Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

21 thg 11, 2013

Thanh Cung Mười Ba Triều - Hứa Tiếu Thiên - Hồi 98-102

Hồi 98: Bát Quái Giáo phá cung Thanh

Một năm trước, khi Lâm Thanh mưu phản, quan Đồng trị huyện Đạm Thuỷ tỉnh Đài Loan có bắt được một giáo đồ tên gọi Cao Ma Đạt. Đạt tự nhận là tiểu đầu mục của Bát Quái Giáo và cung khai là còn có vị đầu mục Lâm Thanh thông đồng với bọn thái giám tại kinh đô, ước định mùa thu sang năm hội binh mã đánh thẳng vào cung. Quan Đồng Trị được tin này, vội viết văn thư đưa về kinh. Quan đại thần tại kinh nhận được lại cho là y hoảng bảo, ném đi không thèm tâu.
Đến ngay trước lúc khởi sự một hôm, viên tuần kiểm Lư Câu Kiều được tin, vội lén tới báo cho quan phủ doãn phủ Thuận Thiên, nói Lâm Thanh ước định ngày mai mưu phản. Quan phủ doãn được tin lại cũng cho viên tuần kiểm hoảng báo, mắng om lên, bảo việc như vậy mà dám liều lĩnh nói bậy. Thế là vị quan này cùng chẳng thèm sửa soạn phòng chống gì.

Hôm đó, quả nhiên cuộc đại loạn xảy ra, các giáo đồ cầm giáo cầm mác kéo xuống đầy phố, xông thẳng vào cửa Đông Hoa môn và Tây Hoa môn. Bọn thái giám Lưu Đức Tài, Dương Tiến Trung ở ben trong phục sẵn. Còn có cả viên tổng quản thái giám là Diệm Tiến Hỉ tại trong cung tiếp ứng. Toán bộ binh tại Đông Hoa môn thấy các giáo đồ xông vào vội đóng cửa lại, nhưng đã trễ. Năm, bảy trăm người đã đánh thốc qua cửa Đông Hoa và tiến thẳng vào điện Hoàng Đức Lại có bọn thái giám từ bên trong cung đánh thốc ra.

Bọn cung nga mỹ nữ hoảng hồn bạt vía, kêu khóc như ri. Trong cung nội vụt thành bãi chiến trường, cảnh hỗn loạn xảy ra khủng khiếp chưa từng thấy. Tại Tây Hoa môn cũng có năm, bảy trăm giáo đồ tiến đánh. Toán ngự lâm quân tại đây vội đóng chặt cửa cung, liều chết chống cự. Hôm đó, Gia Khánh đế không có tại cung nội. Ngài đã qua vườn Viên Minh hôm trước rồi cho nên tại đây chỉ còn lưu lại có một ít thị vệ thôi. Chống cự được một lúc thì cửa Tây Hoa môn bị phá tung. Giáo đồ ồ vào, đánh qua Thượng A giám, Văn Dự quán, đánh thẳng vào Long Tôn môn. Bọn thị vệ vừa đánh vừa lùi. Bỗng bọn thái giám cũng từ phía trong đánh ra. Tiếng hò hét, kêu la vang trời, máu chảy lênh láng cả mặt đất. Bọn phi tần trong các cung Dực Khôn, Vĩnh Hoà, Hàm Phúc, nghe tiếng hò hét kêu la hoảng quá, túm lại với nhau thành từng chùm. Có vài cung nga nhát gan, nhảy xuống giếng tự vận. Nhị hoàng tử Mân Ninh cùng các bối lặc đang xem sách tại thư phòng, nghe nói trong cung có biến, không hoảng hốt sợ hãi gì, liền gọi bọn thái giám đem súng điểu thương và yêu đao tới. Họ tập hợp được hơn hai mươi tên thái giám rồi bảo chạy theo. Chạy tới cửa Võng Tâm, thấy một toán giáo đồ hò reo xông tới, Nhị hoàng tử hô đóng cửa lại, cho bọn thái giám bò lên mặt tường thám sát nếu thấy giáo đồ leo lên tức thì xuất kỳ bất ý dùng côn đánh xuống. Nhiều giáo đồ vô tình bị bọn thái giám đánh cho vỡ đầu, óc phọt ra, ngã gục dưới chân tường.

Trong đám giáo đồ, có vài đầu mục thấy thế vội khích động anh em, tay cầm cờ xông lên mặt tường. Phía đông tường là Đại nội. Các giáo đồ đứng trên tường kêu la hò hét, chay về phía đông. Nhị hoàng tử đứng dưới thềm điện Dưỡng Tâm, cầm súng điểu thương nhắm thật chính xác bắn luôn một lúc chết mấy đầu mục. Bối lặc Miêu Chí, đứng ở phía tả Nhị hoàng tử cũng bắn chết một đầu mục. Thấy đầu mục chết, các giáo đồ đâm chùn bước, không dám vượt qua tương nữa, đành tản đi hướng khác.

Bản lĩnh của Nhị hoàng tử phải nói là cao cường. Năm Càn Long thứ năm mươi bốn, Mân Ninh mới lên tám. Hồi đó Càn Long hoàng đế tới hành cung Trương Gia loan. Ngài đưa hoàng tử, hoàng tôn đi thi bắn tại xạ trường. Mân Ninh đứng bên cạnh ngài. Chờ khi các chư vương, bối lặc bắn xong. Ninh bèn quỳ trước mặt Càn Long hoàng đế, xin cho mình bắn. Hoàng đế lấy làm vui thích lắm. Ngài bèn truyền bảo tất cả các hoàng tôn cùng tuổi đều ra xạ trường dự bắn, tám chú bé cùng chạy ra thử cung bắn tên, nhưng yếu quá không làm gì được. Duy chỉ có Mân Ninh cầm chiếc cung nhỏ đặt tên lên, bắn liền ba phát thì hai phát trúng ngay giữa hồng tâm.

Càn Long hoàng đế thấy cháu bắn trúng, phá lên cười khà khà, cho gọi Mân Ninh lên điện, vừa vuốt tóc cháu vừa bảo:

- Bản lĩnh cháu khá lắm! Ông muốn thưởng cho cháu về tài bắn cung này, vậy cháu thích cái gì?

Ninh dập đầu nói:

- Cháu chỉ xin ông nội thưởng cho cháu chiếc áo khoác thôi!

Càn Long hoàng đế mỉm cười gật đầu, hạ lệnh mang chiếc áo tới. Ngay lúc đó chẳng có chiếc áo nào vừa, bọn thị vệ đành phải lấy một chiếc áo dài của người lớn đem lại khoác lên vai Mân Ninh, còn một tên thái giám thi ôm lấy chân cậu bế thốc lên cho cao. Từ đó, mọi người trong cung đều gọi Ninh là Tiểu tướng quân. Và Ninh cũng ngày đêm theo sư phó tập luyện. Ninh thích bắn chim, cho nên thường dùng cây súng điểu thương bắn bách phát bách trúng (xin nhớ, hồi này đã có súng của bọn Tây đưa vào Trung Quốc rồi). Nhờ đó nên hôm đại biến này, Ninh mời giải vây được cho Đại nội.

Toán giáo đồ thấy cửa Tây Hoa có người bảo vệ, bèn sang cửa Đông Hoa, hội họp với các toán bạn. Lúc đó các giáo phái tại đây đã phá tan cửa Đông Hoa, xông thẳng vào cung, đang định cướp cửa A Kỳ Cáp.

Bỗng họ thấy một đại hán mình trần trùng trục, đa đen thui, tay cầm một cây đòn gánh vừa to vừa nặng, quát lên một tiếng lớn:

- Chúng bay phản à?

Vừa quát, đại hán vừa múa chiếc đòn gánh đánh tạt ngang. Các giáo đồ thấy đại hán dữ tợn, bèn hè nhau vây lấy, đánh tới tấp. Tên đại hán múa tít chiếc đòn gánh chi đông đánh tây, chi nam đánh bắc quất vèo vèo, loang loáng như một chiếc bánh xe quay tít. Giáo đồ bị hắn đánh tơi bời, người thì gãy tay, kẻ gãy lưng, vỡ đầu máu chảy lênh láng. Cả toán đông tới hai, ba trăm, thế mà chỉ một lát, đã bị chết đến một nửa.

Tên đại hán đó chẳng phải là thị vệ trong cung mà là một tên gánh than mướn cho một tiệm bán than ngoài thành. Hằng ngày hắn phải gánh than qua cửa Đông Hoa đem vào cho Tu Thư quán. Suốt ngày phải chui ra chui vào trong đống than đen nên người hắn đen thui đi. Bọn thái giám thường gọi hắn là "chú than đen".

Chú than đen tính thẳng thắn, lại cậy mình sức mạnh hơn người nên hễ thấy chuyện bất bằng là cầm đòn gánh xông ngay vào đánh tới. Chiếc đòn gánh của chú than đen nặng ít nhất cũng phải trăm cân, đánh vào người không gãy xương thì cũng nát thịt.

Hôm đó, hắn thấy các giáo đồ Bát Quái Giáo xông vào cửa Đông Hoa, liền ra sức chống đánh. Mình hắn chống lại hai, ba trăm người. Hai bên đánh nhau một lúc lâu mà các giáo đồ không một kẻ nào lọt vào được A Kỳ Cáp. Cửa A Kỳ Cáp chính là cửa Hi Hoà. Tiếng hò hét kêu la trong trận chiên tại đây làm vang động mãi vào phía trong cung.

Lúc đó có một vị Đại học sĩ tên gọi Bảo Hưng, làm giáo thụ dạy chư vương đọc sách tại thư phòng, đi từ cửa Cảnh Vân môn tới. Trông thấy ở ngoài cửa, một tên đại hán mình đen thui như cục than đang chống đánh một toán giáo đồ.

Ông vội quay vào cung, gọi rất nhiều thái giám chạy ra đóng sập cửa A Kỳ Cáp lại, một mặt tập họp tất cả bọn học trò thực lục quán, quốc sử quán, công thần quán, giao cho mỗi người một cây côn dài, bò lên mặt tường để giữ cửa A Kỳ Cáp, một mặt điều động quân Hổ bi ở khắp nơi theo cửa ngách xông ra tiếp chiến.

Lúc đó về phía giáo đồ lại có một toán từ Tây Hoa chạy lại vây lấy tên đại hán, đánh chém tơi bời: Bọn này càng tới càng đông, ít ra cũng đến một ngàn, dù tên đại hán có mạnh tới đâu chăng nữa cũng khó bề chống đỡ. Hắn bị một đám đông giáo đồ nhất loạt xông vào, dùng dao chém nát người. Chú than đen, lúc gần chết miệng vẫn còn la hét, tay vẫn còn vung côn đập tới đập lui.

Các giáo đồ chém chết được tên đại hán rồi, tính vượt tường vào cung thì vừa lúc đó quân Hổ bí đã kịp xông tới.

Bọn chư vương, đại thần lưu phủ tại kinh thành cũng đã đem quân cấm vệ từ cửa Thần Võ đánh vào. Quân binh hai mặt giáp công, đánh các giáo đồ một trận tơi bời, dồn cho chạy ra ngoài cửa điện Trung Chính.

Lúc này trời đã tối. Đường xá trong cung nội các giáo đồ không thuộc, cho nên các giáo đồ đi dần vào đất chết. Bọn quan binh truy sát một trận, hai bên dọc tường thây chết ngổn ngang, giáo đồ bị dồn vào một góc tường. Giữa lúc bọn quan binh định xông vào bắt trói, thì bỗng một cơn mưa rầm rập đổ xuống. Một tiếng sét lở đất long trời nổ vang, đánh chết luôn một lúc đến mấy chục giáo đồ. Bọn quan binh tiến lên bắt nốt số còn lại, trói ké hết tay chân, đưa tới nha môn Cửu môn đề đốc để thấm vấn. Bọn giáo đồ cung khai ra đầu mục Lâm Thanh hiện đang ngồi đợi tin tại Hoàng thôn. Quan đề đốc tức khắc sai một đại đội quan binh tới ngay Hoàng thôn bắt Thanh điệu về kinh sư.

Qua ngày sau, Gia Khánh đế từ vườn Viên Minh trở về cung, thăng toạ vườn Phong Trạch, đích thân thẩm vấn Lâm Thanh. Thanh cung khai ra rất nhiều tên thái giám, Gia Khánh đế sai quan thị vệ cho đi bắt bọn đó tới, thẩm vấn rõ ràng, rồi hạ chỉ đem tất cả xử chém ngang lưng.

Các giáo đồ bị bắt khác cùng một loạt đem ra chính pháp hết. Hơn ba trăm cái đầu bị chặt đứt, máu chảy lênh láng trên mặt đất. Phố xá nơi kinh thành đóng cửa kín, dân chúng hoảng hồn bạt vía, gần như không dám thở nữa.

Gia Khánh đế quay vào cung nội, thăm đám phi tần, an ủi một hồi. Ngài lại truyền cho Nhị hoàng tử và bối lặc Miên Chí vào cung ngỏ lời khen và thưởng cho mỗi người một cái áo khoác ngoài bằng da rái cá, một chiếc nhẫn bằng ngọc bích.




Qua ngày hôm sau, một đạo dụ ban xuống, phong Nhị hoàng tử làm Trí Thân vương, tiền phong bối lặc Miên Chí làm quận vương. Đại học sĩ Bảo Hưng tâu việc chú than đen có công bảo vệ hoàng cung. Lúc đó, người ta mới bới tìm trong đống xác các giáo đồ, lấy ra chú than đen, đem rửa sạch đưa về tiệm than. Hoàng đế hạ chỉ thưởng cho chú than đen tước võ công lục phẩm, chiếu theo lệ võ quan trận vong mà tế lễ. Lại cho thêm món tiền chi phí tang ma một vạn lạng bạc. Vợ chú than đen phong làm phu nhân. Thực ra chú than đen chẳng có vợ con gì cả. Lão chưởng quỹ trong tiệm thấy đây là một dịp làm ăn thuận lợi, liền nhận chằng cho cô con gái lớn của mình làm vợ chú ta, bắt cô mặc đồ tang ở giá.


Hồi 99: Mất vợ chỉ vì có vợ đẹp

Lại nói Lý Văn Thành chiếm được Hoạt huyện. Được tin Lâm Thanh đã chết, bèn triệu tập một vạn đồ đảng rùng rùng khởi loạn suốt một giải Sơn Đông, Hà Nam, nói để báo thù cho Thanh. Thành ỷ có sông Vận Hà vận chuyển lương thực dễ dàng tiện lợi nên đóng quân suốt dọc sông này, chống chọi với quan quân của triều đình. Tổng đốc Trực Lệ là Ôn Thừa Huệ, tuần phủ Hà Nam là Cao Dĩ đem quân đánh, đều bị Thành đả bại tơi bời. Gia Khánh đế bèn hạ chỉ sai tổng đốc Thiểm Cam là Na Ngạn Thành đem quân Sơn Đông và Hà Nam đi tiêu diệt giáo đồ.

Na Ngạn Thành có một vị phó tướng tên Dương Ngô Xuân, hết sức kiêu dũng, đã nhiều lần chinh đông dẹp tây, khiến các giáo đồ thấy đều sợ hãi. Xuân có ba chòm râu dưới cằm nên thường được gọi là "Tướng Râu". Và mỗi lần nghe nói tướng râu tới là cả bọn ai cũng lo tháo thân trước. Về sau lại có thêm tướng Dương Phương cũng đem quân từ Thiểm Tây tới để trợ chiến. Hai vị tướng họ Dương này đã lấy lại được nhiều thành trì, giết chết đến hơn hai vạn giáo đồ Bát Quái Giáo.

Lý Văn Thành chạy trốn tới gò Bạch Thổ cương thì bị phục binh tứ phía bao vây. Thành biết mình trúng kế, tính mạng khó toàn, bèn đốt một đống lửa tự thiêu chết. Từ đó, ba tinh Trực Lệ, Sơn Đông, Hà Nam mới được yên.
Gia Khánh đế nghĩ tới chuyện đáng sợ vừa qua của các giáo đồ, bèn hạ chiếu: "Từ nay về sau, bất luận tôn giáo nào, nhất luận đều bị nghiêm cấm".

Hồi đó, có viên tri huyện huyện Dương được tin một vị giáo sĩ người nước Anh truyền đạo tại huyện mình, chẳng hỏi ba bảy hai mươi mốt gì, bắt ngay đem về thắt cổ chết. Thế là vua nước Anh cáu tiết, phái luôn một lúc mười ba chiếc tàu binh tới chiếm Áo môn. Tổng đốc Lưỡng Quảng Hùng Quang hoảng lên, cấp báo về kinh. Gia Khánh đế hạ chỉ bảo Quang phong cấm đường thuỷ, đoạn tuyệt lương thực địch. Quả nhiên, quân Anh không thể giữ mãi, đành quay về Ấn Độ.

Cũng hồi đó, trên mặt bể mấy tỉnh Giang Chiết, Lưỡng Quảng thường có một bọn cướp bể xuất hiện. Hoàng đế hạ chỉ cho các tỉnh duyên hải huấn luyện thêm hải quân, đóng nhiều binh thuyền, tăng cường tuần thám trên biển. Ngài cũng nghiêm cấm tàu bè ngoại quốc chở thuốc phiện lậu. Mỗi khi tàu cập bến, tức thì đóng cửa, nghiêm ngặt khám xét, bắt được hai trăm cân trở lên đều được thưởng. Bởi thế bọn nhân viên kiểm nã càng sưu tra gắt. Thuyền bè ngoại quốc không dám cập bến nữa.

Gia Khánh đế lúc này thấy trong ngoài đã thái bình, bèn có ý xuất kinh tuần thú. Thế là ngài lên đường vào tháng ba năm đó. Tới Ngũ Đài sơn hồi tháng năm, rồi ngài từ Ngũ Đài sơn trở về. Ngài lại tuần hành Nhiệt Hà tránh nóng.

Tại vùng Nhiệt Hà ngài có toà sơn trang nghỉ mát một mặt tựa vào núi, ba mặt kề mép nước, xây cất rất là tân kỳ tráng lệ. Gia Khánh đế ở tại nơi đây, cứ nghĩ tới những chuyện phong lưu thú vị của các đời vua triều trước mà khoái thích.



Từ khi tịch biên hết gia sản của Hoà Khôn, ngài tỏ ra rất khoan khoái thư thái. Ngài vốn nổi danh là một vị vua tiết kiệm trong lịch sử, nhưng hoàng đế lúc tuổi già, bỗng nghĩ tới cái cảnh "nhân sinh kỷ hà" thì làm sao chả thèm muốn cái chuyện "vớt vát". Ngài bèn truyền lệnh ngầm cho nội vụ đại thần tới Giang Nam, tìm kiếm vật liệu để xây cất ngay tại đây một khu nghỉ ngơi cho ngài.

Lúc này, Gia Khánh đế đã lập thêm mấy bà phi nữa. Ngài tìm vui hưởng thú suốt ngày trong vườn với người đẹp. Chẳng bao lâu, đại thần trông coi việc tìm kiếm vật liệu trở về, đem theo mô hình của toà Kính Hổ đình. Nó vốn là tác phẩm của hai vợ chồng Vương Sâm do tuần phủ Chiết Giang bảo làm.

Nay nghe hoàng đế có ý xây cất đền vũ, tuần phủ Chiết Giang bèn đem dâng mô hình toà đình này và sai cả hai vợ chồng Sâm lên Nhiệt Hà nữa. Mặt khác, ông còn dâng lên một bản tấu chương ca tụng tài nghệ kiến trúc của vợ chồng Vương Sâm, đồng thời xin hoàng đế cho họ đứng coi chương trình kiến tạo viên đình đó.

Gia Khánh hoàng đế bảo đem mô hình ngôi đình lên cho ngài xem. Một tên nội giám bưng lên một cái hộp, bên trong đặt ngôi đình nhỏ xíu. Hoàng đế xem xét kỹ lưỡng, quả thấy ngôi đình kiến trúc cực kỳ tinh xảo: ngói bằng pha lê, cột bằng thuỷ tinh, tường chung quanh bốn mặt gắn hàng mấy vạn miếng kính nhỏ, lấp lánh hào quang. Ở giữa đình đặt một chiếc giường bằng ngà voi, chung quanh cẩn những miếng kính lớn.

Gia Khánh đế xem xong, tấm tắc khen đẹp. Ngài lại truyền lệnh cho hai vợ chồng Vương Sâm vào bệ kiến, viên thái giám hồi tâu nói hai vợ chồng Vương Sâm vì không có công danh gì nên không dám vào. Gia Khánh đế tức khắc thưởng cho Sâm áo mũ hàng thất phẩm. Hai vợ chồng Vương Sâm ăn mặc tề chỉnh rồi mới rón rén bước vào, bò mọp dưới đất. Sâm thấy hoàng đế, người bỗng run bắn lên như bị sốt, còn vợ Sâm thì cúi đầu quỳ lạy một bên.



Gia Khánh đế ngắm nhìn vợ Sâm thấy nàng yểu điệu duyên dáng, da trắng, má đào, bỗng thấy trong người xúc động bâng khuâng. Ngài bảo ngẩng đầu lên và thấy nàng quá đẹp, lông mày cong, cặp mắt lóng lánh như sóng nước mùa thu, miệng xinh, mũi dọc dừa, phảng phất mùi hương phấn. Ngài nhủ thầm: trong cung nội, không biết bao cung tần mỹ nữ, thế mà chẳng có ai đẹp bằng nàng. Bỗng mắt ngài sáng lên, mặt tươi như hoa. Ngài vừa cười khì khì vừa hỏi nàng họ gì thì nàng nhỏ nhẹ tâu họ Đổng. Ngài lại hỏi nàng lấy chồng đã bao lâu thì Đổng thị đáp: đã bốn năm. Lại hỏi: mô hình toà Kính Hổ đình có phải là do hai vợ chồng làm ra không, thì nàng đáp: mái ngói, cột tường thì do chồng nàng làm, còn điêu khắc cẩn khảm là do nàng làm. Gia Khánh đế khen cả hai người tài nghệ khéo léo, sau đó sai cho đưa Vương Sâm vào xảo nghệ viện chờ đợi sai khiến. Còn Đổng thị thì ngài cho đưa vào nội đình để làm cung phụng nữ quan.

Trong hoàng cung có một bọn cung phụng nữ quan, chuyên việc khâu vá, viết vẽ, điêu khắc những đồ nữ công tinh xảo. Làm chức nữ quan này, phần lớn là người Hán. Từ khi vào nội uyển, Đổng thị chẳng phải làm gì, chỉ suốt ngày hầu hạ hoàng đế du ngoạn quanh đảo mà thôi, Đổng thị thực tâm chẳng có ý muốn hầu hạ hoàng đế, nhưng nàng biết trong cung cấm có bướng bỉnh cũng chẳng ích gì. Thấy tính tình Hoàng đế hết sức ôn nhu, bữa nọ nàng vừa khóc vừa xin ngài cho nàng ra thăm chồng một bữa. Ngài cười và vỗ về nàng:

- Nàng hãy chịu khó ở nơi đây một năm rồi trẫm sẽ cho người đưa nàng về nhà.

Lại hỏi nàng:

- Nàng ở Giang Nam đã được nhìn thấy Tây Hồ chưa?

Đổng thị đáp:

- Tây Hồ chính là quê của tiện thiếp, làm sao lại chẳng thấy?

Thế là hoàng đế sai nàng làm một cái mô hình Tây Hồ mười cảnh, từ đó nàng ở trong cung nhào đất, nặn bủn, tỉ mỉ khởi công sáng tạo tác phẩm của mình. Hoàng đế hằng ngày ngồi ở bên cạnh xem nàng làm, cũng có khi ngài pha thuốc màu, nhào đất cho nàng. Trong căn nhà vắng lặng, hai người quấn quýt chẳng khác gì đôi vợ chồng dân dã vô cùng yêu thương nhau.

Cũng có lúc không thể ngăn lòng được, ngài kéo nàng vào toan tính chuyện ân ái thì nàng nhỏ đôi dòng lệ, khẩn khoản cầu xin. Nàng nói:

- Hoàng thượng có đến ba ngàn hương phấn, há tất cứ phải phá hoại trinh tiết của tiện thiếp?

Gia Khánh đế thấy nàng có vẻ đáng thương, lòng cũng mềm lại. Mấy lần nhờ đó mà Đổng thị thoát được. Song hoàng đế vẫn vương vấn nhớ nhung, không thể nào rời xa nàng được.

Cho nên ngày nào cũng phải ghé qua nói cười một lúc, miễn là được thấy dung nhan nàng là toại nguyện rồi. Ngài thường nói với bọn thái giám:

- Ngày xưa Ngô Giáng Tiên đẹp đến nỗi người ta ăn gì cũng thấy ngon. Nay Đổng thị đẹp đến nỗi khiến người ta quên cả ăn cả ngủ.

Câu nói này truyền vào cung cấm, nhiều phi tần có vẻ đố kỵ với Đổng thị. Hơn nữa, họ lại thấy hoàng đế suốt ngày ở Quỳnh đảo với nàng, không tới thăm bà nào, cô nào nữa, cho nên họ lại càng ghen tức thêm. Họ đồn rằng Đổng thị chỉ là một con hồ ly tinh mê hoặc hoàng đế. Thế rồi họ đến mách với hoàng hậu. Bà hậu này nổi danh hiền đức sáng suốt, nghe lời nói của bọn phi tần, cho rằng bọn này ghen tuông, đem lời khuyên can họ. Họ không ngờ rằng giữa hoàng đế và Đổng thị chưa hề có chuyện gì dâm ô xấu xa cả. Sở dĩ có được điều tốt đẹp này là nhờ ở cái đẹp như thiên tiên, cái đức tinh khiết của nàng khiến Hoàng đế phải kính phục mà trấn áp được lòng dục. Tới lúc thân mật nhất, bất quá cũng chỉ có một cái nắm tay là cùng.

Điều khổ tâm nhất là tình cảnh cô đơn thê thảm của Vương Sâm, trong khi chàng bị bỏ quên nơi viện xảo nghệ, ngày đêm nhớ tới người vợ vừa, đẹp vừa hiền đức. Chàng cầu khẩn viên tổng quản thái giám cho tới gặp mặt vợ chàng nhưng y chỉ đáp rằng người mà hoàng thượng đã giữ lại thì làm sao y dám tới gọi được. Thế là từ đó Vương Sâm như điên như dại, suốt ngày lúc khóc lúc cười khiến mọi người trong viện cho rằng chàng đã mất trí, chẳng thèm để ý tới chàng nữa.

Bỗng một hôm hoàng thượng từ trong cung đi ra: Sâm nhìn thấy vội bò mọp trên mặt đất, dập đầu liên hồi xin ngài cho phép vợ chồng ra ngoài gặp mặt một lần. Hoàng đế cười nói:

- Vợ người thủ công hết sức tinh xảo nên hoàng hậu lưu lại trong cung, không chịu cho ra nữa. Nếu người sợ buồn bã tẻ lạnh, trẫm sẽ thưởng cho người một cô cung nữ nhé!

Nói đoạn, ngài đi luôn. Đêm hôm đó, quả nhiên trong cung đình đưa ra một cô cung nữ thật. Viên thái giám quét dọn cho Sâm một căn phòng thật sạch sẽ, rồi đưa cả hai vào bên trong. Không ngờ luôn ba đêm, hai người chẳng ai gần ai. Sâm lại càng nổi cơn điên dại. Thấy ai Sâm cũng kêu, cũng cầu xin được gặp mặt vợ mình.

Hoàng đế biết hết mọi hành động, thái độ của Sâm. Ngài thăng chàng lên quan hàm ngũ phẩm, lại thưởng cho chàng hai vạn lạng bạc, rồi sai hai tên thị vệ đưa về Giang Nam, thưởng thêm cả cô cung nữ nọ nữa.

Cô cung nữ này vốn người Giang Nam, nên rất sung sướng được trở về quê nhà, cũng nguyện ý lấy Sâm. Sâm bảo nàng:

- Tôi cùng với vợ tôi, hai người tình nghĩa sâu như biển cả, chẳng may nàng bị giữ lại nơi cung cấm, tôi không thể nhẫn tâm phụ nàng được.

Nói đoạn, chàng cho cô cung nữ ba ngàn lạng bạc, đưa về nhà cha mẹ để đi lấy chồng. Chàng lại mang theo một vạn lạng bạc, lẻn lên Nhiệt Hà, bỏ tiền ra đút lót bọn thái giám, dò la tin vợ mình. Bọn thái giám thấy Sâm yêu quý vợ con đến đáng thương, bèn vào cung thăm dò tin tức cho chàng.

Cách vài hôm, Đổng thị gửi ra cho chàng một phong thơ nói:

"Thiên tử là người rất đa tình nhưng thiếp ở trong cung đã mười tháng vẫn không hề bị thất tiết. Thiếp đã cầu xin ngài thì hiện ngài đã hứa mãn một năm sẽ cho thiếp trở về nhà, vợ chồng đoàn tụ như xưa!"


Vương Sâm nhận được tin này, mừng rỡ khôn xiết. Từ đó chàng ở bên ngoài yên tâm chờ đợi. Những lúc rỗi rảnh, chàng cùng bọn thái giám vào cao lâu tửu điếm uống rượu mạn đàm.

Bọn thái giám thấy Sâm đã hết khùng, tính tình trở lại bình thường, nên hay đem những chuyện bí mật trong cung cấm nói cho chàng nghe: nào là hôm nay hoàng đế triệu bà phi thứ mấy, ngày mai, ngài đưa một bà phi thứ mấy khác đi du ngoạn… không một ngày nào là không có kẻ tới nói chàng nghe những chuyện như vậy.

Có một hôm, một thái giám tới bảo chàng:

- Đêm nay, Oanh Tần phát ghen quá xá, chỉ tại hoàng thượng sủng ái Đổng thị. Ngài thường tới Quỳnh đảo thăm nàng khiến Oanh Tần chịu không nổi cơn ghen, chạy vội tới nắm Đồng thị đánh đấm túi bụi, mãi khi Hoàng đế quát bảo mới ngừng tay. Oanh Tần còn nắm vạt áo hoàng đế kéo về phòng mình nữa, nhất định không chịu thua Đổng thị.

Vương Sâm nghe xong liền nói:

- Đường đường một vị thiên tử mà phải sợ một phi tần ư?

Tên thái giám thì thầm nói với Sâm:

- Không phải thế đâu. Vạn tuế gia đa tình quá trời mà. Nghe nói ngài quen biết Oanh Tần từ khi còn chưa làm lễ đại hôn kia. Nhớ đến tình cũ nghĩa xưa, ngài chẳng khỏi sủng ái bà ta hơn chút ít đó thôi.

Sâm nghe đoạn, rơi lệ nói:

- Có con cọp cái ấy trong cung thì chỉ khổ cho vợ tôi mà thôi.

Tên thái giám an ủi đôi ba lần rồi bảo Sâm:

- Vợ anh sắp được ra rồi, buồn khổ mà làm gì!

Sắp tới cái ngày đủ năm đó, Vương Sâm ở bên ngoài, lòng như kiến bò trên chảo rang. Chàng chờ đợi từng giờ từng phút.

Rồi một hôm, Sâm ước định với viên Tổng quản thái giám đợi ở toà lầu trên bờ hồ. Phía sau hồ lầu, có một cái hồ lớn.

Trên lầu bán rượu và đồ nhậu. Vương Sâm đến nơi hẹn còn sớm, gọi rượu ra, khề khà trước để đợi. Một lát sau, Sâm thấy một tên thái giám hoảng hốt chạy tới, mặt mất cả thần sắc, Sâm thấy thế, lòng bỗng như lửa đốt, biết có chuyện gì nguy kịch, vội hỏi:

- Vợ tôi làm sao rồi vậy?

Tên thái giám chẳng nói gì rõ, chỉ an ủi Sâm:

- Tôi khuyên anh đừng nên buồn khổ làm gì!

Hồi 100: Chính sách tiết kiệm của Đạo Quang

Viên thái giám này, nhà vốn ở cách Quỳnh đảo rất gần. Nhất cử nhất động của Đổng thị y đều biết cả. y bảo Vương Sâm.

- Từ khi vợ ngươi vào cung, hoàng thượng rất yêu kính nàng. Hằng ngày, ngài ngồi nhìn nàng nặn đắp Tây Hồ thập cảnh. Ngài thường khen nàng tuyệt kỹ. Cứ mỗi lần nàng làm xong công việc, hoàng thượng đều có đồ thưởng tứ: khi thì châu báu, khi thì y phục. Nàng cũng bầu bạn với hoàng thượng, lúc thì đánh vài ván cờ, lúc thì dạo vài bản nhạc. Hai người tuy thân mật hết sức, nhưng tuyệt nhiên không có chuyên sa ngã lỗi lầm. Mấy hôm vừa đây, chỉ vì hoàng thượng bị Oanh Tần giữ rịt lấy nên không thể tới Quỳnh đảo. Đổng thị một mình làm việc trong nhà. Tối hôm đó, bỗng xảy ra chuyện rùng rợn…

Viên thái giám nói tới đây, Vương Sâm bỗng tái mặt. Hắn vội khuyên Sâm chớ có huỷ hoại thân thể rồi lại tiếp.

- Tối qua, bọn lính gác đã điểm canh ba. Bỗng tôi thấy có tiếng động mở cửa cung, nhưng vì ở xa, nghe chẳng được rõ, nhất là lúc đó đang mê ngủ. Một lát sau, tôi lại thiếp đi.

Nhưng rồi tôi giật bắn mình lên, chỉ vì tai nghe đánh rầm một cái ở phía cửa sổ. Thế là trông Quỳnh đảo trở thành náo loạn. Sau đó là tiếng một người con gái kêu la ầm ĩ. Tôi không còn có thể ngủ được nữa, bèn nhỏm dậy mặc áo, gọi mấy người đồng bạn chạy vội tới Quỳnh đảo. Nhìn vào phòng Đổng thị, bọn tôi thấy cửa sổ mở toang. Chạy hẳn vào bên trong, bọn tôi thấy chăn gối trên giường Đồng thị bị đạp xéo nhàu nát ngổn ngang. Hoa vàng rơi rải rác đó đây. Ngay bên cửa sổ, bên cạnh bao lơn, cũng còn thấy một chiếc trâm ngọc rơi nằm đó, nhưng đã gãy nát. Đó chính là chiếc trâm nàng thường gài hằng ngày. Chẳng biết nàng đã đi đâu mất dạng… Hôm nay, bọn tôi đã tới tâu rõ cho hoàng thượng hay. Ngài sai người đi khắp nơi tìm kiếm. Thấy có chiếc áo hồng lót mình nổi trên mặt hồ Thái Dịch, xem kỹ mới biết là áo của Đổng thị. Hoàng thượng vội sai các tay bơi lội nhảy xuống hồ tìm kiếm, nhưng chẳng thấy tông tích…

Vương Sâm từ nãy đến giờ theo dõi từng lời kể một, và chỉ hy vọng có một cứu tinh nào đó giải cứu vợ mình. Nhưng khi nghe tới đây, xem ra không còn có cứu tinh nào nữa, thì lòng đã như chết hẳn. Nhè lúc viên thái giám không để ý, Sâm la lên mấy tiếng: "Đau khổ quá, mình ơi" rồi nhảy phóc ra cửa sổ phía sau lầu.

Viên thái giám vội chạy theo níu lại nhưng không còn kịp nữa. Chiếc lầu này cao vượt trên mặt hồ có tới năm, sáu trượng.

Sâm nhảy vụt ra ngoài rơi tõm mãi xuống đáy hồ. Chiếc hồ này lại rộng mà sâu, nên mọi người đành chịu, chẳng có cách gì cứu được Sâm. Thật đáng thương thay cho đôi vợ chồng Sâm chỉ vì có tuyệt nghệ mà chết cả đôi!

Gia Khánh hoàng đế trước đây thấy Đổng thị đã đẹp lại trinh thục, hằng ngày tới nhìn ngắm một lúc thì lòng cũng yên ả. Nhưng nay người đẹp đã qua đời, ngài cảm thấy chua xót, não nề, đau đớn khôn nguôi. Năm đó, ngài đã sáu mươi tuổi. Tinh thần ngài đã suy, lòng lại có điều đau khổ não nề, cho nên ngài chẳng thiết gì việc triều chính nữa. Nhất thiết mọi việc quốc sự từ nhỏ tới lớn, đều giao cho vị tướng quốc người Mãn tên gọi Mục Chương A. A vốn là một tên gian tham chuyên ăn hối lộ, bậy bạ chẳng kém gì Hoà Khôn.

Mấy tinh miền Đông bắc, các giáo đồ phá quấy. Mấy tỉnh miền Đông nam: bọn cướp bể hoành hành. Ở Tân Cương, Tây Tạng, tín đồ Hồi giáo cũng nổi lên chống lại triều đình. Tại Quảng Đông lại xảy ra vụ thuốc phiện, mối bang giao giữa Anh và Tàu càng ngày càng căng thẳng. Cả nước sôi lên sùng sục dân chúng không một ai là không oán hận. Bọn quan Ngự Sử dâng sớ hạch tội A như bươm bướm, nhưng những bản sớ này đều bị A sai người ngăn chặn lại ngay trước khi tới tay hoàng đế.

Hồi đó Trí thân vương là Mân Ninh cũng tới lui trong cung nhưng lại là người chí hiếu không dám nói gì. Gia Khánh hoàng đế tưởng nhớ Đổng thị càng ngày càng khắc khoải hơn. Oanh Tần lại thường đánh ghen ầm ĩ với các phi tử khác trước mặt ngài. Đã già lại buồn bã đau khổ, ngài bỗng nhuốm bệnh. Chẳng bao ngày, bệnh ngài trở nên nặng. Trí thân vương hằng ngày hầu hạ ngài, trong cung không dám cởi dây lưng.

Gia Khánh hoàng đế đau luôn một hơi sáu, bảy chục ngày trời. Mọi việc triều chính, ngài đều phó mặc Tướng quốc Mạc Chương A. Ba tháng trọng bệnh, ngài tự biết mình gần đất xa trời rồi, bèn triệu tập Ngự triều đại thần Mạc Chương A, Quân cồ đại thần Đái Quân Nguyên và Thác Luật, củng một số lão thần quây quanh giường bệnh của ngài. Di chiếu được viết, đại lược nói:

"Trẫm chiếu theo phép nhà đã viết nhị hoàng tử Mân Ninh cất kín tại sau biển của điện Chính Đại Quang Minh từ năm thứ tư niên biểu Gia Khánh. Khi trẫm băng hà, ngôi báu sẽ truyền lại cho nhị hoàng tử Trí thân vương Mân Ninh. Các người đều chịu ơn sâu phải nên phải hết lòng phò tả hoàng tử nhất là phải cần, kiệm, nhân, hiếu, chớ có sửa đổi phép tắc của tổ tông. Khâm thử".

Đạo di chiếu này xuống xong thì hôm sau Gia Khánh đế mất. Trí Thân vương thương cha khóc lên khóc xuống suốt ngày đêm. Các đại thần đưa Trí Thân vương về kinh, lên ngồi tại điện Thái Hoà, chịu trăm quan triều hạ, cải niên hiệu là Đạo Quang nguyên niên.




Điều kỳ quặc nhất của Đạo Quang hoàng đế là lúc còn trẻ ngài tỏ ra rất dũng cảm, tính tình lại hào sảng. Thế mà sau khi cưới vợ, ngài bỗng đổi tính thay nết, đâm ra keo kiệt hết sức, nghĩa là về vấn đề tiền tài, ngài tiêu xài cực kỳ dè xẻn chứ không phung phí như các đời vua trước.

Sau khi Gia Khánh hoàng đế tịch thu hết gia sản của Hoà Khôn thì ngân khố của hoàng gia trở thành giàu có khôn xiết kể, ấy thế mà Đạo Quang hoàng đế vẫn kêu là nghèo mạt rồi bắt mọi người dè xẻn, cứ thấy bọn đại thần là ngài liền khuyên họ chớ xài phí nhiều. Bọn đại thần vốn khéo chiều ý kẻ bề trên, nghe hoàng thượng nói vậy, anh nào anh nấy cố ý làm ra vẻ cùng kiệt, nghèo khổ: Kẻ điêu xảo nhất trong bọn là Mục tướng quốc. Mỗi khi vào chầu, Mục tướng quốc chuyên mặc áo khoác rách. Đạo Quang hoàng đế thấy thế khen ầm lên, cho ông ta là một vị đại thần gương mẫu bậc nhất. Ngài đâu có biết ông ta ở bên ngoài tham lam, hối lộ, xa xỉ đến cực độ.

Thế là khắp triều văn võ đều bắt chước lối đó, anh nào anh náy cũng đều mặc quần áo rách. Đứng trên điện nhìn xuống chẳng khác gì hai hàng ăn mày đứng chực xin của bố thí, mà hoàng đế chính là lão cái bang vậy. Và cũng từ đó, bọn quan lại khắp nơi cũng không dám ăn mặc quần lành áo tốt nữa. Trong kinh thành, các tiệm bán quần áo cũ thoáng cái đã hết nhẵn, giá đồ cũ đắt chẳng thua gì giá đồ mới. Có nhiều gia đình quan lại nghĩ cách đem quần áo lành đi đổi quần áo cũ rách để mặc. Về sau, quần áo cũ đã bán gần hết thì giá lại càng cao, có khi một bộ cũ còn đắt hơn hai bộ mới nữa. Cũng có vị quan nghĩ ra kế khâu mấy miếng vá vào tay áo hoặc vào lưng vào ngực áo để cho có vẻ rách rưới cũ kỹ.

Hoàng đế thấy vậy, mới yên chí không khuyên nhủ gì về việc ăn mặc nữa.

Trời đã sang đông thời, tiết trời lạnh. Bọn quan lại trước đây ai chả có năm, ba cái áo da hoặc áo lông ngự hàn. Nhưng năm nay, có vị nào dám đem ra đâu! Vì sợ hoàng đế ngài quở trách thế là cả bọn đành chịu rét, rét cóng cả chân tay mà chẳng anh nào dám mặc.

Câu chuyện thú vị nhất về việc này phải kể chuyện Đại học sĩ Tào Chấn Dung tại điện Võ Anh. Bản tính của Dung rất keo kiệt. Dung với Đạo Quang hoàng đế có thể nói là một cặp tri kỷ về điểm này. Bởi thế bộ đôi này nói chuyện với nhau thật hết sức tương đắc. Hằng ngày Đạo Quang hoàng đế triệu Tào học sĩ vào cung bàn soạn. Bọn thái giám từ lâu cứ tưởng hai người luận bàn về quốc gia đại sự, ai ngờ khi nghe kỹ mới biết chỉ nói những chuyện vụn vặt đâu đâu.

Có một hôm, Tào học sĩ mặc một cái quần ống rách toác, có hai miếng vá bự bằng bàn tay ngay tại trên đầu gối, Đạo Quang hoàng đế thấy thế bèn hỏi:

- Ngươi vá hai miếng bự ấy hết bao tiền?

Tào học sĩ liền tâu:

- Chỉ hết có ba tiền.

Hoàng đế nghe xong giật mình, lấy làm lạ:

- Trẫm cũng có hai miếng vá như vậy, thế mà Nội vụ phủ tính những năm lạng bạc là tại sao?

Nói soạn, ngài liền kéo áo long bào lên cho xem. Tào học sĩ chẳng biết nói gì hơn, đành phải nhận rằng miếng vá của ngài đắt hơn miếng vá của ông quá xá. Đạo Quang hoàng đế thở dài đánh sượt một cái, tỏ vẻ tiếc tiền mà không dám nói rõ ra.

Nhưng từ đó, Đạo Quang bắt buộc bọn cung nữ cũng như hoàng hậu, phi tần đều phải học vả may thêu thùa, rồi cứ hễ có quần áo rách, ngài liền bắt đám này sửa chữa lại ngay cấp kỳ. Do đó, Nội vụ phủ chẳng còn xơ múi gì nữa để mà khai man, đến nỗi các quan đương ty đói rách quá, khó bề sống nổi.

Đạo Quang hoàng đế còn bảo trong cung chỉ tiêu quá tốn, rồi ngài cho bọn cung nữ và thái giám ra ngoài tự ý làm ăn lấy mà sống, khiến cả một toà đại nội rộng lớn như vậy trở thành hoang vắng tiêu điều. Rất nhiều đình viện bị đóng cửa và niêm phong. Hoàng đế cũng chẳng thiết dạo chơi đó đây nữa mà cả ngày chỉ ở lỳ trong cung lo những chi phí chuyện gạo muối củi lửa… tính toán kỹ lưỡng lại rồi hạ một đạo thánh chỉ như sau: các khoản chi dụng tại nội đình từ nay mỗi năm không được quá hai mươi vạn lạng bạc, bọn phi tần cả năm không được may thêu áo mới, tất cả đều phải mặc quần áo cũ rách. Ngay cả trong cung của hoàng hậu cũng phải bày các bàn ghế cũ kỹ, mục nát. Đạo Quang hoàng đế cùng với Tào học sĩ ngày ngày còn bàn tính sao cho rõ ràng và kỹ lưỡng hơn nữa. Hằng ngày muốn tiêu một món tiền gì Tào học sĩ lại phải đổ một con toán. 



Trong nhà ông có một cỗ xe lừa cũ kỹ, long càng bể ván nhiều nơi, do một tên nhà bếp đánh xe cho ông. Ngày nào cũng vậy, cứ mỗi phiên chầu sớm trở về thế nào ông cũng cho xe qua chợ, rồi cởi áo bào khoác ngoài, lấy cái giỏ mây trong thùng xe ra, đích thân đi mua rau cỏ đồ ăn thức uống, cùng với bọn buôn thúng bán bưng mặc cả đôi co rầm cả chợ. Nhiều lần hai bên không vừa lòng nhau về giá cả đến nỗi cáu giận, quai mồm ỉa mà chửi bới nhau. Cuối cùng Tào học sĩ không biết làm thế nào, đành phải rút thẻ bài Đại học sĩ từ trong bọc ra làm áp lực, rồi đưa tên bán rau vào nha môn để nhờ xử giùm. Tên bán rau nghe nói ông là Đại học sĩ thì hoảng sợ đến són đái ra quần vội bò sát xuống đất, đập đầu xin tha tội và xin vui lòng tính giá rẻ mạt theo ý ông. Tào học sĩ lúc đó ăn thua hơn kém được một vài cắc bạc, lấy làm đắc ý lắm, vênh vênh váo váo bước đi. Ông thường ra ngoài phô, vào trong các tiệm ăn quán nhậu hỏi giá hết thứ này đến thứ kia; hỏi giá nhưng không phải để vào ăn nhậu, mà là để bẩm báo với hoàng đế. Khi nghe biết được giá cả rồi hoàng đế liền bảo nhà bếp làm ngay các món ăn đó, cho ngài xơi. Chỉ tại rau cỏ trong cung quá đắt, nên ngài hết sức tính toán giảm chi đến mức tối đa. Chiếu lệ thì môi bữa cơm của nhà vua tính trung bình mất tám trăm lạng bạc. Đạo Quang hoàng đế thấy quá tốn, bèn giảm hết những món ăn cao quý, chỉ còn có rau dưa, mỗi bữa chỉ tốn một trăm bốn mươi lạng mà thôi. Nếu ngài muốn ăn thêm một món khoái khẩu nào đó, bất luận món gì cũng đều phải tốn thêm sáu, bảy chục lạng. Muốn ăn một cái hột gà, ngài phải bỏ ra năm lạng bạc mới được.

Có một hôm Đạo Quang hoàng đế ngồi bàn chuyện với Tào Chấn Dung, nhân hỏi Dung ở nhà có ăn hột gà không thì Dung trả lời:

- Hột gà là một món ăn rất bổ… Mỗi buổi sáng thần đều ăn luôn bốn chiếc trụng nước sôi.

Nghe vừa xong câu nói, Hoàng đế giật mình đánh thót một cái, vội nói:

- Hột gà giá mỗi cái năm lạng bạc, mỗi ngày ngươi ăn bốn cái, vị chi là tốn hai chục lạng bạc phải không?

Tào học sĩ vội tâu:

- Trong nhà thần, vốn có nuôi gà mái đẻ. Hột gà mà thần ăn đó đều là hột gà của nhà, chính những con gà mái này đẻ ra cả.

Đạo Quang hoàng đế nghe xong cười nói:

- Nuôi mấy ổ gà mái mẹ kể ra cũng đỡ tốn kém đấy!

Thế là ngày hôm sau, ngài hạ chỉ cho nội vụ phủ phải đi mua gà mái đẻ đem vào cung nuôi lấy trứng cho ngài. Nhưng khi được biết giá mỗi đầu gà phải mua tới hai mươi bốn lạng bạc thì ngài chỉ còn có nước thở dài mà thôi.

Hồi 101: Đốt thuốc phiện của người Anh

Ngày hôm sau, Tào học sĩ lại ra ngoài phố, hỏi thăm giá cả các món trong quán ăn rồi vào cung báo lại cho hoàng đế Đạo Quang.

- Tiệm ăn Phúc Hương ngoài cửa cung có món đậu hũ nấu với gan heo ăn ngon lắm, mà giá lại rẻ.

Đạo Quang hỏi:

- Đậu hũ nấu gan heo? Trẫm chưa từng được ăn? Chẳng biết bao tiền một bát?

Tào học sĩ tâu:

- Mua tại tiệm này thì giá chỉ bốn mươi đồng một bát thôi.

Hoàng đế nghe xong, nhảy lên vì sung sướng, vội nói:

- Trong thiên hạ này mà có thứ rẻ đến thế sao?

Thế là ngài cho gọi Nội giám tới để truyền lệnh cho nhà bếp từ ngày hôm sau đồ ăn gì không cần, mà chỉ cần một chén đậu hũ nấu gan heo là đủ cho một bữa cơm.

Bọn nhà bếp lâu nay vốn rành vì hoàng đế ngài hà tiện quá, chẳng phải nấu nướng gì nhiều. Nay được lệnh ngài, chúng bèn lăng xăng sửa soạn để đi kiếm đậu hũ nấu gan heo cho ngài. Bữa cơm trưa hôm sau, quả nhiên có món đó thật. Đạo Quang đế ăn vào, thấy ngon quá, làm luôn một lèo mười hôm mà vẫn còn thèm. Nội vụ phủ trình lên cho ngài rõ thực đơn với giá cả. Ngài thấy tổng số tiền mua đậu hũ mất hơn hai ngàn lạng bạc, phía dưới còn ghi thêm nhiều món lặt vặt khác. Thì ra cái đơn ấy ghi như sau; mỗi ngày giết một con heo để làm món đậu hũ gan heo tính giá mười lạng, một đấu đậu vàng giá mười lạng, tiền mướn hai anh hàng thịt mổ heo cho nhà bếp tính công hết bốn lạng; tiền mướn bốn thợ làm đậu hũ, mỗi anh mỗi ngày một lạng năm tiền. Ngoài ra, còn phải mua các thứ dụng cụ như dao mổ heo, nồi niêu xoong chảo, bếp lò, cối tán đậu, giàn mổ heo, v.v Cộng tất cả là bốn trăm sáu mươi lạng… Đồ gia vị nào là dầu, mỡ, muối, mắm, dấm, giá cũng lên tới trên một trăm bốn mươi lăm lạng… Như thế suốt một tháng Ngự thiện với món đậu hũ nấu gan heo, kể ra phải chi tất cả là hai ngàn năm trăm hai mươi lăm lạng bạc.

Đạo Quang hoàng đế xem tấm thực đơn tới đâu, đấm xuống bàn thình thình tới đó, miệng càu nhàu:

- Hỏng bét! Hỏng bét!

Lập tức, ngài truyền lệnh gọi viên tổng quản nhà bếp lên, cho một bài học nên thân, rồi bảo:

- Tiệm Phúc Hương phía ngoài cửa cung bán có bốn mươi đồng tiền một bát. Chỉ có một mình trẫm ăn mà tốn hết quá nhiều thế kia ư? Từ nay về sau bỏ cái lối làm ăn này đi. Mỗi ngày chỉ cần bốn mươi đồng tiền, chạy ra ngoài cổng kia mà mua là được rồi, nghe chưa?

Viên tổng quản nhà bếp hồi tấu:

- Theo thể lệ của Tôn tông thì trong cung không được ra ngoài mua các món ăn nấu chín.

Đạo Quang nghe tấu, khoát mạnh ống tay áo một cái tỏ ý vô cùng bực tức nói:

- Thể lệ với chẳng thể lệ, rẻ là được rồi!

Viên tổng quản nhà bếp nghe xong, chẳng dám nói thêm, chỉ còn cách rút êm ra ngõ sau, bắt buộc tiệm ăn Phúc Hương phải đóng cửa. Y lại còn bắt hàng xóm láng giềng của tiệm này phải đảm bảo, lúc đó mới trở về cung tâu với Đạo Quang hoàng đế là tiệm đã nghỉ bán, không còn có chỗ nào để mua món đậu hũ nấu với gan heo nữa.

Qua ngày thứ ba Hoàng đế thèm món đậu hũ quá, bèn sai Tào học sĩ ra ngoài phố xem lại có đúng không, lúc đó ngài mới chịu tin lời viên tổng quản nhà bếp và đành nuốt nước miếng đỡ thèm. Nhưng rồi cũng từ đó, ngài dẹp luôn món đậu hũ này. Bọn nhà bếp lại buồn như chấu cắn. Sau lưng ngài chúng hậm hực bảo nhau:

- Bọn mình thế là khốn nạn rồi. Làm cách nào mà sống đây?

Cách một tháng sau, trong cung cử hành lễ Đại khánh. Hồi này, Đại học sĩ Tràng Linh đã dẹp yên miền Hồi Cương, bắt giải tay đầu đảng là Trương Cách Nhĩ Hạm về kinh đô.

Đạo Quang hoàng đế ngự giá tới cửa Ngọ môn để nhận chiến lợi phẩm. Sau đó, ngài cho lệnh bày tiệc ăn mừng trên núi Vạn Thọ trong Ngọc Lan đường, bảo bọn nhà bếp bầy biện rượu thịt, nhưng lại sợ bọn này thừa dịp chi tiền quá sộp, ngài bèn truyền chỉ phải hết sức tiết kiệm.

Hôm đó mời khách dự tiệc, ngoài Dương oai trưởng quân, Đại học sĩ Thy Dũng Công và Tràng Linh, còn có mười lăm lão thần tức là Ngự tiền đại thần Mục Chương A, Đại học sĩ Thái Luật, Đại học sĩ quân cơ đại thần Tào Chấn Dung, Đại học sĩ Đái Quân Nguyên, Đại học sĩ tổng đốc Lưỡng Giang Tôn Ngọc Đình, Hộ bộ thưởng thủ quân cơ đại thần Hoàng Việt, Lễ bộ thượng thư Mục Khắc Đổng Ngạch, Công bộ thượng thư Sơ Bành Linh, Lý Phiên Viện thượng thư Phú Tuấn, Tả đô ngự sử, Tùng Dương, quận vương hàm Đô thống Cáp Địch Nhĩ, Đô thống A Na Bảo, Đại học sĩ Bá Lân, Trí sĩ Đô thống Mục Khắc Đăng Bố.

Tất cả đám đông này ngồi quây quanh hai thồi. Trên mặt thồi chỉ thấy lơ thơ có vài món ăn rau dưa rẻ tiền. Bọn đại thần ngồi chung quanh thồi, mặt tần ngần, tay chẳng muốn gắp chỉ sợ có một đũa là hết sạch, không còn cho người khác, khó coi lắm!

Đạo Quang hoàng đế ngồi trước mặt, không uống rượu mà cũng chẳng nhắm, chỉ luôn mồm bàn bạc chuyện võ công của tiên triều với bọn đại thần. Lâu về sau ngài lại nói đến thơ, rồi còn giở chuyện câu đối ra nữa. Các ông quan không biết làm thơ, câu đối, đành phải nhờ các quan văn làm thế. Cuối cùng vua tôi bóp óc mãi cũng xong được một bài dài tám mươi vần theo thể cổ phong thất ngôn để kỷ niệm cái ngày vui hôm đó. Ngài còn bảo Đại Quân Nguyên vẽ cảnh quân thần đồng lạc đó thành một bức hoạ. Vua tôi hết chuyện đến thơ, hết thơ đến hoạ, chẳng mấy chốc đã qua mấy giờ liền, rượu cũng chẳng uống, đồ nhậu cũng chẳng nếm. Rồi tiệc tan.

Hồi đó lạnh rét căm gan. Đạo Quang hoàng đế thấy bọn đại thần đều mặc áo da chồn kỵ gió khoác ngoài, ngài hỏi:

- Áo da khoác ngoài kỵ gió của các ngươi phải bao tiền một chiếc?

Cả bọn chả anh nào hồi đáp được, chỉ có mình Tào học sĩ là người duy nhất trả lời được:

- Chiếc áo da khoác ngoài kỵ gió của thần có một lượt, giá chỉ có hai chục lượng bạc.

Đại Quang hoàng đế thở phào một cái, vội khen:

- Rẻ quá! Rẻ quá! Mấy hôm trước, trẫm có một chiếc áo da cáo màu đen, chỉ vì nó rộng quá, và muốn thêm một lớp lót, thế mà khi đưa cho Nội vụ đi sửa, chúng tính những một ngàn lạng bạc kia đấy. Thấy đắt quá, trẫm còn treo đó chưa sửa vội.

Tào học sĩ nghe đoạn, liền tâu:

- Chiếc áo da của thần không lót cả đâu!

Nói đoạn, ông liền cầm vạt áo kéo thếch lên. Mọi người nhìn xem, quả nhiên thấy chiếc áo của ông chỉ có bốn chung quanh mép áo là lót, còn phía giữa, vạt chỉ một lượt đơn mỏng dính.

Đạo Quang hoàng đế cũng nhìn kỹ, rồi buột miệng khen "Tuyệt, và rẻ nữa". Ngài lại còn khen là đẹp, là ấm, cuối cùng ngài gục gặc cái đầu tỏ vẻ chịu lắm và bảo thêm rằng lót hay không lót, kỵ gió hay không kỵ gió, cần gì.

Từ hôm đó, bọn đại thần mặc áo da khoác ngoài đều chẳng anh nào báo anh nào, lột cho bằng hết những tấm lót kỵ gió phía trong. Quan to đã thế thì quan nhỏ cũng phải thế, chẳng mấy chốc nó lan ra như bệnh dịch, người ta chẳng còn thấy cái áo da khoác ngoài nào còn lót nữa.

Đặc biệt có quan tướng quốc Mạc Chương A, bề ngoài ăn mặc đơn bạc, rét run cầm cập, nhưng về nhà thì lại có đến ba thê bốn thiếp. Y còn nuôi thêm một ban nữ nhạc mua vui mỗi khi mời khách chè chén. Đi ngang cổng phủ nhà y, ai lại chẳng nghe những tiếng sênh phách đàn ca. Do đó nhiều vị đại thần thanh liêm chính trực không kết bạn với y.



Phải cái Đạo Quang hoàng đế lại hết sức tín nhiệm y. Ngài thường nói với mọi người rằng y vốn là đại thần cố mệnh của tiên đế, do đó thường nghe lời tâu bầy của y.

Mục tướng quốc vừa khôn lại vừa ngoan. Ở trước mặt hoàng đế y khua môi múa mỏ, tung hứng nịnh hót, khiến ngài "phải lòng" y lúc nào chả biết.

Đạo Quang hoàng đế tuy tín nhiệm Chương A, nhưng Tào học sĩ lại chẳng "khoái" y chút nào. Bởi vậy, hai người thường tranh biện với nhau trước mặt hoàng đế đến nỗi ngài phải ra sức dàn xếp mới ổn thoả được. Mục tướng quốc ngày càng kiêu ngạo, bất luận quan trong quan ngoài nào cũng đều phải tới hiếu kính, nếu không thì dám bị cách tuột chức tước lắm. Do đó trong nhà Mục tướng quốc, thường bọn quan ngoài (quan trấn nhậm ở các tỉnh ngoài kinh đô) thường lui tới chạy chọt, vàng bạc ngọc ngà đem tới nhờ y nhận lo liệu giùm.

Hồi đó có một vị tiến sĩ miền Phúc Kiến tên gọi Lâm Tắc Từ. Từ đã được bổ nhiệm chức Hàng hồ đạo, sau lại làm Giang tô án sát sứ thành Giang Tây tuần phủ.

Lâm Tắc Từ làm quan rất công minh chính trực. Tiếng khen đồn khắp trong ngoài rồi đến tai hoàng đế, thế là Từ được trọng dụng.

Cũng hồi đó thuyền buôn của nước Anh thường chở a phiến tới Trung Quốc để bán. Báo hại người Tầu suốt dọc bờ biền tỉnh Quảng Đông hút phải, thân hình tiều tuỵ, chỉ còn bộ xương bọc da, trông chẳng khác gì quỷ ốm.

Lâm Tắc Từ dâng sớ tâu:

- Nếu không cấm a phiến ắt nước ngày càng suy dân càng ngày càng yếu. Vài chục năm cả nước lẫn dân đều tiêu vong.

Đạo Quang hoàng đế xem xong tờ sớ, rất quan tâm, bèn thăng nhiệm ông làm tổng đốc Lưỡng Quảng, về kinh ấp để bệ kiến. Từ vào chầu, đề đạt rất nhiều kế sách và biện pháp cấm thuốc phiện. Hoàng đế càng lấy làm đắc ý, liền phong luôn cho ông chức "Khâm sai đại thần quan phòng kiểm tra bờ biển Quảng Đông hải khẩu sự vụ, tiết chế Quảng Đông thuỷ sư".

Thế là Lâm Tắc Từ vận bỗng phát nhanh không tưởng tượng nổi. Điều này không đẹp ý Mục Chương A. Đã thế Từ khi lên kinh lại không có "chè lá" cho A nên A càng hậm hực bực tức.

Lâm Tắc Từ đáo nhậm Quảng Đông, tức thì thẳng tay hành động. Ông bắt bọn lái buôn trên thuyền buôn Anh phải trình xuất hai mươi ngàn ba trăm tám mươi thùng thuốc phiện, rồi phóng một mồi lửa đốt cháy rụi.

Người Anh giận lắm, lập tức điều động tàu binh đánh phá miền duyên hải Phúc Kiến, Chiết Giang. Mục tướng quốc nhờ cơ hội này gièm pha họ Lâm tự tung tự tác, làm hỏng việc nước.

A ngầm sai người tới tư thông với người Anh, xúi họ đem tàu binh tiến đánh Quảng Đông. Mặt khác, A còn bảo bọn quan lại tỉnh Quảng Đông về kinh cáo mật.

Có một tên ngự sử người Mãn gọi là Y Thiện, nghe lời xúi của Mục tướng quốc bèn hùng hùng hổ hổ dâng một tờ sớ đàn hặc Lâm Tắc Từ. Mục tướng quốc ở bên cạnh lại đánh trống hoạ vào, khiến Đạo Quang hoàng đế mờ luôn cả đôi mắt.

Ngài hạ một đạo ý chỉ, cách tuột chức tước Lâm Tắc Từ rồi cắt cử Y Thiện đi nhậm chức tổng đốc Lưỡng Quảng.

Y Thiện vừa đáo nhiệm, tức thì giảng hoà với nước Anh ngay, bồi thường bảy triệu, mở toang cửa Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Kiến, Ninh Ba, Thượng Hải để cho bọn ngoại quốc dùng làm tô giới. Nhưng người Anh đâu có chịu thôi. Họ đòi bắt Lâm Tắc Từ để trị tội. Mục Chương A đưa ra một ý, thay hoàng đế hạ một đạo thánh chỉ tống Lâm Tắc Từ sang mãi Tân Cương sung quân.

Việc này khiến một vị đại học sĩ nổi giận. Vị này tên gọi Vương Đĩnh, Đĩnh thấy Từ là một vị đại trung thần, bỗng dưng chịu cảnh oan ức, đã có đôi lời cãi lý với Mục tướng quốc ngay tại triều đình. Nhưng Đĩnh muốn nói thì cứ nói, A vẫn làm thinh, không nghe. Có một hôm, Đĩnh với A đều được vời vào trong thư phòng để bệ kiến. Vừa thấy mặt A, Đĩnh vụt cả giận, lớn tiếng quát hỏi:

- Lâm Tắc Từ vốn là một vị đại trung thần. Tại sao người lại cố tình dối hoàng đế để buộc y phải sung quân đi Tân Cương? Ngươi chỉ là một tên gian thần đại gian đại ác, thế mà ngươi còn dám làm quan lớn tại triều ư? Ngươi đúng là tên Tần Cối triều Tống. Nghiêm Tung triều Minh. Rồi đây thiên hạ sinh linh thế nào cũng bị ngươi hại hết!

Mục Chương A nghe xong, bất giác biến sắc mặt. Đạo Quang hoàng đế thấy tình hình quá căng thẳng giữa hai người, liền gọi thái giám đưa Vương Đĩnh khỏi cung rồi nói:

- Vương học sĩ say rồi!

Đĩnh bò mọp xuống đất dập đầu xin ngỏ lời, nhưng Đạo Quang hoàng đế đã phất mạnh ống tay áo, quay gót vào cung.

Vương Đĩnh trở về nhà càng nghĩ càng tức. Suốt đêm đó Đĩnh thức đỏ mắt viết sớ dâng tên, nói Mục Chương A dối vua như thế nào, Lâm Tắc Từ chịu oan như thế nào, viết luôn một hơi năm ngàn chữ. Rồi Đĩnh cho người đem sớ vào triều, lặng lẽ quay về phòng thắt cổ chết.

Qua ngày hôm sau, con trai Vương Đĩnh phát giác bố mình đã chết, vừa thương, vừa sợ. Chiếu theo lệ thì khi có một vị đại thần tự vận, hoàng đế phải tới khám nghiệm qua rồi mới cho liệm, nhập quan an táng. Nhưng Mục Chương A tai mắt quá nhiều. Y được tin này, lập tức sai một tên môn khách tới nhà họ Vương xin cho xem tờ sớ. Vương công tử vốn người thành thật, liền đem tờ sớ đưa cho tên môn khách.

Hồi 102: Máu ghen đâu có lạ đời

Người môn khách của Mục Chương A thấy trong tập tấu chương của Vương Đĩnh đầy lời tham tấu tướng quốc của y, bèn giữ ngay lấy, đánh lừa Vương công tử mà bảo Tôn đại nhân chẳng may qua đời. Đông ông tôi rất lấy làm thương cảm. Đông ông tôi đã định vào tâu với hoàng thượng thay thế Tôn đại nhân cầu xin chút tiền tử tuất. Nếu đưa tờ sớ này lên, vừa hỏng hết tình nghĩa đồng liêu với nhau, vừa mất số tiền tử tuất, nửa đồng cũng không được nữa.

Vương công tử vừa nghe nói tới tiền, tức thì đem huỷ tờ sớ của cha rồi thay vào một tờ sớ khác nói cha mình bị cấp bệnh mà chết. Tất nhiên Mục tướng quốc thế Vương Đĩnh xin được năm ngàn lạng bạc tiền tử tuất, ngoải ra còn ngầm đưa cho Vương công tử một vạn lạng bạc nữa. Thế là xong! Cái mạng của một vị đại thần trung liệt chỉ vẻn vẹn bằng vạn lạng bạc mà thôi.

Ngày lễ Vạn Thọ của thái hậu đã tới. Trước đó mấy hôm viên lễ bộ thượng thư đã tâu xin sửa soạn đại điển, Đạo Quang hoàng đế chi sợ tốn tiền bèn hạ chỉ:

"Đấng thiên tử được dân nuôi dưỡng chỉ mong sao cho quốc thái dân ai cũng đã đủ lễ di dương tính tình rồi. Hoàng thái hậu vì chính sách dè sẻn có dạy: Trong cuộc lễ Vạn Thọ chớ nên phô trương xa xỉ mà trái với ý của thái hậu. Tất cả quan viên lớn nhỏ chỉ nên vào cung hành lễ, như thế đủ đế tỏ lòng hiếu lệnh rồi. Tất cả mọi việc xa hoa tôn phí đều trái với lời di huân của tổ tông xưa. Khâm thứ!"
.

Tờ thánh chỉ vừa hạ xuống, bọn quan viên hiểu ngay rằng đó là ý muốn tiết kiệm đồng tiền của hoàng đế. Tức thì họ cử Mục tướng quốc cầm đầu vào tâu rõ với ngài là chẳng cần phải chi ra một đồng kẽm, nào, cứ để mặc thần dân lo liệu tất cả, mong tỏ lòng hiếu kính thái hậu.

Hoàng đế nghe xong lời tâu này tự thấy hợp ý mình lắm. Thế là ngài hạ ngay một đạo dụ, truyền thiết lập cấp kỳ một ban lo liệu cho đại lễ Vạn Thọ này, cho Mục Chương A điều hành.

Được dịp tốt Mục tướng quốc lợi dụng ngay danh nghĩa, sai người đi về nha môn lớn nhỏ ở các tỉnh để gõ tiền hiếu kính. Anh quan nhỏ ít ra cũng phải một trăm lạng bạc trở lên. Còn tổng đốc thì từ ba mươi vạn đến năm mươi vạn lạng mới thôi. Nhờ xoay tiền cách đó, Mục tướng quốc chẳng mấy hôm đã có trong tay mười triệu lạng



Đến ngày đại lễ, các quan viên lớn nhỏ ai cũng đều phải đem theo gia quyến thuộc vào cung Từ Ninh để lạy chúc Thái hậu. Hoàng thái hậu tự mình phải bỏ tiền ra dọn một bữa mì đãi thưởng cho quyến thuộc của các quan. Bữa tiệc mì đó dọn tại điện Bảo Hoà. Ăn mì xong, Mục tướng quốc cho gọi ban nữ nhạc của mình vào để múa hát đóng tuồng ngay tại cung Từ Ninh. Những màn ca vũ hay tuồng đều là những bài ca chúc tụng tất lành.

Đạo Quang hoàng đế nhìn thấy bọn hát, đứa nào cũng đẹp cũng ròn, tiếng hát lại hay điệu múa lại đẹp, còn cách phục sức thì hết sức lộng lẫy, bỗng ngài đâm ra ngứa ngáy khó chịu…

Hồi còn nhỏ, ngài cũng tập đóng trò, hát tuồng, múa may. Bởi thế, nhân được dịp may hiếm có, ngài nhảy phóc lên sân khấu đóng ngay vai tuồng Lão lai tử trong Nhị thập tứ hiếu, cũng múa hát ra trò. Hoàng thượng đã đóng vai Lão lai tử, thử hỏi còn kẻ nào dám đóng vai Lão lai? Bởi thế ngài đóng một mình một màn, hát chán chê rồi lại múa. Hoàng thái hậu thấy thế lấy làm vui thích, bèn truyền đem đồ thưởng. Tức thì đám cung nữ bưng mâm hoa quả bước lên sân khấu, nhất tề cất tiếng nói:

- Hoàng thái hậu thưởng hoa quả cho Lão lai tử đây!

Đạo Quang hoàng đế đứng trên sân khấu cúng quỳ xuống lãnh thưởng và tạ ơn, rồi bước xuống. Bọn thân vương, bối lặc cúng đều cảm thấy khoái trá và ngứa ngáy. Suốt năm, họ ở nhà chẳng có chuyện gì làm, ca hát múa may lả sở thích duy nhất cho nên anh nào cũng tập dượt, đều vào bậc khá cả: Thế là chẳng anh nào bảo anh nào, họ nhảy phóc cả lên sân khấu, diễn nào tuồng Quan Vân Trường gói ấn treo vàng, nào tuồng Nghiêu Thuẫn nhường ngôi. Tuồng này hết, tiếp tuồng kia. Trên sân khấu diễn đã say sưa mà phía dưới xem cũng mê mải.

Giữa lúc ấy thì Đạo Quang hoàng đế chẳng biết đã trốn vào chỗ nào mất dạng. Thì ra lúc ngài lên sân khấu diễn tuồng, Mục Chương A đã sai một cô đào nhất tên gọi Hoa Nhị Hương hầu hạ, giúp ngài đội mũ đi hia. Hoa Nhị Nương là một đào hát đẹp có tiếng. Khi hoàng đế lui vào hậu trường, Hoa Nhị Hương cũng theo vào giúp ngài cởi mũ, thay áo. Nơi hậu trường vắng lặng, trừ hoàng đế và Nhị Hương ra, chẳng còn ai khác. Hương cởi chiếc áo hồng, khoác cho ngài áo cẩm bào. Hương lại giúp Ngài rửa mặt, chải lại bộ đuôi sam.



Hương pha một chén trà thơm, đem dâng tận tay hoàng đế, Hương bước những bước nhè nhẹ trong phòng, trước mặt ngài. Cặp mắt của hoàng đế cứ như cắm vào đôi gót ngọc của Hương. Cặp chân Hương vừa nhỏ vừa xinh. Hương càng bước thân hình càng lả lướt thướt tha. Hương bước gần lại. Hoàng đế chịu không nổi nữa, vươn tay kéo nàng ngồi xuống bên cạnh ngài, rồi những tiếng thì thào, khúc khích càng làm tăng vẻ bí hiểm của căn phòng đã từ nãy không kẻ nào dám lảng vảng tới gần.



Bên ngoài, màn tuồng càng ngày càng nhộn, càng vui. Bên trong hai người cũng chẳng kém phần thú vị. Đến lúc này thì đức hoàng đế ngài đã thấy khó lòng xa được Nhị Hương, mà Nhị Hương cũng đã đến lúc xin nguyện bước vào cung để hầu hạ hoàng đế.

Đạo Quang bèn cho gọi Mục tướng quốc vào mật thất, nói cho biết ý mình. Mục Chương A hết lời vâng thuận. Ngài bèn cởi ngay chuỗi hạt châu đang đeo trên cổ thưởng cho y. Mục Chương A vội quỳ xuống tạ ơn, rồi quay mình bước ra, đút vội chuỗi hạt châu vào tay áo. Việc mua bán đã xong. Hoàng đế lén đưa Nhị Hương vào cung và triệu hạnh ngay tại cung Nhị Châu. Luôn một lèo sáu đêm, Hoàng đế chẳng thèm cần đến một nàng phi nào khác.

Cả đám phi tần không ai được hoàng đế triệu hạnh, đều thắc mắc nghi ngờ. Dò la mãi, họ mới biết hoàng thượng có người mới nên đã quên bẵng đi cả đám. Nhưng biết làm sao bây giờ, họ chỉ đành lén thốt lời oán hận mà thôi. 



Trong số phi, có một nàng tên gọi Lan Tần. Nàng vốn là một người đẹp, đẹp hơn hết trong đám và cũng là người vốn được hoàng đế sủng ái. Nàng biết ngài đã mê người khác, máu ghen đâu bỗng sôi lên sùng sục. Nàng vừa ghen lại vừa tức, liền bỏ ra một số tiền đút cho bọn thái giám để thực hiện kế hoạch của mình.

Đêm đó, hoàng đế cho bọn thái giám khiêng kiệu tới cung Nguyệt Hoa. Tại sao vậy? Vì Hoa Nhị Hương lúc đó được phong làm phi tử và ở tại cung đó. Bọn thái giám khiêng kiệu đã được tiền đút của Lan Tần, bèn giả đò lạc đường, khiêng trật kiệu sang cung Chung Tuý, vốn là nơi ở của Lan Tần.

Nàng thấy hoàng đế lâm hạnh, vội chạy ra đón giá. Đạo Quang hoàng đế nhìn thấy Lan Tần, biết mình đã bị lạc đường. Tuy nhiên, Lan Tần cũng là người được ngài sủng ái, đã lầm ngài cho lầm luôn, ở lại quách.

Ngờ đâu Lan Tần ỷ mình được yêu nên sinh kiêu. Nàng thấy hoàng đế tới, đã không nén giận làm lành, lại còn chẩu cái mồm ra càu nhàu, trách ngài quên nàng, đã sáu, bảy hôm không triệu hạnh.

Lúc đầu, Đạo Quang hoàng đế không giận tức gì, nhưng về sau thấy nàng cứ cắn cảu mãi, ngài đâm bực. Lan Tần lại chẳng chịu pha trà rót nước mời ngài, chỉ ngồi bên đay nghiến mãi. Đến lúc này thì ngài thấy cụt hứng quá, bèn chỉ cúi đầu xem những tờ sớ của bọn thần tử mà ngài mang theo. Suốt từ giờ Dậu đến giờ Hợi, Lan Tần cũng để mặc, chẳng thèm hầu hạ nâng niu ngài. Giữa lúc hoàng đế đang xem tới tờ sớ rất quan trọng của tổng đốc Lưỡng Quảng nói về những giáo đồ làm loạn, thì Lan Tần ngồi bên bỗng đứng phắt dậy, giật mạnh tờ sớ trong tay ngài. Hoàng đế định cướp lại thì mấy tiếng "xoạc xoạc" vang lên như xé lụa, tờ sớ nọ bị rách làm tư, làm tám mảnh rớt xuống tả tơi mất rồi. Đã thế nàng còn lấy hai bàn chân dẫm đi xéo lại mãi, tỏ ý căm hờn đến tột độ. Đạo Quang hoàng đế chịu không nổi, cả giận, không thèm nói một lời, hầm hầm bước ra. Ngài nhay lên kiệu đến thư phòng, triệu hạnh Nhị Hương như lệ thường. Đồng thời ngài hạ lệnh truyền tên thị vệ trực họ Vương tới, đưa hắn con dao, bắt tên nội giám đưa đường, tới cung Chung Tuý, cắt lấy đầu nàng Lan Tần. Tên thị vệ họ Vương nghe xong, vừa sợ vừa lấy làm lạ. Song đó là lệnh vua làm sao dám trái, hắn đành cầm dao theo viên thái giám đến cung Chung Tuý.

Trong cung nàng Lan Tần thấy hoàng đế bỏ đi rồi, chỉ còn biết ôm mặt khóc, đến khi nghe tên nội giám truyền lại chỉ ý của hoàng đế, thì nàng mới giật nẩy mình, hồn phách như lên tận mây xanh. Nàng đau đớn quá, oà lên khóc, mỗi lúc một lớn… Bọn cung nữ trong cung, giật mình thức giấc, chạy vội tới xem. Tên thái giám giục nàng trang điểm mau lẹ. Mấy cung nữ bèn giúp nàng rửa mặt chải đầu, thay áo mới, vực nàng dập đầu tạ ân. Lan Tần nước mắt đổ xuống như mưa.

Mọi việc coi như sửa soạn đã xong. Tên thị vệ họ Vương bước tới, giơ cao con dao nhọn sắc, nhè cổ nàng chém một nhát nghe ngọt xớt. Máu vọt lên có vòi. Tay hắn xách lấy cái đầu, vội vã bước ra khỏi cung.

Từ đó về sau, Nhị Hương ngày càng được hoàng đế triệu hạnh, chẳng còn kẻ nào dám thở ra một lời oán hận nữa, sợ rằng tai bay vạ gió sẽ tới cấp kỳ. Nhưng việc này cũng đã chạm tới máu giận của bà Đạo Quang hoàng hậu.



Đạo Quang hoàng hậu vốn mười phần xinh đẹp. Khi hoàng đế đưa bà lên ngôi thì tình nghĩa vợ chồng quả hết sức mặn nồng. Hoàng hậu chẳng những được người, còn hay cả ở nết. Bà luôn đàng hoàng, nghiêm chỉnh trong mọi việc. Hoàng đế vì yêu nên cưng, rồi cũng vì cưng nên sợ. Cứ mỗi lần gặp bà là mỗi lần ngài sợ. Và cũng vì sợ nên ngài đâm lạnh nhạt dần, có khi cả năm không lui tới gặp vợ, và làm những chuyện gì ở đâu đâu ngài cũng luôn phải tìm cách che mắt bà.

Hoàng hậu thấy chồng bỏ bê mình song lại thường cùng với bọn phi tần quây quần trò chuyện, khỏi sao chẳng ghen tức. Chỉ vì mang danh hoàng hậu, không lẽ bà lại bắt ghen để rồi gây chuyện om sòm. Nhất cử nhất động của chồng ở bên ngoài, bà ngầm cho người điều tra và biết rõ hết cả, nay nhân việc hoàng đế vì yêu Nhị Hương giết phi tần, bà bèn đích thân xuất cung gặp ngài, tha thiết khuyên can. Bà nói:

- Bệ hạ nên lấy việc nước làm trọng, chớ say mê sắc dục mà hỏng mất đại sự của quốc gia. Bệ hạ chớ nên chém giết bừa bãi trong cung, trái với hoà khí của trời đất.

Mấy lời khuyên này thực hết sức chính đáng, lại đàng hoàng nữa, hoàng đế vốn từ xưa đã có lòng e ngại hoàng đế vì hoàng hậu đến lúc này cái gì ngài cũng ừ cũng gật cả chỉ khuyên bà hãy yên tâm trở về cung.

Nói thì nói vậy, chứ ngài đã quá si mê Nhị Hương, làm sao mà bỏ được nàng mau lẹ thế, cho nên khi hoàng hậu vừa quay lưng đi thì lập tức ngài truyền lệnh gọi ngay Nhị Hương tới hầu hạ rồi. Và trong đêm thâu, lại cũng chỉ có Nhị Hương là được ngài triệu hạnh mà thôi.

Liền tù tì ba đêm hai người chẳng khác gì keo sơn, cứ dính chặt lấy nhau chẳng chịu rời. Lúc này chính Nhị Hương lên tiếng khuyên hoàng đế:

- Bệ hạ sủng ái tiện thiếp như thế làm sao tránh được lòng ghen ghét của hoàng hậu. Nếu bệ hạ thực lòng yêu và bảo toàn cho tiện thiếp thì xin hãy trở về cung hoàng hậu một phen đi.

Đạo Quang hoàng, đế nghe lời nàng. Đêm hôm đó, ngài trở về cung của hoàng hậu thật. Nhưng có ngờ đâu ngài vừa đi là y như xảy ra tai vạ tức thì…

Nguồn: http://vnthuquan.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved