Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

19 thg 11, 2013

Thanh Cung Mười Ba Triều - Hứa Tiếu Thiên - Hồi 68,69,70,71

Hồi 68: Càn Long lên ngôi báu

"Trẫm nhuốm cấp bệnh, tự biết mình khó lành. Tứ hoàng tử Hoàng Lịch tỏ ra rất hiếu thảo đối với trẫm, sẽ lên kế vị hoàng đế. Khâm thử".

Khi Ngạc Nhĩ Thái đọc di chiếu, Bảo Thân vương quỳ dưới điện. Chiếu vừa đọc xong, tức thì có một đội thị vệ, cung nữ và thái giám cầm nghi trượng trên tay, đi dần xuống thềm, rước vương lên trên điện, đổi long bào, đội mũ đại mão cho vương rồi rầm rầm rộ rộ đưa vương lên ngai vàng. Phía dưới thềm, các đại thần đồng thanh, bò rạp xuống đất hành lễ, hô vang "Vạn tuế!"

Tân hoàng đế hạ chi, đổi niên hiệu là Càn Long nguyên niên, đại xá thiên hạ, một mặt phát táng Đại hành hoàng đế, một mặt ngầm hạ mật chỉ cho Sử Dĩ Trực tìm kế truy bắt hung thủ, bí mật xử chết.




Trực vâng mật chỉ, cho trinh thám đi khắp nơi truy lùng nhưng có lẽ hung thủ thấy đại thù đã báo, bèn rời xa kinh thành vào nơi thâm sơn cùng cốc, tiêu dao tự tử lâu, thử hỏi Trực làm cách nào lùng cho ra được nữa chứ!

Ta hãy kể lại chuyện Lã Tứ Nương trả thù Ung Chính hoàng đế. Nàng theo Cầu Nhiêm Công ngụ trong thành Bắc Kinh, có Ngư Nhương làm bạn. Ngoài ra còn có Chu Dung Kính, nhân vì không thể rời xa nên đành theo lên kinh với nàng. Cảm ân tình của chàng, nàng hứa sau khi báo được thù nhà, sẽ cùng chàng chắp mối lương duyên. Đối với Ngư Nhương, Dung Kính cũng đối đãi hết sức kính trọng và luôn sẵn lòng giúp đỡ. Thường thường, ba người ngồi trò chuyện với nhau trong nhà, khi nói khi cười, người ngoài nhìn vào cứ tưởng như Cầu Nhiêm Công có một cậu trai, một cô gái và một cô con dâu, mà không bao giờ có thể nghi ngờ gì khác được Công thấy nhà mình quá rảnh rỗi, sợ có kẻ dị nghị, bèn mở một tửu quán. Rượu ngon, thịt béo, cả bọn quan viên, thái giám, thị vệ trong thành cũng hay lui tới. Nhờ đó, Công mới dò ra được đường xá trong cung cấm qua miệng họ, để Lã Tứ Nương và Ngư Nhương, hai người cứ đêm khuya canh vắng, vượt tường vào cung. Họ thấy cung điện lâu đài san sát, tường góc chênh vênh, ngói vàng rực rỡ khiến tìm kiếm mãi vẫn chẳng thể biết được tẩm cung của hoàng đế ở chỗ nào. Nhưng đã tới, hai người quyết chẳng chịu về không. Nhờ bản lĩnh chạy tường bay mái, hai nàng xông qua bắc rồi vọt sang tây, chỗ nào cũng đặt chân tới. Bọn thị vệ, thái giám chỉ thấy hai đạo bạch quang bay đi bay lại khắp trong cung, như đã kể trên. Sợ hỏng mất đại sự, Công khuyên hai nàng hãy nhẫn nại, để dò xem chỗ nào đích là nơi ở của Ung Chính hãy động thủ. Vì vậy, hai nữ hiệp lại im hơi bặt tiếng một thời gian. Trong cung cấm nhờ đó cũng được yên ổn một dạo.

Cũng một phần vì sự yên ổn giả tạo đó mà Ung Chính hoàng đế thiên cư sang vườn Viên Minh. Lã Tứ Nương cùng Ngư Nhương đem theo lương khô, ẩn nấp trong những khu hẻo lánh nhất trong vườn, dò la tin tức về Ung Chính. Thế rồi cũng có lúc hai nàng nghe lỏm được bọn cung nữ và Thái giám trò chuyện, biết rằng Ung Chính ngày ngày ở lại thư viện Bích Đồng để duyệt xét mọi việc quốc sự. Thật là cơ hội trời cho. Hằng đêm hai nàng chia nhau đi dò la đường sá.

Cuối cùng, đã thuộc làu mọi đường đi lối lại, cổng ra ngõ vào trong vườn. Lúc đó chính là dịp để hai nàng trổ tài hiệp khách để hạ thủ kẻ tử thù. Và đã thành công.

Hôm đó, hai nàng nữ hiệp mang theo muộn hương (tức mê hồn hương) cho nên khi Ung Chính hoàng đế bị chặt đầu thì bọn tả hữu thị vệ cũng đều bị mê man khắp lượt, lăn quay dưới đất cả. Lã Tứ Nương cắt xong đầu Ung Chính, muốn đem về tế trước bàn thờ cha và ông nội, nhưng Ngư Nhương can bảo:

- Chị làm như vậy chỉ giúp bọn chúng tìm ra tung tích. Bỏ nó lại là hơn!

Nói đoạn, Ngư Nhương cầm chiếc đầu lâu nhét vào trong quần Ung Chính hoàng đế. Hai người nhìn nhau đắc ý mỉm cười. Rồi như một cặp nhạn, hai nàng uốn mình nhảy lên mái ngói, phóng đi, chỉ còn thấy hai cái bóng trắng mờ dần trên các nóc điện, trong vườn Viên Minh.

Cầu Nhiêm Công lập tức cho cởi dây khai thuyền. Khi bọn Ngạc Nhĩ Thái biết được tin chạy vào tới vườn Viên Minh rồi bao chuyện xảy ra tiếp theo, thì thuyền của Lã Tứ Nương xuôi gió thuận buồm, đã vượt khỏi địa phận Bắc Kinh hướng về nam mà lướt tới.



Chuyện kể cũng kỳ lạ. Khi Lã Tứ Nương chưa báo được thù cha thì lúc nào cũng mặt ủ mày chau, áo xô phấn nhạt, nhưng khi đã báo được thù rồi thì cười nói suốt ngày, nào xiêm áo, nào phấn son, đẹp ra trông thấy.

Chu Dung Kính mừng vui khôn tả, suốt ngày đêm trong đầu chỉ nghĩ tới chuyện trăm năm với nàng.

Thuyền trẩy tới địa phận tỉnh Hồ Nam, Cầu Nhiêm Công đưa Dung Kính về nhà. Phụ thân của Dung Kính gặp lại con, mừng như sống lại. Dung Kính nói với cha việc xin cưới Tứ Nương làm vợ. Cầu Nhiêm Công liền đứng ra làm chủ hôn, chọn ngày lành tháng tốt cho đôi trẻ làm lễ cưới.

Ngày vui ngắn chẳng tầy gang, vừa mấy chốc đã một tháng trôi qua, Cầu Nhiêm Công muốn cáo từ ra về. Cha con Chu Dung Kính cố giữ lại mà không được. Lã Tứ Nương nói:

- Vợ chồng con nhờ sư phụ chu toàn nên mới có ngày nay. Sư phụ lên đường, chúng con xin tiễn đưa về mãi Tứ Xuyên.

Chu Dung Kính cũng nói:

- Phải đấy! Phải đấy!

Ngư Nhương quyến luyến, không muốn rời xa Tứ Nương. Nàng nhớ tới ngày cha bị hại mà thê thảm trong lòng. Cha chết, nhà không có, biết về đâu? Càng nghĩ nàng càng buồn, bất giác đôi dòng lệ tuôn rơi lã chã. Lã Tứ Nương hết lời khuyên giải và an ủi nàng, Cầu Nhiêm Công cũng nhân đó nhận nàng là con và hứa chăm sóc cẩn thận nàng mới nguôi ngoai được.

Bốn người lại bắt đầu cuộc hành trình. Lần này, thuyền ngược sông Trường Giang. Dọc đường, cảnh núi non hùng vĩ sông nước long lanh, cây cỏ tốt tươi, làm cho mọi người đều khuây khoả nỗi sầu ly biệt.

Thuyền đã tới địa phận Tứ Xuyên. Nơi đây núi non hùng vĩ, hiểm trở hơn. Bốn người bỏ thuyền lên ngựa, theo đường bộ. Vừa tới núi Ngũ Lão, dừng ngựa trên đồi cao, họ bỗng thấy từ phía chân đồi có một ông lão với một chàng thanh niên đang cho ngựa thong thả bước ra. Ngư Nhương nhanh mắt, nhận ra ngay ông lão đó chính là Ngư Xác, cha nàng. Nàng vội ra roi quất ngựa chạy tới trước cha. Hai cha con chỉ biết ôm nhau khóc ròng.

Cầu Nhiêm Công và vợ chồng Lã Tứ Nương sau đó cũng đã tới Hai bên thi lễ. Khi hỏi ra, Công mới biết rằng kẻ bị Lưu Thành Thuỷ bắt chém chi là một tên vô lại địa phương, còn Ngư Xác thì được Thuỵ cảm cái lòng nghĩa khí mà ngầm tha, song hứa là phải biệt tăm tích, đổi họ thay tên. Nay thấy Ung Chính đã chết, Ngư Xác mới thong dong xuất hiện thế này. Cũng có lần Ngư Xác nhớ con, tìm tới Cầu Nhiêm Công nhưng không gặp vì Công đã đem Ngư Nhương đi Bắc Kinh rồi.

Lòng trời run rủi, hôm nay cha con lại gặp nhau, thật là vui mừng ngoài ý muốn. Ngư Xác tạ ơn công lao dạy dô con gái mình của Cầu Nhiêm Công, chúc mừng Lã Tứ Nương đã trả được đại thù, lại còn đẹp duyên với người chồng vừa ý.

Năm người chuyện trò vui vẻ, mãi sau Ngư Xác mới sực nhớ bèn giới thiệu cho họ biết người đi cùng ông là ai. Chàng họ Đặng, tên Vũ Cửu, người Tứ Xuyên, vốn là một vị đại tài chủ chuyên kết giao những tay anh hùng, hào kiệt. Ngư Xác hiện cũng đang được Đặng Vũ Cửu mời ở lại Đông trang, là một thôn trang ở ngay dưới chân núi Ngũ Lão, có tới hai ba trăm nóc nhà và nuôi đến năm, sáu trăm môn khách. Cửu cũng biết đôi chút võ nghệ, tuổi năm đó đã ba tám, còn có mẹ già, chưa lấy vợ. Cửu lập chí từ lúc thiếu thời, quyết lấy cho kỳ được người vợ tài mạo song toàn, bởi thế chàng chọn kén mãi tới nay mà chưa tìm được người như ý.

Hôm đó, Đặng Vũ Cửu sai bày tiệc rượu, thết đãi hai cha con nàng Ngư Nhương và ba thầy trò, vợ chồng nàng Lã Tứ Nương. Rượu đến giữa chừng, nhân nói tới võ nghệ của Ngư Nhương, Cầu Nhiêm Công liền bảo nàng múa một bài kiếm giúp mọi người hạ tửu. Ngư Nhương vâng lời sư phụ liền cởi bỏ áo ngoài, vung cặp uyên ương kiếm lấp loáng, vụt bên đông, chém bên tây. Kiếm múa càng lúc càng nhanh, mọi người chỉ còn thấy một vầng ánh sáng lăn bên này, lộn bên kia trong luồng gió kiếm vù vù nghe lạnh người.

Đặng Vũ Cửu xem thấy mê quá, nhịn chẳng được bỗng thốt lên một tiếng: "Tuyệt quá!". Tiếng khen vừa dứt thì đạo bạch quang cũng vừa phóng tới sân như một mũi tên bắn. Ngư Nhương đã thu kiếm, miệng cười tươi như hoa nở, thong thả ngồi lại vào bàn.

Mọi người trên bàn tiệc đều nâng cao ly rượu, hướng về phía Ngư Nhương cùng nói "Cung hỉ" rồi một hơi cạn chén. Bữa tiệc quả là vui hiếm có. Chủ cũng như khách, hai bên sướng ẩm mãi tới khuya mới tan.

Đêm hôm đó, Ngư Nhương đưa cha vào phòng an nghỉ rồi cũng kiếm một chỗ ở góc phòng để được ngủ gần cha mà hầu hạ khi cần. Chu Dung Kính cùng với Lã Tứ Nương, được dành riêng một phòng, còn Đặng Vũ Cửu đưa Cầu Nhiêm Công về phòng mình. Hai người lại đề cập tới võ nghệ của Ngư Nhương.

Đặng Vũ Cửu coi chừng, thấy trong phòng không còn ai, bèn đứng dậy, chắp tay lạy Cầu Nhiêm Công rồi ngỏ lời xin Công đứng làm mai cho mình cưới nàng Ngư Nương làm vợ, Cầu Nhiêm Công nghe đoạn, vừa lấy tay vỗ vào ngực mình vừa tươi cười bảo:

- Việc gì chớ cầu hôn thì cứ việc tin tưởng vào lão hán này!

Qua ngày hôm sau, quả nhiên Cầu Nhiêm Công tìm Ngư Xác để nói chuyện mai mối. Ngư Xác vui lòng lắm nhưng ông vẫn do dự:

- Cha con tôi xa nhau đã lâu, thực không rõ lòng dạ cháu nó ra sao bây giờ.

Cầu Nhiêm Công liền cho gọi Lã Tứ Nương tới, nói cho nàng rõ chuyện rồi nhờ nàng dò ý Ngư Nhương. Tứ Nương chạy về phòng, trước hết bảo chồng đi chỗ khác, rồi mới kéo tay Ngư Nhương ngồi xuống bên giường, thì thầm to nhỏ chuyện Đặng Vũ Cửu cầu hôn và cha nàng đã tỏ ý bằng lòng, tiếp đó, hỏi thẳng Ngư Nhương sẽ định liệu thế nào?

Ngư Nhương thoạt nghe chuyện vợ chồng, xấu hổ quá, chẳng nói được lời nào. Về sau bị Tứ Nương gặng mãi, nàng bất giác nhỏ đôi hàng lệ. Tứ Nương vội hỏi thì nàng nói:

- Chỉ vì ở mãi quen rồi, em chẳng muốn bỏ chị mà đi. Em chẳng muốn lấy ai, cứ ở chung với chị, như thế có, hay không?

Lã Tứ Nương phì cười, lấy tay vỗ nhẹ vào má Ngư Nhương một cái rồi bảo:

- Con bé này, nói chuyện trẻ con? Chị của em đã lấy chồng rồi. Lấy chồng thì phải theo chồng chứ, ở mãi với nhau sao được?

Ngư Nhương lắc đầu không chịu. Lúc sau mới nói:

- Nếu anh chàng Đặng đã có lòng như thế thì chị hãy bảo hắn theo chị em mình về Hồ Nam cùng ở.

Tứ Nương nghe xong lại vỗ vai Ngư Nhương, cười nói:

- Em chỉ đùa thôi! Lẽ nào lại bắt người ta phải bỏ gia tài điền sản để theo bọn mình tới Hồ Nam hóng gió tây bắc được?

Như Nhương vênh mặt lên nói:

- Nếu không chịu thế, em chẳng lấy chồng đâu!

Giữa lúc Tứ Nương đang không biết khuyên giải ra sao, bỗng Chu Dung Kính từ sau giường nhô ra, vỗ tay cười vang:

- Chị không bỏ được em, em không bỏ được chị. Đến tôi cũng chẳng thể bỏ được cô em Nhương nữa. Vậy thì để tôi đem hết dinh cơ Hồ Nam lên núi Ngũ Phong mà ở để cho hai chị em nhà này được sớm tối gặp nhau. Lúc đó hẳn cô em Nhương sẽ chịu lấy chồng chứ gì?

Ngư Nhương lườm Kính một cái thật dài rồi mới nói:

- Em chẳng chịu đâu! Can gì tới anh mà anh nói? Vợ chồng anh cũng một lòng với nhau để bắt em lấy chồng phải không? Em nhất định không lấy, xem làm gì em nào?

Lã Tứ Nương còn nói không biết bao nhiêu điều, nào là ưng chịu đem cả gia tài tới Tứ Xuyên, nào là mãi mãi ở chung với nhau, lúc đó xem chừng Ngư Nhương mới xiêu lòng phần nào, nhưng miệng vẫn không chịu nói. Nàng cúi gằm mặt xuống, tay mân mê chiếc khăn tay màu hồng nhạt. Chu Dung Kính đưa mắt cho Tứ Nương, chỉ tay ra hiệu vào chiếc khăn hồng.

Tứ Nương hiểu ý liền giật chiếc khăn rồi đưa lẹ cho Dung Kính, nói:

- Anh đem ngay chiếc khăn này lên cho sư phụ, bảo em nó đã bằng lòng rồi đó. Có khăn này làm bằng cớ, xin sư phụ cứ đứng làm mai ngay đi cho.

Chu Dung Kính cầm chiếc khăn, chạy đi báo tin mừng.

Đặng Vu Cửu thấy Ngư Nhương đã bằng lòng, mừng khôn xiết kể, liền chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ. Riêng Ngư Nhương thấy câu chuyện đã lỡ như vậy rồi còn biết nói gì hơn, đành mời Tứ Nương tới để đặt ba điều kiện. Điều thứ nhất là phụ thân nàng cũng ở tại nhà họ Đặng và Đặng Vũ Cửu phải nuôi dưỡng mãi tới khi khuất núi. Điều thứ hai là sư phụ Cầu Nhiêm Công, Đặng Vũ Cửu cũng phải lo cung dưỡng không được thiếu sót điều gì. Điều thứ ba là chị Tứ Nương cũng như anh Dung Kính bằng lòng ở cùng trang viên với vợ chồng nàng.

Đặng Vũ Cửu nghe xong, cam đoan thoả mãn hai điều kiện thuộc về phần mình. Vợ chồng Tứ Nương cũng cam kết thực hiện. Đặng Vu Cửu bèn một mặt cho sửa sang nhà cửa, xếp đặt nơi ăn chốn ở cho hai vị lão nhân, một mặt xây cất ngay một toà nhà mới để hai vợ chồng Chu Dung Kính ở. Chu Dung Kính quay về nhà đón cha lên cùng ở với vợ chồng mình.

Đến ngày vui của Ngư Nhương. Người ta thấy không biết bao nhiêu là anh hùng háo hán giáng hồ tới mừng. Trong ngoài khắp trang, cỗ bày la liệt, tính ra có tới một trăm hai mươi mâm cả thảy. Thật là một ngày vui, say đến lệch đất nghiêng trời.


Hồi 69: Đánh Hồi Bộ cướp Hương Phi

Lại nói sau khi Ung Chính hoàng đế bị bọn Lã Tứ Nương, Ngư Nhương hạ thủ, Bảo Thân vương tức thì đăng vị kế nghiệp. Việc đầu tiên mà ngài nhớ đến là cô chị vợ tên Đổng Ngạch. Ngài sợ Phó Hằng, chồng nàng Đổng Ngạch, gây điều trở ngại cho cuộc tình duyên vụng trộm của mình bèn nên ngài hạ một đạo thánh chỉ, thăng Hằng lên chức Thượng thư bộ Lễ.

Phó Hằng vốn là một viên quan nhỏ, hiện giữ chức Tiểu kinh quan, thế mà được hoàng thượng sủng ái bỗng vọt lên chức thượng thư, thử hỏi làm sao Hằng không cảm kích được. Hằng chỉ còn có mỗi ước nguyện là làm vừa lòng hoàng đế.

Càn Long thấy mình đã "mua" được Phó Hằng rồi, bèn thác cớ hoàng hậu thường nhớ tới bà chị Đổng Ngạch, liên tục triệu nàng vào cung. Và trước khi gặp cô em, bao giờ bà chị cũng phải qua hú hi với chồng cô em trước đã.

Hoàng hậu Phú Sát y như người nằm trong trống, không hay biết gì hết, lại cứ thúc chồng triệu bà chị vào cung cho mình. Thật tức cười.

Còn nàng Đổng Ngạch, từ khi gian dâm với hoàng đế, bèn tự cho mình là cao quý lắm, chẳng thèm ngủ với chồng nữa. Anh chồng bị cắm sừng Phó Hằng đã nhiều lần mò vào buồng vợ nhưng lần nào cũng bị nàng đuổi ra ngoài, đành chỉ biết chung chạ với bọn hầu thiếp mà thôi. Hằng có đến bốn nàng hầu, song không ai đẹp bằng Đổng Ngạch. Nằm với bọn thiếp mà Hằng toàn nhắm mắt tơ tưởng tới vợ mình.

Thời giờ thấm thoắt thoi đưa. Càn Long hoàng đế cùng Đổng Ngạch tư tình tính đã hai năm. Năm đó, vào một ngày xuân, Đổng Ngạch bỗng thấy mình có bầu. Chuyện động trời này nhất định không thể bịp được, dù gã chồng có ngốc tới đâu chăng nữa. Đã hai năm qua, Phó Hằng đâu có được vào buồng nàng. Thế rồi bỗng cái bầu chình ình ra thì thử hỏi Hằng không nổi máu ghen sao được. Nàng quả có sợ, bèn vội vào cung bàn tính với hoàng đế. Rồi nàng trở về nhà, dọn một bữa tiệc ngay trong phòng ngủ của mình và cho mời Phó Hằng tới. Đã quá lâu không được gần vợ, nay được gọi vào ăn nhậu rồi có lẽ còn nhiều chuyện tốt đẹp khác, Hằng sướng tưởng như điên lên được. Tối hôm đó, đích thân Đổng Ngạch ân cần ngồi hầu rượu, lại càng khiến cho anh chồng thêm khát khao chuyện gối chăn. Rượu cạn tiệc tan Hằng quả nhiên được giữ ngủ lại, sung sướng không bút nào tả xiết.

Cách ít hôm, nàng Đổng Ngạch bảo với Phó Hằng mình đã mang bầu. Thật đúng là "Song hỷ lâm môn", Hằng vừa nghe đã mừng quýnh, thét bầy đặt tiệc luôn. Hằng tuy đã có ba con trai, nhưng đều là con của các hầu thiếp. Còn chính thất Đổng Ngạch chưa từng sinh nở, thử hỏi Hằng không vui sao được!

Đổng Ngạch sinh con trai, nom kháu quá. Hằng bấm đốt tay tính nhẩm, thì ra thằng con cưng của mình ở trong bụng mẹ mới có tám tháng mà đã vội vàng chui ra: Hằng vội hỏi vợ sao lại có chuyện kỳ quặc đó. Nàng Đổng Ngạch thấy chồng thắc mắc bụng đã lo nhưng vốn xảo trá, nàng vội nói gạt đi, bảo vì mình thể chất ốm yếu không dưỡng được thai nên đã sinh thiếu tháng và đứa con cũng cần phải nuôi dưỡng hết sức cẩn thận mới mong thành người được. Nghe vợ nói, Hằng tin ngay là thật và cũng từ đó, đem hết tâm lực nuôi nấng thằng bé.

Sự thực thì thằng bé đẻ ra khỏe mạnh, tiếng khóc sang sảng như tiếng chuông. Sau khi đầy tháng, nó được mẹ bế vào cung triều kiến. Hoàng đế thấy thằng bé giống mình như đúc nom cũng khôi ngô tuấn tú, trong lòng lấy làm mừng rỡ. Ngài đặt cho thằng bé cái tên Phúc Khang An - có ý mong cho nó luôn luôn được bình an tráng kiện, lắm phúc nhiều đức Sau đó, hoàng đế cũng như hoàng hậu còn thưởng cho thằng bé rất nhiều châu báu và đồ chơi đủ thứ. Ngài còn sợ bọn nhũ mẫu bên ngoài nuôi thằng bé không được sạch sẽ, cho nên, nhân lúc hoàng hậu Phú Sát cũng sinh hạ một ông hoàng con, có đến bốn mười người nhũ mẫu, ngài bèn chia đôi số đó ra, đưa hai mươi người đến nhà Phó Hằng để bú mớm cho Phúc Khang An, Ngài còn thác cớ bảo hoàng hậu rất yêu quý thằng bé, nên một tháng đôi kỳ sóc vọng (mồng một và rằm) phải đưa thằng bé vào cung gặp mặt người.

Đến khi Phúc Khang An lên năm tuổi, hoàng đế cho triệu vào cung để cùng học tập chung thư phòng, chung thầy với hoàng tử. Hồi này, Đổng Ngạch đã có phần giảm sút nhan sắc nên Càn Long hoàng đế đã đem lòng sủng ái người khác. Mối giao tình giữa hai người cùng càng ngày càng nhạt theo.

Dù vậy Phó Hằng vẫn một ngày một thăng quan tiến chức; thăng riết một hồi, Hằng leo lên tới chức Văn hoa điện đại học sĩ.

Hằng có ba đứa trai, đứa nhỏ nhất cũng đã mười bốn tuổi. Hoàng đế hạ chỉ kén cả ba một lượt, làm phò mã hết. Ngài đem ba cô công chúa gả cho ba đứa con Hằng. Duy chỉ còn Phúc Khang An là không được ngài ban ơn đặc biệt đó mà thôi. Tuy nhiên, nói đến ân tình của hoàng đế thì Phúc Khang An, có thể nói là người số một được đặc hưởng.

Năm đó An mười hai tuổi. Càn Long hoàng đế phong cho làm bối tử, lại đem cả toàn đội quân ngự lâm giao cho An chỉ huy. Ngài còn ngầm tuyển rất nhiều những danh tướng võ sĩ để bảo vệ cho An. Bọn võ tướng này biết thâm ý hoàng đế nên mỗi khi xuất quân đều nhường công đầu lại cho An hoặc mỗi lần giao chiến với địch bèn cố ý giả thua để nhường chỗ cho An tấn công rồi đứng ngoài giúp ngầm tới thắng lợi, khiến bao nhiêu công lao tại trận tiền đều quy về tay An cả.

Nhờ đó, An xuất quân lần nào cũng thắng trận. Mỗi lần khải hoàn trở về, An đểu được hoàng đế triệu vào thưởng yến ban đồ. Trong nhà An, chỉ riêng đồ hoàng đế ban thưởng cũng đã chất ngập cả, không còn thừa một chỗ nào. Kịp đến khi Hồi bộ có Đại, Tiểu Hoà Trác Mộc cử binh mưu phản, Càn Long hoàng đế muốn khoe với thiên hạ cái bản lĩnh kinh khiếp của Phúc Khang An, bèn hạ chỉ sai An thống lĩnh đại binh, hội với Y Lê tướng quân là Triệu Huệ, xuất sư tấn công Hồi bộ.

Lúc lâm hành, Triệu Huệ thỉnh huấn Càn Long hoàng đế. Ngài rỉ tai Huệ dặn dò săn sóc Phúc Khang An. Ngài còn dặn riêng Huệ:

- Đã từ lâu, trẫm nghe nói Đại Trắc Mộc có một nàng hầu tên gọi Hương Phi. Chẳng những nàng có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành mà còn có một tấm thân ngà ngọc, lúc nào cũng tiết ra một mùi hương rất lạ. Tướng quân đi chuyến này nên đặc biệt lưu ý tới điều trẫm dặn và cố mang về nàng Hương phi cho trẫm.

Tướng quân Triệu Huệ nghe xong, đã đoán rõ tâm sự của hoàng đế, liền dạ dạ liên thành rồi cáo lui. Huệ hợp binh với An rồi rầm rầm rộ rộ kéo thốc tới Hồi hộ (bộ lạc này theo bối giáo ở mãỉ Tân Cương, gần Tây Tạng).

Hồi đó Phúc Khang An mới mười tám tuổi. An ăn mặc bảnh bao, hằng ngày thường cưỡi ngựa, đem theo một đội vệ binh ra những vùng lân cận đại doanh có rừng cây rậm rạp để săn bắn. Tuy An chịu mệnh của hoàng đế làm tới chức đốc sư nhưng lại chỉ đóng doanh trại tại một nơi biên địa nhỏ hẹp, chẳng hề xuất trận đánh nhau bao giờ. Lại có một danh sĩ cả ngày hầu cờ tiếp rượu cho An, chủ khách mặc sức chén tạc chén thủ, bỏ mặc việc chiến chinh cho tướng quân Triệu Huệ.




Tướng Huệ đem mười vạn đại binh theo đường Ô Thập đánh thốc vào Khách Thập Cát Nhĩ. Đô thống Phú Đức lại do đường Hoà Chân tiến thẳng tới Diệp Nhĩ Hương. Anh em Hoà Trác Mộc liên tiếp bại trận phải bỏ qua núi Thông Lĩnh chạy trốn. Triệu Huệ sai một cánh quân truy đuổi Phó La Ni Đô tới núi A Sở Nhĩ, giết chết vài vạn quân Hồi. Huệ thấy quân mình đại thắng, bèn huy động toàn lực, đánh vào mãi tận miền núi Ba Đạt Khắc, bên bờ sông Y Tây Hỗn Hà. Hai anh em Đại, Tiểu Trắc Mộc chạy trốn qua sông, sau đó bị tên tù trưởng vùng núi Ba Đạt Khắc bắt được, chặt đầu, đem dâng cho Huệ.

Tướng quân Triệu Huệ gan trời mà dám nhận công, vội sai đem hai thủ cấp bỏ vào hộp đóng kín, gởi qua dinh Đốc sư Phúc Khang An. An được chiến báo của Huệ bèn sửa soạn tấu chương gửi về triều. Thánh chỉ hạ xuống, phong Phúc Khang An làm Tĩnh An Bá, cho phép dùng nghi trương bậc Thân Vương.Càn Long hoàng đế còn đem Hồi bộ đổi tên ra Tân Cương, chia làm bốn trấn: Y Lê Tháp Nhĩ, Ba Cáp Đài, O Lô Mộc Tề, Khách Thập Cáp Nhĩ; đồng thời thăng Triệu Huệ lên chức Tân Cương tướng quân kiêm chức Biện sự đại thần, Phú Đức lên chức Tham tán đại thần. Cuối cùng, ngài truyền lệnh cho An ban sư hồi kinh.

Đối với tướng Triệu Huệ, còn có một việc vô cùng hệ trọng khiến ông luôn luôn tâm niệm trong lòng, không bao giờ dám lơ là. Đó là việc tìm kiếm Hương phi. Điều đáng lo cho Huệ là sau khi Đại Trác Mộc bị tù trưởng núi Ba Đạt Khắc giết rồi thì chẳng biết Hương phi phiêu bạt nơi nào. Mà cái ngày ban sư của Đốc sư Phúc Khang An lại mỗi lúc một tới gần. Huệ hết sức lo lắng, vội sai thủ hạ đi khắp nơi dò la, nhưng đều chẳng tìm ra tung tích Hương phi. Huệ lúc này không thể nói lo nữa, mà đã là sợ, sợ bởi chuyến này không tìm được Hương phi đem về kinh thì bao nhiêu công lao của mình e rằng cũng bằng không.

Tham tán đại thần Phú Đức bàn với Huệ:

- Đại Trác Mộc bị tên tù trưởng núi Ba Đạt Khắc giết chết. Vậy thì Hương phi nhất định phải lưu tới nơi này. Chi bằng bọn ta cứ truy tên tù trưởng thì thế nào cũng ra.

Lời của Đức làm cho Huệ tỉnh ngộ. Tên tù trưởng Ba Đạt Khắc chỉ vì mê mẩn Hương phi nên mới giết chết Đại Trác Mộc, chủ đích thừa hưởng cái diễm phúc kề cận người đẹp có thứ hương thơm kỳ lạ. Không ngờ Hương phi thấy chồng bị giết trong trong lòng căm thù đến cùng độ, dù cho tên tù trưởng có lừa bịp, bức bách cách nào cũng cương quyết chống lại, thề chẳng bao giờ chịu thất tiết. Đôi lần, bị bức bách quá, nàng gào thét và tìm đủ cách để tự tử chứ quyết không cho tên tù trưởng thoả mãn thú tính của y.

Tên tù trưởng Ba Đạt Khác thấy miếng thịt dê quá béo, quá thơm đã kề tới miệng mà không được nuốt, nghĩ càng tức càng thèm. Giữa lúc hắn tiến thoái lưỡng nan, bỗng tướng quân Triệu Huệ cho người tới đòi Hương phi gấp, bảo nàng là vợ của tướng giặc, một đồng trọng phạm cần giải về kinh để triều đình nghị tội.

Tên tù trưởng Ba Đạt Khắc được lệnh này mừng quá vì được dịp gỡ gạc chút lợi lộc và chút công lao đối với Thanh triều. Hơn nữa, Hương phi lại chẳng ưng chịu thì có để lại cũng vô ích. Bởi vậy, hắn bèn lên giọng yêu sách:

- Hương phi vốn là người đẹp có một không hai của Hồi bộ, chiếm được đâu có phải dễ. Hơn nữa, việc cung dưỡng hương hoa, giữ gìn nhan sắc còn là việc thật hết sức công phu. Nếu triều đình muốn lấy nàng thì cần phải có mươi đôi bạch bích của Hoà Chân mới đổi được.

Tướng Triệu Huệ lúc đó chỉ miễn sao được lòng hoàng đế, mười cặp bạch bích Hoà Chân có đáng kể gì! Thế là cuộc "mua, bán" xong xuôi.

Tướng quân Triệu Huệ đội mũ đi hia, trịnh trọng trong bộ áo trào phục, ra tận ngoài nha môn để đón rước Hương phi. Thoạt trông thầy nàng, Huệ cũng phải giật mình kinh sợ bởi cái sắc đẹp tuyệt trần kia. Mặt nàng quả đẹp như hoa, da nàng trắng như tuyết, dáng điệu yêu liều của nàng quả thật quyến rũ, bất cứ ai cũng phải mê say. Huệ lên tiếng:

- Hoàng thượng hết sức sủng ái nàng. Từ đây, nàng sẽ được tận hưởng cảnh vinh hoa phú quý. Chỉ mong nàng đừng quên tên bầy tôi nơi biên viễn này đã có công tiến cử.




Nàng Hương phi nghe Huệ nói xong chỉ mỉm cười tỏ ý như cám ơn, không nói gì. Huệ lại hỏi:

- Lần này về kinh xa xôi vạn dặm, nàng có cần đem theo gì không?

Hương phi thong thả đáp:

- Chẳng có gì mang theo! Duy chỉ có hai con a hoàn tâm phúc lúc trước, bỏ chúng không đành nên cầu xỉn quý tướng quân cho chúng cùng đi mà thôi!

Hai con a hoàn được gọi tới, Huệ dặn chúng phải mang theo tất cả những gì mà lúc bình nhật Hương phi thường dùng tới. Dù to dù nhỏ, không được thiếu món nào. Suốt dọc đường từ Tân Cương về tới Bắc Kinh, Huệ cho dựng nhiều quán khách, trong quán trần thiết màn gấm trướng hoa hết sức lộng lẫy.

Huệ còn sợ lúc đi đường nàng chịu cảnh phong sương không thấu mà giảm sút nhan sắc đi chăng, cho nên còn bắt đóng một cỗ xe bồ luân (xe có bánh quấn cỏ bồ đi cho êm), chung quanh có màn gấm che phủ để nàng nằm trong đó cho êm, cho kín đáo. Mỗi lần tới một quán khách nào, ngoài hai con a hoàn tâm phúc của nàng ra, Huệ còn phải thêm hai mươi đứa xử nữ, hai mươi tên sai quan, túc trực tại chỗ để chạy đi chạy lại cung dưỡng những thứ cần thiết cho nàng. Phía ngoài quán, còn có quân đội của Đốc sử Phúc Khang An đồn trú để bảo vệ. Mỗi ngày, Huệ đều chuẩn bị đầy đủ nào sữa dê, sữa bò, nào hoa tươi hương lạ để cho nàng tắm rửa.

Theo lời mấy con a hoàn, Hương phi hằng ngày tắm bằng sữa bò, sữa dê khiến da nàng ngày càng trắng, càng mịn thêm lên, cứ mỗi lẩn tắm xong, nàng lại xức đủ loại hương lạ có hương vị thơm phức rồi dùng trà thơm súc miệng. Bởi thế nàng có cái tên Hương.

Hồi 70: Anh hùng khó lọt cửa giai nhân

Suốt dọc đường dài hàng vạn dặm, Phúc Khang An biết rõ đó là "trái cấm" của thiên tử cho nên sợ một phép, chẳng dám mảy may "tơ hào". Nhưng Hương phi thì lại thường cho mời An tới quán khách trò chuyện. Thật quyến rũ khi nàng mỉm cười, để lộ đôi hàm răng trắng đều đặn giữa cặp môi tươi thắm. Những lời cười nói suốt ngày, vui như chim sơn ca hót sáng, mừng như chim én buổi đầu xuân.


Người ta tưởng như nàng đã quên đi hết nỗi thù nhà hận nước. Phúc Khang An vốn là một tay thiếu niên hữu hạng, có thể nói phong lưu bậc nhất, thế mà thấy Hương phi cũng phải cúi đầu nín thở, song cũng chỉ đành "kính nhi viễn chi" mà thôi.



Tiếng kèn chiến thắng tưởng đã vẳng tới nơi chốn kinh thành. Càn Long hoàng đế có hai điều lưu tâm bậc nhất: một là Phúc Khang An, hai là Hương phi. Nay cả hai đều đã trước mặt cả, bảo sao hoàng đế chẳng mừng! Ngài truyền bảo nội giám đưa Hương phi vào tạm trong Tây nội, rồi truyền lệnh cho Đốc sư Phúc Khang An vào triều bái trước Ngự điện và tâu trình mọi việc về chiến trận Tân Cương. Càn Long hoàng đế thấy một vị tướng quân còn nhỏ tuổi mà lập được công lớn như vậy, lòng thấy rất vui. Ngài vốn biết Phúc Khang An là con riêng của mình nên sủng ái hết sức đặc biệt. Ngài chỉ giận rằng vì lễ tiết quân thần trở ngại mà không thể ôm lấy An vào lòng, đành chỉ dùng lời lẽ mà tán dương tài năng, công lao của An, như tán dương cho chính mình. Sau đó đến việc An đem dâng bọn chiến phạm lên ngài ngự xét.

Lúc đó, vua tôi Hồi bộ cùng với quyến thuộc đều bị Phúc Khang An áp giải về Bắc Kinh. An đưa tất cả vào trước điện.

Kẻ nào kẻ nấy đều khúm núm sợ hãi, bò rạp xuống đất, chẳng dám cất đầu lên. Càn Long hoàng đế duyệt xét danh sách chiến phạm, thấy đầu sổ là vợ chồng tù trưởng Hồi bộ tên Hoắc Tập Chiêm, liền truyền lệnh cho lên điện, quỳ trước long án, và được phép ngẩng mặt. Hoắc Tập Chiêm vừa thấy hoàng đế vội dập đầu xin tha mạng mãi không thôi. Còn vợ Chiêm, tuy rằng mặt mũi tiều tuỵ, tóc tai rối bù, thân hình đầy đất bụi nhưng nét đẹp cũng không vì thế mà kém phần quyến rũ, Càn Long hoàng đế càng nhìn lòng càng lấy làm lạ. Ngài hỏi tại sao xứ Hồi nhỏ bé, man rợ thế kia mà lại sản sinh ra lắm người đẹp vậy nhỉ? Vợ Chiêm mà còn đẹp như vậy thì không biết Hương phi phải tới độ nào? Lúc đó Ngài chỉ còn nhớ tới một Hương phi, chẳng lưu tâm tới việc gì khác.

Ngài xét qua loa bọn tù phạm cho xong chuyện, rồi truyền giam vợ chồng Hoắc Tập Chiêm vào nhà lao của hình bộ; còn đưa ra pháp trường chém sạch.

Càn Long hoàng đế sai mở tiệc khánh công tại điện Mận Cần, đồng thời vào cung để gặp người đẹp Hương phi.

Người đẹp Hương phi từ khi vào đây, thấy cung điện nguy nga, sang trọng lòng cũng lấy làm thích, sai bọn cung nữ, phi tần dẫn đi dạo chơi đây đó. Nàng vốn tính tình hoà thuận, ăn nói lại dịu dàng nên ai gặp cũng ưa. Có lúc nàng tự mặc lấy áo, thay lấy giày, đêm đến nàng kéo cả bọn cung nữ lên ngủ cùng giường với mình. Do đó, chẳng bao lâu bọn phi tần trong cung đều tỏ lòng quý mến và thân thiết với nàng. sang ngày thứ tám, bỗng có tin hoàng đế lâm hạnh tại Tây nội. Thế là cả bọn cung nữ vội vội vàng vàng xúm lại trang điểm cho Hương phi rồi bảo nàng ra rước thánh giá.

Nhưng Hương phi nhất định không chịu, dù chết cũng không. Vùng vằng mãi chưa xong đã thấy hoàng đế tự bước vào phòng, chả cần ai đón rước. Hương phi ngồi trên giường mặt cúi xuống, chẳng nói một lời. Bọn cung nữ tả hữu sợ hãi giục nàng tiếp giá nhưng nàng vẫn ngồi im, tay mân mê dải áo lụa, tuồng như chẳng nghe thấy gì.

Càn Long hoàng đế vội xua tay đuổi hết bọn cung nữ ra ngoài rồi chạy tới trước mặt Hương phi, đứng ngắm nàng suốt từ đầu đến chân, suốt từ trước ra sau. Ngài chỉ thấy đôi mi nàng cong vút, đổi má nàng trắng mịn, hồng lên vì e lệ, cặp môi son tươi thắm như đoá anh đào vừa mới nở. Ngài liếc mắt nhìn về phía sau, càng thấy mê hơn. Chiếc cổ thoa chút phấn của người đẹp mọng lên màu ngà ngọc, mớ tóc mướt xanh như mây loã xoã buông xuống đôi vai tròn thon trên một tấm lưng mềm mại đầy hứa hẹn còn đôi tay nàng thì là cả một phiến bạch ngọc đẽo thành, trắng trong, nuột nà.

Càn Long hoàng đế lẳng lặng ngắm nhìn, thưởng thức cái đẹp thiên thành hãn hữu, cảm thấy như nàng có một cái gì phú bẩm tự thiên tiên, một vẻ cao khiết không kẻ trần tục nào có được. Rồi bỗng ngài tỏ lòng kính quý, bỏ hết ý niệm tà dâm. Khi chợt thấy phảng phất mùi hương êm ái lan toả tới ngài đâm ra luống cuống đến không dám đụng ngay cả đầu ngón tay mình vào nàng nữa mà chỉ luôn mồm than thở:

- Trời! Quả là một người đẹp! Quả là một nàng tiên! Khí thiêng của đất trời có lẽ chi mình nàng chiếm hết cả. Thật đáng hận cho trẫm vô phúc, không sớm gặp mỹ nhân. Gặp được nàng hôm nay, trẫm không biết phải làm gì để có thể làm vui lòng nàng?

Nói đoạn, ngài lại thở dài một tiếng, bước ra khỏi phòng dặn bọn cung nữ:

- Các ngươi hãy hầu hạ mỹ nhân cho cẩn thận! Nàng lìa xa quê hương muôn dặm, ắt lòng không thể nào không buồn khổ. Các ngươi phải hết sức tìm lời an ủi và khuyên nhủ nàng. Nàng muốn gì các người phải lập tức truyền cho tổng quản thái giám lo liệu ngay. Đối với nàng, đứa nào dám hỗn xược, biếng lười, trẫm chém đầu tức khắc! Đứa nào có tài làm cho nàng vui trẫm sẽ thương hậu. Trẫm để nàng nghi ngơi ít hôm. Các ngươi phải ý tứ mà hầu hạ, không được làm phiền nàng, nghe chưa?

Bọn thái giám và cung nữ nghe lời dặn của Càn Long hoàng đế thảy đều rạp đầu vâng dạ. Thái độ ôn tồn của hoàng đế vừa rồi, bọn chúng mới được thấy lần đầu. Đợi cho hoàng đế đi khỏi, bọn thái giám và cung nữ bất giác cười thầm với nhau.

Điều kỳ quái nhất là nàng Hương phi khi gặp hoàng đế, mặt lạnh như tiền, chẳng nói chẳng cười, nhưng khi ngài đi rồi, nàng hớn hở ra mặt, lại cùng bọn cung nữ nhảy nhót, chơi đùa, trò chuyện huyên thuyên…




Khu Tây nội này có một toà lâm viên rộng lớn cây cối um tùm. Hương phi sinh trưởng ở nơi hoang dã, chưa từng được thấy cảnh sắc nào đẹp hơn đây. Nàng thường đem theo hai thị nữ tâm phúc cùng một bọn cung nữ, có khỉ bơi thuyền trên ao Tây Trì, có khi leo lên ngọn Dao đảo, có khi buông câu trên Hoa cảng cũng có khi bắn hương trong vườn Tiểu Uyển.

Giữa lúc Hương phi đang vui chơi hào hứng bỗng có tin hoàng đế gửi đồ tới ban thưởng cho nàng. Bọn cung nữ vội giục nàng tạ ân để lĩnh thưởng, nhưng chỉ thấy nàng ngoẹo đầu một cái rồi co giò bỏ chạy lên lầu Trích Tinh trốn biệt.

Tên thái giám đưa đồ thưởng thấy nàng ngang bướng quá, cũng chẳng biết làm sao hơn, quay về phục chi, kể rõ nội tình cho hoàng đế nghe.

Cách ít hôm, Càn Long hoàng đế khao khát người đẹp Hương phi đã đến hồi ghê gớm. Bởi vậy, vừa toạ trào xong, ngài lặng lẽ đi sang Tây nội. Vừa bước chân qua cửa cung, ngài đã nghe tiếng cười nói vui vẻ bên trong. Bọn nội giám thấy ngài tới, đang tính báo lệnh truyền oai, nhưng hoàng đế đã vội xua tay rồi nhón chân lên, rón rén bước vào. Ngài thấy nàng để trần bộ ngực nõn nà, mớ tóc mây buông xoã ra sau, cho hai cung nữ búi, mặc chung quanh còn có bốn năm đứa nữa đang ngồi ngắm nghía vẻ đẹp tuyệt thế của nàng. Ngài còn thấy đôi chân nàng để trần đặt trên lòng một con thị nữ ngồi phía trước. Trước mặt nàng là cái mâm lớn chứa đầy những son phấn, châu ngọc của hoàng đế vừa mới ban thưởng, nay nàng chia lại cho bọn chúng. Bọn thị nữ một mặt cười nói, một mặt tạ thưởng. Khi đã thưởng khắp lượt rồi, nàng bèn cầm từng món còn dư ném vứt tứ tung; nào châu, ngọc, nào son phấn bừa bộn trên mặt đất. Bọn thị nữ chạy khắp phòng để tranh cướp, miệng la hét huyên thuyên chẳng khác gì chợ vỡ.

Càn Long hoàng đế đứng ngoài rèm nhìn vào một lát, bỗng cũng cười lên sằng sặc, rồi hất tung bức rèm lên, lẹ chân bước vào Bọn cung nữ thấy hoàng đế đột ngột xuất hiện, đứa nào đứa nấy hồn vía lên mây bò mọp xuống đất tiếp giá, độc chỉ có mình Hương phi vẫn thản nhiên soi kính trang điểm, vẻ như chẳng nhìn thấy gì hết.

Càn Long hoàng đế cũng như không hay biết đến thái độ ấy, nhẹ bước lại gần bên giá kính ngồi xem nàng búi tóc, gỡ đầu, rồi mặc áo, đi giày. Trong khi hoàng đế ngây người nhìn ngắm, Hương phi vẫn chẳng thèm hé răng, thậm chí không liếc mắt sang ngài tới một lần.

Càn Long hoàng đế bèn hỏi bọn cung nữ cặn kẽ xem nàng ăn uống ngủ nghê ra sao, có điều gì không vừa ý, hằng ngày làm gì để tiêu khiển. Ngài còn hỏi thêm xem nàng ở đây có được vui vẻ sung sướng không? Bọn cung nữ nhất nhất hồi tấu đầy đủ cho ngài rõ. Ngài dán đôi mắt vào Hương phi, thốt một tiếng thở dài, nói:

- Thần tiên nơi thượng giới, trông thì được mà gần thì không thể. Trẫm cùng với mỹ nhân, sao mà vô duyên thế!

Than đoạn, Ngài cho gọi hai tên cung nữ lớn tuổi hơn cả đến trước mặt, khẽ dặn chúng nên nhân lúc nàng vui vẻ mà lựa lời khuyên bảo nàng nên thuận tình với ngài để có được nhiều điều tất đẹp về sau. Hai cung nữ cúi đầu vâng chỉ rồi chờ hoàng đế ra khỏi cung bèn đem lời lẽ tha thiết của hoàng đế nói cho Hương phi nghe và kiên nhẫn khuyên dỗ nàng, nhưng chúng chỉ thấy nàng cười nói tự nhiên, tỏ vẻ không hay biết điều gì nữa cả.

Qua ngày hôm sau, hoàng đế lại ban thưởng cho Hương phi rất nhiều châu báu, quần áo, đồ trang sức. Nàng lại như trước, đem ra ban phát lại cho bọn thị nữ hết. Thế rồi từ đó về sau, việc này coi như một thông lệ: mỗi khi hoàng đế thưởng cấp cho nàng cái gì, thì nàng lại đem cho bọn cung nữ, thái giám hoặc có khi thuận tay quăng ném lung tung bằng sạch cái ấy.

Lại cách mấy hôm, Càn Long hoàng đế say rượu, nhớ đến Hương phi, bèn sai thái giám nâng dậy rồi dìu ngài tới Tây nội. Khi ngài vào tới cửa cung, bọn thái giám hô lên mấy tiếng thị oai. Bên trong, bọn thị nữ biết hoàng đế tới, vội dục Hương phi bước ra tiếp giá. Nhưng nàng cứ mặc, nhất quyết không ra, dù chết cũng đành. Bọn cung nữ chẳng còn cách gì khác, đành kéo nhau ra dìu hoàng đế vào phòng.

Hương phi thấy Càn Long hoàng đế vẫn vào phòng riêng của nàng, mặt bỗng hầm hầm, cắm đầu ngồi lỳ chẳng thèm nói năng chào hỏi. Hoàng đế gọi luôn mấy tiếng. "Hương phi" rồi "mỹ nhân", nhưng nàng vẫn bỏ ngoài tai. Hoàng đế cười lên sằng sặc, nói:

- Mỹ nhân của ta mắc cỡ đó sao?

Nói đoạn, ngài phất tay áo hướng ra phía cửa, tức thì bọn cung nữ, thái giám nhất tề lui ra phía ngoài, trong phòng chỉ còn mỗi Hương phi và hoàng đế mà thôi.

Càn Long hoàng đế đến lúc này quả không còn nín nhịn được nữa. Ngài bước tới, nắm lấy cổ tay Hương phi và mới nói được câu "tay nàng đẹp quá", thì đã thấy nàng rút lẹ một con dao nhọn ra, giơ lên cứa mạnh vào cánh tay của chính nàng. Hoàng đế lẹ tay, vội chộp lấy con dao nhưng than ôi đã trễ! Cánh tay trắng tuyệt đẹp kia đã bị cắt rách ra một miếng, máu chảy đỏ cả xiêm y. Chuyện bất ngờ này làm cho hoàng đế giật mình hoảng sợ đến tỉnh rượu. Ngài vội lấy ống tay áo long bào bịt miệng vết thương cho Hương phi rồi gọi bọn thị nữ lại băng bó cho nàng.

Càn Long hoàng đế thấy Hương phi quá quyết liệt nên từ đó không dám đem uy lực bức bách nàng nữa. Ngài chỉ dặn dò bọn cung nữ liệu tìm dịp khuyên bảo nàng mà thôi.

Nàng Hương phi sau khi cầm dao cắt tay, suốt ngày chỉ ngồi khóc, nhiều lúc kêu la om xòm, đòi về quê hương xứ sở.

Hoàng đế thương nàng một mình vò võ nơi đất khách, bèn hạ lệnh cho Nội vụ phủ gấp rút suốt ngày đêm kiến thiết cho bằng được một khu phố theo kiểu của Hồi bộ, những doanh trại Hồi và nhiều giáo đường Hồi ngay trong đất trống phía ngoài toà lầu nàng ở. Ngài còn cho một số người giả như dân Hồi đi đi lại lại giữa khu chợ mua bán, bắt chước theo đúng phong tục của Hồi. Ngài cũng dặn bọn cung nữ hằng ngày đưa nàng lên lầu ngồi nhìn ra ngoài sâu.

Hương phi thấy cảnh phố chợ Hồi bộ, biết rằng hoàng đế cho xây cất để nàng vơi bớt nỗi tưởng nhớ quê hương nên trong lòng lấy làm cảm động lắm. Song ngược lại với lòng mong muốn của ngài, Hương phi càng thấy nhà cửa phố xá Hồi bao nhiêu thì lại càng nhớ quê hương Hồi bấy nhiêu.

Nàng thường ngồi trên lầu, tựa bên song cửa nhìn cảnh kia mà châu rơi lã chã. Cũng có lúc hoàng đế tự thân tới cung nàng, đem muôn ngàn lời lẽ êm dịu để khuyên nàng, ngài có ngờ đâu rằng mỗi khi nhắc tới Hồi bộ là y như nàng giọt ngắn giọt dài, khăn nào cũng ướt, áo nào cũng dơ. Thấy tình cảnh bi thương ấy, ngài cũng chẳng nỡ lòng nào bức bách. Đám cung nữ bảo nàng:

- Dù có chống cưỡng đến đâu cuối cùng cũng thoát được nào. Khéo lại tự chuốc cái chết vào mình, mà chắc chi đã giữ được tấm thân trong sạch. Được hoàng đế cưng chiều như vậy, hỏi phận nhi nữ mình còn ao ước gì hơn, thuận ý ngài, biết đâu phi tử lại để lại cho hậu thế một chuyện tình duyên đẹp đẽ, khỏi phụ ông xanh kia đã ban cho phi tử một nhan sắc tuyệt vời, hiếm có trên nhân thế.

Mặc cho bọn cung nữ nói gì thì nói. Hương phi vẫn chẳng động lòng. Tất cả những lời lẽ đó đều chỉ như một cơn gió thoảng bên tai mà thôi. Bọn cung nữ chưa chịu thua, cứ cố khuyên cứ dỗ mãi, tới lúc nàng nổi nóng, rút phắt con dao nhọn hoắt trong ống tay áo ra toan cứa vào cổ mình. Hốt hoảng, cho bọn cung nữ vội lao mình vào chụp lấy con dao. Hương phi cười nhạt rồi bảo:

- Các ngươi cướp làm gì? Trong người ta còn dấu đến bốn, năm chục con còn nhọn hơn nữa kia. Các ngươi để ta yên thì thôi, nếu bức bách quá chớ trách ta không dặn trước. Còn hoàng đế dùng vũ lực thì sẵn dao đây, ta sẽ cho ngài chết luôn một lượt với ta.

Bọn cung nữ nghe Hương phi nói vậy, sợ rằng một ngày kia xảy ra việc tày trời, vội đi mách với viên tổng quản bản cung. Viên thái giám tổng quản tự lượng mình không thể gánh chịu trách nhiệm chuyện động trời như vậy, lại chạy tới ngầm báo cho hoàng hậu. Bà Phú Sát được tin này, vừa tức vừa sợ. Trước đây, chuyện nàng Đổng Ngạch tư tình với hoàng đế ra sao, rồi thì cuối cùng bà cũng biết cả. Vì tình nghĩa, bà chỉ có thể cấm chị mình bén mảng vào cung. Cũng vì vậy hoàng đế đâm ra giận bà, và từ đó ngài cũng không tới với bà nữa. Do đó, việc này bà tự biết không thể khuyên can gì chồng được, chỉ còn cách tới bẩm cáo với Hoàng thái hậu mà thôi.



Hoàng thái hậu Nữu Cô Lộc biết hoàng đế có tính ngang bướng, trước mặt khuyên can chẳng ăn thua gì, bởi vậy bà tự nhủ cần phải thực hiện kế "rút củi dưới nồi" mới hòng châm dứt mối tình nguy hiểm này mà cứu thoát hoàng đế. Nghĩ vậy song hai người, một mẹ chồng và một nàng dâu, bàn tính suốt cả ngày trời mà vẫn chưa tìm ra được cách thực hiện mưu chước đó. Về sau, có một tên thái giám tên gọi Dư Thọ Ở cung Khôn Ninh nghĩ ra được diệu kế là nên làm như vậy… như vậy, bẩm cáo với hoàng thái hậu. Nghe xong, bà gật đầu lia lịa và khen hay luôn mồm… Kế đó, bà dặn dò bọn cung nhân phải giữ kín, cấm không được tiết lộ cho ai biết.

Càn Long hoàng đế đến thăm Hương phi mấy lần nữa, nhưng nàng vẫn lạnh như tiền, mặc cho Ngài muốn nói gì thì nói. Tình cảnh ấy khiến hoàng đế vô cùng buồn bã, từ nghĩ mình làm đến thiên tử, phú quý đến cùng cực, mà không cách gì hưởng được hạnh phúc. Người ta ở trên đời tình duyên đều có số cả. Nàng là một người đẹp tuyệt trần, thử hỏi ta làm sao buông ra được? Muốn dùng uy lực để bức bách thì ta lại chẳng đành lòng.

Càn Long hoàng đế suy nghĩ ngày đêm, chỉ có mỗi một việc đó, mà rút cục chẳng có cách gì giải quyết. Lòng ngài buồn vô hạn. Biết bao nhiêu phi tần xinh đẹp trước mắt, biết bao sơn hào hải vị trên bàn, thế mà ngài ăn chẳng thấy ngon, ngủ chẳng yên giấc, Càn Long hoàng đế vì quá lo buồn nên dần dần thành bệnh. Hoàng thái hậu thấy ngài càng ngày càng gầy ốm, lòng bà đau như dao cắt. Bà nghĩ, muốn cứu tính mạng hoàng đế, phi dùng kế nọ không xong.

Tiết đông chí đã gần kề. Bộ Lễ tâu xin hoàng đế tế trời. Đây là cuộc lễ lớn, mỗi năm mỗi có. Chiếu lệ thì ba ngày trước, hoàng đế phải tắm rửa, chay tịnh trong mộ trai cung. Đến ngày lễ, văn võ bá quan đều dậy từ canh năm, tới Thiên đàn trước để đón giá.

Xong cuộc tế trời thì đã bốn, năm ngày qua. Trong lòng hoàng đế không lúc nào là không nhớ tới Hương phi, bèn vội tới cung thăm hỏi. Ngài bước vào cửa cung, thấy quang cảnh hôm nay có vẻ khang khác. Tứ bề vắng lặng, chẳng thấy bóng Hương phi đâu. Ngay cả bọn cung nữ cũng mất tăm tích. Khi đi sâu vào bên trong, ngài chi thấy quần áo đồ đạc vứt ném lung tung trên nền nhà. Ngài vội hỏi thái giám quản cung thì y vội quỳ xuống tâu:

- Hương phi và bọn cung nữ đều bị thái hậu tuyên triệu đi cả rồi.

Càn Long hoàng đế nghe tâu, dậm chân xuống đất thình lình miệng hậm hực nói:

- Hỏng bét! Hỏng bét rồi!

Rồi ngài quay ngoắt mình, chạy vụt về ngả cung Khôn Ninh như tên bắn…

Hồi 71: Một cái chết bi hùng

Lại nói hoàng Thái hậu thấy Càn Long hoàng đế chỉ vì mơ tưởng Hương phi mà thành bệnh, trong lòng lấy làm bất nhẫn, nhưng chưa có cơ hội tốt để thực hiện ý đồ đã cùng bọn thái giám trong cung bàn soạn kỹ lưỡng.

Hôm đó, nhân dịp hoàng đế cấm phòng tại trai cung, bà bèn sai viên tổng quản thái giám đến Tây nội gọi Hương phi cùng bọn thái giám và cung nữ hầu hạ nàng tới Khôn Ninh cung.

Trước hết, bà cật vấn bọn cung nữ xem Hương phi được tiến cung bằng cách nào; hoàng thượng đối đãi với nàng ra sao; khi vào cung nàng đem theo bao nhiêu nô tỳ tư trang; hoàng thượng đã ban thưởng cho nàng bao nhiêu vải lụa, châu báu; hoàng thượng gặp nàng đã mấy lần; khi gặp nhau, hoàng thượng đã nói những gì và nàng đã nói những gì; ngày thường nàng ở trong cung làm những gì, hoàng thượng đã có lần nào gần gũi thân thể nàng không; nàng tỏ vẻ cảm kích hay hờn giận về lời nói của hoàng đế… bấy nhiêu chuyện được bà vặn hỏi tỷ mỹ cẩn thận suốt một hồi lâu. Bọn cung nữ không dám che giấu, cứ thực tâu rõ cả.

Hoàng Thái hậu nghe xong, truyền cho bọn này đứng sang một bên rồi cho gọi Hương phi tới. Khi nàng vừa bước chân vào, thoạt nhìn thấy dung nhan của nàng ai cũng đều giật mình sững sờ. Hoàng thái hậu quay đầu sang phía bà hoàng hậu Phú Sát cười nhạt nói:

- Đẹp như con yêu tinh thế kia, chả trách hoàng đế của bọn mình mê tơi là phải!

Hương phi bước vào, tuy thấy hoàng Thái hậu và hoàng hậu, nhưng nàng không quỳ, chỉ cúi đầu rồi đứng sang bên.

Hoàng thái hậu là người đầu tiên hỏi:

- Ngươi vào cung của bọn ta đây, hoàng thượng đối đãi ngươi muôn phần sủng ái, người có biết cảm tấm lòng đó không?

Hương phi nghe xong, lên tiếng lanh lảnh đáp:

- Tôi không cảm kích, tôi chỉ căm giận hoàng đế thôi!

Hoàng hậu nghe chỉ cười, hỏi tiếp:

- Tại sao ngươi lại căm giận hoàng đế?

Hoàng Phi đáp:

- Vợ chồng tôi đang sống yên hàn nơi Hồi bộ, tại sao hoàng thượng lại phái binh tới xứ sở giết chóc mọi, người rồi còn bắt tôi lên kinh nữa? Đã bắt tôi lên kinh, thì cứ chiếu luật định tội, một đao chém quách có phải xong không, tại sao không chém, lại đưa tôi vào cung? Bắt đưa tôi vào cung, cũng được đi nhưng tại sao hoàng thượng cứ lúc lúc tới đùa cợt trêu ghẹo tôi?

Hương phi nói tới đây, bất giác khí tức tràn, đôi lông mày lá liễu dựng ngược lên, mắt phượng tròn xoe không chớp. Thái hậu nghe nói tới chỗ hoàng thượng đùa cợt trêu ghẹo, bất giác mỉm cười nói:

- Vậy nay ngươi muốn thế nào?

Hương phi nói:

- Nếu thái hậu chịu mở lượng hải hà cho tôi trở về nhà, tôi sẽ triệu tập các bộ lạc cũ của chồng tôi đánh thốc tới Bắc Kinh để báo thù!

Thái hậu vừa nghe xong vội xua tay bảo nàng:

- Ấy, cái việc đó không được đâu! Ngươi chớ có mơ hão!

Hương phi nói tiếp:

- Nếu không, thì cứ cho tôi về cung. Chờ có cơ hội tốt tôi sẽ đâm chết hoàng đế. Như thế, cũng thoả được nỗi uất giận trong lòng này.

Hoàng hậu ngồi bên cạnh nghe tới đây, giận quá, nhịn không nổi nữa, quát lớn:

- Tiện tì! Hoàng thượng đối đãi với mi có điều gì xấu đâu mà mi tính hạ độc thủ như vậy?

Thái hậu vội ngăn hoàng hậu rồi tiếp:

- Hãy nghe xem ả nói ra sao đã.

Hương Phi lại nói:

- Nếu không nữa, tôi chi xin Thái hậu mở lượng thưởng cho được chết toàn thây, bảo toàn trinh tiết là đủ.

Nàng nói với đây, đôi hàng lệ ròng ròng chảy xuống. Bỗng nàng quỳ xuống đất, dập đầu luôn mấy cái khấn cầu thái hậu.

Trước tình cảnh ấy, lòng Thái hậu cũng tỏ ra bất nhẫn.

Bà gật đầu nói:

- Tình cảnh con bé đáng thương thật! Thôi bọn ta nên cho ả được toại nguyện!

Hoàng hậu ra chiều ngoan ngoãn:

- Con xin vâng theo ý mẹ!

Hoàng Thái hậu một mặt sai bọn cung nữ vực Hương phi dậy, một mặt truyền gọi thái giám quản sự đưa nàng ra, bảo thị vệ đem nàng tới Tây Sương phòng cạnh cửa Nguyệt Hoa môn thắt cổ, dành cho nàng một cái chết toàn thây.

Hương phi nghe dụ chỉ của thái hậu vội cúi rạp xuống đất, dập đầu ba cái tạ ơn rồi quay mình bước theo viên thái giám. Đứng hầu hai bên, ai cũng rơi lệ nhìn theo.

Việc xảy ra như trên đúng vào hôm trước ngày lễ tế trời.

Qua ngày thứ hai, hoàng đế tiến cung, biết tin tức đó, chạy vội lại Khôn Ninh cung để cứu thì đã quá muộn.

Thái hậu vừa thấy hoàng đế tới, vội cầm tay, dùng lời ngon ngọt an ủi một hồi rồi bảo thêm:

- Cái con Hồi Hồi đó, lòng nó hiểm độc lắm! Nếu không đem thắt cổ chết, thì sớm muộn gì nó cũng gây ra vạ lớn. Đến lúc đó, ta biết ăn nói cách nào với liệt tổ, liệt tông của con? Nó chết rồi, con có thể yên tâm được. Đấy con xem, mới có mấy hôm mà con đã mặt vô mình gầy, chẳng còn ra người nữa rồi đó! Cưng của mẹ; con hãy mau về cung an nghỉ.

Nói tới đây, hoàng Thái hậu vuốt nhẹ vào má hoàng đế để an ủi như thuở còn thơ. Tình mẫu tử, vốn là tính trời phú bẩm thiêng thiêng, hoàng đế nghe thái hậu nói, chỉ còn biết lui ra khỏi cung, đi đến nơi quàn xác Hương phi.

Viên thái giám đưa hoàng đế tới Tây Sương phòng cạnh cửa Nguyệt Hoa môn. Vừa trông thấy thi hài Hương phi, Càn Long hoàng đế chạy tới ôm chầm lấy, chỉ nói được có một câu "Trẫm hại nàng rồi," tức thì lệ cứ như suối mà tuôn ra, rơi xuống ướt đâm cả vạt áo của nàng. Viên thái giám thấy thế sợ quá vội quỳ xuống, khẩn khoản xin hoàng đế trở về cung. Càn Long hoàng đế khóc một lúc lâu, đứng dậy, buồn rầu nhìn mặt Hương phi lần chót, đưa tay vuốt đôi mí mắt nàng rồi nói:

- Hương phi! Hương phi! Ta với nàng thật là tử biệt sinh ly, đôi đường khôn xiết sầu bi!

Càn Long hoàng đế đứng mãi bên xác Hương phi, chẳng chịu rời bước. Viên thái giám phải đôi ba lần giục nữa ngài mới cúi xuống rút lấy cái nhẫn trong ngón tay Hương phi cất vào tay áo mình rồi mới chịu đi. Ngài cho gọi viên thái giám quản sự Nguyệt Hoa môn bảo khâm liệm rồi tìm nơi phong cảnh đẹp chôn cất nàng tử tế. Viên thái giám dạ dạ tuân chỉ, sau đó lẻn tới Nội vụ phủ thương lượng, mua một cô quan tài thượng hạng mang về. Y chọn bộ xiêm y đẹp nhất vận vào cho nàng, khâm liệm cẩn thận đâu đấy rồi cho người đưa ra khỏi cung, đem chôn ở góc đông bắc bãi đất thấp nằm tại mé nam Đào Thiên đình. Trước mộ dựng một tấm bia đá, mặt trước khắc hai chữ "Hương trùng" (mộ nàng Hương phi) rất lớn còn mặt sau khắc một bài từ như sau:

Lầu mang mang

Kiếp mông lung.

Tiếng ca dứt,

Trăng sáng khuyết.

Uất uất giai thanh

Trong có Bích Huyệt

Bích cũng có lúc hết

Huyệt cũng có lúc dứt

Một giải hương hồn không đoạn tuyệt

Thật chăng? Giả chăng?

Hoá thành hồ điệp!


Bài từ này chính là do Càn Long hoàng đế nhờ một vị ở hàn lâm viện làm ra rồi đem khắc tại mặt trái tấm bia bày tỏ ý nghĩa sầu hận đến muôn đời của một ông vua đa tình phải trả nợ tình. Toà cổ mộ "Hương trùng" này vẫn còn sừng sững đứng đấy mãi tới ngày nay.

Lại nói sau cái chết của Hương phi, Càn Long hoàng đế càng thêm sầu muộn. Tuy giữ được cái nhẫn của nàng nhưng vật còn mà người mất mỗi khi nhìn vật lại nhớ người, còn thảm thê hơn. Suốt ngày, ngài chẳng nở một nụ cười, chẳng buồn nói một câu. May được Phúc Khang An thường lui tới trong cung khiến ngài cũng quên đi được một phần sầu hận. Có điều lạ là Càn Long hoàng đế hễ thấy mặt An thì dù buồn bã đến đâu cũng lập tức tiêu giảm ngay. An hầu hạ hoàng đế, khi đánh cờ khi uống rượu, lúc luận kiếm, lúc bình hoa…




Đông tàn, xuân sang, Càn Long hoàng đế dần dần quên đi mối sầu ngày nọ. Có một đêm ngài bỗng sực nhớ năm ngoái còn có cả vợ chồng tù trưởng Hồi bộ Hoắc Tập Chiêm hiện còn bị giam giữ tại nhà lao Hình bộ. Vợ Chiêm cũng là một trang quốc sắc, chỉ vì ngài đặt cả tâm tưởng vào Hương phi, nên quên bẵng mất đi. Bởi vậy, ngài tự nhủ, tại sao lại không cho gọi người này vào cung để mua vui chốc lát may ra nàng cũng có chút Hồi trong người sẽ giúp cho ngài giải được nỗi buồn. Nghĩ vậy ngài bảo viên thái giám quản sự tới nhà lao bộ Hình đưa ngay vợ Chiêm vào cung.

Viên thái giám vâng thánh chỉ, chẳng rõ hoàng thượng có chủ ý gì, vội phi ngựa tới sảnh đường Hình bộ, hối thúc giao người lập tức. Lúc đó, trời đã khuya, đêm đã sâu. Trực đường hôm đó có viên Thị lang trung, nhưng y đã về nhà từ lâu, chỉ còn viên Tư viên đề lao trực đêm thì đang nằm ngủ.

Nghe phía ngoài có tiếng gọi tiếp chỉ, y giật mình choàng dậy, mặc quần áo, xỏ vội đôi hài, vừa run vừa nói:

- Bọn tôi quan nhỏ chức mọn, chưa từng được tiếp chỉ bao giờ, biết làm sao cho phải bây giờ?

Viên thái giám lớn tiếng bảo:

- Chẳng có gì ghê gớm đâu, ngươi chỉ cần mở cửa nhà giam và cho ta người đàn bà Hồi đó là xong!

Tư viên đề lao nghe xong hoảng sợ vội xua đôi tay bảo:

- Đường quan hiện không có tại nha môn. Giữa đêm canh ba mở cửa nhà lao, nếu có chuyện chi sơ xuất, viên quan nhỏ thuộc loại tép riu như tôi gánh sao hết trách nhiệm?

Viên thái giám điên tiết lên, dậm chân thình thình xuống mặt ván, quát:

- Tên Tư viên này lớn mật thật! Có thánh chỉ tới mà mi vẫn dám kháng lệnh phải không? Ta hỏi, đầu lâu mi có được mấy cái?

Tư viên đề lao càng nghe càng sợ, sợ đến phát khóc lên.

May lúc đó có một tiểu lại nhà lao nghĩ ra được một cách, liền nói:

- Bọn tôi không mở thì phạm tội kháng chỉ nhưng nửa đêm mở cửa lao lại khó mà tránh được tai vạ nước lửa. Thật khó nghĩ lắm, xin ông chờ cho một chút. Bọn tôi chạy đi mời Mãn thượng thư tới tiếp chỉ. Được một lời của Mãn thượng thư, bọn tôi tất vô sự và sẽ xin mở ngay.

Viên thái giám cũng chẳng còn cách gì khác, bèn bảo gã Tư viên chạy lẹ đi mời Mãn thượng thư. Gã dạ như không thành tiếng nữa, rồi nhảy lên ngựa phóng đi.

Mãn thượng thư nghe xong, vò đầu bứt tai mãi cũng chẳng tìm ra lối thoát, chỉ còn biết ba chân bốn cẳng chạy theo gã Tư viên vào nha môn tiếp thánh chỉ. Ông lật đi lật lại mấy lần xem xét dấu son đỏ chói, biết là không sai, lập tức cho mở cửa lao, đánh thức người đàn bà Hồi dậy, đưa lên sảnh đường kiểm lại xem có đúng rồi mới giao cho viên thái giám đem đi.

Viên thái giám đã lo sẵn một cỗ xe từ trước. Y đánh xe đi, lẳng lặng tiến vào cung. Đêm khuya lắm rồi nhưng hoàng đế vẫn ngồi đợi.

Người đàn bà Hồi bị giam cùng chồng trong lao tối đã tới gần nửa năm, tự cho mình cầm chắc cái chết trong tay, không ngờ một đêm được đánh thức dậy và được đưa vào gặp hoàng đế.

Bọn cung nữ đẩy nàng lên trước, quỳ dưới chân giường Càn Long. Nàng hoảng sợ quá chẳng rõ sự thể ra sao, chỉ cúi đầu quỳ mọp, toàn thân run bần bật. Càn Long hoàng đế truyền bảo nàng ngẩng mặt lên. Tuy lúc đó, mặt mũi nàng dơ dáy, đầu tóc rối bù, vẫn toát lên vẻ mặn mà, duyên dáng.

Hoàng đế ngắm nhìn một lát rồi bảo cung nữ truyền gọi viên thái giám phòng kính sự tới. Viên thái giám này chuyên lo việc sửa soạn phòng ngủ của hoàng đế khi ngài lâm hạnh với hoàng hậu hoặc ban ơn mưa móc cho các mỹ nữ, cung tần hay bất cứ loại gái nào nếu ngài cần, ngài thích. Lại nói viên thái giám được thánh chỉ liền đưa người đàn bà Hồi, vợ Hoắc Tập Chiêm, vào phòng tắm, giúp nàng cọ rửa thân thể cho sạch sẽ, hết mùi lao tù. Bọn cung nữ lại giúp nàng trang điểm, nào thoa phấn tô son, nào búi tóc cài trâm. Trang điểm xong, họ đặt nàng trần truồng ngồi xếp bằng trong một chiếc chăn màu vàng rồi hai tên thái giám bốn tay cầm bốn góc chăn, khiêng nàng vào phòng ngủ của hoàng đế.

Hoàng đế thoạt thấy cũng phải giật mình vì nhan sắc của nàng. Lúc này, nàng đã được tắm rửa, trang điểm thành thử nom tươi trẻ hẳn lại và xinh đẹp lên không ngờ. Nếu đem so với Hương phi nàng cũng chẳng thua sút mấy. Càn Long hoàng đế ngây ngất vì của ngon vật lạ, vội hai tay mở rộng đón nàng bế lên giường.

Qua ngày hôm sau, hoàng đế toạ trào. Mãn thượng thư Hình bộ xuất ban định tâu xin hoàng đế phát hoàn người vợ tên tù phạm Hồi. Càn Long hoàng đế đoán biết ý Mãn thượng thư, không đợi cho ông ta mở miệng, liền phán:

- Tên đại nghịch bất đạo Hoắc Tập Chiêm đã mấy phen chống đối Hoàng Sư (quân đội của hoàng đế). Nguyên ý của Trẫm là đem chính pháp hai vợ chồng hắn. Chỉ vì tội của hắn cực đại cực ác cho nên đêm qua Trẫm đã bắt vợ hắn đem vào cung "xài" một phen đã đời rồi!

Nói đoạn ngài cười sằng sặc. Văn quan võ tướng dưới trướng nghe ngài nói, anh nào anh nấy đều lấy làm quái lạ, ngẩn mặt nhìn nhau chưng hửng. Tiếng chuông trống vang rầm ngoài góc điện. Hoàng đế đã lui trào…

Nguồn: http://vnthuquan.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved