Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

4 thg 11, 2013

Tùy Đường diễn nghĩa- Chữ Nhân Hoạch Hồi 51,52,53

HỒI 51

Chúa chân mệnh nhà lao thân hãm,
Gái kỳ tài mẹo giúp rồng bay.

Từ rằng: 
Ấy cũng bởi cậy tài lỡ bước, 
Dữu Lý kia cửa ngục hãm thân 
Vua tôi trông mặt lệ tràn 
Chờ cho vận hạn quá lần mới hay 
Mộng giai nhân chuyên xoay thời thế 
Chúng anh hùng đảm trí mưu cao 
Ruổi tuấn mã, khoác chiến bào 
Sông sau núi thẳm biến sầu thành vui. 
Theo điệu “cầm đường xuân” 

Bậc triết nhân thường có thuật tiên tri mọi sự, có thể chủ động tìm đến điều lành, tránh điều họa, nhưng rồi cuối cùng cũng không thể tránh khỏi số mệnh. Thời trước có Quách Phác cùng Bốc Hủ (l), đều tinh thông dịch lý, Một hôm, Quách Phác than với Bốc Hủ: 
- Đệ cũng không hơn gì, nhưng huynh thì không thể nào tránh nổi họa binh đao? 
1 Quách Phác: Người đời Tần, làm thư lại cho Vương Đôn, Vương Đôn định làm phản, sai Phác bói, Phác nói quẻ bói xấu lắm. Đôn nổi giận, giết Phác. Cùng với bạn là Bốc Hủ, nổi tiếng giỏi về tướng số, bói toán, riêng Phác còn là một nhà văn tên tuổi thời này. (Từ Hải). 
Bốc Hủ đáp: 
- Đệ năm nay đã bốn mươi mốt tuổi rồi, làm khanh làm tướng, mắc phải vạ này cũng đành, nhưng sao huynh cũng chưa có cách gì để tránh được tai ương của mình sao? 
Quách Phác than: 
- Mệnh của đệ sẽ hết ở Giang Nam, từ lâu đã biết chẳng sao tránh nổi. 
Bốc Hủ khuyên: 
- Huynh đừng làm thư lại nữa thì may ra có thể tránh được chăng? 
Quách Phác đáp: 
- Đệ không tránh được cái họa khi làm thư lại cũng như huynh không trốn được cái vạ khi làm khanh tướng vậy thôi. 
Về sau, Bốc Hủ làm tướng cho Lưu Thông, thua trận, chết ở Tấn Dương, còn Quách Phác vẫn phải ra làm thư lại, rồi bị Vương Đôn giết chết. Thế mới biết số mệnh là chuyện đã định sẵn, ngay đến bậc đế vương xưa nay cũng không thể tránh khỏi, đến cả kẻ tinh thông lý số, biết trước mọi sự cũng không trốn được. 

*** 

Nay nói tiếp chuyện Hạ Vương Đậu Kiến Đức, về đến Lạc Thọ, Tào Hậu ra đón vào cung. Lạy chào xong, Tào Hậu thưa: 
- Bệ hạ lâu nay việc quân khó nhọc, nhưng mừng vì lũ nghịch thần đã diệt hết, danh phận đã đường hoàng. Từ nay danh tiếng bệ hạ cao hơn nhà Đường, nhà Ngụy nhiều lắm. Nhưng hiện nay cung cũ nhà Tùy là ở Đông Đô. Bệ hạ đã liệu lý công việc ở đó ra sao? 
Hạ Vương đáp: 
- Cô đã sai Dương Thế Hùng đi rồi. Tất cả vàng ngọc, lụa là trong cung, cho đến phi tần cung nữ, đều được chia làm bốn phần, hai phần để thưởng công cho quân sĩ, hai phần đem cho nhà Đường, nhà Ngụy đã có công cùng cô mưu diệt họ Vũ Văn. Cô chỉ còn giữ mấy đồ quốc bảo cùng giấy tờ quan thiết mà thôi. 
Tào Hậu thưa: 
- Bệ hạ xử như vậy thì thật là công bằng. Nhưng còn một của quý sống hẳn hoi, không biết bệ hạ giữ lại làm gì đây. 
Hạ Vương phán: 
- Hoàng hậu đừng nhận nhầm cô cũng như bọn Hóa Cập. Cô từ ngày khởi binh đến nay, đánh đông dẹp bắc, chín châu bao la, đâu chỉ có một chỗ đáng dừng chân thôi sao, nếu như cô nghĩ đến chuyện hoan lạc như thế thì thiếu gì cơ hội. Cô sở dĩ cho đưa Tiêu Hậu về đây vì sợ để lại Trung nguyên sẽ bị người khác làm nhục, nên cố tình cho về cùng với công chúa, đã có chỗ xếp đặt chu đáo cả. 
Tào Hậu thưa: 
- Không phải vì thiếp ghen ghét, chẳng qua là để bàn kế sách cho quốc gia. Nếu được như vậy, thì thật là phúc lớn cho tôn miếu vậy. 
Sáng hôm sau, Hạ Vương sai Lăng Kính đưa bọn Tiêu Hậu tới, đưa sang Đột Quyết với Nghĩa Thành công chúa. Tiêu Hậu vốn là người thích động, không thích tĩnh, mới đến đã chịu bao lời sĩ nhục của mẹ con Tào Hậu, biết rằng Tào Hậu khó mà dung mình, nay thấy nói sẽ được sang với Nghĩa Thành công chúa bên Đột Quyết, trong lòng vui sướng thầm nghĩ: "Ra nước ngoài chơi bời vài năm, còn hơn là ở lại đây để chịu cạnh khóe, mắng nhiếc của lũ người này". Liền giục Lăng Kính lên đường, thuyền lớn đi biển sắp sẵn, buồm giương cao đưa ngay sang nước Đột Quyết. 




Lăng Kính sai người đem thư vào trình công chúa Nghĩa Thành, cũng vì Khả hãn Khải Thị đi mừng thọ Cao Xương Vương Khúc Bá Nha không có ở trong nước, Nghĩa Thành liền sai ngay Vương Nghĩa, đem theo ngựa, lạc đà đón tiếp Tiêu Hậu, lại sai văn thần ra mời Lăng Kính về trạm dịch khoản đãi. 

Tiêu Hậu ở trong thuyền, thấy Vương Nghĩa xuống thuyền chào lạy đúng là "thiên lý tha hương ngộ cố tri", bất giác nước mắt ngắn dài hỏi: 
- Vương Nghĩa, sao ngươi lại ở đây? 
Vương Nghĩa thưa: 
- Thần là người nước ngoài, chịu ơn sâu của tiên đế, chẳng có lòng nào mà đi thờ chủ mới nên gắng bảo hộ Triệu Vương cùng Sa phu nhân tới đây. Tiên đế chẳng nghe can gián của thần, đem cả tòa giang sơn mà vứt cho kẻ khác, nay nương nương tới đây, vốn cũng là tình cốt nhục, tất có thể yên thân qua ngày. Công chúa sai thần ra đón nương nương mau vào cung gặp gỡ. 

Tiêu Hậu lên bờ, cưỡi một con ngựa tiêu dao rất đẹp, về cung. Nghĩa Thành công chúa cùng Sa phu nhân ra tận cửa đón vào, chào hỏi xong, tất cả ôm nhau mà khóc. Tiêu Hậu nói với Sa phu nhân: 
- Các ngươi dẫn Triệu Vương lánh ở đây, bỏ ta lại chịu trăm nghìn khổ não. 
Sa phu nhân đáp: 
- Chúng tôi được nghe nương nương đã được trở về ngôi chính cung ở Chiêu Dương, chỉ còn trông trừ được lũ phản thần, lại sẽ gọi chúng tôi về lại đất cũ. Chẳng ai ngờ được lại có biến này trong biến kia vậy. 



Đang chuyện trò, thấy Tiết Dã Nhi cùng Khương Đình Đình cùng vào lạy chào. Tiêu Hậu hỏi Sa phu nhân: 
- Còn mấy vị phu nhân nữa, tưởng rằng đều ở đây cả? 
Dã Nhi đáp: 
- Cùng chạy theo còn có Địch, Tần, Lý cùng Hạ phu nhân, nhưng đã cắt tóc, vào cửa Phật, làm ni cô rồi! 
Tiêu Hậu lại thở than một hồi, rồi nói với Sa phu nhân: 
- Phu nhân ở đây, còn Triệu Vương sao không thấy? 
Sa phu nhân đáp: 
- Triệu Vương mới cùng lũ trẻ đi săn rồi! 
Tiêu Hậu tiếp: 
- Ta cũng thường hay nhớ tới Triệu Vương. 
Sa Phu Nhân đáp lời: 
- Chốc nữa trở về, thấy mẫu hậu, nhất định tha hồ mà mừng. 
Yến tiệc bày ra, toàn là chim núi, thú hoang, nem hươu, bướu lạc đà. Lúc này Vương Nghĩa đã được làm thị lang của Đột Quyết, Đình Đình đã được phong phu nhân, Dã Nhi làm bảo mẫu của Triệu Vương, tất cả cùng ngồi vào, kể lể chuyện xưa sau. 
Trời đã về chiều, thấy tiểu nội thị vào thưa: 
- Tiểu vương phụ đã về ! 
Tiêu Hậu hai năm nay không thấy Triệu Vương, nay thấy đã ra dáng vẻ trượng phu tuấn tú, thân hình cao lớn, lại săn được rất nhiều chim thú đem về vào thưa: 
- Mẫu thân, con đã về ! 
Thấy yến tiệc đang bày, Triệu Vương vội vàng quay ra, Sa phu nhân bảo: 
- Quốc mẫu đang ở đây, mau vào lạy chào! 
Triệu Vương vẫn đứng yên, Dã Nhi cùng Đình Đình vội thay nhau giảng giải: 
- Nương nương đây là Tiêu Hoàng hậu, chính cung của phụ hoàng, là quốc mẫu của Triệu Vương, lẽ tự nhiên phải vào bái kiến chứ! 
Triệu Vương thấy nói thế vội chạy tới, vái hai vái. Tiêu Hậu vội khen: 
- Mới chỉ hai năm không gặp, mà nay đã trưởng thành thế này rồi! 
Triệu Vương lạy xong hai lạy, bỏ chạy ra ngoài mất. Sa phu nhân bảo. 
- Phải quỳ lạy cẩn thận chứ, sao đã bỏ đi? 
Dã Nhi vội chạy ra kéo Triệu Vương vào. Triệu Vương cãi: 
- Bảo nương, Bảo nương cũng biết lúc còn ở Tùy cung, thì Tiểu Nương nương chính là quốc mẫu của ta thật, tất nhiên phải làm đại lễ hẳn hoi, nhưng nay nghe nói nương nương đã đi với họ Vũ Văn. Mẹ đã đi lấy chồng, thì chẳng còn quan hệ gì với tôn miếu, tình mẹ con cũng hết, huống chi nương nương là người đàn bà đã thất tiết, cho nên lạy hai lạy cũng đã là quá rồi, chẳng qua vì sợ mệnh của Sa mẫu thân mà thôi!

Nói xong, rút khỏi tay Dã Nhi, bỏ chạy ra ngoài. Tiêu Hậu nghe thấy hết, bất giác thấy hổ thẹn trong lòng, cất tiếng khóc lớn, nhớ lại thuở sinh thời Dượng Đế, ân tình ra sao, sau theo Vũ Văn Hóa Cập nhục nhã ra sao, nay hết chạy đông, đuổi tây, đến nỗi con không nhận mẹ, tiết chẳng nên tiết, vui chẳng ra vui, đến thân thích cũng còn thế, càng nghĩ lại càng sùi sụt, càng sùi sụt lại càng nghĩ ngợi, chẳng khác gì vợ Chu Kỷ Lương khóc đổ cả một đoạn Vạn lý Trường thành. May có Nghĩa Thành công chúa, cùng Sa phu nhân thật tình an ủi. Từ đó Tiêu Hậu ở hẳn đây với Nghĩa Thành công chúa. Chuyện không nói nữa. 

*** 

Lại nói Tần Vương trở về Trường An, triều kiến phụ hoàng Lý Uyên. Lý Uyên nói rõ ba cánh quân lợi hại ra sao, Tần Vương thưa: 
- Lợi hại cũng chưa đáng sợ. Chỉ có Lưu Vũ Chu cùng Tiêu Tiên ở Tây Bắc, Vương Thế Sung ở giữa trung nguyên, thần sai người đưa thư đến, trước tiên là kết thân với Vương Thế Sung, để không phải lo trước sợ sau, sau đó cất binh chiếm lấy đất của Lưu Vũ Chu, Tiêu Tiên hai nơi, chẳng có gì mà không thắng được bọn này. Như vậy phụ hoàng thấy có nên không? 



Vua Đường khen hay, liền viết ngay thư, sai Dương Thông cùng Trương Can đi Lạc Dương gặp Vương Thế Sung. Hai người lĩnh mệnh lên đường. Không ngờ Thế Sung xem xong nổi giận xé nát thư, lôi ngay Dương Thông chém dưới thềm, còn Trương Can thì cắt hai tai rồi đuổi về. Trương Can ôm đầu trở về Trường An khóc lóc kể với vua Đường. Lý Uyên nổi giận, định tự mình dẫn binh đánh Thế Sung, Tần Vương liền can: 
- Phụ hoàng chẳng cần nổi giận rồi ra quân làm gì, con đã có cách xếp đặt đâu vào đấy. Hãy sai Lý Tĩnh làm Hành quân đại nguyên soái, dẫn mười vạn quân đi tiễu trừ Lưu Vũ Chu, con xin dẫn một cánh quân khác, thề quyết diệt kỳ được Vương Thế Sung thắng trận trở về yết kiến phụ hoàng. 

Vua Đường cả mừng, liền cho Tần Vương kéo mười vạn quân, nhằm Lạc Dương mà tiến. Mỗi lần Tần Vương xuất binh, bọn tân khách của Tây phủ như Viên Thiên Cơ, Lý Thuần Phong, Hầu Quân Tập, Đào Tư Khiêm, Đỗ Như Hải, Hoàng Phủ Vô Dật, thường ngày vẫn được Tần Vương lấy lễ thầy trò mà đãi, nên bọn này đều được đi theo sát nơi màn trướng nguyên soái, trù liệu mưu kế. Tần Vương sai Ân Khai Sơn mang ấn tiên phong, Sử Nhạc, Vương Thường làm tả hữu hộ vệ, Lưu Hoàng Cơ làm trung quân chánh sự, Đoàn Chí Huyền, Bạch Hiển Đạo làm tả hữu hộ vệ, tự mình dẫn trung quân đi sau. Trưởng Tôn Vô Kỵ, Mã Tam Bảo lo việc bảo vệ thuyền bè, xe ngựa, thủy lục cùng tiến xuống Lạc Dương. 
Vương Thế Sung nghe tin, liền dẫn quân ra Tuy Thủy, dàn thành trận thế nghênh địch. Tần Vương lập trại ở bờ bắc sông Tuy Thủy, hai quân đối diện, nhưng quân nhà Đường thì lính khỏe, tướng mạnh nên quân Thế Sung thua to, kéo chạy vào thành, đóng chặt cửa không chịu ra nữa. 

Ngày hôm sau, trong trại quân nhà Đường, bày yến tiệc, khao thưởng ba quân, Tần Vương nhân rượu say hỏi người địa phương: 
- Ở đây có nơi nào cảnh đẹp, có thể du ngoạn? 
Thổ nhân đáp: 
- Phía ngoài cửa bắc khoảng mười dặm, có núi Bắc Mang, chu vi có khoảng một trăm dặm, là nơi lăng mộ của các bậc vua chúa ngày xưa, cùng là mồ mả của các bậc trung thần liệt sĩ, rải rác như sao trời, như cờ trận, ở bên trong đủ các loại chim quý, thú lạ, thông xanh bách rợp, thật là một cảnh đẹp xưa nay vậy. 
Tần Vương nghe nói vui mừng. 
- Ta phải đến đó đi săn mới được. 
Lý Thuần Phong can: 
- Thần vừa xem quẻ xong, điện hạ vẫn còn cái họa một trăm ngày, hãy khoan giương cung, cưỡi ngựa, đi săn vội. Huống chi trên sắc mặt điện hạ thấy hiện rõ màu xanh thế kia, thì không đi đâu cả là hơn! 
Tần Vương đáp: 
- Ta sớm tối lúc nào cũng trong cảnh cung tên, xa ngựa, vẫn tâm thần sảng khoái, nào có thấy hoạn nạn gì đâu? 

Rồi mặc áo giáp mỏng, áo bào nhẹ bên ngoài cùng với Mã Tam Bảo, đem theo cung tên, với khoảng mười lính kỵ, kéo lên Bắc Mang Sơn. Đến nơi Tần Vương nhìn bốn phía, cảm khái mà than rằng: 
- Ta tưởng các vị vua đời trước, cai quản đất Trung Hoa này, cầm hàng trăm vạn quân trong tay, có biết bao anh hùng hào kiệt, nay may được mấy con ngựa đá bày bên, phủ đầy gai góc, làm bạn với thỏ với cáo thật là chán ngán. Mai sau có làm đến thiên tử nhà Đường, cũng đến thế này thôi sao! 

Đang cảm thán đôi câu như thế, thì thấy phía tây bắc, có một con hươu trắng, nghểnh cổ đi lại, Tần Vương liền giương thẳng cung, bắn một mũi tên, trúng ngay lưng hươu, hươu mang cả tên cứ hướng tây mà chạy. Tần Vương quất ngựa đuổi theo, được đến mấy dặm, men theo sườn núi, thì con hươu lạ lùng không thấy đâu nữa, Tần Vương tìm khắp bốn phía mênh mông bãi cỏ rừng rậm, nhìn xa bỗng thấy cờ quạt rợp một góc trời, gươm giáo sáng loáng, một tòa thành mới sừng sững trước mặt, biển đề rõ ba chữ lớn: "Kim Dung thành", ánh vàng lóa mắt, Tần Vương nói: 
- Thành này phải chăng là nơi của Lý Mật? 
Mã Tam Bảo thưa: 
- Đúng rồi! Điện hạ mau quay về, nếu bọn chúng biết thì khó mà thoát thân. 
Không ngờ quân sĩ trong thành đã trông thấy, báo ngay cho Ngụy Vương, Lý Mật phán: 
- Đây chính là kế dụ địch của Lý Thế Dân, không nên đuổi bắt. 
Trình Giảo Kim dậm chân mà thét: 
- Chúa công, không bắt lúc này thì còn đợi lúc nào nữa? 
Nói rồi, cầm búa lớn, cưỡi ngựa thanh tông, phi như bay khỏi thành. Tần Thúc Bảo sợ Giảo Kim sơ xuất gì, vội đuổi theo sau. Tần Vương đang định quay ngựa, thì thấy một người một ngựa đuổi tới, miệng thét lớn: 
- Lý Thế Dân đừng chạy nữa! 
Tần Vương đặt ngang giáo trên lưng ngựa, rồi hỏi: 
- Ngươi là ai! 
Giảo Kim đáp: 
- Ta là Trình Giảo Kim, riêng đến đây bắt ngươi. 
Tần Vương cười: 
- Thử xem sức ngươi có đủ làm ai sợ không? 

Giảo Kim giơ cao hai búa, xông lên đánh, Tần Vương giơ thương ra đỡ, được khoảng ba mươi hiệp, vì Mã Tam Bảo đã bị Thúc Bảo đón đánh, Tần Vương đành phải bỏ chạy, Tam Bảo cũng không đánh nổi Thúc Bảo, nên chạy theo nốt. Giảo Kim đuổi theo Tần Vương gần kịp, Tần Vương rút tên, giương cung, bắn một phát, trúng ngay giải mũ Giảo Kim. Tần Vương thấy bắn không trúng, trong lòng hoảng sợ, quất roi ôm ngựa chạy dài, gặp ngay một tòa miếu cổ, có mấy chữ: "Lão Quân đường". Tần Vương nghĩ bụng: "Gặp được miếu này, sao không vào đây trốn quách xem sao". Rồi vội vào miếu, đóng ngay cửa lại lấy một viên đá lớn chẹn kỹ, còn ngựa thì buộc ngay ở bên thềm, nhìn lên tượng Lão Quân, cũng chẳng kịp chào, chỉ bái một vái mà khấn: 
- Thánh thần tại thượng, nếu cứu được Lý Thế Dân này thoát được nạn trước mắt, xin sẽ trùng tu đền miếu đắp lại tượng vàng. 

Khấn xong, liền nấp ngay dưới khám thờ. 

Lão Quân ở "Lão Quân đường" vốn rất linh ứng, nên được hưởng cúng bái một vùng, nay thấy Lý Thế Dân có số mệnh hoàng đế anh minh, lúc tử vi còn cơn hoạn nạn, lẽ nào không hiển thánh, nên một trận cuồng phong bỗng nổi, xóa nhòa cả vết chân ngựa đưa Tần Vương tới, rồi lại thổi mấy chú nhện tới giăng đầy cửa miếu. 

Giảo Kim đuổi Tần Vương đến ngã ba, bỗng không thấy đâu nữa, nhìn bốn chung quanh, chỉ thấy phía trước cây cối rậm rì, dây leo chằng chịt, liền cứ thế giục ngựa chạy tiếp, trèo lên sườn núi cao, thấy phía sau núi có một tòa miếu cổ, Giảo Kim vội vã phi ngựa tới trước cửa miếu, đập cửa thình thình vẫn chẳng thấy động tĩnh. Lại thấy mạng nhện giăng đầy, xung quanh bụi bám khắp trên cổng, khắp dưới đất, rõ ràng chẳng ai vào đây. Giảo Kim đành quay ngựa bước ra, lại trèo tiếp lên sườn núi, quay lại nhìn tòa miếu lần nữa, Giảo Kim giật mình kinh sợ, thấy một con mãng xà lớn màu vàng, đang nằm dọc theo nóc miếu. 

Giảo Kim thầm nghĩ: "Ta nghe kể chuyện: Lưu Bang nhà Hán, chém rắn lớn ở núi Mang Đãng, về sau làm đến hoàng đế. Ta cũng đường đường một bậc trượng phu, lại không trừ nổi con nghiệt súc này sao?" Lại quay ra trước miếu, xuống ngựa, bê một hòn đá lớn, đập rầm rầm vào cửa, rồi trèo lên nhìn nóc miếu, thì chẳng thấy mãng xà đâu nữa. Giảo Kim nghĩ: "Có lẽ mãng xà này chui vào trốn trong miếu". Ra trước sân miếu thấy ngay con ngựa đang buộc ngay ở gốc cột, Giảo Kim gào lên: 
- Thì ra Lý Thế Dân trốn ở trong này! 

Nhìn khắp nóc nhà, vẫn chẳng thấy mãng xà đâu, lại thấy tấm rèm trước cửa khám lay động, vẻ như có đuôi mãng xà đang ngoe nguẩy ở bên trong. Thì ra Tần Vương thấy có người vào dò xét từng nơi, nên ngồi trong khám nhẹ nhàng rút kiếm ra. Lúc này Thúc Bảo cũng vừa kịp đến miếu, thấy Giảo Kim đang cuốn rèm trước khám lên, miệng quát: 
- Thằng giặc! Nấp ở đâu? 
Rồi giơ cao búa, cứ nhằm khám tối mà bửa, Thúc Bảo bỗng thấy hiện ra năm móng chân rồng vàng bíu chặt lấy lưỡi búa. Thúc Bảo biết ngay đó là chân mệnh hoàng đế, liền bước vội tới, giơ đôi giản, đỡ lấy lưỡi búa, nói: 
- Hiền đệ, hiền đệ không biết rằng, Đường với Ngụy vốn là cùng họ, vẫn thường có thư từ qua lại, nếu mà giết chết thì không những không có công mà còn có tội nữa kia đấy! 
Giảo Kim đáp: 
- Đại huynh, đại huynh không biết, vừa rồi tiểu đệ thấy Thế Dân hóa thành con mãng xà vàng, nay nếu không giết, sợ lại hóa thành mãng xà mà trốn mất thôi! 

Thúc Bảo lặng lẽ cười, rồi nhẹ nhàng đỡ Tần Vương từ trong khám ra, sai tả hữu dẫn ra khỏi cửa miếu. Bọn này dắt theo ngựa của Thế Dân, Thúc Bảo, Giảo Kim cưỡi ngựa kèm phía sau, kéo một hàng về Kim Dung thành. Lúc này dân hàng phố chẳng biết tốt xấu, thay nhau to nhỏ rằng: 
- Ra dáng bậc trượng phu như vậy, mặt vuông, tai lớn, chẳng biết phạm phải tội gì, mà lại bị cả hai vị tướng quân phải theo giải về thành thế kia! 
Mấy tên tay chân, có kẻ mau miệng nói: 
- Các người đừng coi thường, đấy chính là Thái tử con của vua Đường, tự nhiên đi qua đây, bị hai tướng quân đây bắt được. 
Trăm họ trầm trồ: 
- Đúng là tướng mạo khác thường, thật dòng cành vàng lá ngọc. Tiếc thay! Thương thay! 

Thúc Bảo trên ngựa, nghe những lời này, những muốn thả ngay Thế Dân ra, nhưng nhiều mắt, nhiều tai, không thể làm được, nên đành cứ thế, giải Thế Dân về. 

Ngụy Công sai lực sĩ giải Thế Dân ra trước thềm, lớn tiếng trách mắng: 
- Ngươi quả là phường gian tham, tự mình tìm đến cái chết. Cha ngươi trấn thủ Trường An, đất rộng người đông. Ta ở Dung Thành này, bất quá mấy vạn dân, mới đây lấy Hà Nam, nay lại nghe chuyện đánh úp thành này nữa sao? Thế thì còn đạo lý nào nữa? 
Tần Vương đáp: 
- Xin thúc phụ hãy nguôi cơn thịnh nộ, cháu xin có lời thưa, nhân vì Vương Thế Sung ở Lạc Dương, giết sứ thần của phụ thân, nên mới sai cháu lãnh binh tiễu trừ, sau một trận thua, Thế Sung đóng cửa không chịu ra khỏi thành, cháu phải lui binh về chân núi Thiên Thu Lãnh, nhân say rượu rồi đi săn. Chẳng có lòng nào mà nhìn ngó Kim Dung thành của thúc phụ, xin thúc phụ đừng nghi oan. 
Ngụy Công giận dữ: 
- Ngươi đừng giở giọng giảo hoạt, ta với ngươi nào có thân thích gì mà mượn tiếng gọi chú xưng cháu, chẳng qua ngươi cậy mình tài cán coi thường kẻ khác nên tới đây, nhòm ngó thực hư, để lựa kế mà hành động, nay lại lấy lời ngon ngọt lừa ta sao nổi. 

Quát võ sĩ lôi ra chém đầu. Ngụy Trưng lên tiếng khuyên giải. 
- Chúa công mà giết Thế Dân, thì không phải là kế an định xã tắc, mà Kim Dung thành này sẽ gặp tai họa đến nơi. 
Huyền Thúy hỏi: 
- Tại sao? 
Ngụy Trưng thưa: 
- Người này đã từng đông chinh tây thảo, giành được Trường An, cùng với cha lên ngôi trấn giữ một phương, binh tinh lương nhiều, thủ hạ nhiều như mây trời, mưu thần tài giỏi như mưa sớm. 
Đường Công nếu nghe tin con yêu bị giết, tất dốc binh cả nước, trước là báo thù, sau là tàn sát kỳ hết, chẳng còn điều gì mà họ không dám làm. 

Huyền Thúy liền hỏi: 
- Nếu nói như thế, thì chẳng nhẽ ta thả Thế Dân ra sao? 
Ngụy Trưng đáp: 
- Chi bằng đem Thế Dân giam vào ngục thất, sai người báo cho Lý Uyên, nếu có thư sang triều cống, thì thả cho về, nếu không nghe theo, cứ giữ Thế Dân lại đó, thế là Đường Công suốt đời chẳng dám phạm vào đất ta, lại không tốt hơn sao! 

Huyền Thúy khen: 
- Khanh nói có lý lắm? 

Liền sai ngục tốt dẫn vào nhốt ở Nam lao. Lúc này Đường Công ở Trường An, nghe Mã Tam Bảo thưa trình, định tự mình dẫn người ngựa đánh Lý Huyền Thúy để cứu Tần Vương, nhân Lưu Văn Tĩnh cùng Huyền Thúy là anh em con cô con cậu, khuyên Đường Công viết thư, sắp lễ vật, đến gặp Huyền Thúy. Không ngờ Huyền Thúy chẳng nhận họ hàng, đòi lôi ra chém đầu, may có Từ Mậu Công khuyên can mãi, nên mới được giam luôn vào Nam lao. 
Khá thương: 

Thanh long, bạch hổ ngồi tù 
Anh hùng gặp nạn, thẫn thờ nhìn nhau. 

Ngụy Công ra lệnh xong, đã thấy thám mã về tâu trình: 
- Hiệu úy Khải Công ở Khai Châu, giết thứ sử Phó Sao, cướp ấn tín, cùng với tham quân Từ Vân, câu kết với thứ sử Ninh Lăng, đóng giữ Ung Thành làm phản, kéo người ngựa tới xâm phạm đất ta. Lại phao lên rằng: thứ sử Hà Đinh ở Hồng Châu dâng thành trì cho chúng. Lấy người ngựa của cả hai quận, cùng với Khải Công đánh vào Yển Sư, Mạnh Tân, trăm họ của hai nơi này, không người gìn giữ, thật muôn nghìn nguy cấp. 
Huyền Thúy nghe thế cả sợ mà rằng: 
- Yển Sư là cuống họng của ta, lương thực kho tàng đều ở đó cả, nếu bằng mất, thì thật là họa lớn cho nhà Ngụy. Ta phải tự thân dẫn đại quân đi mới xong. 
Liền lệnh Trình Giảo Kim đi tiên phong, Đơn Hùng Tín, Vương Bá Đương làm tả hữu hộ vệ. Giữ Từ Mậu Công, Ngụy trưng, Thúc Bảo cùng trông coi việc nước, còn mình dẫn quân kéo thẳng tới Khai Châu. 

*** 

Lại nói Tần Vương cùng với Văn Tĩnh bị giam ở Nam lao, may có Thúc Bảo hàng ngày vẫn đưa thêm cơm rượu, nên cũng không đến nỗi khổ sở. Cũng may là ngục quan Từ Lập Bản, tự Nghĩa Phù, vợ mất sớm, chỉ có mỗi một người con gái, tên gọi Huệ Anh, tuổi đã mười tám, vẫn chưa có nơi chốn. Tuy là quan nhỏ, nhưng Nghĩa Phù vốn hiểu biết hơn người, có con mắt tinh đời, đối với bọn tù nhân Nghĩa Phù thường cho rằng tội ít, oan nhiều, lại chẳng hiềm trước kia xấu tốt, vẫn đối đãi rất nhân từ, lấy của chu cấp thêm cho họ. 

Tần Vương mới vào nhà ngục, thì ngay đêm hôm ấy, con gái Huệ Anh nằm mơ thấy 1 con Rồng vàng nằm khoanh trong nhà ngục. Huệ Anh cả sợ, lẻn nhìn trộm xem sao, thì thấy rồng vàng bay lên, cuốn lấy mình, đến khi tỉnh dậy, kể lại cho Nghĩa Phù tỉ mỉ. 

Nghĩa Phù biết ngay Tần Vương chính là chân mệnh thiên tử, đã có ý định thả cho cả hai về Đường, trong lúc vội vàng, vẫn chưa tìm ra được thời cơ thuận lợi. Nhưng vẫn cứ mỗi ngày ba lần cơm nước, mời Tần Vương cùng Văn Tĩnh sang gian sạch sẽ ngay bên khoản đãi chu đáo. Hai người vô cùng cảm tạ. 

Một hôm Thúc Bảo cùng Ngụy Trưng, ngồi ở trong dinh của Mậu Công uống với nhau mấy chén rượu, nói tới chuyện Tần Vương, Thúc Bảo cả cười. Từ, Ngụy hai người liền hỏi: 
- Hiền huynh cớ sao lại cười vậy? 
Thúc Bảo đáp: 
- Tiểu đệ nghĩ rằng Trình hiền đệ quá là một người ngờ nghệch. 
Mậu Công hỏi: 
- Sao lại ngờ nghệch? 
Thúc Bảo đáp: 
- Hôm ấy ở "Lão Quân đường", đang lúc Giảo Kim giơ búa để giết Tần Vương, thì tiểu đệ thấy năm móng rồng vàng bám giữ lấy lưỡi búa, vội giơ đôi giản đỡ, nhưng không thể thả Tần Vương ra được nên đành phải giải về thành. Giảo Kim bảo rằng Tần Vương chính là mãng xà tinh, nhất định phải giết. Thế thì có đáng cười không? 
Ngụy Trưng lên tiếng: 
- Tiểu đệ thấy Tần Vương dáng rồng mắt phượng, đúng là bậc chân chúa ở đời. Nên hôm vừa rồi chúa công định giết, tiểu đệ phải hết lời khuyên can, mới được giam ở Nam lao. Đến lúc vận hạn đã hết, Tần Vương trở về Trường An, thì tất là ngọc đá đều nát, làm thế nào bây giờ? 
Mậu Công nói: 
- Chúng ta đều là anh em tâm phúc ở đây cả. Nhân lúc Tần Vương gặp hoạn nạn này mà kết thân, thì mai kia gặp gỡ, cũng dễ làm nên sự nghiệp hơn nhiều. 

Thúc Bảo cũng không tiện nhắc tới chuyện có ơn với Đường Công, lại vừa cứu được Tần Vương khỏi chết, chỉ gật đầu đáp: 
- Từ hiền huynh nói xác đáng lắm! 
Ngụy Trưng tiếp lời: 
- Cứ như tiểu đệ nghĩ, cần phải nhân lúc Ngụy Công chưa về, chúng ta cùng kéo tới gặp Tần Vương, Lưu Văn Tĩnh chuyện trò, để thấy anh em chúng ta ở đây không phải ai cũng mù cả. Không biết ý hai hiền huynh ra sao? 
Thúc Bảo tán đồng: 
- Tiểu đệ cũng nghĩ như thế, ngày mai, xin tới sớm rồi cùng đi! 

Sáng sớm, Thúc Bảo xếp sẵn cơm rượu tươm tất lặng lẽ sai người đem vào Nam lao. Ngụy Trưng, Mậu Công tới thì cũng là lúc mặt trời sắp đứng bóng, cả ba thay y phục, dắt theo một gia đồng, lên ngồi kiệu nhỏ, thẳng tới cửa Nam lao. Gia đồng vào báo với quan ngục. Từ Nghĩa Phù vội ra mở cửa. Ngụy Trưng sai gia đồng bảo phu kiệu trở về trước. Nghĩa Phù dẫn ba người vào phòng giam gặp Tần Vương cùng Văn Tĩnh. Tần Vương, Văn Tĩnh đều bái chào tạ ơn. Mậu Công lên tiếng: 
- Không phải bọn tiểu đệ đều thuộc phường đui mù, không thấy được sự anh minh của điện hạ. Chẳng qua điện hạ cùng Văn Tĩnh đang gặp cơn vận hạn. Nay nhân Ngụy Công dẫn binh thảo phạt Khải Công, không có trong cung, anh em tiểu đệ tới đây gặp gỡ một phen. 
Ngụy Trưng băn khoăn: 
- Chỉ có thế này, thì đứng ngồi ra sao? 
Thúc Bảo nói: 
- Tiệc rượu đã bày đầy đủ ở phòng bên cạnh. 
Văn Tĩnh nói với Mậu Công: 
- Ngục quan Từ Nghĩa Phù, tuy là quan nhỏ chức thấp, nhưng thực là bậc khác thường, may được ngục quan sớm chiều chăm nom, thực chẳng dám mong hơn. Quả là tài trí, hiểu biết của ngục quan thật hơn hẳn mọi người vậy. 

Nói xong, thì mọi người cũng vừa tới phòng bên, phòng này gồm ba gian rộng rãi, sạch sẽ, khắp tường là những bức họa, những chữ viết các câu cách ngôn khuyên răn đạo lý. Ba người mời Tần Vương ngồi trên, rồi đến Văn Tĩnh, Ngụy Trưng, Thúc Bảo, Mậu Công. Tần 
Vương nói: 
- May được ý tốt của ba vị, Thế Dân này nào có tài cán gì, mà được ba vị ghé mắt xanh tới. Ngục quan Từ Nghĩa Phù, tuy giữ chức nhỏ, nhưng nhất định chẳng ở dưới người lâu nữa đâu, được mang ơn chu tất của ngục quan, ý của Thế Dân này cũng là "mượn hoa cúng phật", muốn mời Nghĩa Phù một ghế, không biết ba vị có bằng lòng ngồi cùng chăng? 
Mậu Công đáp: 
- Ngục quan nguyên xuất thân khoa giáp của nhà Tùy. Lúc trước chúa công đã xếp làm tư mã, nhưng không hiểu ý định ra sao, chỉ xin làm Hình tào giám thủ. 
Ngụy Trưng nói: 
- Tiểu đệ cũng nghe ngục quan Từ Nghĩa Phù thường làm việc thiện, lại hiểu biết. Trong giới quan trường mà được người như vậy thật là hiếm. Xin mời ngay ra đây cho. 
Gia đồng mời Nghĩa Phù đến, khiêm nhượng một hồi, Nghĩa Phù ngồi xuống cuối tiệc. Rượu được ba tuần, thấy gia đồng nhà Nghĩa Phù bước vào thưa: 
- Có lệnh của hoàng hậu! 
Nghĩa Phù vội chạy ra. Ngụy Trưng cùng mọi người kinh ngạc, đều thấp thỏm chờ đợi. Nghĩa Phù quay lại, ngồi ghế cũ rồi. Ngụy Trưng mới hỏi: 
- Trong cung có chuyện gì vậy? 
Nghĩa Phù cười đáp: 
- Quả không dám giấu. Hoàng hậu thật có duyên nợ với tiểu nữ, có biết tiểu nữ cùng theo đòi nghiên bút, lại thông hiểu âm luật, đã nhiều lần đòi vào trong cung thưởng thức, nên thường sai nội thị tới triệu. Hôm nay nhân mừng sinh Thái tử, cho người ra phán phải vào cung ngay. 
Mậu Công nói: 
- Lệnh ái nhất định tài mạo song toàn, không hiểu năm nay xuân xanh bao nhiêu? 
Nghĩa Phù thưa: 
- Tiểu nữ tên gọi Huệ Anh, tuổi vừa mười chín. 
Mậu Công nghe Thúc Bảo cùng Ngụy Trưng, Tần Vương nói tới chuyện đánh úp Hà Nam, nên yên lặng nghe, chưa đáp lời Nghĩa Phù vội. Rồi tất cả đều quay sang chuyện chiến trận lập công kiến nghiệp. Chuyện đang say sưa, thì thấy gia đồng vào thưa với Ngụy Trưng: 
- Quan nội thị đem thánh chỉ tới. 
Ngụy Trưng nói với Thúc Bảo, Mậu Công: 
- Chư huynh ngồi đây tiếp điện hạ, hãy cứ thong thả uống vài chén, tiểu đệ xin quay lại ngay. 
Văn Tĩnh cùng Mậu Công vốn là bạn bè cũ, Thúc Bảo cùng Tần Vương vốn vì có ơn thâm giao, bốn người chuyện trò tâm đắc bỗng gia đồng lại vào thưa rằng: 
- Ngụy đại nhân đã trở về! 
Tất cả đứng dậy đón. Mậu Công nói: 
- Đáng ra chúa công đánh dẹp Khải Công, mở đất chiếm thành, nên có thánh chỉ, sao thấy Ngụy hiền huynh có vẻ lo lắng? 
Ngụy Trưng rút từ trong tay áo ra tờ chiếu thư: 
- Xin mời chư huynh xem. 

Phần trên nói về việc Khải Công cởi áo ra hàng, phía sau là nỗi mừng mới sinh Thái tử, nên ra lệnh ân xá, trừ những kẻ cường đạo, giết người trọng án, cũng không ân xá cho hai kẻ đang giam trong Nam lao là Lý Thế Dân và Lưu Văn Tĩnh. Thúc Bảo cùng Mậu Công xem xong, vò đầu nghĩ ngợi, chẳng nói một lời. Lại thấy bên ngoài tiếng người ồn ào, Ngụy Trưng hỏi: 
- Sao mà huyên náo vậy? 
Nghĩa Phù đáp: 
- Có lẽ trong cung đưa tiểu nữ về chăng? 
Gia đồng mời Nghĩa Phù ra. Mậu Công nói: 
- Hôm trước Tần đại huynh định bày tiệc rượu ngay tại nhà để mời điện hạ, tiểu đệ sợ có sơ xuất gì thì chẳng thể đối phó kịp. Thuở ban đầu Ngụy Công đối xử còn có điều tình nghĩa, gần đây ngày càng kiêu căng, cậy mình thông hiểu mọi chuyện. Anh em tiểu đệ cũng muốn tìm cách giải thoát ngay cho điện hạ, nhưng mới đây Ngụy Công nhận ra chỗ thân tình ấy, cho nên lại càng cố giữ lại. 
Thúc Bảo hỏi: 
- Nay việc đã đến thế, làm thế nào đây? 
Tần Vương thấy mọi người bàn bạc, chẳng biết nên nổi thế nào, đành lên tiếng an ủi: 
- Đội ơn ba vị quá lo lắng cho. Cũng bởi hai chúng tôi đây, họa tình chưa hết, hãy cứ nấn ná ít lâu, cũng không hề gì. Chỉ phiền ba vị lại phải lâu công khó nhọc. 
Ngụy Trưng bàn: 
- Tiểu đệ nghĩ thế này. . . 
Định nói nữa, thì thấy Nghĩa Phù bước vào, Ngụy Trưng ngừng lại, Văn Tĩnh liền nói: 
- Nghĩa Phù đây cũng thuộc bạn bè tâm giao rồi, các vị có chuyện gì cứ nói, chẳng có điều gì phải lo ngại. 
Ngụy Trưng nói với Văn Tĩnh: 
- Xin Lưu hiền đệ xem qua chiếu ân xá, liệu chữ "bất" này, mà thêm một nét, thì nghiễm nhiên thành chữ "bản" (1). Công về cũng chẳng thể hạch sách gì được. Mà dẫu thế nào, thì đây là chuyện xương máu, ba anh em chúng ta cùng gánh chịu cũng đáng tội. 
1 Trong chiếu ân xá có ý: "Bất xá Nam lao Lý Thế Dân..."chữ "bất”, rất giống chữ "bản", nếu chữa vậy thì có thể hiểu thành: "Vốn cũng ân xá cho Lý Thế Dân..." 

Thúc Bảo vui mừng: 
- Thế thì hay lắm, phải nhờ đến Ngụy đại huynh, viết sao cho thật giống thân bút của chúa công mới được. 
Mọi người đứng xúm chung quanh có người khen hay, có người lặng yên không nói. Nghĩa Phù lên tiếng: 
- Tiểu nhân cũng có nghĩ ra một cách, xin ba vị đại nhân cho phép thưa xem sao. 
Mậu Công đáp: 
- Huynh ông có kế hay, xin nói ngay cho. 
Nghĩa Phù thưa: 
- Đem chữ "bất" chữa thành chữ "bản", chỉ sợ văn nghĩa không thông, mà thật gượng gạo. Lại thêm chúa công vốn thông minh, hiểu biết, chứ không hôn ám gì, chỉ cần khác nét bút của mình một chút, một người cẩn thận như thế, sẽ thấy ra ngay thì thật có nhiều điều phiền toái. Chi bằng theo cách này của tiểu nhân vậy, để tiểu nhân thả điện hạ cùng Lưu đại nhân, chúa công về hỏi; ba vị cứ thế trút tội lên đầu tiểu nhân. Bất quá cũng chỉ đến tội trông coi Nam lao không cẩn thận, chẳng đến trọng tội đâu. Còn như chữa chiếu thư thì chẳng phải chuyện đùa. 
Ai nấy đều khen: 
- Lý lẽ xác đáng lắm! 
Ngụy Trưng nói thêm: 
- Nghĩa Phù bàn thế cũng phải. Nhưng không biết nên làm cách nào bây giờ. 
Nghĩa Phù thưa: 
- Vừa rồi Vương hậu cho gọi tiểu nữ vào, nhân ngày đầy tháng Thái tử, muốn viết sớ đến chỗ chúa công, nhưng trong người còn mệt mỏi, cho nên gọi tiểu nữ vào viết thay, sai người đem tới Mạnh Tân. Tiểu nữ thừa cơ nói rằng nên sai tiểu nhân làm việc này, sáng mai, canh ba phải lên đường, thật đúng là cơ hội để khỏi phải chữa chiếu thư. Hiện đã có ý chỉ ở đây, sai tiểu nhân tới chỗ Từ đại nhân lấy quan quân tới bảo vệ Nam lao. Cả tờ sớ trình chúa công đã được niêm phong bằng giấy lụa vàng, tiểu nữ đã cầm về đây rồi. 

Nghĩa Phù đưa ý chỉ trong tay áo ra, thì thấy hoàng hậu viết rằng: 
“Gửi cho chưởng ấn Binh bộ đại thần họ Từ: 
Phái ngay lại tốt hai mươi tên đến Nam lao phòng giữ, tuần sát đợi khi nào ngục quan Từ Lập Bản công cán trở về, sẽ về bản bộ như cũ. Không được sai sót.” 
Ngụy Trưng, Thúc Bảo cả mừng: 
- Thật đây là đại phúc của nhà Đường, khiến cho điện hạ trở về triều, cha con sum họp quân thần gặp gỡ vậy! 
Nghĩa Phù nói: 
- Nhưng cần phải có tới năm ngựa tốt cùng với đầy đủ yên cương mới xong. 
Ngụy Trưng hỏi: 
- Cùng với huynh ông nữa cũng chỉ ba ngựa là đủ, còn thừa hai ngựa làm gì? 
Nghĩa Phù đáp: 
- Để cho tiểu nữ cùng với gia đồng. 
Mậu Công nói: 
- Nếu đã như thế, cũng nên mời lệnh ái ra đây ra mắt điện hạ, để rồi còn cùng lên đường. 
Nghĩa Phù vội đứng dậy, rồi cùng Huệ Anh vào. Mọi người nhìn ra, thì tuy chẳng son, chẳng phấn nhưng lại càng hiện rõ vẻ đẹp trời ban. Nghĩa Phù thưa: 
- Trong lúc vội vàng này, xin cho tiểu nữ lạy ba lạy. 
Ai nấy đều theo đó đáp lễ. Nghĩa Phù mấy lần không dám nhận, cuối cùng cùng đành trả lễ ba vái. Huệ Anh vội quay trở ra. 
Mậu Công lên tiếng: 
- Tiểu đệ dạo đi đánh Hóa Cập, có lấy được hai con ngựa hay, nết rất hiền. Một con xin gửi điện hạ, một con xin tặng lệnh ái Huệ Anh. 
Thúc Bảo nói: 
- Con ngựa truy phong của điện hạ, hiện tiểu đệ đang nuôi trong chuồng nhà, chỉ cần thêm hai con nữa, hẹn một nơi nào đó rồi chúng ta nên chia tay nhau mà lo liệu công việc thì hơn. 
Mậu Công đáp: 
- Các vị nên nhanh chóng xếp đặt chu đáo cho. Tiểu đệ xin điều ngay tay chân đến đây, rồi cùng đến chỗ Thúc Bảo là hay hơn cả! 
Ba người bàn bạc kỹ lưỡng một hồi, rồi Nghĩa Phù đưa ra tận cổng trại, rồi quay vào ngay, thu xếp tế nhuyễn, sắp hai bộ quần áo xanh cùng với mũ giày, đưa cho Tần Vương cùng Văn Tĩnh thay. 
Nghĩa Phù lại lấy thêm hoa quả, gọi gia đồng bê thêm một vò rượu đến bày ở nhà khách. Tần Vương hỏi: 
- Thêm rượu cùng các thứ nhắm này để làm gì? 
Văn Tĩnh đáp thay: 
- Thần hiểu những cái này của Nghĩa Phù dùng để làm gì, chốc nữa điện hạ sẽ thấy! 
Bỗng nghe báo có người gọi mở cổng. Nghĩa Phù vội sai người ra xem, thì ra viên quan sai cùng mười tên lính, đến trình diện. Nghĩa Phù nói: 
- Chỗ này là cửa cấm, vừa rồi Từ đại nhân đã tự thân xem xét, đã khóa kỹ lưỡng. Vừa dịp có hai người nhà, đến chỗ Đơn tướng quân có việc, nên bày tiệc rượu sẵn đây. Trời thì lạnh, rượu sẵn trong vò, xin mời cứ uống thoải mái, chỉ xin coi sóc trong ngoài cẩn thận cho thôi. 
Từ Huệ Anh cầm đèn lồng đến, Tần Vương cùng Văn Tĩnh bưng hộp đựng sớ tấu, gia đồng gánh hành lý, rồi gọi một thổ binh ra mở cổng. Bọn Nghĩa Phù năm người vội vàng đi khỏi, chưa được bao lâu, đã thấy gia đồng nhà Thúc Bảo đến đón: 
- Tần đại nhân đang nóng ruột đợi gặp các ngài. 
Nghĩa Phù vào dinh Thúc Bảo, đã thấy bên sân buộc đủ năm ngựa, Thúc Bảo ra đón, nói với Tần Vương: 
- Thúc Bảo này cũng biết điện hạ đang nóng lòng ra đi, nên không dám lưu luyến. Rồi chỉ mấy con ngựa nói tiếp: 
- Mấy con ngựa này, Từ Mậu Công vừa cho người dẫn lại, con ngựa trắng lốm đốm vàng kia, xin biếu điện hạ. Còn con có yên phủ gấm thêu, xin tặng Huệ Anh tiểu thư. Ngựa của điện hạ, xin để cho Văn Tĩnh cưỡi. Còn hai con kia là của huynh ông Nghĩa Phù cùng gia đồng, đều là những ngựa thuần lại dai sức cả. 
Rồi lấy ở ống tay áo ra mấy cái thư, đưa cho Văn Tĩnh, nói: 
- Ba thư này phiền hiền huynh cầm hộ, một là biểu tạ ơn gửi lên vua Đường, một thư gửi Lý Dược Sư, một gửi cho Sài Tự Xương vậy, nhờ hiền huynh khó nhọc. 
Văn Tĩnh vội bỏ ngay vào túi. Thúc Bảo sai gia đồng dẫn ngựa của mình để đưa Tần Vương khỏi thành. 
Tần Vương ngăn: 
- Ơn tướng quân biết bao tình nghĩa, Lý Thế Dân này xin khắc sâu vào tâm can, thật không dám phiền tôn giá tiễn ra khỏi thành, sợ thêm chuyện hiềm nghi. 
Thúc Bảo gạt nước mắt: 
- Kẻ sĩ vì tri kỷ mà chết, kẻ đại trượng phu sợ chuyện hiềm nghi thì chẳng làm nên chuyện gì cả. 
Rồi lên ngựa trước, mọi người cũng đành lên theo, phi nhanh ra cửa thành, lại đinh ninh dặn dò một lần nữa, mới chắp tay cáo biệt. 
Đó gọi là: 

Trượng phu lòng thật ít lời 
Nói ra những sợ người đời. . . ngẩn ngơ.


HỒI 52

Rắp báo ơn, Thế Dân bắt cóc mẹ bạn,
Tin việc nghĩa, Ninh Thị tự xa nhà mình.

Từ rằng: 
Rèm rũ, then cài cánh cửa sâu 
Xa xa núi dựng, dạ em sầu 

Mưa mưa, gió gió, đi rồi lại 

Xao xuyến lòng ai, bởi tự đâu? 
Người ơi, người ở nơi nào 
Ghềnh sông hang núi, ào ào gió xuân 
Bóng nguyệt, cầu tan nhịp gãy 
Chồng lo xa nên xảy tai ương 
Nhìn nhau người những hoang mang 
Ve sầu, bọ ngựa, sẻ vàng không hay (1) 
Khen chim hồng bay cao lo trước 
Chín đường quanh như ruột dê xoăn 
Sóng kình muôn dậm sầu tuôn 
Đỗ quyên ơi, hãy về nguồn quê xưa 
Đời người thôi thế cùng vừa... 
Theo điệu "Mãn giang hồng” 
1 Hàn Phi tử: Một người đi săn nhằm bắn chim sẻ, chim sẻ đang rình bọ ngựa, bọ ngựa sắp chộp ve sầu. Dưới đất, kiến đang bò đến chuẩn bị đốt người đi săn...

*** 

Lại nói tiếp chuyện Tần Vương cùng Lưu Văn Tĩnh, Từ Nghĩa Phù, Từ Huệ Anh, ra khỏi thành Kim Dung, đi suốt ngày đêm. Trên đường đi, Tần Vương nghĩ tới Thúc Bảo, nhân đó nói Văn Tĩnh: 
- Thúc Bảo thật là người ân nghĩa trọn vẹn, chẳng mấy ai được đến như vậy, thật đúng như hai câu thơ: 

Nước dầm nghìn thước Đào Hoa, 
Uông Luân tình bác tiễn ta sâu nhiều. (1) 

Làm sao để Thúc Bảo sớm về được với ta, mới thỏa lòng mong nhớ. 
1 Nguyên văn: Đào Hoa đàm thủy thâm thiên xích; Bất cập Uông Luân tống ngã tình. (Tản Đà dịch) 

Văn Tĩnh thưa: 
- Thúc Bảo có nhiều điều khiến chưa thể về với nhà Đường được, không nói hiện nay thế của Ngụy Công đang mạnh, thứ nữa là anh em bên ấy, phần lớn đều cùng từ Ngõa Cương mà ra với nhau cả, thứ ba nữa là Thúc Bảo cùng Hùng Tín là anh em kết nghĩa, thề cùng sống chết, không thể nào bỏ nhau. Nay ba vị vừa rồi, đều đã có chí khác cũng bởi từ chuyện Địch Nhượng trước kia, cho nên anh em sinh mỗi người một hướng, nhưng chưa đến lúc tan nát đó thôi. 
Tần Vương nghe nói, không ngăn nổi buồn rầu mà rằng: 
- Nếu như thế, ta chẳng bao giờ được dùng Thúc Bảo hay sao? 
Nghĩa Phù thưa: 
- Xin điện hạ chẳng phải lo lắng nhiều. Thần có một cách, có thể làm cho Thúc Bảo phải bỏ Ngụy mà đầu Đường. 
Tần Vương vội hỏi: 
- Túc hạ có kế gì hay? 
Nghĩa Phù đáp: 
- Thúc Bảo tuy là võ tướng, nhưng là một người rất có hiếu. Mẫu thân tuổi đã cao, cùng với con dâu là Trương Thị, hiện đang ở Ngõa Cương. 
Tần Vương tiếp: 
- Tướng quân nhà Ngụy đều tập trung ở Kim Dung thành. Không hiểu gia quyến của các tướng khác có ở Ngõa Cương không? Nghĩa Phù thưa: 
- Ở Kim Dung thành hiện có quý quyến Ngụy Công, còn lại đều đang ở sơn trại cả. Hiện chỉ có hai người, một là Vưu Tuấn Đạt, hai là Liên Cự Chân coi sóc ở Ngõa Cương. Chi bằng đem Tần mẫu về Đường trước đã, cung phụng thật chu đáo. Thúc Bảo hay tin, tất chẳng khác gì Từ Thứ phải quay về Tào vậy thôi. 
Tần Vương đáp: 
- Việc thì hay đấy, nhưng sai ai làm cho tiện? 
Nghĩa Phù thưa: 
- Thần trước kia đã từng làm quan ở U Châu, có biết tổng quản La Nghệ, La phu nhân chính là cô ruột Thúc Bảo, họ hàng rất gắn bó. Năm nay chính vừa dịp bảy mươi tuổi Tần mẫu, chi bằng nhờ La phu nhân, giả vờ lên châu Thái An dâng hương, đi qua Ngõa Cương, mời Tần mẫu xuống thuyền gặp gỡ, chuyện trò sau trước. Tần mẫu nghe nói thế, nhất định bằng lòng, khi đã ra khỏi sơn trại rồi, thì chẳng lo gì không tới được Trường An. 
Văn Tĩnh khen: 
- Nên làm thế, nhưng nhanh tay mới được, về đến Trường An là phải làm ngay! 

Đi vào đầu núi Thiên Thu Lãnh, thấy phía sau có tiếng người gọi theo: 
- Tiểu thư đánh rơi một chiếc hài rồi! 
Tần Vương nghe thấy vội quay ngựa, thấy một chân của Huệ Anh, hài đã rơi mất, lộ rõ gót sen. Huệ Anh vẫn còn mang vẻ nhút nhát, mặt mày đỏ tía thẹn thùng. 
Nghĩa Phù lên tiếng: 
- Rơi một chiếc rồi, sao còn một chiếc nữa, không vứt luôn đi cho xong. 

Thấy vậy Tần Vương ruổi ngựa theo đường cũ, lúc lâu quay lại thì đã tìm thấy bên đường, Tần Vương cầm hài trong tay, đưa cho Huệ Anh, cười nói: 
- Đây có phải là hài của Huệ Anh chăng? 



Huệ Anh vội vàng xuống ngựa, đưa hai tay nhận, đi vào cẩn thận, rồi mới lên ngựa. Từ đó, trên đường tuy chưa thật khăng khít, nhưng giữa Tần Vương với Huệ Anh đã mang tình quyến luyến, thỉnh thoảng lại nhìn nhau không nói. Đoàn người ngày đi đêm nghỉ, chẳng mấy chốc đã tới sông Bá Lăng, Tần Vương nói với Văn Tĩnh: 
- Ta ngẫu nhiên đi săn chơi, không ngờ gặp phải nạn lớn, nếu không có Huệ Anh, Nghĩa Phù, cùng ba vị Tần, Ngụy, Từ đồng tâm cứu giải cho thì đến chết già trong nhà tù mất. 
Văn Tĩnh thưa: 
- Đấy chính là điện hạ cùng với thần có cái hạn trăm ngày, may mà Nghĩa Phù ngày đêm chu toàn cho, lại được lệnh ái thi ơn bày kế. Điện hạ lại thêm một mưu sĩ hiểu biết, cùng một bạn hiền trong buồng khuê. Chẳng phải là trong họa mà sinh phúc đó sao? 

Lại thấy phía trước bụi cuốn mịt mù, một đội người ngựa tiến lại trông xa thấy cờ hiệu Đại Đường. Tần Vương lên tiếng: 
- Rõ ràng là phụ hoàng đã hay chuyện ta về, nên sai người đi đón đây. 
Bọn Viên Thiên Cơ, Lý Thuần Phong, Lý Tĩnh phi ngựa tới ngay trước mặt cùng thưa: 
- Điện hạ, chúng thần tới nghênh giá! 
Tần Vương đáp: 
- Ta bởi không nghe lời can ngăn của các tiên sinh, gặp phải nạn này, thôi thì sau này công việc quân binh, ta sẽ cẩn thận hơn. 

Lúc này tân khách của tây phủ lần lượt kéo tới, tất cả vào ải Đồng Quan. Tần Vương nói với Nghĩa Phù: 
- Túc hạ cùng lệnh ái, xin hãy tạm ở quán dịch để ta gặp phụ hoàng, rồi sẽ sắp sẵn xa giá ra đón cho thật đàng hoàng. 

Nghĩa Phù xin vâng, quay vào dịch quán nghỉ ngơi. Tần Vương cùng công khanh vào triều, yết kiến vua Đường, vào cung gặp Đậu Thái hậu, cốt nhục gặp nhau tình cùng sinh tử, nước mắt chứa chan. 

Tần Vương đem chuyện bị nạn kể lể đầu đuôi. Vua Đường phán: 
- Tần Thúc Bảo, Từ Mậu Công, Ngụy Huyền Thành, ba vị ân nhân, trước mắt tuy chưa thể quy Đường, trẫm phải nhớ kỹ chuyện này, con cũng nên ghi xương khắc cốt. Còn nghĩa sĩ Từ Lập Bản, lập tức ban cấp nhị phẩm cùng đủ áo mũ, lại riêng mũ phượng cho Huệ Anh, đưa vào bệ kiến. 

Tần Vương liền sai tả hữu về Tây phủ lấy bốn cung nữ, chỉnh đốn hương xa, mời Huệ Anh cùng phụ thân vào triều. Vua Đường thấy mặt, càng thêm ưu ái, dùng Nghĩa Phù làm Thượng đại phu, còn Từ Huệ Anh, ban tên là Từ Huệ Phi, phong làm Nhất phẩm phu nhân, gả cho Tần Vương, cùng lo việc Tây phủ, Tham tán Tây phủ quân cơ sự vụ. 

Tần Vương lại đem biểu tạ ơn của Thúc Bảo trình lên, vua Đường xem xong, phán: 
- Thúc Bảo trước kia đã cùng trẫm gặp gỡ giữa đường, cả nhà đều được Thúc Bảo cứu thoát, nay Thế Dân lại được Thúc Bảo chu toàn tính mạng cho, cha con đều chịu ơn, biết đến bao giờ mời được Thúc Bảo về đây để đền ơn ít nhiều. 
Tần Vương thưa: 
- Không cần phụ hoàng phải nghĩ ngợi, con đã có kế hay, khiến cho Thúc Bảo sẽ quy Đường ngay. 

Nói rồi tất cả lạy tạ ra khỏi điện. 

Mấy ngày sau, Tần Vương cùng Lý Tĩnh, Từ Nghĩa Phù, đem hai nghìn tinh binh, lại thêm mấy cung nữ theo hầu Huệ Phi lên đường. 
Chuyện khoan nói đến. 

*** 

Lại nói chuyện Ngụy Công Lý Mật, ở Yển Sư chiêu hàng được Khải Công, khao thưởng ba quân, đang định hồi triều, nhưng không lượng sức mình, lại kéo qua Hà Bắc, bị tướng của Đậu Kiến Đức là thư tướng Vương Tôn, đón đánh dưới núi Cam Tuyền. Vương Tôn bắn tên, trúng cánh tay trái Lý Mật. Thua trận buồn rầu, mất hết nhuệ khí Lý Mật lại nhận được tờ tâu của Mậu Công, trình rõ chuyện ngục quan Từ Lập Bản, giả làm quan sai trong cung, thả cho Lý Thế Dân cùng Lưu Văn Tĩnh, rồi không biết đi đâu. Ngụy Công nổi giận, ngày đêm về Kim Dung thành, Ngụy Trưng, Mậu Công, Thúc Bảo ra đón. 

Ngụy Công chửi mắng ba người một trận, đổ cho không trông coi cẩn thận, thông đồng với Lập Bản trong chuyện này, nhận được hối lộ nhiều rồi tha, coi thường phép nước, định đem ba người ra chém. May được Tổ Quân Ngạn, Giả Nhuận Phủ bao lần can ngăn, mới tạm đem giam vào Nam lao, chờ lập công chuộc tội.

*** 

Lại nói Tần mẫu cùng Trương Thị, Tần Hoài Ngọc, ở tại Ngõa Cương, tuy Thúc Bảo vẫn thường cho người thăm nom, nhưng Tần mẫu tuổi đã bảy mươi, so không còn được như hồi ở Tế Châu. Lại thêm lúc ấy, Thúc Bảo ở ngay cạnh gối, ngày đêm chăm nom gia quyến vui vẻ, nay lại vì công danh sự nghiệp mà mỗi người một nơi. 

Một hôm, thấy đầy tớ vào thưa: 
- La lão tướng ở U Châu, sai người đến trại, theo lệnh Tần phu nhân, mời Tần mẫu đến gặp mặt. 
Tần mẫu nghe nói, bàn với Trương Thị: 
- La phu nhân thật chu đáo, nhớ dạo ta sáu mươi tuổi tròn, cũng sai người tới mừng thọ. Từ ấy đến nay, âm hao cách trở, nay lại sai người đến, liệu có phải vì năm nay ta tròn bảy mươi chăng? 
Trương Thị thưa: 
- Đúng hay không đúng, cũng phải ra gặp La phu nhân, thì hiểu ngay thôi. 
Tần mẫu liền cùng Hoài Ngọc lên nhà trên, thấy hai vị quan sai đều quỳ xuống thưa: 
- Chúng quan sai là Uất Trì Nam, Uất Trì Bắc, xin lạy chào Thái phu nhân. Trước tiên là dâng lễ của La phu nhân, để mừng lễ thọ. Rồi xin mời Thái phu nhân tới thuyền để cùng gặp gỡ La phu nhân. 
Tần mẫu đáp: 
- Cháu Tần Quỳnh, hiện đang mắc việc nước ở Kim Dung thành, không có ở đây, thật làm khó nhọc các vị, xin mời các vị ngồi tạm. Hoài Ngọc, cháu hãy tiếp các quý khách cho chu đáo. 

Hoài Ngọc vâng dạ làm theo. 
Tần mẫu liền cùng bốn người hầu gái, vào bên trong, cùng Trương Thị mở gói lễ vật của La phu nhân ra xem, thì đều là những kỳ trân dị ngoạn, đáng giá hàng hai ba nghìn vàng. Binh tướng trong trại, đều là xuất thân từ giặc cướp, đã bao giờ được thấy những thứ quý giá đến như thế cho nên cứ ngây mặt ra nhìn, ngay cả Vưu Tuấn Đạt cùng Liên Cự Chân cũng xuýt xoa khen: 
- Nếu không phải là soái phủ La tướng quân thì làm sao có được lễ vật như thế này, không biết đến lúc làm lễ mừng thọ, thì còn những gì nữa? 
Bốn người hầu gái lạy hai lạy chào Trương Thị xong, liền thưa: 
- La phu nhân dâng hương qua đây, xin mời thái thái cùng công tử Hoài Ngọc xuống thuyền gặp gỡ, mong được gặp lại họ hàng thì mới đi được, dặn chúng tiện tỳ thưa lại cùng thái thái. 
Trương Thị liền sai đầy tớ bày tiệc rượu khoản đãi mọi người, rồi hai mẹ con bàn nhau. Tần mẫu nói: 
- Nếu chối rằng Tần Quỳnh không có nhà, lễ nhiều quá không dám nhận, thì cũng chẳng nên ra gặp La phu nhân, tình thân hai nhà coi như là hết. Nhược bằng đi báo với Tần Quỳnh, thì đường xá xa xôi, làm sao cho kịp. 
Lúc này cũng may Trình mẫu ở đó, liền bàn: 
- Đã là thân thích, chúng ta đã chẳng tới thăm được, nay họ La đã nghìn dặm tìm tới, lại đem theo hậu lễ để nhận nhau, thì có chuyện gì mà phải tính toán. 
Trương Thị nói: 
- Ngày trước cha cháu Hoài Ngọc phạm tội tới U Châu, may được gặp La Tổng quản, mới được thoát nạn. Lại thêm cách đây mười năm, chính lần mừng thọ sáu mươi của thái thái, con vẫn còn nhớ, La phu nhân sai hai viên gia tướng đeo dây tua bạc đến mừng thọ, đi lại như thế, không thể nói là xa cách. Nay cứ kiên tâm từ chối, thì chính hóa ra mình bạc tình chăng? 


Trình mẫu bàn: 
- Cứ như ý của bà già này, cả hai mẹ con dẫn theo cả Hoài Ngọc ra gặp Tần phu nhân một phen. Người ta ở đời, nghìn dặm đến tìm, nào có phải chuyện dễ dàng, cũng như chẳng còn lần lễ thọ bảy mươi nào nữa đâu. Mẹ con không có gan đi, thì ta sẵn sàng đi theo làm bạn với! 
Tần mẫu nghe xong, lòng đã ưng thuận đi đến bảy tám phần. 
Lại thấy Liên Cự Chân vào thưa: 
- Hai vị quan sai họ Uất Trì này, cũng đã từng đến Lịch Thành bái thọ cách đây mười năm, nói ra cháu mới nhận được, thế bá mẫu không nhận ra sao? 
Tần mẫu đáp: 
- Lúc ấy trên nhà khách đông nghịt, ta làm sao mà thấy rõ ràng từng người. Nếu đã như thế, trời đã chiều rồi, hãy giữ họ ở lại sơn trại một đêm, sáng sớm ngày mai sẽ lên đường. Cự Chân cũng phải ở lại đây tiếp họ giúp Hoài Ngọc với! 
Cự Chân đáp: 
- Vâng, xin bá mẫu yên tâm! 

Sáng hôm sau, cả nhà dậy ăn cơm sớm. Tần mẫu, Trình mẫu, Trương Thị, ăn mặc chỉnh tề, đem theo năm sáu hầu gái, cùng bốn người hầu gái của khách nữa, cộng đến mười hai mười ba người, lên kiệu. Tần Hoài Ngọc cũng đội mũ thắt đai, khoác áo hồng bào, lưng giắt bảo kiếm, cưỡi ngựa ngân tông. Liên Cự Chân cũng mặc phẩm phục, cưỡi ngựa, dẫn theo đến ba bốn chục lính, hộ tống xuống núi. 

Cả đoàn người ngựa, kiệu xe, đi được khoảng mười dặm, thì thấy phía trước một tiếng pháo nổ vang, trống phách rộn ràng, nhìn xuống sông, một chiếc thuyền rất lớn, xung quanh vô số thuyền khác. Tần mẫu cùng mọi người đến gần bên thuyền, thấy bốn năm hầu gái và một phu nhân ăn mặc sang trọng, tuổi còn trẻ. Tần mẫu cùng mọi người dừng kiệu nhìn lên, nói: 
- Không phải La phu nhân! 
Hầu gái đi theo có người thưa: 
- Đây làNhị Phu nhân của La Tổng quản. 

Tần mẫu cũng không hỏi lại, cùng mọi người kéo lên thuyền. Bỗng thấy Bạch Hiển Đạo xuất hiện, nhìn nhìn, ngó ngó. Hoài Ngọc liền trừng mắt nhìn, hàm răng nghiến chặt, thét lớn một tiếng. Bạch Hiển Đạo giật mình kinh sợ, lui vào bên trong. Lý Tĩnh từ trên thuyền có gác cao trông thấy, giật mình hỏi: 
- Có phải con trai Thúc Bảo chăng? 
Có người thưa: 
- Dạ đúng! 
Lý Tĩnh nói: 
- Tuổi chưa nhiều, nhưng khí tiết đã khiến người phải kinh sợ, đúng là dòng hổ tướng. 
Rồi sai người mời ngay lên thuyền. 
Ai nấy đã lên thuyền cả, một cung nữ đứng ra thưa: 
- Đây là Tần Thái Thái, đây là Trình Thái Thái, còn đây là Trương phu nhân. 
Nhị phu nhân vốn là Huệ Phi lần lượt chào hỏi, rồi nói với Tần mẫu: 
- La phu nhân hiện đang ở thuyền trước, sai thiếp đem thuyền đến đón trước, may được thái thái giá lâm, thật muôn vàn trân trọng? 
Rồi sai người cho phu kiệu cùng lính tráng trở về, hẹn ngày hôm sau tới đón. Tần mẫu nói: 
- Tần Quỳnh bận việc quan ở Kim Dung thành, được La phu nhân đưa hậu lễ mừng thọ, lại thân tới thăm, thật là áy náy trong lòng không yên. 

Tiệc rượu bày xong, Lý Tĩnh mời Hoài Ngọc tới gặp Nghĩa Phù, Lý Tĩnh kể chuyện Thúc Bảo gửi thư cho mình ra sao, rồi lấy ra cho Hoài Ngọc xem, Hoài Ngọc mới biết chính là Lý Dược Sư, thân phụ Thúc Bảo đã nhiều lần nhắc tới, rất là kính phục. Lại nghe ba tiếng pháo nổ, thuyền nhổ neo. Tần mẫu ở thuyền bên, không thấy Hoài Ngọc, trong lòng không yên, vội sai người tìm về, bắt ngồi ngay bên. 

Thuyền đi đầu nhã nhạc rộn ràng, buồm kéo lên, cứ theo thứ tự mà đi cả đoàn. Liên Cự Chân thấy quang cảnh lạ lùng, trong lòng đã phân vân ngờ vực, đêm ấy ngủ trong thuyền Nghĩa Phù, Nghĩa Phù đem mọi chuyện kể lại rõ ràng, Cự Chân mấy trong lòng cũng thanh thản, nhưng chỉ ngại bây giờ đường đi đôi ngã biết tính sao cho trọn. 

Về phía Huệ Phi, tối hôm ấy cũng thong thả kể thực với Trương Thị, vì thấy Trương Thị đoan trang, trung thực, vả lại giờ đã ở trên thuyền, dẫu có cánh cũng chẳng bay nổi. Trương Thị vội kể lại với Tần mẫu, Tần mẫu chỉ mới biết chuyện Thúc Bảo cứu Lý Uyên ở Tra Thụ Cương, còn chuyện cứu Lý Thế Dân ở Nam Lao thì hoàn toàn chưa biết. Cả hai được Huệ Phi kể lại tỉ mỉ, rồi tiếp: 
- Nay điện hạ đây không thể quên được ơn đức ấy của Tần tướng quân, cho nên mới sai thiếp cùng thân phụ bày kế thế này để mời thái thái vậy! 

Lúc này Tần mẫu cùng Trương Thị mới biết người nói chuyện với mình không phải là Nhị Phu nhân của La Tổng quản mà chính là Nhất Phẩm Phu nhân Huệ Phi của Tần Vương, lại mới cùng bái chào lại cho đúng lễ. Cũng may Trình mẫu vì uống mấy chén rượu, đã ngủ say ngay bên cạnh, Tần mẫu mới nói: 
- Tần Quỳnh ngu tối, may được điện hạ để ý tới. Nhưng tại sao lại biết già này cùng La Tổng quản là họ hàng thân thiết? 
Huệ Phi đáp: 
- Phụ thân thiếp thời tiền triều đã từng làm biệt giá ở U Châu mấy năm, thường hay lui tới soái phủ của La Tổng quản, nên biết rất rõ. 
Tần mẫu nói: 
- Chỉ lạ một nỗi là hai người giả anh em Uất Trì rất giống. Còn nữa là hiện nay nhà Ngụy này chưa suy, Tần Quỳnh làm thế nào mà về nhà Đường ngay được. Phu nhân nên sai người gửi thư ngay thời mới xong. 
Huệ Phi nói: 
- Những điều này rồi sẽ lo liệu được cả, nhưng sợ có Trình mẫu ở đây nói ra chưa tiện. 
Mọi người lên thuyền được hai ngày, sáng hôm thứ ba dậy sớm, thì thấy đội lính tiền tiêu báo: 
- Phía trước có tới ba bốn chục chiếc thuyền giặc đã sắp tới gần! 
Hoài Ngọc đang ngủ ở lâu thuyền bên cạnh, nghe thế liền chồm dậy khoác áo ra theo dõi. Lý Tĩnh gọi một viên tướng lại, chính là người hôm trước đóng giả Uất Trì Bắc, Lý Tĩnh lấy ngay một lệnh tiễn ở trên án đưa cho trung quân quan, viên tướng quỳ xuống nhận lệnh tiễn. Lý Tĩnh ngồi trên thuyền lệnh: 
- Tiền tiêu báo có thuyền giặc sắp tới gần, ngươi hãy lãnh binh đi xem thế nào. Không nên giết hại, hãy cứ trói cả về đây cho ta. 
Viên tướng nhận lệnh ra ngay. 

Chẳng mấy chốc đã nghe tiếng pháo lớn rung trời, tiếng la hét vang mặt sông. Trên các thuyền nhỏ, binh lính nai nịt gọn gàng, cung trương, kiếm tuốt khỏi vỏ lao ra như chớp. 

Khoảng một giờ sau, nghe tiếng chiêng thu quân, đã thấy viên tướng lúc trước về quỳ thưa: 
- Thưa nguyên soái, thuyền địch đã bắt được, đầu mục của chúng đã bị bắt để trong thuyền, ngửa chờ nguyên soái định đoạt. 
Lý Tĩnh thu lại lệnh tiễn, rồi hỏi: 
- Thuyền địch mang cờ hiệu gì? 
Viên tướng đáp: 
- Treo cờ hiệu nhà Ngụy. 
Lý Tĩnh chau mày nói: 
- Nếu là nhà Ngụy, thì giải đầu mục lên đây! 

Viên tướng vâng lệnh đứng dậy, các thuyền lớn thuyền nhỏ lúc này đã thả neo. Trên thuyền đầu, chúng tướng, cùng các đao phủ sắp hàng nghiêm trang, đầy oai phong, từ trong thuyền chiến dẫn ra một người cao lớn. Cự Chân đứng ở thuyền sau nhìn giật mình nói: 
- Đúng là Giả Nhuận Phủ của chúng ta rồi, làm sao lại ở đây, mà bị trói dẫn đi như thế này? 
Cự Chân vội chạy đi tìm báo cho Hoài Ngọc, nhưng vì thuyền nhiều, người đông, nên cả Nghĩa Phù cũng chẳng thấy đâu, đành phải lén theo Nhuận Phủ, xem tình trạng ra sao. 
Lý Tĩnh cao giọng hỏi: 
- Ngươi là người ở đâu, họ tên là gì? 
Nhuận Phủ đáp: 
- Ta là người nhà Ngụy, tên họ là Giả Hòa. 
Lý Tĩnh nạt: 
- Đã là người nhà Ngụy sao không trông thấy cờ hiệu của đại Đường mà dám xông vào đội thuyền của ta. Ta hỏi ngươi: ngươi vâng lệnh Lý Mật đi đâu, làm gì? 
Nhuận Phủ đáp: 
- Xin cứ nói thực: năm ngoái Vương Thế Sung đến Kim Dung thành vay hai vạn hộc lương, năm nay không ngờ nhà Ngụy chúng tôi mất mùa. Ngụy Công sai Giả Hòa này đi đòi nợ. 
Lý Tĩnh nói: 
- Vương Thế Sung là một kẻ tàn nhẫn, giáo trá, hằng ngày hằng giờ lúc nào cũng rắp tâm làm việc hiểm độc. Chúa công Lý Mật nhà ngươi, sao lại cho chúng vay lương, có khác gì cho Tấn mượn đường để diệt Ngu, để rồi lại tự làm nguy mình chăng? Thật là Lý Mật cũng chỉ là một kẻ phàm phu tục tử mà thôi! 
Nhuận Phủ đáp: 
- Thiên hạ đại loạn, chẳng thể nói hươu chết tay ai (1), sao ngài lại quả quyết thế được? 
1 Hươu chết tay ai: Theo “Tấn thư", Thạch Lặc nhân uống rượu say, nói với khách: Trẫm nếu gặp Hán Cao Tổ, thì xin ngoảnh mặt về bắc mà thờ Cao Tổ, chỉ cùng Hàn Tín, Bành Việt đua tài, tranh lấy hàng đầu mà thôi. Nhưng nếu gặp Lưu Quang Vũ sẽ cùng rong ruổi đua sức ở Trung Nguyên, thì chưa biết hươu chết về tay ai! 

Lý Tĩnh vỗ án quát: 
- Thủ hạ Lý Mật đều là một bọn tầm thường ngu dốt, cũng bởi chuyện Tần Vương cùng Lưu Văn Tĩnh bị giam ở Nam lao, ta đang định cất quân hỏi tội. Nay ngươi lại dám làm loạn ở trong quân ta sao. Tả hữu đâu, đem chém đầu thằng này cho ta! 

Quân sĩ dạ vâng, lôi Nhuận Phủ, dẫn đi. Cự Chân hồn tiêu phách tán, lại vội chạy đi tìm Hoài Ngọc. Nào hay Hoài Ngọc được Nghĩa Phù nói cho biết nguyên do, nên không chịu đi ngay, khi thấy đao phủ vừa lôi Nhuận Phủ ra, thì Lý Tĩnh đã vội đứng dậy, đích thân cởi trói cho Nhuận Phủ, quát tả hữu lấy mũ áo vào, mặc cẩn thận cho Nhuận Phủ, rồi mời ngồi ghế trên. Nhuận Phủ bái tạ: 
- Kẻ bất tài này vô tình phạm oai nguyên soái, xin nguyên soái tha tội, thật đội ơn lớn! 
Lý Tĩnh đáp: 
- Vừa rồi, chẳng qua cũng chỉ để xem khí lượng ngài ra sao. Chúng tôi vốn học theo hạ sĩ cầu hiền của Tần Vương, đâu dám khinh thường bậc hiền tài, xin gọi ra đây để ngài gặp mấy người quen biết cũ. 
Nói chưa xong thì thấy Nghĩa Phù, Cự Chân, Hoài Ngọc kéo ra ngay trước mặt, Nhuận Phủ ngạc nhiên, nói với Nghĩa Phù: 
- Ngài thả Tần Vương cùng Lưu Văn Tĩnh ra, rồi cũng lại đến đây sao? 
Rồi hỏi Cự Chân, Hoài Ngọc: 
- Các người đang ở Ngõa Cương, tại sao lại tới đây? 
Nghĩa Phù kể lại ngọn ngành, Nhuận Phủ nói: 
- Ngài cùng Tần Vương cao chạy xa bay, chỉ khổ cho Mậu Công, Ngụy Trưng cùng Thúc Bảo ngồi tù thay ở Nam lao! 
Hoài Ngọc nghe nói thế, khóc rống lên, rồi đòi Lý Tĩnh: 
- Xin bác cho cháu hai nghìn người ngựa, cháu đánh vào Kim Dung thành, cứu phụ thân! 
Tần mẫu ở thuyền bên cạnh, nghe tin, cũng sai ngay người đến hỏi tỉ mỉ. Nhuận Phủ nói: 
- Có cả Tần mẫu ở dây, sao không mời sang đây cùng gặp gỡ, để nghe Nhuận Phủ kể đầu đuôi luôn một thể. Xin các vị chờ cho một lát. 
Lý Tĩnh sai Hoài Ngọc: 
- Đúng rồi, cháu Hoài Ngọc hãy sang mời bà nội sang đây, nghe Giả đại nhân kể chuyện. 
Tần mẫu sang ngay, cùng mọi người chào hỏi xong, hỏi Nhuận Phủ : 
- Tần Quỳnh vì sao phải giải vào Nam lao? 
Nhuận Phủ thưa: 
- Ngụy Công chiêu hàng được Khải Công về, nghe nói Nghĩa Phù đây thả mất Tần Vương, Lưu Văn Tĩnh, đổ hết giận dữ vào Tần đại huynh, Ngụy Trưng, Mậu Công, rồi đem giam ba người vào Nam lao. Nhuận Phủ này cùng La Sĩ Tín khuyên giải thế nào cũng không nghe, sai ngay Nhuận Phủ này đi đòi lương, cũng bởi năm ngoái, Vương Thế Sung cho người sang vay bốn vạn hộc lương. Nhuận Phủ này biết chuyện, vội chạy đến Ngụy Công khuyên không nên cho vay, nói mãi vẫn chẳng xong. Thế Sung thiếu lương, chính là trời hại họ Trịnh sao lại còn cho nó? Huống chi nhà Ngụy tuy có dự trữ được ít nhiều, nhưng mùa mưa chưa hết, vẫn phải nghĩ tới chuyện đói kém, huống chi "thực túc binh cường", chẳng khác nào giúp sức cho kẻ cướp bậc trí giả chẳng làm như thế bao giờ. Ngụy Công vẫn chẳng chịu nghe, mở kho cho vay hai vạn hộc. Ngày mở kho, lại gặp phải ngày "giáp thân", là ngày cấm kỵ của việc mở kho. Ít lâu sau, các quân coi kho đều trình chuột bọ rất nhiều, lương thực hao hụt. Toàn là những con chuột lớn, mọc hai cánh, toàn thân có vẩy như vẩy cá, men theo tường mà bay mà chạy, như những đàn ong lớn, các kho chỉ còn lại một hai phần. Ngụy Công liền sai Trình Giảo Kim làm "Huy miêu đô úy", lệnh trong toàn nước, mỗi hộ phải nạp một con mèo cho các kho, không có mèo, phạt mười thạch lúa. Nhưng rồi chuột vẫn nhiều hơn mèo, lớn hơn mèo, mèo cùng ăn cùng ngủ, cùng hội cùng thuyền với chuột, chuột chẳng hết được. Ngụy Công càng thêm giận dữ. Gần đây, Tiêu Tiên đói kém, lại đem lính sang vay năm vạn hộc, nếu không cho vay, lại phải đánh nhau. Thế nguy không thể nào khác, Ngụy Công đành tha ba vị ở Nam lao ra, sai Tần đại huynh cùng La Sĩ Tín lãnh binh đi đánh Tiêu Tiên, Mậu Công thì đi Lê Dương, Ngụy Trưng thì coi sóc các kho lương. Trước mắt lúa má khô cằn, vụ thu hoạch sắp tới cũng chẳng trông mong gì hơn, nên mới phải sai ngay Nhuận Phủ này đi đòi nợ nhà Trịnh. Nay Tần mẫu được Lý nguyên soái theo lệnh Tần Vương mời về Trường An, thì nhất định là hơn hẳn ở Ngõa Cương rồi, xin để Nhuận Phủ này nói cho Tần đại huynh biết, rồi thế nào đại huynh cũng phải tìm cách về với nhà Đường! 
Lại nói với Cự Chân: 
- Liên đại ca nên quay về Ngõa Cương, gia quyến anh em ta đều ở Ngõa Cương cả, mà chỉ có mỗi mình Vưu viên ngoại ở đó, sợ có chuyện gì, lấy ai ra lo liệu. Nhuận Phủ vì việc công cấp bách, xin cáo biệt? 
Lý Tĩnh thấy Nhuận Phủ khí phách hiên ngang, lý lẽ thấu đáo, nhờ Nghĩa Phù khuyên Nhuận Phủ về với nhà Đường, Nhuận Phủ đáp: 
- Nhuận Phủ cũng vì ngu tối, không biết chọn chủ mà thờ. Nay thời vụ cũng đã khá rõ, nhưng cũng chưa đến lúc cùng, đem chuyện thịnh suy mà liệu đường đi ở, sợ rằng là điều chúng ta không nên làm. Rồi còn gặp nhau! 
Nói rồi ra đi. Lý Tĩnh vô cùng thán phục. Cũng bởi Cự Chân cùng Thúc Bảo vốn gắn bó thân thiết, nên Cự Chân cũng phải cùng đi Trường An, chờ sự yên ổn, mới dám quay lại Ngõa Cương. 
Chính là: 

Phau phau lau trắng, sương hoa dãi 
Bịn rịn lòng son, nghĩa khí ca.

HỒI 53

Giả mộng gặp Chu Công, Vương Thế Sung diệt Ngụy,
Cơn nguy bỏ Từ Tích, Lý Huyền Thúy theo Đường

Thơ rằng: 
Thành bại rằng tại trời 
Lại cũng là việc người 
Hễ kiêu thì bại thôi 
Kém dũng cùng thua trí 
Gặp may vội khoe tài 
Hoạn nạn rồi ụp đến 
Khi dân chán bạn rời 
Rồng mà không mây nước 
Thì kiến tha làm mồi 
Hối hận không kịp nữa 
Sử xanh mãi chê cười. 

Sự đời đã đến thế cưỡi hổ, có quan hệ đến nước nhà, mà lại không có thực tài trị loạn an dân, thì khó mà đứng vững, huống chi lại vốn phường tục tử tầm thường với những mẹo vặt, đã vội ước đến những thứ không phải phận mình, mãi lúc công việc nát tan, mới sực nghĩ ra thì đã muộn rồi. 

*** 

Nay hãy khoan nói chuyện Tần Mẫu về với nhà Đường, mà nói chuyện Giả Nhuận Phủ, từ biệt Lý Tĩnh đến Lạc Dương, nghe ngóng Vương Thế Sung đang thao diễn binh mã, xin gặp. Thế Sung đã biết ngay, không chịu tiếp, cũng không viết thư phúc đáp, chỉ cho người trả lời miệng: 
- Lúc này Lạc Dương cũng đang thiếu ăn, làm gì có thừa mà trả cho Ngụy Công. Hãy chờ mai kia đến Hoài Thượng thu thóc xong, sẽ đem đến tận nơi giao trả cho Ngụy Công. 

Nhuận Phủ thấy thế biết ngay Thế Sung trở mặt, không chịu trả, nên chẳng chờ thư phúc đáp, trở về tâu với Ngụy Công: 
- Xem cung cách của Thế Sung, không những chỉ quỵt nợ, mà còn có ý đánh chiếm, chúa công phải cẩn thận đề phòng. 
Lý Mật giận dữ: 
- Lũ giặc này không thể ngồi chờ chúng tới được, mà phải đem binh tận nơi hỏi tội mới xong. 

Rồi chọn ngày xuất binh, lấy Trình Giảo Kim, Phàn Văn Siêu làm tiền đội, Đơn Hùng Tín, Vương Đương Nhân làm đội thứ hai, còn mình cùng với Vương Bá Đương, Bùi Nhân Cơ làm hậu đội, nhằm Đông Đô mà tiến. Vương Thế Sung đã được mật thám mã báo tin từ trước, cũng muốn cùng Lý Mật quyết chiến một phen, nhưng ngại Lý Mật người ngựa đông, đánh gấp khó mà thắng, nên ngồi tính toán trong trướng. Bỗng thấy tả hữu vào báo: 
- Lương thực trong kho của Ngụy Công bị chuột bọ làm hao tổn rất nhiều, phải sai Giả Nhuận Phủ làm Huy miếu đồ úy (1) trong cung lại sinh nhiều điềm lạ. Trăm họ trong thành đồn rằng vì chiếm phần mộ của Chu Công (2) mất cả phần hương hỏa, nên Chu Công giáng họa như thế. 
1 Ở hồi thứ năm mươi hai, nói là Trình Giảo Kim, có lẽ tác giả sơ ý, vì lúc này Giả Nhuận Phủ đã được đặc sai đi đòi nợ ở Lạc Dương rồi. 
2 Chu công: Tên là Đán, chú của Thành Vương, nhà Chu, Thành Vương lên ngôi từ nhỏ. Chu Công cầm quyền trị nước rất sáng suốt, rất trung thành, được sử sách phong kiến ca ngợi. (Điển cố văn học)
 

Thế Sung nghĩ ngợi: 
- Chỉ sợ chuyện này không đúng! 
Tả Hữu thưa: 
- Tất cả đều nói như thế, sao lại sai được! 
Thế Sung cười: 
- Nếu đúng như vậy thì kế của cô xong rồi đây. Nhưng cần phải có một người lanh lợi, hiểu được ý cô, thì mới chắc thắng. 
Rồi đưa mắt nhìn xung quanh, trông thấy một tay chân, người này mỉm cười không nói.  Sáng hôm sau, một hồi trống tụ họp các tướng, bàn kế chống giặc. Thế Sung hỏi: 
- Thành Kim Dung của Lý Mật, là thành cũ của nhà Tùy, hay là thành do Lý Mật mới xây? 
Trương Vĩnh Thông thưa: 
- Cung thất nhà Ngụy hiện nay, vốn là miếu thờ Chu Công. Lý Mật lấy cớ miếu thờ Chu Công thì phải xây ở đất phong của con cháu ở nước Lỗ, nơi này không phải chỗ, nên phá miếu thờ, mà xây cung thất, Chu Công nhiều lần đã thác mộng vào quần thần, nhưng quần thần không dám tâu. Thế Sung phán: 
- Hèn gì cô hôm qua, vào khoảng canh ba, mộng thấy một vị thần áo mũ chỉnh tề, nói: "Ta là con của Chu Văn Vương là Cơ Đán, may được thượng giới phong thần, miếu đền ở trong thành Kim Dung, nay bị Lý Mật phá tan, lấy nền làm cung thất, gỗ ngói làm kho lẫm, khiến cho thầy trò ta lang thang không nơi yên ổn. Nay Lý Mật khí số sắp hết, vận bại thời suy. Trịnh Vương hãy vì ta mà báo thù này!". 
Trăm quan liền thưa: 
- Đã có thần giúp sức, đủ rõ uy thế của chúa công thế nào. Phen này đất đai của Ngụy Công, tất sẽ về tay chúa công cả! 
Thế Sung phán: 
- Nếu được thế thì phú quý các khanh cùng cô hưởng, một mình cô đâu dám giành cả! 
Lại thấy ba bốn tên lính vào quỳ thưa: 
- Trung quân tả tiêu kỳ Đinh Trần Long, bỗng xõa tóc, đi chân không, như điên như dại, miệng hét lớn: "Ta muốn gặp Trịnh Vương!" 
Thế Sung nghe nói, cả cười nói với các quan: 
- Viên tướng này vốn thật thà, tại sao lại sinh chuyện thế này, cô cùng các khanh hãy đến xem sao! 
Tất cả lên ngựa, cùng ra giáo trường. Quân sư Hoàn Pháp Tự đến giáo trường trước, thì thấy Trần Long đang nhắm mắt nằm quay ở trên bàn, lớn tiếng đọc những câu thơ Đại Nhã trong "Kinh Thi". 

Văn Vương tại thượng 
Sư chiêu vu thiên 
Chu tuy cựu bang 
Kỳ mệnh duy tân. (1) 
1 Bốn câu đầu trong bài "Văn Vương" nghĩa là: Văn Vương ở trên, Tinh thần chiếu rạng khắp trời; Nhà Chu tuy là nước cũ; Mà mệnh trời cho làm thiên tử thì mới! 

Trông thấy Thế Sung tới, liền đứng ngay trên bàn, hướng về phía Thế Sung mà thét: 
- Kính mời Trịnh Vương lại đây! Ta là Chu Công Đán thác vào người này đây. Những lời ta đã nói hôm qua, sao không làm ngay, đừng cho là chuyện mộng mị, mà coi thường. Nếu quân thần các ngươi đồng tâm hiệp lực, ta còn giúp cho ba ngàn âm binh, đánh bại quân Ngụy, thấy ngay nhỡn tiền. Hãy mau xuất binh. Ta đi đây! 
Nói xong nhảy xuống bàn, rồi lăn lộn, múa may khắp sảnh đường. Lúc này Thế Sung cùng trăm quan đều đã khúm núm bái lạy: 
- May được đại vương ra lệnh, chúng tôi nào dám không gắng diệt lũ nghịch tặc, xây lại điện miếu cao lớn hơn xưa! 
Vua quan cùng đứng dậy, xem mặt Trần Long thì xám như tro, tay chân lạnh như băng, người cứng như gỗ, nằm vật ra trên cỏ. Thế Sung sai người khiêng về nhà. 

Từ đó tướng sĩ nhà Trịnh, ai ai cũng như có một Chu Công ở trong người. Lâu nay trong việc quân binh, Thế Sung vốn là kẻ xảo trá, lắm mưu mẹo, lại được quân sư Hoàn Pháp Tự, vốn là đồ đệ của bàng môn tà đạo, gặp lúc loạn lạc, đua chen kiếm danh kiếm lợi, nên vạch đủ mưu chước dối lừa, núp danh thần thánh cho Thế Sung. Thế Sung về triều, lệnh cho quân sư Pháp Tự, ngày mai ra giáo trường, tuyển thêm ba nghìn lính, chọn những tên dữ tướng, cao từ tám thước trở lên, cho đi giày rơm, dùng khêu cao một trượng hai thước, đeo mặt nạ quỷ sứ, suốt mấy ngày tập luyện ở giáo trường. Pháp Tự khuyên Thế Sung: 
- Cách này phải làm ngay, để lũ Lý Mật không kịp phòng bị. 

Thế Sung nghe theo, vốn cũng muốn đánh thắng Lý Mật, trở thành chúa một nước lớn, nhưng nếu Lý Mật là kẻ hiểu biết, thấy trong nước bao lần thiên tai, dị họa, hãy ngồi yên mà giữ Kim Dung thành, sửa những lỗi lầm xưa, thương yêu quân sĩ, thì cũng có thể trở nên một nước mạnh. Khốn thay, Lý Mật chỉ ỷ mình tài cao lực mạnh, vội quên ngay những ngày suýt chết, lẩn trốn gian nan. Lúc nào cũng tưởng như mình là Hán Cao Tổ, giơ gươm ba thước rõ cao, thiên hạ không ai địch nổi. Trước tiên điều ngay quân sư túc trí, đa mưu là Mậu Công đi Lê Dương. Tiêu Tiên chẳng qua chỉ là bệnh ghẻ lở ngoài da, thì vội điều ngay Thúc Bảo, trung dũng song toàn cùng La Sĩ Tín đi trấn áp. Nhuận Phủ bao lần bày mưu tính kế xác đáng, chẳng được nghe theo, lại bị đày đi Lạc Khẩu, phường vong nghĩa tham lợi như Bính Nguyên Chân thì lại được tin dùng, luôn được kề bên tính kế trù mưu. Chỉ còn lại Đơn Hùng Tín, Trình Giảo Kim, cũng chỉ biết riêng chuyện lên ngựa cầm thương. 

Đại quân Lý Mật đi chưa được hai ngày, thì Thế Sung cũng đã kéo người ngựa ra, gặp thám mã quay về báo, tin Thế Sung cho hạ trại cách thành khoảng ba bốn mươi dặm. Lý Mật đóng ở phía đông Thúy Bình Xuyên, Thế Sung đóng ở phía tây Thúy Bình Xuyên. Quân sư Pháp Tự, đem theo khoảng hai ba trăm người ngựa, lặng lẽ trèo lên đỉnh núi theo dõi quân Lý Mật, thấy cơ ngũ chỉnh tề, cờ hiệu nghiêm trang, khí thế xung thiên, thật đúng là "vô địch chi sư” . 

Pháp Tự trong lòng thầm nghĩ: "Ta dẫu có huấn luyện thần binh, nhưng làm sao mà thắng được lũ giặc thanh thế như vậy!". Cau mày nghĩ ngợi, nhìn bốn chung quanh, bỗng thấy phía dưới góc đông bắc, có bảy tám người đang đốn củi, Pháp Tự bỗng mừng rỡ mà rằng: 
- Ta nghĩ ra rồi! 
Khẽ gọi một viên gia tướng lại gần, ghé tai nói thầm mấy câu, còn mình thì lập tức lên ngựa về trại. Sáng ngày hôm sau, vào trướng thưa với Thế Sung: 
- Thần đêm qua mơ gặp Chu Công nói rằng: "Pháp Tự hãy nghe ta phán: ngày mai ta sẽ ngầm dẫn một người để giúp ngươi phá giặc. 
Ngươi hãy tâu với Trịnh Vương, tức tốc giao chiến". 

Rồi lại ghé tai Thế Sung, nói nhỏ mấy câu. Thế Sung cả mừng, Pháp Tự lại lấy ván gỗ, dùng màu xanh đỏ, vẽ hình thú dữ, đóng lại thành những thùng vuông lớn đem người ngựa giấu ở bên trong. Thế Sung ngồi giữa đại trại, xem xét việc điều khiển của quân sư, thì thấy quân lính vào thưa: 
- Đã bắt được Lý Mật! 
Đến lúc giải vào chính là bọn người đốn củi hôm qua, tất cả đều bị trói chặt, Thế Sung bên hỏi: 
- Bắt được bọn này ở đâu? 
Bọn lính thưa: 
- Tiểu nhân vâng lệnh tuần tra, đến đoạn đường mòn khe núi phía đông, gặp bọn này, trong số đó có Lý Mật, chúng tiểu nhân liền vào bắt lại giải về đây trình chúa thượng.
Kẻ bị đổ oan là Lý Mật vội thưa: 
- Tiểu nhân vốn là người nhà quan trợ giáo Quốc tử giám mục Lục Đức Minh, trong thành hiếm củi, nên ra đây đốn, nào phải Lý Mật, hiện có các bạn đây làm chứng. 
Bọn lính cãi: 
- Rõ ràng là Lý Mật, giả dạng kiếm củi để do thám quân tình. 
Thế Sung hỏi kỹ bọn kiếm củi đúng là người trong thành, liền sai tả hữu cởi trói cho họ, rồi khuyên: 
- Cô biết rõ các ngươi đều là dân thường rồi, nay cô có việc cần đến các người. Trong số các người, có ai biết đường tắt kín đáo lên Bắc Mang Sơn không? 
Một người giơ tay chỉ vừa thưa: 
- Thưa đại vương, người này là Mãn Sơn Phi Kim Dũng, người kia là Xuyên Sơn Giáp Bàng Nguyên, hai người rất quen các dường mòn trong núi, chỗ nào quanh vùng núi này cũng thạo. 
Thế Sung khen: 
- Hay lắm! 

Trước tiên gọi người giống Lý Mật tới, thưởng cho làm chức bá tổng trong quân, còn Kim Dũng với Bàng Nguyên thì cho làm tả hữu đội trưởng, cấp cho đầy đủ quần áo, chiến bào, rồi gọi vào trong trướng, ghé tai dặn dò một hồi, bọn này lĩnh mệnh ra đi. 
Chính là : 

Can quan máu đổ nơi nơi 
Mất còn thua được có trời mới lay. 

*** 

Lại nói tiền quân của Lý Mật là Trình Giảo Kim, chỉ mong gặp giặc để đánh nhau, giết chóc một hồi, không ngờ binh lính Thế Sung lại lấy ván làm thành, lặng lẽ không chịu nghênh chiến, liền dốc binh lính tiến sát vào tường thành, nhưng thấy bên thành toàn những hình thù dị xanh đỏ, quay ngựa lại bỏ chạy. Đơn Hùng Tín dẫn cánh quân thứ hai vừa tới kịp, sai lấy thang mây, pháo bắn đá, cứ thế lại xông vào, nhưng cũng không phá nổi. Lý Mật dẫn hậu quân ở phía sau đóng trại, nổi lửa nấu ăn, ra lệnh tối nay chú ý phòng giặc tới cướp trại, cho nên đêm ấy trong các trại đều canh gác nghiêm cẩn, trống canh điểm đều. Khoảng canh ba, bên ngoài trại quân, bốn phía nghe tiếng pháo nổ liên tiếp, ai nấy nhớn nhác, bỗng thấy đội trần thám vào thưa: 
- Các thành gỗ của Thế Sung đã thấy mở, nhưng bên trong chẳng có đèn lửa gì cả, không một bóng người, xin báo để chúa công rõ. 

Giảo Kim nhân suốt mấy ngày xông vào thành trong lòng đang bực bội vì không nên chuyện, nghe lính báo thế, không nhẫn nại được nữa, tự mình dẫn đầu, kéo quân sang trại Thế Sung. Từ xa đã thấy cửa thành gỗ mở rộng, đèn đuốc sáng trưng, chẳng khác gì ban ngày, nhưng không hề thấy người ngựa nào ở bên ngoài. Giảo Kim chẳng cần nghĩ ngợi, cứ giơ cao búa, gào thét xông vào: 
- Kẻ nào có gan thì theo ta! 

Trong trại quân Thế Sung nghe một tiếng pháo lớn, một tướng tiến ra, đánh với Giao Kim khoảng hơn chục hiệp, thua chạy. Giảo Kim cứ thế xông bừa, được khoảng mươi dặm, lại thấy một tiếng pháo long trời, rồi liên tiếp những tiếng pháo khác, một trận cuồng phong nổi lên, quét bụi đất mù mịt, không còn thấy gì nữa. Lúc này khoảng gà gáy, trời đã gần sáng, Giảo Kim đang đốc thúc quân mã đánh chém, thì thấy bên nách xông ra bảy tám đội, toàn những kẻ mặt xanh tóc đỏ, miệng rộng hoặc, răng chìa như ngà voi áo ngũ sắc dài, giày rơm, đi khêu trong khói lửa hoàng, thuốc pháo mù mịt, cầm trường thương mà chém, đội lính phía sau ùa theo chém giết, la hét vang trời: 
- Thiên binh đến rồi! Các ngươi muốn sống thì hãy đầu hàng cho sớm. 
Binh lính của Hùng Tín kinh hoàng, quay ngựa xéo lên nhau mà chạy. Lại thêm lũ ngựa chiến, thấy những mặt quỷ xanh đỏ cao lênh khênh đều hý vang sợ hãi nhảy loạn xạ, hoặc cứ thế đâm đầu chạy thục mạng. Hùng Tín dẫn một số ít người ngựa can đảm, xông lên phía trước, gặp cánh quân Giảo Kim, cả hai cùng đánh giết một hồi, thì nghe quân Thế Sung hét vang: 
- Lũ giặc ngu dốt kia! Chúng tao đã bắt được Lý Mật rồi đấy! 
Một toán người ngựa, kéo theo Lý Mật, áo giáp vàng, khoác ngoài hoàng bào, bị trói trên lưng ngựa gào không thành lời: 
- Mau lại cứu ta! Mau lại cứu ta! 
Thì đã bị bọn lính kéo đi mất, Giảo Kim thấy thế kinh hoàng, liền nói với phó tướng Phàn Văn Siêu: 
- Chủ tướng đã mất rồi, đánh cũng chẳng ích gì. Chạy đi thôi? 
Văn Siêu đáp: 
- Phương Đông cũng có Phật, phương Tây cũng có Phật, chạy đi đâu bây giờ, hàng quách cho xong. 

Liền lên tiếng chủ tướng đã bị bắt, tình nguyện đầu hàng. Lính tráng nghe thấy thế, nhất tề vứt khí giới, cởi giáp trụ, quỳ xuống xin hàng. Giảo Kim nhớ còn mẫu thân, trong đám loạn quân, vứt bỏ mũ áo, lặng lẽ bỏ trốn mất. 

Đơn Hùng Tín cùng Vương Đương Nhân dẫn cánh quân thứ hai, thấy phía trước đã tan vỡ, cũng chẳng rõ tại sao, lính la hét: 
- Ngụy Công đã bị bắt rồi, cánh tiền quân đã hàng cả rồi! 
Hùng Tín vốn chỉ là người dũng mãnh, chẳng kịp nghĩ tại sao Lý Mật lại có thể bị bắt được, trong lòng cũng hoảng hốt, nói với Đương Nhân: 
- Ngụy Công bị chúng bắt đi rồi! Chúng ta ở đây, chém giết cũng vô ích, chi bằng cùng tìm đường thoát chạy. 
Đương Nhân đáp: 
- Thế là hơn cả ! 

Rồi hét lớn một tiếng, giơ đao chém mạnh mở một đường máu, nhưng bốn phía đều là lính Thế Sung, càng giết càng nhiều. Hùng Tín quay đầu nhìn lại, Đương Nhân đã không thấy đâu nữa, đang định quay ngựa tìm, thì tướng Trịnh là Trương Vĩnh Thông cưỡi ngựa sấn tới, Hùng Tín vội giơ thương đón đánh, không ngờ đến hàng chục câu liêm chĩa ra, kéo ngã ngựa, Hùng Tín đành phải đầu hàng. Chỉ còn mỗi Lý Mật dẫn đội quân tâm phúc xông vào đốc chiến, thấy tiền đội đều dã thua to, vội sai Bùi Nhân Cơ lên trước cứu viện, cũng bị lính Trịnh dùng câu liêm bắt sống. Lý Mật đang dao động thì thấy ở sườn núi phía sau, tiếng hò hét rầm trời, hai đội bộ binh, tay cầm đoản đao, lao nhanh xuống xông bừa vào hậu đội quân Ngụy mà đâm chém. Nhìn về phía trại lớn, lửa bốc ngút trời, lính giữ trại lẩn trốn bốn phía vào hang vào suối hết cả. 



Thì ra lính Thế Sung có tiều phu dẫn đường, đang đêm một đội quân kéo đi, rắc đầy khắp nơi vật dễ cháy lưu hoàng, thuốc pháo, thừa lúc đại binh kéo đến, lẻn vào đốt trại lớn của quân Ngụy. Lý Mật ngày thường vẫn tự cho là mình mạnh thế, chẳng thể bị ai coi thường, hoặc lừa dối nổi, đến lúc này cũng lo sợ cuống cuồng. Đại trại thì lại làm sơ sài bằng cỏ tranh, không một chút gỗ ván, chỉ cần mấy trăm quân Trịnh xông vào, là đã thiêu xong, lại xông ra tiếp ứng cho hai cánh bộ binh. Thế là Lý Mật phía sau đã bị chẹn đánh, phía trước thì người ngựa Thế Sung cũng đã kéo đến, đón đường đâm chém. Đúng là tiền hậu giáp công, trước sau gặp địch, chẳng biết làm thế nào, chỉ còn cách đổi áo mũ, cùng toán lính hộ vệ chạy trốn về Lạc Khẩu. Nhuận Phủ nghe tin, vội đem quân tiếp ứng, lựa lời an ủi: 
- Hán Cao Tổ đánh trận thua luôn, nhưng cuối cùng vẫn được thiên hạ, Hạng Vũ tuy thắng nhiều lần, nhưng rồi vẫn bị diệt. Chúa công cứ yên tâm rồi ta sẽ làm lại mọi sự. 

Đêm ấy nghỉ ngơi ở Lạc Khẩu, ngày hôm sau đang định cùng mọi người bàn luận tính kế, thì thấy Giảo Kim cùng khoảng mười lính kỵ lần tới. Lý Mật giận dữ: 
- Ta đang muốn hỏi ngươi, cớ làm sao tiền quân lại đến nỗi thế? 
Giảo Kim thưa: 
- Phía trước chúng thần bị quân Trịnh dồn đánh, chạy được khoảng năm sáu dặm, bỗng thấy một trận cuồng phong, vô số âm binh ở đâu hiện ra, thế là cả bọn chúng xông vào, không ngờ trong quân Trịnh kéo ra một người áo hoàng bào, bên ngoài là giáp vàng, bị trói trên mình ngựa, trông chẳng khác gì chúa công. Tướng sĩ chúng thần đều nhận rõ là chúa công đã bị bắt, chẳng còn lòng nào mà đánh nhau nữa, quân Trịnh như núi lở, biển trào, bốn phía kéo tới, phó tướng Phàn Văn Siêu kéo quân đầu hàng. Thần bất đắc dĩ cũng phải bỏ chạy về Thương Thành, không ngờ Bính Nguyên Chân đã đem toàn thành hàng Vương Thế Sung rồi, thần bèn cố chạy tới đây, may vẫn gặp chúa công. Thật đều do quỷ kế của lũ giặc mà ra cả! 

Kể chưa xong, thì lại thấy Ngụy Trưng một người một ngựa tới, Lý Mật sợ hãi vội hỏi: 
- Vì sao khanh cũng rời Kim Dung thành đến đây một mình, không phải đã xảy ra chuyện gì rồi chứ! 
Ngụy Trưng thưa: 
- Canh năm đêm hôm qua, có một người cưỡi ngựa, gọi mở cửa thành. Trịnh Tư mã trèo lên thành xem xét, soi đèn nhìn ra, thì rõ là chúa công ngồi trên mình ngựa. Trịnh Tư mã vội vàng mở cửa thành ra đón, thì nghe tiếng quát: "Chư tướng đâu, không ra cứu ứng?" Rồi thủ hạ tới trói lại, Bùi Nhân Nghiêm cũng bị trói nốt. Thần biết trúng kế, vội chạy ngay vào báo Vương nương nương, thế tử, chạy ra cửa Nam, may thay trên đường gặp Vương Đương Nhân, giao cho hộ tống về Ngõa Cương. Còn thần tới đây xem xét mọi chuyện ra sao, may gặp đông đủ ở đây. Vừa rồi ở trên đường, thấy binh lính trốn chạy nói: "Đại quân của Thế Sung đang kéo đến phía sau rồi!" 
Thủ hạ của Nhuận Phủ đi tuần thám về thưa: 
- Hổ Lao quan đã mất rồi, người ngựa Thế Sung chỉ còn cách Lạc Khẩu khoảng ba mươi dặm, ta phải mau trốn chạy mới yên! 

Lúc này Ngụy Trưng cũng chẳng nghĩ được kế sách gì nữa. Lý Mật thấy Thế Sung thế như chẻ tre, liệu một góc Lạc Khẩu này, làm sao chống nổi, bèn cùng mọi người kéo về Hà Dương, là nơi Tổ Quân Ngạn đóng giữ, nhưng chưa được hai ngày, tuần thám về báo, Yển Sư, Lạc Khẩu đều đã mất. Lý Mật than: 
- Ai ngờ bọn nghịch tặc này với vài quỷ kế mà ta đã mất ngay các nơi, cùng bao nhiêu tướng sĩ, đổ cũng bởi ta chỉ làm theo ý mình, nên mới đến thế này. Giờ thì lòng dạ rối bời, bảo ta phải làm gì đây? 
Bá Đương thưa: 
- Mưu sách bây giờ, chỉ còn lại Thư Hà, bắc thì dựa vào Thái Hằng, đông thì liên kết với Lê Dương. Từ Thế Tích vốn một lòng trung nghĩa, chẳng vì thành bại mà thay lòng, lại giỏi bày mưu tính kế, có thể chống đỡ cho mặt ấy, sai Từ giữ lấy Lê Dương, rồi chuyển quân ra Hà Bắc, cố gần với Thế Sung, thần dẫu bất tài, cũng xin nguyện tử thủ. Chúa công thì ở Thái Hằng, trông coi cả hai nơi, hãy tạm như thế, rồi bộ hạ sẽ tìm đến, lực mỏng thì dựa vào thế hiểm mà chống đỡ, mới là diệu kế. 
Lý Mật bằng lòng: 
- Kế ấy hay lắm! 
Hỏi các tướng đều yên lặng không nói. Lý Mật cố căn dặn, thì các tướng đáp: 
- Hôm trước đánh một trận ở Bắc Mang sơn, quân lính đều kinh hoàng. Hùng Tín thì đầu hàng, Nhân Cơ tài trí thì bị trói, rồi lại đến Hà Dương cũng bị mất ngay, Thương Thành đầu hàng, Yển Sư Lạc Khẩu, Lao Hổ quan cũng theo gót mà đi. Tướng thì chẳng còn lòng nào mà cố giữ, lính thì chẳng còn sức nào mà liều chết, tình người lợi theo thế, ai ai cũng thế. Nay dưới trướng chúa công còn được khoảng hai vạn, liệu kéo dài được bao lâu, sợ rồi cùng theo nhau mà trốn hết. Chúa công bảo cố giữ, thì lấy ai mà giữ cho? 
Lý Mật nghe thế, bất giác sa hai hàng nước mắt, than rằng: 
- Ta nhờ vào sức các tướng, giữ Lạc Khẩu, chiếm Lê Dương, bắc chống Thế Sung, nam phá Hóa Cập, không ngờ nay đánh một trận, đến nỗi thần phản, thân tín xa lìa, muốn giữ thì không có người, muốn về không có đất. Tấm thân bảy thước nay còn giữ làm gì nữa? 
Nói xong rút kiếm đâm cổ, Bá Đương vội ôm lấy, rơi lệ chứa chan mà rằng: 
- Chúa công, dẫu có bị khốn khổ mới nên nghiệp lớn, nay tuy thất lợi biết đâu có thể hưng thịnh, sao lại đến nỗi cạn nghĩ như vậy. 
Hai người đều khóc, các tướng nhất tề sùi sụt, Lý Mật than khóc một hồi mới lên tiếng: 
- Thôi ta hãy dẹp tất cả lại! Chí lớn không chịu khuất kẻ khác, nay trời hại ta, vô kế khả thi, ta cũng chẳng về Lê Dương nữa. Nay nếu các tướng vẫn không bỏ ta, thì hãy cùng ta kéo về Quan Trung theo nhà Đường, cũng chẳng mất gì phú quý. 
Các tướng đồng thanh: 
- Xin nguyện theo chúa công về với nhà Đường! 
Lý Mật nói với Bá Đương: 
- Gia quyến của các tướng đều ở Ngõa Cương, nay vào Quan Trung, xa nhà đã lâu, nay tất mong nhớ, chi bằng tướng quân hãy về Ngõa Cương. 
Bá Đương thưa: 
- Thuở xưa đã thề cùng sinh tử với chúa công, cớ gì bây giờ lại bỏ nhau, thân này cổ phơi trên bãi cũng cam tâm, huống gì gia quyến! 
Lời của Bá Đương làm mọi người đều cảm khích, chẳng ai muốn đi nơi khác nữa. Chỉ riêng Giảo Kim nhảy ra trước mà lớn tiếng: 
- Không phải Giảo Kim này vô tình. Mọi người đi thì được, nhưng Giảo Kim này đi không được! 
Ai nấy hỏi: 
- Sao lại như thế? 
Lý Mật đỡ lời: 
- Ta hiểu rồi? Trình mẫu hiện còn trên Ngõa Cương, không đi cũng được. 
Giảo Kim đáp: 
- Không phải thế. Mẫu thân ở Ngõa Cương, đã có Vưu viên ngoại khác gì anh em, bao giờ lại quên việc chăm nom được, Giảo Kim chẳng phải lo chuyện đó. Nhưng năm trước Lý Thế Dân bị giam ở Nam Lao một trăm ngày, phần lớn đều do Giảo Kim này mà nên! 
Mọi người nói: 
- Đó là việc quốc gia, mà nào đâu chỉ tội riêng gì mình Trình hiền đệ? 
Giảo Kim đáp: 
- Dạo ấy Thế Dân dò xét thành Kim Dung, trăm quan đều nói là mẹo lừa của Thế Dân, không ai dám ra bắt, chỉ riêng độc Giảo Kim này, chẳng sợ chết ra khỏi thành, đuổi đến "Lão Quân đường”. Thế Dân trốn trong khám, tiểu đệ thấy Thế Dân biến thành một con mãng xà tinh, mới giơ búa định bổ, may mà Tần đại huynh đỡ kịp, nói rằng: "Bắt sống đem về gặp chúa công!", đến nỗi quần thần hai người, bị giam ở Nam lao. Người đời ngày nay, ân thì dễ quên, oán thì phân minh. Tiểu đệ mà về Đường, thì thật trúng ý Thế Dân, chỉ cần cho Giảo Kim này một đao, chia làm hai khúc, thì mẫu thân ai người chăm sóc. Không đi! Không đi được đâu! 
Mọi người nói: 
- Lúc này thì ai làm theo ý người ấy. Giảo Kim không đi, chúng ta cũng cứ theo chúa công về với nhà Đường thôi! 
Lý Mật sợ kéo dài sinh biến, cũng chẳng chờ Thúc Bảo trở về, cũng chẳng báo cho Mậu Công, lệnh cho hai vạn quân sĩ kéo về phía Tây. Trước tiên sai Nguyên soái phủ duyên Liễu Tiếp, đem theo tấu chương dâng vua Đường. 
Vua Đường Lý Uyên, từ lâu đã biết tài thao lược Lý Mật có thể dùng được, huống chi vùng Hà Nam, Sơn Đông, bộ hạ của Lý Mật khá nhiều, nếu thu phục được Lý Mật, thì cũng nhiều kẻ theo về, cho nên cả mừng, sai ngay tướng quân Đoàn Chí Huyền ra gặp, tìm lời an ủi lại sai ty pháp Hứa Kinh Tôn ra đón. Lý Mật tưởng tới thuở làm minh chủ, Lý Uyên bao lần ca ngợi, nào hay một sớm thất lợi, để đến nỗi phải cúi đầu làm thần tử Lý Uyên, trong lòng cũng ảo não không nguôi. Nhưng nay sự đã đến nước này, không thể không chịu dưới kẻ khác, đành phải dẫn bọn Bá Dương kéo vào Trường An, triều kiến vua Đường. Các tướng bái lạy xong, mời Lý Mật lên điện, vua Đường ban cho ngồi: 
- Hiền đệ can quan lao khổ, hãy nghỉ ngơi ít lâu, rồi chờ Thế Dân ở U Châu về, sẽ cùng hiền đệ san bằng Đông Quan, trả hận cho hiền đệ. 



Rồi truyền chỉ phong cho Lý Mật làm Quang lộc khanh Thượng trụ quốc, trước Hình Quốc Công. Vương Bá Đương làm Hữu vũ vệ tướng quân. Ngụy Trưng làm Tây phủ ký thất tham quân, ngoài ra các tướng sĩ đều được ban chức tước. Lý Mật tạ ơn lui ra. Vua Đường thấy Lý Mật không mang theo gia quyến, đem em họ là Độc Cô thị ban cho làm vợ, quan chức tuy không to, nhưng ơn nghĩa như thế cũng lớn. 
Chính là: 

Nhớ thuở xưa rồng mây nanh vuốt 
 sao nay như chuột như dê 
Cùng bầy Giáng, Quán, ê chề (1) 
Hàng thần lơ láo, tôn ty bẽ bàng. 


1 Bình định xong thiên hạ, Hán Cao Tổ phong Hàn Tín làm Sở Vương. Chu Bột được phong Giáng Hầu, Quán Anh phong Dĩnh Âm Hầu. Nhưng sau Hàn Tín cũng bị giáng xuống tước hầu như Giáng, Quán, nên vừa bực, vừa thẹn! (Sử Ký)


Nguồn maxreading.com 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved