, sau đó, tuỳ thời suất lĩnh quân hùng cường mạnh kéo thẳng về kinh, quét sạch nghịch đảng, bảo vệ hoàng thất, chấn chỉnh lại triều chính; chớ phụ ý Trẫm.

Khâm thử"
.

Tây thái hậu đọc xong, bất giác nghiến răng kèn kẹt, nói:

- Hừ! Cọp không ăn thịt người, người lại tính ăn thịt cọp.

Nói đoạn, bà bảo Vinh Lộc:

- Mi đi ngay, triệu bọn đại thần ngay đêm nay vào vườn bàn việc!

Lộc lãnh ý chỉ lật đật chạy vào Di Hoà viên, không biết còn có người vội vã hơn mình.

Số là khi Vinh Lộc chạy vào Di Hoà viên, tình cờ đã bị tên nội giám thân tín của Quang Tự hoàng đế là Khâu Liên Tài bắt gặp. Thấy Lộc hốt hoảng, lật đật, Tài đã có lòng nghi, nhủ thầm:

- Cái thằng Vinh Lộc này hiện nay làm Tổng đốc Trực Lệ, tại sao nó lại có thể bỏ nhiệm sở tới đây một cách dễ dàng như vậy nhỉ? Việc này ý hẳn có biến cố quan trọng nào đây.

Nghĩ vậy rồi Tài liền nhẹ nhàng bám riết Lộc. Tài nằm mép trên góc điện để nghe trộm, thấy Lộc khóc rống lên khi yết kiến thái hậu, sau đó dâng lên một tờ giấy viết nhìn gì không biết. Chỉ vì khoảng cách quá xa, Tài không cách nào nghe nổi lời Lộc nhưng đến khi thái hậu gầm lên thì Tài nghe rõ ràng: "Mi đi ngay, triệu bọn chúng vào gấp…", và sau đó thì Lộc vội vã cà nhót chạy ra khỏi vườn.

Khấu Liên Tài được biết rõ tình hình như vậy, vội chạy về cáo cấp cho Quang Tự hoàng đế…


Hồi 162:  Số mạng bọn Khang ,Lương

Quang Tự hoàng đế đang trò chuyện với Trân, Cẩn hai phi ở trong cung, thấy Khấu Liên Tài thở hổn hển chạy vào, vội hỏi.

- Vì sao ngươi hốt hoảng vậy?

Tài vội quỳ xuống đất, tâu bày hết những gì vừa thấy rồi nói tiếp:

- Vinh Lộc hiện đã ra khỏi vườn, không biết đi triệu những ai. Nô tài sợ chuyện có liên quan tới bệ hạ cho nên vội chạy về đây cấp báo.

Quang Tự hoàng đế nghe qua biết ngay rằng cơ mưu phó thác cho Viên Thế Khải đã bị bại lộ, và tin rằng hậu quả sẽ vô cùng tai hại. Ngài cho rằng việc dù có hệ trọng đến đâu đối với ngài cũng chẳng can gì, song đối với bọn thi hành tân chính thì e rằng khó thoát. Chẳng lẽ trố mắt ngồi nhìn họ bị chặt đầu, chém cổ, không động lòng thương xót? Do đó, ngài liền bảo Khấu Liên Tài chạy ngay đi báo cho Khang Hữu Vy. Giữa lúc quá cấp bách, không kịp thảo chiếu, ngài bảo Tài giơ bàn tay ra, viết ngay vào lòng bàn tay bốn chữ: Sự cấp tộc tẩu (sự gấp, chạy mau) rồi giục Tài đi ngay.

Khấu Liên Tài lãnh chỉ, chạy như bay tới nhà Khang Hữu Vy. Đêm đó, Vy vừa thảo từ sớ, rồi đi nằm nhưng chưa ngủ thì bỗng nghe tiếng gõ cửa rất gấp. Cửa mở, Khấu Liên Tài bước vào, thở hổn hển gần như đứt hơi, muốn nói mà không nói ra lời, chỉ chìa vội bàn tay có bốn chữ của Quang Tự hoàng đế.

Khang Hữu Vy thoáng nhìn qua, biết ngay việc đã hỏng rồi, co giò vùng chạy ra khỏi kinh thành, không kịp mang theo cả quần áo.

Khang chạy luôn một mạch tới bến, nhảy xuống tàu ra Thiên Tân, xuống Thượng Hải, một lèo, mất hút.

Khấu Liên Tài làm tròn nhiệm vụ, quay về phúc chi, hành động không một ai hay biết!

Còn về Lương Khải Siêu? May cho Lương tối đó có việc phải lại thăm Khang để bàn tính. Lương vừa bước chân vào cửa, đã thấy sách vở, đồ đạc quăng ném lung tung, bề bộn, không một cái gì còn trật tự nguyên vẹn. Vội hỏi tên tiểu đồng, Lương được biết lúc gần canh ba có một người hốt hoảng tới nhà, chẳng thấy nói một câu nào, mà chỉ thấy chìa ra một bàn tay, thế là Khang chân tay quýnh quýnh vội nhảy ra ngoài bóng đêm chạy mất!

Lương vốn người khôn ngoan tinh ý, biết việc nguy đến nơi, lật đật chạy vào toà lãnh sự Nhật xin ty nạn. Lương nghe ngóng tình hình, vài ngày sau, quả nhiên được tin mọi việc đổ bể cả liền cải âu phục, theo viên phó lãnh sự Nhật Bản mà trốn luôn sang Nhật.

Hai tay trùm trong nhóm cải cách là Khang và Lương đã trốn thoát cả, cái hoạ lớn tất nhiên đè lên cổ bọn người còn lại. Ta lại kể tới cuộc mưu tính của Vinh Lộc để tận diệt đảng Tân chính theo lệnh Tây thái hậu.

Lại nói Vinh Lộc tối hôm đó, vội chạy đi triệu bọn đại thần như Cương Nghị, Hoài Tháo Bố, Hứa Ứng Quỳ, Tăng Quảng Hán, Tử Hội Phong vào ngay Di Hoà viên.

Vừa khấu đầu xong, cả bọn thấy Tây thái hậu vẻ mặt hầm hầm, giơ tờ mật trát của Quang Tự hoàng đế cho xem để bàn tính kế sách đối phó.

Cương Nghị dập đầu tâu:

- Theo ngu ý của nô tài, ngày nay chỉ còn cách giết bọn Khang, Lương, nếu không bọn nô tài sẽ bị chúng diệt sạch. Hạ thủ trước vẫn là phương sách tốt hơn cả.

Tây thái hậu lớn tiếng bảo:

- Không những ta giết hết mấy tên nghịch tặc đó, mà còn phế bỏ cả tên hôn quân nọ là khác!

Vinh Lộc vội quỳ xuống tâu:

- Tâu thái hậu! Việc này thiết tưởng không nên! Bởi vì rằng hoàng thượng lâm chánh, trong ngoài đều biết, nay vô cớ phế bỏ, ngoại nhân quyết vin vào đó mà dị luận. Theo ngu ý của nô tài thì xin mời Lão Phật gia lại nắm lấy triều chính, không giao quyền hành cho hoàng thượng nữa là hơn cả.

Tây thái hậu nghe đoạn sẽ gật đầu, tỏ vẻ đồng ý. Thế là bà tức tối hạ lệnh cho Cương Nghị đem quân thị vệ đợi lúc sáng mai lùng bắt bọn Khang Hữu Vy. Mặt khác, Tây thái hậu cùng bọn đại thần sẽ kéo tới xử trị Quang Tự hoàng đế.

Kế sách đã định, tất cả chỉ còn chờ trời sáng. Biện pháp thi hành tân chính của Quang Tự hoàng đế đến đây coi như cáo chung.

Quang Tự hoàng đế suốt đêm đó không sao chợp mắt được.

Trời sáng đã lâu mà ngài vẫn không lâm triều. Ngài lặng lẽ ngồi đợi biến cố xảy ra.

Chẳng bao lâu, quả nhiên, ngài thấy một tên nội giám tới tuyên triệu vào điện Di Lạc để yết kiến Thái hậu. Vừa hành lễ xong, ngài bỗng nghe bà lớn tiếng hỏi:

- Mi gọi ngoại thần đem quân về giết tao phải không?

Quang Tự hoàng đế thong thả đáp:

- Làm gì có chuyện đó?

Tây thái hậu càng tức giận, vội rút trong ống tay áo ra từ mật trát ném xuống mặt đất rồi quát:

- Đứa nào viết đây?

Quang Tự hoàng đế thấy chứng cớ đã hiển nhiên, không biết còn cách chi chống chế, che giấu nữa, bèn thuận miệng đáp luôn:

- Tử thần (con) giao cho Viên Thế Khải ý muốn quét sạch cựu đảng, có thế thôi, chứ tuyệt nhiên không dám kinh động tới thánh mẫu.

Tây thái hậu cười nhạt đáp:

- Không dám kinh động hả? Nếu không có Vinh Lộc báo tin sớm thì đến tao cũng là một tên tù quỳ dưới thềm rồi còn gì!

Nói đoạn, bà bĩu môi "xì" một tiếng, tức thì có bọn Lý Liên Anh nhảy tới, bất cần lời nói năng chống đối của Quang Tự, lôi tuột ngay ông vua cô thế về ngả Doanh đài.

Hồi 163: Tận diệt Đảng Tân Chính

Sau khi đưa Quang Tự hoàng đế tới Doanh đài, Lý Liên Anh khụng khiệng nói:

- Xin bệ hạ đợi đây chốc lát. Nô tài còn phải về hầu hạ thái hậu.

Nói đoạn, Anh cùng bọn nội giám kéo nhau ra đi, để mặc Quang Tự hoàng đế ngồi một mình đợi chỉ của thái hậu.

Cũng sáng hôm đó, Tây thái hậu truyền chỉ lâm triều. Trên điện, chuông khua trống đánh inh ỏi vang rền. Bọn đại thần đủ mặt Mãn, Hán nườm nượp vào chầu. Bước vào điện họ ngẩng mặt lên nhìn, không thấy Đức Tông hoàng thượng đâu, mà chỉ thấy có Tây thái hậu. Mọi người giật mình kinh sợ, cố tìm hiểu lý do. Nhưng chưa tìm ra thì đã nghe Tây thái hậu lớn tiếng:

- Hoàng thượng tin dùng bọn Khang Hữu Vy, tự ý hạ chiếu sai Viên Thế Khải bí mật giết ta. Chúng thần các ngươi có biết hay không?

Câu hỏi vừa chấm dứt thì bọn đại thần thảy đều tái mặt, đầu cúi thấp hẳn xuống, im phăng phắc, không dám hồi tấu!

Tây thái hậu cười nhạt bảo:

- Bọn ngươi ăn lộc của nhà vua thì phải trung với vua, ấy thế mà chỉ ngồi làm vì, những việc động trời như vậy chẳng hề hay biết! Ăn lộc hưởng tước, thực uổng! Rồi đây, có ai đem cả giang san này dâng cho kẻ khác, hẳn bọn ngươi cũng chẳng cần biết đến!

Bọn đại thần nghe thái hậu trách mắng đủ điều, miệng câm như hến, vô cùng xấu hổ. Giữa lúc bầu không khí vô cùng nặng nề khó thở ấy, Cương Nghị từ ngoài chạy vào báo tin bọn Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vy đã trốn thoát, chỉ bắt được có sáu tên là Đàm Tự Đồng, Lâm Thâm Tú, Lam Húc, Dương Nhuệ, Lưu Quang Đệ và Khang Quảng Nhân.

Tây thái hậu truyền chỉ trói giật cả sáu người, kéo ra chợ Tây chặt đầu. Cương Nghị lĩnh chỉ lập tức thi hành.

Tây thái hậu chém bọn sáu người rồi, lại hạ lệnh, truy lùng Khang, Lương, đồng thời cho điều tra một lượt tất cả bọn triều thần. Phàm những kẻ ngày thường có qua lại với Khang, Lương hoặc đã từng dâng sớ tán dương tân chính, thảy đều bị trừng phạt.

Trong số đại thần bị liên luỵ thì người bị giáng chức như Trần Bảo Hàm, Lý Nhạc Đoan, Tông Bá Lỗ, Ngô Mậu Đĩnh, Trương Bách Hi, Đoan Phương, Từ Kiến Dần, Từ Nhân Trú, Từ Nhân Kính. Kẻ bị tống đi đầy có Lý Đoan Phân, Trương ấm Hoàn. Kẻ bị giam cần có Từ Trí Tĩnh, Trần Lập Tam, Giang Tiêu, Hùng Hi Linh. Bị khám xét nhà cửa có Văn Đình Thức, Vương Chiêu, Hoàng Tuân Hiên. Mặt khác, Tây thái hậu tức khắc phục lồi nguyên chức cho bọn công thần bậc nhất của mình như Hoài Tháp Bố, Cương Nghị, Hứa Ứng Quỳ, Tăng Quản Hán, Từ Hội Phong. Sau đó, còn thăng cho bọn họ mỗi người thêm ba cấp nữa.

Triệu Thứ Kiều được đưa vào quân cơ sứ. Vinh Lộc được nhậm chức quân cơ đại thần. Viên Thế Khải được bổ nhiệm làm tuần phủ Sơn Đông. Du Lộc được điều động sang Trực Lệ làm Thự Tổng đốc. Đau đớn cho ông Đồng Hoà bị lột hết quan tước.

Mọi việc được sắp xếp như trên, tuy đã xong xuôi, nhưng cái dư nộ của Tây thái hậu vẫn chưa tắt. Bà tới Doanh đài để xử trị hoàng đế.

Lúc này, Quang Tự hoàng đế như người mất hồn, ngồi trơ như tượng trong Doanh đài. Thấy Tây thái hậu sấn sổ bước vào, mặt hầm hầm, nhà vua vội đứng dậy hành lễ, đầu cúi gập xuống, đứng sang bên trông vô cùng thảm hại!

Thái hậu ngồi xuống, cố nén giận hỏi:

- Việc làm của mi, bọn ta đã biết cả rồi! Nay mi mong muốn điều gì thì nói!

Quang Tự hoàng đế tuy nghe rõ câu nói nhưng không trả lời Thái hậu nói tiếp:

- Theo ta thì phiền mi ở lại đây một thời gian!

Câu nói của Tây thái hậu vừa dứt, thì đã thấy thái giám Khấu Liên Tài phủ phục dập đầu tâu:

- Lão Phật gia ở bên trên, nô tài đâu dám tâu liều! Thánh chỉ của lão Phật gia như vậy là bắt hoàng thượng giam cầm tại đây vĩnh viễn rồi!

Tây thái hậu chưa kịp cất lời, thái giám Lý Liên Anh đứng bên đã quát lớn:

- Văn võ đầy triều thảy đều im lặng, mi là người gì mà dám ăn nói lếu láo trước mặt Lão Phật gia?

Khấu Liên Tài vội dập đầu tâu:

- Lão Phật gia gia ân tha thứ cho nô tài về điều đó! Nhân hoàng thượng thân chinh, trong ngoài đều biết. Nếu một sớm đem thay đổi hết, sợ rằng người ngoài có dị luận. Cầu xin Lão Phật gia thánh minh rộng xét cho.

Tây thái hậu nhìn Quang Tự hoàng đế cười nhạt nói:

- Một thằng thái giám thân tín mở mồm ra là nói đại chính, chẳng trách cái lũ nghịch thần hoành hành lếu láo nọ!

Nói đoạn, bà quát bảo Lý Liên Anh kéo cổ ngay Khấu Liên Tài tới Từ An điện chờ lệnh bà.

Rồi Tây thái hậu truyền lệnh cho bọn nội giám đánh gãy cây cầu đá bắc vào Doanh đài. Bà còn dặn chúng không cho bất cứ thuyền bè nào ghé vào, nếu không có lệnh bà.

Thế là Doanh đài bị cô lập hoàn toàn. Ngoài Trân, Cẩn hai phi bên mình, Quang Tự hoàng đế không còn ai tâm phúc, thân tín nữa. Bọn cung nữ cũng như thái giám ở lại đây đều là lũ chó săn của thái hậu, chuyên nghe ngóng để mách lẻo.

Tây thái hậu rời Doanh đài, trở về điện Từ An. Vừa về đến cửa điện, Lý Liên Anh chờ đón đã từ nãy vội quỳ xuống rước vào. Bà hô gọi đem Khấu Liên Tài lên quát bảo:

- Thằng kia! Tao biết mi thường nịnh bợ hoàng thượng đã a tòng đám tân chính, lại còn tư thông với ngoại thần, làm không biết bao nhiêu điều bất chính phi pháp. Lúc đó, tao không rảnh để xem tụi mi láo lếu làm bậy. Hôm nay thì không thể tha mi. Hãy khai thực hết những chuyện mưu tính giữa hoàng thượng và bọn Khang, Lương ra mau, may ra tao còn có thể ân xá tội danh, nếu không, tao cho mi theo luôn lũ Đàm Tự Đồng chết chẳng toàn thây!

Khấu Liên Tài lúc này mặt chẳng đổi sắc, lớn tiếng dõng dạc tâu:

- Nô tài hầu hạ hoàng thượng, chỉ biết có làm tròn chức vị, ngoài ra không biết gì khác. Nếu Lão Phật gia cố ép lời cung, thì nô tài chỉ xin có một cái chết.

Tây thái hậu giận lắm, gầm lên như con hổ đói mồi:

- Tội mi đã không thoát chết, lại còn già mồm phải không?

Tiếng gầm vừa dứt, thì một lệnh truyền tiếp theo. Bà quát bảo Lý Liên Anh dùng hình cụ. Tài biết khó thoát chết, bèn hô lớn:

- Hãy khoan! Để nô tài khai hết.

Thế rồi, Tài đem hết những chuyện đầu của tai nheo, những điều bậy bạ hư hỏng của Tây thái hậu khai ra hết, thao thao bất tuyệt trơn tru từ đầu đến cuối, từ chuyện dâm bôn cho đến chuyện chửa hoang rồi tư sinh đứa bé…

Tây thái hậu ngồi nghe, mặt giận đến tím lại, mà cũng sợ đến xám lại, vỗ bàn đập ghế rầm rầm quát bảo kéo Tài ra.

Khấu Liên Tài chẳng đợi cho bọn cung nhân xông tới. Y gồng hết sức, nhảy ào tới, húc đầu vào cây cột điện đến rầm một cái, sọ vớ nát, óc phọt ra bầy nhầy lẫn máu loang lổ cả một đám trên sàn điện.

Tây thái hậu chỉ vào xác Khấu Liên Tài quát:

- Khốn kiếp! Đúng là một lũ phản. Trước mặt tao mà hắn còn vô lê như thế đấy! Băm xác nó ra.

Lý Liên Anh được lệnh, đốc suất mấy tên tiểu thái giám khiêng xác Khấu Liên Tài xuống điện rồi truyền bảo bọn thị vệ đưa ra ngoài băm nát thây ra. Việc truyền xong, Anh theo hầu Tây thái hậu sang Như Ý quán nghỉ ngơi.



Như Ý quán ở đâu vậy? Ở trong Di Hoà viên, tại hiên Nông Lạc về phía bên hữu, cách gác Cảnh Phúc không bao xa. Trong quán trưng bày toàn là thư hoạ của các danh nhân.

Do đó, quán chính là một đồ thư quán. Bọn hầu hạ thái hậu tại nơi đây không phải là cung nữ, cũng chẳng phải thái giám mà toàn là một lũ "đực rựa" nghĩa là một bọn đàn ông điển trai khoẻ mạnh.

Khi cất Như Ý quán này, thái hậu đã từng ra cáo thị khảo bọn thanh niên mặt mũi thanh tú, có tài hội hoạ nhất là hoạ các loại hoa lá, cây cỏ. Do đó, bọn trai trẻ khắp các tỉnh phủ đều nườm nượp về kinh để ứng thi, lần tuyển lựa thứ nhất, chọn được một trăm bảy mươi tên. Qua lần thứ hai, do bọn nội giám khảo chọn lại, còn có năm mươi lăm tên… Bọn nội giám đưa năm mươi lăm tên này vào quán Chiêu Lưu để đợi đích thân Lý Liên Anh tuyển lựa lần thứ ba. Sau lần tuyển, này, đám đệ tử trai trẻ chỉ còn lại có mười một tên.

Nhưng mươi một tên còn phải được chính mắt Tây thái hậu duyệt xét lần chót nữa mới thực là trúng tuyển. Bởi vậy sau một cuộc kén chọn đến nơi đến chốn, hai tên trong số mười một tên được chấm đậu ưu tú nhất.

Tây thái hậu truyền lệnh cho hai tên trai trẻ này ở lại Như Ý quán để sai khiến, còn chín tên thì để lại quán Chiêu Lưu để phòng hờ khi cần đến!

Hai tên được thái hậu thì một người Trực Lệ, tên gọi Liêu Như Mi, còn một người Hồ Dương tỉnh Giang Tô, tên gọi Quản Cẩu An. Hai tên được Tây thái hậu thưởng cho hằng năm ngàn lạng bạc và mười tấm gấm hoa.

Liễu Như Mi và Quản Cẩu An, cả hai đều điển trai tài hoa, ngang nhau nhưng về nghệ thuật nịnh bợ, xu phụng thái hậu thì Mi thua An xa. Bởi thế chỉ trong vòng có nửa năm mà An được Tây thái hậu tín nhiệm hết mức, được coi như Lý Liên Anh thứ nhì vậy!


Quản Cẩu An xuất thân là một tên lãng tử giang hồ, khi mười bảy tuổi xông vào gánh hát Côn khúc ban, thờ một anh kép hát làm thày, hát bộ đóng tuồng hai năm liền. Về sau, An thua bạc, làm một mẻ sạch sành sanh trọn gói của sư phụ rồi chuồn thẳng. Bỏ gánh hát, An lang thang đến nửa năm rồi mới quay về quê. Ông già An ghét cái đời vô lại của An, một hôm mời cả họ lại họp chính thức từ con, đuổi An ra khỏi họ.

An bị tống ra khỏi nhà, cầu bơ cầu bất, không biết nương tựa vào đâu, bèn lỏn về nhà, chờ dịp đêm khuya, xem nhà cửa có gì góp gom được, nào là đồ cổ, nào là tiền bạc cuỗm luôn một mẻ, rồi chạy tuốt một mạch tới Bắc Kinh.

Đến Bắc Kinh, An lui tới không thiếu sòng bạc, tố quỷ nào, cho đến lúc không còn nổi manh áo tấm quẩn tử tế. May thay, trời phú cho cái giọng ca tuyệt hảo. An liền lợi dụng nó đi hát dạo, ngửa cái chậu thau xin tiền khách vệ đường. Cũng có khi An vào đại trong các quán rượu, lầu trà, hát lớn lên vài ba bản ca mùi mẫn. Bọn khách phương Bắc được nghe cái giọng ca phương Nam, lấy làm thú, móc túi cho tiền không phải là ít.

Rồi một hôm, cái hôm mà vận hạn đã đến với kẻ giang hồ lêu bêu, An hát dạo tới cái lầu trà ngoài cửa tiền môn của kinh thành.

Cái lầu đó gọi là Xuân Sắc lâu. Bọn thái giám thường lui tới lầu này để cất chén làm vui. Phía sau lầu có cất một cái rạp hát, chuyên chiêu mộ bọn cô đào con hát từ bốn phương tới đây để ca hát mua vui cho bọn thái giám trong cung.

Hồi 164: Tên lãng tử tốt số

Quản Cẩu An đã hát tại rạp này hơn một tháng rồi. Một hôm, viên nội giám tên gọi là Lý Lục Lục vừa uống trà vừa nghe An hát, bỗng ngạc nhiên khen lấy khen để.

Chờ cho vở tuồng vãn, Lục bèn kêu An tới gần, hỏi họ tên, quê quán, rồi thưởng cho An ba lạng bạc.

Lục đi rồi, bọn người trong rạp xô lại mách bảo An:

- Người vừa rồi thính là Lý lục gia đó! Lục gia đã để ý tới ngươi, thì đó là một cơ hội tốt đấy! Nếu ngươi kết giao được với Lão nhân gia thì lo gì không có cơm ăn?

Quản Cẩu An vốn thuộc loại khôn ranh nhạy cảm, tai lắng nghe, đầu gật mấy cái, cố nhớ kỹ trong lòng:

Qua ngày hôm sau, vào buổi chiều, Lý Lục Lục đang uống trà, An vội chạy ra chắp tay xá thỉnh an. Thôi thì Lục gia gia dài, Lục gia gia ngắn. An khéo tâng bốc, nịnh nọt đến nỗi chỉ trong chốc lát, Lý Lục Lục đã sướng tít thò lò, phổng cả đến mười cái lỗ mũi lên. Chưa hết, An lại nhân đà, lấy giọng tình lên một điệu ca, xin Lý Lục Lục chọn cho một bài thích nhất. Lý Lục Lục tuỳ hứng chọn luôn bản "Tảo tuyết" (quét tuyết)

Có bản ca rồi, An bèn đem hết tuyệt kỹ của mình ra. Quả nhiên An ca hay tuyệt. Bản ca không một chỗ nào phải chê. Tiếng ca của An chẳng khác gì tiếng ngọc chuốt, tiếng chuông ngân.

Lý Lục gia nghe sướng như điên, khen lấy khen để:

- Thằng oắt con này ca quả hay tuyệt! Lão Phật gia của bọn ta khoái được nghe ca lắm, để ta chỉ cho mi một con đường mới được.

Quản Cẩu An nghe câu nói, chẳng dám chậm trễ, vội chạy tới cạnh thỉnh giáo. Lục gia bảo An:

- Lão Phật gia của bọn ta hiện đã thiết lập xong Như Ý quán, nên đang cần vài đứa ca hay lại giỏi hoạ nữa để hầu hạ tại nơi đây. Chỉ tiếc rằng mi chỉ biết ca chứ không biết hoạ! Giá thử mi biết hoạ thì có phải bớt được biết bao nhiêu thủ tục mà vẫn được tuyển. Nhưng không sao! Để ta tìm cách giúp mi.

An nghe xong vội hồi đáp:

- Chẳng giấu gì Lục gia! Cái nghề nào không rõ, chứ cái nghề hoạ, thì xin thưa với Lục gia, tiểu nhân, chỉ cần chấm phá vài nét là bất luận sơn thuỷ hoa hỉ đều tuyệt cả. Nếu Lục gia không tin xin cho tiểu nhân vẽ thử.

Lý Lục Lục nghe An nói, vỗ tay đôm đốp, to vẻ khoái chí lắm, bảo An:

- Thế là tuyệt, còn gì bằng! Ấy vậy thì để sáng mai, ta đưa mi vào ngay quán Chiêu khảo.

Thế là hai người hẹn giờ ra đi, xong đâu đấy Lý Lục Lục mới trở về nội phủ, Quản Cẩu An thì lo thu xếp đồ đạc quần áo suốt đêm hôm đó để chuẩn bị dự thi.

Trời mới tờ mờ sáng, Quản Cẩu An đã vội chồm dậy ngồi đợi. Mãi tới gần trưa, An chỉ thấy một tên tiểu thái giám mang theo một gói đến quán trà hỏi viên thủ quỹ:

- Ở đây có một người họ Quản không?

An nghe hỏi vội nhảy tới đáp ngay:

- Chính tại hạ đây!

Tên tiểu thái giám nhìn An một chập từ đầu đến chân, hình như để đặt lòng tin tưởng rồi mới đưa cái gói và bảo:

- Thay đi, rồi đợi một lát sẽ cùng vào ứng khảo.

An vốn người điển trai, nay lại có quần áo mới diện vào, cạo cái mặt, sửa cái râu, thử hỏi làm sao chả khả quan.

Chỉ một lát, Lục gia đã tới. Để mắt nhìn kỹ An, Lục gia nhử thấy một người khác, một người bảnh trai, dáng mặt chàng Tống Ngọc, Phan An thuở nọ. Lý Lục gia khoái quá, cười lên hềnh hệch, bảo An:

- Mi đẹp như thế này, đến ta cũng phải yêu nữa là! Chuyến này vào ứng thí, ta cam đoan thế nào mi cũng trúng tuyển rồi!

An được tán dương nhưng không dám nhận, khom mình:

- Xin hoàn toàn nhờ vào hồng phúc của Lục gia đã có ý chu toàn mà thôi!

Lý Lục Lục mỉm cười khoan khoái, rồi đem An đi theo mình vào quán Chiêu Lưu. Vừa bước chân vào quán, An đã thấy thí sinh ngồi đầy cả, cười nói um sùm, không khí thật vô cùng náo nhiệt.

Một tên nội giám bước tới trước mặt Lý Lục Lục nói lớn:

- Lục gia cũng đưa người vào dự thi đó chăng?

Lý Lục Lục cười lên hềnh hệch đáp:

- Đúng vậy đấy! Thằng bé này được lắm! Xin nhờ liệt vị nương tay cho một chút nhé!

Cả bọn nội giám lúc này này đã xáp lại, vội đồng thanh đáp:

- Việc của ai chứ việc của Lục gia thì khỏi nói! Đương nhiên là phải đặc biệt lưu ý rồi! Xin Lục gia cứ yên lòng.

Nói đoạn, cả bọn cất tiếng đáp chia tay với Lý Lục Lục và đưa Quản Cẩu An sang phòng đợi tuyển.

Cứ mỗi lần tuyển lựa là mỗi lần An được chọn, và không ngờ được rằng Cẩu An ngày một cao giá hẳn lên: đúng là An đã gặp được vận rồi.

Số là từ khi được vào Như Ý quán, An được Tây thái hậu triệu kiến sai hắn vẽ hoa hỉ (vẽ các bức hoạ về hoa cỏ cây cối) dâng lên; và được bà tán thưởng hết mức. Thế là An được làm ngay cái chức chủ nhiệm quán Như Ý.

Một hôm trời đã tối, Cẩu An đang ngồi ca hát với mấy tên tiểu thái giám trong quán, bỗng một cung nữ bưng tới cho một mâm cơm, miệng cười hí hí bước vào. Vừa đến trước mặt Cẩu An, cô cung nữ liền bảo:

- Ngươi thật sướng nhé! Thái hậu đang giận ngươi đó!

Quản Cẩu An nghe đoạn, mặt thộn ra như đất, một tiếng cũng không nói lên được. Cô cung nữ nhí nhảnh, vừa cười vừa mở cái lồng bàn đậy mâm cơm ra, đưa cho Cẩu An và nói:

- Lão Phật gia sai đem cho ngươi đó. Hắn lát nữa, có lệnh tới tuyên triệu đó. Ngươi nên chú ý cẩn thận nhé!

An lúc đó mới yên lòng. Nhìn vào mâm cơm, thấy đều là trân tu mỹ vị, An vội vàng dập đầu tạ ơn rồi đứng thẳng người lên, nhưng đứa cung nữ đã đi ra rồi.

Quản Cẩu An băn khoăn lắm, chẳng hiểu thái hậu có chuyện gì dùng tới mình mà sủng ái mình đến thế! Phải chăng đây là một chuyện sai bảo có quan hệ tới sinh mạng? Chẳng đi thì mang tội nghịch chỉ, mà đi thì lại sợ nguy đến tính mạng. An nghĩ vớ nghi vẩn một hồi, chẳng tìm ra cách nào để quyết định. Nghĩ đi thì vậy, nhưng khi nghĩ lại, An lại cho rằng mình bất quá chỉ là thân ăn mày hát dạo, may mà được gặp Lý Lục Lục chứ nếu không vẫn là thân ăn mày, chiếu một manh quần trăm mảnh, lang thang lê gót trên phố vắng xin tiền. Ngày nay được sung sướng như vầy, dù có chết ngay tức khắc, cũng chẳng còn tiếc nỗi gì. Nghĩ tới đây, An bỗng cảm thấy lòng mình hứng khởi, tinh thần càng thêm vui tươi.

Chẳng mấy lúc, con cung nữ khi nãy lại tới, lớn tiếng nói:

- Thái hậu có ý chỉ, truyền cho Quản Cẩu An đến Trí Tuệ hải kiến giá.

An vội vàng xốc áo sửa khăn lại cho đàng hoàng, rồi bước theo con cung nữ ra đi về hướng Trí Tuệ hải. Đi quanh co trên đường, An thấy đèn đuốc sáng choang. Cảnh trí vô cùng u nhã. An đi qua cứ mỗi chặng đường, đều thấy có bọn nội giám đứng chực hai bên cật vấn kỹ càng. Nhờ có con cung nữ biết ám hiệu nói ra, lúc đó An mới được thong dong tiến bước, không còn ai ngăn cản.

An vừa thoăn thoắt bước đi, vừa để mắt nhìn quanh. An thấy đền đài lầu gác nguy nga xinh đẹp, chẳng khác chi như bức tranh vẽ.

An đi loanh quanh một lát tới Chuyển Luân tạng, bên cạnh có chiếc đồng hồ xây trụ bằng đá hoa, có thể xem giờ khắc ngày đêm. Từ đây, An lại đi tới Thinh Ly điện. Về đầu phía đông điện có một ngôi đình kiến trúc rất tinh xảo trên đề ba chữ "Hoạ trung du" to bằng cái đấu một.

Quản Cẩu An theo gót đứa cung nữ qua hết nơi này đến nơi khác, lại tiến qua một căn thạch động, rồi đi xuyên qua một ngôi đình nhỏ, lúc đó mới thấy từng lầu cao vòi vọi, trên đề ba chữ "Trí Tuệ hải".

An đi tới phía dưới lầu, có ý muốn dừng bước. Con cung nữ cười bảo:

- Còn xa! Ngươi cứ việc đi lẹ lên theo ta!

An nghe nói gật đầu mấy cái, tiếp tục lên đường. Lại đi loanh quanh một hồi qua đến tám, chín khuỷnh đường, An thấy một ngôi nhà hình như làm toàn bằng đá tảng, có hai lầu cửa bên ngoài bên trên đều có vẽ long phượng. Đến đây, cung nữ bảo An:

- Ngươi ở lại chờ, ta vào phúc chỉ đã nhé!

Nói đoạn, bước đi ngay và mất hút trong nhà đá, mặc cho An đứng ngơ ngác phía ngoài.

Mười phút sau, cung nữ trở ra, dặn dò An:

- Thái hậu đang ở trong đó! Ngươi nên cẩn thận!

An đáp nhỏ một tiếng rồi cùng đứa cung nữ tiến vào toà nhà đá. Lại đi qua bốn lần cửa nữa. An thấy phía trong rộng hẳn ra, nghĩ rằng nơi đây còn có một phương trời khác, An bèn quay mặt nhìn quanh bốn phía thì thấy ngay chính giữa hình như có một toà đại sảnh, trên đề ba chữ "Luân Lạc đường".

Đi qua toà đại sảnh này, An thấy bên hông một dãy nhà bằng nóc chạy dài chừng mười mấy căn, bên trong trần thiết hết sức hoa lệ.

Chính giữa một căn nhà này đèn đuốc sáng chưng, Quản Cẩu An nhanh mắt sớm đã thấy Tây thái hậu ngồi một mình đang xem sách. An lúc này chẳng chờ cung nữ vào trước tâu lên nữa, mà tự mình bước tới khấu đầu yết kiến.

Tây thái hậu thong thả bỏ cuốn sách xuống, sai cung nữ cho phép An ngồi, rồi vừa mỉm cười vừa hỏi An nào là mấy tuổi, nào là gia cảnh ra sao. Sau khi An lần lượt tâu xong, Tây thái hậu lại hỏi:

- Ngươi biết hội hoạ, vậy ngươi có phân biệt được nét hoạ của người Tống không?

An vội tâu:

- Tiểu thần mắt thịt, sợ rằng phân biệt không nổi.

Tây thái hậu gật đầu bảo An:

- Nếu vậy, thì ta cho ngươi xem bức hoạ này nhé!

Nói đoạn Tây thái hậu quay lưng đi thẳng vào buồng trong.

An run lập cập bước theo sau, ngay cả hơi cũng không dám thở nữa!

Sợ như vậy mà An vào buồng trong một mạch, mãi tới gần trưa ngày mai mới quay về đến quán Như Ý. An theo Thái hậu vào trong xem cổ hoạ hay đọc sách! Đố ai biết được. Nhưng ngươi ta chỉ thấy từ sau đêm đó, An bất cứ lúc nào cũng có thể bị gọi vào trong. Ngoài ra, An còn lấy thêm một con cung nữ làm vợ. Ở phía ngoài cửa trước, toà nhà đồ sộ rộng lớn đó chính là nhà của Tây thái hậu cho An ngự đấy. Phải chăng đó là vận may của một tên lãng tử?

Hồi 165: Quyền giáo phò Thanh diệt Dương

Tây thái hậu, sau khi cầm tù hoàng đế Quang Tự lại đích thân nắm quyền chính dự việc triều đình, bỏ rèm nghe chính… Một bọn đại thần chấp chưởng quyền hành trong nước như Vinh Lộc, Cương Nghị, Triệu Thư Kiều, thảy đều là tay chân, cánh vây thân tín của bà. Còn bọn cựu thần thì ngoài Vương Văn Thiều ra, một phần lớn đều bị cách chức, hoặc là bị tống ra biên ải đi lính thú. Sở dĩ Thiều còn được ngồi tại chức cũ là nhờ ở sự giao du thân mật với Vinh Lộc mà ra.

Lúc này, Khang Hữu Vy và Lương Khải Siêu ở Nhật Bản lại đã thành lập được một tổ chức gọi là hội Bảo Hoàng, tôn chỉ của hội là ủng hộ vua Đức Tông, xua đuổi Tây thái hậu.

Người phụ hoạ với Khang, Lương gia nhập hội này rất đông.

Tin tức này truyền về Trung Quốc, đến tai Tây thái hậu, hậu rất lấy làm lo ngại. Bà liền cho họp bọn quân cơ đại thần để mong tìm một biện pháp.

Theo ý Tây thái hậu thì tuy bọn Khang, Lương ở xa mãi hải ngoại nhưng cuối cùng vẫn là đáng sợ cho bà. Nếu không tìm được một kế sách để diệt trừ bọn này thì không thế yên được. Cả bọn trong bàn hội nghị suy đi tính lại mãi một lúc lâu mà vẫn không tìm ra kế sách gì gọi là lương sách.

Cương Nghị muốn làm đẹp lòng Tây thái hậu, liên mật tâu:

- Theo ngu kiến của nô tài thì bọn Khang, Lương ở hải ngoại hoạt động, thực chẳng phải chỉ có mỗi một mục tiêu là bảo hoàng mà thôi đâu. Tìm cách trừ được chiêu bài của bọn chúng, duy chỉ có việc lập sử (lập vua nối ngôi) để mình nắm chắc được quyền vị đã, sau đó dần dần thiết kế chính vị, và chém cỏ trừ gốc. Chúng không còn biện pháp đối phó nữa, ắt tự nhiên phải tan!


Mấy lời khuyên này của Cương Nghị đã làm cho Tây thái hậu thức tỉnh. Bà gật đầu: đồng ý lia lịa, rồi tức tốc truyền lệnh lo việc lập sử.

Nghe được tin tức lập sử, bọn thân vương chi gần, bọn bối lặc, bối tử, anh nào lại chẳng nghĩ đến cái mồi ngon nó sẽ đến với mình trong tương lai. Bởi thế bọn thân vương ngang hàng với Đức Tông tấp tểnh đem con trai mình ứng cử ngôi kế vị. Họ nghĩ rằng một khi con mình đã lên ngồi trên ngôi báu rồi thì làm sao chả có cái ghế nhiếp chính vương dành cho mình. Thế là trong bóng tối, họ ngầm chơi nhau, tranh giành lẫn nhau, vô cùng kịch liệt.

Trong đám thân vương mưu đồ ngôi báu này, người ta chỉ thấy có Phổ Tuấn con của Đoan vương Tải Ỷ, là có nhiều hy vọng nhất.

Thuần Vương Tải Phong, bối lặc Tải Lan cũng hăng hái chạy chọt đến nát cả gót giày. Nhưng cuối cùng lại bị Đoan vương chiếm mất ưu thế. Ấy cũng vì chuyện tranh giành này nên sau mới có chuyện ghen ghét nhau, rồi chia năm xẻ bảy, thù nghịch nhau lung tung. Bất quá chỉ là tại khí số của nhà Thanh đã đến lúc hết, cho nên mới xảy ra tình trạng nát bét như vậy.

Con trai của Đoan vương là Phổ Tuấn sở dĩ được lập sử, sự thực ra cũng có một nguyên do quan trọng bên trong. Nguyên lai bà phúc tấn, vợ Đoan vương vốn là người đẹp sắc nước hương trời, Tây thái hậu thường cho gọi vào trong cung để bầu bạn với mình và với bọn cách cách. Cái hay của bà phúc tấn là khéo chiều người, vì thế rất được lòng Tây thái hậu.

Phổ Tuấn nhờ mẹ cũng được phép ra vào trong cung cấm. Phải cái Phổ Tuấn ngu dốt đến tệ hại. Hai chữ "đọc sách" đối với Tuấn hình như là cái gì "oan gia đến bảy kiếp". Đọc sách thì chê, nhưng lang thang hết đầu chợ cuối phố, len lỏi vào những tổ quỷ hang chuột thì lại rất lành nghề. Do đó bất luận là Huy điệu, Tần xoang, Côn khúc v.v… tất cả Tuấn đều hát được, tuy không mê ly lắm nhưng cũng lọt tai. Những lúc rồi rảnh, thái hậu thường bảo Tuấn ca lên vài bản nghe chơi và thường lưu Tuấn trong cung bên cạnh bà.

Lần này lập sử, bọn đại thần đương nhiên đều tiến cử Phổ Tuấn, rất hợp với ý của Tây thái hậu. Bởi Tuấn là một tên ngu dốt, đần độn thì tuy ngai vàng Tuấn ngồi, nhưng quyền bính vẫn nằm trong tay bà hết. Bà nghĩ nếu cho một kẻ thông minh tài trí ngồi vào chiếc ngai vàng nọ, ắt có ngày lại xảy ra cái vụ chính biến nữa, nên bà quyết lập Phổ Tuấn lên ngôi hoàng đế.

Ý đã định, Tây thái hậu bèn cho gọi ngay Đoan vương Tài Ỷ vào Di Hoà viên để nghị sự. Bà đem chỉ dụ lập Phổ Tuấn lên nối ngôi Đức Tông, tức là Mục Tông cho vương xem.

Đoan vương mừng rơn, vâng chịu ngay. Vương bèn chọn ngay ngày lành giờ tốt để đưa cậu con trai mình vào làm hoàng đế tương lai, gọi là Đại A Kha.

Thế là Tây thái hậu đã thực hiện được phần đầu của kế hoạch. Sang phần thứ hai, bà lấy danh hiệu lập sử chiêu dụ trong ngoài, từ đại thần tiểu thần đến quần chúng chuẩn bị phế bỏ Đức Tông để đưa Tuấn lên chính vị hoàng đế. Mặt khác bà thông báo cho các quan lại khắp nơi biết là sang năm mới sẽ có cuộc đăng vị của tân quân.

Chỉ dụ này vừa ban bố ra chưa được bao lâu thì bọn cựu thần như Vương Mông Lâu, Tôn Dục Văn đều dâng sớ lên tranh biện phải trái.

Bọn cương thần ngoài biên ải như Lý Hồng Chương, Trương Chi Động, Lưu Khôn cũng gởi tấu chương về triều như bươm bướm để can gián. Họ lấy lý do Đức Tông chưa từng làm điều gì thất đức, chớ nên bầy chuyện phế lập để sinh rắc rối. Ngoài ra, bọn ngoại quốc như Anh, Pháp, Nhật, Nga cũng gởi thư cảnh cáo. Bọn này thì sợ việc phế lập này sẽ gây ra chuyện khủng hoảng nội chính cho Trung Quốc, có hại cho quyền lợi của họ.

Tây thái hậu thấy tình hình xôn xao như vậy, chỉ đành gọi bọn đại thần vây cánh vào cung bàn tính. Sử quân (vua nối ngôi) đã sẵn rồi, chỉ còn có việc phế lập. Nhưng nên để khi tình thế bên ngoài tạm lắng dịu lúc đó hãy tính.

Việc ngăn trở này đột nhiên xảy ra, khắp triều chẳng có anh nào dám bàn chuyện phế lập nữa. Duy chỉ có Đoan vương Tài Ỷ là tức đến hộc máu, gầm gừ hậm hực suốt ngày. Ông tiếc cái phút vinh hoa khi được thấy thằng con trai Phổ Tuấn của ông ngồi ngất ngưởng trên ngôi báu. Ông còn tức một điều nữa là cái bọn ngoại nhân kia tự dựng nhảy vào chuyện. Bọn đình thần cũng như bọn cương thần, ông còn có thể dùng uy quyền áp chế để thực hiện ý minh được, chứ đến những điều khuyến, cáo nảy lửa và nguy hiểm của bọn ngoại quốc thì quả khó mà vượt qua. Bởi thế, Đoan vương sau chuyến làm thái thượng hoàng hụt này, càng lấy làm căm tức bọn ngoại quốc, coi như không đội trời chung. Từ đó về sau, ông thường nghĩ mưu tính kế để báo thù, hết đặt chước này lại đến bày phép nọ, mong sao đuổi cho bằng hết bọn chúng ra khỏi đất nước.

Rồi ông đi kiếm bọn Tải Lan, Cương Nghị trù hoạch một kế sách để đối phó với ngoại nhân. Tục ngữ có câu: "Vật có thối thì dòi mới sinh". Đoan vương vì hận thủ riêng tư mà dồn mọi nỗ lực trả thù bọn Tây dương nên bọn Quyền giáo mới thừa dịp mà khởi sự được. Đó phải chăng do số trời?

Thôi việc đó ta hãy tạm gác.

Phe Quyền giáo vốn gốc gác tại tỉnh Sơn Đông. Thủ lĩnh của phe này là Trương Loan, tàn dư của Bát quái giáo.

Sau khi bị quân Thanh tiêu diệt, Bát quái giáo đã lâu không xuất đầu lộ diện. Trong chiến dịch năm Giáp Ngọ (Trung - Nhật chiến tranh) triều đình nhà Thanh cam chịu cắt đất cầu hoà. Những ai giàu nghĩa khí đều lấy làm tức, bàn tính xôn xao, kẻ thì nói Thanh đình nhu nhược để đến nỗi bị ngoại nhân khinh rẻ Trung Hoa, kẻ thì bảo từ đây Trung Quốc sẽ bị cái cảnh chia dưa xẻ bí, không còn cách chi an bình nữa.

Trương Loan thấy lòng dân tức giận, hùng khí lên ngùn ngụt, bèn mưu tính với con gái là Trương Tú Anh và con rể là Lý Lai Trung dựng cờ khởi sự, lấy danh nghĩa là "phò Thanh diệt Dương". Đi tới đâu, Loan truyền giáo tới đó, hiểu dụ quần chúng vào đạo, vào đảng của mình.

Trương Loan biết khá về tả đạo bàng môn, bèn lợi dụng ngay xảo thuật này chữa bệnh cho người, khi bằng bùa, khi bằng chú, cũng có chút ít hiệu nghiệm, thành thử lôi kéo được khá nhiều người vào đảng.

Giữa lúc này, một dịp may hiếm có tới với Loan. Số là Dục Hiền, tuần phủ Sơn Đông có một người thiếp yêu sinh đẻ khó khăn, lo thầy chạy thuốc mãi không xong. Trong lúc cấp bách, Hiền chẳng có chủ ý gì cả, nghe có người tiến cử Trương Loan, chẳng hỏi han gì, vội cho người đi mời ngay vào.

Trương Loan dùng phù chú chẩn bệnh. Sau đó chẳng hiểu Loan dùng quỷ thuật gì mà vừa niệm xong mấy câu thần chú, cái thai bỗng ra cấp kế. Cả hai mẹ con thế là toàn mạng. Dục Hiển mừng quá, đã mừng lại phục nữa, liền cho đem ngay cái kiệu của chính mình tới công đường để đưa Loan về.

Vài ngày sau, Dục Hiền sai người đem ba ngàn quan tiền đến để tạ ơn Loan. Nhưng Loan không chịu nhận một đồng nào, chỉ yêu cầu Hiền một điều là ra yết thị để bảo vệ Loan, có thế thôi.

Dục Hiền cũng chẳng do dự gì, liền sai ra yết thị khắp nơi, hiểu dụ cho toàn thể quan lại các quận huyện trong tỉnh, rằng Nghĩa hoà quyền vốn là một loại Nghĩa dân, chỉ lo phù Thanh diệt Dương, vì vậy quan lại địa phương nên phải bảo vệ cho họ.

Quan tỉnh đã ra yết thị như vậy, thử hỏi bọn tép riu dưới quận huyện làm sao mà dám động tới Nghĩa hoà quyền? Thế là tại Sơn Đông, Loan tha hồ làm mưa làm gió, không hề bị ngăn trở. Quần chúng mê tín càng ngày theo càng nhiều, thế lực của Loan chẳng mấy hồi mà mạnh lớn. Cô con gái Trương Tú Anh tự là Hoàng liên thánh mẫu, tuyển mộ một đội phụ nữ, người nào cũng mặc áo đỏ và quần đỏ, tay cầm cái đèn đỏ, đi khắp đó đây tuyên truyền rằng: Súng đại bác của bọn mọi da trắng Tây dương tuy có lợi hại, nhưng ta chỉ lấy chiếc đèn đỏ rọi một cái là nổ tan tành ngay.

Ấy cũng vì thế mà khắp cả vùng Sơn Đông loan truyền huyền thoại về cái đèn đỏ rọi. Lại còn huyền thoại về loại bùa thiêng, cứ hễ đeo vào mình thì lúc xông trận không bao giờ bị đao, kiếm, nước, lửa làm cho bị thương cả. Tin tức này truyền ra ngoài, chẳng đầy nửa năm, đảng vũ của Loan đã lên tới tám, chín ngàn người. Những nhà thờ đạo Công giáo xây cất ở Sơn Đông của bọn Tây dương chẳng mấy ngày đã bị tín đồ của Loan phá huỷ, đốt cháy hết. Chưa đã, bọn Loan còn đi lùng giết các cha đạo, đánh đập những người theo đạo Công giáo.

Khi đó thế lực của bọn Tây dương và của các đạo Công giáo chưa mạnh, bởi thế khi bị Nghĩa hoà quyền tấn công chẳng làm gì được, chỉ đành chạy lên nhờ quan tuần phủ can thiệp.

Nhưng Dục Hiền vốn trót quý trọng Trương Loan, hơn nữa cũng chẳng ưa gì bọn Tây dương cũng như đạo Công giáo cho nên chỉ ậm ừ khuyên giải đôi ba câu lấy lệ mà thôi.

Uy thế của Nghĩa hoà quyền càng ngày càng lớn. Bọn Tây phương đến lúc này quả có hãi sợ. Nghe tới Nghĩa hoà quyền anh nào anh nấy đều xanh mày xám mặt. Dục Hiền bị điều động đi tỉnh khác, Viên Thế Khải được đổi tới làm Sơn Đông tuần phủ. Lúc Khải tới, Nghĩa hoà quyền đã đến lúc cực thịnh, gây không biết bao nhiêu chuyện ngang ngược tại nơi đây.

Viên Thế Khải thấy bọn Trương Loan quá lộng hành, biết thế nào cũng có điều chẳng lành về sau, bèn truyền lệnh cho tổng trấn đem quân đánh dẹp. Nghĩa hoà quyền bị đánh tan tác Thủ lĩnh Trương Loan chết trận, chỉ còn vợ chồng Trương Tú Anh và một số đồ đảng sống sót.

Tuy nhiên, Nghĩa hoà quyền lúc này đã thành lập xong, ở khắp các tỉnh đều có tổ chức. Thấy Sơn Đông tình hình nguy ngập, không thể lập cước được, tất cả kéo nhau sang Thiên Tân. Tổng đốc Trực Lệ là Du Lộc thấy Nghĩa hoà quyền kéo cờ phù Thanh diệt Dương, rất lấy làm quý trọng. Lộc đã chẳng những mời Lý Lại Trung vào trong công đường đàm đạo, lại còn cung đốn ăn uống đầy đủ. Thế lực của Nghĩa hoà quyền ở Thiên Tân mạnh dần. Hơn nữa, từ sau khi Lý Hồng Chương được bổ nhiệm làm Tổng đốc Lưỡng Quảng, huấn luyện xong đoàn quân Thần hổ doanh binh mã thì số quân này đều thuộc quyền điều động của Đoan vương, là người coi Tây dương như kẻ thù bất cộng đái thiên.

Vương tính tìm cơ hội báo thù cho vơi bớt nỗi oán hận chất chứa lâu nay, bèn cho huấn luyện binh sĩ ngày đêm cho thật thuần thục để chờ lúc dùng tới. Khéo thay, sự đời có chỗ gặp gỡ tài tình; số là Cương Nghị nhân có dịp tuần du xuống miền Nam trở về, qua Thiên Tân. Gặp được Nghị, Du Lộc bèn đem chuyện Nghĩa hoà quyền ra nói, có mấy lời đặc biệt này:

- Nghĩa hoà quyền có chủ trương phò Thanh diệt Dương, đó là hồng phúc cho Thanh triều ta thoát được sự thôn tính của bọn mọi bên ngoài. Nếu ta đem việc này tâu về triều, được thái hậu ban khen thì đại sự ắt thành công. Nhà Thanh ta ngày mai trùng hưng lên được, đó chẳng phải là một công lớn sao?

Cương Nghị với Du Lộc vốn là con cô con cậu. Bởi thế, khi nghe lời khích của Lộc, Nghị tin ngay, không nghi ngờ gì cả, lại còn cho hợp ý mình là khác, bèn tỏ ý tích cực ủng hộ Nghĩa hoà quyền, một khi về tới triều…

Khi Cương Nghị về tới kinh, Đoan vương đem việc tập luyện Thần hổ doanh ra bàn với Nghị và có ý định muốn đem đổi ra làm hai trấn. Nghị nhân dịp nói vào:

- Quân mã của Thần hổ doanh vốn còn theo cựu chế của Tăng Tả trước đây (Tăng Quốc Phiên), lúc đó đem dùng đánh bọn tóc dài còn được, chứ bây giờ đem ra để chọi với bọn Tây dương thì hỏng bét. Vương không nhớ tới trận đánh năm Giáp Ngọ sao? Trời! Súng đại bác của bọn quỷ trắng quả lợi hại thật đó.

Đoan vương nghe xong, cười nhạt rồi nói:

- Nếu vậy thì bọn ta đành phải chịu để bọn Tây dương lăng nhục suốt đời, làm sao thấy cái ngày báo phục được nữa?

Nói xong, Đoan vương thở dài đánh thượt, vẻ mặt vô cùng thất vọng, Cương Nghị thấy thế vội nói:

- Nói thế thì ra dân mình hèn quá chăng? Thoạt đầu lúc bọn "tóc dài" khởi sự, chúng ghê gớm biết chừng nào, ấy thế mà cuối cùng cũng tan nhừ xác pháo. Đã có người này ắt có người kia. Đã có cái mạnh này ắt có cái mạnh khác. Đó phải chăng do hồng phúc của bản triều ta?

Đoan vương thấy Cương Nghị nói có lý lắm, bèn thành tâm với Nghị:

- Lão già này vốn nằm mọp nơi kinh thành, chẳng hiểu tí gì nơi biên cảnh. Ngươi tử các tỉnh xa trở về, nếu được biết có kẻ nào sẵn tài phá tan được súng đạn thì hãy tiến cử cho ta xem. Ta sẽ lập tức tâu lên Thái hậu mời ngay người đó vào kinh trọng dụng.

Cương Nghị nói:

- Vương gia đã có ý chân thành như vậy thì hay lắm. Hiện nay, có cánh quân của Nghĩa hoà quyền uy danh dậy khắp bốn phương, vương hãy vời bọn đó lại mà dùng, coi có được việc không?

Đến đây, Nghị bèn đem chuyện Du Lộc chiêu nạp bọn Nghĩa hoà quyền, rồi tán dương nào là bọn chúng lợi hại ra sao, là Du Lộc đã thí nghiệm như thế nào, súng đạn quyết không thể nào đả thương chúng được, nên đem cải tên thành Nghĩa hoà đoàn…

Nghị thao thao bất tuyệt nói toàn những chuyện lạ lùng, thần thánh khiến Đoan vương vui sướng quá, vỗ vai Cương Nghị bảo:

- Trong thiên hạ này mà còn có cái loại thần binh đó thì thực là trận giúp nhà Đại Thanh ta rồi!

Nói đoạn, vương lập tức sai Cương Nghị truyền báo Du Lộc cho Nghĩa hoà quyền tức tốc ngày đêm tiến kinh để đợi lệnh điều động.

Cương Nghị nghe nói, chính đúng ngay tim mình, tức thì chạy đi thông báo cho Dụ Lộc biết và bảo tuỳ nghi hành sự.

Đoan vương sau đó cũng vào triều, đem việc Nghĩa hoà đoàn thần thông quảng đại chủ trương bảo Thanh diệt Dương, tâu lên Tây thái hậu. Ai ngờ bị bà lập tức bác bỏ. Đoan vương thấy thế bèn ra thương nghị cùng Cương Nghị một mặt chiêu tiếp bọn Nghĩa hoà đoàn, một mặt nhờ Lý Liên Anh nói hùn vào trước mặt Tây thái hậu.

Quả nhiên kế sách này có giá trị. Tây thái hậu tuy lúc đầu không tin nhưng về sau thấy bọn thần tử của mình chúng khẩu đồng từ xem ra tán dương rõ rệt, bà cũng đành nghe theo.

Bọn Nghĩa hoà đoàn ở Thiên Tân bèn nườm nượp kéo nhau vào Bắc Kinh. Bất cứ tới đâu họ cũng lập đền để truyền đạo Bạch Liên giáo, mặt khác, đất phá nhà thờ đạo Công giáo, bắt được người công giáo nào cũng gán cho cái tội gián điệp thông đồng với bọn quỷ trắng Tây phương, bán nước cầu vinh, giết liền.


Bọn công sứ của các nước Tây phương thấy thế đứng lên can thiệp, nhưng Tổng đốc Trực Lệ Du Lộ vốn đã được bọn Đoan vương chỉ bảo, cứ lờ đi, chẳng phân xử gì cả. Bọn công sứ Tây chẳng còn cách nào hơn là điều binh khiển tướng bảo vệ lấy mình.

Tin tức đến tai Nghĩa hoà đoàn. Bọn họ yêu cầu Đoan vương cho kéo tới vây quán công sứ. Đoan vương nhất thời không dám tác chủ, còn đang do dự. Nhưng bọn Nghĩa hoà vây phía ngoài quán càng ngày càng đông, đánh trống đánh mõ, hò hét om xòm, chỉ chực nhảy bổ vào phía trong để nuốt chửng lấy bọn ngoại quốc.

Giữa lúc gay cấn đó, viên thư ký sứ quán Nhật Bản tên là Sam Sơn Bân Mộc và viên công sứ Đức quốc tên là Khắc Lâm Đức cưỡi xe cũng vừa đi tới. Bọn Nghĩa hoà đoàn chợt trông thấy viên thư ký Nhật nọ, liền đồng thanh hô lớn: "Giết thằng Nhật Bản, báo thù cuộc chiến bại Giáp Ngọ".

Người thì đông, tiếng hô thì to, thế là chẳng còn ai nghe ai, máu bốc lên, họ xông vào kẻ đấm người đạp, kẻ đâm người chém. Tên Nhật bị vằm ra như cám ngay trên chiếc xe của y. Viên công sứ Đức thấy thế nguy, biết không thể nói năng, giải thích gì được, liền quay đầu ù té chạy. Người Nghĩa hoà đoàn thấy y chạy, vội hô lớn: "Giết thằng Tây phương! Giết thằng Tây phương!" Cả đám đông lại nhảy ào tới, vây viên công sứ Đức vào giữa, rồi cũng giết béng luôn. Chưa hết, đám đông Nghĩa hoà đoàn còn diễu võ dương oai một hồi lâu rồi mới dần giải tán.

Đoan vương thấy chuyện đã tùm lum lên rồi, sợ Tây thái hậu bắt tội, vội vàng gọi bọn Cương Nghị, Từ Đồng, Triệu Thư Kiêu lại mật nghị. Bàn tính mãi, cả bọn mới quyết định nguỵ tạo một bức thư cảnh cáo của công sứ đoàn buộc Thái hậu quay về nắm chính quyền, phế bỏ Đại A Kha, lập tức mời Quang Tự hoàng đế lâm triều ngay hôm đó. Bàn xong, cả bọn kéo nhau tới yết kiến Tây thái hậu.

Lúc đó, Vinh Lộc đã được tin bọn Nghĩa hoà đoàn giết viên công sứ Đức và viên thư ký Nhật Bản, vội chạy vào báo cho Tây thái hậu hay. Lộc tâu với bà:

- Đoan vương dung túng cho bọn tà giáo giết chết viên công sứ, sau này thế nào cũng gây thành hoạ lớn chứ chẳng phải chơi.

Tây thái hậu nghe tâu, thầm trách Đoan vương làm bậy. Bà vừa định cho lệnh gọi thì đã thấy Đoan vương hối hả chạy vào, trình bức thư cảnh cáo giả mạo kia lên.

Tây thái hậu đọc xong bức thư, chính vì bức thư này chọc tức và nhè đúng chỗ kiêng kỵ nhất, bất giác bà cả giận đùng đùng. Bà quát lên rầm rầm, bọt mép như muốn tung lên đến tận đám mây xanh.

- À, thì ra mấy thằng quỷ trắng này dám can thiệp vào nội chính của ta. Rút lui khỏi chính quyền hay không cái đó tuỳ ta, chúng can dự gì mà dám can thiệp. Hà! Chúng bay đã dám lếu láo, xấc xược như vậy, ta sẽ đuổi hết chúng bay cho mà coi!

Thấy Tây thái hậu nổi xung, Đoan vương vội tâu:

- Nô tài đã đánh điện điều động quân cảm dũng của Đổng Phúc Tường về kinh; chỉ tối nay hoặc sáng mai là tới. Khi quân đến đông đủ, thì chỉ hô lên một tiếng là vây hết lại, tóm cổ từng thằng một mà đuổi cho bằng hết ra khỏi kinh, thế là rảnh mắt.

Tây thái hậu nghe tâu, gật gật cái đầu. Vinh Lộc đứng hầu bên cạnh, biết Tây thái hậu đang cơn thịnh nộ, không dám cản ngăn. Nhưng cả triều văn võ, ai cũng biết rằng vây công sứ quán, đuổi hết ngoại nhân là một việc chẳng lành.

Do đó, bọn đại thần người Hán là Từ Dung Nghi, Hứa Cảnh Trừng, và cả bọn đại thần người Mãn như Liên Nguyên, Lập Sơn nhất tề rủ nhau vào can gián.

Tây thái hậu cơn tức chưa nguôi, cất tiếng nói lớn:

- Bọn các ngươi chỉ biết bảo vệ, che chở cho lũ mọi ngoại quốc Tây phương, chứ không biết bọn chúng khinh khi bản triều quá sức à?

Bọn Từ Dung Nghi còn muốn tâu bày này nọ thêm nhưng Tây thái hậu đã lớn tiếng quát bảo thị vệ bắt giải hết cả bọn giao cho Hình bộ nghị tội.

Đoan vương thấy cơ hội vô cùng thuận lợi cho mình, bèn thừa dịp tâu lên:

- Bọn Từ, Hứa đã từng tư thông với ngoại quốc, chứng cớ đã rành rành. Nếu không trừng phạt để răn đe họ, e rằng về sau còn biết bao kẻ noi theo làm hại. Bọn Hán gian này quyết không thể dung tha, xin thái hậu xử trị.

Tây thái hậu gật đầu tức thì giao việc giám trảm này cho Đoan vương đem tất cả bọn Từ, Hứa trói giật lại rồi điệu ra chợ cửa đông để chém.

Khắp triều văn võ bá quan, anh nào anh nấy mặt tái xanh đi, hai hàm răng run lên lập cập, im phăng phắc. Nhiều người ứa thầm nước mắt vì thương cho hạnh tủi cho mình.

Sau khi bọn Từ, Hứa bị chém rồi, những kẻ nào bị nghi là Hán gian lập tức đem chém ngay. Hán gian ở đây chỉ những ai tư thông với bọn da trắng Tây dương. Ngoài ra những kẻ nào không tin tà giáo cũng bị đem ra xử tội nữa. Tà giáo đây tức là thứ tín ngưỡng của Nghĩa hoà đoàn.

Đảng cũ của Nghĩa hoà đoàn ở Bắc Kinh, xây một cái đài thật cao, tuyên truyền rằng đây là nơi triệu thần mời thánh.

Văn võ bá quan trong triều mỗi ngày đều phải tới đàn này để xì xụp lạy. Ví thử có kẻ nhất định không lễ lạy, thì bất luận là Mãn hay là Hán, thảy đều bị kết án là tư thông với ngoại quốc.

Ấy chỉ có mỗi một chuyện đó thôi mà quan người Hán, kẻ bị giết, kẻ bị tội, con số lên tới quá nửa, ở lại chỉ còn lèo tèo có ít người. Cựu thần như Vương Văn Thiều cũng suýt không thoát. Giữa lúc Tải Lan dâng sớ xin chém hết những tên Hán gian, thì trong bản phụ có nói đến cả Vương Văn Thiều, nhổ cỏ phải nhổ cả rê. Hổi đó, Vương Văn Thiều cùng làm việc với Vinh Lộc tại quân cơ xứ. Theo luật lệ của triều trước, đại thần quân cơ Mãn cũng đều là đại học sĩ. Các tờ sớ tâu lên của các triều thần, phải được đưa cho viên quan Mãn coi trước, sau đó mới đưa cho quan người Hán.

Hôm đó, Vinh Lộc ngồi xem tờ sớ của Tải Lan, đến tờ phụ bản thấy có tên Vương Văn Thiều liền giấu ngay đi, coi như không có, rồi xem tiếp qua các tờ sớ khác. Vương Văn Thiều tiếp sau đó cũng xem tờ sớ của Tải Lan, quay đầu lại hỏi Vinh Lộc:

- Lan công cũng còn có một phụ bản nữa, ngài để đâu rồi?

Vinh Lộc trả lời lại một cách hàm hồ:

- E rằng bị thất lạc rồi chăng?

Vương Văn Thiều nghe vậy cũng chỉ còn biết gật đầu. Hai người xem xong tấu chương, rồi lên yết kiến Tây thái hậu trình tâu hết mọi tờ sớ. Xong đâu đấy, Vinh Lộc mới rút ở trong ống tay áo ra tờ phụ bản trình lên cho Tây thái hậu xem và nói:

- Thái hậu nghĩ xem có phải Tải Lan nói tầm bậy không?

Tây thái hậu tiếp lấy tờ phụ bản, xem xong, bỗng biến sắc nói:

- Ngươi có thể đảm bảo việc này cho hắn được à?

Vinh Lộc dập đầu tâu:

- Nô tài nguyện đem cả trăm mạng để xin đảm bảo.

Tây thái hậu lớn tiếng nói:

- Vậy thì ta giao hắn cho ngươi. Nếu có gì biến sau này ta cứ ngươi chịu tội nghe chưa?

Vinh Lộc vội dập đầu tạ ơn rồi lui ra:

Vương Văn Thiều lúc đó cũng quỳ ở bên cạnh, nhưng bị nặng tai, nên không nghe thấy gì.

Lại nói tới bọn Nghĩa hoà đoàn đập phá các sứ quán ngoại quốc, đáp lại, các nước chỉ còn cách điều động quân hạm đổ bộ thẳng vào Thiên Tân.

Nguồn: http://vnthuquan.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved