Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

4 thg 11, 2013

Tùy Đường diễn nghĩa- Chữ Nhân Hoạch Hồi 54,55

HỒI 53

Mẹ hưởng ơn vua, Trình Giảo Kim oán thù quên hết,
Lòng nhớ thề cũ, Vương Bá Đương tính mạng tiếc chi.

Từ rằng: 
Nhớ xưa tăm tiếng nổi như cồn 
Từ bốn phương 
Anh hào dập dìu như sóng 
Thế rồi, một sớm thất cơ 
Lệ lả tả tưới ướt cả núi xác đồi xơ mộng xưa! mộng xưa! 
Hãy mừng còn bạn thuở xưa cập kè! 
Theo điệu "Như mộng lệnh" 

Người xưa nói: biết thế nào là đủ thì không nhục, không biết bao nhiêu cho vừa, thì nỗi nhục nhã cũng kéo theo ngay. 

*** 

Lại nói chuyện Ngụy Vương Lý Mật vào Trường An, nhớ lại thuở trước đến Đông Đô, Tần Vương tiên triều còn phong chức Thái úy coi sóc công việc trong ngoài, nay về với nhà Đường, vua Đường nhất định đãi không bạc. Hàng em út như Lý Thần Thông, Lý Đạo Huyền mà còn được phong vương, thì Lý Huyền Thúy được một tước vương cũng chưa biết chừng, nhưng rồi chỉ được phong Quang lộc khanh, trong lòng lấy làm bất bình, mà không biết rằng vua Đường rất trân trọng, rất tiếc cho họ Lý, muốn chu toàn cho họ Lý, nhưng còn sợ rằng nếu đặt ở ngôi cao ngay, triều thần sẽ ganh ghét, lại thêm Hà Nam, Sơn Đông chưa thu phục được, cần phải làm sao chiêu an được đám bộ hạ cũ của Lý Mật. Nay chưa gì đã phong tước cao lộc trọng, mai kia biết thêm chức tước gì nữa, nên mới tạm để như vậy hòng lung lạc, ma chiết ít nhiều chí khí của Lý. Lý cũng tưởng như hồi ở Kim Dung thành, Lý chẳng dung nổi Thế Dân, thì nay mình quy Đường, vua Đường cũng lấy thế đãi mình, vẫn coi mình là một kẻ đại trượng phu đội trời đạp đất, không thể cam chịu để người khác khinh khi. 


Chưa được một tháng, Tần Vương chinh Lũng Tây dẹp yên con của Tiết Nhân Cảo là Tiết Cử, nhổ trại khải hoàn, đã sai tiểu hiệu về Trường An báo tin thắng trận trước. Vua Đường triệu Lý Mật vào triều, phủ dụ: 
- Từ ngày khanh về đến nay, chưa từng gặp mặt Thế Dân, trẫm chỉ sợ Thế Dân nhớ tới chuyện cũ, không có lợi cho khanh, khanh nên ra đón để trọn lễ thần tử vậy! 

Lý Mật bằng lòng. Lúc này Ngụy Trưng cáo ốm, nằm ở Tây phủ, Lý Mật cùng Bá Đương với khoảng hai mươi người nữa, ra khỏi Trường An, lên phía bắc, tới Bân Châu, thám mã quay lại báo người ngựa Tần Vương đã tới gần. Lý Mật hỏi Tổ Quận Ngạn: 
- Nếu Tần Vương có hỏi, ta nên đối đáp như thế nào? 
Quân Ngạn đáp: 
- Không hỏi thì thôi, có hỏi thì cứ nói, thánh thượng sai nghênh giá, thế là không thể nào nghĩ đến việc hại ta vậy! 

Bỗng tiếng trống chiêng rộn rã, pháo nổ tung trời, đội cẩm y ăn mặc sặc sỡ, hai bên là mười viên tổng quản, kiếm kích sáng ngời, đi trước là mấy viên tướng hiệu hò hét, theo sau là đội nhạc, kèn trống nhịp nhàng đi tới. Lý Mật chắc chắn Thế Dân, vội cùng mọi người đứng chờ bên đường, thì thấy một viên tướng trên ngựa, lớn tiếng: 
- Ta không phải Tần Vương, mà là Trưởng Tôn Vô Kỵ cùng Lưu Hoàng Cơ. Điện hạ còn ở phía sau. Các ngươi là ai, sao lại đứng đợi ở đây? 

Lý Mật lại càng bực bội, biết rõ Tần Vương cố ý sai gia tướng giả dạng như thế để làm nhục mình, nay nếu không đi tiếp, thì càng làm phật lòng Tần Vương, nhưng nếu đi tiếp thì nỗi nhục nhã càng dày vò. 
Lại một đội người ngựa đi tới, ngay phía trước là biển "hồi tỵ" (1) màu vàng chóe giương cao, giữa là cờ ngũ sắc cùng kiếm thương nhọn trời, phía sau tiếng quát vang dội. Lý Mật nghĩ thầm: "Đây thật là Tần Vương rồi!". Liền vội vàng cúi lạy, thì thấy hai người trên ngựa cười nói: 
- Chúng ta là Mã Tam Bảo, Bạch Hiển Đạo, dạo trước đã tới thành Kim Dung thăm ngài, nay ngài cũng có đến Trường An sao. Nếu muốn đón điện hạ, thì cứ trông ngự giá thật cao ở phía sau là đúng, hãy tới mà đón cho cẩn thận! 
1 Bảng lệnh cho dân chúng tránh xa! 

Lý Mật mặt mày đỏ lựng, đấm ngực đậm chân, ngửa mặt lên trời mà than: 
- Đại trượng phu không tự lập được, phải khuất dưới người khác, xỉ nhục như thế, thì còn mặt mũi nào mà đứng trong trời đất này nữa? 
Lại muốn rút kiếm tự vẫn, Bá Đương phải giằng lấy kiếm mà khuyên: 
- Sao minh công lại nghĩ cạn như thế, Chu Văn Vương bị tù ở ngục Dữu Lý, Câu Tiễn bị nhục ở Cối Kê, mà về sau vẫn làm nên nghiệp lớn, phải biết nhẫn nại, còn mưu đồ sau này chứ. 
Có người báo: 
- Phía trước cờ vàng phấp phới, trên thêu chữ lớn "Tần Vương", nay thì đúng Tần Vương không sai! 
Lý Mật không biết làm thế nào, đành phải đứng lại bên đường, ngước trông đội người ngựa đi tới trước lá cờ thêu ngũ sắc, võ tướng áo giáp, mũ bạc giăng hàng, cắp cung đeo tên, ánh sáng lóe mặt, yên vâng kiệu ngọc, long lanh rực trời, lực sĩ theo sau là những gia tướng Sử Nhạc, Đào Vũ Khâm, tốp tiếp là Vương Thường, Khâu Sĩ Doãn.
Bốn tướng nhận ra Lý Mật, đều giơ cao tay, ngồi trên lưng ngựa chào: 
- Ngụy Vương tha lỗi, chúng tôi xin thất lễ! 
Lý Mật cùng mọi người yên lặng, nước mắt ngắn dài. Bá Đương phải an ủi lần nữa. 


Lại thấy Ân Khai Sơn, Lạc Dương Sử, làm tả hữu hộ vệ, Tần Vương mang mãng bào, đội kim khôi, chẳng khác gì một thiên vương, ngồi cao ngất trong màn gấm. Lý Mật trông thấy rõ ràng, vội vàng phủ phục xuống thưa: 
- Kẻ thô lỗ này không ra đón sớm hơn, xin điện hạ tha tội. 
Tần Vương thấy Lý Mật, bất giác "nộ phát xung quan", tóc giận đẩy mũ lên cao, tay cầm cung, tay cắp tên, giương cung cong tít, nhưng thấy các tướng Ngụy: Vương Bá Đương, Giả Nhuận Phủ, Tổ Quân Ngạn, Liễu Chu đều phủ phục dưới đất, mặt xám như đất, Lý Mật lấy hai tay che mặt, run sợ đứng không vững, cả bọn chẳng khác gì chó chực, nên cũng vốn là bậc quân tử đại lượng, liền thu cung, bỏ tên vào bao, lấy cánh cung chỉ vào mặt Lý Mật mà mắng: 
- Thất phu cũng có ngày nay sao? Ta vẫn chờ bắn cho ngươi một phát, để báo ngày tội tù cũ, nhưng sợ liên lụy đến người khác, lại trách rằng ta không có lượng bao dung. Hãy tạm tha tính mạng cho ngươi. 
Rồi quát lớn một tiếng mà đi. Đúng là Tần Vương đã biết có Lý Mật ra đón, nên bày đặt ra thế để làm nhục Lý Mật vậy. 
Tần Vương vào triều bái kiến phụ vương, vua Đường an ủi: 
- Con chinh phạt nhọc nhằn, yên cương vất vả! 
Tần Vương thưa: 
- Nhờ hồng phúc của phụ vương, chư tướng hết lòng hết sức, đắc thắng khải hoàn, bắt được Tiết Nhân Tiếp, La Tôn Hầu, hiện đang nhốt ở xe tù, đợi phụ vương phát lạc? 
Vua Đường cả mừng, liền truyền vũ sĩ lôi ngay ra chợ chém đầu, treo thủ cấp để thị chúng, rồi lại hỏi Tần Vương: 
- Con đã gặp Lý Mật chưa? 
Tần Vương thưa: 
- Thần đã gặp rồi. 
Vua Đường tiếp: 
- Lúc ấy trẫm cũng muốn cự tuyệt, không cho hàng. Nhân có Lưu Văn Tĩnh thưa: "Trịnh với Ngụy liền nhau, hai nước như môi với răng, nay Vương Thế Sung diệt được Lý Mật, chẳng khác gì Quắc vong thì Ngu cũng không còn vậy. Nay nếu không nhận cho hàng, Lý Mật tất cùng kế, kéo binh theo kẻ khác, lại tăng thêm một kẻ địch, khổ công đánh dẹp. Thật không nên?" 
Tần Vương thưa: 
- Vì sao mấy viên quan có ơn với thần lại không thấy đâu cả? 
Vua Đường đáp: 
- Ngụy Trưng đã đến đây, trẫm cũng biết là kẻ có tài nên đã cho làm Tây phủ ký thất tham quân, nay nghe nói bị bệnh, có lẽ vì thế không ra đón chăng? 

Tần Vương vào thăm mẫu hậu, rồi tạ ơn ra khỏi cung. Tần Vương nguyên là kẻ có tài dẹp loạn thế, nên vẫn để ý đến chuyện cầu hiền như khát nước, lại thêm có ơn với mình thuở trước, sao lại không để ý cho được, liền trở về Tây phủ, hỏi nơi ở của Ngụy Trưng. 

Ngụy Trưng vốn chẳng ốm đau gì, nhưng thấy Lý Mật cùng đi đón Tần Vương, Ngụy Trưng cũng có chỗ khó nói, nên tìm cớ cáo bệnh không đi. Nay nghe Tần Vương đến thăm, vội ra bái phục mà thưa: 
- Thần bỗng nhiên trở trời, không thể ra đón, xin điện hạ tha tội cho! 
Tần Vương đỡ dậy mà rằng: 
- Tiên sinh với ta, đâu phải như những người khác, mà phải vái lạy như thế này? 
Rồi kéo cùng ngồi. Ngụy Trưng thưa: 
- Ngụy Công thất thế về hàng, xin điện hạ mở lượng hải hà, đừng nhớ lỗi lầm xưa! 
Tần Vương đáp: 
- Ta chịu ơn sâu của các vị, ngày đêm nhớ kỹ trong lòng, nay may các vị không bỏ, thật thỏa nguyện bình sinh. Lý Mật là kẻ thất phu, ta vừa thấy quỳ ở bên đường, mấy lấn không kìm nổi tay chân, nhưng thấy còn có các tướng cho nên lại thôi. Giờ ta dẫu không giết y cũng có ngày người khác sẽ giết mà thôi. 
Lại hỏi: 
- Thúc Bảo, Mậu Công sao không thấy đâu? 
Ngụy Trưng thưa: 
- Mậu Công đang giữ Lê Dương, vốn là kẻ sĩ túc trí đa mưu, Ngụy Công cậy tài, đàm luận không hợp với Mậu Công, cho nên phải ra giữ đất này, nhưng vẫn chẳng hề mang lòng nào khác. Còn Thúc Bảo thì đi chinh phạt Tiêu Tiên chưa về, Ngụy Công về đây, cũng chưa cho người đi báo cho họ biết đâu. 
Tần Vương nói: 
- Tần mẫu cùng mẹ con Hoài Ngọc hiện đang ở đây, ta thường sai người tới thăm nom luôn. 
Ngụy Trưng thưa: 
- Thúc Bảo đến giờ thì có lẽ đã biết rõ mọi chuyện rồi. Thật là một người hiếu thảo với mẫu thân, nghĩa khí với bạn bè. Đơn Hùng Tín thì đã hàng Vương Thế Sung rồi, sợ rằng chuyện này còn rắc rối nhiều sau này. 
Tần Vương lại hỏi: 
- Thế còn Trình Giảo Kim lỗ mãng cũng không thấy đâu cả là sao? 
Ngụy Trưng đáp: 
- Giảo Kim nhân trước kia đắc tội với điện hạ, nên không dám tới quay về với thân mẫu ở Ngõa Cương. Giảo Kim tuy thô lỗ, nhưng thờ thân mẫu rất có hiếu, lại cũng là một kẻ ngay thẳng trong sạch. 
Ngày hôm trước, thần có gặp Từ Nghĩa Phù, mới biết hiện nay Trình mẫu cũng đang ở đây. Giảo Kim về đến Ngõa Cương, biết chuyện này, nhất định chẳng nghĩ gì đến thân mạng mà vào Trường An tìm. Lúc vào xin điện hạ hãy quên chuyện cũ mà bao dung cho Giảo Kim. 
Tần Vương cùng Ngụy Trưng chuyện trò suốt sáng, suốt chiều, rất là thân ái. 

*** 

Nay hãy nói chuyện Giảo Kim, về đến Ngõa Cương, không thấy mẫu thân, vội đi hỏi Vưu viên ngoại, Vưu Thông đáp: 
- Bá mẫu theo Tần mẫu đi thăm họ hàng, không ngờ bị Tần Vương lập kế đưa cả về Trường An rồi còn đâu! 
Giảo Kim nghe thế, cười nói: 
- Vưu đại ca, đại ca hãy đi đòi về cho tiểu đệ! 
Vưu Thông hỏi: 
- Trình hiền đệ, hiền đệ nói thật hay nói đùa? 
Liền kể lại tỉ mỉ chuyện cũ, rồi thêm: 
- Bọn người này nguyên chỉ định đón Tần mẫu mà thôi, ai ngờ bá mẫu đi theo. Vưu Thông này đã mấy lần khuyên can, nhưng bá mẫu chẳng nghe, nên phải nhờ Liên Cự Chân đi theo. Hôm trước Cự Chân từ Trường An về dây, kể lại bá mẫu cùng Tần mẫu vào ở trong Tây phủ của Tần Vương rất là sung sướng yên ổn. Hiền đệ nếu không tin, thì nên đi Lê Dương, hỏi thẳng Cự Chân thì sẽ biết rõ ràng hơn. 
Giảo Kim lúc này cũng mệt mỏi, ngẩn người nghĩ ngợi một lát, rồi quát tướng: 
- Thôi kệ , cứ vào quách hang cọp vậy, cùng lắm là đến kết quả tính mạng họ Trình này thôi chứ gì! 
Sáng hôm sau, cũng chẳng chào Vưu Thông, cùng hai kẻ thân tín, vào Trường An. 
Đáng thương thay: 

Nghĩa mẹ, thân con đâu dám tiếc 
Ơn vua, đời trẻ thuở nào quên. 

Giảo Kim sợ đường lớn có người nhận ra, nên đi theo đường mòn, ngày đi đêm nghỉ, chưa đầy một tháng đã tới Trường An, vào thành kiếm một nhà trọ, ngay ở phía trái Tây phủ nghỉ ngơi, rồi sai thân tín đến xem cửa Tây phủ bao giờ mở. Tần Vương biết Trình Giảo Kim đến, ra lệnh cho gia tướng xếp đặt trang nghiêm, gươm giáo sáng loáng, trống lớn kèn to, nổi đủ ba hồi. Tần Vương lên điện, chư tướng lạy chào, đứng hầu hai bên. Quan coi cửa vào quỳ lạy thưa: 
- Giặc Ngụy là Trình Tri Tiết đã được dẫn vào! 
Vũ vệ gia tướng dạ lớn một tiếng như sấm, Tần Vương ngồi trên điện cao, thấy một người đàn ông to lớn cởi trần, tóc phía gáy cắt ngắn, đường hoàng đi vào, đến trước đan trì, vẫn ngang nhiên đứng thẳng. Tần Vương nhìn kỹ, đúng là Giảo Kim rồi, bất giác lửa giận phừng phừng, mày râu dựng ngược, xô án mà quát: 
- Thằng giặc kia! Hôm nay là ngày cuối cùng của mày. Mày còn nhớ năm trước, ta trốn trong "Lão Quân Đường", suýt nữa bị mày cho một búa vỡ sọ, nay ta phải bỏ mày vào vạc mà nấu nhừ, mới thỏa hận này! 
Giảo Kim cười lớn mà rằng: 
- Lúc ấy ta chỉ biết có Ngụy, mà không biết có Đường. Đại trượng phu thì người có ân với mình không quên trả, kẻ oán với mình thì nên quên mới phải. Ta mà sợ chết, đã không đến Trường An, muốn giết thì cứ giết, việc gì phải giận dữ. Hãy mau gọi mẫu thân của ta ra đây, cho ta gặp mặt lần cuối, rồi đâu ra đấy, các ngươi cứ chém đi! 
Tần Vương quát: 
- Thằng giặc già đã đến nước này mà vẫn còn ngang ngược, hãy tạm tha chết cho mày. Quân sĩ đâu, hãy giải thằng giặc này đi gặp mẫu thân rồi sẽ chịu tội sau! 

Quân sĩ không cho Giảo Kim nói nữa, lôi ngay ra ngoài cửa phủ. 
Tần mẫu từ ngày đến Trường An vẫn có một ngôi nhà rất to ở ngay phía đông Tây phủ, cùng với Trình mẫu, Tần Vương sai ngay gần hai chục hầu gái đến phục dịch, lại điều thêm hai mươi tên lính coi giữ. Ngày ngày có người cung phụng thức ăn vật dùng, tháng tháng lại có vàng lụa làm quà của Tần Vương gửi đến. Tần mẫu cũng không quên phần Trình mẫu, nên cả hai ở đây rất yên ổn, sung sướng, vô cùng cảm ơn Tần Vương. 

Quân sĩ đem Giảo Kim dẫn đến chỗ Tần mẫu đã có người vào báo trước. Tần mẫu cùng Trình mẫu vội chạy ra cửa. Trình mẫu thấy con dáng hình ra thế, lập tức ôm lấy đầu mà khóc nức nở mãi không thôi, đến nỗi bọn lính xúm quanh cũng không nhịn được cười. Giảo Kim rầu rĩ thưa: 
- Mẫu thân chẳng phải khóc, con xin hỏi mẫu thân, từ ngày đến đây mẫu thân có khỏe không, có người hầu hạ không? 
Trình mẫu vẫn chỉ khóc, không nói một lời, đến nỗi Tần mẫu phải đáp thay: 
- Mới đến Trường An, đã có người đến hầu hạ, ngày ngày đưa thức ăn, đồ dùng, hàng tháng có vàng bạc, lụa là, lại còn sai các cô, các bà tới thăm nom. Ta cùng Trình mẫu, thật đội ơn sâu, chẳng ai nhiều chẳng ai mỏng. 
Giảo Kim vẫn gặng hỏi mẫu thân: 
- Có thật thế không? 
Trình mẫu gạt nước mắt, gật đầu mà rằng: 
- Quả đúng như vậy! 
Rồi đưa tay chỉ hai nàng hầu gái nói tiếp: 
- Đây là những người Tần Vương sai đến hầu hạ ta vậy! 
Giảo Kim bèn thưa: 
- Mẫu thân, con thật có lỗi, không biết được Tần Vương là người tốt đến thế. Nay con có chết dưới trướng của Tần Vương, cũng thật cam lòng, mẫu thân không phải nhớ con làm gì, cứ ở mãi suốt đời với Tần mẫu cũng tốt rồi! 
Rồi đứng lên vùng đi ra, nhưng Trình mẫu vẫn không chịu thả, Tần mẫu nói với Giảo Kim: 
- Cháu không phải vội vàng, nghe ta nói: lúc ấy vì Tần Vương muốn Tần Quỳnh về với nhà Đường, nên cố giả nhà họ La đến đón ta, không ngờ mẫu thân cháu cũng có lòng tốt, đi cùng ta ra khỏi trại, nên cùng về Trường An. Nay Ngụy Công cũng đã hàng nhà Đường, Tần Quỳnh chẳng sớm thì muộn cũng sẽ về. Chẳng nhẽ mẫu thân cháu vì ta mà ra khỏi nhà, để rồi không còn thấy mặt con nữa sao? 
Rồi nói với những người đứng hầu: 
- Lấy cho ta bộ quần áo đại lễ ra đây, để ta đến gặp Tần Vương xin cho Giảo Kim. 
Đang nói, thì thấy một sai quan, đi cùng ba bốn hiệu úy, tay bưng mũ, áo bào, lớn tiếng: 
- Điện hạ có lệnh tha tội cho Trình Tri Tiết, truyền mặc ngay áo mũ để vào tương kiến tại Tây phủ. 
Nói rồi, mấy hiệu úy cởi ngay trói cho Giảo Kim, mặc quan phục cho. Trình mẫu thấy thế, vội vàng quỳ lạy ngay dưới đất, ngửa mặt lên trời mà khấn vái: 
- Cầu cho điện hạ thái bình nhất thống, vạn thọ vô cương. 
Xung quanh không nín được cười. Đội mũ, mặc áo xong xuôi, Giảo Kim vái lạy mẫu thân cùng Tần mẫu, Trình mẫu níu áo dặn: 
- Con chẳng cần phải lạy tạ, mau vào Tây phủ vái lạy Tần Vương, thật là vị chúa công khoan ân đại độ, con phải tận tâm báo ơn Tần Vương, ta dẫu có chết cũng nhắm được mắt rồi! 
Giảo Kim vâng dạ, vội cùng sai quan quay lại Tây phủ. Lúc này Tần Vương đang ở "Tập hiền đường", với các mưu sĩ bàn luận, thì thấy sai quan quay về phục mệnh, lại nói rõ Tần mẫu cũng định xin gặp Trình mẫu tạ ơn ra sao. Tần Vương cười, nói với Ngụy Trưng cùng Lưu Văn Tĩnh: 
- May mà ta sớm sai người đến tha tội cho Giảo Kim, nếu để Tần mẫu đến đây nữa thì thật nhẫn tâm vậy! 
Sai quan lại nhắc, Giảo Kim hiện đang ở ngoài cửa soái chờ phục mệnh, Tần Vương phán: 
- Cho Giảo Kim vào Tây đường! 
Tây đường vốn là nơi tiếp khách của Tây phủ, sai quân dẫn ngay Giảo Kim đến chờ bên thềm, thì thấy Tần Vương thong thả đi tới Giảo Kim vội chạy như bay lại, quỳ xuống trước mặt Tần Vương, khóc lóc thưa: 
- Thần thật vốn có mắt mà không có con ngươi, trước kia đã không biết được ra minh chủ anh hùng, để đến nỗi tội thật không tránh nổi, nay tuy được nhờ ơn lớn mà tha tội, nhưng trong thật tủi thẹn. 
Tần Vương xuống thềm, kéo Giảo Kim dậy mà phán rằng: 
- Vừa rồi ta thử khanh đấy thôi. Từ lâu ta đã biết đến lòng trung nghĩa của khanh, cần khanh thờ Đường như thờ Ngụy là được rồi. 
Giảo Kim thưa: 
- Thần đội ơn sâu của điện hạ với mẫu thân, nào dám không quên thân để báo đền. 
Tần Vương hỏi chuyện đánh nhau với Thế Sung trước kia ra sao, Giảo Kim thuật lại tỉ mỉ, Tần Vương lại hỏi tiếp: 
- Khanh đã gặp Thúc Bảo cùng Mậu Công chưa? 
Giảo Kim thưa: 
- Thần từ lúc thua trận, thấy Ngụy Công đã quy Đường, thần liền về Ngõa Cương, nghe được tin mẫu thân ngày đêm về đây, thực chưa gặp Tần, Từ nhị vị đại huynh. Nay thần cảm ơn trời biển của điện hạ, thần cũng có khoảng gần hai nghìn lính tâm phúc, đang còn ở Bắc Mang, Yển Sư, thần xin đi gọi về, cùng rủ Tần, Từ nhị vị quy Đường. Không biết điện hạ có bằng lòng cho thần đi chăng? 
Tần Vương cả mừng: 
- Có gì mà ta chẳng bằng lòng, thế cũng đủ thấy lòng trung nghĩa của khanh. Nhưng phải vào triều kiến thánh thượng, xem thánh ý ra sao đã. 
Giảo Kim vâng mệnh. Tần Vương lệnh cho sai quan dẫn Giảo Kim vào triều điện thánh. Vua Đường thấy Giảo Kim tướng mạo đường đường, tiếng nghe như sấm, liền phong ngay làm Hổ dực đại tướng quân, kiêm Tây phủ hành quân tổng quản, tùy việc sai khiến của Tần Vương. Giảo Kim tạ ơn lui ra, quay lại Tây phủ tạ ơn Tần Vương, rồi quay về ngay gặp mẫu thân, Tần mẫu cùng mẹ con Trương thị, Tần Hoài Ngọc ra bái chào, cả nhà vui vẻ. 
Sáng hôm sau, Giảo Kim từ biệt Tần Vương, nhung trang đầy đủ lên đường. Mấy hôm trước, vào Trường An thì đúng là chín phần chết, một phần sống, nay ra khỏi Trường An, áo cừu nhẹ, ngựa béo, thầy thầy tớ tớ thật khác xa lúc đầu, theo đường mà tới Đông Đô. 
Chính là: 
Vì tình tri kỷ mới 
Nhớ nghĩa bạn bè xưa. 
*** 
Nay lại nói chuyện Lý Mật, từ ngày bị Tần Vương sỉ nhục, mỗi ngày trở về Hình phủ, mặt mày buồn bã. Tả hữu báo tin Giảo Kim tới, Lý Mật trong lòng chỉ muốn Giảo Kim tới thăm, để hỏi chuyện tin tức ở Đông Đô chẳng ngờ Giảo Kim cũng không đến. Ba bốn ngày sau, nghe tin vua Đường phong cho Giảo Kim làm Hổ dực đại tướng quân, sai Giảo Kim ra khỏi Trường An rồi. Lý Mật trong lòng buồn rầu, nói với Bá Đương cùng các tướng khác: 
- Giảo Kim vốn là bề tôi của ta, đến đây đã ba bốn ngày, cũng chẳng lại gặp ta một lần, nhân tình đơn bạc đến thế thì thôi. Nay vua Đường ban quan tước cho, ra khỏi Trường An, có lẽ là đi thu thập bộ hạ thân tín cũ về giúp nhà Đường. Còn chúng ta ở đây lặng lẽ chờ chết, ngày nào mới ló đầu ra được? 
Các tướng của Lý Mật, toàn những người chiếm thành, lấn đất, vàng lụa đến tay dễ dàng, tiêu pha cũng chẳng cần nghĩ ngợi, nay vào Trường An, cái ăn tiêu hàng ngày chẳng đủ đầy, ở cũng chưa yên ổn, nay thấy Lý Mật có ý ra đi, tất cả liền bàn bạc: 
- Mậu Công hiện đang ở Lê Dương, Trương Thiện Tương ở Doãn Châu, Thúc Bảo, Sĩ Tín có lẽ đã bình định xong Tiêu Tiên, nhất định sẽ về Ngõa Cương. Hùng Tín cùng các tướng khác ở Lạc Dương, chúa công vẫn còn nhiều nơi nương dựa, việc gì phải khổ sở ngồi yên một chỗ để người ta đối xử với mình như vậy. 
Bá Đương cũng góp: 
- Lẽ nên như thế! 
Lý Mật bàn: 
- Cũng nên tâu với vua Đường, rằng đi Sơn Đông, thu thập tay chân ở khắp các nơi, rồi kéo về Quan Ngoại đầy đủ. 
Nhuận Phủ khuyên: 
- Không nên, chúa thượng đãi minh công sâu nặng đến thế. Huống chi đại sự bây giờ đã gần như lời sấm lâu nay cả rồi, thiên hạ sắp thống nhất đến nơi, minh công vẫn có ý khác thì ngay đến Trịnh Ngạn Sư, Sử Vạn Bảo, sáng khởi sự, chiều đã thấy binh triều đình kéo đến. Dẫu có xuất quân, lính tráng đâu ra, mang tiếng phản nghịch, còn ai dung. Theo ý của minh công, chi bằng hãy ngồi yên, đợi đến lúc nào thuận lợi, mới có thể vẹn toàn vậy. 
Lý Mật giận dữ: 
- Khanh vốn là tâm phúc của ta, sao lại nói thế, nếu không bằng lòng, ta chém đầu trước rồi sẽ khởi sự sau vậy. 
Nhuận Phủ khóc mà đáp: 
- Từ ngày Địch Tư đồ bị giết đến nay, người người đều nói minh công là quên ơn nghĩa, chẳng nhớ gốc xưa, trên dưới đều thay lòng, ly tán. Nay trong lúc túng quẫn nghĩ càn, ai là người giao lại binh lính cho minh công. Giả Liễu nay mang ơn minh công đối xử hậu ân, nên nói thẳng mà không dám che giấu gì, xin minh công hãy sáng suốt nghĩ kỹ. Còn nếu đúng là minh công có thể tìm thấy chỗ nương thân tốt hơn, thì Giả Liễu này dẫu có tan xương nát thịt cũng chẳng tiếc! 
Lý Mật đùng đùng dùng gươm toan đâm, Bá Đương phải ra sức khuyên can mới thôi. Tổ Quân Ngạn bàn: 
- Cứ như thần nghĩ, chi bằng nói với công chúa, rồi trốn khỏi Trường An. Tần Vương có biết, sai người ngăn, công chúa cũng ở trong đám cả, tất chẳng tội nào. Ngày xưa Lưu Tiên chủ lừa Tôn Phu nhân về Hán cũng theo cách này, chẳng biết ý minh công thế nào? 
Kế sách đã định, Lý Mật giữ nguyên bộ mặt giận dữ vào nội phủ. Độc Cô công chúa hỏi: 
- Kẻ đại trượng phu ôm đầy chí lớn trong lòng, thiếp thấy phu quân hình như đang nghĩ ngợi điều gì? 


Lý Mật đáp: 
- Ta có lời muốn nói, xin công chúa thử nghe xem có được chăng? 
Công chúa thưa: 
- Vợ chồng với nhau, còn có điều gì phải rào đón! 
Lý Mật bèn tiếp: 
- Ta muốn bỏ Đường mà đi, nhưng chỉ sợ công chúa bịn rịn không thể dứt, những muốn được công chúa cùng đi, không biết có được chăng? 
Công chúa đáp: 
- Có đúng thế thật không? Hoàng huynh thiếp nhận phu quân về hàng, phong tước cao, lại thương phu quân không nhà không cửa, ban gả thiếp cho, thân thiết đến thế, phú quý đến thế là cùng cực. Nay chưa ngồi ấm chiếu, ơn sâu chưa báo, đã sinh lòng khác, người có lòng không ai làm thế cả. 
Lý Mật nói: 
- Chúa thượng ơn sủng tuy hậu, nhưng Tần Vương là cháu công chúa mà lại làm nhục ta quá lắm, thế không thể cùng sống, hãy tạm đi Sơn Đông, thu thập sĩ tốt, sau này khởi sự. Huống chi phận đàn bà theo chồng là hay hơn cả, công chúa không theo, hoặc cũng có lòng khác chăng? 
Công chúa nghe thế, rơi nước mắt mà rằng: 
- Thiếp những tưởng phu quân là người tốt, hết lòng đền ơn nước, hóa ra cũng chẳng khác gì phường bất trung, bất nghĩa, kiếp này thiếp biết dựa vào đâu nữa? 
Lý Mật thấy nói thế, sát khí đằng đằng, may ngay cạnh còn có cung nữ, để ý thấy vậy, vội vàng khuyên giải: 
- Phò mã bớt giận, cũng bởi công chúa ít tuổi, chưa biết nghĩa lớn. Cổ nhân nói thật đúng: "Phu xướng phụ tùy",thì mới không xảy ra chuyện chia lìa, lấy thuận làm đầu, chính là đạo làm vợ. Phò mã đã nói thế, thì xin cứ bàn bạc cho kỹ, dần dần sẽ làm, chẳng kẻo chỉ một lời nói, mà làm tổn thương đến tình vợ chồng thắm thiết. 
Lý Mật nghe thế, cơn giận cũng nguôi ít nhiều, bỏ ra bên ngoài. 
Tổ Quân Ngạn hỏi: 
- Minh công đã bàn bạc với công chúa chưa? 
Lý Mật buồn bực nói: 
- Vừa rồi ta mới chỉ nói vài câu, công chúa đã trách ta vong ân bội nghĩa, ta những muốn ngứa ngáy chân tay rồi, nên mới vội ra ngoài này. 
Bá Đương bàn: 
- Tin tức đã hở ra như thế, thì không hay nữa rồi, họa đến nơi bây giờ! 
Lý Mật hỏi: 
- Làm thế nào cho yên bây giờ? 
Quân Ngạn đáp: 
- Tất cả phải lên đường ngay, nếu cứ dùng dằng thì lại càng khó ra khỏi Trường An. 
Lý Mật vội vàng quay vào đóng kín cửa trong, sai Bá Đương gọi đầy đủ các tướng tới, thu thập hành trang khí giới, cộng hơn sáu mươi người, không chờ đến sáng nữa, ra cửa Bắc mà đi khỏi Trường An. Quân canh cửa vội báo ngay cho Tần Vương. Tần Vương nổi giận, đến ngay Hình phủ xem xét, thì thấy cửa trong khóa kín, gọi người mở, thấy Độc Cô công chúa, công chúa kể lại những lời tối qua. Tần Vương nghiến răng, trợn mắt, vội về báo ngay cho phụ hoàng. Vua Đường cũng vô cùng giận dữ, định sai tướng đuổi theo bắt lại. Lưu Văn Tĩnh can: 
- Chẳng cần phải động binh, chỉ cần sai hổ bài quan truyền dụ cho tổng quản các nơi, nếu Lý Mật dẫn tả hữu qua cửa thì bắt sống giải vua xử tội, thử xem Lý Mật chạy đâu cho thoát. 
Vua Đường khen phải, lập tức sai hổ bài quan đi các nơi truyền lệnh. 
*** 
Lại nói Lý Mật cùng bọn Bá Đương, nhìn sao mà đi, ngựa không dừng vó, chẳng mấy chốc, đã ra khỏi Đồng Quan, qua khỏi Lam Điền. 
Lý Mật nói với mọi người: 
- Nếu ta đến Doãn Châu với Trương Thiện Trương, thì nên đi theo đường mòn nhanh hơn, còn định đến Lê Dương với Mậu Công thì lại đi theo đường lớn. 
Nhuận Phủ đáp: 
- Phía trước đường ngày một khó đi, cứ như ý Nhuận Phủ này, thì nên chia làm hai đội, một đội đến Lê Dương, một đội qua Doãn Châu. 
Lý Mật nói: 
- Như thế cũng được, ngươi cùng Quân Ngạn đi đường lớn tới Lê Dương. Ta cùng Bá Đương đi đường mòn tới Doãn Châu. Đến nơi, hãy sai người báo cho biết là được. 
Bởi vậy Nhuận Phủ cùng Quân Ngạn với khoảng hai mươi người đi theo đường lớn. Lý Mật cùng Bá Đương với hơn ba mươi người đi theo đường nhỏ, mấy ngày sau, đến huyện Đào Lâm. Quan huyện Đào Lâm là Phương Chính Dã, cũng là một viên quan tài năng, thấy bọn này đang đêm đi qua thành, lòng nghi ngờ, sai quân sĩ tới hỏi ngọn ngành, lục soát hành trang. Bọn tướng tá cùng lính tráng của Lý Mật, đều xuất thân từ cướp đường, dã tính chưa đổi, thấy bọn lính ở một huyện nhỏ mà làm vẻ nghiêm trang khám xét, cả bọn đều không nhịn được, tính quen đường cũ, rút dao chém bọn lính canh rồi kéo vào thành. Bá Đương vội ngăn lại, nhưng làm sao mà ngăn nổi, đến nỗi huyện quan Chính Dã phải bỏ trốn về Hùng Châu. 
Lý Mật cùng tay chân vào thành rồi, chẳng ai ngăn trở, túi khăn lâu nay sạch không, cứ thế vào kho vét sạch của cải qua một đêm, sáng hôm sau lại ra đi. Chính Dã đến Hùng Châu, đem mọi chuyện thuật kỹ với tướng trấn thủ Sử Vạn Bảo, Vạn Bảo lo sợ không biết nên làm thế nào. Tổng quản Thịnh Ngạn Sư nói: 
- Chẳng khó gì, ta đã có cách, chỉ cần khoảng mười người ngựa, là có thể lấy được thủ cấp lũ giặc này. 
Vạn Bảo hỏi vặn mãi. Ngạn Sư vẫn không chịu nói. Lúc này Lý Mật đoán rằng, quan quân Đào Lâm tất chạy về Lạc Châu, đường núi chẳng còn ai ngăn trở, nên cứ cưỡi ngựa dẫn mọi người thong thả đi, tới núi Nam của dãy Hùng Nhĩ, một bên đường là núi cao, một bên là vực sâu âm u. Lý Mật cùng Bá Đương song song đi trước, chẳng thèm nhìn ngó hai bên. Bỗng nghe một tiếng pháo nổ, trên núi trong rừng cây, tên bay ra như ong, tiến thoái đều không xong, trong người lại chẳng giáp trụ. Từ trong khe núi, lính xông ra bịt kín cả hai đầu, sau trước. Bá Đương trong lúc vội vàng cũng chẳng xoay sở kịp, lấy thân mình che cho Lý Mật, cố hết sức để cứu lấy họ Lý, nhưng rồi cả hai đều chết trong đám tên đạn bời bời. Bị bọn phục binh kéo ra, cắt lấy thủ cấp, khiêng cả xác, báo tin thắng trận lên vua Đường. Vua Đường cả mừng, sai đem hai thủ cấp, treo lên cao ở giữa chợ cho mọi người xem, những kẻ theo trốn đều tru di tam tộc. 
Chính là: 

Có tài chẳng biết dùng tài 
Để tài nó giục nó xui tan tành 
Chẳng bằng họ Tần, họ Trình 
Tiếng thơm muôn thuở, sử xanh còn truyền.


HỒI 55

Mậu Công khóc trước ba quân, nghiêm trang tang lễ,
Tần Vương thân dự tang lễ, tâm phục ba quân.

Từ rằng: 
Chốn sa trường, gió rên thảm thiết 
Dạ anh hùng, khí tiết xốn xang 
Lòng này tướng sĩ biết chăng 
Gian trung phách nghĩa lại càng não thương 
Cay con mắt núi bằng suối đổ 
Nhức thấu xương, máu nhỏ đầu tên 
Một lời hiểu, nhẹ cơn phiền 
Lòng trời nhìn lại, bi liền thái lai 
Chim ríu rít 
Núi tịch mịch 
Dạ đăm đăm 
Tình vắn dài 
Chiếu vua ban, chói lọi dạ đài 
Rượu một chén thấm tận nơi u hồn 
Ba quân gạt lệ mừng rơn 
Tiếng hô dậy đất đội ơn cao dày 
Sống còn quyết hẳn từ đây 
Sống luôn nhớ nghĩa bạn 
Chết nào quên trung vua. 
Theo điệu "Lăng đào sa" 

*** 

Nay nói tiếp việc vua Đường sai đem thủ cấp Lý Mật cùng Vương Bá Đương treo lên cột cao để thị chúng. Ngụy Trưng thấy thế trong lòng thắc thỏm không yên, gạt nước mắt thưa với Tần Vương: 
- Làm tôi thì phải trung, với bạn bè thì phải giữ nghĩa. Chưa từng có kẻ nào có thể trung với vua, mà lại không có nghĩa với bạn bè. Bá Đương cùng Ngụy Công lúc đầu là bạn bè "bát bái chi giao", sau mới thành phận quân thần. Chẳng ngờ Ngụy Công ỷ tài, chẳng nghe quần thần, đến nỗi bại trận, về với nhà Đường, lại phụ đức, phải chết trong rừng tên kiếm, cùng với Bá Đương kể cũng gần hai chục người, duy chỉ Bá Đương là toàn trung toàn nghĩa. Thần nhớ lại, trước kia Ngụy Công cũng từng coi thần như kẻ tâm phúc, cùng đồng tâm hiệp sức có đến ba năm. Cùng nhau sống mà không cùng nhau chết, nay cũng chưa thật trọn nghĩa được với nhau. Trước mắt thi hài vẫn phơi ngoài núi hoang, hồn phách vật vờ không nơi nương tựa, đón gió gọi trăng, khóc hoa, cười tuyết, nghĩ tới đây, thật thấy lạnh lòng. Thần xin điện hạ cho nghỉ một tháng, để đến vùng Hùng Châu, Hùng Nhĩ, tìm thi hài Bá Đương, Lý Mật, để an hồn nơi chín suối, cũng là để an ủi người sống, tỏ ơn trời bể của điện hạ vậy. 
Tần Vương đáp: 
- Ta cùng tiên sinh ngày đêm đàm luận, nay há vì bọn thất phu này mà đến nỗi xa lìa sao? 
Ngụy Trưng thưa: 
- Thực không phải thế, thần báo ơn điện hạ còn dài, báo Ngụy Công thì chỉ còn có việc này. Nhớ xưa Hán Cao Tổ cùng Hạng Vũ đánh nhau hàng mấy năm. Hạng Vũ một sớm tự vẫn ở Ô Giang, Hán Cao Tổ lấy lễ vương mà táng Hạng Vũ, đến nỗi chư hầu cảm đức ấy. Xin điện hạ đừng theo pháp độ của nhà Tần, mà hãy theo gương Nghiêu Thuấn. Huống chi phép nước này đã sáng tỏ, tướng sĩ nhà Ngụy đang trông chờ, chưa dám nhất quyết, điện hạ nên tâu với triều đình, tha tội cho quyến thuộc, bỏ những thù hận cũ. Như thế không những binh lính nhà Ngụy tin phục theo về, cả bọn nhà Hạ, nhà Trịnh cũng theo đó mà quy phục. Thần đi chuyến này, chẳng riêng gì thu xếp cho Ngụy Công, mà còn là bày kế sách xây dựng nhà Đường, xin điện hạ xét cho. 
Tần Vương đáp: 
- Khanh hãy thư thả, để ta nghĩ kỹ. 
Ngày hôm sau, Tần Vương đem lời Ngụy Trưng tâu với vua Đường, vua Đường khen hay, lập tức phát một đạo sắc: 
"Nay ban sắc xá tội: 
Phàm Lý Mật, Vương Bá Đương gia quyến, cùng những kẻ tướng sĩ lính tráng nhà Ngụy trốn chạy, đều được tha tội, cho tùy ý ăn ở, các quan địa phương thôi không được bắt bớ. Hãy kính nghe theo, không được sai sót. “ 
Sau khi vua Đường ban sắc này, Ngụy Trưng liền từ biệt Tần Vương, lên đường đi Hùng Châu. 

*** 

Lại nói chuyện Từ Mậu Công ở Lê Dương, nghe tin Lý Mật thua trận, kéo tướng sĩ hàng nhà Đường, đoán rằng Ngụy Công có thờ nhà Đường cũng khó mà chung thủy, tất dẫn đến chuyện đổ nát, vẫn cố giữ lấy Lê Dương, chờ Thúc Bảo về, cùng nhau bàn luận. Mấy tháng sau, Thúc Bảo cùng Sĩ Tín đánh thắng Tiêu Tiên trở về, đi qua Lê Dương, Mậu Công đã sai người ra đón. Thúc Bảo cùng Sĩ Tín vào thành gặp mặt. Mậu Công kể lại tỉ mỉ đuôi đầu câu chuyện Lý Mật, Thúc Bảo dậm chân mà than: 
- Ngụy Công tự mãn đến tối mắt, không thể trách móc ai được! Thật đáng tiếc! 
Mậu Công nói: 
- Ngụy Công cậy mình tài cao, kẻ dưới có nói chẳng bao giờ nghe, sắp tới sẽ còn nhiều thay đổi. Nay đại huynh định về đâu? 
Thúc Bảo đáp: 
- Mẫu thân mấy tháng nay chẳng nghe thấy tin tức gì, nay quay về Ngõa Cương đã. 
Mậu Công vội vàng: 
- Tiểu đệ quên mất, đại huynh vẫn chưa biết sao, bá mẫu cùng lệnh tẩu, lệnh lang đều đã bị Tần Vương lừa đưa về Trường An rồi! 
Thúc Bảo biến sắc: 
- Sao lại có chuyện thế được? 
Mậu Công nói: 
- Liên Cự Chân cũng có đưa đi, đại huynh về hỏi Cự Chân thì biết rõ ràng. 
Thúc Bảo nói với Sĩ Tín: 
- Hiền đệ, hiền đệ hãy đem binh mà đóng lại đây, để ta về Ngõa Cương xem sao. 
Rồi cùng ba bốn tiểu hiệu lên đường đi Ngõa Cương. Vưu Thông, Cự Chân ra đón. Thúc Bảo hỏi: 
- Tần Vương sao lại lừa đem gia quyến tiểu đệ về Trường An? 
Cự Chân đáp: 
- Tần đại huynh hãy khoan hỏi tiểu đệ, mà cứ xem thư đây của Tần mẫu gửi, rồi ta sẽ nói chuyện thêm. 
Cự Chân vào bên trong lấy thư. Vưu Thông đem chuyện Từ Huệ Phi giả đóng người nhà La Nghệ, để lừa Tần mầu thế nào kể lại một lượt Cự Chân đem thư ra đưa cho Thúc Bảo. Trước tiên xem bên ngoài, thấy đề "Tần Quỳnh con mở xem", Thúc Bảo nhận rõ nét bút của mẫu thân, bất giác lệ ứa hai hàng, rồi vội xem từ đầu chí cuối, mới đỡ sụt sùi. Sau đó xem thư của Lưu Văn Tĩnh, rồi hỏi Cự Chân: 
- Hiền huynh ở lại Trường An mấy ngày? 
Cự Chân đáp: 
- Tiểu đệ ở lại khoảng bốn năm ngày. Chỉ một ngày sau, Tần Vương đã sai người tới tận nơi thăm hỏi, cha con Từ Huệ Phi cũng sai cung nữ đưa thức ăn vật dùng tới. Tiểu đệ sắp lên đường, bá mẫu mấy lần dặn dò, trở về Kim Dung thành thì thu thập các thứ mà quy Đường, lúc ấy Ngụy Công chưa đi. Nay thì Ngụy Công đã là bề tôi nhà Đường. Đại huynh có thể về ngay Trường An. 
Vưu Thông lại kể thêm, Huệ Phi đem bao lễ vật, hiện còn giữ, rồi lấy ra đưa lại Thúc Bảo. 
Thúc Bảo hỏi tiếp: 
- Giảo Kim hiện nay ở đâu? 
Cự Chân đáp: 
- Giảo Kim lúc đầu không chịu theo Ngụy Công quy Đường, về Ngõa Cương tìm mẫu thân, khi biết chuyện cũng liều về Trường An rồi! 
Thúc Bảo nghĩ ngợi: "Nếu Ngụy Công chưa cùng các tướng quy Đường, ta vì mẫu thân mà về Trường An, chẳng ai nói được. Nhưng nay Ngụy Công cũng đang ở Trường An, ta về nữa, vua Đường tất sẽ đối xử với ta tốt hơn, gia ân cho ta nhiều hơn, hoặc nếu coi ta như Ngụy Công đi nữa, thì Tần Vương sẽ thấy trong lòng không yên. Còn nếu ta coi như thượng khanh, Ngụy Công sẽ nghĩ rằng ta có lòng quy Đường từ trước, cho nên Tần Vương mới lừa mẫu thân ta về Trường An. Chuyện bây giờ càng thêm rắc rối, chi bằng hãy đến Lê Dương, bàn với Mậu Công, xem Mậu Công định liệu ra sao". Rồi vội vàng từ giã Vưu Thông, Cự Chân, gặp Mậu Công cùng Sĩ Tín, kể lại mọi chuyện. Mậu Công nói: 
- Hiện nay bá mẫu đang ở Trường An, vì việc này thì đại huynh nên về ngay. Nhưng nhìn thế thời hiện nay, thì lại không nên. Ngụy Công quy Đường, quyết không thể lâu, bề tôi Ngụy Công ở đó cũng chẳng thể nào yên ổn. Nay Tần Vương đã trở về, thế nào cũng có chuyện, hãy cứ đợi mọi chuyện kết cục ra sao, đại huynh hãy định liệu mới vẹn toàn. 

Thúc Bảo nghe xong, thấy thật sáng suốt, liền viết ngay thư gửi cho mẫu thân, thêm một thư nữa trả lời Lưu Văn Tĩnh, rồi sai Sĩ Tín đem theo hai ba gia đồng, lặng lẽ về Trường An an ủi mẫu thân. 
Sáng hôm sau, Sĩ Tín thu thập hành trang, sai gia đồng xếp buộc chu đáo, rồi từ biệt Mậu Công lên đường. Thúc Bảo cũng lên ngựa, theo dặn dò kỹ càng mãi tới hai ba dặm môi quay trở lại, về đến dinh, nói với Mậu Công: 
- Đơn nhị ca ở chỗ Thế Sung, cũng chẳng thể yên ổn, làm sao bây giờ. Tiểu đệ cùng Đơn nhị ca thề đồng sinh tử, nay mỗi người theo mỗi chủ, liệu có phải là bội ước không? 
Mậu Công đáp: 
- Tiểu đệ cũng vậy mà thôi, nhưng nghĩ cũng không xong. Đơn nhị ca tuy thân thiết với bốn biển anh hùng, nhưng lại không hiểu thời thế, vững mà không uyển chuyển, thẳng mà lại hay nhún nhường quá đáng, nói chung là chưa đủ kinh quyền để hành động. Lại thêm có thù vua Đường giết anh thuở xưa, đêm ngày giữ kín trong lòng, nếu không có cái lưỡi của Tô, Trương (1) thì khó mà lay chuyển được chí hướng. Nay chúng ta làm chuyến này, thì cũng chẳng khác gì đàn bà đi bước nữa, nếu mà còn lầm lỡ thì thật cùng đường. 
1 Tô Tần và Trương Nghi là hai thuyết khách nổi tiếng nhất thời chiến quốc. Tô Tần vi tài thuyết khách mà được đeo ấn tể tướng sáu nước. Trương Nghi tài uốn ba tấc lưỡi mà làm cho các nước bỏ thuyết "hợp tung” mà theo thuyết "liên hoành". 

Thúc Bảo gật đầu khen phải, nhưng cũng vẫn muốn tự mình lẻn đi thăm Hùng Tín một chuyến xem sao, nhưng lại sợ Hùng Tín giữ lại thoát thân chẳng được, rồi lại thân một nơi, lòng một nơi nên lại vẫn nấn ná ở Lê Dương. 
Cũng may Nhuận Phủ tới kịp, Tần, Từ hai người kinh ngạc hỏi: 
- Ngụy Công quy Đường ra sao? 
Nhuận Phủ đáp: 
- Chuyện chẳng muốn nói nữa! 
Rồi đem chuyện vua Đường phong tước, gả em cho thế nào kể lại: 
- Rồi sau đó bỏ công chúa trốn đi. Do các cửa quan, bến đò tuần xét nghiêm ngặt, Ngụy Công cho tiểu đệ cùng với Quân Ngạn đi Lê Dương, còn lại đi Doãn Châu. Quân Ngạn gặp Liễu Chu Thần, nên lại chia theo đường mòn mà đi. Trên đường tiểu đệ có gặp tổng quản nhà Đơn nhị ca là Đơn Toàn, Đơn Toàn có nói Đơn viên ngoại muốn gặp tiểu đệ một lần, tiểu đệ phải đến ngay cho. Nên lại phải đi một chuyến xem sao, khuyên mọi người cùng về một nơi cũng tốt. Ngụy Công có cho người tới hỏi, xin nói như thế cho. 
Tần, Từ, hai người đều đáp: 
- Chúng tôi ở đây cũng đang bàn về Hùng Tín, hiền huynh đi rồi, ai nấy cũng yên lòng. 
Sáng ngày ra, Nhuận Phủ lên đường. 
Thúc Bảo nhân trong lòng phiền muộn, kéo Mậu Công ra ngoài thành đi săn, bỗng thấy một đội người ngựa đều khoác trang phục màu trắng đi tới. Thúc Bảo nhìn kỹ nhận ra Ngụy Trưng, liền nói với Mậu Công ngay: 
- Từ hiền huynh! Ngụy Huyền Thành tới! 
Ai nấy xuống ngựa, chào ngay trên mặt cỏ. Thúc Bảo cầm tay, vội hỏi Ngụy Trưng: 
- Đại huynh sao lại ăn mặc thế này? 
Ngụy Trưng đáp: 
- Chư huynh còn chưa biết hay sao, Ngụy Công cùng Bá Đương đã thành người thiên cổ rồi! 
Thúc Bảo nghe thế, khóc rống kêu trời. Mậu Công nước mắt tuôn như suối. Thúc Bảo cố nén hỏi Ngụy Trưng: 
- Ngụy Công cùng Bá Đương mất ở đâu? 
Ngụy Trưng cau mày đáp: 
- Một lời không hết! 
Mậu Công giục: 
- Bãi hoang không phải là nơi nói chuyện lâu, xin mau mau về dinh. 
Mọi người lên ngựa vào thành, về đến nơi, cũng vừa dịp Vương Bộ cùng ba bốn tướng khác đến hỏi tin tức, Mậu Công dẫn tất cả vào thư phòng ngồi đâu đấy. Ngụy Trưng đem chuyện Ngụy Công về Trường An thế nào, bỏ trốn đi Hùng Châu ra sao, chết trong rừng thế nào, kể tỉ mỉ một lượt, Thúc Bảo lớn tiếng than: 
- Không ra ngoài sự trù liệu của Mậu Công, nhưng nay sao đại huynh đến đây? 
Ngụy Trưng đáp: 
- Tiểu đệ lâu nay ở Tây phủ của Tần Vương, mới nghe tin này, lòng như dao cắt, nên xin Tần Vương cho nghỉ một tháng, đi tìm thi thể Ngụy Công cùng Bá Đương. Tần Vương bằng lòng, nên cùng sai tiểu đệ đi mời chư huynh luôn, lại tâu với phụ hoàng, mong phụ hoàng gia ân. Chỉ sợ dọc đường bị ngăn trở, ban cho tiểu đệ sắc chỉ nói rõ, phàm bề tôi của nhà Ngụy, đều chiêu dụ về, tùy sức, tùy tài mà dùng. 
Nói rồi, lấy trong tráp ra sắc chỉ của vua Đường, đưa cho Thúc Bảo, Mậu Công xem. Mậu Công xem xong, nói: 
- Chúng ta có về hay không về, chuyện hãy khoan bàn. Chỉ xin hỏi đại huynh đã tới Hùng Châu tìm thi thể họ Lý, họ Vương chưa? 
Ngụy Trưng đáp: 
- Tiểu đệ đã tới Hùng Châu, ở đấy núi cao ngất, vách dựng như tường, bên phải thì rừng cây rậm rạp, bên trái thì khe sâu, đường đi ở giữa chỉ vừa hai ngựa. Tiểu đệ đã tìm khắp, chẳng thấy tăm hơi, đành phải thăm dò quanh vùng, may gặp một am vắng, trong am có một nhà sư già, tiểu đệ gõ cửa, một người trong am nhận ra tiểu đệ. Đó là một gia đình chuyên theo hầu Ngụy Công, tuổi cũng đã ngoài năm mươi, cùng gặp nạn đó, nhưng nhờ trời thoát chết, vào tu luôn trong am, biết rõ chỗ mai táng hai vị Lý, Vương, nên dẫn tiểu đệ ra nhận, chỉ là một nấm đất nhỏ, liền nhờ thổ nhân khai quật. Thật đáng thương, thi thể đã nát như bùn, chẳng một tấc giáp trụ, dấu tên khắp người, áo bào vết máu loang lổ. Anh hùng đến thế, nghĩ cũng chua xót. Tiểu đệ mua ngay hai cỗ áo quan vội vàng khâm liệm, nhờ quàn tạm trong am, chờ gặp chư huynh, rồi sẽ làm tang lễ chu đáo. Nhưng còn hai thủ cấp, vẫn còn treo ở Trường An, nghiêm canh không cho người lấy trộm. Tiểu đệ lúc ấy đã định thỉnh cầu, nhưng thấy vua Đường rất giận dữ, sợ lại không cho tiểu đệ đi nữa kia, cho nên không dám xin thủ cấp. Phải nghĩ cách làm sao lấy được về Hùng Châu để làm lễ mai táng luôn! 
Mậu Công nói: 
- Việc này tiểu đệ xin nhận. Nhưng bây giờ anh em chúng ta dẫu không nghĩ đến chuyện làm lại sự nghiệp, đều đến cảo táng cho Ngụy Công, cũng là để toại nguyện tấc lòng. Sau đó, còn chí khí, giờ ngoài Tần Vương cũng chẳng còn ai khác. Thôi thì cũng đành phải đi vậy thôi, chẳng khác gì chim hết đường phải bay về rừng, vẫy đuôi xin thương, dẫu làm tôi nhà Đường, hay làm tôi nhà Ngụy, thì cũng lạy lục như thế cả, đều là phường cỏ lác cả thôi! 
Thúc Bảo cùng mọi người đồng thanh: 
- Quân sư nói đúng lắm! 
Mậu Công tiếp: 
- Tiểu đệ ngay đêm nay sắp sẵn, ngày mai dậy sớm đi Trường An. Còn anh em ở Ngõa Cương thì hãy đừng tiết lộ việc này vội. Tại sao vậy, bởi ta đi chuyến này, chẳng biết họa phúc ra sao, hãy cứ giữ lấy chỗ ngồi đó, làm nơi trú thân nho nhỏ đã. Thứ nữa là còn gia quyến của Đơn viên ngoại ở trên trại, viên ngoại thì quyết chẳng quy Đường đâu. Đợi đến bao giờ chúng ta có nơi chốn hẳn hoi, rồi đưa gia quyến viên ngoại về chỗ Vương Thế Sung cũng chưa muộn. 
Thúc Bảo hỏi: 
- Còn đất Lê Dương này thì sao? 
Mậu Công đáp: 
- Đất này trước mặt thì có Thế Sung, phía sau là Kiến Đức, Ngụy Công thì đã mất rồi, chỗ mũi tên hòn dạn này chẳng giữ được lâu. Nay hãy phiền phó tướng quân Vương Bộ, đợi chúng ta đi rồi, mở kho tàng chia cho dân nghèo, của cải thì cấp cho tướng sĩ, quân lính, phần thì làm quần áo, cờ hiệu, đều dùng màu tang trắng, hạn ngày nào đó kéo ba nghìn người ngựa, đến Hùng Châu dự tang lễ Ngụy Công. Cũng là để thấy hết được lòng trung nghĩa của bậc thần tử vậy! 
Mọi người lại đồng thanh: 
- Quân sư phân xử phải lắm! 
Sáng mai ra, Mậu Công lên đường, còn dặn Thúc Bảo, Ngụy Trưng: 
- Chư huynh mau chóng xếp đặt, thay y phục, cờ hiệu, đến ngay Hùng Châu, tiểu đệ xin đi trước. 
Lại cùng ba bốn gia đồng, theo hướng Trường An lên đường. 
Thúc Bảo ngày đêm sai quân sĩ làm đủ mọi việc, mấy ngày sau để Vương Bộ cùng quân sĩ đi trước, rồi cũng cùng Ngụy Trưng theo sau đi về Hùng Châu. 
Chính là: 
Sống luôn nhớ nghĩa bạn 
Chết nào quên trung vua. 

*** 

Lại nói chuyện Mậu Công rời khỏi Lê Dương, đi suốt ngày đêm đến Trường An, vào thành tìm quán trọ, ăn mặc kiểu thư sinh, gọi gia đồng đi theo, đến phố Thập Tự, thấy cây cột dựng cao, treo hai cái hộp đựng đầu lâu, lòng như dao cắt, ngửa mặt nhìn, lạy bốn lạy, rồi ôm lấy cột mà khóc rống, làm kinh động cả lũ quân canh, bốn phía vây lại, nhất tề lôi vào triều nội. 

Lúc này bởi Lưu Vũ Chung ở Định Dương dám xưng hoàng đế, sai đại tướng là Tống Kim Cương dẫn hai vạn người ngựa, sai tướng tiên phong là Uất Trì Kính Đức, kéo thẳng đến Tinh Châu. Đất Tinh Châu của Thái Nguyên vốn thuộc quyền của lưu thú Tế Vương Lý Nguyên Cát, tướng Uất Trì Kính Đức hạ thủ luôn mất hai chục viên mãnh tướng, ngày đêm sai người đi Trường An xin cứu viện Vua Đường sai Bùi Tịch dẫn một vạn quân kéo lên Thái Nguyên trợ ứng. 

Hôm ấy, chính là lúc Tần Vương đang ở giáo trường, thao luyện người ngựa, còn vua Đường thấy kêu có người ôm cột mà khóc thì mặt rồng giận dữ, quát trói ngay giải vào triều, quân hiệu vội dẫn vào quỳ dưới thềm rồng. Vua Đường quát: 
- Thủ hạ của Lý Mật tên là gì? To gan lớn mật bất tuân hiệu lệnh, dám ôm cột mà khóc, nếu không khai thực, chém đầu tức thì! 
Mậu Công cao giọng thưa luôn một hồi: 
- Bậc tiên vương xưa kia, thương kẻ chết mà không nỡ để lộ thây xác, lòng nhân thấm đến cả xương khô. Vương Kinh thời Đông Tấn chết, Hướng Hùng khóc ở chợ Đông, về sau Hướng Hùng còn mai táng cho cả Chung Hội, mà Văn Đế nào có làm tội. Đổng Trác bị tru di, Sái Ung đến phục bên thây mà khóc, Ngụy Tổ nghe theo lời dèm pha mà làm tội, đến nỗi vận nước thẳng được bao lâu. Những người này, nào ai cần kể gì đến công tội lúc sống, rồi mới lo chuyện tống táng đâu? Nay Lý Mật cùng Vương Bá Đương, vương pháp đã hiện, thế cũng đủ. Thần vì cảm nghĩa quân thần, ngửa trông mà khóc viếng, xin bệ hạ là bậc Nghiêu Thuấn, cũng nên thứ cho. Nhược bằng bệ hạ thù đến cả đấng xương khô mà gia tội hạ thần, thì rồi liệu những bậc hiền giả, còn ai dám theo về chăng? 
Vua Đường nghe nổi thế, mặt rồng đổi khác, phán rằng 
- Ngươi họ tên là gì? 
Mậu Công thưa: 
- Thần họ Từ, tên là Thế Tích! 
Vua Đường cười: 
- Thì ra là ân nhân của Thế Dân, sao khanh không nói sớm, trẫm ở đây ngày đêm nhớ tới các khanh. Mời khanh đứng dậy, thay áo mũ rồi vào triều kiến! 
Liền truyền lệnh cho tuyên vệ sứ hạ thủ cấp họ Lý họ Vương xuống. Mậu Công vẫn mặc y phục thư sinh như cũ, phủ phục trước đan trì. Vua Đường giục lấy áo mũ ban cho. Mậu Công thưa: 
- Vua ban ơn lớn cho kẻ hạ thần, thì hạ thần cũng thờ vua như bậc thánh nhân. Chẳng khi nào có kẻ thờ Ngụy không trung, mà lại thờ Đường thì trung vậy. Nay thi thể Ngụy Công còn ở hai nơi thần thấy thực đau lòng, những mong ơn vua rộng lớn, xin bệ hạ ban cho thần hai thủ cấp, thần đem đi làm tang lễ. Như thế thì không riêng gì Thế Tích này cảm ân đức của bệ hạ mà chư tướng nhà Ngụy cùng đều vui mừng, vì trời Nghiêu đất Thuấn mà thờ bệ hạ hết lòng vậy. 
Đường Đế cả mừng, lệnh cho trung thư viết ngay sắc chỉ, giữ nguyên quan tước cho Lý Mật, theo đúng lễ mà làm tang, lại nói với Mậu Công: 
- Thế Dân trông ngóng khanh đã lâu, hãy mau quay về Trường An. 
Mậu Công tạ ơn ra khỏi cung điện, lĩnh hai thủ cấp, dùng hai hòm gỗ đóng chặt lại, chở trên xe, ngay đêm ấy ra khỏi Trường An về Hùng Châu. Mấy ngày sau, Ngụy Trưng cũng về Trường An phục mệnh, tâu rằng: 
- Ba nghìn binh mã ở Lê Dương, phó tướng Vương Bộ đã dẫn đến Hùng Châu cả, Tần Quỳnh cũng đã tới đó, chờ làm tang lễ. Nay thần về phục mệnh, rồi lại quay ra cùng mọi người lo liệu chu tất, sau đó xin về thờ bệ hạ. 
Vua Đường bằng lòng. La Sĩ Tín lúc này đã tới Trường An, gặp Tần mẫu, biết Thúc Bảo đã đi Hùng Châu, cũng ra khỏi Trường An luôn. 

*** 

Lại nói chuyện Giảo Kim từ biệt Tần Vương, đi mấy ngày, không ngờ giữa đường bị trúng gió lạnh, bệnh tình kéo đến, phải nửa tháng sau mới khỏi, trước tiên sai hai kẻ tâm phúc đi báo trước cho bộ hạ của mình, rồi về Ngõa Cương. Giữa đường gặp Giả Nhuận Phủ, đem theo gia quyến cùng mấy tay chân, Giảo Kim thì nói Ngụy Công còn ở Trường An, nghĩ rằng định đem gia quyến cùng về Trường An nên vội vàng xuống ngựa gặp gỡ. Nhuận Phủ vội sai dừng xe, hỏi Giảo Kim: 
- Trên đường có nghe tin tức gì của Ngụy Công chăng Trình hiền đệ? 
Giảo Kim đáp: 
- Chẳng nghe tin gì cả! 
Nhuận Phủ tiếp: 
- Nghe Ngụy Công cùng Bá Đương ngộ nạn ở Hùng Châu. Lính tráng nói Thúc Bảo cùng Mậu Công với các tướng đều đã tới Hùng Châu làm tang lễ Ngụy Công. 
Giảo Kim nghe xong, bất giác nước mắt nhỏ ướt cả áo đi đường: 
- Ngụy Công gần đây tính tình hôn ám, tự chuốc lấy bại vong. Nhưng nếu được mọi người can gián ít nhiều khi lâm sự, thì có lẽ cũng không đến nỗi mất mạng. 
Nhuận Phủ lại đáp: 
- Lại nói đến chuyện ấy làm gì. Đêm ấy ở hình phủ sắp xếp, tiểu đệ đã biết chuyến này đi không yên, hai ba lần khuyên giải. Ngụy Công cho rằng tiểu đệ thay lòng đổi dạ, mặt mày biến sắc, còn định giết cả tiểu đệ, may mà có Bá Đương cản lại. 
Giảo Kim hỏi: 
- Hiền huynh đã gặp Thúc Bảo và Mậu Công chưa? 
Nhuận Phủ đáp: 
- Tiểu đệ đã từng tới Lê Dương gặp rồi, vì Đơn viên ngoại muốn gặp nên tiểu đệ tới ngay Đông Đô, khuyên Viên ngoại quy Đường, nhưng Viên ngoại không nghe, dặn tiểu đệ đem gia quyến cùng tổng quản Đơn Toàn đưa về Thế Sung. Làm xong chuyện này thì mới yên tâm được! 
Giảo Kim lại hỏi: 
- Rồi hiền huynh sẽ đi đâu? 
Nhuận Phủ đáp: 
- Tiểu đệ thờ Ngụy chẳng xong, còn lòng nào nữa nghĩ tới chuyện gì khác, chi bằng tìm cảnh sơn thủy nào đó, sống cho nết đời, theo dõi bạn bè thả sức ra sao. Nhờ hiền huynh nói lại với bạn bè, đừng nghĩ gì đến tiểu đệ nữa! 

Rồi chắp tay chào, lên ngựa ra đi. Giảo Kim lên đường, lòng thầm nghĩ: "Trượng phu ở đời, tấm thân bẩy thước, chẳng trung thì hiếu, phải làm rạng mặt mày. Ta một đời ơn người tri kỷ, chẳng ai bằng Vưu viên ngoại, chẳng có người này, thì mình vẫn còn ở Ban Cưu điếm đốn củi. Nay viên ngoại đang bị ràng buộc ở Ngõa Cương, chưa mở mặt mày, nay nhân gặp hoàng đế anh minh, hãy kéo viên ngoại ra làm quan mấy năm, cũng là để báo đáp viên ngoại ít nhiều vậy Tính toán như vậy rồi, bèn về Ngõa Cương nói rõ cho Vưu Thông, Liên Cự Chân, Vương Đương Nhân, là Ngụy Công cùng Bá Đương đã mất. Vương Nương nương cùng Vương phu nhân (l) nghe ra, khóc rống một lượt. Giảo Kim nói chuyện người thu thập của cải, lương thực, cùng với lính tráng, có hơn nghìn người, nhất tề lên đường. 

Đi được năm sáu ngày, đến Độc Dương Lĩnh, thấy một toán người ngựa xông ra. Cự Chân kinh ngạc, vội sai người lại sau báo cho Giảo Kim. Giảo Kim phi ngựa như bay lên trước, trông thấy cờ hiệu biết ngay đó là quân bản bộ của mình, khoảng hơn hai nghìn người ngựa, hiện đang đóng chờ tại đó. Giảo Kim vốn thẳng tính, lại hào phóng rất được lòng quân sĩ, dạo trước lúc thua Thế Sung, Giảo Kim thu thập người ngựa, đóng ngay tại Độc Dương này, để xem Ngụy 

Công về Đường ra sao đã, rồi sẽ quay lại đây tính chuyện cho riêng mình. Nay thân mình đã đem thờ nhà Đường, nên cũng không đem số người ngựa này theo, vì vậy nói với quân lính: 
- Các ngươi hãy làm tiền dội, kéo tới Hùng Châu. 
Rồi nói với Cự Chân: 
- Đây chính là quân bản bộ của tiểu đệ, chẳng có điều gì đáng ngại, mau cùng nhau nhập bọn. 
1 Vương Nương nương: Tức Vương Tuyết Nhi, vợ trước của Ngụy Công. Vương phu nhân: Vợ Vương Bá Đương họ Bùi. 

Chưa đầy nửa tháng, đã tới Hùng Châu, cả Tổ Quân Ngạn, Liễu Chu Thần cũng đã tới, cùng với rất nhiều quân sĩ mặc áo tang trắng. 
Mậu Công, Thúc Bảo ra đón, thấy Vưu Thông, Cự Chân. Mậu Công mừng rỡ: 
- Không phải là chúng tôi không định báo cho anh em ở trên Ngõa Cương, nhưng vì chưa rõ họa phúc ra sao, nên không dám báo trước. 
Giảo Kim đáp: 
- Ngay cả tiểu đệ cũng không biết, may giữa dường gặp Nhuận Phủ đưa gia quyến Đơn viên ngoại trở về, mới nói cho hay. 
Thúc Bảo nói: 
- Gia quyến Đơn nhị ca, Nhuận Phủ đã đưa đón xong xuôi, thế thì hay lắm, hay lắm! Nhưng còn Nhuận Phủ đâu không thấy? 
Giảo Kim đáp: 
- Nhuận Phủ không muốn lại thờ người khác, nên đem theo gia quyến, tìm thú vui sơn thủy rồi. Hiện nay chỉ có gia quyến Ngụy Công cùng Bá Đương, tiểu đệ đều đưa tới đây, không biết quân sư định liệu ý ra sao? 
Mậu Công mừng nói: 
- Họ Lý họ Vương thật linh thiêng, may có cả gia quyến tới đây lại chưa an táng, thật đều là công lao của hiền đệ vậy. Cạnh mộ có ba gian lán nhỏ, cũng kín đáo, đại huynh Thúc Bảo dẫn hộ cả hai gia quyến ra đó chờ làm tang lễ. 


Giảo Kim cùng Vưu Thông đứng dậy, nhìn chung quanh, thì thấy một bãi dưới chân núi bằng phẳng, phía sau là dải núi đất cao cao, xung quanh là những núi đá lởm chởm, trước mặt dựng tạm năm gian nhà lá, hiên giữa kê một tấm lá lớn, ngay cạnh hai huyệt, trên huyệt kê hai quan tài, chỗ làm lễ thông ngay với thảo đường là một loạt tượng ngựa đá, người đá mới làm, trông như người thật. Xung quanh là cổ thụ xanh rờn, phía ngoài có phướn rợp trời, bia đá dựng cao, cờ lau trắng xóa, không tài nào đếm nổi. 
Vưu Thông thấy thế, than rằng: 
- Tần huynh, Từ huynh không biết tới đây từ bao giờ, mà đã làm cho được phần mộ thế này, cũng không hổ Ngụy Công nửa đời giao kết với bậc anh hùng. 

Rồi cùng Cự Chân dẫn hậu quân tới, nói cho gia quyến họ Lý, họ Vương thay tang phục, Ngụy Trưng, Mậu Công, Thúc Bảo dẫn tướng sĩ tiến vào trước mộ phần. Vương Nương nương, Vương phu nhân ôm lấy quan tài, cất tiếng ai oán, phía ngoài là Đương Nhân, hai tay hai linh sàng mà gào lớn, các tướng cũng đều sụt sùi, sa nước mắt. Chính trong lúc thương cảm như thế, lại thấy nói vua Đường thân gửi ngự tế, Tần Vương cũng tới dự tang lễ, ai nấy đều vui mừng. 

Mậu Công làm chấp sự, Ngụy Trưng, Thúc Bảo lo tiếp các mưu sĩ, Giảo Kim, Đương Nhân, thì tiếp các gia tướng Tây phủ, Vưu Thông, Cự Chân lo việc nghi lễ, đội ngũ. Vương Bộ, Liễu Chu Thần lo việc khao thưởng sĩ tốt nhà Đường. Mậu Công lại dặn các tướng sĩ phải lo tang phục, vũ khí cho nghiêm trang, cờ hiệu chỉnh tề, cứ năm dặm làm thành một doanh, mười dặm làm thành một đình. Theo thứ tự xếp đâu vào đấy lại lấy hai mươi kỵ mã, tuần thám xung quanh đêm ngày. 

Mấy ngày sau, Tần Vương đến Hùng Châu, nghe ba tiếng pháo lớn, bốn năm trăm giáp sĩ mặc tang phục ra đón, hai tay chắp giơ cao, quì sát đất mà bẩm: 
- Lũ chúng tôi phận cỏ rơm, xin ra nghênh tiếp thiên tuế! 
Đi được khoảng bốn dặm, lại một đội tướng sĩ, sau tiếng pháo nổ, lại quỳ xuống đón, cứ thế năm sáu lần. Tần Vương ngồi trong kiệu vàng, thấy binh sĩ khôi giáp sáng loáng, cờ quạt nghiêm trang, trong lòng thầm nghĩ: "Tướng soái nhà Ngụy bộ dạng thế này, thật biết lễ, hiểu nghĩa. Lý Mật không nên sự nghiệp, thật đáng tiếc?" 
Kiệu đi chầm chậm, cách Hùng Nhĩ vài dặm nữa, nghe ba tiếng pháo thật lớn, trống chiêng rầm trời. Mậu Công, Ngụy Trưng, Thúc Bảo dẫn tất cả các tướng sĩ, nghiêm chỉnh cúi đầu, đến gần kiệu vàng, cả bọn quì lạy. Tần Vương thấy vậy, vội vàng đứng dậy, lớn tiếng đáp: 
- Chư vị tiên sinh xin đứng dậy cho! 
Chờ cho kiệu đi qua, cả bọn nối theo, tiếng nhạc dẫn đường, hàng hàng đội dội, tới cửa mộ. Lại ba tiếng pháo lớn, Tần Vương đừng kiệu, chấp lễ dẫn Tần Vương vào ba gian chăng đầy lụa gấm, ngồi trên sàn cao phủ gấm. Tần Vương hỏi Từ Nghĩa Phù: 
- Đã đặt lễ ngự tế của triều đình chưa? 
Nghĩa Phù thưa: 
- Thưa đã đặt rồi! 
Tần Vương lập tức đứng dậy thay áo, mặc áo bào trắng có thêu rồng vàng, lưng thắt đai có gắn ngọc Lam Điền xanh, Mậu Công vội ra trước, hướng Tần Vương bái tạ, Tần Vương không nghe vẫn đòi ra đứng tế, bọn mưu sĩ, gia tướng đứng tiếp phía sau, các tướng sĩ của nhà Ngụy nghiêm trang quỳ xuống. Vào đến bái đình, Tần Vương đứng thẳng, đưa mắt nhìn, thấy mộ bên phải có bài vị chữ vàng viết: 
"Đường cố Quang lộc Khanh, Thượng trụ quốc phò mã, Hình Quốc Công, Lý húy Mật chi vị". 
Bên trái là một bài vị khác, trên viết: 
"Đường cố Tả vệ đại tướng quân, Vương húy Dũng chi vị". 
Ở bên phải là Mậu Công, Ngụy Trưng, Thúc Bảo, Giảo Kim, mặc áo thôi, mũ gai, đai gai đứng lạy trả lễ. Bên trái là Đương Nhân, nâng con trai Lý Mật, khoảng ba bốn tuổi mang tên Khải Vân, cũng mặc áo thôi, mũ gai, đai gai, quỳ sát đất. Quanh mộ tiếng khóc dậy trời, âm dương hòa lễ, Tần Vương dẫn tế, cũng có khóc. Nhớ tới thuở trước Lý Mật ở Kim Dung thành, oai phong ra sao, uy vũ thế nào, tất cả đều chẳng còn gì, kết cục thế này, huyệt mộ còn đó, chẳng đầy ba thước, khắp chỗ kêu khóc thảm thiết. Tần Vương dẫu anh hùng, thấy tình cảnh này, dẫu không muốn cũng khôn ngăn dòng lệ. Mọi người thấy Tần Vương như thế, lại càng gào khóc, cả lính cũng vậy. 
Tần Vương tế xong lên kiệu, vào trong nhà khách thay y phục. Mậu Công cùng con trai Lý Mật, với các tướng sĩ cùng quỳ lạy tạ ơn. 
Tần Vương đỡ Mậu Công dậy phán: 
- Chư tiên sinh hãy thu xếp cho xong, mau trở về Trường An, để thỏa lòng mong của triều đình. 
Mậu Công thưa: 
- Chúng thần không dám lần lữa, chỉ trong vòng mấy ngày nữa, sẽ xin dẫn chư tướng về yết kiến thánh thượng! 
Nói rồi quay về mộ, gặp văn vũ liêu thuộc Tây phủ, lạy chào cảm tạ. Tần Vương lên đường, tướng sĩ Ngụy đưa tiễn hơn mười dặm mới quay trở lại. Ngoài việc tế lễ, Tần Vương còn khao thưởng các tướng sĩ năm nghìn lạng bạc, lính tráng mừng rỡ hò hét vang dậy. 
Mậu Công liền sai thư ký, viết ngay hai đạo tạ biểu, sai Liễu Chu Thần theo Tần Vương đi Trường An dâng trước. Rồi chọn ngày chôn cất linh cữu, mọi chuyện xong xuôi, chuẩn bị lên đường. 
Vương Nương nương, cùng Vương phu nhân, xin được giữ mộ, không chịu đi theo, bọn Mậu Công không biết làm thế nào, chỉ đành sai ba bốn chục tên lính tin cậy canh giữ cạnh bên, rồi tìm cách liệu lo sau. Tất cả thống lãnh quân sĩ, lần lượt lên đường. 
Về đến Trường An, trước tiên vào Tây phủ, yết kiến Tần Vương. Tần Vương dẫn cả bọn sang triều kiến vua Đường. Mậu Công dâng tên tuổi quân sĩ lên. Vua Đường xem xong, cả mừng, lập tức phong cho Từ Thế Tích làm Tả vũ vệ đại tướng quân, Tần Quỳnh làm Hữu vệ đại tướng quân, La Sĩ Tín làm Mã quân tổng quản, Vưu Tuấn Đạt làm Tả tam thống quân, Vương Bộ làm Mã bộ tổng quản. Vương Bộ liền tâu: 
- Thần không dám nhận chức! 
Vua Đường hỏi: 
- Vì sao? Vương Bộ thưa: 
- Thần một lần được thấy mặt rồng, cũng thấy ngay là "Nghiêu Thuấn chi quân”, xin lạy tạ ơn lớn cho làm tế lễ. Thần liều chết, còn có một lời, xin được dâng chúa thượng! 
Vua Đường phán: 
- Trẫm không bắt tội, khanh hãy tâu rõ! 
Vương Bộ thưa: 
- Thần nghe, phép làm chính vương của cổ nhân, là kính kẻ già thương kẻ thơ dại, không làm tội kẻ yếu đuối, quan quả cô độc, luôn được thương xót. Nay chủ cũ nghĩ đến đức lớn mà quy hàng, được thánh thượng đặc cách thi ơn, tha cho lỗi lầm cũ mà lấy lễ phong cho quan tước lại gả công chúa cho, ơn sủng đến như thế là cùng cực, chẳng may cố chủ một sớm thất chí, tự táng kỳ mệnh. Nay chúng thần đều được hưởng ơn trạch, chỉ mỗi vợ góa, mấy lần những muốn quyên sinh, ôm con mồ côi nhỏ, chẳng khác gì giọt sương sớm. Thật là kẻ chết chưa đủ xót, mà thật kẻ sống mới đáng thương. Nếu nói là con dân, thì cũng đều là con dân nhà Đường, đâu phải thân thích ruột rà của nhà Đường. Nay Độc Cô công chúa còn ở hình phủ, dẫu tình vợ chồng chưa thật lâu dài, nhưng đã cùng lạy tôn miếu, cũng nghĩa phu thê, há lại không nghĩ đến con chồng, cũng chính là con mình vậy, sao nỡ đặt ngoài sương gió đất hoang rừng rậm, để khiến cho thánh thần, trăm quan, cho đến kẻ viết sử sách cho đời sau, khua môi múa lưỡi khắp bốn phương trông vào. Cho nên thần chi xin nguyện làm di dân, mà không dám nhận làm đình thần vậy. 
Vua Đường nghe xong hớn hở mà phán: 
- Khanh là võ quan, mà biện luận việc nghĩa thật rõ ràng, cũng đủ thấy tướng soái nhà Ngụy tài cán không vừa vậy! 
Liền lệnh cho bộ Lễ, sai quân đi đón Vương Thị, cùng con trai Lý Khải Vận, đổi tên là Lý Khải Tâm, cùng với vợ con Bá Đương, về Hình phủ ở với Độc Cô công chúa nuôi con nhỏ. Lại gia ơn cho Vương Bộ làm Hổ dực đại tướng quân. Còn Tổ Quân Ngạn, Liễu Chu Thần cùng các tướng khác đều được tước phong cả. Vương Bộ, các tướng tạ ơn, lui về chỗ đứng của mình. 
Đang lúc phong thưởng, thì thấy ở Tấn Dương thuộc Hội Châu có kỵ mã đưa văn thư về cáo cấp: Lưu Vũ Chu vây thành rất gấp, nguy trong sớm tối, mong vua Đường cho ngay binh mã cứu viện. Vua Đường phán: 
- Tấn Dương vốn là yết hầu của Trung Nguyên, nếu mất, thì quả nguy trong sớm tối. Nhưng trong lúc cấp thiết thế này, lấy đâu ra tướng tài! 
Mậu Công tâu ngay: 
- Chúng thần xin đem sức trâu ngựa, tiễu trừ Vũ Chu, mong báo ơn muôn một. 
Vua Đường phán: 
- Trẫm từ lâu đã biết khanh túc trí đa mưu, có tài tướng soái, nhưng chỉ ngại bộ hạ của Chu Vũ, có một viên dũng tướng, tên là Uất Trì Cung, dũng mãnh tuyệt luân, khó mà đương nổi. 
Rồi chỉ bức họa trên tường mà tiếp: 
- Đấy chính là tượng vẽ của thằng giặc Hung Nô Uất Trì, các khanh chớ nên coi thường. 
Tần Vương dẫn Mậu Công cùng các tướng đến bên bức vẽ xem kỹ thì đúng là người cao chín thước, mặt sắt, mắt lồi, miệng rộng, râu rậm mà đỏ, hai cánh mũi cao, đầu đội mũ sắt, mặc áo giáp da, tay cầm một cái roi trúc tiết cương tiên, chẳng khác gì quỷ đen đầu. Mậu Công thưa: 
- Thứ này chẳng qua là vũ dũng ngu si, chẳng có gì quái dị. 
Thúc Bảo thưa với Tần Vương: 
- Thần tuy bất tài, cũng có thể địch nổi người này. Để làm vẻ vang triều đình, xin bệ hạ cho thần mượn bút để thần bôi nhòa tượng này đi vậy? 
Tần Vương sai tả hữu lấy bút mực ra, Thúc Bảo cầm bút, nghiến răng trợn mắt, bôi đen bức tượng từ trên xuống dưới, rồi quỳ thưa: 
- Thần xin ba nghìn quân, tới Tấn Dương diệt lũ giặc này, nếu không thắng được, xin chịu tội. 
Vua Đường cả mừng: 
- Ân khanh đã bằng lòng đi, nhất định thành công, trẫm còn lo gì nữa? 
Tức thì ban lệnh Mậu Công làm Thảo lỗ đại nguyên soái, Thúc Bảo làm Thảo lỗ đại tướng quân, Vương Bộ làm chánh tiên phong, Sĩ Tín làm phó tiên phong, Giảo Kim làm Thôi lương tổng quản, Tần Vương làm Giám quân đại sứ diệt lỗ đô chiêu thảo, dẫn binh tướng nhà Đường theo sau. Ai nấy từ tạ vua Đường, ngay đêm hôm đó lên đường tới Tinh Châu. 
Chính là: 

Ơn sâu quyết lập công cao 
Sa trường huyết chiến, anh hào rạng danh.


 Nguồn maxreading.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved