HỒI 62
Nữ nữ nam nam, đẹp đôi
đẹp lứa,
Văn văn võ võ, nên vợ nên chồng.
Văn văn võ võ, nên vợ nên chồng.
Thơ rằng:
Tuổi xanh thảo nguyên xanh,
Quen cưỡi thiên lý mã
Vốn cùng giống si tình
Mừng vẹn lời hương lửa
Chín bệ ơn xuân dày
Khắp miền mai nở rộ
Vui theo đạo xướng tùy
Đôi từng đôi đẹp quá.
Chuyện chuộng danh trọng nghĩa trong trời đất này, lại thường bởi tấm lòng hiền hậu của người phụ nữ, mà nhận ra thật giả, mà ham mê. Cũng bởi thế, anh hùng hào kiệt trong trời đất chẳng tiếc thân mình để làm việc danh nghĩa đó, nhưng rồi cũng như bọn giả học giả, ngụy quân tử là thứ mà cuối cùng thế nào cũng bị người đời nhận ra.
***
Nay lại nói chuyện La Thành, cùng với bọn Trương Công Cẩn đến nhà Tần Thúc Bảo, sáng ra dậy sớm, biết nhà vua không ra đại triều, nên sắm sửa lễ vật, ăn sáng, rồi cùng Thúc Bảo đến Tây Phủ ra mắt Tần Vương. Phan Mỹ vừa mới đi về, vào thưa với La Thành:
- Triều đình chiều qua đã có lệnh chỉ, sai Hồng lô tự chính khanh Vũ Văn Sĩ Cập, cùng với hai viên nội giám, đến Lôi Hạ tuyên triệu Đậu Công chúa, Hoa cô nương vào kính yết kiến thánh đế.
La Thành băn khoăn:
- Tin này liệu có xác thực không?
Phan Mỹ thưa:
- Vừa rồi Kim Đính nhà Đậu Công chúa đến đây, tìm tiểu nhân, nói cho biết sáng ngày mai sẽ lên đường về sớm để báo trước cho công chúa.
Thúc Bảo bàn:
- Nếu đã như thế, chúng ta hãy cùng đến nhà Từ Mậu Công hiền huynh, hỏi thử xem sao?
Công Cẩn đáp:
- Tiểu đệ cũng đang muốn đến thăm Từ Quân sư.
Cả bọn kéo đến cửa nhà Mậu Công, lính canh lễ phép thưa:
- Từ tướng quân đã đến Tây phủ rồi!
Thúc Bảo lại dẫn mọi người vào Tây phủ, báo tên tuổi, gửi lễ vật cho quan coi cửa xong. Uất Trì Bắc, Uất Trì
- Vương phụ đang ngự ở Sùng Chính đường, xin mời vào gặp mặt.
Thúc Bảo, theo sau là bọn Công Cẩn tiến vào, bước lên thềm thấy Tần Vương ngự trên sập cao, tân khách, liêu thuộc Tây phủ ngồi hai hàng tả hữu, nhưng không thấy Mậu Công đâu cả. Tần Vương nhận ra Thúc Bảo, vội phán:
- Bất tất hành lễ, xin mời ngồi!
Thúc Bảo thưa:
- Phủ thừa U Châu Trương Công Cẩn, cùng với con trai Yên Quận Vương La Nghệ là La Thành đến ra mắt điện hạ!
Tần Vương liền lệnh cho tên hầu, tả hữu chạy xuống ra hiệu, Công Cẩn cùng La Thành vội bước lên thềm, quỳ xuống hai tay dâng thiếp lên, quan hầu đường thu lấy trình lên Tần Vương.
Tần Vương thấy Công Cẩn dạng mạo khác thường, La Thành nhân tài xuất chúng. Rất là trân trọng, ban ngay cho ngồi, cả hai vái chào bọn tân khách cùng liêu thuộc rồi ngồi xuống. Tần Vương nói với Công Cẩn:
- Từ lâu đã được nghe tài năng của khanh, giận chưa được gặp. Nay thấy đây, thật là thỏa lòng.
Công Cẩn thưa:
- Thần may được Yên Quận Vương tiến cử cho, lại mang ơn cất nhắc của điện hạ, chứ nào có tài cán gì, đội ơn điện hạ quá khen.
Tần Vương lại nói tiếp với La Thành:
- Phụ thân khanh công nghiệp huy hoàng, nay khanh cũng mang được vẻ anh tuấn phi phàm, lại gặp bậc kỳ nữ tài kiêm văn võ, sự nghiệp mai này thật còn rạng rỡ nhiều!
La Thành thưa:
- Thần vốn dòng vũ phu, được thánh đế cùng điện hạ quá thương. Cha con thần xin nguyện tận trung sớm tối, cũng khôn báo muôn một.
Tần Vương phán:
- Ta tối qua ở trong cung, xem biểu chương của Đậu tiểu thư, viết thật uyển chuyển, nhưng cũng chưa thật rõ lắm, khanh hãy thuật rõ ta nghe.
La Thành đem mọi chuyện thuật lại một hồi.
Tần Vương than:
- Trong phòng khuê gặp người tri kỷ, mà còn thương yêu nhường nhịn nhau đến thế, huống chi bậc anh hùng hào kiệt, một sớm gặp gỡ, sao không kính yêu cho được!
Đang nói thế, thì thấy Mậu Công vào, lạy chào Tần Vương, mọi người yên vị. Tần Vương nói với Mậu Công:
- Ngày tốt lành sắp tới, khanh phải sẵn sàng làm chàng rể đi chứ.
Mậu Công thưa:
- Tối qua được Vũ Văn đại huynh sai quan gọi đến nói chuyện, mới biết có thánh chỉ, thật là ơn thánh đế dồi dào, vừa kịp kỳ giai ngẫu của La tướng quân.
Tần Vương nói:
- Tối qua ở trong cung, ta nghe phụ hoàng phán: "Tấu chương của Đậu tiểu thư, ngờ rằng là do tay họ Viên mà ra". Rồi nhân hỏi ta vì sao khanh vẫn chưa làm lễ cưới, ta bèn thưa rằng vì sợ họ Viên là quý nhân của tiền triều, nên khanh không dám tự tiện, phải chờ thánh ý. Vì thế phụ hoàng định triệu vào để làm lễ thành thân cho khanh.
Mậu Công vội rời ghế, tạ ơn:
- Thật đều nhờ lòng bao dung của điện hạ!
Tần Vương liền giữ Công Cẩn, La Thành, Mậu Công cùng Thúc Bảo vào vườn sau ban yến.
***
Lại nói chuyện Hoa Hựu Lan, cùng ở nơi Tuyến Nương, gặp tiết xuân ấm áp, liễu xanh tha thướt, hoa nở muôn màu. Viên Tử Yên gọi Thanh Cầm đi cùng với Hựu Lan đến am Nữ Trinh, Trinh Định vào thưa, cả bốn vị phu nhân đều ra, gối liền gối chuyện trò.
Tần phu nhân nói:
- Chúng ta mấy chị em đây, thỉnh thoảng cùng nhau gặp gỡ, chỉ sợ mai này tụ ít tán nhiều, bốn chúng tôi đây chẳng biết lấy gì khuây khỏa?
Tử Yên đáp:
- Hai vị họ Đậu cùng họ Hoa, chỉ chờ có tin mới sẽ lên đường. Thiếp vẫn ở đây thôi.
Địch phu nhân cười:
- Viên Quý nhân nói chi điều ấy, quân sư hiện đang ở kinh, thấy La tướng quân dâng biểu cầu hôn, gặp ngày xuân ấm áp, cũng sẽ tới đón quý nhân ngay thôi!
Hựu Lan thưa:
- Đậu Công chúa thì không thể nào từ chối, còn thiếp chẳng có gì trói buộc, xin được ở lại đây cùng bốn phu nhân thắp hương, tưới hoa, tiêu ma ngày tháng vậy.
Hạ phu nhân lên tiếng:
- Tấu chương vừa dâng, thấy Đậu Công chúa có ý nhún nhường không chịu, ta tính nếu thế Hựu Lan phải là chính vị còn gì!
Hựu Lan chưa hiểu nên hỏi:
- Tại sao?
Hạ phu nhân đáp:
- Đậu Công chúa vốn hiếu thảo, phụ thân ở Sơn Đông thường sai người đem y phục, các thứ tới thăm hỏi, sao dễ mà quên để đi U Châu xa xôi cho được. Dẫu có thánh ý, nhưng chưa có mệnh của phụ thân, vị tất công chúa đã chịu nghe theo, rồi còn là nhiều chuyện khác nữa kia!
Tử Yên tiếp:
- Chuyện này chưa biết thế nào?
Hựu Lan lại hỏi:
- Ẩn Linh Sơn ở đâu, có xa lắm không?
Lý phu nhân đáp:
- Trong am có Trương Lão Nhi người lo chuyện hương đèn, trước vẫn ở đó, hãy thư thả, tiểu thư hỏi họ Trương sẽ biết rành mạch.
Qua một đêm, các phu nhân đều đã dậy cả, chẳng thấy Hựu Lan đâu. Thì ra Hựu Lan thấy mọi người nói thế, lấy tiền thưởng cho Trương Lão Nhi, giả dạng quan sai, canh năm cùng với Trương Lão Nhi lên đường tới Ẩn Linh Sơn.
Các phu nhân tìm khắp nơi, người bóng đều không hỏi đến, Trương Lão Nhi cũng chẳng thấy. Tử Yên đoán:
- Đúng rồi, cùng với Lão Nhi đến Ẩn Linh Sơn tìm Đậu Kiến Đức rồi!
Lý phu nhân hỏi:
- Hoa cô nương ăn mặc thế, đi làm sao được?
Tử Yên đáp:
- Phu nhân không biết Hoa cô nương có một bộ giả trang, chuyện gì cần làm là làm ngay. Không hiểu hành lý hôm qua mang đến đây còn chăng?
Ai nấy vào phòng trong xem xét, thấy trong cái gói quần áo mang tới chỉ còn mấy bộ con gái, mấy cành trâm. Người nào cũng xuýt xoa:
- Không ngờ mới chừng tuổi, trí lược dường ấy, dám động dám làm!
Tử Yên liền sai người báo ngay cho Tuyến Nương biết.
Lại nói Hựu Lan cùng Lão Nhi đi được mấy ngày đã tới Ẩn Linh Sơn thấy một hòa thượng to khỏe đang bừa ruộng, Lão Nhi lên tiếng hỏi:
- Sư phụ, sư phụ có biết Cụ Đức hòa thượng có ở trong động chăng?
Hòa thượng dừng bừa, ngẩng đầu nhìn, rồi hỏi:
- Các người ở đâu đến?
Lão Nhi thưa:
- Từ Lôi Hạ tới!
Hòa thượng hỏi:
- Có phải công chúa nhà ta sai đến chăng?
Hựu Lan vội chối:
- Chúng tôi là do Giả Nhuận Phủ đại nhân sai đến, có chuyện trình với Vương phụ.
Hòa thượng vồn vã:
- Nếu như thế, các ngươi hãy theo ta.
Thì ra hòa thượng này vốn là Tôn An Tổ, giờ lấy pháp hiệu là Cụ Năng. Hựu Lan theo vào trong chùa, phía sau có ba gian đại điện, hai bên sáu bảy gian nhà cỏ. An Tổ vào trước, Kiến Đức ra gặp, rõ ràng một vị chân tu. Hựu Lan quỳ lạy, Kiến Đức vội đỡ dậy mà rằng:
- Không phải làm lễ thế. Lâu nay Giả đại nhân sinh sống ra sao, ngươi hãy kể bần tăng nghe xem nào?
Hựu Lan thưa:
- Giả đại nhân dặn thưa với vương phụ, nhân có con trai Yên Quận Vương U Châu tới Lôi Hạ để viếng Tào Nương nương, cùng tính chuyện hôn nhân với công chúa. Công chúa lấy cớ chưa được lệnh vương phụ, ngỏ lời từ chối, rồi dùng biểu lên hoàng thượng xin tuyệt hôn. Giả đại nhân sợ công chúa là bậc hiếu nữ, nếu đã có thánh chỉ xuống, nhất thời không dám tự quyết, nên không kịp viết thư, sai tiểu nhân cầm tờ sơ cảo tấu biểu của công chúa trình vương phụ xem. Xin vương phụ về ngay Lôi Hạ, dạy bảo đôi câu, để mọi chuyện được chu toàn.
Kiến Đức xem tờ biểu rồi đáp:
- Bần tăng đã lánh đời xuất gia, công việc trong nhà là do công chúa tự chủ, chẳng việc gì lại phải về để coi sóc đến những chuyện này.
Hựu Lan thưa:
- Công chúa có thể đến trước mặt cửu trùng, đưa lời thỉnh nguyện, ở vậy trông lăng mộ, suốt đời giữ chí tỏ rạng hiếu nữ. Nên chuyện hôn nhân đại sự, xin vương phi trông lại. Vương phụ về chậm một ngày, là một ngày việc chung thân của công chúa chưa xong. Huống chi bậc hiếu nữ như thế, lẽ nào nên suốt đời ở già trong khuê phòng, để cho người đời phàn nàn là hồng nhan bạc phận sao. Những điều này quả là ngu kiến của tiểu nhân, không hiểu nên như thế nào?
Kiến Đức thấy nói thế, nhăn mày nhíu trán, rồi đáp:
- Nếu vậy, túc hạ hãy ra phía nhà sau dùng cơm chay, rồi quay về phục mệnh Giả đại nhân, bần tăng sẽ cùng với đồ đệ xuống núi sau.
Hựu Lan nghĩ ngợi: "Trong am của nhà sư, liệu có phải là chỗ ở qua đêm của đàn bà con gái chăng?". Nên vội thưa:
- Cơm thì tiểu nhân đã ăn dưới núi, không dám nhiên nhà chùa. Giờ xin được quay về sớm. Vương phụ cũng mau thu xếp lên đường, vạn vạn xin đừng để lỡ.
Kiến Đức đáp:
- Thuở trước ta còn chẳng bao giờ quên lời, huống chi nay đã hương đèn theo giới luật nhà Phật. Sáng mai ta sẽ xuống núi.
Hựu Lan nghe thế, vội vàng xin quay về quán trọ, lấy sức ba chân bốn cẳng, ngày đi đêm nghỉ, bất giác cũng đã được ba ngày.
Đến ngày thứ tư, trời đã gần tối, lại mưa phùn giăng khắp. Hựu Lan nói:
- Mưa ngày càng nặng hạt, chẳng thể kịp đến quán trọ nào, chi bằng vào nhà dân chúng ngay đây xin ngủ nhờ một đêm vậy.
Trương Lão Nhi giơ tay chỉ:
- Phía trước thấy khói bếp, nhất định có nhà, chúng ta hãy ráo bước xem sao?
Hai người vào giữa một thôn nhỏ vắng vẻ, có khoảng hai ba chục nóc nhà, vẳng bên tai cả tiếng trẻ đọc sách. Hai người xuống ngựa buộc lại. Lão Nhi mở cửa, thấy có sáu bảy trẻ nhỏ, ngồi giữa là một người phụ nữ xinh đẹp, quay mặt hướng nam, đang dạy mấy đứa trẻ đọc sách. Thấy Lão Nhi, người phụ nữ khoảng trên dưới ba mươi tuổi đứng dậy, hỏi:
- Lão ông vào nhà có chuyện gì?
Lão Nhi đáp:
- Chúng tôi đi thăm người quen trở về, chẳng may gặp trời mưa giữa đường, xin cho ngủ trọ một đêm.
Người phụ nữ nói:
- Nhà ta toàn những đàn bà góa, không thể cho khách trọ. Xin đi hỏi nhà khác cho.
Hựu Lan đứng ngoài nghe thế, trong lòng rất mừng, vội bước vào thưa:
- Xin chớ chối từ, thiếp cũng là đàn bà cả!
Người phụ nữ nhìn lên, thấy một thiếu niên trẻ tuổi, liền biến sắc mặt, quát:
- Người ở đâu xộc vào đây? Nói lời lừa đảo, mau ra khỏi ngay đây mới yên, nếu không ta gọi hương lý sở tại, bắt giải lên quan, thì liệu hoạt
Bỗng thêm hai người phụ nữ bước từ phía nhà sau ra. Hựu Lan thấy thế, vội tháo ngay giày, lộ rõ gót son, mọi người mới tin rõ là thật đưa vào bên trong chào hỏi, mời ngồi, kể rõ lai lịch. Thì ra ba vị phu nhân này vốn là phi tần của nhà Tùy cũ, một là Giáng Dương viện Giả phu nhân, hai là Nghênh Huy viện La phu nhân, ba là Hòa Đinh viện Giang phu nhân. Năm nhà Tùy mất, cả ba cùng trốn khỏi cung nội, may gặp người chị dâu góa của Giả phu nhân là Đoàn Thị ở đây nên cả ba đều tạm xin nương náu. Đáng thương cho thuở trước xa hoa dường ấy, nay sống trong cảnh thê lương dường này. Giang, La phu nhân may vá mà sống. Giả phu nhân vì thông hiểu chữ nghĩa thì dạy mấy đứa trẻ, cũng không đến nỗi cực khổ lắm. Nay thấy Hựu Lan kể chuyện, thấy đồng điệu, từ xa đã nói: "Tìm mãi không gặp, một chiều bỗng thấy, trở thành tri kỷ". Qua một đêm, sáng ra Hựu Lan từ giã lên đường, ba vị phu nhân không chịu. Giả phu nhân cười nói:
- Gia kỳ chưa định, vội vã nỗi gì, xin hãy ở một hai ngày, chúng ta sẽ tiễn Hựu Lan đến tận Nữ Trinh am, cùng gặp gỡ bốn phu nhân, cũng là để tỏ tình quyến luyến trước kia vậy.
Hựu Lan đành vâng lời, cho Lão Nhi về trước.
***
Lại nói Tuyến Nương được Tử Yên cho biết, trong lòng thầm nghĩ: “Hựu Lan vì ta mà bôn ba khắp nơi, thật chân tình thực nghĩa, thật là sâu sắc, thật là mênh mông.
- Tấu biểu đã đưa nhờ Hồng lô tự chính khanh Vũ Văn Sĩ Cập, chuyển cho Vũ Văn chiêu nghi trình lên Đậu hoàng hậu. Gặp giữa lúc La tiểu tướng cũng vào Trường An, tuy chưa được gặp long nhan, nhưng thánh chỉ đã ra sai Vũ Văn đại nhân cùng hai nội giám, tới triệu công chúa cùng Hoa cô nương tiến kinh làm lễ thành thân. Vì vậy chúng tiện tỳ về trước, các quan chỉ sợ khoảng mai kia sẽ tới, xin công chúa hãy xếp đặt chu đáo.
Tuyến Nương đáp:
- Hôm trước Hoa cô nương vào am thăm các phu nhân, không biết vì lẽ gì đã cùng Trương Lão Nhi đến tìm phụ thân ở Ẩn Linh Sơn
Ngô Lương thưa:
- Lỡ ngày mai các quan triều đình đến, phải có hai tiểu thư tiếp thánh chỉ, Hoa cô nương chưa về thì làm thế nào?
Lại thấy một hầu gái vào thưa:
- Giả tiên sinh vừa đến cho biết, thiên sứ sắp tới Lôi Hạ, nhắn công chúa sắp sẵn hành trang về Trường An.
Tuyến Nương đáp:
- Nếu không có lệnh của phụ thân, thì dù có lệnh của triều đình nữa cũng chối từ được.
Bỗng thấy hầu gái vội vàng vào thưa:
- Vương phụ đã về !
Tuyến Nương nghe báo, vui sướng vô cùng, vội chạy ra đón, vào thẳng trong phòng, quỳ xuống dưới gối khóc như mưa như gió. Kiến Đức cũng không ngăn được hai hàng lệ, liền đưa hai tay đỡ Tuyến Nương dậy:
- Con hãy đứng dậy. Cũng may có con hiếu nghĩa nhiều mưu mẹo, để cho cha con được hương đèn trên chùa. Nay nếu chẳng vì việc chung thân đại sự của con, cha cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện xuống núi. Con hãy ngồi lên cha hỏi mấy điều.
Tuyến Nương chùi nước mắt, ngồi cạnh. Kiến Đức nói:
- Trước kia thánh thượng đã nói con hứa hôn với La công tử rồi, khiến cha cũng không tiện hỏi lại, nhưng chuyện này vốn từ đâu ra?
Tuyến Nương đem chuyện "trên ngựa định nhân duyên" trước kia kể lại. Kiến Đức nói:
- Như thế cũng được. La Nghệ vốn là đại tướng của tiên triều, La công tử cũng hàng thiếu niên anh tuấn, mai kia sẽ được nối tước của cha, con sẽ là nhất phẩm phu nhân, cũng chẳng phải nhục đến con. Chỉ tiếc cho Hoa Mộc Lan, trước kia đã cùng con về Trường An gặp thánh đế, không ngờ mất sớm, nhưng em là Hựu Lan làm sao lại cũng nguyện vì con mà bôn ba, không hiểu tính hạnh ra sao?
Tuyến Nương thưa:
- Hựu Lan có đến chùa tìm, phụ thân không gặp hay sao?
Kiến Đức đáp:
- Làm gì có cô gái nào tới, chỉ thấy Giả tiên sinh sai một thiếu niên rất lanh lợi tới cùng với một lão gia theo hầu. Chẳng có thư từ gì chỉ có một tờ sơ cảo tấu biểu của con gửi lên thánh đế, nên cha cũng tin là thật.
Tuyến Nương thưa:
- Tờ sơ cảo này, con bỏ trong hộp trang sức, mấy hôm nay không thấy, thì ra Hựu Lan đã lấy, rồi cải dạng nam trang, đi gặp phụ thân!
Kiến Đức nói:
- Cho nên ta cũng ngờ rằng nếu chỉ được sai đi làm thì sao lời ý rất là khẩn thiết, chân thành.
Tuyến Nương thưa:
- Nay tưởng Hựu Lan cùng phụ thân trở về, sao vẫn chưa thấy?
Kiến Đức nói:
- Hựu Lan vào núi gặp ta rồi về ngay, sao lại chưa thấy đâu cả được?
Tuyến Nương băn khăn:
- Hay Hựu Lan vào trong am?
Rồi sai Kim Đính:
- Ngươi vào trong am, mời Hoa cô nương về!
Kiến Đức quay ra với Tôn An Tổ, Tuyến Nương lại sai người đi mời Nhuận Phủ về tiếp phụ thân cùng An Tổ.
Mãi đến hoàng hôn, chỉ thấy Kim Đính trở về thưa rằng:
- Hoa cô nương cùng Trương Lão Nhi chưa thấy về.
Tuyến Nương nghe thế, trong lòng phiền muộn. Sang ngày hôm sau, buổi chiều, thấy trong thôn huyên náo chuyện các vị quan triều đình sắp về để mời công chúa. Quả nhiên trưa hôm sau, Tề Thiện Hằng theo Vũ Văn Sĩ Cập cùng hai quan thái giám, mặc cát phục, rầm rầm rộ rộ kéo về mộ phần. Kiến Đức cùng An Tổ không tiện ra mặt, nên tìm chỗ tránh. Tuyến Nương vội nhờ Nhuận Phủ ra tiếp ở trung đường. Thiện Hằng sai tay chân bày hương án, thì một thái giám cất tiếng hỏi:
- Trong chiếu thư nói rằng có ba vị phu nhân, nay sao lại chỉ thấy một, còn nữa ở đâu?
Nhuận Phủ hỏi:
- Không rõ những ai mà những ba vị?
Thái giám ít tuổi hơn đáp:
- Người thứ nhất là công chúa Đậu Tuyến Nương, được đương kim hoàng hậu nhận làm cháu gái; người thứ hai là Hoa Hựu Lan; người thứ ba là phu nhân của Từ Nguyên soái Viên Tử Yên.
Nhuận Phủ nghe vậy, liền nghĩ: "Thế là Mậu Công hiền huynh cũng đã được triều đình đứng ra làm lễ thành thân cho rồi!". Liền đáp:
- Viên Tử Yên cũng ở ngay đây, chi bằng xin mời tới đây nghe khai đọc thánh chỉ luôn chăng?
Rồi sai Kim Đính đi mời Tử Yên. Tử Yên vội xếp đặt để đến. Thanh Cầm lo thay áo tang cho Tuyến Nương, các hầu gái đỡ ra. Cả hai cùng đã ở trong cung cấm, mọi thứ nghi lễ đều thông thạo. Sĩ Cập mở thánh chỉ tuyên đọc. Tử Yên cùng Tuyến Nương đứng dậy tạ ơn các quan. Viên thái giám nhìn kỹ Tử Yên rồi cười nói:
- Ta cứ tưởng có chuyện trùng họ, trùng tên, thì ra Viên Quý nhân!
Tử Yên cũng nhìn kỹ hai thái giám, thì ra thái giám nhiều tuổi là thái giám họ Trương ở Hiển Nhân cung, còn thái giám ít tuổi là tiểu thái giám họ Lý ở Hoa Ngạc lâu. Tử Yên đáp:
- Hai vị thái giám thật có phúc lớn, giờ thì thật được tân thánh đế sủng ái.
Trương thái giám nói:
- Phu nhân cũng biết chúng tôi vốn là hai thái giám thực thà, chẳng bao giờ làm điều gì bậy bạ, vì vậy cũng được tân thánh đế để mắt xem. Nay Viên Quý nhân về với Từ Nguyên soái, thì chúng ta cũng càng dễ gặp nhau.
Thiện Hằng nói:
- Từ Nguyên soái cũng thật là bậc anh hùng đa tình vậy!
Trương thái giám cười:
- Tề tiên sinh thật chưa hiểu lũ nội quan chúng tôi, vốn chẳng khác gì hòa thượng xuất gia rồi vậy, cho nên cũng có nhiều điều chẳng còn kiêng kỵ lắm vậy.
Lý thái giám tiếp:
- Thánh chỉ có nói ba vị phu nhân, sao Hoa phu nhân không thấy đâu cả?
Trương Lão Nhi bỗng thấy ở đâu ra thưa:
- Hoa cô nương khoảng một hai ngày nữa mới về, tiểu nhân về trước thưa cùng công chúa biết.
Có kẻ lớn tiếng nạt:
- Lão già không biết lễ nghĩa gì, các quan lớn đang tiếp thánh chỉ, sao lại dám nói ngang vậy!
Nhuận Phủ nói với gia nhân:
- Thì ra Lão Nhi đã về, ngươi hãy ra gọi vào đây ta hỏi.
Lão Nhi vào, Nhuận Phủ hỏi:
- Ngươi cùng Hựu Lan ra đi, sao giờ về một mình?
Lão Nhi đáp:
- Trên đường về, chiều mưa, vào ngủ nhờ ở nhà quả phụ họ Đoàn. Trong nhà có ba người đàn bà khác, không hiểu đều gọi là phu nhân gì đấy, nhất định giữ Hoa cô nương lại, sai tiểu nhân về trước. Khoảng hai ba ngày sau, họ sẽ đưa Hoa cô nương về am sau.
Trương thái giám thấy nói liền hỏi:
- Có phải lão già này cùng ra đi với Hoa phu nhân?
Xung quanh thưa:
- Đúng rồi
Trương thái giám quát:
- Lão già ngu ngốc, Hoa phu nhân có thánh chỉ triệu, nay ngươi lừa mang đi đâu, lại còn đứng đó nói bậy. Tiểu thái giám hãy cùng lão già đi tìm, nếu không thấy, thì lão già phải tội chết!
Ba bốn tiểu thái giám lấy dây trói Lão Nhi lôi ra. Lão Nhi sợ hãi, nước mắt nước mũi ràn rụa. Tuyến Nương thấy thế, sai Ngô Nương lấy ra năm tiền giao cho Lão Nhi, cùng hai lạng bạc đưa cho mấy tiểu thái giám làm lộ phí. Lại bảo Ngô Lương cùng Lão Nhi ăn cơm no, rồi lên đường đón Hựu Lan.
Trương thái giám nói:
- Vũ Văn đại nhân hãy cùng Tế tiên sinh về huyện đường nghỉ ngơi, chúng tôi phải cùng lão già này đi tìm Hoa phu nhân.
Sĩ Cập đáp:
- Hoa phu nhân tự nhiên rồi cũng sẽ về thôi! Việc gì các ngài phải khó nhọc vậy!
Trương thái giám ghé tai Sĩ Cập nói nhỏ mấy câu. Sĩ Cập gật đầu rồi cùng Triệu Hằng lên đường. Hai thái giám cùng Lão Nhi ra cửa, Tuyến Nương lại sai lấy mười lạng bạc đưa cho Ngô Lương. Ai nấy lên ngựa.
***
Lại nói Hựu Lan ở nhà họ Đoàn đã hai ba ngày, sợ triều đình có thánh chỉ xuống, lòng lo lắng không yên, xin phép trở về, nhưng các phu nhân nhất quyết không chịu. Hôm ấy đang sắp trở về, thì thấy ngoài cửa vang tiếng người ngựa, rồi người người rầm rập vào, lũ học trò chạy tứ tán. Giả phu nhân vội chạy ra hỏi:
- Các người là ai vậy, sao lại chạy bữa vào đây thế này?
Lão Nhi vội vàng thưa:
- Phu nhân, Hoa cô nương hiện ở đâu mấy hôm nay, làm cho tiểu nhân khổ sở hết đường nói, xin mời ra đây ngay cho.
Giả phu nhân đáp:
- Hoa cô nương mấy hôm nay ở đây, các người đến đón về càng hay. Có việc gì mà huyên náo cả vậy?
Hai thái giám nhận ra rồi, Trương thái giám liền nói:
- Thật cũng lại không nhận ra được nhau. Thì ra các phu nhân phần lớn ở đây cả. Hay lắm! Hay lắm!
Giả phu nhân cũng nhận ra hai vị thái giám, không kịp tránh mặt, đành phải chào hỏi, kể chuyện đầu đuôi. Giả. phu nhân không ngăn nổi dòng lệ chứa chan. Trương thái giám hỏi:
- Ở đây có mấy vị phu nhân?
Giả phu nhân đáp :
- Chỉ có La phu nhân, Giang phu nhân, cộng là ba người.
Trương thái giám tiếp:
- Hay lắm rồi, hiện nay đương kim thánh đế đã có mật chỉ, lệnh tìm đủ mười sáu vị phu nhân. Vậy xin ba vị phu nhân ở đây hãy thu xếp hành trang, cùng chúng tôi về kinh. Xin còn hai vị nữa cũng ra để ta gặp mặt.
Ngô Lương cũng thưa:
- Cả Hoa cô nương cũng xin lên tiếng cho.
Chẳng mấy chốc cả Giang phu nhân, La phu nhân cùng Hựu Lan đều ra. Tất cả hàn huyên một hồi:
- Chúng ta ở đây, không thể lâu dài, chi bằng nhân lúc nhan sắc chưa tàn, hãy ra với đời vài năm, việc gì mà chịu cực ở đây, chịu đủ chuyện thê phong khổ vũ như vậy.
Ý đã định, cả ba thu tập tế nhuyễn, thuê hai chiếc xe. Ba vị phu nhân cùng Hựu Lan, từ biệt quả phụ họ Đoàn, lên đường với hai thái giám.
Đi được hai ba ngày đến gần Lôi Hạ, hai viên thái giám đưa ba vị phu nhân vào dinh của Thiện Hằng, Ngô Lương cùng với Lão Nhi lại thuê xe riêng về chỗ Đậu Công chúa. Tử Yên cũng đã thu xếp đầy đủ cho mẹ con Dương Hinh Nhi, rồi đến ở cùng Đậu Công chúa. Thiện Hằng đứng ra thu xếp đầy đủ mọi chuyện, tất cả lên đường. Tuyến Nương dặn dò phụ thân cùng An Tổ thu xếp nốt công việc còn lại, rồi quay về chùa sau, cũng nhớ đem theo cả Ngô Lương lẫn Kim Đính, cha con cùng khóc lóc một hồi, mới ai đi đường ấy.
Bốn vị phu nhân ở Nữ Trinh am, nghe nói có chuyện các phu nhân, nên không tiện ra tiễn biệt, chỉ sai Lão Nhi ra gởi lời chào. Vũ Văn Sĩ Cập cùng hai viên thái giám, đem theo ba vị phu nhân được Thiện Hằng thuê sẵn mấy chiếc xe, chưa đầy một tháng đã về gần tới Trường An.
Công Cẩn cùng La Thành, anh em Uất Trì, vẫn ở nhà Thúc Bảo, nghe tin, liền ra đón, thì thấy Mậu Công đến bảo:
- Tần đại huynh, cần phải tìm một nhà công quán nào để cho gia quyến Đậu Công chúa cùng Viên tiểu thứ ở tạm, rồi mới đón về nhà sau chứ?
Thúc Bảo đáp:
- Đậu Công chúa thuở trước ở nhà Đơn nhị ca, kết nghĩa chị em với Ái Liên. Nay mẹ con Ái Liên đều đang ở đây, họ mấy năm nay xa nhau, chi bằng cứ để ở đây, chẳng qua cũng khoảng một hai ngày, vào trình chúa thượng, rồi sẽ làm lễ thành thân, việc gì phải bày vẽ công quán.
Mậu Công thấy nói thế, vội quay về, sai khoảng mười viên gia tướng, cưỡi xe lớn, cùng mấy người đàn bà ra đón ngoài thành. La Thành cùng Công Cẩn, Uất Trì huynh đệ, Tần Hoài Ngọc, người nhà cũng làm một đoàn kéo ra.
***
Lại nói Sĩ Cập, hai thái giám với mọi người về đến mười dặm trường đình ngoài thành Trường An, đã thấy rất nhiều người và ngựa chờ đón, Công Cẩn, La Thành chạy ra thăm hỏi. Công Cẩn lên tiếng:
- Ngoài thành chẳng phải nơi dừng nghỉ lâu. Xin cả hai gia quyến tạm về nghỉ trong dinh Tần đại nhân, ngày mai sẽ vào ra mắt chúa thượng, sau đó hai nhà tính chuyện thành thân.
Sĩ Cập bằng lòng, Kim Đính lại đã cùng Phan Mỹ nhỏ to. Tuyến Nương thấy La Thành ngồi trên mình ngựa, dáng vẻ đường đường, lòng thầm nghĩ: "Hổ thẹn thay cho Tuyến Nương này, được sánh vai cùng người thế này, thì còn gì mà phải băn khoăn nữa"! Thật so với lúc khước từ thật khác xa vậy, rồi lên kiệu lớn. Hựu Lan cũng lên kiệu khác, người ngựa theo sau, như bay vào thành trước.
Gia tướng Từ Nguyên soái cũng đón Tử Yên lên kiệu, người ngựa xúm quanh đi tiếp.
Hai viên thái giám lên tiếng:
- Ba vị phu nhân, xin mời vào tạm dịch quán, chờ chúng tôi vào phục mệnh thánh hoàng, sẽ có người ra đón.
Sĩ Cập vào thành, gặp ngay Tần Vương, đứng lại chào hỏi. Cũng vì Vương Thế Sung vào Thục, vừa tới Định Châu lại làm phản, Tần Vương đang vào thưa với phụ hoàng, nên cả ba cùng Tần Vương vào triều.
Vua Đường lúc này đang cùng Đậu hoàng hậu, Doãn Phi tử, Trương Phi tử và Vũ Văn chiêu nghi xem hoa ở ngư uyển, cả bốn người liền vào ngự uyển. Trương thái giám thưa rõ công việc đầu đuôi vua Đường cả mừng liền hỏi:
- Ba cung phi năm nay tuổi tác ra sao?
Đậu hoàng hậu liền nói:
- Đó đều là thứ của nhà Tùy đã mất. Bệ hạ còn định gọi về làm gì nữa?
Trương thái giám thấy thế liền thưa ngay:
- Lúc Hứa Đình Phụ tuyển vào cung, đều khoảng mười sáu mười bảy, nay tính ra khoảng trên dưới ba mươi tuổi, nhưng ba vị này so với các phu nhân khác thì nhan sắc không bằng.
Trương Phi tử cười tiếp:
- Nay bệ hạ gọi về, làm một tòa Tây uyển, rồi đưa vào trong, thế mới thích ý chứ!
Vua Đường thấy từ lời nói, cử chỉ tất cả đều có vẻ chua chát, liền phải biện bạch:
- Các khanh không phải lo lắng. Trẫm làm việc này, chẳng phải cho trẫm đâu, mà đã có ý định khác hẳn hoi đấy!
Rồi hỏi Tần Vương:
- Các quan trong triều còn bao nhiêu người chưa thành gia thất?
Tần Vương thưa:
- Con thấy còn Ngụy Trưng, La Sĩ Tín, Uất Trì Cung, Trình Giảo Kim, chưa từng vợ con gì cả.
Đậu hoàng hậu hỏi hai thái giám:
- Tuyến Nương cùng Hựu Lan, Tử Yên hiện nay đang ở đâu?
Trương thái giám thưa:
- Cả ba đều đang ở dinh Tần tướng quân. Còn ba vị phu nhân đều đang ở quán dịch.
Vũ Văn chiêu nghi thưa:
- Tuyến Nương vốn là cháu gái của hoàng hậu, sao không gọi cả ba vào ngự uyển này để ra mắt?
Vua Đường liền lệnh cho Lý thái giám ra triệu cả ba vào kiến giá. Lúc này Tần Vương mới trình việc Thế Sung phục phản, vua Đường phán ngay rằng:
- Nghịch tặc phụ ơn như thế, hãy sai ngay tổng quản sở tại đem quân trừ khử ngay.
Chẳng bao lâu, đã thấy Lý thái giám đưa bọn Tuyến Nương vào phục lạy dưới thềm. Vua Đường cho phép bình thân.
Tuyến Nương lại gần lạy chào hoàng hậu. Đậu hoàng hậu sai cung nữ đỡ dậy rồi nói:
- Đã lạy chào thánh đế rồi, chẳng cần phải đa sự!
Vua Đường xem ra bọn Tuyến Nương đều đoan trang, thuần hậu, phong thái nhuần nhã, liền phán:
- Cả ba khanh đây, một là bậc hiếu nữ, một là nghĩa nữ, một là tài nữ, so với mọi người thật khác hẳn vậy!
Liền sai cung nữ ban đôn gấm cho ngồi. Đậu hoàng hậu nói với Tuyến Nương:
- Hôm trước khanh có gửi lễ đến, ta đang định tìm vài thứ quý ban cho, thì gặp lúc thánh thượng có chỉ tiến kinh, cho nên chưa gửi.
Tuyến Nương thưa:
- Vài thứ thô lậu, không đáng để thánh mẫu để ý tới.
Đậu hoàng hậu lại khen:
- Khanh vốn nổi tiếng võ nghệ, không ngờ cả văn từ cũng thật tài hoa.
Vua Đường cười:
- Trong tấu chương vừa rồi, ý nhún nhường chị em, có phải là nói cho đẹp lời chăng?
Tuyến Nương quỳ thưa:
- Thực lòng thần thiếp nghĩ vậy, đâu dám quá lời. Lúc ấy La công tử gửi thư cho Tần tướng quân, nhờ Đơn viên ngoại nói với phụ thân thiếp, bị thiếp lấy trộm, chữa thành chuyện La công tử cầu hôn với Ái Liên tiểu thư con Đơn viên ngoại. Không ngờ tiểu thư đã hứa hôn với Tần Hoài Ngọc con trai của Tần tướng quân. Cho nên La công tử lại phải quay về với lời thề cũ.
Vua Đường phán:
- Chuyện cũng qua rồi. Nhưng khanh nói rằng Hựu Lan với La Thành đã cùng ăn ngủ, mà không thất thân, sợ có nói quá ít nhiều chăng.
Tuyến Nương thưa:
- Chuyện này đâu phải chuyện thường mà dám nói bậy trước thánh tôn, xin hoàng hậu lệnh cho cung nữ khám nghiệm, thì thấy ngay hành vi cả hai.
Đậu hoàng hậu tán đồng:
- Việc này cũng không khó!
Liền sai cung nga:
- Đem viên ngọc "Biện minh châu" ra đây!
Cung nga đưa trình, Đậu hoàng hậu gọi Hựu Lan lại gần, cầm viên ngọc màu sắc rực rỡ đủ năm màu, lau qua, là nhè nhẹ mấy lần trên lông mày Hựu Lan nhưng không thấy, lông mày Hựu Lan vẫn kết lại thành đám, mà không hề tán loạn bốn năm phía. Đậu hoàng hậu liền than:
- Đúng vẫn còn là khuê nữ vậy!
Vua Đường hỏi Hựu Lan:
- Khanh là con bé ngốc nghếch, cố chấp, may gặp La Thành là bậc quân tử, thế không thì đã ngọc nát ngói vỡ. Nay thành phu thê một nhà, thật cũng chẳng uổng công vậy!
Hựu Lan vội quỳ lạy tạ ơn. Đậu hoàng hậu, Tần Vương cùng cung nữ đều không nhịn được cười.
Vua Đường lại nói với Tử Yên:
- Viên Phi tử giỏi khoa thiên văn, nay về tới Từ
Nguyên soái, từ trong đến ngoài khuê phòng đều là bậc lo đời giúp nước cả vậy.
Rồi sai Trương thái giám ra dịch trạm triệu ba phu nhân vào, lại sai nội giám truyền gọi Ngụy Trưng, Mậu Công, Uất Trì Cung, Giảo Kim, còn Lý thái giám thì gọi La Thành, Thúc Bảo, Hoài Ngọc cùng mẹ con tiểu thư Ái Liên vào cả ngự uyển. Lại truyền cho bộ Lễ, làm sẵn mười ba giải hoa hồng, sắp sẵn ban nhạc. Vua Đường cùng Tần Vương ngồi trên đại điện chờ.
Ngụy Trưng, Mậu Công, Uất Trì Cung, Giảo Kim vào quỳ lạy dưới thềm. Vua Đường phán:
- Viên Tử Yên của Từ Nguyên soái đã được gọi đến. Trẫm nghĩ đến đức của Chu Văn Vương ngày xưa, trong không có lời oán của đàn bà, ngoài không có đàn ông ở một mình. Các ngươi lại đều là bậc đại thần có công lớn, mà trong nhà vẫn thiếu người lo liệu, nên sai nội giám tìm được ba mỹ nhân. Nhân nay ngày lành, các khanh hãy gieo quẻ rùa, xem duyên số trời định ra sao.
Ngụy trưng, Uất Trì Cung, Giảo Kim quỳ thưa:
- Chúng thần dẫu gắng tâm lực, vẫn chưa báo được ơn hoàng gia muôn một. Phương chi bốn biển chưa yên, đâu đã dám nghĩ tới chuyện phu thê.
Vua Đường phán:
- Thánh kinh đã dạy: "Phải lo đủ chuyện nhà cửa rồi mới nghĩ đến chuyện cai trị đất nước, ai trị được nước thì mới lo tới bình thiên hạ".
Tần Vương cũng khuyên:
- Đấy chính là việc giáo hóa của bậc đế vương, cùng với kẻ dưới hưởng phúc lớn, các khanh chẳng nên chối từ vậy.
Vua Đường liền sai cung nhân lấy một cái bình ngọc, rồi tự tay viết tên ba vị phu nhân, viên thành viên tròn, thả vào bình. Ngụy Trưng, Kính Đức, Giảo Kim, thầm khấn trời đất, mỗi người gắp một viên giấy. Ngụy Trưng được Giả phu nhân, Uất Trì Cung được La phu nhân, Giảo Kim được Giang phu nhân. Cả ba quỳ lạy tạ ơn. Trương thái giám dẫn ba phu nhân vào.
Vua Đường hỏi:
- Ai là Giả Tố Trinh, ai là La Tiểu Ngọc, còn ai là Giang Đào?
Từng phu nhân thưa. Vua Đường phán:
- Ba phu nhân đây, tuy chẳng đến quốc sắc thiên hương, nhưng cũng yểu điệu hoa nhường nguyệt thẹn, các khanh chẳng phải băn khoăn. Hãy vào nội cung gặp hoàng hậu, rồi làm lễ hoa chúc động phòng.
Lại thấy cha con Thúc Bảo, cùng mẹ con Ái Liên. Vua Đường riêng miễn lễ cho Thúc Bảo.
- Cha con khanh hãy bình thân!
Nhân chỉ Ái Liên hỏi: :
- Đây phải chăng là mẹ con họ Đơn? Ái Liên đã làm lễ thành thân chưa?
Thúc Bảo thưa:
- Dạ chưa! vua Đường thấy cũng mặt hoa da phấn, nét liễu dịu dàng, ra dáng con nhà đại gia, liền than:
- Thật là thục nữ vậy!
Liền sai nội giám dẫn vào ra mắt hoàng hậu, rồi hỏi Thúc Bảo:
- Vừa rồi Tuyến Nương có nói, từng kết chị em với Ái Liên, đã có thư làm mối cho La Thành, có chuyện này chăng?
Thúc Bảo thưa:
- Tuyến Nương dạo trước có chữa thư của La Thành, nhưng con trai thần từ lâu đã hứa hôn với ái viên. Cũng bởi thần với Đơn viên ngoại vốn kết nghĩa anh em sinh tử, đâu dám thay lời.
Vua Đường nói:
- Nếu đã hứa hôn từ lâu, trai tài gái sắc, sao chưa thành thân?
Thúc Bảo thưa:
- Cũng bởi lẽ Ái Liên muốn chờ làm lễ an táng phụ thân xong xuôi, sau mới lo chuyện gia thất!
Vua Đường tiếp:
- Thế cũng phải lẽ. Nhưng nay trẫm đứng làm chủ hôn, thấy vừa đôi đẹp lứa, lo chuyện gia thất cho con khanh, sau một tháng tứ lệnh về quê an táng phụ thân.
Rồi nói với bọn thị thần:
- Sắc phong Tuyến Nương nhị phẩm phu nhân, còn lại đều phong tứ phẩm phu nhân. Hãy mau tuyên triệu tất cả, cho kịp ngày lành, cùng làm lễ động phòng hoa chúc.
Thị thần nội mời đủ bảy phu nhân. Vua Đường gọi Ngụy Trưng, Mậu Công, Uất Trì Cung, Giảo Kim, cùng Tử Yên, Giả Tố Trinh, La Tiểu Ngọc, Giang Đào, đứng từng đôi một, ban cho mỗi người một giải hoa hồng. Bốn cặp tạ ơn, chiêng trống cờ quạt rộn ràng, ra khỏi ngự uyển.
Toán thứ hai, Hoài Ngọc cùng Ái Liên, cũng hoa, cũng trâm, ra khỏi sân rồng.
Toán thứ ba, La Thành đứng giữa, hai bên là Tuyến Nương, Hựu Lan, tạ ơn đi xuống sân rồng Vua Đường cười:
- La Thành mừng hơn cả, thật là cùng lúc được cả hai viên ngọc liên thành vậy!
La Thành cùng Tuyến Nương, Hựu Lan tạ ơn:
- Thánh ân rộng rãi không bờ, nhưng thần thiếp Tuyến Nương vốn là họ hàng hoàng hậu, chúng thần xin được tạ ơn, liệu bệ hạ có gia ân?
Vua Đường đáp:
- Đúng lắm!
Đứng dậy thoái triều, dẫn ba vợ chồng La Thành vào hậu uyển bái tạ. Đậu hoàng hậu rất đẹp ý khi thấy La Thành còn ít tuổi mà đã biết lễ, liền ban cho hai cung nữ, hai nội giám, cùng rất nhiều vàng ngọc, lụa là, lại thêm hương xa một cỗ cho hai cô dâu ngồi, rồi sai lấy cả đèn nến hoa chúc bày ở đại điện, cùng ban nhạc đưa ra khỏi nội cung, khắp thành trăm họ dân gian kéo nhau đi xem, ai cũng ngợi khen.
Chẳng biết về sau thế nào, hãy xem hồi tiếp sẽ rõ.
HỔI 63
Vương Thế Sung quên ơn
lại phản,
Tần Hoài Ngọc dẹp giặc lập công.
Tần Hoài Ngọc dẹp giặc lập công.
Từ rằng:
Giục ngựa buông cương dặm ruổi mau
Kiên trinh đồng điệu trước như sau
Dắt dìu thanh sử cùng lưu mãi
Đừng khiến mày xanh một nếp chau
Lòng cương trực làu làu như tuyết
Một nhát gươm hai giặc đầu rơi
Tử sinh thề có đất trời
Bạn vàng khăng khít hiếm hoi cõi trần.
Theo điệu " Ngộ giai kỳ"
Người xưa nói: "Lời của đàn bà không nên nghe theo". Nhưng lại cũng cổ sách dạy: "Lời phụ nữ nên nghe". Thế thì theo ai đây.
Thật ra thì trong số phụ nữ cũng có trí thông minh, có kiến thức, vượt cả đàn ông. Như thời nhà Minh, Thìn Hào định tính chuyện phản nghịch, vợ là Lâu Thị khóc lóc khuyên can, Hào không nghe, cuối cùng bị bắt, mới ngửa mặt mà than:
- Ngày xưa vua Trụ nghe lời đàn bà mà mất cả thiên hạ. Còn trẫm vì không nghe lời phụ nữ mà mất nước vậy.
Thế cũng rõ ràng trong những lời phụ nữ, có cả lời không nghe được và lẫn lời nghe được, việc này phải tùy người đàn ông, tùy theo chí hướng, thời thế mà xem xét những lời ấy có phải tai hay nghịch nhĩ.
***
Lúc đầu vua Đường sai bọn thái giám tìm các phu nhân của nhà Tùy về, vốn là để cho mình, nhưng bởi có một lời của Đậu hoàng hậu, nên thành được mấy đôi chồng vợ, đỡ bao nhiêu chuyện rầy rà. Nếu là Tiêu Hậu, thì sẽ mặc sức vun vào, làm lỗi lầm của vua càng thêm nặng. Việc vua Đường theo ý riêng, dựng vợ gả chồng như vậy, không ngờ lại làm cho bọn này, cả đàn ông lẫn đàn bà, đều rất là hoan hỷ, cảm ơn hoàng gia, vậy nên vua Đường cũng rất thích ý, vào nội cung kể lại cho hoàng hậu cùng các phi tần nghe. Nói đến chuyện Đơn Ái Liên cũng muốn lo việc tang lễ cho phụ thân Đơn Hùng Tín đã, rồi mới tính chuyện gia thất, Đậu hoàng hậu liền than thở:
- Không ngờ bọn đàn bà hiếu nghĩa, lại phần lớn xuất từ ở nơi hoang thôn, rừng núi.
Vũ Văn chiêu nghi bỗng thấy cũng nước mắt chan chứa hai hàng, vua Đường kinh ngác, hỏi:
- Chiêu nghi, cớ sao lại bi thương thế?
Chiêu nghi đáp:
- Linh cữu thân mẫu thiếp vẫn còn ở Lạc Dương, anh trai Sĩ Cập vẫn chưa lo được việc an táng.
Vua Đường phán:
- Ngày mai trẫm sẽ hỏi rõ Sĩ Cập xem sao?
Nói chuyện Trương Công Cẩn ở lại nhà Tần Thúc Bảo, nhân vì La Thành mới kết hôn, không tiện thúc giục. Lại nữa, các nhà vương phi, công hầu, đại phu, nhân hoàng hậu nhận Tuyến Nương làm cháu gái, nên càng ái mộ Tuyến Nương cùng Hựu Lan phu nhân hiếu nghĩa, tranh nhau mời mọc, đêm ngày ca ngợi. Vì vậy, Công Cẩn sợ ở U Châu xảy có chuyện gì, nên vào xin thánh thượng để về trước. Không ngờ Tần Vương vốn trọng tài năng Công Cẩn, tâu với phụ hoàng, lưu Công Cẩn ở Trường An giữ chức Tư mã kiêm đốc bổ tư. Còn chức thứ sử U Châu, giao La Thành tạm trông coi. Thánh chỉ đã ban, Công Cẩn ở lại Trường An, viết thư trình rõ, sai người đem về đưa Yên Quận Vương La Nghệ, rồi đón luôn gia quyến lên kinh đô.
La Thành nhân được cất nhắc thay chức Công Cẩn, lại sợ phụ mẫu mong chờ, nên được gần tháng sau, vào tạ ơn vua, các quan tướng thân thuộc từ biệt. Lại theo lời dặn của Tuyến Nương, tới cảm tạ vũ văn Sĩ Cập, thấy xe ngựa, lính tráng đầy sân, đang rối rít xếp dọn. La Thành tạ ơn xong, liền hỏi:
- Đại nhân đang định đi đâu, mà xe ngựa rộn ràng thế này?
Sĩ Cập đáp:
- Hạ quan nhân linh cữu tiên mẫu chưa táng, nên xin phép nghỉ hai tháng, về Lạc Dương lo xây mộ phần, lên đường ngay bây giờ, nên sợ không được tiễn tướng quân vinh quy.
La Thành đáp:
- Tiểu tướng cũng định sáng mai lên đường.
La Thành trở về, suốt đêm sắp đặt cùng Tuyến Nương, Hựu Lan, chào Tần thái thái, Thúc Bảo, Trương phu nhân. Vợ chồng Hoài Ngọc cũng ra gặp gỡ, rồi tiễn ra cửa. Anh em Uất Trì cùng hai viên thái giám được Hoàng hậu mới ban cho và bọn Phan Mỹ làm toán đi trước. La Thành, Tuyến Nương, Hựu Lan cùng các hầu gái theo sau. Từ Huệ Phi cũng sai nội giám Tây phủ, Viên Tử Yên thì sai Thanh Cầm, rồi có các phu nhân họ Giả, họ La, họ Giang đều sai người đến chào, nghẽn cả đường phố lớn, tiễn đến hơn mười dặm, tất cả lại mới quay về.
La Thành về lăng mộ Lôi Hạ, lại muốn mời Đậu Kiến Đức tới U Châu, đi suốt ngày đêm, chẳng bao lâu đã ra khỏi Đồng Quan, sắp tới cửa Thiên Châu, là một vùng dân cư đông đúc. Hôm ấy lên đường sớm, chưa ăn cơm, đang lúc toán Uất Trì hai anh em đi trước tìm một hàng cơm rộng rãi mà không ra, lại phải đi thêm mấy dặm nữa, thấy một quán rượu, ở ngay giữa phố, trên cờ treo trước cửa có viết:
Mời khách ngựa xe dừng bước
Đón phường danh lợi nghỉ chân.
Thấy thế mọi người xuống ngựa, vào quán. Phòng ăn vừa cao rộng, lại còn sớm nên vẫn vắng vẻ, Uất Trì Nam vội lệnh cho chủ quán, thu xếp ngăn nắp, bày sẵn tiệc rượu, rồi ra đón toán đi sau. Thì thấy dân chúng đang tụ tập trước cửa một ngôi chùa ở đầu phố. Uất Trì Nam hỏi nguyên cớ, có người đáp:
- Không biết, các ngài cứ lại xem sao?
Anh em Uất Trì cùng vào chùa, lên ba gian Phật dường, thấy trên điện khói hương tươm tất, bên dưới là mấy ni cô già xúm lại nước mắt ngắn dài, Uất Trì Nam hỏi một ni cô già nhất, ni cô vẫn khóc, không đáp. Lại nghe tiếng bàn tán xung quanh, một người nói:
- Vị công chúa vốn dòng cành vàng lá ngọc, chẳng ngờ nước mất nhà tan, lại còn bị mấy vị quan nha làm nhục nữa chứ!
Anh em Uất Trì không dám hỏi thêm, sợ đoàn La Thành đến, vội quay ra đón, vừa quay ra ngựa xe cũng đã tới tất cả vào quán.
La Thành vào sau, thấy ngoài phố ồn ào; mới hỏi chuyện anh em Uất Trì. Uất Trì Bắc kể lại những điều mắt thấy tai nghe. Tuyến Nương nghe được, bèn nghĩ: "Hay là họ hàng nhà Tùy, nhà Ngụy lưu lạc ở đây sao?" Liền sai tả hiệu cho gọi một ni cô đến. Ngô Lương cùng Kim Đính vội chạy ra, gọi theo mấy người lính đến chùa, nói với bọn ni cô:
- Công chúa cùng tướng quân mời ni cô trụ trì tới ngay?
Ni cô trụ trì bèn hỏi:
- Công chúa nào, tướng quân nào?
Kim Đính đáp:
- Ni cô cứ tới sẽ cho biết!
Ni cô trụ trì đành đi theo, vào quán, thấy Tuyến Nương, La Thành, cúi đầu bái chào. Tuyến Nương hỏi ngay:
- Chùa bị ai hà hiếp, có công chúa nào trong ấy?
Ni cô thưa:
- Công chúa Nam Dương của thời đầu nhà Tùy, góa chồng sớm, một lòng thủ tiết, có một người con, tên là Thiên Sư. Nhân khi Hạ Vương diệt Vũ Văn Hóa Cập, tướng của Hạ Vương là Vu Sĩ Trường, thấy công chúa mặt hoa da phấn, đòi lấy, công chúa không chịu, Sĩ Trường liền vu cho Thiên Sư là bè đảng của Hóa Cập, rồi giết chết. Công chúa xin với Hạ Vương được đi tu ở ngay Lạc Dương. Nhân gần đây giặc cướp nhiều, nên lên đường về Trường An tìm người thân, giữa đường lại gặp giặc cướp, nên mới tìm đến chùa trú chân. Cách đây ba hôm có một vị quan lớn tên là Vũ Văn Sĩ Cập, cũng đến quán này, không biết có người nào thưa chuyện, quan lớn mới tìm đến chùa, đòi gặp công chúa. Công chúa nhất định không chịu, quan lớn mới đứng ngoài cửa lên tiếng: "Công chúa ở góa một mình, hạ quan thì chết vợ, xin mang xe hoa đến đón. Rồi khoe nào là ít tuổi, nào là quan cao. Không ngờ công chúa nghe ra, đùng đùng giận dữ, từ trong cửa quát: "Ta cùng với ngươi vốn là cừu thù, nay gặp nhau đây, chỉ giận không chém được ngươi để trả tội thoán nghịch xưa. Nay nếu cứ ức hiếp, thì chỉ có chết!". Quan lớn biết không thể nên chuyện, đành bỏ đi, bọn tay chân doạ bần tăng tội che giấu cho quyến thuộc nhà Tùy, đòi phải dâng vàng lụa. Nhưng thực chẳng có, nên đang không biết lo liệu ra sao.
Tuyến Nương nói:
- Thuở trước Dương Thái bộc cho là Sĩ Cập có đức hạnh, nên mới bày cách đi về với nhà Đường, đem em gái dâng vua Đường, nên được sủng ái. Không ngờ lại cũng là phường hiếu sắc đến như thế. Thật đúng là lũ nhai văn nhai chữ này, chỉ có đến lúc đậy nắp quan tài mới biết chắc là người thế nào.
Liền sai ngay mấy hầu gái, cùng với ni cô quay về chùa, mời Nam Dương công chúa tới gặp.
Hầu gái đưa công chúa vào, khoảng ba mươi tuổi, vẫn còn mang vẻ hoa nhường nguyệt thẹn. Tuyến Nương cùng Hựu Lan đứng dậy chào hỏi, từ tốn mời ngồi. Tuyến Nương lên tiếng:
- Ni cô vừa nói chuyện, công chúa định đến Trường An thăm người thân là ai vậy?
Nam Dương công chúa đáp:
- Quang Lộc đại phu Lưu Văn Tĩnh là bạn thân của vong phu (1) thiếp, vốn là khai quốc công thần nhà Đường, nên định về Trường An nương nhờ, sống nốt kiếp sống thừa. Không ngờ lại nghe Lưu Văn Tĩnh không hòa với Bùi Giám, vu cho chuyện gì đó, cuối cùng bị giết. Nước nhà tan nát thân thích đều chẳng còn, nay lại thêm bọn đàn ông cuồng điên làm nhục.
1 Vong phu: gọi người chồng đã chết.
Nói xong nước mắt như mưa. Tuyến Nương thấy tình cảnh thế, không khỏi đau xót, nói:
- Nếu công chúa vẫn giữ ý, quy Phật pháp, thì nơi này không phải chỗ nương thân. Ta có một chỗ rất yên ổn, nhưng không biết ý công chúa ra sao?
Nam Dương thưa:
- Xin được nghe lời dạy bảo!
Tuyến Nương đáp:
- Nữ Trinh am ở vùng Lôi Hạ hiện có bốn phu nhân họ Tần, họ Đinh, họ Hạ, họ Lý, chủ chí phần hương. Nếu công chúa cũng muốn đến đó, thì xin cùng đi ngay.
Nam Dương đáp:
- Nếu được công chúa tiếp dẫn, thiếp xin ngày đêm cầu phúc.
Tuyến Nương nói:
- Chúng ta cũng về Lôi Hạ, nếu công chúa quyết đi, hãy thu xếp hành trang.
Nam Dương vui mừng, lập tức quay về chùa lấy hành lý, tạ ơn các ni cô, rồi lại quán cơm. Tuyến Nương lấy mười lạng bạc, thưởng cho các ni cô, sai tả hữu thuê một xe lừa cho Nam Dương ngồi, tất cả lên đường, Kim Đính cùng Phan Mỹ ở lại sau trả tiền cho chủ quán. Thấy ở trong quấy có một người râu quai nón, mặt vuông chữ điền, hai tai to cười hỏi:
- Hãy khoan tính tiền, xin hỏi công chúa vừa lên xe, có phải là con gái Đậu Kiến Đức chăng?
Phan Mỹ đáp:
- Đúng rồi!
Lại hỏi:
- Còn vị tướng quân là ai thế?
Kim Đính đáp:
- Con Yên Quận Vương U Châu La Nghệ, La Thành! Vừa được hoàng đế đứng ra làm chủ hôn.
Hảo hán lại hỏi tiếp:
- Thuở trước Hạ Vương có một người bề tôi là Tôn An Tổ không biết bây giờ ở đâu?
Kim Đính đáp:
- Hiện cùng với Hạ Vương, tu hành trên núi.
Hảo hán gật đầu:
- Không hiểu gia quyến Đơn viên ngoại bây giờ ra sao, thật đáng thương!
Phan Mỹ đáp:
- Con gái Đơn viên ngoại, cũng vừa được hoàng thượng làm chủ hôn cho với công chúa ta một lần, lấy con trai Tần tướng quân. Hoàng thượng lại cho phép về quê an táng viên ngoại, cũng sắp lên đường về Lộ Châu.
Hảo hán nghe nói, vỗ tay cười lớn:
- Hay lắm! Hay lắm! Thế mới là vua hiền!
Phan Mỹ giục tính tiền, hảo hán liền đáp:
- Hạ Vương cùng Tôn An Tổ đều là bạn bè thở trước, nay túc hạ bất ngờ hạ cố một bữa cơm, không phải lo lắng gì cả!
Phan Mỹ cứ đưa bạc ra, hảo hán nhất định không chịu nhận:
- Không phải khách khí, xin hãy cứ cầm lấy. Nhưng túc hạ nói linh cữu Đơn viên ngoại sắp đưa về Lộ Châu có đúng không?
Kim Đính đáp thay:
- Sao lại không đúng. Sớm muộn gì cũng sẽ lên đường.
Hảo hán lớn tiếng:
- Tốt quá rồi! Xin cảm tạ!
Phan Mỹ hỏi họ tên, hảo hán không chịu đáp, hai tay chắp lạy vái chào. Phan, Kim đành cầm lấy bạc, lên ngựa đuổi theo bọn La Thành.
Hảo hán ở trong quán cơm là ai vậy? Đó chính là bậc nổi danh trên chốn giang hồ, họ Quan tên Đại Đao, người Liêu Đông thuở xưa cũng đã từng đi buôn muối lậu, làm tướng cướp, chẳng từ điều gì. Đại Đao vốn ghét phường quan lại, không chịu luồn cúi, gần đây thấy Lý Mật, Đơn Hùng Tín gặp chuyện thảm hoạ, nên cũng thu mình, mở một cửa hàng, gặp bọn tham quan ô lại nhất định không để yên, tìm cách vét cho sạch túi, rồi mới tha cho đi, nhưng được cái là không bao giờ giết người, không chịu làm quan. Đại Đao nói: "Tổ ta là Quan Công, một vị thiên thần chính trực, ta đời nào lại giết người bậy". Còn nói: "Quan Công ngày xưa không chịu hàng Tào, ta nay cũng không chịu theo nhà Đường". Cũng vì vậy, hào kiệt bốn phương đều rất kính trọng Đại Đao.
Chính là:
Bốn biển anh hùng đâu dễ biết
Ruột gan khác hơn bọn ngu dốt
Cười kẻ "chi hồ giả dã " kia (1)
Khoe mới ta đây phường thanh khí.
1 "chi hồ giả dã”: Những hư từ thường gặp trong văn ngôn cũ Trung Quốc, dùng để chỉ bọn hủ nho giáo điều.
***
Lại nói Tuyến Nương muốn đưa phụ thân về U Châu liền cho bọn Hựu Lan đi Lôi Hạ trước, Tuyến Nương cùng La Thành đến Ẩn Linh Sơn đón thân phụ. Kiến Đức cùng Đường Tam Tạng bàn luận, chán cảnh trần thế, nên Kiến Đức từ chối không xuống núi. Công chúa đành khóc mà về.
Đến Lôi Hạ, Nhuận Phủ cùng Thiện Hằng đều ra đón. Bốn vị phu nhân ở Nữ Trinh am, mời về nhà, cùng nhau gặp gỡ. Mẹ con Dương Hinh Nhi đã được Từ Mậu Công đón về Trường An. Công chúa làm lễ ở lăng Tào Hoàng hậu, giao cả mọi thứ cho hai gia tướng già cũ của Kiến Đức cai quản, thu thập hành trang, sai người đưa Nam Dương công chúa cùng bốn vị phu nhân về Nữ Trinh am, rồi cùng La Thành, Hựu Lan lên đường về Bắc.
Nhuận Phủ đưa tiễn La Thành đi xong, biết chuyện gia quyến đưa linh cữu Đơn Hùng Tín về quê, liền nghĩ: "Hùng Tín một thuở đi lại với bạn bè thật là tận tình, tận nghĩa, nhiều người được cưu mang, ta cũng từng là bạn bè cùng chung hoạn nạn. Lúc Hùng Tín lâm hình, họ Tần họ Từ cắt thịt, bàn chuyện nhân duyên, để báo ơn đức. Ta vốn tự hào là kẻ có lòng, sao chưa đền đáp được mảy may. Nay nhân dịp này, hãy ra đón linh cữu, vái một vái gọi là!". Liền thu xếp hành lý, kéo theo một số người xung quanh cũng là những bậc hào kiệt, đã từng chịu ơn Hùng Tín, lên đường đi Trường An.
***
Lại nói Tần Hoài Ngọc, cùng với tiểu thư Ái Liên, sau tuần trăng mật, từ biệt Tần thái thái, cùng phụ mẫu lên đường. Thúc Bảo lại chọn bốn gia tướng, đem theo năm chục lính hộ tống. Hoài Ngọc lúc này, vì công lao của phụ thân, vua Đường phong cho chức Điện tiền hộ vệ tả thiên ngưu, bạn bè quen thuộc đều đến tiễn đưa, Hoài Ngọc cùng mọi người xe ngựa lên đường.
Đi được mấy ngày, đã cách Trường An xa, đang giục ngựa tìm chỗ nghỉ, thấy năm bảy người cao lớn, đều mang áo trắng ngắn, khăn trắng chít đầu, đến trước ngựa hỏi:
- Xin được hỏi các vị một câu. Xe tang của Đơn viên ngoại, hiện đang ở đâu?
Bọn gia tướng trên lưng ngựa liền đáp:
- Ngay ở phía sau kia!
Mấy người liền chạy như bay lên. Gia tướng nghi hoặc sợ là người xấu, vội vàng quay ngựa theo. Bọn người kia chạy khoảng một dặm, thì thấy phía trước bụi bay mù mịt, một đội người ngựa, đi trước là biển đề chữ vàng: “Phụng chỉ tứ táng" (l). Ở giữa là một khám thờ làm bằng lụa hồng, có minh tinh cũng thêu chữ vàng: "Cố tướng quân Đơn Hùng Tín công chi cữu". Người sau người trước hộ vệ nghiêm trang. Bọn này thấy vậy, vỗ tay mà reo:
- Đúng rồi! Đúng rồi!
1 Vâng lệnh nhà vua mà làm táng lễ.
Cả bọn kéo đến trước linh cữu, quỳ lạy, khóc lóc thảm thiết. Gia tướng thấy vậy biết là người tốt. Hoài Ngọc vội vàng xuống ngựa trả lễ. Đơn phu nhân thấy thế, cung vén rèm kiệu nhìn kỹ, thì nhận ra được một người họ Triệu, tước hiệu là Mảng Nam Nhi, lúc trước giết người, may được Hùng Tín giấu ở trong nhà, tốn rất nhiều công sức. Còn năm sáu người kia đều không nhận ra. Đơn phu nhân thương cảm không ngăn được nước mắt. Các hảo hán khóc lóc một hồi rồi đứng dậy, hỏi:
- Ai là Tần tiểu tướng con rể Đơn viên ngoại?
Hoài Ngọc thưa:
- Chính tiểu tướng ạ!
Cả bọn tiến lại, cầm tay Hoài Ngọc:
- Thật xứng đáng con rể Đơn viên ngoại!
Cũng có người khen:
- Thật là con nhà Tần đại huynh!
Lại có người hỏi:
- Đơn phu nhân cùng Ái Liên tiểu thư đâu?
Hoài Ngọc đáp:
- Đang trong xe sau kia.
Người này nói:
- Anh em ta hãy lại chào Đơn phu nhân!
Các hảo hán đến trước xe, Đơn phu nhân còn chưa xuống xe, sáu bảy hảo hán đã quỳ lạy chào. Đơn phu nhân vội xuống xe đáp lễ. Các hảo hán đứng dậy, nói:
- Anh em chúng tôi nghe chuyện Đơn viên ngoại, ai nấy đều thường băn khoăn, chỉ vì không tiện đến thăm. Nay cảnh nhà đã tốt hơn, được con rể tài giỏi, có được chỗ dựa suốt đời.
Đơn phu nhân đáp:
- Vong phu bất hạnh, lại làm phiền đến các ngài quá nhiều.
Mang Nam Nhi nói:
- Trời đã chiều rồi, mời phu nhân ghé vào nghỉ, Giả tiên sinh cũng đang chờ ở đây?
Nói rồi cùng các vị hảo hán, gươm tuốt sáng xanh, đi theo hai bên linh xa hộ tống, dáng vẻ nghiêm trang kính cẩn. Vốn là Giả Nhuận Phủ rủ các vị hảo hán này, cùng đến trọ ở cửa hàng của Quan Đại Đao. Thấy linh xa đã tới, Nhuận Phủ cùng mọi người ra đón, khóc lóc một hồi, Đơn phu nhân cùng Hoài Ngọc vội hoàn lễ. Đại Đao cùng tay chân đưa linh cữu vào một gian phòng đã dọn sẵn.
Đại Đao dẫn Đơn phu nhân, Hoài Ngọc cùng Ái Liên, vào ba gian nhà phía sau rồi nói:
- Mấy gian này, mới mấy hôm trước, Đậu Công chúa cũng nghỉ nơi đây, quét dọn rất sạch sẽ. Xin phu nhân cùng tiểu tướng đừng ngại. Người đi theo ở phía ngoài kia cũng đủ.
Đơn phu nhân hỏi Nhuận Phủ:
- Các vị hào kiệt đây, sao lại biết chúng tôi qua đây mà chờ đón cả thế này?
Nhuận Phủ nói:
- Trước tiên là do Quan đại huynh dò biết thực hư, rồi báo cho mọi người cùng đến, đó là một nhóm, còn một nhóm là do Nhuận Phủ này dẫn từ Lôi Hạ tới vậy. Các vị đây trước kia đều được chịu ơn của Đơn viên ngoại ít nhiều nên mới có lòng như vậy.
Rồi cùng Hoài Ngọc bước ra nhà ngoài, thấy ở giữa nhà, kê một bàn lớn, quay mặt hướng nam, trên bàn có bài vị bằng giấy, viết: "Nghĩa hữu Hùng Tín, Đơn Công chi vị". Đại Đao cùng mọi người cúi lạy, Hoài Ngọc hoàn lễ. Đại Đao rót rượu nâng lên đặt trước bài vị, rồi đứng dậy thưa:
- Bàn thứ hai xin mời Tần tiểu tướng, phải không Giả tiên sinh?
Nhuận Phủ đáp:
- Không như thế được. Hoài Ngọc còn có lệnh nhạc ở trên, không thể ngồi đối diện. Thứ nữa Tần đại huynh vốn cùng anh em chúng ta đi lại, làm sao dám thế. Chi bằng Nhuận Phủ này cùng với Tần tiểu tướng ngồi hai bên, các vị tướng cứ lần lượt mà ngồi, anh em ta lấy nghĩa khí làm trọng, không lấy tước vị làm lớn, chính là cảnh định đoạt ngôi thứ trên giang hồ vậy!
Ai nấy nhất loạt tán đồng:
- Tiên sinh nói đúng lắm!
Ngồi yên chỗ, Đại Đao đứng dậy nâng chén nói lớn:
- Trình với Đơn viên ngoại, đêm nay anh em chúng tôi tụ họp tại đây để hầu tiếp viên ngoại. Đơn viên ngoại hãy cùng về uống rượu với chúng tôi một chén?
Cả bàn tiệc nhất loạt nâng chén, rồi chuyện cựu giao với Hùng Tín ra sao, được hết người này đến người khác kể lể, kể đến chỗ thích, ai nấy hoa tay, dậm chân, đến chỗ thương tâm thì lại nức nở, sụt sùi. Mang Nam Nhi cất tiếng:
- Tần tiểu tướng có nhớ tháng chín năm ấy, Tần thái thái làm lễ mừng lục tuần thượng thọ, Đơn viên ngoại sai đưa lệnh tiễn tới chỗ chúng tôi, lúc ấy thân phận nào được như ngày nay, đang phải lẩn trốn trong rừng rậm, không tiện xuất đầu lộ diện.
Đưa tay chỉ rồi nói tiếp:
- Chỉ cùng với ba vị này, góp lại đâu năm sáu trăm lạng, tới Tế Châu, ban ngày không dám vào, mãi tới canh hai nhảy qua cửa sau, bỏ bạc vào bao cói, vứt vào trong buồng sau. Chuyện này có lẽ Tần tiểu tướng không được biết.
Hoài Ngọc đáp:
- Tiểu tướng có được thân mẫu kể lại cho nghe.
Bỗng bên ngoài có tiếng gõ cửa rất gấp. Đại Đao vội chạy ra, mở cửa nhìn, nói lớn:
- Thì ra là Đơn chủ quản, đến đúng lúc lắm. Linh cữu Đơn viên ngoại hiện đang ở đây.
Đơn Toàn, lúc ấy vào với Hùng Tín ở Trường An, sau đó từ biệt Đơn phu nhân về quê. Thúc Bảo, Mậu Công biết rõ Đơn Toàn là bậc nghĩa khí, cũng muốn nâng đỡ để làm một việc gì đấy, nhưng Đơn Toàn không chịu, quay về Nhị Hiền trang. Thường ngày Hùng Tín đối xử rất tốt, không ai là không thương tiếc, nên ruộng đất, nhà cửa, đều được xung quanh coi sóc, nay thấy Đơn Toàn trở về, đều giao lại đầy đủ Đơn Toàn cũng không hề tính chuyện riêng tư, hoa lợi trong trang trại đều có sổ sách ghi chép cẩn thận, nay nghe tin Phu nhân đem linh cữu về quê, vội ngày đêm đi đón, trên đường nghe ngóng, nên tìm đến đây.
Đại Đao đưa Đơn Toàn vào, Nhuận Phủ trông thấy, vui mừng nói:
- Đơn chủ quản cũng đã tới rồi?
Đơn Toàn lại ngay trước bài vị quỳ lạy, sau đó chào hỏi mọi người. Đến lượt Hoài Ngọc, Hoài Ngọc vội kéo Đơn Toàn dậy, mọi người lên tiếng:
- Đơn chủ quản hãy ngồi uống rượu với chúng tôi đã.
Đơn Toàn thưa:
- Xin các ngài cứ tự nhiên. Phu nhân hiện không biết ở phòng nào, cho vào lạy chào đã.
Một hầu gái dẫn Đơn Toàn đi, chẳng mấy chốc đã quay ra ngồi vào chỗ. Nhuận Phủ hỏi:
- Chúng ta anh em đây, nghĩ đến công đức của Đơn viên ngoại lúc sống, đều đến đây theo linh xa về quê. Anh em cùng gặp gỡ vài ngày, chẳng hiểu Nhị Hiền trang công việc ra sao?
Đơn Toàn đáp:
- Mọi thứ đã sắp đặt sẵn sàng, chỉ có đất là chưa dám chọn. Hiện nay Vương Thế Sung ở Định Châu, cùng với Bính Nguyên Chân phản loạn. La Sĩ Tín đã bị mắc mưu mà chết, Thế Sung chiếm được mấy huyện thành, hôm qua nghe nói đã đến Lộ An, giờ thì có lẽ đã đến Bình Dương. Chỉ sợ đường đi lại sẽ khó khăn, làm thế nào bây giờ?
Nhuận Phủ nói:
- Trước kia chúng tôi cùng Ngụy Công ở Kim Dung thành, đàng hoàng bao nhiêu. Cũng vì trúng kế của Thế Sung mà đến nỗi thế. Đơn viên ngoại cũng vì liên lụy với y mà đến nỗi vong thân, cùng bao anh em khác phải lênh đênh. Nay lại thêm La Sĩ Tín, ta mà gặp y, tất phải tuốt đao mới thỏa dạ này.
Hoài Ngọc nghe Sĩ Tín bị giết, khóc mà nói:
- La thúc vốn là anh em khác họ với phụ thân tiểu tướng, cùng ở một nhà đến mấy năm, nay một sớm mạng vong. Phụ thân tiểu tướng nghe tin này, thế nào cũng xin đem binh đánh dẹp, báo thù cho La thúc thúc.
Đơn Toàn nói:
- Tiểu nhân hôm qua nằm ngủ ở Thất Tinh cương, khoảng canh ba, nằm mộng thấy Đơn chủ nhân, gọi tên tuổi tiểu nhân mà nói rằng: "Ta về đây! Rất căm thằng Thế Sung đã giết chết người anh em kết nghĩa của ta, cũng là kẻ tâm giao với ta lúc khởi sự. Ta biết thằng giặc này số mạng đã hết, người hãy bảo con rể ta tìm giết Thế Sung, mà lập chút công trạng".
Đại Đao bàn:
- Anh em chúng ta cùng làm việc này xem sao, để cũng là báo thù cho La Sĩ Tín vậy?
Nhuận Phủ đáp:
- Nếu anh em đều bằng lòng, thì nhất định là làm được.
Ai nấy hỏi:
- Làm thế nào bây giờ?
Nhuận Phủ đáp:
- Mưu kế thì rồi lúc lâm trận sẽ có, nên hãy khoan bàn. Nay hãy tính chuyện, phải cả Quan hiền huynh cùng đi mới xong, thế thì ai coi sóc cửa hàng cho?
Đại Đao đáp:
- Cửa hàng để kiếm lời, dẫu có đóng cửa vài ngày, cũng chẳng hề gì, nhưng cũng nên giữ Đơn chủ quản ở lại trông nom mọi việc.
Đơn Toàn nói:
- Tiểu nhân xin cùng đi với Trương phu nhân về trước vậy?
Nhuận Phủ bàn:
- Đơn phu nhân cũng hãy tạm ở đây vài ngày, nhờ vong linh Đơn viên ngoại, chúng ta ra đi làm chuyện này thành công, sẽ quay lại đưa linh xa về Nhị Hiền trang cũng chưa muộn.
Các hảo hán hoa tay dậm chân:
- Đúng lắm!
Đơn phu nhân nghe thấy bàn thế, liền mời Nhuận Phủ vào thưa:
- Hoài Ngọc còn ít tuổi, sợ gặp phải bọn giặc không vừa, xin tiên sinh liệu chu đáo cho.
Nhuận Phủ đáp:
- Phu nhân cứ yên lòng, mọi chuyện đều do anh em. Nhuận Phủ này cùng tiểu tướng chẳng qua đi sau tiếp ứng, mọi chuyện xin cáng đáng cả, phu nhân đừng lo.
Rồi quay ra nói:
- Ngày mai chúng ta sẽ vào việc sớm. Giờ hãy đi nghỉ cho khỏe đã.
Sang canh năm, Đại Đao ghé tai Nhuận Phủ nói mấy câu, lại dặn dò Đơn Toàn cẩn thận, lặng lẽ cùng các hảo hán lên đường trước, Nhuận Phủ cùng Hoài Ngọc, gia tướng theo sau.
***
Lại nói Đại Đao cùng với bọn Mang Nam Nhi, đi được hai ba ngày, đến vùng Giải Châu, gặp tiền đội của Thế Sung, thấy hai ba chục người toàn mặc tang phục trắng liền hỏi:
- Các ngươi kéo đi đâu thế này?
Ai nấy đáp:
- Chúng tôi đưa linh cữu Đơn viên ngoại về quê!
Viên tướng trên lưng ngựa liền hỏi:
- Đơn viên ngoại nào?
Đáp:
- Đơn Hùng Tín tướng quân chứ còn ai nữa!
Viên tướng:
- Hùng Tín chính là dũng tướng của chúng ta bị vua Đường sát hại. Các ngươi là ai, mà lại đi theo hộ tống linh cữu?
Đáp:
- Chúng tôi đều là binh sĩ dưới quyền của Đơn tướng quân cũ, cảm ơn đức, nên chẳng từ đường xá xa xôi. Các ngài là ai, ở đâu vậy?
Viên tướng:
- Vua Trịnh đang ở phía sau, các ngươi hãy đứng chờ một lát, sẽ biết rõ.
Bỗng thấy ở phía sau, bụi cuốn mù mịt, một đoàn người ngựa kéo đến. Bọn này vỗ tay mừng reo:
- Đúng là vua cũ của ta đây rồi!
Viên tướng lúc này đến thưa chuyện với Thế Sung. Thế Sung liền hỏi:
- Linh cữu của Đơn tướng quân, các ngươi đem về đâu?
Ai nấy đáp thưa:
- Về Nhị Hiền trang!
Bính Nguyên Chân ngồi trên ngựa ngay cạnh nói:
- Chỉ sợ là gian tế!
Liền sai lại khám người, ai nấy vẫn bình thản, không chút sợ hãi. Thế Sung hỏi:
- Các ngươi đều là binh lính, sao không về với nhà Đường mà tìm chỗ xuất thân?
Ai nấy thưa:
- Nhà Đường đã chẳng tha tội cho Đơn tướng quân, thì chúng tôi sao lại bội nghĩa mà hàng nhà Đường?
Thế Sung:
- Các ngươi nếu là binh lính của ta, hiện nay đang thiếu người, sao không theo ta. Trước các ngươi là kỵ binh hay bộ binh?
Lạy thưa:
- Lúc ấy là kỵ binh cả!
Thế Sung hỏi họ tên, sai thư ký ghi vào sổ danh, cấp cho khí giới, áo giáp, cả ngựa cưỡi, theo với đội thứ hai.
***
Lại nói Hoài Ngọc cùng với Nhuận Phủ đi được ba ngày, gần tới Giải Châu, Nhuận Phủ bảo Hoài Ngọc sai một tên lính linh lợi, giả làm hành khất, đi trước nghe ngóng, rồi cả bọn vào trong Quan Vương miếu. Cách hai ngày sau, thấy tên lính về thưa:
- Tiểu nhân mới đầu nghe tin các vị hảo hán đã được Thế Sung tuyển vào toán quân thứ hai, đêm hôm qua đã đánh Bình Dương, nay đang tiến vào Giải Châu, trên đường dân chúng chạy trốn sạch, chỉ còn nhà trống. Bọn Thế Sung hạ trại ở Miếu Nhi thôn, không hiểu để làm gì. Canh tư đêm hôm qua, chỉ nghe trong quán huyên náo, la hét có giặc, tiểu nhân vội vàng quay về thưa lại.
Nhuận Phủ vội vàng gieo quẻ bói, mừng rỡ mà rằng:
- Anh em chúng ta thành công rồi? Mau đem ngựa ra đi đón nào?
Hoài Ngọc liền cùng hai gia tướng đi trước, chưa được hai dặm đã trông thấy mấy chục người mang tang phục trắng, thì ra là bọn Mang Nam Nhi, xách hai thủ cấp, phi ngựa lại, lớn tiếng:
- Thủ cấp Thế Sung, Nguyên Chân đây rồi! Phía sau bọn lính đang đuổi, mau cứu viện cho chúng tôi với.
Nhuận Phủ sai người lấy hai thủ cấp, treo lên đầu mũi thương, rồi cùng Mang Nam Nhi quay lên phía trước, các hảo hán đang cùng bọn lính Thế Sung hỗn chiến ở ngay đầu núi. Mang Nam Nhi gào lớn:
- Binh mã Đại Đường tới rồi!
Hoài Ngọc giương cung, bắn chết ngay hai tên, Nhuận Phủ cũng lớn tiếng:
- Thế Sung cùng Nguyên Chân đều là phường phản loạn, thủ cấp đang bị bêu đây, các ngươi đừng có ham đánh mà chết oan.
Thủ hạ, binh lính Thế Sung thấy thế, liền bỏ chạy cả. Hoài Ngọc cùng mọi người đuổi theo đến tận thôn Miếu Nhi, bọn này đành bỏ lại mọi thứ mà chạy trốn. Nhuận Phủ liền sai chất đầy những thứ mà chúng vất lại, lên mấy xe, lại sợ tàn binh chưa chạy hẳn, đuổi theo thêm ba bốn chục dặm mới quay trở lại. Bỗng có gia tướng tới báo:
- Linh xa của Đơn viên ngoại đã bị rất nhiều dân đinh ở Nhị Hiền trang, đến tận cửa hàng của Quan Đại Đao đưa về Lộ Châu rồi!
Các hảo hán vội lên ngựa ngày đêm đuổi theo, kịp ngay xe tang, rồi cùng về Nhị Hiền trang.
Các quan lại sở tại, biết rõ tài năng cùng địa vị của Tần Thúc Bảo, nay lại thêm Hoài Ngọc vừa được nhận chức thiên ngưu, lập được kỳ công mới rồi, đều đến thăm viếng. Nhuận Phủ ngay trước cửa trang chọn một kiểu đất tốt, định xong chuyện chủ. Đại Đao nói với Nhuận Phủ:
- Chúng ta làm được việc vừa rồi là nhờ vong linh của Đơn viên ngoại, chẳng mất một người một ngựa. Đúng thế đấy! Tiểu đệ cùng với Triệu hiền đệ, hai anh em, nhân lúc Thế Sung cùng Nguyên Chân uống rượu ngủ say, lén vào trong trại, lấy được đầu hai thằng, cả hai vội lên ngựa trốn chạy. Kinh động bọn xung quanh, bọn này nhất tề đuổi theo. Trời vẫn tối đen, người ngựa ngay trước mặt cũng nhìn không rõ, nhớ chẳng ra đường mòn, chỉ thấy trước mặt một bóng sáng cưỡi ngựa dẫn đường, lúc ẩn lúc hiện, ai nấy cứ nghĩ rằng là tiểu đệ nên cũng chẳng buồn hỏi, cứ thế ruổi ngựa theo. Đến ba bốn dặm, trời sáng rõ, thì cả người lẫn ngựa phía trước không thấy đâu nữa. Há không phải vong linh của Đơn viên ngoại, phù hộ chúng ta hayo? Nay hãy đem tất cả những vàng ngọc, lụa là phân làm hai, một nửa tặng Đơn phu nhân làm chi phí táng lễ, một nửa cho những hộ dân xung quanh Nhị Hiền trang này, nhớ tới công họ dạo trước trông coi trang trại, nay lại còn đi thật xa để đón linh cữu nữa. Cũng gọi là chút ít thù lao.
Nhuận Phủ cùng mọi người đều bằng lòng:
- Quan đại ca nói đúng lắm!
Hoài Ngọc từ chối:
- Sao lại thế được! Xin các ngài nhận cho, đấy chính là công sức của mọi người tiểu tướng quả không dám nhận, huống chi là dân chúng xung quanh.
Giữa lúc đang đưa đi đẩy lại, thì thấy quan phủ Lộ Châu cho khiêng lợn dê tới linh tiền phúng điếu, Hoài Ngọc cùng Nhuận Phủ ra tiếp, dẫn vào làm lễ, thấy trong nhà bày đầy lụa là, vàng bạc. Hỏi duyên cớ, Nhuận Phủ đáp:
- Có mấy vị bạn bè buôn bán cũ, xưa kia từng đi lại với Đơn viên ngoại, nay tới điếu viếng, lại gặp ngay bọn Vương Thế Sung phản loạn, ai nấy đều giận dữ xông vào, diệt được cả lũ, những vật chúng cướp đoạt đều bỏ mà chạy thoát thân, nên mọi người thu về. Giờ thì ai nấy trọng nghĩa khí, không ai nhận, định đem chia cho dân nghèo.
Vị quan phủ cười nói:
- Thế là bởi các vị trọng nghĩa khinh tài, nên tính toán vậy. Nhưng dân chúng nào có công sức gì, mà dám nhận của lấy được của kẻ phản nghịch. Chi bằng gửi vào kho của công, trình lên trên, để rồi lập đền lập bia cho Đơn viên ngoại, đời đời tế lễ có phải là chuyện hay không?
Cũng bởi quan phủ nghĩ rằng: "Bọn ta đi làm quan nha thế này, kiếm được của dân chúng một lạng năm tiền, phí bao nhiêu nước bọt, nay cả một động của lớn thế, bọn này chẳng đứa nào chịu nhận, chẳng hiểu tâm địa chúng thế nào?".
Quan phủ chờ xem sao, thấy Hoài Ngọc chẳng nói năng gì, đành chào rồi quay ra. Các hảo hán liền gọi, dân nghèo xung quanh lại mà bảo:
- Số của cải đây, là của Tần tiểu tướng ban cho các người, để gọi là nhớ tới công lao. Các người hãy chia ra đều, đừng vì mấy thứ này mà tranh cạnh lẫn nhau, đến nỗi quan phủ trách phạt. Từ nay về sau các người phải thờ Tần tiểu tướng đây như Đơn viên ngoại vậy.
Dân nghèo lạy tạ ơn, lĩnh lấy mọi thứ ra về. Đại Đao nói với Nhuận Phủ:
- Giả tiên sinh, công việc chúng ta xong xuôi!
Nói với Hoài Ngọc:
- Chúng tôi chẳng tiện bái biệt Đơn phu nhân.
Ai nấy chắp tay cáo biệt, Hoài Ngọc nói:
- Của cải thì chẳng dám nói nữa. Nhưng xin các vị lấy ngựa mà đi cho.
Các hảo hán đáp:
- Chúng tôi thế này mà tới, cũng thế này mà đi thôi!
Rồi tất cả bước ra, không ngoảnh lại nữa. Xung quanh đều xuýt xoa thán phục.
Hoài Ngọc xếp đặt gia đình xong phần mộ, chọn được ngày tốt, an táng nhạc phụ. Lại thấy Đơn Toàn một lòng trung nghĩa, một dạ yêu mến chủ nhân, liền khuyên Đơn phu nhân nhận làm con nuôi, trông coi miếu đường họ Đơn, đem cả gia sản Nhị Hiền trang giao cho Đơn Toàn, xuân thu tế lễ, rồi cùng mẹ con Ái Liên lên đường về Trường An.
Gia tướng không quên mang theo hai thủ cấp Thế Sung, Nguyên Chân. Không biết rồi ra sao, xin xem hồi tiếp sẽ rõ.
HỒI 64
Tiểu Tần Vương treo đai cửa cung cấm,
Nàng Vũ Văn giảng thơ trước án rồng.
Nàng Vũ Văn giảng thơ trước án rồng.
Từ rằng:
Nước biếc mênh mang tựa gấm hoa
Sóng sao nhè nhẹ, lượn quanh hoa
Một cành ai khiên đong đưa ghẹo
Để khiến ong kia phải lỗi hoa
Giọng ca ngọt
Ly rượu nồng
Vòng đai ngọc
Mũi kim lồng
Những nghe dẹp hết hậu lòng
Ngày sau Huyền Vũ máu hồng ngập chân
Thương thay huynh đệ tương tàn.
Theo điệu: "Cái cô thiên" ***
Nay hãy khoan chuyện Tần Hoài Ngọc triệt được bọn Vương Thế Sung, Bính Nguyên Chân, trở về Trường An, đem hai thủ cấp báo công, được vua Đường khen thưởng. Hãy nói chuyện vào năm Vũ Đức thứ bảy nhà Đường, bọn phản loạn bốn phương đều đã được Lý Thế Dân Tần Vương diệt gần hết.
Lúc này vua Đường tuổi cũng đã nhiều, nội cung cũng đã lắm, bậc sinh con có tới hơn hai mươi người, còn loại không có con cái gì thì không tài nào đếm xuể, nên ai ai cũng tìm cách khoe sắc khoe tài, để được nhà vua sủng ái, nhưng bất chấp xấu tốt, việc gì cũng dám làm thì chẳng ai sánh kịp Trương phu nhân cùng Doãn phu nhân. Cả hai vốn là phu nhân được quý được yêu của thời Tùy Văn Đế, bỗng nhiên lại rơi vào tay vua Đường, gặp hồi nước nhà nhất thống, dù chẳng được đứng ở bậc chính cung, cũng thuộc loại lời được nghe, kế được theo, muốn gì cũng được. So với Đậu hoàng hậu thì phúc lộc không bằng, nhưng hoàng hậu sớm qua đời, nên thế của hai phu nhân lại càng lớn. Cũng bởi trong cung, cành quế, cành mai còn nhiều, lại thêm trẻ tuổi hơn, cho nên hai phu nhân thường chịu lạnh lùng. Đối với thân phận người đàn bà, khác gì mành trúc đã hỏng, chẳng còn gì trói buộc cho nổi, dẫu thời thế ra sao thì cũng tỉ đành ngồi xem vậy thôi.
Gặp lúc vua Đường không khỏe, tĩnh dưỡng ở Đơn Tiêu cung, cấm ngặt các phi tần, nếu không có lệnh triệu không được đến, các cung nữ yểu điệu, thướt tha đều ở yên trong cung mình. Duy có hai phu nhân Trương, Doãn, tuổi đều đã ngoài ba mươi, những việc làm tai ngược, càng nhiều tuổi lại càng lắm. Cả hai ngày thường cùng với Kiến Thành, Nguyên Cát đã mày đưa mắt liếc, tình ý qua lại, chỉ giận chưa có dịp. Hôm ấy, gặp khi Doãn phu nhân sai cung nữ Tiểu Oanh đến mời Dương Mỹ nhân tới chơi cầu, thấy Kiến thành cùng Nguyên Cát theo sau là mấy tiểu nội giám đi qua, Tiểu Oanh liền tươi cười chào hỏi:
- Hai vị vương phụ ở đâu lại đây?
Nguyên Cát, Kiến Thành nhận ra Tiểu Oanh là nàng hầu ở Trương Doãn phu nhân, liền nói:
- Chúng ta tới đây riêng để gặp hai vị phu nhân nói chuyện. Ngươi đi đâu bây giờ?
Tiểu Oanh vừa lắc đầu vừa cười:
- Không phải hai vị vương phụ vừa ở Đơn Tiêu cung ra hay sao, may đang về để kịp vui chơi, còn tìm phu nhân chúng tôi làm gì? Nếu đúng là muốn gặp gỡ, sao không hôm qua, hôm kia, nay lại nói thế để đùa tiểu tỳ này.
Kiến Thành thấy nói thế, vui vẻ hỏi:
- Tại sao lại phải gặp hôm kia, hôm qua?
Tiểu Oanh thưa:
- Thôi đi mà, lại còn nói chuyện đâu đâu, để tiểu tỳ này còn phải đi có việc.
Rồi định bước đi, nhưng làm sao thoát khỏi được Kiến Thành là phường tửu sắc. Thấy Tiểu Oanh ăn nói linh lợi, liền kéo ngay lại cạnh bụi hoa gần đó, sai mấy tiểu nội giám gác hai bên, rồi cầm hai tay Tiểu Oanh nói:
- Con bé ngốc nghếch này? Hãy cứ thực nói chúng ta nghe xem sao, ta sẽ đem ngay quà cho.
Tiểu Oanh cười:
- Quà thì tiểu tỳ này chẳng dám nhận. Hai vị vương phụ hỏi, tiểu tỳ xin nói thật. Hôm mùng mười vừa rồi, là ngày sinh nhật Trương phu nhân, ngày mười ba, lại sinh nhật Doãn phu nhân. Hai ngày ấy, các phu nhân đến làm khó nhọc phát chán. Hôm nay thì lại nhàn rồi. Trương phu nhân kêu buồn, nói với Doãn phu nhân đi mời Dương Mỹ nhân tới chơi cầu, vì vậy tiểu tỳ nói rằng, hai vị vương phụ muốn gặp các phu nhân, sao không đến vào hai ngày trước, tất cả gặp gỡ có phải vui vẻ bao nhiêu?
Nguyên Cát nói:
- Các phu nhân đến chúc mừng ngày sinh nhật, chúng ta sao mà lại đến tỏ lòng hiếu thuận cho được. Hôm nay vô sự, chính đến chúc mừng sau vậy, có phải tiện cả hai không?
Kiến Thành nói:
- Đúng lắm, hai anh em chúng ta về sắp ít lễ vật sẽ đến, ngươi hãy nói trước cho chúng ta.
Tiểu Oanh thưa:
- Nếu hai vị vương phụ đến thật, tiểu tỳ chẳng đi mời Dương Mỹ nhân nữa, về cung để chờ hai vị giáng lâm. Chỉ sợ không phải, tiểu tỳ ăn nói làm sao?
Kiến Thành, Nguyên Cát đều nói:
- Làm gì có chuyện đó, ngươi nghe chúng ta nói dối sao? Chúng ta sẽ lấy lễ vật này, ngươi đưa về trình hai phu nhân nhé?
Tiểu Oanh thưa:
- Nếu có thế thì mới nên chờ.
Hai anh em cởi ngay đai thập cẩm hợp hoàn đính tám hạt ngọc quý đang đeo trên lưng, đưa cho Tiểu Oanh, rồi nói:
- Chúng ta hiện chẳng có gì để cho ngươi, chốc nữa vào cung, nhất định không phụ thịnh tình của ngươi đâu!
Tiểu Oanh thưa:
- Chỉ xin tới nhanh cho, đi bằng cửa lớn phía sau, gần hơn nhiều.
Cả ba chia tay.
Chính là:
Đừng khoe phú quý ba xuân đẹp
Hãy để hoa mai sánh với trăng.
Không nói chuyện Tiểu Oanh về thưa với hai phu nhân Trương, Doãn, hãy nói việc Nguyên Cát cùng Kiến Thành nghe Tiểu Oanh nói, mừng rỡ vô cùng, vội vàng quay về phủ, lấy ngọc quý trân châu, bỏ vào hai hộp vàng có chạm rồng, gọi tiểu nội giám bưng theo, cùng phía cổng sau. Quan coi cổng thấy hai điện hạ, vội mở cổng. Cả hai xuống ngựa, sai người đặt ra chờ bên ngoài Tiểu nội giám bưng lễ vật cùng đến Phân Cung lâu. Tiểu Oanh đứng trước cửa chờ, thấy hai điện hạ, vui mừng thưa:
- Hai vị vương phụ đã tới!
Kiến Thành hỏi:
- Tiểu Oanh, người đã báo cho hai phu nhân biết rồi chưa!
Tiểu Oanh gật đầu, dẫn hai người vào ngồi ở trung đường, sai hai cung nữ bưng lễ vật đưa lên. Uống xong một chén trà, hai vị phu nhân. cùng mấy hầu gái theo sau, yểu điệu bước ra, Anh em vội sai cung nữ trải thảm để làm lễ mừng, các phu nhân đời nào chịu nghe, vội bước đến ngăn lại.
Trương phu nhân nói:
- Hai vị điện hạ sao lại phải lễ tiết câu nệ đến thế, bằng như giết chị em chúng tôi còn gì?
Nguyên Cát đáp:
- Hai vị phu nhân khác nào mẹ con, nay gặp ngày sinh nhật, làm lễ mừng là phải đạo chứ sao?
Doãn phu nhân nói:
- Chỉ xin hai điện hạ chào hỏi bình thường, hai chúng tôi mới yên lòng được.
Anh em không biết thế nào, đành nghe theo. Trương phu nhân nói:
- Xin mời hai điện hạ lên trên gác ngồi thì có lẽ tiện hơn chăng?
Doãn phu nhân đáp:
- Trương phu nhân nói không sai.
Tất cả cùng lên gác. Anh em Kiến Thành nhìn ba gian gác, uốn lượn như sông xanh mát, đâu đâu cũng thấy ngọc giát vàng đeo óng ánh muôn màu. Cả hai ngồi yên vị, cùng uống trà, rồi bắt đầu kể lể nhỏ to. Trương phu nhân nói:
- Đội ơn hai vị điện hạ thỉnh thoảng để ý, chị em chúng tôi trong mộng cũng thật khó quên, không ngờ lại được cả lễ hậu thế này, làm sao chị em dám nhận!
Nguyên Cát cười:
- Sao Trương phu nhân lại nói thế, vốn tình cốt nhục, chẳng thể lúc nào cũng tỏ lòng hiếu thuận là đáng tội chúng tôi, biết nói thế nào?
Kiến Thành tiếp:
- Anh em chúng tôi cũng muốn thường được tới thăm, chỉ sợ phụ hoàng bắt gặp, sẽ sinh chuyện không hay, là một. Hai nữa chỉ sợ các phu nhân bắt tội. Vì vậy hôm nay qua đây, vừa may gặp Tiểu Oanh, báo vào thưa trước hai vị phu nhân, có thế mới yên lòng.
Doãn phu nhân cất tiếng:
- Trương phu nhân thường nói với thiếp: "Trong ba vị điện hạ, đều là do chúa thượng sinh ra cả, không hiểu tại sao Tần Vương mỗi lần thấy chúng ta chỉ vái một cái vái, ngoài ra chẳng một lời. Tần Vương ỷ được chúa thượng yêu thương, nên kiêu căng điệu bộ". Thế mà vừa rồi, chúa thượng định đưa Tần Vương về Lạc Dương, may được hai vị điện hạ sai người đến nói, chị em chúng tôi nhiều lần khuyên can trước mặt chúa thượng, nên chuyện mới thôi vậy.
Trương phu nhân tiếp:
- Thế là cả bốn người chúng ta xúm vào, không thì sợ Tần Vương bay lên trời mất!
Nguyên Cát nói:
- Được hai vị lưu tâm như thế, thật đáng bậc mẫu hậu còn gì!
Hai phu nhân cùng cười. Lúc này trên bàn đã bày đủ trân tu, kỳ vị, cùng đủ các hoa quả quý, chẳng gì không có. Bốn người say sưa bày trò, nói cười vui vẻ. Tề Vương cùng Anh Vương vốn phường tửu sắc lúc đầu còn giữ được trang nghiêm, sau đã có rượu vào rồi, chẳng cái gì câu thúc được, điều gì cũng làm. Người xưa nói: "Rượu là môi giới của sắc dục" anh em Kiến Thành tửu lượng đều khá, nay nhân ý cả hai vốn không phải ở rượu, nên giả vờ say. Nguyên Cát nói:
- Chúng tôi rượu thì đủ rồi, xin phép hai phu nhân tạm dừng một chút, rồi lại sẽ uống.
Chính là:
Vạn tội ác, dâm đứng đầu
Anh em trở mặt giết nhau, tại mày.
Dừng một lát rồi, Kiến Thành cười nói với Nguyên Cát:
- Gió mát ngọc lành, vẫn vẳng dư âm, chẳng khác nào Vu Sơn Vân Mộng, khó mà nói hết.
Nguyên Cát cũng cười nói:
- Gió lành trăng sáng, oanh hót vượn ngâm, cũng bởi chúng ta là hạng người thô lậu không được hưởng mà thôi.
Tề Vương lẫn Anh Vương mười phần hoan hỉ, liền cho tiểu nội giám trở về trước, lại cùng hai phu nhân hoan lạc, đàn hát.
Nói chuyện Tần Vương, nhân vua Đường nằm ở Đơn Tiêu cung dưỡng bệnh, nên ít khi về Tây phủ, ngày đêm chầu chực thuốc thang, có tới năm sáu ngày liền rồi. Hôm nay trời tối từ lâu, trăng đã soi sáng hoa trên cành, vua Đường bệnh tình cũng đỡ, liền nói với Tần Vương:
- Trẫm thấy trong người đã khá hơn. Con hãy về phủ nghỉ ngơi.
Tần Vương không dám chối từ, vâng mệnh ra khỏi cung, đi qua Phân Cung lâu, đàn địch vang lừng, tiếng nghe du dương thánh thót. Tần Vương dừng lại, nhận ra cung của hai phu nhân Trương, Doãn, liền nói:
- Các phu nhân đều biết phụ hoàng bất an long thể, đáng nên âu sầu lo lắng. Sao lại đàn hát vui vẻ thế này?
Đã định đánh động, lại nghe ở bên trong có tiếng nói lớn:
- Đây là cốc lớn, xin đại huynh hãy cạn, ta làm gương trước đây!
Tần Vương nghĩ: “Hai anh em ngày thường vẫn nghe nhiều điều đàm tiếu này nọ, ta vẫn hồ nghi, không ngờ trong lúc như thế này mà lại ở đây hết đàn lại ca, chẳng nghĩ gì đến bệnh tình của phụ hoàng, còn làm chuyện dâm loạn ở trong nội cung thế này, lý thực khó mà dung tha, Giờ mà ta gõ cửa, nói cho một hồi, thì cũng là đáng tội nhưng sẽ đến tai phụ hoàng, bệnh lại thêm tăng, chẳng nên chút nào".
Trù trừ hồi lâu, Tần Vương thầm tính toán: "Hãy cứ lấy cái đai ngọc của ta, treo ngay cửa, đợi lúc nào ra sẽ thấy, may ra họ thay đổi được lỗi lầm chăng?" Rồi cởi đai ngọc, treo ngay trên cửa có chạm hình rồng hình phượng, thong thả đi ra.
Anh em Kiến Thành canh năm hôm sau trở dậy, chải chuốt xong xuôi, Yêu Yêu cùng Tiểu Oanh hầu trà sáng. Kiến Thành nói với hai phu nhân:
- Anh em chúng tôi đội ơn ân tình sâu nặng của hai phu nhân, lòng dạ chẳng lúc nào quên. Nếu Tần Vương có định ám hại, xin báo ngay ra bên ngoài cho chúng tôi. Còn ở trong này, lúc nào có cơ hội gặp gỡ cũng xin báo ngay cho anh em chúng tôi với.
Hai phu nhân đáp:
- Chuyện Tần Vương là chuyện của cả bốn người chúng ta, chẳng cần phải dặn dò. Nhưng chỉ lo hội họp thì ít, chia ly thì nhiều, chị em chúng tôi làm sao mà chịu nổi?
Kiến Thành cầm tay hai phu nhân, nghẹn ngào không nói nên lời Nguyên Cát khuyên:
- Các phu nhân chẳng phải phiền não quá. Anh em chúng tôi, lúc nào thuận tiện, lại xin vào hầu các phu nhân.
Hai phu nhân chùi nước mắt, định đưa ra cửa, vừa mới mở cửa, thấy thủ giám cung môn thưa:
- Đêm hôm qua không biết ai treo đai này trước cửa cung.
Kiến Thành vội cầm ngay xem xét, nhận ra ngay đai ngọc của Tần Vương, đúng là chúng ta đang vui chơi trong này, nên cố tình để đai này lại cho biết. Làm thế nào bây giờ?
Trương Diễm Tuyết nói:
- Chẳng việc gì phải hoảng sợ. Tần Vương dẫu có ý như thế nào chăng nữa, chúng ta cứ thật già lẽ cãi thì tội lỗi lại đổ lên đầu Tần Vương cho mà xem.
Liền ghé tai Kiến Thành nói nhỏ mấy câu, Kiến Thành mặt mày lại rạng rỡ, cùng Nguyên Cát về phủ. Hai phu nhân quay vào, đem đai ngọc của Tần Vương ra xem xét, dứt đứt ra làm nhiều đoạn, cùng với Yêu Yêu, Tiểu Oanh lên ngọc kiệu đến Đơn Tiêu cung gặp vua Đường. Vua Đường kinh ngạc hỏi ngay:
- Ta không có chỉ triệu, sao các khanh lại tự tiện đến thế này?
Hai phu nhân thưa:
- Một phần là chúng thiếp lo lắng bệnh tình chúa thượng, chẳng biết ra sao, thứ nữa là cũng có việc không thể nói, nên phải tới để được gặp bệ hạ vậy.
Vua Đường hỏi:
- Có việc gì mà phải tới gặp trẫm?
Hai phu nhân khóc lóc thưa:
- Tối qua, đã khuya, bỗng thấy Tần Vương say rượu, đột ngột bước vào cung chúng thiếp, nói đủ lời ngon ngọt, định giở trò xằng bậy. Chúng thiếp không nghe, định kẻo ngay tới để trình bệ hạ, nhưng không tài nào đủ sức, nên Tần Vương thoát được, chỉ giật được đai ngọc này. Xin bệ hạ xem xét kỹ, rồi định tội cho!
Vua Đường phán:
- Mấy ngày hôm nay, Thế Dân đều không rời đây một khắc để phụng dưỡng trẫm, đêm qua nhân bệnh đã hơi đỡ, trời lại đã chiều tối trẫm mới bảo về phủ nghỉ ngơi. Vậy thì uống rượu vào lúc nào mà bảo thật say cho được?
Rồi cầm đai ngọc xem xét kỹ, đúng là của Tần Vương, bèn tiếp:
- Đai ngọc này là của Thế Dân, nhưng bên trong rõ ràng là có chuyện gì đây. Hoặc là Thế Dân có việc vội, bỏ quên đâu đấy, bọn cung nữ nhặt được rồi tìm cách vu hãm Thế Dân. Không thể nào có chuyện này được.
Doãn Cầm Sắt thưa:
- Chúng thiếp bao nhiêu năm thờ bệ hạ, đã bao giờ vu hãm ai đâu mà nay lại chịu tiếng thế này?
Cả hai làm đủ bộ điệu uốn éo, nũng nịu, nước mắt chan hòa, ôm lấy vua Đường, nức nở mãi không thôi. Vua Đường không biết làm thế nào, đành nói:
- Nếu đã như thế, hai phu nhân hãy cứ về cung, trẫm sẽ sai người đến hỏi Thế Dân xem sao đã!
Liền viết ngay mấy chữ, đưa cho nội giám, truyền ngự sử Lý Cương, đi hỏi ngay Tần Vương tại sao vô cớ vào nội cung, phải tâu rõ ràng?
Hai phu nhân tạ ơn trở về cung.
***
Lại nói chuyện Tần Vương sau khi treo đai, vội về Tây phủ, trong lòng buồn bực, đêm ấy ngủ chẳng được. Sáng dậy rất sớm, xếp đặt công việc trong phủ một hồi, đang định vào cung chăm sóc vua cha, thì thấy tả hữu vào thưa:
- Ngự sử Lý Cương đang chờ bên ngoài xin gặp điện hạ!
Tần Vương nghĩ Lý Cương đến để hỏi bệnh tình vua cha, vội ra gặp chào hỏi ngồi yên chỗ, Lý Cương mới thưa:
- Thánh thượng long thể ra sao?
Tần Vương đáp:
- Đêm qua ta về, mình rồng đã khá hơn, không biết sáng nay ra sao, đang định vào chăm sóc.
Lý Cương thưa:
- Sáng sớm có nội giám truyền thánh chỉ xuống chỗ thần, lệnh cho thần tới hỏi điện hạ, thần không dám tự mở đọc.
Tần Vương vội gọi tả hữu bày hương án rồi mở ra xem. Tần Vương đọc xong, buồn bã nghĩ? "Chuyện đêm qua ta thấy, nghĩ rằng làm thế là để cảnh tỉnh họ, không ngờ họ lại dùng để hãm hại ta được!" Liền nói với Lý Cương:
- Đêm qua ta từ chỗ phụ hoàng về phủ, có thấy một chuyện, nên cố tình lấy đai ngọc treo trước cửa cung, để cho bọn họ giật mình mà hối lỗi. Cũng lại là việc trong hoàng tộc cả, khó mà nói rõ với khanh. Ta chỉ hỏi khanh: ta là người thế nào, mà nỡ đem thân trong sạch, làm những chuyện mờ ám, bẩn thỉu cho được?
Lý Cương thưa:
- Điện hạ công cao vọng trọng, thần đâu dám nói điều gì, nhưng nay thần phải về phục chỉ. Xin điện hạ viết cho mấy chữ, niêm phong cẩn thận, để thần trình chúa thượng, lẽ nên như thế!
Tần Vương đáp:
- Đúng lắm!
Liền viết ngay mấy câu, niêm phong kỹ càng giao cho Lý Cương.
Lý Cương từ giã vào cung phục chỉ. Lúc này vua Đường đã lệnh nội giám đỡ dậy, ra ngự ở điện. Lý Cương triều bái xong, vấn an long thể, rồi sau đó đưa trình phong thư của Tần Vương. Vua Đường giở ra xem, thì thấy trên viết bốn câu thơ:
Nhà ra đi hết cả chim gà
Xấu nết dơ trò chẳng kể ra
Khó tả tình kia cùng cảnh nọ
Nói thêm phiền não đến lòng gia.
Vua Đường xem một lần, nói:
- Đây là một bài tuyệt cú, trẫm làm thế nào mà hiểu được?
Lý Cương thưa:
- Tần Vương vốn tính ngay thẳng trong sạch, bệ hạ cũng đã biết, trong thơ tất không dám nói rõ, đem đai ngọc mà treo ở cửa nội cung như vậy, tất có nguyên cớ. Bệ hạ long thể vừa bình phục, hãy quên chuyện này đi đã, sau này hỏi lại, mọi chuyện sẽ rõ ràng.
Vua Đường phán:
- Như vậy thì khanh hãy trở về, đợi trẫm nghĩ ngợi xem sao.
Lý Cương từ tạ lui ra.
Thuở xưa Tiêu Hà nhà Hán, làm ra hình luật có nói rõ: "Bắt việc gian dâm, phải bắt cả đôi, bắt việc trộm cắp, phải có chứng cứ tang vật", cho nên việc như thế này chẳng có chứng cứ đâu mà lần, mà phân phải trái, định án rõ ràng cho được, nếu nghe lời người xung quanh, lại càng khó đoán định. Chỉ cần trong một nhà, cũng đã lắm chuyện phiền phức, huống chi lại cả triều đình.
Vua Đường thấy Lý Cương đi rồi, nghĩ quanh mãi mấy câu thơ, thì Vũ Văn chiêu nghi cùng với Lưu tiệp dư vào triều kiến. Vua Đường hỏi:
- Lạ thay? Hai khanh cớ sao lại có mặt, chẳng nhẽ lại cũng có chuyện gì chăng?
Hai người cười thưa:
- Vừa rồi thấy hai phu nhân Trương, Doãn có đến vấn an, vì vậy chúng thiếp cũng xin đến để định tính vậy thôi! Nay thấy mình rồng đã khỏe, vậy xin bày trò gì để cùng vui vẻ thì thật là hay hơn cả?
Vua Đường thấy thế, khẽ thở dài không nói. Chiêu nghi trông thấy thư Tần Vương còn đặt trên án, liền nói:
- Bài thơ này chẳng khác gì thơ Trịnh Vệ (l), bệ hạ để mắt đến làm gì?
1 Theo "Hán thư", ở nước Vệ, có bãi dâu trên sông Bộc, trai gái thường tụ họp ở đó để đàn hát, tính chuyện dâm ô. Nước Trịnh cũng nổi tiếng về những bài hát dâm tình.
Vua Đường hỏi:
- Sao Chiêu nghi lại biết đó là thơ Trịnh Vệ.
Chiêu nghi thưa:
- Bệ hạ không thấy bốn chữ đầu mỗi câu chắp lại thì thành "Nhà xấu khó nói" (1), rõ ràng chữ viết, còn gì nữa.
1 Nguyên văn chữ Hán của bài thơ: Gia kê đã điểu các ly sào; Xú thái hà tu thứ đệ khao; Nan thuyết đương thời tinh dữ cảnh; Ngôn minh khủng nhược thánh tâm tao. Bốn chữ đầu câu chắp thành: "Gia xú nan ngôn" nghĩa là: "Việc trong nhà thối tha thật khó nói", tạm dịch thành " Nhà xấu khó nói" như trong bài dịch trên.
Vua Đường cũng vốn là một bậc lão thực, bèn đem chuyện hai phu nhân Trương, Doãn kể lại một lượt. Chiêu nghi thưa:
- Chuyện như thế này, không nên để nói linh tinh, phải thực người thực việc mà xét đoán. Hai phu nhân Trương, Doãn từ thời nhà Tùy đã làm lộn xộn nội cung đến thế, chẳng bao giờ họ chịu yên phận. Còn như Tần Vương tung hoành bốn biển, há lại không thể kiếm được một người con gái nào hơn các phu nhân này sao! Lại nữa trước đây, bệ hạ sai Tần Vương bình định Lạc Hạ xong, liền phái chúng thiếp đi tuyển duyệt mỹ nhân của cung nhà Tùy, thu cất vàng bạc châu báu, số người đẹp kể có hàng ngàn, Tần Vương không hề quay mặt nhìn. Nếu nói chuyện của cải, tài sản thì còn có lý. Bệ hạ không nhớ hay sao, lúc ấy thiếp cùng với hai phu nhân Trương, Doãn, đều xin bệ hạ cấp cho vài chục mẫu ruộng, để làm sản nghiệp cho cha mẹ, bệ hạ đã tự tay ban sắc chỉ cho rồi, mà Tần Vương cùng với Hoài An Vương Thần Thông vẫn giữ lấy sắc chỉ, không chịu cấp ruộng. Từ đó mà xem ra, các bậc vua hiền đều tiếc tài sản, cơ nghiệp mà coi thường việc sắc dục, làm sao được như bệ hạ vừa có tình sâu, vừa có nghĩa nặng. Hai phu nhân Trương Doãn, có thể phần nào do việc này mà để tâm, cũng chưa biết chừng.
Tiệp dư thưa:
- Ba mươi sáu cung, bốn mươi tám viện, mặt hoa da phấn hàng nghìn, hơi đâu mà đi bới lông tìm vết, sao cho khỏi đau lòng hoàng hậu dưới tuyền đài bây giờ?
Câu này động đến tâm tư thầm kín của mình nên vua Đường lên tiếng:
- Trẫm cũng chưa chắc đã đem chuyện này tra hỏi làm gì, hai khanh hãy đừng bàn luận nữa.
Lại có một nội giám vào trình:
- Bình Dương công chúa đã mất!
Vua Đường than:
- Thuở xưa công chúa thân đánh trống theo cờ hưng binh để có đại nghiệp ngày nay, lại chẳng có phúc mà hưởng, mất trước cả trẫm sao!
Nói rồi rơi nước mắt. Vũ Văn chiêu nghi cùng Lưu tiệp dư thưa:
- Bệ hạ thương công chúa bao nhiêu, lại càng nên chăm sóc các điện hạ bấy nhiêu, huống chi long thể mới yên, mọi chuyện đều có số mệnh an bài sẵn, xin bệ hạ hãy tĩnh dưỡng.
Vua Đường gật đầu. Tiệp dư cùng Chiêu nghi định đỡ vua Đường về Đơn Tiêu cung, thì lại thấy Binh bộ dâng biểu tâu. Thổ Cốc Hồn liên kết với Khả hãn Đột Quyết, đánh vào Mân Châu, xin quân cứu viện. Vua Đường nghĩ ngợi một hồi, rồi cầm bút phê:
"Lệnh cho Phò mã tổng quản Binh bộ Sài Thiệu hỏa tốc lo liệu xong việc tang ma Bình Dương công chúa, để dẫn ngay một vạn tinh binh đi Mân Châu, hợp quân với U Châu thứ sử La Thành, tiễu trừ ngay hai nghịch tặc Thổ Cốc Hồn cùng Khả hãn Đột Quyết. Không được sai sót. "
Sai ngay nội giám đưa thánh chỉ ra giao cho Binh bộ, rồi trở về Đơn Tiêu cung, di dưỡng tinh thần cho đến ngày long thể bình phục.
Hôm ấy ở trong sân đua ngựa, vua Đường đang dạo chơi, xem Tề Vương cùng Anh Vương phi ngựa múa gươm, Tần Vương cùng tướng lĩnh Tây phủ đi theo hộ giá. Bàn về chuyện võ nghệ, vua Đường nói với Uất Trì Cung:
- Bản lĩnh cao thấp phần lớn đều do rèn luyện mà có, nhưng nói đến sức lực khỏe yếu có thể nâng búa múa roi, thì như Kính Đức đây thật là thiên hạ hiếm có!
Tề Vương ưỡn ngực thưa:
- Kính Đức chẳng khác gì điên dại, còn nhớ có lần Kính Đức bảo rằng: "Khắp triều tướng sĩ, đều chỉ là tượng gỗ", thật là huênh hoang, cứ nghĩ rằng mọi người chẳng ai biết múa giáo cầm roi. Nay con xin cùng Kính Đức thử, xem ai hơn ai!
Vua Đường đáp:
- Kính Đức, ý khanh thế nào?
Kính Đức thưa:
- Thần từ nhỏ học mười tám ban thương mã, thật không phải là hư truyền. Nhưng lấy lẽ mà suy, điện hạ là bậc quân vương, thần là bề tôi, sao có thể thi đấu cho tiện.
Tề Vương bèn nói:
- Không lo, lúc này không phải là lúc luận phẩm trật, sang hèn, chỉ thi thương pháp, thế thì có gì phải sợ đâu?
Nguyên là Nguyên Cát vốn thích việc trên ngựa múa thương, thấy Kính Đức khoe khoang, nên muốn thử xem hơn kém ra sao. Liền mời Tần Vương nai nịt giáp trụ, giả như cảnh đang chạy trốn ở hang Du Sào, thuộc Ngũ Hổ Cốc, còn tự mình đóng Đơn Hùng Tín phi ngựa đuổi theo.
- Thử xem khanh một roi một ngựa, liệu có đoạt được thương của ta chăng?
Kính Đức thưa:
- Xin điện hạ tha tội chết cho thần, cánh tay của Cung này rất khỏe, sợ có thương tổn. Hãy cứ lấy thương gỗ, bỏ mũi nhọn đi, còn xin nhường điện hạ vẫn dùng cả thương có mũi đao, thần sẽ có cách để tránh.
Nguyên Cát tức giận, nói nhỏ với bộ hạ là gia tướng Hoàng Thái Tuế mấy câu, rồi nhảy lên ngựa cầm thương có mũi nhọn hô lớn:
- Có dám thử mũi thương của ta chăng?
Tần Vương nghe xong, liền giơ thương, rượt ngựa mà chạy, Nguyên Cát cầm thương đuổi theo. Đuổi đến hơn một dặm, giơ thương định đâm Tần Vương, Kính Đức phi ngựa theo sát, miệng gào lớn:
- Có Uất Trì Kính Đức đây! Không được hại chủ ta!
Nguyên Cát bèn bỏ Tần Vương, giơ thương đánh Kính Đức, bị Kính Đức sấn lại, giành lấy thương. Nguyên Cát ngã ngựa, bỏ chạy.
Bỗng thấy Hoàng Thái Tuế vượt qua Nguyên Cát, giơ thương đâm Tần Vương, Tần Vương cố hết sức chống đỡ, sắp thua đến nơi. Kính Đức phi ngựa như bay tới, Hoàng Thái Tuế quay thương đánh nhau với Kính Đức, Kính Đức quay ngay người, rút roi ở bên hông ra đánh xuống, vừa dịp thương lao qua mặt, Kính Đức giằng ngay lấy đâm nhanh như chớp. Đáng thương cho Hoàng Thái Tuế, ngã ngựa chết ngay. Kính Đức vội quay ngay lại quỳ tâu vua Đường:
- Hoàng Thái Tuế định hại Tần Vương nên thần giết đi!
Nguyên Cát cũng tâu:
- Tần Vương ra lệnh Kính Đức giết tướng yêu của thần, trái cả ỷ phụ hoàng, xin chém ngay Kính Đức, để đền mạng Hoàng Thái Tuế.
Tần Vương thưa:
- Ngay mắt mọi người đầu thấy, Nguyên Cát sai Thái Tuế hại thần, lại còn biện bác che tội. Kính Đức mà không giết Thái Tuế, thì mạng thần cũng đã mất về tay Thái Tuế rồi.
Vua Đường phán:
- Hoàng Thái Tuế, trẫm chẳng lệnh làm gì cả, sao dám cầm thương đuổi theo Tần Vương. Kính Đức có công cứu chủ, thật vừa ý trẫm. Huống chi Nguyên Cát muốn đọ thương với Kính Đức, lẽ nên miễn tội, để nêu gương trung nghĩa. Anh em các con, lẽ nên tương thân tương ái, đừng để mất tình huynh đệ (1), khiến cho lòng kẻ làm cha có thể yên vui, còn hơn cả việc các con săn sóc trẫm nhiều vậy.
1 Nguyên văn dùng chữ "bất thất hữu vu chi ý". Chữ "Hữu vu” là lấy ở câu "Duy hiếu hữu vu đệ huynh" trong "Kinh Thư", thiên "Quân trần", nghĩa là: "Hết lòng thương yêu anh em". Sau chỉ quen dùng hai chữ "Hữu vu”.
Nói xong liền trở về cung.
Muốn biết về sau ra sao, xin xem hồi tiếp sẽ rõ.
Nguồn maxreading.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét