Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

5 thg 11, 2013

Tùy Đường diễn nghĩa- Chữ Nhân Hoạch Hồi 71,72

HỒI 71

Vũ Tài nhân nuôi tóc lại về cung,
Tần Quận quân dựng phường được ân sủng.

Từ rằng: 
Cảnh vật chiều người đẹp xiết bao 
Bụi trần không dính tẻo tèo teo 
Tương phùng mừng rỡ đâu ngờ thế 
Đoán định từ xưa gỡ mối sầu 
Gió mát trăng thanh ước hẹn nhau 
Cửa ngoài không cần bánh xe mau 
Đầy hoa trần thế, ai ai biết 
Vạn vật đua tươi khắp gác lầu 
Tình càng sâu, ơn càng sâu 
Mây trôi nước chảy khác màu năm xưa. 
Theo điệu "Thiên tiên tử “ 


*** 

Nay không nói việc Đường Cao Tôn lên chùa Cảm Nghiệp hành hương trở về cung, hãy nói chuyện Vũ Tài nhân trở về phòng. Hoài Thanh chúc mừng: 
- Phu nhân gặp thời rồi! Hoàng thượng giáng lâm lệnh cho phu nhân để tóc, sẽ sai người đón về, lại được cai quản Chiêu Dương Cung, cũng chỉ vài ngày nữa là cùng. Nhưng phu nhân có vẻ nghĩ ngợi gì thì phải? 
Vũ Mị Nương đáp: 
- Trở về cung để được hoàng thượng sủng ái, từ lâu đã dự liệu thế rồi, nào phải là chuyện không tính đến. Nhưng giờ còn việc của Phùng Tiểu Bảo, vì ba người chúng ta đây mà phải cắt tóc làm hòa thượng, phải trù liệu sao cho xứng giờ? 
Hoài Thanh đáp: 
- Phu nhân chẳng phải băn khoăn cho Tiểu Bảo. Hãy thử hỏi xem ý họ Phùng ra sao đã. 
Tiểu Bảo bước bảo phòng, hỏi: 
- Sao ai nấy lại ngồi yên lặng thế này? 
Tiểu Hỷ đáp: 
- Vũ Phu nhân cùng Hoài Thanh đang ngồi lo lắng cho họ Phùng đấy! 
Tiểu Bảo nói: 
- Các người thật là ngốc nghếch. Vũ phư nhân cũng chẳng hiểu hết được việc này, chỉ có Hoài Thanh là biết ít nhiều. Họ phùng nay trên không cha mẹ, dưới chẳng anh em, vợ con gì cả, có bao giờ dám nghĩ tới chuyện mở mày mở mặt, chỉ mong sao sống yên hàn ở quê nhà. Nay may gặp phu nhân, được cùng Hoài Thanh chia lần sẻ ái, đội ơn được gần ngọc thể, lại được Tiểu Hỷ sớm tối gần gũi. Tình nặng nghĩa dày này, đừng nói vì ba người mà phải cạo trọc đầu, mà dẫu có chết chăng nữa cũng không dám tiếc. 
Hoài Thanh hỏi: 
- Nhưng đã xuất gia đầu Phật, chẳng còn tính chuyện gia thất, sinh con đẻ cái thì sao? 
Tiểu Bão đáp: 
- Thì cũng chẳng khác gì những người đàn bà, cắt tóc làm ni cô , suốt cả đời ở trong chùa chẳng đi đâu. 
Vũ Phu nhân nói: 
- Nếu như thế, họ Phùng gặp được chỗ ưng ý rồi, chẳng còn tưởng gì đến chúng ta nữa sao? 
Tiểu Bảo đáp: . 
- Chẳng làm gì có chuyện đó, Nhan sắc như phu nhân trên đời này ít có ngay đến cả hai vị đây cũng còn khó tìm. Chỉ mong sao phu nhân còn nhớ đến khi đã vào cung, tâu với triều đình, cho họ Phùng này làm sư trụ trì chùa Bạch Mã, thế đã là vinh hạnh lắm rồi. Gì chứ hạng quan tước trong đám hòa thượng thì họ Phùng này cũng làm được. 
Hoài Thanh nói: 
- Chuyện này thì có khi chẳng cần đến hoàng thượng nữa kia, mà chỉ biết Vũ Phu nhân cũng có thể thừa sức làm cũng chưa biết chừng. 
Vũ Phu nhân cười: 
- Hãy khoan tranh cãi, chỉ cần họ Phùng trong lòng còn nhớ đến chúng ta là được rồi. 

Tiểu Bảo quỳ xuống mà thề: 
- Có trời xanh ở trên đầu, nếu Phùng Hoài Nghĩa này mai kia mà quên ân tình của Vũ Phu nhân, cùng ni cô Hoài Thanh, Tiểu Hỷ cô nương thì trời chu đất diệt. 
Vũ Phu nhân cởi chiếc áo lót, Hoài Thanh cởi vòng ngọc như ý, Tiểu Hỷ cởi áo thô đang mặc đưa tặng Tiểu Bảo. Đang lúc đinh ninh thề thốt, thì thấy Trường Minh xách một hồ rượu, bà vãi già bưng thức ăn bày trên bàn. Trường Minh nói: 
- Hôm nay bần tăng rót rượu tiễn hành Phùng Hoài Nghĩa, xin đừng bao giờ quên bần tăng. Chỉ cần nhớ là trước mặt thiên tử, bần tăng đã nhận là cháu. Đêm nay đáng ra Hoài nghĩa phải ngủ ở phòng bần tăng mới đúng nhưng bần tăng tuổi đã cao rồi, chẳng dám tiếp. Chỉ mong khi đến chùa Bạch Mã, họ Phùng hãy kiếm được ít nhiều đồ đệ giỏi giang. Còn bây giờ xin uống cạn chỗ rượu này, rồi sáng mai còn lên đường đến Bạch Mã. 
Nói xong, Trường Minh đi ra, Tiểu Bảo cùng Vũ phu nhân, Hoài Thanh, Tiểu Hỷ mãi tới canh năm hôm sau, nghe tiếng chuông chùa, mới trở dậy thu thập hành trang. Cả bọn nước mắt ngắn dài, tiễn tiểu Bảo rờỉ khỏi chùa. Chuyện không nóỉ nữa. 
*** 
Lại nói Cao Tôn mấy ngày sau, sai quan tới đưa Vũ Tài nhân cùng Tiểu Hỷ về cung, phong từ tài nhân lên chiêu nghi. Cao Tôn thỏa nguyện, còn Vũ Chiêu nghi thì quả là thời vận đã đến, ngay năm sau sinh một con trai, năm tiếp lại sinh một gái.


 Cao Tôn lại càng quý trọng, cả đến Vương Hoàng hậu, rồi Tiêu Thục phi, giờ đây ơn cũng đã kém, nhân thấy Vũ Chiêu nghi sinh con gái, đều tới thăm. Hoàng hậu mới ra khỏi, Vũ Chiêu nghi lẻn vào, bóp cổ cho chết. Gặp lúc Cao Tôn tới cung, Chiêu nghi gọi Vũ vào chơi với con gái, kéo chăn ra xem, thấy đã chết, kinh ngạc tra xét tả hữu. Trên dưới đều thưa hoàng hậu vừa mới từ chỗ công chúa ra khỏi. Cao Tôn cả giận mà rằng: 
- Hoàng hậu giết con gái trẫm! 
Vũ Chiêu nghi cũng khóc lóc mà kể thêm nhiều tội của Hoàng hậu. Vương Hoàng hậu không tài nào tự thanh minh nổi cho mình, vì vậy Cao Tôn đã có ý phế hoàng hậu từ đấy. 
Một hôm thoái triều, Cao Tôn với Trưởng Tôn Vô Kỵ, Từ Mậu Công (1), Chủ Toại Lương, Vu Chí Ninh vào nội điện. Toại Lương thưa: 
1 Từ Mậu Công được phong quốc tính nên nhiều chỗ xưng là Lý Mậu Công. 
- Nhưng việc quan trọng hiện nay đều là việc trong cung. Chúng thần chịu ơn cố thác, không dám không liều chết mà làm tròn, để mai này còn thấy tiên đế dưới chín suối. 
Mậu Công cáo bệnh không vào. Vô Kỵ vào đến nội điện, Cao Tôn hỏi: 
- Hoàng hậu không con. Vũ Chiêu nghi có con trai. Nay ý muốn lập Chiêu nghi làm hoàng hậu thì sao? 
Toại Lương thưa: 
- Tiên đế sắp mất, cầm tay bệ hạ, nói với chúng thần: "Con trai trẫm giỏi, con dâu ngoan, nay giao lại cho các khanh!". Những lời này bệ hạ cũng nghe, tưởng như còn văng vẳng bên tai. Nay hoàng hậu chưa có tội lỗi gì rõ ràng, sao lại có thể dễ dàng phế truất cho được. 
Cao Tôn không bằng lòng. 
Toại Lương thưa: 
- Bệ hạ muốn thay hoàng hậu, thì hãy xin chọn những con gái lệnh tộc thế gia trong thiên hạ, sao lại cứ phải chọn Vũ. Bởi vì họ Vũ đã từng thờ tiên đế, người người đều biết chuyện này, mai sau bệ hạ sẽ nói năng thế nào với nghìn đời sau? 
Rồi đặt hốt ở trên thềm, dập đầu đến chảy máu. Cao Tôn cả giận, sai thái giám dẫn ra khỏi cung. Chiêu nghi ở phía trong rèm quát lớn: 
- Sao không giết quách thằng mọi già ấy đi? 
Vô Kỵ thưa: 
- Toại Lương nhận cố mệnh của tiên đế, dẫu có tội đi nữa cũng không thể gia hình được. 
Hàn Viện, nhân lúc tâu việc, khóc lóc mà can gián hết lòng, nhưng Cao Tôn cũng không nghe. Cách mấy ngày sau, trung thư xá nhân Lý Nghĩa Phủ vào cung dâng biểu xin lập Vũ Chiêu nghi. Gặp lúc Mậu Công vào triều, Cao Tôn hỏi: 
- Trẫm muốn lập Vũ Chiêu nghi làm hoàng hậu, trước đã hỏi Toại Lương, đều thưa không nên, ý khanh thế nào? 
Mậu Công tâu: 
- Đây là việc trong nhà của bệ hạ, việc gì phải hỏi người ngoài. 
Hứa Kính Tôn đứng bên lại bàn vào thêm: 
- Ông lão làm ruộng thu thêm được mươi đấu lúa mạch, còn muốn thay vợ, huống chi thiên tử! 
Cao Tôn liền quyết ý, phế Vương Hoàng hậu, Tiêu Thục phi làm thứ dân, sai Mậu Công đem giấy thao, dùng ngọc tỷ, sắc phong làm đô đốc Đàm Châu, rồi lại biến làm Ái Châu thứ sử (1) đến nỗi phải chết. Từ đó trở đi, Vũ Hậu tha hồ làm loạn trong triều đình, ra vào chẳng còn kiêng kỵ gì nữa. Lúc nào cũng theo Cao Tôn lên điện nghe việc triều chính, trong ngoài vậy là có hai vua một lúc. Cao Tôn bị sắc dục làm cho hôn ám, trong lòng càng thêm sợ Vũ Hậu, sai quan đến phong cho Phùng Hoài Nghĩa làm trụ trì chùa Bạch Mã, lại lệnh cho Hành nhân tư đón phụ mẫu Vũ Hậu về kinh sư, phong cho Vũ Sĩ Hoạch làm tư đồ, tước Chu Quốc Công, phong Dương Thị làm Vinh Quốc Thái phu nhân, bọn Vũ Tam Tư đều được vào ra mắt Cao Tôn, ban cho quan tước ở kinh sư. Lòng căm giận với Vương Hoàng hậu cùng Tiêu Thục phi vẫn chưa nguôi, sai người chặt tay, chặt chân, vứt vào trong chum rượu mà rủa: 
- Hai con tiện tỳ, xưa kia sỉ nhục ta đến thế, nay hãy cho xương thịt nát nhừ trong vài ngày, mới làm ta hả giận được. 
1 Thời thuộc Đường, nước ta là Giao Châu đô hộ phủ, mãi tới năm 679 đổi thành An Nam đô hộ phủ, gồm mười hai châu. Ái Châu chính là Thanh Hóa ngày nay. 
Rồi thả cửa hoang dâm. 
Vũ hậu vốn vẫn ngầm giữ một ý lớn nữa, muốn sao cho Cao Tôn mau chết, nên lại càng làm ra vẻ đăm chiêu xinh đẹp, đến nỗi Cao Tôn hai mắt khô xác, đi đứng không vững, các tấu chương của trăm quan đều sai Vũ Hậu quyết đoán. Vì cũng đã từng học qua văn sử, lại vốn thông minh nhanh nhẹn, mọi sự đều rất vừa ý Cao Tôn, nên lại được ban thêm hiệu là thiên hậu. 




Một hôm Cao Tôn nhân trong người đờ đẫn, mắt mờ tối phiền muộn, nên nói với Thiên Hậu: 
- Trẫm với khanh suốt ngày này sang ngày khác ở trong cung, bệnh mắt làm sao cho khỏi được. Nghe nói Trung sơn rất tráng lệ, trẫm cùng khanh đi chơi một chuyến, cho mắt được mở rộng khoan khoái, có nên chăng? 
Thiên Hậu dạo còn Vương hoàng hậu, Tiêu Thục phi được sủng ái chưa từng được đi đâu, liền đáp: 
- Việc này nên lắm! 
Cao Tôn liền lệnh cho nội cung sắp sẵn xe loan, nghi trượng, cờ quạt, đội ngũ, cung nữ. Cao Tôn cùng Thiên Hậu len xe song loan ngồi. Thiên hậu nói: 
Trăm quan còn có việc công, cũng chẳng cần phải đi theo nhiều làm gì, chỉ cần đem theo bốn năm trăm ngự lâm quân là đủ rồi. 
Cao Tôn liền truyền cho các quan lớn nhỏ, không phải theo ngự giá, mà trở về nha môn coi sóc công việc. Nghi vệ cũng chỉ cần một ít cờ hiệu, đội ngũ nghiêm chỉnh, gọn gàng khởi hành. Trên đường ngày đi đêm nghỉ, qua các châu huyện đã có sẵn các quan lại đón rước cung phụng. 
Đến Trung Sơn, núi cao từng từng lớp lớp, chim chóc rộn ràng, trước chùa là dãy cầu đá, sông nước réo vang, lại thêm giữa tiết thu, lá đỏ như hoa, bay tung khắp cao thấp, nhìn vào cảnh chùa, vàng tía huy hoàng, chỉ đáng tiếc là tòa điện nhỏ ở sau chùa đã bị thiêu cháy, còn chưa thu dọn xong. Nhân trời đã về chiều, lại được nhìn cảnh mặt trời đỏ hồng tỏa ánh khắp núi non, ngắm nghía một hồi, liền lên xe loan trỡ về. Thiên Hậu ngồi ngây ra vẻ nghĩ ngợi. Cao Tôn hỏi: 
- Hoàng hậu lo lắng điều gì chăng? 
Thiên Hậu đáp: 
- Xin cho nghĩ thấu đáo đã! 
Rồi lấy giấy loan tiên viết bài thơ. 
Cao Tôn thấy Thiên Hậu viết xong, cầm lấy đọc, tán thưởng: 
- Thật là từ điệu mới mẻ, díễm kiều, mà ý tứ lại mang được cốt cách cổ xưa, thanh nhã, thật đúng ngòi bút của bậc đại thần ở viện hàn lâm, đâu phải là vài câu viết chơi của bậc giai nhân? Hay lắm! Hay lắm! 
Đi vài ngày, lại đã về đến cung, đại thần ra đón xa giá tâu: 
- Từ Mậu Công ốm bệnh hơn nửa tháng nay, canh ba đêm qua vừa mới qua đời. 
Cao Tôn nghe nói, lấy làm thương cảm, ban tên thụy là "Trinh Vũ”, cho con Kính Nghiệp, lập tước Anh Công. 
Cao Tôn nhân có thiên Hậu quyết đoán, mọi sự bình thường, lòng càng hoan hỷ. Thiên Hậu nhân xem các tấu chương của công thần, thấy có Tiết Nhân Quý đi đánh dư đảng của Đột Quyết, chỉ bắn ba mũi tên, mà định yên vùng Thiên Sơn, bèn than rằng: 
- Mấy vạn hùng binh, mà không bằng ba mũi tên của Nhân Quý. 
Bèn hỏi Cao Tôn: 
- Người này tuổi tác ra sao? 
Cao tôn đáp: 
- Chỉ trong vòng ba mươi tuổi. 
Thiên Hậu nói: 
- Đợi lúc nào vào triều kiến, thiếp phải nhìn lén xem sao? 
Cao Tôn lâm triều, Nhân Quý vào phục chỉ, Thiên Hậu từ trong rèm lén nhìn thấy Nhân Quý tướng mạo oai hùng, trong lòng rất thích, liền nói khéo với Cao Tôn, đem Tiểu Hỷ ban cho Nhân Quý. 
Thiên Hậu bày yến ở vườn Hoa Lâm, mời mẫu thân Vinh Quốc phu nhân cùng với Tam Tư. Cao Tôn dự một hồi, rồi phải cùng các đại thần bàn việc nên đứng dậy. Vinh Quốc phu nhân thay y phục với Thiên Hậu, Tam Tư dạo chơi xem cảnh ngự uyển. 
Dạo chơi một vòng, Vinh Quốc phu nhân lên xe về phủ. Tam Tư đợi cho phu nhân đi khỏi, thay y phục, lên điện dạo, rồi quay về. Thiên Hậu cũng về cung. Chuyện không nói nữa. 
*** 
Lại nói chuyện Bái Vương Hiền, Chu Vương Hiển, nhân trong cung vô sự, đều xuất tiền của cùng nhau lấy việc chọi gà làm vui, cũng là chuyện ăn thua luôn. Lúc này Vương Bột (1) làm bác sĩ, tuổi thiếu niên nhưng đa tài, hai vương đều rất thích giao du với Vương Bột. Bột lại thích vui chơi, ăn uống, nhân đó làm bài "Đấu kê hịch" 

(Hịch chọi gà) sau đây: 


Mảng nghe: 
Sao Liễu (2) nhị thập bát tửu, tin rừng dương đức rất tôn 
Ngất trời Dịch quẻ trung phu, tên gọi hàn âm (3) thực quý 
Hết đêm đến sáng gáy eo óc, đánh thức người khỏi giấc mộng hồn 
Gội gió dầm mưa riêng cúc cu, gợi tông bạn nàng bầu tình tứ 
Xử Tông bên cửa trò chuyện thao thao (4) 
Tổ Địch trước giường múa gươm loang loáng(5) 
Mượn vóc dáng làm khăn đội, cung vua Chu có tốp lính cầm canh (6) 
Cắt đúng kiểu làm mũ che, cửa thành Khổng có học trò nghĩa dũng (7) 
Cửa Tần gáy sớm, mừng công tử thoát bước nguy nan (8) 
Đất Tề gáy ran, vui dân chúng sống đời trù phú (9) 
Không một tin chắc chăng, dân làm lễ bói (10) 
Có chiếu đại xá đấy, treo lên ngọn tre (11) 
Ăn thừa thuốc Hoài Nam, bay lên trời, được thành tiên cả (12) 
Nằm trên ổ họ Dương, nhìn xuống đất, vẫn trẻ con thôi (13) 
Được gọi là đức cầm 
Thật không phải phàm điểu 
Đầu đội mào là văn, chân mang cựa là võ 
Điền Nhiêu kể đủ năm đức cao(14) 
Gặp con mái nghiệp bà, bắt con trống nghiệp vương 
Tần Doanh phúc hưởng hai điềm tốt 
Chính cống thật nòi kêu quang quác 
Đầu thai khác kiếp gáy cúc cu (15) 
Con nhặng xanh sao dám lẫn tiếng ta (16) 
cái dế tía sao dám mang tên mõ (17) 
Ví bằng giương đôi cánh, hòng bay cao tít 
Sao lại chặt lông, để sống yên lành (18) 
Đá cựa, dấn mình hiển vinh đã cực 
Mài vuốt, giương cánh, chiến đấu nào chùn
 
Cánh ngài Hậu, cựu ông Quý, cũng quan đại phu(20) 
Nhảy chuồng rộng, đậu cục cao đáng mặt địch quốc 
Hai trống khó mà chung đứng 
Một mõ dễ lại chịu yên 
Nuôi oai điên tiết nghỉ hơi 
Nổi giận thì gan chọc tức 
Oai phong tựa như gỗ (21) Nào! Nhảy một giò, co hai cẳng hăng chí lên 
Ứng chiến như thần. Tiến! Chống ngược đít, nguýt phao câu, chúc đầu xuống 
Láng gềng, hàng xứ, nòi giống nó, đà ngay 
Chú bịp, cô ngan, anh em ta, thắng hết 
Dũng vô cùng như diều như ó 
Phềnh hết cỡ như ưng như chiên 
Dù ít dù nhiều, thề rằng: cái lông cuối cùng cũng nhổ trụi 
Kẻ hèn, kẻ mạnh, nói thật cái mỏ độc nhất là cứ dài 
Ngẩng đầu lên, xông vào! Dáng đứng chim hạc 
Vỗ cán mạnh tiến tới kiểu bay chim bàng 
Hăng hái mà còn, thì đáng dâng lên tiệc ngự 
Vặt lông cho hết, không để chúng gáy xằng (22) 
Chẳng cần hồn tắm nước dùng 

t phải mang thui lửa bếp 
Tin than lông chớp nhoáng,(23) ù ù cạc cạc, ngỗng vịt hoảng hồn 
Trận xương máu sấm ran, tu hú rù rì, diều hâu hoan hỷ 
Thêu hình gà vào trướng lụa, thà làm đầu mỏ nhưng chẳng thẹn thùng (24) 
Chạm hình gà lên đá bia, cố gặm miếng gân mà không vứt bỏ (25) 
Nhược bang ải quan trái lệnh 
Tức khắc cửa huyện gia hình (26) 
Gà mái mà gáy, loạn đạo nhà, xẻo me! 
Không nuốt như lợn nữa 
Gà trống mà ấp, nghịch phép nước, cắt tiết! 
Có dao mổ trâu đây! 
Nay hịch! 


1 . Vương Bột (649 - 676) tự Tử An, người Thái Nguyên, sáu tuổi đã nổi tiếng hay thơ. Được nhiều người biết là bài "Đằng Vương các tự", để lại một tập thơ 16 tập. Sang thăm bố làm quan ở Giao Châu (tức Việt Nam ta), bị đắm thuyền mà chết. (Từ điển tác giả) 
2 Sao Liễu trong nhị thập bát tú, quy tụ nhiều khí dương, biểu thị sức mạnh nên được lấy để so sánh với tính hiếu thắng của gà. 
3 Quẻ Trung phu có câu: "Hàn âm đăng vu thiên", và quẻ Tốn trong kinh Dịch, đều chỉ con gà. 
4 sách “U minh lục" có kể đời Tấn, thứ sử Duyên Châu là Tống Xử Tông, mua được một con gà gáy rất hay, nuôi trong lồng, đặt trước cửa sổ. Tự nhiên con gà biết nói. Người và gà cùng trò chuyện. Xử Tông nhờ đó hiểu biết thêm nhiều, ra giúp vua; làm nên sự nghiệp hiển hách. 
5 xem chú thích hồi thứ 25. 
6 các Vua đều đặt lính canh đêm, đánh trống mõ cầm canh như gà gáy, đội mũ hình mào gà. 
7 Tử Lộ là học trò của Khổng Tử, được Khổng Tử khen là dũng. 
8 Đông Chu liệt quốc: Mạnh Thường Quân trốn sang Tần, cửa ải Hàm Cốc còn tối vẫn đóng, tay chân của Thường Quân gia làm tiếng gà gáy, gà xung quanh gáy theo, lính canh nghĩ trời sáng, mở cửa cho Thường Quân trốn thoát. 
9 Khổng Tử cùng học trò qua đất Tề, nghe gà gáy ran, biết là dân tình ở đây trù phú.
10 Dân gian thường lấy xôi gà cúng, xem chân gà để đoán may rủi. 
11 Theo "Bắc Tề sử". Vua mới lên ngôi, xuống chiếu đại xá thiên hạ, trong một cây tre cao ở ngay cửa thành, buộc trên một con gà trống vàng, dưới treo bảng đại xá cho thiên hạ biết. Với ý rằng sao Thiên Khê nhấp nháy báo hiệu tội phạm được tha. Các đời vua sau bắt chước thế. 
12 Sách “luận hành": Hoài Nam vương Lưu An luyện được thuốc tiên, cả nhà uống thành tiên. Chó, gà ăn thuốc ở đáy cối cũng thành tiên cả, bay lên gáy, sủa vang trên mây. 
13 Theo "Đông minh tục": Có người vượt biển giáp giới Quỳnh Châu gặp Dương Hà Cử, 81 tuổi, cùng về nhà, gặp bố là Thúc Liên đã 122 tuổi, ông nội Tống Khanh, 195 tuổi. Trong khi trò chuyện thì từ trên gác, trong một cái ổ, thò ra một cái đầu. Tống Khanh nói: "Đây là ông tổ chín đời của tôi, không nói không ăn, không biết tuổi. Cứ ngày rằm, mùng một con cháu quây quần quanh ổ mà lạy”. 
14 Theo " hàn phi ngoại truyện” Điền Nhiêu kể với Lỗ Ai Công: gà đầu đội mũ, thế là văn, chân có cựa thế là võ, gặp kẻ địch đánh đến cùng, thế là dũng, gặp thức ăn gọi bạn đến ăn cùng, thế là nhân, sáng nào cũng báo sáng thế là tin. 
15 Tần Doanh gặp một gà mái, một gà trống. Quan trong triều đoán gặp gà mái thì làm nên nghiệp bá, gặp gà trống là nên nghiệp vương. Sau đúng như lời. 
16 Theo “Phong tục thông” ông lão họ Chu, hóa kiếp làm gà, nên gà kêu "cu cu”, là nhớ đến họ xưa. 
17 Kinh Thi: "Phỉ kê tắc minh, thương thằng chi thanh”. Không phải là gà sao mà cất tiếng gáy, đó là tiếng vo vo của con nhặng xanh. 
18 Con dế có người gọi nhầm từ "Tuất xuất" thành "lạc vĩ” mà "lạc vĩ" còn gọi: sa kê, vu kê, thoa kê. Tiếng kêu như gà, nên mượn chữ kê của gà. 
19 Tả truyện: Tâm Mạnh ra đồng gặp một con gà trống cụt đuôi, Mạnh hỏi, có người nói: "Gà trống sợ bị làm vật tế thần, nên nó tự chặt lông đuôi để được yên thân". Vật tế phải đủ cả lông cánh, lông đuôi nguyên vẹn. 
20 Theo Tả truyện: Hai quan đại phu1à Hậu và Quý, ham chọi gà, ông thì khoe gà mình cánh rất khỏe ông thì khoe gà mình cựa sắc như sắt. 
21 Theo "Trang Tử" thiên "Đạt sinh": Ký Sảnh Tử nuôi gà chọi cho vua, mười ngày, vua hỏi đã đá được chưa. Kỷ thưa: chưa, vì còn kiêu ngạo, còn hăng hái, dũng khí lắm. Mười ngày sau vua lại hỏi, Kỷ lại thưa: Ánh mắt nó còn quá sắc sảo, hơi thở còn mạnh, chưa được! Mười ngày sau nữa, hỏi, Kỷ thưa: Tạm được rồi, nghe tiếng gà khảc, nó không động tâm, nhìn nó như con gà bằng gỗ. Đức nó đã toàn, không con nào dám địch với nó. 
22 "Tấn thư": Đời Nguyên hưng, ở Hành Dương có một con gà mái hóa ra gà trống, được tám mươi ngày thì mào đỏ teo dần, trở lại gà mái, ứng với chuyện Hoàn Nguyên nổi loạn xưng đế được tám mươi ngày. 
23 Khi truyền tin cần kíp, người lính cầm thư, mang theo một gói than cháy đỏ, buộc một bó lông gà. Vì thế mà có chữ: hỏa tốc, vũ hịch. 
24 Tục ngữ: "Thà làm đầu gà, còn hơn tám đuôi trâu”. 
25 Tào Tháo ăn canh thịt gà, gặp gân gà, ăn không được, bỏ cũng tiếc, nên có ra mật khẩu "Kê cân!". 
26 “Bùi Nguyên tân ngôn": Vào ngày đầu năm huyện quan giết dê, giết gà, treo lên cửa huyện, ý nói dê ăn lộc, gà ăn hạt, đểu hại đến sự sinh sôi. 


Cao Tôn thấy bài hịch, liền phán: 
- Hai vương ham chọi gà, Vương Bột đã không can ngăn, lại còn làm bài hịch này, thế cũng chẳng khác gì một phường với nhau. 
Lệnh đuổi Vương Bột khỏi Bái phủ. Bột được lệnh, liền gọi thuyền đi thăm thân phụ ở Hồng Đô, thuyền ghé đậu ở chân núi Mã Đương, sóng to, gió dữ không thể đi tiếp. Đêm ấy trời thu mênh mông xao động, tinh đẩu vằng vặc, khắp nơi sương giăng đầy. Bột lên bờ trông khắp bốn phía trên dưới, bỗng thấy một cụ già ngồi trên một tảng đá, râu tóc bạc như cước, đôi mắt tinh tường lạ lùng, vẫy Bột lại mà rằng: 
- Cậu từ đâu tới đây? Sáng này ngày mai là tiết trùng dương, ở gác Đằng Vương có tiệc lớn, nếu mà đến dự, làm một bài văn thôi cũng đủ để tên tuổi còn mãi không mất, hơn làm "Đấu kê hịch" nhiều lắm! 
Bột cười thưa: 
- Đây đi Hồng Đô, đường còn đến sáu bảy trăm dặm, há một tối mà có thể đến hay sao? 
Cụ già đáp: 
- Cả thủy phủ của vùng Trung nguyên này là nơi ta cai quản, nếu cậu quyết chí, ta có thể giúp cho một cơn gió đưa buồm đi! 
Bột liền chắp tay tạ ơn, bỗng chẳng thấy cụ già đâu nữa. Bột trở về thuyền liền lệnh cho nhổ sào, gió mát đẩy buồm chẳng mấy chốc đã tới Nam Xương. Phu thuyền lớn tiếng kinh ngạc: 
- Thật là kỳ lạ? Tạ ơn trời đất? Chỉ cần kéo buồm một lần mà đã tới tận Hồng Châu rồi! 
Bột nghe ra, vô cùng khoái ý! 
Lúc này, Vũ Văn Quân vừa thôi chức châu mục Giang Châu, nhân biết đô đốc Diêm Bá Tự vì quá yêu con rể là Ngô Tử Chương cũng bậc thiếu niên anh tài, vốn đã làm sẵn văn bài, mong để khoa trương, vì vậy mời khách cùng liêu thuộc tới dự tiệc. Bột cùng Vũ Văn Quân đều vào hàng đi lại nhiều đời, nên cùng thay y phục đến ra mắt, được mời dự cuộc gặp mặt lớn này. Tất nhiên Bột không chối từ, sau đi cùng các hàng thiếu niên tuấn tú hỏi chào, liền ngồi vào ghế. Bởi Bột lúc này mới mười bốn tuổi, nên phải ngồi tận cuối tiệc. 
Đàn địch rộn ràng, rượu được mấy tuần, Vũ Văn Quân lên tiếng: 
- Nhớ xưa Đằng Vương Nguyên Anh (1) đánh đông dẹp bắc, gây dựng công nghiệp vẻ vang một đời, sau làm thứ sử vùng này, dưới chăn dân, trên kính kẻ sĩ, vỗ về khắp cõi, trăm họ vẫn chưa quen đức tốt nên mới xây gác Đằng Vương này, để làm dấu tích nghìn năm. Nhưng chỉ tiếc danh thắng bậc này, tạc vào bia đá, cho cảnh thêm toàn bích. Nay mai các bậc hiền tài hội tụ, xin hãy trổ hết anh hoa, ghi lại chuyện này, hoặc có nên chăng? 
1 Tức Lý Nguyên Anh, con của Đường Cao Tổ Lý Uyên. 
Liền sai tả hữu đem văn phòng tứ bảo đến từng người, ai nấy đều ngầm hiểu là việc này đã sắp sẵn cho Ngô Tử Chương, cho nên đều lấy lời lẽ khác nhau để từ tạ. Đến lượt Bột, Bột cũng muốn tỏ rõ tài năng của mình, liền không từ chối mà nhận lấy, diêm Bá Tự trong lòng thầm nghĩ: ”Nực cười thay cho kẻ thiếu niên chẳng thấu lẽ đời. Hãy xem hắn ta làm ăn ra sao!". Liền đứng dậy thay áo, lệnh cho một viên lại đứng ngay cạnh Bột: 
- Xem y làm được câu nào , báo cho ta biết câu ấy. Ta sẽ có cách phán xử. 
Bột trải giấy ra mặt án, cất bút lên viết ngay: 
Quận cũ Nam Xương, phủ mới Hồng Đô 
Viên lại đọc kỹ thưa lên, Diêm Bá Tự cười: 
- Ai mà chẳng viết thế! 
câu tiếp: 
Giữa khoảng hai sao Dực, Chẩn 
Tiếp giáp hai sông Hành, Lư 
Diêm Bá Tự cất tiếng: 
- Đó là chuyện cũ. 
Lại báo tiếp: 
Do Tam giang mà nối với Ngũ Hồ 
Mở Di Kinh dẫn về Âu Việt 
Diêm Bá Tự không nói gì. 
Các vỉên lại báo liên tiếp câu này sang câu khác, Diêm Bá Tự chống cằm ngồi ngẩn ra nghe. 
Đến câu: 
Chiếc cò bay với ráng xa 
Sông thu cùng với trời xa một màu.(1) 
1 Nguyên văn: "Lạc hà dữ cô vụ tề phi, Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”. (Nam Trân dịch) 
Diêm Bá Tự kinh ngạc 
- Thằng bé này kỳ lạ! Thật đúng là thiên tài! Mau đem chén lớn ra đây để rót thêm hứng cho văn từ nào! 
Lát sau bài văn xong, tả hữu đọc hết, bỗng Ngô Tử Chương đứng lên nói: 
- Bài văn này đâu phải xuất từ đại tài của Vương huynh, mà là một sự giả mạo. Nếu không tin, Tử Chương này xin đọc, một chữ cũng không sai. 
Mọi người kinh ngạc, thấy Ngô Tử Chương đọc thuộc làu từ "Quận cũ Nam Xương..." cho đến tận câu "Còn mong các ngài xét cho". Ai nấy đều sợ hãi. Bột liền cất tiếng: 
- Ngô huynh thật có công nhớ kỹ, không kém gì Lục Tích thuở xưa (1). Nhưng sau bài văn, tiểu đệ còn có một bài thơ nhỏ nữa, không rõ Ngô huynh có đọc được chăng? 


1 Người đời Hán, đến dự tiệc, thấy quýt ngon, cắp bỏ tay áo đem về phần mẹ. Viên Thiệu khen là có hiếu, một trong "Nhị thập tứ hiếu”. 
Ngô Tử Chương không biết trả lời sao, đành ôm nỗi xấu hổ mà ngồi xuống, lại thấy Vương Bột viết một mạch xong ngay bài thơ sau: 


Gác Đằng cao ngất bãi sông thu 
Ngọc múa vàng reo nay thấy đâu 
Nam Phố mây mai quanh nóc vẽ 
Tây Sơn mưa tối cuốn rèm châu 
Đầm nước mây vờn ngày tháng trôi 
Mây phen vật đổi với sao dời 
Đằng Vương thuở trước giờ đâu tá 
Sông lớn ngoài hiên luống chảy hoài. (1) 


1 Tương Như dịch. Thơ Đường I. 


Diêm Bá Tự cùng Vũ Văn Quân xem xong, đều hết lời ngợi ca từng câu từng chữ, tặng ngay năm trăm tấm lụa, tài danh từ đó càng ngày càng nổi. 
Lại nói chuyện Cao Tôn hoang dâm quá độ, mắt càng ngày càng mờ. Thiên Hậu vốn muốn Cao Tôn càng chết sớm càng tốt, nên lúc nào cũng quấn sát. Công việc trong triều đều mặc Thiên Hậu rủ rèm mà nghe. Một hôm, xem tấu chương, thấy bộ Lễ tân xin xây đại đường để biểu dương những gương trinh liệt của phụ nữ, Thiên Hậu bất giác đập án mà than rằng: 
- Kỳ thay! Xem qua số nữ nhân có tên có tuổi mà các quan ở bộ Lễ tuần tự tâu lên sao lại có từng ấy. Thiên hạ rộng khắp, trong vòng bốn biển, số người có thể nêu gương tiết liệt, sao chỉ bằng này? Hoặc là có nhiều, nhưng lũ xuẫn ngốc này, không tai nghe, không mắt thấy, không điều gì ràng buộc, nên bao nhiêu những gương tốt trăm chiều trong khuê phòng, vẫn như kẻ bịt tai để ăn cắp chuông, không biết gì cả. Thật đáng cười thay bọn đàn ông, đều là theo nhau tin vào những điều dối trá, hòng đem một ít tiền bạc làm một cái miếu nhỏ, để rồi ra dáng ta đây lễ nghĩa, như thế phỏng có ra thể thống gì. Nay ta hãy không cho làm cái chuyện ngớ ngẩn này, mà giục ban ngay một đạo chiếu, phàm nữ nhân từ tám mươi tuổi trở lên, đều được nhận tước phong quận quân (l) được đến dự tiệc ở triều đường: Ai dám nói chiếu chỉ này không tốt hơn các điều trước? 


1 Quận quân: chế độ phong tước cho phụ nữ mà không thuộc hoàng tộc của nhà Đường, mẹ hoặc vợ của các quan từ tứ phẩm trở lên. Còn ngũ phẩm thì được phong là huyện quân, thời Đường Cao Tôn và Trung Tôn đểu được nhận tước này. Đến đời Tống thì bị bỏ, thay bằng Thục nhân, Thạc nhân, đến Minh Thanh thì chỉ phụ nữ hoàng tộc mới được. (Từ Hải). 


Liền viết ngay một đạo chỉ ý lệnh cho bộ Lễ tuyên dụ khắp thiên hạ, từ các nhà công hầu, phò mã, cho đến phụ nữ các nhà quan ở thôn xóm, nghe được lệnh chỉ, khai rõ quê quán tên tuổi, đưa trình triều đình. 
Thiên Hậu xem qua một lượt, thấy hàng trăm người, bèn chọn lấy những người cao tuổi nhất kinh sư, độ khoảng ba bốn chục người, cho vào dự yến ở trong triều vào ngày mười sáu tới. 
Đến ngày ấy, yến tiệc được bày sẵn ở điện Bảo Hoa, Thiên Hậu với mẫu thân Vinh Quốc phu nhân cùng dự, các nhà công thần, đại phu có người được dự, nghiêm chỉnh kéo vào nội cung. 




Chỉ riêng Ninh Thị, thân mẫu của Tần Thúc Bảo lúc này tuổi đã một trăm linh năm, cùng với mẫu thân Thắng Thị của Trương Giản Chi, tuổi đã ngoài chín mươi, đều mặc triều phục của triều cũ vào cung. Ai nấy bái lạy xong, Thiên Hậu ban cho ngồi uống rượu, rồi phán: 
- Bốn phương yên hàn, các khanh đều ở các nhà đại thần, viên quan, lâu nay vẫn được tĩnh dưỡng đầy đủ nên thần thái có vẻ thanh nhàn cả! 
Tần Thái phu nhân thưa: 
- Thần thiếp nghe nói thờ vua thì chẳng nghĩ đến thân mình. Chúng thần may được bậc thánh minh, đội ơn tri ngộ, tấm thân sáu thước được triều đình ân sủng, từng tấc lòng không lúc nào dám quên ơn hoàng gia. 
Thiên Hậu đáp: 
- Từ lệnh lang cho tới lệnh tôn, đều thờ tận trung tận lễ, sao cho khỏi công huấn giáo của Thái phu nhân? 
Mẫu thân Trương Giản Chi thưa: 
- Trông dáng của Tần Thái phu nhân, chẳng khác gì khoảng năm sáu mươi thôi vậy. Đền đài trăm tuổi nhất định là Thái phu nhân được ghi đầu tiên. 
Vinh Quốc phu nhân nói: 
- Nhưng không biết Tần Thái phu nhân sinh nhật vào ngày nào? Để chúng ta còn đến để nâng chén chúc mừng. 
Tần Thái phu nhân thưa: 
- Thần thật không dám, ngày sinh là hai mươi ba tháng chín thì đã qua rồi. 

Rượu được vài tuần, Trương mẫu cùng Tần mẫu đứng dậy tạ ơn Thiên Hậu. 

Sáng ngày hôm sau cha con Tần Thúc Bảo cùng bọn Trương Giản Chỉ đều vào triều lạy tạ. Thiên Hậu gia ơn cho Tần mẫu xây từ đường ngay ở phủ đệ, biển đề “Phúc Thọ song cao", cũng là một việc làm khoái ý buổi này.
 Sự việc ra sao, hãy xem hồi sau.

HỒI 72

Trương Xương Tông xức gội xạ hương, vào chầu Thái Hậu,
Phùng Hoài Nghĩa giương cờ mao tiết, vỗ yên Thạc Trinh

Thơ rằng: 
Gió xuân sao khéo giục tương tư 
Lá biếc đa tình ý lẳng lơ 
Đừng giận con oanh nhòm trướng gấm 
Những thương gối quế vướng dây tơ 
Tràn trề Bích Ngọc xe duyên cũ 
Tha thiết Văn Cơ nối nghĩa xưa (1) 
Liếc mắt quay đầu cười nửa miệng 
Mặc ai phách ngẩn với hồn ngơ. 
1 Văn cơ, tức Thái Diễm, con gái nhà sử học Thái Ung, bị bắt sang Hồ. Sau Tào Tháo cho chuộc về, gả cho người tình cũ, nổi tiếng về tài văn chương. 

Tục ngữ nói "No cơm ấm cật dậm dật mọi nơi”(1) là nói những người tầm thường, nhưng khi đã là bậc hoàng hậu, mẫu nghi của thiên hạ, thì lý đương nhiên là phải đoan trang, trầm tĩnh, không thể nào lại dâm đãng, tà khuất. Từ xưa đến nay, được mấy người như thế? Hoàng hậu nhà Tần, Trang Tương Vương, càng về già lửa dâm càng bốc mạnh, với Lã Bất Vi vào cung Cam Tuyền vui thú. Bất Vi lại tìm được Giao Ái, rồi bày kế cùng hoàng hậu và lũ tay chân vờ bắt Ái tội thiến, cho làm hoạn quan để vui thú cùng hoàng hậu. Về sau việc phát giác, Giao Ái bị giết. Lã Bất Vi bị xé thây bằng xe (2). Đến Lữ Hoàng hậu đời nhà Hán, tư thông với Thẩm Tự Cơ ngay trong cung, rồi Hạ Hầu Thị đời Tấn, dan díu với ngay cả tên tiểu lại Ngưu Kiện mà sinh ra Nguyên Đế, làm dơ bẩn cả cung khuyết, để tiếng xấu muôn đời trong sử sách.
1 Nguyên văn: “Bảo noãn tư dâm dục". 
2 Về chi tiết có khác với "Sử Ký": Giao Ái sợ vạ, làm phản bị chém chết tru di ba họ. Còn Lã Bất Vi cũng sợ bị tội nên uống thuốc độc mà chết.
 

*** 

Nay nói tiếp chuyện Thiên Hậu ở trong cung dâm loạn, thấy Đường Cao Tôn bị bệnh đã nhập cao hoàng, hả hê vô cùng. Một hôm Cao Tôn đau đầu, không thể cử động được, gọi thái y Tần Minh Hạc vào xem bệnh, Minh Hạc xin chích huyết thì may ra mới khỏi được. 
Thiên Hậu vốn không muốn Cao Tôn lành bệnh, liền nổi giận: 
- Thật đáng chém đầu, sao dám nghĩ chuyện chích đầu thiên tử lấy huyết. 
Cao Tôn phán: 
- Chích huyết chưa hẳn đã không tốt. 
Bèn chích hai huyệt, lấy ra một ít máu. 
Cao Tôn lên tiếng: 
- Mắt trẫm lại sáng ra rồi! 
Thiên Hậu tự vả vào má mình mà rằng: 
- Thật là trời ban ơn! 
Rồi tự vác một trăm tấm đoạn, thưởng cho Minh Hạc. Minh Hạc tạ ơn, khuyên Cao Tôn nên tĩnh dưỡng. Thiên Hậu làm ra vẻ hết lòng thương yêu, lúc nào cũng ở ngay sát Cao Tôn không rời. Bệnh Cao Tôn đã đến như thế, lại chẳng nghe theo lời dặn của thầy thuốc, vẫn hoan lạc ngày đêm với Thiên Hậu, cơn hỏa bốc lên, chẳng bao lâu thì mất, ở ngôi được ba mươi tư năm. 
Thiên Hậu vội triệu bọn đại thần Bùi Diễm vào triều, lập Thái tử Anh Vương Hiển làm hoàng đế, cải tên là Triết, lấy hiệu là Trung Tôn, lập Vi Thị làm hoàng hậu, đặt năm tới là Tự Thánh nguyên niên, tôn Thiên Hậu làm hoàng thái hậu, phong cho thân phụ của Vi Hoàng hậu là Vi Nguyên Trinh làm thứ sử Dự Châu, chính sự trong triều ngoài nội đều quyết định bởi thái hậu. 

Một hôm, Vi Hoàng hậu vô sự, đang ở trong cung đánh đàn, thấy một cung nữ vốn là hầu gái thân cận của thái hậu, họ Thượng Quan, tên Uyển Nhi, tuổi mới khoảng mười ba, mặt hoa da phấn, tính nết nhu mì. 



Mẹ nằm mộng thấy có người cho một cái cân lớn mà sinh ra Uyển Nhi, ý nói người con gái này chẳng kém gì thiên hạ. Về sau lại thông hiểu chữ nghĩa, hễ đọc qua là nhớ, đang đi loanh quanh trong cung. Vi Hoàng hậu thấy bèn hỏi: 
- Thái hậu đâu mà khanh lại tới đây? 






Uyển Nhi thưa: 
- Đang yến ẩm trong cung, tiện nữ không được vào, nên đi dạo một vòng chơi. 
Vi Hoàng hậu hỏi: 
- Có phải là cùng với hai vị họ Phùng, họ Vũ chăng? 
Uyển Nhi gật đầu không nói. Vi Hoàng hậu tiếp: 
- Khanh chừng ấy tuổi, có vào cũng hề gì? 


Uyển Nhi thưa: 
- Thái hậu nói tiện nữ có hai con mắt rất độc, không bao giờ muốn cho tiện nữ nhìn thấy. 

Vi Hậu nói: 
- Tam Tư thì còn được, chứ con lừa trọc thì không tài nào chịu nổi. 
Bỗng thấy Trung Tôn có vẻ trầm ngâm bước vào, Uyển Nhi vội ra khỏi, Vi Hoàng hậu hỏi: 
- Triều đình có việc gì chăng mà bệ hạ có vẻ không vui? 
Trung Tôn đáp: 
- Vừa rồi trên ngự điện, có nói tới việc khuyết một chân thị trung, trẫm muốn giành cho thân phụ hoàng hậu, Bùi Diễm vẫn cố tranh, nên lại không xong. Trẫm bực mình nói thẳng vào mặt: "Trẫm muốn đem cả thiên hạ cho Vi Nguyên Trinh cũng còn được, huống chi chức thị lang sao?”. Trăm quan đều yên lặng không nói gì. 
Vi Hoàng hậu thưa: 
- Việc này cũng chẳng gấp gì lắm, mà phải cần giận dữ với họ. Chỉ có điều bây giờ thái hậu dâm loạn như vậy, thì làm thế nào. Nghe nói họ Phùng họ Vũ đang ăn uống, cười nói trong cung kia. 
Trung Tôn đáp: 
- Mẫu hoàng như thế, trẫm biết làm thế nào? 
Vi Hoàng hậu nói: 
- Bệ hạ cũng nên kiếm lời nhẹ nhàng, chừng mực để khuyên can ít nhiều, liệu có xong chăng? 
Trung Tôn đáp: 
- Cũng không khó, để ngày mai trẫm thử nói xem sao! 
Ngày hôm sau, sau khi tan chầu, đã có nội giám đem chuyện Trung Tôn muốn cho Vi Nguyên Trinh làm thị trung thưa với thái hậu, thái hậu liền bảo: 
- Việc này không tốt đẹp gì đâu! 
Trung Tôn vào gặp thái hậu, lệnh cho đám cung nữ lui ra, rồi từ tốn thưa: 
- Chuyện tư tình của mẫu hoàng, chẳng qua cũng chỉ có thể mua vui trong một lúc, nhưng rồi chỉ sợ sử sách nghìn năm không thể vì mẫu hoàng mà bịt kín cho được, xin mẫu hoàng nghĩ lại cho. 
Thái hậu đang lúc giận dữ, nghe nói thế, vừa tức vừa xấu hổ, liễn đáp: 
- Nhà vua hãy cứ lo liệu cho tốt công việc của mình, đừng nên phỉ báng mẫu hậu làm gì. Liệu việc định đem cả thiên hạ để giao cho quốc trượng Vi Nguyên Trinh cũng còn chưa đủ sao? 

Liền gọi ngay Bùi Diễm vào, phế Trung Tôn làm Lư Lăng Vương, đổi ra Phòng Châu, phong Dự Vương Lý Đán làm hoàng đế, hiệu là Duệ Tôn, cho ở một cung khác, còn quyền bính, chính sự lớn nhỏ đều trong tay thái hậu, Duệ Tôn không được nghe gì cả. Lại đã chuyển Trung Tôn ra Phòng Châu, nên càng chẳng có điều gì kiêng kỵ, tha hồ bừa bãi, có bao nhiêu tôn thất, đại thần tỏ ý oán vọng, hoặc không phục đều giết hết. Mở rộng cửa để nghe đủ mọi lời vu cáo, cứ có điều ra tiếng vào là trừ khử ngay, chẳng kể phẩm trật, quan tước là gì. Sai Sách Nguyên Lễ, Chu Hưng, Lai Tuấn Thần cùng soạn sách "La chức kinh”, để dạy những người không nơi nương tựa dệt lụa, dệt vải. Trung Tôn ở Phòng Châu nghe tin, trong lòng lo lắng không yên, ngửa mặt lên trời mà khấn, rồi tung một hòn đá lên không mà rằng: 
- Ta không có ý gì khác để đến nỗi bị lầm lỡ, nếu vẫn được trở về ngôi, thì hòn đá này không rơi xuống đất. 
Hòn đá vướng chạc cây không rơi xuống thật, Trung Tôn mừng lắm. Vi Hoàng hậu cũng thường xuyên khích lệ, Trung Tôn hứa: 
- May nay mà được trở về ngôi thì hoàng hậu muốn gì cũng được, chỉ không để hoàng hậu cai quản mọi sự thôi! 
Nhưng đó là chuyện sau này, chưa nói vội. 

*** 

Lại nói chuyện ở Lạc Dương có anh em Trương Dịch Chi, Trương Xương Tông, thân phụ vốn là người thư lễ, lên kinh đi thi, trọ ngay gần dinh Vũ Tam Tư, gặp lúc Tam Tư bất hòa với Hoài Nghĩa, muốn chiếm chỗ của Hoài Nghĩa, liền tiến cử anh em Xương Tông cho thái hậu. 
Hoài Nghĩa từ ngày rời khỏi chùa Cảm Nghiệp, Hoài Thanh cũng nghĩ rằng chẳng bao giờ còn gặp lại, nhân có Trần Tiên Khách ở Mục Châu, diện mạo khôi ngô, tinh thông nhiều tà thuật, Hoài Thanh liền để tóc cùng về Mục Châu, gá duyên chồng vợ. Năm ấy Mục Châu hạn nặng, mất mùa. Một cái hồ lớn cạn sạch nước, giữa lòng hồ hiện ra một cầu đá, trên cầu có khắc hai chữ: "Hoài Tiên". Người người trèo lên cầu soi bóng, xấu tốt thế nào trông rất rõ. Vợ chồng Hoài Thanh cũng đến xem, nào ngờ thấy hiện hình hai người như hoàng đế cùng hoàng hậu sánh vai đứng vậy. Hoài Thanh lấy làm lạ lùng, nói với Tiên Khách: 
- Hai chữ “Hoài Tiên" trên cầu, vừa hợp với tên tuổi vợ chồng ta, soi bóng nhìn ra thì lại thay thế này. Vũ Mị Nương còn làm được hoàng đế, vợ chồng ta lại không làm được sao? 

Liền cùng Tiên Khách dựng một tòa "Sùng Nghĩa đường", không kiêng chay gì cả, chỉ không ăn thịt bò, thịt chó, dân chúng kéo đến cầu lễ ngày một đông, ngày một tin. Đàn ông thì Hoài Thanh nhận làm đồ đệ, đàn bà thì Tiên Khách thu phục. Chưa đầy một hai năm, mà đã có hơn một nghìn người. Hoài Thanh tự đặt hiệu là Thạc Trinh, kén những thiếu niên khỏe mạnh, tuấn tú, dạy cho pháp thuật, đều có thể gọi khiến mưa. 



Quan huyện nghe tin, sai người tới bắt, bọn đồ đệ sợ hãi báo ngay cho Tiên Khách, Thạc Trinh. Thạc Trinh liền tuyển lấy ba bốn trăm đồ đệ, kéo đến của huyện, giết chết huyện quan, chiếm lấy thành trì, cắm cờ vàng, tự xưng là Văn Giai Hoàng đế, Tiên Khách xưng là Sùng Nghĩa Vương, các vùng xa gần đều phải nạp tiền của, lương thực. Thứ sử Dương Châu là Am Nhuận, vội làm văn thư trình lên triều đình. 
Gặp hôm thái hậu vô sự, sai người mời Hoài Nghĩa vào Nhị Nhã hiên yến ẩm. Thấy tấu chương của Dương Châu, thái hậu khẽ cười: 
- Thiên hạ lâu nay thường nói chỉ mình ta là dám làm, dám vượt lên trên thói thường, không ngờ người đàn bà này cũng làm nổi danh bậc cân quắc anh hùng, dám tự tiện xưng hoàng đế sao? 
Hoài Nghĩa nói: 
- Có phải chuyện Văn Giai Hoàng đế Thạc Trinh ở Mục Châu chăng? Hôm trước có hai ni cô, nói với thần rằng Thạc Trinh dũng mãnh vô cùng, chính là Hoài Thanh ở chùa Cảm Nghiệp ngày xưa, chẳng biết có đáng tin không? 
Lại thêm cả biểu của thứ sử Tượng Châu Tiết Nhân Quý, xin phát binh để tiễu trừ Thạc Trinh, kèm theo là lễ vật của phu nhân Tiểu Hỷ. Biểu tâu rõ Thạc Trinh chính là Hoài Thanh, gặp được dị nhân, truyền cho thiên thư phù chú, cường nghịch khôn đương. Nay nên đánh hay chiêu an, xin chờ lượng thánh. Thái hậu cười: 
- Ta đáng khen dũng khí của người đàn bà này, không ngờ lại chính là Hoài Thanh. 
Hoài Nghĩa cũng cười: 
- Thật đáng đời, đàn ông toàn một lũ vô dụng, nên để đến hạng phụ nữ nhu mì, yếu đuối đến thế lại làm nên được những chuyện lớn lao. 
Thái hậu cười: 
- Chuyện này chẳng qua là trò trẻ con. Thuấn là ai? Ta là ai? Nếu ta có làm cũng chẳng kém gì Thuấn. Chẳng nhẽ đàn bà chỉ là thứ để đàn ông giẫm đạp như đồ vứt đi hay sao. Ta ngày trước, khi cắt đặt quan lại, đã có ý dùng phụ nữ, đàn ông chỉ dùng đủ vào các việc sai khiến, còn tất cả triều đình đều là phụ nữ, há dễ không thể nên công việc hay sao? Nay ta phiền Hoài Nghĩa hãy đi chiêu an Hoài Thanh, chẳng có gì mà ngại, Hoài Thanh lại không nghe theo cả. 
Hoài Nghĩa đáp: 
- Thần hiện không có quan chức gì cả, làm sao mà có thể đi làm việc này được? 
Thái hậu đáp: 
- Ta sẽ phong khanh chức Đại tướng quân, khanh có đi không? 
Truyền chỉ phong Hoài Nghĩa làm Tả vệ đại tướng quân, đi ngay Mục Châu, chiêu dụ Trần Thạc Trinh. Văn thư làm xong, thái hậu đinh ninh dặn dò. Hoài Nghĩa từ giã kinh thành dẫn theo ba nghìn ngự lâm quân, lại lệnh cho thứ sử Tượng Châu Tiết Nhân Quý, hội binh tiếp ứng. 
Gần đây vợ chồng Thạc Trinh lại không mấy hòa thuận, Tiên Khách ngờ Thạc Trinh để riêng đám đồ đệ tinh nhuệ, không cho Tiên Khách cai quản, Thạc Trinh ngờ Tiên Khách giấu đám đồ đệ mỹ miều, mặc sức dâm dật. Người này ghen người kia nhiều tay chân hơn, vì vậy mỗi kẻ mỗi nơi, ai lo phận nấy. Nhân Quý mới tới Hoàn Thượng, đã có thám mã thưa lại đầy đủ: 
- Sùng Nghĩa Vương Tần Tiên Khách, đem theo hai nghìn người ngựa, cách đây khoảng ba mươi dặm, định kéo tới Từ Châu để kiếm lương thực, xin thưa rõ để thứ sử định đoạt. 

Nhân Quý hạ trại, cho ba trăm quân tinh nhuệ giả làm trăm họ chạy loạn, ngày đêm rải khắp nơi, lại sai hơn một trăm tên lính nhanh nhẹn khác, giả làm người bán rượu, hai trăm lính nữa giả buôn bán hương hoa mai phục ở các trọng điểm. Nhân Quý lãnh đại quân, ngày đêm đuổi theo Tiên Khách, cách khoảng hai mươi dặm lại đóng quân chờ cho tới nửa đêm. Nghe một tiếng pháo lớn, Nhân Quý ruổi ngựa lên trước, thấy phía sau đèn đuốc sáng rực, pháo nổ liên tiếp. Nhân Quý giơ thương, xông thẳng vào trại. Đáng thương thay cho lũ giặc cỏ, chưa bao giờ được đối địch với một đội quân tinh nhuệ, nên chỉ còn cách cởi giáp trụ mà chạy trốn. Tiên Khách đang nằm ngủ trên giường ấm, trong mộng nghe tiếng hò hét, đang định bỏ chạy, mũi thương của Nhân Quý đã kề ngay. Phía sau bốn năm tên lính chạy ập tới, chạy đâu cho thoát, bị Nhân Quý đâm ngay một mũi, cắt lấy thủ cấp, còn khoảng bảy tám trăm tay chân, thấy chủ tướng đã bị giết, chỉ đành vứt vũ khí đầu hàng. 

*** 

Lại nói Hoài Nghĩa cùng với ba nghìn ngự lâm quân lên đường, trước tiên sai bốn năm tên lính tháo vát, giả trang làm nhà sư, đi nghe ngóng xem có đúng Thạc Trinh chính là Hoài Thanh thuở xưa chăng? Còn mình thì từ từ dẫn quân theo sau. Mấy ngày sau lính quay về, dẫn theo một người đàn ông đứng tuổi. Hoài Nghĩa hỏi: 
- Sự thể thực hư ra sao? 
Một tên lính thưa: 
- Đây là tên lính hầu hạ Văn Giai Hoàng đế, bị chúng tiểu nhân lừa về đây, xin tướng quân cứ hỏi y thì rõ. 
Hoài Nghĩa lên tiếng hỏi; 
- Người là người ở đâu? Họ tên gì? 
Người này thưa: 
- Tướng quân không nhận ra tiểu nhân sao? Tiểu nhân họ Mao, tên Nhị, người Trường An, dạo trước ở ngay bên chùa Cảm Nghiệp, làm thợ da để sống. Tiểu nhân chỉ có một thân, vẫn thường được sư phụ Hoài Thanh chu cấp ít nhiều, để lo chuyện ăn uống, trà nước. Không ngờ sau này Tần Tiên Khách ở Mục Châu tới tu ở chùa rồi lại hoàn tục, trở về Mục Châu, nên vợ nên chồng. Tiểu nhân vì vậy cũng đi theo luôn. 
Hoài Nghĩa lại hỏi: 
- Họ làm sao mà lại lôi kéo được nhiều người theo thế? 
Mao Nhị thưa: 
- Tần Tiên Khách vốn có một ít thư phù tà thuật, nay lại gặp sư phụ Hoài Thanh thông minh, học rất mau những ngón này một cách thành thạo, cho nên thiện nam tín nữ khắp nơi cứ thế mà tìm theo. 
Hoài Nghĩa hỏi thêm: 
- Ngươi có biết sức lực Tiên Khách mạnh yếu ra sao không? 
Mao Nhị khóc mà thưa: 
- Tướng quân, Tiên Khách chết rồi, còn hỏi gì đến chuyện mạnh yếu nữa! 
Hoài Nghĩa cả mừng: 
- Chết lâu chưa? 
Mao Nhị thưa : 
- Mấy hôm trước Tiết Nhân Quý kéo binh mã tới, gặp ngay trên đường, đang đêm dẫn quân vào trại. Tiên Khách ngủ say, chẳng kịp mặc áo giáp, bị Nhân Quý giết ngay. 
Hoài Nghĩa hỏi: 
- Ngươi không nói láo chứ? 
Mao Thị thưa: 
- Tiểu nhân mà nói sai, xin tướng quân cứ giết ngay. 
Hoài Nghĩa hỏi: 
- Nay ngươi đi đâu? 
Mao Nhị thưa: 
- Tiểu nhân về báo cho sư phụ Hoài Thanh tin Sùng Nghĩa Vương bị giết. 
Hoài Nghĩa nói: 
- Thế ngươi không biết ta với Văn Giai Hoàng đế rất thân thiết sao? 
Mao Nhị đáp: 
- Tiểu nhân sao lại không biết chuyện này! 
Hoài Nghĩa nói: 
- Triều đình biết chuyện Hoài Thanh làm phản, nên sai đi chiêu an. Nay người về báo tin Tiên Khách đã chết, hãy đi cùng với người của ta, để nói cho Hoài Thanh rõ mọi chuyện. 
Nói xong, Hoài Nghĩa liền viết thư, sắp sẵn một số lễ vật, giao cho bốn năm tên tay chân, dặn dò một hồi. Bọn này liền đi cùng Mao Nhị lên đường. 
Đi mấy ngày, đã tới Bái Huyện, Hoài Thanh cho dựng rất nhiều trại, ngay ở ngoài thành. Lính canh cửa thấy liền hỏi: 
- Mao lão bá quay về đây có việc gì? Các bác ở bên ấy ra sao rồi? 
Mao Nhị xua tay đáp: 
- Chốc nữa sẽ biết. Hoàng đế đâu rồi? 
Tên lính đáp: 
- Hoàng đế đang trong quân doanh. 
Mao Nhị vội vào trung quân, đến trước trướng Mao Nhị quỳ xuống đất, khóc lớn. Thạc Trinh sửng sốt hỏi: 
- Bên chỗ Sùng Nghĩa Vương có chuyện không hay phải không, hãy nói xem nào, sao người cứ khóc mãi thế? 
Mao Nhị đem chuyện Tiên Khách hành quân ra sao, Tiết Nhân Quý đánh vào trại thế nào, Tiên Khách bị giết ra sao, kể lại một lượt Thạc Trinh còn nức nở không nguôi, Mao Nhị đã tiếp ngay: 
- Xin chúa thượng hãy khoan khóc lóc, hãy còn một việc nữa. Đấy là việc của tướng quân Phùng Hoài Nghĩa. 
Liền lấy thư ra, Thạc Trinh cầm xem, thấy đề "Trụ trì Bạch Mã tự" liền hỏi: 
- Tại sao người lại gặp Hoài Nghĩa? 
Mao Nhị kể lại. Thạc Trinh mở thư ra, thấy viết: 

Kính gửi Hoài Thanh hiền tỷ (1) trước lầu trang điểm 
Nhớ xưa tình nồng nghĩa đượm, sớm tối vui vầy 
Không ngờ cờ Thúy Hoa (2) Vụt đến, bỗng chốc chia tay 
Trong lúc ruột đứt hồn bay, nào dám tưởng còn có ngày nay nữa đâu 
Từ khi hiền tỉ đi xa, thăm tìm lâu nay, mới biết từ một ni cô bỗng trở thành một vũ vương, vũ sư mà nên địch quốc. Dù rằng nước cành dương vẫy khắp nghìn cành, vẫn không sao bằng góc giường cỏ thơm cùng chung tắm nước cánh sen vậy. Hội ngộ sắp đến, gửi trước thư này. Rất mong rủ lòng đoái tới. 
Thư không nói hết. 
Nhục ái đệ (3) phùng Hoài Nghĩa rập đầu bái. 
1 Hiền tỷ: chị, chỉ Hoài Thanh. 
2 Cờ Thúy Hoa: cờ của vua khi ra khỏi cung, nhắc chuyện Cao Tôn đến Cảm Nghiệp để đưa Vũ Tài nhân về cung, bắt Hoài Nghĩa về chùa Bạch Mã... 
3 Nhục ái đệ: vừa là em trai, vừa là người tình.
 

Mao Nhị thưa tiếp: 
- Hiện còn bốn vị sứ giả được Hoài Nghĩa tướng quân phái đến đang đứng chờ bên ngoài. 
Thạc Trinh lệnh cho dẫn vào. Mao Nhị ra dẫn cả bốn vào trước, chỉ thấy hai bên thương chĩa như rừng, kiếm giương loang loáng, ngồi trên là một phụ nữ đầu đội mũ ngọc quý, mình khoác chiến bào có thêu hình long ám, vẫn không kém vẻ duyêndáng đoan trang. Cả bốn tên thấy thế, vội quỳ, cúi đầu sát đất thưa: 
- Tướng quân của chúng tiểu nhân có lời thăm nương nương. 
Thạc Trinh cất tiếng: 
- Tướng quân Hoài Nghĩa các ngươi, triều đình đối đãi ra sao? 
Một tên thưa: 
- Tốt không thể kể hết. Tướng quân còn gửi riêng cho nương nương một vật này, nay xin dâng lại, nhưng xin nương nương hãy tạm cho tả hữu lui ra cho. 
Thạc Trinh đáp: 
- Đây toàn là tâm phúc của ta cả. 
Tên này liền lấy trong ống tay áo ra một vật dâng lên. Thạc Trinh cầm lấy, thì ra chính là chuỗi bạch ngọc như ý mà lúc chia tay mình tặng Hoài Nghĩa, Thạc Trinh nước mắt thánh thót mà rằng: 
- Ta nghĩ rằng chị em sẽ chẳng còn bao giờ gặp nhau, ai ngờ còn có ngày nay! 
Liền nói với bốn tên sứ giả: 
- Thế thì ngày nay đã là một nhà, các người hãy ở lại đây, đợi Phùng tướng quân tới là xong xuôi mọi chuyện ngay. 
Qua một đêm, canh năm hôm sau, nghe ba tiếng pháo lớn, thám mã như bay vào thưa: 
- Quân giặc đến rồi! 
Thạc Trinh đáp: 
- Đó chính là Phùng tướng quân, chứ đâu còn giặc nào nữa. 
Các trại mặc áo giáp đội mũ, dàn thành trận thế, lại tiếp ba phát pháo lớn, cửa trại mở rộng. Thạc Trinh sai người hỏi: 
- Binh mã đâu đến? 
Lính của Hoài Nghĩa đáp: 
- Chúng ta là lính của Tả vệ đại tướng quân Phùng Hoài Nghĩa. 
- Các ngươi là ai? 
Bọn này đáp: 
- Hiện Văn Giai Hoàng đế đang ở đây? 
Nói rồi quay vào thưa với Thạc Trinh. Thạc Trinh lấy bốn năm chục tên lên ngựa, ra đón thánh chỉ. Hoài Nghĩa cho ba nghìn ngự lâm quân xếp hàng, lại thêm bốn năm chục lính đi theo bưng thánh chỉ, hiên ngang tiến ra, gặp bọn Thạc Trinh ở giữa trại, hương án bày biện, Thạc Trinh bái lạy nhận thánh chỉ. Hai bên gặp gỡ, ôm nhau mà khóc lớn; rồi cùng vào trại sau hàn huyên to nhỏ. Giữa lúc tiệc rượu bày ra, các quan lại sở tại cũng đến ra mắt. Hoài Nghĩa sai người từ tạ, rồi nói với Thạc Trinh: 
- Hiền tỷ đã chịu mệnh chiêu an, nay binh mã nên như thế nào? 
Ta đã quy hàng, thì cứ hãy cùng tướng quân về kinh ra mắt thái hậu, còn binh mã thì hãy cứ đóng tại Mục Châu vậy! 
Hoài Nghĩa nói: 
- Như thế cũng tốt! 
Thạc Trinh liền truyền cho bọn đầu mục, hãy cứ tạm đóng ở Mục Châu chờ thánh ý, còn mình dẫn ba bốn chục thân tín theo, cùng Hoài Nghĩa như keo sơn kéo về Trường An. 
Đi khoảng hai ngày, gặp Tiết Nhân Quý, Hoài Nghĩa kể lại chuyện chiêu an. Nhân Quý nói: 
- Nếu thế thì mọi chuyện yên ổn rồi. Phùng tướng quân cùng hiền tỷ về ra mắt thánh đế, Nhân Quý này xin dâng biểu về trình, còn thì ở lại để trông coi bản địa vậy. 

Nhân Quý liền quay lại Tượng Châu, Hoài Nghĩa cùng Thạc Trinh về Trường An. Hoài Nghĩa vào cung trình với thái hậu. Thái Hậu cho lệnh Thạc Trinh tiến cung. Thấy mặt Thạc Trinh, thái hậu vừa vui vừa buồn, kể lể mọi chuyện từ ngày chia tay, rồi giữ Thạc Trinh lại hai ba ngày trong cung, tặng cho đủ loại vàng ngọc, lụa gấm, lại mua hẳn cho một tòa gác, sắc phong cho Thạc Trinh là Quy Nghĩa vương, làm Tân Khách của thái hậu, Hoài Nghĩa cũng được phong Ngạc Quốc Công. 
Không biết sự thể ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.


 Nguồn maxreading.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved