Hồi 166: Tây
Thái Hậu trốn chạy ra Nhiệt Hà
Hồi 167 : Hòa Ước Bắc Kinh
Gặp
bao nỗi vất vả gian nan Tây thái hậu lặn lội mãi mới tới Thái Nguyên. Tuần phủ
Cam Túc là Sầm Xuân Huyên đem quân Cần vương theo tới kịp. Bọn đại thần khác như
Vương Văn Thiều, Triệu Thư Kiều cũng lục tục kéo đến.
Lúc
này Tây thái hậu tâm thần hơi yên, lệ nhỏ ròng ròng trên đôi má hóp lại vì
phong trần, run run nói với Sầm Xuân Huyên:
- Bình sinh, thực ta chưa từng
gặp phải cảnh khốn khổ này bao giờ. Đấy, khanh cứ xem, xưa kia bao kẻ lúc nào
cung một chung, hai chung, thế mà khi hoạn nạn thấy được mấy ai? Khanh không nề
nao khổ, hoạn nạn theo chân, mai yên ổn về kinh, ta quyết không quên.
Nói đoạn Tây thái hậu giơ tay vỗ
mạnh vào lưng Sầm Xuân Huyên khóc rống lên, Huyên thấy tình cảnh quá bi thương,
vội tìm lời an ủi:
- Thái hậu nên bảo trọng mình vàng,
chớ có bi thương quá độ Sự an ninh trên đường bộ, đã có tiểu thần lo liệu, quyết
chẳng có điều gì xảy ra, xin thái hậu yên lòng.
Tây thái hậu nghe xong câu nói,
nuốt lệ gật đầu, truyền chỉ tạm trú lại Thái Nguyên. Song thái hậu đã bị một
phen hoảng sợ, do đó, phủ đài tỉnh Sơn Tây liền tiến cử Huyện thăng Diệp Thừa Tự
tới nơi để chần trị cho bà. Tự hốt một thang thuốc "hoà vi thư can",
uống vào bà thấy có đỡ một đôi phần.
Tin tức từ Bắc Kinh cho hay
tình hình chiến sự vô cùng hiểm nguy. Tây thái hậu lòng càng thêm lo lắng muôn
phần. Bà tức tốc truyền lệnh xa giá tây tiến.
Việc ra đi này, đối với vua
Quang Tự thực chẳng được ngài đồng ý. Vì đã không tán thành buổi đầu nên khi thấy
Tây thái hậu còn muốn giá hạnh Tràng An thì cực lực phản đối. Thế là hai mẹ con
đâm ra cãi nhau. Cuộc cãi vã om xòm xảy ra đến mấy lần. Nhưng Tây thái hậu vốn
người vừa cương quyết vừa ngang bướng, nào có chịu nghe ai. Quang Tự hoàng đế
chống chẳng lại đành phải riu ríu đi theo.
Khi xa giá đến Tràng An, Tây
thái hậu liền hạ chiếu tự bắt tội mình. Cũng chính lúc này, tại kinh thành Bắc
Kinh, Vinh Lộc đã nghĩ đến việc viết chiếu thư, triệu Lý Hồng Chương tiến kinh
mở cuộc nghị hoà.
Trong bàn hội nghị, viên đầu
lãnh của Đức quốc do tám nước đề cử, đưa ra những điều khoản vô cùng khắc nghiệt.
Lúc đầu, mọi người tưởng như
không thể nào hoà hội được. Mãi về sau, phải nhờ đến cái óc thông minh của Lý Hồng
Chương mới có thể tìm ra được một con đường khéo léo để giải quyết.
Con đường tốt đẹp đó chẳng qua
chỉ là một người đẹp tên gọi Sai Kim Hoa. Nàng Sai Kim Hoa vốn là một danh kỹ,
lại còn là cục cưng của Hồng Dung. Khi Hồng Dung được lệnh đi sứ qua nước Đức,
có chơi thân với viên thượng uý pháo binh Đức tên là Ngoã Đức Tây. Sai Kim Hoa
cũng thân với viên thượng uý này lắm. Theo tập quán của Tây phương, thì chuyện
nam nữ giao thiệp vốn rất tự nhiên, cho nên mối quan hệ giữa Hoa và Ngoã càng
có chỗ thân mật, dẫn tới say mê nhau, nhất là Ngoã lại có tính hiếu sắc, đặc biệt
là cái sắc của làn da mịn màng, thân hình thon thả của người con gái Đông phương.
Đến lúc về nước, Hồng Dung quay
ra ốm nặng, sau một thời gian liệt giường đâm ra bất lực; khiến Sai Kim Hoa tuổi
xuân còn hơ hớ chẳng biết trông cậy vào đâu.
Khi liên quân tám nước bức bách
cửa bể Đại Cô ở Thiên Tân, quân Đức lấy danh nghĩa là báo thù cho viên công sứ
Khắc Lâm Đức, tuyên chiến với Trung Hoa. Ấy cũng vì chỗ đó nên các nước chầu
rìa khác đã suy tôn Đức lên làm minh chủ, rồi viên tướng Đức Ngoã Đức Tây mới vọt
ngay lên chức thống soái liên quân.
Lý Hồng Chương vì chuyện nghị
hoà cấp bách, đành phải uỷ thác nhiều việc cho Sai Kim Hoa, nhất là việc đến tỷ
tê, ỷ ôi để tán tỉnh, khuyên giải viên tướng Đức dại gái này.
Ngoã Đức Tây lâu ngày nay mới gặp
lại người tình thuở nọ, biết bao sung sướng. Thế là chỉ qua một đêm viên tướng Đức
thay đổi ngay thái độ: hôm qua gay cấn bao nhiêu thì hôm nay lại dễ dãi bấy
nhiêu, chẳng những thế, Ngoã ta còn quay lại tích cực giúp đỡ Trung Quốc. Kết
quả: cảnh binh đao chấm dứt, ngai vàng nha Thanh còn nguyên vẹn. Nhưng Lý Hồng
Chương thi ngay sau đó lâm bệnh và… từ giã cõi đời.
Tây thái hậu được tin Lý Hồng
Chương chết, lấy làm xót thương lắm, lập tức hạ lệnh ban thưởng cho tang quyến
một vạn đồng bạc để làm ma chay. Ngoài ra, bà còn sai Dịch Khuông thay mặt triều
đình đi điếu để an ủi anh hồn của người tôi trung liệt. Sau hết, còn thưởng tứ
cái tên thuỵ là Văn Trung.
Xin nhắc lại nơi đây những điều
ước trong cuộc nghị hoà giữa Lý Hồng Chương và bát quốc liên quân. Hoà ước có mười
hai điều cả thảy. Tuy nói rằng hoà ước đã ký nhưng còn bao nhiêu thủ tục đâu đã
xong. Tây thái hậu liền phái Vương Văn Thiều đến thay thế Lý Hồng Chương, để kết
toán cho kỳ xong một phen đại hoạ.
Biến cố lịch sử tưởng có mòi
làm tan tành cả sự nghiệp của bao đời tổ tiên Thanh triều dày công xây dựng
lên, may thay đã trôi qua dù còn có người coi đó như một cơn ác mộng.
Ngồi buồn, Tây thái hậu lúc đó
mới kiểm điểm lại mọi việc, nhất là cái việc đã chính tay mình gây ra. Bà thấy
rõ ràng là một việc nhục quốc táng quyền, mình chỉ còn biết trách mình mà thôi.
Bất giác, hai hàng lệ từ từ lăn trên đôi gò má bà lúc này đã xám đen đi vì
phong trần, cũng có khi vì thiếu thuốc phiện trong những ngày vất vả vừa qua.
Lại nói Quang Tự từ khi bị cầm
tù tại Doanh đài, trong lòng căm tức khôn nguôi, không có lúc nào phát tiết ra
hết được Rồi đến khi liên quân tám nước kéo đại binh bức bách Bắc Kinh, thái hậu
hoảng hốt bỏ chạy, Quang Tự hoàng đế được tin này, liền mặc triều phục chinh tề
định đến sứ quán ngoại quốc. Tây thái hậu sợ quá, vội bảo nhà vua:
- Ngươi đi lúc này có khác chi nhảy
vào miệng cọp không?
Quang Tự hoàng đế thản nhiên
nói:
- Bọn họ vốn người nước văn
minh, đối với các bậc vua chúa của các nước láng giềng họ quyết chẳng gia hại đâu
mà ngại. Con đi chuyến này, nếu có bàn đến việc nghị hoà thì thế nào cũng thành
công.
Tây thái hậu vội vàng ngăn trở:
- Ừ thì ngươi đi, nhưng lúc này
đâu có phải là lúc đi! Lúc này mà ngươi đến sứ quán, thử hỏi có phải ngươi đến để
nộp mạng, nhận tội không? Còn nếu nói tới để nghị hoà, thì thực chẳng có một lý
do chi hết! Tại sao ngươi lại mạo hiểm vô ích như vậy?
Quang Tự hoàng đế không nghe, cương
quyết ra đi. Tây thái hậu thấy vậy không còn cách nào hơn, chỉ đành đổ cho nhà
vua quá hoảng hốt, thần kinh thác loạn, sai bọn nội giám dìu ngài lên xe, cưỡng
bức lên đường chạy loạn. Về sau, khi đến Thái Nguyên, Tây thái hậu hạ lệnh tây
tiến qua Tràng An, Quang Tự hoàng đế không chịu, lại một phen đấu khẩu kịch liệt.
Giờ phút gay cấn này, Tây thái hậu lại chỉ còn cách đổ diệt cho ngài lên cơn điên,
bức ngài đi theo. Trong khi xa giá tây hành, có ai biết được một ông vua còn trẻ
vốn sẵn bầu máu nóng đành chịu khoanh tay trước sự cưỡng bách của một bà già
tai quái, chỉ còn biết rỏ lệ ròng ròng để cho nguôi đôi phần uất hận?
Có người tiếc cho trường hợp
này, ví thử Tây thái hậu để Quang Tự hoàng đế lai kinh, kịp thời chống đỡ, thì đâu
đến nỗi bị ngoại nhân dày xéo tơi bời, nhục quốc, táng quyền.
Lại cũng có người cho rằng Đức
Tông hèn kém hôn muội, cho nên mới để đất nước và nhân dân bị bao cảnh tang thương.
Nhưng lại cũng có kẻ cho đó là
nhà Thanh đã đến hồi mạt vận không thể cưỡng lại lòng trời.
Vì bị bức bách như vậy cho nên
từ sau khi xa giá Tây An trở về, Quang Tự hoàng đế thường u uất trong lòng, chẳng
có lúc nào vui. Lời ăn tiếng nói, có nhiều khi phẫn kích, giận tức, khiến Tây
thái hậu không thể nào lượng thứ được. Do đó, Tây thái hậu có dụng ý đổ cho nhà
vua bị bệnh thần kinh và tìm mọi cách làm cho quần thần tin tưởng ở chuyện đó.
Một hôm, nhân có cô con gái lớn
của Khánh vương tên là Nguyên Đại Nải Nải thường đến hầu hạ bên cạnh hoàng đế,
thái hậu bèn ngầm bảo Quang Tự hoàng đế lấy hộp trang sức của nàng đem giấu đi.
Ông vua ngây thơ này không hiểu dụng ý của Tây thái hậu cứ thực thà làm theo. Kịp
đến khi Nguyên Đại Nải Nải tắm rửa xong, tìm không thấy cái hộp, nhìn quanh thấy
hoàng đế giấu vào nơi nọ, liền hỏi để lấy lại Quang Tự hoàng đế không đưa lại
mà còn nói:
- Đâu được! Cái hộp này, chính
Thái hậu cho đấy. Làm sao lại dám trao cho kẻ khác được?
Nguyên Đại Nải Nải nghe nói vậy,
đành thôi, nhưng khi yết kiến thái hậu, nàng bèn đem chuyện cái hộp ra nói, Tây
thái hậu cười bảo:
- Đường đường là một vị hoàng đế
mà đi ăn cắp cái hộp của người ta. Thế mà bảo hắn không điên thì là gì?
Sau khi câu chuyện này xảy ra,
trong âm mưu hãm hại của thái hậu, tin đồn Quang Tự hoàng đế mắc bệnh điên loạn
truyền đi càng ngày càng xa, và đã có nhiều người tin theo.
Mặc dù cũng không ít người vẫn
biết, nhà vua bất quá chỉ vì rắp tâm hãm hại của Thái hậu mà chịu điều tiếng ấy.
Lại nói đến chuyện hoà đàm với
hoà ước mười hai điều khoản. Trong đó có một điều ước: trừng phạt hết tất cả những
tên đầu sỏ gây hoạ. Thế là Tây thái hậu phải đem thực hành ngay khi chưa hồi
loan. Do đó, bà hạ chiếu từ Tây An: đem Tải Lan, Dục Hiền ra chính pháp. Đoan vương
thì bắt đi lính thú mãi Tân Cương, Cương Nghị được tin này đã tự tử ngay khi
còn trên đường đi Tây An. Ngoài ra, quá nửa bọn triều thần có dính dấp tới Nghĩa
hoà đoàn đều bị cách chức.
Mọi việc giải quyết xong xuôi cả,
lúc đó Tây thái hậu mới chuẩn bị hồi loan.
Hạ tuần tháng bảy năm Tân Sửu,
Tây thái hậu sai quần thần đi quan sát các hành cung bên đông lộ cũng như những
con đường xa giá đi ngang qua để sửa soạn hồi cung. Mặt khác, bà truyền dụ xuống
các quan lại địa phương, phàm những nơi xa giá đi ngang, khỏi phải cung đốn, đón
rước trọng thể, trái lại cần phải kiệm ước đến mức tối đa. Điều khuyến dụ lạ
lùng này bất quá chỉ tại khi phong trần thái hậu đã cảm thấy nỗi cực khổ của
dân, và đã có lòng thương xót.
Hôm hồi loan, tất cả những đường
phố của thành Tây An đều được sơn quét màu vàng. Hai bên phố sá đều chăng đèn kết
hoa, trông hết sức náo nhiệt. Tình hình lúc này nếu đem so sánh với tình cảnh
thuở nọ thì quả một trời một vực.
Tây thái hậu lại truyền dụ cho
kéo hết những bức màn che xe loan lên cao, để cho dân chúng tha hồ chiêm ngưỡng
dung nhan của bà.
Ngay cái lúc xa giá chưa xuất
thành, người ta đã thấy một toán lính có nhiệm vụ dẹp đường, tay cầm roi mây đi
khắp các phố để càn quét bố ráp trước. Rồi sau đó, mới đến một toán ngựa đi tiền
đạo, cứ một cặp rồi lại đến một cặp đi song song với nhau. Tiếp đến là bọn nội
giám khăn vàng áo vàng và bọn quan lại mặc áo hoàng mã quải. Sau nữa là đám nội
giám cưỡi ngựa. Bọn nội giám đi bộ, tay đều cầm cái lư hương, khói hương bốc
lên nghi ngút. Trên đường đi, tứ bề vắng lặng, chim chóc bặt tăm. Những người tuỳ
giá hai bên tả hữu, quá nửa là bọn vương công đại thần mặc xiêm vàng bằng lụa. Sau
bọn này, có quân cấm vệ. Hết cấm vệ, thì đó là Quang Tự hoàng đế, với đoàn xe
chở hoàng hậu, phi tần. Phía sau, trong cái kiệu vàng, đặt ngồi chú Đại A Kha,
và rất nhiều thân vương theo hộ giá.
Xe loan của Tây thái hậu cần đến
những ba mươi sáu người khiêng, tất cả đều mặc áo đoàn long quái tử, đi đứng hết
sức chình tề nghiêm mật.
Đấy là tất cả những hành trang
nghi vệ hôm hồi loan của Tây thái hậu. Quang cảnh thật vô cùng oai nghiêm. Ấy
thế mà không ngờ giữa cái đám quân cảnh vệ hàng hàng lớp lớp đi đều ấy, một tên
đại hán mình trần trùng trục xông ra, giơ cao hai cánh tay sắt nổi bắp cuồn cuộn
của y lên, phóng thăng cặp giò bự như hai cái cột nhà lại trước xe loan của Tây
thái hậu…
Hồi 168 : Quỷ hiện
trong cung cấm
Lại nói tên đại hán
mình trần trùng trục, mặt vẽ đầy hoa hoét, hai tay giơ cao, múa may quay tít,
xông thẳng đến trước mặt Tây thái hậu. Đám thị vệ đi bên lập tức đuổi bắt lấy,
chém phắt một đao chết tốt.
Chuyện kỳ khôi này xảy ra, bọn đại
thần đi theo hộ giá sợ rằng có thích khách âm mưu hành thích, tức tốc điều tra
ngay lý lịch tên đại hán. Bọn quan lại địa phương sau một hồi chạy đôn chạy đáo
quay về báo cáo cho biết tên đại hán nọ chỉ là một thằng điên ở vùng này chứ chẳng
phải của đảng phái nào.
Xe loan đi ngang chỗ nào cũng vậy,
đám phụ nữ dân gian đua nhau ra ngắm thánh dung, đều quỳ xuống hai bên đường để
đón giá. Trong cái đám, đàn bà thôn dã ấy, Tây thái hậu nhìn thấy một người mặc
áo vá quỳ đó, có vẻ hết sức cung kính, biết đó phải là một mệnh phụ, liền cấp
cho một cái ngân bài gọi là ân thưởng.
Đoàn xa giá hồi loan cứ trật tự
như thế mà đi về ngã Đông Quan. Khắp dọc đường, chỗ nào cung thấy có từng nhóm
quan lại quỳ dài để đón rước thánh giá. Lính đi theo, để hộ giá, ngoài toán của
Mã Ngọc Côn hơn năm trăm người có từ trước ra, lúc này còn có các toán của Lộc
Truyền Lâm, của Tống Khánh Hoà.
Khi đi qua Thái Nguyên, Quang Tự
hoàng đế sai người ban phát cho những đền miếu địa phương nơi đóng quân, mỗi nơi
một tấm biển. Lúc đó, Nam thư phòng cung phụng chỉ có một mình Lục Nhuận Tường.
Ấy thế mà chỉ trong một buổi, hơn bảy chục nơi đền miếu đều có đầy đủ biển
treo. Quang Tự hoàng đế khen Tường mấy câu, còn cho thêm một trăm tấm vải để gọi
là ân thưởng.
Trong lúc Tây thái hậu còn ở
Tây An, có một đứa con trai của tên hầu cận Vinh Tân, thường hay lui tới chỗ
thái hậu, rất được bà yêu mến. Vinh Tân có một người thiếp yêu, lúc đó cung đến
hầu hạ Tây thái hậu. Bởi thế, con trai của Tân cung được đem theo vào.
Đứa bé năm đó, tuổi vừa lên bốn,
nhưng hết sức thông minh, Tây thái hậu cho nó ăn, nó không lấy ngay. Trước hết,
nó chắp tay kính cẩn hành lễ, xong mới dám lấy. Do đó, Tây thái hậu thường cho
gọi nó vào chạy nhảy bên cạnh, để cho khung cảnh thêm vui. Về sau, khi Tây thái
hậu hồi loan, thằng bé bỗng dưng quay ra chết. Tây thái hậu buồn bã, chẳng lúc
nào vui. Có lẽ cũng mất đến bốn, năm hôm, bà mới nguôi đi được.
Xa giá của Tây thái hậu đến Đại
Đồng, tuần phủ tỉnh Sơn Tây là Ân Minh đã chuẩn bị sẵn cho bà cả một chuyến xe
lửa. Trên xe có đặt ngai vàng, thêu long phụng đủ màu sắc sặc sỡ. Tây thái hậu
leo lên xe lửa, quay lại nhìn đám vương công, đại thần, bất giác nở nụ cười
trên môi, nói:
- Bọn ta còn cái ngày hôm nay
nhỉ?
Nói đoạn, ngài nguýt Quang Tự
hoàng đế một cái thật dài, trong khi đó, hoàng đế cúi đầu thấp xuống, giả tảng
như không thấy gì. Chuyến xe lửa khởi hành, thẳng một mạch về hướng Bắc Kinh…
Chẳng bao lâu, xe lửa đã về tới
kinh thành. Ra ngoài thành đón rước, đã có đầy đủ bọn đại thần văn võ người Mãn
cũng như người Hán, lại còn có cả bọn công sứ của các nước Tây dương nữa. Bọn
công sứ này thấy Tây thái hậu và Quang Tự hoàng đế xuống xe, đều bỏ mũ chào
cung kính.
Tây thái hậu chỉ nhìn qua từng
người rồi se sẽ gật đầu, xong lên xe loan chạy thẳng vào thành để về cung.
Thế rồi lúc trở về đến cung, bà
buồn rầu khi thấy quang cảnh điêu tàn: đồ đạc bừa bãi ngổn ngang, những đồ quý,
của báu trang hoàng khắp nơi, cái thì mất, cái thì vỡ tan tành.
Một nơi cung đình lộng lẫy như
thế mà nay hoang lương như một bãi tha ma. Tây thái hậu đứng trước cái cảnh đổ
nát này, chỉ còn biết rơi đôi dòng lệ xót xa mà thôi.
Nhưng từ sau cuộc hồi loan, đầu
óc của Tây thái hậu cũng biến đổi dần. Lúc đó, Thuần thân vương Tải Phong đi sứ
qua nước Đức trở về, cũng đề cao cái văn minh của ngoại bang.
Tây thái hậu thấy đại thể đã biến,
không thực lòng cải cách quyết không xong. Do đó, bà cho phục lại tước cho tất
cả bọn quan lại bị chết oan vì vụ Nghĩa hoà đoàn, và cho vào trong miếu Hiền Lương
để hưởng cúng tế. Đối với Trân Phi, bà cũng cho vớt xác từ đáy giếng lên, lấy lễ
quý phi an táng. Mặt khác bà hạ chiếu thực hành tân chính. Phàm những điều mà
ngày trước bọn Khang, Lương điều trần như: bỏ khoa cử kiểu cũ, mở trường học,
không được tán thành, thì nay lại đem ra cố thực hiện cho bằng được.
Nhưng từ khi cung nội trải qua
một cuộc biến lớn, bao nhiêu bảo vật mất sạch, kẻ hầu người hạ cũng chẳng còn được
mấy người. Cây bút hội hoạ trứ danh của bà Giao Tố Quân cũng bị bệnh chết tử
lâu. Cô em gái Lý Liên Anh cũng đã ra đi lấy chồng. Bà phúc tấn vợ Đoan vương,
nhân vì vương bị đày làm lính thú, trở thành vợ của kẻ tội thần nên bất tiện
vào chầu. Thế là ngày nay, bà chỉ còn lại có môi một mình Thọ Xương công chúa ở
bên cạnh mà thôi. Bởi thế, bà cảm thấy hiu quạnh, vắng vẻ và vô cùng cô độc.
Thấy hoàn cảnh ấy của Tây thái
hậu, Khánh vương bèn cho phúc tấn của mình đem theo cô con gái tên là Trân Châu
vào hầu. Tây thái hậu thấy Trân Châu lanh lẹ đáng yêu, liền giữ lại trong cung.
Nàng Trân Châu vốn đã du học sang Nhật nên vào những lúc nhàn rỗi, thường giảng
giải cho Thái hậu nghe về nghề nuôi tằm của chị em phụ nữ Nhật. Nàng kể rằng: Đám
chị em phụ nữ Nhật này qua Trung Quốc học nghề nuôi tằm. Khi học thành tài rồi,
họ còn học thêm cách trồng dâu nữa. Họ quyết định nuôi tằm lấy cho mình. Do đó,
nghề trồng dâu nuôi tằm đối với Nhật đã là một môn thực nghiệp được liệt vào
trong nông học, và được coi trọng hết sức Chỉ tiếc có mỗi một điều là khí hậu tại
Nhật Bản không thích hợp thành thử nghề này không phát đạt được. Tây thái hậu
nghe nói vậy nổi tánh hiếu kỳ liền bảo Trân Châu:
- Xưa nay, các bậc đế hậu cũng
có nhiều người nuôi tằm dệt vải. Bọn mình e làm không nổi chăng?
Nói đoạn Tây thái hậu lập tức
truyền dụ chọn hai mươi người phụ nữ xinh xắn trong dân gian tại miền Giang Nam
để đưa vào Đại nội nuôi tằm. Bà cũng truyền lệnh cho các miền dân giã phải chiết
cành dâu đưa vào trong cung cho bọn nội giám trồng.
Tây thái hậu cho làm một khu
nhà riêng để cho bọn đàn bà ở lại nuôi tằm. Thế rồi, tằm làm tổ, quậy kén. Bọn đàn
bà ươm tơ kéo sợi, mua khung cửi, đem về dệt lụa. Tiếng khung cửi rầm rập, tiếng
thoi đưa sột soạt, vang dậy khắp cung nội. Cái người điều khiển bọn thợ dệt này
cũng chính là Tây thái hậu.
Phải cái đám đàn bà này phần lớn
đều có chồng con. Bởi vậy, Tây thái hậu cũng lượng tình cho họ, cứ mỗi năm cho
về nhà một lần. Còn những lúc ngày thường ở trong cung, họ cũng được thái hậu
ban thưởng hết sức hậu hĩ. Cứ hễ người nào dệt xong tấm lụa, bà lại thưởng cho
bốn lạng bạc, dệt xong được một cuộn lụa thật dài bà thưởng mười lạng.
Mỗi khi gặp chính mùa tằm, bà
còn thưởng thêm cho mỗi người hai mươi lạng bạc nữa. Những buổi diễn tuồng ở
trong cung, bà cũng cho họ tới xem. Cái đám phụ nữ nhà quê này được ân sủng đến
thế, kể cũng là chuyện lạ, xưa nay chưa từng có, nhất là đối với Tây thái hậu,
một con người ráo riết, tàn ác, khinh người. Bởi thế, đám đàn bà nhà quê ra vào
nơi cung cấm tự do này bỗng nhiên sáng giá, khiến chẳng một ai dám đựng tới họ.
Có một lần, giữa lúc nghề tằm đang
vượng, bọn đàn bà Giang Nam chuẩn bị lên kinh để cung chức. Chiếu lệ thường thì
trước khi lên đường, quan lại địa phương phải đến tiễn đưa họ đi. Trong đám, có
một người đàn bà không chịu nghe lời dặn của bọn quan lại địa phương, cho nên
viên tri huyện liền sai nha dịch đuổi về. Chẳng ngờ người đàn bà nhà quê này
dám nổi xung lên mà bảo:
- Ta ở trong cung của thái hậu,
đã từng được gặp biết bao nhiêu là quan to quan nhỏ, có lẽ nào ta lại sợ một
tri huyện quèn như ngươi?
Nói đoạn, mụ nhà quê này tính
nhảy lên giáng cho viên tri huyện nọ cái tát. May nhờ lúc đó có mấy người đồng
bọn khuyên can, mụ ta mới chịu thôi mà ra về.
Viên tri huyện tức quá, xoá tên
bà thợ dệt lếu láo ấy, nhưng không ngờ khi tới kinh, thái hậu thấy thiếu mất một
người liền hỏi, hậu quả tất nhiên vô cùng thê thảm cho viên tri huyện nọ.
Số là khi được Tây thái hậu hỏi
tới, bọn họ tố cáo ngay viên tri huyện nọ, nào là kiếm chuyện để ăn tiền, nào
là gây khó dễ hách dịch, khiến người đàn bà nọ không thể lên được kinh. Tây
thái hậu lập tức truyền dụ xuống Giang Nam, gọi đích danh bà ta, viên tri huyện
chẳng còn biết làm sao hơn, đành phải tới nhà gọi, rồi làm đủ giấy tờ cần thiết
để cho bà đi. Nhưng chuyện đâu có dễ như vậy? Khi lên đường, bà thợ dệt chỉ thẳng
vào mặt viên tri huyện, chửi bới xỉa xói một hồi đã đời rồi mới chịu ra đi cho.
Trong cung nội, tử sau khi Tây
thái hậu xa giá hồi loan, thường xảy ra nhiều chuyện quái dị. Có khi người ta
thấy cái ghế tự nhiên ở chỗ này chuyển qua chỗ nọ. Cũng có khi người ta nghe tiếng
dép đi lẹt xẹt từ phòng này sang phòng khác.
Chạy ra xem thì chẳng thấy gì.
Nhưng khi bỏ đi chỗ khác, lại thấy tiếng dép ấy ở trong phòng, nghe rõ mồn một.
Những chuyện quái dị này càng ngày càng nhiều, lâu dần càng thấy khủng khiếp,
quái lạ hơn. Có tối người ta thấy quỷ hiện hình hoặc ma đùa cợt nữa.
Bọn cung nữ trong cung còn thấy
cả Trân phi diễu qua diễu lại khắp nơi. Nhưng khi chạy lại gần xem thì lại chẳng
thấy gì. Tin ghê khiếp này càng ngày càng đồn đại đi khắp hoàng cung. Đến tai
Tây thái hậu, mới đầu bà không tin. Nhưng có một lần, chính Tây thái hậu cũng
thấy. Lúc đó, bà mới vội vàng hội họp nội thần bàn cách phụ ma bắt tà, làm ma
làm chay một phen để đuổi cho bằng hết oan hồn ma quái. Quan Thị lang Dụ Côn đề
nghị mời sư sãi Lạt ma để lo việc này.
Hồi 169: Chiếc áo da
rái cá
Vì chính mắt mình đã nhìn thấy
ma quỷ hiện hồn trong cung cấm, Tây thái hậu liền truyền lệnh tập hợp binh sư Lạt
ma vào cung, lập đàn chay cúng giải. Thế là ngày đêm chiêng trống vang rền, nơi
cung cấm yên tĩnh bỗng trở thành một ngôi chùa miếu. Chuẩn bị mãi mấy ngày gần
xong, sư Lạt ma tâu lên Tây thái hậu viện bắt đầu bắt quỷ trừ tà.
Bắt
quỷ trừ ma thực là cả một thoại kịch thú vị vốn đã từng có trong cung Ung Hoà.
Chuyện xảy ra như thế này.
Dùng một tên Lạt ma nhỏ tuổi,
cho mặc áo trắng, đầu đội mũ trắng, mặt bôi năm sắc nham nhở, rồi cho nằm nép tại
một nơi kín đáo bí mật trong cung. Vị Đại Lạt ma tụng kinh làm phép ở trên đài,
bỗng đèn đóm tắt ngủm, rồi một tiếng rống lên ghê rợn… Tên tiểu Lạt ma giả làm
quỷ sống khi nãy tức tốc từ trong chỗ núp xông ra. Bọn Lạt ma khác đứng chực sẵn
chung quanh, tay cầm lăm lăm những thanh tre dài, khi nghe Đại Lạt ma quát rầm
mấy tiếng, lập tức xông tới gần tên tiểu Lạt ma, dùng thanh tre phang vào người,
vào đầu tới tấp. Con ma (tức là tên tiểu Lạt ma cải trang bị đánh co cẳng chạy
lung tung tìm cách trốn thoát, cả bọn Lạt Ma cứ thế đánh đuổi, ma chạy trước, sư
chạy sau, gây thành một đám đông hỗn loạn hết sức tức cười. Ma cứ chạy mà sư cứ
theo mãi ra khỏi cung môn, theo mãi đến khi không thấy nữa mới quay trở về. Ma đã
chạy rồi, lúc đó ai cũng yên chí rằng không còn ma quỷ tà yêu gì nữa, đèn đuốc
lại đốt lên sáng choang.
Nhưng lần bắt quỷ trừ ma này vì
được tâu lên thái hậu biết trước, nên làm quỷ đều phải là bọn thái giám đảm
trách.
Đến lúc đuổi quỷ, tất cả bọn cung
nữ phì tần trong cung đều phải tham gia. Cô nào cô nấy đều cầm thanh tre, đứng
chực sẵn để "lâm trận".
Từ trên đàn cao, vị Đại Lạt ma
niệm thần chú, bắt ấn bắt quyết xong, miệng rống lên một tiếng lớn: "Đuổi
quỷ".
Tức thì, bọn cung nữ tay múa
chân nhảy xông tới đuổi đánh bọn thái giám giả làm lũ quỷ vừa từ trong các ngõ
kẹt xông ra. Bọn quỷ bị đuổi đánh ôm đầu chạy tứ tung, nhảy qua tường, xuyên
qua rãnh, luồn hết cung này chui sang điện nọ, chẳng một nơi nào là không băng
qua, nhất là những nơi có ma quỷ hiện hồn trước đây.
Bọn thái giám giả làm quỷ chạy
như điên, còn bọn cung nữ được đuổi đánh thì miệng cười như nắc nẻ, tay múa những
thanh tre như múa gươm giáng thẳng cánh vào đầu mấy tên thái giám đôm đốp. Nhiều
tên bị u đầu rát tai, hoặc tay chân rớm máu, chỉ trong nháy mắt quang cảnh đã
trở thành hỗn độn tùm lum, y như một đám giặc.
Tây thái hậu, hoàng thượng và
hoàng hậu, Cẩn phi hôm đó đều tới đàn chay xem đuổi quỷ bắt ma. Thấy quang cảnh
hỗn độn như vậy, nín không được cũng phá lên cười ngặt nghẽo.
Bọn cung nữ đuổi lũ quỷ giả chạy
một mạch tới mãi một cái ao nước đã chuẩn bị trước. Tới đây, lũ thái giám giả
quỷ co cẳng nhảy ùm hết xuống, lấy hai tay vội vàng rửa mặt cho hết những mực
phấn tô lên. Đến lúc này tức là đã coi như đuổi hết quỷ rồi vậy, quỷ nhảy xuống
ao theo Long vương Hà bá mất tăm rồi.
Chuyện đuổi quỷ trừ tà nực cười
như vậy đấy, thế mà cũng lạ, từ đó về sau quả nhiên được yên ổn, không còn thấy
ma quái hiện hồn phá quấy, doạ nạt nữa. Bởi thế việc này dần dần trở thành một
tập quán, cứ đến cái mùa ấy là trong cung lại tổ chức một buổi lễ cúng kiếng rồi
bắt ma trừ tà ầm ỹ như vừa kể.
Ta hãy quay lại chuyện vua
Quang Tự… Từ khi xa giá hồi loan về cung, Tây thái hậu nhìn Quang Tự hoàng đế
như một cái đinh trong mắt. Bởi vì Quang Tự, khi dùng Khang Hữu Vy và Lương Khải
Siêu để thi hành việc cải cách chế độ cũ của nhà Thanh đã quá mục nát, liền bị
Tây thái hậu ngăn chặn, đồng thời bắt gọn cả bọn tân chính chư thần vào trong một
mẻ lưới. Đó là cuộc chính biến Mậu Tuất (1898).
Dẹp xong, Tây thái hậu đích
thân lâm triều buông rèm nghe chính. Đây là lần thứ ba Tây thái hậu quay lại nắm
quyền chính và cũng là lần chót đưa nhà Thanh đến mạt vận, gây nên cuộc cách mạng
năm Tân Hợi (1911).
Nhưng không ngờ sau đó, Tây
thái hậu tin tưởng vào bọn đại thần gian ngoan như Đoan Vương, Cương Nghị, nhận
lầm phải đường lối của bọn Nghĩa hoà đoàn khiến đến nỗi phải trốn chạy khổ sở.
Trong cuộc trốn chạy ấy. Tây thái hậu phải tự nhận rằng mình đã chẳng làm gì hơn
được Quang Tự hoàng đế nên đã đích thân thi hành tân chính để mong mang lại
thái bình. Bởi thế, trong lòng bà, lúc nào cũng nơm nớp bực bội xấu hổ, và nhục
nhã. Tất nhiên, tâm trạng ấy kéo dài sẽ đẩy thái hậu đến chỗ nghiệt ngã và hơn
thế, thù hận Quang Tự hoàng đế.
Bà hạ lệnh cho bọn nội giám và
thị vệ phải nghiêm phòng các cửa vào Doanh đài, nơi Quang Tự hoàng đế ở với người
đẹp Cẩn phi. Sự nghiêm phòng gắt gao đến mức Quang Tự không khác chi kẻ bị giam
cầm.
Đầu năm Canh Tý (1900), Tây
thái hậu đặt đủ biện pháp để cô lập Doanh đài. Ở mặt trái Doanh đài, có một cái
cầu, và một số thuyền bè túc trực tại hai bên bờ hồ. Chiếc cầu này xây bằng đá
tảng, những lúc cần, có thể rút đoạn giữa cầu lên được để cắt lối đi. Ban ngày
người ta buông cầu xuống để đi lại. Nhưng bây giờ, thái hậu đã lệnh rút cầu vĩnh
viễn.
Thế là bất luận ngày hay đêm
không còn ai có thể tự do ra vào Doanh đài nữa. Mỗi khi, mong ân được triệu bọn
phi tần bắt buộc phải dùng thuyền nhỏ mới vào được. Hồi đó, bên cạnh Quang Tự
hoàng đế, chỉ có vỏn vẹn Cẩn phi mà thôi. Bởi thế, những lúc đầu hôm sớm mai,
bên hoa dưới nguyệt, Quang Tự hoàng đế đôi khi không khỏi thấy trơ trọi, cô đơn,
tình thế của ông vua bị giam cầm, phế bỏ. Rồi ngài tưởng nhớ đến Trân phi, người
đẹp lý tưởng của ngài mà lòng càng thêm ngao ngán, buồn bã. Bất giác ngài nấc
lên thành tiếng.
Cẩn phi thấy vậy cũng chẳng ngăn
được lệ sầu tuôn chảy. Hai người ôm nhau khóc lóc thảm thiết, thương mình và thương
lẫn cho nhau.
Có một lần, giữa cơn mưa tuyết
lạnh thấu xương, tuyết đóng trên đất bặng dầy tới năm thước, Tây thái hậu gọi một
tên tiểu thái giám khâu một cái áo bằng da con rái cá rồi đem sang Doanh đài
cho Quang Tự hoàng đế. Bà còn dặn thêm tên tiểu thái giám:
- Khi dâng chiếc áo cho hoàng
thượng, ngươi tâu với ngài là vải do Lão Phật gia đích thân cho để cắt may vốn
là vải bố, còn cúc áo thì bằng vàng. Cứ câu nói đó ngươi nói đi nói lại mãi chừng
ba bốn lần, để xem hoàng thượng trả lời ra sao, rồi trở về bảo cho ta hay, nghe
chưa?
Tên tiểu thái giám lãnh chỉ,
dùng chiếc thuyền nhỏ bơi qua Doanh đài, dâng chiếc áo lên cho Quang Tự hoàng đế.
Hắn y theo lời Tây thái hậu dặn, nhắc đi nhắc lại mãi câu nói trên.
Lúc đầu, Quang Tự hoàng đế tuy
có nghe đấy nhưng cứ tảng lờ như không. Về sau, thấy tên tiểu thái giám cứ lải
nhải mải, ngài không nhẫn nại được nữa, liền nổi khùng lên, quát:
- Ta biết rồi! Y chỉ của Thái hậu
là bảo ta sau này chết bất đắc kỳ tử, có thế thôi. Hiện nay cái chết của ta chưa
hợp thời Ta còn phải đợi ít lâu nữa chết mới hợp, nghe chưa? Thái hậu có ý mong
cho ta chết đi, nhưng ta thấy cái chết của ta chưa có giá trị thì ta chưa chết.
Ngươi về tâu với thái hậu đúng như lời ta vừa nói nghe chưa?
Tên tiểu thái giám thấy Quang Tự
hoàng đế nổi cơn thịnh nộ, không dám nói năng gì thêm, vội hối hả quay về cung
thái hậu. Cẩn phi lúc đó cũng có bên, biến sắc mặt, nói:
- Hoàng thượng nói vậy không sợ
thái hậu giận sao?
Quang Tự bất giác nhếch mép cười
ruồi đáp:
- Đã đến nước này, ta còn có sợ
cái gì nữa chứ? Cùng lắm thì bà lão tàn ác cũng chỉ đối xử với ta như đối xử với
bọn Túc Thuận mà thôi.
Cẩn phi nghe Quang Tự hoàng đế
nói vậy, vội lấy mắt ra hiệu, nhưng đang lúc căm giận tràn hông, ngài đâu có
còn giữ gìn ý tứ gì.
Sở dĩ có điều báo hiệu của Cẩn
phi là vì hồi đó đã có con Hương Nhi tới đây để hầu hạ hoàng thượng. Cẩn phi biết
đó là người của thái hậu cử đến dò xét. Và đó đâu phải là ả. Là hắn mới chính xác. Bởi hắn chính là Quản Cẩu
An. Việc hắn hoá thành Hương Nhi cũng là cả một câu chuyện.
Như ta đã biết, Quản Cẩu An nhờ
tên nội giám Lý Lục Lục tiến dẫn đã được thái hậu sung vào Như Ý quán rồi rất được
Thái hậu sủng ái và tín cẩn. Ngay trước mặt bọn cung nữ và thái giám, mỗi khi gọi
An vào yết kiến, bà đều gọi An là "con trai tao" (ngã nhi), có lúc bà
lại gọi An là Hương Nhi.
Bởi thế tất cả cung nhân trong
nội đều gọi hắn là Hương bối tử. An cũng có quyền hành khủng khiếp chẳng thua
gì Hương vương thuở nọ.
Đắc thế đắc thời như vậy Hương
Nhi ra vào nơi cung cấm chẳng còn kiêng kỵ gì cả, lại chuyên làm tai mắt cho
Tây thái hậu, do thám bất cứ hành động nào của kẻ khác, đem về mách với bà.
Hương Nhi làm cái việc do thám
một cách vô cùng đắc lực nên bất cứ một chuyện gì dù nhỏ nhặt vụn vặt đến đâu,
Tây thái hậu đều biết hết, Cẩn phi đã rõ Hương Nhi là ai, làm việc gì nên thấy
Quang Tự chẳng giữ gìn ý tứ gì cả, thì hất hoảng lắm.
Một lát sau, quả nhiên những lời
Quang Tự nói đến tai Tây thái hậu. Tức khắc bà hạ chỉ cấm tất cả các đại thần
không được tới Doanh đài để vấn an hoàng thượng nữa.
Sở dĩ có thêm việc cấm chấp này
là vì từ trước tới nay, suốt trong thời gian Quang Tự hoàng đế bị giam cầm tại
Doanh đài, bọn đại thần còn có quyền ra vào để vấn an, hoặc là bọn cương thần
(bọn quan lại trấn giữ nơi biên cương) được phép vào bệ kiến. Thực ra, Thái hậu
đã muốn cấm chấp từ lâu rồi, khi có chuyện Sầm Huyên từ Tây An vào Doanh đài.
Sầm Xuân Huyên chính là người đem
quân cần vương phò giá Tây thái hậu chạy trốn lên Tây An. Do đó bà mới tán dương
Huyên là người trung nghĩa, và hứa thưởng tứ sau này.
Khi xa giá hồi loan về Bắc Kinh
rồi, Tây thái hậu giữ lời hứa thăng ngay Sầm Xuân Huyên lên làm Tổng đốc Tứ
Xuyên.
Khi ra đi nhậm chức Huyên có
xin vào bệ kiến Quang Tự hoàng đế trong Doanh đài. Quang Tự vừa nhìn thấy Huyên
bỗng nước mắt giàn giụa chảy ướt cả đôi gò má. Chính giữa lúc ngài định dốc bầu
tâm sự với Huyên thì Quản Cẩu An đột nhiên từ ngoài bước vào. Ngài biến hẳn sắc
mặt, không nói nữa.
Sầm Xuân Huyên biết có điều khó
nói, bèn thừa cơ thỉnh an rồi lặng lẽ lui ra. Tuy chưa có gì lộ ra nhưng với
thái độ khả nghi của Quang Tự hoàng đế cũng như Sầm Xuân Huyên, Quản Cẩu An vốn
quỷ quyệt, xảo trá, làm sao mà chẳng nghi ngờ. Tức khắc, An quay về cung tâu với
Tây thái hậu. Được tin này, Tây thái hậu thấy cần phải đề phòng gấp, bà tính hạ
ngay một đạo chi dụ xuống để cấm chỉ không cho bọn đại thần vào bệ kiến hoàng
thượng, nhưng lại thấy có điều bất tiện cho Quản Cẩu An, nên đành phải từ từ đợi
thời. Và đến bây giờ, lệnh đã được ban ra.
Doanh đài, thực ra chỉ là cái
tên tổng quát của một cái điện gọi là Hàm Nguyên điện mà thôi. Kích thước của
Hàm nguyên điện vỏn vẹn có ba gian nhà trệt, mỗi gian rộng chỉ hơn một trượng.
Lùi về phía sau, có một cái lầu nhỏ. Đấy là tất cả cái khung cảnh của Doanh đài,
được dùng làm nơi giam cầm ông vua chót của nhà Thanh, sau mười mấy đời vua gốc
Mãn Châu vào thống trị Trung Quốc.
Có một hôm trời đã về chiều,
Quang Tự hoàng đế cùng Cẩn phi ngồi đối diện nhìn nhau mà bồi hồi thổn thức.
Không ai nói với ai nhưng cả hai đều nhận biết cái buồn của nhau.
Cuối cùng Quang Tự hoàng đế gượng
đứng dậy thả bộ lên lầu Ngài phóng tầm mắt ra xa, đứng bất động như pho tượng.
Bỗng ngài thở dài đánh trượt một
tiếng, rồi lững thững nện những bước chân nặng nề trên thang lầu để đi xuống…
Hồi 170: Cuộc phiêu lưu
trong cung cấm
Nếu đứng ở Hàm Nguyên điện mà
nhìn ra trước mặt, ta sẽ thấy điện Ỷ Hương, nơi cư ngụ của hoàng hậu, hoàng hậu
tuy cũng có lúc sang điện Hàm Nguyên để chầu hoàng đế, nhưng buồn thay, Quang Tự
hoàng đế lại không thích nói chuyện với bà. Nhất là từ khi bị giam cầm ở Doanh đài,
Quang Tự chưa từng lần nào qua chơi bên điện Ỷ Hương. Bởi thế, giữa hoàng đế và
hoàng hậu, bên ngoài thì có vẻ êm đẹp, nhưng thực ra bên trong lạnh nhạt, không
còn tình nghĩa vợ chồng gì nữa. Hoàng hậu lại còn thấy hoàng đế sủng hạnh Cẩn
phi, lòng bà thêm ghen tức, giận hờn không lúc nào nguôi…
Hoàng
hậu Na Lạp thị vốn là cháu gái ruột của Tây thái hậu. Bà gả cho Quang Tự hoàng đế
là có ý nhờ cái dây tình thân thiết ấy để lung lạc hoàng đế, nắm trọn quyền
hành chính trị vào trong tay mình. Bởi thế khi chọn hoàng hậu, Tây thái hậu mới
bảo Quang Tự cầm ngọc Như Ý trao cho cô cháu gái của bà. Theo tục lệ từ trước,
thì mỗi khi hoàng đế sách phòng hậu, người ta phải xếp đặt cho các cô khuê nữ
có đủ tư cách làm hoàng hậu, ngồi thành hàng trước điện. Sau đó hoàng đế mới tự
mình chọn lựa lấy, hễ yêu ai thì trao ngay ngọc Như Ý cho người đó.
Quang Tự hoàng đế chi muốn chọn
Trân phi nhưng phải cái Tây thái hậu đã định trước mọi việc, khiến ngài không
thể nào trái lệnh được. Tuy vậy, khi đưa ngọc Như Ý cho hoàng hậu, ngài giả vờ
lỡ tay đánh rớt xuống đất, khiến chiếc ngọc quý giá tốt đẹp như vậy mà vỡ tan
thành những mảnh vụn.
Tây thái hậu thấy vậy, trong
lòng rất không vừa ý. Cho đến sau ngày cưới, Quang Tự hoàng đế lại càng chán
ngán bà hoàng hậu bất đắc dĩ này. Tây thái hậu biết Quang Tự hoàng đế sủng ái
Trân phi, liền cho lập ngay hai chị em Trân phi và Cẩn phi làm phi tử để mong bắt
được ông vua trẻ ham sắc phải phục tùng vì cái ơn trên của bà.
Trớ trêu thay, từ khi ôm được
hai người đẹp Trân phi và Cẩn phi trong lòng rồi, thì cái của nợ hoàng hậu kia,
Quang Tự hoàng đế càng không thèm để ý tới nữa. Mặt khác, hoàng hậu thấy mình
là chánh cung mà không được sủng hạnh, trái lại mấy con phi tử lại được cái
vinh dự bên vua, thì làm sao cho khỏi ghen tức. Chỉ còn cách ngày ngày sang
cung Tây thái hậu tỷ tê, ỷ eo, khóc lóc cho bà nghe, may ra bà có tìm cho mình
lối thoát? Chưa hết, hoàng hậu còn thừa dịp thuận lợi bắt chị em Trân, Cẩn hai
phi đánh cho những trận đòn nên thân để trả thù.
Làm như thế, tuy có hả được đôi
phần, nhưng hoàng hậu lại càng khiến hoàng thượng chán ghét hơn. Rồi tới cái chết
tức tưởi của Trân phi, Quang Tự hoàn toàn đổ lên đầu hoàng hậu, cho bà là thủ
phạm. Vì thế hai người tuy cùng ở trong Doanh đài, cách nhau chẳng bao xa, nhưng
Quang Tự hoàng đế không bao giờ bén chân đến điện Ỷ Hương của hoàng hậu. Thậm
chí còn không thèm nói chuyện với bà. Có một hôm, lòng buồn vô hạn, Quang Tự
hoàng đế đứng tựa bên song cửa, lòng bồi hồi. Trong khi buồn bã đó, ngài nhân
thấy mặt nước đã dần dần đóng thành băng. Bỗng ngài có ý nghĩ đợi cho băng đóng
dày rồi bước lên trên mà băng qua hồ, sang bên kia.
Cẩn phi không chịu, vội khuyên
ngăn:
- Băng nổi lềnh bềnh trên mặt nước,
dưới không có gì là chắc vững. Giả thử khi bước lên trên, lỡ băng vỡ chẳng nguy
hiểm lắm sao?
Nhưng Quang Tự hoàng đế nào có
chịu nghe, ngài gọi một tên tiểu thái giám dắt, dò dẫm hết bước này qua bước
khác, cứ thẳng trên mặt băng mà vượt sang phía bờ bên kia.
Tảng băng ở gần bờ thì cứng, có
thể bước lên trên một cách vững vàng, nhưng càng ra ngoài, nước càng sâu, băng
càng mỏng đi. Quang Tự hoàng đế bước tới giữa chừng, mới thấy nguy hiểm. Lúc
này, ngài bắt đầu hối tiếc vì không nghe lời Cẩn phi. Ngài tính quay về, thì một
chân của tên tiểu thái giám đã lọt hẳn xuống nước, rồi đến cả người cũng sắp sửa
xuống luôn.
Tên thái giám ở phía trước mặt
thấy vậy vội vàng chèo một chiếc thuyền con lại để vớt. Chỉ có vớt tên tiểu
thái giám và đưa được Quang Tự hoàng đế lên được bờ, ấy thế mà cũng mất tiêu cả
một buổi.
Trong khi đó, không ai ngờ là
hoàng hậu đã nhìn thấy. Đó chính là lúc bà đang chải tóc và trang điểm. Thấy cảnh
Quang Tự đi trên băng, bà vội chạy ra trước cửa sổ điện Y Hương nhìn xem. Bà
nghĩ:
- Gần đây hoàng thượng bị bệnh
thần kinh thác loạn, hành động thường có những điều lầm lẫn. Cẩn phi cũng đã biết
chuyện đó, tại sao nàng lại không ngăn cản ngài? Vạn nhất có điều gì nguy hiểm
cho ngài, thì đến ta đây cũng không khỏi mang tội.
Nghĩ thế, hoàng hậu liền vội vã
trang điểm qua quýt cho xong, lấy một chiếc thuyền nhỏ, bơi qua bờ phía bên
kia, chạy vội đi báo với Thái hậu.
Trong khi hoàng hậu đang lon
ton chạy tới cung thái hậu, thì Quang Tự hoàng đế đã lên bờ và bảo tên tiểu
thái giám chèo ngay thuyền về phía Doanh đài để đón Cẩn phi sang.
Đã qua được bờ bên kia, hai người
dắt tay nhau đi dạo chơi một vòng khắp cả mọi nơi. Khi đi qua trước mặt điện
Nhân Thọ, Quang Tự hoàng đế không khỏi thở dài nói:
- Ta còn nhớ năm đó, tại nơi đây,
ta cùng sư phó ông Đồng Hoà thương nghị việc triều đình, rồi triệu kiến Khang Hữu
Vy, nhưng không ngờ cũng tại nơi đây ta lại gặp thêm Viên Thế Khải để rồi ngay
sau đó, ta không còn được bước chân tới nơi đây nữa! Nhớ lại quang cảnh hồi đó,
ta thấy rõ mồn một, y như còn ở trước mặt. Nếu có khác với hiện tại chăng, chỉ
là khác ở chỗ cảnh vật không còn như thuở xưa nữa. Càng nghĩ lại, càng nhớ lại,
ta càng thấy thương tâm quá!
Nói đoạn, Quang Tự hoàng đế đặt
đôi mắt đau thương của mình vào cặp mắt chẳng kém phần buồn bã của Cẩn phi, để
mong tìm lấy cho mình một nguồn an ủi, một ý nghĩ cảm thông trong nỗi khổ của
mình.
- Bệ hạ đừng lo! Đó bất quá chỉ
là trường hợp con giao long còn bị kẹt trong ao. Nhưng rồi đây, chỉ một sớm gặp
được mây mưa, con giao long ấy sẽ bay lên đến tận mây xanh, kẻ nào đó, dù có ba
đầu sáu tay cũng không thể nào cản ngăn được.
Quang Tự hoàng đế nghe Cấn phi
nói, sẽ gật đầu tỏ vẻ ưng chịu, nhưng rồi lại thở dài nói tiếp:
- Đời sống được bao, tuổi xuân
chóng hết. Kiếp sống của đôi ta thật chẳng bằng cuộc đời của kẻ dân giã tầm thường.
Đời sống của họ thật là ung dung thong thả, phu xướng phụ tuỳ chẳng, có gì đau
khổ lo âu, khanh có còn nhớ khi bọn ta ở Tây An không? Khanh há chẳng than hôm đó,
có một đám nông dân vợ chồng hoà ấm, chồng cày vợ cấy, con cái đầy đàn đó sao?
Gia đình họ ai dám nói là không hạnh phúc sung sướng? Bọn ta là đế vương phi hậu,
nhưng bằng họ sao được? Phải đến lúc này, ta mới tin được lời nói Tự Tông nhà
Minh là đúng: "Đời đời kiếp
kiếp, xin đừng sinh vào gia đình đế vương". Đấy! Khanh đã cảm thấy cái
nỗi đau lòng của Tự Tông và cũng là cha bọn ta chưa?
Ý muốn của Quang Tự hoàng đế và
Cẩn phi là đi du ngoạn khắp đó đây cho thoả lòng khao khát tự do bấy nay đã bị
nỗi niềm tâm sự bỗng dưng nổi dậy dập tắt, khiến cả hai không còn chút hứng thú
nào để đi thêm nữa. Bởi thế, Quang Tự hoàng đế bảo tên tiểu thái giám gọi chiếc
thuyền con lại, và quay trở về Doanh đài.
Về đến Doanh đài, bốn bề tuyết
phủ sương che, xa trông bát ngát. Quang Tự hoàng đế càng cảm thấy tình cảnh cô đơn
đau xót của mình. Ngài truyền cho cung nữ dọn rượu, hầu mong quên đi những nỗi
éo le của cuộc đời, những viễn cánh tương lai mà ngài biết không lấy gì làm
sáng sủa lắm. Ngài nâng chén, cạn ly, Cẩn phi hầu bên cạnh liên tục rót rượu.
Ly này cạn, ly khác cạn, nhiều
ly đã cạn hết, giữa khoảng không gian u tịch vắng vẻ tại Doanh đài.
Giữa lúc ấy, Quang Tự hoàng đế
bỗng thấy trên mặt hồ có năm sáu chiếc thuyền con, bên trong ngồi bảy, tám tên
nội giám, mỗi tên cầm một cái cuốc sắt, đang gắng sức chèo chống lại Quang Tự
hoàng đế nhìn thấy cảnh tượng lạ kỳ này, cất tiếng hỏi Cẩn phi:
- Bọn chúng làm cái trò khỉ gì
vậy?
Cẩn phi nghe hỏi, vội chạy ra cửa
sổ, nhô đầu ra ngoài lên tiếng hỏi. Tức thì có tiếng trả lời vọng vào:
- Bọn nô tài vâng ý chỉ của Lão
Phật gia tới đây cuốc băng ạ.
Cẩn phi nói lại cho Quang Tự
hoàng đế nghe. Quang Tự cười nhạt:
- Hừ! Lão Phật gia bảo chúng tới
cuốc băng nhất định là do chuyện bọn ta đã đi trên băng hồi nãy. Ta nghĩ rằng
trong thiên hạ này, có bữa tiệc nào là chẳng đến lúc tàn? Tội gì mà phải bắt
khoan bắt nhặt, ép lên buộc xuống mãi như vậy?
Quang Tự hoàng đế vừa nói với Cẩn
phi vừa cất chén liên hồi. Sau khi cạn luôn mấy chén ngài chỉ sang điện Ỷ Hương
phía bên kia, nghiến răng, dằn mạnh từng tiếng bảo:
- Câu chuyện này quyết lại do
con mụ khốn nạn kia chạy đi ton hót với thái hậu đó thôi!
Nói đoạn, Quang Tự hoàng đế cười
bảo Cẩn phi:
- Nếu ta có dịp nắm lại quyền
bính, ta quyết bắt cho bằng hết lũ hồ ly láo xược đó.
Cẩn phi vội xua tay nói nhỏ với
ngài:
- Vách có tai, bệ hạ có sợ luỵ đến
thần thiếp chăng?
Quang Tự hoàng đế nghe câu này
lại càng nổi sùng hơn. Ngài cất tiếng nói lớn như quát vào mặt những tên chó săn
của Tây thái hậu lẩn quất xung quanh.
- Sợ cái gì? Đứa nào dám tới đây
bắt khanh làm nhục khanh? Em gái khanh đã bị chúng giết chết một cách oan uổng
rồi. Chúng lại còn muốn tới đây để hãm hại khanh nữa sao? Ví thử nay mai chúng
làm chuyện đó, ta sẽ chết cùng khanh. Chẳng lẽ dám giết cả ta?
Càng nói, Quang Tự hoàng đế
càng hăng, ngài đã thấm rượu, và rượu đã bốc được cái máu điên của ngài lên rồi.
Miệng ngài nói, tay ngài múa, cao đàm khoát luận có bao nhiêu uẩn khúc, lúc này
ngài cho ra bằng hết.
Giữa lúc đó, hoàng hậu lại sang
tìm Quang Tự hoàng đế. Thật là lửa được đổ thêm dầu, Quang Tự hoàng đế càng lồng
lộn lên như hổ dữ. Từ lâu, ngài vốn đã không thèm trò chuyện, đối đáp bất cứ việc
gì với hoàng hậu. Mỗi khi bà sang hầu, ngài để mặc bà ngồi đó, ngồi chán thì về.
Tình nghĩa vợ chồng coi như không còn chút nào nữa. Nhưng lần này thì khác,
khác là vì hôm nay Quang Tự hoàng đế có chén rượu đã ngấm, chất men đã bốc sặc
lên. Vừa mới trông thấy hoàng hậu, ngài đã nổi máu hoả, chỉ muốn tát cho bà mấy
chiếc. Nhưng ngài lại e lễ tiết, sợ dư luận. Bởi thế, ngài lập tâm hỏi ngắn hạch
dài, trong khi hoàng hậu chẳng tiện chống báng, đành chỉ ầm ừ đối đáp vài ba
câu cho qua.
Quang Tự hoàng đế hỏi mãi, hạch
mãi mà chẳng tìm ra được một chỗ hở nào của hoàng hậu để quở mắng. Ngài đành
quay lại gọi Cẩn phi rót rượu thêm rồi mời luôn cả hoàng hậu cùng uống. Đến lúc
này, hoàng hậu không vâng theo cũng không được, nên nâng chén cố cạn. Bà miễn cưỡng
cạn một chén. Nhưng hết chén này, Quang Tự hoàng đế lại bảo Cẩn phi rót thêm
chén khác, ngài không muốn để cho hoàng hậu thôi ngang trong khi ngài đang có tửu
hứng. Hoàng hậu vốn không biết uống rượu, đành phải nói lời thoái thác. Quang Tự
hoàng đế nhân lúc tửu hứng, đổi sắc mặt, bảo hoàng hậu:
- Tửu lượng của bà kém, không uống
được nữa, phải không? Năm nọ, trên tiệc rượu vạn thọ của Thái hậu, bà đã chẳng
cạn luôn một hơi trăm chén là gì?
Cẩn phi đứng bên cạnh, thấy
Quang Tự hoàng đế mặt đầy giận dữ, biết chắc thế nào cũng có chuyện chẳng lành,
vội cất tiếng nói:
- Ngự tửu ban xuống, kẻ cung
nhân xin được uống thay!
Quang Tự hoàng đế cười nhạt
nói:
- Không! Không được…! Chính mắt
ta phải thấy bà ta uống. Ngươi thay để làm gì?
Nói đoạn Quang Tự hoàng đế khỏi
nói thêm, cầm cả chén rượu đưa lên môi hoàng hậu, một tay ôm ngang lấy người bà
đè ngửa ra, dùng sức đổ đại cả chén rượu vào miệng, buộc phải nuốt xuống ừng ực.
Nào ngờ tửu lượng của hoàng hậu
quả có kém thực. Chỉ một chén rượu đó thôi đủ để cho bà thấy đầu choáng mắt
hoa, tấm thân không còn tự chủ được mấy nữa. Bà thấy hoàng đế cố ép mình uống nữa,
bèn giơ tay cản lại, không ngờ chiếc chén ngọc bị tung lên trên không, rớt xuống
sàn gạch vỡ tan tành.
Quang Tự hoàng đế chạm tự ái,
ngài nổi giận lôi đình quát lớn:
- Cho ngươi uống rượu, đó là do
hảo ý của ta. Tại sao ngươi lại hất chén đi? Ngươi đã không muốn uống thì ta đây
phải cho ngươi uống thêm vài chén nữa mới được.
Nói đoạn, Quang Tự hoàng đế lại
gọi Cẩn phi rót thêm một chén rượu lớn hơn. Giữa lúc Cẩn phi tiến thoái lưỡng
nan, thì bỗng đánh vút một cái, hoàng hậu đã đứng vùng dậy, cất bước chạy ra
phía ngoài, chân lảo đảo, đầu lắc lư, chỉ muốn té.
Thấy hoàng hậu như vậy, Quang Tự
hoàng đế sợ rằng bà đem chuyện tố cáo với Tây thái hậu, cho rằng ngài cố ý làm
nhục bà, ngài cũng chạy theo sát gót, mong níu hoàng hậu lại Nhưng ngài không
biết rằng ngài đã quá chén, chân đã mềm ra như bún, không còn thể nào đứng vững
được nữa. Ngài vừa đứng lên thì thân hình lắc lư như muốn té ra sau.
Cẩn phi giật mình, vội sấn lại,
giơ hai tay ôm ngang lấy lưng ngài, trong khi đó Quang Tự hoàng đế đã đưa tay
phải ra quơ được tà áo của hoàng hậu ở phía trước, khiến bà bị trì lại, xuýt nữa
cũng té nốt.
Thực ra thì Quang Tự hoàng đế
nghi oan điều này cho hoàng hậu, chứ thực lúc đó hoàng hậu vì tửu lượng kém, đầu
đã choáng mắt đã hoa, chỉ muốn quay về nằm nghỉ, đâu nghĩ tới chuyện đi đâu.
Quang Tự hoàng đế đã hiểu lầm điềm này, khiến xảy ra quang cảnh xô đi đẩy lại,
và thân hình hoàng hậu mới nghiêng bên này, ngả bên kia, cuối cùng chúi đầu
luôn xuống đất. Bỗng một vật gì óng ánh sáng đẹp từ trên đầu hoàng hậu văng ra.
Cẩn phi nhanh mắt nhìn thấy, vội giơ hai tay ra đỡ nhưng không kịp. Một tiếng
"đốp" vang lên trên sàn gạch. Vật đó đã vỡ tan.
Hoàng hậu quay lại nhìn thấy, cả
kinh vội nói:
- Chết tôi rồi! Bảo vật ngự tứ
(nhà vua thưởng) vỡ mất rồi!
Quang Tự hoàng đế nghe nói quay
lại nhìn, thấy Cẩn phi đang củi xuống đất lượm chiếc bảo vật nọ. Ngài xem kỹ lại
thì ra bảo vật nọ đã bị gãy làm đôi. Lòng ngài bỗng có điều gì sợ hãi dâng lên,
mặt dần dần tái đi, báo hiệu một sự gì nguy biến khủng khiếp sắp xảy ra cho
ngài và có thể cho nhiều người khác nữa.
Hồi 171: Phấn đổ hương
rơi
Chiếc trâm bằng ngọc thạch
của hoàng hậu vốn từ đời Cao Tông truyền lại. Trâm dài chừng bốn tấc trong sáng
long lanh không có chút tì vết nào, đúng là một bảo vật. Khi kết hôn, Quang Tự
hoàng đế được Tây thái hậu giao cho để trao lại cho hoàng hậu. Cho nên chiếc
trâm còn là một bảo vật truyền gia. Nay lỡ không may chiếc trâm rớt gãy, hoàng
hậu hoảng hốt, cuống quýt lên, chỉ còn biết rơi lệ chứa chan và kể lể:
- Cành trâm đó vốn là di vật của
tổ tông, mà Lão Phật gia đã cho trước đây. Nay hoàng thượng đánh gãy mất, bảo
tiện thiếp ăn nói làm sao với Lão Phật gia chứ?
Long Dụ hoàng hậu nói đến đây,
khóc nức nở. Cẩn phi biết rằng chuyện này xảy ra to rồi, cho nên nàng một mặt
khuyên nhủ hoàng hậu một mặt giúp hoàng đế thu xếp. Hoàng hậu khóc một hồi rồi
gạt lệ nói:
- Còn nói gì được bây giờ? Trâm
đã gãy rồi! Tội này thì hoàng thượng phải hoàn toàn chịu lấy! Chỉ còn cách đưa
nhau lên gặp Lão Phật gia phân xử cho thôi.
Quang Tự hoàng đế lúc đầu có đôi
chút hối hận vì đã lỡ tay làm gãy chiếc trâm, nhưng đến khi nghe hoàng hậu nói,
kéo nhau lên thưa gửi Tây thái hậu, thì máu hoả lại bốc lên ngùn ngụt. Ngài nổi
giận nói lớn:
- Lúc nào cũng chỉ lo có chiếc
trâm. Ừ, thì chính ta làm gãy đấy, làm đếch gì thì làm? Cứ hễ mở mồm ra là y như
ngươi đem Tây thái hậu ra để cho ta sợ phải không?
Nói đoạn, Quang Tự hoàng đế mắm
môi nghiến răng, cất cao chân phải lên rồi dậm mạnh một cái xuống chiếc trâm
gãy nằm trên mặt đất và nói tiếp:
- Ngươi đi tố cáo với thái hậu đi,
bảo ta cố ý làm gãy đấy! Để xem làm gì ta thì làm.
Trong lúc nói những câu này,
Quang Tự hoàng đế tỏ ra vô cùng tức giận. Hoàng hậu thấy hoàng đế nổi giận, cũng
không dám nói gì thêm nữa, chỉ đành lau mắt lệ, rồi gọi tên tiểu thái giám lấy đò
chở bà sang phía bờ bên kia gặp thái hậu.
Sau khi hoàng hậu đi đã một
lúc, Quang Tự hoàng đế vẫn còn chưa nguôi cơn giận. Cẩn phi tìm lời an ủi và
khuyên giải:
- Hoàng hậu đi chuyến này, chẳng
biết có thêm bớt điều gì nữa không?
Quang Tự hoàng đế vẫn thái độ tức
tối như trước nói:
- Mặc thây bọn chúng! Bọn chúng
muốn làm gì thì làm, ta đâu có sợ.
Đêm hôm đó yên ổn, không có
chuyện gì xảy ra. Nhưng qua ngày hôm sau, Tây thái hậu cho thái giám đến triệu
hoàng đế. Cẩn phi biết ngay chuyện hôm qua đã xảy to rồi. Nàng rỉ tai Quang Tự
hoàng đế:
- Thái hậu tuyên triệu hoàng thượng
quyết không có chuyện tốt đẹp đâu. Nguyên do chiếc trâm gãy gây ra. Lúc gặp
Thái hậu, ngài nên để mặc bà nói, đừng có gây gổ, tranh luận gì như hôm qua, kẻo
thái hậu trách mắng, liên luỵ cả đến thần thiếp đó.
Quang Tự hoàng đế gật đầu mấy
cái, tỏ ý nghe theo, trong lòng nhớ đến câu chuyện hôm qua mà sợ. Sợ vì hôm nay
ngài tỉnh rượu rồi.
Tây thái hậu chờ cho Quang Tự
hoàng đế làm lễ xong, lúc đó mới lên tiếng:
- Ngươi là vua của một nước, mà
hành vi xem ra không bằng thằng dân. Ngươi say rượu đến nỗi đánh cả hoàng hậu,
hung dữ lồng lộn như một con thú dữ. Hành động như thế, phải chăng ngươi tỏ ý
chống ta? Ta đem cháu gái ta gả cho ngươi là mong tạo hạnh phúc cho ngươi. Ta
không ngờ kết quả đều ngược lại cả. Ví thử hoàng hậu có nhiều điều sai lầm tội
lỗi đối với ngươi thì ngươi cứ nói rõ ra, bố cáo cho toàn thể thiên hạ biết, rồi
đem phế thẳng đi, hà tất phải làm như vậy? Nếu ngươi không muốn làm như thế, ngươi
để ta làm giùm cho. Ta phế ngay hoàng hậu giúp cho ngươi. Ngươi chỉ việc kê
khai hết những tội lỗi của vợ ngươi ra đây, đừng có giấu giếm một điều nào là
ta giúp cho ngươi hết mọi tức bực ngay.
Quang Tự hoàng đế nghe nói đến đây,
vội vàng dập đầu tâu:
- Nhi thần quả không có nói là
hoàng hậu có điều sai lầm nào. Hôm qua, chỉ vì quá chén nên say, thành thử xảy
ra chuyện chẳng hay đó thôi. Nhi thần xin cải quá từ đây, lần sau không bao giờ
dám có những hành động như vậy nữa. Kính xin Lão Phật gia rộng lòng thương mà
tha thứ cho nhi thần lần này.
Tây thái hậu cười nhạt bảo:
- Rượu say nên mất khôn ? Quốc
gia đại sự mà cũng cứ rượu say mất khôn như vậy thì mấy chốc mà đất nước đi đứt?
Ta biết tính ngươi vốn trung hậu quyết không đến nỗi vô lại du côn đến thế. Đây
chắc chỉ tại cái con hồ ly chín đuôi nọ nay ton hót mai ton hót cho nên mới có
chuyện. Ta phải cho nó một trận biết thân, để sau này hết ton hết hót.
Tây thái hậu nói đoạn, quay đầu
lại truyền cho gọi Cẩn phi tới. Chẳng bao lâu, Cẩn phi mặt mũi đầy lệ, theo
chân một tên thái giám đến quỳ trước Tây thái hậu. Tây thái hậu quát hỏi:
- Hôm qua, lúc hoàng thượng và
hoàng hậu gây lộn, mi có mặt ở đấy không?
Cẩn phi vội cúi thấp mình xuống
đến sát mặt đất, tâu:
- Dạ! Tỳ tử có mặt ở ngay bên,
và đã cố khuyên giải.
Tây thái hậu nổi giận nói:
- Đã đến đây mà mi còn leo lẻo
cái mồm phải không? Nếu mi có khuyên giải thì làm sao lại xảy ra chuyện?
Cẩn phi bị cật vấn, hoảng hồn vội
dập đầu tâu:
- Tỳ tử đâu có dám thế!
Tây thái hậu không đợi cho nàng
nói thêm, giơ thẳng tay nện xuống mặt bàn đến thình một cái, quát lớn hơn, khiến
Cẩn phi giật bắn mình lên, mặt xám ngoét lại:
- Cấm cãi! Con khốn nạn kia!
Kéo cổ nó ra đánh bốn mươi gậy cho ta!
Quang Tự hoàng đế thấy nguy
quá, vội chạy ra xin cho Cẩn phi:
- Kính xin Lão Phật gia mở rộng
lòng thương mà xét cho. Việc này do nhi thần gây ra cả. Mong Lão Phật gia ân từ
mà tha cho nàng.
Tây thái hậu nói:
- Hừ! Cứ mỗi lần trách phạt là
mỗi lần ngươi năn nỉ cầu xin để che chở cho con khốn nạn. Ấy chính vì thế mà nó
càng làm tàng, chẳng những không coi hoàng hậu ra cái gì, mà đến ngay ta đây nó
cũng xem thường luôn! Hôm nay ta quyết không thể tha cho nó được. Nội giám đâu?
Lãnh chỉ rồi kéo ngay con khốn nạn ra ngoài kia đi cho rảnh mắt ta.
Đáng thương cho Cẩn phi đã đành,
nhưng cũng đáng thương cho Quang Tự hoàng đế, không có cách gì cứu được người
yêu.
Lòng đau như cắt, hôm qua lại
quá chén nên say, Quang Tự hoàng đế có lẽ không còn đủ sức để chống lại với cơn
khủng hoảng tâm hồn quá kịch liệt này, cho nên ngài cảm thấy mặt hoa đầu
choáng, chỉ chực muốn té.
- Ngươi nên bảo trọng tấm thân
một chút mới được, ngươi cần biết là ta chỉ còn như ngọn đèn trước gió đó thôi.
Trách nhiệm tương lai, há lại không phải ngươi gánh vác đấy sao? Lâu nay, ta vẫn
biết ngươi tự bạo, tự khi quá nhiều, chứ không còn biết giữ gìn cẩn thận như xưa,
đó là điều đáng tiếc cho ngươi đó.
Một mặt nói vậy, một mặt Tây
thái hậu giả bộ nhỏ mấy giọt nước mắt. Bỗng bà thấy Quang Tự hoàng đế như có gì
mắc trong họng, không phun ra được, rồi chỉ trong một phút, oẹ lên một tiếng lớn,
khạc ra một bụm máu tươi, bắn thẳng ra trước mặt xa đến vài thước, dây be bét cả
lên chiếc áo mới của bà.
Tây thái hậu nhìn kỹ lại, thấy đúng
là máu, bà giật nảy mình, lòng vô cùng sợ hãi, vội nói:
- Bệnh ngươi đã quá nặng. Gọi
ngay thái y vào chữa trị đi.
Bọn thái giám nghe nói vậy vội
ba chân bốn cẳng chạy đi triệu thái y, trong khi Tây thái hậu tựa cho Quang Tự
hoàng đế ngủ yên trên giường được một lúc.
Chẳng mấy chốc, thái y xách dao
cầu, thuyền thuốc tới. Hành lễ quần thần xong, viên thái y chẩn bệnh cẩn thận một
lúc rồi đoán bệnh:
- Bệ hạ nổi giận cho nên nỗi
khí xung can, uất hoả bốc lên, khiến máu nghịch hàn sinh thổ huyết. Hơn nữa khí
cũng bị tích lại quá lâu, dược lực nhất thời e khó thấy kiến hiệu.
Tây thái hậu nghe lời đoán bệnh
của thái y, bất giác thở dài một tiếng, tỏ ý như thoải mái, nhẹ nhõm. Cũng lúc
này, bọn nội giám đã đẩy cái xe nằm lại, rồi hè nhau vực Quang Tự hoàng đế lên
xe. Tây thái hậu đích thân cầm cái gói đặt xuống phía dưới đầu cho ngài, miệng
không quên dặn dò ba, bốn lần là nên tĩnh dưỡng cẩn thận, chớ có liều lĩnh,
nhìn ngoài mà xét, thì Tây thái hậu lúc này như tỏ một tình cảm vô cùng thâm hậu
với Quang Tự hoàng đế.
Trong trạng thái mơ màng, Quang
Tự hoàng đế lại được đưa trở về Doanh đài. Cẩn phi đã đợi từ lâu, mặt mày tự
nhiên xám ngoét chứng tỏ nàng đã bị đánh quá đau.
Quang Tự hoàng đế vừa trông thấy
Cẩn phi bèn giơ bàn tay xanh gầy lên vẫy vẫy, có ý như bảo nàng hãy lui đi, hoặc
đi xa hẳn đi, khỏi phải hầu hạ ngài.
Sau khi đưa Quang Tự hoàng đế về
Doanh đài rồi, Tây thái hậu biết bệnh tình của nhà vua đã đến lúc trầm trọng, e
khó có thể qua khỏi, mà lấy làm lo. Đã từ lâu, một mình buông rèm nhiếp chính,
giải quyết mọi việc trong triều đình, bà cảm thấy Mãn tộc đã có nhiều người đem
lòng đố kỵ, còn các thân vương thì không một kẻ nào là không dòm ngó ngôi lớn,
thừa dịp có kẽ hở là hành động. Nếu chẳng may Quang Tự hoàng đế có mệnh hệ nào,
ắt người trong họ thế nào cũng tranh nhau nhào vô kế vị. Đến lúc đó, một triều
thiên tư một triều thần, kẻ khác làm vua tất có kẻ khác nhiếp chính. Nhất đán, đại
quyền không còn trong tay, làm sao khỏi có kẻ khác chỉ huy lại bà? Và như vậy,
bà đâu có còn cái ngày vinh hoa phú quý oai quyền nhất thiên hạ như bây giờ.
Nghĩ đi nghĩ lại, bà càng thấy địa vị của bà lúc này lung lay hết sức, hoàn cảnh
của bà vô cùng nguy hiểm. Do đó, bà vội vàng cho lệnh triều quân cơ đại thần
Vinh Lộc nhập nội để bàn tính đại sự.
Nhưng cuộc bàn bạc đã kéo dài rất
lâu mà vẫn chưa tìm được một giải pháp, Tây thái hậu vì vậy suốt ngày đêm buồn
bã âu sầu, mặt không thấy lúc nào vui, nằm liệt trong cung cấm.
Khánh Vương Dịch Khuông thấy
Tây thái hậu lo rầu như vậy bèn thừa lúc vắng tâu lên:
- Tây thái hậu, ngày mai là
ngày âm thọ kỵ thần của Mục tông Nghị hoàng đế, Lão Phật gia có tính sửa soạn
gì không?
Tây thái hậu giật mình quay lại
bảo Khánh Vương:
- Ừ nhỉ! Mấy hôm nay bận việc
quá khiến ta quên hết cả!
Nói đoạn, bà truyền lệnh cho bọn
sư Lạt ma sửa soạn để tụng kinh niệm Phật, siêu sinh tĩnh độ suốt ngày hôm đó,
lại cũng sai bọn đại thần cúng tế linh đình một phen. Nhưng chưa hết, Dịch
Khuông còn tâu thêm:
- Theo thiển ý của nô tài thì
trừ chuyện tế lễ ra, bọn nội giám còn cần phải diễn tuồng hát hội một ngày để
cho Lão Phật gia giải phiền mới phải.
Bình sinh Tây thái hậu vốn
thích ca nhạc tuồng chèo, bởi thế sau khi nghe Khuông tâu, tuy bà chẳng nói
chi, chỉ sẽ gật đầu mấy cái mà Khuông cho là bà đã bằng lòng rồi. Thế là Khuông
tự cho mình vinh hạnh lắm, nói mà thái hậu nghe ngay, liền tức tốc chạy vội ra
ngoài kêu kép gọi đào, om xòm cả Bắc Kinh lên.
Ngày âm thọ kỵ thần của Mục
Tông đã tới. Văn võ bá quan trong triều bỏ áo xanh ra, thay bằng bộ đồ trắng
màu tang lũ lượt tiến về nhà Thái miếu để cúng tế. Từng hàng một, họ bước vào
trong miếu xì xụp lạy, ra vẻ tôn kính nghiêm trang lắm. Lễ xong họ lũ lượt kéo
về ngả Di Hoà viên để vào cung lạy Tây thái hậu.
Tây thái hậu truyền lệnh cho cả
bọn lưu lại trong điện Đại Viện, rồi đặt tiệc chay thưởng tứ ân điển cho họ. Tiệc
tùng xong, đến hát xướng. Khốn nỗi là sau vụ Canh Tý nọ, bọn đào kép cung phụng
trong nội đình đã tứ tán đi hết, chỉ còn lại duy có mỗi anh kép già tên Tôn Cúc
Tiên. Muốn để cho Tây thái hậu đẹp lòng, biết cho cái công trâu ngựa của mình,
dù chỉ la cái công đi tìm mấy thằng kép và mấy con đào hát, Dịch Khuông vội chạy
ra ngoài gọi cho bằng được một tên xướng võ sinh tên gọi là Liễu Tiểu Các.
Liễu Tiểu Các vốn là con trai của
Liễu Nguyệt Các. Bố hắn cũng vốn là một võ sinh xuất thân, hắn cừ cả về lối diễn
tuồng thần quái, cho nên mới có cái biệt danh là Tiểu hầu tử.
Liễu Tiểu Các được thày nghề là
Dư Lão Mao bí truyền cho nhiều thuật vừa khéo vừa tài, cho nên khi diễn tuồng,
Tiểu Các xem ra xuất sắc hơn cha nhiều. Nhờ đó, trong kinh thành Bắc Kinh, Tiểu
Các cũng có đôi chút tên tuổi.
Hôm đó, Liễu Tiểu Các diễn ba
tuồng: Thuỷ Liêm động, Kim tiền
báo, Ba tiêu phiến, do chính Tây thái hậu chọn. Tiểu Các đem hết tài nghệ để
cố sao được Tây thái hậu khen thưởng.
Quả nhiên hắn đã không biết để đâu
cho hết lời khen của thái hậu.
Tuồng diễn xong, Tây thái hậu
cho triệu Liêu Tiểu Các vào cung, hỏi tên họ, tuổi tác đủ thứ. Các nhất nhất đều
trả lời rành mạch. Tây thái hậu rất lấy làm vừa lòng, bèn hạ lệnh cho Nội vụ phủ
thưởng cho Các ba trăm quan tiền.
Liễu Tiểu Các lĩnh thưởng, tạ ơn,
lui ra. Bọn con hát cùng gánh, kẻ nào cũng ca tụng Các, tâng bốc Các. Từ đó về
sau, cứ hễ cung nội cần hát xướng, thế nào cũng phải có hắn. Và hắn còn được ra
vào tự do trong cung cấm.
Có một hôm, Liễu Tiểu Các vào
cung diễn tuồng, đem theo đứa con gái nhỏ tên là Tiểu Nguyệt. Diễn hát xong,
Tây thái hậu thưởng cho hai cha con Liễu Tiểu Các nào vải, nào lụa.
Tiểu Các đem con gái vào trước
Tây thái hậu để tạ ơn. Thấy Tiểu Nguyệt vừa xinh xẻo, mặt đầy đặn như trăng
tròn, da thịt mịn màng như trứng gà bóc, lại vừa hoạt bát đáng yêu, Tây thái hậu
bèn chỉ hỏi.
- Chứ con cái nhà ai vậy?
Liễu Tiểu Các dập đầu tâu:
- Nó vốn là con gái của nô tài.
Tây thái hậu hỏi thêm:
- Năm nay nó mấy tuổi? Nếu tiện,
ngươi hãy để nó ở lại đây với ta cho vui. Mai ngươi bảo vợ ngươi tới đây đem nó
về nhé!
Liễu Tiểu Các dạ dạ luôn mồm, rồi
lạy tạ lui ra, và khi về nhà, chuẩn bị mọi chuyện để cho vợ tên gọi Nguyệt Hương
ngày mai vào tiến cung gặp Thái hậu.
Bé Tiểu Nguyệt ở lại bên cạnh
Tây thái hậu, mặc dù mới năm tuổi, nhưng rất khôn khéo, đặc biệt nhất là biết
chiều người trong những lúc vui buồn, giận tức. Bởi thế, được Tây thái hậu hết
lòng yêu.
Qua ngày hôm sau, Liễu Tiểu Các
sửa soạn cho vợ vào cung để gặp Thái hậu.
Tây thái hậu thấy Nguyệt Hương
tuy chỉ là một người đàn bà hạ lưu, nhưng diện mạo xinh xắn, nói năng dịu dàng,
cử chỉ đoan trang, lễ phép bèn bảo Liễu Tiểu Các:
- Hiện nay trong cung cấm đang
cần một người đàn bà hầu hạ. Vợ ngươi rất vừa ý ta. Ngươi hãy tạm thời để nàng ở
lại đây ít lâu rồi hãy về nhà!
Liễu Tiểu Các vốn người ranh
mãnh khôn ngoan, thấy Tây thái hậu nói vậy, mừng quýnh trong lòng, vì đó là điều
cầu mong lâu nay mà chưa được.
Các vội vàng quỳ xuống tạ ơn.
Tây thái hậu bèn truyền nội
giám đem ban thưởng cho Các nào tơ lụa, nào là đồ chơi, đồ cổ đủ thứ. Còn vợ
con của Các cũng từ đó được lưu lại bên cạnh bà để hầu hạ. Tây thái hậu còn cho
bé Tiểu Nguyệt một chiếc kiềng vàng, một đôi xuyến cũng bằng vàng.
Các loại kiềng vàng này nặng đến
bốn lạng, nội vụ phủ làm sẵn để vào dịp lễ vạn thọ, dâng Tây thái hậu bán thưởng
cho các nàng cách cách. Ấy thế mà mẹ con thằng kép hát ngày nay cũng được ân thưởng
vật đó, há chẳng phải là một điều kỳ lạ đặc biệt đó sao?
Nguồn: http://vnthuquan.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét