Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

5 thg 11, 2013

Tùy Đường diễn nghĩa- Chữ Nhân Hoạch Hồi 65,66,67


HỒI 64

Triệu Vương hùng cứ Long Hổ quan,
Chu Hỷ bá chiếm Uyên ương trấn.

Từ rằng: 
1 Việc đời không nên quá độ 
Thể tât trời ghen trời phá 
Hãy nhìn muôn hoa nở rộ 
Báo trước mùa xuân sắp tàn 
Lại hòng trên đỉnh Vu San 
Ghẹo trăng cột gió, mơ màng khói sương. 

2. Đừng cậy rằng trăng sáng tựa gương 
Coi chừng gió quạt gãy cành sương 
Nghìn ân trăm ái say sưa mãi 
Đàn vận căng dây gãy phím hương. 
3. Dân đàn đứt nối cậy nhau cùng 
Đứt ruột nào ai đoái giúp không? 
Giấc mộng năm canh bừng tỉnh dậy 
Vi vu gió buốt trùm núi sông 
Nắng mưa trời vẫn đạo thường 
Tình người ấm lạnh, ghét thương lẽ nào? 
Theo điệu "Thủy điệu ca đầu” 
Lời xưa nói: 
Xẩy chân để hận muôn đời 
Quay đầu lại, đã thành người trăm năm. 

Chẳng phải nói đàn ông gặp nghịch cảnh, cũng oán trời trách người, ngay cả đàn bà càng lắm điều than vãn. 

*** 
Hãy khoan nói chuyện anh em Tần Vương diễn trò cướp giáo, hãy nói chuyện Tiêu Hậu nhà Tùy cũ, cùng với Sa phu nhân, Tiết Dã Nhi, Hàn Tuấn Nga, Nhã Nương sang nước Đột Quyết. Khi vua Đột Quyết chết, thì Hàn Tuấn Nga, Nhã Nương được vài năm do thủy thổ bất phục, lần lượt qua đời. Nghĩa Thành công chúa thấy chồng đã mất, buồn rầu sinh bệnh, một năm sau cũng khuất núi. Vợ Vương Nghĩa, Khương Đình Đình, chết ngay khi sinh, Sa phu nhân liền đem Dã Nhi gả cho Vương Nghĩa làm kế thất. 

La La tuy hơn Triệu Vương có đến năm sáu tuổi, nhưng tính tình đoan trang thùy mị, lại thông hiểu sách vở, lễ nghĩa, Sa phu nhân bèn đem La La làm vợ Triệu Vương. Cũng bởi Đột Quyết không có con trai, Triệu Vương bèn nối ngôi Khả Hãn, lấy hiệu là Chính Thống, đóng giữ Long Hổ quan, trí dũng kiêm toàn, chính lệnh giản dị, ngoài việc triều đình thì về phụng dưỡng Sa phu nhân, cùng vui chơi trong vườn sau, rất là hiếu kính. 
Hôm ấy vừa chớm tiết thu, Tiêu Hậu một mình dạo trong vườn, đứng dưới hàng lan can dâm mát, thấy ở phía ngoài vườn, ngay cạnh chuồng ngựa, có một người lính chăn ngựa, tuổi cũng còn ít, đang ngồi cắt cỏ xong xuôi đứng nhìn mấy con ngựa ăn. Tiêu Hậu ngắm tướng mạo, giống như người Trung Quốc, liền gọi lại gần hỏi: 
- Ngươi tên họ là gì? Ngươi ở đâu? 
Mã phu đáp: 
- Tiểu nhân người ở Dương Châu, họ Vưu tên là Vĩnh. 
Tiêu Hậu lại hỏi: 
- Ta thấy ngươi giống người Trung Quốc ngay từ đầu mà? Ngươi có vợ con gì không? Sao lại lưu lạc tới đây? 
Vưu Vĩnh đáp: 
- Tiểu nhân đi lính cho Vương Thế Sung, lưu lạc tận Liêu Thành, cùng ở với một người bạn thân là Chu Phùng Xuân, không ngờ lại gặp ba người đàn bà ở trong cung của Vũ Văn Hóa Cập nói là Chu phu nhân ở viện Thần Quang, Phàn phu nhân ở viện Tích Chân, Dương phu nhân ở viện Minh Hà của nhà Tùy cũ. Chu phu nhân lại vốn là em họ của Chu Phùng Xuân, vì vậy, Phùng Xuân mới đem Cho phu nhân gán cho tiểu nhân, còn Dương phu nhân cùng phàn phu nhân thì lấy Phùng Xuân. 
Tiêu Hậu kinh ngạc hỏi. 
- Lại có chuyện như thế sao? Thế ba vị nhân đâu cả? 
Vưu Vịnh thưa: 
- Chu phu nhân theo tiểu nhân được vài năm, nhân sinh đẻ mà qua đời, Phàn phu nhân cũng gặp bệnh nặng mà mất. Chỉ còn Dương phu nhân vẫn ở với Phùng Xuân tại Uyên Ương trấn thuộc Lâm Thanh, mở hàng cơm đón khách. 
Tiêu Hậu lại hỏi tiếp: 
- Ngươi ở với Phùng Xuân, cớ sao lại lưu lạc mãi tới đây? 
Vưu Vĩnh thưa: 
- Tiểu nhân cũng bởi Chu Thị mất rồi, một mình phiêu bạt, theo mấy người bạn cùng đi lính với nhau mà trôi dạt mãi lên đây. 
Tiêu Hậu vẫn hỏi: 
- Ngươi năm nay bao nhiêu tuổi? 
Vưu Vịnh thưa: 
- Tiểu nhân ba mươi tuổi! 
Tiêu Hậu nghĩ ngợi một hồi rồi nói: 
- Ta là Tiêu Hoàng hậu nhà Tùy cũ. Ta thương ngươi cũng là người Trung Quốc, lại là chỗ vợ chồng với Chu phu nhân cũ, nên cũng muốn thăm nom đến ngươi ít nhiều, lại còn có chuyện muốn hỏi kỹ, nhưng giữa ban ngày ban mặt ở đây không tiện. Đợi đến tối, ta sẽ cho người ra gọi ngươi! 
Vưu Vĩnh lạy tạ vâng lời rồi ra. Đêm ấy Tiêu Hậu đang định sai đi gọi Vưu Vĩnh, có người biết, báo ngay cho Triệu Vương. Triệu Vương ngờ có chuyện tư tình, nổi giận đùng đùng, liền quát đem Vưu Vĩnh ra chém, để cảnh tỉnh Tiêu Hậu một phen, lại ra lệnh nghiêm cấm, gác giữ cung cấm, ra vào tra hỏi rất cẩn thận. Tiêu Hậu thấy thế vừa buồn bực, vừa xấu hổ. 
Chính là: 
Chỉ vì đã nói loanh quanh 
Để người thiệt mạng mà mình danh nhơ. 

*** 

Nay lại nói Sài Tự Xương vâng thánh chỉ, sai làm ngay văn thư, lệnh cho Lý Như Khuê dẫn một nghìn quân, kéo đến U Châu gặp La Thành, báo cho La Thành điều quân tới Mân Châu trước, chống cự với Thổ Cốc Hồn, Tự Xương kéo quân đến sau, cả hai cánh sẽ cùng trước sau công kích quân giặc. 

Lý Như Khuê đến U Châu, gặp La Thành. La Thành xé văn thư ra xem, liền thưa với phụ thân Yên Quân Vương La Nghệ. La Nghệ bàn: 
- Mân Châu xa xôi, Khả hãn Đột Quyết cũng chẳng bao giờ xuống gần đâu. Lại thêm Khả hãn vừa chết, người thay là Chính Thống, chính là Triệu Vương con của Sa phu nhân, nghe nói Tiêu Hậu cũng đang ở đó, cả Vương Nghĩa cũng làm quan đại thần của Chính Thống, đều là những người cũ của ta thuộc Tùy triều cả. Nay con chỉ nên dẫn một đội người ngựa, đến cùng họ trò chuyện rõ ràng cho yên ổn. Thổ Cốc Hồn không thấy binh của Chính Thống xuống giúp cũng đến kéo quân về. 
La Thành thưa: 
- Lời của phụ vương đúng quá! 
Liền quay về phủ, nói cho Tuyến Nương biết. Tuyến Nương bàn thêm: 
- Tiêu Hậu trước đây có đến Lạc Thọ, cũng là một người có kiến thức. Nghe nói Sa phu nhân có chí khí, thiếp cũng muốn gặp, xin cùng đi với tướng quân một phen vậy! 
La Thành đáp: 
- Được phu nhân cùng đi, càng thêm vẻ oai hùng cho quân ngũ. 
Hựu Lan cũng nói: 
- Thiếp xin theo cùng và cả hai con nữa, nhân thể thăm mộ phần phụ mẫu một chuyến. 

Thì ra, Tuyến Nương đã sinh một con trai, tên gọi A Đại, Hựu Lan cũng vậy, đặt là A Nhị, chênh nhau khoảng nửa tháng, đều tám tuổi. Tính toán xong, liền gọi Kim Đính, Ngô Lương thu thập hành trang, từ biệt Yên Quận Vương lên đường. 

Chẳng bao lâu đã tới Đạo Khẩu, Khả hãn Chính Thống nghe tin, liền bàn với Sa phu nhân: 
- Thổ Cốc Hồn có ước hẹn cùng ta xuất binh để quấy nhiễu Trung Nguyên, mấy hôm nay con đang tìm tướng tuyển binh. Không ngờ vua Đường đã sai con Yên Quận Vương là La Thành kéo binh tới hỏi tội, bây giờ nên làm thế nào? 
Sa phu nhân đáp: 
- La Nghệ nguyên là trọng thần của tiên triều ta, nay cũng là đại thần của nhà Đường, lại còn con của Đậu Kiến Đức là Tuyến Nương, được vua đứng ra làm chủ hôn, cả hai vợ chồng vốn quen chinh chiến, không thể coi thường. 
Tiêu Hậu góp thêm: 
- Chả cần phải nói thế, nếu kẻ khác mà cướp đoạt giang sơn của ta, đừng chờ chúng tới đánh, mà phải xúm lại đánh với chúng một phen. Còn như Lý Uyên, vua Đường hiện nay, các ngươi không biết đâu, với nhà ta còn là anh em nữa kia đấy. Hoàng hậu họ Đậu, cùng với tiên thái hậu nhà Tùy ta (l) chính là chị em ruột, thế là họ hàng còn gần lắm. Lại thêm ta cũng đã một lần gặp Đậu Tuyến Nương, đó là một cô gái thật duyên dáng, nhưng mồm miệng thật chua ngoa, chẳng biết bản lĩnh thì thế nào. Họ mà tới đây, để ta gặp xem sao. 

Khả hãn Chính Thống nghe vậy, liền vội thương nghị với Vương Nghĩa, sai Vương Nghĩa dẫn một đội người ngựa đi trước, còn mình từ từ dẫn đội thứ hai ra khỏi thành. Lý Như Khuê làm tướng tiên phong, muốn giành công đầu, bị Vương Nghĩa dùng kế đánh cho thua chạy. Binh mã của Tuyến Nương kịp tới, thấy phía trước cát bụi mù mịt. Tuyến Nương giơ cao thiên phương hoạ kích xông vào, thấy một viên tướng đuổi theo Như Khuê, thương đã gần tới hậu tâm kính của Như Khuê, tiến vội vàng bắn một mũi tên, trúng ngay đầu mũi thương của viên tướng nọ. Lại thấy phu nhân của Vương Nghĩa là Tiết Dã Nhi, múa song đao tiến lên đón đánh, Tuyến Nương giơ thiên phương hoạ kích ra đỡ. Đánh được khoảng hai chục hiệp Dã Nhi liệu thế không nổi, liền quay ngựa nhảy ra khỏi vòng chiến, lên tiếng: 
- Nữ tướng quân có phải Dũng An công chúa ngày xưa chăng? 
1 Tiên Thái hậu: tức Hoàng hậu của Tùy Văn Đế. Vậy là Lý Uyên, tức Đường Cao Tổ hiện nay, với Tùy Văn Đế là anh em bạn rể. Tùy Dượng Đế gọi hoàng hậu của Đường Cao Tổ là dì ruột. Triệu Vương gọi bà dì! 

Tuyến Nương đáp: 
- Ngươi đã biết tiếng ta, cớ gì còn đi tìm cái chết? 
Dã Nhi hỏi: 
-Nữ tướng quân có biết Tiêu nương nương chăng? 
Tuyến Nương hỏi : 
-Tiêu nương nương nào? 
Dã Nhi đáp: 
- Là chính cung hoàng hậu của Dượng Đế nhà Tùy. 
Tuyến Nương nói: 
-Thế thì phụ hoàng ta đã vì họ mà được Vũ Văn Hóa Cập phản nghịch. Tiêu hoàng hậu đã từng đến Lạc Thọ một lần. 
Dã Nhi cười, nói: 
- Nếu như thế, ta chẳng đánh nhau với nữ tướng quân làm gì. Khả hãn của ta đến kia rồi! 
Tuyến Nương cũng cười đáp: 
- Ta cũng chẳng bắt ngươi làm gì! Tướng quân của ta cũng tới rồi kia! 
Rồi cả hai quay về trận mình. 
Dã Nhi thưa chuyện với Triệu Vương, còn Tuyến Nương quay ngựa được một đoạn, đã thấy La Thành phi ngựa tới, Tuyến Nương cũng đem mọi chuyện kể lại. La Thành nói: 
- Nếu Triệu Vương dẫn quân ra, ta đã có cách đối phó rồi. 
Vội dẫn quân tiến lên phía trước mời Khả hãn ra cùng nói chuyện. Triệu Vương bày thành thế trận bước ra. 
Chỉ thấy: 
Áo rồng hai cánh mở ngang trời 
 tiá đuôi điêu lúng liếng soi 
Đai ngọc quanh lưng chèn lá giáp 
Dao vàng cắp nách vẫy cây roi 
Chưa dày sương tuyết da hồng ửng 
Sạch vết kinh nghê mắt sáng ngời 
Ấy chính thần thiêng tu sắp mãn 
Tạm đưa nhân thế thoát luân hồi. 
La Thành thấy, chắp hai tay hỏi: 
- Ngài có phải Triệu Vương, con trai út của tiên đế chăng? 
Triệu Vương đáp: 
- Đúng vậy! Tướng quân là La Thành con trai của Yên Quận Vương phải không? 
La Thành trả lời: 
- Đúng thế. Ngày xưa vốn là vua tôi, nay là Tần Sở, cũng bởi lệnh trên đã ban. Không thể không đến hỏi, tại sao ngài lại đem binh giúp Thổ Cốc Hồn xâm phạm nhà Đường? 
Triệu Vương thong thả: 
- Chuyện này chẳng qua Thổ Cốc Hồn nói thế để phô trương thánh đế, chứ thực ra ta nào đã phát binh đâu. Huống chi nhà Đường lấy được thiên hạ từ tay Vũ Văn Hóa Cập, chẳng làm gì nên tội với phụ hoàng ta, vận số là thế, ta cũng chẳng giận gì nhà Đường. Nay mẫu hậu Tiêu Nương đang ở đây, Đậu Công chúa có lẽ cũng đi đây, xin mời phu phụ tướng quân cùng vào gặp mặt, sẽ rõ đầu đuôi. 
La Thành hỏi: 
- Vị nghĩa sĩ Vương Nghĩa, nay có đây chăng? 
Triệu Vương chỉ một viên tướng mũ giáp đầy người ở phía sau đáp: 
- Chính là vị tướng này đây! 
Vương Nghĩa trên ngựa vái chào, thưa: 
- Xin chào tiểu tướng quân! 
La Thành nói: 
- Xin điện hạ hãy về trước. Vợ chồng thần sẽ cùng với Vương đại nhân theo vào thành sau vậy. 
Triệu Vương nghe xong, liền dẫn binh quay về thành. La Thành sai Lý Như Khuê trông coi quân sĩ ở ngoài thành. Vương Nghĩa cùng Dã Nhi đón Tuyến Nương rồi cả đoàn kéo theo sau. 
Vào đến nơi, thấy dân cư đông đúc, đường phố chi chít như nan xe, có nhiều nhà dân treo đèn kết hoa lụa, gấm vóc rực rỡ đủ màu. Những con lạc đà nhe răng trông dáng bộ thật kỳ lạ đầy khắp phố phường. Vợ chồng La Thành trên ngựa ngắm nhìn, xuýt xoa khen ngợi. 
Triệu Vương về cung trước đã nói ngay với Tiêu Hậu cùng Sa phu nhân mọi việc thật tỉ mỉ, nhất định thế nào vợ chồng La Thành cũng sẽ vào thành gặp Tiêu Hậu. Tiêu Hậu nói: 
- Họ đã vào cung, nên sắp sẵn mọi thứ, từ việc tiệc rượu cho đến trần thiết cũng nên thật chu đáo. 
Triệu Vương thưa: 
- Lẽ nên như vậy! 
Triệu Vương quay ra, lệnh cho tân khách, cùng văn võ liêu thuộc, dẫn hai nghìn quân canh giữ các nơi, cho đến tận cửa cung, gươm thương đều phải bày đặt nghiêm chỉnh, lại lệnh cho trăm họ trong thành, treo đèn kết hoa để nghênh đón thiên sứ. Sai ngay hai nội giám ra ngoài thành, báo cho Vương Nghĩa: 
- Các ngươi hãy mau ra thưa với Vương đại nhân, nếu Đậu Công chúa cũng vào, thì báo Tiết phu nhân dẫn ngay vào cung nội. 
Chưa được bao lâu, đã thấy bốn viên nội giám vào thưa: 
- Sứ trời đã đến! 
Cũng bởi La Thành hiện là thiên sứ tới nên Triệu Vương ra tận cửa ngoài đón vào. La La Quốc hậu dẫn theo hai cung nữ ra đón Đậu Công chúa, có Tiết Dã Nhi đi theo Tiêu Hậu, Sa phu nhân cùng Tuyến Nương làm lễ vái chào. Còn La Thành thì lên Long Thăng điện, bày sẵn hương án, đem xích phù lẫn cáo mệnh, cung kính đặt lên trên. 
Triệu Vương bái lạy. La Thành hỏi: 
- Xin Điện hạ vào thưa với Tiêu Hoàng hậu, cùng ra tiếp thánh chỉ. 
Triệu Vương vội ra báo với Tiêu Hậu, Tiêu Hậu nghĩ ngợi một lúc rồi thở dài: 
- Hà! Trước kia thì người đến lạy ta, bây giờ thì ta phải lạy người. Nhưng nói cho cùng, chẳng phải họ giành đoạt thiên hạ của ta, huống chi lại cũng là thân thích, giờ làm hoàng đế cả thiên hạ, nghiễm nhiên là kẻ cầm cân nẩy mực, dẫu có ra gặp cũng đáng. Nhưng chẳng có triều phục mà mặc, thì làm thế nào bây giờ! 
Triệu Vương bàn: 
- Pháp phục của công chúa, hiện còn giữ ở trong hòm, thử lấy ra xem, cũng còn tốt chán. 




Triệu Vương sai ngay cung nữ lấy ra, mặc cho Tiêu Hậu, thấy khác hẳn những bộ y phục bình thường. Tiêu Hậu liền cùng Triệu Vương bước ra, La Thành xin Tiêu Hậu ngồi lên để mình làm lễ triều bái, Tiêu Hậu rớt nước mắt mà rằng: 
- Nước mất, nhà tan. Nay nào phải xưa, còn nói gì đến triều kiến, xin tướng quân thứ cho. Triệu Vương, Vương Nghĩa cũng khuyên nên làm lễ thường, La Thành nghe theo. 

Tiêu Hậu bước lên, mời Tuyến Nương vào ngồi bên trong, rồi nói: 
- Ta lúc mới chạy loạn, đã từng đến cung Lạc Thọ. Lúc ấy công chúa mới khoảng mười bảy, mười tám, nay lẽ đã trên dưới ba mươi, đã được mấy công tử rồi? 

Tuyến Nương đáp: 
- Thiếp năm nay đã ba mươi mất, đã có hai cháu trai, đều đã tám tuổi, một là do thiếp sinh, một là do Hoa Hựu Lan sinh. 
Sa phu nhân nói: 
- Có phải Hựu Lan là em gái Mộc Lan, nghe nói cũng rất nghĩa khí, hiện nay đang ở đâu? 


Tuyến Nương đáp: 
- Hai cháu rất bướng, thấy thiếp đi như thế này, không đời nào chịu ở nhà, hiện nay đang cùng Hựu Lan ở trong trại. 
Tiêu Hậu đon đả: 
- Nếu thế, sao không mời luôn vào gặp gỡ. 
Sa phu nhân, La La Quốc hậu sai ngay người lấy hai kiệu quý, đến ngay trại quân, đón Hựu Lan cùng A Đại, A Nhị. Tuyến Nương vội sai Kim Đính ra thưa ngay cho La Thành biết, để cùng cho người về đón. Tiêu Hậu nói: 
- Trong những năm khắp trời loạn lạc, chẳng kể gì con gái hay con trai, miễn là có nơi làm ăn yên ổn là may lắm rồi. Nhưng chẳng biết bốn vị phu nhân ở Nữ Trinh am xưa, nay ra sao rồi? 
Tuyến Nương đáp: 
- Nương nương không rõ, bốn vị phu nhân lúc đầu có các nhà họ Dương, họ Từ, họ Tần cung cấp, nay nhân Giang Kinh Ba được gả cho Trình Giảo Kim, Giả Lâm Vân cho Ngụy Trưng, La Bội Thanh cho Uất Trì Cung đều do ơn vua, cả ba nhà đều rất thân thiết với họ Từ, họ Tần, nên đều góp lại, mua cho họ ruộng đất, việc sinh kế cũng tốt hơn nhiều. 
Sa phu nhân hỏi: 
- Ba vị phu nhân ở đâu, mà lại được triều đình ân sủng đến thế? 
Tuyến Nương liền đem chuyện Hựu Lan về Nữ Trinh am gặp mưa, vào trú nhờ trong nhà quả phụ họ Đoàn, gặp ba phu nhân, khâm sai thái giám thấy thế, liền đem về kinh, thuật lại một lượt. Sa phu nhân nói: 
- Ba vị phu nhân họ Giang, họ La, họ Giả còn được hưởng phúc lâu dài, nếu như dạo ấy cùng đi với chúng ta, thì nay cũng đang ở đây. Họ đúng là trong mệnh số có quý nhân phù trợ, nên trong bất hạnh lại gặp may vậy. 
La La Quốc hậu hỏi: 
- Nay các vị phu nhân ấy con cái ra sao rồi? 
Tuyến Nương đáp: 
- Bây giờ thì ung dung hơn nhiều lắm. Viên Tử Yên sinh một con trai, nghe nói đã đính hôn với con gái Giả Lâm Vân. Giang Kinh Ba cũng sinh một con gái, hứa gả cho con trai La Bội Thanh, tất cả đều rất thân thiết, thương yêu nhau. 
Tiêu Hậu ngậm ngùi: 
- Ta thường hay mong ước, có ai ở Trung Nguyên tới ta cùng về theo, thăm lại phần mộ của tiên đế. Nay thì gặp may rồi, ta sẽ cùng về với công chúa đây. Có chết cũng chết ở Trung Nguyên vậy. 
Mấy nội giám vào thưa: 
- Hoa phu nhân đã tới! 
Sa phu nhân cùng La La Quốc hậu ra đón. 
Tuyến Nương nói: 
- A Đại, A Nhị mau cùng Hoa thân mẫu bái chào Tiêu nương nương cùng các vị phu nhân đi? 
Hựu Lan mời Tiêu Hậu ngồi để làm lễ, Tiêu Hậu vẫn không chịu: 
- Xin cứ chào hỏi bình thường, rồi chúng ta cùng chuyện trò. 


Hựu Lan thưa: 
- Phận rơm cỏ hèn kém, nhọc lòng nương nương cho gọi. 

Tiêu Hậu nói: 
- Sao lại nói thế, cũng là ngọc báu như nhau cả, lẽ nào lại sợ dựa tường nhờ sáng hay sao? 
Hựu Lan chào bái Sa phu nhân, La La Quốc hậu cùng Tiết phu nhân. Tiêu Hậu thấy hai đứa nhỏ lễ phép, cũng vái cũng chào, liền gọi lại bên, mỗi tay ôm một ngồi trên gối, nói: 
- Đúng là hai viên ngọc, chẳng khác gì ngọc quý được cả đôi vậy. 
Tuyến Nương nói: 
- Xin nương nương cho hai cháu lên được chào điện hạ! 
La La Quốc hậu nói: 
- Xin được dẫn hai công tử đi! 
Tiêu Hậu nói: 
- Thế thì tất cả chúng ta cùng đi vậy? 
Triệu Vương thấy, rất hoan hỉ, liền sai lấy ghế cho ngồi, các phu nhân đến cùng thứ tự mà ngồi dự tiệc. Tiêu Hậu thấy dáng điệu Tuyến Nương thùy mị khoan thai, Hựu Lan so ra lại cũng chẳng kém gì mặt hoa da phấn, có điều chân to hơn ít nhiều. Tiêu Hậu gọi cung nữ, lấy lịch xem qua rồi nói: 
- Ngày mai đúng là ngày xuất hành tốt, ta phải cùng công chúa về Trung Nguyên một phen. 
Tuyến Nương cười: 
- Nương nương về Trung Nguyên, chỉ sợ người Trung Nguyên không cho nương nương quay lại đây nữa thôi! 
Tiêu Hậu nói: 
- Trừ có tiên đế ta sống lại mới có thể làm được chuyện này thôi! 
Mọi người lại cùng nâng chén. Triệu Vương dẫn hai đứa trẻ vào. Tiêu Hậu nhắc việc về Trung Nguyên thăm lăng mộ tiên đế, Sa phu nhân ba bốn lần khuyên can. Triệu Vương cùng Tiêu Hậu ngồi nói chuyện với Tuyến Nương, rồi thưa với Sa phu nhân: 
- Mẫu hậu thấy đã chán đây rồi, thì cũng chẳng nên giữ, cứ để mẫu hậu theo ý mình là hay hơn cả! 
Nói rồi, ra báo cho Vương Nghĩa biết. Vương Nghĩa nói: 
- Mẫu hậu muốn về thăm phần mộ tiên đế, đó thật một việc làm tốt đẹp. Thần cũng xin cùng về khóc tiên đế một lần vậy! 
Triệu Vương quay vào, đúng lúc Tuyến Nương cáo từ, Triệu Vương nói: 
- Mẫu hậu chúng tôi định xin cùng về nam, nhờ công chúa nán cho một hai ngày để rồi cùng đi, liệu có được chăng? 
Tiêu Hậu, Sa phu nhân cũng hai ba lần mời Tuyến Nương liền ở lại trong cung Tiêu Hậu. Tiêu Hậu hỏi: 
- Dạo trước ta từng thấy công chúa trông coi việc quân rất nghiêm khắc, ngay cả khi trong khuê phòng, cũng thấy rất thận trọng, quy củ, không cho qua một sai sót nhỏ nào, sao bây giờ thấy lại nhu mì thuận hòa khiến cho xung quanh dễ yêu mến vậy? 
Tuyến Nlơng đáp: 
- Lúc ấy là thiếp theo nề nếp của Tào Hoàng hậu. Hoàng hậu trông coi việc trong khuê phòng rất nghiêm túc, nói cười không bao giờ cẩu thả. Nhưng không hiểu sao từ ngày về La tướng quân, được mấy lần trò chuyện, liền thay đổi tính tình, ngày này qua ngày khác dẫu có cười nói, giận dữ đều cũng chừng mực thế cả. 
Tiêu Hậu nói: 
- Nếu như thế, tình cảm phu phụ có lẽ đằm thắm lắm phải không? 
Nói rồi rơi nước mắt, nghẹn ngào tiếp: 
- Tiên Hoàng đối với ta cũng như vậy đấy, nhưng giờ bỏ ta lại đây, chẳng ai thèm đoái hoài, khác nào củi mục tro tàn, cảnh già càng ngày càng thảm hại, khó mà chịu nổi. 
Tuyến Nương nói: 
- Thiếp nghe nói thiên tử nhà Đường hiện nay, sau khi thống nhất được thiên hạ, cũng rất thích chuyện hưỡng lạc, chẳng bao lâu mà đã tuyển khá nhiều mỹ nhân. 
Tiêu Hậu gật đầu, sai cung nữ sắp xếp hành trang. Hai ngày sau La Thành sai Phan Mỹ, hẹn hội sư với Sài Thiện ở cửa quan, rồi cùng Tuyến Nương làm tiền đội, Lý Như Khuê cùng vợ chồng Vương Nghĩa làm hậu đội, sắp xếp đâu đó, cáo biệt lên đường. Tiêu Hậu với Sa phu nhân, La La Quốc hậu khóc lóc một hồi, Tiêu Hậu mới lên kiệu. La Thành kéo cờ Triệu Vương như đang đi tiếp ứng cho Thổ Cốc Hồn. 
Chuyện không nói nữa. 
*** 
Lại nói Sài Thiệu vâng thánh chỉ, vội thu xếp xong lễ tang, điểm quân lên đường đến Mân Châu, giở bản đồ xem qua, gọi thổ dân đến hỏi tỉ mỉ, không một sai sót bỏ qua, dẫn quân tiến đánh. Thổ Cốc Hồn cũng biết chuyện, chọn ngay núi cao, gọi là Ngũ Cô Sơn. Cảnh núi ra sao, nhìn lên chỉ thấy: 
Núi đen lởm chởm 
Cây biếc từng từng 
Chen chúc loanh quanh đá gấm 
Rì rào chen chúc cây rừng 
Trời cao gió lặng mây dừng 
Đinh tai sấm nổ như rung chân tường 
Ráng hồng che nửa vùng dương 
Chiêng khua inh ỏi, ngập đường kín khe. . . 
Chính thật là: 
Giao tranh nếu chẳng vung gươm sắc 
Sao khiến người ngựa phải chạy dài. 
Sài Quận Vương đến cách núi khoảng một hai tầm tên bắn, liền cho binh sĩ hạ trại. Rồi lấy một số quân sĩ, làm một sàn gác thật cao, trông ra chập trùng núi thẳm, quả thật hùng vĩ vô cùng. Thổ Cốc Hồn thấy vậy, sợ Sài Quận Vương có mưu kế gì chăng, không dám tiến, chỉ trèo thẳng lên vách núi sau trại dùng tên bắn như mưa xuống. Quân lính Sài Quận Vương không hề hoảng loạn vẫn nghiêm dàn thành thế trận, tên bay đến trước mặt cũng mặc, cứ miệng ngậm, tay bắt lấy tên, chẳng hề thương tổn. 



Sài Quận Vương lại sai hai cô gái, tuổi khoảng mười bảy mười tám, yểu điệu thướt tha, tay gẩy tỳ bà, tiếng nghe réo rắt, vừa hát vừa múa. Thổ Cốc Hồn cho đến quân sĩ, đều chống giáo đứng ngẩn ra xem, hai cô gái uốn éo đủ kiểu, khác nào sông dời biển lật, bướm loạn hoa bay. Múa hát một hồi, càng về sau càng uyển chuyển ly kỳ, hơn các cô gái Giặc Dương (1), cứ thế mà kéo đến hai ba giờ. Bỗng nghe sau núi, một tiếng pháo lớn, bốn phía la hét. Sài Quận Vương biết ngay là quân La Thành đã đến, liền xuất tinh binh tiến sát chân núi mà lên, trước sau cùng hiệp sức công kích, quân giặc thua to bỏ chạy. Cả hai cánh quân đuổi theo đến ba bốn mươi dặm, thắng lợi trở về. 
1 Nữ tướng cướp phía bắc Trung Nguyên. 
Vương Nghĩa đến chào Sài Quận Vương, thưa chuyện Tiêu Hậu xin về nam. Sài Quận Vương tới chào Tiêu Hậu, rồi cả đại quân lên đường. Sài Quận Vương sợ triều đình trông tin, lại có người ngờ vực gì chăng, viết ngay sớ báo tin thắng trận cùng là việc Tiêu Hậu về nam thăm mộ Tùy Dượng Đế, sai Lý Như Khuê đem về trình trước. Còn mình thì vì phải về Sơn Đông nên cùng đi với Tề Quốc Viễn. La Thành, Tuyến Nương cũng theo đường này về Lôi Hạ thăm lăng mộ Tào Hoàng hậu. 
Hôm ấy, về đến Lâm Thanh, trời đã chiều, Tiêu Hậu hỏi Vương Nghĩa: 
- Đã đến Uyên ương trấn chưa? 
Vương Nghĩa thưa: 
- Nhất định là đây rồi! 
Tiêu Hậu nói: 
- Nghe nói ở Uyên Ương trấn có một cửa hàng cơm "Chu Gia phạm điếm", chúng ta hãy tới đó nghỉ xem sao? 
Mọi người vâng lời đi tìm, thì thấy ngay phía trước chiêu bài viết mấy chữ lớn: "Chu Phùng Xuân khiêu thương khách điểm". Ai nấy cùng dừng lại. Sài Thiệu, La Thành sợ không đủ chỗ, nên kiếm một chỗ nghỉ ngơi khác. Tiêu Hậu vẫn ngồi trong kiệu, nhìn vào cửa hàng thấy có một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi đứng ngay trước cửa, sau quầy có một phụ nữ xinh xắn ngồi, nhìn kỹ, thì chính là Dương Phiên Phiên ở viện Minh Hà ngày xưa. Thấy Dương phu nhân đang nói với người đàn ông: 
- Chu chủ nhân hãy ra hỏi xem khách nào thế kia, mời họ vào chứ! 
Lúc này Tiết Dã Nhi đã xuống ngựa, nhìn kỹ Dương phu nhân, rồi kinh ngạc: 
- Đúng là Dương phu nhân rồi! Sao lại ở đây? 
Dương phu nhân ngẩng đầu nhìn, nhận ra Dã Nhi, vội chạy ra: 
- Đi đâu bây giờ, ở đâu đến đây? Ngoài cửa kia là ai thế? 
Dã Nhi đáp: 
- Chính là Tiêu Hoàng hậu! 
Dương phu nhân vội vàng: 
- Xin mời vào nhà. Đem cả hành lý của Tiêu nương nương vào! 
Tiêu Hậu xuống kiệu, Dương phu nhân đón vào nhà sau, lạy chào. Tiêu Hậu chỉ nhận lễ thường rồi cầm tay Dương phu nhân mà rằng: 
- Ta tưởng chỉ trong mộng mới gặp được phu nhân. Không ngờ còn có lúc này! 
Hàn huyên mãi vẫn chưa hết. Tiêu Hậu hỏi: 
- Người đứng ngoài cửa kia, có phải Chu chủ nhân chăng? 
Dương phu nhân đáp: 
- Đúng rồi? Cũng vốn từ võ biền xuất thân, thiếp đã theo được sáu bảy năm nay. 
Tiêu Hậu giả ý hỏi: 
- Một mình phu nhân ở đây, hay còn ai nữa? 
Dương phu nhân đáp: 
- Còn có Phàn phu nhân, Chu phu nhân. 
Tiêu Hậu hỏi tiếp: 
- Hai phu nhân kia đâu rồi? 
Dương phu nhân đáp: 
- Phàn phu nhân cùng ở với thiếp, nhưng bị bệnh mất rồi. Chu phu nhân lấy Vưu Vĩnh, hai năm trước đây cũng đã qua đời! 
Tiêu Hậu hỏi: 
- Phòng riêng của phu nhân đâu? 
Dương phu nhân giơ tay chỉ: 
- Một gian ngay kia! 
Nghe tiếng Phùng Xuân gọi bên ngoài, phu nhân chạy ra. Tiêu Hậu nhớ lại chuyện xưa, tưởng lại cảnh cũ, không giấu nổi thương tâm, nước mắt khôn ngăn, đêm ấy không tài nào ngủ được. Sáng ra người nóng, mắt hoa, ai nấy vào thăm. Sài Thiệu, La Thành sai mời thầy thuốc tới chữa chạy, ở lại đã hai ngày, Tiêu Hậu vẫn thấy tức ngực khó thở, vẫn chưa thể đi lại được. 
Sài Thiệu nhận được tin báo ở trong cung Trường An anh em bất hòa, vội cáo biệt La Thành, về trước phục chỉ.
 Chưa biết sự thể ra sao, hãy xem hồi sau phân giải.


HỒI 65

Cung Đơn Tiêu, phi tần dèm nịnh,
Cửa Huyền Vũ, anh em giết nhau.

Từ rằng: 
Mừng những lúc sum vầy nồng nhiệt 
Tay trong tay da diết yêu thương 
Thanh xuân chưa đến tuổi tàn 
Uyên ương một lứa, bướm vàng một đôi 
Hương bách hợp liền chồi cùng gốc 
Sao ba ngôi sáng rực chữ tâm 
Hỏi trời xanh hỡi có lầm 
Mà xui ruột thịt ngấm ngầm đắng cay 
Giận hờn dù chất núi ngang này 
Bỗng chốc trời cao sáng tối thay? 
Xanh nhạt hồng phai đời thoắt biến 
Núi mòn sóng cạn vận vần xoay 
Những mong gặp gỡ rồng bên hổ 
Mà ước dài lâu gió với mây 
Hận ấy than ôi khôn kể xiết 
Tương tàn huynh đệ ngẫm xưa nay. 
Theo điệu "Mãn giang hồng” 
*** 
Nay hãy khoan nói chuyện Tiêu Hoàng Hậu bị bệnh trong quán cơm của Chu Hỷ ở Uyên Ương trấn, hãy tiếp chuyện trước đó Tần Vương đem đai ngọc treo trước cửa cung Trương, Doãn hai phu nhân, vốn là muốn cho họ hối hận mà thay đổi lòng tà, để trở thành người tốt. Không ngờ vua Đường nghe theo lời xằng bậy, sai Lý Cương đi căn dặn Tần Vương. Chuyện này nếu chẳng có tình cha con kéo lại, chỉ đem pháp độ của triều đình ra mà xét xử, thì sẽ ra sao. 
Cũng may Lý Cương đem thơ của Tần Vương về trình, vua Đường vốn khoan từ đại độ, lại có công của phi tần Vũ Văn chiêu nghi, cùng Lưu tiệp dư, sau này cả hai do Nguyên Cát, Kiến Thành nhiều lần đi lại quà biếu, nên cũng bớt lời, chuyện vì vậy mà nguội dần, vua Đường chẳng muốn khơi to. Tần Vương thấy phụ hoàng không hỏi tới, chẳng tiện nói rõ. 
Kiến Thành, Nguyên Cát kết giao với cung phi, dò la tin tức, Trương Doãn biết rõ trong dịp lễ tang Bình Dương công chúa, hoàng tộc cho đến các đại thần đều có mặt, nên đưa tin ra, giục anh em Kiến Thành khởi sự. Anh em Kiến Thành vốn táng tận lương tâm, mặc sức điên cuồng, thấy phải chớp lấy cơ hội. Nhân khi cả đám tang dừng nghỉ ở chùa Phổ Cứu ngay bên đường, giả bộ ân cần, bày sẵn tiệc rượu tha thiết khuyên mời. Tần Vương thì như mù giở, nghĩ anh em Kiến Thành đã thực lòng hối lỗi, chẳng hề để ý, bị hai người cho uống rượu có thuốc độc. Mới uống được nửa chén thì ở nóc chùa, tiếng chim yến ríu rít, vút bay ngay, ỉa ngay đúng vào chén rượu, bẩn cả áo bào của Tần Vương. Tần Vương liền đứng dậy thay áo, bụng đau quặn, vội về ngay phủ, suốt đêm ấy đi ngoài như nước, nôn ra hàng bát máu. Liêu thuộc Tây phủ, đều tới thăm hỏi, ra sức khuyên nên trừ ngay hai anh em Kiến Thành. 
Ở trong nội cung, Tần Vương cũng có tâm phúc, lén tâu cho vua Đường rõ. Vua Đường giật mình kinh hãi, nghĩ ngợi rằng giang sơn này, dân chúng này đều do công lao của Thế Dân, liền đến ngay Tây phủ thăm nom. Vua Đường cầm tay hỏi: 
- Con từ ngày sinh ra đến giờ, làm gì có bệnh này, sao bỗng nhiên ở đâu đến, nhất định phải có chuyện gì chứ? 
Tần Vương ứa nước mắt, đem chuyện ngày hôm qua đưa tang, giữa đường cùng Tề Vương, Anh Vương ghé vào chùa nghỉ, uống rượu ra sao, kể lại một lượt, thở dài mà tiếp: 
- Sáu cung chê cười, phố phường mỉa mai. Đang lúc mưa thuận gió hòa, hoa hương đua sắc, sinh chuyện anh em bất mục. Những mong cơ nghiệp dài lâu như nhà Hán, há lại thành chuyện huynh đệ tương tàn, lòng đau máu chảy. Số con là vậy, trời cao lồng lộng, người chẳng chiều người. Nhưng vẫn còn ít nhiều ngờ vực, liệu đã phải thế chưa, thánh mẫu trên trời có linh thiêng, may có cơ vãn hồi để an ủi được lòng phụ hoàng chăng? 

Nói rồi, nước mắt lại trào ra. Vua Đường thấy chuyện đến thế, trong lòng không yên, bèn nói với Tần Vương: 
- Trẫm thuở trước khởi nghiệp lớn, sau cho đến bình được Trung nguyên, đều do công lao của con, ngay lúc ấy đã muốn lập con làm kẻ nối nghiệp, con cố chối từ. Nay tuổi Kiến Thành đã lớn, ở ngôi Thái tử cũng đã lâu, trẫm không đang tâm mà truất cho được. Xem ra anh em con khó mà dung nhau, nếu cùng ở một nơi, chẳng khỏi chuyện cạnh tranh. Lẽ nên cho con làm hành đài ở Lạc Dương, từ đất Thiểm trở về đông đều do con làm chủ, lại cho con được kéo cờ thiên tử, như chuyện Lương Hiếu Vương đời Hán vậy, con nghĩ thế nào? 
Tần Vương nức nở từ chối: 
- Cha con thì phải dựa vào nhau, đạo người là lẽ thường vậy, đâu dễ rời khỏi dưới gối, quên chuyện viếng thăm. 
Vua Đường đáp: 
- Nay thiên hạ đã một nhà, hai kinh đông tây, đường đi cũng gần. Trẫm mà nhớ con, lại có thể đến ngay, có việc gì phải bi thương? 
Nói rồi, lên xe rồng về cung. 
Gia quyến, tân khách của Tần Vương, nghe được chuyện này, thấy được thoát khỏi hố lửa, không ai là không hoa tay múa chân vui mừng. Kiến Thành biết chuyện, nghĩ rằng nơi ấy toàn gai góc, chẳng có điều gì đáng lo, vội báo ngay cho Nguyên Cát biết chuyện. Nguyên Cát dậm chân mà rằng: 
- Thôi rồi! Lệnh này mà ban ra, anh em ta thật hết đường sống. 
Kiến Thành kinh ngạc hỏi: 
- Tại sao? 
Nguyên Cát trả lời: 
- Tần Vương công lớn, vừa có mưu sâu, vừa có dũng khí, trong phủ văn vũ đầy người, một khi đã khởi sự, bốn phương hưởng ứng. Cả hoàng tộc một nơi, chúng dẫu nhiều mưu kế, chỉ giữ khư khư trong tay, anh hùng không đất dụng võ. Nay đưa đi ở Lạc Dương, lập cờ hiệu thiên tử, rồi tự chúng sẽ ngày càng muốn chuyện lớn hơn. Đất đai đã rộng, lương thực đã nhiều, bọn tướng sĩ được Tần Vương cất nhắc phần lớn lại là người Thiểm Đông, mưu thành thì đừng nói địa vị của Đông Cung, mà ngay cả phụ hoàng nữa, cũng đến chắp tay mà nhường ngôi báu. Lúc ấy thì anh em ta chẳng khác gì miếng thịt trên thớt, liệu còn dám ho he gì nữa chăng? 
Kiến Thành tỉnh ngộ : 
- Em nói có lý lắm! Giờ thì làm thế nào để ngăn chuyện này lại? 
Nguyên Cát đáp: 
- Nay anh phải lập tức lệnh cho tay chân ngầm phao lên rằng: Tả hữu của Tần Vương, nghe chuyện đi Lạc Dương, không đứa nào là không vui mừng nhảy nhót, đạt được ý nguyện; chỉ sợ rồi sẽ không trở về nữa. Lại nhờ mấy cận thần, đem chuyện lợi hại tâu rõ, còn anh em ta phải vào ngay nội cung, bảo mọi người ngày đêm nói xấu Tần Vương với chúa thượng. Phụ hoàng sẽ thôi chuyện này, giữ Tần Vương lại Trường An, thì cũng chẳng khác gì thằng thất phu, sau đó kiếm chuyện đổ tội cho, chẳng khó khăn gì! 
Kiến Thành cười, nói: 
- Những lời em nói hay lắm, hay lắm! 
Lập tức cả hai sai người đi khắp nơi thực thi mưu kế. 
Chính là: 
Đường đi hái củi nghẽn rồi 
Còn hòng chiếm cả rừng ngoài thành đô. 
Các anh hùng hảo hán trên thế gian này, đều biết rằng lời đàn bà không nên nghe theo, không biết rằng những lời trên chiếu, bên gối đỏ, vẫn có những lời lọt vào tai khi nào không biết, khiến cho dẫu có sức bạt núi nâng đỉnh, đến lúc đó cũng tiêu ma, chỉ đành yên lặng nghe theo, mặc sức nghe theo, tùy ý thay đổi vậy. Vua Đường bấy giờ, thân tuổi đã cao, chỉ muốn yên ổn, nên nghe đủ những giọng oanh lời yến, theo mưu kế của Đông cung Tề Vương Kiến Thành, đến nỗi xảy chuyện băng tan ngói vỡ. Lại còn cả những lời nịnh, xin vua Đường giết ngay Tần Vương, may vua Đường vốn nhân từ, việc mới không xong. 
Liêu thuộc Tây phủ; ai ai cũng mong thánh chỉ. Lúc này tiết trời oi ả. Tần Vương dậy rất sớm để xem hoa lan, thì đã thấy Đỗ Như Hối, Trường Tôn Vô Kỵ xăm xăm đi vào. Tần Vương kinh ngạc hỏi: 
- Hai khanh có việc gì, mà vào sớm vậy? 
Như Hối chưa kịp nói, thì Trưởng Tôn Vô Kỵ đã lên tiếng: 
- Điện hạ đã biết mưu mô của Đông cung chưa? Thế không thể dung hòa, sợ rồi chúng thần chẳng còn thờ điện hạ suốt đời được nữa đâu! 
- Sao khanh lại nói thế? 
Như Hối thưa: 
- Trước đây Đông cung sai nội sử đi Sở Trung dẫn về đến hai ba chục loại vong mệnh, nuôi dưỡng ngay trong phủ, lại thêm thứ sử Hà Châu Lư Sĩ Lương đưa vào Đông cung đến hơn hai mươi lực sĩ, đó là chuyện tháng trước, thần ở ngay trước trạm dịch trông thấy trước mắt rõ ràng. Chiều tối hôm qua, có đến ba bốn chục người, nói là người Quan Ngoại, lại cũng tìm vào Đông cung. Điện hạ thử nghĩ xem, Đông cung không coi cấm binh, cũng chẳng cầm binh đánh Liêu, bình giặc cỏ, chẳng lo việc lấy nước, thì dùng những phường ấy làm gì? 
Tần Vương đang định trả lời, lại thấy Từ Nghĩa Phù cùng Trình Giảo Kim, Uất Trì Cung vào lạy chào. Giảo Kim cầm quạt, quạt lia lịa mà rằng: 
- Trời nóng bức thế này, nhân tình ấm lạnh không thường, chuyện xô cửa đổ tường đến ngay rồi, sao điện hạ vẫn ngồi an nhiên chẳng lo lắng gì cả? 
Tần Vương đáp: 
- Vừa rồi Như Hối cũng có nói chuyện với ta. Xưa nay vẫn thường chê cười việc cốt nhục tương tàn, ta cũng biết họa đến sớm tối nhưng hãy để cho bên kia động đậy trước, sau đó hãy ra tay trừ khử, thì tội không phải tại ta vậy! 
Uất Trì Cung thưa: 
- Lời của điện hạ, thật có chỗ không hay. Tính người mấy ai thích chết, thế mà nay ai cũng lấy cái chết thờ điện hạ, đó chính là trời cho điện hạ vậy. Nay họa đến từng khắc, điện hạ vẫn do dự không nghe. Điện hạ coi nhẹ thân mình, nhưng còn tôn miếu xã tắc. Nếu điện hạ không dùng lời của thần, thần xin bỏ trốn vào nơi rừng sâu núi thẳm, chẳng dám ở lại thờ điện hạ nữa đâu! Nhẽ nào lại bó tay ngồi chờ chịu giết sao? 
Vô Kỵ tiếp: 
- Nếu điện hạ không nghe theo lời thì đại sự hỏng mất, đến như Uất Trì Cung mà còn không ngửa cổ thờ điện hạ được nữa, thì thần cũng xin đi theo, không dám ở lại Tây phủ nữa vậy! 
Tần Vương vẫn lưỡng lự: 
- Lời của ta cũng chưa phải đã sai cả. Hãy chờ xem thế nào rồi hãy quyết định. 


Giảo Kim thưa: 
- Sáng nay con trai nhỏ của thần là Trình Nguyên, ngồi ở cửa hàng miếu ngoài phố, thấy có đến sáu bảy kẻ đàn ông ngồi ăn miến ở gian bên, đều là những tay to cao lực lưỡng. Trình Nguyên ghé tai sát tường nghe ngóng, một đứa trong bọn nói: "Điện hạ tại sao lại đối với chúng ta tốt như thế này!". Đương lúc cao hứng, có hai người đi vào, nói: "Chúng ta đi tìm khắp nơi, thì ra chúng mày ngồi đây ăn miến. Đông cung đã đi rồi, mau lên thôi!". Bọn kia mời ăn miến, hai người này không chịu, tất cả kéo nhau đi! Trình Nguyên nhận ra một trong hai người đến gọi là mãi biện Vương Khắc Sát ở trong Đông cung, nên về nói ngay cho thần biết. Thần nghĩ cơ sự này, thì chuyện nước lửa, chỉ là sớm tối. Không thể chần chừ được nữa đây! 
Từ Nghĩa Phù cũng nói: 
- Tề Vương cùng Anh Vương luôn tìm cách hại điện hạ, nào phải một lần thôi đâu. Hãy xem họ đưa hẳn một xe vàng bạc, tặng cho Hộ quân Uất Trì Cung, cũng may mà Uất Trì Cung không chịu nhận. Đem vàng lụa cho Đoàn Chí Nguyên, họ Đoàn cũng khước từ. Lại định tâu chúa thượng để đưa tổng quản Giảo Kim đi làm thứ sử Khang Châu, may mà Giảo Kim nhất định không chịu nghe. Những kẻ tay chân thân tín của điện hạ, dù chết cũng không đổi lòng, liệu còn ở bên cạnh được bao nhiêu người. Thế là tại sao? 
Nói rồi, không ngăn được nước mắt. Tần Vương nói: 
- Nếu đã như thế, khanh hãy cùng Giảo Kim đến ngay chỗ Mậu Công. Còn Vô Kỵ cùng Như Hối hãy tới chỗ Lý Tĩnh, đem những chuyện này, nói rõ cho họ biết, xem họ trả lời ra sao. 
Ai nấy vâng lệnh lên đường. 
*** 
Không nói chuyện Nghĩa Phù cùng Giảo Kim đến chỗ Mậu Công, hãy nói chuyện Vô Kỵ cùng Như Hối giả dạng thư sinh, đem theo hai tên người nhà, ngày đêm đến dinh Đại Đô đốc An Châu Lý Tĩnh. Lý Tĩnh thấy mặt, vừa mừng vừa sợ, mừng là được gặp tri kỷ, sợ vì thấy cách hai người ăn mặc khác thường. Vội mời cả hai vào thư phòng, bày tiệc rượu, kề gối kề vai chuyện trò. Như Hối đem mọi chuyện kể tỉ mỉ. Lý Tĩnh nói: 
- Việc quốc gia đại sự, chúng tôi là bề tôi ở bên ngoài, phải dè dặt khi bàn luận. Huống chi có điện hạ ở trên, phận bề tôi nào dám nói sằng. Lại thêm đây là công việc trong họ hàng nhà vua. Tần Vương công nghiệp trùm thiên hạ, hiển hách khắp núi sông, mai kia phú quý nói thế nào cho hết, nay chúng tôi chẳng qua chỉ là kẻ tòng sự biết gì mà thưa? Phiền hai ngài về trình lại thật khéo cho với. 
Vô Kỵ, Như Hối hai ba lần cầu xin. Lý Tĩnh vẫn mỉm cười, từ tạ không nói. Cả hai chẳng còn cách nào khác, đành ngủ lại một đêm. Canh năm hôm sau, sợ triều đình có biến, viết lại mấy chữ lưu lại trên án, rồi lặng lẽ lên đường về. Đi được bốn năm mươi dặm, trời đương thanh quang, bỗng chân trời trước mặt đùn lên một dám mây đen, kéo ngay lên đỉnh núi, chẳng mấy chốc cuồng phong mù mịt. Vô Kỵ nói: 
- Trời cũng có biến rồi, cứ như thế này, đành phải tìm một nhà nào đó mà nghỉ lại thôi. 
Người nhà Như Hối là Đỗ Tăng thưa: 
- Xin hai ngài cố thêm ít nữa, cách đây hai ba dặm đã là nơi ở của Từ tiên sinh rồi! 
Như Hối nhớ ra: 
- Đúng rồi, chúng ta nhanh lên một chút vậy! 
Vô Kỵ hỏi: 
- Từ tiên sinh nào kia? 
Như Hối đáp: 
- Chính là Từ Đức Ngôn ấy mà, vợ tiên sinh chính là Lạc Xương công chúa, chị em họ với tiểu đệ đây. 
Vô Kỵ hỏi thêm: 
- À đấy chính là chuyện "Phá kính trùng viên", gương vỡ lại lành đó phải không? Sao lại không ra làm quan, mà ở đây? 
Như Hối đáp: 
- Đức Ngôn chán ngán cảnh quan trường, chỉ thích sống ẩn dật ở rừng núi thôi! 
Vô Kỵ nói: 
- Vợ chồng họ là những người thông minh. cũng nên vào bái kiến xem sao. 
Tất cả ruổi ngựa, đến trước một thôn nhỏ, thấy suối chảy như bạc trắng, tiếng nghe róc rách, mấy hàng thùy liễu thướt tha theo gió đứng ngay bên cầu, phía bên kia là một trang viên lớn, rải theo đến bốn năm trăm nóc nhà, xung quanh là đồng ruộng xanh tốt. Một người cưỡi ngựa từ trong làng ra, qua cầu, đến trước cổng làng, xuống ngựa hỏi bọn Như Hối: 
- Các vị ở đâu đến? 
Đỗ Tăng đáp: 
- Chúng tôi là người nhà họ Đỗ ở Trường An, nhân đi An Châu qua đây, nên đến tìm Từ tiên sinh! 
Người này đáp: 
- Từ đại nhân chúng tôi sáng nay có người ở thôn bên đến mời đi rồi! 
Như Hối hỏi: 
- Anh hãy dẫn chúng tôi vào gặp công chúa vậy! 
Rồi lại sai Đỗ Tăng: 
- Ngươi hãy theo vào thưa với công chúa, nói rằng có ta đến thăm. 
Người kia dẫn Đỗ Tăng đi trước, lát sau thấy cửa lớn mở ra, mời Như Hối cùng Vô Kỵ vào, ngồi ở nhà trên, chẳng mấy chốc, có hai hầu gái, ra mời Như Hối vào nội thất. 
Như Hối vào định quỳ lạy. Lạc Xương công chúa vội từ chối: 
- Trời nóng bức, xin cứ làm lễ thường thôi! 
Như Hối vái chào xong, ngồi xuống thưa: 
- Từ tiên sinh đi đâu vắng? 
Công chúa đáp: 
- Ở trong thôn, cứ ngày mùng ba, mùng bảy, con cháu mấy nhà nông lại mời đến giảng sách, cũng là chuyện để làm việc hiếu đễ trung tín, nên từ sáng đã đem theo cả cháu Ninh Nhi đi rồi. Chị đã cho người mời về ngay thôi mà! 
Hai bên trao đổi chuyện họ hàng, gia quyến. Công chúa hỏi: 
- Nghe nói cậu hiện đang làm quan trong Tây phủ, sao lại có dịp đi như thế này, chắc trong triều có việc gì sao? 
Như Hối đáp: 
- Chị là người thần hay sao? 
Liền đem chuyện Kiến Thành, Nguyên Cát kể rõ một lượt. Công chúa hỏi: 
- Chuyện này thì ta đã nghe ít nhiều. Nay cậu định đi đâu? 
Như Hối chau mày: 
- Tần Vương sai hai chúng tôi; đến chỗ dinh Đô đốc An Châu Lý Dược Sư, hỏi kế sách ra sao, không ngờ Lý Tĩnh một lời cũng không nói. Chị bảo có đáng giận không? 
Công chúa đáp: 
- Theo ý của chị, đó chính là Lý Đô dốc đã đem lễ của kẻ đại thần ra mà xử dấy, chẳng có gì mà khó hiểu cả đâu. Huống chi Trương phu nhân (1) mới đây sai người đến thăm chị, có nói rằng lâu nay Lý Đô đốc cũng đang có điều lo lắng, thế nào trong triều cũng có biến sớm tối vậy! 
1 Vợ Lý Tĩnh, tức Trương Xuất Trần, không phải Trương và Doãn phu nhân. 
Như Hối nói: 
- Chị nhìn xa trông rộng, sao lại biết Lý Tĩnh lấy lễ đại thần ra mà xử, sao lại biết tất trong triều có chuyện. 
Công chúa đáp: 
- Dạo còn ở trong phủ họ Đường, hai phu nhân họ Trương, họ Doãn bởi mộ tiếng ta, cũng thường đưa quà lễ tới làm thân. Nay thì không đi lại nữa rồi, nhưng trong đám phi tần cũng còn có nhiều người thân thiện từ xưa. Một người là Quách tiệp dư, mẹ của Từ Vương Lý Nguyên Lễ, một người là Lưu tiệp dư, mẹ của Đạo Vương Lý Nguyên Bá, hai tiệp dư này rất thân thiết với ta. Lưu tiệp dư gần đây có sai người đem quà đến cho, ta có hỏi việc triều chính. Người này có kể chuyện hai phu nhân Trương, Doãn cùng với hai Vương Tề Anh hại Tần Vương ra sao, bỏ vàng bạc ra mua chuộc các phu nhân có con cái trong nội cung để cùng mưu tính hãm hại Tần Vương. Hai vị tiệp dư họ Lưu, họ Quách này cũng còn khá, nhưng hai phu nhân Trương, Doãn thì hết lòng a dua với hai vương. Họ biết rõ trong Tây phủ mưu lược, tâm phúc rất đáng sợ, như Lý Tĩnh, Từ Mậu Công, nên tìm cách đưa đi xa cả. Cả đến bọn Phòng Huyền Sinh, Trưởng Tôn Vô Kỵ, sớm muộn gì cũng sẽ bị đẩy đi khỏi Trường An. Khi mà đã làm xong chuyện này, còn lại một mình Tần Vương, họ sẽ vơ như vơ củi mục, có đáng gì nữa. Nay cậu làm ở trong Tây phủ ăn lộc của Tần Vương, không nghĩ đến chuyện tận trung, mà bày mưu tính đông tìm tây, cậu nghĩ rằng bọn Lý Tĩnh, Từ Mậu Công lại không có trí của Điền Quang sao? (1) 
1 Điền Quang: Nghĩa sĩ người nước Yên thời Chiến Quốc, tiến cử Kinh Kha cho thái tử Đan, để Kinh Kha giết Tần Thủy Hoàng. Thái tử Đan dặn: "Xin tiên sinh đừng tiết lộ chuyện này!". Điền Quang cười nhận lời, ra tới cửa than rằng: "Làm việc mà để người ta nghi ngờ, thì không phải là bậc tiết nghĩa!" Rồi đâm cổ tự vẫn. (Từ Hải) 
Như Hối đang định phân bua, thì người nhà vào thưa: 
- Chủ nhân đã về! 
Từ Đức Ngôn bước vội vào chào hỏi: 
- Để khách chờ lâu, ngồi ở phòng khách là vị nào thế? 
Như Hối đáp: 
- Chính là Trưởng Tôn Vô Kỵ? 
Đức Ngôn nói: 
- Vô Kỵ chưa từng đến nhà bao giờ, sao lại để ngồi một mình ở phòng khách. Tiểu đệ cùng Như Hối hãy ra ngồi trò chuyện? 
Rồi quay lại nói với công chúa: 
- Xin bảo dọn tiệc rượu mau cho! 
Tất cả ra ngồi ngoài phòng khách. Đức Ngôn cùng Vô Kỵ chào hỏi, đúng là kẻ sĩ gặp nhau, vẫn khác người thường. Vô Kỵ kể rõ chuyện anh em Tề Vương cho Đức Ngôn nghe, Đức Ngôn nói: 
- Đây vốn là chuyện trong nhà, không thể xử như chuyện quốc chính được. Người thường cũng có thể "Ngộ biến tòng quyền", huống chi điện hạ anh hùng cái thế, lại thêm bao nhiêu mưu sĩ thao lược, có gì mà lại sợ hỏng việc. Thế ý công chúa ra sao?
Như Hối đem lời Lạc Xương nói lại, Đức Ngôn tiếp: 
- Lời này quả không sai. Nhưng tiểu đệ còn nghe Đột Quyết Úc Xạ Thiết, đem mấy vạn quân kỳ xuống chiếm Hà Bắc, chuyện này chẳng mấy chốc phải lo, nếu không sẽ trở tay không kịp đâu! 
Hai người nghe vậy, vội vàng cơm rượu, thấy cơn mưa đã qua, vội xin phép lên đường. Đức Ngôn đáp: 
- Cũng muốn giữ hai ngài lại hàn huyên vài ngày, nhưng sợ lúc này không phải lúc nhàn rỗi, chậm sợ sinh biến vậy! 
Như Hối vào phòng trong từ tạ công chúa, rồi cùng Vô Kỵ lên ngựa. 
Về đến Trường An, vào ngay Tây phủ, Vô Kỵ đem lời Lý Tĩnh, cùng cả chuyện gặp vợ chồng Lạc Xương công chúa thế nào thưa lại. 
Tần Vương nói: 
- Lạc Xương cùng Từ Đức Ngôn cũng là bậc phi phàm. Vợ chồng họ nói những gì? 
Như Hối kể lại tỉ mỉ, Tần Vương nói: 
- Đúng rồi, Yên Quận Vương La Nghệ vừa trình Úc Xạ Thiết Đột Quyết hung dũng, xin binh cứu viện, nên Tề Vương lại tâu điều binh tướng Tây phủ của ta đến một nửa đi rồi. Còn vừa rồi Nghĩa Phù cùng Giảo Kim về, thuật lại lời Mậu Công, cũng chẳng khác gì lắm lời Lý Tĩnh. Nhưng nghe nói Trương Công Cẩn bói rùa như thần, ta đã sai Uất Trì Cung đi gọi, sắp tới bây giờ. 
Công Cẩn vào lạy chào Tần Vương xong, thưa: 
- Điện hạ gọi thần, có gì sai bảo? 
Tần Vương đem chuyện Tề Vương, Anh Vương dâm loạn trong cung ra sao, cùng là lời các tướng khuyên nên hành động thế nào, nói lại một lượt, rồi chỉ hương án, bảo: 
- Mai rùa thiêng trên bàn, khanh hãy quyết cho ta một quẻ xem sao? 
Công Cẩn cười lớn, cầm mai rùa vứt xuống đất mà rằng: 
- Bói là để quyết chuyện còn nghi ngờ, nay việc đã rõ ràng, còn bói gì nữa. Nếu như bói phải quẻ xấu, thì đành thôi hay sao? Hay lại phải làm một cách bất đắc dĩ? Huống chi, chuyện này đến bậc bề tôi bên ngoài còn rõ, nay vẫn nuôi dưỡng những giống ô uế như thế trong cung thì còn thể thống nào nữa? 
Bọn Lý Thuần Phong cũng hết sức vun vào, Tần Vương bèn lên tiếng: 
- Nếu đã vậy, ý ta đã quyết. Ngày mai vào triều kiến, rồi sẽ đem quân hỏi tội hai vương. 
Lúc này Công Cẩn làm Đô phủ, coi cửa huyền vũ, liền nói với Tần Vương: 
- Chúng thần tuy là hàng tâm phúc của điện hạ, xin điện hạ cẩn mật cho. Ngày mai vào triều thần xin có cách đối phó. 
Nói rồi ra khỏi phủ. 
*** 
Lại nói Lý Như Khuê, vâng lệnh Sài Thiệu, hành quân hơn một tháng trời về đến Trường An, đem tờ biểu của Sài Quận Vương vào cung dâng lên vua Đường. Vua liền cho gọi Như Khuê vào bệ kiến, hỏi rõ chuyện chiến trận, cùng việc Tiêu Hậu về nam. Như Khuê thưa xong, vua Đường phán: 
- Khanh đã có công khó nhọc, hãy ở lại kinh, chờ bổ dụng vậy! 
Như Khuê bái tạ. 
Hôm ấy là ngày Kỷ Mùi, có sao Thái bạch đi ngang qua bầu trời, tòa Khâm thiên giám mật tâu với vua Đường sao Thái bạch kiến Tần phận, Tần Vương sẽ được cả thiên hạ. Vua Đường lại đem những lời này nói lại riêng cho Tần Vương. Tần Vương bèn thưa luôn chuyện Kiến Thành Nguyên Cát dâm loạn trong cung ra sao, lại nói thêm cũng bởi anh em trong nhà, lòng không nỡ phụ, nhưng hai anh em Đông cung nhiều lần định hại mình, để báo thù cho Lý Mật, Thế Sung. Nay dẫu có chết, cũng phải làm rõ nghĩa quân thần, hồn về chín suối vẫn còn hận lũ giặc này. Vua Đường nghe ra, ngạc nhiên, phán: 
- Trẫm sẽ hỏi rõ chuyện này, con hãy cứ chờ xem. 
Tần Vương liền viết mấy phong thư, sai người cưỡi ngựa đến giao cho các liêu thuộc Tây phủ, xếp sẵn mọi thứ, để đến sáng ngày mai thì hành sự. 
Hai phu nhân Trương, Doãn, nghe phong phanh những lời tâu của Tần Vương, vội sai người ra báo cho Kiến Thành cùng Nguyên Cát biết. Kiến Thành liền gọi ngay Nguyên Cát đến bàn cách. Nguyên Cát khuyên nên kéo tinh binh giữ Đông cung, rồi cáo ốm đừng vào triều, để xem động tĩnh ra sao. Kiến Thành đáp: 
- Binh lính đã xếp sẵn cả rồi, chẳng sợ gì cả, ngày mai cứ vào triều, hỏi thẳng mặt Thế Dân xem sao? 
Ngày Canh Thân, khoảng canh tư, Tần Vương bên trong mặc áo giáp, ngoài áo bào, cùng với Uất Trì Cung, Vô Kỵ, Huyền Linh, Như Hối, bọn này bên trong đều mặc áo giáp, đem theo khí giới, ra khỏi Tây phủ. Tần Vương nói: 
- Hãy khoan, còn tín hiệu lệnh cho gia tướng, nổi ba phát pháo lệnh. 
Loại pháo hoa này, chính là đem từ nước ngoài về, dài có đến năm sáu tấc, tiếng nghe tận trời mây. Một lúc ba phát pháo bắn lên, đã thấy cả bốn chung quanh kinh thành, nghe tiếng pháo đáp lại. Đi được khoảng hai phố, xa xa một đội người ngựa tiến lại. Như Hối nổ một phát pháo, bên kia cũng một phát pháo trả lời. Thì ra là Giảo Kim, Vưu Tuấn Đạt, Liên Cự Chân. Phía phố ngang cũng một đội người ngựa kéo ra, hai phát pháo hỏi, đáp, đó là toán quân của Vu Chí Ninh, Bạch Hiển Đạo, Sử Đại Nại, Lục Đức Minh. Lại thêm một tiếng pháo phía trước, nhưng chẳng thấy ai cả, không hiểu tại sao. Mọi người lặng lẽ tập trung lại ở trước cửa lầu Thiên Sách, có hai tên lính thám hiệu của Tây phủ lại thưa: 
- Cửa Đông cung hiện có ba bốn trăm người vừa đi ra. 
Tần Vương vội cởi hoàng bào, chỉ mặc cẩm giáp, cấm kiếm xông lên dẫn đường. Uất Trì Cung rượt ngựa theo thưa: 
- Chẳng cần đến chúa công phải ra tay. 
Liền dẫn khoảng mười lính kỵ dẫn đầu, toàn là những cảm tử quân, sẵn sàng liều chết, còn có quân tướng nào đánh nổi đội quân này. Uất Trì Cung nháy mắt đã quật ngã ba bốn tên đi đầu xuống khỏi lưng ngựa, Vô Kỵ cũng như bay cầm thương ruổi theo một bên. Đến điện Lâm Hồ, Tần Vương đuổi ngựa kịp Kiến Thành, Kiến Thành bắn luôn ba phát tên, nhưng đều không trúng. Tần Vương bắn một phát, trúng sau lưng Kiến Thành, ngã ngay xuống ngựa. Vô Kỵ sấn ngay ngựa lại chém một thương. 
Nguyên Cát vội bỏ chạy ra phía trước đám lính kỵ. Tần Vương đuổi vội theo, lại nghe một tiếng pháo hiệu nổ, một tiểu tướng phi ngựa tới, hét lớn: 
- Lũ giặc chạy đi đâu? 
Rồi đâm ngay một thương, Nguyên Cát rạp người tránh, đang định nhổm dậy, thì Tần Vương ở phía sau chồm ngựa tới, chém một nhát. Nhìn lại viên tiểu tướng, thì ra là Tần Hoài Ngọc, liền hỏi: 
- Vừa rồi nghe một tiếng pháo hiệu gần đây, nhưng rồi chẳng thấy ai cả. Ta đang nghĩ, thân phụ ngươi không có ở Trường An, ngươi làm thế nào mà hiểu ra ta hành sự mà tới? 
Hoài Ngọc thưa: 
- Tối hôm qua Trình lão bá đến nói cho tiểu thần biết chuyện! 
Tần Vương quay ngựa, nói với Giảo Kim, Uất Trì Cung: 
- Hai giặc đã giết xong. Xin các tướng đừng giết hại nhiều nữa. 
Vì vậy ai nấy để cho lính tráng Đông phủ rút về yên ổn. 
Chẳng mấy chốc, Dục vệ kỵ tướng quân Phùng Dực, Phùng Lập, nghe tin Kiến Thành chết liền than thở: 
- Chẳng nhẽ sống chịu ơn, chết bỏ chạy chỗ hoạn nạn sao? 
Bèn cùng Phó hộ quân Tiết Vạn Triệt, Khuất Chí, với Trực phủ tả quân kỳ Vạn Niên, Tạ Phương dẫn binh lính Đông cung ra ngoài cửa Huyền Vũ, gặp Công Cẩn cùng Vân tướng quân Kính Quân Hoàng, Trung lang tướng Lữ Thế Hành đang chém giết. Công Cẩn đâm chết Thế Hành, gặp cánh quân Phùng Dực kéo đến, Công Cẩn liền bắn chết Phùng Dực, rồi đóng ngay cửa thành lại. Quân Đông phủ tuy nhiều nhưng không tài nào vào được. Lúc này vua Đường đương dạo thuyền chơi trên hồ, nghe nói ngoài cung có loạn, gởi ngay Bùi Tịch cùng Tiêu Duệ vào bàn, thấy Uất Trì Cung được lệnh của Tần Vương, cầm roi, mặc đủ giáp trụ tiến vào làm tướng túc vệ trong cung, đến ngay trước điện. Vua Đường kinh ngạc hỏi: 
- Ai đang làm loạn ở ngoài ấy? Khanh vào đây làm gì? 
Uất Trì Cung tâu: 
- Tần Vương thấy Thái tử cùng Tề Vương làm loạn, kéo quân trừ khử, sợ có chuyện gì động đến chúa thượng, sai thần vào đây túc vệ. 
Vua Đường hỏi: 
- Tề Vương cùng Anh Vương đâu rồi? 
Uất Trì Cung thưa: 
- Đều đã bị Tần Vương giết cả rồi? 
Vua Đường đập án mà khóc rống, nói với Bùi Tịch: 
- Không ngờ ngày nay lại thấy chuyện này. 
Bùi Tịch, Tiêu Duệ thưa: 
- Anh Vương, Tề Vương, đều không biết chuyện lược thao, lại chẳng có công lao gì với thiên hạ, ghen ghét Tần Vương công cao vọng trọng, cùng nhau bày gian kế, nay Tần Vương diệt đi, bệ hạ bất tất phải bi thương. Tần Vương công trùm vũ tục, núi sông đều theo phục, nếu giao cho nối ngôi, ủy cho việc nước, chẳng còn gì đáng lo nữa! 
Vua Đường phán: 
- Trẫm cũng muốn như vậy! 
Uất Trì Cung xin vua Đường cho sắc chỉ gọi hàng, để hợp mọi quân sĩ cho Tần Vương phân xử. Vua Đường liền sai ngay Bùi Tịch đi với Uất Trì Cung, ra dụ quân sĩ. Lúc này hai bên vẫn còn đang đâm chém nhau. Bùi Tịch cùng Uất Trì Cung ra cửa Huyền Vũ hiểu dụ Tiết Vạn Triệt, bọn này liền giải binh bỏ chạy. Các tướng của Tây phủ định đuổi theo diệt kỳ hết, Uất Trì Cung can: 
- Tội tại hai kẻ cầm đầu, nay đã đền, nếu làm đến cả vây cánh, không phải là chuyện dễ dàng yên ổn đâu! 

Bèn thôi. Vua Đường hạ chiếu, xá tội cho bè đảng hung nghịch, chỉ dừng lại ở Kiến Thành, Nguyên Cát, ngoài ra không hỏi tội ai cả, lập Tần Vương làm Hoàng Thái tử, ban chiếu rằng, tất cả các việc nước, việc quân, không kể lớn nhỏ, đều giao cho Thái tử phân xử, sau đó tâu lên. Không biết sự thế ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.

HỒI 66

Am Nữ Trinh, phi chúa tu hành,
Mộ Lôi Dương, vợ chồng tuẫn tiết.

Từ rằng 
Nợ đời sám hối tội mong chuộc, 
Đèn Phật, trăng sao như đốt đuốc 
Vạn cổ nhìn lên trời mịt mùng 
Sáng ngời xấu tối gương treo ngược 
Giấc Trang Sinh rành rành phía trước 
Gặp gỡ nhau mong ước từ lâu 
Khói hương thỏa chút lòng nhau 
Sông ngăn núi cách, những chau đôi mày 
Ngàn mây cánh nhạn tung bay. 
Theo điệu "Ngư gia ngạo" 

Trong thiên hạ mọi chuyện đều có số mệnh, một bát cơm, một chén rượu, cũng là tiền định, huống chi là ngôi Thái tử, ngai vương bá, thiên tử vạn quốc, có phải đâu cứ cố cầu mà được. Mà đã có số đế vương, cũng khó mà mất cho được, giả như Hán Cao Tổ, hội yến ở Hồng Môn, bị vây ở Vịnh Dương nguy đến tính mệnh trong khoảnh khắc nhưng rồi vẫn yên ổn, Sở Bá Vương vẫy vùng ngang dọc, cuối cùng phải tự vẫn ở Ô Giang. Nếu như Kiến Thành, Nguyên Cát, biết phận mình, lui về để được phong ở biên trấn nào đó thì đâu đến nỗi đầu một nơi, thân một nơi. 

*** 

Nay nói chuyện vua Đường thấy mình lỗi lầm nên đem ngay hai phu nhân Trương, Doãn đưa về Trường Lạc cung, đến ngay cả vị hoàng đế già cũng không thể bao giờ được gặp nữa, quanh đi quẩn lại chỉ có bọn Yêu Yêu, Tiểu Oanh, hết chơi cờ, lại đánh cầu, để tiêu ngày dài. 
Lúc này Tần Vương đã được lập làm Thái tử, các liêu thuộc Tây phủ đều được cất nhắc vào địa vị xứng đáng, bề tôi của Kiến Thành, Nguyên Cát cũng đã được trở về chức cũ. Duy chỉ có Ngụy Trưng, lúc ở với Lý Mật, đã từng có ơn với Tần Vương, sau theo về nhà Đường, vua Đường thấy Kiến Thành học vấn bình thường, mới đưa Ngụy Trưng làm Thái tử sư phó. Tần Vương gọi Ngụy Trưng đến hỏi: 
- Khanh lúc ở bên Đông cung, sao không tìm cách can gián Kiến Thành, để đến nỗi anh em xa cách, ta phải bao phen toan tính? 
Ngụy Trưng vẫn bình tĩnh, thưa: 
- Nếu Kiến Thành có nói với Trưng này sớm, thì làm gì xảy đến họa này. 
Tần Vương nổi giận quát: 
- Ngụy Trưng dã đến mức này, mà vẫn không chịu nhận tội. Đem ra chém cho ta? 
Tả hữu dang định kéo ra, thì Giảo Kim quỳ xuống xin tha. Tần Vương nói: 
- Ta há chẳng biết tài khanh sao. Nhưng chỉ sợ chuyện Kiến Thành vừa rồi, liệu ta có dùng được chăng? 
Rồi đổi sắc mặt chào hỏi, lấy làm Thiêm sự chủ bạ, Vương Khuê, Vi Đỉnh cũng gọi cho làm Gián nghị đại phu. Vua Đường thấy Tần Vương xử việc đâu ra đấy, có nghĩa có nhân, lại đúng đắn, chúng thần đều hết dạ trung thành, bèn nhường ngôi cho Thái tử, đấy là tháng tám năm Vũ Đức thứ chín. Tần Vương lên ngôi ở Hiển Đức điện thuộc Đông cung, tôn Đường Cao Tổ làm Thái thượng hoàng, lấy niên hiệu là Trinh Quán nguyên niên (1), lập Trưởng Tôn Quý phi làm hoàng hậu, truy phong cố Thái tử Kiến Thành làm Tức An Vương, Nguyên Cát làm Hải Lăng Thích Vương. Lập con là Thừa Cán làm Hoàng Thái tử, đổi mới chính lệnh. 
1 Tức năm 627, Việt Nam đang lúc thuộc Đường. 

*** 

Lại nói chuyện Tiêu Hậu ở trong cửa hàng của Chu Hỷ, vì phong hàn cảm mạo, tức ngực khó thở, khắp người đau nhức, không thể đi lại mãi hơn một tháng mới đỡ, đem mười lạng bạc tạ ơn Dương Phiên Phiên rồi cùng Vương Nghĩa, La Thành lên đường.
Khách đi đường bàn tán: 
- Trong triều anh em bất hòa, rất nhiều người bị giết! 
Tiêu Hậu hỏi Vương Nghĩa: 
- Trong triều anh em bất hòa ra sao? 
Vương Nghĩa thưa: 
- Nghe La Tướng quân nói Kiến Thành cùng Nguyên Cát không dung được Tần Vương, bị Tần Vương giết chết. Vua Đường đã nhường ngôi cho Tần Vương. 
Từ đó ngày đi đêm nghỉ, chẳng mấy chốc đã đến Lộ Châu. Vương Nghĩa hỏi Tiêu Hậu: 
- Nương nương cần đến Nữ Trinh am, thì từ đây đi thôn Đoạn Nhai chẳng còn mấy nữa. Thần cùng La Tướng quân dừng quân ở đây. Xin nương nương xuống thuyền đi là tiện hơn cả! 
Tiêu Hậu nói: 
- Nhất định ta phải tới Nữ Trinh am rồi, cần chọn đường nào dễ đi.
 
Vương Nghĩa thưa: 
- Nếu thế xin nương nương cho người hỏi công chúa xem công chúa có cùng đi chăng? 
Tiêu Hậu liền sai Tiêu Hỷ đến nơi ở của Tuyến Nương thưa chuyện, Tiêu Hỷ quay về thưa: 
- Công chúa cùng Hoa phu nhân đều đi! 
Lúc này có nhiều quan sở tại đến chào La Thành. La Thành sai huyện quan thuê một chiếc thuyền lớn, chọn mười nữ binh, đi theo Tuyến Nương, Hoa phu nhân cùng A Đại và A Nhị. Tuyến Nương sai Kim Đính ra đón Tiêu Hậu, cùng Tiết Dã Nhi lên thuyền. Nước biếc long lanh, núi xanh soi bóng, mái chèo nhẹ lướt, qua một khe nước nhỏ, đã thấy đến thôn Đoạn Nhai, liền sai một phu thuyền lên báo trước cho am biết. 
Lại nói ở am Nữ Trinh, mẫu thân của Cao Khai Đạo đã viên tịch ba năm nay, hiện Tần phu nhân trụ trì công việc trong am, nghe thấy báo, giật mình kinh ngạc: 
- Tiêu Hậu đến bằng cách nào, đến với ai? 
Phu thuyền thưa: 
- Đi bằng thuyền của bản huyện, cùng với một người họ La, một người họ Vương, còn ngoài ra thì tiểu nhân không biết. 
Các phu nhân liền sắm sửa y phục, ra đón, khỏi cổng đã thấy một đoàn tha thướt, yểu điệu, từ phía bến sông vào. Tấn phu nhân nhận ra Tiêu Hậu, Tuyến Nương, tự nhiên không cầm nổi nước mắt. 
Tất cả vào nhà khách, Tiêu Hậu nức nở nói không ra lời. 
- Lang thang trên biển mãi, nay mới đến đất tiên chơi một chuyến. 
Tần phu nhân đáp lời: 
- Vết xưa dẫu còn, ngoảnh lại phút chốc đã hư không. Xin nương nương ngồi lên để chúng tôi làm lễ chào. 
Tiêu Hậu đáp: 
- Ta cùng các phu nhân, đều như đang sống trong giấc mộng Hàm Đan, ngựa đều muốn hý cả tầu, nói gì đến chuyện lễ tiết. (l) 
1 Giấc mộng Hàm Đan: Lư Sinh trọ ở thành Hàm Đan gặp đạo sĩ đưa cho một cái gối: "Gối lên đây, sẽ hết khổ". Lư Sinh gối lên rồi mộng mình lấy vợ đẹp, đậu tiến sĩ, làm quan to, đánh thắng giặc, làm tể tướng mười năm, con cháu đông, sống đến tám mươi tuổi. Tỉnh giấc, nồi kê của chủ quán nấu lúc chưa ngủ vẫn chưa chín. Đạo sĩ bảo: "Việc đời cùng thế cả!” (Điển cố văn học). 
Các phu nhân tiên đem lễ chủ khách ra tiếp. Tiêu Hậu chỉ từng người, nói: 
- Đây chính là công tử họ La, con Đậu phu nhân, còn đây cũng là công tử họ La, con Hoa phu nhân. 
Rồi chỉ Dã Nhi mà hỏi: 
- Các phu nhân có nhận ra chăng? 
Địch phu nhân đáp: 
- Trông có vẻ giống như Tiết Dã Nhi. 
Hạ phu nhân nghi ngờ: 
- Nhưng sao trông to lớn hơn nhiều? 
Tiêu Hậu đáp: 
- Các Phu nhân không biết. Khương Đình Đình đã qua đời, Sa phu nhân liền đem Dã Nhi gá cho Vương Nghĩa, Vương Nghĩa hiện nay đã làm đại thần ở Đột Quyết, Dã Nhi cũng là một vị phu nhân. 
Các phu nhân liền mời cùng ngồi. Dã Nhi đáp: 
- Dã Nhi này vẫn như xưa thôi. 
Các phu nhân vội đáp lễ. Rồi ai nấy ôm nhau mà khóc. Trên bàn trà nước, hoa quả đã bày ra. Tuyến Nương lên tiếng: 
- Sao không thấy Nam Dương công chúa? 
Lý phu nhân đáp: 
- Hiện đang ngồi đọc Bảng Nghiêm kinh để sám hối, sẽ ra ngay bây giờ. 
Tiêu Hậu hỏi: 
- Công chúa ở đây có chịu nổi không? 
Tần phu nhân đáp: 
- Công chúa có chí tu luyện, lòng rất thanh thoát 
Địch phu nhân hỏi: 
- Vì sao Sa phu nhân cùng Triệu Vương không thấy đến? 
Tiêu Hậu đem chuyện vợ chồng Khả hãn Đột Quyết chết, Triệu Vương được lập làm quốc vương, La La làm quốc mẫu kể một lượt. 
Địch phu nhân nói: 
- Từ xưa đã nói: "Có chí ắt làm nên". Sa phu nhân là một người chí khí, gìn giữ được Triệu Vương, nay làm vua một vùng, cũng là chuyện có thể đoán trước được vậy. 
Tấn phu nhân nói: 
- Tỉnh mộng thì tri kỷ mỗi người một nơi, tiếng người lặng thì hương thơm càng dễ nhận. Chỉ có khi nào đậy nắp quan tài mới rõ mọi chuyện được thôi. 
Hạ phu nhân tiếp: 
- Nương nương tuổi tuy nhiều, nhưng nhan sắc vẫn như xưa vậy. 
Tiêu Hậu đáp: 
- Làm gì có chuyện đó. Ta mới đây tại nhà Chu Hỷ ở Uyên ương trấn ốm một trận tưởng chết, còn trẻ trung gì nữa đâu! 
Lý phu nhân cười: 
- Nương nương ít phải lo lắng, nên lúc nào cũng thư thái. 
Dã Nhi nói: 
- Hạ phu nhân cùng Lý phu nhân thì nhan sắc vẫn như xưa. Chỉ có Tần phu nhân với Địch phu nhân thì có vẻ gầy hơn. 
Tiểu Hỷ đứng phía sau cười, thưa: 
- Chỉ có Dương phu nhân là vẫn dầy dặn như xưa. 
Lý phu nhân hỏi: 
- Gặp Dương Phiên Phiên ở dâu? 
Tiêu Hậu đem lại chuyện Dương phu nhân, Phàn phu nhân theo Chu Hỷ, Chu phu nhân theo Vưu Vĩnh, Phàn cùng Chu phu nhân đã mất như thế nào kể lại một lượt. Lý phu nhân hỏi: 
- Dương Phiên Phiên sống với Chu Hỷ ra sao? 
Tiêu Hậu đáp: 
- Quấn quýt với nhau chẳng khác gì keo sơn vậy! 
Hạ phu nhân phàn nàn: 
- Phàn phu nhân, Chu phu nhân thế là mất rồi! 
Tuyến Nương hỏi: 
- Bốn vị phu nhân đây, có bao nhiêu đồ đệ? 
Tần phu nhân đáp: 
- Thiếp cùng Địch phu nhân có ba đồ đệ. Còn Hạ phu nhân cùng Lý phu nhân chưa có. 
Hựu Lan nói: 
- Nay như thế này, thì những ai đứng ra làm thí chủ cho? 
Tấn phu nhân đáp: 
- Năm nay là Tần thái thái nhà Tần tướng quân Thúc Bảo làm lễ bát tuần thượng thọ, am này được Thúc Bảo đứng ra làm hộ pháp, xuất tiền của ra đủ chi tiêu cho đến tận lúc nào hết đời mới thôi. 
Tuyến Nương nói: 
- Không biết vợ chồng Đơn tiểu thư nay ra sao? 
Lý phu nhân đáp: 
- Vợ chồng trẻ cả thì có gì là không tốt cho được! 
Địch phu nhân tiếp: 
- Đơn tiểu thư cũng đã có hai công tử rồi! 
Tiêu Hậu đứng dậy nói: 
- Chúng ta cùng lên Phật đường xem sao! 
Mọi người tay dắt tay tiến ra cửa, bỗng nghe tiếng chuông gióng giả, một ni cô thong thả đi vào, Tuyến nương nhận ra: 
- Công chúa đây rồi! 
Tiêu Hậu thấy một người ăn mặc bình thường, nhưng mặt mày xanh xao, nhìn kỹ mới nhận ra, bất giác thổn thức. Nam Dương công chúa quỳ ngay dưới gối nức nở mãi không thôi. Tiêu Hậu giơ hai tay nâng dậy: 
- Con đừng khóc nữa, hãy ra mà gặp người xưa chứ? 
Nam Dương bái chào Tuyến Nương: 
- Thân hèn yếu đuối, nổi trôi khắp chốn, may được công chúa dắt dẫn, nay được gặp lại, chẳng khác gì trong mộng. 
Tuyến Nương đáp lễ : 
- Gặp lại tiên dung khiến cho lòng trần cũng bớt phần xao xuyến. 
Nam Dương lại chào hỏi Hựu Lan, Dã Nhi. Tần phu nhân dẫn mọi người lên Phật đường, nến hương huy hoàng, vàng son sáng chói, rõ ràng cảnh Phật nghiêm trang. Tiêu Hậu chào hỏi các tiểu ni cô. 
Tuyến Nương hỏi: 
- Ba tiểu ni cô ít tuổi này, có lẽ là đồ đệ của hai vị phu nhân! 
Tần phu nhân đáp: 
- Đúng vậy, còn hai vị này là sư thái Chân Định, sư thái Chân Tĩnh, đã từng là đồ đệ của Cao lão sư thái. Tháp xá lỵ của Cao lão ở ngay phía sau, hãy chờ dùng cơm chay xong sẽ xin đưa đi thăm. 
Ai nấy nói: 
- Xin cho ra thăm ngay! 
Tần phu nhân dẫn đường, qua lại ba dãy nhà, đến một khoảng đất trống, phía sau là tường cao chất ngất, trước là một tháp chọc trời, được xây bằng đá trắng, những cột đá chạm trổ công phu, xung quanh là cổ thụ râm bóng, phía trước lại có thêm một bái đường, trông thật trang nghiêm. Tuyến Nương hỏi: 
- Đây là do các phu nhân tu tạo, hay là Cao lão để lại? 
Tần phu nhân đáp: 
- Cũng chẳng phải chúng tôi, chẳng phải Cao lão mà đều nhờ vào Tần tướng quân cả. 
Tiêu Hậu hỏi: 
- Tại sao lại thế? 
Các phu nhân liền đem chuyện Thúc Bảo ngày xưa lưu lại ở Lộ Châu ra sao, gặp Cao lão như thế nào, vì vậy mà đứng ra làm hộ pháp cho am để báo đền ơn đức. Ai nấy đều xuýt xoa khen. Tuyến Nương nói: 
- Tần phu nhân cho chúng tôi đến thăm phòng của các ni cô. 
Tiêu Hậu lại dẫn đầu, trước tiên là vào phòng của Tần phu nhân, cũng gồm ba gian vừa phải, trước sân là một khóm cúc vàng, phía sau là phòng của Địch phu nhân cùng với Nam Dương công chúa, tuy có hai gian nhưng cũng rộng rãi. Địch phu nhân nói: 
- Chúng tôi ở đây, thì đúng là nhà cỏ cửa trúc. Chỉ có phòng của Lý phu nhân cùng Hạ phu nhân mới thực suốt ngày rực rỡ nắng trời. 
Tiêu Hậu hỏi: 
- Ở chỗ nào? 
Địch phu nhân đáp: 
- Ở phía bên trái này! 
Hoa phu nhân giục: 
- Mau đến thăm để còn xuống thuyền nữa? 
Tần phu nhân nói: 
- Xin xơi cơm chay, rồi ở lại một vài ngày hãy đi. Nếu đi ngày hôm nay, sợ La tướng quân lại chê lũ xuất gia chúng tôi không có tình ý gì cả. 
Vừa nói vừa đi, Tần phu nhân tiếp: 
- Đây là phòng của Lý phu nhân. 
Tiêu Hậu bước vào, thấy tất cả các cửa đều mở rộng, ánh sáng soi đến tận giường, có cả một cửa sổ lớn hình tròn như mặt trăng, phía ngoài cửa là một gốc ngô đồng, cành đâm cả vào nhà. Bên cửa là một tiểu ni cô, đang ngồi tập viết. Tiêu Hậu hỏi ai, Lý phu nhân đáp: 
- Đây chính là em gái. Hãy mau ra lễ chào đi chứ? 
Tiểu ni cô lạy chào mọi người. Phía bên trong còn thấy một gian buồng, kê hai cái giường, có cả đệm chăn, rèm cửa, toàn bằng lụa gấm. Tiêu Hậu quay ra, ngồi xuống ghế của tiểu ni cô, giở mấy tờ giấy viết ra xem, khen: 
- Viết đẹp lắm, thư pháp rất tinh tế. Mấy tuổi rồi, pháp hiệu là gì? 
Tiểu ni cô cúi đầu thưa: 
- Tiểu tử Hoài Thanh mới bảy tuổi! 
Tiêu Hậu hỏi tiếp: 
- Gặp Lý phu nhân bao giờ, xuất gia đã mấy năm nay rồi? 
Lý phu nhân đáp thay: 
- Hoài Thanh xuất gia ngay ở quê nhà, nhưng vì quyến luyến, nên vẫn thường đi lại. 
Dã Nhi giục: 
- Ta lại phòng của Hạ phu nhân đi! 
Tiêu Hậu nói: 
- Nào, cả hai chị em Lý phu nhân cùng đi nữa? 
Rồi dắt tay Hoài Thanh, đến phòng Hạ phu nhân cũng hai gian, nhưng bài trí rất thanh nhã, gần giống như phòng của Lý phu nhân. 
Hạ phu nhân hỏi thăm chuyện Triệu Vương, Lý phu nhân cũng hỏi chuyện Hựu Lan từ ngày chia tay, thì thấy hai tiểu ni cô đến mời mọi người về ăn cơm chay, Tiêu Hậu lại dẫn mọi người về phòng khách. 
Tiêu Hậu nói: 
- Tần phu nhân thật quá cẩn thận, lại thêm thiệt có lòng, hôm nay quấy nhiễu thế này, ta thật áy náy vậy. 
Tần phu nhân đáp: 
- Chỉ xin nương nương cùng công chúa uống vài chén rượu, thì thật là phúc cho chúng tôi rồi. 
Địch phu nhân nói: 
- Những thứ này chúng tôi không dùng đến. Hạ phu nhân cùng Lý phu nhân hãy mời nương nương cùng các phu nhân uống nhiều vào. 
Thì ra Tần phu nhân, Địch phu nhân cùng Nam Dương công chúa đều không uống rượu. Hạ phu nhân, Lý phu nhân rót rượu mời mọi người, uống được mấy tuần đã ngà ngà say. Tiêu Hậu nói: 
- Rượu thì đừng ép nữa, sợ về thuyền không kịp nữa rồi. Xin hãy cho nghỉ một đêm vậy! 
Tần phu nhân hỏi: 
- Nương nương định nghỉ ở đâu? 
Tiêu Hậu đáp: 
- Xin đến phòng Lý phu nhân vậy. 
Ai nấy cùng mời Tiêu Hậu một chén nữa, rồi Hạ phu nhân dẫn Tuyến Nương, Hựu Lan cùng hai công tử về phòng, Tiêu Hậu, Dã Nhi thì đi theo Lý phu nhân. Tiết phu nhân dọn dẹp. Tiểu Hỷ hỏi Tiêu Hậu. 
- Nương nương định nằm ở giường nào? 
Tiêu Hậu vừa cởi áo vừa đáp: 
- Đêm nay ta ngủ chung với hai em phu nhân vậy. 
Hoài Thanh không nói, đứng mân mê vải áo. 
Lý phu nhân thưa: 
- Hoài Thanh ngủ hỗn lắm, lại hay nói mơ, chỉ sợ phá giấc ngủ của nương nương thôi. 
Tiêu Hậu đáp: 
- Nếu thế thì Tiểu Hỷ nằm với Hoài Thanh, ta cùng với Lý phu nhân vậy. 
Tiểu Hỷ đem chăn gối lại giường Hoài Thanh, Tiêu Hậu rửa ráy qua loa, rồi lên giường, cùng Lý phu nhân trò chuyện hết việc đạo đến việc đời, mãi tới canh hai mới ngủ. 
Tới canh năm, gà gáy được ba lần. Lý phu nhân khoác áo trở dậy, thắp đèn, đến bên giường Hoài Thanh khẽ gọi: 
- Hoài Thanh, ta lên tụng kinh sáng, hãy ngủ thêm một lát nữa, khi nào nương nương dậy nhớ hầu hạ cẩn thận. 
Hoài Thanh ngủ thêm một chốc, thì đã nghe thấy tiếng Tiêu Hậu gọi: 
- Tiểu Hỷ, Lý phu nhân đâu rồi? 
Tiểu Hỷ đáp: 
- Lý phu nhân lên đọc kinh trên Phật đường. 
Tiêu Hậu hỏi tiếp: 
- Hoài Thanh đâu? 
Hoài Thanh thưa: 
- Dạ cũng đang dậy. 
Rồi vội vàng sang giường Tiêu Hậu, Hoài Thanh mở màn, thưa: 
- Mời lệnh bà dậy, đêm qua lệnh bà ngủ có ngon không ạ? 
Tiêu Hậu đáp: 
- Hôm qua ta bị các phu nhân ép mấy chén rượu, lại cùng Lý phu nhân chuyện trò, nên ngủ một giấc say, mãi đến giờ. 
Tiểu Hỷ thưa: 
- Tần phu nhân đã đến! 
Tần phu nhân ở phòng ngoài nói với Tiết phu nhân: 
- Các vị quan khách đang đến tìm nương nương ở ngoài kia rồi! 
Tiêu Hậu hỏi: 
- Những ai ở ngoài ấy? 
Tần phu nhân đáp: 
- Có Vương Đại phu cùng bốn năm người khác đến tìm Tiết phu nhân sớm, đang ngồi ở trái phòng phía đông. 
Các phu nhân họ Địch, họ Lý, họ Hạ đều muốn giữ lại. Dã Nhi ra gặp Vương Nghĩa, Vương Nghĩa giục lên đường. Tiêu Hậu nói: 
- Còn việc chính của ta nữa, phải lên đường thôi! Ta còn phải đi viếng mộ tiên đế, cùng vào bệ kiến nữa kia. 
Mọi người xúm lại sắp xếp cho Tiêu Hậu với các phu nhân, Tuyến Nương nói: 
- Xin nương nương cảm tạ các phu nhân rồi chúng ta xuống thuyền thôi! 
Tiêu Hậu lấy sáu lạng bạc, Tuyến Nương thì mười lạng, gói cẩn thận, đưa biếu Tần phu nhân để thêm vào việc chi dùng. Dã Nhi cũng đưa bốn lạng, Tần phu nhân không cầm, Tiêu Hậu phải đưa cho Lý phu nhân, Lý phu nhân ba bốn lần từ chối rồi mới nhận. Tiêu Hậu tặng Nam Dương công chúa mấy thứ thổ nghi, cầm tay công chúa mà rằng: 
- Xưa sao đầy đặn như đóa phù dung, sao nay trông như dáng mai, dáng cúc thế này? 
Nam Dương nghẹn ngào: 
- Tu Phật là tu ở tâm, nào phải ở cái vẻ bề ngoài đâu. 
Ai nấy đều không ngăn được nước mắt, rồi kéo nhau lên phòng khách. Tần phu nhân mời Tiêu Hậu cùng mọi người ăn cơm chay. 
Tiêu Hậu đưa tặng một gói quà, Tần phu nhân đứng ra nhận. Rồi cả đoàn đứng dậy ra cửa am. Nam Dương công chúa cùng các phu nhân nước mắt chứa chan, nhằm mọi người xuống thuyền, rồi mới quay về. 
Bỗng thấy Tiểu Hỷ chạy lên, Địch phu nhân hỏi: 
- Sao lại quay lại? 
Tiểu Hỷ thưa: 
- Nương nương bỏ quên hộp trang sức ở phòng Lý phu nhân. 
- Xin đa tạ các phu nhân! 
Nói rồi chạy vội xuống thuyền. Thuyền giương buồm, chạy một lèo tới tận Bộc Châu. Lại lên kiệu, lên ngựa, La Thành xếp đặt sẵn sàng, sai năm mươi tên lính, hộ tống Tiêu Hậu đến tận mộ Lôi Đường, rồi hẹn đón Tiêu Hậu ở bến Thanh Giang cùng về kinh, ai nấy lại chia tay. 
Chính là: 
Non nước đón mừng ai bạn cũ 
Khách tình suông viếng nấm mồ xưa. 

*** 

Không nói chuyện La Thành, Tuyến Nương, Hựu Lan cùng hai công tử về Lôi Hạ viếng mộ Tào Hoàng hậu, chỉ nói chuyện Tiêu Hậu cùng vợ chồng Vương Nghĩa đi mấy ngày đã tới Dương Châu, quan nha sở tại ra đón. Tiêu Hậu nói với Vương Nghĩa: 
- Lúc này là lúc nào mà đòi quan nha đón rước. Mau bảo họ trở về không phải thế nữa. 
Quan lại liền quay về, chỉ thấy một người dáng thanh thoát, râu ba chòm dài đẹp, đội mũ vuông, mặc lễ phục, sai gia nhân đưa thiếp trình Vương Nghĩa. Vương Nghĩa kinh ngạc: 
- Dạo trước theo hầu nhà vua đi Dương Châu, ta đã từng gặp Giả Nhuận Phủ tiên sinh một lần, sau làm tư mã cho Ngụy Công, danh tiếng rất lớn, nay sao lại giữ chữ tiết nghĩa không chịu làm quan với nhà Đường mà lại tìm đến đây vậy? 
Vội vàng chạy ra đón, chào lễ chuyện trò. Nhuận Phủ nói: 
- Tiểu đệ năm ngoái chuyển từ Lôi Hạ sang ở vùng này, chỉ cách lăng tiên đế khoảng hai ba dặm, nên xin cứ tạm dừng kiệu của nương nương tại tệ xá, rồi chúng ta thu xếp đâu đấy, hãy vào lăng làm lễ cũng không muộn vậy. 
Vương Nghĩa chưa kịp đáp, thì đã thấy hai viên thái giám đến trước thưa rằng: . 
- Vương Đại phu đã tới rồi sao, Tiêu nương nương hiện ở đâu? 
Vương Nghĩa đưa tay chỉ: 
- Đang ở kiệu lớn phía sau! 
Hai viên thái giám vội chạy lại, quỳ ngay bên kiệu thưa: 
- Tâu hoàng hậu, tiểu thần xin lạy chào! 
Tiêu Hậu vén rèm, nhìn rồi hỏi: 
- Các ngươi có phải là Lý Vân với Mao Đức ở Trung Thượng cung không? Sao giờ lại ở đây? 
Lý Vân cùng Mao Đức thưa: 
- Đương kim thiên tử lệnh cho hai tiểu thần coi sóc lăng của Tùy tiên Dượng Đế ạ! 
Tiêu Hậu nói: 
- Nghĩ đến ngày xưa các ngươi ở trong cung, quyền hành là thế, nay lưu lạc ra đây, coi giữ cô phần thế này sao? 
Lý Mao thưa: 
- Hương án, nhạc khí cùng các thứ lễ vật bày biện xong xuôi, sẵn chờ hoàng hậu vào làm lễ. 
Tiêu Hậu nói: 
- Những thứ này ta chẳng hề sai sắm sửa, các ngươi lấy ở đâu ra? 
Lý Vân thưa: 
- Ba ngày trước đây, hiến ty của La tướng quân mang đến chờ sẵn. 
Tiêu Hậu nói với mấy tên lính đi theo: 
- Các ngươi hãy lại thưa với Vương Đại phu, trước lăng tiên đế chỉ cần bày đủ tam sinh, cùng với rượu vàng giấy, còn lại bao nhiêu, thưởng cho lính tráng sở tại rồi cho họ về trước. Ta sẽ vào làm lễ. 
Vương Nghĩa vội cùng Nhuận Phủ về nhà, xếp sẵn một ít quà thưởng, đến cửa lăng, phát cho lính tráng, cho họ về trước, rồi cùng bốn tên trong đội lính hộ tống vào xếp đặt mọi thứ. Tiêu Hậu thay áo tang trắng bằng lông chim, lên kiệu ngồi, lòng vô hạn cảm thương, mắt nhòa lệ, đến cửa lăng, lệnh cho dừng kiệu. Tiểu Hỷ đỡ xuống cùng với Dã Nhi vừa khóc vừa bước vào lăng. Bia đá cao ngất trời mây, xung quanh cây che rợp bóng, bên cạnh lăng lớn còn nhiều mộ nhỏ khác. Ở giữa trồng một cây quế lớn, bốn bên là những hàng bia đá, ghi rõ nào là "Liệt phụ Chu Quý Nhi Mỹ nhân linh vị", "Liệt phụ Viên Bảo Nhi Mỹ nhân linh vị". Hai hàng tả hữu cũng có bia của Tạ phu nhân, Lương phu nhân, Khương phu nhân, Hoa phu nhân, Tiết phu nhân cùng Ngô Giáng Tiên, Hạnh Nương, Thỏa Nương, Nguyệt Tân. Đó chính là công của Trần Lang, thái thú Quảng Lăng, tìm được hài cốt ở các nơi, đem về đây mai táng. Vương Nghĩa lẫn Tiêu Hậu xem qua, cỏ xanh phủ mộ khắp lượt, khiến Tiêu Hậu thấy lòng ngao ngán thương người cảm tình. Tiêu Hậu nằm lăn ra cỏ, khóc lóc một hồi, rồi nỉ non: 
- Tiên đế đi đâu, Tiên đế chết đi còn có bao nhiêu người theo cùng, thân phận thiếp bây giờ ra sao đây? 
Tiết Dã Nhi quanh quẩn bên mộ Chu Quý Nhi, đem những lời dặn dò thuở xưa, về chuyện ký thác trông coi Triệu Vương cùng với Sa phu nhân. Nay Triệu Vương đã nên Chính Thống Khả hãn, không phụ sự ký thác của Quý Nhi, kể lại một lượt trước mộ rồi gào khóc thảm thiết, tưởng như có thể chết được vậy! 
Vương Nghĩa thấy Dã Nhi khóc lóc còn hơn cả Tiêu Hậu, sợ có chuyện gì, liền sai Tiểu Hỷ: 
- Ngươi hãy mau mau lại khuyên giải phu nhân. 
Tiểu Hỷ cùng bọn hầu gái vội lại đỡ Tiêu Hậu, đốt vàng, rót rượu. Tiêu Hậu cùng Dã Nhi lên kiệu để về. Vương Nghĩa ra trước lăng tiên đế, gào lớn: 
- Tiên đế trước mặt, thần là kẻ lùn Vương Nghĩa, nay đã về đây. Lúc ấy đáng ra thần phải được chết với nước, theo bệ hạ về dưới cửu tuyền, nhưng bởi vì bệ hạ còn ký thác cho Triệu Vương, nên phải cố sống thừa mấy năm. Nay Triệu Vương đã làm chủ một phương, được làm Khả hãn Chính Thống, tiên đế hãy an lòng, thần lại xin theo để hầu hạ tiên đế như xưa! 
Nói rồi đứng dậy, nhìn vào bia đá, mà lao đầu vào thật mạnh. Ai nấy gào như điên loạn: 
- Vương Đại phu? Sao lại làm thế? 
Lúc này Tiết Dã Nhi đang định lên kiệu, vội quay ngay lại, chạy như bay tới, hét lớn: 
- Các người lui ra! 
Dã Nhi xem ra, thì thấy đầu Vương Nghĩa đã vỡ đôi, máu huyết đầy đất nhưng hai mắt vẫn mở trừng trừng, không chịu khép. Dã Nhi nói như người trong mê: 
- Phu quân đã làm xong chức phận thần tử nhà Tùy, phu quân hãy mau về hầu hạ tiên đế. Thiếp xin đi thưa chuyện với Chu Quý Nhi rồi sẽ quay lại. 
Nhìn ra thì đôi mắt Vương Nghĩa đã khép lại, Dã Nhi liền đến bên mồ Quý Nhi, lao thẳng đầu vào bia đá. Thương ôi! Hương tan, ngọc nát, máu đỏ loang đầy cỏ xanh trước mộ, đã thành u hồn chốn dạ dài. 

Nhuận Phủ vội cho người báo với Tiêu Hậu, Tiêu Hậu ngồi trên kiệu, kinh hoàng nghĩ: "Đúng là hai đứa ngu dốt. Chúng nó chết rồi, bây giờ ai đi với mình đến bến Thanh Giang đây?" 
Nhuận Phủ hỏi: 
- Nương nương có lại xem không? 
Tiêu Hậu nghĩ ngợi, trả lời: 
- Đến xem là phải muốn cùng chết với họ kia chứ. Thôi thì mau dọn dẹp đi cho xong? 
Rồi lấy ra năm mươi lạng bạc, đưa cho Nhuận Phủ: 
- Phiền tiên sinh mua hai quan tài, chôn cất cả hai. Còn bây giờ ta phải đến bến Thanh Giang gặp La Tướng quân, thì làm thế nào bây giờ? 
Nhuận Phủ thưa: 
- Xin nương nương đừng ngại, chờ thần qua nhà, sẽ đưa nương nương đi! 
Tiêu Hậu nói: 
- Nếu như thế thì thật khó nhọc cho tiên sinh? 
Nhuận Phủ về, giao bạc cho con, sai mua quan tài lo việc khâm liệm, rồi lên ngựa, cùng Tiêu Hậu lên đường. 
Không biết sự thể ra sao, hãy xem hồi sau sẽ rõ.


 Nguồn maxreading.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved